Tản văn
PEARL 25.11.2021 20:27:24 (permalink)
CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ

Tối mười chín tháng mười một

Sau giờ dạy online, tôi vội tắt đèn vì sợ không kịp giờ tưởng niệm những đồng bào, cán bộ, đội ngũ y, bác sĩ, chiến sĩ ... đã hy sinh , vĩnh viễn ra đi do căn bệnh quái ác mang tên covid 19. Trong bóng tối, tôi bật điện thoại theo dõi tường thuật về buổi tưởng niệm ở một chùa quận ba. Không biết tự lúc nào mắt tôi đã cay xè. Đồng cảm , thương xót, khâm phục - những cảm xúc đó cứ đan xen nhau khiến lòng tôi dâng nỗi niềm khó tả. Thế mới biết giữa cuộc sống vô thường này không có gì là không thể.

Thật vậy! Giờ tôi không muốn nhớ lại những ngày cách ly, phong tỏa chút nào bởi nó như tấm bi kịch mà hơn nửa đời người tôi mới gặp. Một ký ức buồn! Nhưng tôi cũng không muốn xóa ra khỏi hoài niệm của mình bởi nó sẽ là chứng tích thật nhất về đại dịch năm hai ngàn mười chín.

Bắt đầu từ tháng mười hai năm hai ngàn mười chín, dịch đến từ Vũ Hán rồi chu du khắp nơi trên thế giới. Việt Nam không là ngoại lệ. Từ khi nghe dịch bệnh ở tít nước ngoài, tôi nơm nớp lo sợ. Sợ cho mình thì ít nhưng lo cho người thân thì nhiều. Tôi bắt đầu mua khẩu trang, lương thực khô, đồ gia dụng, lương thực trử trong nhà phòng khi dịch đến. Lúc đó, ai bắt gặp tôi cũng cười cho rằng tôi cầm đèn chạy trước ô tô - lo quá xa! Tôi không quan tâm họ nghĩ gì. Tôi chỉ lo cho sự an nguy của gia đình, người thân thôi.

Rồi dịch bệnh cũng đến. Ban đầu vài ca xuất hiện lẻ tẻ ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh . Sau đó dịch lan ra một số tỉnh ở miền Bắc. Phải nói là lúc đó cả nước dồn hết sức lực của ngành y để chữa trị tốt cho những ca mắc covid. Tiếng tăm lan xa, Việt Nam được biết đến là một trong những nước hàng đầu trên thế giới chữa trị covid 19 có hiệu quả , mọi người nên học hỏi. Và Việt Nam đã mở lòng đón nhận rất nhiều khách du lịch nước ngoài đến như một nơi an toàn để nghỉ dưỡng, tham quan .

Thế nhưng đợt dịch thứ hai, thứ ba lại bùng phát. Ổ lây chính từ các sân bay. Đến đợt dịch thứ tư, covid đã cho ra chủng mới: Delta nguy hiểm hơn, siêu lây và lấy đi hàng chục ngàn sinh mạng.

Cuộc chiến với covid là cuộc chiến không cân sức.
Chúng ta đấu với virus mà mắt thường không thấy được. Chúng hiện hữu ở đâu? Không biết! Giống như người mù đi trong mưa , bằng cách nào để tránh bị ướt?

Chính quyền huy động tất cả lực lượng trong và ngoài ngành y, quân đội tham gia chống dịch trường kỳ hơn bốn tháng. Mệt mỏi, rã rời vì quá tải ở các bệnh viện dã chiến , trạm y tế, khu cách ly, phong tỏa. Chết chóc bao trùm, thiệt hại về người có ngày lên đến ba con số . Các cấp chính quyền ăn không ngon, ngủ không yên, tận tuỵ , hết lòng lo an sinh, chữa bệnh . Còn dân tình lo âu phiền muộn . Một mặt họ lo bị đói vì mấy tháng liền thất nghiệp ( nhất là người ở khu nhà trọ) . Họ thiếu thốn đủ điều dù các mạnh thường quân và nhà nước đã hổ trợ. Họ còn sợ sẽ ra đi mãi mãi như những người thân của họ. Họ mong muốn được về quê cũng là điều hợp lý.

Nhưng có những cuộc trở về là bất hợp lý. Bởi do tự phát, tập trung đông người vô tình họ làm dịch bệnh lan nhanh trên chính quê hương của họ.

Nói sao cho hết những hồi ức về chuỗi ngày dịch dã.
Giãn cách - hai từ ấy giờ là ám ảnh trong tôi. Hình ảnh những tình nguyện viên mặc những bộ đồ bảo hộ kín mít, những chiến sĩ công an, bộ đội đứng trực chốt, những y, bác sĩ xét nghiệm covid , tiêm ngừa cứ mãi lưu trong tâm trí tôi bây giờ và mãi mãi về sau.

Ai hỏi tôi sợ gì trong thời gian giãn cách? Tôi không ngần ngại trả lời đó là test covid. Cứ mỗi lần nhận được giấy đi test , tôi hồi hộp cho đến đêm . Tôi sợ! Sợ từ lúc đi đến điểm test cho đến khi về tới nhà vẫn còn sợ. Sợ bị dương tính, sợ bị cách ly. Sợ cả đôi găng tay của người lấy mẫu. Có thời gian tổ dân phố của tôi cứ hai, ba ngày test một lần. Mỗi lần test xong mũi tôi bị viêm và sưng lên, lở da, khoảng một tuần mới hết.
Nỗi sợ thứ hai đeo bám tôi là đi tiêm ngừa covid. Đáng nhớ là lần tiêm mũi hai. Tôi lê lết ở một trường học ( điểm tiêm) trong hai ngày với sự mệt mỏi, héo hon, lo sợ. Lần đó, tôi tiêm không được lại sợ bị lây covid nên tôi xuống sắc trông thấy, tưởng tượng là tôi bị bệnh vậy.

Nỗi lo sợ thứ ba là tiếng còi hú của xe cứu thương.
Thật tình mà nói lúc nghe âm thanh ấy, tim tôi như thắt lại, nhoi nhói. Cái cảm giác buồn lịm ở trong lòng. Tôi thầm nghĩ dù người trên xe đó lạ hay quen , tôi đều thấy thương họ. Rồi những khi nghe thông tin về ca tử vong ở địa phương ngày càng nhiều lòng tôi càng tê tái .

Còn bao nhiêu kỷ niệm nữa trong mùa covid mà tôi không tiện viết ra đây. Tôi sẽ giữ mãi cho riêng mình để chợt vui, chợt buồn, chợt hoài niệm về nó trong chuỗi ngày sắp tới.

Sống chung với dịch cũng đồng nghĩa là tôi rồi cũng sẽ bị bệnh, không trước thì sau, không chóng thì chày - đó là lẽ đương nhiên. Nhưng giờ thì tôi không còn sợ covid như lúc đầu nữa vì xung quanh tôi , xóm giềng, bà con, người thân của tôi đã từng, đang bệnh. Rồi họ sẽ hết bệnh và tiếp tục làm việc như bình thường. Dĩ nhiên là sẽ có một số người đối xử kỳ thị với F0 nhưng không sao, tôi nghĩ thế mới gọi là đời .

Cố gắng giữ gìn sức khỏe càng lâu càng tốt, lạc quan. Chừng nào "Covy" gõ cửa thăm thì hẳn hay!!!

PEARL
<bài viết được chỉnh sửa lúc 01.12.2021 12:33:46 bởi PEARL >
#1
    PEARL 01.12.2021 00:44:00 (permalink)
    TÔI CHỌN NGHỀ GIÁO



    Các bạn thân mến!

    Sống ở trên đời, ai cũng có ước mơ. Và tôi không là ngoại lệ. Hồi học mẫu giáo, được chơi với dụng cụ y khoa, tôi mơ làm bác sĩ. Lớn hơn chút xíu, ở lứa tuổi cấp một, ưa khám phá, tìm tòi cái mới, tôi thích là hướng dẫn viên du lịch. Bẳng đi một thời gian, bước lên cấp hai, say mê môn vật lý,tôi lại muốn trở thành kỹ sư điện tử. Nhưng sự đời khó lường trước được những gì sẽ đến, nên mới có câu chuyện hôm nay.
    Các bạn à !
    Câu chuyện tôi sắp kể đây nói về sự thay đổi kỳ diệu để đi đến quyết định đúng đắn trong cuộc sống.
    Chuyện bắt đầu: Hồi đó, tại một ngôi trường nọ, vào tiết tiếng Anh ….

    …Cả lớp nhốn nháo khi nghe cô hiệu phó thông báo. Rồi khi bóng cô vừa khuất sau cánh cửa, một giọng nam hét lên: “ Trống tiết tụi bây ơi!” . Và cả lớp ùa ra ngoài như đàn ong vỡ tổ.
    Chỉ còn sót lại một cô bé ngồi tư lự ở cuối phòng. Cô thở dài , lấy tập ra ghi ghi, chép chép. Thỉnh thoảng cô ngừng viết, nhìn ra khoảng sân nhỏ - nơi các bạn cô đang chơi đùa một cách vô tư .
    Cô nhớ lại những tiết tiếng Anh vắng giáo viên mà buồn rười rượi. Năm lớp tám , lớp cô bé chỉ được học tiếng Anh học kỳ một . Học kỳ còn lại, giáo viên bị tai nạn giao thông nên lớp được nghỉ. Năm lớp chín không có giáo viên tiếng Anh mới về, ban giám hiệu đành xếp thầy dạy Địa kiêm luôn môn tiếng Anh của lớp. Hồi đó, không biết thầy có dạy đúng chuẩn của bộ môn không, chứ lớp học rất chăm . Còn cô bé ngày càng yêu thích môn này.
    Toạ lạc ở vùng sâu, xa thành phố, trường cô bé gặp rất nhiều khó khăn. Thương lắm khi phòng không đủ để học sinh ngồi học, thì lấy đâu ra chỗ cho giáo viên nghỉ giờ trưa hay giải lao. Cô bé thường thấy cảnh các giáo viên thay phiên nhau ngồi trên băng ghế đặt trước phòng ban giám hiệu. thầy cô thường nhường nhau từng ly nước hiếm hoi ( Mỗi buổi chỉ có một ấm nước được thầy cô nấu sẵn ở nhà rồi mang đến trường). Còn học sinh nếu khát sẽ xin nước ở các nhà gần trường để uống. Khó khăn chồng chất vậy mà thầy cô vẫn đều đặn vượt hơn bốn mươi cây số, hai lượt đi về mỗi ngày từ nhà ở thành phố đến trường trên những chiếc xe đạp cà tàng, cũ kỹ. Nhưng nhiệt huyết của các giáo viên không bao giờ nguội.Cô bé nhớ như in chuyện xảy ra vào buổi sáng thứ hai năm ấy. Trong khi tiếng hát quốc ca đang hùng hồn vang vọng thì một nữ sinh ngất xỉu dưới sân cờ vì đói lả. Các thầy cô đã chia sẻ phần xôi ít ỏi, ly nước hiếm hoi của mình cho nữ sinh đó. Nhìn cảnh ấy, lòng cô bé dâng lên một cảm xúc lạ : vừa thương yêu vừa kính phục tấm lòng của các thầy cô. Dù khó khăn đến đâu các thầy cô vẫn tận tâm dạy dỗ và thương yêu học sinh vô bờ bến.Tình cảm ấy có thể ví như thứ tình thiêng liêng của ba mẹ, anh chị dành cho con cái, em út của mình. Lúc đó, ý nghĩ học thật giỏi để trở thành một giáo viên, hội tụ đủ những phẩm chất đẹp của các thầy cô cứ thôi thúc cô bé. Cô nảy ra một quyết định táo bạo: trở thành giáo viên dạy tiếng Anh trên chính ngôi trường đã dưỡng nuôi ước mơ của cô. Mặc dù trước đó, cô bé đã ôm ấp biết bao ước mơ khác. Cô đấu tranh với bản thân, chiến thắng cái tôi ích kỷ mà ai cũng có. Trong thâm tâm, nơi sâu thẳm của tâm hồn cô dâng lên niềm khát khao cháy bỏng. Cô muốn ngôi trường mà cô đang theo học, sẽ không còn cảnh thiếu giáo viên tiếng Anh nữa. Cô - bằng chính tấm lòng yêu trẻ của mình sẽ thật thụ trở thành giáo viên vì học sinh thân yêu.

    Các bạn ơi!
    Các bạn có biết...?
    Cô bé đó chính là tôi của mấy mươi năm trước.
    Các bạn ạ !
    Giờ ước mơ của tôi đã thành sự thật. Nếu hồi đó, tôi không chứng kiến cảnh lớp thường xuyên trống giờ tiếng Anh vì thiếu giáo viên; Nếu tôi không tận mắt nhìn các thầy cô đi dạy thiếu thốn cở nào ; Và nếu tôi không cảm động trước sự hy sinh, thương yêu và tận tuỵ vì học sinh của thầy cô ngày ấy, chắc có lẽ giờ này tôi không tự hào về những thành tích mà tôi đã đạt được trong sự nghiệp trồng người. Có thể tôi đã trở thành một bác sĩ suốt ngày bận rộn với bệnh nhân, giành giật sự sống của những con người từ tay thần chết. Hay có lẽ tôi đã trở thành một hướng dẫn viên du lịch, đi khắp nơi để giới thiệu vẻ đẹp về thiên nhiên, con người đến với du khách. Và biết đâu tôi đã là một kỹ sư làm việc trên công trình hay ở một nhà máy nào đó, chứ không phải khoác chiếc áo dài đứng trên bục giảng như bây giờ. Cảm ơn những khoảnh khắc tuyệt vời ghi sâu trong tâm trí non nớt của tôi ở lứa tuổi thiếu niên. Những khoảnh khắc ấy đủ lớn để làm thay đổi những ước mơ thời bé của tôi một cách ngoạn mục. Sau mấy mươi năm nhìn lại, chặng đường không ngắn cũng chẳng dài này, tôi chân thành cảm ơn các thầy cô đã dạy dỗ tôi thành người có ích cho xã hội. Nếu cho tôi chọn lại nghề, tôi vẫn sẽ mỉm cười đi trên con đường giảng dạy của mình.

    Các bạn ạ!

    Bây giờ, nếu các thầy cô - ngày ấy, đọc được bài viết này, chắc hẳn thầy Tuấn sẽ nở nụ cười rất duyên ( nụ cười ấn tượng chỉ có ở thầy). Cô Lụa sẽ nheo cặp mắt có cái đuôi dài tinh nghịch. Cô Nghĩa có thể hát khẽ một bài nào đó. Cô Minh Yến với nụ cười hiền như cô tiên rất tươi . Thầy Thiết sẽ ngạc nhiên khi cô trò nhỏ ngày xưa - giỏi Văn, giờ lại là giáo viên tiếng Anh. Chắc hẳn các thầy cô sẽ rất vui vì chính những tấm gương sáng của thầy cô đã đưa tôi đến với nghề giáo.

    PEARL
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 01.12.2021 12:32:45 bởi PEARL >
    #2
      PEARL 05.12.2021 02:56:16 (permalink)
      TUỔI THƠ DỮ DỘI

      Bánh lọt nước cốt dừa đường cát trắng, hột é ... Ôi! Tuổi thơ của tôi.

      Tuổi thơ! Hai tiếng đó sao mà tha thiết quá! Mỗi lần nhắc đến bao ký ức cứ ùa về trong miền nhớ, tưởng chừng như mới hôm qua, nghe nhoi nhói ở bên ngực trái.

      Chúng tôi được sinh ra và lớn lên ở một vùng quê Nam Bộ. Nơi có con sông Đồng Nai uốn lượn qua những cánh đồng vàng tươm màu lúa. Nơi phù sa thắm đỏ vườn cam, quít, xanh mượt rừng dừa nước, đước, bần. Nơi lưu trú bình yên cho các loài chim chóc, đặc biệt là tôm, cá.

      Tuổi thơ chúng tôi với ký ức những lần theo ba mẹ đi nương rẫy trồng khoai, tỉa đậu. Ngày chủ nhật , chúng tôi ra đồng nhổ cỏ lúa, bắt cua mò ốc. Thi thoảng, chúng tôi theo ba tát đìa khi nước cạn. Chúng tôi reo mừng khi râu tôm nổi đỏ mặt đìa lúc nước còn phân nửa; hay nhảy cẫng lên, la thất thanh khi gặp rắn, đỉa. Giản đơn! Vậy mà chúng tôi cứ nhớ hoài mỗi lúc đi xa.

      Tuổi thơ của chúng tôi dữ dội lắm! Cũng phải thôi vì hồi đó làm gì có điện thoại, máy tính... chơi game hiện đại như bây giờ. Sau giờ học, chúng tôi tụ tập tại nhà một bạn nào đó ( luân phiên nhau) chơi u, ấp, đá cầu, ô ăn quan. Tôi thích nhất những đêm trăng sáng cùng các bạn tập văn nghệ ( thường là tập múa) trên sân nhà tôi, vui ơi là vui! ( Giờ nhớ lại cảm xúc bùi ngùi đến lạ!)

      Tuổi thơ còn là ngày hai lượt đi về từ nhà đến trường. Con đường làng dài hun hút được viền bởi những rặng tre hai bên, tỏa mát. Con đường ấy đầy " ổ gà, ổ voi" . Nắng - bụi bốc lên đỏ mịt, mưa - trơn trợt dễ " trượt Patin" . Ấy vậy mà chúng tôi thấy nó đẹp làm sao ! Có lẽ vì nơi đây lưu dấu nhiều kỷ niệm chăng?

      Có lẽ tuổi thơ của chúng tôi trải qua phần lớn ở các ngôi trường từ cấp một đến cấp hai. Ở đó có thầy cô, bè bạn. Ở đó có thể chôn kín nỗi buồn và tràn ngập niềm vui của thời cấp sách. Hoài niệm về tuổi học trò bao giờ cũng đẹp, cũng mang đậm nét hồn nhiên, trong sáng, lúc nào cũng tốn nhiều giấy mực để nói về, lúc nào cũng mất hàng giờ để ngồi với nhau cùng ôn lại. Vui có, buồn có, cười đó mà mi ướt từ lúc nào không hay biết.

      Tuổi thơ của chúng tôi còn có những buổi trưa hè rủ nhau đi bắt dế. Đứa vác cuốc, đứa cầm hủ đựng, gặp hang dế , ù chạy đến tranh nhau đào lấy đào để, mồ hôi đầm đìa lưng áo, mặt đỏ au như con đế lửa vậy. Rồi tụm năm tụm bảy cổ vũ đá dế trong tiếng reo hò vang cả một góc vườn.

      Có những " lỗi lầm" rất đáng yêu của tuổi thơ mà chúng tôi nhớ mãi.

      Đó không phải là rủ nhau đi gom trái cây chưng cúng đêm ba mươi tết ở nhà hàng xóm sao? Hay trèo rào, hái trộm ổi bị chó đuổi chạy rách bươm cả chiếc quần vải ú? Tuổi thơ của chúng tôi đơn giản chỉ là ly bánh lọt nước cốt dừa đường cát trắng vậy mà theo chúng tôi suốt gần cả cuộc đời. Để rồi mỗi lần nhớ lại , chúng tôi thì thầm gọi tên : tuổi thơ dữ dội!

      PEARL
      #3
        PEARL 30.12.2021 18:18:05 (permalink)
        QUÊ TÔI - NGÀY COVID

        Tôi rất yêu nơi này - nơi chôn nhau cắt rốn. Nơi tôi cất tiếng khóc chào đời, uống nguồn sữa mẹ và nghe những câu hát ru rồi chìm vào giấc ngủ ngon lành trên cánh võng đong đưa. Quê tôi đó - vừa quê mùa, mộc mạc vừa văn minh, hiện đại. Khai sinh ra những cái tên dài theo năm tháng : Gia Định , Thủ Đức, Quận 9 rồi tương lai sẽ là thành phố Thủ Đức. Dù có mang tên gì đi nữa , nơi đó vẫn là quê tôi , đã in vết những ký ức không quên từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành, trung niên của tôi .

        Hồi đó, ngày đi học xa , tôi mong mau đến chiều thứ bảy để cưỡi chiếc xe đạp cà tàng về lại nhà. Thích nhất là rong ruổi trên con đường hun hút bóng tre mát rượi hay đi giữa cánh đồng lúa lên đòng ngậm sữa ngào ngạt. Được chơi đùa cùng các chị em , thưởng thức món bánh đúc lá dứa thơm phức mẹ nấu. Cái thú được trèo lên cây hái bưởi , chùm ruột, ổi , mít , mảng cầu chắc chẳng bao giờ tìm lại được. Nhớ quá những lúc học bài thi, mắc võng giữa vườn nằm đọc bài nghêu ngao mà chẳng sợ ai nghe . Có khi ngủ thiếp đi đến khi mưa nhỏ từng giọt trên người mới giật mình thức giấc, nhìn dáo dác xem có ai thấy không . May là chỉ có những chú chim hót ríu rít trên cành mà thôi. Xấu hổ thật!

        Tôi cũng có một thời niên thiếu sôi động ở nơi này. Thuở ấy, tôi cùng những người bạn sinh hoạt đội rất vui. Cứ mỗi chiều, sau khi cơm nước xong , tôi rủ các bạn đi họp rồi tập văn nghệ. Có khi tôi làm diễn viên múa kiêm đạo diễn luôn. Những vũ điệu nghê ngô được tôi và các bạn sáng tạo ra vậy mà đều đạt giải. Vui lắm ! ngày ấy quê tôi yên bình và tĩnh lặng lạ.

        Giờ đây , lặng nhìn làn dây phong tỏa ở hai con đường mà tôi cảm thấy buồn. Vì dịch Covid , quê tôi có bình yên ?
        Đúng là một ngày không bình yên trong tâm hồn của người dân ở đây hay ít ra là của chính tôi - ngày 28/12/2020 , một ngày mà tôi không thể nào quên được.
        Hoang mang ư? Bảo không là tự dối lòng . Nhưng tôi cố hết sức bình tĩnh để tiếp nhận từng thông tin chính xác có chọn lọc : Đã tìm thấy...., ....dương tính lần 1 rồi, phong tỏa đường số 4..., Tất cả F1 đều âm tính lần 1 ... như một thước phim lướt qua đầu tôi và tôi biết mình phải làm gì.

        Nhìn ra con đường lộ trước nhà , hướng về phía đường số 4 , những chiếc áo xanh dân quân vẫn đứng đó , chiếc xe cứu thương đậu hờ hững, đợi chờ. Mọi người có vẻ vội vã. Nhưng nhịp sống dường như chậm lại... Chốc chốc, tôi lại ra đường... hóng tin tức. Điện thoại người thân và bạn bè gọi đến tới tấp , hỏi thăm tình hình và dặn dò tôi phải cẩn thận với dịch bệnh. Thật cảm động trước tấm chân tình thương yêu và lo lắng của mọi người. Khi gặp hoạn nạn mới thấy hết sự quan tâm mà mọi người đã dành cho mình , thật trân trọng biết dường nào. Cảm ơn, cảm ơn thật nhiều những người thân yêu, bè bạn của tôi.

        Và tôi càng yêu hơn cuộc sống này. Càng bình tĩnh hơn , tôi càng mong sao những người đang bị cách ly không ai bị bệnh. Họ sẽ quay về nhà bình yên sau thời gian quy định. Quê tôi trở lại bình thường, mọi việc lại quy cũ. Khu phố tôi sẽ chào đón một cái tết vui tươi, hạnh phúc và mạnh khỏe, không dịch bệnh.

        PEARL
        #4
          PEARL 09.02.2022 20:34:02 (permalink)
          HẮN

          Hắn vẫn chứng nào tật nấy , bê tha cờ bạc, nghiện ngập rượu chè , đề đóm và cá độ đá banh.

          Tôi biết hắn khi hắn còn ẵm ngửa, kháu khỉnh, đáng yêu. Là con trai duy nhất trong gia đình đông con, hắn được nuông chiều quá mức. Do vậy , hắn đâm ra hư đốn. Hết lớp tám trường làng, ba mẹ gởi hắn lên thành phố học nghề. Mà hắn có chú tâm học đâu. Đua đòi cùng chúng bạn rỗi công, vô nghề , ngồi quán cà phê , hắn bàn đề, cá độ bóng đá. Hết tiền hắn vay nặng lãi của xã hội đen vì hắn nghĩ rằng ba mẹ hắn còn đất đai ở dưới quê nhiều lắm cũng đủ trả số nợ lên đến hàng tỉ của hắn.

          Năm hai mươi tuổi, hắn như con thiêu thân, lao vào các cuộc vui rồi " tậu" ngay một cô vợ "già " , đem bầu về cho mẹ hắn đúng ngày mùng một tết.

          Mẹ hắn chết lặng vài phút rồi cũng chiều hắn làm đám thú phạt. Thực ra bà cũng muốn hắn lập gia đình để an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống và từ bỏ những thói hư tật xấu.

          Người ta nói nồi nào úp vung đó là có thật. Vợ hắn chẳng đẹp lại lười lao động mà tỏ ra mình quý phái như một tiểu thư. Rất xứng đào xứng kép! Mẹ hắn giờ phải cưu mang cả gia đình nhỏ của hắn nên lưng bà vốn còng lại còng thêm.

          Bà có ngôi nhà nát . Tuổi thọ của ngôi nhà chắc cũng gấp đôi tuổi đời của hắn - cũ kỹ, tồi tàn. Mẹ hắn chẳng thể sửa sang lại bởi làm ra bao nhiêu tiền hắn đều lấy sạch. Tội nghiệp bà và mấy đứa con của hắn phải lội nước bì bõm trước khi vào nhà mỗi bận mưa lớn.

          Khổ thế mà mẹ hắn vẫn cưu mang và thương chiều hắn hơn tất cả các chị em của hắn. Có miếng ngon, vật lạ - những đứa con gái hiếu thảo biếu, bà liền để dành cho hắn . Số tiền ít ỏi - các chị em của hắn tích cóp cho bà phòng khi đau ốm, bà cũng đưa hắn hết. Có những lúc bà bệnh nặng , hắn không đưa bà đi bệnh viện . Khi đó, bà chỉ trông nhờ vào mấy đứa con gái ở xa. Vậy mà, bà chẳng buồn bởi bà nghĩ số bà là thế nên bà cam chịu.

          Rồi cái gì đến sẽ đến. Chỉ vài năm thôi hắn đã mang một cục nợ kếch xù về cho bà. Hắn khóc lóc tỉ tê:
          - Mẹ cứu con với ... mẹ trả nợ giùm con nếu không bọn xã hội đen sẽ chém con chết . Mẹ ơi! Mẹ cứu con...
          Hắn khóc như chưa bao giờ được khóc. Đáng lẽ hắn phải để dành những giọt nước mắt đó cho ngày bà trăm tuổi. Còn bà không thể cầm lòng được , đành bán mấy sào đất để cứu hắn. Bà nói qua làn nước mắt :
          - Mẹ cứu con lần này, sẽ không có lần sau đâu nha con.
          - Dạ, mẹ. Sẽ không có lần sau đâu mẹ. Kỳ này con sẽ quyết chí làm ăn để không phụ lòng của mẹ. Con cảm ơn mẹ nhiều lắm.

          Ừ thì ... hắn nói được là làm được cho đến một ngày kia....

          Ngôi nhà khang trang mọc lên trên nền nhà cũ. Cái sân lầy lội cũng được lát gạch tươi roi rói , đẹp mắt, mát rượi . Kín cổng, cao tường, nhà hắn đấy - vừa hiện đại vừa mang nét cổ điển. Bên hông nhà là một cái xưởng nơi hắn làm việc.
          Tất cả đều do tiền bán mấy sào đất mà có.

          Mẹ hắn mừng ra mặt. Bà đi khoe khắp xóm dưới, làng trên, cùng bà con dòng họ rằng hắn đã đổi thay. Hắn tu tỉnh, biết làm ăn , lo cho vợ con và bà. Bà đi chùa cúng tạ ơn trời Phật đã xui khiến hắn cải tà quy chánh.

          Nào ai đoán trước được tương lai khi sự thay đổi của hắn chỉ là bước đệm cho những hành vi không thể chấp nhận của hắn. Ngựa quen đường cũ. Hắn cũng không là ngoại lệ.

          Làm ít , tiêu xài nhiều, hắn lại đi vào vết xe đổ của chính mình . Không lối thoát, hắn lại vay nợ , lại bị xã hội đen truy đuổi. Hắn tiếp tục vòi tiền mẹ già một cách vô lương tâm, hèn hạ.

          Giá mà không kể nữa thì hơn bởi khi viết ra đây lòng tôi đau như xé, nước mắt tràn mi . Tôi đã khóc. Khóc cho người mẹ hết lòng thương con mà phải bất lực vì con. Khóc vì cuộc sống này quá vất vả rồi , thương yêu nhau không hết, có đâu lại làm khổ nhau như vậy! Khóc bởi đạo đức con người đang xuống cấp trầm trọng. Khóc - trong góc khuất nào đó vẫn còn hiện diện đứa con bất hiếu . Là hắn.

          Hắn đập phá phòng ngủ của bà. Tiếng la hét của hắn lẫn âm thanh mảnh vỡ nghe rợn người. Sau cánh cửa đã vỡ toang là dáng hình còm nhom của người đàn bà đang run cầm cập. Mẹ hắn. Bà đứng đó thất thần , lẩy bẩy khi hắn thét:
          - Tiền đâu? Tiền bà giấu đâu?

          Hắn bất ngờ lao ra khỏi phòng và rượt theo , giật phăng túi tiền trên tay của cô em gái chẳng khác gì tên cướp. Mẹ hắn đứng như trời trồng. Túi tiền ấy, bà vừa bán miếng đất nữa. Giờ hắn lấy hết rồi. Bà trắng tay. Lần này, bà lại đổi thừa cho số phận.

          Bà bước thấp bước cao - theo bàn tay kéo của ai đó, ra khỏi nhà. Sau lưng bà, " cậu quý tử" ngồi chễm chệ trên ghế sô pha, đang chậm rãi cắn hạt dưa. Mưa Xuân đã về, ngấm từng giọt vào trái tim tái tê của bà dường như càng đắng đót.

          PEARL
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.02.2022 23:42:13 bởi PEARL >
          #5
            Chuyển nhanh đến:

            Thống kê hiện tại

            Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
            Kiểu:
            2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9