Thi Sĩ Nguyễn Hữu Loan
Thay đổi trang: < 123 > | Trang 2 của 3 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 44 bài trong đề mục
HongYen 06.08.2005 17:11:40 (permalink)
Hữu Loan, cây gỗ vuông chành chạnh

Thursday, June 23, 2005


Tiêu Dao Bảo Cự

Trích tạp chí Đàn Chim Việt


Đó là mấy từ trong trích đoạn bài thơ Hữu Loan chép tặng tôi vào sổ tay 17 năm trước, với nét chữ cứng cỏi và cách xuống dòng bậc thang đặc trưng trong thơ ông.

Năm đó ông đã 73 tuổi.

"... Tôi là cây

gỗ

vuông

chành

chạnh

suốt đời

đã làm thất bại

mọi âm mưu

đẽo tròn

để muốn tùy tiện

lăn long lóc thế nào

thì long lóc

Chân

tính

đấy

hỡi Rìu, Bào

Phó-Mộc"

(Chuyện Di Tề)

tiếp....
#16
    HongYen 06.08.2005 17:12:58 (permalink)
    tiếp...

    Đó là năm ông “tái xuất giang hồ” rời bỏ làng quê rong ruổi về phương Nam sau 30 năm tự chôn và bị chôn mình ở chốn quê nhà, một nơi đèo heo hút gió ở thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Trong chuyến đi xuyên Việt năm 1988 của đoàn Hội văn nghệ Lâm Đồng và tạp chí Langbian để đòi tự do sáng tác, tự do báo chí, xuất bản và đổi mới thực sự, chúng tôi đã đưa Hữu Loan về lại quê nhà sau gần một năm lang bạt.

    Lần ấy, chép xong mấy câu thơ, ông chỉ tay vào trang giấy nói với tôi: “Anh thấy đó Chữ Rìu, Bào và Phó-Mộc viết hoa. Anh biết tôi muốn ám chỉ ai rồi."

    Dọc đường đất nước trên chuyến đi, ông cũng đọc cho công chúng nghe trong những lần gặp gỡ, bài thơ dài mới nhất của ông, bài "Chuyện tôi về", một loại bút ký thơ kể về thời gian "Ba mươi năm không phải chuyện / Một sớm một chiều/ Một ngày tù đã dài như thế kỷ / Ấy là tù giữa chợ..." Nhưng 30 năm đó, kể từ ngày có vụ án văn nghệ gọi là “Nhân văn Giai phẩm”, và 17 năm sau đó nữa, chẳng có ai dám viết, nói gì về chuyện của ông dù không ít người biết. Ngay cả sau khi gần đây, có hiện tượng xôn xao dư luận là một công ty đã bỏ ra 100 triệu đồng để mua bản quyền bài thơ nổi tiếng “Mầu tím hoa sim” của ông. Nhân sự việc này trên báo chí có một vài bài viết về ông nhưng tuyệt nhiên không ai nhắc đến 30 năm đó, như thời gian này không hề có trong cuộc đời ông.

    Một sự im lặng khủng khiếp không chỉ đè nặng lên riêng đời ông mà còn trói tay những người cầm bút và choàng phủ lên cả đời sống dân tộc. Đó là sức mạnh, sức nặng ghê gớm của bạo lực và cường quyền, của nỗi sợ hãi và lòng hèn nhát, là bi kịch của một đất nước tự cho và cũng được phong tặng là đất nước anh hùng.

    tiếp...
    #17
      HongYen 06.08.2005 17:14:18 (permalink)
      tiếp...

      Trong hoàn cảnh đó, Hữu Loan đã chọn riêng cho mình một lối sống, dù nghiệt ngã nhưng đầy bi tráng. Như ông viết trong “Chuyện tôi về”: “Tôi không làm nhà vì mắc làm người”, “Đi ăn cắp và làm cán bộ là tôi không đi...” Ông thà đi cuốc đất, đập đá và đẩy xe thồ suốt 30 năm để làm “Cây gỗ vuông chành chạnh” không cho ai lăn long lóc, trong khi bao nhiêu văn nghệ sĩ đồng thời với ông đã tha hồ để cho “tùy tiện bị lăn long lóc thế nào thì long lóc” ngoài đời cũng như trong văn học nghệ thuật.

      Kể từ lần gặp gỡ đầu tiên, tôi thực lòng ngưỡng mộ “cây gỗ vuông chành chạnh” Hữu Loan nên trong 17 năm qua, dù trải bao nhiêu khó khăn vây khổn, trong tôi vẫn thôi thúc ý muốn gặp ông lần nữa. Tôi vẫn sợ rằng nếu không còn dịp nào gặp lại ông, đối với tôi đó sẽ là niềm ân hận lớn trong đời.

      Trong chuyến đi xuyên Việt lần thứ hai bằng xe gắn máy năm 2003, tôi đã định đến thăm ông, nhưng rủi thay, khi đến địa đầu tỉnh Thanh Hóa, chỉ còn cách nơi ông ở vài mươi cây số, tôi bị tai nạn phải lên xe đò đi thẳng ra Hà Nội, tôi đành để lỡ dịp trong hối tiếc.

      Đầu năm 2005 này, trong chuyến đi xuyên Việt từ Nam ra Bắc lần thứ 3 bằng nhiều loại phương tiện, tôi nhất quyết đến thăm ông và tôi đã thực hiện được.

      Trên đường trở về bằng chuyến xe du lịch open tour Hà Nội-Sài gòn, tôi xuống xe ở Ninh Bình, một điểm dừng của open tour này, để tìm gặp lại Hữu Loan. Ninh Bình là tỉnh giáp giới phía Bắc của Thanh Hóa. Tôi hỏi thăm biết huyện Kim Sơn của Ninh Bình, nơi có nhà thờ đá Phát Diệm nổi tiếng, cách thị xã Ninh Bình 30 cây số nằm tiếp giáp với huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, nơi Hữu Loan đang ở. Tôi thuê một xe gắn máy và tự mình tìm đường đi sau khi nghiên cứu bản đồ. 17 năm trước tôi đến nhà ông theo đường quốc lộ 1 từ thị xã Thanh Hóa ra, lần này đi ngược lại từ phía Bắc vào, theo một con đường khác.

      tiếp...
      #18
        HongYen 06.08.2005 17:16:00 (permalink)
        tiếp...

        Sau khi đến nhà thờ Phát Diệm, nhà thờ đá xưa nhất và lớn nhất Việt Nam, nơi hết địa phận huyện Kim Sơn, người ta bảo phải đi khoảng 20 cây số nữa mới đến trung tâm huyện Nga Sơn. Tôi chạy theo con đường liên tỉnh lộ nhỏ hẹp, phía Nga Sơn xem ra không trù phú bằng bên Kim Sơn, nơi có những cánh đồng lúa cò bay thẳng cánh, với những đàn vịt trắng xóa bờ kênh và rất nhiều nhà thờ hai bên đường. Tôi vừa đi vừa hỏi thăm đến thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh. Giờ này đã gần trưa, con đường trải nhựa liên xã vắng vẻ. Đến nơi, tôi hỏi thăm mấy em nhỏ học sinh đang chơi la cà trên đường. Các em chỉ cho tôi con đường chạy thẳng đến chân núi, gần đó có chỗ rẽ vào một lối nhỏ đúc bê tông. Tôi thầm nghĩ không lẽ người ta đã thay đổi tư duy, trọng thị nhà thơ nên đã cho làm con đường bê tông ở xóm nhỏ heo hút này. Vào đó hỏi tiếp, mấy người lại nói cho tôi biết nhà ông Hữu Loan ở chỗ nhà lầu hai tầng đang xây bên phải. Hai người nói như thế, làm tôi càng ngạc nhiên vì cách họ nói mấy từ "nhà lầu hai tầng" nghe có vẻ khác lạ, bao hàm sự thán phục như nói về một cái gì phi thường ở thôn xóm không có mấy nhà khang trang này. Tôi lại nghĩ không lẽ Hữu Loan đã được "đổi đời" rồi vì lần trước đến, căn nhà do chính tay ông dựng nên từ xưa vừa bị sập và mấy năm sau đó tôi nghe tin loáng thoáng ông được xây "nhà tình nghĩa" và tài trợ xuất bản tập thơ. Dù sao nếu được như thế tôi cũng mừng cho ông.

        Tôi đã mừng hụt. Nhà Hữu Loan chỉ là căn nhà cũ kỹ phía sau “nhà lầu hai tầng đang xây” mà thôi. Đằng sau cánh cổng sắt hơi tối dưới bóng cây âm u, một phụ nữ đang nằm trên chiếc võng treo ngang qua cổng và hai con chó đen dưới chân nhâu nhâu lên sủa. Chị đứng dậy suỵt chó im và khi tôi hỏi Hữu Loan, chị bảo "ông cháu có nhà". Chị tự giới thiệu là con dâu của ông. Chị mở cổng đưa chúng tôi vào nhà mời ngồi ở chiếc ghế gỗ vừa vội vàng dọn dẹp căn phòng ngổn ngang bề bộn mọi thứ linh tinh. Chị loay hoay pha trà mời chúng tôi với bộ ấm chén xỉn màu và cho biết Hữu Loan đang ốm. Chị nói thêm bình thường chỉ có hai ông bà ở nhà, mấy hôm nay ông ốm nên chị đến chăm sóc.

        Trong khi nói chuyện với chị, chúng tôi quan sát căn phòng và nghe tiếng ho sù sụ ở phòng kế bên, sau khung cửa không có cánh tối om, được che bằng tấm màn vải cũ kỹ.

        Căn phòng không có trần, đồ đạc không có gì giá trị. Trên tường có treo mấy tấm hình. Một tấm chụp Hữu Loan đứng bên cạnh bức tượng của mình, tác phẩm điêu khắc của Phạm Văn Hạng năm 1990 theo như ghi chú bên dưới. Một tấm chụp lại phác thảo chân dung bà Phạm thị Nhu (tức bà Hữu Loan) do một họa sĩ nào đó ký tên không rõ vẽ tặng ông. Đặc biệt chiếc bàn thờ đơn sơ, chỉ là một mảnh ván đóng lên tường với mấy bình nhang cắm hoa giấy và vỏ một hộp bánh bằng các tông, phía trên chỉ treo một bức thư pháp viết chữ Tâm bằng Hán tự, nét chữ sắc sảo và cứng cỏi, bên ngoài có nhện giăng và bụi bám.

        tiếp...
        #19
          HongYen 06.08.2005 17:17:14 (permalink)
          tiếp...

          Nói chuyện một lúc, tôi ngỏ ý với chị con dâu muốn vào tận giường thăm Hữu Loan nếu ông ốm nặng thì nghe tiếng dép lệt sệt bước ra. Trước mắt tôi, Hữu Loan không còn phong độ như năm nào. Ông đội chiếc mũ len, quấn khăn quàng, mặc áo khoác bên ngoài áo len trong khi vào nhà nóng, tôi phải cởi áo khoác. Khuôn mặt ông có sắc hồng nhưng không phải nét hồng hào khỏe mạnh. Đôi mắt nhỏ sáng quắc năm xưa đã phần nào mờ mịt. Tôi đứng lên chào và hỏi ông còn nhớ tôi không, ông nhìn tôi ngẫm nghĩ rất lâu không nói gì. Khi tôi nói tên và nhắc lại chuyến đi xuyên Việt năm xưa, ông ôm lấy tôi và nói "Còn sống để gặp lại nhau là mừng lắm rồi".

          Ông mời tôi ngồi xuống ghế. Tôi nói tìm đường vào nhà ông cũng khá vất vả. Ông bảo ai muốn tìm đừng hỏi ngay đến nhà ông vì hỏi như thế chúng nó không chỉ đâu. Chúng nó được lệnh rồi. Tôi ôn lại chuyện xưa nhưng kinh ngạc thấy ông còn nhớ rất ít. Ngay cả bài thơ "Chuyện tôi về" ông tâm đắc ngày ấy và đã đọc hàng chục lần trước công chúng ông cũng quên. Ông bảo tôi đọc cho ông nghe nhưng tôi chỉ thuộc vài câu. Tôi hỏi bản thảo có còn không, ông bảo đã mất hay để đâu ông không nhớ. Bây giờ mắt ông không đọc được chữ nữa, khi cần phải nhờ con cháu đọc.

          Tuy nhiên những chuyện và những bài thơ xưa hơn ông lại nhớ rất rõ. Ông kể đi kể lại việc một người được giao nhiệm vụ giết ông nhưng mỗi lần sắp ra tay lại không nỡ vì nhớ đến bài thơ ông viết về quê hương anh ta. Chính anh ta đã nói lại với ông chuyện đó và ông đọc bài thơ cho tôi nghe. Ngồi nói chuyện khá lâu, và vì lúc chạy xe trên đường hơi bị lạnh, cảm thấy thèm thuốc lá, tôi rút bao thuốc xin phép ông hút nhưng ông nghiêm mặt chỉ tay vào tôi nói: "Tôi cấm anh". Tôi gượng cười cất bao thuốc và nói hiện nay tôi còn nghiện một thứ chưa bỏ được là thuốc lá. Ông nói ngay: "Cái gì có hại phải bỏ. Có gì mà không bỏ được. Ngay cộng sản là thứ ghê gớm mà tôi còn bỏ được huống gì thuốc lá."

          Lát sau, ông bắt đầu ho nhiều hơn và khạc nhổ đờm xuống đất, tôi tỏ ra quan ngại về sức khỏe của ông nhưng ông bảo ông chỉ bị cảm mấy ngày nay thôi. Ngày thường ông vẫn ra ngoài được và thường xuyên tập khí công. Tôi hỏi ông tập theo phương pháp nào và vào lúc nào. Ông bảo ông tập bất cứ lúc nào, kể cả khi ngồi, nằm, đi lại.

          tiếp...
          #20
            HongYen 06.08.2005 17:18:44 (permalink)
            tiếp...

            Hỏi thăm về gia đình, ông cho biết ông có 10 người con, 30 cháu và tỏ ra không vui vì hoàn cảnh con cháu. Người con đầu thông minh, thuộc loại học giỏi nhất tỉnh nhưng thời đó vì chuyện của ông, anh không được vào đại học. Đến nay chỉ có người con trai út tốt nghiệp kiến trúc sư đang làm việc ở Hà Nội, còn những người khác đều lập gia đình, làm ruộng, làm nghề và ở quanh quẩn gần đó.Về nguồn sống của ông bà, ông bảo thu nhập chính của ông là tiền bán củi. Củi ở đây là cọng và lá dừa khô của hơn chục cây dừa rất cao do chính ông trồng từ xưa. Vùng này người ta chuộng thứ củi dừa vì có sẵn trong vườn và cháy tốt.

            Bà Hữu Loan đi đâu về, nghe cô con dâu báo, vội lên chào khách. Gặp tôi bà nhớ ra ngay. Có lẽ tôi gây ấn tượng cho bà vì lần trước chúng tôi đã giúp đưa ông về sau khi ông "bỏ nhà ra đi" cả năm trời. Lần đó tôi đã khen bà mặc áo tím đẹp khi Hữu Loan giới thiệu bà với chúng tôi lúc gặp bà ngồi bán hàng trên đầu cầu. Tôi cũng đã hỏi bà có phải vì Hữu Loan thích mầu tím nên bà mặc áo tím không. (Dĩ nhiên bà là vợ sau của Hữu Loan vì người vợ đầu của ông, mới "cưới nhau xong là đi", "nhưng không chết người trai khói lửa / Mà chết người em gái nhỏ hậu phương" đã gây xúc động cho Hữu Loan viết nên bài thơ "Mầu tím hoa sim" bất hủ).

            Bà Hữu Loan bây giờ đã hơn 70 tuổi nhưng bề ngoài trông có vẻ còn khỏe mạnh dù bà bảo cũng đang bị nhiều bệnh mãn tính. Bà mời tôi ở lại dùng cơm. Lúc đó đã quá trưa, gần xế chiều, tôi hơi ái ngại và cũng sợ về muộn vì còn phải đi đường xa nên xin cáo từ. Bà bảo không lẽ khách từ trong Nam ra thăm mà không mời được bữa cơm, hơn nữa nhà cũng chưa ăn trưa, thức ăn có sẵn, chỉ nấu quàng nồi cơm là xong. Tôi đành nán lại.

            Bữa ăn bà đãi chúng tôi quả có nhiều món có sẵn mà bà dự trữ để ăn dần. Cá kho, canh rau nấu với thịt heo, tép kho ăn ghém với khế chua hái trong vườn, lại thêm món trứng tráng. Hình như tất cả các thứ dự trữ bà đều mang ra mời khách. Chúng tôi vừa ăn vừa phải luôn tay xua đàn ruồi bay vù vù chung quanh. Hữu Loan chỉ ăn được lưng hai bát cơm.

            Trong khi ăn bà nói chuyện vui. Bà kể dạo ông đi nam, ông viết thư về bảo có mấy cô còn trẻ mê ông muốn lấy ông, làm vợ bé, ông còn dám bảo “có lẽ cũng phải lấy thôi.” Nghe nhắc đến chuyện đó mắt Hữu Loan ánh lên nét tinh quái và ông mỉm cười nói: "Vì thế tôi mới gọi bà là Thiến Thư. Thiến Thư chứ không phải Hoạn Thư". Chúng tôi đều cười xòa.


            tiếp...
            #21
              HongYen 06.08.2005 17:20:18 (permalink)
              tiếp...

              Dạo đó hình như bà cũng có ghen thật. Tôi nghe nói bà đã xé mấy bức ảnh ông chụp chung với mấy cô gái trẻ. Bây giờ ông đã 90 tuổi, bà hơn 70, nhưng nhắc đến chuyện tình yêu, ghen tuông, hai ông bà vẫn còn xúc cảm, tuy trong một trạng thái khác. Đúng là chuyện không tuổi và của muôn đời. Câu chuyện vui không làm tôi bớt cảm giác phiền muộn trong lòng khi nghĩ về hoàn cảnh Hữu Loan hiện nay. Dĩ nhiên Sinh-Lão-Bệnh-Tử là chuyện tất yếu của đời người. Nhưng hình ảnh một ông già ốm yếu ho hen, lẩn quẩn trong căn nhà cũ kỹ với người vợ tuổi đã cao, cũng nhiều bệnh tật, có cái gì làm tôi ám ảnh. Hơn nữa, người đó lại là Hữu Loan.

              Lẽ ra ông đã có một cuộc sống khác. Một nhà thơ tài hoa, một trí thức, một chiến sĩ cách mạng dày dạn, từ thời khởi nghĩa chống Pháp giành chính quyền mới hơn 20 tuổi đã phụ trách 4 ty của tỉnh, một cán bộ tuyên huấn sư đoàn xuất sắc... Đúng ra phải có vị trí xứng đáng và cuộc sống tốt hơn so với bao nhiêu người bất tài đang nắm giữ chức quyền và sống xa hoa phung phí hiện nay.

              Tôi nghĩ thực ra chính ông đã chọn cuộc sống này từ khi làm bài thơ “Mầu tím hoa sim” và tham gia “Nhân văn Giai phẩm”, sau đó tự ý bỏ về quê nhà. Trong khi người ta lên án tư tưởng tiểu tư sản ủy mị thì ông làm bài thơ khóc người vợ trẻ lúc từ chiến trường trở về phải ngồi bên “ngôi mộ đầy bóng tối với chiếc bình hoa ngày cưới thành bình hương tàn lạnh vây quanh” của người con gái vắn số không kịp chờ ông. Ông không thể "giữ lập trường", nén đau thương, xúc cảm của mình theo chỉ thị của lãnh đạo. Con người không phải là gỗ đá, không phải là súc vật phản xạ có điều kiện. Nhà thơ chân chính càng không thể chỉ nặn ra những tác phẩm theo đơn đặt hàng hay những bài tuyên truyền sáo rỗng dối trá dù là theo "yêu cầu của cách mạng" đi chăng nữa. Chính vì thế sau khi viết "Mầu tím hoa sim", ông bị kiểm điểm, bài thơ bị cấm phổ biến công khai nhưng lại được chính các chiến sĩ chép tay lén lút, đọc thầm cho nhau nghe, và sau đó vượt không gian, thời gian đi vào lòng người để trở thành một trong những bài thơ tình bất hủ của thi ca Việt Nam.

              Cùng với các văn nghệ sĩ trong nhóm "Nhân văn Giai phẩm", Hữu Loan đã dùng ngòi bút để lột trần, lên án cái ác núp dưới bất cứ thứ nhân danh, chiêu bài nào "Nhân văn Giai phẩm" là sự lựa chọn quyết liệt của những người làm văn học nghệ thuật chân chính với tinh thần "Lời mẹ dặn" của Phùng Quán. "Yêu ai cứ bảo là yêu / Ghét ai cứ bảo là ghét". Đó là đỉnh cao của văn học nghệ thuật, cũng là đỉnh cao của trí tuệ và nhân cách. Đỉnh cao đó tất yếu bị phá đổ, vùi dập khi quyền bính được xây dựng bằng bạo lực và dối trá. Sự lựa chọn đó là một lựa chọn sinh tử và đã phải trả giá đắt, đắt bằng sự khốn cùng của đời người, bằng một vết nhơ lớn trong lịch sử dân tộc.

              Khi tôi hỏi về chữ Tâm treo trên bàn thờ, Hữu Loan bảo chính tay ông viết và suốt đời ông chỉ thờ một chữ Tâm.


              tiếp....
              #22
                HongYen 06.08.2005 17:21:42 (permalink)
                ....

                Tôi chợt nhớ đến những điều ông nói trong chuyến đi xuyên Việt năm xưa mà tôi đã ghi lại trong bút ký "Hành trình cuối Đông"


              • “Cái tâm mới là điều quan trọng trong văn học.” “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.” “Sai lầm của chế độ là đã đề cao giai cấp tính, đến chỉ còn đẳng cấp thống trị. Giai cấp tính không bằng nhân đạo tính.” Với cái tâm trong sáng của mình, Hữu Loan đã thấu suốt tình hình đất nước và có những nhận định sắc bén:

                "Đất nước ta là nơi nói giỏi nhất nhưng làm sai nhiều nhất, người sai lầm ít thì bị tội nặng, không được sửa sai, như bác sĩ làm chết người, lái xe gây tai nạn bị lấy bằng, đi tù, còn những người làm sai nhiều, giết nhiều người, làm hại làm khổ hàng triệu người thì lại được sửa sai, nói dễ dàng "sai thì sửa".”

                “Người nói thật cũng bị trừng trị. Tôi cũng bị trừng trị vì tôi viết văn là nói thật. Có người hỏi động cơ viết văn của tôi là gì, tôi trả lời động cơ viết văn của tôi là thích chửi vua. Ít ai dám chửi vua nhưng vua sai thì nhà văn có quyền chửi."

                Vào thời điểm đó, Hữu Loan nhấn mạnh về sứ mạng của nhà văn:


                "Bây giờ nhà văn chỉ cần làm thư ký của thời đại là đã lớn lắm rồi. Hiện thực nỗi đau của nhân dân rất vĩ đại. Vấn đề không phải có lớn không mà là có dám lớn không."

                Dám nói thật và động cơ viết văn “thích chửi vua” chính là sứ mạng, nhân cách và bản lĩnh của người cầm bút trong những thể chế hay giai đoạn lịch sử mà sự sai lầm và độc đoán lên ngôi thống trị. Đó cũng là "định mệnh" của nhà văn chân chính. Định mệnh của những người đã lựa chọn cuộc chiến đấu không cân sức:


                "Chuyện Hữu Loan là chuyện

                ....
              • #23
                  HongYen 06.08.2005 17:23:40 (permalink)
                  ....

                  "Chuyện Hữu Loan là chuyện

                  Một vạn chín trăm năm mươi ngày gấp hơn

                  mười lần chuyện Ba Tư

                  vô cùng căng thẳng

                  Giữa hai bên

                  một bên là chính quyền có

                  đủ thứ nhân dân

                  quân đội nhân dân

                  tòa án nhân dân

                  nhà tù nhân dân

                  và nhất là

                  cuồng tín nhân dân

                  thứ bản năng ăn sống

                  nuốt tươi

                  ăn lông ở lỗ nguyên thủy

                  được huy động đến

                  tột cùng

                  sẵn sàng hủy

                  cũng như tự hủy

                  một bên nữa là

                  một người tay không

                  với nguyện vọng

                  vô cùng thiết tha

                  được làm người lương thiện

                  nói thẳng

                  nói thật

                  bọn ác

                  bọn bịp

                  thì chỉ tên vạch mặt

                  người nhân thì

                  xin thờ

                  như Thuấn Nghiêu.”

                  (Chuyện tôi về)


                  Cuộc sống của Hữu Loan thời kỳ đêm dài 30 năm đúng là “vô cùng căng thẳng”, đặc biệt khi “cuồng tín nhân dân” còn bị nhồi sọ và kích động bởi bộ máy tuyên truyền hùng hậu.

                  Thời kỳ đó đã qua và hiện nay những nhà văn chân chính như Hữu Loan không cô độc nữa, dù cũng còn phải chịu đựng không ít khó khăn trù dập. Trung thực và dũng cảm vẫn là điều không thể thiếu khi nhà văn muốn nói lên sự thật.

                  Riêng Hữu Loan, ông đã giữ vững sự lựa chọn đó đến cuối đời. Theo tôi biết, nếu không lầm, sau thời kỳ đổi mới, Hữu Loan là người duy nhất không làm đơn xin khôi phục hội tịch Hội Nhà văn Việt Nam.


                • Cuộc sống của ông cho đến tận hôm nay, dù trải qua bao nhiêu gian nan khốn cùng, đó vẫn là một cuộc sống làm người tử tế đúng nghĩa. Hơn nữa đó còn là một cuộc đời bi tráng rực rỡ, lấp lánh niềm đau và khí phách như những bài thơ của chính ông.

                  Hôm trước ở Hà Nội, tôi nghe nói con trai út của ông định sắp tới sẽ tổ chức thượng thọ 90 tuổi cho ông với mục đích để bạn bè trong Nam ngoài Bắc có dịp gặp ông một lần trước khi ông quá già yếu.

                  Tôi may mắn đã được gặp lại ông trước dịp này.

                  Cuộc đời Hữu Loan chính là một tượng đài của nhân cách, lòng trung thực và khí phách anh hùng. Tượng đài đó có thể biểu trưng bằng “Cây gỗ vuông chành chạnh” và một chữ Tâm. Người xưa nói "Dụng nhân như dụng mộc". Cây gỗ vuông này thời đại của ông không dùng nhưng lịch sử sẽ dựng lên thành một tượng đài, cũng là một loại bút "tả thanh thiên" lồng lộng giữa đất trời.

                  Tháng 6 năm 2005

                  TDBC

                  http://nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=27411&z=12
                • #24
                    HongYen 06.08.2005 17:55:54 (permalink)

                    Post #: 17
                    thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.




                    Capital city: Thanh Hoa
                    Area (sq km): 111,680
                    Population: 3,509,600
                    Average temp: 23 - 24°C
                    Ethnic data: Viet/Kinh, Dao, H’mong, Lao, Lu, Muong, Red Thai, Thai, Tho.
                    Districts/wards: Bim Son, Ba Thuoc, Cam Thuy, Dong Son, Ha Trung, Hau Loc, Hoang Hoa, Lang Chanh, Muong Lat, Nga Son, Ngoc Lac, Nhu Thanh, Nhu Xuan, Nong Cong, Quan Hoa, Quan Son, Quang Xuong, Sam Son, Thach Thanh, Thieu Hoa, Tho Xuan, Thuong Xuan, Tinh Gia, Trieu Son, Vinh Loc, Yen Dinh.
                    #25
                      HongYen 06.08.2005 17:57:01 (permalink)
                      Nhà thơ Hữu Loan và mối tình mang "màu tím hoa sim"

                      Vào một ngày cuối năm 2003, dưới tán lá cây bồ đề trong vườn nhà ông, dưới chân núi Văn Lỗi của làng Văn Hoàn (xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, cách TP Thanh Hóa chừng 50 km), bên chiếc chõng tre cũ kỹ, nhà thơ Hữu Loan đã kể cho tôi nghe về mối tình lãng mạn nhưng cũng hết sức bi thương của ông - mối tình đã làm nên bài thơ nổi tiếng màu tím hoa sim.

                      Hữu Loan sinh năm 1914, trong một gia đình tá điền. Không được đến trường, chỉ học bữa được bữa không tại nhà do người cha dạy dỗ. Bù lại, ông có tư chất rất thông minh. Người làng Văn Hoàn kể rằng vào khoảng năm 1938, Hữu Loan vác lều chõng ra Hà Nội đua tài. Số đỗ kỳ thi ấy thật hiếm hoi. Cùng đỗ với Hữu Loan còn có Nguyễn Đình Thi, Hồ Trọng Gin, Trịnh Văn Xuân, Đỗ Thiện... Năm 24 tuổi. Hữu Loan rời quê nhà lên TP Thanh Hóa dạy học. Lúc bấy giờ, ở TP Thanh Hóa có cửa hàng bán vải và bán sách của bà Tham Kỳ (tên thật là Đái Thị Ngọc Chất, vợ của ông Lê Đỗ Kỳ - kỹ sư canh nông, có thời làm Tổng Thanh tra canh nông Đông Dương, sau này là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Hữu Loan thường lại xem và mua sách và trở thành gia sư cho người con trai cùng cô con gái yêu của gia đình bà là Lê Đỗ Thị Ninh, lúc ấy mới tám tuổi.

                      Hữu Loan kể: "Lần đầu tiên tôi tới nhà, bà Chất phải gọi mãi cô bé Ninh mới chịu ra khoanh tay chào thầy, miệng nói lí nhí: "Em chào thầy ạ!". Chào xong cô bé bất ngờ mở to mắt nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt to, đen láy, tròn xoe như có ánh chớp ấy đã hằn sâu vào tâm trí tôi, theo tôi suốt cả cuộc đời. Thế là từ hôm ấy, tôi dạy em đọc, viết. Em là một cô bé thông minh, ít nói và mỗi lần mở miệng là giống y như một "bà cụ". Có lần tôi kể chuyện này cho hai người anh của em nghe. Không ngờ câu đùa ấy đến tai em. Thế là em dỗi! Suốt một tuần liền, em nằm lì ở buồng trong, không chịu học hành. Trước đó, hằng ngày em vẫn chăm sóc tôi một cách rất thầm kín. Lúc thì đặt vào góc mâm chỗ tôi ngồi ăn một vài quả ớt đỏ au em vừa hái ở vườn, lúc thì quả chanh mọng nước... Những buổi trưa hè, khi tôi ngủ trưa, em lén lấy chiếc áo sơ mi trắng của tôi treo ở góc nhà đem ra giếng giặt".

                      Một hôm, em nằng nặc đòi tôi đưa em lên khu rừng thông. Tôi sợ em lại dỗi nên đánh liều xin với ông bà Tổng Thanh tra cho đưa em lên núi chơi. Xe kéo chạy chừng một giờ mới tới được chân đồi. Em leo đồi nhanh như một con sóc. Tôi đuổi theo em đến đứt cả hơi. Lên tới đỉnh đồi, em ngồi xuống và bảo tôi: "Thầy ngồi xuống đi!". Tôi ngồi xuống bên em. Chúng tôi cứ ngồi thế và chẳng nói gì. Bất chợt em nhìn tôi, rồi ngước mắt nhìn ra tít tận chân trời. Không hiểu lúc đó em nghĩ gì. Bỗng em hỏi tôi: "Thầy có thích ăn sim không?". Tôi nhìn xuống sườn đồi: tím ngắt một màu sim. Em đứng lên và đi xuống sườn đồi. Tôi mệt quá và nằm thiếp đi trên thảm cỏ. Khi tỉnh dậy, tôi thấy em đã ngồi bên tôi với chiếc nón đầy ắp sim. Những quả sim đen nhánh, chín mọng. "Thầy ăn đi!". Tôi cầm quả sim từ tay em đưa lên miệng. "Ngọt quá!" - tôi trầm trồ. Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân. Quả sim đối với tôi chẳng lạ lẫm gì nhưng thú thật chưa bao giờ tôi được ăn những quả sim ngọt đến thế. Cứ thế, chúng tôi ăn hết quả này tới quả khác. Tôi ngước nhìn em, em cười. Hai hàm răng em đỏ tím, đôi môi cũng đỏ tím, hai bên má thì tím đỏ: một màu... sim. Tôi cười phá lên, em cũng cười theo...

                      Cuối mùa đông năm ấy, tôi lên đường đi kháng chiến. Hôm tiễn tôi, em cứ theo mãi ra tận đầu làng và lặng lẽ đứng nhìn theo. Tôi đi... Lên đến bờ đê, nhìn xuống đầu làng, em vẫn đứng đó nhỏ bé và mong manh. Em giơ bàn tay nhỏ xíu như chiếc lá sim vẫy tôi. Tôi đi... Tôi quay đầu nhìn lại... Tôi lại đi và nhìn lại cho tới khi không còn nhìn thấy em nữa.

                      Những năm tháng ở chiến khu, thỉnh thoảng tôi có nhận được tin tức từ quê lên, tôi biết em vẫn khỏe và đã khôn lớn. Chín năm sau, tôi trở lại nhà... Về Nông Cống tìm em. Hôm gặp em ở đầu làng, tôi hỏi em, hỏi rất nhiều nhưng em không nói, chỉ bẽn lẽn lắc hoặc gật đầu. Em giờ đây không còn là cô học trò Ninh bướng bỉnh nữa rồi. Em đã 16 tuổi, đã là một cô gái xinh đẹp. Một tuần sau đó, chúng tôi kết hôn. Đám cưới thật đơn sơ:

                      "Tôi mặc đồ quân nhân

                      đôi giày đinh

                      bết bụi đất hành quân

                      nàng cười xinh xinh

                      bên anh chồng độc đáo".

                      Khỏi phải nói chúng tôi hạnh phúc như thế nào. Hai tuần phép của tôi trôi đi nhanh quá. Hôm tiễn tôi lên đường, em vẫn đứng ở đầu làng, nơi tám năm về trước em đã đứng. Chỉ có điều giờ đây em không còn là cô bé Ninh nữa mà đã là người bạn đời yêu quý của tôi. Tôi đi, tôi lại quay đầu nhìn lại... Nếu như tám năm về trước tôi đi, tôi nhìn lại và chỉ cảm thấy một nỗi buồn man mác thì lần này tôi thực sự đau buồn. Đôi chân tôi như quỵ xuống... Em cũng như quỵ xuống...

                      Ba tháng sau, tôi nhận được tin dữ: Vợ tôi qua đời. Em chết thật thảm thương! Hôm đó là ngày 29-5 âm lịch năm 1948. Em đưa quần áo ra giặt ở sông Chuồng (thuộc ấp Thị Long, Nông Cống). Đang giặt em trượt chân. Con nước lớn đã cuốn em vào lòng nó, cướp đi của tôi người bạn đời tri kỷ, để lại cho tôi nỗi đau không gì có thể bù đắp nổi. Nỗi đau ấy, hơn 60 năm qua, vẫn nằm sâu thẳm trong trái tim tôi...

                      Nỗi đau ấy tôi phải giấu kín trong lòng. Tôi như một cái xác không hồn. Dường như nỗi đau càng bị kìm nén thì càng dữ dội hơn. May sao sau đó có đợt chỉnh huấn. Cấp trên bảo ai có tâm tư gì thì cứ nói ra, nói cho hết. Chỉ chờ có thế, cơn đau trong tôi được dịp bung ra. Chẳng cần phải suy nghĩ gì, những chuyện mộc mạc cứ trào ra:

                      "Nhà nàng có ba người anh đi bộ đội

                      Những em nàng

                      có em chưa biết nói

                      Khi tóc nàng xanh xanh...

                      Tôi về

                      không gặp nàng...".

                      Theo Pháp luật TPHCM

                      Nguồn: http://hanoi.vnn.vn/vanhoc/chan_dung/baitinchitiet.asp?baitinID=BT2020439959

                      http://www.chuyenluan.com/200410/0410_21.htm
                      #26
                        HongYen 06.08.2005 17:58:19 (permalink)
                        Lá thư của một Liệt sỹ và bài thơ 'Màu tím hoa sim'

                        Ông là anh cả của nhân vật chính trong "Màu tím hoa sim": "Nàng có ba người anh đi bộ đội/ Những em nàng/ Có em chưa biết nói"...

                        Người viết bức thư cuối cùng này là Lê Đỗ Khôi, người xã Đông Cương (Đông Sơn, Thanh Hóa). Thư gửi cho mẹ trên đường hành quân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Lê Đỗ Khôi ngày ấy chưa tới 30 tuổi, đang là Chính trị viên Tiểu đoàn 115, Trung đoàn 165 Thành đồng Biên giới, Đại đoàn 312. Là anh cả trong một gia đình trí thức đông anh em ở tỉnh Thanh Hóa, người em tiếp theo của ông là Lê Đỗ Nguyên, tức Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Người em thứ ba là Lê Đỗ An, tức Nguyễn Tiên Phong, nguyên Bí thư Trung ương Đoàn - Phó Ban dân vận Trung ương. Ba anh em ông có người em gái là Lê Đỗ Thị Ninh - là nhân vật chính trong bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan viết năm 1948.

                        Trung tướng Phạm Hồng Cư kể lại trường hợp hy sinh của Lê Đỗ Khôi: "Anh cả tôi từng là cán bộ chỉ huy pháo binh ở trận địa Xuân Tảo, ngoại thành Hà Nội. Tại đây, đơn vị đã cùng Pháo đài Láng nổ những phát súng đầu tiên vào thành Hà Nội mở đầu cho cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1946. Đúng 10h sáng ngày 7/5/1954, Đại đoàn 312 chuẩn bị tiến công vào Sở chỉ huy của địch ở Mường Thanh thì bom địch dội trúng Sở chỉ huy Tiểu đoàn 115 của anh Khôi. Cả Ban chỉ huy Tiểu đoàn đã hy sinh, anh Khôi mất trước giờ toàn thắng có vài tiếng đồng hồ. Anh mất đi khi mới có người yêu hẹn ở hậu phương ngày về sẽ làm lễ thành hôn". Người yêu của anh Khôi là một cô gái ngoại thành, cháu ruột một trí thức cách mạng ở vùng Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh. Người con gái mà anh Khôi hẹn về làm lễ thành hôn, sau tiếp quản Thủ đô, được tin người yêu đã mất, cô đau đớn buồn tủi và mãi tới 5 năm sau mới đi lấy chồng.

                        Còn bức thư cuối cùng của liệt sĩ Lê Đỗ Khôi đã được gia đình cất giữ vừa đúng 50 năm. Vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng ĐBP, Trung tướng Phạm Hồng Cư mới đưa tôi xem bức thư đó, nội dung như sau: "Má con ở nhà độ này có khỏe không, chắc là má con đã già nhiều và có phần yếu vì sức khỏe của má con không được dồi dào lắm. Con nhờ ba chuyển tất cả tình nhớ yêu của con cho má, và mong má con sống khỏe đến ngày chúng con trở về đông đủ trong vinh quang của dân tộc, hạnh phúc gia đình nhà ta lại bền chặt gấp bội xưa. Mấy em con Bình, Thái, Ngọc, Xuyên chắc chúng nó lớn rồi. Con không nhận ra chúng nếu gặp buổi đầu tiên, cũng như hôm con gặp em Cát mãi mới nhận ra. Cuối cùng con kính chúc ba má lúc nào cũng khỏe, cũng hăng hái bền bỉ kháng chiến và chúng con luôn luôn cố gắng phục vụ để hoàn thành nhiệm vụ với gia đình và đất nước. 1/11/1953. Con Lê Đỗ Khôi".

                        Bức thư ngắn gọn xúc động với tấm lòng thành kính của một người con. Bức thư đến tay thân mẫu của liệt sĩ thì người cha thân yêu của anh cũng qua đời vào tháng 6/1954, tức là sau khi Khôi hy sinh một tháng. Một gia đình trong hai tháng có hai cái tang lớn, thật đau đớn biết bao.

                        Trong một buổi giao lưu mừng 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Trung tướng Phạm Hồng Cư (ngày ở Điện Biên, ông là Phó chính ủy Trung đoàn 36 Đại đoàn 308 trấn giữ cánh đồng phía tây Điện Biên) thay mặt các cựu chiến binh Điện Biên đã phát biểu: "Trong chiến thắng Điện Biên có biết bao liệt sĩ đã nằm lại trên mảnh đất Điện Biên anh hùng. Chính người anh cả của tôi là Lê Đỗ Khôi đã nằm lại cách đây có hơn 100m, anh tôi hy sinh vào một buổi sớm trước giờ toàn thắng ở Điện Biên...". Có một điều thật xúc động là trong các tấm bia liệt sĩ ở Điện Biên thì có tới 5 người tên là Khôi quê Thanh Hóa: Hoàng Văn Khôi, Lê Văn Khôi, Trịnh Văn Khôi và 2 người tên Nguyễn Văn Khôi. Nhiều lần về Điện Biên, các em của Lê Đỗ Khôi lên viếng nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên thấy tên anh Khôi nhưng khác họ nên đã từng nghĩ rằng có thể Ban quản lý nghĩa trang ghi nhầm.

                        Nhưng đúng vào dịp 50 năm kỷ niệm chiến thắng Điện Biên, một người em của liệt sĩ Khôi được sự giúp đỡ tận tình của Sở LĐTBXH Lai Châu cho đọc tất cả tên các liệt sĩ đã được ghi vào sổ vàng để tìm xem vì sao tên anh mình chưa có, hay chưa đúng họ. Trung tướng Hồng Cư lại vào. Sau đó, Cục Chính sách (Tổng Cục Chính trị) đã có công văn gửi Cục quản lý chính sách người có công (Bộ LĐTBXH) để đính chính và bổ sung tên liệt sĩ Lê Đỗ Khôi. Trong dịp được đi cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên dự lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng ĐBP, Trung tướng Phạm Hồng Cư đã được nhìn tận mắt tên người anh ruột của mình Lê Đỗ Khôi trên tấm bia ở hàng cuối cùng, đó là danh sách bổ sung mới nhất nhân dịp Chiến thắng ĐBP.

                        Người mẹ của liệt sĩ Lê Đỗ Khôi mà anh đã viết trong bức thư cuối cùng là con gái của một vị khoa bảng ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Trong kháng chiến chống Pháp, cụ hoạt động trong Hội Mẹ chiến sĩ, chăm sóc động viên các cán bộ chiến sĩ ở Liên khu 4 và Thanh Hóa. Sau ngày người cha thân yêu của Lê Đỗ Khôi (là ông Lê Đỗ Kỷ, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946) qua đời thì gia đình đón thân mẫu của ông ra Hà Nội, ở khu phố Phạm Đình Hổ. Bà là một Đảng viên tích cực hoạt động trong chi bộ và tổ dân phố. Sau khi bà qua đời, nhiều tướng lĩnh, cán bộ chiến sĩ ở Liên khu 4 và Thanh Hóa thường ghé qua nhà thắp hương tưởng niệm vì một thời bà đã có công chăm sóc họ. Họ nhớ về bà như một người mẹ chiến sĩ yêu quý.

                        Đó là một gia đình trí thức, một gia đình kháng chiến từng bước vào bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan. Nhiều thế hệ sau này vẫn tìm đến bài thơ Màu tím hoa sim để nhớ về một chặng đường văn học, một chặng đường kháng chiến và một chặng đường đời. Người con gái của Màu tím hoa sim chính là vợ của Hữu Loan, ngày cô mất mới có 18 tuổi và cô là người con thứ tư trong gia đình. Cô có ba người anh và một đàn em nhỏ nên mở đầu bài thơ ta thấy Hữu Loan rất đột ngột hạ bút: "Nàng có ba người anh đi bộ đội/ Những em nàng/ Có em chưa biết nói/ Khi tóc nàng đang xanh/ tôi người Vệ quốc quân/ xa gia đình/ Yêu nàng như tình yêu em gái".

                        Rồi Hữu Loan lại viết thêm về khung cảnh người vợ nhỏ mới mất ở Thanh Hóa: "Chiều hành quân/ qua những đồi sim/ Những đồi sim dài trong chiều không hết/ Màu tím hoa sim/ tím chiều hoang biền biệt".

                        Nhân kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, nhớ về liệt sĩ Lê Đỗ Khôi và gia đình anh. Trên đất nước thân yêu của chúng ta có biết bao gia đình như thế.

                        (Nguyễn Văn Vĩnh - TP)

                        http://www.vnn.vn/psks/baoban/2004/07/221159
                        #27
                          HongYen 07.08.2005 05:41:08 (permalink)

                          Districts/wards: Bim Son, Ba Thuoc, Cam Thuy, Dong Son, Ha Trung, Hau Loc, Hoang Hoa, Lang Chanh, Muong Lat, Nga Son, Ngoc Lac, Nhu Thanh, Nhu Xuan, Nong Cong, Quan Hoa, Quan Son, Quang Xuong, Sam Son, Thach Thanh, Thieu Hoa, Tho Xuan, Thuong Xuan, Tinh Gia, Trieu Son, Vinh Loc, Yen Dinh.




                          Khu du lịch Nga Sơn

                          Động Từ Thức hay còn gọi là động Bích Đào thuộc xã Nga Thiện, Nga Sơn

                          Động từ Thức là một cảnh đẹp gắn liền với truyền thuyết Từ Thức gặp Tiên. Các nhũ đá trong động dưới ánh sáng của những ngọn đèn huyền ảo bỗng trở nên sống động như câu chuyện về chàng Từ Thức và nàng giáng Hướng trong hội hoa thủa nào . Nào quả đào tiên, nào khóm mẫu đơn, nào kho thóc, nào mâm xôi tất cả lần lượt hiện ra như đưa du khách vào thế giới của thần tiên huyền ảo.

                          Cảnh đẹp nơi đây từ xưa đã là nơi dừng chân của rất nhiều tao nhân mặc khách. Hiện nay Động Từ Thức đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là thắng cảnh độc đáo cấp quốc gia.

                          Chùa Tiên

                          Thuộc xã Nga An, Nga Sơn được xây dựng trên một mảnh đất rộng 3,5 ha,cảnh quan đẹp, hấp dẫn và yên tĩnh.

                          Đây là nơi để du khách có thể thăm quan, chiêm ngưỡng và chiêm nghiệm những giáo lý của nhà phật đối với chúng sinh.


                          Đền thờ Mai An Tiêm

                          Thuộc xã Nga Phú huyện Nga Sơn. Cách huyện lỵ Nga Sơn 5km về phía Đông Bắc. Ngôi đền nhỏ đơn sơ nép mình bên sườn núi nhưng chứa đựng cả một huyền thoại đẹp được lưu truyền từ bao đời nay. Mai An Tiêm là người có công khai phá xây dựng đất Nga Sơn từ buổi bình minh của đất nước, dưa hấu Mai An Tiêm là sản vật rất nổi tiếng ở Nga Sơn.

                          Hàng năm lễ hội Mai An Tiêm diễn ra tưng bừng náo nhiệt từ 1 2 - 1 5 tháng 3 âm lịch..

                          Cửa Thần Phù

                          Từ xã Nga Điền - ngược dòng Chinh đại ta đến cửa Thần Phù. Trước đây Vua Trần dẹp giặc phương Nam, đến đây sóng to gió lớn không tiến lên được, nhờ có một đạo sĩ La Viện người địa phương dẫn đường nên mới thoát hiểm. Thắng giặc trở về La Viện đã mất, Vua cho lập miếu thờ và phong là Áp Lãng Chân Nhân Tôn Thần.

                          Núi non, sông nước tạo cho nơi đây thắng cảnh hùng vĩ nên thơ. Rẽ sang nhánh sông Hoạt, ta gặp Đọng Lục Vân, chúa Trịnh Sâm đã đến viếng thăm, bút tích còn lưu lại là 4 bài thơ còn ghi trên vách đá. Bia chữ thần trên vách đá cạnh bờ sông Hoạt là bút tích của Trịnh Sâm (khắc năm 1771). Thì dòng sông Hoạt ta còn thấy hình ông Lã Vọng câu cá trên núi. Đi một quãng nữa tới động Bạch ác, một động đẹp có chùa Phật ở trong, xưa kia nhiều vua, chúa đã tới tham quan và để lại nhiều bút tích là các bài thơ được khắc trên vách đá.


                          Di tích lịch sử Chiến khu Ba Đình

                          Chiến khu Ba Đình thuộc xã Ba Đình, cách trung tâm huyện Nga Sơn 3 km về phía Tây - Bắc. Đây là di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp quốc gia. Với lòng yêu nước và tinh thần quả cảm, chỉ với những vũ khí thô sơ mà tại đây nghĩa quân cần Vương và nhân dân ba làng là làng Mậu, làng Thượng, làng Mỹ Khê đã dũng cảm đánh bại nhiều đợt tấn công của giặc Pháp xâm lược.

                          Địa danh Ba Đình này đã vinh dự được Bác Hồ đặt thành tên gọi của quảng trường Ba Đình (Hà Nội) lịch sử.


                          http://www.thanhhoatourism.com.vn/tiemnang/index.php?action=ngason
                          #28
                            HongYen 07.08.2005 05:47:04 (permalink)

                            Biển Sầm Sơn



                            Khu du lịch biển Sầm Sơn

                            Bãi biển Sầm Sơn và các di tích, danh thắng trên núi Trường Lệ
                            Thị xã Sầm Sơn cách thành phố Thanh Hóa 15 km về về phía Đông và cách Hà Nội 170km. Đây là một trong những khu du lịch nghỉ mát nổi tiếng của Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 20.

                            Dân chài kéo lưới

                            Bãi biển Sầm Sơn chạy dài gần 6 km từ cửa Lạch Hới đến chân núi Trường Lệ. Bãi cát thoai thoải, sóng êm, nước trong xanh và nồng độ muối vừa phải rất phù hợp với sức khoẻ con người.

                            Ngoài bãi tắm đẹp, thiên nhiên còn phú cho Sầm Sơn nhiều danh lam - thắng cảnh nổi tiếng và lung linh sắc màu huyền thoại.

                            tiếp....
                            #29
                              HongYen 07.08.2005 05:49:38 (permalink)
                              tiếp .....


                              Hòn Trống Mái


                              Dãy núi Trường Lệ chạy dài theo mép nước bốn mùa thông reo, là hòn Trống Mái lãng mạn tình tứ, là đền Độc Cước, Cô Tiên uy nghi cổ kính; là Vọng Hải đài- nơi du khách có thề ngắm cả một vùng trời nước mênh mông. Các truyền thuyết còn kể lại rằng: Núi Trường lệ là một thiếu nữ hóa thân để che chắn phong ba bão táp cho dân làng, hòn Trống Mái được sinh ra từ một mối tình thuỷ chung của đôi vợ chồng trẻ còn Đền Độc Cước là nơi thờ vị thần một chân, một anh hùng thần thoại đã tự xẻ thân làm hai nửa, một trên bờ bảo vệ dân làng, một xuống nước diệt trừ Thuỷ quái.

                              Dân chài kéo lưới Dân chài kéo lưới

                              Đền Độc Cước và Đền Cô Tiên đều là những kiến trúc được xây dựng từ cuối đời Nhà Lê ( thế kỷ 17 ) ( đền Cô Tiên là nơi thờ vọng thần Độc Cước và Mẫu Liễu Hạnh) theo lối kiến trúc cổ. Đó là những nơi mà du khách thường tới viếng thăm mỗi khi đến Sám Sơn.

                              Phía Nam dãy núi Trường Lệ còn có một bãi tắm rất đẹp, cảnh quan môi trường còn rất nguyên sơ, nơi đây hứa hẹn một khu du lịch nghỉ dưỡng hiện đại trong tương lai.

                              tiếp....
                              #30
                                Thay đổi trang: < 123 > | Trang 2 của 3 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 44 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9