Những mảnh đời - Tuyết Minh
Thay đổi trang: < 123 | Trang 3 của 3 trang, bài viết từ 31 đến 34 trên tổng số 34 bài trong đề mục
frank 02.12.2022 03:44:23 (permalink)
 
 
 
32-   Theo Vết Lịch Sử
 
 
 
Tết, Tết, một âm thanh thiêng liêng, già trẻ lớn bé tất cả mọi người nam cũng như nữ, không ai nhắc ai, ở nhà quê đã xong mùa gặt hái, hết tháng 11 sang tháng Chạp, cũng như các nhà buôn, người làm công chức ở xa ở gần đã nghĩ sắp tới ngày Tết trong lòng rộn ràng, mỗi người có ý nghĩ tính toán công việc thu xếp thế nào cho gọn cho tiện, những người ở xa quê hương tìm về ăn Tết gặp gỡ đại gia đình, nhất là những người còn cha mẹ ở quê nhà, nóng lòng muốn về sơm trước Tết nhiều ngày càng tốt, vừa được vấn an, vừa muốn mua bán sắm sửa hợp ý cha mẹ.
 
Rộn rã như ba ngày Tết, mọi người đã đi mừng tuổi chúc Tết nhau, hết họ hàng bạn bè xa gần, rồi cũng qua mau, những người phải đi làm xa đã lên đường, người buôn bán các ngành, nghề ai vào việc nấy, chỉ còn bọn trẻ chúng tôi còn nuối tiếc, muốn hưởng thêm ngày vui bèn rủ nhau đi chơi thăm hang Từ Thức ở miền Nga Sơn, Thanh Hóa.
 
Như đã hẹn từ chiều hôm trước, mọi người tự túc mang theo giỏ thức ăn, dùng phương tiện xe đạp tập trung từ cầu Pháp Diệm và khởi hành từ hồi 8 giờ sáng. Mỗi đoàn thanh nên nam nữ trên 20 người đạp xe đạp theo hàng đôi vừa đi vừa hát, vừa nói truyện rất vui nhộn, khi tới cầu Điền Hộ nơi ranh giới giữa Bắc kỳ và Trung kỳ, ranh giới do thực dân Pháp cắt nước Việt Nam thành ba kỳ Bắc, Trung, Nam, chúng tôi bắt đầu đạp xe trên con đường đất trải đá giăm rất khó đi làm cho nhiều người bắt đầu ì ạch, phải chở nhau hay đẩy xe nhau, giúp những người bắt đầu thấy mệt, nhưng tới khu này là khu có nhiều vết tích lịch sử vì là cuối của dẫy núi Trường Sơn chạy ra biển trên cửa sông Càn.
 
Bên trái con đường tỉnh lộ là núi con Trâu, với một lô núi trọc trong đó có bãi Qua Châu, tục truyền nói rằng nơi đây ngày xưa là một hoang đảo nằm giữa bể và vào đời Hùng Vương, nơi xẩy ra câu truyện cổ tích Quả Dưa Đỏ do cụ Nguyễn Trọng Thuật viết và đăng trên tờ báo Nam Phong của cụ Phạm Quỳnh rằng ông An Tiêm là con nuôi của vua Hùng Vương giữ chức Đại phu, vì có tội bị vua đầy ra hoang đảo cùng với vợ là Thị Ba, họ sống cô quạnh không than vãn, trách móc, vợ chồng khuyến khích nhau tìm cách sống tự túc.
 
Đang sống trong nhung lụa đầy đủ, nàng Ba cùng chồng ngày ngày trèo lên núi trọc để hái trái sim, đào củ giong, củ sắn, theo dõi loài chim, nghĩ rằng hễ cây trái nào loài chim ăn được thì người cũng ăn được, cố tìm lấy hột hay lấy rễ mang về trồng trên khoảng đất đã được khai quang, nàng  Ba cũng đã tìm được các loại vỏ cây, đập thành sợi để bện thành quần áo che thân chống mưa chống nắng. An Tiêm cũng dùng kiếm vót tên làm cung để săn bắn chim muông và săn thú lấy thịt, hay cùng vợ xuống bể tìm hải sản làm thức ăn. Với ý chí nhẫn nại, họ đã có đủ vật dụng và thực phẩm dùng hàng ngày và tích trữ để phòng những ngày mưa lớn hoặc bão táp hay mùa đông lạnh lẽo.
 
Rồi một hôm vào mùa hè nóng bức, An Tiêm đeo kiếm đi về phía tây thám hiểm tới một nơi nghe động rồi thấy một đàn chim bay lên, cũng còn nhiều con tham ăn vẫn còn đang mổ ăn những trái cây rất lớn nằm lăn lóc trên mặt đất, chàng hí hửng chắc là một thứ trái ăn được nên đã tìm đến ăn, nên vội lấy kiếm bổ một quả, vỏ bên ngoài xanh thẫm, ruột bên trong rất đỏ có những hạt đen nháy như hàm răng cô gái Việt Nam đã nhuộm khi đến tuổi dậy thì.
 
Chàng ăn một miếng, nuốt đến đâu thấy mát rượi đến đó, thật là khoái khẩu, biết là một loại trái cây quý hóa chàng chỉ đủ sức vác được một cành về khoe với vợ, nàng Ba ăn thử thấy mát ruột giải nồng, hai vợ chồng lấy làm trân quý, vội ra rừng chuyển về những trái cây lớn, đẹp xếp đầy một nhà, bửa lấy hột phơi khô làm giống. Hai vợ chồng bàn nên đặt tên cho trái cây quý này, nhận thấy những hạt trong trái cây rất đen như răng cô gái Việt nên đặt tên là Việt Nga Qua tức là quả dưa hấu mà chúng ta hằng năm vẫn ăn.
 
“Khi  nên trời cũng chiều người.” Cứ về chiều, sau bữa ăn, hai vợ chồng rủ nhau ra đi bách bộ nơi bãi bể. Nhìn trông về cố quốc, và đón các thuyền buôn may ra được gặp người trên đất liền; chẳng bao lâu đã có thuyền buôn đi qua lại, nhiều thuyền bị sóng gió tạt vào bãi bể Qua Châu, liền được vợ chồng An Tiêm đón rước về nhà, họ trao đổi vật dụng lẫn cho nhau, trong các đồ trao đổi, thương nhân thích thú nhất món hàng Việt Nga Qua; ban đầu An Tiêm đem tặng cho mỗi chuyến ít trái, sau các thương nhân muốn mua nhiều đưa về đất liền, An Tiêm và nàng Ba nhận thấy đó là mối lợi nên ra sức khuếch truong sản xuất.
 
Một thương nhân đã dâng lên vua Hùng Vương một trái Việt Nga Qua, thấy trái cây lạ ngon, ngọt, vua liền hỏi xuất xứ và thương nhân tâu hết sự thật về trái dưa quý và tâu thêm là vợ chồng An Tiêm đang bị lưu đầy ở hoang đảo tiến dâng lên vua làm đồ lễ tỏ lòng hiếu kính. Nhà vua cảm động sai thị thần thẩm phúc lại bản án mới biết An Tiêm bị hàm oan, vua ra  lệnh đưa thuyền rồng đón vợ chồng An Tiêm về triều phục chức.
 
Cách bãi Qua Châu, xa xa là núi “con trâu” mà dân gian thường hát “Con trâu mà đứng giữa đồng, mẹ con nhà Nguyễn bế bồng nhau đi”, nhiều người nói câu sấm này là của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và đã ứng nghiệm vì núi con trâu hiện nay đứng giữa cánh đồng bát ngát và vua Thành Thái và con là Duy  Tân bị thực dân Pháp đầy ra ngoại quốc. Nguyên cho tới đời Nguyễn Bỉnh Khiêm núi con Trâu vẫn còn nằm giữa biển khơi và dần dần phù sa của sông Hồng Hà đổ ra biển đông lắng xuống, bồi thành ruộng đất phì nhiêu; theo một bản khảo sát thời Pháp thuộc về đất phù sa của sông Hồng Hà mỗi năm đổ ra biển mở rộng thêm rất nhiều ruộng đất.
 
Cũng về bên tay phải của con đường tỉnh lộ Ninh Bình, Phát Diệm – Thanh Hóa vào sâu trong dẫy núi Hoàng Sơn là cửa Thần Phù, mà xưa dân gian thường hát “Lênh đênh qua cửa Thần Phù, khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”. Nguyên cửa Thần Phú trước đây là cửa biển sóng to gió lớn vì cửa sông Càn đổ ra biển xoáy nước rất mạnh và có nhiều hòn núi trông như vịnh Hạ Long nhỏ; thời Tàu đô hộ Việt Nam chúng có khắc trên tảng núi cao một chữ Thần Cao hơn 10 thước tay. Với ỷ nhờ Thần che chở trong khi vượt qua cửa biển này. Nay cũng do phù sa sông Hồng Hà bồi ra biển cửa Thần Phú nay cách xa biển Đông hơn 20 cây số.
 
Đi thêm một quãng đường khá xa nữa cũng trên dẫy núi Trường Sơn chúng tôi tới hang Tử Thức. Sau khi lặn lội đạp xe mồ hôi nhễ nhãi, chúng tôi vào trong cửa động ngồi nghỉ trên các phiến đá mát lạnh để chờ đốt đuốc vào xem trong hang, cảnh thật tuyệt vời qua ánh sáng lập lòe của ngọn đuốc, khi như xuống âm ty, lúc lên trời với muôn ngàn ánh chiếu lung linh của thạch nhũ rủ từ đỉnh hang xuống cũng như thạch nhũ mọc từ âm ty lên, ra tới ngoài cửa hang chúng tôi được nghe sự tích về hang Từ Thức này. Câu truyện như sau:
 
Một thanh niên đẹp trai, học thức, thích ngao du sơn thủy, một hôm lạc tới một vùng sơn thanh thủy tú, thông reo chim hót, hoa thơm cỏ lạ, một bầy tiên nữ múa khúc nghê thường, chàng mê mải đứng nhìn như ngây dại, không biết bầy tiên nữ đã giải tán từ lúc nào, từ đâu một âm thanh ngọt ngào như rót vào tai chàng, hỏi chàng đi đâu? Hay chờ đợi ai? Chàng quay lại thấy một tiên nữ mỉm cười nhìn chàng “Từ Thức, chàng là Từ Thức.” Như đã tiền định, cả hai tay nắm tay, mắt nhìn mắt, một tiên một trần, kết giải đồng tâm. Trên tiên giới không có ngày đêm, không phân năm tháng, chỉ có mùa xuân dạo chơi, múa hát, nhưng lòng trần chưa hết. Từ Thức nhớ nhà tỏ ý muốn về, cầm giữ chẳng đặng, tiên nữ đành tiễn chàng xuống núi, chỉ đường cho chàng trở về với câu vĩnh biệt.
 
Đi chẳng bao lâu, chàng theo lối cũ trở về nhà, thì một cảnh tượng khác lạ, còn đâu là nhà, làng xưa lối cũ; chàng đứng tần ngần, phân vân muốn tìm hỏi, thì kìa một cụ già râu tóc bạc phơ, chống gậy trúc từ trong xóm đi ra, chàng vái dài hỏi thăm tên làng tên xóm, tên cha mẹ chàng thì được cụ già trả lời: “Tổ tiên tôi nói cách đây một trăm năm trong họ có người tên Từ Thức vì thích ngao du hơn thủy có đi không có về.” Và chàng đã hiểu ngay một ngày trên tiên cảnh bằng một năm dưới trần, và người đời đã trách chàng Từ Thức vụng suy đã lên cõi thọ về chi cõi trần.
 
#31
    frank 02.12.2022 04:54:54 (permalink)
     


    33- Chợ Tết




    Những người dân quê sống về nghề nông, suốt năm làm lụng vất vả đã được trả công. Sau khi gặt hái, lúa đã phơi khô đổ vào vựa, quây cót, rơm rạ cắt về được chất lên thành đống, để dành cho trâu bò ăn khi thiếu cỏ, hay dùng nấu ăn, ở nhà quê thường dùng rơm rạ đốt thay củi.

    Thời này nhàn rỗi cũng lại gần Tết, mọi người ai nấy nghĩ đến sắm sửa mua bán để ăn Tết lớn nhỏ tùy vào số hoa mầu thu hoạch được, nhiều sẽ ăn Tết lớn, thu được ít thì “liệu cơm gắp mắm”, câu hay nói của người quê để chi tiêu cho vừa túi tiền.

    Mấy ngày chợ phiên trong vùng, người ta thay nhau đi chợ vì ngày gần Tết, mọi người ai nấy lại nghĩ đến mua sắm dư trữ những thứ cần thiết, bán những rau trái, lợn, gà có thừa, mọi người nô nức rủ nhau đi chợ tổng là ngôi chợ lớn nhất trong vùng.

    Ngôi chợ tọa lạc trên khu đất rất rộng, trước mặt là con đường lớn dẫn vào chợ, sau chợ có bãi đất rộng chạy ra tới sông, người ta làm bến, cắm cọc tre trên bắc ván để cho các thuyền lớn nhỏ đậu lại, người và hàng tiện dụng. Đúng là trên bến dưới thuyền lúc nào cũng có thuyền ra vào tấp nập đổ hàng lên chợ. Chung quanh chợ được chia ra nhiều dẫy phố, có cửa tiệm bán đủ thứ mặt hàng, từ vải vóc dụng cụ tới thực phẩm v.v… không thiếu thứ gì, nhất là ngày gần Tết, người ta phải dọn nhiều thứ lạ, mầu sắc lộng lẫy cho tươi vui để gây chú ý cho người đi mua sắm.

    Còn khoảng đất giữa chợ được chia nhiều lô nhỏ cắm lều bằng bốn cọc, trên che liếp hay căng vải bạt để những người không chuyên nghiệp có ít hàng muốn bán tạm trong mấy ngày Tết. Họ cũng phân biệt từng thứ hàng thành dẫy riêng biệt, như dẫy cam, quít, chanh bưởi, chanh yên, phật thủ, để người mua về bầy ngũ quả, dẫy hàng trứng gà, trứng vịt, dẫy trầu cau, vôi, vỏ, dẫy các thứ rau tươi, khi bán gà vịt, heo, chó, khu bán thịt heo được bầy riêng trên các sạp gỗ cao cho sạch sẽ.

    Chen giữa những người ôm mấy cành đào, cành mai đang đợi cho người lựa chọn, đó đây mấy ông bà thầy bói cũng căng lều, kê bàn trên để chiếc tráp sơn đen, trên mặt tráp có chiếc đĩa, trong đĩa có mấy đồng tiền để gieo quẻ, trước bàn bầy mấy cái ghế thấp cho khách ngồi, ông thầy, bà thầy bói nào cũng đeo kính đen, không biết thầy sáng hay tối.

    Trong số người đi chợ cốt chú ý mua bán, còn một số người nhất là các cô các cậu, có cả những ông bà sồn sồn, ít khi thấy người già, trước khi vào chợ thấy các hàng thầy bói cũng thích vào xem kiết, hung, gia đạo, hôn nhân cho năm tới rồi bàn tán kích thích nhau, người nào cũng muốn xem một quẻ, nên các hàng thầy bói lúc nào cũng đông khách, tiền đồng tiền cắc gieo quẻ rổn rang, thỉnh thoảng có cô, cậu được thầy đoán trúng ý như cô cậu hợp với tuổi mình, mong muốn có tin mừng trong năm mới, các cô, các cậu mặt đỏ như người uống rượu, hớn hở như người trúng số, liền bỏ thêm tiền thưởng cho thầy không tiếc.

    Bên kia đường là một dẫy hàng cò cua, tôm, cá, súc sắc, tiếng kêu sấp ngửa, tiếng vỗ tay, tiếng chửi thề ầm ĩ, chung quanh các chiếu hàng này người đứng vòng trong vòng ngoài, không chỗ chen chân, nhất là các cô cậu còn nhỏ, có chút tiền cha mẹ cho để đi tiêu chợ Tết, chỉ vì lòng tham muốn có thêm tiền và bị tụi “cò mồi” dụ dỗ, cũng chen chân vào chốn đỏ đen rồi mê mãi đến khi cháy túi mới chen ra mặt mày tái mét, chân tay bủn rủn, nhiều em vì tiếc tiền, bực tức chửi thề bâng quơ, chợ đông người chen lấn nhau, không may va chạm vào tên bán giời không văn tự, cùng thuộc giới thiếu giáo dục, ngứa miệng, ngứa chân, ngứa tay, màn đấu võ mồm chưa dứt, đến hồi thượng cẳng chân hạ cẳng tay, rồi bên bị lọt tay, kẻ bị mũi miệng quét nước trầu, an ninh, tuần tráng tới giải tán đưa ra khỏi chợ.

    Về chiều, nhiều người vui vẻ vừa đi vừa trò truyện là những người đã mua sắm đầy đủ những thứ hàng ưa thích và được giá hời; những người bán hết hàng được về sớm, còn lại những cửa hàng không may ế ẩm, không bán được hàng vì hàng xấu, lại bán đắt, hay không khéo chiều khách, thấy người ta bán hết hàng ra về sớm, hay trông thấy những hàng bên cạnh buôn bán sầm uất sinh ra đố kỵ ghen tuông, bao nhiêu uất hận đổ vào đồng nghiệp cho là tranh thương bất chính làm cho cửa hàng của mình ế khách, chửi đổng chửi bâng quơ nói những điều trái tai, nghịch nhĩ làm trò cười cho trẻ con, nhiều người đi qua đi lại che mặt bịt tai khỏi nhìn những bản mặt đằng đằng sát khí, khỏi nghe những lời bỉ ổi.

    Người xưa đã nói: “Chửi bới là một hình thức nghèo nàn nhất và nói xấu chỉ biểu lộ một mặc cảm thua kém.” Người bị vu cáo, bị nói xấu, người tốt vẫn tốt, có khi lại phản ứng ngược lại cho người có dã tâm vu cáo hay nói xấu. Ai cũng có thể vì hoàn cảnh nhất thời sai lầm, khác nhau ở chỗ biết sai lầm mà sửa chữa, thì đó là bài học quý báu đáng khen.




    34- Tết Nguyên Đán



    Mồng một đầu năm mới là ngày Tết Nguyên Đán. Những nhà khá giả thôn quê trước Tết cả tháng trời đã rục rịch sửa soạn ăn Tết đón Xuân. Việc đầu tiên là gói bánh chưng, phải sắm sửa vật liệu, gạo nếp, đậu xanh để sẵn. Trước ngày gói bánh một ngày mới đi mua lá giong về rửa sạch, để ráo nước. Thường đến các ngày phiên chợ 23, 26, 28 giáp Tết người ta mới cắt lá giong đi bán. Nhà nào nấu nhiều bánh phải giết cả con heo để làm nhân, nấu ít người ta mua ở chợ cho tiện. Nhà giầu nấu nhiều bánh hay chia làm hai hạng, thứ ngon có nhiều nhân để ăn, biếu những chỗ thân tình, hạng ít nhân để cho người nghèo đến chúc Tết chủ nhà.

    Định ngày nấu bánh rồi thì gạo nếp, đậu xanh phải ngâm từ chiều hôm trước. Sáng hôm sau người gói bánh đổi công giúp lẫn nhau vì gói nhiều phải làm cho kịp đến chiều để nấu. Nấu bánh chưng nấu nhiều phải nấu bằng chum, không giản tiện như nấu bằng nồi bắc trên bếp.

    Vì chum quá lớn và nặng không thể bắc bếp nấu bằng củi, người ta phải vần chum ra giữa sân rộng vì khi đốt lửa cháy, rơm bùng lên, ngọn lửa cao như cháy nhà. Xếp bánh nén cho chặt mới đổ nước sôi để sẵn bên cạnh, khi nước chum bánh cạn, lấy nước sôi ở nồi đổ xuống rất tiện. Mỗi chum lớn chỉ xếp hết 100 bánh, nếu nấu nhiều hơn phải nấu hai chum.

    Người ta bện rơm xoắn lại cho chắc và dài đem quấn vòng quanh chum, mỗi vòng được đổ vỏ trấu ở giữa, cuốn cho tới miệng chum rồi mới đốt lửa chung quanh. Lửa bốc lớn cháy hết rơm bên ngoài còn lại trông như một đống than hồng. Bây giờ lửa không bốc ra ngoài nhưng cháy âm ỉ vào trong trấu của nồi rơm. Để giữ cho khỏi trụt than ra ngoài, bẹ cây chuối tươi được lột sẵn, xếp chung quanh chum và giây chuối được dùng để ràng giữ than chung quanh chum. Sáng hôm sau than tàn, nước nguội mới vớt bánh ra ép cho chảy bớt nước. Bánh chưng nấu bằng nổi chum như vậy được nhuyễn nhừ ăn rất ngon.

    Gần đến ngày Tết, người ta thường tìm câu đối Tết để dán. Ở tỉnh, các thầy đồ ra vỉa hè ngồi viết câu đối bán chờ có người mua. Ở thôn quê, nhiều nơi các thày đồ còn giữ giá trị, ai muốn có câu đối phải mang trầu rượu kèm quà như gà vịt, bánh mứt, đến xin thầy viết câu đối đem về dán cạnh bàn thờ tổ tiên. Trước Tết vài hôm, nhà nào cũng lo dọn dẹp nhà cửa, lau rửa đồ thờ phượng, dán giấy đỏ cột nhà.

    Ở thôn quê, các phiên chợ gần Tết rất đông, nhiều người chờ ngày phiên kéo nhau ra chợ tìm mua tranh, mua pháo, vàng hương, bánh mứt trái cây. Phiên chợ này không mua đủ lại chờ phiên chợ sau tìm mua. Trái cây để bày mâm cần có: phật thủ, phải chọn trái nào có hình thù giống như bàn tay Phật mới quý, chanh yên lựa được trái lớn có khi một người mang nặng tay, trẻ con mang không nổi, ngoài ra còn cam, quít, đu đủ, nải chuối v.v…

    Nhà sang có thêm vào củ thủy tiên, vài chậu cúc, chậu quít, quất, ngoài mâm ngũ quả ngoài Bắc phải có cành đào, trong Nam có cành mai vàng, các thứ rượu mùi đặc biệt có chai rượu ngâm táo đỏ, quy, thục hay chai rượu nếp cẩm và ít hạt dưa để đãi khách.

    Trước sân nhiều nhà chặt tre dựng cây nêu có treo chiếc khánh đồng, khi có gió va chạm tiếng kêu leng keng rất vui tai.
    Nhà nghèo không có được như trên nhưng cũng đi vay tiền mua sắm ăn ba ngày Tết, thường cũng làm một khay Tết có năm quả trứng vịt, ba quả cau, đi chu du khắp các nhà giàu sang để lấy bánh chưng mừng tuổi.

    Những người đi làm, đi học, công chức, buôn bán ở xa ai cũng muốn trở về quê ăn Tết với gia đình, thăm phần mộ tổ tiên, thăm họ hàng, xóm làng. Không có phương tiện thông tin nhanh chóng như bây giờ, chỉ được báo trước bằng thư, hay nhắn miệng có người về trước, nên mấy ngày trước Tết, gia đình cho người túc trực chờ cạnh đường xe chạy đón người nhà. Họ dư biết những người đi xa về thường mang theo nhiều đồ vật quý lạ, chỉ ở tỉnh mới có. Không có gì sung sướng vui mừng bằng đoàn tụ gia đình cha mẹ, ông bà, gặp lại con cháu, thêm đưa tiền, đồ vật về góp Tết.

    Nhà nào có con mới lấy vợ phải sắm đồ lễ để đôi vợ chồng mới Tết họ hàng. Theo tục lệ phải đi cả hai vợ chồng. Nhà khá giả có người gánh đồ Tết đi theo, nhà nghèo vợ chồng tự mang lấy, chỉ có một phần đồ lễ với nhiều phần cau, lá giàu. Trông thấy đôi vợ chồng mới vào, gia chủ đã lấy sẵn tiền, sau khi nhận cơi trầu, gia chủ mừng tuổi tiền và đôi bạn mới vội vàng cáo từ đi đến nhà khác. Họ cần phải tết nhiều họ hàng hai bên kịp trong ba ngày Tết để thu tiền mừng tuổi, ngầm hiểu họ hàng giúp đôi vợ chồng mới chút vốn.

    Nửa đêm 30, nhiều nhà bầy hương án ra sân để cúng giao thừa, đốt pháo, nhất là các xóm có tế giao thừa, tại đình, điếm sở, gióng trống đốt pháo ầm ầm. Người ta tin rằng lúc giao thừa là lúc ông thần coi việc nhân gian hết năm, thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn ông cũ đón ông mới. Chiều 30, nhiều người đã đi mời người nào phúc hậu, dễ tính có đủ trai gái, giầu có càng hay, nhờ sáng sớm mồng Một đến xông nhà lấy hên cho cả năm buôn may bán đắt, làm ăn phát đạt.

    Ngày mồng Một còn kiêng nhiều thứ: không dám hốt rác quét nhà, chỉ vun vào một xó, đợi ba hôm động thổ mới đổ rác. Mồng Một phần đông cúng gia tiên, còn người Công giáo đi lễ nhà thờ về xong mới mừng tuổi ông bà cha mẹ. Sau khi chúc tuổi các em nhỏ sung sướng trong bộ áo mới tới nhận lì xì của ông bà. Sau đó kéo nhau vào nhập tiệc. Rồi phân tán nhau đi mừng tuổi họ hàng bạn bè.

    Các nhà khá giả ăn Tết ngày mồng Một sau các nghi thức làm lễ tổ tiên. Người nhà đã làm cỗ sẵn, chỉ chờ có người đến mừng tuổi sẽ được mời vào ăn cỗ, trước khi ra về còn được biếu bánh chưng một hay hai chiếc tùy người thân sơ. Suốt ba ngày Tết, những người đến Tết nhiều ít đều được mời ăn không kể giờ nào.

    Muốn biết nhà nào giầu, cứ xem cột gà trước sân trong ngày Tết. Bước qua cổng nhà giầu đã trông thấy trước sân đỏ giới những con gà sống, gà mái. Gà sống đã thiến lớp mập mạp đi đứng dụng dịnh, mào gà hạ mầu sẫm khác với gà chưa thiến, lông cổ dài đắp lên lưng trông rất mướt. Những con gà này đã nuôi sẵn trong chuồng, chiều 30 được gia chủ bắt ra buộc vào hàng cột trước sân. Những người tết gà sau khi gia chủ nhận cũng đưa buộc thêm cho đẹp, có khi tới ngày mồng 10 các chú gà mới được thả vào chuồng hay vào nồi.

    Trong nhà hoành phi câu đối, tranh ảnh treo đầy chung quanh vách tường phòng khách, trên bàn trên sập bày sẵn bánh mứt hạt dưa, rượu để đãi khách. Bên chái nhà cạnh phòng tiếp khách một phản bánh chưng xếp cao nghễu nghện, tua tủa những chiếc giò thủ, giò chân, giò lụa, chả quế được treo hàng dài từ một cây luồn vắt ngang nhà. Ông bà chủ xúng xính trong bộ quần áo mới lịch sự ngồi ở phòng khách tiếp người đến mừng tuổi, nhận đồ lễ, lì xì cho các em nhỏ theo cha mẹ bưng đồ lễ, và lại quả bánh chưng cho những người nghèo.

    Muốn tỏ ra là nhà đại danh giá, sang giầu, có nhiều người hầu hạ, chủ nhà còn giữ thói phong kiến, đã dặn trước con cháu và tất cả những người giúp việc trong nhà: khi có khách vào nhà, gia chủ gọi: “Bay đâu lấy nước, lấy giầu” thì tất cả mọi người trong nhà phải dạ ran thật lớn cùng một lúc, bất luận đang làm việc gì, ở đâu, như dưới bếp, ngoài vườn, ở chuồng trâu, chuồng heo, cạnh đống rơm, đống củi v.v.. để tỏ cho khách, nhất là khách ở xa, biết nhà mình có nuôi nhiều người hầu. Dĩ nhiên chỉ có một người hầu lên đưa giầu nước!

    Ngày mồng Hai là ngày tết họ hàng xa, ngày mồng Ba những môn sinh tề tựu tới mừng tuổi thầy dạy học, những người chịu ơn, mắc nợ trước Tết chưa kịp biếu quà ân nhân. Và cũng là ngày bắt đầu của những cuộc vui xuân thường lệ của hàng xóm hay các hội tổ chức như đấu vật, đấu cờ, leo cầu treo v.v… đều có giải thưởng bằng tiền nên thu hút nhiều người hiếu kỳ đi xem, những thanh niên hiếu động đi tranh tài. Những người ở xa nơi tổ chức cứ nghe tiếng trống nhận phương hướng tìm đến. Những sòng cờ bạc cũng mọc như nấm, người gẩy sòng chơi bạc trong ba ngày Tết không thiếu.

    Một số vui xuân kéo dài nhiều ngày, còn số đông sau ba ngày Tết trở lại sinh hoạt, nhà nông ra đồng, nhà buôn mở cửa hàng, người công chức trở lại nhiệm sở, ai theo nghề gì lại tiếp tục như cũ.

    18 cái Tết đã qua, lưu lạc tha phương, chúng ta chưa được hưởng mùi vị Tết như ở nhà. Không hiểu chúng ta còn phải chờ đợi bao lâu nữa mới tận diệt được loài quỷ đỏ để mọi người trở về quê ăn Tết như thuở nào đã quá xa xôi, diệu vợi.


    Tuyết Minh


    Hết

     

    <bài viết được chỉnh sửa lúc 02.12.2022 04:58:51 bởi frank >
    #32
      frank 02.12.2022 05:00:36 (permalink)
      Lời Bạt


      Sự Phong Phú Và Tác Dụng Giáo Dục Lớn Của Các Tập Truyện Của Nữ Sĩ Lão Thành Tuyết Minh


      Xuân Vũ



      Cảm tưởng đầu tiên sau khi đọc xong ba tập truyện: Giòng Đời Xưa và Nay, Chuyện Đời Chuyện Người và Những Mảnh Đời, là cái nhân gian này coi vậy mà đa sự quá đi thôi. Nhờ Cụ Tuyết Minh tôi được biết thêm những chuyện mà tôi không thể tưởng là có được trên cõi đời này. Cuộc đời đáng yêu nhưng nó quá phức tạp, xô bồ, lộn ẩu, nếu không có một hướng đi thì có lẽ con người sẽ phải sa chân lỡ bước dễ dàng, và nếu không có Đấng Chí Tôn soi đường dẫn lối thì con người sẽ không biết đi đâu và phải làm gì nữa.

      Cảm tưởng thứ hai: Cụ Tuyết Minh là một nhà giảng giải cho con cháu những điều hay lẽ phải, gạn đục khơi trong để sống cho có ý nghĩa, sống đẹp, sống vui, sống một cách đường hoàng, chân chính. Truyện của Cụ không rườm rà mà đi thẳng vào trung tâm vấn đề, cái ý chính Cụ muốn nói ra. Nhiều truyện của cụ giản dị đọc thấm thía, đọc một lần, nhớ mãi.

      Tôi đã đọc ba tập gồm cả trăm truyện, dở đi dở lại thì vẫn thấy cái điểm nổi bật là giáo dục con người. Bằng những chuyện thực tế ngoài đời, chuyện ngay bên cạnh nhà mỗi người, chuyện của mình, nhân vật của truyện chính là người làng, người láng giềng, hoặc bè bạn của mình, tác giả đã chỉ cho người đọc chỗ lợi chỗ hại, điều lành điều dữ, mặt trắng mặt đen, bên phải bên trái cho người đọc với nhận xét thẳng thắn rõ ràng không quanh co ẩn ý, hễ ai đọc hết truyện là đều nhận thấy, và nếu nghe lời chỉ bảo của câu truyện thì có thể tránh khỏi sai lầm.

      Hình như bên ngoài xã hội có xảy ra chuyện gì thì trong sách có ghi chuyện ấy. Chuyện vợ chồng hạnh phúc, tình yêu đau khổ, chuyện gian lận, vu cáo, tha thứ, cờ bạc, chuyện dị đoan mê tín, chuyện tu hành, chuyện phong tục, chuyện làng quê, chuyện lịch sử Tây Tàu, chuyện làm ăn, chuyện tị nạn, chuyện con gái, chuyện cụ già, chuyện cải cách ruộng đất, chuyện hoạt động cách mạng, chuyện lính, chuyện làng, chuyện áo Lemur, chuyện chết đói, chuyện vượt biên, chuyện mẹ chồng nàng dâu, chuyện bè bạn, chuyện tự tử v.v…

      Không thể nhớ hết được. Có thể coi đây là một bộ “Tự Vị Xã Hội” nho nhỏ mà người đọc có thể giở ra để tra cứu hoặc để soi mình. Tôi đã không thể tìm một chuyện xã hội nào nằm ngoài bộ “Tự Vị” này. Thiệt là một niềm vui được đọc truyện của cụ Tuyết Minh, một cây bút đã ngoài thất thập mà vẫn còn rắn rỏi sắc nhạy trong làng văn ta. Tôi nghĩ rằng với tuổi tác của cụ, với quãng đời dài dằng dặc và gian truân cụ đã trải qua, cụ là bà mẹ, bà nội, bà ngoại và là nhà giáo cho nhiều lứa tuổi và nhiều thế hệ người Việt Nam tương lai trong chiều hướng giữ gìn đạo lý dân tộc, giữ gìn giềng mối của gia đình, nền tảng của xã hội.

      Truyện đầu tiên của tập Giòng Đời Xưa Và Nay. (Tình yêu thương truyền thống của dân tộc) đã làm cho tôi xúc động ngay.

      Cụ Tuyết Minh kể chuyện Vua Lý Thái Tông phát áo cho tù nhân và nói: “Ta yêu dân như con” rồi Cụ đưa ra một đoạn văn để kết luận.

      “Có yêu thương là có tha thứ. Dùng sức mạnh mà trị người không bằng lấy ân đức mà cảm hóa người. Tổ tiên ta gần năm ngàn năm dựng nước bảo tồn nòi giống với căn bản đùm bọc và yêu thương. Thời nào có tình yêu là thời thịnh trị, dân được an cư lạc nghiệp.”

      Đọc truyện này tôi có cảm tình ngay với tác giả. Và từ đó hể thấy truyện của Cụ là tôi đọc. Tôi tìm xem Cụ nói thêm với mình gì nữa?

      Quả thật, Cụ Tuyết Minh đã nói rất nhiều điều quí báu qua cả trăm truyện của Cụ. Truyện của Cụ, ta đọc không phải để nhiều thì giờ. Nó ngắn gọn, xúc tích, rõ ràng, nhưng ý nghĩa thì rất sâu sắc. Truyện nào cũng có một chủ đích nhắn nhủ người đời. Tôi đặc biệt chú ý đến những truyện xã hội của Cụ. Viết xong một truyện, bao giờ Cụ cũng chỉ cho cái nguyên nhân thất bại hoặc thành công. Một gia đình tan vỡ: vì chồng quên bổn phận làm chồng: một gia đình khác tan vỡ: tại người vợ đua đòi. Lại một gia đình khác cơm không lành canh không ngon: tại ông bà già chồng. Rồi lại một gia đình khác tan vỡ: tại ông bà già vợ. Cụ chỉ rõ ra như một bài toán đơn giản mà người trong cuộc không thấy, cứ loanh quanh để rồi phạm sai lầm của người khác, vì không chịu nhìn.

      Tôi xin nhắc lại một lần nữa, với tuổi đời của Cụ. Cụ đã cho ta những bài học chính xác có giá trị. Lại nữa, luận cứ của cụ dựa hẳn vào luân lý của dân tộc, đạo đức tốt đẹp truyền thống của tổ tiên. Đây tôi xin nhặt ra một câu chuyện “Người Hiền Phụ” (Giòng Đời Xưa Và Nay), chỉ có hai trang sách, đúng hai trang, không thừa một dòng nào.

      Tóm tắt như sau: Vợ của một người làm công (chị Tâm) đến thú thật với chủ nhà rằng chồng chị đã ăn cắp một món đồ của chủ nhà đem bán và cờ bạc thua sạch túi. Chị thấy trong nhà không có món gì đáng giá để bán trả tiền cho chủ nhà. Chị bèn cởi chiếc dây chuyền đang đeo ở cổ để đưa cho bà chủ và xin nhận cho, nếu chưa đủ chị sẽ kiếm trả thêm. Đây là chiếc dây chuyền của bố mẹ tặng cho chị khi đám cưới chị. Bà chủ cảm động, không nhận và hứa cũng không truy tố chồng chị.

      Guy de Maupassant có một câu chuyện nổi tiếng, có lẽ là truyện nổi tiếng nhất của ông và cũng là một trong những truyện hay nhất của văn học thế giới. Đó là chuyện La Parure (Món nữ trang).Cũng là chuyện xã hội, nhưng Maupassanant mô tả một người đàn bà mê đồ trang sức mà lụy thân, còn cụ Tuyết Minh thì đưa ra một người đàn bà dùng món đồ trang sức để cứu chồng. Mỗi tác giả diễn tả một cách riêng nhưng cả hai truyện đều làm tôi ghi nhớ sâu sắc như nhau.

      Cụ Tuyết Minh gọi chi Tâm là “Người Hiền Phụ”. Điều đó chứng tỏ quan điểm về đạo đức của cụ. Tôi xin nêu lên mấy nhận xét của tôi về chị Tâm để nêu lên đức tính hiền phụ của chị.

      -Rau cháo nuôi con, khuyên nhủ, năn nỉ người chồng cờ bạc.

      -Đem sợi dây chuyền quí giá để đền cho chủ nhà, cũng là cứu chồng khỏi bị truy tố.

      Bên cạnh đó nhân vật chủ nhà thật rộng lượng, là một loại người cũng hiếm có. Riêng trong đời tôi, tôi chưa từng thấy ai như chị Tâm và bà chủ nhà như vậy.

      Ở cái xứ lạ này, cái xứ mà cụ Tuyết Minh nhận xét rất đúng: “Thừa tự do, thiếu luân lý” hoặc “trường chỉ dạy các môn kiếm tiền, không dạy làm người”, người Việt Nam ta phải nên “tìm một con đường để sống đẹp”.

      Cụ Tuyết Minh đã luôn luôn nhắc tới những câu châm ngôn bao gồm luân lý của dân tộc:

      -Ăn trái nhớ kẻ trồng cây.

      -Đói cho sạch rách cho thơm.

      -Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chãy ra.

      -Cái nết đánh chết cái đẹp.

      -Dạy con dạy thuở còn thơ.

      -Một câu nhịn chín câu lành.

      --Ngọc tìm trong đá, vàng đãi trong cát v.v..

      Phải chăng dân tộc ta dù nghèo nàn hơn người, nhưng lại giầu nhân nghĩa, đạo lý hơn những xứ lấy tiền làm nhân nghĩa. Trong các truyện của cụ Tuyến Minh, tôi nhân thấy lý do vật chất làm tan nát gia đình rất nhiều, nhưng bên cạnh đó Cụ cũng nêu bật lên những mối tình chung thủy, những tấm tình bạn tốt, những người vợ, người chồng đáng làm gương, và những ông cha bà mẹ thương yêu con rất mực, những người bạn chí tình, những người biết trọng lễ nghĩa.

      Đọc truyện của cụ Tuyết Minh tôi nghĩ rằng độc giả không phải đi tìm những ẩn ý trong câu văn, những kết luận buông lửng, những ngoắc ngoéo trong cốt chuyện, những sự chơi chữ trong ngôn ngữ mà chỉ thấy một ngòi bút chân thật, chân tình và chân phương, không hư cấu, không cường điệu nhưng hấp dẫn.

      Một cô vợ đang là hiền nội bỗng trở nên bê trễ trong việc săn sóc chồng, vì anh chồng bê tha; một cô vợ cứ hay đem con ra đánh trước mặt chồng là vì anh chồng đã rước bà con về nuôi làm hại kinh tế gia đình, một người đàn bà nhà quê lên tỉnh thành trở nên hư đốn vì ham mê vật chất, một anh thích nhà lớn xe đẹp rốt cuộc vỡ mộng v.v… đều được tác giả nêu lên để cho mỗi người xem một chút “xe trước đổ xe sau phải tránh” và nếu muốn tránh thì tránh được. Vì nó không khó. Ngặt vì người đời biết sai mà vẫn làm, biết trật mà vẫn nói.

      Vì truyện quá nhiều, không nhớ hết tên, nhưng nhớ những chi tiết đặc biệt nên tôi đọc qua cứ nhớ mãi nhân vật như người mình đã từng gặp vậy. Ví dụ như ông Cửu Ngọ đi ăn mày khắp vùng Nga Sơn, vốn là một nhà giầu, nhưng hách dịch. Vợ ông ta đã từng khoe khoang: “Chừng nào làng này hết lá tre thì nhà này hết bạc”; Bác Hội và ông Đồ Tĩnh như cặp Lưu Bình, Dương Lễ tân thời, chuyện một người cháu rước bác ra khỏi tù Việt Minh nhường xe cho bác cỡi còn mình chạy bộ đủn xe suốt mấy chục cây số, truyện phong tục trong làng, bánh dày phủ giấy đỏ trong tiệc yến lão, 12 cái hột vịt chúc cho đôi tân hôn đẻ như vịt, truyện đói năm Ất Dậu v.v…

      Đặc biệt trong các truyện trước 1945 tác giả có kể một vài gương nữ chiến sĩ hoạt động bí mật như chị Cúc đã từng ngậm ống đu đủ lội qua sông hoặc nuốt tờ truyền đơn vào bụng để che mắt mật thám; Chị Mùi chia tay với chồng lên chiến khu; những công tác cứu trợ, liên lạc và những công tác gian truân khác. Tôi thấy thấp thoáng có bóng tác giả và phu quân trên đường hoạt động, nếu không thì không thể biết nhưng chi tiết ấy.

      Nhiều truyện có thể viết thành truyện dài, như truyện “Tu Là Cõi Phúc”. Tiếng chuông của ni cô Nhi bấm chờ thầy Hạnh ra ở cổng tu viện làm cho tôi nhớ đến câu chuyện Hoa Rơi Cửa Phật (Lan và Điệp). Mối tình của Nhi đối với Hạnh là mối tình một chiều, tuy nhiên nó cũng có nhiều tình tiết éo le có thể dựng thành tiểu thuyết, nhưng cái kết cuộc không bi đát như Lan và Điệp (Cha già Hạnh cuốc đất trồng cây nơi miền Cao Nguyên). Truyện Tha Thứ (trong tập Chuyện Đời Chuyện Người) và truyện Tha Thứ (trong tập Những Mảnh Đời) cũng có thể viết thành tiểu thuyết có chủ đề rất hay.

      Tha Thứ 1 là chuyện một người đàn bà (Vóc) bị mất chồng (Thân) vì một người đàng bà khác (Nhung)/ Đó là chuyện vẫn thường hay xẩy ra ở trên đời. Nhưng nếu chỉ thế thôi thì tiểu thuyết chưa lâm ly bi đát cho lắm. Đằng này Nhung lại có con trai với Thân nhưng vì Nhung là cô đầu Khâm Thiên nên cha mẹ Thân không cưới cho con mà đi cưới Vóc. Vóc cũng đẹp nhưng vì sanh đẻ nên xấu đi và thừa lúc vợ ở cữ, Thân thậm thụt với Nhung. Tuy không yêu thương nhưng thương con rồi dính, gỡ không ra. Rủi là Vóc đẻ con gái trong lúc bố mẹ Thân lại cần cháu trai. Vóc bị lấn quyền vì đẻ con gái… (đoạn sau còn dài và rất bất ngờ). Đọc truyện này tôi nhớ chuyện “Đứa Con” rất nổi tiếng của Đỗ Đức Thu.

      Tha Thứ II – Cũng lại là một người đàn bà mất chồng vì một người đàn bà khác chính là bạn thân của mình. Trước khi chết bà dặn các con phải tìm cách báo thù cho bằng được. Khi lớn lên, lũ con có tìm được bố và dì ghẻ. Nhưng hai người này sống trong cảnh quá nghèo nàn sa sút. Hơn nữa cả hai đều ăn năn hối lỗi… Thấy thế các con không nỡ trả thù.

      Đọc truyện này tôi lại nhớ truyện “Không nên báo thù” trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Một anh nhà giầu ném hòn đá vào một anh phu phen nghèo khó. Anh này nhặt hòn đá để một chỗ, hẹn với lòng rằng sẽ có một lúc nào ném trả. Ít lâu sau, anh nhà giầu kia sa sút phải đi lang thang. Anh phu thấy thế bèn chạy đi tìm hòn đá xưa. Nhưng thoạt trông kẻ thù xơ xác quá bèn nảy ra ý nghĩ: “Ta không nên trả thù” rồi quẳng hòn đá xuống ao.

      Hai Ngả Đường – Hai chị em Bìm và Lạch cùng cha mẹ nhưng tâm tính lại khác nhau. Bìm chất phác thật thà, thờ chồng làm ăn khấm khá, còn Lạch lại có tính lẳng lơ thich đọc tiểu thuyết và tưởng tượng y như đó là thật rồi bắt chước. Cuối cùng sa ngã, gia đình tan nát, đi làm cai gà ở vũ trường, còn Bìm thì buôn bán phát tài….

      Trước khi sang phần kết luận, tôi xin nhờ Cụ Tuyết Minh chuyển lời tôi rất cảm phục đạo đức của ông bà Hân (trong truyện Mười Lăm Năm Sau) và ông Hai An (trong truyện Tìm Một Con Đường). Hai ông không là anh em ruột nhưng cũng có tánh thương người như nhau. Để cho con cháu mình hư hỏng là một việc đau lòng. Nghe thấy thanh thiếu niên Việt Nam nào hư hỏng hai ông cũng buồn. Vì thế hai ông đã hoán cải được một số thanh thiếu niên hư hỏng, giúp họ trở lại trường hoặc về với gia đình. Hai yếu tố chính để thành công là Yêu Thương và Hiểu Tâm Lý. Thiếu một trong hai yếu tố đó họ đã không thành công như đã thấy. Nếu không có ngòi bút của cụ Tuyết Minh thì gương sáng của ông bà Hân và ông An chắc không ai biết tới.

      Kết luận: Thực tình tôi không nhớ hết tên các truyện. Hơn nữa tôi có thói quen khi viết về một quyển sách nào thì ít khi dở đi xem lại, trừ khi cần trích dẫn một cách đây đủ và chính xác, còn thì nhờ vào trí nhớ, cũng như khi nghe ai kể chuyện tôi có tật không ghi chép. Cái gì còn nhớ là cái ấy có thể dùng được. Đọc truyện cũng vậy, cái gì còn nhớ thì ghi ra.

      Và đây là những điều Tôi Nhớ Được và Suy Nghĩ về ba tập truyện của Cụ Tuyết Minh. All happy families resemble one another, but each unhappy family is unhappy in its own way. Mọi gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng nnhững gia đình bất hạnh thì mỗi cái mỗi bất hạnh khác nhau. Đó là câu mở đầu của Tolstoi cho tiểu thuyết Anna Karénine trứ danh. Tôi nghĩ là mọi gia đình Việt Nam ở trên đất nước người này, hoặc hạnh phúc, hoặc bất hạnh, đều có thể tìm thấy những điều để tránh, để học, để dạy con cái, để giúp bạn bè, để sống cho thơm, hoặc ít ra cũng tìm thấy những điều rất đáng cho ta để tâm tới, nhất là những chủ gia đình đang gánh trách nhiệm lớn trước xã hội. Một thiếu niên Việt Nam bỏ trường đi theo du đãng. Phải chăng trách nhiệm của mẹ cha? Mũi dại lái chịu đòn. Đó là tục ngữ Việt Nam.

      Tất cả những chuyện của cụ Tuyết Minh đều mang tính chất Giáo Dục rất sâu sắc. Cụ kể bằng một nhiệt tình với một tấm lòng chân thành mong sao cho xã hội bớt đi những chuyện đau lòng, nhất là chuyện của người Việt Nam ta. Đây chính là Những Viên Ngọc và Những Hạt Vàng mà cụ Tuyệt Minh gởi đến cho chúng ta như những món quà hết sức quí báu.

      Chúng ta không phải mất công đi “tìm ngọc trong đá, đi đãi cát tìm vàng” ở đâu cho xa.

      Xin chúc Cụ Tuyết Minh khỏe sức, khỏe bút để độc gia có thêm những viên ngọc và những hạt vàng.


      1-1994

      Xuân Vũ





      #33
        Ct.Ly 02.12.2022 17:14:32 (permalink)
        #34
          Thay đổi trang: < 123 | Trang 3 của 3 trang, bài viết từ 31 đến 34 trên tổng số 34 bài trong đề mục
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9