(url) Trịnh Công Sơn
Thay đổi trang: < 123 > >> | Trang 3 của 6 trang, bài viết từ 31 đến 45 trên tổng số 84 bài trong đề mục
hoaha 22.12.2005 00:28:56 (permalink)
Phác Thảo Chân Dung Tôi

:::Trịnh Công Sơn:::



Mỗi sáng nhìn vào mặt gương soi lại thấy thêm rất nhiều những sợi tóc bạc...

Thuở ấy, tôi là một đứa bé thích ca hát. Mười tuổi biết solfège, chép lại những bài hát yêu thích đóng thành tập, chơi đàn mandolin và sáo trúc. Mười hai tuổi có cây đàn guitar đầu tiên trong đời và từ đó sử dụng guitar như một phương tiện quen thuộc để đệm cho chính mình hát.

Tôi không đến với âm nhạc như một kẻ chọn nghề. Tôi nhớ mình đã viết những ca khúc đầu tiên từ những đòi hỏi tự nhiên của tình cảm thôi thúc bên trong... Ðó là những năm 56 - 57, thời của những giấc mộng ngổn ngang, của những viễn tưởng phù phiếm non dại. Cái thời tuổi trẻ xanh mướt như trái quả đầu mùa ấy, tôi rất yêu âm nhạc nhưng tuyệt nhiên trong tôi không hề gợi lên cái ham muốn trở thành nhạc sĩ...

Dạo ấy ba tôi đã mất, mẹ tôi ở xa, tôi một mình giữa Sài Gòn này phải tự quyết định mọi chuyện về đời mình. Cái gánh đời tuổi tác còn quá nhẹ. Có lúc tôi đã bỏ dở cái trò lãng mạn viết lách này với nỗi ám ảnh ngu ngốc "xướng ca vô loại". Tôi trằn trọc đêm này qua đêm khác, ray rứt ngày này qua tháng nọ. Nhưng càng cố lãng quên thì tiếng hát trong tôi càng vang lên rõ rệt, tràn ngập cả lúc đứng ngồi, cả trong giấc ngủ.

Dần dà những năm về sau, mới bắt đầu hình thành trong tôi một quan niệm rõ rệt: Sống là sống với người khác và muốn có cảm thông chúng ta phải luôn luôn diễn đạt mình. Trong những cách diễn đạt bằng tiếng nói, bằng chữ viết và nhiều phương tiện khác, tôi thấy tâm hồn mình có khuynh hướng nghiêng về phía ca khúc. Trên mảnh đất nghệ thuật nhỏ nhắn này, tôi tìm thấy tự do và tôi nghĩ rằng ở đây tôi có thể bày tỏ được với người khác về những niềm vui nỗi buồn của cuộc sống.

Nhìn lại quãng đường mình đã đi, tôi cảm thấy không có gì phải ân hận. Tôi vẫn là đứa trẻ thơ trong nghệ thuật, lòng còn tràn đầy cảm hứng. Tôi vẫn còn ham mê học hỏi quanh mình và còn đủ hào hứng mở ra những cuộc đối thoại, độc thoại với cây cỏ thiên nhiên, với con người qua ca khúc dưới ánh sáng hiền hòa nhân hậu của những ngày tôi đang sống.

Phải chờ đến lúc soi gương nhìn thấy tóc không còn mang mầu xanh cũ nữa, mới nhận ra được hết nỗi khát khao được yêu thương mãi mãi con người vàcuộc sống. Yêu thương con người cũng là yêu thương tiếng hát bởi vì tiếng hát mang trong nó tâm hồn của con người. Tiếng hát sẽ mọc lên xanh tươi trên cuộc đời này như những cây tử đinh hương mọc tràn thơm tho trên những cánh đồng vô tận.

Với ca khúc, tôi là người tình của thiên nhiên, là người bạn của những em bé. Qua ca khúc, tôi đã đến gần và đã đi xa những chuyện tình, đã tham dự những nỗi hân hoan của đời người và cũng đã gánh nhẹ giùm những phiền muộn.

Ca khúc là đời sống thứ hai sau cái thân thể mà cha mẹ đã sinh thành...

Trịnh Công Sơn
(Trích từ Nhạc và đời - NXB Tổng hợp Hậu Giang)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 22.12.2005 00:35:53 bởi hoaha >
#31
    hoaha 22.12.2005 00:30:23 (permalink)
    Tin Vào Chính Mình

    Trịnh Công Sơn


    Tiếng nói thầm kín của một người nhiều khi suốt cuộc đời không thể nào bày tỏ. Có khi bày tỏ được thì cũng là những tiếng nói dở dang. Có người giấu bặt. Tôi chưa hề quên cái hiệu lệnh muôn đời: "Cái ta đáng ghét" Tuy nhiên trong cuộc sống thường nhật nơi đây, ngoài những ngày hét la to đầy nộ khí, vẫn có những giây phút lui về muốn thở than. Phải chăng thở than cũng là niềm bí ẩn của con người.

    Mỗi đời sống ẩn giấu một định mệnh. Có những định mệnh đời đời là cây kếim sắc. Một đôi lần trong giấc mơ tôi, bừng lên những ánh thép đó. Nhưng tôi biết rõ ràng rằng tôi chỉ là một loài chim nhỏ hót chơi trên đầu những ngọn lau. Không ai muốn mình là kẻ tuyệt vọng. Nhưng tôi tự nguyện làm tên tuyệt vọng. Bởi nhiều khi sớm mai tôi thức dậy không thấy được hoa quả khai sinh trong trái tim người.

    Tôi lại biết thêm rằng, dù là người chiến thắng hay chiến bại, suốt cuộc đời cũng không thể vui chơi. Hạnh phúc đã ngủ yên trong ngăn kéo của quên lãng.

    Tôi không bao giờ nhầm lẫn về sự khổ đau và hạnh phúc. Nhưng tôi thường rơi vào cơn hôn mê trước giấc ngủ. Ở biên giới đó tôi hoảng hốt thấy mình lơ lửng giữa sự sống và cái chết. Những phút giây như thế vồ chụp lấy tôi mỗi đêm. Khi quanh tôi, mọi người đã yên ngủ. Và tôi đau đớn nhận ra rằng, có lẽ cuộc đời đã cho ta lắm ngày bất hạnh.

    Mỗi ngày sống tới, mỗi ngày tôi thấy đời sống nhỏ nhắn thêm. Đời sống thật sự không tiềm ẩn điều gì mới lạ. Có lẽ vì thế, vì sự quen mặt mỗi lúc mỗi gần gũi, thắm thiết hơn, nên tôi càng thấy yêu cuộc đời. Như đứa con ngoan không tuyệt tình nổi với rẫy sắn nương khoai, nơi có bà mẹ suốt đời mắt không sáng nổi một ngày trẩy hội.

    Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá rẻ rúng tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá. Tôi không còn gì chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuỵêt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa. Tôi không muốn khuyến khích sự khổ hạnh, nhưng mỗi chúng ta hãy thử sống cùng một lúc vừa kẻ chiến thắng vừa kẻ chiến bại. nỗi cinh nhục đã đưa ta ra khỏi đời sống để đưa đến những đấu trường.

    Tôi đang bắt đầu những ngày học tập mới. Tôi là đứa bé. Tôi là người bạn. Đôi khi tôi là người tình. Chúng tôi cùng học vẽ lại chân dung của nhân loại.Vẽ lại con tim khối óc. Trên những trang giấy tinh khôi chúng tôi không bao giờ còn thấy bóng dáng của những đường kiếm mưu đồ, những vết dao khắc ngọt. chúng tôi vẽ những đất đai, trên đó đời sống không còn bạo lực.

    Như thế, với cuộc đời , tôi đã ôm một nỗi cuồng si bất tận. Mỗi đêm, tôi nhìn trời đất để học về lòng bao dung. Nhìn đường đi của kiến để biết về sự nhẫn nhục. Sông vẫn chảy đời sông. Suối vẫn trôi đời suối. Đời người cũng để sống và hãy thả trôi đi những tị hiềm.

    Chúng ta đã đấu tranh. Đang đấu tranh. Và có thể còn đấu tranh lâu dài. Nhưng tranh đấu để giành lại quyền sống, để làm người, chứ không để trở thành anh hùng hay làm người vĩ đại. Cõi nguồn từ khước tước hiệu đó.

    Chúng ta đã đấu tranh như một người trẻ tuổi và đã sống mệt mỏi như một kẻ già nua. Tôi đang muốn quên đi những trang triết lý, những luận điệu phỉnh phờ. Ở đó có hai con đường. Một con đường dẫn ta về ca tụng sự vinh quang của đời sống. Con đường còn lại dẫn đến sự băng hoại.

    Nhân loại, mỗi ngày đang cố bày biện những tiệm tạp hoá mới. Đóng thêm nhiều kệ hàng. Người ta bán đủ loại:đói kém, chết chóc, thù hận, nô lệ , vong thân...

    Những đấng tối cao, có lẽ đã ngủ quên cùng với chân lý.

    Tôi đã mỏi dần với lòng tin. Chỉ còn lại niềm tin sau cùng. Tin vào niềm tuyệt vọng. Có nghĩa là tin vào chính mình. Tin vào cuộc đời vốn không thể khác.

    Và như thế, tôi đang yêu thương cuộc đời bằng nỗi lòng của tên tuyệt vọng.

    TCS
    Sài gòn, tháng 11-1992
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 22.12.2005 11:15:50 bởi hoaha >
    #32
      hoaha 22.12.2005 00:33:27 (permalink)
      Cảm Nghĩ Về Hoa Hậu

      Trịnh Công Sơn


      Mười tám năm. Thời gian đủ để một người con gái sinh ra, lớn lên và trở thành hoa hậu trong một cuộc thi nhan sắc vóc dáng hình hài của thành phố. Tôi ngồi ở bàn giám khảo trong vài cuộc thi hoa hậu và nhìn ngắm nghĩ ngợi. Tôi chiêm ngưỡng và không thể nào không nghĩ về thời gian. Mười tám năm, đời làm nên một nhan sắc. Một nhan sắc là một tác phẩm không phải bất cứ nghệ sĩ tạo hình nào cũng có thể làm nên dù trong phút giây đột hứng.

      Ði ngược dòng thời gian, tôi thấy em trong bào thai của mẹ. Và tôi, tôi ở trong bào thai của một xã hội, một chế độ hoàn toàn lạ lẫm với tôi. Em thì được sinh ra nhưng tôi thì lại được tái sinh trong một cuộc đời khác. Trong hội họa cũng đã từng có thời kỳ phục hưng. Renaissance. Ðược sinh lại một lần nữa cũng có nghĩa là được sống lại một lần nữa và cũng có nghĩa là được đầu thai vào một kiếp khác. Em bỡ ngỡ khóc tiếng đầu đời và tôi cũng bỡ ngỡ cười khóc tiếng đầu đời. Em là đứa bé và tôi cũng là đứa bé. Chỉ khác một điều là em thì hồn nhiên thơ mộng còn tôi thì thấp thoáng lo âu.

      Em thả đời em lớn lên như cây cỏ xanh tươi đôn hậu mỹ miều còn tôi thì cũng cứ thả đời tôi như con thuyền không lèo lái.

      Ngày ấy, cách đây mười tám năm, tôi đứng ở một bờ bến khác. Tôi gọi con đò, con đò dừng lại và chở tôi đi. Sau giờ phút ấy, điểm khởi đầu của mười tám năm sau, tôi ngần ngại không dám gọi đò. Em tập tễnh bước đi. Tôi ngần ngại bước đi. Em không sợ ngã nhưng tôi thì lại sợ vấp ngã. Em không né tránh. Em thơ thới hân hoan còn tôi thì dè dặt. Mỗi bước chân tôi là vụng về e ngại. Là tự nhủ, băn khoăn.

      Ngày ấy xa rồi. Em lớn lên và tôi cũng đã lớn lên. Em yêu đời và tôi cũng yêu đời. Chỉ khác một điều là tôi già dặn mà em thì non nớt. Cái non nớt đáng yêu và cái già dặn đáng ghét.
      Ðôi khi tôi tự hỏi: Có phải tôi là kẻ hạnh phúc hơn nhiều người Không phải bất kỳ ai cũng có thể sống trong một đời dưới nhiều hình thái xã hội khác nhau. Tôi là ai vậy? - Tôi, hình như, đã có lúc mang thân phận chiến tranh, rồi hòa bình, rồi tư sản và rồi cộng sản. Cái lý lịch đa mang này cũng đủ để tôi tự thấy mình là một loại công dân ngoại hạng.

      Ngoái nhìn lại, mười tám năm, hun hút sâu như một lối đi biền biệt, một con đường xa ngái, tôi bần thần nhận ra mình là một kẻ khác. Một kẻ khác mà vẫn là mình, không xa lạ, không oán hờn, không hề có một chút trách móc tự thân. Mà lạ thay, giờ phút này tôi lại hân hoan cười đùa về một thứ số phận gần như muốn đùa cợt tôi trên những dặm đường tưởng như không có thật. Tôi đi trồng và gặt lúa. Tôi đi trồng khoai, sắn, ở Cồn Tiên, trên bãi đất chằng chịt mìn có thể nổ bất cứ lúc nào ở cửa ngõ Trường Sơn. Tôi đi chợ nấu ăn. Tôi chở bột mì rải trắng cả một con đường như ngày xưa Mỵ Châu làm dấu cho Trọng Thủy. Tôi xếp hàng mua từng điếu thuốc hạng tồi. Tôi lãnh hàng tháng một lóng tay thịt mỡ không đủ cho một con mèo ăn. Và cứ thế nhiều năm, mù mịt. Nhưng có hề gì đâu, vì trên tất cả những vụn vặt, nhiễu nhương đó là Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Là tình yêu chan chứa, là những mặn nồng mà cả một cuộc đời ngày trước chưa bao giờ được đời trao tặng một cách rộn rã, đậm đà và lộng lẫy đến như vậy.
      Tôi đã yêu cuộc đời hơn bao giờ cả. Tôi yêu cuộc sống và cuộc sống cũng mở hết vòng tay cho tôi.
      Mười tám năm, em đã là xứ sở, em cũng là quê hương. Tôi cũng đã là một thành phần nhỏ bé của xứ sở, của quê hương. Những gì đẹp nhất thuộc về em và cũng thuộc về tôi. Em và tôi là những phân tử không thể tách rời của đất nước này. Ðừng mơ ước gì xa xôi bởi vì giấc mộng của chúng ta là có thật hoặc sẽ có thật trong bờ cõi nhỏ nhắn nhưng đôn hậu và tình tứ này.
      Tôi mở lòng tin vào tương lai. Tôi tự nhủ mình không bao giờ lập lại những điều đã cũ. Ðừng để hồn mình mòn đi vì những tổn thương tưởng có thật mà không thật. Tôi đã từng bị chẻ ra làm nhiều mảnh trên quê nhà nơi tôi sinh ra nhưng tôi loại bỏ hình ảnh đó bởi vì với tôi, cái xấu, cái ác không bao giờ có thật. Vì thế cái tình yêu đất nước quê hương trong tôi không có gì làm suy suyển được. Tôi đã trầm tư trong nhiều ngày tháng để tập cho mình giữ được lòng vô ngại, tính vô ưu trước mọi đắng cay. Không thể có một thứ bạo lực nào khiến em có thể xa lìa đất nước. Sự phản bội còn mạnh hơn bạo lực. Và chỉ có sự phản bội mới làm ta xa lìa nhau. Còn bạo lực thường không có một đời sống lâu dài.

      Cái dòng sông mười tám năm ấy đã làm nên em mỹ miều xinh đẹp và đồng thời cũng đã cuốn đi hết trong tôi những vướng mắc cuối cùng. Sống mà không còn biết đến oán hờn thì đương nhiên là hạnh phúc quá. Tôi biết tôi hạnh phúc mà có lúc không biết chia xẻ với ai. Tôi tin rằng sẽ có lúc tất cả mọi người đều cảm thấy mình thật sự hạnh phúc khi biết xóa đi cái biên giới thù nghịch trong lòng mình. Hai con người cùng màu da cùng xứ sở gặp nhau nơi này hoặc nơi kia, mà không vồ vập yêu thương nhau là điều vô nghĩa. Mười tám năm có người ở lại có kẻ ra đi nhưng cái biên giới địa lý ấy làm sao có thể gây chia lìa những tình cảm trong sáng trong mỗi con người được. Cứ mỗi ngày tôi càng thấy yêu cuộc đời hơn. Yêu cuộc đời cũng có nghĩa là yêu cái tuổi mười tám trên cơ thể của một đất nước nguyên vẹn. Từ Bắc vô Nam đi nơi nào cũng có thể tìm được tình yêu. Chỉ có thần thoại mới làm được công việc đó. Ðã hết rồi cái ngàn năm, trăm năm, ba mươi năm chia lìa loạn lạc. Em còn mơ ước gì nữa. Em mười tám tuổi, em là hạnh phúc. Tôi chia buồn với tôi vì tôi có một hạnh phúc ngắn ngủi hơn em. Nhưng có hề gì, cuộc đời còn dài lắm cho em và tôi thì em không cần thắc mắc. Tôi đã sống đủ và làm đủ những gì cần thiết. Chỉ tiếc là không nhiều thời gian để làm những gì lợi ích cho đời. Ðời sống thì đẹp mà rộng dài quá còn đời người thì hạn hữu. Biết làm sao bây giờ.
      Viết bài này như một tấm thiệp mừng mười tám năm nhan sắc lừng lẫy. Cám ơn tuổi mười tám của đời Việt Nam.

      Trịnh Công Sơn
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 22.12.2005 11:12:39 bởi hoaha >
      #33
        hoaha 22.12.2005 00:38:50 (permalink)
        Nhật ký Huế

        :::Trịnh Công Sơn:::

        Đã lâu lắm tôi không ra khỏi nhà để thực hiện những chuyến đi xa. Thế rồi nó trở thành một thói quen. Một thói quen không hiểu là tốt hay xấu. Nhưng dù sao đó cũng là thói quen của một người không có sức khoẻ tốt hoặc đã đạt đến một thứ tuổi lười. Đã từng có những cuộc mời mọc trong vài năm nay để ra nước ngoài nhưng tôi đều từ chối. Và khi kiếm được một cớ nào đó để từ chối mà không phụ lòng người mời, tôi bỗng thấy lòng thảnh thơi, nhẹ nhõm.



        ■ Tháng 4 năm nay ở Huế có tổ chức Festival 2000. Tôi không được mời, nhưng điều đó không có gì quan trọng. Bởi vì rất nhiều người khác cần được mời hơn tôi cũng không được mời. Đã hiểu lý do làm sao mà có một sự thiếu sót như thế thì cần phải viện đến những cơ sự rất phức tạp, thậm chí lạ lùng khó hiểu.



        ■ Thành phố Huế là thành phố của những đứa con thân yêu của Huế, chứ không phải chỉ để dành riêng cho một số người. Càng không phải chỉ để dành cho một thế lực nào đó. Quê hương là quê hương chung, chứ không phải quê hương của riêng ai. Vì thế cho nên muốn làm đẹp cho quê hương cũng phải được chia đều.



        ■ Thế mà cuối cùng tôi cũng đến Huế trong những ngày nằm giữa bề dài của cuộc Festival. Tôi đã sẵn sàng tham dự một vài buổi trình diễn không lấy gì làm hứng thú. Những bữa ăn không mùi vị, thậm chí là nhạt nhẽo. Nhưng tôi không mất nụ cười và sự vui tươi hồn nhiên, vì tôi là thằng con của Huế. Tôi an ủi đám bạn bè cùng đi là hãy vui đi, vì đây là xứ sở của tôi.



        ■ Khi bạn có một xứ sở để trở về hoặc là để thỉnh thoảng trở về, thì bạn còn có hạnh phúc nhiều lắm. ở đó bạn có một dòng sông, một ngọn núi, và bạn tìm lại được những đứa bạn một thời tóc xanh nay đã lốm đốm bạc đầu. Bạn sẽ gặp một cô gái Huế bất chợt trên đường và hỏi rằng: Huế bây gờ có gì lạ không em? thì lập tức, hoặc tình cờ cô gái ấy sẽ đọc lại hai câu thơ của Bùi Giáng:



        Dạ thưa phố Huế bây giờ

        Ngự Bình vẫn đứng bên bờ sông Hương.



        ■ Huế trăm năm trước và trăm năm sau không có gì thay đổi. Nó hình như muốn giữ trọn một lời thề sắt son, không bao giờ thay lòng đổi dạ. Đó là nét đáng yêu của một thành phố, nhất là một thành phố rất cổ kính. Tuy nhiên thời đại này người ta không cho phép một thành phố với những con người cứ mải mê ngủ hoài trên những vàng son của quá khứ hoặc ôm mãi những giấc mộng huyễn hoặc trên những tàng kính các.



        ■ Huế lần này đã kéo tôi ra khỏi cái góc nhà nhỏ hẹp của tôi. Nếu không có Huế trong dịp Festival này, chưa chắc tôi đã rời được nơi ẩn trú của mình. Tuy vậy, xét cho cùng, không phải vì Festival lôi cuốn sự tò mò của tôi, mà chỉ đơn giản chính là Huế. Tôi về Huế chính vì Huế chứ không phải vì Festival Huế 2000. Nếu nói một cách chính danh, thì đây không phải là một Festival trong đúng nghĩa của nó. Tổ chức luộm thuộm, không có một không khí hội hè đúng như yêu cầu, và thực sự nhìn chung, người dân của Huế không tích cực lắm trong việc chia sẻ một niềm vui chung.



        ■ Dù sao tôi cũng cảm ơn một cái cớ nhỏ để tôi đi giang hồ vặt trong vài ngày ở Đà nẵng, Hội an và Huế. Ngày xưa, thời còn trẻ lắm, những chuyến đi chơi nhỏ mọn này không thể nào đủ để làm nguội bớt máu giang hồ trong tôi. Bây giờ thì những chuyến đi ngắn cùng đông đảo bạn bè cũng tạm an ủi cho những giấc mộng phiêu lưu không còn thực hiện được nữa.



        ■ Huế là người yêu của tôi, là giấc mộng của tôi. Nhưng bây giờ tôi còn Sài gòn và Hà nội. Tôi thấy đâu cũng là quê nhà. ở đâu tôi cũng có giấc mộng và tình yêu. Và vì vậy, đôi lúc tôi không còn cảm thấy mình thuộc về một xứ sở nào nữa. Nhưng ngẫm cho cùng, thì Huế vẫn là quê nhà của tôi, và ngày nào Huế chưa phụ bạc tôi, thì tôi vẫn là đứa con không bị từ chối của Huế.


        Trịnh Công Sơn
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 22.12.2005 11:00:39 bởi hoaha >
        #34
          hoaha 04.01.2006 04:47:42 (permalink)

          Phút nói thật Trịnh Công Sơn

          Về ăn mặc:

          Ai cũng thích ăn ngon, mặc đẹp. Điều này ai cũng giống nhau. Từ lâu tôi ăn rất ít nhưng trong mỗi bữa ăn tôi cần thấy nhiều món ăn khác nhau và cần có nhiều màu sắc. Về mặc và giày dép tôi cũng thích có nhiều để nhìn hơn là để sử dụng. Nói chung tôi là người thích sưu tầm và chọn tất cả những gì đẹp mang về để làm thoả mãn con mắt của mình.

          Thời gian rảnh

          Thời gian rảnh, nếu không có bạn, tôi thường ngồi yên lặng nhìn trời đất và suy tưởng về những điều mình chưa tự giải đáp được cho chính bản thân mình. Nếu có cảm hứng thì vẽ hoặc xem lại một câu nhạc đang viết dở. Có bạn thì lại khác, sẽ tiếp tục câu chuyện hằng ngày bên ly rượu. Những câu chuyện đời riêng và chung, về sự sống và cái chết. Về tất cả nói chung.

          Tình yêu

          Thời gian sau này tôi ít quan tâm đến những gì liên quan đến tình yêu. Nếu có viết một ca khúc nào đó nói về tình yêu thì cũng chỉ là một thứ ngôn ngữ rất trừu tượng, thậm chí rất siêu hình.

          Bạn bè

          Tôi dùng hầu hết thời gian cho bạn bè. Chuyện trò với bạn bè cảm thấy thoải mái hơn. Thậm chí có những khoảng thời gian im lặng hoàn toàn mà vẫn không cảm thấy khó chịu. Mỗi người có thể làm công việc riêng hoặc theo đuổi những ý nghĩ còn dang dở.

          Hội hoạ

          Tôi yêu hội hoạ cũng như âm nhạc. Có lúc lòng say mê hội hoạ trong tôi còn vượt hơn cả âm nhạc. Khi vẽ thì gần như quên hết, ngay cả giấc ngủ ban đêm. Tuy nhiên nói cho cùng thì hai bộ môn này bổ túc cho nhau trong công việc sáng tác của tôi.

          Dư luận

          Tôi không quan tâm đến dư luận lắm nhất là thứ dư luận không mang tính cách xây dựng. Vấn đề của người sáng tác là tập trung vào việc sáng tạo chứ không phải ngồi chờ nghe dư luận nói gì về mình. Người sáng tác phải tập trung làm công việc của mình và ý thức hoàn toàn về điều đó. Ngoài ra không có gì đáng kể.

          Thú vui lớn.

          Tôi không có thú vui nào đặc biệt cả. Nếu cần phải kể ra một thú vui nào đó cũng được thì có lẽ đó là thú vui được trở về nhà sau nhiều giờ phải ra ngoài vì một công việc nào đó hoặc sau những chuyến đi xa.

          Thời gian thích nhất.

          Khoảng thời gian thích nhất là thời gian được ngồi yên tĩnh một mình trước khi có một người bạn đầu tiên xuất hiện để phá tan sự yên tĩnh đó.
          Thói quen hàng ngày là chiều chiều uống vaì ly rượu với bạn bè.

          (Tạp chí Mốt-2000)

          http://www.ttvnol.com/f_301/111556/trang-4.ttvn
          #35
            hoaha 04.01.2006 04:53:02 (permalink)

            Thủ bút về người hát


            Trịnh công Sơn

            Khánh Ly - Vĩnh Trinh - Hồng Nhung

            KL, một người bạn của định mệnh vĩnh viễn thương yêu nhau.
            VT, một người em ruột phải bù đắp vì không kịp thấy bố khi vừa ra đời
            HN, một người quá gần gũi không biết phải gọi là ai?

            - KL hát cho một thời vừa lãng mạn vừa đau thương trong chiến tranh. Hay nhất.

            - VT. Một người thích hát và hát hay những bài hát của anh mình. Lưỡng lự giữa đời ca hát và đời thường. Tuy nhiên cái nghiệp ca hát lại trói buộc ở chặng đời mà mọi ràng buộc khác không còn ý nghĩa nữa. Thế cũng là một điều may mắn cho đời, và cho tôi.

            - HN làm mới lại những ca khúc của tôi. Có người thích có người không thích. Tuy nhiên tôi thích vì đó là cách biểu hiện mới phù hợp với (...) thời hiện đại - Một sự lãng mạn mới. Nó giúp mình có được một chỗ ngồi trong hiện tại chứ không phải là kẻ nhắc tuồng từ quá khứ.

            - Khánh Vĩnh Hồng hay Ly Trinh Nhung là điều phải có, gần như tất yếu, trong cuộc đời sáng tác của một người. Mà hình như còn nhiều nữa, như Khánh Hà, Cẩm Vân, Thái Hiền, Thu Hà, Lan Ngọc, Lệ Thu, ôi nhiều lắm vân vân và vân vân.


            Trịnh Công Sơn
            (1995)
            #36
              hoaha 04.01.2006 05:05:11 (permalink)
              Profile:
              Vietnamese singer/songwriter Trinh Vinh Trinh will accept the WPMA "Life of Peace" award nomination on behalf of her brother Trinh Cong Son (1939-2001). Singer/songwriter Trinh Cong Son first gained fame in South Vietnam in the 1960s for his enchanting love ballads and gripping anti-war songs, which prompted the American folk singer Joan Baez to dub him "the Bob Dylan of Vietnam." "No one else better reflects what's in the hearts of the Vietnamese," says an intellectual about the 600 songs that Son has published since he wrote Wet Eyelashes in 1959 about a girl mourning the death of her mother.

              Son grew up in Hue, the son of two poets. His father made a living selling bicycles and motorcycles, but in 1945 he was arrested for supporting the Viet Minh resistance against French colonial rule. After his release four years later, Son's father moved his family to Saigon, where he was killed in a traffic accident in 1955.

              He hid to escape the military draft when he wrote his first anti-war song in 1965, as the US was sending hundreds of thousands of troops to Vietnam to fight a growing communist insurgency. Until the war ended a decade later with the defeat of the Saigon government, Son continued hiding in the houses of his friends in Saigon, Dalat and Hue to avoid arrest. Occasionally, he came out of hiding to perform in universities, protected from the police by students who shared his anti-war sentiments.

              His popular Lullaby sold two million records in Japan in 1969 and won him a gold record award. "Rock gently my child, I have done it twice," he sang about a mother mourning the death of her soldier son. "This body, which once was so small/That I carried in my womb, that I held in my arms/Why do you rest at the age of 20 years?" Fearing that such powerful lyrics would demoralize its troops, the South Vietnamese government banned his songs and confiscated his recordings.

              Son ran into a buzz-saw of protest when, after communist tanks crashed into the gates of Saigon's presidential palace on 30 April 1975, he accepted an invitation to sing on the radio one of his reconciliation songs about arms extending from north to south Vietnam. Many anti-communists accused him of being a traitor.

              Son's troubles did not end with the return of peace. He went to the countryside near Hue, in central Vietnam, to visit some friends. When Son tried to return to Ho Chi Minh City, the new name for Saigon, the authorities in Hue would not let him leave. Instead he was sent to live with a peasant family near the Truong Son Mountains, where he planted rice and manioc in fields littered with unexploded munitions. It was not until late 1979 that he was allowed to move back to Ho Chi Minh City. Since then, Son has tried to put this experience behind him.

              Son's songs, particularly those written before 1975, are still widely admired among the two million Vietnamese living abroad. Much of his appeal comes from his ability to capture the heartbeat of Vietnam.

              This biography was written by Trinh Cong Son's sister, Trinh Vinh Trinh, before his death in April 2001. Trinh Vinh Trinh will accept Trinh Cong Son's WPMA "Life of Peace" award at the 2004 WPMA.


              http://www.trinh-cong-son.com/wpma_tcs.html
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 12.01.2006 21:13:04 bởi hoaha >
              #37
                hoaha 04.01.2006 05:36:56 (permalink)
                Đành vậy với tình yêu

                Trịnh Công Sơn

                Cho đến cuối thế kỷ này, khi mà những khám phá khoa học đã bóc trần mọi lớp vỏ huyễn hoặc của thế giới quanh ta thì con người vẫn tiếp tục hồn nhiên chất vấn mình và chất vấn nhau: Tình yêu là gì? Tình yêu có thật hay không ?

                Bao nhiêu thế kỷ qua đi và tình yêu cũng thay hình đổi dạng. Đắm chìm vào những cuộc vong thân ngoạn mục, tình yêu đã hoá thân và theo từng thời kỳ, mang những khuôn mặt khác.

                Tình yêu cuối thế kỷ này không còn mộng mị nữa. Những giấc mơ hão huyền đã ra đi. Con người đến với tình yêu bằng một ngôn ngữ khác. Có một thứ hình bóng của mộng du len lỏi vào giữa cái điều mà người ta gọi là tình yêu. Và cứ thế người ta lao vào cái điều "tưởng như" ấy một cách đồng bóng và đánh mất dần cái hồn phách thơ mông của những ngày đã xa xưa.

                Đừng bao giờ nói một lời có tính cách khẳng định về tình yêụ Mới ngày hôm qua là như thế hôm nay đã khác rồi. Tình yêu tưởng vĩnh viễn ra đi mà không ra đi. Tình yêu vờ như ở lại mà không ở lại. Kể lại một chuyện tình thường khi là kể lại một cái gì đã mất. Nhưng cũng không hiếm những trái tim lạc hướng bỗng một hôm lại ngoạn mục quay về\. Không thể nói nhiều về tình yêu mà không mắc lỗi lầm. Cứ để nó yên ở một vị trí nào đó và nhìn ngắm, quan sát hoặc chờ đợi. Tình yêu là bất khả tư nghì.

                Không ai điên gì mà tự xưng mình là kẻ biết rõ về tình yêu nhất. Đau khổ cả trăm lần vẫn cứ là một đứa trẻ thơ trong tình yêu. Tình yêu có lẽ là lời nói dối uyên thâm nhất của trái tim. Một trái tim kim cương không tì vết, không thách thức nhưng ngạo nghễ và thích đùa. Một thứ đùa cợt làm bằng bi hài kịch và trên sân khấu của cuôc hành trình đã làm nổ tung ra những cơn thịnh nộ của núi lửa hoặc của những mùa băng rã tuyết tan.

                Dù thế nào cũng đừng phỉ báng tình yêu bởi nghĩ cho cùng nó vẫn là nguồn an ủi duy nhất. Nó là trò chơi dối trá cần thiết và qua nó chỉ có con ngưòi mới hiểu được thế nào là đau khổ để rồi có lúc phải thốt lên: Tôi buồn quá....

                Tình yêu là không khoan nhượng. Cái khía cạnh ác độc của tình yêu không ai có thể đo lường được. Khi cần dập chết một cuộc tình nó sẽ không cần biết nương taỵ Nó lạnh lùng thản nhiên trước cơn hấp hối của "con bệnh tình". Vì thế xin các hoàng tử, quí công nương hãy biết kềm giữ mình khi đứng bên mép bờ hiu hắt và luôn luôn chuẩn bị sẵn cho mình một bài kinh thiền định để giữ được cõi lòng bình an, tĩnh lặng. Mọi cơn bão sẽ qua đi và trên các bờ bãi, biển đã để lại bao nhiêu là sinh vật biển cho một bữa tiệc dù muộn màng, phù du, nhưng cũng đủ để làm hồi sinh một nỗi khát sống và xoá đi những thương tích tuồng như không đáng có.

                Tình yêu không có thắng bại. Ở đây không phải đấu trường mặc dù vẫn có những vết thương. Thậm chí đôi khi còn mang đến những cái chết, những cái chết không báo trước nhưng cũng nhuốm đầy đủ màu sắc tai ương, của một kiếp nạn. Những cái chết như thế không còn mới mẻ gì nữa, chỉ đủ gây ngạc nhiên thoáng qua để có dịp nhắc nhở lại một thời kỳ vàng son của triều đại lãng mạn. Thế nhưng ở đâu đó trên các vỉa hè trong lòng các đô thị, nhất là dưới ánh đèn mờ tỏ ở các ngoại ô, tiếng xì xào vẫn cứ vang lên như một ngọn gió xót thương qua các đền thờ của ảo giác. Đó cũng là lời tôn vinh phù phiếm nhằm làm thăng hoa tình yêu hầu khôi phục lại một thứ lòng tin đã bị đánh mất.

                Nếu có dịp chạm vào tình yêu thì hãy thử mượn một cỗ xe chở lòng bất kính đến trước. Có thể không hẳn là lòng bất kính mà một cái gì đó gần với sự thờ ơ, lãnh đạm hoặc một phương cách lịch sự bóng bẩy phường tuồng. Đó là lá chắn cần thiết, một thứ bùa hộ mạng để chống đỡ những mũi dao vô đạo có thể gây thương tích bất ngờ trên lòng tự trọng.

                Tình yêu hình như không di chuyển trên một mặt phẳng. Nó thường dẫn người trong cuộc đi qua những nơi chốn không hề dự phòng trước. Thế rồi một hôm bỗng dưng mọi chuyện cứ lệch lạc hẳn đi và người trong cuộc thấy mình không còn là mình nữạ Như trong mùa biển động, những con sóng dữ tha hồ nhảy múa và nó rút dần tinh lực của con người.

                Có những kẻ thấy được thiên đường. Có những kẻ thấy được địa ngục. Và có không ít những kẻ bị chọc mù đôi mắt khi đi qua tình yêu. Những giấc mơ hồng, những ác mộng đen. Đôi khi có những cái bóng vô hồn ngoan ngoãn tới lui trong không gian vô hình của những câu thần chú. Khi nhóm lửa đốt lòng mình trên những mê hoặc của lời thề nguyền thì lúc ấy chỉ còn âm binh nói chuyện với âm binh. Giấy vàng bạc bay lả tả phủ hết con đường tỉnh thức để mở ra một cõi đời son phấn ngào ngạt hương hoa mơ mơ, tỉnh tỉnh, muội muội, mê mê nhưng đầy một thứ lạc thú riêng tư, một cõi trời bay bổng.

                Chấp nhận tình yêu là chấp nhận một thứ có có, không không, đùa đùa, thật thật. Nó vô hình tướng nhưng làm rã tan hồn phách. Không có nó thì đời sống không biết sẽ tẻ nhạt đến dường nàọ Thôi thì đành có nó vậy.

                http://khanhly.net/phoxua/tm.asp?m=296
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 04.01.2006 05:37:59 bởi hoaha >
                #38
                  hoaha 04.01.2006 05:52:16 (permalink)
                  Giọng ca, kỹ xảo mới là một nửa thành công của ca sĩ

                  Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn


                  Tạp chí Thế giới mới


                  Ðã có nhiều ca sĩ thể hiện các bài hát trong suốt 40 năm sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như Khánh Ly, Lệ Thu, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam... và để lại những ấn tượng đẹp cho người nghe. Từ góc độ tác giả, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho rằng giọng ca, kỹ xảo mới chỉ quyết định một nửa thành công, phần còn lại là sự cảm nhận, tri thức và sự rung cảm của ca sĩ.

                  Kể từ tác phẩm đầu tay Ướt mi, đến nay Trịnh Công Sơn đã có hơn 40 năm rong chơi, lãng du và triết luận cùng âm nhạc và trở thành một trong những nhạc sĩ lớn của âm nhạc hiện đại Việt Nam. Nhân dịp này, chúng tôi đã cùng trò chuyện với anh về nghệ thuật ca hát và nhất là về những giọng ca tiêu biểu từng "đi qua" tác phẩm của Trịnh Công Sơn.

                  * Cho dù sau này nhiều ca sĩ đã cố gắng thể hiện khá tốt những phong cách khác nhau về các nhạc phẩm của anh nh­ng người nghe đều có chung một nhận xét, Khánh Ly mới đúng là một cặp "đối ngẫu" lý tưởng với âm điệu của anh. Là tác giả, anh nghĩ sao?

                  - Ðúng là chỉ có Khánh Ly mới thể hiện đúng tâm trạng bài hát của tôi nhất, nhưng không phải tất cả những bài nào của tôi Khánh Ly cũng đều hát hay nhất. Tôi muốn nhắc đến Lệ Thu, người hát hay nhất Hạ trắng và Xin mặt trời ngủ yên, Bạch Yến thì hát hay hơn hẳn Khánh Ly bài Lời buồn Thánh. Có một nghịch lý tôi muốn đưa ra đây để thấy sự cảm nhận rất vô chừng ở mỗi người. Chẳng hạn, có một cô sinh viên Hà Nội cho biết cô chỉ thích nghe nhạc tôi do Khánh Ly hát nhưng cũng có một phụ nữ lớn tuổi, hiện sống ở nước ngoài, từng mê Khánh Ly hát nhạc tôi, khi có dịp về nước và nghe các ca sĩ sau này hát nhạc tôi thì tỏ ra rất thích thú và cho rằng họ có một cách hát nhạc Trịnh Công Sơn mới, hiện đại và rất hay.

                  * Ba bốn năm trước đây, anh đã có ý định "độc quyền" Hồng Nhung cho các bài hát của anh và nhiều người còn cho rằng anh muốn tạo ra một Trịnh Công Sơn - Hồng Nhung để làm quên đi một Trịnh Công Sơn - Khánh Ly.

                  - Tôi đã viết riêng cho Hồng Nhung một số bài. Nhưng Hồng Nhung hát cho rất nhiều tác giả.

                  * Trong số những ca sĩ sau này hát nhạc anh như Cẩm Vân, Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Ngọc... anh thấy ai hát hay nhất nhạc của anh?

                  - Mỗi người hát hay một số bài. Có bài Linh hát hay. Có bài Lam hát đạt. Có bài thì Cẩm Vân xuất sắc. Có bài tôi chỉ thích nghe Nhung hát.

                  * Còn hiện nay, trong các ca sĩ Việt Nam, anh đánh giá ai cao nhất?

                  - Tôi thấy chỉ có Mỹ Linh là tạo được ấn tượng tốt nhất cho tôi trong việc sáng tạo ra những phong cách khác nhau cho mỗi bài. Ví dụ như bài Thì thầm mùa xuân. Với bài này, Mỹ Linh đã tạo ra một cách hát độc đáo mà sau này nhiều ca sĩ hát theo y như vậy. Nếu có ai cố hát khác đi thì thấy không hay, không thích nữa.

                  * Hiện tại ông nghĩ gì trước hiện tượng có khá nhiều ca sĩ đến tập bài mới ngay tại phòng thu rồi một, hai tiếng sau... ghi âm luôn mà không quan tâm tới việc "nhập" và hiểu tình cảm, nội dung của bài hát.

                  - Tôi đưa ra đây một tấm gương lao động nghệ thuật của Khánh Ly để thấy rằng trước khi muốn hát một bài thành công thì người ca sĩ phải trải qua một quá trình hóa thân vào tác phẩm đó như thế nào.

                  Nhớ dạo tôi mới viết bài Một cõi đi về mấy tháng trước khi giải phóng miền Nam (30-4-1975). Sau này, có dịp đi Mỹ, tôi gặp Khánh Ly và đưa cho cô bài hát này. Tôi nhớ Khánh Ly cầm và lẩm nhẩm bài hát này từ 7 giờ tối hôm trước đến... 7 giờ sáng hôm sau. Cô đã thức trọn đêm, "vật lộn" với bài hát nhờ sự giúp sức của thuốc lá, cà-phê đen. Vậy mà cô vẫn cho rằng vẫn chưa "thấm" bài mấy. Người ca sĩ phải làm việc nghiêm túc và có trách nhiệm như vậy mới tạo ra những nét sáng tạo riêng trong từng bài hát đồng thời thể hiện chính xác tâm trạng bài hát của nhạc sĩ.

                  * Ðêm sinh nhật của anh ngày 28-2 vừa rồi anh đã hát tuyệt hay bài Tiến thoái lưỡng nan chỉ trên những hợp âm rải nhẹ của cây organ. Khó có ca sĩ nào thể hiện bài này hay hơn như anh đã hát.

                  - Trong các cuộc thi sắc đẹp, sắc đẹp chỉ chiếm khoảng ba hoặc bốn mươi phần trăm, phần còn lại thuộc ứng xử tức là thuộc phạm trù trí tuệ và tâm hồn. Ca hát cũng vậy. Giọng ca, kỹ xảo chỉ mới là phân nửa, phân nửa là do sự cảm nhận, tri thức và rung cảm của người hát quyết định.

                  * Câu hỏi cuối, hơi xa đề một chút: hiện nay anh có ấp ủ sáng tác một bài hát nào không và nhắm đến ca sĩ nào?

                  - Theo lời đề nghị của một ca sĩ nổi tiếng người Nhật, Mozu, tôi đang chuẩn bị bắt tay viết chung với anh một bài hát và sẽ do nữ ca sĩ - cũng người Nhật - Mayami hát. Nó sẽ được trình diễn trong Hội diễn âm nhạc tại Osaka vào tháng 7-1999 sau đó sẽ đến lượt Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

                  Xin cảm ơn anh.
                  #39
                    hoaha 04.01.2006 05:58:54 (permalink)
                    Việt Nam nửa thế kỷ tân nhạc

                    Nguyễn Thụy Kha


                    Giai đoạn đầu, ca khúc Trịnh Công Sơn căn bản là tình khúc. Bằng nỗi cô đơn trong trẻo, đầy linh cảm mất mát của tuổi đôi mươi, những tình khúc Trịnh Công Sơn khi ấy là lời thốt lên của lớp thanh niên miền Nam sống triền miên trong âu lo, trong phấp phỏng thời cuộc. Ðó là những Thương một người, Chiều một mình qua phố, Hạ trắng, ... và tiếng nức nở trào lên một đổ vỡ.

                    Trong giai đoạn này, ca khúc Cho một người nằm xuống đã báo hiệu cho một cái nhìn về chiến tranh. Thân phận những người lính ngã xuống chỉ là một mất mát đời đời. Báo hiệu này đã dẫn tới những ca khúc phản chiến ở giai đoạn tiếp theo của dòng nhạc Trịnh Công Sơn. Nhìn chiến tranh bằng cặp mắt trung thực ở tầm nhân loại, Trịnh Công Sơn đã kêu lên bức bối giữa cuộc đời "nồi da nấu thịt". Có lẽ vì cách nhìn như thế nên sau 30-4-1975, Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ miền Nam duy nhất lại có thêm nửa khối thính giả ở miền Bắc. Anh đã tạo ra thính giả bằng chất nhạc riêng của mình.

                    Cũng cần nói thêm rằng sự nghiệp âm nhạc của Trịnh Công Sơn trong thời kỳ này được chắp cánh nhờ giọng hát Khánh Ly. Cuộc trùng phùng này đã để lại một dấu ấn không phai mờ trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.

                    Trịnh Công Sơn bước vào địa hạt làm âm nhạc cho điện ảnh cũng từ sau giải phóng miền Nam. Anh đã có mặt ở gần hai chục phim truyện cũng như tài liệu. Từ trong những cuốn phim, ca khúc Trịnh Công Sơn lại đĩnh đạc bước vào đời, sống một cuộc sống riêng như những ca khúc khác.

                    Nếu ở giai đoạn trước là sự song hành của Trịnh Công Sơn với Khánh Ly, thì ở địa hạt âm nhạc cho điện ảnh lại là song hành của Trịnh Công Sơn với. Hai người bạn, hai nhạc sĩ nhiều đồng cảm với nhau luôn cùng có mặt trong từng bộ phim.

                    Cuối tháng 3 năm 1990, nhạc sĩ có một cõi âm thanh của hơn ba mươi năm sáng tạo, của gần 500 ca khúc thoắt một cái đã trở thành diễn viên của phim truyền hình do hãng phát thanh truyền hình BBC thực hiện.

                    Cất đi những phóng túng trong đời sống cũng như trong âm nhạc, Trịnh Công Sơn đã tự khép mình vào kỷ luật của một diễn viên. Anh phải vội vã bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội và chỉ ở lại có 16 tiếng để đứng trước ống kính trong một cảnh gặp gỡ nhạc sĩ Văn Cao tại nhà riêng ở số 108 phố Yết Kiêu. Ngay sau đó, anh bay vào Huế để thực hiện một đoạn phim khác trên quê hương xanh ngắt những miệt vườn lá trúc che ngang mặt chữ điền.

                    Không biết nhạc sĩ có tạo ra được ngôn ngữ điện ảnh trong diễn xuất độc đáo như ngôn ngữ âm nhạc của mình không. Chắc những người vốn mến mộ Trịnh Công Sơn còn phải chờ đợi khi cuốn phim ra đời. Nhưng chắc không ai mong anh lại bỏ âm nhạc để trở thành diễn viên. Vẫn cứ mong một cõi âm thanh Trịnh Công Sơn ngày càng thăm thẳm.


                    http://www.comp.nus.edu.sg/%7Enguyenvu/Artists/TC_Son/TCS_articles/TCS/TCSon_pvan_Nguyen_Thuy_Kha.htm
                    #40
                      hoaha 04.01.2006 06:06:00 (permalink)
                      Tấm lòng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

                      Trần Thị Trường


                      Tôi có dịp tiếp xúc với khá nhiều phụ nữ của chúng ta, cả những người tràn đầy hạnh phúc vì may mắn ở đời, cả những người đau khổ vì bất hạnh... hầu như khi được hỏi: "Chị, bà, cô, em, cháu có biết Trịnh Công Sơn là ai không?" thì đều trả lời "có, anh ấy là một nhạc sỹ có rất nhiều bài hát hay".
                      Nếu kể từ khi bắt đầu như anh nói: "Ướt mi" được coi như bài hát đầu tiên của tôi. Tôi viết để nhớ đến giọt nước mắt của ca sĩ Thanh Thuý những khi cô hát bài "Giọt mưa thu". Lúc ấy cô mới 16 tuổi, đi hát để nuôi ba mẹ bị lao nặng..." thì anh đã có tới vài trăm trong số hơn năm trăm nhạc phẩm để chia sẻ với những tình cảm của con người như vậy.

                      Không thể dẫn đủ ra đây hết được những lần trong đời tôi được nghe người ta hát Trịnh Công Sơn. Chỉ xin kể ra đây một vài ví dụ nhỏ:

                      Tôi đã đọc những bức thư dài của một cô gái rất xinh đẹp và nổi tiếng trong khoa Ngữ văn ÐHTH gửi cho người yêu. Và trong cuộc tình của hai người, không ít lần họ đã mượn lời của Trịnh Công Sơn để nhấn thêm cho tình cảm của mình.

                      Một người khác kể với tôi rằng, anh bị phụ bạc nhưng vẫn nhớ thương người đã bạc tình, bên bàn trà hôm ấy anh đã hát như vẫn thường hát: "tình ngỡ đã quên đi như lòng cố lạnh lùng. Người ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang. Ôi áo xưa lồng lộng đã xô giạt trời chiều... Người ngỡ đã quên lâu nhưng người vẫn bâng khuâng...". Và anh bảo nhờ có Trịnh Công Sơn mà anh "thấy những oán thù trong lòng vợi đi, tan hết. Nhờ hay hát những bài hát của ông ấy mà tôi "ngộ" ra sự vô thường của cuộc đời. Tôi và cô ấy sở dĩ không chung sống được bởi tôi đi bằng nhịp điệu một, hai, ba, bốn, năm. Em đi bằng nhịp điệu sáu, bẩy, tám, chín, mười". Và chúng tôi đi bằng "nhịp điệu không giống nhau" nên làm sao chúng tôi gặp được nhau...?

                      Hôm ấy, bên ngọn nến nhỏ, hát và triết lý về đời sống, về kiếp nhân sinh, bằng một giọng buồn nhưng anh không tuyệt vọng. Thậm chí anh bảo tôi "dù sao cô ấy cũng để lại trong tôi một hình ảnh đẹp".

                      Tr­ờng hợp thứ ba, ấy là ngày giáp Tết năm ngoái, tôi gặp một người con gái 24 tuổi trong một trại tạm giam. Trước khi chia tay tôi hỏi có muốn nhắn gì gia đình không, chị nhắn với gia đình đứng ai vào thăm em cả, nhờ chị mua giùm em một băng nhạc của Trịnh Công Sơn, vậy thôi".

                      Và cũng vào đêm giao thừa ở nước ngoài cách đây 14 năm, tôi đã thấy những người xa xứ ở trong một căn phòng tuyệt đẹp bên chiếc cát-xét, ngoài trời tuyết đang buông rơi, nghe "Em còn nhớ hay em đã quên... Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân. Nhớ đèn đường từng đêm thao thức, sáng cho em vòm lá me xanh...".

                      ... Có lẽ vì quá yêu mến người nhạc sỹ tài hoa này mà nhiều người vẫn muốn đặt câu hỏi "Ai, hay những ai cụ thể, là hình tượng trong tác phẩm nghệ thuật của anh?". Và hình như anh đã một lần trả lời cho câu hỏi chung ấy là "Tôi chỉ có những mối tình lãng đãng, khói sương, hoàn toàn không có gì cụ thể. Ngày xưa, dường như cả thế hệ tôi đều như vậy, yêu một mái tóc, một dáng hình, mỗi ngày thấy em đi qua khung cửa... là bâng khuâng trong dạ".

                      Nhưng theo tôi, vì câu hỏi cụ thể nên anh đã trả lời như thế. Những từ "em" hay "người yêu", "người tình", trong tất cả các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn là hình dung của anh về cuộc đời, thân phận, kiếp người. Anh có trái tim lớn, tấm lòng rộng và Anh thương yêu tất cả nên mượn "em" để gọi tên tất cả. Trái tim lớn, tấm lòng rộng nên bao giờ anh cũng "xin" - xin cho tôi một ngày, cho tôi nụ cười... cho tôi đi giữa nhân loại đớn đau.

                      Những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn chứa đầy nét tự sự "Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi... Tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi... Chợt một chiều tóc trắng như vôi"... Hay "đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt... một chiều ngồi say một đời thật nhẹ..." anh viết cho tha nhân vì tha nhân mà viết: "Con tim yêu thương vô tình chợt gọi, lại thấy trong ta hiện bóng con người"... "trả lại từng tin vui cho nhân gian chờ đợi"... "ta mang cho em một đóa quỳnh"... Có thể nói, ai cung thấy được Trịnh Công Sơn viết cho chính mình, dù đàn ông hay đàn bà, dù là đã già hay còn rất trẻ. Nhất là phụ nữ, ai cũng thấy như được nhạc sĩ ru mình: "Tôi ru em ngủ" "Hãy ngủ đi em". "Này em có nhớ". "Hãy khóc đi em".
                      Và là phụ nữ ai cũng thấy mình đẹp trong nhạc của anh: Anh khẳng định rằng: "Không có em còn ai với ai? Không có em giá lạnh đường vui". Hay là "nắng có hồng bằng đôi môi em, mưa có buồn bằng đôi mắt em", "chiều nay còn mưa sao em không lại" hay là "Em đi qua chốn này sao em đành vội, tôi xin làm đá cuội lăn theo gót hài"... Tất cả những gì anh viết ra đều đẹp, hình tượng phụ nữ lại càng đẹp, tất cả đều diễm lệ và đó cũng là "Diễm xưa" mà đã có người đã hỏi anh "có phải một Diễm nào đó không".

                      Chúng ta hãy nghe chính anh nói về nhạc của mình: "Mỗi bài hát của tôi là một lời tỏ tình với cuộc sống, một lời nhắn nhủ thầm kín về nỗi niềm tuyệt vọng và cũng là một nỗi lòng tiếc nuối khôn nguôi đối với buổi chia lìa (một ngày nào đó) cũng mặt đất mà tôi đã một thời sẻ chia những buồn vui cùng mọi người" và "khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại. Dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là máu thịt của mình rồi".

                      Tôi dường như có thể viết nhiều nữa về âm nhạc Trịnh Công Sơn, và càng viết lại như thấy càng bất cập. Nhưng sẽ rất nhiều thiết sót nếu không nói đến Trịnh Công Sơn còn là một hoạ sỹ. Không chỉ đã có những triển lãm tranh (lần thứ nhất tại khách sạn Ritz - cùng với hai hoạ sỹ nổi tiếng Trịnh Cung và Ðỗ Quang Em) và các lần khác, mà tranh của anh đang nằm trong những bộ sưu tập đắt giá.

                      Sinh năm 1939 ở Huế, hiện sống ở phố Phạm Ngọc Thạch, quận 3 T.p Hồ Chí Minh, anh đã có lần bảo: "chúng ta đã đấu tranh như một người trẻ tuổi và sống mệt mỏi như một kẻ già nua" và "chúng ta" ấy có lẽ là cả anh, chính là anh. Nhưng anh cũng đã nói: "Tôi là đứa bé... tôi là người bạn. Ðôi khi tôi là người tình. Chúng tôi cùng học vẽ lại chân dung nhân loại... Chúng tôi vẽ những đất đai, trên đó đời sống không còn bạo lực..."

                      Một năm mới đã đến, một ngày hạnh phúc chung của người Việt chúng ta, của phụ nữ, những người đẹp của chúng ta, trong những ngày đó chúng ta đều muốn nhắc đến anh - Trịnh Công Sơn.


                      http://www.comp.nus.edu.sg/%7Enguyenvu/Artists/TC_Son/Fan_News/TCSon_news---Anh_huong_cua_nhac_TCS.htm
                      <bài viết được chỉnh sửa lúc 04.01.2006 06:12:52 bởi hoaha >
                      #41
                        hoaha 04.01.2006 06:11:58 (permalink)
                        Một cõi riêng thuần khiết cùng cuộc đời

                        Trịnh Công Sơn

                        Trích lược từ Sài Gòn Giải Phóng, Số Chủ Nhật 11/5


                        Từ hơn 30 năm nay, tên anh đã trở thành âm vang trong trái tim của nhiều người. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tên gọi bao hàm ý nghĩa của một sự tìm kiếm không nguôi của một con người đầy khát vọng, khát khao vươn tới sự toàn vẹn...

                        * Anh hãy nói một chút về anh, về những năm tháng khuấy động tâm hồn của cả thế hệ trẻ Sài Gòn...
                        - Ðó là cả một cuộc hành trình dài, từ lúc tôi còn là một cậu sinh viên 19 tuổi, lãng mạn và tràn ngập nỗi niềm yêu thương xúc động khi nghe ca sĩ Thanh Thúy hát bài "Giọt mưa thu". Lúc ấy cô mới 16 tuổi, đi hát để nuôi mẹ, mẹ cô bị bệnh lao nặng, nên đêm nào hát bài đó cô cũng khóc. Bài "Ướt Mi" được coi là bài hát đầu tiên của tôi, về giọt nước mắt rất thuần khiết của người con gái. Và sau đó là những năm dài phiêu lãng. Khi học xong tú tài, tôi thi vào trường sư phạm vì chỉ có trường này mới được hoãn quân dịch. Tôi đã phải nhịn đói hai lần trong năm liền để hạ số cân xuống dưới 30kg, nhưng sau đó vẫn không thoát được, vì không thể nhịn mãi. Từ năm 63 đến năm 75, suốt 12 năm tôi đã sống lang thang phiêu bạt trong sự săn đuổi, bắt bớ của chính quyền Sài Gòn. Trong tâm trạng bế tắc và u uẩn, những bài ca phản chiến ra đời lúc ấy như một sự phản kháng đối với chiến tranh...

                        * Anh cương quyết không cầm súng cho chế độ Sài Gòn vì ảnh hưởng từ người cha đã khuất...?
                        - Tôi nhớ mãi hình dáng cha tôi, một con người sống thiết tha với lý tưởng yêu nước của mình. Từ bé tôi đã phải chuyển trường đến 16 lần để cùng gia đình lênh đênh theo ông khắp nơi. Rồi ông bị bắt, nhiều lần, và cả tuổi thơ của tôi dường như ngập chìm trong nỗi sợ hãi tiếng xe Jeep rít lên trong đêm. Cha tôi đã ở trong tù còn nhiều hơn ở nhà, và kỷ niệm không thể nào phai nhạt trong tôi, đó là những đêm tôi được phép vào thăm và ở lại với cha trong nhà lao Thừa Phủ Huế. Hình ảnh cha tôi đã lớn dần lên trong tôi bằng sự thương yêu, kính trọng. Ông đã hy sinh sau hiệp định Giơneve và đó cũng là lý do thiêng liêng nhất không cho phép tôi cầm súng cho quân đội Sài Gòn...

                        * Những năm 70 người ta đã tìm thấy ở anh một chất giọng mới...
                        - Bắt đầu từ những năm 70, tôi bị cuốn hút vào phong trào tranh đấu của sinh viên-học sinh, đó là những tháng ngày tôi sống hết mình và say sưa nhất, tôi viết trong niềm phấn khích mãnh liệt của những đêm không ngủ và chứa chan niềm hy vọng. "Ta đã thấy mặt trời" được hát tại giảng đường Ðại học Huế, hát trong những ngày đấu tranh sôi bỏng nhất. Bạn bè tôi lúc ấy tôi biết rất rõ chí hướng của họ, và kính phục họ, như chị Cao Thị Quế Hương, chị là người thúc đẩy tôi viết mạnh mẽ nhất...

                        *Anh viết như thơ và lãng đãng sương khói...
                        -Tôi thực sự không thể viết lời cho những bài tình khúc khác hơn. Bởi một lẽ đơn giản là tôi chỉ có những mối tình lãng đãng, khói sương, hoàn toàn không có gì cụ thể. Ngày xưa, dường như cả thế hệ tôi là như vậy, yêu một mái tóc, một dáng hình, mỗi ngày chỉ cần nhìn thấy mặt nhau, thấy em qua khung cửa sổ là cả ngày thấy vui. Có khi đạp xe sau lưng em mà em không biết mình là ai, vẫn thấy vui như thường. "Diễm xưa" cũng là một loại tình yêu như vậy.

                        * Có phải chỉ những thất vọng, đổ vỡ trong tình yêu mới gây cảm hứng trong nguời nghệ sĩ?

                        - Ừ, kỳ lạ vậy, khi đang yêu nhau, nghĩa là đang mải yêu, đang đắm say với hạnh phúc, chỉ đến khi mất mát, còn lại một mình, anh mới tự đối diện với mình và nhận ra nhiều điều mà trước nay anh không thể nhìn thấy. Cũng không phải là gặm nhấm nỗi đau, mà là nhận diện nỗi đau...

                        * Từ "Nối vòng tay lớn" đến "Em ở nông trường em ra biên giới" đến "Huyền thoại Mẹ"... đã có điều gì thay đổi trong tâm thức anh?
                        - Không có gì cách biệt nhau cả. Cái riêng và chung trong trái tim ngưòi nghệ sĩ vẫn đến được cùng nhau bằng sự rung động thực sự, trong nỗi cảm xúc thực sự. Tôi viết : "Em ở nông trường em ra biên giới" từ niềm xúc cảm của chuyến đi thực tế xuống nông trường Lê Minh Xuân của đoàn nhạc sĩ thành phố. Chúng tôi đã cùng thức và hát bên nhau quanh ngọn lửa trại cùng các cô gái thanh niên xung phong. Sau đó một năm, tôi được tin cả hai mươi cô gái đêm ấy đều hy sinh ở chiến trường biên giới. Tôi lặng cả người, và cảm thấy đó là nỗi bức xúc không thể yên... Cũng như với "Huyền thoại mẹ", nhân chuyến ra Quảng Bình thăm bảo tàng cách mạng, nhìn tấm ảnh mẹ Suốt chèo thuyền, tóc xõa bay tung trên bầu trời, và có dịp về thăm các bà mẹ nuôi dấu cách mạng ngày xưa, nghe mẹ kể chuyện, tôi có thể hình dung hết với những tứ nhạc bay cùng mái tóc và cuộc đời gieo neo của mẹ. Tôi cũng có một bà mẹ mà tôi yêu quý nhất. Và "Huyền thoại mẹ" là sự cộng hưởng của nhiều mảng đời của mẹ, để tạc thành hình ảnh thiêng liêng của bà mẹ Việt Nam nói chung.

                        *Anh có điều gì để nói cùng cuộc đời, cùng mọi người...?
                        - Tôi yêu đời và yêu tất cả mọi người. Tôi không có ý đối kháng tấm lòng và ngọn gió, gió không phải hư vô, mà gió là sự quên đi. Nghĩa là đã làm điều tốt thì phải biết quên việc mình làm. Ðó là điều kiện tự nhiên như là ngọn gió, như là khí trời vậy... Tôi muốn sống cùng cuộc đời, cùng mọi người bằng tất cả tấm lòng tôi có...


                        http://www.comp.nus.edu.sg/%7Enguyenvu/Artists/TC_Son/TCS_articles/TCS/TCSon_pvan_SGGPhong.htm
                        <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.01.2006 12:32:58 bởi hoaha >
                        #42
                          hoaha 12.01.2006 21:09:15 (permalink)
                          Xin cuộc đời tha lỗi


                          Trịnh Công Sơn vĩnh biệt Phạm Trọng Cầu


                          Cái tâm hồn ấy bền bỉ vô cùng với tuổi thơ ngây. Vì vậy anh gần gũi dễ dàng với một thứ tuổi đời vô tội. Anh yêu thương cái lứa tuổi hồn nhiên và từ đó cái tên Bố Cầu đã ra đời để tôn vinh danh dự cho một thứ ngôi sao vô cầu trong cuộc sống. Ðời dễ thương vậy nên anh cuối cùng cũng là kẻ Trọng Cầu mà vô cầu. Vì anh đã không mưu cầu một điều gì cả ở cái thế giới thơ ngây nên đời đã trả lại cho anh một vết son rực rỡ trong tâm hồn vừa đủ để nuôi dưỡng một giòng sống vừa rạng rỡ vừa tĩnh lặng. Rất nhiều khi anh cố tình va chạm cuộc đời, va chạm cả những người xung quanh nhưng may thay những va chạm ấy không gây nên đổ vỡ vì hầu như mọi người đều hiểu rõ những va chạm ấy không phải cố tình để tạo nên những vết thương.


                          Một người đã đi qua cuộc đời và ca hát. Ðã viết nhiều ca khúc gần với sự đớn đau nhưng không chìm sâu trong đớn đau. Tôi vẫn luôn luôn muốn nghĩ rằng anh là người muốn viết về những điều gần gũi với hạnh phúc nhưng thật ra hạnh phúc và bất hạnh đã từ xa xưa có một mối tình không xa lìa nhau được nữa.

                          Ông Cầu ơi, tôi vẫn thường gọi ông như thế, chúng ta đã sống và đã ca hát cùng với mọi người, cùng với đời. Chẳng có gì để ân hận. Ra đi, sớm muộn gì cũng vậy thôi. Chỉ tiếc rằng cuộc sống vẫn còn nhiều điều mà ta chưa hiểu hết. Cuộc sống mầu nhiệm, đẹp đẽ biết bao. Xa lìa nó quá sớm cũng là mang tội. Xin cuộc đời tha lỗi cho Cầu, cho ông.

                          http://www.comp.nus.edu.sg/%7Enguyenvu/Artists/TC_Son/TCS_articles/TCS/TCSon---Vinh_biet_Pham_Trong_Cau.htm
                          #43
                            n.trang 13.01.2006 13:37:51 (permalink)

                            * Có phải chỉ những thất vọng, đổ vỡ trong tình yêu mới gây cảm hứng trong nguời nghệ sĩ?

                            - Ừ, kỳ lạ vậy, khi đang yêu nhau, nghĩa là đang mải yêu, đang đắm say với hạnh phúc, chỉ đến khi mất mát, còn lại một mình, anh mới tự đối diện với mình và nhận ra nhiều điều mà trước nay anh không thể nhìn thấy....



                            --->> Kết luận: Đừng dại dột mà yêu nghệ sĩ nhỉ?


                            #44
                              cucgach 21.01.2006 00:33:41 (permalink)
                              Series bài post của hoaha rất hay, tổng hợp được gần như cuộc đời và tác phẩm của Trịnh. Nhưng tui nghĩ không có lời lẽ nào có thể diễn tả hết cái thần trong các tác phẩm của ông. Bởi vậy tui không bao giờ đọc các bài viết về ông, chỉ nghe nhạc ông thôi, nghe để hình dung ra 1 thời ông đã sống, đã trải qua (các ca khúc da vàng, kinh Việt Nam ....), nghe để biết cuộc sống là phù du, rằng chẳng có gì là bền vững cả, và để nghe như một người rất yêu mến nhạc Trịnh...
                              #45
                                Thay đổi trang: < 123 > >> | Trang 3 của 6 trang, bài viết từ 31 đến 45 trên tổng số 84 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9