RIÊNG MỘT GÓC TRỜI
Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 10 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 144 bài trong đề mục
Nguyệt Hạ 02.08.2011 05:23:01 (permalink)


                               
                          
 
 
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 10.05.2013 06:39:08 bởi diên vỹ >
#1
    Nguyệt Hạ 29.09.2011 23:22:48 (permalink)


      
    Lưu Bút Lớp Mười Một

    Trung Đinh

      



    Em gái Mười Một của anh Mười!

         Trận bão “hoàn cảnh” đã làm rơi rụng và thổi bay đi những “chiếc lá” còn xanh, đáng lẽ còn bám ở cành, còn ôm ấp những giọt sương mai, còn tắm nắng mặt trời và soi mình qua ánh trăng dịu hiền như một nàng tiên lạc giữa rừng “Bắc Pó”… Để rồi nàng tiên trong rừng “Bắc Pó” trải qua một đêm đầy tiếng chim chóc, có thể xen lẫn những tiếng gầm gừ của những “dũng sĩ” ở rừng hung hãn… Nàng tiên thú vị biết bao trước muôn chim vui hát líu lo như ngày hội, nhưng chỉ có tiếng chim hót không hay sao? còn vầng trăng sáng xuyên qua rừng, tiếng suối róc rách và những giọng “hát trầm trầm” dội vào vách đá, xuyên qua cây rừng của những chàng “chúa tể Sơn lâm” làm cho nàng ái ngại và dễ sợ…

         Qua một đêm tưởng như là mộng, nàng thửng thờ bước nhẹ trên lá khô nghe xào xạc, chiếc áo “trắng dài” của nàng bay bay trong sương mai, nàng vuốt lại mái tóc “tém đờ mi” của mình rồi mỉm cười nhìn gương mặt có khác đi trên dòng suối… rồi bâng khuâng hồi tưởng, nuối tiếc cho chuổi ngày chưa lạc bước xuống trần, ngày nàng còn làm “tiên học trò” vui đùa với áo trắng. Những ngày nhởn nhơ như cánh én đầu xuân, sắc hương như hoa bướm đầu thu, những ngày vui đùa ở vườn “thụy cúc 11B” với “Lựu Đen” thánh mẫu, những ngày nghịch ngợm trong “vườn đào 11A” với “Hương Quế Hạnh tiên”. Những ngày thật vui cũng thật bực mình với lũ thánh thần trong “vườn đào 11A”. Ôi dễ thương biết bao cái ngày còn đi xe “hoa thiêng hai bánh” đến cõi tu “cấp ba” với những quyển sổ “tương lai” đầy ắp mộng. Nàng nhớ tới những ngày cùng “binh tướng” đi gieo rắc tình thương “hôm mì” ở An Phú, những ngày đi xây dựng “vườn tiên cà phê” ở Gia Châm, những ngày đi trồng vườn “đào lúa” ở núi đá…Vui là vui. Rồi nàng cũng không sao quên được những lúc đi chơi tung tăng bên người anh kết nghĩa, một ông thần “bấp bênh” giữ vườn đào 11A, một ông anh không chìu người em mấy. Nàng tiên chợt mỉm cười khi nhớ tới cái chuyện lăng nhăng với ông thánh “Phêrô Ngọc” một cái chuyện buồn buồn không chấm hết nhưng cũng rất thú vị, rất dễ thương của tuổi thần tiên. Nàng mơ màng nghĩ tới những lúc làm chức vụ “tổng biên tập” ở vườn đào, ôi cái dáng như chim, đôi chân như sáo…. Nhớ lại những trang thư trắng trợn của cái anh “thiên lôi” nghịch ngợm Minh Tuấn. Nhớ lại những ngày nàng được làm “nàng tiên tiên tiến”, với những nét chữ của cây “long thần bút” dịu hiền đáng yêu làm sao! Nàng nhớ lại nhiều thứ quá… lại thiếp đi.

    Ánh vừng đông hừng sáng, giọt sương long lanh trên tóc, trên mi, chiếc áo len xanh ôm thiết tha vạt vải trắng dài như không muốn bao giờ xa cách. Nàng mơ, mơ những ngày thật đẹp, thật hồn nhiên của những ngày làm tiên học trò tung tăng như chim, mắt như sao mai, vạt áo trải dài như giải ngân hà, những ngày cùng bạn cùng bè đồng ca bài “Tuổi thần tiên và ước mơ” với nhịp điệu của hoa, của hương học trò, của những suối tóc xanh, của bao trái tim hồng thắm, trí óc minh mẫn, đôi tay thon dài nhẹ nhàng, tâm hồn chưa vướng bụi…. Và bên tai bao lời chúc lành của mọi người như những chiếc phượng vĩ rót vào tầm mắt “Hãy tròn đầy bao niềm mơ ước, và như cánh chim tự thuở nào êm đềm và đẹp nhất.


         Tặng Mười Một với tất cả những gì của người anh.
         Anh Mười – Trung Đinh
         12-05-1977


    Bị chú:
         Nàng tiên trong mơ thấy bạn bè lo lo lắng lắng, buồn rầu khi không thấy nàng trở về “vườn đào” nữa. Còn nàng cũng buồn và nhớ vô hạn tất cả kỷ niệm ngày nào. Đôi tay nàng co mạnh rồi nhè nhẹ ôm ngực mình như ôm chồng vở dưới ánh nắng mai nghiêng nghiêng nghe tiếng sáo suối rừng và hôn nhẹ hương đất bay lên. 
















    ******************



    Trung Đinh ơi, nếu đọc được những hàng này thì liên lạc với Nguyệt Hạ nhé.
    Mình tin rằng bạn vẫn còn đâu đó, sẽ có ngày gặp lại....
    Rất mong tin.
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 11.09.2012 07:59:15 bởi Nguyệt Hạ >
    #2
      Nguyệt Hạ 25.10.2011 23:41:48 (permalink)



      Chuyện Ngày Ấy ...



               Thanh đứng ở bồn rửa bát mà trong đầu vẫn không ngừng suy nghĩ về cú điện thoại của Nguyễn trước giờ cơm. Khi Thanh đang dở tay làm bếp, chuông điện thoại reng. Thanh quay lại để trả lời,
               - Alô, có cô Thanh ở nhà không ạ?

               - Dạ Thanh đây, anh phải không?

               - Nguyễn đây, Thanh đang làm gì đấy?

               - Thanh đang làm cơm chiều, đang chiên cá, sợ cháy quá, anh gọi lại cho Thanh tí nữa được không?
      Nguyễn không trả lời hết vài giây, Thanh phải nhắc lại,
               - Anh, Thanh phải trông cá chiên, không nói chuyện được.... tí nữa anh gọi lại cho Thanh nhé.

               - Thôi....,
      Nguyễn ngập ngừng không nói hết câu.
      Thanh sốt ruột hỏi lại,

               - Có được không anh?

               - Anh tính đến nhà thăm Thanh....

               - Em biết, anh đã nói với em rồi mà, nhưng em đang dở tay, tí nữa anh gọi lại, rồi Thanh chỉ đường cho anh, bây giờ Thanh phải ngừng, cá cháy rồi anh ạ.


                Và Thanh ngừng máy để chuẩn bị bữa cơm chiều cho gia đình. Trong lòng nôn nao vì nghĩ đến tí nữa đây hai người sẽ gặp lại nhau sau một thời gian khá dài...

                Thanh vừa kéo ghế tính ngồi vào bàn ăn thì chuông điện thoại lại vang lên. Nhấc máy, tiếng Nguyễn ở đầu dây,

                - Thanh, thôi anh không đến nhà nữa đâu.

                - Tại sao vậy anh? Thanh sắp xong rồi nè.

                - Nghĩ lại, không tiện, anh quyết định sẽ không đến gặp Thanh nữa. Chào Thanh nhé.

      Thế là Nguyễn cúp máy.


                 Thanh nghĩ mãi không ra tại sao Nguyễn lại giận dỗi như vậy. Nguyễn đi từ Washington xuống đây, một khoảng cách khá xa cho một mục đích duy nhất là gặp lại Thanh sau hơn hai năm trời xa cách....



      *****





      Từ lúc Nguyễn có danh sách rời trại, ngày nào Thanh cũng khóc vì Nguyễn sẽ đi về một nơi khác với nơi đến của Thanh. Chị Mai bảo hai đứa:
              - Hai người vào xin Cha sở làm phép đi. Chị thấy bố em khó lắm, để đi sang đấy ông cụ không cho phép cưới nhau rồi lại khổ.
              Chị không hiểu rằng, Nguyễn chưa biết tương lai ra sao làm sao dám cưới Thanh lúc này. Nguyễn ra đi, không có ai bảo lảnh, không một người thân thuộc, biết có lo được cho bản thân mình không, làm sao lo được cho Thanh, người mà Nguyễn gặp ở đây trong một thời gian ngắn nhưng đã thương yêu thật lòng. Còn Thanh, làm sao dám qua mặt bố mẹ để làm phép cưới với Nguyễn? Còn gia đình, bố mẹ, chị em, bà con…. Thanh đi sang đây một mình nhưng còn cả gia đình đang chờ Thanh kia mà.

               Trước ngày lên đường, chị Mai nấu một bữa cơm mời Nguyễn. Sau bữa ăn, hai người đi lang thang khắp các con đường ở trại. Mùa đông nên mặt trời xuống thật nhanh. Mới đó mà đã tối mịt, trên trời không thấy một ánh trăng sao nào. Cũng may là hôm nay trời không lạnh lắm. Trên con đường về gần đến nhà, Thanh muốn đi vào nhà thờ cầu nguyện. Từ nhà thờ ra, hai người lại đi xuống ngọn đồi cỏ phía dưới nhà thờ, ngọn đồi mênh mông thoai thoải chỉ có cỏ xanh mượt mà. Hàng ngày cũng có nhiều anh chị đi dạo ở đây, tối hôm nay sao vắng tanh, chẳng có một bóng nào. Ngồi xuống bên nhau, lại thở dài, lại khóc. Thanh chẳng biết nói gì hơn. Quen nhau được hơn nửa năm, giữa chốn xa lạ, không một người thân bên mình, hai người đã bắt đầu thấy tình yêu đến thật tự nhiên. Càng ngày càng quấn quít bên nhau, chuyện trò tâm sự, sao mà ý hợp tâm đầu. Cầm tay Thanh anh nói:
              - Thôi Thanh đừng buồn, anh đi trước sẽ ráng tìm việc làm, giữ liên lạc với anh rồi mình sẽ từ từ tính.
              - Em hiểu rồi. Mình không tính được gì bây giờ. Làm sao mình biết sẽ như thế nào nơi anh đến. Em còn có gia đình bên đó, anh không có ai hết, em chỉ lo anh một mình….nhỡ đau ốm thì sao….
              Nước mắt lại ứa ra, nghẹn ngào Thanh không nói hết câu. Nguyễn ôm mặt Thanh nhìn thắng vào mắt người yêu:
              - Anh biết Thanh lo cho anh nhưng cũng không nên lo buồn quá. Anh cũng đã đi một mình qua đến đây. Em buồn quá lỡ bệnh thì lại không ai lo cho em khi vắng anh.
              Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu. Thanh kéo Nguyễn nằm xuống bên cạnh. Đưa tay giật tung áo Nguyễn, Thanh úp mặt vào ngực anh vừa khóc vừa nói,
              - Em không cần nghĩ gì nữa. Chỉ cần biết bây giờ đang có anh, ngày mai anh đi rồi chẳng biết bao giờ mới gặp lại.
              Trong đầu Thanh đã biết chuyện gặp lại thật khó khăn, chị Mai nói đúng, bố Thanh rất khó, không chắc gì ông cụ đã đồng ý cho lập gia đình với Nguyễn. Bây giờ Thanh yêu Nguyễn hết sức, cô chỉ muốn có một cái gì đó làm kỷ niệm với Nguyễn trước ngày and đi. Ngày mai xa vời quá biết đâu mà hẹn ước…
           Nguyễn thấy bối rối trước tình cảnh đang xảy ra, anh tự nhủ mình phải ngừng lại. Anh rất yêu thương Thanh nhưng nghĩ đến tương lai mù mịt nơi xứ người mà chính Nguyễn không biết sẽ ra sao..., nhẹ nhàng gỡ tay cô, anh hôn lên mắt Thanh. Như tỉnh giấc, Thanh ngồi dậy và sửa lại áo cho kín đáo hơn,
              -Em chỉ muốn có một kỷ niệm với anh để nhớ hoài trong đời. Không phải em bi quan nhưng em không biết đến bao giờ mình mới gặp lại nhau…

               Sáng hôm sau, Thanh đi ra bến xe buýt để tiển Nguyễn lên đường rời trại. Lại khóc và khóc. Chẳng nói được gì với nhau trong những giây phút cuối trước khi xe lăn bánh. Bạn bè và cô giáo trong lớp Nguyễn hiểu và lảng ra xa để hai người tự nhiên. Phút chia tay rồi cũng đến. Nhìn chiếc xe xa dần và khuất hẳn tầm mắt, Thanh đi về nhà mà thấy lòng mình trống trải vô cùng. Chị Mai chờ Thanh trước cửa, ôm vai đưa Thanh vào nhà và an ủi,
              - Không sao đâu, Nguyễn nó thương cô lắm đấy, thế nào nó cũng tìm cách gặp lại.
              - Chị ơi, em không muốn nói lúc Nguyễn còn ở đây. Chị nói đúng, bố em khó lắm, không dễ gì…..
              Thanh lại khóc nức nở. Bây giờ có chị Mai hiểu cho mình, Thanh không cầm được nước mắt nữa.

               Những ngày sau đó, Thanh vẫn phải đi học đi làm như thường, nhưng cuộc sống buồn tẻ vô cùng. Trong nhà giờ chỉ còn 2 chị em. Gia đình anh chị N và cháu Ti đã có danh sách đi tuần trước. Gần hai tháng sau, Thanh có danh sách rời trại. Tội nghiệp chị Mai, không biết chồng chị ấy làm sao mà vẫn chưa có danh sách, dù là chị ở đây khá lâu rồi. Ngày đi, chị Mai và bạn bè ra tiển đưa, chị Mai còn cố nhắn Thanh,
              - Sang đấy cho chị gởi lời thăm Nguyễn. Đám cưới không quên chị nhé.



      *****



               Những ngày đầu ở Mỹ thật sự khó khăn, từ tinh thần đến vật chất. Thanh cố gắng sống và giữ vẻ bình thản bên ngoài nhưng trong lòng thì chán nản vô cùng. Thư Nguyễn vẫn đều đặn mỗi tuần một lá, an ủi, động viên Thanh rất nhiều trong những ngày tháng này. Ở tiểu bang kia hoàn cảnh của Nguyễn cũng không khá gì hơn, thư anh viết như thế này:


      Bellingham, ngày tháng năm....

      Thanh thân thương,
      Chờ khá lâu anh đã định thư cho Thanh thì nhận thư em. Thanh chờ list lâu qúa hở? Mới qua còn mệt, hơn nữa bất cứ ai mới qua đây, nhiều hay ít cũng bị shock bởi nhiều thứ. Rời một chổ quen thuộc đến một nơi xa lạ, lạ từ đất đai, lạ đến con người, v.v…. và nói chung xã hội Mỹ khác khá nhiều so với Việt nam hay ở trại tỵ nạn. Vậy trong những ngày đầu mới qua Thanh hãy cố gắng nghỉ ngơi và đừng nghĩ ngợi nhiều. Từ từ thời gian sẽ giúp mình quen dần với cuộc sống mới. Có chuyện gì buồn phiền, hãy thư và kể cho anh nghe. Như anh đã từng kể cho Thanh nghe về chuyện cuộc đời anh. Hãy cố gắng phấn đấu can đảm lên! Lúc nào anh cũng vẫn nghĩ đến Thanh, và điều quan trọng hãy luôn tin tưởng vào Chúa. Trong những lúc hoạn nạn hay đau buồn, thì càng thấy nên vững lòng tin, và được an ủi trong Chúa hơn bất cứ gì khác. Có lẽ cũng nhờ vậy mà anh đã vượt qua biết bao chông gai cho đến ngày hôm nay. Đừng buồn quá Thanh nhé! Kiên nhẫn và bình tĩnh. Anh cũng buồn, qua đây gần ba tháng mà vẫn chưa nhận được thư gia đình, rồi chuyện của mình như vậy đó làm sao không khỏi buồn được, anh chỉ còn cố gắng bằng cách vùi đầu để học và chờ đợi thôi.


          …….

          Nhận được thư anh nhớ viết cho anh ngay nhé. Không được buồn nữa. Thư sau anh sẽ nói chuyện thêm. Cho anh gởi lời thăm gia đình. Bellingham lúc này bớt lạnh nhiều. Sắp sang xuân cây cối nở hoa đẹp lắm. Anh ngừng nhé. Chúc Thanh luôn vui.


               Những bức thư như vậy đã giúp Thanh quên đi đưọc nỗi nhọc nhằn của cuộc sống mới. Hàng ngày đi học đánh máy và công việc văn phòng ở trường dạy nghề, Thanh cố gắng học thật kỹ, tối về lại chịu khó đi học thêm tiếng Anh, dù rằng từ hồi ở bên nhà cô đã có một số vốn Anh ngữ khá vững vàng. Sau 9 tháng học nghề Thanh đã có một việc làm tương đối tốt trong một nhà xuất bản tạp chí thể thao. Việc làm bắt đầu 8 giờ sáng nhưng chưa có xe nên mỗi ngày Thanh phải đón xe buýt từ 5 giờ và đi ba chuyến xe để đến sở làm. Chiều về cũng vậy, ba chuyến xe về đến nhà là gần 8 giờ tối. Có những buổi sáng Thanh đã ngủ gục và xe buýt chạy qua khỏi trạm ngừng của Thanh. Cũng không thiếu gì những ngày mưa gió, Thanh đứng chờ xe mà người bị ướt sũng và lạnh run. Một thời gian sau Thanh xin đi làm ca hai để buổi sáng đi học thêm hy vọng có bằng cấp thì sẽ có việc làm khá hơn. Từ đó, sáng đi học, chiều Thanh đi làm từ 2 giờ đến 10 giờ đêm. Lúc này Thanh đã có bằng lái xe và mua được một chiếc Honda cũ nên đỡ phải mất thì giờ trên xe buýt.
               Thời gian sau này Nguyễn vẫn gởi thư đều và thỉnh thoảng hai người còn nói chuyện điện thoại. Tiền điện thoại cũng đắt nên không thể gọi nhau hoài được. Gần hai năm xa nhau, thư Nguyễn viết,


      Bellingham, ngày tháng năm...

      Thanh thân thương,
                Tối nay cuối tuần rảnh anh lại thư cho Thanh đó. Suốt tuần vừa qua làm nguyên tuần hơn nữa lại làm vào đêm nên cũng hơi mệt, mặc dầu đã ngủ bù ban ngày. Mới hôm trước anh nhận được phone của tên bạn thân bên Cali. Hắn cứ mong anh qua bên đó, nên đến giờ này làm anh nghĩ ngợi nhiều. Thấm thoát mà mình đã xa nhau gần hai năm rồi. Đôi lúc nghĩ đến hoàn cảnh hiện tại của anh, cũng như của Thanh, anh hơi buồn. Chuyện qua Cali bây giờ không khó đối với anh vì thực sự vài tháng làm việc tuy không nhiều nhưng cũng đủ để chi dùng cho thời gian đầu. Nhưng điều quan trọng là qua bên đó nếu nghĩ đến đi học dù chỉ là học huấn nghệ thời gian ngắn là 2 năm thôi rồi làm sao anh lo được cho Thanh? …

      Thôi thì cái gì dến sẽ phải đến. Cầu mong những điều may lành đến với chúng ta. Có gì khác anh sẽ thư cho Thanh biết.  Chúc Thanh vui.



               Thanh gởi thư cố gắng nói cho Nguyễn biết rằng, bây giờ Thanh đã có việc làm tương đối vững, tiền lương cũng khá, Nguyễn không cần phải lo lắng nhiều cho Thanh nhưng Nguyễn vẫn không yên tâm. Lúc nào Nguyễn cũng nghĩ cưới Thanh là Nguyễn phải lo cho Thanh đầy đủ. Hình như tự ái của người đàn ông là như vậy.



      *****



      Và khi Nguyễn đã thu xếp để đi gặp lại Thanh, chỉ còn một đoạn đường ngắn khoảng ba mươi phút sẽ gặp nhau thì Nguyễn lại đổi ý.....


      *****



      Hai tháng sau, gần đến lễ Giáng sinh, Thanh nhận được thiệp chúc của Nguyễn cùng với 2 lá thơ trong đó.


      Bellingham, Nov. 15

      Thanh thân thương,
      Viết thêm vài dòng chữ này cho Thanh mà thật buồn đó. Và có thể nó còn vô nghĩa hơn đối với Thanh trong lúc này phải không? Hôm vừa rồi gọi phone cho Thanh anh đã định nói thật nhiều chuyện, vậy mà đến lúc gặp Thanh, anh lại nói chuyện gì đâu đâu không! Thực ra chuyện ngày hôm nay anh đã nghĩ đến từ lâu, mà thật buồn để đến bây giờ mới cố gắng viết cho Thanh được. Hy vọng những dòng chữ cuối này không làm Thanh gượng ép khi đọc nó!  Chuyện anh qua Cali và ước mơ nhiều nhất để gặp lại Thanh chắc là đành bỏ vậy. Như Thanh đã biết, cuộc sống của anh bây giờ còn đầy cái khó, muốn vươn lên chắc còn thuộc về tương lai xa. Nên anh nghĩ thà rằng buồn, để chia tay với Thanh để sẽ có những cái khác tốt đẹp hơn đến với Thanh, chứ cứ kéo dài như vậy Thanh không có được niềm vui. Hy vọng với sự chia tay này Thanh sẽ có được một cuộc sống khác thích hợp hơn và tươi đẹp hơn. Thanh hiểu ý anh chứ?  Qua đây hầu như chẳng có gia đình, bà con, chỉ một thân một mình, nếu như bất cứ trơng hoàn cảnh nào mà cũng chỉ một mình thì đó không phải là một vấn đề đối với anh. Đằng này khi nghĩ xa hơn, một ngày nào đó lập gia đình có phải là thật buồn cho người bạn đời của mình không? Anh cảm thấy có lỗi với Thanh nên chỉ mong Thanh hiểu cho sự chia tay này không bao giờ là ý muốn của anh. Và mai sau hay bất cứ lúc nào, biết Thanh sống có niềm vui là cũng đủ cho anh rồi. Anh muốn Thanh hãy nghĩ đến hạnh phúc của chính mình! Anh luôn mong sẽ có một người nào đó, gia đình họ đầy đủ, êm ấm sẽ mang lại hạnh phúc cho Thanh! Còn những gì ngày xưa mình mơ ước, ngày nay không còn, hay không được như ý, cũng chỉ tại hoàn cảnh mà thôi. Nhưng chắc nó sẽ đánh dấu một nỗi buồn thật lớn trong đời! …


            Trở về hiện tại, do đó sự ở lại đây hay chuyển qua Cali đâu còn gì là ý nghĩa nữa đối với anh. Đó cũng là lý do anh quyết định ở lại thành phố nhỏ và buồn này. Chính anh cũng chưa bao giờ nghĩ đến ngày hôm nay, hiện tại thì buồn vậy, nghĩ đến một ngày nào đó thật xa, nếu như có được tương lai thì đã mất hết những gì mình mơ ước. Không hiểu lúc đó cuộc sống có còn ý nghĩa gì? Lời cuối đến với Thanh, chỉ mong Thanh hiểu cho anh, trưóc đây cũng như bây giờ anh vẫn coi Thanh như ngày nào đó! Cầu chúc mọi niềm vui và may mắn luôn đến với Thanh và gia đình.


      Lá thư thứ hai:


      Bellingham Dec 12

      Thanh thân thương,
      Sau lúc Thanh gọi lại, anh đã định nói chuyện thật nhiều, rồi nghĩ buồn buồn sao anh lại thôi. Cũng như lá thư anh đã viết lúc trước, định gửi cho Thanh mà anh lại để lại đến hôm nay. Chắc Thanh cũng đã hiểu anh rồi chứ? Không nói thêm nhiều thì Thanh cũng biết. Cuộc sống hiện tại của anh chẳng có gì cả Thanh ạ. Anh không nghĩ về anh đâu, mà anh chỉ nghĩ cho Thanh đó. Vì anh sẽ không mang đến những gì Thanh mơ ước!  Không hiểu vì lý do gì mà anh mất niềm tin kinh khủng đó Thanh.


            Cho anh ngừng ở đây. Đọc lại những thư ngày xưa của Thanh mà buồn vô hạn. Anh lại mong được một lần gặp lại Thanh. Đừng giận anh nhé. Đến với Thanh một mùa giáng sinh thanh bình, hạnh phúc và một năm mới như ý.


               Đã nhiều lần Thanh gọi điện thoại và thư cho Nguyễn giải thích rõ ý mình nhưng hình như Nguyễn không muốn mang tiếng nhờ vợ nên vẫn khư khư giữ ý định chia tay với Thanh. Và hai người không còn liên lạc với nhau nữa.


      Sau một năm không liên lạc, lại một tấm thiệp Giáng sinh, Nguyễn chỉ viết vài hàng:


      Bellingham, Dec 19

      Thanh thân thương,
      Tất cả những chuyện đã qua, dù rằng muốn nói thật nhiều, hay là bao nhiêu dấu hỏi và những vấn đề cuối cùng của một lần chia tay đành chỉ gởi đến Thanh tấm thiệp này. Anh cầu mong Thanh luôn gặp hạnh phúc và một đêm Thánh thanh bình.


               Thêm một lá thư vài ngày sau đó,


      Bellingham Dec 28   
         
               Thanh,
               Thanh cũng như anh, ai nấy đều có tâm tư của mỗi người, dĩ nhiên nó có thể chưa mang đến một sự hòa giải, hay một lời giải thích rõ ràng nhất. Hy vọng năm tới lấy vacation chắc anh sẽ qua Cali chơi. Và có lẽ lúc đó mới có dịp nói chuyện nhiều với Thanh được. Anh ngừng, chúc Thanh vui.




      *****



               Hai năm nữa trôi qua, gần cuối năm Thanh nhận được một tấm thiệp giáng sinh từ Nguyễn, gởi về địa chỉ cũ, là nơi lúc mới qua Thanh ở đó. Đó cũng là lá thư cuối cùng của Nguyễn mà Thanh nhận được.


               Bellingham, Dec 22

              Thanh,
              Tháng 8 vừa qua, anh có qua Cali nhưng Thanh đã đổi địa chỉ.



               Chuyện của Nguyễn và Thanh đã kết thúc như thế.  Mỗi ngày, gần giờ cơm chiều, thường hay có những cú điện thoại của các hãng quảng cáo gọi. Thanh rất sợ khi tiếng chuông reng. Mỗi lần nghe, Thanh lại nhớ đến cú điện thoại của Nguyễn. Hơn 20 năm qua, Thanh vẫn nghĩ đến Nguyễn trong tâm tư. Không hiểu Nguyễn bây giờ ra sao, có khi nào nhớ lại chuyện ngày ấy .....




      Nguyệt Hạ



      #3
        NgụyXưa 27.10.2011 03:18:21 (permalink)
        "Chuyện Ngày Ấy..." đã được mang vào thư viện.
         
        Xin cám ơn tác giả Nguyệt Hạ.
        #4
          Nguyệt Hạ 27.10.2011 14:06:49 (permalink)

          Dạ NH xin cám ơn anh Nguỵ Xưa rất nhiều.

          Xin chúc anh luôn vui mạnh và sáng tác đều đều.



          #5
            Nguyệt Hạ 19.11.2011 02:18:26 (permalink)







            Mùa Lễ Năm Ấy


            Cả nhà lăng xăng chuẩn bị cho bữa ăn ThanksGiving. Năm nay vui vì có anh chị Joe từ xa về. Hàng năm, anh chị không về nên bữa ăn lễ Tạ Ơn thường không đông đủ mọi người trong gia đình.
            Còn một điều đặc biệt hơn, vui hơn là cả nhà đang chờ đón cháu bé từ vợ chồng bé Út sau bao nhiêu năm mong đợi.

            Anh chị Joe về tối hôm thứ tư. Sáng dậy, chị Joe bắt tay vào làm bánh ngọt cho món tráng miệng bữa tối. Cả nhà rộn ràng chung quanh căn bếp nhỏ. Đủ thứ mùi thơm bốc lên và tiếng cười đùa của gia đình sum hợp. Không khí cũng giống như ngày Tết ở quê nhà lúc trước. 
            Mấy chị em chia nhau nấu ăn, bé Út trổ tài làm bánh xèo, món ruột mà chị Joe rất thích. Hôm nọ, gọi điện thoại về chị nói,

            -Út nhớ làm bánh xèo hôm đó nghe, không ai làm ngon như em.

            -Chị khỏi lo, khi nào về, em làm thật nhiều cho chị ăn mệt nghỉ luôn.

            Được lời khen như thế thì dù đang mệt mỏi với cái bụng ngày càng nặng nề, bé Út cũng chịu để làm cho chị mình ăn. Cuối tuần rồi, bé Út đã đi chợ mua đủ các thứ rau thơm và tôm thịt. Hôm nay, ngủ dậy sớm, Út nhặt rau, pha bột, làm tôm thịt sẵn sàng để đổ bánh. Bây giờ nấu ăn bằng bếp gas nên đỡ vất vả hơn, ngày ấy toàn nấu bằng bếp củi nên phải trông lửa cho đều, mất thì giờ hơn nhiều. Vẫn còn nhớ mãi, những ngày mưa gió, không đi học, mấy chị em đội mưa mang gạo đi xay, ghé chợ mua ít tôm thịt và rau, về nhà đổ bánh xèo. Trời mưa, củi bị ẩm, đun lên cứ như là hun khói cho tổ ong, ngồi làm bánh mà nước mắt nước mũi dàn dụa.... Nhưng rồi cả nhà cũng có một bữa ăn thật ngon trong ngày mưa bão.

            Chị Năm nấu món cà ri gà, và chị đã cẩn thận mua gà đi bộ để thịt được dai. Nói đến món này thì khỏi chê vào đâu được, những miếng thịt gà được ướp với cà ri dầu vàng óng và chiên sơ lên thơm lừng cùng với những miếng khoai lang bí xắt thành từng miếng lớn cho khỏi bể vụn khi nấu. Nhìn đĩa cà ri lóng lánh màu vàng nghệ, cùng bánh mì nóng bên cạnh, với chanh, muối, tiêu, chưa gì đã muốn nuốt nước miếng cái ực....

            Anh Joe không ăn được thức ăn với các thứ gia vị đậm đà như cà ri, hay bánh xèo với nước mắm, ông Ngoại đã lái xe đi mua gà quay ngoài tiệm mang về cho anh. Ông không quên mua thêm mấy giỏ hoa thật đẹp để trang trí. Đến giờ, bàn ăn thịnh soạn với những món đủ màu trông rất đẹp mắt. Mọi người ngồi quanh bàn ăn và không quên dâng lời Tạ Ơn Trên trước khi bắt đầu. Đã khá lâu, cả nhà mới có được không khí đoàn tụ như vậy. Anh Joe cầm máy quay phim, thâu vào trong ống kính tất cả những hình ảnh từ sáng đến giờ.

            Gần cuối bữa ăn, anh Joe quay sang hỏi Út,

            -Em có biết con em là trai hay gái không?

            -Dạ, em muốn để dành ngạc nhiên cho đến ngày sanh.

            Bé Út đã biết rồi, nhưng cố tình dấu vì không muốn mọi người mua quà cho con mình. Bé chỉ nói với Ông Ngoại thôi, và cũng chính ông Ngoại đã làm cái vụ bói bằng cách cột chỉ vào chiếc nhẫn cưới cho Bé để đoán là con gái hay trai ....

            Mấy ngày sau, anh chị Joe đi về. Trước khi về, anh còn dặn dò bé Út phải lo giữ gìn sức khỏe cho em bé trong bụng. Chỉ là anh rể thôi nhưng anh để ý và lo lắng cho các em vợ thật chu đáo.


            Hai tuần lễ sau ngày ThanksGiving, cả nhà đang ngủ bỗng giật mình thức dậy vì tiếng chuông điện thoại đang reng reng.... Bé Út với tay nhấc ống nói trên đầu giường, trong lòng đang khó chịu, không biết ai gọi vào nửa đêm như thế này.

            - Hello

            Đầu giây kìa, giọng chị Joe đứt quãng,

            -Út ơi, anh.... Joe..... chết.....rồi....

            Bé Út lặng người, mắt mở to, tưởng mình mơ ngủ nghe lầm.

            -Chị nói gì?

            Chị Joe lập lại, tiếng khóc lớn hơn,

            -Anh chết rồi........

            Bé Út nín thở, lấy hết can đảm hỏi chị,

            -Tại sao vậy?

            và không nghe chị nói gì được nữa vì nước mắt đã trào ra, tai ù đi, Bé Út bắt đầu khóc lớn lên. Chồng Út ngồi bên cạnh vợ đã nghe được tin chẳng lành, đón lấy điện thoại trong tay Út và nói chuyện với chị Joe. Bé Út ngã ra giường và khóc nức nở, câu hỏi tại sao cứ lập đi lập lại....
            Vài phút sau, chồng Út đi sang phòng ông Ngoại báo tin cho ông hay. Cả nhà không ai ngủ lại được từ đó cho đến sáng.


            Ngày hôm sau, cả nhà sửa soạn đi thăm chị Joe, bé Út muốn đi theo nhưng mọi người không cho vì bụng đã quá lớn, chỉ còn một tháng nữa đến ngày sanh. Đi đường xa nhỡ có gì thì nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Trước khi đi chồng Út dặn dò kỹ lưỡng, và hứa sẽ về trong hai ngày nữa để đưa Út đi bác sỹ như đã hẹn. Ở nhà một mình, Út lại khóc khi nhớ đến anh rễ. Út tự trách mình, đã không cho anh biết con mình là trai hay gái khi anh hỏi, để rồi bây giờ anh sẽ không bao giờ biết nữa....

            Hai ngày sau, chồng lái xe về, vừa kịp giờ đưa Út đi bác sỹ. Sau khi khám, bác sỹ thấy có những triệu chứng không tốt nên gởi Út đi sang một bác sỹ chuyên môn khác để khám ngay. Văn phòng bác sỹ kia cách đó một đoạn đường ngắn và nằm ngay trước mặt nhà thương. Vào đó, làm đủ mọi thủ tục, bác sỹ khám xong bảo Út ngồi chờ và gọi điện thoại nói chuyện với bác sỹ của Út. Khi ông đi ra, vẻ mặt nghiêm trọng, Út đoán có việc chẳng lành. Ông nói,

            -Bác sỹ của bà nhờ tôi nói hộ, bà phải vào nhà thương ngay tức thì để giải phẩu lấy em bé ra. Nếu chậm trễ thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng cả hai mẹ con!

            Nghe xong, Út rụng rời, tay chân bủn rủn. Út năn nỉ với bác sỹ,

            -Xin bác sỹ cho tôi về nhà một tí, tôi chưa chuẩn bị đồ đạc em bé.

            -Không được, chồng của bà sẽ mang vào cho bà sau. Chúng tôi muốn bảo vệ tính mạng của hai mẹ con.

            Chồng Út muốn được nói chuyện với bác sỹ của vợ. Người bác sỹ này đưa điện thoại và bác sỹ của Út đã giải thích lý do tại sao phải giải phẩu để mang em bé ra. Nguyên do chính là sự xáo trộn tâm lý của Út từ cái chết của anh Joe đã ảnh hưởng đến thai nhi....

            Thấy không còn cách nào khác, Út phải đứng lên cám ơn và chào vị bác sỹ ấy. Ra đến xe, Út năn nỉ chồng chở Út về nhà, chống Út không chịu, và khuyên nên nghe lời bác sỹ..... Cuối cùng chồng Út chở đến nhà thờ gần đó để Út cầu nguyện trước khi đi vào nhà thương....

            Khi Út đến, các cô y tá ở nhà thương đã được bác sỹ báo trước nên họ chuẩn bị cho Út ngay mà không phải chờ đợi gì. Đến lúc này Út cảm thấy bình tĩnh lắm, hết còn hồi hộp như lúc chiều. Nằm trên giường và được chuyền nước biển có thuốc, chồng ngồi bên cạnh nắm tay Út. Hai vợ chồng mỗi người một ý nghĩ riêng, có lẽ trong đầu anh ấy đang lo sợ không biết vợ con có được yên lành trong ca mổ khẩn cấp này không? Út thì nghĩ đến anh Joe và chị mình. Không biết bây giờ chị ra sao. Sáng hôm nay chị phải đi một mình ra phi trường mang xác anh về bên tiểu bang kia để gặp bố mẹ anh ấy. Út thương chị đang còn trẻ mà phải chịu cảnh đau đớn và tiếc rằng mình không được gần chị trong lúc này. Hai chị em rất gần gũi nhau, nhưng chị phải theo chồng nên đành phải ở xa gia đình. Nước mắt lại rơi rơi....

            Đứng bốn ngày sau khi anh Joe qua đời thì con đầu lòng của bé Út ra đời. Thiệp mừng, quà cáp và những giỏ hoa gởi đến thật nhiều. Trong đó có một gói quà của mẹ anh Joe. Kèm theo là một tấm thiệp, bà viết như vầy,

            -"Chúc mừng cháu đã có em bé. Trời đã lấy đi con trai tôi và Trời đã cho lại một cháu bé trong gia đình.
            Thành thật chúc mứng người mẹ trẻ."

            Út lại rơi nước mắt khi đọc tấm thiệp. Nỗi đau của người mẹ khi mất đi đứa con mình lấy gì đền bù được? Trong tâm Út tự hứa, sẽ mang con về thăm bà và mộ anh Joe khi con lớn lên. Những ngày lễ sau đó, không khí trong nhà trầm lặng, nữa thì buồn vì sự mất mát, nữa thì vui vì có em bé ra đời..... Út không thể nào hiểu được, tại sao mọi chuyện lại xảy ra cùng một lúc như vậy, không thể nào so sánh và cũng không thể nào ước ao đánh đổi gì....


            Mỗi năm qua, cứ đến dịp lễ ThanksGiving Út lại thấy nao lòng. Làm sao quên được bữa ăn Tạ Ơn cuối cùng có đầy đủ mọi người ngày hôm ấy? Từ đó về sau, mỗi khi có dịp họp mặt gia đình, Út thường tránh không vào chụp ảnh chung với cả nhà. Út rất sợ, lần cuối, anh Joe đã chụp ảnh, quay phim không thiếu một người nào, và anh đã ra đi..... Út không muốn chuyện ấy xảy ra lần thứ hai nữa.




            Nguyệt Hạ
            ThanksGiving 2011



            <bài viết được chỉnh sửa lúc 19.11.2011 02:23:10 bởi Nguyệt Hạ >
            #6
              NgụyXưa 19.11.2011 10:08:54 (permalink)
              "Mùa Lễ Năm Ấy" Đã được mang vào thư viện.
               
              Xin cám ơn tác giả N.H.
              #7
                Nguyệt Hạ 21.11.2011 01:08:50 (permalink)








                NH xin cám ơn anh Ngụy Xưa rất nhiều.

                Cầu chúc gia đình anh và gia đình VNTQ một mùa lễ ThanksGiving thật an lành.



                #8
                  Nguyệt Hạ 01.01.2012 14:13:43 (permalink)




                  LẶNG THẦM NỖI XÓT XA



                  Từ trại tỵ nạn qua đến Mỹ, Tuấn đi theo diện con bà xơ, không có một người thân nào bên cạnh. Tiếng Anh tiếng u không bao nhiêu Tuấn chỉ xin được việc làm thật khiêm tốn ở một hãng làm đồ tiện. Những năm tháng đầu, lạ nước lạ cái, nỗi nhớ nhà, cha mẹ, anh chị em đã làm Tuấn như muốn điên lên.... Tuấn sống buồn bã, thiếu thốn từ tinh thần đến vật chất, Tuấn đã đi đến tận cùng của nỗi thất vọng trong cuộc đời. Bao nhiêu lần cái ý nghĩ chán nản đó hành hạ Tuấn, thúc dục Tuấn làm những chuyện ngông cuồng... Thêm vào mùa Đông ở Mỹ lạnh giá làm Tuấn càng thấy cô đơn và muốn buông xuôi. Tuấn tự hỏi chính mình, sống để làm gì nếu cứ phải quẩn quanh một mình, cô đơn, cô độc, không một người thân, không một người nói cùng thứ tiếng chung quanh. Đi về lủi thủi, buồn vui cũng một mình, đau ốm cũng một thân....


                  Mỗi lần đi đến khu China Town, Tuấn đều tìm đến những tiệm quán có tên tiếng Việt và hỏi thăm người chung quanh. Vài tháng sau có người chỉ Tuấn tìm đến nhà thờ có thánh lễ bằng tiếng Việt gần nơi mình ở. Giáo xứ đó, có cộng đồng người Việt và có cả một ca đoàn gồm các cô cậu trẻ tuổi hát tiếng Việt sành sõi. Từ từ Tuấn có được niềm an ủi nhó bé là hàng tuần đi tham dự thánh lễ bằng tiếng mẹ đẻ và những lần văn nghệ liên hoan khi có ngày lễ lớn. Tuấn quen thêm được một số người cùng cảnh ngộ xa quê hương và cùng tâm trạng lạc lõng cô đơn nơi xứ người. Tình cờ có nhà muốn tìm người share phòng, thế là Tuấn dọn về đó ở. Lúc này Tuấn khá hơn nhiều. Sống chung quanh với người nói cùng thứ tiếng, dù không ruột thịt nhưng cũng không phải là lạ lùng như quanh người bản xứ. Mỗi tuần đi nhà thờ, gặp gỡ người quen, nỗi cô đơn buồn bã trong Tuấn dần dần bớt đi thay vào đó một niềm vui nho nhỏ thêm niềm tin vào cuộc sống.


                  Hôm ấy sau thánh lễ giao thừa, nhà thờ có đãi tiệc liên hoan và văn nghệ. Khi ăn xong, mọi người thu dọn bàn ghế chuẩn bị cho chương trình văn nghệ, Tuấn ra ngoài sân cho thoáng thì thấy một cô gái chạy ra hấp tấp hỏi các anh thanh niên đứng gần đấy,

                  - Anh Thịnh này, anh chở em về nhà được không? Em để quên chiếc áo cho bài múa dân tộc rồi....

                  Mấy người thanh niên đang còn chần chừ thì Hoa lại hối thúc,

                  -Nhanh lên đi anh, muộn rồi, tiết mục đến mà không có áo thì không được.

                  Thấy mấy người đó vẫn chưa trả lời, Tuấn bước lại gần và nói,

                  -Nếu cô không ngại, thì tôi có thể đưa cô về lấy áo....

                  Hoa quay sang nhìn Tuấn mím môi, chưa trả lời. Rồi Hoa quay nhìn người thanh niên tên Thịnh, hỏi lại,

                  -Anh có giúp em không?

                  -Thôi Hoa đi với anh này đi, tụi anh đang bận nói chuyện dở dang...

                  -Vậy thì Hoa làm phiền anh vậy.

                  Tuấn thấy Hoa bằng lòng thì đi trước ra xe, nói với Hoa đang đi sau lưng,

                  -Xe tôi để đàng này, cô theo tôi và chỉ đường nhé.


                  Thế là Tuấn có thêm một người bạn. Hoa hiền lành và dễ mến. Hoa cũng mới sang Mỹ được hơn một năm, đang đi học và đi làm. Hoa có một giọng hát rất hay và truyền cảm, nét mặt không sắc sảo nhưng rất có duyên và nhã nhặn với tất cả mọi người. Hàng tuần, Tuấn gặp Hoa sau thánh lễ.  Dần dần, hai người thân hơn, đôi khi Hoa nhờ Tuấn chở về. Nhiều lần, Tuấn đến nhà Hoa chơi và ở lại ăn cơm với gia đình. Hoa nấu ăn khéo và người nhà Hoa cũng rất thân tình với Tuấn.


                  Có lần một người chị Hoa quen bên trại tỵ nạn từ Ohio sang thăm. Chiều thứ bảy khi lễ tan, Hoa hỏi Tuấn,

                  -Ngày mai anh có bận không?

                  -Không, Hoa cần gì?

                  -Có chị Mai sang thăm Hoa ngày mai, Hoa muốn mời chị đi ăn ở Chinatown nhưng em không dám lái xe đi xuống đó, anh Tuấn chở mấy chị em đi được không?

                  -Được chứ, đi chơi với Hoa thì đi đâu anh cũng sẵn sàng.

                  Ngày hôm sau, khi Tuấn đến thì Hoa và chị Mai đang chờ. Mọi người giao cho Tuấn quyền lựa chọn nhà hàng tại Chinatown. Sau bữa ăn, Hoa muốn trả tiền nhưng Tuấn đã nhanh tay hơn. Hoa năn nỉ Tuấn cho Hoa đưa lại nhưng Tuấn khăng khăng không chịu nhận. Hoa nói,

                  -Hoa không muốn mắc nợ, anh phải để Hoa giả tiền lại cho anh.

                  -Hoa nấu cho anh ăn bao nhiêu bữa rồi, để anh khao Hoa lần này, sẵn có chị Mai ở đây.

                  -Như vậy là Hoa nợ anh một bữa ăn nhà hàng rồi. Thôi hôm nào lại phải đi ăn tiếp để Hoa trả nợ nhé.

                  Chi Mai nhìn hai người kỳ kèo với nhau mà buồn cười. Khi đưa chị về, lựa lúc không có Hoa chị nói riêng với Tuấn rằng,

                  -Cô Hoa khéo lắm đấy, tính tình đàng hoàng, chị ở với cô ấy bên trại chị biết, gần cả năm mà không có tiếng tăm gì. Chú Tuấn ráng mà giữ cô ấy nhé.

                  Tuấn nghe chị Mai nói vui thầm trong bụng. Đối với Tuấn, Hoa là một mẫu người mà Tuấn mơ ước được có trong đời. Tính tình Hoa hiền lành và tốt bụng. Hoa hát hay, duyên dáng nhưng không kiêu ngạo hay làm dáng, ngược lại Hoa rất giản dị và chân thành. Nhiều lần Tuấn muốn cầm tay Hoa và nói rằng Tuấn rất mến thương Hoa nhưng nhìn lại mình Tuấn ngừng lại. Tuấn chẳng có gì, lo cho mình còn không xong, làm sao Tuấn nghĩ đến chuyện đèo bồng thêm Hoa.... Những ý nghĩ mặc cảm ngăn cản Tuấn, mỗi khi Tuấn muốn mở miệng tỏ tình với Hoa. Cứ như vậy, Tuấn đến chơi nhà Hoa nhưng cứ ngại ngần và im lặng. Hoa vẫn đối xử bình thường với Tuấn cũng như với tất cả các bạn khác. Thân tình và chừng mực.


                  Ngồi dưới hàng ghế khán giả, Tuấn đang nghe Hoa hát trên sân khấu. Đêm nay nhà thờ tổ chức văn nghệ liên hoan sau thánh lễ trung thu. Không khí thật vui và đầm ấm. Mọi người thân tình vui vẻ với nhau. Ca đoàn chuẩn bị cho buổi văn nghệ thật đặc sắc. Những màn múa, kịch, hợp ca và đơn ca không thua gì những ban nhạc nhà nghề.

                  Khi tan buổi văn nghệ, Tuấn gặp Hoa trước cửa hội trường,

                  -Hoa này, em hát hay quá. Văn nghệ đêm nay ca đoàn tuyệt lắm.

                  -Cám ơn anh. Những người khác hát hay hơn Hoa nhiều, mọi người tập dượt kỹ lắm đó anh.

                  -Bây giờ Hoa đi về chưa?

                  -Ca đoàn chưa ăn gì cả anh ạ. Chờ mọi người ra rồi đi ăn cùng. Anh đi chung cho vui nhé?

                  -Thôi để anh về, anh không có trong ca đoàn mà. Hoa ở lại vui với bạn, về sau nhé.

                  -Chào anh, gặp lại sau vậy.

                  Tuấn đi ra lấy xe mà trong đầu vẫn còn nghe tiếng hát của Hoa đâu đó. Lòng thanh thản nhẹ nhàng, Tuấn dặn lòng mình hãy tận hưởng những giây phút hạnh phúc này. Không nên nghĩ ngợi xa hơn vì Tuấn biết, nếu nhắc đến tương lai, Tuấn sẽ rất bi quan khi thấy mình không bằng ai hết để có được Hoa trong cuộc đời..........


                  Thời gian qua, Hoa lấy lớp ở trường học thêm sau giờ làm và bận rộn hơn. Hoa không còn đi tập hát nhiều nữa và sau lễ thường về nhà ngay chứ ít khi đi chơi với bạn bè như trước. Tuấn cũng ít gặp Hoa vì công việc thay đổi khi Tuấn đổi hãng làm..... Từ từ hai người không còn liên lạc với nhau nữa, dù hàng tuần vẫn đi lễ và nếu gặp nhau trong nhà thờ thì cũng chỉ chào hỏi sơ rồi chia tay...



                  Ba năm sau, khi tan lễ chiều thứ bảy, Tuấn đang bước ra khỏi nhà thờ thì thấy Hoa từ trên lầu ca đoàn chạy xuống gọi,

                  -Anh Tuấn, chờ em....

                  Tuấn đứng lại chờ Hoa đến gần,

                  -Có chuyện gì vậy Hoa? Lâu quá không gặp Hoa khỏe không?

                  -Cám ơn anh, Hoa vẫn thường. Anh ra sao rồi?

                  -Thấy anh đây thì biết là anh khỏe rồi phải không?

                  Hoa ngập ngừng một lát rồi lấy trong túi xách ra một phong bì lớn màu hồng,

                  -Anh Tuấn, mời anh đi dự đám cưới của Hoa nhé.

                  Tuấn ngỡ ngàng, im lặng hết mấy giây. Hoa nhắc lại,

                  -Mời anh đi dự đám cưới của Hoa, anh đi nhé.

                  -Để anh coi thử ngày ấy anh có bận gì không, anh chưa hứa đưọc.

                  -Bận gì thì anh cũng phải ráng, ngày vui của Hoa mà....

                  -Cho anh trả lời sau đi, lỡ hứa rồi đi không được mất vui...

                  Hoa chào Tuấn rồi quay đi. Cầm phong bì thiệp cưới trong tay, Tuấn thấy đầu óc  trống rỗng.... Đi ra lấy xe về mà Tuấn chẳng nghĩ được gì.

                  Thật thế sao, Hoa lấy chồng.... sao Hoa không đợi anh với... Nhưng nghĩ lại Tuấn thấy mình vô lý. Tuấn có mở miệng ra nói gì với Hoa tiếng nào đâu, làm sao Hoa biết được Tuấn có tình ý gì với Hoa? Cả ba năm nay không liên lạc, sao lại trách cứ Hoa. Con gái chỉ có một thời, Hoa gặp được người thương yêu và muốn lập gia đình với Hoa thì tốt chứ tại sao Tuấn lại trách móc ...

                  Tuấn tự nhủ mình như vậy, nhưng trong lòng vẫn xốn xang, hình như có nỗi giận hờn nào đâu đó.... Về đến nhà, lục trong sổ địa chỉ ra số điện thoại của Hoa, cầm ống nói, Tuấn bấm số tính gọi hỏi thăm Hoa, được vài số, Tuấn ngừng lại. Có nên gọi không? khi mình đã không liên lạc với Hoa một thời gian quá dài... Mình sẽ nói gì với Hoa, trách móc ư? có ai hứa hẹn với ai điều gì? Mình chưa nói một tiếng yêu thương nào với Hoa kia mà. Mình đã chần chừ và bây giờ mất đi người mình yêu mến....

                  Tuấn ngồi thẩn thờ trước bàn ăn mà không nuốt được miếng nào. Trong đầu chỉ thấy hình ảnh Hoa.... Tự nhiên Tuấn muốn say để quên, quên hết mọi sự.... Từng kỷ niệm tuần tự chạy qua trong đầu, không muốn nhớ nhưng bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu câu nói của Hoa, tất cả đều hiện rõ, quay vòng và xoay xoay trong đầu Tuấn, cho đến lúc như một vòng bánh xe quay càng lúc càng nhanh......


                  Ngày lễ Thánh Gia vào cuối năm, nhà thờ trang hoàng thật đẹp cho lễ cưới của Hoa. Khi cha chủ lễ đi vào và cô dâu chú rể theo sau, thánh lễ bắt đầu thì có một người thanh niên bước vào đứng ở hàng ghế cuối nhà thờ. Lễ cưới thật ấm cúng và trang trọng. Lúc cha làm phép nhẫn xong, đọc lời tuyên bố hai người giờ đây trở nên vợ chồng, cô dâu chú rể quay xuống chào bà con hai họ, người ta thấy người thanh niên ấy quay lưng bước ra khỏi nhà thờ. Tiếng vỗ tay chúc mừng đôi vợ chồng trẻ vang vọng và theo đuổi bước chân của anh, xa dần, xa dần, vẳng vẳng và có lẽ những tiếng vỗ tay đó sẽ đi theo anh mãi hoài trong suốt cuộc đời còn lại.....


                  Nguyệt Hạ
                  Ngày cuối năm 2011


                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 01.01.2012 14:29:32 bởi Nguyệt Hạ >
                  #9
                    NgụyXưa 06.01.2012 02:53:46 (permalink)
                    "Lặng Thầm Nỗi Xót Xa" đã được mang vào thư viện.
                     
                    Xin cám ơn tác giả Nguyệt Hạ. 
                     
                    Happy New Year.
                     
                    NX
                    #10
                      Nguyệt Hạ 08.01.2012 01:52:14 (permalink)

                      Dạ NH cám ơn anh Ngụy Xưa rất nhiều.

                      Xin chúc anh và gia đình một năm mới an lành.


                      #11
                        Nguyệt Hạ 02.02.2012 02:06:01 (permalink)
                        Lời nói đầu:

                        Đối với các cô chú, anh chị đã đi học Nữ Trung Học, Võ Tánh hay Lê Qúy Đôn cũng như trong phong trào Hướng Đạo Nha Trang thì có lẽ không ai không biết đến Thầy Cung Giũ Nguyên, một nhà văn, một giáo sư và một huynh trưởng có tên tuổi. Tôi không là học trò của Thầy, tôi cũng không ở trong hướng đạo Nha Trang, nhưng tôi gọi thầy bằng Tông (Tonton), hay là Bác. Tôi may mắn còn giữ những bức thư của Bác gởi cho tôi từ khi tôi đi ra nước ngoài. Một trong những bức thư đó Bác viết như một câu truyện ngắn với lối văn hài hước dí dỏm và rất thật như khi Bác cháu nói chuyện với nhau. Bác đã qua đời hơn ba năm rồi, bức thư này tôi nhận được hơn 12 năm trước khi Bác mất, tôi nghĩ rằng đến lúc tôi nên chia xẻ với mọi người, như một món quà đầu xuân gởi đến những người có lòng với Thầy Cung Giũ Nguyên.

                        Cũng thật tình cờ, ngày hôm nay tôi đọc được một bài viết về Thầy Cung Giũ Nguyên của tác giả Nguyễn Thành Thống, người đã dịch cuốn tiểu thuyết Le Fils de la Baleine của tác giả Cung Giũ Nguyên sang tiếng Việt, cuốn sách mà Bác có nhắc đến trong bức thư gởi cho tôi. Xin đính kèm đường dẫn để mọi người cùng đọc.
                        Nguyệt Hạ





                        Nha Trang, ngày 5 tháng 3, 1996
                         
                        Con thương mến,
                         
                        Tông thật có lỗi vì để đến hôm nay mới trả lời cho con và Thầy con. Thời gian cuối năm thật là bận rộn, tiếp đến là Tết với khách khứa, với những giao tế bất đắc dĩ, đến thư từ tồn đọng suốt năm cần phải thanh toán được cái nào hay cái ấy. Chưa nói đến công việc khác như giảng dạy cho các sinh viên Đại học Sư phạm Pháp văn. Người nào nghe nói thế chắc hẳn nghĩ đến chuyện bịa đặt vì nghĩ ông già gần chín mươi tuổi mà còn bận rộn được như thế à? Mù lòa, điếc lác, lẩm cẩm, cù lần, mà còn dạy cái gì nữa? Mà sự thật là như vậy đó. Rồi nghe ông ấy làm việc trên máy vi tính (ở đây người ta gọi PC (personal computer) là như vậy, nơi khác còn dùng danh từ: máy điện toán), kể cả cháu Sa ở Úc, cũng chuyên môn tín học cũng phải “kinh hoàng”. Có người khi thấy Tông làm việc, hỏi đã đi học khóa nào chưa mà xử dụng rành như vậy? Làm sao trả lời? Họ có thể tin khi mình nói, trước khi nhập vào thế giới thích thú và hợp thời đại này, Tông nhờ Sa gởi cho một lô sách (thứ sách tiếng Anh khá đắt tiền, có cuốn đến 100 US$, mà năm sáu cuốn như vậy về Computers, Information Systems, DOS encyclopedia, Windows, Word Perfect, Basic, Pascal, Norton Utilities v.v…., thế là Tông đọc say mê, như đọc tiểu thuyết, và đến khi máy về, là Tông đã biết đôi chút để dùng, và vừa dùng, vừa học thêm, học thêm nhờ những Help hay Readme có trong máy, và học thêm nhờ những sai lầm của mình nữa. Nói mình tự học cũng không mấy người tin, nhưng kể ra, những cái gì tào lao Tông biết được đôi chút, là tự mình có thôi…



                        Trong quá khứ, khi Tông được người ta cho một cái xe hơi củ, Tông nạp hồ sơ xin thi bằng lái xe, Ông chánh kỷ sư công chánh, (thời đó thì đó là cơ quan chức năng, nay thì Công An lo việc cấp bằng lái) không cho phép thi, nói một cách khác tha cho Tông việc đi thi, mà chỉ gởi lên bằng lái có đủ dấu và chữ  ký. Chuyện kỳ lạ ấy xảy ra, chỉ vì người ta biết trọng lời nói, và biết tin cậy lẫn nhau. Có lẽ ông ấy nghĩ: Thầy ấy có xe, xin thi để lấy bằng lái… chắc  hẳn là đã biết lái xe rồi. Quả vậy, từ năm ấy, và suốt gần hai mươi năm cho đến 1975, (khi bánh xe vì thời cuộc đã phải đổi thành bánh tráng), Tông đã lái một mình cái Xì tô mà con chắc đã thấy bóng dáng, đi cùng vào Hậu giang, lên Cao nguyên, mà chưa hề “đụng nhẹ” ai cả, kể cả những chó hay bò qua đường. Chuyện chẳng khác chuyện tiếu lâm là khi trường Đại học Duyên Hải làm lể tốt nghiệp, nhà trường yêu cầu giáo sư Tông mặc áo mão cải lương Hồ quảng, mặc dù giáo sư Tông chẳng phải là tiến sĩ, mà cho đến nay, chẳng ai tố cái trò bịp bợm dài dài ấy, và đến năm con Chuột cống này, cũng vẫn còn bịp được thiên hạ, như ngồi chụp hình trước máy, làm ra có vẻ như thông thạo lắm về tín học và máy vi tính. Tông có biểu ai tin đâu. Nhưng vì con đang học Computer, thì Tông có người nói chuyện được, vì dùng một thứ ngôn ngữ như nhau, và hơn thế nữa nay mai Tông có vấn đề gì không hiểu và tìm trong sách không thấy, Tông sẽ hỏi con. Tông may mắn hiện có một cái 486 DX 66 có cài vào ổ cũng đủ thứ dùng, nhân về phần Tông, chủ yếu là dùng MS-Winword, để soạn văn bản. Như con đoán, máy rất tiện lợi cho công việc của Tông: như soạn sách, sửa đi, sửa lại, rất tiện, nhanh chóng, không tốn và không phí phạm giấy mực, như trước kia dùng typewriter. Một công việc đang làm nữa là chép lại vào đĩa mềm tất cả bản thảo chưa xuất bản, mà số lượng không phải nhỏ, có gần hai mươi cuốn; có người muốn giúp đánh giùm, nhưng Tông không muốn, Tông thích tự làm lấy, vì trong khi đánh lại còn có thể sửa chửa, nếu cần. Như vậy, không chiếm chổ nhiều, và khi nào đưa cho nhà xuất bản, chỉ cần đưa cho họ một copy… Như thế đó, con có thể đoán Tông phải tốn bao nhiêu thì giờ trước máy. Ai không rõ, tưởng chắc ông già giải trí với Games, (phần này để cho mấy cháu nhỏ, cũng như Autocad hay Corel để cho cháu Ly dùng vẽ những họa đồ chuyên môn vì cháu làm Hỏa xa. Tông không cần nâng cấp máy, vì nhu cầu của Tông không đòi hỏi. Tông cũng có một cái máy in khiêm tốn Canon Bubble Jet, tuy chạy chậm, nhưng cũng đáp ứng được nhu cầu… Về Software, Saigon có bán đủ loại, cũng dễ mua thôi. Tông chỉ còn mong ước trong năm nay cài thêm một Multi-media để có thể dùng CD-Rom và những Audio-Video.


                        Tông mừng về ý định của con sẽ viết thư khi có thì giờ, đó là điều vui cho Tông. Trong mấy năm qua, chắc là con có rất nhiều chuyện kể lắm, biết đâu, thư con lại không trở nên dữ liệu qúy hoá để làm đề tài hay khêu gợi đề tài cho một cuốn truyện khác của Tông. Mới rồi đây, nhà xuất bản Văn Học Hà Nội đã xuất bản bản dịch Le Fils de la Baleine (1), rất tiếc Tông không gởi biếu con được. So với Thái Huyền (2), cuốn sách cũ này có vẻ dễ đọc hơn, nhưng thật ra trong đó cũng có nhiều đoạn cũng đòi hỏi việc dừng lại để nghĩ đến ý nghĩa đã được gói ghém với một bề ngoài phỉnh phờ. Giám đốc nhà xuất bản, trong lời giới thiệu, xem sách ấy là một bông hoa thuộc loại quý hiếm của văn học Việt Nam, và ông mừng sau mấy mươi năm sách ấy, lưu lạc ở xứ người, đã trở về với độc giả tiếng Việt, làm cho ta có thể nghĩ ông mừng như thể thằng Mổ (nhân vật trong tiểu thuyết) sau bốn mươi năm tản cư ở nước ngoài, nay đã “tình nguyện” hay bị cưỡng bách hồi hương vì các trạm tiếp cư phải đóng cửa.


                        Nói đến đây, tông nghĩ ra cảnh con ở trại tỵ nạn năm nào. Cái ảnh con chụp với ông Hoàng Lào, tông nhìn không nhận ra con, vì nét mặt thay đổi hẳn, so với ảnh của con ngồi nơi Tháp Bà; ảnh con gởi sau này, và có lẽ xưa hơn một chút, vì là vào năm 19..., con trong áo cưới đứng bên cạnh chàng, thì có vài nét nhận ra quen hơn, đặc biệt là nụ cười. Thì chuyện đời, biến đổi cũng bình thường thôi, nhưng phải nói sắc đẹp đã không mất đi chút nào (ôi, cái văn nịnh để mượn tiền đó!) Thầy con, qua tấm ảnh ngồi trên sông cho Tông còn yêu đời. Đúng như vậy, có thể nói còn yêu đời hơn xưa, vì có còn bao nhiêu ngày đâu, phải yêu đời mãnh liệt hơn nữa chứ, ít ra cũng phải bằng Ông, người mà bà con ở đây phân bì về hạnh phúc. Thôi con may mắn, là tông cao hứng, đánh cho con bao nhiêu dòng trên. Chúc con mạnh khỏe, học hành tấn tới, làm ăn phát đạt, và nuôi hy vọng một ngày gần đây về thăm lại quê hương đã đổi mới. Bắt tay anh của con. Đừng quên biên thư cho tông.



                         Thương và nhớ,
                         
                        Tông
                         

                        Tác phẩm Cung Giũ Nguyên
                         
                        1- Le Fils de la Baleine, roman. –DER SOHN DAS WALFISCHS-
                        KẺ THỪA TỰ ÔNG NAM HẢi, tiểu thuyết.
                        2 - THÁI HUYỀN, tiểu thuyết. – LE BOUJOUM, roman.
                         

                        ------------------------------------------

                        Bài viết của tác giả Nguyễn Thành Thống: Vĩnh Biệt Thầy Cung Giũ Nguyên
                        ©  http://vietsciences.free.fr/nhipcaubandoc/tinvuibuon/cunggiunguyen-nhothaycgn.htm


                        <bài viết được chỉnh sửa lúc 04.02.2012 02:55:20 bởi Nguyệt Hạ >
                        #12
                          NgụyXưa 02.02.2012 02:50:25 (permalink)
                          Bài Viết "Thư Xưa" đã được mang vào thư viện.
                           
                          Xin cám ơn tác giả Nguyệt Hạ.
                          #13
                            Nguyệt Hạ 02.02.2012 03:51:41 (permalink)

                            Anh Ngụy Xưa thân mến,
                            Cám ơn anh đã đưa bài của NH vào thư viện.

                            Nhưng NH có một thắc mắc về bài viết của tác giả Nguyễn Thành Thống.

                            NH nghĩ rằng nếu có thể, mình nên post bài của tác giả ấy qua một bài riêng dưới tên tác giả Nguyễn Thành Thống để người viết vui lòng. Anh nghĩ sao?

                            NH rất sợ chuyện hiểu lầm vì copyright.

                            Anh có thể giúp NH cắt bài ấy ra khỏi bài Thư Xưa trong thư viện và để link cho qua trang kế tiếp,
                            nơi có bài Vĩnh Biệt Thầy Cung Giũ Nguyên dưới tên tg là Nguyễn Thành Thống,
                            NH nghĩ như vậy sẽ đẹp lòng tác giả.


                            Xin chúc anh luôn vui mạnh và cám ơn anh rất nhiều.

                            NH 

                            #14
                              NgụyXưa 02.02.2012 05:25:03 (permalink)
                              Hi Nguyệt Hạ,
                               
                              1. Hiện nay chức năng "Xoá Bài" của thư viện không xử dụng được nên không thể xoá bài đã đăng, làm lại từ đầu như NH đề nghị.
                               
                              2. Hai bài linked với nhau (như "Phần I", "Phần II") phải cùng tác giả.
                               
                              3. NX nghĩ là trong bài viết "Thư Xưa" NH đã ghi rất rõ là phần nào là của Nguyễn Thành Thông nên không thể có sự hiểu lầm là "đạo văn".
                               
                              Theo thiển ý của NX thì chúng ta cứ giữ nguyên bài đã đăng trong thư viện, tuy nhiên xin hỏi super woman Ct.Ly () là có cách nào để NH cảm thấy yên tâm hơn không?
                               
                              NX
                              #15
                                Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 10 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 144 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9