ĐÔNG HẢI và tiểu thuyết CẦU TRE LẮC LẺO [Xuất bản tại Úc năm 2002]
thuyaust 07.06.2014 14:15:09 (permalink)
SUY GẪM
    
ĐÔNG HẢI-Nguyễn Đức Hiền (2003)

Những nhận định về giai đoạn lịch sử từ năm 1945 đến nay - trong tiểu thuyết CẦU TRE LẮC LẺO vốn đang làm xôn xao nhiều người - vẫn là vấn đề của quá khứ. Cảm ơn tất cả các vị đã gởi thơ từ, bài vở...để đóng góp cho nhận định này trong suốt thời gian từ tháng 7 năm 2010 đến nay và muốn mở một diễn đàn riêng - về việc gây xôn xao này - trên mạng www.tramthytrang.net. (Trang mạng này không còn sử dụng được) nhưng diễn đàn này có lẽ sẽ không xây dựng, vì vẫn là vấn đề của quá khứ...) và sự thật đau lòng khiến một số người Việt tại hải ngoại không đủ can đảm để chấp nhận; rằng:
  
- Hậu duệ của Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân, Ngô Đình Khả...là ai? (Hồ Chí Minh và những người kế tiếp? Hay Ngô Đình Diệm và những kẻ đi sau?) [tạm lấy mốc từ đời Tự Đức với nghĩa quân Phan Đình Phùng...] 
  
- Hậu duệ của Lê Dương, lính Khố xanh, Khố đỏ là ai? (Bộ đội miền bắc? Hay quân đội miền nam?) [Nhóm nào - trước và sau 1975 - đã và vẫn đang "lãnh lương cựu chiến binh" của các chính phủ ngoại bang (?)] 
  
1/ - Nếu "làm người nên nhìn về phía trước" thì những gì liên quan đến quê hương mình, (lấy mốc từ năm 1945) được nêu ra dưới đây, không để tranh luận hoặc khai triển thêm, mà chỉ để suy gẫm. Bởi những gì trong quá khứ đã được nói đến quá nhiều. Không nên tranh luận hay khai triển thêm nữa...  
  
* Nếu cuộc tổng tuyển cử năm 1956 đã xảy ra (hiệp định Genève) thì không có Cuộc Chiến Tranh Việt Nam [Vietnam war]?         
* Những vấn đề liên quan đến thuyền nhân và hai chữ thuyền nhân có lẽ đã ra đời từ sau cuộc tổng tuyển cử đó (1956), chứ không phải đợi đến những năm cuối của thập niên 70 thế kỷ trước?  
  
* Ông Diệm - không kể những thế lực khác - là người [Việt] duy nhất ở miền nam VN có quyền để đồng ý hay không đồng ý tổ chức cuộc tổng tuyển cử năm 1956?    
  
* Ông Diệm đã không đồng ý tổng tuyển cử, thì ông Diệm là người đã gây ra Cuộc Chiến Tranh Việt Nam? 
  
* Nếu chúng ta không đứng ở bên này (miền nam và Mỹ...) hoặc bên kia (miền bắc và CS...) thì chúng ta nghĩ gì về ông Diệm và đất nước của mình, về Vietnam war? 

2/ Nếu "nhìn về phía trước" thì; CẦU TRE LẮC LẺO: (đã đề cập sơ lược đến lịch sử dân tộc; khởi từ thời Hồng Bàng cho đến nhà hậu Lê với vua Lê Lợi, được cô đọng trong hơn bốn trăm câu lục bát) tác giả muốn nói đến mối nguy từ giặc bắc phương (Trung Hoa). 

* Từ ngàn năm xưa cho đến nay; người Tàu vẫn nghĩ rằng Việt Nam là một quận, một tỉnh của họ? (tạm xem Tây Tạng là một điển hình)    

* Vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, Ải Nam Quan, mướn đất trồng rừng, khai mỏ...đã xảy ra và họ không ngừng lại ở đó vì "cái quận, tỉnh lạc loài" này họ chưa "lấy về" được? (kể cả những tệ nạn xã hội tại VN mà họ đã triệt để khai thác[?])  

* Gọng kìm của giặc bắc phương [Tàu] làm VN không thể tự chủ được trong mọi lãnh vực, nhất là chính trị?  

* Nhà cầm quyền VN đang đi tìm một thế đứng để mong giảm bớt sức ép khủng khiếp từ phương bắc [Tàu]?  

* Chúng ta có nên giúp Trung Hoa đánh phá nhà cầm quyền VN - trên đường họ đang đi tìm một thế đứng - để một lúc nào đó, chúng ta sẽ đòi lại đất nước của mình từ tay người Trung Hoa? (tạm xem Tây Tạng là một điển hình)    

* Nếu những đau thương, oán cừu của dân tộc mình đối với người Pháp (trong hằng trăm năm họ đô hộ mình) mà ngày nay mình vẫn "bỏ qua" được thì mình có nên khuyên con cháu mình hãy dẹp bỏ những thù hận của mình - với những người VN đang cầm quyền ở VN - để giúp nước, cứu nước?  

* CẦU TRE LẮC LẺO như một tiếng chuông vang lên - dù không phải là người đầu tiên rung chuông - tác giả vẫn biết; sự bất lợi cho bản thân có thể sẽ đến từ nhiều phía...    
Trân trọng.  
Trầm Thy Trang 5/2010  
ĐÔNG HẢI - Nguyễn Đức Hiền. 
                                          

CHƯƠNG CHÍNH
(Trích tiểu thuyết: CẦU TRE LẮC LẺO)

Kể từ hôm Hiếu ra tù, ban ngày, vào mỗi buổi sáng; khi Hạnh đã đi học và ba của bé Hoài cũng đã đi làm, bà Tám không còn thấy trống vắng như trước nữa. Bây giờ; bà đã kéo nôi của bé Hoài ra phòng khách, nơi mà Hiếu đọc sách hoặc ngồi bên bộ computer mỗi ngày. Bà thì làm công việc nhà; khi rảnh thì ngồi đọc báo, cũng ở phòng khách thôi. Mọi sinh hoạt của cả ba mẹ con bà Tám vào ban ngày, hầu hết đều ở phòng khách này...  

Hôm nay; Hiếu đã ở nhà được đúng ba tháng, không rời nhà nửa bước. Thời gian này; Hiếu đã học để biết cách sử dụng computer ở bước căn bản đầu tiên và đọc hết cuốn Việt sử bằng tiếng Việt. Hiếu ôm mộng sẽ viết tiếp phần sau bài thơ của cha mình, mà mẹ đã làm thất lạc trong kỳ vượt biển hơn mười một năm trước.  

- Má à! Dân tộc mình anh hùng quá! Phải không má? Hiếu hỏi mẹ; bà Tám chưa kịp trả lời thì Hiếu đã nói tiếp:  

- Nhứt là thời kỳ chống Pháp. Con thấy dân mình có những người anh hùng còn hơn phim ảnh nữa má! 

Suốt ba tháng nay, ban ngày; chỉ có ba mẹ con ở nhà. Bé hoài thì mới được mấy tháng tuổi, ngủ nhiều hơn thức. Bà Tám lại được một thời gian gần gũi với đứa con trai mà bà tưởng như sẽ không bao giờ còn gần gũi được. Mọi việc đã đi và đến như một giấc mơ. Nó năm nay đã ngoài hai mươi tuổi nhưng đối với bà, bà vẫn thấy nó không khác mấy với bé Hoài, nếu có khác chăng thì chỉ là một lớn, một nhỏ. Nhưng ít nhứt thì hai đứa cũng giống nhau ở một điểm: đó là ngây thơ. Bà nghĩ; nó đã hai mươi tuổi rồi mà mình còn thấy nó ngây thơ, thì chắc mình đã bắt đầu già thật rồi... 
  
Ba tháng gần gũi với thằng Hiếu; bà đã giúp giải thích những gì nó không hiểu khi đọc sách chữ Việt. Bà rất ngạc nhiên và sung sướng vì bà không ngờ; thằng Hiếu hiểu chữ Việt giỏi như vậy. Bà trả lời:  

- Ờ…ba của con cũng là một anh hùng nhưng không nối được nghiệp tổ tiên! Bởi ổng mất đi khi còn quá trẻ…  

Ngồi giải nghĩa chữ Việt cho thằng Hiếu làm bà nhớ lại mộng làm cô giáo của mình hơn hai mươi năm trước. Vào khoảng năm 1972, sau khi bà đã đám cưới với ông Tám được độ mấy tháng; bà vẫn muốn tiếp tục học năm thứ hai của trường Sư Phạm ở Saigon nhưng ông Tám không chịu và nói rằng: Đã lấy chồng rồi mà còn đi học, người ta cười chết! Bà phải nghỉ học từ đó…Trường Sư Phạm Saigon cũng là nơi kỷ niệm của bà và ông Tám ở lần đầu quen nhau, khi ông Tám ghé trường để thăm chú Mười…Chú Mười học cùng năm nhưng khác lớp với bà và nhỏ hơn bà hai tuổi…  

- “Nguỵ” là gì vậy má? Hiếu hỏi. 
  
- Nguỵ là chữ gốc Hán. Chữ nguỵ ở đây có nghĩa là không có thật, là giả mạo, giả tạo…là người xấu… 
  
- Vậy sao người ta gọi mình là nguỵ? Hiếu ngắt lời mẹ.  

- Ờ…chuyện này dài dòng lắm. Để má nấu nước pha bình trà rồi giải thích cho con nghe. Chữ “Nguỵ” này có rất nhiều người còn lấn cấn… 
  
Bà Tám đi nấu nước pha trà cho mình, nhân tiện làm đồ ăn trưa cho Hiếu. Bà vừa làm, vừa suy nghĩ, đắn đo...phải bắt đầu từ đâu và nói làm sao cho thật đơn giản, ngắn gọn, để con mình dễ hiểu. Bà nói:  

- Ông nội con kể rằng: Dân tộc mình chống thực dân Pháp gần một trăm năm, tới năm 1945 là gần đến hồi tàn cuộc, vì; thế chiến thứ hai đã bùng nổ ở Châu Âu. Pháp thua Đức. Quân Nhựt thì đã đánh chiếm nhiều nước Á Châu. Năm 1945; quân Nhựt chỉ trong một đêm đã đánh bại toàn bộ quân Pháp tại VN. Nhựt tuyên bố nước VN độc lập nhưng lại kiểm soát đất nước mình chặt chẽ hơn Pháp nữa.  

Đầu tháng Tám năm 1945; Mỹ dội bom nguyên tử xuống đất Nhựt. Nhựt đầu hàng. Nước mình không bị quân đội ngoại bang kềm tỏa. Việt Minh xúi giục dân chúng xuống đường, chiếm hết các cơ quan hành chánh đòi vua Bảo Đại phải thoái vị và vua Bảo Đại đã thoái vị! Đó là cơ hội tốt để Việt Minh cướp chánh quyền…  

Cũng theo ông nội của con! Thời đó; những người cầm đầu Việt Minh là những người theo chủ thuyết Cộng Sản (CS). Chủ trương của chủ thuyết CS là nhằm đánh chiếm cả thế giới; biến cả thế giới thành CS...Khi Lenin đặt ách CS lên nước Nga thì lực lượng CS cũng chiếm đóng và biến một số nước ở châu Âu thành CS...Những người CSVN theo chủ trương của chủ thuyết này mà gây nên cuộc chiến tranh ở Đông Dương lúc đó. Họ ẩn mình dưới chiêu bài chống thực dân Pháp, cứu nước...  

Khi Việt Minh cướp được chánh quyền; khởi đi từ mùa thu năm 1945. Họ đặt tên nước mình là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Những người VNCS theo Nga, Tàu này; chưa muốn lộ nguyên hình là CS, họ vẫn ẩn mình để thành lập Đảng Lao Động Việt Nam - Tức là Đảng Cộng Sản VN (ĐCSVN) sau này. Họ đàn áp, thủ tiêu những người cũng chống Pháp, nhưng không theo chủ nghĩa Cộng sản (Hiệp định năm 1946 - VM và Pháp). Khi đảng CSVN đã nắm được chánh quyền; họ hô hào kêu gọi đồng bào cả nước cùng nhau chống giặc Pháp và họ đã lập được kỳ tích; họ đã đánh thắng Pháp trong trận Điên Biên Phủ, năm 1954, chấm dứt thời kỳ đô hộ của thực dân Pháp trên quê hương mình... 
  
Bà Tám ngừng lại, rót trà ra ly, trong khi Hiếu vẫn tiếp tục ăn bữa trưa của mình và chăm chú nghe mẹ kể. Bà Tám tiếp:  

- Cũng theo ông nội của con. Sau khi VM cướp được chánh quyền (1945), Pháp và Việt gian vẫn cố gắng duy trì ách thực dân ở VN. Nhưng cuối cùng, họ bị thua VM (ở trận Điện Biên Phủ) và hiệp định Genève (1954) đã ra đời; đất nước mình bị chia ra làm hai miền, nam và bắc. Thời gian này; nhóm Việt gian theo Pháp hầu hết đã tề tựu tại miền nam VN và được Mỹ kiện toàn thế lực về quân sự, chánh trị... Mỹ đưa ông Ngô Đình Diệm về miền nam VN để dựng lên chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) - một nước Việt Nam thứ hai ra đời và ông Diệm lên làm tổng thống nước VNCH này - Ông Diệm đã không là tay sai lý tưởng cho Mỹ - Mỹ tạo ra tình hình "bất ổn" tại miền nam; ông Diệm bị giết và sau đó, Mỹ đưa người thân tín khác của Mỹ lên làm tổng thống nước VNCH... 
  
- Ông Diệm là ai, mà sao tự nhiên lại lên làm tổng thống vậy má? Hiếu ngắt lời mẹ. 
  
- Không! Không phải về là làm tổng thống liền...vì trước đó hàng chục năm, vua Bảo Đại đã vì tình hình và hoàn cảnh ép buộc mà đã thoái vị và giao quyền hành, ấn kiếm của triều đình cho Việt Minh (VM) trong thời VM cướp chánh quyền! Nhưng ngay sau đó, Pháp được sự giúp đỡ của Anh, Mỹ đã tìm cách đưa cựu hoàng Bảo Đại trở về nước làm cái "bung xung" để họ lập chánh quyền cho nhóm Việt gian...Mỹ đưa ông Diệm về làm thủ tướng cho "quốc trưởng" Bảo Đại. Ông Diệm truất phế Bảo Đại rồi mới lên làm tổng thống sau đó...  

- Truất phế? Hiếu lại ngắt lời mẹ.  

- Đó là một cách nói thôi...người ta có thể gọi là cướp chánh quyền, đảo chánh, soán ngôi...Trong một số tài liệu có ghi rằng: Ông Diệm là con của ông Ngô Đình Khả, ông Khả là người dưới trướng của một tên Việt gian khét tiếng thời kháng Pháp tên là Nguyễn Thân...Khi rảnh, còn tìm tài liệu xem lại thì rõ hơn...Ngừng lại uống miếng trà. Bà Tám tiếp:  

- Nhóm Việt gian theo CS gọi chế độ VNCH là chế độ “Nguỵ”. Như vậy, tiền thân của Nguỵ là Việt gian theo Pháp, rồi sau theo Mỹ?! Trong suốt thời gian này, cho tới ngày ba mươi tháng Tư năm 1975 tại miền nam, những sĩ phu yêu nước...nhưng không là Việt gian, cũng đều bị triệt tiêu hầu hết…  

Bà Tám đứng lên, đi lại bên chồng báo cũ để tìm lại một vài bài thơ được đăng trong đó, như bài “Quê Hương Tôi”, hoặc bài “Rồi Từ Đó”…mà bà rất thích, để đưa cho Hiếu đọc. Vừa lục tìm, bà Tám vừa nói tiếp trong sự chờ đợi của Hiếu.  

- Theo như ba của con thì sau khi chia đôi đất nước, nhóm CS ở miền bắc lại tiếp tục ẩn mình dưới chiêu bài chống Mỹ cứu nước. Lúc đó, họ gọi Mỹ là “thực dân kiểu mới”, là đế quốc...Người ở miền nam, có một số đã tin họ và cùng nhau kéo vào chiến khu để lập ra Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam...  

Người CSVN không đánh Pháp vì cứu nước, họ đang thi hành chủ trương của chủ nghĩa CS là đánh chiếm thế giới như má đã nói hồi nãy và chiến thắng Điên Biên Phủ năm 1954 đã tạo ra một hình ảnh huy hoàng cho người CSVN trong thời gian đó và cũng làm bộ mặt Việt gian của họ mờ nhạt hẳn...  

Còn lúc đó ở miền nam. Người Mỹ sau khi lập ra nước VNCH, họ khai triển phong trào "Vì lý tưởng tự do, chống CS bành trướng". Phong trào này trở nên mạnh mẽ, đã giúp làm mờ nhạt đi hình ảnh Việt gian của những người theo Pháp trước đây và cũng để cho Mỹ có lý do để thay chân cho Pháp và nhóm Việt gian của Pháp lại cũng có cơ hội tốt để làm việc với họ...  

- Tại sao lại là khai triển? Hiếu chận lời mẹ.  

- Vì giặc Pháp đã trang bị cho Việt gian cái "lý tưởng" đó trước khi họ rút chân đi để "nhường" lại cho Mỹ...Sau khi giết ông Diệm. Mỹ và Việt gian đưa cả quân đội của những nước khác vào miền nam VN, như: Thái Lan, Phi Luật Tân, Đại Hàn, Tân Tây Lan, Úc…Cả hai bên nam và bắc, đều tuyên truyền, khuyến dụ, cưỡng bức, ép buộc...đồng bào của cả hai miền phải tham gia vào quân đội của mình và gây nên một cuộc chiến điêu tàn cho quê hương, cho tổ quốc suốt bao nhiêu năm...  

Bà Tám ngừng kể, đưa cho Hiếu tờ báo. Bà đưa tay chỉ vào trang báo và nói:  

- Con đọc bài thơ này đi. Má đi làm cho em bình sữa, luôn tiện thay tã cho nó.  

Hiếu dạ, rồi đưa tay cầm tờ báo; đọc:  

RỒI TỪ ĐÓ (2) 
   
Rồi từ đó… 
Mặt trời đã lặn hẳn ở quê hương tôi! 
Ôi hình như… 
Thái dương hệ này đã ngưng lại những hoạt động bình thường. 
Quả đất đã ngừng xoay? 
Mặt trăng đã ngừng di chuyển? 
Mặt trời đâu? 
Thời gian cũng dừng lại ở quê hương tôi.

Rồi từ đó… 
Hoàng hôn đã bao phủ trên quê hương tôi! 
Ôi hình như… 
Bóng tối tội lỗi đã chứa đầy yêu tinh, quỷ quái. 
Ánh sáng của văn minh cũng mất hẳn ở đây. 
Để nhường lại cho những sinh hoạt của thời trung cổ. 
Chỉ còn lại những điêu tàn, hoang phế trong tôi...
  
Hiếu đọc xong bài thơ, tâm hồn lắng đọng lại trong suy tư! Mẹ đã làm xong những việc cần làm và đã trở lại ngồi bên ly trà. Bà nói:  

- Chủ trương của chủ nghĩa CS không chỉ là đánh chiếm thế giới, mà còn tự tàn sát dân tộc của chính mình! Ở mọi nước bị CS chiếm đóng; sự "tự tàn sát dân tộc của chính mình" này thì có lẽ không sách vở, phim ảnh...nào có thể lột tả được hết sự phi nhân của nó...  

Ngừng lại uống miếng trà. Bà Tám tiếp:  

- Cuối cùng, phía miền nam bị yếu thế về chính nghĩa, về lý lẽ...trên thế giới và ngay cả trên chính nước Mỹ. Người Mỹ buộc phải bỏ cuộc tại Đông Dương (hiệp định 1973) để xây dựng vị thế của mình tại một nơi khác...CS miền bắc lại lập kỳ tích lần thứ hai: đó là ngày ba mươi tháng Tư, năm 1975. Tất cả những người theo hay cộng tác với chế độ miền nam đều bị đi ở tù, gọi là đi cải tạo. Người đi trước, kẻ trốn sau. Nhóm người này sau đó đã chạy ra hải ngoại và nhiều người vẫn còn ôm niềm thống hận cho đến hôm nay. Bởi vì, họ đã bị tù đày và mất hết: từ tài sản đến nhà cửa, từ địa vị đến quyền uy...gia đình thì người sống kẻ chết, chia ly, tan tác...bởi ngày ba mươi tháng Tư này.  

Vì con còn quá trẻ, những gì con đọc được thì thường có tính một chiều của mỗi phía và họ thường “lấy cứu cánh để biện minh cho phương tiện”. Má đã cố gắng ngắn gọn và đơn giản tất cả mọi việc, chỉ để giải thích cho con nghe về một chữ “nguỵ” thôi, mà phải dài dòng như vậy.  

Quê hương và dân tộc mình đã bị vùi sâu trong lửa đạn suốt ba mươi năm bởi hai thế lực này. Sự đau thương, điêu tàn đó làm chấn động cả thế giới. Lương tri nhân loại như bị rướm máu và cuộc chiến tranh đó vẫn còn vang vọng cho đến ngày nay. Thành phần dân tộc sống giữa hai thế lực này, thời đó; vì nhiều lý do khác nhau, đã bị cuốn hút vào một bên, nơi mình đang sống, ở cả hai miền thù nghịch và tàn sát lẫn nhau. Sự thù nghịch này dường như vẫn còn tồn tại - ở một số người, cả hai phía - cho đến ngày nay... 
  
Thời đó trên quê hương mình, có thể tạm chia ra ba thành phần chính: 
  
Thành phần thứ nhất: Nhóm Việt gian theo CS Nga, Tàu...Nhóm này đã và đang thi hành chủ trương của chủ nghĩa CS là đánh chiếm toàn cầu. Họ muốn biến toàn thế giới, thành thế giới CS. Với nhóm này, khái niệm về dân tộc hoặc biên cương của tổ quốc không là quan trọng! Con hãy xem lại tài liệu trong bộ sách Tư Bản Luận của chính họ... 
  
Thành phần thứ hai: Nhóm Việt gian theo Pháp, Mỹ; nhóm này ẩn mình dưới chiêu bài "Vì lý tưởng tự do, chống CS bành trướng". Nhóm này giờ cũng đã hụt hẫng vì chủ nghĩa CS không còn...Trước đây, sau ngày chấm dứt chiến tranh [30/04/1975]; ở hải ngoại, nhóm này đã cố gắng vùng vẫy để "thăm dò" xem người Mỹ có cùng họ tái lập chiến tranh trên quê hương mình nữa hay không, nhưng "bãi chiến trường VN" không còn có lợi cho nước Mỹ... Mỹ đã không đáp lại những thăm dò của nhóm này...Trong ngôn ngữ của nhóm này; họ gọi Mỹ là "đồng minh", là "bạn"...trong khi Mỹ luôn vì lợi ích của nước Mỹ, mà sẵn sàng giúp đỡ những kẻ gian để xâm hại đến tinh thần dân tộc tự quyết của những quốc gia nhược tiểu... 
  
Thành phần thứ ba: Thành phần còn lại; đây là thành phần đồng bào đông đảo. Họ không có lực lượng quân sự đúng nghĩa. Họ sống ở cả hai miền, nam và bắc. Đa số trong thành phần này bị cuốn hút vào hai thế lực trên. Giới trí thức, sĩ phu…xuất thân từ thành phần này đều bị tiêu diệt bằng nhiều cách, bởi hai thành phần trên!  

Giới sĩ phu trong thành phần dân tộc, họ không đồng ý với việc làm và đường đi của hai thành phần kia. Họ không lấy: “Lý tưởng hay chủ nghĩa, kinh tế hay chính trị, chiến lược…toàn cầu” làm “cứu cánh” để “biện minh cho phương tiện” làm tay sai cho ngoại bang, rước voi Nga, Tàu, Pháp, Mỹ...về dày mả Tổ như vua Lê Chiêu Thống đã cõng rắn cắn gà nhà!  

Nếu “nguỵ” xuất thân từ Việt gian thì bên nào là Việt gian? Bên nào là Nguỵ? Bên này, hay bên kia? Hay cả hai bên đều là Việt gian? Cả hai bên đều là Nguỵ? Điều này, có một ngày, lịch sử của dân tộc sẽ xác định thật rõ ràng, minh bạch... 
  
Ngừng lại uống miếng trà, bà Tám tiếp:  

- Sau ngày ba mươi tháng Tư năm 1975, người Cộng sản đã đổi tên nước mình là:  

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam 
Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc 
 
Một tên nước dài ngoằng, luộm thuộm và phần trên, nghe thì thấy là Cộng Sản. Phần dưới thì không và lại có hơi hướm của Tam Dân Chủ Nghĩa(?): Dân Quyền - Dân Sinh - Dân Tộc của Tôn Văn - Tôn Dật Tiên. Vì:  

Dân Tộc: Độc lập.  
Dân quyền: Tự do.  
Dân sinh: Hạnh Phúc.  

Nhìn vào tên nước thì thấy rằng; sự "pha trộn" (?) giữa nền tảng của hai chủ nghĩa - Cộng sản chủ nghĩa và Tam dân chủ nghĩa - tuy không hài hòa. Nhưng có lẽ họ đã không còn là những người Cộng sản sắt máu thuần tuý nữa, nên sau ngày ba mươi tháng Tư năm 1975; đồng bào miền nam đã không bị tàn sát thảm thương như đồng bào miền bắc trước đây, hay như cuộc tàn sát ghê tởm ở Căm Bốt, hoặc như những quốc gia bị CS chiếm đóng hồi mấy mươi năm trước...Đúng là hồn thiêng sông núi đã phò trợ cho dân tộc mình!  

Bây giờ đã gần hai mươi năm sau ngày ba mươi tháng Tư đó và cũng đã hơn bốn năm sau ngày chủ nghĩa CS bị sụp đổ ở Nga và những nước CS chư hầu. Chủ nghĩa CS bây giờ như “cái bao tải” cũ, rách, dơ bẩn và những người CSVN xưa, giờ như những “Ông bình vôi” của Phan Khôi ngày trước. Cái bao tải cũ rách, dơ bẩn đó đang bao bọc những ông bình vôi này trong đền thờ nào đó ở quê hương mình và nhóm Việt gian theo Pháp hầu hết đã quá vãng. Nhóm Việt gian theo Mỹ đã hầu như vô vọng...  

- Má nói gì? Con không hiểu. Ông bình vôi và ông Phan Khôi là ai?  Hiếu chận lời mẹ. Trong khi bà Tám đang như một người đã ôm nhiều nỗi uất ức lâu ngày, không nơi giải bày và không biết rằng người đang nghe không đủ hiểu biết để nghe. Bà Tám thở dài, tự trấn tỉnh mình và nói:  

- Ông Phan Khôi là một nhà văn kháng chiến chống Pháp, sống cùng thế hệ với ông nội con. Truyện “Ông Bình Vôi” của Phan Khôi hàm ý: Ngày xưa; trên mọi miền của đất nước mình, người mình có tục ăn trầu. Mâm trầu, cau trong đó có bình vôi - vôi ăn trầu - luôn được đặt giữa bàn của mọi người, mọi giới. Mỗi khi họ gặp nhau, bất luận về chuyện gì; luận bàn văn thơ, luận bàn chính trị hay chuyện vãn…v...v...đều có mâm trầu, cau và bình vôi này. Cái bình vôi được Phan Khôi nhân cách hoá thành “Ông bình vôi”, vì bình vôi ăn trầu đã là một “nhân vật khả kính, khả tín”...đã luôn luôn được “trịnh trọng mời” đến và “ngồi” vào vị trí đặc biệt - giữa bàn - để “chứng kiến” mọi điều, mọi việc. Khi bình vôi đã cũ, bể…người ta vẫn "tôn trọng" và không liệng "các ông ấy" vào "đống rác" mà đem đến, để gọn vào một nơi, trong một cái miễu hay đền thờ nào đó... 
  
Chủ nghĩa CS đã sụp đổ và đã trở thành cái bao tải nhớp nhúa kia; giờ chỉ dùng để bao bọc những "ông bình vôi" cũ, bể…trong một đền thờ. Phe CSVN hụt hẫng; không còn nơi để bám víu. Hoàn cảnh này khiến họ ngày nay càng ngày, càng đi gần về phía dân tộc hơn đối phương của họ. Họ dĩ nhiên không còn là CS nữa. Họ chỉ là một nhóm người độc tài và đang tạo ra những vấn nạn khủng khiếp về tệ nạn xã hội trên quê hương mình mà thôi... 
  
- Con nghĩ ông nội là một người yêu nước. Má kể cho con nghe về ông nội đi má. Hiếu đề nghị với mẹ.  

Bà Tám cảm thấy như nhẹ hẳn người, khi đã nói ra được những gì mình muốn nói. Bà cũng cảm thấy vui khi thằng Hiếu nãy giờ vẫn chăm chú lắng nghe, lúc thì nhíu mày, nhăn mặt, lúc thì trợn mắt tức tối. Bà rất hứng thú khi dạy con mình về văn hóa và lịch sử của quê hương mình… 
  
- Ờ…ông cố nội của con gốc người miền bắc trung phần. Vào đầu thế kỷ thứ mười chín, ông theo đoàn quân chống Pháp của ông Hoàng Hoa Thám; trong trận đánh úp thành Hà Nội, không thành, ông chạy thoát vào thành Gia Định. Pháp và Việt gian vẫn truy đuổi. Ông chạy về miền Lục tỉnh, thay tên đổi họ. Ông cố gặp bà cố ở miền Lục tỉnh này.... 
  
Lúc đó ông cố đã gần bốn mươi. Khoảng hai năm sau, bà cố sanh ông nội của con. Nhưng lúc đó ông cố không có ở nhà, ông cố đã trở lại hàng ngũ kháng chiến. Khi ông nội con được ba tuổi thì bà cố nghe tin Việt gian đã ám sát ông Hoàng Hoa Thám. Bà cố lo sợ cho ông cố nhưng mấy tháng sau ông cố bình yên trở về gặp lại bà cố và ông nội của con… 
  
Ở nhà không được bao lâu, ông cố lại ra đi lần nữa. Lần này, cũng như lần trước, khi đi ông cố vẫn dặn bà cố là: Nếu ông không trở về thì nhớ nuôi dạy đứa con trai duy nhứt của ông cố - tức là ông nội của con - trở thành người yêu nước, đừng để ông cố thất vọng. Ý của ông cố là, ông nội con khi lớn lên, nếu còn giặc Pháp trên quê hương mình thì ông nội phải đứng trong hàng ngũ của dân tộc để chống ngoại xâm…và lần này; quả thật, ông cố đã vĩnh viễn ra đi! Những người cùng chí hướng với ông cố có người thoát hiểm trở về báo tin cho bà cố, là: ông cố đã bị xử tử cùng với một số đông chiến sĩ cách mạng trong đoàn quân của hai ông Trần Cao Vân và Thái Phiên khi đoàn quân này đi đón vua Duy Tân vào Quảng Nam để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa... 
  
Cơ mưu không thành, nhiều chiến sĩ cách mạng bị xử tử vào cuối năm 1916 trong đó có ông cố của con. Còn vua Duy Tân thì bị bắt ngay khi vừa ra khỏi hoàng thành rồi bị giặc Pháp đày đi viễn xứ…Ông cố thành người thiên cổ khi ông nội con mới hơn sáu tuổi...  

- Nhưng tại sao người Pháp lại đến và đánh chiếm quê hương của mình? Con đọc sách thấy họ nói, họ đến để buôn bán và truyền đạo thôi mà má? Hiếu ngắt lời mẹ.  

- Đó là cái cớ họ nói cho sự có mặt của họ trong âm mưu xâm lăng các nước nhược tiểu…họ nói, họ đến để hợp tác buôn bán và truyền đạo nhưng thời đó người da trắng như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…họ đang chia nhau đi khắp nơi trên thế giới để đánh chiếm thuộc địa. Thí dụ như nước Úc mình đang ở cũng là thuộc địa của Anh, người Anh đã đánh chiếm nước này; người Pháp đã đánh chiếm Việt Nam...nhưng mình thì cuối cùng đuổi được người Pháp; còn người thổ dân ở đây thì không đuổi được người Anh…  

- Họ truyền đạo gì vậy má?  

- Họ truyền đạo Thiên Chúa. Dân tộc mình mới biết đạo Thiên Chúa đây thôi, từ sau khi giặc Pháp đến và đô hộ xứ mình…  

- Vậy trước khi giặc Pháp đến xứ mình, dân mình không có ai biết đạo Công giáo hết, rồi dân mình có đạo gì không má?  

- Phong tục lâu đời của dân tộc mình là thờ cúng ông bà, tổ tiên, thờ trời, thờ đất…cổ xưa thì có Lão giáo, Nho giáo đến từ Trung Hoa, sau rồi đến Phật giáo, rồi Công giáo…con coi lại sách vở thì rõ hơn…  

- Dạ! Mà má kể tiếp về ông nội đi má. Hiếu vừa nói, vừa rót trà vô ly cho mẹ:  

- Ờ…khi ông cố qua đời thì ông nội con mới hơn sáu tuổi. Ông nội đã sanh ra và lớn lên trong thời giặc Pháp đang cai trị xứ mình bằng bạo lực vô nhân, ông chứng kiến nhiều cảnh tang thương, đau lòng của dân tộc, của quê hương mình...  

Trong chánh sách chia để trị, giặc Pháp chia đất nước mình ra làm ba phần - Nam, trung và bắc - rồi tuyên truyền để ba miền kỳ thị lẫn nhau, đừng đoàn kết với nhau…họ muốn ba miền này phải đánh lẫn nhau để bớt lưu tâm đến việc làm của họ, để họ dễ dàng cai trị mình…Họ thành lập đội quân Lê Dương, Lính Khố xanh, Khố đỏ…toàn người Việt để bắn giết người Việt, y như khối CS có đội quân CSVN vậy…bà cố kể rằng: Khi dân mình nghe tin ông Phạm Hồng Thái nhảy xuống sông Châu Giang bên Tàu để tự vận thì ông nội con khóc ngon lành và từ đó buồn bã, ít cười, ít nói. Lúc đó; ông nội con chưa đầy mười lăm tuổi…  

- Ông Phạm Hồng Thái là ai mà con nghe quen quá vậy má?  

- Con mới vừa đọc đó mà đã quên rồi sao? Thôi để má nhắc lại…ông Phạm Hồng Thái là người của Việt Nam Quang Phục Hội (VNQPH) do cụ Phan Bội Châu đứng đầu. Cụ Phan là một người thầy khả kính của dân tộc mình, cụ là người khởi xướng ra phong trào Đông Du trong thời kháng chiến chống Pháp…khi VNQPH được tin là có một quan lớn của Pháp tên Méclin, (Martial Merlin - Toàn quyền Pháp tại Đông dương) tới đất Quảng Châu bên Tàu để dự tiệc do Pháp kiều khoản đãi tại một khách sạn (Khách sạn Victoria) ở Sa Diện. Cụ Phan quyết định ám sát viên quan lớn này để đánh mạnh vào lòng yêu nước của đồng bào và cũng để nói lên ý chí bất khuất của dân tộc VN…  

Ông Phạm Hồng Thái là người lãnh trách nhiệm này. Ông giấu trái bom trong bao đựng máy chụp hình và giả làm phóng viên, len lỏi vào khách sạn để ném bom vào bàn tiệc của Méclin. Toàn quyền Méclin không chết nhưng nhiều người khác chết tại đó. Ông Phạm Hồng Thái thi hành xong nhiệm vụ; nhanh chóng chạy ra ngoài để thoát thân. Giặc đuổi theo; ông vừa chạy vừa bắn trở lại, khi hết đạn, ông nhảy xuống sông tự tử, để không lọt vào tay giặc…ông được sự ngưỡng mộ và kính phục của dân Trung Hoa các giới vào thời đó...  

Qua năm sau, ông Hồ Hán Minh (Tỉnh trưởng Quảng Châu [Hồ Hán Dân?]) là một chánh khách uy tín của Trung Hoa thời đó đã tranh đấu để mộ của liệt sĩ Phạm Hồng Thái được cải táng vào Hoàng Hoa Cương, một nghĩa trang chỉ dành riêng cho bảy mươi hai liệt sĩ Trung Hoa đã hiến thân cho cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911…  

- Dạ! Con nhớ ra rồi…Hiếu nói.  

- Cũng trong năm này, ông nội của con muốn đi theo nghĩa quân chống Pháp nhưng ông sợ bà cố không cho phép vì còn quá trẻ; ông nội đã trốn bà cố để đi tìm những người cùng chí hướng với ông cố hồi trước. Dịp này; ông nội con được đi khắp đất nước mình, có dịp để xem tòa án xử ông Phan Bội Châu và cũng được nghe cụ Phan Chu Trinh từ pháp về diễn thuyết hai lần tại Saigon… 
  
Nhưng đau khổ nhứt vẫn là lần ông nội chứng kiến cảnh đội quân Lê Dương bao chung quanh pháp trường rồi dắt ông Nguyễn Thái Học cùng mười hai đồng chí của ông ra chém tại Yên Bái. Ông nội nói: ông Nguyễn Thái Học thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng nhằm đấu tranh bằng võ lực với thực dân Pháp để giành lại độc lập cho đất nước mình. Ông là một trong những anh hùng của dân tộc VN thời kháng Pháp...  

- Nhưng VNQDĐ được thành lập theo khuôn mẫu của Trung Hoa Quốc Dân Đảng, vậy VNQDĐ có tự chủ được không má? Hiếu lại chận lời mẹ.  

- THQDĐ có giúp VNQDĐ để chống giặc Pháp tại VN thời đó nhưng tự chủ được hay không thì chưa rõ ràng. Vì; tất cả đều tuỳ thuộc vào một chữ "nếu":  

1/ Nếu THQDĐ không bị Cộng Sản đẩy lùi ra đảo Đài Loan mà vẫn nắm giữ chánh quyền tại Trung Hoa lục địa thêm mấy mươi năm nữa...và:  

2/ Nếu ông Nguyễn Thái Học không bị giặc Pháp giết và VNQDĐ nắm được chánh quyền tại VN thì có tự chủ được hay không, vẫn là một dấu chấm hỏi để suy gẫm và thực tế đã không như vậy. Vì: THQDĐ đã thua CS và chạy ra đảo Đài Loan. Ông Nguyễn Thái Học đã chết và VNQDĐ đã không nắm được chánh quyền. Cái chết của ông Nguyễn Thái Học - cùng mười hai đồng chí của ông - đã giữ được tiếng thơm trong lịch sử chống Pháp của dân tộc mình cho đến ngày nay...ngừng lại uống miếng trà, bà Tám tiếp.  

- Ông nội của con nhờ được sự giới thiệu của những người đi trước, nên đã gia nhập vào VNQDĐ rất sớm và cuộc khởi nghĩa ở Yên Bái có sự tham dự của ông nội con nhưng một số người may mắn thoát hiểm trong cuộc khởi nghĩa này, có ông nội của con…  

Trước khi cuộc khởi nghĩa xảy ra; ông nội đã được tin là bà cố đang đau nặng, mà tình hình lúc đó đang hồi gay go, ông nội không về được; bây giờ là dịp để ông nội về thăm bà cố, thăm quê cũ, đã năm năm xa cách…  

Vậy mà thêm năm năm nữa, ông nội mới về tới quê xưa và đã bị bán thân bất toại, bởi trên đường về, ông bị bắt nhiều lần. Giặc Pháp bắt ông vì nghi ngờ ông là Việt Minh hay VNQDĐ. Việt Minh bắt ông vì nghi ngờ ông là VNQDĐ, hay Việt gian cho Pháp. Ông bị cả hai bên đánh đập, tra khảo đến bán thân bất toại.  

Rồi cuối cùng ông cũng gặp được mẹ già, quê cũ sau mười năm bôn ba, lưu lạc…Ông nội trở thành người tàn phế từ đó! Mấy năm sau; bà nội về ở với ông vì cảm thương cho người nghĩa sĩ đã sớm phải bó gối trong tuổi thanh xuân, đang ôm mộng góp sức giành độc lập cho tổ quốc. Ông nội mở lớp dạy học cho trẻ em ở lối xóm và những khu lân cận. Ông dạy học miễn phí mà được người ta biếu tặng quà cáp, đồ vật nhiều hơn là dạy học lấy tiền…  

Khi má về làm dâu cho ông bà nội của con thì ông nội đã ngoài sáu mươi. Trong nhà nội; ngoài bàn thờ ông bà, tổ tiên, còn có bàn thờ vong linh ông Nguyễn Thái Học…Ở tuổi già; ông nội thường trầm ngâm nơi hai bàn thờ này, để cầu nguyện hoà bình cho quê hương, bình yên cho đất nước. Thời gian này, ông nội giống như người tu tại gia hơn…  

Sau khi chú Mười chết, ông nội đã đoán biết là phe CS sẽ thắng trong cuộc chiến này và ông cầu nguyện cho quê hương mình, sẽ trở thành vùng đất “bất chiến tự nhiên thành” nếu không may miền nam lọt vào tay CS. Bởi ông thấy trong lịch sử cận đại của dân tộc mình luôn chiến tranh, chưa một thời gian ngừng nghỉ để tái thiết đất nước. Trong khi cuộc chiến nào cũng đưa đến sự điêu tàn, tang tóc…  

- Tại sao lại là "nếu không may" và bất chiến tự nhiên thành nghĩa là gì má?  

- Vì khi CS thắng; gia đình của những người ở miền nam ra sao, thì con đã rõ. Còn nếu phe CS bị thua thì đồng bào miền bắc sẽ bị giống như mình. Tức là; sẽ có một bên bị thua và đồng bào nằm bên phía bị thua sẽ gánh chịu tất cả đau thương, thống hận của thời hậu chiến. Bên nào thắng thì quê hương của mình cũng đều đã tan nát, cũng cần cái "bất chiến tự nhiên thành" này. Vì; tinh thần dân tộc của thành phần dân tộc như má đã nói hồi nãy. Còn bất chiến tự nhiên thành là đi tới thành công mà không cần dùng tới võ lực của chiến tranh. Bởi đất nước mình đã điêu tàn rồi...ý của ông nội là; bên nào thắng, thì bên đó sẽ tự mất đi mà mình không trực tiếp dùng tới sức mạnh của quân đội. Không gây chiến tranh, máu lửa…hoặc là họ sẽ hồi tâm và tự dẹp bỏ chế độ của mình… Vì: nếu nhân loại đã chạy nạn Cộng Sản từ năm 1917 thì nhân loại cũng đã chạy nạn quân phiệt - độc tài - từ trước đó, cho đến bây giờ và mãi về sau nữa...với ông nội của con, thì: mọi chế độ phi nhân, phi nghĩa; mọi lý tưởng, chủ nghĩa...đều có giai đoạn, dân tộc là trường tồn, họ sẽ phải trả lại cho dân tộc những gì thuộc về dân tộc…  

- Con có gặp một người; người này mới từ VN qua đây du học. Con thấy người này cũng lấn cấn như má nói hồi nãy và không có dấu hiệu hồi tâm… 
  
- Với má thì bất cứ chủ nghĩa nào, lý tưởng nào, cho dù tốt đẹp tới đâu đi nữa, mà chỉ vì muốn thực hiện chủ nghĩa, hay lý tưởng đó để gây nên một cuộc chiến tranh điêu tàn, tang tóc cho quê hương, dân tộc mình, suốt mấy chục năm như vậy cũng đều là phi nhân, là phi nghĩa…Sau khi vượt biển ra được nước ngoài, thấy đất nước người ta, má đau khổ vô cùng vì nhìn lại sự điêu tàn của quê hương, tổ quốc mình, đồng bào của mình đã, đang sống trong tăm tối, nghèo nàn… 
  
- Tại sao lá cờ vàng ba sọc đỏ lại gọi là cờ ba que? Hiếu hỏi mẹ.  

- Lá cờ này cũng có vài điều lấn cấn! Thổ ngữ của đồng bào miền bắc dùng cụm từ “ba que - xỏ lá” để ám chỉ những thành phần xấu trong xã hội. Họ có thể nói ngắn gọn như: “quân ba que, quân xỏ lá” hoặc “thằng ba que, thằng xỏ lá”… để nói về thành phần xấu này. Theo ông nội của con thì cụm từ “ba que xỏ lá” này đã theo đồng bào miền bắc vào nam năm 1954 (?). Trước đó, có nhiều đợt di cư khác - nhỏ hơn, của đồng bào miền bắc, miền trung - vào nam và thời đó chưa có cụm từ này…Như thế, cụm từ và lá cờ này đã xuất hiện cùng một thời gian và người CSVN đã dùng "cụm từ tượng hình" này để đặt tên cho lá cờ vàng ba sọc đỏ, vì ba cái sọc đỏ là ba cái "que". Que; trong nam gọi là cái cây nhỏ, như cái roi...  

Nghe đâu sau thời chính phủ Trần Trọng Kim dưới triều Bảo Đại đã có lá cờ này vốn rất giống với lá cờ Quẻ Ly trước đó..."Tinh Thần Quốc Gia" (TTQG) cũng được phát động mạnh mẽ trong thời gian này mặc dù (những) người chính yếu phát động TTQG đã bị đào thải ngay sau đó - một thời kỳ cực kỳ rối loạn (1945-1954) - nhưng TTQG vẫn được duy trì để làm nền tảng cho "Lý Tưởng Tự Do"; nhằm trang bị "danh nghĩa" cho nhóm Việt gian theo Pháp và theo Mỹ sau này... 
  
Màu đỏ là màu chiến thắng, ngoài ý nghĩa đó “hai nước VN” đều lấy biểu tượng da vàng máu đỏ để làm cờ nhưng ở miền nam, tại sao không là một dòng máu mà lại là ba “giòng” máu đỏ trong màu da vàng? Ba dân tộc? Ba giống dân? Họ chỉ giải thích đơn giản là, ba miền: Nam, trung và bắc…Thành phần dân tộc không khỏi hoài nghi về ý đồ của giặc Pháp và Việt gian muốn tiếp tục gây chia rẽ dân tộc VN. Ý đồ đó được Việt gian tán trợ mà mới có lá cờ này. Giặc Pháp cho rằng mảnh đất miền nam do các đời chúa Nguyễn chiếm được, thì họ cũng có thể chiếm lại từ tay người VN và họ đã làm nhưng cuối cùng không được...      
                                                                *
Dù thế nào đi nữa; lịch sử dân tộc cũng sẽ ghi công của người CSVN vì họ đã chấm dứt được ách thống trị của thực dân Pháp trên quê hương mình trong trận Điện Biên Phủ năm 1954 và năm 1975, họ đã thống nhất được đất nước. Nếu không, thì bây giờ vẫn đang có hai nước VN và đất nước mình có thể sẽ bị chia cắt lâu dài và cuộc chiến tương tàn sẽ kéo dài mãi mãi…và dù sao thì quê hương, dân tộc mình cũng đã có được hai điều may mắn sau ngày ba mươi tháng Tư năm 1975, đó là:  

Thứ nhất: Người CSVN đã thống nhất được đất nước và chủ nghĩa CS vừa kịp suy tàn sau đó, để người CSVN có cơ hội lột xác mà trở về với dân tộc.  

Thứ hai là: Chiến tranh thật sự đã chấm dứt, hòa bình thật sự đã đến trên quê hương mình sau những năm dài điêu tàn, tang tóc, chia ly...mặc dù sau ngày thống nhất đất nước [30/04/1975], nhóm Việt gian theo Pháp-Mỹ đã cố gắng hết sức cho việc tái lập chiến tranh trên mảnh đất VN đau khổ này...nhưng hồn thiêng sông núi đã phò trợ dân tộc mình và...nhóm này đã không được toại nguyện...  

Bé Hoài đã thức, đang ọ ẹ trong nôi. Bà Tám đứng dậy; đưa một tờ báo khác cho Hiếu và nói:  

- Con đọc thêm bài thơ này; để má đi thay tã và làm bình sữa mới cho em.  

Hiếu cầm tờ báo; nằm dài trên cái salông và đọc: 
QUÊ HƯƠNG TÔI (3)
 
Quê tôi nay đã xa rồi 
Làng tôi nay đã tơi bời đau thương 
Bao nhiêu máu lệ đã vương 
Đắng cay tủi nhục vẫn đương lan tràn 
Quê tôi tan tác ngỡ ngàng 
Dân tôi ngơ ngác bẽ bàng chơi vơi 
Trăm cơn bão tố cuộc đời 
Ngàn cơn bỉ cực chẳng hồi thái lai 
Chỉ là trường khúc bi ai 
Để là như thuở bán khai điêu tàn 
Như gi vỡ tổ gọi đàn 
Như đêm hụt hẫng bước chân muộn phiền 
Tìm đâu một thoáng bình yên 
Lấy đâu chứa hết oan khiên căm hờn 
Khởi đi từ buổi hoàng hôn 
Tình yêu đã hóa nỗi hờn thiên thu 
Quê tôi đã hóa ngục tù 
Dân tôi đã nhận kiếp tù đau thương 
Triệu người lê kiếp tha phương 
Bao người gởi xác đại dương , rừng già 
Sống đời không cửa không nhà 
Không cơm, không áo, không ra hồn người 
Không đang sống kiếp con người 
Chỉ là chồng chất đầy vơi hận thù 
Chập chờn giấc ngủ vào thu 
Nhạt nhòa nhân ảnh mù mờ cố hương 
Nghẹn ngào hai chữ quê hương 
Ngậm ngùi một mảnh quê hương Lạc-Hồng 
Nhớ hàng dừa rũ ven sông 
Hàng cau cao vút giữa trong sân nhà 
Vườn rau với bóng mẹ già 
Ao bèo vịt lội đàn gà loanh quanh 
Con trâu với lúa ruộng xanh 
Cò bay thẳng cánh đất lành phù sa 
Con đò xuôi mái xa xa 
Mặt trời ngả bóng chiều tà thanh thanh 
Tiếng hò bên mái nhà tranh 
Ầu ơ quyện với âm thanh võng chiều 
Gió hiu hiu, tiếng sáo diều 
Nhớ quê ai chẳng chín chiều ruột đau 
Cuộc đời cay đắng bể dâu 
Quê hương tan nát còn đâu nữa nhà 
Giập vùi những trận phong ba 
Nghĩ mà càng tủi phận ta , phận người 
Lang thang khắp đất nước người 
Thêm đau nỗi khổ của người Việt Nam 
Ngậm ngùi một kiếp gian nan...

Đọc xong; Hiếu chợt hỏi mẹ: 
  
- Nếu năm bảy chục năm nữa Việt Nam mới có sự thay đổi thì sao má?  

- Thì má sẽ đau khổ vô cùng, bởi vì má con mình đâu có lỗi gì, mà phải đi biệt xứ và chết trên mảnh đất không phải quê hương của mình. Nếu như vậy, má chỉ ước nguyện rằng, sau khi đi tới cuối đoạn “cầu tre lắc lẻo” của cuộc đời; má muốn được về gần bên nội, ngoại, về…  

- Bây giờ con thấy có nhiều người về VN lắm mà má? Hiếu chận lời mẹ.  

- Riêng má thì không và má biết chắc chắn rằng, ông bà nội ngoại cũng sẽ không bao giờ trách má. Má chỉ về khi không còn những kẻ đã làm mình phải chạy đi. Ý má muốn nói đến những người chính yếu, lãnh đạo cuộc chiến tranh phi nghĩa này, ở cả hai bên. Má không muốn nói đến những người; vì lý do này, hay lý do khác…mà can dự vào hai thế lực đó. Miễn là họ biết hồi đầu về phía dân tộc.  

Hiếu chợt giựt mình và tự trách: mình đã hỏi mẹ câu hỏi mà mình không nên hỏi. Đôi khi, có những câu hỏi không nên hỏi, mà chỉ nên tự tìm hiểu mà thôi! Nhìn hai mắt mẹ đã đỏ hoe, Hiếu tìm cách đưa câu chuyện về hướng khác:  

- Việt Nam mình hồi trước chỉ có miền trung và miền bắc thôi hả má?  
Ngừng lại giây lâu; để cơn xúc động nguôi dần và cũng để nói sao cho vắn tắt, gọn gàng, dễ hiểu cho con. Bà Tám nói:  

- Ờ…ở thời kỳ suy bại cuối đời nhà hậu Lê, Mạc Đăng Dung thừa cơ cướp ngôi vua lập nên nhà Mạc, được mấy mươi năm, họ Trịnh và họ Nguyễn đứng lên phò nhà hậu Lê đánh nhà Mạc. Họ Trịnh ở “đàng ngoài” (miền bắc VN), họ Nguyễn ở “đàng trong” (miền trung VN). Lúc đó nước mình chưa có miền nam. Cuối cùng thì họ Trịnh diệt được nhà Mạc; đưa con cháu nhà hậu Lê trở lại ngôi vua nhưng chỉ là vua bù nhìn thôi! Quyền binh nằm hết trong tay hai họ Trịnh và Nguyễn. Hai họ này đều lấy việc phò vua Lê mà tranh quyền lẫn nhau. Hai họ đều xưng Chúa ở hai đàng. Thời này gọi là Thời Trịnh-Nguyễn phân tranh. Ở thời này; nước mình mới có tới đất Bình Định mà thôi. Các đời Chúa Nguyễn vì đánh nhau với Chúa Trịnh mà chiếm luôn mảnh đất còn lại của Chiêm Thành (miền trung ngày nay); lấn dần xuống miền nam. Sử sách ghi chép: đây là sự nghiệp mở mang bờ cõi của Chúa Nguyễn…dân Việt mình theo các đời Chúa Nguyễn mà xuống tận Cà Mau. Chúa Nguyễn đã không đánh chiếm toàn bộ mảnh đất miền nam; như miền Thuỷ Chân Lạp chẳng hạn...dân Việt tự kéo xuống để khai khẩn đất hoang và vua Chân Lạp đã nhường phần đất này cho Chúa Nguyễn…Cuối thời Trịnh Nguyễn phân tranh; nước mình được nối dài thành hình chữ S như ngày nay…  

Bé Hoài đã ngủ trở lại. Bà Tám nhẹ nhàng đặt bé xuống nôi. Hiếu ngồi yên lặng bên chồng sách, báo và cái computer đang mở. Hiếu nhìn vào màn ảnh và đọc lại những gì mình đang viết…Hiếu đang viết lại đoạn đầu bài thơ của cha mình và dùng computer để làm ra trong dạng của một quyển sách, cỡ nhỏ hơn cuốn tập học trò.  

Đoạn đầu của bài thơ này gồm hơn bốn trăm câu, làm theo thể lục bát; bắt đầu từ thời Bách Việt con cháu của vua Thần Nông. Đây là một bài thơ sử và đoạn đầu này viết đến đời hậu Lê với vua Lê Lợi. Một bài thơ thuần tuý viết về lịch sử dân tộc VN và có tựa đề là "Trường ca Lời Ru Của Mẹ". Hiếu nhìn bốn chữ Lời Ru Của Mẹ; chữ Mẹ…chắc cha mình muốn nói là Mẹ VN nhưng bốn chữ này vẫn làm cho Hiếu nhớ đến lời ru của chính mẹ mình, văng vẳng trong tiềm thức; nhứt là ba tháng “nghỉ ngơi” ở nhà này, Hiếu vẫn nghe thấy lời ru, câu hò của mẹ…Cũng như Hạnh; câu ca, giọng hò của mẹ gây nhiều cảm xúc cho Hiếu. Hiếu cảm thấy yêu quê hương, nhớ nhà xưa, xóm cũ của mình. Cũng trong vùng ký ức thăm thẳm đó, Hiếu vẫn nhìn thấy lờ mờ, những tháng ngày còn sống ở quê nhà với bà nội, với khóm trúc, hàng cau, với vườn rau, ao cá, với đàn gà vịt lăng xăng trong sân nhà… 
  
Tất cả những hình ảnh yêu thương đó giờ chỉ còn có thể thấy lại trong tâm tưởng, tất cả đã nằm trong một trời quá khứ mịt mờ nhưng những hình ảnh đó vụt trở nên sống động khi Hiếu nghe được giọng hò của mẹ ru bé Hoài trong những buổi chiều tàn nhạt nắng…  

Ông bà ngoại của Hiếu đã qua đời trước khi mẹ Hiếu về làm dâu cho ông bà nội…cả một đời, Hiếu chỉ được gặp cha có mấy lần nhưng không nhớ rõ vì còn quá nhỏ. Ông nội thì qua đời khi Hiếu mới sanh, chỉ có bà nội là gần gũi nhiều với Hiếu cho tới khi theo mẹ vượt biên và bà nội cũng đã qua đời khi Hiếu đã ở Úc được độ ba năm. Hiếu nhớ nội! Hiếu nhớ những buổi chiều hai anh em ngồi nghe nội kể chuyện xưa, tích cũ… 
  
Dạo đó ở VN, bà nội và mẹ Hiếu không đồng ý về nhiều điểm trong sách giáo khoa của chế độ mới. Anh em Hiếu không đi học ở trường mà chỉ học ở nhà do mẹ dạy. Bà nội cũng dạy cho anh em Hiếu về chữ quốc ngữ. Nội cũng kể nhiều về lịch sử cận đại và quê hương mình...  

Hiếu miên man nghĩ về giòng họ nội của mình…rồi tiếp tục công việc đang làm dở dang từ mấy tuần nay…



CHƯƠNG KẾT
 
Hôm nay là thứ Bảy, gia đình bà Tám làm tiệc sinh nhật ba tuổi cho bé Hoài. Bữa tiệc hôm nay trở nên vui vẻ hơn vì tuần trước, Hiếu đã hoàn tất khoá học sửa chữa computer và sắp nhận việc làm; còn Hạnh đang học năm thứ hai đại học Sư phạm tại Sydney đã được mấy tháng. 
  
Sinh nhật bé Hoài đúng ra là vào thứ Ba tuần tới nhưng gia đình chọn hôm nay làm tiệc cho bé. Đây là tiệc sinh nhật đầu tiên của bé Hoài bởi bà Tám nghĩ rằng; năm nay bé mới có thể nhận thức được về ý nghĩa của bữa tiệc mà gia đình đang làm cho bé. Mấy năm nay, bé là nguồn vui của mọi người trong nhà, bé nhận được nhiều tình thương từ mọi phía; cha mẹ, anh chị…Hôm nay; bé mặc đồ đẹp, vui cười lăng xăng trong khi mọi người lo dọn đồ ăn lên bàn với cả quà và bánh sinh nhật của bé nữa. Bé được mọi người vỗ tay vừa cười, vừa hát bài Happy Birthday cho bé, bé được thổi ba cây đèn cầy trên bánh sinh nhật, bé được chụp rất nhiều hình để kỷ niệm bé lên ba, nhứt là khi mở quà…Dĩ nhiên; bé có rất nhiều nét giống dượng. Nhìn dượng, Hiếu thấy có dáng dấp của một nghĩa sĩ, chịu bó tay vì thời cuộc… 

Sau bữa tiệc, dượng đề nghị với mẹ Hiếu một việc; một việc mà bà Tám cảm thấy kỳ kỳ, khó nghĩ. Dượng nói: hôm nay bé Hoài đã được ba tuổi rồi mà dượng và má vẫn chưa có ngày vui chánh thức; ý của dượng muốn nói đến ngày đám cưới của dượng và bà Tám.  

Việc này đã làm cho bà Tám khó nghĩ; bà nghĩ việc này có một điều gì không ổn. Năm nay bà đã bốn mươi lăm, tuổi mà người ta có cháu nội, cháu ngoại rồi mà còn làm đám cưới. Thiên hạ cười chết!  

Ở xứ này; chuyện đó là chuyện thường tình với người Âu Tây và cũng thỉnh thoảng xảy ra với cả người mình trong thời gian gần đây. Ở đây và ở hoàn cảnh này; chuyện đúng, sai chẳng mấy ai đặt ra. Nhưng vấn đề là bà vẫn cảm thấy ngượng ngùng với chính bà, với con cái và cả những người quen biết! Bà đem chuyện này bàn riêng với hai con. Cả hai đứa đều đồng ý với tất cả những gì bà đã nghĩ nhưng chúng cho rằng: không tổ chức đám cưới cũng là điều không đúng…  

Cuối cùng thì bà Tám cũng đồng ý tổ chức đám cưới nhưng chỉ mời vài người bạn rất thân của dượng, rồi chỉ đặt một bàn tiệc duy nhứt tại nhà hàng và bà không mặc áo cô dâu trong ngày đám cưới. Dượng tỏ ra rất hài lòng về sự quyết định của bà Tám bởi vì với dượng, đó chỉ là một kỷ niệm cho mọi người trong gia đình này nhứt là bé Hoài. Còn dượng thì Hiếu hiểu rằng: bây giờ; trên đời này, không có gì đáng để vui, mà cũng chẳng có gì đáng để buồn trong quãng đời xa xứ của ông…  

Hôm sau; cả nhà xúm lại xem hình sinh nhật của bé Hoài, chỉ không có dượng; dượng đang đi đến nhà in để in thiệp cưới; dù rằng chỉ có vài chục thiệp thôi và đa số là gởi về VN, gởi như để thông báo nhưng ông vẫn muốn in cho thật đẹp, thật trang trọng…  

Nhìn hình; bà Tám thấy mình đã già nhưng bà cảm thấy vui khi thấy trong hình cả ba đứa con bà đều nhìn rất sạch sẽ, sáng sủa. Vết thẹo trên mặt thằng Hiếu đã mờ hẳn và cái răng gãy của nó đã được trồng lại…Đến nay thì gia đình bà đã ở tại Úc được mười bốn năm và đây cũng là lần đầu tiên bà chụp hình chung với các con trong một mái ấm gia đình mà bà cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Bà nhìn mãi những tấm hình này…  

- Ủa! Bữa nay là Chủ Nhựt! Ngày mai là ngày anh hai đi nhận việc làm đó má. Hạnh đột nhiên nói.  

- Ờ…con không nhắc má cũng nhớ chớ bộ. Ngày mai là ngày đầu tiên đi làm trong đời thằng Hiếu mà làm sao má lại không nhớ. Bà Tám vừa trả lời Hạnh, vừa quay qua Hiếu. Bà nói tiếp:  

- Lát nữa rảnh con lo sửa soạn cho ngày mai nghe Hiếu. Ngừng bớt công việc thường ngày lại, để cuối tuần hãy làm. Mỗi ngày sau khi đi làm về, con chỉ nên làm trễ lắm là chín giờ tối thôi, đặng ngủ sớm, chớ đừng thức khuya như mọi ngày. Công việc con đang làm còn lâu dài. Ờ…mà con làm tới đâu rồi Hiếu?  

- Dạ…Con nghĩ...bữa nay, hay mai con sẽ làm xong phần bài thơ con làm mất. Con dùng computer làm bài thơ của ba thành cuốn sách đẹp lắm má. Hễ rồi; con sẽ in ra thử một tập cho má coi…  

Hiếu cõng bé Hoài trên lưng, đứng ở cửa phòng khách vừa cười rất tươi, vừa nói với mẹ và Hạnh. Bà Tám hỏi:  

- In ở đâu? Rồi tốn kém bao nhiêu con? Sao không để xong xuôi rồi hãy in…  

- Đâu phải má! Cuốn sách in ra đặng ở nhà mình đọc thì computer của mình làm được chớ đâu cần phải đem đi đâu in. Cuốn sách nháp thôi mà…Computer bây giờ làm được tất cả những việc mà anh hai đang làm. Hạnh chận lời mẹ.  

- Vậy hả con? Má đâu có biết. Đâu! Con làm mau rồi in ra một tập cho má coi nghe Hiếu?  

Hiếu dạ rồi cõng em đi trở về phòng mình. 
  
- Bữa nay mình nấu chè ăn đi má. Hạnh nói với mẹ.  

- Con muốn ăn chè gì?  

Chợt chuông điện thoại reo vang. Hạnh chạy nhanh đi cầm điện thoại. Bà Tám ngồi lại trong phòng khách một mình. Bà coi lại cuốn album dầy cộm những hình ảnh của cả gia đình bà mới chụp hôm qua nhân tiệc sinh nhật ba tuổi của bé Hoài.  

- Má à! Dượng bị đụng xe rồi! Hạnh vừa chạy ra vừa nói, mặt xanh như tàu lá chuối, hai con mắt trợn tròn.  

Bà Tám đứng bật thẳng lên, để rớt cuốn album xuống đất, hai con mắt bà trợn dọc, sáng quắc. Bà nói như la lớn:  

- Trời thần ơi! Rồi ổng sao rồi?  

- Nghe nói đụng xe nặng lắm, xe cứu thương đã chở dượng vô bệnh viện Liverpool. Hạnh nói rất nhanh.  

Tiếng ồn ào của Hạnh và bà Tám làm Hiếu ôm bé Hoài chạy ngược ra phòng khách. Hạnh nói cho anh hai mình nghe về sự việc vừa xảy ra, Hiếu để em bé xuống rồi mau lẹ đi lấy cuốn điện thoại niên giám, tìm số điện thoại của bệnh viện Liverpool, Hiếu chạy vô phòng, gọi tới bệnh viện...  

Hạnh ẵm bé Hoài trên tay, nhìn mẹ. Bà Tám vẫn đứng như trong tư thế lúc đầu, đứng như pho tượng, không hề thay đổi, kể cả gương mặt. Hạnh nhìn mẹ, linh cảm một việc không lành kế tiếp. 
  
Hiếu chạy trở ra phòng khách, trừ bé Hoài; gương mặt mọi người đều giống như nhau là: tái ngắt. Hiếu la lớn:  

- Dượng chết rồi!  

Hạnh nhìn mẹ; mẹ đã linh cảm được vấn đề. Mẹ đã chảy nước mắt ra trước khi Hiếu nói và khi Hiếu vừa nói xong thì Hạnh thấy mẹ mình như rụng rời tay chân, lưng như bị gù xuống và đã đột nhiên như già hẳn đi nhiều tuổi. Hiếu chạy lại đỡ mẹ ngồi lại xuống ghế.  

- Má bình tĩnh lại đi má! Hiếu vừa nói, vừa đưa tay xoa nhẹ lên lưng bà Tám.  

Hiếu và Hạnh đều khóc, luôn cả bé Hoài! Nhưng bà Tám không khóc. Bà ngồi bất động không nói nửa lời. Mắt bà đăm chiêu nhìn vào một chỗ như đang nhìn vào một khoảng nào đó, trong cõi hư vô, xa xăm vô tận…  

- Bây giờ mình vô nhà thương nghe má? Hạnh hỏi mẹ.  

Bà Tám không trả lời, vẫn ngồi yên bất động. Hạnh ẵm em bé lại ngồi bên cạnh mẹ, đưa tay nhẹ vén mái tóc đang lòa xòa rũ xuống che hết khuôn mặt của bà. Hạnh lặp lại câu hỏi vừa rồi:  

- Mình thay đồ rồi đi vô nhà thương nghe má?  

Hạnh vừa nói, vừa nhìn vào khuôn mặt của mẹ. Hạnh cảm nhận được nỗi đau tột cùng của mẹ. Bà Tám quay lại nhìn Hạnh, nhìn Hiếu. Hạnh cảm thấy ánh mắt mẹ mình hơi lạ; ánh mắt của một người có một cuộc sống bình yên và chưa hề trải qua một nỗi bi thương nào… 
  
Rồi bà đứng lên theo các con đi thay đồ và đón xe, cùng đi đến bệnh viện.  

Hôm nay là ngày đưa dượng ra nghĩa trang. Trời đang giữa mùa đông; không gian lạnh buốt bao quanh một quang cảnh ảm đạm lạ thường. Gia đình bà Tám đã không thông báo cho bất cứ ai về sự ra đi của dượng. Đi theo xe tang, chỉ có duy nhất một chiếc xe của người láng giềng bên cạnh nhà. Người láng giềng này cùng đi theo và cũng là tài xế chở bốn mẹ con bà Tám đi tiễn đưa dượng đến nơi yên nghỉ cuối cùng.  

Trong nghĩa trang; tất cả mọi người đều âm thầm, lặng lẽ! Không một tiếng khóc, cũng không ai nói một lời nào, ngoại trừ bé Hoài với những câu hỏi vu vơ, thơ dại…  

Cũng như mọi người; Hiếu đứng lặng thinh nhìn nơi an nghỉ ngàn thu của dượng. Hiếu cảm thấy xót xa cho một kiếp người…cũng như vạn vật hiện hữu trên đời: Đã đến để đi. Đã hợp để tan. Đã không để có. Đã có để không…  

Hiếu nhìn bé Hoài rồi bỗng thấy thương dượng. Dượng đã không chết ở chốn sa trường đầy máu lửa, không chết trong ngục tù tăm tối, đau thương và bây giờ; dượng đã âm thầm nằm xuống. Âm thầm gởi nắm xương tàn nơi đất khách, quê người. Hiếu nhìn mẹ. Mẹ cũng vẫn lặng yên như từ sau khi nghe tin dượng chết. Bây giờ mẹ vẫn đứng đó, vẫn nhìn và không một giọt nước mắt trên mi.  

Suốt gần năm năm dượng sống chung với gia đình Hiếu. Hình như; Hiếu chỉ thấy vài lần ông mỉm cười. Hiếu nhớ một lần mỉm cười của dượng, khi ông nhắc tới lần ông đi trình diện học tập cải tạo; dượng nói và mỉm cười: "dượng đã đóng tiền xin đi ở tù"! Dượng nói chuyện nghe nhỏ nhẹ, truyền cảm. Dượng là người có nhiều tư cách của một anh hùng bị ngã ngựa; sống lủi thủi, lặng câm với tháng ngày còn lại của đời mình… 
  
- Thôi! Mình về đi má!  

Tiếng nói của Hạnh làm Hiếu giựt mình nhìn lại. Mọi việc hình như đã xong tự lâu rồi. Nấm mộ đã thành hình; dượng đã nằm sâu trong lòng đất lạnh. Chiếc xe tang và những người trong chiếc xe ấy cũng đã đi đâu mất. Chỉ còn trơ lại bốn mẹ con của Hiếu và hình như mỗi người đều đang theo đuổi một suy tư của riêng mình. Quên về…  

Hiếu nhìn ra xa xa; người láng giềng đang ngồi yên lặng trong xe chờ đợi. Hiếu bước đến dìu một bên tay mẹ và lặp lại lời của Hạnh:  

- Thôi! Mình về đi má!  

Hôm nay là lần thứ hai anh em Hiếu đi thăm mẹ tại bệnh viện. Bây giờ mới chín giờ sáng, ở bệnh viện vắng hoe người. Đây là bệnh viện tâm thần dành riêng cho những người mất trí, điên loạn, dại khờ…bà Tám đã được đưa tới đây hơn ba tuần lễ trước.  

Khoảng một tuần sau khi dượng qua đời. Vào một buổi tối, Hạnh phát giác mẹ mình không có ở trong nhà; anh em Hiếu quýnh quáng chạy đi kiếm khắp nơi trong xóm, vẫn không thấy mẹ. Hiếu về nhà gọi điện thoại cho cảnh sát nhờ họ phụ kiếm giùm…  

Từ khi tới Úc, anh em Hiếu biết mẹ mình sống một cuộc đời khép kín, ít giao thiệp với ai, nếu có thì sự giao tiếp này rất chừng mực. Cho nênsuốt mười mấy năm nay, bà chưa từng đến chơi nhà ai…anh em Hiếu không ai nói với ai, cũng hiểu được rằng sự vắng nhà của mẹ là một việc không bình thường. Hiếu đã không thể đi làm sau ngày nhận việc. Còn Hạnh phải tạm nghỉ học để ở nhà coi em và cùng với anh mình, tìm mẹ…  

Thời gian này Hạnh đã sống và cảm nhận được sự “lắc lẻo” của cây “cầu tre” cuộc đời, dù rằng Hạnh mới ở đoạn đầu của nó…Rồi hôm qua, cảnh sát và cả nhà thương nữa, đều điện thoại đến báo tin là bà Tám đang bình yên trong bệnh viện... 
  
Ba anh em tức tốc vào nhà thương thăm mẹ. Mới chỉ một tháng sau ngày dượng mất mà bà Tám nay nhìn đã già đi hơn trước rất nhiều. Bé Hoài không nhìn ra mẹ và bà Tám thì không nhận ra ba đứa con của mình! Nhìn mẹ, Hạnh thấy bà gầy gò hơn trước; dáng điệu vẫn bình thường và vẫn hiền lành như trước nhưng cử chỉ vui vẻ khác thường. Bà vuốt đầu bé Hoài, vừa cười vừa nói với Hạnh:  

- Chèng ơi! Thằng nhỏ dòm dễ thương qua heng. Cậu mợ mới có đứa đầu đây hả? 
  
Hạnh ngồi nói chuyện với bác sĩ rất lâu. Bác sĩ hỏi nhiều về quá khứ của bà Tám. Hỏi về tất cả những gì đã xảy ra cho bà, cả trong quá khứ xa xôi từ lâu trước nữa…Qua cuộc nói chuyện với bác sĩ, hơn ba tiếng đồng hồ. Anh em Hạnh hiểu được rằng sự chịu đựng về đau khổ của mỗi người gây nên bởi ngoại cảnh xung quanh, được đơn giản hoá lại như một cái ly đựng nước; cái ly đựng nước đau khổ này của bà Tám đã chứa đựng tương đối nhiều bởi quá khứ từ VN, cho đến khi bà nghe tin ông Tám chết…Rồi cái ly này được đong đầy ở lúc bà nghĩ rằng xã hội đã cướp đi đứa con trai duy nhất của bà với ông Tám…  

Bà Tám là một người nhạy cảm và có nhiều cảm xúc với ngoại cảnh; cho nên những người khác, có những hoàn cảnh tương tự như của bà và người ta vẫn có thể chịu đựng được, còn bà thì không! Cái chết đột ngột của dượng không ít thì nhiều đã như một giọt nước làm tràn ly nước đã quá đầy này! Bà Tám trở nên người mất thăng bằng về tâm trí từ đó… 
  
Bác sĩ khuyên anh em Hiếu nên giúp bà bằng cách đưa ra những kỷ niệm, hoài bão…những gì đặc biệt trong quá khứ, dĩ vãng của bà để đánh thức tâm trí của bà trong vùng ký ức mịt mù đó. Cách này là một cách hữu hiệu giúp bác sĩ khôi phục trở lại một phần nào sự thăng bằng về tâm trí cho bà Tám…  

Đó là chiều hôm qua và cũng là lần đầu tiên anh em Hiếu vào thăm mẹ. Về đến nhà cũng đã quá nửa khuya. Anh em Hiếu không ngủ được…  

Sáng hôm nay trở lại bệnh viện; Hiếu mới để ý và nhận ra rằng, ở tại bệnh viện này cũng có khá nhiều bệnh nhân là người Việt và cũng như hôm qua, khi vào tới phòng của mẹ; thấy bà ăn mặc sạch sẽ, đang ngồi trên giường, nhìn ra phía cửa sổ bên kia. Nghe tiếng chân người, bà quay lại nhìn; vẫn ánh mắt và nụ cười hiền lành như hôm qua. Bà hỏi:  

- Ủa! Chưa về hả? Nhà ở xa hôn?  

Hạnh dắt em tới gần mẹ; hai chị em đều gọi:  

- Má!  

Bà Tám nhìn; vẫn trong vẻ ngạc nhiên. Hạnh và cả bé Hoài đều ôm mẹ khóc. Bé Hoài nói:  

- Sao má ở đây? Sao má không chịu về nhà với bé Hoài? Bé Hoài luôn xưng hô với mọi người như thế. 
  
- Má thấy bé Hoài có ốm nhiều hơn trước không má? Hạnh buông mẹ ra; nhìn bà rồi hỏi.  

Bà Tám hơi cau mày; quay mặt nhìn xa xăm ra phía cửa sổ hồi nãy, lặng yên không nói. Hạnh lấy cuốn album gồm tất cả hình ảnh của cả nhà chụp hồi tháng trước, hồi tiệc sinh nhật đầu tiên của bé Hoài và cả cái giỏ bằng da có hình của ông Tám nữa. Hạnh mở ra cho mẹ xem. Vừa xem hình, Hạnh vừa chỉ và nói với mẹ, như là bà Tám đang ở nhà và không có chuyện gì đã xảy ra cho mẹ.  

Đã xem hết hình rồi mà bà Tám vẫn không nói gì. Bà chỉ lặng thinh nhìn mọi người, rồi lại quay nhìn ra cửa sổ…  

Cứ như thế, ngày ngày ba anh em của Hiếu đều đến bệnh viện và quanh quẩn ở bên mẹ, cho đến tối mới về nhà. Đến nay, bà Tám đã ở trong bệnh viện gần ba tháng.  

Hôm nay, khác với những ngày khác. Những ngày khác; bà Tám đôi khi vẫn muốn chứng tỏ với mọi người là; bà là người rất bình thường, không mất trí gì cả! Hạnh chỉ cho mẹ tấm hình của bé Hoài chụp hồi bé mới được khoảng ba tháng tuổi, bà Tám nheo mắt nhìn thật lâu; trong khi Hạnh đang ôm bé Hoài vào lòng và vô tình hát nhỏ những câu hò mà bà Tám thường ru anh em mình ngủ. Hạnh hát đến đoạn…“Con đi trường học, mẹ đi...về nhà”! Bà Tám chợt nói rất nhanh:  

- Đâu phải! “Mẹ đi trường đời” chớ!  

Cả Hiếu và Hạnh đều la lên:  

- Ủa! Má nhớ ra rồi đó…  

- Má nhận ra tụi con chưa má? Hạnh nè, bé Hoài nè, anh hai nữa nè… 
  
Bà Tám vẫn không nói thêm câu nào; bà vẫn nheo mắt nhìn ra cửa sổ bên kia. Hiếu như chợt nhớ ra điều gì, không kịp nói với em một lời nào. Hiếu chạy nhanh theo lối ra ngoài của bệnh viện. Vừa chạy, Hiếu vừa nhận ra là mình đang khóc…Hiếu chạy về nhà. Hiếu về nhà để lấy cuốn sách mà Hiếu đã dùng computer ghi lại phần đầu bài thơ của cha mình. 
  
Trở lại bệnh viện; gặp mẹ. Hiếu đưa cho mẹ cuốn sách có bìa màu thật đẹp. Trên bìa sách in sáu chữ to và đậm: “Trường ca - Lời Ru Của Mẹ”. Bà Tám chăm chú nhìn cuốn sách nhưng không mở ra. Hiếu nói:  

- Con đã làm xong cuốn sách chép bài thơ của ba rồi đó má nhưng con quên không đưa má coi! Má coi con làm đẹp không má?  

Nói xong, Hiếu đọc từ đầu tới cuối những gì trong cuốn sách đó, Hiếu đọc thuộc lòng. Bà Tám từ nãy đến giờ vẫn không mở sách ra nhưng đến khi nghe Hiếu đọc gần xong thì hai hàng nước mắt của bà chảy xuống, bà ôm Hạnh và bé Hoài khóc nức nở. Hiếu bước tới ôm mẹ và hai em; cả bốn mẹ con đều khóc…Mấy phút sau đột nhiên bà Tám nói: 

- Con đi đóng cửa phòng lại Hiếu.  

Hiếu đi tới đóng cửa phòng rồi trở lại bên mẹ. Bà Tám đặt bé Hoài ngồi vào lòng mình, bà coi kỹ lại cuốn sách, bà thấy tên ông Tám - chồng của bà - in trịnh trọng trên bìa cuốn sách. Bà quay qua nói với Hiếu câu nói mà bà đã nói trước đây mỗi khi bà muốn nghe những bài thơ từ trong báo:  

- Má đâu thấy rõ đặng đọc! Đâu…con đọc chậm chậm lại, để má dò theo coi con viết trúng không Hiếu?  

Hiếu dạ, rồi ngồi xuống cạnh mẹ. Hiếu đọc: 

 
TRƯỜNG CA - LỜI RU CỦA MẸ (4)

Ngày xưa không mấy xa xưa 
Ngày tôi chưa lớn cũng chưa biết buồn 
Chẳng buồn chiều hạ mưa tuôn 
Chỉ riêng đôi mắt mẹ buồn sang thu 
Ngày xưa đông đến sương mù 
Hết đông vui nhộn mỗi mùa xuân qua 
Giãi dầu giông bão nắng mưa 
Đong đưa chiếc võng năm xưa mỗi chiều 
Mẹ ru trong gió hiu hiu 
Lời ru trong cõi tiêu điều gian nan 
Giọng ru trong tiếng võ vàng 
Hôm nay như vẫn ẩn tàng trong tôi 
Ru tôi từ thuở nằm nôi 
Đến khi khôn lớn thành người Việt Nam 
Việt Nam- Mẹ bảo Việt Nam 
Việt Nam Bách Việt họ hàng chi tông 
Bách Việt con cháu Thần Nông 
Cùng trong một giống Tiên Rồng mà ra 
Bách Việt trăm họ một nhà 
Thời xưa Âu Việt sau là Quảng Tây 
[<font]Dương Việt ắt đất Giang Tây 
Ngày xưa U Việt sau này Triết Giang 
Quảng Đông: Đông Việt rõ ràng 
Mân Việt: Phúc Kiến nối giang san nhà 
Lạc Việt tức bắc Việt ta 
Việt Thường: Thanh-Nghệ-Tĩnh là hôm nay 
Năm mươi thế kỷ cách nay 
Dần dà đất nước về tay người Tàu 
Mẹ ru trong tiếng thương đau 
Mẹ thương Bách Việt mất nhau phũ phàng 
- Việt Nam; mẹ bảo Việt Nam 
Việt Nam sau gọi Văn Lang, Hồng Bàng 
Văn Lang với họ Hồng Bàng 
Hồng Bàng dựng nước Văn Lang: Vua Hùng 
Văn Lang mười tám đời Hùng 
Một thời con Lạc cháu Hồng hoan ca 
Một thời non nước thái hòa 
Văn minh, văn hóa khởi đà từ đây 
Yêu thương, đùm bọc, xum vầy 
Yêu thương như việc: Giây, cây, cau, trầu 
Ẩn trong sự tích trầu cau 
Sau thành tục lệ ăn trầu nhuộm răng 
Con ơi có nhớ hay chăng 
Cũng trong huyền sử Văn Lang, vua Hùng 
Ta còn sự tích bánh chưng 
Mặt trời, trái đất: Bánh chưng, bánh dày 
Lưu truyền cho đến hôm nay 
Khúc quanh lịch sử sau ngay thời này 
Tổ tiên Bách Việt loay hoay 
Loay hoay đoàn kết để xoay cuộc thời 
Thế là Âu Lạc ra đời 
Hùng Vương hết nghiệp đến thời Thục lên (*) 
(*) Văn Lang nhà Thục và vua An Dương Vương 257-207 trước Tây lịch (ttl). 
Đóng đô ở đất Phúc Yên (Phong Khê) 
Cổ Loa được dựng để yên sơn hà 
Vì Tần xâm chiếm nước ta 
Tần không thắng được chúng đà lui binh 
Bách Việt tái thống nhất mình 
Triệu Đà dựng nghiệp dấy binh ngập trời 
Thế là Nam Việt ra đời 
Một trời, một đất, một thời mênh mông 
Quảng Tây, bắc Việt, Quảng Đông 
Tuy chưa đủ đất cha ông giống nòi 
Nhưng là nước Việt hẳn hòi 
Đến khi Tần phải vào thời cáo chung 
Lưu Bang, Hạng Võ tranh hùng 
Lưu Bang thắng Hạng vẫy vùng bắc phương 
Nam Việt với Triệu Vũ Vương 
Khởi suy từ buổi Vũ Vương băng hà 
Hán xua quân đánh nước ta 
Nước ta tể tướng Lữ Gia kiên cường 
Nhưng không chống nổi bạo cường 
Vua, tôi bị giết quê hương thuộc Tàu (*) 
(*) Văn Lang nhà Triệu 207-111 ttl Thời kỳ bắc thuộc lần thứ nhất từ năm 111-39 ttl 
Con ơi khởi sự thương đau 
Ngàn năm bắc thuộc khởi đầu từ đây 
Hơn trăm năm trước lịch Tây 
Đau thương, oan nghiệt đắng cay cho mình 
Cái thằng Tô Định yêu tinh 
Nó làm Thái thú đất mình gian tham 
Gian tham, ác độc, bạo tàn 
Thế nên Thi Sách mưu toan dựng cờ 
Nhưng ông chẳng đặng thời cơ 
Bị giặc bắt giết, mưu cơ không thành 
Vợ ông: Trưng Trắc xuân xanh 
Cùng em, Trưng Nhị dấy thành động binh 
Tô Định thất vía hoảng kinh 
Nó cùng bè lũ yêu tinh tan tành 
Hai Bà cứu nước công thành 
Đóng đô ở đất kinh thành Mê Linh (*) 
(*) Hai bà Trưng: 40-43 stl. Hai Bà ở tại ngôi được gần hai năm. 
Một năm đất nước yên bình 
Nào ngờ Đông Hán xua binh đánh mình 
Mã Viện là tướng cầm binh 
Nó bao vây đất Mê Linh đánh bà 
Thế cô, lực cạn quân ta 
Hai Bà thua trận, nước nhà tan hoang 
Trầm mình khi đến Hát Giang 
Trưng Vương liệt nữ danh vang một trời 
Hò ơi con hỡi, con ơi 
Thế là non nước tái hồi gian nan (*) 
(*) Thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai: 43-544 stl 
Dân ta xuống biển lên ngàn 
Để tìm châu báu bạc vàng mà dâng 
Dâng cho cái lũ ma quân 
Để thằng Mã Viện về dâng Hán triều 
Con ơi non nước tiêu điều 
Suốt hai thế kỷ Hán triều trị ta 
Chúng mưu diệt chủng dân ta(*) 
(*)Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt. 
Chúng mưu đồng hoá nước ta với Tàu 
Trầm luân, tang tóc, bể dâu 
Tiếng than dân Việt niềm đau của mình 
Nhưng mưu chúng dệt chửa thành 
Hán triều tan rã; tưởng lành cho ta 
Cục diện Tam quốc bày ra 
Đông Ngô, Thục, Nguỵ chia ba nước Tàu 
Dân ta thống khổ thương đau 
Máu xương tang tóc bể dâu trội phần 
Đông Ngô nối tiếp Hán, Tần 
Giữ nguyên chánh sách nô dân nước mình 
Nữ hùng họ Triệu tên Trinh 
Cùng anh: Quốc Việt dấy binh phạt Tàu 
Cỡi voi xuất trận đi đầu 
Đánh cho bọn chúng về Tàu mấy phen 
Nhưng Ngô vẫn giữ mộng hèn 
Truyền cho Lục Dận, một tên bạo tàn 
Binh đông, tướng dữ dẫn sang 
Nhuỵ Kiều nữ tướng hiên ngang vẫy vùng 
Quyết là giữ lấy non sông 
Nhưng không chống nổi thế công giặc thù 
Hờn này mang đến thiên thu 
Bà hy sinh bởi quân thù Đông Ngô(*) 
(*) Cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu: 248 stl 
Con ơi một mảnh cơ đồ 
Bao nhiêu thế kỷ tựa hồ diệt vong 
Mẹ tri mối hận quốc vong 
Người mình giống Việt long đong bởi Tàu 
Đến thời Nam-Bắc bên Tàu 
Nước ta vẫn cảnh thương đau tủi hờn 
Có người họ Lý tên Bôn (*) 
(*) Lý Bôn khởi nghĩa năm 541. Chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai. 
Nước ta được tự chủ từ năm 544-602 stl 
Anh hùng đứng dậy rửa hờn quê hương 
Đánh tan lũ giặc nhà Lương 
Dẹp yên Lâm Ấp biên cương thu hồi 
Vạn Xuân: Tên nước một thời 
Minh quân Nam Đế, vua, tôi một lòng 
An dân thái quốc những mong 
Xây chùa dựng điện nối công nhân hiền 
Kiên cường nối nghiệp tổ tiên 
Giang sơn một mối, Rồng Tiên một nhà 
Một năm thịnh trị hoan ca 
Một năm tự chủ, vua ta, quan mình 
Những đâu khói lửa đao binh 
Giặc thù phương bắc tướng, binh dẫn vào 
Chúng gieo máu lửa thương đau 
Vua, tôi nước Vạn lao đao bởi thù 
Sáu năm mai phục chiến khu 
Việt Vương họ Triệu rửa thù quê hương (*)
(*) Năm 544, Lý Nam Đế lên ngôi, chưa đầy một năm thì giặc nhà Lương lại
sang đánh. Ông thua nhiều trận, sắp mất nước. Ông giao binh cho tả tướng quân
Triệu Quang Phục. Lý Nam Đế mất; Triệu Quang Phục đánh bại quân địch và lên
ngôi vua. Cháu của Lý Nam Đế là Lý Phật Tử không phục. Nội chiến xảy ra. 
Vẫn thời đất bắc nhà Lương 
Loạn ly đến mất nghiệp vương đế Tàu 
Nhà Trần nối tiếp theo sau 
Vạn Xuân thoát cảnh quan Tàu, dân ta 
Nhưng là nội chiến xảy ra 
Việt Vương thua trận, khởi đà quốc suy (*) 
(*) Lý Phật Tử đầu hàng nhà Tuỳ. Mở đầu cho thời kỳ Bắc thuộc lần thứ
ba: 602-938 stl 
Phật Tử họ Lý trị vì 
Nước ta bị mất bởi vì vua suy 
Bỉ cực tái diễn bởi Tuỳ 
Mười lăm năm hậu Tuỳ suy đến Đường 
Suốt ba thế kỷ đau thương 
Suốt ba thế kỷ đoạn trường dân Nam 
Đường cai trị nước An Nam 
Ác ôn, quỷ quyệt gian tham khôn cùng 
Con ơi đất nước khốn cùng 
Bao nhiêu nghĩa sĩ, anh hùng đứng lên 
Đánh tan lũ giặc mấy phen 
Như Mai Hắc Đế vùng lên diệt Tàu (722 stl) 
Thằng Quang Sở Khách về Tàu 
Nước ta lại được ít lâu an bình 
Đường say giấc mộng nam chinh 
Sai Dương Tư Húc kéo binh phạt mình 
Cùng Quang Sở Khách điều binh 
Đường-Ngu; ngu thật với mình với ta 
Con ơi xã tắc sơn hà 
Vua ta bại trận, nước ta thuộc Tàu 
Thuộc Tàu: Ôi! Lại thuộc Tàu 
Nước mình mảnh đất thương đau dặm trường 
Đến năm Đai Lịch nhà Đường 
Có người hảo hớn can cường vùng lên 
Phùng Hưng tên gọi thương quen (*) 
(*)Bố Cái Đại Vương791 stl 
Ông cho lũ phỉ teng beng về Tàu 
Thái lai non nước đồng bào 
Yên vui xum họp cùng nhau một nhà 
Một lòng kiến quốc bảo gia 
Phùng Hưng một đấng quả là minh quân 
Chăn dân với cả lòng nhân 
Đại Vương Bố Cái minh quân băng hà 
Phùng An nối nghiệp vua cha 
Nhưng không giữ nổi sơn hà An Nam 
Đường cho quân đến dụ hàng 
Phùng An nhu nhược đầu hàng Triệu Xương 
Con ơi tái cảnh đau thương 
Con ơi có xót quê hương của mình 
Một dân tộc với tử sinh 
Một ngàn năm với chiến chinh chống thù 
Hiểm nguy nhất vẫn Đường-Ngu 
Chúng dùng văn hóa xây tù nước Nam 
Chúng nuôi mộng huỷ An Nam 
Chúng nuôi mộng biến người Nam thành Tàu 
Nhưng rồi chẳng đặng vào đâu 
Suốt bao thế kỷ vẫn Tàu vẫn ta 
Cuối Đường loạn lạc xảy ra 
Nguy ra cho giặc, may ra cho mình 
Khúc Thừa Dụ dấy nghiệp binh (906-907) 
Đánh cho lũ phỉ hoảng kinh tời bời 
Tử, Sinh, yểu, thọ tại trời 
Một năm Thừa Dụ tại ngôi trị vì 
Nhưng là sao sáng một vì 
Khai thời tự trị, tôn ty tự mình 
Khúc Hạo nối nghiệp cha mình (907-917) 
Giữ yên bờ cõi, dân tình an cư 
Minh quân Khúc Hạo nhân từ 
Ở thời đất bắc họ Chu diệt Đường 
Lập ra giòng dõi hậu Lương 
Vẫn nuôi mộng chiếm quê hương Lạc Hồng 
Ngàn đời mộng chúng chẳng xong 
Ngàn năm đô hộ đã xong một thời 
Con ơi hùng sử một thời 
Con ơi bi sử một trời đau thương 
Ngàn năm lũ giặc nhiễu nhương 
Chỉ còn Lạc Việt, Việt Thường có nhau 
Nước ta Bách Việt là đâu 
Đất mình vẫn trải ở Tàu hôm nay 
Bao nhiêu thế kỷ cách nay 
Nhưng mà vẫn mới như ngày hôm qua 
Vẫn ghi trong dạ dân ta 
Vẫn chờ ngày nổi phong ba lôi đình 
Để đòi lại đất của mình 
Để thôi nhược tiểu như mình hôm nay 
Thế thời vận nước chẳng may 
Quảng Châu, vùng đất trên tay Lương triều 
Lưu Nham phản lại Lương triều 
Chiếm vùng đất ấy lập triều đình riêng 
Lập ra Nam Hán một miền 
Lũ này là mối oan khiên cho mình 
Lý Tiến với Lương Khắc Trinh 
Hai thằng chiếm giữ Tống Bình nước ta 
Hán triều bắt giữ vua ta 
Tướng Dương Diên Nghệ quả là trung quân (931-937) 
Ông nuôi chí với ba quân 
Vùng lên một trận đuổi quân hung tàn 
Nối trang lịch sử vẻ vang 
Vua quan nhà Hán như tan cả hồn 
Cho quân tiếp viện rửa hờn 
Tướng giặc: Trần Bảo xác chôn quê mình 
Hán triều thất vía hoảng kinh 
Nước ta lại được thái bình dân an 
[Nhưng Kiều Công Tiễn phản thần 
Giết Dương Diên Nghệ vương quân đoạt quyền 
Kiều là tuỳ tướng đương quyền 
Rể Dương Diên Nghệ: Ngô Quyền dấy quân (938) 
Dấy quân diệt kẻ phản thần 
Kiều liền xin Hán cho quân đến nhà 
Ngô Quyền đoán biết phong ba 
Giết Kiều để chiếm Đại La kinh thành 
Rồi mau đối phó chiến tranh 
Chiến tranh chống Hán, chiến tranh giữ nhà 
Quyết tâm nối chí nhạc gia 
Quyết tâm bảo vệ san hà nước Nam 
Hoằng Thao dẫn thuỷ binh sang 
Còn vua cha trấn ở đàng Hải Môn (Quảng Đông) 
Sẵn sàng tiếp ứng cho con 
Hoằng Thao theo vịnh Hạ Long đánh vào 
Ngô Quyền dụ chúng đuổi vào 
Đến khi nước rút ào ào tấn công 
Hoằng Thao tháo chạy trên sông 
Tàu thuyền thủng đắm bởi chông bịt đồng 
Máu thù nhuộm đỏ dòng sông 
Xác thù chìm nổi khắp sông Bạch Đằng 
Hoằng Thao chết trận Bạch Đằng 
Vua Nam Hán khóc để rằng lui quân 
Ngô Quyền đại thắng Hán quân (*) 
(*) Ngô Quyền đại thắng Hán quân năm 938 đã thật sự chấm dứt một ngàn
năm đô hộ của giặc phương bắc. Mở thời tự chủ cho dân tộc. 
Mở thời tự chủ cho dân tộc nhà 
Xưng vương đóng ở Cổ Loa 
Năm năm đất nước thái hòa yên vui 
Ngô vương vắn số qua đời 
Tam Kha em vợ; cướp ngôi cháu mình 
Khai thời nội chiến đao binh 
Hăm hai năm lẻ điêu linh nước nhà 
Mười hai quân sứ một nhà 
Mười hai quân sứ trong nhà nước Nam 
Tổ tiên phò trợ nước Nam 
Ông Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan quần hùng 
Chỉ trong mấy tháng vẫy vùng 
Sơn hà thống nhất trùng phùng quê hương 
Đinh Bộ Lĩnh: Vạn Thắng Vương (968-980) 
Nước Đại Cồ Việt; quân vương Tiên Hoàng 
Hoa Lư là đất cưu mang 
Hoa Lư cũng đất Tiên Hoàng đóng đô 
Giữ yên non nước cơ đồ 
Mười hai năm hậu cơ đồ Đinh tan 
Tướng quân thập đạo Lê Hoàn 
Lên ngôi để giữ giang san nước nhà 
Nhà Tiền Lê được mở ra 
(nhà tiền Lê 980-1009) 
Đại Hành hoàng đế quả là xứng danh 
Bình Chiêm, phá Tống công thành 
Chi Lăng chiến thắng vang danh một thời 
Hăm bốn năm ở tại ngôi 
Sơn hà xã tắc một thời an khang 
Khởi suy từ lúc vua băng 
Các hoàng, thái tử lăng xăng tranh giành 
Lê Long Đỉnh giết vua anh 
Phá tan sự nghiệp thanh danh Lê triều 
Thế là hậu Lý lập triều (1010-1225) 
Một triều bền vững với nhiều minh quân 
Sống thời tự chủ quân, thần 
Tống kiêng, Xiêm nể, Chiêm thần phục ta 
Thánh Tông vua Lý băng hà 
Nhân Tông bảy tuổi thay cha nối giòng 
Bên Tàu thời Tống Thần Tông 
Với Vương An Thạch nghênh ngông bạo tàn 
Mưu toan thôn tính nước Nam 
Vua ta biết được mưu toan của Tàu 
Sai hai tướng giỏi phạt Tàu 
Thường Kiệt, Tôn Đản: Hai đầu xuất binh 
Tôn Đản thống lãnh bộ binh 
Lý Thường Kiệt dẫn thuỷ binh tiến vào 
Đánh Tàu ngay tại đất Tàu (1075) 
Đánh cho chúng hết mưu cầu nhiễu nhương 
Ta tiên hạ thủ vi cường 
Biết mình, biết địch, biết nương thiên thời 
Vua quan nhà Tống tơi bời 
Vừa cay, vừa thẹn với người với ta 
Năm sau chúng tiến binh qua 
Tống, Chiêm, Chân Lạp kết ba đánh mình 
Hai năm vây bủa nước mình 
Cuối cùng chúng phải điều đình rút quân 
Bởi Lý Thường Kiệt đại thần 
Với thơ khích lệ dân, quân một lòng 
Bốn câu thơ dậy bể đông 
Nức lòng chiến sĩ, nức lòng dân Nam 
“Nước Nam là của vua Nam 
Sách trời đã định rõ ràng chẳng sai 
Quân xâm lăng trái ý trời 
Một phen thảm hại tời bời một phen” (*) 
(*) Bàng Bá Lân dịch
NAM QUỐC SƠN HÀ 
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư 
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư 
Như hà nghich lỗ lai xâm phạm? 
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!”
LÝ THƯỜNG KIỆT 
Quả như tiếng sấm vang lên 
Bài thơ như triệu mũi tên chống thù 
Lưu truyền cho đến thiên thu 
Sáng ngời chính nghĩa chống thù cứu quê 
Thế rồi hậu Lý suy hề 
Nhà Trần dựng nghiệp ta hề vẻ vang (*) 
(*) Nhà Trần 1225-1400. Nhà Trần thắng quân Mông cổ ba lần Lần thứ
nhất:1257. Lần thứ hai: 1285. Lần thứ ba: 1288 
Năm châu cũng phải ngỡ ngàng 
Bởi dân nước Việt ba lần thắng Mông 
Lần đầu với Trần Thái Tông 
Rồi sau liên tiếp Nhân Tông hai lần 
Khởi nghiệp Mông: Thiết Mộc Chân 
Vượt qua Vạn lý trường thành; Trung Hoa 
Vua quan nhà Tống xuýt xoa 
Đông Âu, trung Á cũng đà hàng Mông 
Vương quân các nước rúng lòng 
Giặc Mông như trận cuồng phong được đà 
Thành Cát Tư Hãn băng hà 
Cháu Hốt Tất Liệt; con A Loa Đài 
Chia nhau đánh chiếm khắp nơi 
Một nửa thế giới như rơi cả hồn 
Trung Hoa; nhà Tống phải vong 
Triều Tiên, Tây Tạng cũng trong cảnh tình 
Ba Lan, Hung phải mở thành 
Nga La Tư cũng dâng thành cho Mông 
Hẳn là một trận cuồng phong 
Thế mà Mông phải hết ngông bởi mình 
Ba lần tiến đánh nước mình 
Ba lần đại bại tan tành thảm thương 
Trần Quốc Tuấn: Hưng Đạo Vương 
Vân Đồn, Tây Kết, Chương Dương, Bạch Đằng 
Hàm Tử, Vạn Kiếp lừng danh 
Xác thù như núi xứng danh Lạc Hồng 
Toa Đô chết giữa binh đông 
Thoát Hoan phải rúc ống đồng mà đi 
Phàn Tiếp với Ô Mã Nhi 
Bị ta bắt sống trong khi rút về 
Sài Thung chột mắt chạy về 
Mông-Nguyên phải bỏ mộng hề chiếm ta 
Một lòng “sát Thát” quân ta 
Diên Hồng hội nghị quả là trứ danh 
Đại Vương Hưng Đạo xứng danh 
Anh Hùng dân tộc lưu danh muôn đời 
Hưng vong cũng tại bởi trời 
Nhà Trần hết nghiệp đến thời suy vi 
Tiếm ngôi bởi Hồ Quý Ly (1400-1407) 
Non sông tái cảnh lâm ly đoạn trường 
Nhà Minh được dịp nhiễu nhương 
Nối mưu thôn tính quê hương của mình 
Mượn danh đánh tiếng phò Trần 
Mộc Thạnh, Trương Phụ tướng quân Minh Tàu 
Dẫn binh hai ngả tiến vào 
Con ơi đất nước rơi vào tay Minh [<font](1414-1427) 
Mười ba năm thuộc nhà Minh 
Sơn hà xã tắc điêu linh tủi hờn 
Địa linh nhân kiệt Lam Sơn 
Phất cờ khởi nghĩa rửa hờn quê hương 
Ông Lê Lợi: Bình Định Vương (*) 
(*) Cuộc khởi nghĩa 10 năm của Lê Lợi 1418-1427 Đã chấm dứt thời đô hộ
của giặc Minh và lập ra nhà hậu Lê: 1428- 1527. 
Đại thần Nguyễn Trãi phò vương đuổi thù 
Chí Linh dưỡng địa chiến khu 
Chi Lăng, Tuỵ Động ngàn thu lẫy lừng 
Mười năm khởi nghĩa oai hùng 
Liễu Thăng bị giết, Vương Thông đầu hàng 
Mộc Thạnh bao bận chạy làng 
Nước Nam linh địa ngổn ngang xác thù 
Lê Lai gương sáng ngàn thu 
Bình Ngô Đại Cáo; chứng từ vẻ vang 
Hậu Lê dựng nghiệp hiên ngang 
Với Lê Thái Tổ nối trang sử hùng 
Nối thời tự chủ non sông 
Nối giòng hào kiệt, nối công anh hùng…

Sau gần ba tháng ở nhà thương, hôm nay bà Tám được xuất viện về nhà. Đi từ sân trước vào trong, tới các phòng rồi ra sân sau. Nhìn quanh; bà thấy lại hình ảnh quen thuộc của quê hương ngày cũ - Sự “điêu tàn, hoang phế” - Cha của bé Hoài đã vĩnh viễn ra đi và bà cũng đã vắng nhà hơn ba tháng. Thời gian này Hạnh không đi học được. Hiếu phải nghỉ làm và mất việc. Trong ánh mắt của bé Hoài không còn biểu lộ nét ngây thơ của hơn ba tháng trước. Nó biết cha nó đã chết và nó đã sống trong sự điêu tàn, hoang phế của gia đình hơn ba tháng nay…tất cả đã xảy ra như một cơn ác mộng…  

Cả nhà lo dọn dẹp lại nhà cửa trong sự im vắng tiếng cười của bé Hoài. Bà Tám lau chùi lại bàn thờ của ông bà, bàn thờ của ông Tám và lập bàn thờ cho dượng. Bà nhớ lại những năm tháng cuối đời của ông nội thằng Hiếu; ông cũng trầm ngâm bên những bàn thờ như thế này…Bà thắp nén nhang cho những người đi trước. Bà cũng nghiệm lời nói của ông nội thằng Hiếu và cầu nguyện cho quê hương, cho tổ quốc, cho một vùng đất bất chiến tự nhiên thành…  

Từ đó; bà Tám trở thành người mắc bệnh tâm thần "Lúc tỉnh - lúc mê”.  

Lúc mê; bà trở lại với vùng quá khứ mênh mông ở thời thơ ấu của tuổi lên năm, lên bảy...trở lại với vùng dĩ vãng sâu hút, mịt mờ nơi quê cũ xa xăm của bà...  

Lúc tỉnh; bà trở về với Hiếu, với Hạnh, với bé Hoài, với những cái bàn thờ nghi ngút khói nhang…và dĩ nhiên với cả câu kinh cứu khổ, cứu nạn…  

Cũng may bà Tám tỉnh nhiều hơn mê và cơn mê nếu có đến, cũng chỉ kéo dài một vài ngày; bù lại, những lúc tỉnh thì sáng suốt lạ thường… 
  
Hạnh đã đi học trở lại. Hiếu quyết định đi học về ngành xã hội với ý muốn được đóng góp bàn tay bé nhỏ của mình vào việc giúp cho sự quay đầu trở lại của giới trẻ đang hư hỏng. Song song đó Hiếu vẫn tiếp tục cố gắng viết tiếp phần sau bài thơ của cha mình; dựa theo tài liệu của sách vở và với sự giúp đỡ của mẹ mình, những khi bà tỉnh táo.  

Bây giờ và cũng là lần đầu tiên, với sự cố vấn của mẹ, Hiếu đã viết được một bài viết bằng hai thứ tiếng, Anh và Việt; bài viết có tựa đề là “Một suy nghĩ về tuổi trẻ Việt Nam trong xã hội Úc” được đăng tải trên cả báo Việt lẫn Úc.  

Hôm nay, khi thắp nhang lên bàn thờ; Hiếu thấy dưới di ảnh của dượng có thêm một khung hình nhỏ màu đen, bên trong là một tấm vải nhung đỏ có hai hàng chữ được viết rất khéo léo. Hiếu đọc kỹ lại và nhận ra đó là một cặp câu đối mà mẹ mình đã làm cho dượng:   
Giấc ngủ ngàn thu thôi tiếc nuối, 
Cầu tre bao đoạn hết ưu phiền! 
HẾT./.
  
(1) Kiếp Người: Thơ Đông Hải - S.A 1986 
(2) Rồi Từ Đó: Thơ Đông Hải - Z-30-D 1978  
(3) Quê Hương Tôi: Thơ Đông Hải - S.A 1986  
(4) Trường Ca - Lời Ru Của Mẹ: Thơ Đông Hải - S.A 1986-1987  
  
Trầm Thy Trang – Úc Đại Lợi 2005  
ĐÔNG HẢI - Nguyễn Đức Hiền.  
Chủ nhiệm Diễn đàn Dân Tộc: diendandantoc@yahoogroups.com diễn đàn TựDoNgônLuận: tudo-ngonluan@yahoogroups.com  và dantoctuquyet@yahoogroups.com

Cầu Tre Lắc Lẻo (toàn truyện)=> http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=822911
Cùng một tác giả; mời quý vị nhàn lãm thi tập Ở BÊN TRỜI qua đường dẫn cũng trong VNThưQuán nầy=> http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=793856            
Đông Hải-Nhạc=>http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=822409  
Tin tức âm nhạc=>http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=822352  
ĐÔNG HẢI (Đan Thanh Dạ Khúc) http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?high&m=822504&mpage=1#822504 
ĐÔNG HẢI tổng quát=>https://www.facebook.com/DongHaiNDH   
<bài viết được chỉnh sửa lúc 18.08.2015 12:09:56 bởi thuyaust >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9