GIAI ĐIỆU PHÙ TRẦM
Thay đổi trang: << < 434445 > >> | Trang 44 của 58 trang, bài viết từ 646 đến 660 trên tổng số 867 bài trong đề mục
da vàng 19.05.2014 20:50:26 (permalink)
0
 
 
 
 
* * *
 
 
Chủ quyền hay… chính quyền?  

Thuận Văn 
 
Không thể gìn giữ chữ tiết “nhạy cảm” cho gã láng giềng dở hữu nghị dở thù được nữa và nó, nhà nước toàn trị tại Việt Nam, đã cắn răng xé toạc màng trinh bước vào thời kỳ tuyên giáo “hậu giàn khoan”. Sông Rubicon đã vượt, những hàng tít nóng đã xối xả bắn ra, tràn ngập, như B-52 rải thảm.[1]
 
Nó không còn hoang mang, mơ hồ với “tàu lạ” nữa mà cụ thể, quyết liệt: “Quốc tế phẫn nộ trước các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông”, “Thế giới lên án Trung Quốc ngang ngược…”.  Nó đã hết ấp úng rụt rè “gây đứt cáp” mà chính xác, đâu ra đó: “Tàu Trung Quốc ngang ngược đâm tàu Việt Nam”, “Trung Quốc ngang ngược mở rộng vành đai bảo vệ giàn khoan”, “Trung Quốc ngang ngược đòi Việt Nam rút tàu mới đàm phán” v.v… [2]
 
Nghe thì rắn rỏi và đanh thép thật nhưng vẫn có gì đó lấn cấn và, thậm chí, mâu thuẫn với chính nó. Âm mưu mở rộng “không gian sinh tồn” của chủ nghĩa Tân Đại Hán đã là chuyện “nhãn tiền” mà nhiều người Việt Nam đã thấy, đã cảnh tỉnh, đã phản đối để rồi bị chính nó khủng bố, bị nó vu khống và cầm tù. Chuyện đã xưa còn hơn ông tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ trong khi mỗi thời khắc trôi qua thế giới này nảy sinh bao nhiêu là chuyện để … phẫn nộ, riêng hay chung, giật gân thời thượng hay sinh kế lâu dài. “Quốc tế”, như bà đệ nhất phu nhân da đen đầu tiên ấy, đang chau mày nghiến răng “phẫn nộ” trước việc 300 nữ sinh Nigeria bị quân khủng bố bắt cóc, không biết để giải quyết sinh lý hay để buôn bán như một thứ nô lệ tình dục. Và “quốc tế”, như rất nhiều công dân nước Úc và cả những chính phủ tiểu bang hiện tại, đang “phẫn nộ” vì những khó khăn tài chính mà chính phủ liên bang trút hết lên đầu và vai họ. Như thế thì “quốc tế” có thể bất bình, có thể “không đồng ý”, có thể “bày tỏ sự quan ngại sâu xa” hay “kêu gọi các bên liên quan kiềm chế” và những loạt đạn tuyên giáo về sự “phẫn nộ” hay “lên án” nhằm mở ra những hy vọng phơi phới cho một thế trận ngọai giao trùng điệp chỉ là một sự cường điệu nguy hiểm và mỵ dân. [3]
 
Nhưng cứ cho là vậy. Cứ tạm chấp nhận rằng “quốc tế đang phẫn nộ” và “thế giới đang lên án” thì đâu chỉ có bọn Trung Quốc cướp biển là nhà độc quyền ở cái khoản này? Chính nó cũng đã từng “ngang ngược”, từng khiến “quốc tế phẫn nộ” và “lên án” như thế, không chỉ một vài lần mà rất, rất nhiều lần.
 
Nhưng “quốc tế” là ai và “quốc tế” đã phẫn nộ như thế nào? “Quốc tế” không mơ hồ và trừu tượng như là… “tàu lạ” của thời kỳ “tiền giàn khoan” mà  là những đối tượng cụ thể, xác thực mà nó vẫn hằng khinh nhờn, giỡn mặt. “Quốc tế” là những định chế hành pháp hay lập pháp hợp hiến của từng quốc gia. “Quốc tế” là những tổ chức, nhân đạo hay chuyên môn, hoạt động vì những lợi ích cụ thể nào đó của nhân loại. “Quốc tế” còn là những cá nhân xuất chúng và khả kính, đã có những đóng góp nổi bật cho nhân loại hay được quốc gia mình tin tưởng phó thác cho vai trò đại diện đất nước của mình. “Quốc tế” là Bộ Ngọai giao Đức, Úc, Mỹ, Pháp hay Anh; là Nghị Viện Âu châu, là Hạ viện Anh hay lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ v.v…, những “đối tượng” mà nó vẫn hằng, nhẹ thì giả đui giả điếc, xem như lời nói gió bay, nặng thì “ngang ngược” xỉ vả là đui mù, “không thấy được thực tế” về những “thành tích nhân quyền” của nó. “Quốc tế” là Reporters Sans Frontières, tổ chức mà những dòng chữ lên án vụ bắt giam nhà báo tự do Anh Ba Sàm – Nguyễn Hữu Vinh vẫn còn nóng hổi. “Quốc tế” là Union of concerned scientists, liên minh của những khoa học gia mà lá thư bày tỏ mối quan tâm về luận văn thạc sĩ của Nhã Thuyên, chừng như, cũng đang bị nó “ngang ngược” ném vào sọt rác. [4] Và “quốc tế” là ông Karel De Gucht, Chủ tịch Ủy hội Thương mại của Liên minh Âu châu, người mà, vào năm 2008, khi còn là Ngọai trưởng Bỉ, đến Việt Nam với tư cách là đại diện cao nhất của Vuơng quốc Bỉ, đã bị Hàng không Việt Nam “ngang ngược” cướp vé, đuổi cổ khỏi hạng ghế thương gia để dành chỗ cho những ủy viên trung ương cần bay đột xuất trong chuyến bay Hà Nội – Sài Gòn ngày 13 tháng Sáu năm 2008. [5]
 
Lớn thì có những chính sách trả thù và cướp bóc mệnh danh “cải tạo con người”, “cải tạo sản xuất” hay chủ trương chiếm đóng Cambodia suốt một thập niên, cực kỳ “ngang ngược”. Nhỏ thì những chuyện đối nhân xử thế như cướp vé một đại diện quốc gia, cũng cực kỳ “ngang ngược”. Đã có thể “ngang ngược” giỡn mặt với “quốc tế” trong suốt một thời gian dài như thế thì, bây giờ, nó có thể kỳ vọng gì ở sự nhượng bộ của tên cướp biển chuẩn siêu cường trước những tiếng nói “quốc tế” nói trên?
 
Như vậy thì những hàng tít “quốc tế phẫn nộ” và “thế giới lên án” nêu trên chỉ là hành động tự ru ngủ. Không chỉ ru ngủ dân mình, nó còn muốn ru ngủ chính mình, cái kiểu thủ dâm của một thế lực ngu dân.
 
Và còn có sự “phẫn nộ” từ bên trong theo tinh thần tuyên giáo “hậu nhạy cảm” nữa. Cũng xối xả bắn ra. Cũng nóng sốt, tràn ngập bộ mặt của truyền thông lề phải. “Ngư dân Lý Sơn mít-tinh phản đối hành động của Trung Quốc”. “Người dân miền Trung xuống đường phản đối Trung Quốc”. “Người dân ba miền xuống đường phản đối Trung Quốc”. “Người dân TPHCM diễu hành, mít tinh phản đối Trung Quốc” v.v…  Hẳn nhiên, đây là sự phẫn nộ chính đáng, là lòng yêu nước cần phải tôn trọng nhưng vấn đề là ứng xử của… nó. Nó đã muối mặt chà đạp sự lòng yêu nước ấy bao nhiêu lâu rồi để bây giờ, khi không thể nào cấm cản, lại trơ tráo “bắt cóc” cái khí thế yêu nước ấy, như có thể thấy trong những cuộc biểu tình ngày Chủ nhật vừa rồi.
 
Thì người dân Lý Sơn phẫn nộ mít tinh khi bọn giặc biển hung hăng đòi nuốt chửng vùng biển vẫn hằng nuôi sống họ nhưng, trước đó rất lâu, những người dân Tiên Lãng, Văn Giang hay Long An, Đồng Tháp, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa v.v.. cũng đã từng phẫn nộ. Hơn thế, họ còn phẫn nộ bằng máu, bằng sinh mạng qua những khối thuốc nổ, những bình xăng tự thiêu khi những bờ xôi ruộng mật đất từng là nồi cơm nuôi sống họ, từng là nơi yên nghỉ của tổ tiên họ bị chiếm đoạt, bị nuốt chửng, cực kỳ “ngang ngược”. Dửng dưng, không mảy may lùi bước trước sự phẫn nộ của nhân dân mình như một thứ giặc đất, nó có thể kỳ vọng gì ở sự chùn tay của tên giặc biển bên ngoài?
 
Giặc biển hay giặc đất cũng có cùng bản chất là ăn cướp và điều đau đớn của dân tộc ta là phải đối phó cùng lúc với cả hai thứ giặc. Nếu một Trung Quốc bá quyền hành xử với Việt Nam như một thứ giặc ngoại xâm thì nó đã hành xử như là quân ăn cướp trên chính đất nước của mình, với chính nhân dân của mình, như một thứ giặc nội xâm. Trung Quốc “ngang ngược” hành xử như thể Biển Đông là một thứ ao nhà và thì nó hành xử như thể đất nước Việt Nam là cái sâu sau của nó. Nhưng như một thứ nội xâm phải nấp bóng ngoại xâm mệnh danh “hữu nghị”, mệnh danh ý thức hệ, nó lại răm rắp mô phỏng, răm rắp toa rập và răm rắp a tòng như một thứ “tiểu Trung Quốc”, a tòng cho đến khi không thể a tòng được nữa.
 
Có thể thấy cái bản chất “nội xâm – tiểu Trung Quốc” ấy ở cơ cấu quyền lực cao nhất của nó, Hội nghị Trung ương Đảng đang diễn ra tại Hạ Nội, Hội nghị lần thứ 9.
 
Hội nghị khai mạc ngày 9 tháng Năm năm 2014, là một trong những ngày sôi sục nhất khi tin tức về sự gây hấn của Trung Quốc dồn dập đưa về. Trước một diễn biến cấp bách như thế thì một cơ cấu quyền lực như thế phải gạt phắt những hội nghị đã dự trù hay ít ra là những chương trình nghị sự dự trù để thay vào đó một hội nghị khẩn cấp với những vấn đề thời sự khẩn cấp. Nhưng Hội nghị Trung ương vẫn là… Hội nghị Trung ương. Không mảy may thay đổi như không có gì xảy ra, như thể những tin tức dồn dập đưa về kia chỉ là một thứ tin xe cán chó!
 
Bên Hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê / Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ, khác với lời ai oán của Chế Lan Viên về cái thời lòng người chán nản sau khi các phong trào kháng Pháp bị dập tắt hoàn toàn, vận nước đã khiến “chuyện vua Lê” nóng bỏng từ lâu, và không chỉ nóng lên ở những địa danh mang tính lịch sử đầy biểu tượng như Hồ Gươm. Chuyện đã nóng lên tận Hồ Con Rùa, nóng trong không gian của những quán cà phê vỉa hè bất kể sự rình rập của những công an chìm nổi, nóng một cách thực sự trên không gian ảo của web của những trang Facebook. Chỉ Tổng Bí thư, chỉ “Trung ương” mới “rêu phong chuyện cũ”. Tại hội nghị, như cái nhan đề trên báo Đại Đoàn Kết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nghiêm nghị bình giảng những chuyện chẳng biết để làm gì “Văn hoá hình thành nhân cách con người, bản sắc, cốt cách một dân tộc”. [6] Lẽ nào? Văn hoá chúng ta phải bao hàm bản sắc của chúng ta, mà bản sắc chúng ta cũng là một phần của văn hoá của chúng ta: một cơ cấu quyền lực ghê gớm như thế mà lại có thể thật thà đến như thế, có thể trịnh trọng với một đề tài dư thừa và ngớ ngẩn như thế, dư thừa và ngớ ngẩn ngay giữa một tình thế khẩn thiết đến như thế?
 
Nhưng nhất định phải có một “hội nghị khẩn” nào đó, đâu đó, trong bí mật, và trong các cơ quan cao nhất về an ninh và tuyên giáo, về đề tài “thời sự khẩn”.  Phải có một hội nghị khẩn như thế thì mới có những bài bản chiến thuật để “bắt cóc” khí thế các cuộc biểu tình, lèo lái cái khí thể “bảo vệ chủ quyền” trong hình hài “bảo vệ chính quyền”. [7]
 
Nếu “bắt cóc” là ngón nghề sở trưởng của quân khủng bố thì nó, như một thế lực đã từng chơi trò khủng bố, chơi trò cầm giữ con tin, đã tỏ ra lại tệ hơn quân khủng bố đến mấy bậc.
 
Nếu những tổ chức Hồi giáo cực đoan như al Quaeda sử dụng chiến thuật khủng bố đối với công dân các quốc gia “tà đạo” với ý đồ đánh vào ý chí của các đối thủ xem là tà đạo thì nó, hệ thống toàn trị, chỉ chăm chăm khủng bố dân mình, chăm chăm đánh vào ý chí yêu nước của nhân dân mình và hành xử như thể người dân của mình là một thứ con tin. Nó, như đã thấy trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc trước đây, “ngang ngược” đạp vào mặt người dân yêu nước của mình, cái hành động chi có tác dụng duy nhất là nuôi dưỡng ý đồ bành trướng của kẻ thù, như để cho kẻ thù thấy rằng họ muốn làm chuyện gì với đất nước Việt Nam cũng được. Và nó, như có thể thấy trong chiến thuật mặc cả ngoại giao, đã lòng vòng bắt – thả công dân của mình như một thứ con tin trong các chu kỳ “thế giới lên án” về vấn đề nhân quyền, một cách cự kỳ vô trách nhiệm.
 
Tháng Tư năm 2008, khi nói chuyện với hơn 3000 sinh viên Đại học Bắc Kinh,  nguyên Thủ tướng Úc Kevin Rudd đã nhắc nhở những nhà lãnh đạo tương lai của Trung Quốc rằng trong mai hậu chính họ sẽ chịu trách nhiệm “xác định thế cách mà thế giới sẽ nhìn vào Trung Quốc”, rằng trọng trách của họ là hãy đưa đất nước mình trở thành “công dân toàn cầu đầy trách nhiệm” bởi cộng đồng thế giới đang mong đợi sự “tham dự đầy đủ” của Trung Quốc trong “toàn bộ cơ chế của trật tự toàn cầu đặt trên nền tảng luật lệ”. [8] Ông Rudd nói thế, hay mong mỏi thế, vì ông thừa biết rằng còn lâu Trung Quốc mới trở thành một “công dân trách nhiệm” của cộng đồng quốc tế. Nhưng còn nó? Nó phải làm gì để đương đầu với gã khổng lồ vô trách nhiệm của cộng đồng thế giới đó?
 
Thì “dĩ độc trị độc”, nhưng nọc của một con ong vò vẽ chẳng thể nào sánh nổi nọc độc của con rắn hổ chúa. Nó phải hiểu là, để đương đầu với một “Trung Quốc cướp biển”, nó không thể tiếp tục mô phỏng để làm một thứ “tiểu Trung Quốc cướp đất”. Để ứng phó với một chuẩn siêu cường vô trách nhiệm với thế giới như Trung Quốc, nó không thể hành xử như một thành viên vô trách nhiệm hạng bét của thế giới. Để vận dụng được sự ủng hộ cao nhất của cộng đồng thế giới thì nó phải làm thế nào đó để “thay đổi cách nhìn của thế giới” về nó. Nó phải thể hiện trách nhiệm của mình với thế giới mà, để làm đuợc như thế thì, trước hết, phải thể hiện trách nhiệm với chính đất nước và nhân dân của mình.
 
Như thế, trong tình thế khẩn thiết của đất nước, thay vì lăng xăng cướp giật băng rôn và áp phích của người yêu nước, nó phải chứng tỏ thiện chí bằng cách cúi đầu xin lỗi những người yêu nước đã bị khủng bố, bị vu khống và cầm tù. Và, nếu cần, thay vì “ngang ngược” đặt chính quyền lên trên chủ quyền, nó phải chấp nhận buông dao, cái lưỡi gươm dài cứu nước của vua Lê nhưng bị nó sử dụng như một con dao cắt xẻo, cắt xẻo đất đai và cắt xẻo lòng người.
 
___________
 
Chú thích
 
[1] Rubicon là con sông cạn tại Ý, thành ngữ “Crossing the Rubicon” ngụ ý một hành động liều lĩnh, không có đường quay trở lại, xuất phát từ việc Julius Caesar bất chấp sự phản đối của Nguyên lão Nghị viện đưa quân băng qua con sông này để chinh phạt vàp năm 49 BC.
 
[2] Những hàng tin trên báo chí lề phải những ngày qua.
 
[3] Trên thực tế chính quyền VN đã không thành công về mặt ngoại giao, cả khối ASEAN cũng không đưa ra thông điệp mạnh mẽ như họ mong muốn.
 
[4] Đến nay, thư phản đối vụ thu hồi bằng thạc sĩ của Nhã Thuyên vẫn chưa được trả lời.
 
[5] Những quan chức này phải bay gấp vào Sài Gòn để dự tang lễ Võ Văn Kiệt.
 
[6] “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Văn hoá hình thành nhân cách con người, bản sắc, cốt cách một dân tộc
Theo chương trình do Trung ương “thông qua”, Hội nghị này bàn 6 điều:
- Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
- Đề cương các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng
- Chuẩn bị cho việc chỉ đạo tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XII của Đảng
- Quy chế bầu cử trong Đảng; việc lấy phiếu tín nhiệm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng
- Tổng kết việc thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường.
 
[7] Các thủ đoạn cho người áp đảo, dùng các khẩu hiệu “đồng lòng cùng chính phủ” để che chắn hay bằng cách cướp giật các khẩu hiệu đòi trả tự do cho người yêu nước.
 
Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 11.5.2014, blogger Hoàng Vi:
 
“Lần này ở Sài Gòn có sự tham gia của ba nhóm. Nhóm do 20 tổ chức dân sự kêu gọi, một nhóm của giáo sư Tương Lai từ nhà hát thành phố, và một nhóm do Thành đoàn tổ chức nhằm để phá biểu tình, cho người trà trộn vào các nhóm biểu tình, để đưa những thông điệp, khẩu hiệu ca ngợi Đảng và Bác, và nhà nước này kia.
 
Riêng với nhóm mình tham gia ở Nhà văn hóa Thanh niên, thì thấy họ rất mất trật tự, luôn luôn họ đi đầu, cầm cờ đỏ sao vàng và cầm biểu ngữ của họ đi đầu để cố tình che đi biểu ngữ của những người đi sau, đòi tự do cho những người yêu nước, như Điếu Cày, Bùi Hằng, Trần Huỳnh Duy Thức… Những biểu ngữ đó họ cố tình cho người che lại để nhóm làm truyền thông không có thấy để chụp hình. Lúc đầu, một số biểu ngữ yêu cầu trả tự do cho những người yêu nước bị họ cho người giựt đi rất là nhiều. Nhưng bên nhóm biểu tình chuẩn bị rất nhiều biểu ngữ, nên vẫn xuất hiện được trong cuộc biểu tình.
 
[8] http://www.theaustralian.com.au/news/kevin-rudds-speech-at-beijing-uni/story-e6frg6n6-1111116015758
 
14.5.2014
© 2014 Thuận Văn & pro&contra
 
Phù vân 21.05.2014 06:18:10 (permalink)
0
ĐỌC BÁO GIÙM BẠN
Hãi hùng với con tàu bí ẩn trôi dạt vào bờ biển nước Mỹ
Một con tàu bí ẩn bám đầy rong rêu và sinh vật biển, tựa như cả ngàn con rắn đang bò lổm ngổm trên khoang đã được tìm thấy ở bờ biển bang Washington.
 
 
Con tàu bí ẩn trôi vào bờ biển bang Washington. (Nguồn: nydailynews.com)

Các quan chức bảo vệ bờ biển Mỹ đã phát hiện một con tàu nhỏ này hôm 28/4 và nghi ngờ con tàu có xuất xứ từ Nhật Bản, có thể đã bị cơn sóng thần năm 2011 cuốn ra biển rồi đánh dạt sang tận bên kia Thái Bình Dương.
Báo chí Mỹ thậm chí đã ví "con tàu ma" này với con tàu Noah trong Kinh Thánh vốn đã cứu sống vạn vật sau trận Đại hồng thủy.
Phó Giám đốc phụ trách các tình huống khẩn cấp cảng Grays (bang Washington) Charles Wallace cho biết cơ quan sinh thái bang Washington đã lấy các mẫu thực vật trên tàu để xét nghiệm nhằm xác định khu vực vùng biển của chiếc tàu này.
Các nhà điều tra Mỹ cũng đã tới Lãnh sự quán Nhật Bản tại Seattle để thu thập thông tin cũng như đề nghị sự hợp tác, giúp đỡ từ phía Nhật Bản nhằm điều tra xem liệu con tàu này có đến từ Nhật Bản hay không.
Các nhà điều tra hiện vẫn đang tiếp tục tiến hành các công tác để xác định chính xác con tàu này đến từ đâu.
Được biết, trước đó, nhiều con tàu của Nhật Bản trong trận thảm họa sóng thần 2011 cũng đã được tìm thấy tại khu vực này./.

Con tàu bí ẩn này dạt vào bờ trong tình trạng rong rêu và các sinh vật biển bám dày đặc.
(Nguồn: nydailynews.com)
Theo Lâm Anh
SongHuong 23.05.2014 15:05:54 (permalink)
0
LẶNG IM THÁNG TƯ 

Giữa ngàn lời muốn nói 
Im lặng vẫn là thơ 
Chiếc lá vàng ngu ngơ 
Lạc nẻo đời xuống phố 

Qua một thời giông tố 
Góc hồn ngân tiếng ve 
Ai quên một chiều hè 
Lời chia tay rất vội ? 

Nợ một lời nói dối 
Dùng dằng hai mươi năm 
Em giờ quá xa xăm 
Mong manh chùm phương vĩ 

Ngàn câu chưa hết ý 
Ngàn lời vẫn là không 
Chỉ còn xác phượng hồng 
Góc giảng đường xa vắng 

Chiều tháng tư nhạt nắng 
Hay nhạt lối ngày xưa ? 
Bao nhiêu để cho vừa 
Trang thơ thành … im lặng  

Sông Hương, Huế 4/2014 
 
SongHuong 23.05.2014 15:09:12 (permalink)
0
KÍ ỨC THÁNG NĂM 
Tặng NTV 
 


Còn chút gì trong nắng muộn tháng năm ? 
Chiều qua phố rưng rưng chùm phượng vĩ 
Chợt nhận ra ngày xưa mình… vô lí 
Để bây giờ khắc khoải mỗi hè sang 

Cao nguyên giờ có còn nắng chói chang 
Gió còn vọng những giao mùa xao động ? 
Hai mươi năm vẫn nguyên màu phượng thắm 
Chút tình đầu dang dở giữa mùa thi 

Ta còn nợ em một nụ từ li 
Lời tiễn biệt chưa tròn ngày xa cách 
Còn nợ em vì không lời hờn trách 
Để dã quỳ lạc lõng giữa đồi hoang 

Tháng năm về cánh phượng cứ đa mang 
Lời chia tay năm nào chưa kịp nói 
Hai mười năm cuộn lòng như dấu hỏi 
Tiếng ve buồn… thầm gọi những mùa thi 

Tự trách mình như một cánh chim di 
Thả mùa nhớ lên cọng buồn thiếu nữ 
Khi tóc sương chợt nhìn về quá khứ 
Phía mùa thi ai giữ… cánh hoa buồn ? 

Huế 5/2014 
Sông Hương 
dzuylynh 28.05.2014 05:49:41 (permalink)
0
 
 
 
 
 

https://app.box.com/s/shzpjj9r9di8doqpira7

HÁT TRÊN NÚI
thơ Mường Mán | nhạc & trình bày Dzuylynh

Tay đan tay chiều muộn rồi 

Nhạc trôi dưới phố nắng ngùi trên cây 
Mắt đan mắt cay nồng cay 
Sương giăng lũng thấp nhớ đầy lên vai 
Môi đan môi nụ hôn dài 
Rẩy run đôi cánh hoa mai chợt vàng 
Đồi lang thang núi lang thang 
Dắt nhau về thủa hồng hoang hai người 
Tóc đan tóc bời rối bời 
Trăng trôi qua phố mây rời rã mây 
Ngủ đi thôi, ngọn cỏ may 
Tim anh hãy tựa những ngày còn xanh 
Ngủ đi thôi con chim oanh 
Giữ ngoan tiếng hát dỗ dành mai sau 
Núi cắt rốn, đồi chôn nhau 
Đi đâu cũng nhớ quay đầu về non 

 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 29.05.2014 03:50:07 bởi dzuylynh >
dzuylynh 29.05.2014 03:53:57 (permalink)
0
 
 
 
 
 

(xin bấm lên ảnh để nghe bài hát)
 
Dạ Khúc Cuối
 
Rồi mai tôi sẽ …sẽ đi về cát bụi
Buồn vui chi mấy… tháng năm rồi cũng phai
Đường xa muôn nẽo…khói sương giăng muôn trùng
Lạnh lùng trời mây… hay nắng cháy khô cằn
 
Rồi mai nơi ấy… biết ai còn ngóng đợi
Tình thôi cũng lỡ… lỡ cung đàn hắt hiu
Sầu trong đêm… vắng tiếng ai ru ơ hờ
Ngẹn ngào lệ rơi …lặng lẽ lối đi về
 
Dù trời mù sương, xin người đừng vấn vương
Dù trời đầy mưa, xin người đừng chờ đón đưa
Để sầu người đi đi về rừng núi xưa
Để sầu người đi… đi về cõi hư không
Đi về cõi hư không mịt mùng...
 
Rồi mai tôi sẽ …sẽ xa rời chốn này
Hồn theo mây trắng… cuối chân trời viễn du
Rừng thu thay lá… lá rơi rơi âm thầm
Ngậm ngùi mùa sang… là những nhớ nhung khôn cùng...
 
 
SongHuong 29.05.2014 09:24:22 (permalink)
0
MẮT HẠ

Chiều ngang qua mắt hạ
Chạnh lòng thương tiếng ve
Ngày đi không giã biệt
Buâng khuâng phượng gọi hè

Diệu Thanh(*) xưa còn xõa
Tóc dài theo thác bay
Người em xưa còn đợi
Lặng thầm ngày chia tay ?

Lần từng trang nhật ký
Phượng hồng như rơi rơi
Cao nguyên mùa gió động
Ai đau một khoang đời ?

Mênh mang chiều phố thị
Dòng Hương thầm trôi xuôi
Đâu hay chừng đâu đó
Dã quỳ hoang ngậm ngùi

Người ơi giờ xa lắm
Chút tình như gió bay
Mang theo lời tiễn biệt
Trong mắt hạ chiều nay.
Huế 5/2014
Sông Hương


SongHuong 29.05.2014 09:27:46 (permalink)
0
KHÚC TRĂNG
( Họa thơ nữ sĩ Ngưng Thu nick FB Cánh đồng gió )

Trăng nhàu
Từ độ…
Mờ sương
Khúc chiều mỏng tựa tơ
Vương mi gầy
Chòng chành
Cung lỡ
So dây
Từ trăng khóc
Nhớ vơi đầy miền thương

Dấu xưa chừ đã mờ
Sương rơi trên mái tóc
Vô thường… giọt đêm
Ta đi về phía không em
Cạn li vô định
Say mềm môi trăng

Chập chờn
Đâu đó dấu quen ngày xưa ấy
Chợt… dùng dằng đêm nay
Mình ta chợt tỉnh
Chợt say
Lòng cố quên
Cứ với đầy khúc xưa

Chừng như
Vọng khúc trăng thừa
Mơn man lời gió
Ai vừa ra đi
Ai quên một thuở xuân thì ?
Đêm nhàu vai phố bởi vì… trăng rơi

Huế 5/2014
Sông Hương

 
SongHuong 31.05.2014 10:12:41 (permalink)
0
THÁNG NĂM

Tháng năm
Chùm phượng vĩ thả buồn bên thềm hạ
Ta nhặt dấu xưa
Xếp hình bước chân vội vã
Ngày đi quên lời từ tạ 
Ngọt đắng, vui buồn
Xin trả… phố mù sương

Tháng năm
Tiếng ve rơi phía cuối con đường
Gập ghềnh lời ru
Nuối tiếc một thời con gái
Ầu ơ … người ơi xa ngái
Gom xác phượng buồn
Gởi lại … phía người đi

Tháng năm
Ta nợ cao nguyên một cánh dã quỳ
Lần lữa nụ hôn
Chiều nay phượng bừng sắc hạ
Bước chân ngày nao vội vã
Day dứt dã quỳ
Quen lạ… góc đồi hoang

Tháng năm
Chợt nhận ra mình sao cứ đa mang
Nợ lời từ li
Nợ cao nguyên một lần trốn chạy
Sông Hương dùng dằng xuôi mãi
Chiều nay thả hồn
Về lại… phía đồi sim

Huế cuối tháng 5/2014
Sông Hương
 
Phù vân 01.06.2014 12:28:14 (permalink)
0
GIẢI TRÍ CUỐI TUẦN
 
Ấn Độ mới phát minh ra thuốc trị bệnh tiểu đường rất công hiệu
<bài viết được chỉnh sửa lúc 01.06.2014 12:29:20 bởi Phù vân >
Phù vân 02.06.2014 23:49:06 (permalink)
0

PHỞ SÀI GÒN XƯA VÀ NAY
 
Cũng như thịt chó, phở là một đặc sản của miền Bắc. Người ta cho rằng nó chỉ mới xuất hiện ở Saigon vào những năm 1951-1952, cùng một thời gian với hai nhà hát ả đào, một ở xóm Monceau và một ở xóm Đại Đồng.
Cả hai thứ ấy đều rất xa lạ với người Saigon thuở đó. Kiếm được một quan viên biết cầm trống chầu không phải chuyện dễ. Cho nên họ chỉ cầm cự được một hai năm rồi dẹp tiệm, mặc dù họ đã biến nó thành một hình thức như ”kem sờ” ở Bờ Hồ (Hà nội) vào những năm 30 hoặc như ”bia ôm” của Saigon hôm nay. Và phở cũng chịu chung một số phận với nó. Người ta chỉ thích hủ tíu, hoành thánh, bánh xếp nước… Chỉ có độc một tiệm phở được gọi là ”Phở Tuyệc”, nằm trên đường Turc (nay thuộc khu vực Đồng Khởi) là kiên trì bám trụ.
 
Phải đợi tới sau năm 1954, phở mới thực sự thực hiện một bước nhảy vọt từ Bắc vào Nam. Phở khởi đầu sự bành trướng của nó vào giữa thập niên 50 tới giữa thập niên 60. Có cả một dãy phố phở nằm trên hai con đường Pasteur và Hiền Vương.
 
THƠ PHỞ…
Những nhà hàng phở ngon của Saigon thuở ấy nhiều vô số. Nhưng được người ta chiếu cố nhất chỉ có bốn hoặc năm tiệm, trong đó có phở Trần Minh ở hẻm Casino. Trong cái ngõ cụt ấy, ê hề các hàng quà : phở, bún ốc, bún ốc sườn… Từ đầu ngõ, người ta đã chạm trán với khách ẩm thực, kẻ ra người vô tấp nập. Phở Minh ngon thiệt là ngon. Nó không giống như kẹo kéo “ăn một lại muốn ăn hai, ăn ba ăn bốn lại nài ăn năm”. Người ta chỉ có thể ăn một bát để cho nó thòm thèm rồi mai lại ăn nữa ! Có một người nghiện phở của ông ta, và nghiện luôn cả truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Đó là ông X, chủ một tiệm giày ở đường Lê Thánh Tôn. Ông vừa ăn phở vừa theo dõi cuộc tình của Triệu Minh – Vô Kỵ, hoặc của Doanh Doanh – Lệnh Hồ Xung trên mặt báo. Và tình bằng hữu giữa ông chủ tiệm giày với ông chủ tiệm phở đã thắm thiết hơn lên nhờ một bài thơ phở của ông chủ tiệm giày. Gọi là thơ phở vì đọc lên nghe thấy… toàn mùi phở. Tuy nhiên nó được làm theo thể Đường thi, và chữ nghĩa đối nhau chan chát. Rất tiếc, người viết chỉ còn nhớ được có bốn câu :
Nổi tiếng gần xa khắp thị thành
Trần Minh phở Bắc đã lừng danh
Chủ đề : tái, chín, gầu, gân, sách
Gia vị : hành, tiêu, ớt, mắm, chanh
Sau đó, ”mông xừ” Trần Minh đã nhờ một người nhái những nét chữ rồng bay phượng múa của Vũ Hoàng Chương để viết bài thơ ấy và treo ở trong tiệm.
 
VÀ CÂU ĐỐI PHỞ
Saigon thuở ấy chỉ có một tiệm duy nhất ở đường Võ Tánh, gần Ngã Sáu, có món tái sách tương gừng và phở tái sách : tiệm Y. Thịt tái mềm, sách ròn nhai gau gáu, chấm với tương Cự Đà thì tuyệt cú mèo. Người ta bèn đổ xô tới để thưởng thức một món ăn lạ miệng. Và tiệm Y phất lên như diều. Từ ngôi nhà lụp xụp, ông đã sửa sang lại cho khang trang và mua thêm một nhà khác để ở cho thoải mái. Phú quí sinh… máu văn nghệ, ông bắt đầu giao du thân mật với cánh nhà văn, nhà báo.
 
Sau cuộc đảo chính của Dương Văn Minh, trong làng báo có hiện tượng “trăm hoa đua nở”, hễ có tiền là có quyền làm chủ một tờ báo. Thế là ông chủ tiệm phở Y bèn ra báo. Từ tái, chín, nạm, gầu, sụn, nhảy sang địa hạt chữ nghĩa, ông hoàn toàn bỡ ngỡ. Cho nên báo của ông chỉ có thể đến với độc giả bằng con đường ve chai. Dĩ nhiên nó phải chết. Và ít lâu sau ông cũng chết theo nó. Người vợ góa trẻ đẹp kế tục ”sự nghiệp” của ông chồng quá cố. Tiệm Y phát đạt trở lại. Những người bạn văn nghệ của ông Y vẫn lui tới ăn phở như xưa, nhưng mục đích chính của họ là… ngấp nghé ngôi vị chủ tiệm. Sau mấy năm trời theo đuổi mà chẳng đi tới đâu, một người trong bọn họ, tức cảnh sinh tình, bèn mượn danh nghĩa bà quả phụ để ra một vế câu đối như có ý thách thức thiên hạ rằng : “Nếu ai đối được thì em xin nguyện lấy làm chồng”
 
“Nạc, mỡ nữa làm chi, em nghĩ chín rồi không tái giá ”
Câu đối sặc sụa mùi phở, nhưng hắc búa nhất là cụm từ ”tái giá”, nó vừa có nghĩa là ”đi bước nữa” lại vừa có nghĩa là ”phở tái giá”. Cũng như ”da trắng vỗ bì bạch” của bà Điểm đố Trạng Quỳnh vậy. Hơn ba mươi năm trôi qua, câu đối ấy hiện nay vẫn chỉ có một vế.
 
PHỞ GÀ TRỐNG THIẾN
Ngay cả Hà Nội – quê hương của phở – từ trước đến nay cũng chưa bao giờ có phở gà trống thiến, cho dù ở phố Huyền Trân Công Chúa, vào đầu những năm 50, đã có một hàng phở gà ngon nổi tiếng khắp Hà thành, đến nổi cụ Nguyễn Tuân khi theo đoàn quân về tiếp quản Thủ đô, ăn xong đã phải khen rằng ”tuyệt phở !”. Người bán phở tên là Chí. Ông ta mới hồi cư, không có đủ tiền để mướn mặt bằng, phải làm phở gánh. Con đường mang tên vị công chúa nhà Trần bé bằng cái lỗ mũi, với cái vỉa hè rộng hơn một mét, khách ăn kẻ đứng, người ngồi, húp xì xụp.
 
Phở gà trống thiến xuất hiện ở Saigon vào những năm 60, ở phía chợ Vườn Chuối – tuy chưa được liệt vào loại tuyệt phở, nhưng cũng được khách ẩm thực đặc biệt chiếu cố. Phở ngon là một lẽ : thịt gà trống thiến thơm và mềm như gà mái tơ, nước phở trong hợp với khẩu vị của những người kén ăn, nhưng cũng còn một lẽ khác : người ta vừa ăn, vừa ngắm cái vẻ thướt tha yêu kiều của con gái ông chủ tiệm, thỉnh thoảng đi ra đi vô, mỉm cười với người này, gật đầu chào người kia, giơ tay ‘bông rua’ người nọ, tự nhiên như một cô đầm non.
 
Đó là nữ ca sĩ Y.V, một giọng ca lả lướt của các phòng trà. Ban ngày, nàng giao thiệp với phao câu, đầu cánh, thịt đùi; ban đêm, chìm đắm trong ánh đèn màu. Thế rồi, không kèn không trống, nàng tuyệt tích giang hồ. Người ta bảo rằng nàng đi Tây. Đi Tây thật chứ không phải Tây Ninh. Tiệm phở vắng khách dần và ít lâu sau thì phải dẹp.
 
PHỞ KHÔNG RAU KHÔNG GIÁ
Tiệm này nằm trên đường Công Lý- cách ngã tư Công Lý – Yên Đỗ (nay là ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lý Chính Thắng) khoảng 100m – trong một cái hẻm rộng. Người ta gọi là phở Bà Dậu. Nó có những đặc điểm không giống bất cứ một tiệm phở nào : không rau, không giá và rất sạch, và nhất là không có cái mùi phở kinh niên. Thịt thái mỏng và bánh phở to bản thích hợp với cái gu của người Hà Nội. Vì ở sâu trong hẻm, nên thoạt đầu khách tới ăn uống rất lơ thơ tơ liễu buông mành, chỉ có dăm bảy mống. Sau đó, nhờ sự cổ động của người Hà Nội, người ta mới bắt đầu chiếu cố tới hương vị không rau không giá đó.
 
Trải qua hơn 30 năm, Phở Bà Dậu sau vẫn tồn tại và có phần phát đạt hơn xưa. Có thêm một món mới : tái bắp, thịt mềm và nhai sần sật như sụn. Giá cả cũng tăng, từ 10đ/ bát trong những năm 60 đến 10.000đ/ bát, năm 1996. Nhưng khách ăn vẫn nườm nượp.
 
TỪ PHỐ PHỞ ĐẾN… BẮC HUỲNH
Hà Nội, quê hương của phở, và thời bao cấp đã sản sinh biết bao thứ phở : phở vịt, phở ngan, phở lợn (thậm chí có cả phở chó), vậy mà chưa có một phố nào chuyên bán phở, trong khi ấy Saigon lại có cả một dãy phố phở. Đó là khu Hiền Vương (Võ Thị Sáu – Pasteur). Hiền Vương chuyên bán phở gà, còn Pasteur, phở bò. Nhưng dù gà hay bò, các tiệm phở ở khu này chưa có một tiệm nào – nếu nói về phở bò – có thể so với phở Tàu Bay ở Lý Thái Tổ, còn nếu nói về phở gà, thì thua xa phở Vọng Các (đường Võ Văn Tần) và phở Bưu Điện hôm nay.
 
Những tiệm phở bò nổi tiếng thời ấy còn có phở Tàu Thủy ở Nguyễn Thiện Thuật, phở Quyền và phở Bắc Huỳnh ở miệt Phú Nhuận. Sau khi ông Tàu Thủy qua đời, người con trai không có đủ khả năng kế nghiệp ông bố, bèn dẹp tiệm để chuyển sang nghề khác. Còn phở Bắc Huỳnh nguyên là phở Ga Đà Lạt một thời nổi tiếng; Sau 75 ông mò về Saigon, mở tiệm phở Bắc Huỳnh trên đường Võ Tánh góc Trương Tấn Bửu đối xéo góc với nhà thờ Nam. Chỉ mấy tháng sau, Bắc Huỳnh lại nổi tiếng như cồn. Hàng ngày, từ 6 giờ sáng khách mộ điệu phở đã nườm nượp nối đuối kéo vào. Và chỉ tới 10 giờ là bánh, thịt, nước phở đã láng cóong. Phải công nhận phở Bắc Huỳnh hết chỗ chê. Nuớc trong vắt thơm lừng; Miếng thịt chín mùi thơm như pa-tê, thái tay vừa đủ dầy để cắn ngập răng. Miếng gầu sữa trắng toát mịn như miếng thạch, vừa thơm vừa bùi lại ròn tan; Không một chút hoi. Đặc biệt tiệm BH không bán phở toàn tái. Thế mới là chính thống. Phở bò mà lại ăn phở tái thì đúng là nhà quéo.
 
Đang phát đạt như thế, chẳng biết sao khoảng năm 1982 bỗng dưng ông dẹp tiệm. Dân ghiền phở cứ tiếc hùi hụi. Trong số này có ông cao thủ bóng lông Trần K., khi đó đang chủ trì sân quần vợt đuờng Lê Duẩn. Ông này ghiền phở BH không thua gì mấy anh ghiền thuốc phiện. Sáng sáng, sau khi dợt cho đệ tử mà không được bồi dưỡng hai tô phở BH là ông ngáp lên ngáp xuống. Ông bèn gạ một người bạn ông để người bạn này yêu cầu cô con gái ông BH mượn nồi niêu soong chảo bát đũa của ông già ra sân quần vợt mở một tiệm phở xe. Dân ghiền phở lại kéo tới ăn đông như chẩy hội. Hồi đó nữ ca sĩ Thái Thanh và nữ ca sĩ Tâm Vấn ở tít trong Chợ Lớn, sáng nào cũng ngồi xích lô ra sân quần vợt – không phải để đánh banh lông – mà là để đớp phở.

 
Cao thủ Trần K. có ông anh cũng tên Trần K. và cũng là cao thủ bóng lông, còn mê phở hơn cả ông em. Sáng nào ông K. anh cũng gò lưng đạp chiếc xe đạp ọp ẹp chở người tình 200 pao từ Chợ Lớn ra sân quần với mục đich cao quý duy nhất là đớp phở của con gái ông BH. Có nhiều lần, có  lẽ tại tối trước ông K. anh chơi bóng lông hơi nhiều và hơi khuya, sáng ra chân chùn gối lỏng, ông đạp xe hơi chậm, tới hơi trễ, đã thấy cái thùng nước phở chổng mông lên trời. Phở chính thống là thế : bao nhiêu thịt là bấy nhiêu nước. Hết nước là hết thịt, hết thịt là hết nước. Và hết là hết, chứ không có cái trò đổ vài lon nước lèo hộp, hay ném mấy cục bouillon vào nước, thêm tí mắm tí bột ngọt, đun sôi lên bán với thịt tái. Sau mấy lần đạp xe phờ râu tôm tới nơi lại hụt ăn, ông K. anh đành thương lượng với cô chủ phở như thế này :
 
Mỗi sáng cô cứ vui lòng để riêng ra hai tô, cất đi cho tôi. Tôi tới kịp để ăn hay không tới ăn được cũng kệ cha tôi. Tôi vưỡn cứ trả tiền như thường. Ấy thế mà, chỉ được hơn năm, chả biết lý do gì, tiệm phở xe này cũng bỗng mất tích. It lâu sau thấy tiệm Bắc Huỳnh lại tái xuất giang hồ. Được ít năm rồi lại dẹp không kèn không trống. Ngày nay nghe đâu ông Bắc Huỳnh và cô con gái đẹp như mơ đã mở hai tiệm phở bên Calgary, Canada. Chả biết còn giữ tên Bắc Huỳnh nữa không.
 
…PHỞ NGẦU PÍN
Dạo ấy, cả Saigon chỉ có độc một tiệm của chú Woòng ở đường Lý Thái Tổ bán phở ngầu pín. Chú là người Quảng Đông, trước khi di chuyển vào Nam đã mở tiệm phở ở phố Huế, Hà Nội. Vào đầu thập niên 50, phở ngầu pín đối với dân thủ đô, thật hoàn toàn xa lạ. Có mà nhử thính các tiểu thư Hà Nội cũng không dám tới ăn.
 
Phở ngầu pín vào tới Saigon cũng chả khấm khá gì hơn. Vẫn cái tiệm xập xệ tối thui, như ở phố Huế. Khách tới ăn toàn những ông râu ria xồm xoàm hoặc lún phún râu dê hoặc nhẵn nhụi bảnh bao chẳng có một sợi râu nào. Nhưng tuyệt nhiên không hề có bóng dáng đàn bà.
 
PHỞ SAU 75 VÀ CƠN SỐT PHỞ BẮC HẢI
Phở leo lên tới tột đỉnh vinh quang bắt đầu từ cuối thập niên 80. Phở tràn ngập thành phố, ngoại trừ khu vực Chợ Lớn, bởi nó không thể địch lại được với hủ tíu, hoành thánh, bánh bao, xíu mại. Nhưng đặc biệt nhất là cơn sốt phở Bắc Hải. Ở thành phố có chí ít vài ba chục tiệm mang cái tên ấy. Tại sao người ta lại không chọn một bảng hiệu khác ? Cũng có nguyên nhân đấy.
 
Số là vào thời bao cấp, ở phố Thuốc Bắc, Hà Nội có một tiệm phở chui mà ông chủ tên là Bắc Hải. Đó là bí danh, biệt hiệu hay tên thật của ông ? Chả có ai rỗi hơi tìm hiểu. Chỉ biết cứ thế mà gọi. Tiệm của ông dĩ nhiên là đông khách, nhưng toàn khách quen. Những cái mặt lạ hoắc đừng có hòng bước vào. Trong khi phở quốc doanh “chạy qua hàng thịt”, thì phở Bắc Hải cả bánh lẫn thịt đều có chất lượng. Ngoài ra lại còn cái thú uống rượu quốc lủi nhắm với món “bốc mả” (xíu quách). Thịt do dân”bờ lờ” (buôn lậu) từ Phú Xuyên, Thường Tín hoặc ngả Gia Lâm đi theo xe khách thành, đưa vào bán cho các mối. Còn quốc lủi do ngoại thành cung cấp.
 
Ông Bắc Hải đựng quốc lủi trong cái bong bóng trâu, giấu ở trước bụng, cái áo phủ bên ngoài. Khách nào muốn uống, giơ cái ly xây chừng ra, ông cởi khuy áo, tháo cái nút vòi bong bóng rồi xịt một phát vào ly. Rượu vừa đúng tới mép ly, không tràn ra một giọt nào. Ông bảo đó là cả một nghệ thuật, phải tập mất một tháng mới thực hiện thành công thao tác ấy. Nói cũng đáng tội, phở của ông cũng chả ngon lành gì. Chẳng qua là vì ”trong xứ mù thằng chột làm vua”. Vả lại, nó có đầy đủ chất béo, chất cay. Với một người ”thích đủ thứ”, như vậy là đúng tiêu chuẩn. Từ đó, anh hùng nhất khoảnh, phở Bắc Hải danh trấn giang hồ.
 
Sau 75, một số đệ tử của ông Bắc Hải vào Nam. Họ kiếm một đầu hẻm, dựng một quán phở lộ thiên. Một trong những đệ tử nổi bật nhất của ”mông xừ” Bắc Hải là Ch. Râu. Gọi như thế là vì trên mặt anh có cả một rừng râu. Trẻ con trong khu phố, mỗi khi thấy anh xuất hiện lại chạy theo trêu chọc : ”Ơ cái râu lồm xồm, ơ cái râu loàm xoàm, cái râu mọc quanh cái mồm”.
 
Lại vừa may mắn lại vừa có sẵn ít vốn, Ch. Râu kiếm được một mặt bằng ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Phở Bắc Hải của anh ra đời, trội hơn các tiệm Bắc Hải khác với món áp chảo nước, áp chảo khô, và đặc biệt là rượu rắn-bìm bịp, tráng dương bổ thận.
 
Hiện nay, phở Bắc Hải không những bành trướng trong thành phố mà còn xuất hiện tại các vùng ngoại ô, nhất là khu Tân Sơn Nhất.
 
Khoảng giữa thập niên 80, tại Bến Sỏi, mé trái cầu Điện Biên Phủ, có một tiệm phở đuôi bò và ngầu pín do một người đàn bà đứng bán. Quán hàng thiết lập trên một vùng đất lổn nhổn sỏi đá. Khách ăn, kẻ đứng người ngồi. Đôi khi cái ghế lùn tịt được dùng thay cho bàn. Và lần đầu tiên trong lịch sử của ỀpínỂ, ngầu pín được các bà các cô chiếu cố. Họ tỉnh queo cắn từng miếng một và nhai sần sật. Đuôi bò của Bến Sỏi cũng tuyệt trần. Mỗi miếng bằng cái nắm tay của trẻ con. Thịt được ninh nhừ nên khi ăn cũng không đến nỗi vất vả.
 
Phở Bến Sỏi chỉ bán đến 9g30 sáng là hết. Nhưng thông thường, người ta đến sớm hơn. Để tránh cái nắng như đổ lửa xuống đầu. Trông các bà vừa ăn vừa thấm mồ hôi, phấn son nhòe nhẹt, thấy mà thương !
Vài năm sau khấm khá, bà chủ tiệm tậu được một miếng đất rộng lớn ở phía xa lộ rồi chuyển cửa hàng ra đó. Bây giờ gọi là quán phở N., vừa bán phở vừa bán lẩu ngầu pín đuôi bò. Một cái lẩu 20.000đ hai người ăn căng bụng.
 
PHỞ THẦY CÔ
Bởi lương nhà giáo không đủ sống nên 5 cô và một thầy đã hùn nhau mở một tiệm phở ở vỉa hè đường X., phía sau cổng trường M.C.
 
Phở thầy cô ra đời khoảng gần hai năm nay. Có một dạo nhà nước dẹp lòng lề đường, có lúc họ phải di chuyển vào mé sân sau trường. Tiệm này chuyên bán phở gà và chỉ bán vào buổi sáng. Dĩ nhiên phở của họ không thể nào ngon bằng các tiệm nhà nghề như phở gà Bưu Điện hoặc Vọng Các hay các tiệm ở đường Võ Thị Sáu, nhưng nó lại có một hương vị đặc biệt – hương vị gia đình. Khách ăn có cảm tưởng như người nhà mình nấu cho mình ăn vậy. Phở ở đây rất có ”chất lượng” và rẻ – rất rẻ là khác : 4.000đ/ tô đầy tú ụ cả thịt lẫn bánh.
 
Giữa họ đã có sự phân công : mỗi người nấu phở rồi coi phở một ngày. Không có ai trong số họ có sẵn tay nghề. Thoạt đầu thì lúng túng như thợ vụng mất kim, ít lâu mới thành thạo. Nhưng dù sao đối với họ nghề phở cũng là một cái nghề bất đắc dĩ. Đứng trên bục giảng vẫn tốt hơn.
 
Ở thành phố, ngoài nhóm thầy cô kể trên, còn có một cô giáo nữa cũng đang đứng bán phở, nhưng lại giã từ hẳn cái nghề kỹ sư tâm hồn. Cô nguyên là giảng nghiệm viên của Đại học khoa học, nhà lại sẵn có mặt bằng nằm trên một trục lộ đông đảo người qua lại, bèn quyết định từ bỏ ống nghiệm và các công thức hóa học để ”giao thiệp” với phở. Vốn là một nội trợ giỏi nên từ nấu thức ăn đến làm phở cũng không đến nỗi khó khăn. Cửa tiệm nằm ở phía chân cầu Bông, khách ăn sẽ dễ dàng nhận ra khi thấy trước cửa đậu một dãy xe gắn máy.
 
Phở Cầu Bông ngoài các món thường lệ như tái, chín, nạm, còn có món đuôi bò. Phở rất ngon nhưng giá một tô có 5.000đ, chỉ bằng một nửa tiền nếu so với phở Hòa ở đường Pasteur, tục gọi là phở Việt kiều, với giá chém treo ngành 12.000đ/ tô. Sở dĩ gọi thế là vì khách ăn đa số là Việt kiều. Họ quen ăn phở với giá 8 đôla/ tô, chưa kể tiền ”bo” 10%, nên với họ, đó là một giá rẻ mạt.
 
Phở Cầu Bông cũng không làm theo kiểu đại trà với thịt thái sẵn chất đầy một cái khay. Khách ăn tới đâu làm tới đó. Thịt thái mỏng bốc mùi thơm phức. Mỗi miếng thịt mang hình kỷ hà, màu nâu gụ của nó dính với màu mỡ gàu đặt trên nền trắng của bánh trông giống như một bức tranh tĩnh vật.
Cô giáo của trường Khoa học đã đưa cả khoa học lẫn nghệ thuật vào phở.
 
PHỞ T.D. Ở ĐIỆN BIÊN PHỦ
Phở có bảng hiệu mang tên số nhà, nhưng người ta cứ quen miệng gọi là phở T. D., tên ông chủ, mặc dù anh không đứng bán. Căn nhà đó, xưa kia, anh mở tiệm cơm Tây với hai món đặc sản : chateaubriand và chân giò nấu đậu trắng. Các bằng hữu của anh đa số là những người làm văn nghệ. Anh cũng được liệt vào số đó, bởi giọng ca tuyệt diệu của anh. Nhưng mỗi năm anh chỉ hát có một lần và chỉ hát có một bài vào đêm Giáng sinh : “Đêm thánh vô cùng” (Silent Night). Một điệu nhạc tắt đèn. Trong lúc tiếng ca thánh thiện của anh vang lên, người ta ôm nhau đi một đường slow.
 
Sau khi thưởng thức phở Quyền, phở Tàu Bay, phở bà Dậu, nếu muốn đổi hương vị, người ta có thể đến T.D để nếm món ”vú sữa”, tức là khoảng thịt bụng có những núm vú, ăn béo ngậy, thơm và sần sật, nhưng không giống như sụn hoặc nậm của thịt chó. Nhà hàng có mặt bằng rộng, quạt máy quay vù vù, khách ăn không phải chịu cái cảnh mồ hôi mẹ mồ hôi con cùng chảy.
 
PHỞ CÔNG TỬ SÀI GÒN
Đó là tiệm phở gà H. B. ở đường Võ Thị Sáu. Ông chủ tiệm tên là Q., một người thuộc giới giang hồ mà cả hai đạo hắc bạch đều biết… tiếng từ khi Q. ở địa vị một ông chủ.
 
Nghề phở đến với anh một cách tình cờ. Trong một cuộc đọ tài cao thấp với một tay anh chị, anh bị hắn thưa về tội đả thương, và sau đó bị đưa đi cải tạo. Thời gian chém tre đẵn gỗ trên ngàn, anh thường hay giúp đỡ một anh bạn đồng cảnh ngộ. Thấy bạn bị bắt nạt là anh can thiệp ngay. Không phải bằng vũ lực, mà chỉ với một chiêu số thôi : bấm vào huyệt nội quan ở cổ tay và huyệt khúc trì ở khuỷu tay, là địch thủ phải thổi bài kèn ”ô rơ lui” ngay. Q. lại còn thường giúp anh ta trong các công tác lao động. Để đáp lại ân tình ấy, người bạn kia đã truyền cho anh nghề nấu phở. Anh ta dạy Q. từ cách lựa chọn gà – phải là gà được nuôi ở nông thôn – đến cách pha chế gia vị cho thùng nước lèo, và cách nấu nướng làm sao cho gà khỏi bị vỡ da.
 
Sau thời gian cải tạo, Q. về đường Võ Thị Sáu mở tiệm phở H.B. – tiệm phở ngon nhất trong khu phố ấy. Chỉ trong vòng ba năm, anh đã phất lên như diều. Và bây giờ, với 8 năm trong nghề phở, anh chỉ giữ vai trò chuyên viên, và để cho một số đệ tử đứng bán. Còn một chàng nữa cũng phất lên như Q., nhờ phở. Đó là anh D., chủ một tiệm phở ở trong một con hẻm đường Nguyễn Thị Minh Khai, cách nhà thương Từ Dũ khoảng 500m. Từ  Hà Nội vô thành phố Sài Gòn, anh chỉ có đủ tiền để làm một gánh phở ở đầu ngõ. Mới đầu, anh chả biết một tí gì về cái nghề này. Toàn đi học mót. Hỏi người này, học người kia, rồi tới ăn ở các tiệm phở danh tiếng để thử nghiệm. Phải mất gần một năm anh mới thành thạo.
Phở D. hôm nay nổi tiếng ngang với phở Quyền ở Phú Nhuận. Tiệm của anh có một món đặc biệt : tái bắp. Muốn ăn món này phải đi sớm, bởi 8 giờ sáng là hết. Có một điều ly kỳ là phở D. ăn vào buổi chiều bao giờ cũng ngon hơn buổi sáng. Cả chủ lẫn khách đều công nhận chuyện đó. Hỏi nguyên nhân tại sao ? Anh lắc đầu vì không giải thích được. ”Sáng và chiều cùng một thùng nước lèo. Nửa thùng buổi sáng còn lại, buổi chiều chỉ việc đun sôi, không pha thêm một chút gia vị nào, thế mà nó lại ngon hơn buổi sáng”, anh mỉm cười nói.
 
Bây giờ thì phở có bề thế lắm rồi. Anh mới tậu thêm một ngôi nhà ở đầu hẻm. Phở là một đặc sản của Việt Nam. Đó là điều ”quốc tế phải công nhận”. Nhưng ông Tây lại bảo nó là “soupe chinoise”, còn ông Tàu thì lại bảo nó là “ngầu phấn” chỉ là tiếng Quảng Đông, phiên âm ra tiếng Hán Việt là “ngưu” (bò hoặc trâu), ”phấn” (bột gạo). Một điều nữa, hỏi ông tổ của nghề phở là ai ? Các ông chủ tiệm phở đều lắc, mặc dù nhờ phở, họ đã có của ăn của để.
 
(Lượm lặt từ Internet)


<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.06.2014 23:51:55 bởi Phù vân >
dzuylynh 03.06.2014 23:32:59 (permalink)
0

Nhạc sĩ Hòang Quốc Bảo và " Khúc Vô Thanh "

Khi những tiếng nhạc của các ca khúc thời “Tịnh Tâm Khúc” bắt đầu rơi vào dòng thời gian miên viễn, nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo – sau hơn hai thập niên giữ im lặng – bây giờ xuất hiện trở lại, và cho phát hành đĩa nhạc “Khúc Vô Thanh.”


Phải chăng, khúc vô thanh có nghĩa là cây đàn guitar phải treo lên vách để phơi bụi sau một thời của những tình ca tuyệt vời?

*

Những tình khúc thời xa xưa của Hoàng Quốc Bảo hiện vẫn còn nghe được trên mạng YouTube, trong đó có những tiếng nhạc tha thiết tới mức, như dường là, chỉ cần hát thêm một câu nữa là có thể dây đàn tự động sẽ đứt vì không chịu đựng nỗi các cảm xúc trong hồn.

Cảm giác đó có thể thấy được khi bạn nghe ca khúc “Người Về Như Bụi” – trong đó, nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo đã chép xuống những dòng đẹp và buồn như cổ thi, với, “Người về như bụi mờ. Vàng trang sách xưa. Người về như mưa. Soi tìm dấu cũ. Người về như mưa. Người về như mưa. Tôi buồn như cỏ... dại. Một đời héo khô. Lạnh lùng mưa qua...” Cũng như ở các ca khúc khác.

Và bây giờ, nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo, xuất hiện trở lại trong trang phục một nhà sư của dòng Thiền Trúc Lâm. Đĩa CD nhạc cầm trên tay nhạc sĩ thiền sư này là “Khúc Vô Thanh,” kèm với tập nhạc in trên giấy đẹp, khổ lớn, kích thước 8X11 inches, dày 72 trang.

*

Làm thế nào có thể nghe được khúc vô thanh? Làm thế nào có thể lắng nghe được những âm thanh không âm thanh?

Mười ca khúc trong CD nhạc “Khúc Vô Thanh” của nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo thực ra là những âm thanh hiếm hoi, âm thanh trong vắt, âm thanh đầy cảm xúc và lặng lẽ của một nhà sư sau những kỳ nhập thất dài ngày, sau khi những bụi mờ trần gian đã bị gió cuốn đi.

Nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo giải thích thế nào về “Khúc Vô Thanh”?

Ông viết, trên một bản đề tặng, “Âm nhạc, rộn rã dâng cho người niềm vui, hay vỗ về cho đời vơi nỗi khổ. Nhưng niềm vui nỗi khổ ấy không bền. Khúc Vô Thanh, quay về tịch lặng. Nguyện làm kẻ đồng hành trên con đường giác ngộ, ở mãi với ai biết từ bỏ dục lạc thế gian, hướng về nẻo giải thoát.”

À ha... khúc vô thanh, quay về tịch lặng, hướng về nẻo giải thoát.

Đây là những âm thanh của đạo, âm thanh của tịch lặng được một nhà sư ghi xuống thành nhạc.

*
 

 
Bìa CD nhạc Khúc Vô Thanh của nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo.

Nếu chúng ta nhìn lại dòng văn học nghệ thuật Việt Nam, chúng ta có cảm giác rằng những thanh âm của vô thanh có vẻ như là độc quyền của các nhà sư. Có ai độc quyền được những âm thanh, hay phải chăng là sẽ rất khó bắt gặp được các âm thanh vô thanh, nếu bạn không phải là một nhà sư?

Thí dụ, như nhà sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh với những dòng thơ của tịch tĩnh:

Tạ từ xuôi ngược bể dâu
Tạ từ danh tướng sắc màu thế gian
Non sâu đã lặng tiếng đàn
Đêm đêm nguyệt trúc gió ngàn vô thanh...

Kỳ lạ thay, những dòng thơ của nhà sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh cũng như dường đang kể lại cuộc đời của nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo, cũng tạ từ danh tướng trần gian, rồi cũng lặng tiếng đàn hai thập niên, và rồi bây giờ trờ thành nhà sư Thích Đăng Châu để ghi xuống những nốt nhạc vô thanh.

*

Hãy đọc từ “Lời Tựa” trong tập nhạc Khúc Vô Thanh, nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo viết, trích:

“Hai phạm trù năng và sở trong vòng Không luân, nhập thành một. Nói khác đi, Bản môn và Tích môn, nhập vào một, đạt tới chỗ Không, cứu cánh tịch lặng...

...thể nhập sâu sắc pháp môn “Phản văn văn tự tánh,” thấy hình tướng và tự táng đều Không, Tịch lặng.

Âm nhạc đạt đến chỗ cứu cánh, tột cùng của nó, cũng vậy, là trở về với nhiên lặng, Không tính...” (trang 5)

Những dòng chữ trên, nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo viết vào Mùa Xuân 2014, từ Hải Ngạn Am, ở thị trấn Oceanside, California.

Nhưng tập nhạc và CD nhạc là công trình của nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo trải qua nhiều năm -- từ những cảm xúc cuối thập niên 90s khi bước vào một hiệu bán đồ cổ ở Los Angeles, nhìn thấy tượng thần âm nhạc Apsara của tín ngưỡng Bà la môn, cho tới vài năm sau, khi đi Kampuchia nhìn được các tượng thần Apsara điêu khắc trên đá ở những ngôi đền Angkor Wat... rồi cảm xúc khi hành hương tới Bồ Đề Đaọ Tràng, Ấn Độ, năm 2009, nhìn bóng trăng trên cao lúc 3 giờ rưỡi sáng... rồi cảm xúc khi được nghe vị Ni sư Giải Thiện từ VN sang thăm Thiền Viện Đại Đăng và giảỉ thích cho nhạc sĩ về chữ há trong một câu trên bức hoàng phi “Chân Ngôn Há Xuất Khẩu”...

Tất cả những cảm xúc đó trôi qua trong những ngày thiền định của nhà sư Thích Đăng Châu, và khi nhà sư này một hôm bước ra khỏi thiền đường, ông nhấc cây đàn guitar đầy bụi trên vách xuống, lại nhập vai nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo, chép xuống giấy các nốt nhạc nghe rất mực lặng lẽ– và đó là nhân duyên để hình thành CD nhạc Khúc Vô Thanh.

*

Khúc Vô Thanh, với 10 bản nhạc, có 6 ca khúc là nhạc và lời của Hoàng Quốc Bảo.

Hai ca khúc do Hoàng Quốc Bảo phổ thơ Tuệ Sỹ, một ca khúc phổ thơ Nhất Hạnh, một ca khúc phổ thơ Hoàng Quy (bài thơ Hoàng Quy cũng là diễn theo ý thơ cổ của Bố Đại Hòa Thượng, với những dòng thi kệ bất tử của “Một bát cơm ngàn nhà, thân chơi vạn dặm xa...”).

Trong các nghệ sĩ đóng góp, có phần đàn đệm piano của Tiến sĩ Âm nhạc Đỗ Bằng Lăng, các ca sĩ Quang Tuấn, Kim Tước... và hai vị ca sĩ, cũng là bác sĩ Bích Liên và Hồ Phượng Thư.

Trong tập nhạc, có nhiều tranh cuả Đinh Cường -- một họa sĩ có nét vẽ và các gam màu rất mực tịch lặng. Nơi bìa tập nhạc Khúc Vô Thanh là một tranh Đinh Cường, nơi đó một cành sen mọc lên giữa những mảng màu xanh của trăng và nước.

Một bức tốc họa, do họa sĩ Võ Đình vẽ Hoàng Quốc Bảo nhiều thập niên trước.

Và đặc biệt, Đỗ Hồng Ngọc vẽ tốc họa Hoàng Quốc Bảo, âm bản ở trang 13, và dương bản ở trang 34. Đỗ Hồng Ngọc là một bác sĩ nổi tiếng, đồng thời cũng là một trong vài nhà văn viết hay nhất về Phật Giáo. Trong khi hầu hết học giả viết về Đạo Phật chăm chú sử dụng những cái đầu uyên bác (đôi khi kèm với tâm thức cao ngạo), Đỗ Hồng Ngọc đi một hướng ngược lại: họ Đỗ viết về Đạo Phật bằng trái tim, bằng hơi thở đời thường đầy những xương da máu thịt thắm đẫm trong Lời Vàng Đức Phật. Và bây giờ, Đỗ Hồng Ngọc vẽ Hoàng Quốc Bảo, cũng bằng cảm nhận rất mực tịch lặng về Khúc Vô Thanh. Hy hữu. Rất mực hy hữu.

Phụ bản ảnh của Peter Dũng Nguyễn. Thượng Tọa Thích Tâm Chánh nhuận đính bài Tựa.

Và như thế, CD nhạc và tập nhạc Khúc Vô Thanh hoàn tất.

*
 

 
Thủ bút Hoàng Quốc Bảo giải thích về tịch lặng Khúc Vô Thanh.

Nơi đây cũng cần phải nói lên một sự thật trong bài giới thiệu CD nhạc này: tôi đã từng khai thật với nhạc sĩ Trần Duy Đức rằng, “Tớ nói thiệt với bạn, tớ không phải i tờ về âm nhạc đâu, mà thiệt ra là tớ mù chữ âm nhạc. Chỉ nghe hay, thì nói là biết hay, nghe dở, nói dở... nhưng ký âm hay lý thuyết nhạc thì chẳng biết gì hết. Coi tớ như người rừng nghe nhạc cũng được.”

Với tấm lòng đơn sơ đó, tôi đã nghe nhạc Hoàng Quốc Bảo từ nhiều thập niên qua, và cảm nhận theo kiểu riêng của mình.

Bài “Giữa Mùa Trăng,” do Quang Tuấn và Hồ Phượng Thư hát là tuyệt vời. Lời rất mực đaọ học, kèm với những tiếng nhạc như rơi sâu tận trong tim mình:

Nghe ngàn thu trong lá rơi
Trăng vời vợi xanh mắt người
Hạt bụi thời gian ghé chơi
Sinh tử bật lên tiếng cười... (hết trích)

Nhạc hay, lời hay, giọng ca hay. Hiển nhiên rằng, nhạc của Hoàng Quốc Bảo khó phổ cập trong công chúng vì nghĩa cao vời quá. Tuy rằng, nhiều ca khúc trong Khúc Vô Thanh được Hoàng Quốc Bảo sáng tác trước khi xuất gia.

Nói như thế, cũng nên nhắc rằng: phải có đại cơ duyên, phải tu thiện hạnh rất nhiều kiếp mới có thể gặp Đaọ Phật, tin được Đạo Phật. Khó là như thế: Đạo Phật kén tín đồ là thế. Nhạc Hoàng Quốc Bảo cũng tương tự: nhạc của ông kén người nghe.

Nhạc Hoàng Quốc Bảo cũng cao kỳ, hệt như nhạc Cung Tiến, tuy rằng hai nhạc sĩ này ở hai phương trời âm nhạc dị biệt, và đặc biệt độc đáo còn là vì nhạc họ Hoàng mang rất nhiều hình ảnh Kinh Phật.

*

Hoàng Quốc Bảo đã đi một con đường rất mực gian nan, nếu nhìn theo đời thường.

Như những câu mang hình ảnh cửa Thiền trong ca khúc “Quê Nhà”:

“Quê cũ mù sương khói, mưa bụi lầm một cõi biển dâu vô thường, Em hãy làm giọt nước thanh tịnh tràn yêu thương, Làm mưa rơi trên bốn mùa, lòng Không xuân mãn khai hoa... Làm hoa tên em Bát La, nghìn năm dậy hương thái hòa, Làm chuông Từ-tâm thoát xa... ở nơi đâu cũng quê nhà...” (hết trích)

Hình ảnh Thiền vị, kinh điển như thế... làm sao phổ nhạc cho hay được? Vậy mà Hoàng Quốc Bảo làm được theo kiểu của anh. Rất hay, rất lạ.

Ca khúc dài nhất trong CD Khúc Vô Thanh là bản “Tiếng Gầm Sư Tử Lớn” do Hoàng Quốc Bảo phổ thơ Nhất Hạnh. Đây là bài thơ nổi tiếng, nhiều người biết, với hai dòng đầu là “Mây bay... mây trắng bay, Một đóa tường vi nở.”

Trong ca khúc này, có những dòng chữ hẳn là các nhạc sĩ khác sẽ tránh né, trích:

Có Không đều như nhau
Có đã là bịa đặt
Không cũng là bịa đặt
Có Không tạo khổ đau
Có Không cho tôi cười...(hết trích)

Thực sự là khó để phổ nhạc. Nếu bạn đọc kỹ mấy dòng trên, sẽ thấy tất cả hình ảnh đều là trừu tượng, chỉ duy có chữ “cười” là cái gì có thể hình dung ar cụ thể. Bởi vậy, mới thấy dòng nhạc nơi đây đi rất mực gian nan giữa các dòng chữ trưù tượng như thế..

Ca khúc cuối cùng trong tập là bản “Phù Vân Khứ Lai” -- xin mời bạn đọc mấy dòng đầu tiên ca khúc này, trích:

Ngũ uẩn như mây nổi, đi về một cửa Không
Tam độc bọt nước giả, Còn mất mấy hồng trần...
Sắc vốn thực là Không, Không vốn thực là Sắc...
Thọ Tưởng Hành Thức kia, mây bay ngoài cửa động...”(hết trích)

Vậy đó. Diễn lại Kinh Phật bao giờ cũng khó. Nhất là khi dùng âm nhạc.

Quả là hy hữu. Cực kỳ hy hữu.

*

Nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo sinh vào mùa xuân năm 1950, tại làng Rãng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, học nhạc từ nhỏ, nhưng khi rời Trung học đã vào Đại học Khoa học Sài Gòn. Trước 1975, từng làm ở Toà Đại Sứ Hoa Kỳ, phân vụ truyền thanh, làm xướng ngôn viên đọc tin tức, bình luận, đọc truyện, đóng kịch truyền thanh, biên tập và Producer cho các đài phát thanh của miền Nam cho đến năm 1975. Sang Hoa Kỳ học nhạc bổ túc đó đây ở các đại học, nhưng rồi mưu sinh bằng kỹ thuật điện toán, làm thảo chương cho Nha Thuỷ Điện thành phố Los Angeles trong khi cuốc đất, làm vườn và thiền quán.

Trong các tác phẩm đã xuất bản, điển hình có: Vườn Tàn Phai, Sài Gòn, 1972; Tịnh Tâm Khúc, Hoa Kỳ, 1984...

Xuất gia với Hòa Thượng Thích Thanh Từ, và hiện đang hành đạo tại Thiền Viện Đại Đăng (www.thienviendaidang.net) ở Quận San Diego.

Quang Tuấn Music Production độc quyền phát hành, xin khách tri âm liên lạc mua qua quangtuanvoice@gmail.com hay phone (714) 468-2367.
 
 Phan Tấn Hải
<bài viết được chỉnh sửa lúc 03.06.2014 23:36:44 bởi dzuylynh >
dzuylynh 05.06.2014 23:22:17 (permalink)
0
HẬU DUỆ QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA
Đại Tá Lương Xuân Việt được thăng cấp Chuẩn Tướng

Gia đình chúng tôi vừa đươc Đại Tá Lương Xuân Việt , Tư lệnh phó Sư Đoàn 1 Không Kỵ của quân đội Hoa kỳ báo tin cho biết , Việt đả đươc Chính Phủ và bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ thăng cấp bậc Chuẩn Tướng Lục Quân tư ngày 20 tháng 5 năm 2014 . Đây là môt vị tướng đầu tiên , người Mỹ gốc Việt trong quân lực Hoa Kỳ . Chúng tôi trân trọng thông báo tin vui đên quý liên trưởng , quý chiến hữu , quý đồng hương . Đây là niềm hãnh diện chung cho cộng đông người Việt ty nạn cộng sản của chúng ta 
 
Thay mặt cho gia đình 
 Lê Xuân Vũ

 
Để tìm tên trong danh sách dưới đây , quý vị nhìn vào ở phần giữa trang ở mục: May 20 ,14. PN 1718 Army , đếm từ dưới đếm lên , Việt ở hàng thứ 12
 
pagelayout/legislative/one_item_and_teasers/nom_cmten.htm" target="_blank" rel="nofollow">http://www.senate.gov/pagelayout/legislative/one_item_and_teasers/nom_cmten.htm
May 20, 14 PN1718 Army
 The following named officers for appointment to the grade indicated 
 in the United States Army under title 10, U.S.C., section 624:
 

 Colonel Francis M. Beaudette, to be Brigadier General
 Colonel Paul Bontrager, to be Brigadier General
 Colonel Gary M. Brito, to be Brigadier General
 Colonel Scott E. Brower, to be Brigadier General
 Colonel Patrick W. Burden, to be Brigadier General
 Colonel Joseph R. Calloway, to be Brigadier General
 Colonel Paul T. Calvert, to be Brigadier General
 Colonel Welton Chase, Jr., to be Brigadier General
 Colonel Brian P. Cummings, to be Brigadier General
 Colonel Edwin J. Deedrick, Jr., to be Brigadier General
 Colonel Jeffrey W. Drushal, to be Brigadier General
 Colonel Rodney D. Fogg, to be Brigadier General
 Colonel Robin L. Fontes, to be Brigadier General
 Colonel Karen H. Gibson, to be Brigadier General
 Colonel David C. Hill, to be Brigadier General
 Colonel Michael D. Hoskin, to be Brigadier General
 Colonel Kenneth D. Hubbard, to be Brigadier General
 Colonel James B. Jarrard, to be Brigadier General
 Colonel Sean M. Jenkins, to be Brigadier General
 Colonel Mitchell L. Kilgo, to be Brigadier General
 Colonel Richard C. S. Kim, to be Brigadier General
 Colonel William E. King IV, to be Brigadier General
 Colonel Ronald Kirklin, to be Brigadier General
 Colonel John S. Kolasheski, to be Brigadier General
 Colonel David P. Komar, to be Brigadier General
 Colonel Viet X. Luong, to be Brigadier General
  Colonel Patrick E. Matlock, to be Brigadier General

 Colonel James J. Mingus, to be Brigadier General
 Colonel Joseph W. Rank, to be Brigadier General
 Colonel Eric L. Sanchez, to be Brigadier General
 Colonel Christopher J. Sharpsten, to be Brigadier General
 Colonel Christipher L. Spillman, to be Brigadier General
 Colonel Michael J. Tarsa, to be Brigadier General
 Colonel Frank W. Tate, to be Brigadier General
 Colonel Richard M. Toy, to be Brigadier General
 Colonel William A. Turner, to be Brigadier General
 Colonel Brian E. Winski, to be Brigadier General
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.06.2014 23:26:01 bởi dzuylynh >
Phù vân 07.06.2014 22:54:21 (permalink)
0
ĐỌC BÁO GIÙM BẠN
Nỗi sợ hãi của Đảng và Nhà nước Việt Nam
thien-an-mon-vne-305B.jpg
Bài báo đánh dấu 25 năm sự kiện Thiên An Môn trên báo mạng VNExpress trước khi bị gỡ xuống hôm 4/6/2014. RFA Screen Capture

Nam Nguyên, phóng viên RFA


Trong bối cảnh Trung Quốc xâm lấn chủ quyền Việt Nam hạ đặt giàn khoan HD 981 đã hơn một tháng, ngày 4/6/2014 hàng loạt thông tin và hình ảnh kinh hoàng đánh dấu 25 năm sự kiện Thiên An Môn trên các báo mạng đã đồng loạt bị gỡ xuống.
Nhận định về sự kiện này, TS Nguyễn Quang A thuộc nhóm chủ trương Diễn đàn Xã hội dân sự phát biểu:
“Rất ngạc nhiên trong việc báo chí đưa tin về một sự thực đã xảy ra đúng một phần tư thế kỷ và người ta không bịa đặt bất kể cái gì, mà cảnh sát tư tưởng ở Việt Nam, tức bên tuyên giáo của đảng cộng sản lệnh cho các báo đã đăng phải rút bài đó xuống. Điều đó chứng tỏ rằng những thế lực trong Đảng Cộng sản Việt Nam còn gắn rất chặt với Trung Quốc. Tôi tin chắc chắn là họ nghe theo lệnh của Bắc Kinh để họ làm như vậy.” 

Thái độ của nhà cầm quyền VN

Tin ghi nhận các báo điện tử như VnExpress, Thanh Niên, Người Lao Động, Tiền Phong, Giáo Dục và nhiều trang mạng khác đã phải gỡ bỏ những bài về vụ thảm sát Thiên An Môn 4/6/1989. Bức ảnh 200.000 người biểu tình đòi dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn đầy ấn tượng, hoặc hình ảnh hàng trăm xe tăng mở trận càn giải tán người biểu tình, hình ảnh xác người chết chồng chất trên xe tải, xe kéo, trên đường phố dường như đã chỉ xuất hiện được trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó người đọc không còn truy cập được nữa.
Nhận định về sự kiện báo chí Việt Nam bị gỡ bài và hình ảnh vụ thảm sát Thiên An Môn, nhà báo Nguyễn Quốc Thái nguyên Tổng Thư Ký báo Doanh Nghiệp từ Saigon phát biểu:
Sự kiện Thiên An Môn sau 25 năm được nhớ lại, nhắc lại và đưa trên báo chí và bị gỡ xuống là một điều cần phải suy nghĩ về sự chọn lựa và thái độ của nhà cầm quyền VN trong quan hệ với TQ.
-Nguyễn Quốc Thái
“Vụ Thiên An Môn là một vết nhơ trong lịch sử của Trung Quốc. Những người Trung Quốc tử tế và có lương tâm khi nhớ lại sự kiện này họ đều xấu hổ. Xấu hổ vì văn minh của loài người bị chà đạp, tự do của con người đã bị phỉ nhổ một cách tàn tệ. Việc báo chí Việt Nam mà không đưa được lâu dài thời lượng về vụ Thiên An Môn, tôi nghĩ rằng có thể vì nhà cầm quyền Việt Nam vẫn nói đó là tình hữu nghị giữa hai nước. Nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói là không thể có sự hữu nghị viển vông. Sự kiện Thiên An Môn sau 25 năm được nhớ lại, nhắc lại và đưa trên báo chí và bị gỡ xuống là một điều cần phải suy nghĩ về sự chọn lựa và thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc.”
Bên cạnh việc sợ mất lòng Trung Quốc, có những ý kiến cho rằng Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam lo ngại hình ảnh hàng trăm ngàn người biểu tình đòi dân chủ ở Thiên An Môn và bị đập tan bằng vũ lực, còn có thể tác động lên phong trào biểu tình vừa phản kháng Trung Quốc vừa đòi dân quyền ở Việt Nam. Nhà báo Nguyễn Quốc Thái nhận định:
“Ông nghĩ là những hình ảnh đó che dấu được nhân dân Việt Nam sao? Không một tờ báo, không một mạng truyền thông nào đưa hình ảnh đó lên thì từ 25 năm qua những hình ảnh đó vẫn không rời khỏi tâm trí người Việt Nam yêu tự do và dân chủ. Tôi không nghĩ đưa hình ảnh đó lên hay không đưa hình ảnh đó lên là một sự lựa chọn khôn khéo của nhà cầm quyền. Bởi vì nhà cầm quyền biết rằng không thể nào che dấu được hình ảnh bi tráng đó ở quảng trường Thiên An Môn cách đây 25 năm, nghĩ rằng những hình ảnh đó được chuyển tải lại trong lúc này thì không thích hợp với tình hình ở Việt Nam. Tôi nghĩ suy nghĩ đó là một suy nghĩ non nớt.”

Không tuân thủ hiến pháp?

 
thien-an-mon-vne-250B.jpg
Màn hình sau khi chính quyền Việt Nam cho gỡ Bài báo đánh dấu 25 năm sự kiện Thiên An Môn trên báo mạng VNExpress hôm 4/6/2014. RFA Screen Capture.

 
Một ngày sau thời điểm 25 năm sự kiện Thiên An Môn mà báo chí bị gỡ bài, chiều 5/6/2014 Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức họp báo quốc tế ở Hà Nội để cập nhật tình hình Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam kéo dài đã hơn 1 tháng. Người phát ngôn Lê hải Bình cho biết phía Trung Quốc vẫn tiếp tục và có hành vi hung hăng hơn và cũng đưa ra những luận điệu sai trái về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tại cuộc họp báo, các giới chức Việt Nam đã trả lời vòng vo câu hỏi của các nhà báo nước ngoài, về việc chính quyền ngăn cản người dân biểu tình phản kháng Trung Quốc. Ông Lê Hải Bình phủ nhận việc này và nói rằng người dân Việt Nam hoàn toàn có quyền biểu thị lòng yêu nước của mình theo đúng qui định pháp luật. Khi được hỏi thế nào là biểu tình đúng pháp luật ông Lê Hải Bình nói rằng Việt Nam có những qui định pháp luật về biểu tình.
Nhận định về vấn đề vừa nêu TS Nguyễn Quang A từ Hà Nội phát biểu:
“Sở dĩ mà họ phải nói lắt léo như vậy là vì họ không dám thừa nhận rằng họ không muốn có bất kể một cuộc biểu tình nào. Trong khi quyền biểu tình được hiến định rành rành từ các Hiến pháp trước chứ không phải chỉ từ Hiến pháp bây giờ. Thay vì họ phải ra Luật để tạo điều kiện cho người dân được biểu tình một cách văn minh thì họ không làm như vậy. Họ ra một Nghị định mà Nghị định ấy thực sự là cấm biểu tình, họ gọi là tụ tập đông người. Như vậy lỗi hoàn toàn thuộc về nhà cầm quyền họ đã coi thường người dân, coi thường quyền của người dân. Họ đã không làm được chức năng chính của họ là tuân thủ Hiến pháp tuy rằng còn chưa ra gì do chính họ thông qua.”
Đáp câu hỏi của chúng tôi, nghĩ gì về những lời tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình xác định là nhà nước không cấm dân chúng biểu tình, khi mà cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc dự kiến vào ngày 18/12014 đã bị dẹp từ trong trứng nước. Nhà báo Nguyễn Quốc Thái thuộc nhóm nhân sĩ trí thức TP.HCM, người từng tham gia nhiều cuộc biểu tình phản kháng Trung Quốc và bị trấn áp phát biểu:
“Tôi không nhắc đến ngày 18/1/2014 hôm đó không có một cuộc biểu tình nào xảy ra ở Việt Nam, bởi vì trước đó nhà nước đã dùng tất cả các phương tiện truyền thông sẵn có trong tay và cơ quan an ninh khuyến cáo nhân dân không xuống đường vào ngày đó. Nhưng những cuộc xuống đường trước ngày 18/1/2014 và trong ba năm trở lại đây không có một cuộc biểu tình chống Trung Quốc nào được lực lượng an ninh của Việt Nam yểm trợ cả. Chắc ông có thể nhìn thấy cảnh những người biểu tình bị đàn áp đánh đập, thậm chí chưa đi biểu tình cũng bị đàn áp đánh đập như cá nhân tôi chẳng hạn. Như vậy nói không có đàn áp người biểu tình là nói dối nhân dân. Bởi nhân dân họ chứng kiến những người xuống đường bị đàn áp, bị đánh đậy bị bắt giữ, hà cớ gì phải chối những điều mình đã dám làm, thiếu một sự dũng cảm đó là điều đáng khinh.”
Họ đã coi thường người dân, coi thường quyền của người dân. Họ đã không làm được chức năng chính của họ là tuân thủ Hiến pháp tuy rằng còn chưa ra gì do chính họ thông qua.
-TS Nguyễn Quang A
Tại cuộc họp báo ngày 5/6 tại Hà Nội, trả lời câu hỏi của hãng thông tấn nước ngoài là phía Việt Nam có kỳ vọng vào Mỹ sẽ đóng vai trò hỗ trợ Việt Nam bảo vệ chủ quyền của mình. Người phát ngôn Lê Hải Bình đáp lời rằng: “Việc duy trì ổn định, an ninh và an toàn hàng hải của khu vực là lợi ích, là nghĩa vụ của tất cả quốc gia liên quan trong và ngoài khu vực.
Mỹ là cường quốc của thế giới, cùng với cộng đồng quốc tế, Mỹ cũng có tiếng nói nhằm ổn định an ninh khu vực. Chúng tôi mong muốn Mỹ có hành động mạnh mẽ hơn, đóng góp vào an ninh, an toàn hàng hải khu vực, giải quyết tranh chấp của khu vực thông qua luật pháp quốc tế.”
Có mặt trong cuộc họp báo ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia khi trả lời bao chí đã hàm ý cho thấy ít có khả năng Việt Nam khởi động biện pháp lý đối với Trung Quốc. Ông Hải nói các vụ kiện quốc tế đều rất phức tạp, nếu chủ tàu Đà Nẵng kiện Trung Quốc là vụ án dân sự. Nhưng vụ giàn khoan liên quan đến chủ quyền, cần chọn phương án nào tối ưu nhất bảo vệ quyền lợi đất nước.
Nhận định về vấn đề vừa nêu, TS Nguyễn Quang A từ Hà Nội phát biểu:
“Cũng tương tự như chuyện về Thiên An Môn, tôi nghĩ rằng chắc chắn phải có ý kiến của Bắc Kinh thì người ta mới run sợ và người ta bảo báo chí phải rút xuống. Có lẽ cũng tương tự như thế Bắc Kinh như ông tướng Vịnh đã nói, Bắc Kinh nhiều lần yêu cầu Việt Nam là không được đưa ra kiện. Tôi không hiểu giữa Bắc Kinh và Hà Nội có những điều gì ngầm với nhau hay không và có thể có cái gì đó mà họ dọa là họ sẽ đưa ra, thì có thể rất là mất mặt…Và chần chừ ngày nào về việc khởi kiện Trung Quốc thì Việt nam thực sự đầu hàng từ ngày đó.”
Công luận Việt Nam đang đặt câu hỏi với đảng Cộng sản và nhà nước về các biện pháp tiếp theo mà cho đến nay chưa hé lộ. Vì đã hơn 5 tuần lễ, Trung Quốc vẫn duy trì giàn khoan trong vùng biển chủ quyền Việt Nam, đã khoan thăm dò và dịch chuyển đến vị trí khác vẫn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Người dân lo ngại nhịn nhục mãi, coi chừng chẳng còn tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển nào lành lặn mà chấp pháp trên biển.
Giới học giả và trí thức nói rằng, những biện pháp tiếp theo có gì bí mật đâu mà không thể công bố, hay nó cũng bí mật như thỏa thuận Thành Đô 1990 giữa hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bí mật gì ghê gớm đến vậy, khiến Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch lúc đó từng phải thốt lên: “Một thời kỳ Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã khởi sự.”

Phù vân 19.06.2014 12:28:37 (permalink)
0


http://chinhhoiuc.blogspot.com.au/2012/09/gop-nhat-buon-vui-thoi-ieu-linh-ot-sach.html?spref=fb
Góp nhặt buồn vui thời điêu linh: Đốt sách
“Nơi nào người ta đốt sách thì họ sẽ kết thúc bằng việc đốt sinh mạng con người”.
Theo Sử ký Tư Mã Thiên, sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa, thừa tướng Lý Tư đã đề nghị dẹp bỏ tự do ngôn luận để thống nhất chính kiến và tư tưởng. Lý Tư chỉ trích giới trí thức dùng ‘sự dối trá’ qua sách vở để tạo phản trong quần chúng.
Chủ trương Đốt sách, Chôn nho (Phần thư, Khanh nho) của Tần Thủy Hoàng được thực hiện từ năm 213 trước Công nguyên. Qua đó, tất cả những kinh điển từ thời Chư tử Bách gia (trừ sách Pháp gia, trường phái của Lý Tư) đều bị đốt sạch. Lý Tư còn đề nghị đốt tất cả thi, thư, sách vở, trừ những quyển được viết vào thời nhà Tần. Sách trong lĩnh vực triết lý và thi ca, trừ những sách của Bác sĩ (cố vấn nhà vua) đều bị đốt. Những nho sinh dùng sử sách để chỉ trích chính quyền đều bị hành hình. Những ai dựa vào chế độ cũ để phê phán chế độ mới sẽ bị xử tội chém ngang lưng.
Lý Tư tấu: “Thần xin rằng sử sách không phải do Tần ghi chép đều bị đem đốt. Ngoại trừ quan chức không phải là tiến sĩ thì trong thiên hạ không ai được phép cất giữ Thi, Thư, sách của Bách gia, tất cả đều phải đem đốt. Nếu dám dùng những lời ngụ ngôn trong Thi, Thư thì chém bêu đầu ở chợ. Lấy xưa mà chê nay thì giết cả họ. Quan lại thấy mà không tố cáo sẽ bị coi là đồng phạm. Nay lệnh trong ba mươi ngày mà không đem đốt, sẽ bị xăm mặt và bắt đi xây dựng trường thành”.
Năm 212 TCN, Tần Thuỷ Hoàng phát hiện ở Hàm Dương có một số nho sinh đã từng bình phẩm về mình liền hạ lệnh bắt để thẩm vấn. Các nho sinh không chịu nổi tra khảo, lại khai ra thêm một loạt người khác. Tần Thuỷ Hoàng hạ lệnh đem tất cả trên 460 nho sinh đó chôn sống ngoài thành Hàm Dương. Đốt sách, chôn Nho là hành vi được người đời sau coi là tàn bạo nhất của Tần Thủy Hoàng. Đó cũng là tội danh hàng ngàn năm sau vẫn còn ghi nhớ. Không riêng gì người Hán mà cả nhân loại lên án.
Trong thâm tâm, Tần Thủy Hoàng cũng như Lý Tư đều biết rất rõ, lệnh đốt sách không thể nào xóa sạch những tư tưởng trong đầu óc dân chúng, những cuốn sách ‘khó đốt’ nhất là nằm trong tinh thần con người. Như vậy, việc đốt sách thực tế chỉ là một thủ đoạn chứ không tạo được tác dụng triệt để trong việc xóa sạch vết tích văn hóa-chính trị như mong muốn.
***
Việt Nam vốn tự hào là quốc gia có hơn 4000 năm văn hiến, nhưng sách vở của người xưa để lại thì rất ít. Nguyên nhân chính là vì quân nhà Minh bên Tàu đã ra lệnh hủy hết sách vở ngay trong những ngày đầu đô hộ nước ta để dễ bề cai trị. Sau này, cuộc Cách mạng Văn hóa tại Trung Hoa từ năm 1953 đến 1966 cũng đã gây nhiều ảnh hưởng đến miền Bắc. Do đó, xét về mặt lịch sử, Việt Nam đã trải qua rất nhiều thời kỳ sách vở bị tiêu hủy cho phù hợp với những thay đổi qua các giai đoạn chính trị.
Trên thực tế, tại miền Bắc, ngay sau khi tiếp quản Hà Nội, việc kiểm duyệt sách báo, bài viết trước khi đem phổ biến ra công chúng đã được thực hiện ngay từ năm 1954. Đối với các loại sách báo đã in ra từ trước 1954 dưới thời Pháp thuộc cũng đã bị đốt. Thế cho nên, việc đốt sách tại miền Nam năm 1975 chỉ là rập khuôn của chính sách cũ năm 1954.
Hồi ký của Một người Hà Nội ghi lại sự kiện đốt sách năm 1954 khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản miền Bắc: “Chơi vơi trong Hà Nội, tôi đi tìm thầy xưa, bạn cũ, hầu hết đã đi Nam. Tôi phải học năm cuối cùng, Tú tài 2, cùng một số ‘lớp Chín hậu phương’, năm sau sẽ sáp nhập thành ‘hệ mười năm’. Số học sinh ‘lớp Chín’ này vào lớp không phải để học, mà là ‘tổ chức Hiệu đoàn’, nhận ‘chỉ thị của Thành đoàn’ rồi ‘phát động phong trào chống văn hóa nô dịch!’. Họ truy lùng… đốt sách!
Tôi đã phải nhồi nhét đầy ba bao tải, Hiệu đoàn ‘kiểm tra’, lục lọi, từ quyển vở chép thơ, nhạc, đến tiểu thuyết và sách quý, mang ‘tập trung’ tại Thư viện phố Tràng Thi, để đốt. Lửa cháy bập bùng mấy ngày, trong niềm ‘phấn khởi’, lời hô khẩu hiệu ‘quyết tâm’, và ‘phát biểu của bí thư Thành đoàn’: Tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn là… ‘cực kỳ phản động!’. Vào lớp học với những ‘phê bình, kiểm thảo… cảnh giác, lập trường”.
***
Tại miền Nam, trong thời điêu linh ngay sau ngày 30/4/1975, việc đốt sách được thể hiện qua chiến dịch Bài trừ Văn hóa Đồi trụy-Phản động. Tự bản thân khẩu hiệu trong chiến dịch đã nêu rõ 2 mục đích: (1) về chính trị, bài trừ các luồng tư tưởng phản động chống đối chế độ và (2) về văn hóa, xóa bỏ hình thức được coi là ‘đồi trụy theo hình thức tư bản’.
Một trong những việc làm cấp thiết của chính quyền mới khi miền Nam sụp đổ là niêm phong, tịch thu sách tại các thư viện. Những tác phẩm của nhà in, nhà xuất bản và nhà sách lớn tại Sài Gòn như Khai Trí, Sống Mới, Độc Lập, Đồng Nai, Nam Cường, Trí Đăng… đều bị niêm phong và cấm lưu hành.

Xuống đường Bài trừ Văn hóa Đồi trụy & Phản động trong thời điêu linh
Đội ngũ những người cầm bút miền Nam phải nói là rất đông và bao gồm nhiều lãnh vực. Về triết học phương Tây có Lê Tôn Nghiêm, Trần Văn Toàn, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Văn Trung, Trần Bích Lan… Triết Đông có Nguyễn Đăng Thục, Nghiêm Xuân Hồng, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Khắc Kham, Nghiêm Toản, Kim Định, Nhất Hạnh…
Phần biên khảo có Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Lê Ngọc Trụ, Lê Văn Đức, Lê Văn Lý, Trương Văn Chình, Đào Văn Tập, Phạm Thế Ngũ, Vương Hồng Sển, Thanh Lãng, Nguyễn Ngu Í, Nguyễn Văn Xuân, Lê Tuyên, Đoàn Thêm, Hoàng Văn Chí, Nguyễn Bạt Tụy, Phan Khoang, Phạm Văn Sơn, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Khắc Ngữ, Nguyễn Văn Sâm...
Về thi ca có Nguyên Sa, Quách Thoại, Thanh Tâm Tuyền, Cung Trầm Tưởng, Tô Thùy Yên, Đinh Hùng, Bùi Giáng, Viên Linh, Hoàng Trúc Ly, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Đức Sơn, Du Tử Lê.... Phê bình văn học có Tam Ích, Cao Huy Khanh, Lê Huy Oanh, Đỗ Long Vân, Đặng Tiến, Uyên Thao, Huỳnh Phan Anh...
Đông đảo nhất là văn chương với Võ Phiến, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Bình Nguyên Lộc, Mặc Thu, Mặc Đỗ, Thanh Nam, Nhật Tiến, Nguyễn Thị Vinh, Phan Du, Đỗ Tấn, Nguyễn Mạnh Côn, Sơn Nam, Võ Hồng, Túy Hồng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Minh Đức Hoài Trinh, Nguyễn Đình Toàn, Chu Tử, Viên Linh, Duyên Anh, Phan Nhật Nam, Nguyên Vũ, Vũ Hạnh, Y Uyên, Cung Tích Biền, Duy Lam, Thế Uyên, Lê Tất Điều, Hoàng Hải Thủy, Văn Quang, Nguyễn Thụy Long, Phan Lạc Tiếp, Thế Nguyên, Thế Phong, Diễm Châu, Thảo Trường, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Mộng Giác, Ngô Thế Vinh...
Toàn bộ sách ấn hành tại miền Nam của những tác giả nêu trên (còn một số người nữa mà người viết bài này không thể nhớ hết) đều bị ‘đánh đồng’ là tàn dư Mỹ-Ngụy, văn hóa nô dịch, phản động và đồi trụy. Các cấp chính quyền từ phường, xã, quận, huyện, thành phố ra chỉ thị tập trung tất cả các loại sách vở, từ tiểu thuyết, biên khảo cho đến sách giáo khoa để hỏa thiêu.
Không có con số thống kê chính thức nhưng người ta ước đoán có đến vài trăm ngàn sách báo và băng, đĩa nhạc bị thiêu đốt trong chiến dịch truy quét văn hóa phẩm đồi trụy-phản động tại Sài Gòn. Sách báo trên kệ sách trong nhà của tư nhân bị các thanh niên đeo băng đỏ lôi ra hỏa thiêu không thương tiếc. Tại các cửa hàng kinh doanh, sách báo bị thu gom để thiêu hủy, coi như đốt cháy cả cơ nghiệp lẫn con người những cá nhân có liên quan. Tất nhiên, những người có sách bị đốt cũng có phản ứng quyết liệt. Trong hồi ký Viết trên gác bút, nhà văn Nguyễn Thụy Long ghi lại một diễn biến trong vụ đốt sách năm 1975:
“Một cửa hiệu chuyên cho thuê truyện tại đường Huỳnh Quang Tiên bên cạnh nhà thờ Ba Chuông tại Phú Nhuận phát nổ khi đoàn thu gom sách mang băng đỏ xâm nhâp tiệm. Ông chủ nhà sách mời tất cả vào nhà. Rồi một trái lựu đạn nổ. Chuyện xảy ra không ai ngờ. Đương nhiên là có đổ máu, có kẻ mạng vong. Những chú nhỏ miệng còn hôi sữa, những cô bé chưa ráo máu đầu là nạn nhân vô tội. Trên cánh tay còn đeo tấm băng đỏ, quả thật súng đạn vô tình! Cả chủ tiệm cũng mạng vong”.
Nguyễn Thụy Long là cháu ruột nhà văn Nguyễn Bá Học nổi tiếng với câu “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Những tiểu thuyết của Nguyễn Thụy Long nhưLoan mắt nhungKinh nước đen cũng gian truân không kém cuộc đời của tác giả, chúng được xếp vào loại ‘văn hóa nô dịch’ nên phải lên giàn hỏa.
Năm 1975, Duyên Anh (Vũ Mộng Long) bị chính quyền mới coi như ‘một trong mười nhà văn nguy hiểm nhất của miền Nam’ với hơn 50 tác phẩm văn chương, trong đó nổi bật có Luật hè phố, Dzũng Đakao, Điệu ru nước mắt, Vẻ buồn tỉnh lỵ, Thằng Vũ, Thằng Côn, Con Thúy. Chế độ mới cấm ông viết lách và bắt giam không xét xử suốt sáu năm qua các nhà tù và trại tập trung.
Vượt biển sang Pháp, Duyên Anh tiếp tục viết và cho xuất bản gần hai mươi tác phẩm, trong đó có Un Russe à Saigon và La colline de Fanta do nhà Belfond xuất bản. Báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình Pháp viết nhiều, nói nhiều về ông. Sử gia Piere Chaunu, giáo sư Đại học Sorbonne, coi Duyên Anh là ‘nhà thơ lớn, vinh quang của quốc gia’.
Đầu năm 1997, Duyên Anh từ trần tại Pháp. Dù muốn dù không, nhiều người ngậm ngùi nghĩ đến tác giả của truyện ngắn đọc đến mủi lòng, có tựa đề là Con sáo của em tôi đăng trên Chỉ Đạo năm 1956. Những truyện ngắn, truyện dài thật trong sáng của tuổi ô mai như Dưới dàn hoa thiên lý hoặc du côn du đãng nhưDzũng Dakao… Tất cả lần lượt được hóa kiếp bằng ngọn lửa.
Trong cuốn Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận văn hóa – tư tưởng xuất bản sau năm 1975 có đoạn viết:
“… Một số người như Duyên Anh, Nhã Ca… chấp nhận chủ nghĩa chống Cộng với một thái độ hoàn toàn tự nguyện. Nhưng nếu xét gốc rễ thái độ thù địch của họ đối với cách mạng, thái độ đó có nguyên nhân ở sự tác động của chủ nghĩa thực dân mới. Họ vừa là kẻ thù của cách mạng, của nhân dân. Nhưng nếu xét đến cùng họ cũng vừa là một nạn nhân của đường lối xâm lược tinh vi, xảo quyệt của Mỹ.
Dù xét dưới tác động nào, hoạt động chống Cộng bằng văn nghệ của đội ngũ những cây bút này cũng là những hoạt động có ý thức. Ý thức đó biểu hiệu trước hết trong thái độ chấp nhận trật tự xã hội thực dân mới, chống lại một cách điên cuồng chủ nghĩa Cộng Sản...
Họ cho văn nghệ là sự chọn lựa một phạm vi hoạt động, một phương tiện để đạt mục đích và tự nguyện dùng ngòi bút của mình phục vụ cho chế độ. Thái độ tự nguyện của họ cũng đã có nhiều người tự nói ra. Vũ Hoàng Chương tự ví mình là ‘viên gạch để xây bức tường thành ngăn sóng đỏ’, Doãn Quốc Sĩ coi mình như một ‘viên kim cương, răng Cộng Sản không sao nhá được’...”
Trong vụ án được mệnh danh là Nhũng tên Biệt kích Cầm bút năm 1986, một số nhà văn ra tòa tại Sài Gònvới tội ‘gián điệp’. Chính quyền mới muốn dựng một vụ án điển hình để đe dọa các nhà văn miền Nam nhưng bất thành vì áp lực từ bên ngoài. Theo kịch bản được dàn dựng, họ muốn xử Doãn Quốc Sĩ mức án tử hình hay chung thân, Hoàng Hải Thủy (từ chung thân đến 20 năm),  Dương Hùng Cường (18 năm), Lý Thụy Ý (15 năm), Nguyễn Thị Nhạn (12 năm), Hiếu Chân Nguyễn Hoạt (10 năm) và  Khuất Duy Trác cùngTrần Ngọc Tự (8 năm).  
Tính ra Hoàng Hải Thủy (còn có bút danh Công tử Hà Đông, Con trai bà Cả Đọi…) ngồi tù ngót nghét 10 năm sau đó tìm đường vượt biên sang Mỹ. Tác phẩm của ông gồm đủ thể loại: tiểu thuyết đăng nhiều kỳ trên các báo, truyện phóng tác, bình luận, phiếm luận… Bây giờ tuy đã già nhưng vẫn còn viết rất hăng ởRừng Phong (Virginia) trên blog http://hoanghaithuy.wordpress.com/
Những nhà văn như Hoàng Hải Thủy, Duyên Anh, Nguyễn Thụy Long thường sinh sống bằng nghề viết báo bên cạnh việc viết văn. Trong lãnh vực báo chí, Sài Gòn vẫn được coi là trung tâm của báo chí với những nhật báo lớn đã xuất hiện từ lâu như tờ Thần Chung (sau đổi thành Tiếng Chuông của Đinh Văn Khai), Sài Gòn Mới của bà Bút Trà… Khi người Bắc di cư vào Nam có thêm tờ Tự Do, tiếp đến là Ngôn Luận. Đó là những nhật báo lớn có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng. Hoạt động báo chí ở Saigòn càng ngày càng phát triển, theo Vũ Bằng, đến tháng 12/1963, ở Sài Gòn có tới 44 tờ báo ra hàng ngày.

Nhật báo Tiếng Chuông
Một đặc điểm của văn học miền Nam là việc hình thành các nhóm văn học. Nhóm Quan Điểm do Vũ Khắc Khoan thành lập với Nghiêm Xuân Hồng, Mặc Đỗ. Quan Điểm (cũng là tên nhà xuất bản do Mặc Đỗ điều hành) được người đương thời gọi là nhóm ‘trí thức tiểu tư sản’, bởi tác phẩm của họ, trong những ngày đầu chia cắt đất nước sau hiệp định Genève, thường có những nhân vật mang nỗi hoang mang, trăn trở của người trí thức tiểu tư sản trước ngã ba đường: theo bên này, bên kia, hay đứng ngoài thời cuộc?
Theo Trần Thanh Hiệp, nhóm Sáng Tạo là một nhóm sinh viên hoạt động trong Tổng hội sinh viên Hà Nội, trước 1954, gồm bốn người: Nguyễn Sĩ Tế, Doãn Quốc Sĩ, Thanh Tâm Tuyền và Trần Thanh Hiệp. Di cư vào Sài Gòn, họ tiếp tục hoạt động văn nghệ với tuần báo Dân Chủ (do Trần Thanh Hiệp và Thanh Tâm Tuyền phụ trách), rồi tờ Người Việt (tiền thân của tờ Sáng Tạo). Sau đó Mai Thảo gia nhập nhóm với truyện ngắn Đêm giã từ Hà Nội, rồi đến Lữ Hồ, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Quách Thoại.
Trên tạp chí Sáng Tạo, ngoài những tên tuổi kể trên người ta còn thấy Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên, Dương Nghiễm Mậu, họa sĩ Thái Tuấn. Sáng Tạo số đầu ra tháng 10/1956 và tạm ngưng ở số 27 (tháng 12/58). Sáng Tạo bộ mới chỉ đến số 7 (tháng 3/62).

Tạp chí Sáng Tạo (1958)
Nhóm Bách Khoa ra đời tháng 1/1957 và sống đến ngày Sài Gòn sụp đổ. Bách Khoa là nguyệt san văn học nghệ thuật có tuổi thọ dài nhất với 426 số. Bách Khoa do Huỳnh Văn Lang điều hành trong những năm đầu. Đến 1963, khi Ngô Đình Diệm đổ, Huỳnh Văn Lang bị bắt, bị tù, nên giao hẳn cho Lê Ngộ Châu.
Bách Khoa quy tụ được nhiều tầng lớp nhà văn khác nhau thuộc mọi lứa tuổi. Những cây bút nổi tiếng cộng tác thường xuyên với Bách Khoa là Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, Nguyễn Ngu Ý, Vũ Hạnh, Võ Hồng, Đoàn Thêm, Nguyễn Văn Xuân, Bình Nguyên Lộc.... Theo Võ Phiến, trong thời kỳ cực thịnh, tức là khoảng 1959-1963, mỗi số Bách Khoa bán được 4500 đến 5000 bản.

Tạp chí Bách Khoa (1962)
Đắt khách nhất là tạp chí Văn của Nguyễn Đình Vượng, ra đời ngày 1/1964 và sống đến 1975. Văn do Trần Phong Giao trông nom trong 10 năm đầu, đến 1974 chuyển lại cho Mai Thảo. Văn cũng quy tụ được nhiều nhà văn ở nhiều lứa tuổi thuộc nhiều khuynh hướng, từ Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền đến Thế Uyên, Nguyễn Mạnh Côn, Bình Nguyên Lộc... Văn đặc biệt quan tâm đến việc dịch thuật và giới thiệu văn học nước ngoài. Trần Phong Giao cũng là một dịch giả nổi tiếng, còn có thêm Trần Thiện Đạo, sống ở Paris, dịch và viết về những phong trào văn học đang thịnh hành ở Pháp.

Tạp chí Văn
Tạp chí Văn hoá Ngày nay của Nhất Linh ra đời ngày 17/6/1958, được 11 số thì đình bản. Nguyễn Thị Vinh tiếp tục chủ trương tiếp các tờ Tân Phong, Đông Phương, theo chiều hướng Văn hoá Ngày nay.
Tạp chí Đại học, tờ báo của Viện đại học Huế do Linh mục Cao Văn Luận, viện trưởng, làm chủ nhiệm, ra đời năm 1958 ở Huế, và sống đến năm 1964. Trên Đại học, xuất hiện những bài đầu tiên của Nguyễn Văn Trung, người sau này có ảnh hưởng lớn đến thế hệ sinh viên và trí thức.
Về các nhóm, Viên Linh trong cuốn Chiêu niệm văn chương, cho biết: “Các nhà văn xuất hiện thường xuyên, trên nhật báo, qua các nhà xuất bản, nhất là trên các báo định kỳ, và thành từng nhóm. Lý lịch văn chương và sắc thái địa phương của họ rất tương đồng, tùy theo nhóm tạp chí trên đó họ góp mặt”.
Đa số các nhà văn miền Nam qui tụ trên các tờ tuần báo Đời MớiNhân Loại, và nhật báo như Tiếng Chuông, Sàigon Mới (Hồ Hữu Tường, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Kiên Giang, Lưu Nghi, Thẩm Thệ Hà, Trang Thế Hy...). Các nhà văn gốc miền Trung xuất hiện trên tờ Văn Nghệ MớiBách Khoa (Võ Thu Tịnh, Nguyễn Văn Xuân, Võ Phiến, Đỗ Tấn, Vũ Hạnh, Bùi Giáng, Võ Hồng, Nguyễn Thị Hoàng); các nhà văn ‘di cư’ có mặt trên các tờ Đất Đứng, Sáng Tạo, và trên các nhật báo như Tự Do, Ngôn Luận (Đỗ Thúc Vịnh, Nguyễn Hoạt, Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Nghiêm Xuân Hồng, Nguyễn Sỹ Tế, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền) hay Văn Nghệ (Lý Hoàng Phong, Dương Nghiễm Mậu, Viên Linh, Nguyễn Đức Sơn), Hiện Đại (Nguyên Sa, Trần Dạ Từ, Nhã Ca). Tờ Chỉ Đạo, Phụng Sự, Tiền Tuyến quy tụ các nhà văn quân đội hay quân nhân đồng hoá như Nguyễn Mạnh Côn, Mặc Thu, Thanh Nam, Phan Nhật Nam, Thảo Trường...

Nhật báo Tiền Tuyến
Khuynh hướng Phật giáo có các tờ Tư Tưởng, Vạn Hạnh với Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Hữu Hiệu; khuynh hướng Thiên chúa giáo La mã có Hành Trình, Đối Diện với Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Diễm Châu, Thế Nguyên. Mặc dù khi đó đảng Cộng Sản bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, song các nhà văn theo Cộng Sản như Nguyễn Ngọc Lương, Minh Quân, Vũ Hạnh vẫn tạo được diễn đàn riêng trênTin Văn hay hiện diện trong tổ chức Văn Bút dưới thời linh mục Thanh Lãng làm chủ tịch.
Những tờ như Văn, Phổ Thông, Văn Học, qui tụ các nhà văn không có lập trường chính trị rõ rệt, họ thuần túy làm văn thơ cổ điển như Đông Hồ, Mộng Tuyết, Nguyễn Vỹ, Bùi Khánh Đản, hay văn nghệ thời đại, sinh hoạt thành phố như Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Túy Hồng. Những tờ về nghệ thuật hay về phụ nữ quy tụ các nhà văn như Tùng Long, An Khê, Lê Xuyên, Nguyễn Thụy Long, Hoàng Hải Thủy, Văn Quang...
Về giới cầm bút sau 1963, Nguyễn Văn Trung viết: “Giới cầm bút sau 1963, họ là những người hồi 1954 trên dưới mười tuổi theo gia đình vào Nam hoặc sinh trưởng và lớn lên ở miền Nam hầu hết có tú tài và tốt nghiệp đại học. Số lượng giới trẻ cầm bút này càng ngày càng đông đảo theo đà thành lập các đại học ở các tỉnh Huế, Đà Lạt, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Long Xuyên, Tây Ninh và các đại học tư ở Sàigòn như Vạn Hạnh, Minh Đức...”
Những nhà văn trẻ đã trưởng thành về tuổi đời và nhận thức sau 1963, trong hoàn cảnh nhiều xáo trộn chính trị-xã hội, chiến tranh mở rộng với sự can thiệp ồ ạt của quân đội nước ngoài. Thời cuộc và chính trị ảnh hưởng trực tiếp đến họ vì bị động viên hay quân dịch... Do đó, họ có lối nhìn thời cuộc đất nước và nghệ thuật văn học khác hẳn với lối nhìn của những đàn anh viết từ trước 1963… Thơ văn giới trẻ viết sau 1963 thường theo một xu hướng chung, phản ánh vũ trụ Kafka, như tên đặt cho một số đặc biệt về thơ văn của Hành Trình, hoặc phản ánh thân phận những nhân vật Việt Nam tương tự những nhân vật trong tiểu thuyết Giờ thứ hai mươi lăm của Gheorghiu.
Nhờ hệ thống báo chí phát triển, quần chúng độc giả bao gồm nhiều thành phần trong khi các nhà văn nổi tiếng như Mai Thảo, Bình Nguyên Lộc, Túy Hồng, Nhã Ca, Duyên Anh, Chu Tử, Thanh Nam... đều sống bằng ngòi bút một cách dư giả. Họ là những người viết chuyên nghiệp, thậm chí nhiều nhà văn có nhà xuất bản riêng.
Nguyễn Hiến Lê trong 30 năm biên khảo và dịch thuật đã viết được 100 quyển sách trước 1975, và 20 cuốn thời gian sau đó. Nguyễn Văn Trung, ngoài lượng sách về triết học, văn học, in trước 1975, trong những công trình sau 1975, có bộ Lục Châu Học, nghiên cứu về văn học miền Lục tỉnh Nam Kỳ. Những nhà văn như Hồ Hữu Tường, Bình Nguyên Lộc, Mai Thảo... cũng đều có những số lượng tiểu thuyết trên dưới 30 cuốn. Về sáng tác, số lượng tỷ lệ nghịch với chất lượng và đó là cái giá mà nhà văn phải trả.
Về đối tượng độc giả, có thể nói, lớp trẻ ‘bụi đời’ thích đọc Duyên Anh, lớp sống vũ bão thích Chu Tử. Phụ nữ thích Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca vì họ phản ảnh đời sống người phụ nữ tân tiến. Lớp trí thức thích cách đặt vấn đề của Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Nghiêm Xuân Hồng. Lớp trẻ lãng mạn giao thời thích đọc Mai Thảo. Tuy nhiên, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu là những tác giả đòi hỏi người đọc một trình độ trí thức cao. Quần chúng bình dân thích Lê Xuyên, Tùng Long... Học sinh trường Tây đọc văn chương ngoại quốc qua tiếng Pháp, tiếng Anh. Học sinh trường Việt đọc các tác phẩm ngoại quốc qua bản dịch hoặc phóng tác.

Nhà văn Chu Tử qua Vũ Uyên Giang
Bộ sách Văn Học Việt Nam Nơi Miền Đất Mới của Nguyễn Q. Thắng xuất bản sau năm 1975 có đề cập tới 53 ‘văn gia’ của VNCH, mỗi người được tác giả gắn cho một nhãn hiệu. Chẳng hạn, Nguyễn Văn Trung là ‘nhà văn nhập cuộc’, Cao Xuân Hạo ‘nhà lập thuyết ngữ học’, Nguyễn Ngọc Lan ‘nhà văn Công giáo, nhà báo dấn thân’, Thanh Việt Thanh (?) ‘nhà văn cần cù’, Thế Uyên ‘nhà văn nhập cuộc’, Viên Linh ‘hoàng đế’, ‘nhà độc tài' văn học’ (!?), Hồ Trường An ‘dược sĩ (?), nhà văn’…
Những nhà văn nữ như Nguyễn Thị Thụy Vũ được khoác cho cái nhãn ‘nhà văn nữ giầu tình dục’, Túy Hồng ‘nữ văn sĩ giầu tính nhục cảm’, Nguyễn Thị Hoàng ‘nhà văn trẻ của tình lụy’, Thu Vân (?) ‘nhà văn dùng tính dục để giải quyết vấn đề’…

Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ dưới mắt họa sĩ Chóe

Nhà văn Túy Hồng dưới mắt họa sĩ Chóe

Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng dưới mắt họa sĩ Chóe
Một điều không ai có thể phủ nhận là miền Nam trước khi có chiến dịch đốt sách năm 1975 rất phong phú về sách báo, từ sáng tác đến dịch thuật, từ chính luận đến phiếm luận. Điều chắc chắn là trong số các tác phẩm đó ‘có vàng’ nhưng cũng ‘có thau’. Người đọc đủ sáng suốt để lọc ra những gì với họ là tinh túy để giữ lại, hoặc dấu nếu cần.
Khi người Bắc di cư vào Nam năm 1954, họ rất ngạc nhiên khi thấy những người đạp xe xích lô đến buổi trưa, tìm chỗ mát nghỉ ngơi. Họ ngồi gác chân đọc nhật trình. Người bình dân miền Nam có truyền thống đọc sách báo mà ở ngoài Bắc không có. Ngay từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 miền Nam đã là vùng đất của tiểu thuyết và báo chí trong khi ngoài Bắc, sách vở, báo chí phần lớn chỉ dành cho người có học.
Miền Nam vào những thập niên 60-70 lại có hiện tượng giao thoa giữa hai nền văn hóa Pháp và Mỹ với sự du nhập ồ ạt của các loại sách Livre de poche của Pháp và các loại sách soft cover của Mỹ. Giá sách nói chung tương đối rẻ vì mục đích chính là phổ biến văn hóa, thương mại chỉ là phụ.
Người đọc có thể tìm loại sách IC (Information & Culture) dưới hình thức sách bỏ túi (Livre de Poche) của Pháp bày bán tại các nhà sách Sài Gòn trước 1975 một cách dễ dàng. Nếu có chút vốn liếng về tiếng Pháp, người ta có thể tìm đọc những tác phẩm cổ điển của Platon, Homère hoặc các tác phẩm đương đại của Albert Camus, Jean-Paul Sartre, Saint Exupéry, Francoise Sagan…
Quân đội Mỹ ào ạt đổ bộ vào miền Nam, nhưng văn hoá Mỹ có vai trò áp đảo hay không? Theo giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, “Thời chiến tranh lạnh, với thế lưỡng cực trên thế giới, miền Nam nằm trong vùng ảnh hưởng Mỹ, và như vậy là có thêm tác nhân mới. Tuy nhiên, văn hoá Mỹ, theo gót đoàn quân viễn chinh, cũng chưa thể gọi là có ảnh hưởng gì sâu đậm. Ở lối sống, ở những giai tầng thấp thì có thể gọi là có ảnh hưởng một cách xô bồ, nhưng ở thượng tầng thì chưa”.
Hoa Kỳ thành lập cơ quan thông tin-văn hóa JUSPAO (Joint United States Public Affairs Office) và tạp chíThế giới Tự do được phát hành miễn phí cho mục đích tuyên truyền. Đây là báo ảnh, được in ấn bằng phương tiện tối tân nên rất hấp dẫn người đọc.
Cũng có một nguồn cung cấp sách tiếng Anh hoàn toàn miễn phí nhưng rất ít người biết để đem về kệ sách riêng của mình. Đó là sách của Asia Foundation (Cơ quan Viện trợ Văn hóa Á Châu) một tổ chức phi mậu dịch, tặng không cho người đọc là quân nhân, công chức với số lượng hạn chế mỗi lần 5 quyển cách nhau 3 tháng.
Tôi là ‘khách hàng’ thường xuyên của Asia Foundation. Sách của Asia Foundation là loại sách viện trợ thuộc đủ mọi lĩnh vực, trên sách có đóng dấu bằng 2 thứ tiếng “Not for sale” và “Xin đừng bán”. Nếu gặp may, bạn có thể gặp những sách thuộc loại ‘quý, hiếm’.
Tôi còn giữ được một bộ 2 cuốn World Masterpieces (dày khoảng 3000 trang in lại những kiệt tác văn chương của thế giới qua các thời kỳ như Iliad của Homer, Don Quixote của Miguel de Cervantes, Hamletcủa William Shakespeare, Thoughts (Les Pensées) của Blaise Pascal, Faust của Von Goethe, The Death of Iván Ilyich của Leo Tolstoy, Theseus (Thésée) của Andre Gide, Remembrance of  Things Past của Marcel Proust, No Exit của Jean-Paul Sartre…

Sách do Asia Foundation tặng
Một số sách xuất bản ở miền Nam trước 1975 nay đã được in lại, và càng ngày càng có một nhu cầu muốn tìm hiểu và phục hồi lại nền văn học đã mai một này. Hơn nữa, tên tuổi và tác phẩm của những nhà văn nổi tiếng ở miền Nam đã xuất hiện khá nhiều trên Internet. Sau 1975, Từ điển văn học bộ mới cũng được phép in một số mục từ về Bình Nguyên Lộc, Nguyên Sa, Dương Nghiễm Mậu, Cung Trầm Tưởng, Bùi Giáng...
Chỉ tiếc một điều là một số sách báo xưa đã biến mất sau đại họa 1975 và chỉ còn lưu giữ rất hạn chế tại các thư viện tại hải ngoại dưới hình thức microfilm. Rồi người ta cũng quên đi ‘bữa tiệc BBQ’ nhưng vấn đề là những thế hệ sau này sẽ mất hẳn sợi dây liên lạc bằng sách báo với quá khứ.
Kết thúc bài viết này, tác giả xin mượn ý thơ của Vũ Đình Liên than thở cho thân phận ông đồ trước cảnh tàn lụi của nền nho học:
Năm nay đào lại nở
Không thấy sách báo xưa
Ngọn lửa nào năm cũ
Lạc về đâu bây giờ?





<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.06.2014 12:31:06 bởi Phù vân >
Thay đổi trang: << < 434445 > >> | Trang 44 của 58 trang, bài viết từ 646 đến 660 trên tổng số 867 bài trong đề mục
Chuyển nhanh đến:

Thống kê hiện tại

Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
Kiểu:
2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9