RIÊNG MỘT GÓC TRỜI
Thay đổi trang: << < 456 > >> | Trang 4 của 10 trang, bài viết từ 46 đến 60 trên tổng số 144 bài trong đề mục
Nguyệt Hạ 27.01.2013 02:41:00 (permalink)


NH cám ơn anh Nguỵ Xưa nhiều. Cho em xin lỗi vì đã quên vào đây cám ơn anh từ mấy ngày trước.

Nhắc đến nhạc Xuân, còn nhiều bài hay và làm cho mình nhớ về thuở trước.

Hôm qua NH mới nghe lại một bài nhạc của Ngô Thuỵ Miên nhắc nhớ về kỷ niệm, mời anh và các bạn cùng nghe.


[youtube]http://www.youtube.com/watch?v=zs1PJlLjzrI[/youtube]

Em Còn Nhớ Mùa Xuân
Ngô Thuỵ Miên
Trình bày: Vũ Khanh

Em có bao giờ còn nhớ mùa xuân
Nhớ tháng năm xưa của tuổi dại khờ
Nhớ tiếng dương cầm giọng hát trẻ thơ
Có thấy bơ vơ ngày tháng đợi chờ

Nơi ấy bây giờ còn có mùa xuân
Có dáng nghiêng nghiêng nụ cười thật gần
Có mắt nai vàng ngời sáng tình xanh
Em có bao giờ thấu cho lòng anh

Trời Sàigòn chiều hôm nay còn nhiều mây bay
Nhiều niềm đau thương bi hận tràn đầy
Gượng nụ cười giọt lệ trên môi
Nhìn đất nước tơi bời một thời em có hay

Những thành phố em sẽ đi qua
Đây Ba-Lê, đây Luân Đôn, đây Vienne
Nhưng có đâu bằng Sàigòn hôm qua
Nhưng có đâu bằng Sàigòn mai sau
Em có mơ ngày hát câu hồi hương

Em nhé khi nào chợt nhớ mùa xuân
Nhớ lá thư xanh và chuyện tình hồng
Nhớ nắng hanh vàng nhuộm áo Hà Đông
Anh ở nơi này vẫn luôn chờ mong

<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.01.2015 03:10:07 bởi Nguyệt Hạ >
#46
    Nguyệt Hạ 29.01.2013 04:42:35 (permalink)
     


    [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/95738/5803D2D22D134980AC94BB4B8B82AFC3.jpg[/image]
    Văn nghệ mừng Xuân Mậu Thìn 1988

    Kỷ niệm song ca Tiếng Sáo Thiên Thai - Thơ Thế Lữ, Nhạc Phạm Duy 
    Cô bạn đứng yên, không nhìn thấy để sửa lại vạt áo dài đang bị dây điện vướng...





    <bài viết được chỉnh sửa lúc 29.01.2015 00:30:32 bởi Nguyệt Hạ >
    Attached Image(s)
    #47
      NgụyXưa 29.01.2013 05:50:27 (permalink)

      Cô bạn đứng yên, không nhìn thấy để sửa lại vạt áo dài đang bị dây điện vướng...

      Như vậy nhìn vào hình là biết cô nào là cô "Nếu" rồi, anh Nguỵ Húc nhỉ.
      #48
        Nguyệt Hạ 29.01.2013 14:03:27 (permalink)


        Người ta viết như thế, đọc là biết rồi, cần gì phải nói rõ ra hả anh NX ?


        #49
          NgụyXưa 29.01.2013 23:32:18 (permalink)

          Người ta viết như thế, đọc là biết rồi, cần gì phải nói rõ ra hả anh NX ?

          Sợ là thấy hai cô ca sĩ xinh đẹp Nguỵ Húc chỉ coi hình, không đọc bài nên anh giúp một tay.

          Hôm nay không thấy anh ấy đâu. Hay là lại đi húc chỗ nào rồi.
          #50
            dang son 30.01.2013 01:54:05 (permalink)
            ..




            Chào anh bà con NgụyXưa và chào Cô Nếu.


            ---

            Thấy ông anh bà con nhắc nên chạy vào đây để có thể '' húc " cô Nếu mấy câu.

            Cái ông nhạc sỹ ấy là một thiên tài .Nhưng.........



            Chữ Nhưng và những dấu ....... sẽ được triển khai trong những bài sắp đến của NgụyHúc.Thời ông P.D và DuyQuang ghé vơí cha của NgụyHúc thì NH còn mặc quần xà lỏn.Thích tiếng hát của Duy Quang vơí bài Thà Như Giọt Mưa hoặc Em Hiền như Ma Soeur.....


            Nhưng về ông PD thì....... ( sẽ tính sau ) : Viết ở đây,cô Nếu sẽ buồn và Húc thì tội chết.

            Hẹn gặp nhau ở bài bên trang đăng sơn.fr


            tình thân




            NgụyHúc.
            #51
              Nguyệt Hạ 09.02.2013 09:46:55 (permalink)




              MỘT CHÚT QUÊ HƯƠNG
              BÊN NGOÀI TỔ QUỐC



              Dự báo thời tiết cho hay hôm nay sẽ có mưa một ít nhưng rất lạnh. Nhiều nơi có thể có tuyết. Buổi chiều nghe lắc rắc tiếng động nhẹ bên ngoài. Tiếng lộp độp càng lúc càng nhiều và lớn dần. Lấy làm lạ, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Ôi, mưa đá. Những hạt đá, khoảng lớn hơn hạt đậu phụng một tí, đang thi nhau rơi rụng từ trời.





              Lạnh. Lạnh buốt giá. Tôi vội lấy cái cell phone, mở cửa ra ngoài bấm vài tấm hình. Chỉ trong vài phút, mưa đá rải đầy xuống trên mái nhà, trên mui xe và trên mặt đường. Sân cỏ, lối đi gì cũng tràn đầy những hạt đá nhỏ.





              Nhìn đâu cũng một màu trắng. Mái nhà hàng xóm trắng toát, mặt đường nhựa hàng ngày đen bây giờ cũng trắng. Sân cỏ xanh lốm đốm những hạt trắng. Mưa hắt những hạt đá vào hàng hiên. Gió bay những hạt đá vào mặt, vào tóc tôi. Cái cell phone đang làm việc cũng có vài viên đá nhỏ bắn vào.






              Chiều nay là bữa chợ Tết cuối cùng, mà trời mưa rỉ rả từ sáng giờ. Chẳng biết người ta mua bán ra sao. Chúng tôi đã đi chợ Tết hôm cuối tuần, cả nhà ai cũng thấy vui và thích. Dự định hôm nay nghỉ làm sớm về đi chợ Tết mà trời lại không chìu lòng người. Có lẽ phải bỏ cái ý định dạo chợ tối hôm nay.





              Hôm nọ lần đầu tiên con trai được đi chợ Tết đêm, rất thích thú. Bao nhiêu là người đông đảo từ các nơi đổ về. Những gian hàng hoa tràn ngập rực rỡ đủ màu đủ sắc. Hoa thật hoa giả đủ màu, đủ kiểu. Nhiều nhất là lan, và cúc đại đoá màu vàng rực, bên cạnh những cành đào, cành mai tươi thắm.





              Những gian hàng bánh mứt với các hộp bọc giấy bóng kiếng đỏ đẹp mắt. Người lớn mua sắm và ngắm hoa. Các em nhỏ chơi những gói pháo đập, loại nhỏ xiú bằng hạt bắp, liệng xuống đất thì ra tiếng nổ. Thỉnh thoảng có gian hàng nào đó đốt một tràng pháo thật. Chính tôi cũng nôn nao trong lòng, thấy mình được sống lại không khí Tết ở quê nhà. Người người cười nói vui vẻ, mua sắm rộn ràng... Tôi như chìm vào niềm vui chung của mọi người chung quanh, quên đi thực tại mình đang ở đâu ...





              Đúng 6 giờ chiều, trên sân khấu tiếng đàn trống bắt đầu cất lên. Tôi nghe thấy tiếng chúc Tết và rồi những giọng hát. Hình như họ đang hát vọng cổ. Nhạc gì cũng được. Lúc này, có mặt tại đây, chung vui với mọi người, tôi đoán rằng ai cũng có chung tâm trạng nhớ nhà.






              Đến những gian hàng bán thức ăn. Khói bốc lên, mùi thơm bay loang theo gió trong buổi chiều cuối năm giá lạnh. Những món rất là bình dân nhưng cũng đủ làm người dạo chợ thấy đói cồn cào.

              Nào là bắp nướng hành mỡ, tiếp đến là hến xúc bánh tráng cho ớt cay cay, rồi bánh khọt có rau sống nước mắm ớt chanh, bánh tổ ong nước dừa, hàng bán bánh tét, chả giò, kế bên là hàng thịt nướng xiên cây, có đến hai ba chục người đang xếp hàng chờ đến phiên mình, bên cạnh là hàng bán bún bò, bún riêu, cháo lòng, cháo huyết vv ... Hai hàng đầu tiên và cuối cùng là hàng bán bắp nướng hành mỡ, hàng cuối còn có món chuối bọc nếp nước dừa nướng. Toàn là những món ăn chơi ngon hơn ăn thật. Chúng tôi thử tất cả các món, món nào cũng ngon, món nào cũng thích, nhưng con trai chấm món bắp nướng hành mỡ đứng đầu, có thể vì lạ miệng. Có lẽ còn thêm những món khác nữa nhưng tôi không nhớ hết.

              Nước uống có đủ loại, nước mía, nước ngọt soda trong lon, nước lọc trong chai và sữa đậu nành nóng hay lạnh, nhưng thích nhất là nước trà nóng vì trời đang lạnh và thức ăn có dầu mỡ, uống một ly trà nóng rất ngon.


              Ban tổ chức chợ Tết có lẽ cũng vất vả để bảo đảm mọi sự an ninh trật tự trong những ngày này. Xe chạy vào bãi đậu nối đuôi nhau thành hàng dài từ ngoài đường lớn. Người đi bộ nườm nượp. Phải có nhân viên đứng chỉ đường cho người bộ hành băng ngang luồng xe chạy.


              Trời lạnh khoảng 55 độ F (12,13 độ C) nhưng tôi không thấy lạnh dù chỉ mặc một chiếc áo len mỏng. Có những cụ già 85, 90 tuổi cũng đi chợ Tết với con cháu. Tôi gặp một chị mặc bộ áo dài xanh da trời thật đẹp. Hỏi thăm thì chị cho biết vừa mới hát trên sân khấu xuống, chị nhấn mạnh, chị chỉ đi hát giúp thiện nguyện chứ không bao giờ đi hát lấy tiền. Thật là quý những tấm lòng như chị. Và trong buổi chiều cuối năm lạnh lẽo, gặp được hình ảnh người phụ nữ Việt nam trong bộ áo dài tha thước mang tiếng hát của mình giúp vui cho cộng đồng, làm sao mà mình khỏng khỏi thấy ấm lòng?


              Khoảng 8 giờ tối, tiếng trống kèn nổi lên. Chị bán hàng bánh khọt nói với tôi, đến coi múa lân. Chị không cần chuyện buôn bán nữa, để đó mặc kệ người nhà trông gian hàng. Tôi cũng kéo con trai đến xem. Người ta bu quanh thật đông. Tôi đứng sau lưng người ta chỉ thấy được mỗi khi đầu lân đưa lên cao. Con trai cao hơn nên thấy rõ và rất thích thú, chăm chú theo dõi. Ở đây không thấy treo bao đỏ trên cao cho lân leo lên lấy. Khi trước ở Việt nam thường có trò này.


              Rất tiếc, tôi không mang theo máy chụp hình, chỉ chụp bằng cell phone được vài tấm trong hàng hoa. Hẹn với lòng năm sau phải nhớ. Trước khi đi về, con trai nói với tôi,

              - Bây giờ con thấy muốn tìm hiểu thêm về văn hoá Việt Nam.


              Chỉ chừng đó thôi, tôi cảm động thật sự. Cám ơn chợ Tết của người Việt tại khu Little Saigon. Trong cái không khí chung của ngày cuối năm, khi trong lòng đang nhớ về ngày Tết cổ truyền, khu chợ Tết đã tạo được một sự đầm ấm thân quen dù không cùng một khung cảnh, một thời gian, nhưng thêm một lần nữa, tôi cảm nhận được tình yêu quê hương đất nước. Và hình như điều đó, đã tác động đến con tôi, một đứa trẻ sanh ra và lớn lên ở nước ngoài. Chiều tối hôm nay tôi đã tìm thấy được "một chút quê hương bên ngoài tổ quốc". (*)

              Nguyệt Hạ
              (LT - TD)
              08/02/2013

              (*) Lời của thi sĩ Trần Kiêu Bạc



              #52
                Nguyệt Hạ 30.03.2013 04:40:40 (permalink)
                 
                 
                 
                Gió Thoảng Chiều Thu

                      
                Buổi sáng trời vẫn còn mưa rỉ rả, mưa nhỏ hạt không dứt từ cả tuần lễ nay. Bầu trời xám chì trũng nặng những nước. Thu thức sớm nhìn mưa qua cửa sổ trong lòng chùng xuống. Cả hai tháng nay cảm giác buồn bã này cứ đến làm Thu không thể tập trung làm công việc hàng ngày. Không ngủ được, nằm nghe mưa rơi gõ đều trên mái nhà, Thu nghĩ ngợi đủ điều. Mọi thứ mọi vật cứ lần lượt chạy qua trong đầu như những ngày còn bé. Lúc nào Thu cũng có một cuộc sống rất “tưởng tượng” trong đầu bên cạnh cuộc sống đầy cam go và thử thách. Trong đó Thu là một cô bé hạnh phúc nhất, được thương yêu chiều chuộng, có được phép tiên biến hóa mọi thứ mình muốn. Thật ra, Thu là con út trong nhà và cũng có đủ oai để mọi người phải chìu theo những gì Thu "ra lệnh". Cha mẹ cưng chìu, các anh chị cũng phải nghe lời Cha Mẹ mà không ai "dám" làm trái ý Thu. Thật là buồn cười, khi Thu chỉ là một cô bé tí tẹo mà muốn gì cũng có người răm rắp làm theo. Đi đến trường học cũng vậy, mấy cô bạn gái cũng làm theo Thu hết mình. Lớn lên một chút thì các anh bạn trai lại còn ga lăng hết mức. Thế là Thu trở nên công chúa từ nhỏ đến “lớn”, và để cũng trải qua những sóng gió, những thăng trầm trong cuộc sống thực tế, gia đình và “hôn nhân”…, cái ‘ảo tưởng của “tình yêu” ngày còn bé ... 


                       Đang sống giữa mơ và thật thì cuộc đời xoay một vòng 360 độ, mọi thứ thay đổi đảo lộn. Nhưng không vì thế mà Thu hết làm cô công chúa với nhiều quyền hành trong tay. Lúc này Thu lại còn có thêm thế lực nữa vì người lớn đã chán nản và giao hết mọi sự cho Thu nắm giữ. Chỉ vừa mới lớn mà Thu đã phải lo toan hết mọi thứ từ trong nhà cho đến ngoài đường… Mẹ có dạy cũng không chỉ đủ cho Thu tránh hết những cạm bẫy ngoài đời, nhất là những “đường mật qua đường đáng sợ và đáng yêu”!... Một mình Thu phải tính toán mua bán chi tiêu, sao cho đủ, sao cho đừng thiếu....Trách nhiệm thật nặng nề nhưng Thu vẫn rất vui vẻ mà thi hành vì lúc này ai cũng chạy đến hỏi ý kiến của Thu. Tuy phải lo toan mọi thứ nhưng Thu không phải chọn lựa nhiều khi phải quyết định một việc gì.

                       Rồi đến lúc Thu phải đương đầu với những vấn đề rắc rối hơn mà Thu phải phân vân suy nghĩ giữa hai sự lựa chọn. Chuyện gì bây giờ Thu cũng phải tính toán suy nghĩ giữa hai con đường. Thường thì bên nào cũng có cái hay và cái dở. Thật là khó cho Thu. Đầu tiên là chuyện tình cảm. Thu có một người “bạn trai” trong lớp năm học 11. Mới đầu thì không sao, Cha Mẹ không biết, chưa có gì xảy ra, hàng ngày đi học chỉ dám nhìn và nói với nhau bằng mắt và quay đi chỗ khác thật nhanh không để ai bắt gặp. Gần đến cuối năm học thì thân mật hơn một tí. Người bạn đã đi ngược đường từ dưới phố lên nhà đón Thu đi học và đưa về mỗi buổi. Giá mà Thu đừng làm rơi một lá thư ra khỏi tập vở ở nhà thì chắc cũng không có gì xảy ra. Một hôm đi học về Cha Thu đứng chờ sẵn với lá thư trên tay nói,
                       - Học không lo học mà thư từ vớ vẫn hả ?
                       Thu sợ khiếp đảm vì dù được cưng chiều, Cha từ lâu nay vẫn là người rất nghiêm khắc. Cha nói tiếp,
                       -Coi chừng mới bây lớn mà lăng nhăng không lo học là bị ăn đòn nát xương đó.
                       Thu chỉ biết chống chế,
                       -Dạ chỉ mới là bạn trong lớp thôi.
                       -Bạn mà đã thư từ như thế này là không được! Cha quát lên.
                       Thu không biết nói gì hơn, nước mắt đã bắt đầu chảy vòng quanh.
                       -Từ nay không được lộn xộn nữa, không lo học hành đàng hoàng thì cho ở nhà làm việc nhà.
                       Thế là Thu phải nói với người bạn đừng đến đón đưa Thu đi học nữa. Nhưng làm sao mà ngăn được tình cảm khi đã nhen nhúm trong lòng. Người bạn trai vẫn tìm cách đón Thu mỗi buổi sáng cách nhà một quãng và vẫn đưa Thu đi học về nhưng không đến tận nhà. Cứ như vậy qua đến hai năm học. Tình cảm chắc là sâu đậm hơn nhưng không ai có dịp tỏ bày ra với người kia. Khi ra trường, chuẩn bị đi thi đại học, mỗi người một hướng đi khác nhau, không còn gặp nhau hàng ngày nữa, Thu phải quyết định chia tay với bạn. Lần đầu tiên trong đời, Thu phải chọn lựa và quyết định dứt khoát, không dễ dàng như nói ra nhưng Thu vẫn phải cứng rắn để làm theo quyết định của mình. Quyết định ngày đó chắc đã ảnh hưởng không ít đến cuộc đời Thu sau này, mãi hoài Thu vẫn thắc mắc không hiểu mình đã làm đúng hay sai khi lúc đó mình còn quá trẻ để có một chọn lựa đúng đắn , đâu là mộng mơ đâu là chân thật của cái gọi là tình yêu …?

                       Năm cuối đại học, Thu đã có một người bạn trai khác. Cũng là tình cảm của thời trẻ tuổi. Người ấy chuẩn bị ra đi và muốn Thu cùng đi với anh. Thu suy nghĩ nhiều, ở nhà còn Cha Mẹ già, tuy anh chị nhiều nhưng mọi người đã có gia đình riêng. Thu ra đi thì ai ở đây săn sóc Cha Mẹ khi đã lớn tuổi? Lâu nay Thu là người con duy nhất ở nhà với Cha Mẹ, anh chị không ai ở gần, lâu lâu mới về thăm một lần. Anh bạn muốn Thu đi với anh, còn nếu không đi thì anh muốn cưới Thu ngay lúc đó. Thật là khó xử, Thu học chưa xong, cũng muốn ra trường đi làm tìm một hướng đi và tương lai cho chính mình, vừa lo phụng dưỡng Cha Mẹ một thời gian chứ đâu có muốn lập gia đình ngay như vậy. Người bạn trai có nói với Thu:

                       -Em có hiếu với Cha Mẹ em thì anh cũng có hiếu với Mẹ anh. Mẹ anh muốn anh đi, nếu không đi thì Mẹ anh muốn anh cưới vợ. Em muốn ở lại thì lập gia đình với anh.
                       Thu nghe anh nói chán quá,
                       - Thu muốn học cho xong, nếu muốn cưới Thu sao anh không chờ cho Thu xong đại học chỉ còn một năm nữa thôi?

                      Suy nghĩ thật kỹ, Thu lại phải quyết định chia tay anh. Đối với Thu, công cha nghĩa mẹ vẫn nặng hơn là tình cảm mới có đối với người bạn trai của mình. Thu nhớ, mẹ của một cô bạn đã có lần dạy, “cha mẹ chỉ có một, không tìm được người thứ hai, người yêu thì không người này còn người khác”. Và như thế Thu đã phải dùng lý trí của mình để quyết định cho chuyện tình cảm riêng tư. Nhiều lúc Thu nghĩ rằng mình thật may mắn. Chuyện gì mình cũng có cơ hội để suy nghĩ và lựa chọn quyết định theo ý mình. Nhưng đó cũng là điều khó xử cho Thu. Dĩ nhiên khi yêu, ai cũng muốn được sống với người yêu của mình. Nhưng chỉ vì Thu nghĩ đến công ơn của Cha Mẹ lớn lao quá nên Thu không muốn làm buồn lòng đấng sinh thành. Thu biết chắc rằng Cha Mẹ cũng muốn con mình lập gia đình với người mình yêu thưong, không có ai cấm cảng Thu. Nhưng làm sao Thu đành lòng bỏ Cha Mẹ ở một mình để đi theo người yêu được. Thu không nghĩ rằng sẽ có hạnh phúc khi trong lòng mình cứ lo lắng không biết Cha Mẹ mình có ai đỡ đần trong lúc tuổi già sức yếu! Và cũng gần 30 năm sau, Thu cảm nhận được rằng quyết định của mình là sáng suốt đối với ngày xưa bé nhỏ “bềnh bồng sôi nổi” đó bởi vì nhìn lại Thu thực sự không biết cuộc đời mình sẽ ra sao nếu ngày ấy mình “nhắm mắt đưa chân”…, cái cảm giác lành lạnh của chiều thu làm Thu rùng mình quay đi …

                       Thời gian qua, Thu cũng đã có gia đình. Đám cưới Thu diễn ra với sự vui lòng của Cha Mẹ hai bên, Thu cũng đã phải suy nghĩ nhiều trước khi có quyết định này. Tại sao Thu lúc nào cũng được chọn lựa, đó là điều Thu thắc mắc. Từ ngày rất nhỏ, Thu đã phải cân nhắc và quyết định thật là nhiều thứ, cho đến bây giờ, lúc nào cũng phải suy nghĩ và cân nhắc và quyết định. Đôi khi, Thu nghĩ rằng tại sao không phải là “chuyện đến thì phải đến” như vậy chắc là đơn giản hơn, khỏi phải suy nghĩ nhức đầu. Nhưng rồi Thu lại thấy mình được may mắn. Có thời gian, có điều kiện để phân tích, suy nghĩ và chọn lựa, như vậy thì sau nay sẽ không hối hận là hồi đó mình đã không suy nghĩ chín chắn! Quyết định đúng hay sai, chỉ mình Thu biết theo lý lẽ của mình. Và kết quả vừa ý hay không, cũng chỉ mình Thu chịu vì đó là do quyết định của Thu đã chọn.

                       Như vậy đó, cuộc đời Thu đã trôi qua, mấy mươi năm rồi, cũng không phải là không có sóng gió, nhưng cũng không đến nỗi bão bùng ghê gớm lắm. Thu cũng không bao giờ nghĩ lại về những quyết định và sự chọn lựa của mình. Bây giờ, dưng không hai tháng nay, Thu bỗng thắc mắc tại sao mình cứ có cảm giác buồn bã không giải thích được. Cũng không phải đứng núi này trông núi nọ, Thu bằng lòng với cuộc sống của mình không đòi hỏi gì hơn. Nhưng Thu cũng không thấy được ý nghĩa của cuộc đời mình một cách rõ ràng. Không hiểu tại sao bây giờ Thu lại thấy trống vắng và thiếu thiếu một cái gì …, cái cảm giác đó cứ như những cơn gió thoảng mùa Thu chợt đến rồi chợt đi … !!! Có phải chăng con người không bao giờ bằng lòng với những gì mình đang có và hiện hữu hay là khi con người đạt đến một tiêu chuẩn nào đó thì tất cả mọi thứ trở nên vô nghĩa?

                Ngu
                y t Hạ
                (LT - TD)
                 
                 
                #53
                  NgụyXưa 01.04.2013 04:30:17 (permalink)
                  "Mẹ và Rằm Tháng Tám"  Đã được mang vào thư viện.
                  Xin cám ơn Nguyệt Hạ.
                  #54
                    Nguyệt Hạ 02.04.2013 07:17:41 (permalink)
                     
                    Dạ Nguyệt Hạ xin cám ơn anh Ngụy Xưa và chị Ct. Ly rất nhiều.
                     
                    Xin chúc anh NX và chị Ly luôn vui khỏe.
                    <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.05.2013 02:58:12 bởi Nguyệt Hạ >
                    #55
                      Nguyệt Hạ 03.04.2013 09:06:42 (permalink)
                       
                       
                      RẤT HUẾ
                       
                      Truyện ngắn HUỲNH CÔNG TOÀN
                       
                      Hắn lên Gia Lai từ những năm 80-81. Sau này hắn kể, lúc nhận quyết định đi Gia Lai hắn chẳng biết Gia Lai là cái mô tê chi cả, hắn nghe địa danh này lần đầu, thế mà hắn cứ đi. Khi đi, mạ hắn còn nói "Con cố xin về Cheo Reo công tác". Ở Huế, hồi đó người ta biết địa danh Cheo Reo, Phú Bổn hơn là Gia Lai. Còn Pleiku! người ta tưởng nó nằm ở một nơi khác. Hắn lên, chỉ mang theo cái túi xách cà tàng và một vali sách, đa số là sách văn, truyện, khảo cứu... viết về Huế, quê hương của hắn.
                       
                      Tôi và hắn quen nhau nhân một lần ra bưu điện gởi thư cuối năm 81. Có lẽ cái chất Huế nó hiển hiện trên khuôn mặt chúng tôi, lại thêm cái giọng Huế trọ trẹ của tôi và cái giọng Huế rất đậm của hắn làm chúng tôi thân nhau ngay. Hắn là Huế gốc, tôi là Huế lai. Với tôi! Huế xa, xa lắm, tôi xa Huế tính ra đã là đời thứ ba rồi. Còn với hắn thì Huế luôn hiện diện trong lời nói, giọng nói, sở thích, vui, buồn, hờn, giận ...nói chung hắn là người Huế "mắc bệnh" nghiện Huế.


                      Nhiều năm thân với hắn, tôi không hiểu tại sao hắn lại bỏ "sông Hương núi Ngự" mà đi. Có lần tôi đùa với hắn "Chắc Huế đói quá nên bỏ đi chứ gì?" chỉ thế mà hắn giận tôi suốt tuần.


                      Năm nào hắn cũng về Huế hai lần. Một lần vào dịp tết, một lần vào dịp hè. Khoảng 26, 27 tết hắn mang vợ con về,  bất kể xe cộ khó khăn, dịp về này hắn chỉ ở nhà với ba mạ hắn, đi thăm chúc tết bà con. Lúc lên hắn vui lắm, hắn khoe ba mạ hắn khỏe, trẻ ra, mấy đứa em hắn làm ăn khấm khá, tết ở Huế rất vui.... Còn dịp hè, hắn đi một mình, lâu hơn, có khi là 2 tuần. Trái với những lần về tết, những lần này hắn lên, mặt dài thườn thượt, không nói, bỏ ăn, bỏ nhậu hai ba ngày và khi nguôi ngoai một chút hắn bắt đầu nói bù.


                      Bao giờ cũng vậy, hắn rủ tôi ra quán café vắng rồi mở đầu bằng câu "Quê mình đẹp rứa răng mình lại bỏ mà đi?" hắn nói mà rươm rướm nước mắt. Rồi hắn kể về những ngày ở Huế: thăm nhà xong là hắn xách chiếc xe đạp - sót lại từ thời ông bác - lang thang khắp Huế: Từ chùa Huyền Không, sang Từ Hiếu, về Nam Giao, dọc bờ sông về Bến Ngự, rồi lại qua Cầu Mới, vô Thành Nội... Hắn thích nhất là lang thang dọc đường Lê Lợi, nhớ những "ngày xưa còn bé" theo "em Đồng Khánh" với tà áo dài trắng thướt tha. Có lần hắn đạp xe về tận Thuận An, lúc lên lại rẽ qua Dưỡng Mong, Ngọc Anh, Lại Thế, về lại Vĩ Dạ, qua Đập Đá. Có khi hắn đạp xe thẳng lên Tuần, rồi ghé thăm các lăng tẩm vua chúa nhà Nguyễn ngày xưa... Cứ thế, hắn lang thang khắp Huế suốt tuần, rồi lại thẩn thờ rời Huế mà đi như những lần về.


                      Hết kể chuyện đi lang thang hắn lại nói đến chuyện ăn. Chao ôi! Nghe hắn kể món ăn Huế mà bắt ham: bánh lọc, bánh nậm, bánh ướt, bánh khoái Thượng Tứ, bánh bèo Ngự Bình, chè hột sen, chè đậu đen Vạn Vạn. Hắn kể về nhiều món ăn nghe rất lạ như món chè bọc lọc bọc ...thịt heo quay, món chè bông cau - hắn kể - được nấu với bột báng, bột lọc, đậu xanh đãi vỏ nhưng phải cho vào nồi chè một chút hoa cau mới nở - nhất là cau Nam Phổ - mới ngon....
                       
                      Mỗi lần về Huế món ăn chủ yếu của hắn vẫn là cơm hến, hắn kết luận: cơm hến ngon hơn bún hến (món ăn giống cơm hến nhưng người ta dùng bún thay cơm nguội), bún hến chỉ là cái cải biên của cơm hến mà thôi. Món mà hắn thích nhất là cá bống thệ kho khô ăn với cháo gạo đỏ. Này nhé: cá bống thệ loại nhỏ, tươi roi rói, đem ư­ớp nư­ớc mắm, đư­ờng, tiêu, ớt, hành hương, rồi cho vào nồi đất, thêm một chút "đường thắng(1)", kho rim. Gắp ra, con cá cong hình cánh cung, thịt chắc, ăn với cháo gạo rằn, chén cháo nấu đặc sệt, nóng hổi, thơm mùi lúa mới, ăn vào nghe vị bùi bùi, ngây ngất. Món này mà ăn vào những buổi sáng Mùa Thu, gió se lạnh, hoặc những ngày Đông mưa dầm xứ Huế thì... tuyệt.


                      Với hắn, cái gì Huế cũng nhất, ăn hột vịt lộn hắn chê rau răm không thơm bằng rau răm Huế, ăn "bưởi Năm Roi" hắn cũng chê không bằng một góc thanh trà Lại Bằng bên bờ sông Bồ của Huế, đến nổi uống café Gia Lai hắn cũng chê café đậm quá uống vào... mệt tim, không bằng café Bưu điện Huế ngày xưa, uống vừa ngon đậm đà, vừa lành, vừa bổ.


                      Hắn kể: hồi xưa, có lần hắn "biểu diễn âm nhạc" cho bồ hắn nghe bằng hai bài "Lưu Thủy", "Kim Tiền" đàn bằng Mandolin. Bị phản đối quá chừng, nếu không hắn sẽ thêm "Tứ Đại Cảnh", "Nam Ai", "Nam Bình"... và có khi kết thúc bằng "Chiều chiều dắt mạ qua đèo (2)" vừa đàn vừa hát nữa cũng nên. Thế mà hắn cũng "tán" được, cũng nên vợ nên chồng và người ta cũng bỏ Huế mà đi theo hắn (cái thằng hiền quá! trước giờ hắn chỉ có một bồ, là vợ hắn bây giờ!).


                      Hắn là người rất tốt, chân tình và hết mình với mọi người, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè vô điều kiện. Ai cũng công nhận như thế cả. Nói chuyện, hắn chuyên dùng từ của Huế chính gốc, kể cả những từ rất cổ. Hắn đơn giản "nghĩ gì nói nấy" không chịu "uốn lưỡi bảy lần trước khi nói" bởi thế mà hắn thường bị bạn bè giận "oan".


                      Một buổi tối, hắn đến nhà cô bạn từ thời sinh viên, cô bạn khá thân, ngồi cạnh hắn suốt mấy năm đại học. Hơn mười năm gặp lại, hai người nói chuyện đến tận khuya, câu chuyện đến hồi khoe vợ (chồng), khoe con, cô bạn đưa tấm hình đứa con trai 8 tuổi cho hắn xem. Hắn buột miệng nói một câu "Thằng này ngó (trông) lỳ quá hỉ?". Cô bạn đổi nét mặt, nói vớt "Không, cháu ngoan lắm!". Chao ơi! Con vàng con bạc của người ta, mới nhìn qua ảnh mà đã "chơi" một tiếng "lỳ" ai mà không giận, không phải bạn chắc có khi uýnh nhau chứ chẳng chơi. Tội nghiệp cho hắn! phải hiểu hắn là người Huế, Huế chính gốc, Huế từ đời ông tằng ông tổ. Hắn nói "lỳ" là nói theo kiểu của người Huế xưa, nghĩa là có bản lĩnh, là vững chãi, là không sợ bất cứ khó khăn nào, đó là một tiếng khen. Nhưng cô bạn hắn là người Bắc, cô ấy đâu có hiểu như vậy, cô ấy hiểu "lỳ" hắn nói là "lỳ lợm, không vâng lời", thế mới chết cho hắn. Hơn 10 năm rồi hắn vẫn chưa thanh minh được và cô bạn hắn thì vẫn còn giận cho đến bây giờ.
                       
                      Ba mươi năm xa Huế, hắn vẫn cứ cái giọng Huế "chuẩn" như những người Huế chưa từng bước chân ra khỏi nhà. Đi chợ hắn hỏi người ta "Ở đây có bán chén đoại không?". Vào nhà thuốc hắn nói: "Bán cho mấy viên thuốc đau cái trôốc". Sai con quét cái sân hắn nói "Xuốt cái cươi!..bây". Nhìn con ăn, hắn nói "Ăn rủng rải, con". Cha mạ ơi! Ai biết cái "đoại" hắn nói là cái gì mà bán! Ai biết cái "trôốc" hắn nói là cái gì mà bán thuốc giảm đau, ai biết  "cươi, xuốt" hắn nói là gì mà "xuốt cái cươi"! Còn "ăn rủng rải"... chắc chỉ có con hắn hiểu!


                      Những từ Huế mà có khi người Huế - những người suốt đời không bước chân ra khỏi Huế - đã quên, thế mà hắn vẫn cứ dùng. Có bữa vợ hắn khoe đi khoe lại cái áo mới mua, hắn làm một câu "thôi đừng trến nữa!". "Trến?" cha mạ ơi! (xin lỗi cho tôi gọi lần nữa!) ai biết trến là gì?!. Lờ mờ tôi hiểu trến là khoe ra, khoe đi khoe lại trong khi người khác không thích (có phải thế không hỡi những người "rất Huế"?).


                      Hắn nói "rặc ri" tiếng Huế, thường xuyên "mô, tê, răng, rứa", tôi góp ý thì hắn nói "tiếng Huế hay ri răng lại đổi?". Rồi hắn vừa cười hề hề vừa nói thêm: "Mi biết không, người Huế là tổ tiên của người Nhật đó, mi-đi-mô-ri, tau-đi-ra-ga, mi-đi-ga-mô, tau-đi-ga-tê. Mi nghe có giống cô-ni-chi-va, a-na-ta-va, a-ri-ga-tô(3) không?". Cái này thì tôi biết chắc là hắn xạo, nghe quen lắm, hình như hắn "thó" từ một chuyện vui nào đó!


                      Dù có cố gắng nhưng hắn vẫn nói ngọng, ngọng rất Huế, rất dễ thương!. Cái nhà thì hắn nói là cái "dà", nho nhỏ thì hắn nói là "do dỏ". Bởi thế có lần bạn bè bắt hắn nói câu "nhà em nhỏ có giàn nho" sửa đi sửa lại mãi hắn vẫn cứ nói "dà em dỏ có dàng do"... chịu!
                       
                      Đó là những cái thiếu sót, cái "hớ" của hắn, hớ có tính cách địa phương, theo tôi thì hắn không có lỗi, lỗi chăng thì đó là lỗi do hắn yêu Huế của hắn quá mà thôi!.
                      Nhưng cũng có khi hắn... nói bậy. Mới đây thôi,  hắn đến nhà bà chị họ. Trông thấy đứa cháu ngoại bà chị hơi ốm yếu một chút, hắn buột miệng "thằng ni yểu tướng quá hè!". Yểu tướng? tướng chết yểu? lần này hắn không gặp may như là lần nói "lỳ" hồi xưa, hắn bị bà chị họ cho một trận, không có chỗ trống để điền vào... lời xin lỗi.


                      Hắn là giáo viên văn, đã từng là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, thế mà hắn vẫn sợ... nói bậy khi lên lớp, nhất khi dạy bài giảng văn "Đoàn thuyền đánh cá". Trong bài văn này có câu "Biển vẫn lồng lộn...", đứng trên núi thì có gì mà phải sợ biển... lồng lộn? Thế mà hắn vẫn sợ, hắn sợ mình nói lộn theo kiểu "nói lái" của người Huế. Bởi thế cho nên hắn cẩn thận ghi bảng bốn chữ này ngay dưới tên bài học, và khi đọc, hắn đọc từng chữ (vì sợ đọc lộn "biển vẫn lồng lộn" thành "biển vẫn......." thì chỉ có nước ...bỏ nghề). Nhưng... thế mà lại ăn! các thầy cô dự giờ ngồi dưới tưởng hắn áp dụng "phương pháp tạo điểm nhấn cho chủ đề" nhờ thế mà hắn được danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và món tiền thưởng gần một phần tư triệu đồng.


                      Nghe hắn rủ, tôi có về Huế một lần, cùng hắn. Đó là năm 95 sau trận bão lớn ở Huế. Đến Lăng Cô, chao ôi là hắn vui! hắn cười nói, hát hò luôn miệng. Bỏ ghế, chúng tôi ngồi bệt xuống sàn phần đuôi xe, cảnh vật chạy lùi về phía sau vun vút. Qua đến Phú Lộc, nhìn nhà cửa, ruộng vườn xơ xác hắn khóc rưng rức và hắn nói với tôi, chỉ một câu, trong nước mắt: "Quê mình răng khổ ri mi!"
                       
                       
                      Bây giờ hắn đã đứng tuổi, già thì chưa phải là già, nhưng dĩ nhiên là không còn trẻ nữa. Hắn đã xa quê hơn ba mươi năm, ba mươi năm xa quê nhưng Huế vẫn thấm đẫm trong tâm hồn hắn, không một chút đổi thay. Tôi yêu hắn vì điều đó, và qua hắn tôi thấy yêu Huế hơn, Huế của hắn và Huế của tôi, mặc dù tôi là người xa Huế đến mấy đời. Và tôi thấy vang vọng đâu đây một giọng hò mái nhì buồn man mác:


                      Chiều chiều trước bến Văn Lâu,
                      Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm?
                      Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông?
                      Thuyền ai thấp thoáng bên sông,
                      Đưa câu mái đẩy, chạnh lòng nước non!


                                                                                                 Huỳnh Công Toàn
                       
                      -------


                      (1) Đường đen đun lửa nhỏ để hơi cháy, dùng để tạo màu nâu đen cho một số  món ăn khi chế biến.
                      (2) Lý qua đèo, dân ca Huế.
                      (3) Tiếng Nhật:
                      - Konnichiwa  (cô-ni-chi-va) (Chào bạn)
                      - Anata wa? (a-na-ta-va) (Còn bạn khỏe không?)
                      - Arigatou (a-ri-ga-tô) (Cám ơn bạn).
                       
                       
                      #56
                        NgụyXưa 03.04.2013 10:36:16 (permalink)
                        “Rất Huế” của Huỳnh Công Toàn đã được mang vào thư viện.
                         Xin cám ơn Nguyệt Hạ.
                         
                        #57
                          Nguyệt Hạ 06.04.2013 08:18:33 (permalink)
                           
                          Nguyệt Hạ xin cám ơn anh Ngụy Xưa rất nhiều.
                          Xin chúc anh luôn vui khỏe.
                           
                          Thân kính,
                          NH

                          #58
                            Nguyệt Hạ 18.04.2013 06:08:57 (permalink)
                             
                            Nghịch Quái

                                   Chúng tôi đã bày ra nhiều trò chọc phá các thầy giáo lúc còn học ở trường Nữ Pleime, mà đến nay tôi vẫn còn nhớ rõ. Cả lớp hay phụ họa nhưng thường kẻ bày trò là QM, XL và tôi. Mấy cái mặt hay mắc cở nhút nhát mà sao phá phách ghê, kể cũng lạ.

                                   Nạn nhân đầu tiên của bọn học trò nghịch ngợm là thầy Phan Thành Lâm. Năm đó thầy dạy Anh văn cho lớp. Bọn chúng tôi chiếm hai bàn đầu hai bên. Trong lớp tôi là vua ăn vụng, bao nhiêu thức ăn tôi cứ chuyền cho các bạn dưới gầm bàn và trong miệng tôi lúc nào cũng có một miếng ô mai hay xí muội… Đứa nào vô phúc bị thầy gọi lên hỏi bài thì lại giả đò cuối xuống tìm dép để lấy thức ăn ra. Lần đó thầy dạy động từ TO CUT và bảo cả lớp đọc lại theo thầy. Hai cái miệng to nhất lớp là XL và QM cứ đọc trại đi làm cả lớp cười ầm lên và làm thầy đỏ mặt. Nhưng không ngừng ngang đó, hai đứa nó lại ngầm bảo cả lớp làm theo, thế là cả một bầy con gái cứ lập tới lập lui cái chữ bậy bạ đó. Kết qủa là thầy bỏ lớp đi xuống văn phòng và tụi tôi mừng lắm vì có vài  phút ngồi không và tiếp tục ăn
                            qùa chờ Thầy trở lại lớp!
                                   Giờ học với thầy Lâm là giờ để vòi vĩnh và nhõng nhẽo! Sang năm lớp 8 thầy dạy Toán khi cô Ngọc Dung chuyển đi nơi khác. Lớp 7, lớp 8 nên bọn tôi lỡ cỡ, lớn không ra lớn, nhỏ cũng không còn nhỏ, điệu đàng như các chị 11, 12 thì chưa nhưng chỉ mới “hơi hơi giống hay đua đòi theo đàn chị” nên mới trở thành dở hơi! Thầy bước vào lớp là giả bộ đủ điều, nào là em có câu hỏi này, em có vấn đề nọ, thầy giải quyết xong thì cũng gần hết nửa giờ! Rồi lại giơ tay xin phép đi ra ngoài, rồi lại đứng lên đi đóng cửa sổ, đi đóng cửa lớn, v.v..... Tụi tôi nghĩ ra lắm trò mà chỉ ăn hiếp mỗi thầy Lâm thôi vì thầy hiền lắm… Chọc
                            phá thầy nhiều, thầy chỉ đỏ mặt và bỏ đi xuống văn phòng là chuyện tụi tôi thích nhất....
                                   Tôi đã làm một việc quái quỷ trong giờ thầy Lâm mà cứ áy náy hoài cho đến ngày nay.
                            (Thầy đã qua đời năm 2007, chắc thầy cũng tha thứ cho tôi.) Gần nhà tôi có một tiệm thịt cầy, trước nhà họ có cây lá mơ, chắc là để ăn với thịt cầy! Không biết nghe ai chỉ là lấy lá mơ chà lên ghế ngồi sẽ bị ngứa, một hôm đi học ngang tôi đã hái một ít lá mơ mang vào lớp. Dùng bao nylon bọc tay lại tôi chà mớ lá mơ đó lên ghế thầy giáo trước khi thầy vào! Chuông rung, cả bọn hồi hộp chờ thầy. Thường thì thầy hay đi thẳng lên bục và ngồi xuống mở sổ điểm danh. Hôm nay sao thầy không làm thế. Thầy đang còn đứng trước bảng đen thì tôi đã buột miệng hỏi,
                                   - Thầy không điểm danh hôm nay sao?
                                    - Chút nữa, bây giờ thầy muốn nói với các em chuyện này....
                                    - Thầy phải điểm danh bây giờ rồi thầy hẵn nói sau....
                                    Vậy mà thầy cũng chìu học trò đi đến bàn, giây phút chờ đợi đã đến, cả bọn nín thở và chăm chú nhìn thầy. Không khí trong lớp chắc phải nghiêm trang lắm,
                                    - Hôm nay các em có chuyện gì mà im lặng quá vậy?
                                    Tôi sợ lộ tẩy nên giả vờ làm rớt viết xuống đất tạo ra tiếng động và xì xào với bạn dưới gầm bàn. Các bạn cũng đoán được ý tôi nên đã bắt đầu có tiếng rì rào trong lớp. Thầy không để ý bắt đầu ngồi xuống ghế. Cả lớp hồi hộp chờ xem có gì xảy ra không? Vài phút sau, thầy bắt đầu xoay trở trên ghế, tôi biết ngay là mấy cái lá mơ đã có tác dụng. Thầy đứng lên rồi ngồi xuống, rồi lại đứng lên tiếp tục điểm danh. Chưa bao giờ điểm danh mà thầy phải đứng! Khỏi cần phải nói, suốt cả giờ học thầy khó chịu như thế nào… Lúc đó còn nhỏ nên tụi tôi chỉ biết vui cười khi thấy mình làm trò để cho có chuyện phá 
                            trong lớp, không bao giờ nghĩ xa hơn …

                                    Người tiếp theo là thầy Hoàng Châu (*) dạy Nhạc, khi ấy cho rằng Nhạc là môn phụ, tụi tôi không cần phải học nên cứ việc mặc sức mà
                            phá thầy. Có lần chúng tôi bày trò gọi cả lớp trốn hết ra ngoài rồi khóa cửa phòng học lại. Phòng học lớp tôi trên đồi nên phía sau là đất trống mà ở phía văn phòng và các phòng học khác không thấy được. Thầy vào không được, phải gọi bác cai lên mở cửa thì không có học trò nào trong lớp cả! Thầy đi vòng phía ngoài phòng học thì thấy cả lớp đang đừng lố nhố phía sau. Thế là bị tóm cổ vào và bị phạt. Mới đầu thầy bắt quỳ hết lên bàn trong lớp. Tụi tôi vẫn không sợ mà cứ khúc khích cười. Thầy giận quá lại bảo cả lớp phải ra trước hàng hiên quỳ! Chỉ có XL là khóc tỉ tê vì cho rằng bị phạt quỳ như vậy là "nhục nhã". Tôi cùng với QM và các bạn khác cứ tỉnh bơ, không sợ cũng không thấy nhục nhã gì.
                                    Một lần khác cũng với thầy Hoàng Châu, khi thầy hỏi bài thì ngồi dưới bọn tôi cứ rúc rích xì xào. Thầy giận quá gọi nguyên băng lên bảng dò bài. Thầy hỏi cho một tăng thật là nhanh có thuộc cũng không sao trả lời được. Nào là dấu trắng bằng mấy đen, dấu đen bằng mấy dấu móc đơn, dấu móc đơn bằng mấy dấu móc kép, v.v... Thế là lại bị phạt. Thành ra, học giờ thầy đáng lẽ phải vui vẻ lắm thì hóa ra toàn là để bị phạt vì chọc phá.
                                    Khi thầy Hoàng Châu phải tập hợp xướng cho toàn trường nhân dịp văn nghệ cuối năm, trong lớp có khoảng năm sáu mạng đi tham gia, trong số đó lại cũng có tôi và QM. Thầy mặc quần tây, áo sơ mi bỏ trong quần. Không biết thầy nhét cái gì trong túi quần mà nhiều đến nỗi cái quần thầy xệ xuống mà hai cái túi thì phình ra. Nhìn thầy đánh nhịp tụi tôi không nhịn cười được bèn nghĩ ra cách chọc thầy. Tụi tôi lấy giấy viết hàng chữ: "Quần bán hỏi người mặc" và treo sau lưng thầy. Thế là cả bọn được dịp cười. Tha hồ cho thầy đánh nhịp, chẳng ai còn chú tâm để hát mà chỉ khúc kha khúc khích. Thầy giận quá không thèm tập
                            nữa và đón xe ôm (honda thồ) đi về nhà. Một hồi lâu chắc thầy nghĩ lại, thầy lại đi xe ôm lên trường … Bây giờ tôi thấy hối hận quá, lương tiền thầy giáo lúc đó bao nhiêu mà tụi tôi làm như vậy thầy đi xe lên xuống nhiều lần chắc là hết nửa tháng lương?

                                    Năm lớp 8 chúng tôi học Anh văn với Thầy Thân Trọng Tuấn, một thầy giáo trẻ mới về trường. Biết thầy chưa có kinh nghiệm nên tụi tôi tha hồ mà phá phách. Có nhiều nhưng tôi chỉ xin kể ra đây một chuyện mà bây giờ nghĩ lại tôi thấy thật là nghịch quái.
                                    Hồi đó trường lớp bàn ghế rất cũ kỷ. Ghế thầy ngồi có nứt một đường ở giữa. Không hiểu nghĩ sao, tụi tôi lấy một cây đinh đóng ngược ở mặt dưới lên ngay chỗ bị nứt. Lúc thầy vào lớp cả bọn hổi hộp chờ thầy ngồi xuống. Thường thì thầy hay đứng để viết bài lên bảng, xong rồi mới đến bàn ngồi. Thời gian chờ đến lúc thầy ngồi xuống thật lâu. Thầy dạy một câu gì có chữ mới và hỏi cả lớp nghĩa của nó. (Lâu quá tôi quên mất là chữ gì). Vừa lúc thầy ngồi xuống ghế thì cây đinh vì đóng nhẹ quá nên đã
                            rơi xuống đất. Cả lớp la lên “rớt rồi”, vậy mà thầy lại bảo “Đúng rồi”. Không hiểu nếu cây đinh không rơi xuống thì chuyện gì đã xảy ra?

                                    Trong bốn năm trung học lớp tôi có nhiều cô giáo hơn thầy. Vì các thầy giáo bấy giờ là “phái yếu” trong trường nên tha hồ cho nữ sinh hành hạ. Còn có thầy Nguyễn Văn Hoà, thầy Trần Phước Mẹo, thầy Trần Quang Chu, và thầy Lê Đình Phùng. Thầy nào cũng là “nạn nhân chiến cuộc” của bọn tôi, nhưng tôi chỉ ghi lại những chuyện hơi quá đáng một tí. Chúng tôi không phá các cô giáo bao giờ vì là “phe ta”. Tuy
                            nghịch ngợm vậy nhưng ba đứa tôi lúc nào cũng học vào hàng đầu trong lớp và luôn là con cưng của các thầy cô.

                                   Quả là “Thiên bất dung gian”, QM là đứa phá phách nhiều lại làm nghề gõ đầu trẻ. Không hiểu QM nghĩ sao khi chính mình bị học trò chọc phá? Bài viết này thân tặng Quỳnh My, Xuân Lộc, Tân Duyên, Phùng Mai, Kiều Ngân và Mai Loan, những kẻ đồng lõa ngày xưa, và tặng cả lớp, những người phụ họa với chúng tôi.


                            Nguyệt Hạ
                            (LT - TD)

                             
                            * Nhạc sĩ Hoàng Châu, người thầy dạy nhạc của các trường Trung học Pleiku, được báo chí gọi là "Người làm xiếc với cây sáo". Người nhạc sĩ tài hoa này có thể thổi sáo bằng mũi trong khi miệng và một lỗ mũi còn lại vẫn hút thuốc.
                             
                             
                            (Courtesy of Dr. Leighton - GS Anh văn Phạm Hông Thái Pleiku - ltpleiku.com)
                            Một buổi văn nghê trường Phạm Hồng Thái

                            Thật tình cờ khi thấy được tấm hình này:
                            Nguyệt Hạ năm học lớp sáu, lúc nào cũng có nơ trên tóc.
                            Mỗi ngày một kiểu, một màu khác nhau.
                             
                             
                            #59
                              Nguyên Đỗ 19.04.2013 07:28:05 (permalink)
                               
                               
                              Thân tặng Nguyệt Hạ và các cô Pleime nghịch ngợm
                               
                               
                              Nữ Quái
                               
                              Ai dại bảo hiền nhất là con gái ?
                              Cứ đọc bài của các chị các em
                              Đọc bốn phương, đọc buổi sáng, ngày đêm
                              Sẽ nhận ra "vẻ ngoan hiền" "quỷ quái!"
                               
                              Vâng thật đó đọc bài của Nữ Quái
                              Ôm bụng cười, nghịch phá kém gì trai
                              Nên từ nay biết con gái ba gai
                              Thì con trai sợ gì không ba xạo
                               
                              Vâng anh nhớ, anh thật tình khai báo
                              Để về sau có "tám lạng, nửa cân" ...
                              Phá cười vui cho khuây khoả tinh thần
                              Bao uẩn ức than bay vào mây khói
                               
                              Các Thầy ạ, phải canh chừng trò giỏi
                              Nghịch như tề, phá rứa đó, ma chê
                              Cứ đọc bài con gái thuở Pleime
                              Cười nứt bụng, chào thua bầy nữ quái
                               
                              Nguyên Đỗ
                               
                               

                               
                              #60
                                Thay đổi trang: << < 456 > >> | Trang 4 của 10 trang, bài viết từ 46 đến 60 trên tổng số 144 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9