Giòng Đời Xưa và Nay - Tuyết Minh
Thay đổi trang: < 123 > | Trang 2 của 3 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 32 bài trong đề mục
frank 02.08.2022 23:52:07 (permalink)
 

25-   Biết Mình Biết Người

 
 
Các nhà đạo đức vẫn khuyên răn người đời đừng có kiêu hợm: không ai ưa lời nói kiêu, khoe khoang, điều bộ khinh bạc sẽ chạm tự ái người chung quanh. Dù biết vậy, nhưng sự kiêu hợm nó phát từ trong tâm gần như một thứ bệnh. Hơn người khác một thứ gì: tiền, tài danh, thịnh, sắc, khó có thể kìm hãm khi tiếp xúc với người đời bằng cử chỉ, lời nói, bài viết. Hậu quả đưa đến hệ lụy vào chính bản thân, dư luận mỉa mai.
 
Trước thế chiến thứ hai, tôi đã nhìn tận mắt một người đàn ông đã già, hình dáng tiều tụy, râu tóc đã bạc, nhưng y phục tề chỉnh cho dù áo the thâm đã đổi mầu, quần trắng nay ngả sang mầu ngà, đi dép, tay cầm dù, lang thang khắp các làng quanh huyện Nga Sơn, Yên Mô để ăn xin. Cứ chừng ba, bốn tháng lại tới những nhà khá giả mà xin xỏ (cũng chẳng khác gì một hình thức ăn mày). Và tôi được nghe câu chuyện sau đây về gia đình người đàn ông đó.
 
Ông Cửu Ngọ,quê làng Đ. H., huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Các cụ già thường nhắc lại chuyện của ông Cửu Ngọ để  răn dậy con cháu trong nhà. Với một sản nghiệp giầu có nhất làng, nhất tổng, có thể nói là giầu nhất huyện, nhà cửa ruộng nương, tiền của tích lũy nhiều, người hầu kẻ hạ cũng lắm. Trong nhà người làm sợ sệt đã đành, khi ra ngoài những ai không biết tránh né đều nhận được những lời thô bỉ, kênh kiệu của gia đình đó.
 
 Những sự thái quá rồi cũng có lúc phải bùng lên. “Vô phúc phải đáo tụng đỉnh” là câu đầu lưỡi của người dân quê. Nhưng người ta cứ người có tóc mà nắm chứ không ai nắm người trọc đầu. Người này kiện thì kẻ khác cũng kiện được. Rồi một hôm bà mẹ ông Cửu Ngọ tay cầm một nắm bạc ra đầu làng, đứng giữa cầu ném nắm bạc xuống sông mà nói: “Bao giờ làng này hết lá tre nhà tao mới hết bạc” (ý chỉ đe dọa những người đi kiện gia đỉnh bà).
 
Bà ta ỷ lại vào tiền của để mà đút lót quan lại nên chẳng kiêng dè gì cả. Thế mới biết giầu có như Vương Khải, Thạch Sùng đến nỗi sau này tán gia bại sản con phải đi ăn mày với xú danh để lại.
 
Đời nay dân mình đang phải khổ vì sự kiêu ngu (của đỉnh cao trí tuệ) đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào, đưa dân đến sự cùng cực đói khổ, rồi bây giờ phải ngửa tay đi cầu cạnh, xin xỏ khắp nơi không còn biết nhục. Cũng vì sự kiêu căng, những người gặp thời, có quyền thế chỉ biết vênh mặt để nghe những lời ton hót, nịnh bợ, những phúc trình giả dối kèm với lời tâng bốc để đến nỗi nước mất nhà tan, thân bại danh liệt, chạy bán sống bán chết đến nơi tự do.
 
Nhưng, chứng nào tật ấy, vẫn mang bịnh tôi kiêu, anh kiêu, bà kiêu, nó kiêu, chúng ta đều kiêu: có kiểu áo mới đẹp giữa đám đông, nhiều người chú ý làm cho bà, cô lên mặt ngay. Bà đi buôn bán gặp thời, trở nên giầu có, gặp ai điệu bộ, lời nói của bà toàn là tiền ngàn, bạc triệu, giá cả hột xoàn, kim cương, nhà cửa, làm cho đối phương mặc cảm khó chịu rồi sinh lòng đố kỵ, ghen ghét.
 
Anh chị đi học may mắn có bố mẹ chắt bóp đủ tiền bạc học lên kèm với trí thông minh trời ban riêng từng người, đỗ đạt bằng cấp hơn người, anh chị kiêu hãnh cho rằng chỉ có mình giỏi. Họ không nâng đỡ, chỉ bảo, giúp đỡ những người kém mình, lại còn chê bai, không thèm giao thiệp với những kẻ thua mình. Ông có tài viết sách, viết báo để dạy đời nhưng nhiều trang sách báo ông đã mạt sát ít hay nhiều người xuống hàng mục hạ vô nhân, tự cho mình là rốn vũ trụ. Cho dù xưa nay người ta vẫn thầm kính phục văn tài của ông cũng phải xót xa gạt ông ra khỏi lòng kính trọng kèm theo một tiếng thở dài.
 
Ở nước nhà là ông nọ bà kia, đến bây giờ vẫn còn vang bóng một thời, đi làm việc cho đoàn thể hay giúp nạn nhân ông cắp cặp đi quyền tiền với điệu bộ trịch thượng, dĩ nhiên là kém hữu hiệu; không vừa lòng ông sẽ kèm theo những lời bóng gió đe dọa; sự kiêu hợm quả là có trong con người của mọi tầng lớp. Anh đàn hay, chị hát giỏi, đi đến đâu cũng có kẻ đón, người đưa, cứ tưởng chỉ có mình là cao sang, được ưa chuộng, có những người không hợp nhãn, hợp nhĩ (bởi họ đã nhìn về khía cạnh đạo đức) thì cho là quê mùa, không biết gì.
 
Ở đời nhân vô thập toàn, dù tài giỏi đến đâu, vẫn mang nặng trong đầu ý tưởng kiêu, không chóng thì chầy cũng bị đào thải. Những người tầm thường với tinh thần hướng thượng, vị tha, bao dung, biết tu thân, tề gia vẫn có thể trị quốc, bình thiên hạ. Đấy là những người quân tử chân chính mà một nhà hiền triết thuở xưa giữa ban ngày đã đốt đuốc đi tìm mà cũng khó thấy.

(còn tiếp)
#16
    frank 09.08.2022 03:02:32 (permalink)


    26-   H
    i Bt Cp

     
     
    Cả buồi chiều nay Nhường như không còn tâm trí  chú ý vào khách hàng đến mua hay đặt bánh như mọi khi, cô giúp việc luôn hỏi nàng về những việc khách hàng muốn biết.
     
    Trước khi đóng cửa hàng ra về,  Nhường đưa chìa khóa cho người làm, Lan là cô giúp việc thành thực, hiền lành được sự tin cẩn từ trước.
     
    -Nh ngày mai ti sm hơn mi khi đ m ca hàng, tôi có vic đi vng hai ngày. Nhng vic cn làm tôi đã ghi ra giấy để  trên bàn.
     
    Sau khi ăn cơm chiều, Nhường gọi các con lại nói cho biết:
     
    -Sáng mai mẹ đi chuyến máy bay  7 giờ sang California thăm bác Cả, gặp chị Thắm có việc, chiều ngày mốt mẹ về tới nhà, các con ở nhà phải cẩn thận khóa cửa trước khi đi học và sau khi học, các thứ đồ dùng mẹ đã mua đầy đủ.
     
    Sau khi dặn dò các con kỹ lưỡng, bé Lý con gái út, mắt long lanh hai giọt nước mắt sắp trào ra ôm lấy cố mẹ, bè mếu máo: “Mẹ ơi mẹ đừng đi lấy chồng, ai nuôi chúng con,” Không phải đây là lần đầu tiên bé nói thế, cứ mỗi lần nàng định đi đâu, lại bị bé Lý nhắc lại như một điệp khúc, có khi nàng cần đi công việc cứ bị bé nhõng nhẽo phải gắt lên, chị bé phải rủ đi chơi; lần này nghe con nói nàng, chỉ thấy thương con hơn.
     
    -Con yên trí ở nhà với các anh chị con, ngoan, mẹ đi xong công chuyện chiều mốt sẽ về với chúng con.
     
                                            ***
     
    Từ lúc nghe Thắm tâm sự qua điện thoại, nàng cứ nhớ đến Thắm mãi. Thắm là cháu gọi nàng bằng cô. Lời đứa cháu gái còn văng vẳng bên tai nàng: “Cô ơi! cháu khổ quá, rồi trường hợp cháu cũng giống cô thôi”. Nàng đã yên ủi cháu mấy câu và hứa sẽ sang thăm anh đồng thời giúp cố vấn cho Thắm. Nàng không thể để xẩy ra như trường hợp hẩm hiu của mình.
     
                                         ***
     
     Ích, một thanh niên đẹp trao, vui vẻ, bặt thiệp phong nhã trên vai gắn ba hoa mai; Nhường tốt nghiệp sư phạm, á hậu ở trường, nết na, thùy mị; sau một thời gian tìm hiểu, được đôi bên cha mẹ chấp thuận, một đôi trai tài gái sắc sống những ngày hạnh phúc. Các con trai, gái lần lượt ra đời đã làm cho gia đình thêm hạnh phúc, nhưng lại làm cho mẹ chúng phải mất nhiều thì giờ chăm sóc con, bớt thì giờ đến lơ là chăm sóc chồng và trang điểm.
     
     Ngoài giờ đi dậy học, và đến nhà Nhường phải chính tay săn sóc con mới yên trí, không hoàn toàn giao cho người giúp việc, phải bỏ cả lệ đi chơi với chồng, cả những lúc Ích ở nhà nàng cũng không dành riêng cho chồng ít phút, các con là trên hết, lâu dần thành quen.
     
    Trái lại chồng nàng vẫn quý chiều các con, nhưng nhiều lúc  chúng quấy khóc chàng khó chịu muốn đi chơi một mình, gặp bạn bè rủ rê la cà, tữu quán, nhảy nhót, rồi thiếu gì những hạng đĩ điếm chạy theo hơi đông, bám vào hết bông hồng này đến bóng hồng khác.
     
    Người ta thương nói cái kim trong bọc lâu ngày cũng thòi ra. Mấy tháng nay Ích đưa tiền lương về đã ít lại không đều, nhiều hôm vắng nhà vô căn cớ. Vả lại Ích đã hoán đổi về làm việc ngay ở thủ đô, đâu còn đi các tiền đồn như trước. Nếu Nhường có phàn nàn cự nự, Ích lại đánh trống lảng rồi tìm cách gây sự lấy cớ bỏ nhà đi chơi.
     
    Thái độ của Ích lại càng làm cho Nhường thêm tức giận. Nàng nhủ thầm: Ừ muốn đi cứ việc đi ta cũng không cần, ta tự túc nuôi con, đã mấy tháng nay tiền lương đưa về được bao nhiêu, không đủ mua quà cho con, mẹ con vẫn sống được có chết ai đâu. Con người càng ngày càng tệ bạc thiếu bổn phận làm chồng làm cha, cứ đi cho khuất mắt.
     
    Đúng lúc vợ chồng không biết bảo vệ cho nhau thì kẻ thứ ba được cơ hội khai thác, người ta đã canh đúng lúc Nhường có việc đi ra ngoài thì kẻ chủ tâm đã đưa Ích vào tròng, khoác tay chàng ung dung ra đi dung dẻ ngược chiều với Nhường hòng dứt điểm độc quyền chiếm lại hạnh phúc của người.
     
    Xa xa thấy chồng khoác tay một thiếu phụ ăn vận lộng lẫy đang cười nói với nhau rất tương đắc, Nhường tức giận run người. Nàng tự nghĩ mình là người có học, có giáo dục không thể ghen một cách hạ cấp. Con người đã lừa dối bội bạc không còn muốn nhìn mặt để Ích về nói cho biết.
     
    Từ lâu không nhòm ngó, giúp đỡ vợ con, chỉ biết đi tận hưởng lạc thú bỉ ổi, không đáng làm chồng làm cha, con người phản bội chỉ có một cách dứt khoát “anh đi đường anh tôi đi đường tôi, tình nghĩa đôi ta chỉ có thế thôi”, từ tức giận đến thâm thù nung nấu trong tim phủ lấp tình cảm.
     
    Như linh tính Ích trở về nhà vồn vã thăm các con. Nhưng cũng là lúc Nhường nhớ đến cảnh Ích cặp tay với một người lạ, nàng nói:
     
    -Anh không xứng đáng làm cha chúng, bỏ bê các con vác mặt về đây làm gì.
     
    Rồi như không dằn được tức giận, càng lúc càng tuôn ra những lời cay độc bỉ ổi tích tụ trong lòng từ bao tháng nay, được dịp vỡ òa ra, không còn kịp hãm lại.
     
    Lúc đầu Ích cũng biết tội đã nhiều, xin lỗi nhưng Nhường quá tức  cứ nói như không ngừng hờ để nghe đối phương nói gì, cho đến lúc hai bên không còn đủ lý trí, rồi như một cơn giông, đồ đạc bàn ghế bay đổ loảng xoảng làm kinh động hàng xóm kéo tới, là lúc Ích xấu hổ bước ra, kèm theo lời cay độc của Nhường: “Hãy cút xéo khỏi nhà đừng bao giờ vác mặt về nữa, con này không cần ai phải thương xót.”
     
    Cuốn phim luôn tái diễn trong trí Nhường, mỗi khi các con hỏi “Mẹ ơi! Sao mãi không thấy ba về?” Nàng đau nhói trong tim không biết trả lời con thế nào, vờ như không nghe thấy, bằng cách sai con  làm việc gì, hay lấy đồ chơi, bánh quà cho con. Nàng cảm thấy các con dù có tình thương ấp ủ của mẹ vẫn thiếu tình thương che chở của bố.
     
    Những khi đi làm về quần tụ  với mấy mẹ con trong bữa cơm, cảm thấy không khi nặng về như thiếu thốn một cái gì. Những đêm khuya canh tàn dưới bóng sương mở một mình suy tư với công việc đang làm, sắp làm, muốn bàn hỏi với nỗi vui, chia sớt nỗi buồn, ân hận mình đã quá giận bồng bột, không biết hàn gắn, đang tâm đập đổ cả một gia đình. Than ôi con chim đã lìa tổ bay đi tìm một tổ ấm khác.
     
    Những lúc gặp khó khăn trong công việc, bị đau yếu cho mình hay các con, là những lúc cảm thấy cô đơn, lo sợ không tìm được ai đáng tin cậy để nhờ và như vợ với chồng. Sự hối tiếc dâng lên tràn ngập tâm hồn, chỉ vì nóng giận thiếu suy nghĩ, mình đã quá lời chạm nặng tự ái chàng, được dịp để rơi vào tay người khác.
     
    Rồi tự ái nổi dậy nàng lại nghĩ ta hãy còn xuân sắc, có công ăn việc làm thiếu gì người cầu thân, làm lại cuộc đời. Nghĩ là làm, Nhường chú ý đến nhan sắc mình, phấn son, ăn diện làm quen với chốn ăn chơi, đúng như vậy, thiếu gì các chàng chạy theo vì nhan sắc, vì tiền lợi dụng cho qua thời gian, như bướm lượn vòng mà chơi. Những dịp giao thiệp cận kề để ý tìm hiểu nàng không tìm được người nào có đức hạnh, có chung thủy, có địa vị, không hơn cũng phải bằng người cũ, đáng giao phó cả cuộc đời còn lại.
     
    Trong lúc nàng tìm thay chàng, thì chàng tỉnh ngộ thương con muốn quay về dù sao cũng vợ cái con cột, nhưng không đủ rộng lượng tha thứ, khi gặp nàng ở vũ trường trong vòng tay kẻ lạ. Kể từ đây không còn hàn gắn nổi, mặc những người bạn thân trổ tài Trương Nghi, Tô Tần. Chỉ thương thay cho xấp nhỏ vô tội bỗng  dưng thiệt thòi, ở với mẹ thiếu tình thương cha, ở với cha thiếu tình thương của mẹ.

    ***
     
    Nàng nói với cháu:
     
    -Thắm ơi! Cô vột vã qua gặp cháu có ý kịp thời đem kinh nghiệm bản thân để nói cho cháu biết, đừng bồng bột, quá giận mất khôn, quên trách nhiệm làm mẹ, hãy nghĩ đến các con, thương các con mình đẻ ra chúng, chỉ có tình thương cao cả của người mẹ mới bao trùm nổi các con mình, có hạnh phúc hay không ở người mẹ, vì các con nhỏ cháu hãy tha thứ hàn gắn gia đình của cháu.
     
    -Cô không hiểu nổi, cháu khổ quá, người ta phụ bạc cháu, cháu muốn dứt bỏ cho xong, cái gì cũng đổ tại cháu.
     
    -Quá trình cuộc đời của cô, cháu nói có ai giống trường hợp của cháu, đây cô đưa ra mấy trường hợp hiện đang sống trong cuộc:
     
    Tý làm công chức, Sửu dậy học cả hai kể vào bậc trí thức cũng như bao gia đình khác sống ở đất nước tự do, bình đẳng nhưng thiếu tình cảm, ban đầu cả hai cũng giúp đỡ nhau trông coi con cái, hay dọn dẹp nhà cửa dần dà công việc cả hai vợ chồng không cùng về một giờ để có bữa cơm, vui vẻ. Họ muốn công bằng bình đẳng đã chia phiên lau nhà, rửa bát v.v..
     
    Lấy cớ người nào cũng đi làm cả, vậy ai muốn ăn gì tự làm lấy, chỉ khổ cho anh Tý đi làm về tới nhà đã muộn, nhọc mệt nằm nghỉ ít phút, dạ dầy đòi hỏi, ngày mưa cũng như lúc nắng, lái xe đi xếp hàng mua ham-bơ-gơ về ăn cho xong bữa, khát vào bếp vặn vòi nước lạnh, ngày nghỉ anh được ai mời tới nhà ăn bữa cơm gia đình anh lấy làm sung sướng lắm. Ít lâu sau một nữ đồng nghiệp của anh tới nhà ăn cơm, cảm thấy không khí đầm ấm, được săn sóc, chiều chuộng nhất là khi đi làm về không còn cảnh phải xếp hàng mua ham-bơ-gơ như trước, hết muốn trở về nhà, khi khát ra bếp vặn nước vòi.
     
    Tuy nhiên Tý cũng không đang tâm bỏ Sửu, nếu Sửu đứng theo lối người Mỹ hơi tức khí một chút đòi ly dị. Tý đã trở về hàn gắn lại cho con có tình thương trọn hảo, nhưng Sửu quá kiêu đưa đến sự tan vỡ là cái chắc. Kết cục Tý dễ dàng tìm được mái ấm khác, còn Sửu thì khó quá không sao tìm được người như Tý có học thức, có địa vị, có nghề nghiệp vững. Bây giờ Sửu đang sống trong sự hối tiếc thì đã muộn.
     
    Ồ! Như cái anh chàng Dần này lúc đầu cũng không muốn lấy nàng Mão, nhưng mối lái khéo nói lại thêm bố mẹ Mão khéo chiều chuộng, săn sóc Dần, nên cuối cùng cũng nên duyên. Đôi Dần Mão sống bình thường hạnh phúc. Mão ở nhà săn sóc ba con, lương Dần kiếm được có thừa cho Mão chi tiêu, Mão tỏ ý muốn học thêm. Dần cũng chiều vợ, đổi làm ca đêm, ban ngày ở nhà coi con cho Mão đi học và Mão đã lấy được chứng chỉ kỹ sư điện,  có nghề có tiền Mão đang tâm phản bội chồng. Dần hay biết quá thương con tha thứ cho Mão, nhưng người đàn bà táng tận lương tâm này đã đem theo mấy đứa nhỏ với số tiền dành dụm của Dần trốn biệt dạng, để lại cho Dần sự cô đơn, tuyệt vọng, oán hận lây cho cả giới đàn bà.
     
    Thắm ơi! Cô đã nói hết cho cháu nghe, hay bụt nhà không thiêng. Riêng cô nói lời cuối là cháu hãy nghĩ đến sự đau khổ, thiệt thòi của các con cháu, không phải bây giờ, mà chúng còn chịu dài dài cả quãng đời các con của cháu, và chính cháu mang hận suốt đời, cũng như đời sống hiện tại của cô, đừng có bước vào vết xe đổ của cô, hãy dẹp tự ái, nhớ lại những ngày mới cưới vui vẻ, yêu nhau, chiều chuộng mơ mộng biết mấy, nhân vô thập toàn, hãy nghĩ chính mình không nhiều thì ít cũng có lỗi, hãy tha thứ lỗi lầm cho nhau, bắt tay làm hòa, để cho con cái có diễm phúc sống trong tình thương của bố mẹ.
     
     (còn tiếp)

    #17
      frank 10.08.2022 00:21:56 (permalink)



      27-   Sau Mười Lăm Năm

       
       
      Đèn đường đã sáng từ lúc nào, mảnh trăng lưỡi liềm như tối lại trước ánh sáng nhân tạo, cảnh vật im lặng cũng thông cảm với nỗi lo âu, tiếng thở dài não nuột của bà Hải:
       
      -Thôi bà đi vào nhà đi, ngồi mãi ngoài này có sương xuống lại cảm lạnh, chứng ho trở lại thì khổ, cố quên đi, nó đi rồi nó lại về, lo lắng làm gì cho mệt.
       
      Uể oải mệt nhọc nể lời ông chồng, bà Hải bước vào nhà, sực nhớ ra cả hai ông bà chưa ăn cơm chiều, buồn và lo nghĩ, cả hai đều không thấy đói.
       
      “Phải có ăn chút ít lấy sức mai còn đi làm.”
       
      Ông Hải nhắc tới lần thứ hai, bà mới đi hâm đồ ăn, cả hai ông bà cố gắng ăn cho xong bữa.
       
      Vừa thương vừa giận con, bà Hải lại phàn nàn trách móc “ông không biết dạy con, để nó hư đốn.”  Ông Hải vừa cầm tờ báo xem cho quên nỗi buồn, nghe vợ léo nhéo nổi quạu, dù bản tỉnh ông rất hiền:
       
      -Bà đừng có giận cá băm thớt, con hư tại mẹ, chiều nó cho lắm vào, bây giờ nó hư còn nói gì và đổ lỗi cho ai, tại mình chỉ biết chiều, không biết dạy con, cứ còng lưng đi làm, có đồng nào muốn để dành cũng không được, con xin gì cũng cho, con gái cũng như con giai, cứ giấm giúi cho chúng, tôi biết có nói thì kiếm truyện trách không biết thương con.
       
                                         ***
       
      Nhà trường đã báo động cho biết Tùng hay bỏ học. Cách ăn mặc của nó cũng kỳ dị chẳng giống ai, đầu tóc vuốt kéo, tóc dựng đứng đàng trước, đằng sau lại để dài thòng, đã thế lại đeo bông tai tòng teng như con gái, miệng ngậm thuốc lá phì phèo nhả những ngọn khói bay tỏa đầy nhà.
       
      Vừa mở cửa phòng bước ra, bà Hải đã chạm trán Tùng, đứng án ngữ trước mặt:
       
      -Má cho con xin ít tiền.
       
      -Tiền đâu mà xin mãi, ngày nào cũng xin, má còn phải đi làm mới có, sao con cứ bỏ học mãi, nhà trường người ta đang đe đuổi, chịu khó đi học má mới cho tiền.
       
      -Được, mà cho tiền con sẽ đi học lại; không có tiền, tiêu của các bạn mãi đâu có được.
       
      Thấy con ăn mặc dị hợm, cử chỉ lố lăng, trong lòng khó chịu, bà Hải vẫn chiều con cho tiền để còn đi làm, và lần nào cũng thế, ít khi nó xin tiền mà phải đợi lâu, lúc nào bà cũng coi như nó còn bé bỏng phải chiều nó và tự an ủi lớn lên nó sẽ nghĩ lại. Nhưng càng lớn nó lại càng hư.
       
      Đi làm vất vả và đâu có nhiều tiền, thấy con xin tiền luôn bà cũng xót ruột không cho, nó biết tính bà không kiên nhẫn, có khi phải đe dọa sẽ bỏ nhà đi, lấy đồ đi bán, hứa nhăng hứa cuội, hay nói lớn lên ầm ĩ sẽ làm bà xấu hổ với hàng xóm và ông Hải biết được sẽ mắng cả mẹ lẫn con, nên nó cố tình dài dòng lấy được tiền mới đi.
       
      Quen như mọi khi, không dè lần này má nó không sẵn tiền, nó nói ầm ĩ làm ông Hải quá giận bạt tai và đuổi nó muốn đi thì cứ đi cho khuất mắt bố mẹ, và ông bà Hải đã không ngờ có băng đảng đón con mình, vừa mất con, vừa lo buồn cả một đời con hư hỏng, nguyên nhân cũng chỉ vì quá chiều con, không biết dạy đúng mức.
       
      Khi còn bé hơi khóc một tiếng, đã vội vã dỗ dành, được đà nó cứ khóc tới khi nào đưa đúng thứ mà nó muốn mới thôi, quát tháo, chửi bới nó cũng không ăn, hay vừa ăn vừa nghịch đổ vãi tung tóe cứ phải chịu, lớn lên quen thói được chiều vừa nghịch vừa hỗn đã không uốn nắn, có khi lại còn khen nó khôn ngoan, giỏi giang; nó muốn đi chơi, đi ăn mua thứ gì cứ nhắm mắt mà chiều cho bằng được.
       
      Đến tuổi đi học thích chơi hơn học, bỏ giờ học đi chơi với những bạn xấu như nó, bố mẹ không ai kiểm soát bài vở; càng lớn, càng nhiễm thêm tính xấu kết bè đảng với những bạn cùng hoàn cảnh như nó.
       
      Suốt đêm không ngủ, ông bà Hải tính phải có phương pháp giáo dục như thế nào, vì từ trước tới giờ ông bà chỉ lo đi làm, không đủ kinh nghiệm, bà chỉ biết khóc than trách ông đã đánh đuổi con đi, ông trách bà quá nuông chiều, chỉ biết cho tiền để con ăn chơi đến nỗi hư thân mất nết.
       
      Hôm sau đi làm, đến giờ nghỉ ăn cơm, các bạn đồng nghiệp với ông Hải, ai cũng ngạc nhiên hỏi thăm ông bị đau thế nào, trông người hốc hác mắt trũng sâu, vẻ mặt tự lự buồn khổ. Sau khi nghe ông Hải than phiền về con, mọi người góp ý, người nói cứ kệ đàng nào nó cũng hư rồi vướng tù tội cho nó biết thân, người thì khuyên nên tìm nó về nhốt ở nhà mà sửa trị. Riêng ông bạn Hân hứa chiều nay đi làm về, vợ chồng tôi sẽ đến thăm an ủi chị, sẽ góp thêm ý kiến.
       
      Tối đến, trong một cuộc họp bạn tay tư, ông Hân đưa ý kiến:
       
      “Việc cần đầu tiên anh chị phải tìm cháu, xem cháu ở đâu, đưa ngay cháu về nhà, anh chị xin nghỉ làm ít ngày.
       
      -Khi cháu về anh chị cứ hòa hoãn vui vẻ coi như không có việc gì xảy ra.
       
      -Chị gọi cháu vào phòng riêng, hãy dùng tình thương, nước mắt của người mẹ, xin cháu hãy nghĩ thương bố mẹ phải lo lắng xấu hổ, buồn phiền vì con, hãy ở nhà lo học hành v.v… tránh đừng nói nhiều quá làm nó phát chán.
       
      -Anh phải hy sinh mấy ngày đưa cháu đi chơi ra bãi biển, đến bảo tàng viện, công viên xem phim nào lành mạnh, đi ăn tiệm. Trong những lúc thuận tiện, anh cắt nghĩa cho cháu hiểu những tai hại sắp đến và sau này bởi những thói xấu mê muội, khuyên cháu lo học hành chơi với bạn hiếu học, tránh những đứa lười biếng xấu tính.
       
      -Hãy cô lập ngay những bạn bè xấu của cháu, tránh cho chúng khỏi rủ rê, nên đổi ngay số điện thoại.
       
      -Thúc đẩy cho cháu đi chơi xin gia nhập hội thể thao món nào nó thích… quần vợt, bóng bàn, bóng rổ hay võ thuật Việt Nam, cốt tránh cho nó không còn thì giờ rỗi, hết kỳ hè cháu đi học anh chị phải để ý xem phiếu điểm nhà trường gởi về, luôn khuyến khích về sự học. Ngày nghỉ cuối tuần, cả gia đình nên tổ chức đi cắm trại, đi chơi để các cháu cảm thấy tình gia đình đằm thắm.
       
      Bà Hải ngỏ lời cám ơn.
       
      – Chúng tôi rất ngưỡng mộ gia đình anh chị cùng tới đất này năm 75 mà  sau 15 năm các con anh chị đều vào đại học, mỗi người theo một ngành chuyên môn, không bao lâu nữa anh chị được hưởng thành quả của các cháu mang lại, anh chị đã học được bí quyết giáo dục các cháu.
       
      -Vàng, - Bà Hân đáp – nhân tiện tôi xin kể lại, hồi mới tới đây ít lâu, ông cậu tôi tới thăm chúng tôi, thấy các cháu, còn nhỏ nhất mới biết bò, lớn nhất lên bẩy tuổi, thấy tôi luôn quát tháo  mắng chửi hết đứa nọ tới đứa kia, ông cậu tôi tỏ vẻ không hài lòng và bảo tôi hãy nghe ông với kinh nghiệm cách đây 30 năm, nuôi dạy các con phải có phương pháp, bố mẹ mới đỡ vất vả và lo nghĩ về chúng sau này. Người ta thường nói: “Dạy con từ thuở lên ba”, đúng ra phải dạy ngay từ khi mới sanh…
       
      Sau mỗi bữa ăn khi vác lên vai 10 phút, mở tã ra đưa cái xô nhỏ để dưới mông nó chờ nó đi tiểu hay đại tiện xong mới đóng tã. Lâu dần thành thói quen, khi nó cảm thấy mông nó chạm vào cái xô, nếu không tiểu thì đại tiện, nên giữ đúng giờ như thế ít khi bị ướt tã. Khi tập tễnh biết đi hay bị ngã, dù không đau nó cũng khóc, có người lớn đến bế lên nựng, được thể lại khóc lớn hơn, phải thí dỗ lâu, nếu người lớn cứ lờ đi không nhìn không nói gì rồi nó sẽ nín, tự động đứng lên.
       
      Lớn lên tập cho ăn một mình khi không chịu ăn, ngồi nghịch la hét, không cần phải la mắng nói gì, cứ kiên nhẫn, canh chừng khi nào ăn xong mới cho ra khỏi ghế ngồi. Đến tuổi đi học, khuyến khích nó bằng cách mỗi khi được điểm cao, vui vẻ thưởng đồ chơi hay tiền tùy tiện, ấn định mức tối thiểu, nhiều điểm lên thưởng nhiều lên, điểm xuống lại rút bớt phần thưởng.
       
       Phải giữ lời hứa, nếu không tìm được thứ mình định cho hay ngày giờ đi chơi đâu phải thay đổi hoãn lại, hãy giải thích sự việc xảy ra là ngoài ý muốn của bố mẹ và bù lại bằng cách khác.
       
      Một điều cần cấm các con không được vào phòng bố mẹ hay phòng nào có người, phải gõ cửa trước khi vào. Đừng bao giờ kể lỗi của các con trong  bữa ăn. Trời đánh tránh bữa ăn, nên nói những chuyện vui trong bữa ăn, giúp cho mọi người ăn ngon miệng hơn.
       
      Buổi tối trước khi ngủ hay sau bữa ăn, bà mẹ nhỏ nhẹ vui vẻ nói truyện với các con, tìm hiểu chúng chơi với bạn có bạn nào thân, bạn hay nói chuyện gì có rủ con đi chơi, cho hút thứ thuốc nói ngon, có nhiều cảm giác lạ, hay con giai rủ tán cô này cô nọ đẹp xấu, thích diện, thích ăn v..v… tùy trường hợp phải hướng dẫn cặn kẽ nói rõ tai hại về nghiện ngập, sa đọa vì mê gái mết tra. Phải đề phòng nếu con chơi thân với bạn xấu nghe chúng rủ rê, sẽ học không được, người thân sơ đều xa lánh khinh bỉ làm cho bố mẹ đau khổ nhục nhã không bao giờ ngưôi v.v..
       
      Đối xử với các con phải coi chừng như người lớn, đừng để chúng thiếu về đồ dùng cần thiết, quần áo, học cụ, mỗi tuần nên cho ít tiền để tiêu vặt, đôi khi khuyến khích các con đãi ăn các bạn bè, biết cách giao thiệp xử sự. Đừng khó quá với món cần phải mua hay dễ quá khi chúng xin tiền mua những thứ không cần thiết hay đi chơi đâu, khi mình không rõ chúng đi đâu.
       
      Luôn luôn thân mật và khuyến khích, công bằng đối xử với các con, đừng bao giờ tỏ ra bên ngoài yêu con nọ hơn con kia, tác động cho các con biết hòa đồng nâng đỡ nhau.
       
      Tìm hiểu thấu tâm trạng từng người con khí đã trưởng thành, cố vấn cho họ, giúp đỡ khi họ lập gia đình, bấy giờ bậc cha mẹ mới tròn bổn phận, yên vui lúc tuổi già nhìn thấy các con có tư cách, thành nhân, góp cho xã hội cho tổ quốc những phần tử ưu việt.
       
      Vài tháng sau, một hôm ông bà Hân nhận được món quà là một bình hoa tươi thật đẹp, mầu sắc rực rỡ do ông bà Hải gửi tặng kèm theo một tấm danh thiếp với vỏn vẹn mấy câu như sau:
       
      “Cám ơn hai bác rất nhiều về những lời khuyên quá báu. Cháu Tùng nay đã trở về nhà và thay đổi hoàn toàn, cháu ngoan ngoãn chịu khó học hành và biết vâng lời.”
       
      Ông bà Hân nhìn nhau không nói nhưng trên môi cả hai đều điểm một nụ cười. Riêng bà Hân tự nghĩ “giáo dục trong gia đình là bước tiên khởi để đào tạo nên những người con ngoan và hữu ích cho xã hội sau này. Điều đó áp dụng cho đủ mọi thời đại, đủ mọi hoàn cảnh.”

      (còn tiếp)


      #18
        frank 11.08.2022 00:01:59 (permalink)


        28-   Một Điểm Son Của Phụ Nữ Việt Nam: Hy Sinh Tất Cả Cho Con Cháu.

         
         
        Về đêm tiếng bích kích pháo nổ ầm ĩ, hỏa châu soi sáng rực một góc trời, ban ngày ngoài tin đồn thổi các báo Chính Luận, Xây Dựng, Trắng Đen, Nha Trang, tin tức dồn dập làm mọi người hoang mang. Mấy hôm nay Chi không đi dậy học, mẹ và các anh chị đều nói Chi hãy ở nhà để bàn tính có chuyện gì xảy ra còn giúp nhau được.
         
        Từ năm giờ sáng tiếng lộp cộp của xe ngựa hết xe này đến xe khác, trong xe chở đầy người, bên ngoài trên hai bệ hai bên buộc chồng lên các sọt rau đủ thứ nào cà chua, rau dền, rau cải, đậu que, đậu đũa, đậu phụ, đủ các thứ tạp nhạp được các bà nhà vườn đưa xuống bán ở các chợ Hòa Hưng, Phú Nhuận, Tân Định, Bến Thành v.v… Những chiếc xe ngựa chở người, chở hàng  từ Hóc Môn, Củ Chi chạy qua nhà Chi hàng ngày quá quen thuộc không làm nàng chú ý. Nhưng sáng hôm nay, mỗi khi nghe tiếng leng keng lộp cộp của xe ngựa làm cho đầu óc Chi rối trí thêm, nhớ đến cái này lại quên cái kia, cầm cái này lên bỏ cái kia xuống, trong lòng bồn chồn đứng không yên.
         
        Đưa cả gia đình xuất ngoại cách nào bây giờ đây! Đã đi là phải từ bỏ hết không đưa theo được gì, đến tiền cũng phải bỏ lại không ai tiêu tiền của mình nữa. Đi khỏi nhà cũng phải tính xem, sẽ ăn đâu ở đâu, huống nữa đi khỏi nước, ngôn ngữ phong tục khác lạ, rồi sẽ làm nghề gì mà sống, cả  nhà chỉ có Chi và anh Thiệt biết tiếng Anh.
         
        Mặt người nào cũng có vẻ lo âu, một không khí im lặng bao trùm cả nhà, đã mấy ngày nay những người lớn trong nhà chia nhau ra tìm đường đi, chung nhau thuê tầu, tới các tòa đại sứ Mỹ, Úc, Gia Nã Đại, Tân Tây Lan hay bắt liên lạc vào Tân Sơn Nhất, không từ một đường lối nào để tìm được hy vọng ra đi, vẫn chưa có mối nào chắc chắn. Sự thất vọng ngập trong lòng mọi người.
         
        Mẹ Chi nói:
         
        “Mọi người hãy cầu nguyện, đừng quá lo, an ủi lẫn nhau, chờ xem thời thế xoay vần ra sao”.
         
        Chi chán nản lấy sách ra đọc.
         
        Nghe tiếng gõ cửa mạnh, u già ra mở cửa, u quay vào nói có một người Mỹ hỏi cô. Chi nhận ngay ra Peter, người bạn học cũ khi Chi còn học  bên Mỹ.
         
        Với vẻ ngạc nhiên, Chi hỏi sao Peter tìm được nhà Chi.
         
        -Tôi tới văn phòng trường Đại Học Sư Phạm hỏi, người ta cho địa chỉ.
         
        Peter nói luôn:
         
         -Tôi thấy tình thế lộn xộn lắm, nên vợ và hai con tôi đi Tân Gia Ba đã mấy ngày rồi, tôi mới nhận được giấy phải đưa theo hai cháu nhỏ thế vào chỗ vợ và hai con tôi. Chi nghĩ kỹ, tôi có việc phải đi và chiều sẽ trở  lại để lấy danh sách nếu muốn đi.”
         
        Cả một vấn đề, chỉ có ba chỗ, tất nhiên không thể đưa mẹ cùng đi, còn hai đứa nhỏ lấy cháu nào đây, con của anh hay con các chị, cả một trách nhiệm đưa đi, đã vậy còn sau này phải nuôi nấng dậy dỗ, cho đi học đến nơi đến chỗ, thay thế bố mẹ chúng. Chi bàn với mẹ lấy quyết định để chiều trả lời cho dứt khoát.
         
        Bà cụ chọn hai cháu nội một trai một gái đi với cô, bà cụ nói “Đi thoát được người nào hay người đó,” cụ bảo con trai và dâu đi đón hai cháu bé đang học ở trường về nhà, từ lúc này bà nội và bố mẹ không rời con, cháu một phút.
         
        Hai cháu nhỏ, Ngoan chín tuổi và Thuần bảy tuổi, được bà nội, rồi bố mẹ dặn dò nào phải vâng lời cô, phải chăm chỉ học hành, phải làm việc giúp đỡ cô những việc lặt vặt quét nhà, lau bàn ghế giặt quần áo v.v.. nhắc đi nhắc lại cho hai bé nghe và phải nhớ, nhưng cả hai bé từ trước đến giờ chưa phải và cũng không biết làm việc gì dù bé nhỏ, đi học về tới nhà chỉ có ăn rồi nghịch xả rác lôi thôi để mẹ và bà nội phải thu dọn, chúng ngây thơ chỉ biết ngồi nghe, rồi sau đó chắc chúng cũng quên luôn những lời dặn dò của bà nội và bố mẹ.
         
        Từ chiều hôm qua Chi đã soạn giấy tờ cần thiết, đồ dùng, quần áo vào valise, hai cháu cũng được trang bị đồ nhật dụng, quần áo vào túi nhỏ để đeo vào vai cho mỗi đứa một cái.
         
        Còn có đêm nay được ở nhà, chưa biết ngày mai sẽ ra sao, Chi nghĩ phải ngồi với mẹ nói truyện với mẹ nhìn mẹ nghe mẹ nói như muốn nuốt những lời mẹ dặn  dò, như muốn chui vào lòng mẹ già khi Chi ôm lấy vai mẹ, nắm lấy tay mẹ. Chi muốn nói với mẹ rất nhiều mà không nói được câu nào, chỉ biết đáp lại vâng, dạ khi mẹ nói, hỏi, thấy mẹ quá mệt mỏi Chi xin mẹ đi nằm nghỉ.
         
        Cả một buổi sáng bận rộn, anh chị Thiệt dậy sớm làm bữa cơm đơn sơ, cũng đã đưa tin cho mấy chị em ở gần, sáng hôm nay tề tựu đông đủ ăn với nhau bữa cơm rồi tiến chân ba cô cháu Chi xuất ngoại.
         
        Vừa ăn cơm xong chưa kịp thu dọn bát đĩa, Peter đã đưa xe đến đón giục đi ngay, mọi người hối hả nói lời từ giã ba cô cháu. Chi cũng không nghe kịp  những anh, chị, em nói gì, khi một ông anh nói hơi lớn – thôi đi đi – mọi người dang ra để ba cô cháu đi.
         
         Chi chỉ kịp quay lại nhìn mẹ và tất cả các anh chị em, cháu như cố thu lấy hình ảnh mọi người vào trong óc, người nào cũng nước mắt tràn ra khỏi mi, hai cháu đã được đẩy ra khỏi tay mẹ chúng, trèo lên xe trước cô Chi. Chiếc xe đã lao vút đi trong ánh nắng chói chang vào ngày 21-4-75 để lại đau thương nhung nhớ cho mọi người trong gia đình.
         
        Chuyến bay thẳng sang Phi Luật  Tân tới Subic Bay, Peter ôm hôn hai cháu nhỏ, bắt tay Chi từ giã sang Tân Gia Ba gặp vợ con. Chi được chuyển sang tạm trú tại Clark Air Base rồi về Guam là nơi tập trung rất  đông người.
         
         Chi tới bàn giấy Hồng Thập Tự vào danh sách tìm người nhà, mấy ngày sau đã liên lạc được một gia đình người chị, từ đây ba cô cháu cảm thấy đỡ bơ vơ. Đã thành một gia đình cùng với gia đình người chị được đưa về trại Fort Chaffee thuộc Arkansas. Ở lại trại Fort Chaffee một tháng chờ thủ tục có người sponsor ra khỏi trại. Cũng như mọi người trong trại tạm trú, Chi nghĩ đến tương lai của mình, trách nhiệm nuôi dậy hai cháu mà Chi đã nhận với anh chị trước mặt mẹ.
         
        Trước đây Chi đã từng du học ở Mỹ, có tâm hồn xã hội, khi vào đại học đã chuyển về ngành tâm ly, đã hiểu đời sống ở Mỹ rất thực tế không như ở Việt Nam có bằng cấp cao, có cổ cánh vẫn dễ tìm được chức vụ lương bổng cao; ở đây người ta căn cứ vào kinh nghiệm, nghề chuyên môn và có như cầu mới tìm được việc làm, có bằng master về tâm lý Chi đành xếp lại xin học về môn khác hợp thời hơn.
         
        Với sự trợ cấp của sở xã hội, cả ba cô cháu đều cắp sách đi học lại. Muốn khỏi trục trặc về số tiền trợ cấp ít ỏi, Chi phải tính toán dè sẻn, cuối tháng không bị thiếu tiền, điện, nước, điện thoại, đi học đã có xe bus, lại còn tiền chợ, lâu lâu có dư chút đỉnh để dành mua quần áo, nhưng băn khoăn nhất là học trường nào tốt, các cháu không bị ảnh hưởng bạn bè xấu.
         
        Chi rất thận trọng giáo dục các cháu, thường để ý theo dõi, hỏi han nên đã di chuyển đổi trường cho các cháu học đến lần thứ ba mới được như ý dù phải đi làm xa chỗ ở miễn tiện cho cách cháu đi học chỗ gần và trường tốt.
         
        Chi chia thời khắc biểu, ngày Chúa Nhật sống về tâm linh, sau khi đi dự lễ về Chi đưa các cháu đi chơi đi chợ, đi thăm bạn bè, hay đi cắm trại sống với thiên nhiên, một ngày hoàn toàn thoải mái. Các cháu lớn dần học lên cần kèm thêm, Chi đã đi làm có nhiều thì giờ kém thêm cho các cháu học mỗi chiều sau bữa cơm.
        Ổn định được đời sống cho gia đình, cô đi làm cháu đi học, đỡ lo lắng, nhưng còn những cảnh thơ từ Việt Nam gởi qua mỗi lần nhận được lại một đêm mất ngủ. Hết anh này bị bắt đến cháu kia phải đi học tập. Chập chờn trước mắt hình bóng mẹ già tiều tụy đầu bạc phơ ngồi dựa cửa trông ra, thương con tù tội, nhớ con nhớ cháu xa xôi cách biệt trùng dương, lòng Chi xót xa khó tả.
         
        Bù lại khi nhận được tin báo ở nhà đã nhận được những thùng quà mà Chi đã gom góp chắt chiu từng đồng để gửi về, Chi mới nở được nụ cười rạng rỡ, cảm thấy như đã chia sẻ được phần nào an ủi những người trong gia đình.
         
        Bạn bè trong sở luôn phiên nhau tổ chức hết party này đến birthday party khác, không phải đến để dự bữa ăn mà còn là dịp khoe quần áo, tính Chi cũng không thích diện diêm dúa nhưng cũng phải mặc y phục trang nhã để người ta  khỏi khinh chê. Mỗi lần đi đâu thấy Chi trang  điểm ăn mặc khác mọi lần, lại làm cho Chi xúc động khi nhìn về mặt lo lắng buồn thiu của hai cháu với câu nói:

         “Cô ơi! Cô đừng  đi lấy chồng cô đừng bỏ các cháu,”

        Chi phải cố gắng nở nụ cười và hứa:

        "Yên trí, các cháu ngoan cô không lấy chồng, cô ở nhà với các chau."
         
        Vì nạn nước, biết bao gia đình tan nát, chia phôi, hai cháu của Chi chúng có cảm giác mồ côi tuy biết có bố mẹ nhưng biết có còn được đặt vào cô, Chi cũng cảm thấy không thể xa cháu, có bổn phận nuôi dạy cháu đến khi thành nhân, nên Chi đã từ chối những mối tình khi cân nhắc có sự cản trở đối với cháu. Là con người ai cũng có tình cảm và nghĩ tới tương lai, nhưng với Chi nàng đã đặt nặng nhiệm vụ hy sinh vì các cháu, giữ tròn lời hứa với mẹ và anh chị, nhẹ về tình cảm để cho qua bao lần những vụ cầu hôn rất xứng đáng.
         
        Mười năm qua, thời gian như bóng câu qua cửa, hai cháu đã có bằng cấp cao, nghề nghiệp vững chắc, yên bề gia thất, Chi vui lòng vì sự hy sinh của mình được đền bù mỗi khi trái nắng trở trời, các cháu hết lòng săn sóc cô như những người con hiếu thảo săn sóc bố mẹ.
         
        (còn tiếp)
        #19
          frank 13.08.2022 00:32:48 (permalink)


          29-   Người Bạn Năm Xưa

           
           
          Suốt trong thời kỳ Pháp thuộc, dân mình sống trong cảnh cơ cực, nô lệ dước ách thống trị của thực dân. Nhưng những nhà cách mạng vẫn âm thầm hoặc công khai hoạt động chống Pháp. Từ phong trào Cần Vương đến Văn Thân, rồi Đông Du, Việt Nam Quốc Dân Đảng… Trong khi đó dân chúng vẫn nhẫn nhục làm ăn. Thời đó khi còn trẻ con, chúng tôi vẫn được cắp sách đến trường, bạn bè giao tình thân mến. Chúng tôi cùng một lứa tuổi, lớn lên trong cùng một giai đoạn, thời cuộc biến chuyển nên mất liên lạc.
           
          Sau quốc nạn phân chia năm 1954, tình cờ chúng tôi gặp nhau ở miền Nam, phần đất tự do. Hàng mấy chục năm đã qua đi, người nào tóc cũng đã ngả mầu, cháu nội ngoại đầy đủ cả. Và cả một quãng thời gian đó được chúng tôi thay phiên nhau kể lại cho nhau nghe.
           

          Thắm

           
          Thắm nhắc đến ngày xưa bằng một giọng bùi ngùi:
           
          -Mặc dù đã bao năm qua tôi vẫn còn nhớ đến những ngày cũ… Từ những luống rau sau nhà đến những vườn cây ăn quả. Hẳn các bạn còn nhớ bố tôi là một ông đồ lỡ thời, khi tôi lớn lên, bố tôi không còn dậy học nữa. Người lấy vườn tược làm thú vui. Bố tôi nghiêm nghị nhưng rất thương yêu chúng tôi. Riêng  mẹ tôi rất chiều vì có mình tôi là gái. Khi đã lớn, mẹ tôi thường cho tôi theo hàng ngày để phụ buôn bán. Với gánh hàng tấm tôi theo mẹ tôi đi các phiên chợ lân cận. Vào một ngày cuối năm, lúc đó tôi 18 tuổi, tôi lập gia đình. Cuộc đời tôi rẽ ngang từ đấy với người chồng xa lạ.
           
          -Trước  ngày cưới tôi được mẹ đưa đi sắm quần áo, chọn những gì tôi thích mà từ trước đến giờ không đươc mua hoặc được quyền chọn theo ý. Sau ngày cưới, về làm dâu một gia đình xa lạ, không hề quen một ai, tôi đã bắt chước chị dâu tôi xuống làm bếp, quét dọn như một người đầy tớ giúp việc. Nhưng nào đã xong, các cụ bảo: “Lấy chồng như gông đeo cổ.” Thật đúng vào trường hợp tôi. Lâu dần tôi nhận ra tuy vợ chồng có thuơng  yêu nhau nhưng chàng lại mắc vào nhiều thói hư tật xấu. Thôi thì đủ cả, từ ả đào đến cờ bạc, hút xách.
           
          Khổ hơn nữa, cả bố chồng và chồng cùng một máu mê nên thường tổ chức chơi ở nhà hoặc có khi rủ nhau đi chỗ khác hàng tuần lễ hay 10 ngày mới trở về nhà sau khi đã thỏa mãn thú yêu hoa và nhẵn túi, thân hình rã rượi vì thức đêm. Mỗi lần thế là ngủ cho chán rồi lại tra khảo tôi để lấy tiền chơi bời tiếp, không nghĩ gì đến trách nhiệm làm chồng, làm cha: “Cờ bạc là bác thằng bần” là thế!
           
          Tôi khuyên can hết lời, chồng tôi vẫn chứng nào tật nấy. Tôi đành phận, một sớm hai sương tần tảo nuôi con với gánh hàng tấm mà bố mẹ đã cho làm của hồi môn. Tôi chỉ ầm thầm chịu đựng, lấy câu số phận mà an ủi mình. Một ngày kia, một ngày đen tối đã đến với cuộc đời tôi. Hôm ấy sau khi đi chợ, săn sóc các con, tôi quá mệt mỏi đã ngủ thiếp đi, lúc tỉnh dậy sửa soạn đi bán hàng như mọi ngày thì hỡi ôi gánh hàng của tôi đã không cánh mà bay theo chồng tôi đi mất, không một lời từ giã.
           
          Tôi chỉ còn biết ôm con mà khóc cho duyên phận mình, ngao ngán cho tình đời. Sau những lời an ủi suông của hàng xóm, bạn bè, nhìn vào thực tại phải làm gì để nuôi dậy đàn con còn nhỏ dại với hai bàn tay trắng. Tôi xoay đủ thứ từ may thuê và mướn, đến mua đầu chợ bán cuối chợ. Dần dà bán từ bánh cam, bánh xèo cho tới gánh hàng bún riêu. Vận nước đổi thay, nỗi lòng ê chề, lo sợ, mẹ con tôi theo đoàn người di cư vào Nam. Tôi lại xoay sở từ bó rau, hoa, trái mua ở các miền quê về bán lại các chợ trong thành phố. Và cứ như thế tiến triển dần từ xe nước mía tới bây giờ làm chủ một tiểu xí nghiệp ngành dệt.
           
          Điều an ủi nhất là các con ngoan ngoãn, học hành khá cả. Cứ nhìn chúng nó tôi lại cám ơn Trời, đây là nguồn an ủi lớn cho những ngày còn lại. Với số tuổi hơn 60, tôi mãn nguyện và nhìn lại suốt quãng đời đã qua,  mình chưa hề nói dối hay phải vay mượn, quỵ lụy ai. Tôi đã sống tự lập như lời bố tôi đã khuyên trước khi lập gia đình.
           
           
          Vân

           
          Người có nhan sắc nhất trong đám bạn thời đó đã kể lại câu chuyện đời nàng như sau:
           
          -Không nói thì Thảo và Thắm cũng đã biết qua về gia đình Vân. Vân sống ở nơi thị tứ, sẵn môi trường  cho người làm ăn hay kẻ thích ăn chơi. Sau thời gian nghỉ học, tôi ở nhà chia bài cho khách. Ngày này sang ngày khác, các ngón nghề đều thông thạo. Chẳng ai lạ gì khi ngồi quanh chiếu bạc, chỉ nghe những lời tục tỉu thì nhiều, tao nhã thì ít. Hết người này đến người kia ngấp nghé, rồi cuối cùng tôi thành hôn với một công chức cấp bằng kỹ sư mới ở ngoại quốc về, chỉ thấy vẻ đẹp bên ngoài là mê say.
           
          Tôi đóng vai vợ hiền bên ngoài một thời gian. Chẳng bao lâu vợ chồng tôi ở riêng. Là vợ một công chức cao, tôi có đủ thứ, ăn mặc sang trọng, lên xe xuống ngựa, kẻ hầu người hạ. Nhưng sao tôi vẫn  chưa thấy thỏa mãn. Những bạn đàng điếm cũ vẫn vây lấy tôi, tôi lén nhà tôi đi chơi với bọn chúng. Thấy tôi có sắc, chúng bám lấy tôi mà ton hót, chiều chuộng. Tôi mê say trong sự du hí đỏ đen, bao nhiêu tiền lương chồng tôi  nướng cả. Tôi lại có tài nói dối, chồng tôi cứ thực thà tin tôi…
           
          Vân cúi đầu yên lặng một lúc. Chuyện đã xưa nhưng có lẽ nàng vẫn còn thấy xấu hổ.
           
          -Những lúc thiếu tiền tiêu, tôi chẳng kể gì đến phẩm giá, đến lòng trung thành với chồng. Tôi đã đi vào trong vòng tội lỗi. Các con tôi ăn mặc bê bối, những lúc đi sớm về muộn, thậm chí có lúc tiền chợ người bếp phải lên xin ông chủ. Chồng tôi là người rất tốt, khám phá ra sự thật nhưng vẫn một mực khuyên lơn, tha thứ cho tôi nhiều lần.
           
          Nhưng sao tôi không thấy điều đó, không biết hối cải mà lại còn nhẫn tâm bỏ con, bỏ chồng theo thằng điếm có nhiều tiền, khéo nói. Chẳng bao lâu nó tìm cách đá tôi khỏi nhà. Từ cố vô thân, quen thói ăn tiêu, sắc đẹp về chiều, hết kẻ đưa người đón, trở về thì không dám đối mặt với chồng con, quá lo âu tôi đi tìm cái chết. Nhưng cũng như nàng Kiều, số còn nặng nợ, tôi được người ta kéo ra khỏi đường rầy xe lửa.
           
          Chán chường và hối hận tôi trở về nhà cũ lén nhìn các con. Dưới bóng đèn đường tôi lẩn tránh như người ăn trộm, tôi sợ cả những người giúp việc cũ nhìn thấy. Tôi thật sự xấu hổ, ăn năn và hối tiếc  nghĩ mình đã bỏ thiên đàng, bỏ hạnh phúc gia đình, đâm đầu vào hỏa ngục trần gian bây giờ có bị trầm luân khổ ải cũng đáng tội. Từ một mệnh phụ tôi đi giúp việc nấu ăn, coi trẻ, lang thang từ nhà này sang nhà khác.
           
          Tôi cũng định tìm chốn âm thanh cảnh vắng mượn câu kinh, tiếng mõ mà sám hối cho hết đoạn đường đời còn lại. Thật đúng với câu hồng nhan bạc mệnh. Tôi sinh ra trong một gia đình, cha mẹ tôi không làm nghề gì ngoài gá bạc. Mẹ tôi ăn tiêu hoang phí. Đây là kết quả học hỏi của gia đình thiếu giáo dục mà tôi là nạn nhân.
           
          Vân kết luận như trên bằng một giọng cay đắng trên gương mặt già nua mà thời gian đã tàn phá hết đi những nét xinh đẹp của ngày xưa.

           
           
          Thảo

           
          Tôi tính ưa hoạt động, nên thường được cha tôi giao phó làm những việc thay ông. Dù phải thức khuya dậy sớm tôi cũng không nể hà nên được cha tôi  ưu ái. Tôi lại thích đọc báo, sách, nhất là báo hàng ngày để theo dõi tin tức quốc tế, quốc nội. Không những thế cứ mỗi khi các bác, các anh lớn trong họ tụ tập để bán về thời sự, tôi cũng ngồi nghe. Có lẽ trong các anh chị em không ai như tôi. Tôi đã nghe, từ những câu chuyện, những bất công của chính quyền đến những tin bắt bớ, giam cầm người này người nọ có liên hệ hay bạn bè với những người trong thân tộc đều làm tôi xao xuyến.
           
          Thế chiến thứ hai bùng nổi, tin quân Nhật gây hấn ở Lư Cầu Kiều cho đến khi chúng kéo vào Lạng Sơn đều làm tôi bực tức và khích động. Có lẽ tinh thần yêu nước cũng nhen nhúm từ thuở nhỏ, từ những câu chuyện nghe được trong gia đình đến những xao động chung  quanh. Nhưng dù thời thế biến chuyển, cha mẹ thấy con cái đã lớn phải nghỉ đến việc “cây  cả ra hàng”. Mối manh cũng nhiều và rồi cha mẹ tôi nhận trầu Thái, nhà tôi, con một kỹ-nghệ-gia.
           
          Ngờ đâu chàng này là bạn cũ cách đây mấy năm. Chúng tôi rất tâm đầu ý hiệp, cũng thích làm việc xã hội, cũng cảm những bất công, áp chế của thực dân Pháp, của quân phiệt Nhật. Nhà tôi thường hay tổ chức diễn kịch, những vở như Nguyễn Trãi, Lao Bảo, Sơn La (nhà tù của thực dân Pháp) với dụng ý kích thích lòng yêu nước, để người xem thấy cái khổ nhục của dân mình dưới ách thống trị của thực dân. Các thanh niên đến dự với khí thế hăng say.
           
          Đến tai gia đình Thái, các cụ thân sinh ra nhà tôi e ngại sợ bắt bớ nên ngăn cấm. Nhà tôi cũng vâng dạ cho qua nhưng chúng tôi vẫn bàn với nhau vạch một chương trình, phải an cư lạc nghiệp mới có thể khai triển ý chí. Chúng tôi dạo đó đã có cửa hàng riêng, lấy cớ đi mua hàng, nhà tôi đi các nơi, thu thập tin tức, theo dõi thời cuộc. Khi phong trào truyền bá quốc ngữ lan tới, anh đã tích cực tham gia và cũng từ đây chí hướng hiến thân cho tổ quốc bắt đầu khơi nguồn. Lúc đó tôi rất bận rộn với cửa hàng, thêm cháu nhỏ. Nhà tôi đi bất kế ngày đêm, nhưng về tới nhà tôi vẫn nghe được anh kể lại từng chi tiết một.
           
          Tôi rất thỏa mãn vì đã gợi được chí hướng ở anh. Những khi gặp sự bất như ý, tôi chỉ biết nàng đỡ tinh thần để anh phấn khởi  mà dấn thân. Đến đầu năm 1945, vào thời kỳ quyết liệt, anh phải ở lại chiến khu. Tối hôm từ giã ra  đi anh có hỏi tôi: “Em có bằng lòng để anh đi, một đi không hẹn ngày về, em ở nhà thay anh báo hiếu cha mẹ, nuôi dạy con một mình?” Tôi cương quyết nhận lời để anh yên lòng ra đi. Tôi tự nghĩ anh đi chẳng thành công cùng thành nhân. Cho đến khi khí thế cách mạng lên cao điểm tôi không còn liên lạc hay nhận được tin gì về anh. Tôi cố gắng giữ lời hứa khi chia tay.
           
                                            ***
           
          Cả ba cặp vợ chồng này đều ảnh hưởng về giáo dục gia đình, về môi trường và hoàn cảnh. Bà Thắm thừa hưởng được nền giáo dục theo Nho giáo, dù gặp phong  ba bão táp suốt thời niên thiếu bà vẫn giữ được  tinh thần tự trọng và tự lập như cụ đồ đã dậy trước khi  về nhà chồng. Còn người chồng đã theo cha đi quá đà, bỏ bê vợ con, lỗi đạo vợ chồng, cha mẹ.
           
          Cặp thứ hai sinh trưởng trong một gia đình sống về nghề cờ bạc hút sách đã tiêm nhiễm thói hư tật xấu, có nhan sắc nên lấy được chồng giai cấp trưởng giả, đã không biết tự chế an phận, đến khi hối không còn dám ngửng mặt trở lại với chồng con. Chồng bà Vân tuy có học nhưng quá tin, thiếu cảnh giác từ đầu để cho gia đình tan vỡ cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Cặp thứ ba đáng kể, họ sống hạnh phúc ngoại lệ trong tinh thần nâng đỡ đồng tâm, đồng chí hướng.
           
          Giai đoạn 1954 trở về trước, dân mình sống cơ cực, nô lệ dưới ách thực dân Pháp, quân phiệt Nhật, vẫn có rất nhiều thanh niên nam nữ giữ trọn hiếu trung. Sau 1975 phải bỏ nước ra đi tránh họa cộng sản, tuy sống ở nước ngoài có thừa vật chất, phong lưu, nhưng ai ai cũng mong ngày về. Nếu có nhiều người như bà Thắm, biết tự túc nuôi dậy con cái thành công, nhiều đôi như Thảo-Thái biết hun đúc cho mình để hiến thân cho tổ quốc hay cố giữ lấy ký cương ngay cho chính gia đình mình, thì có lẽ ngày về quê hương không còn xa.
           
           (còn tiếp)
           

          #20
            frank 17.08.2022 22:28:59 (permalink)
             


            30-   Tình Bạn

             
             
            Mặt trời đã lên khỏi ngọn tre. Từng cơn gió đùa lay động giàn thiên lý trước nhà. Những hương hoa của hoa lan, của hoa thiên lý thoang thoảng trong gió đưa vào khứu giác làm êm ả lòng người.  Mọi sinh hoạt thường nhật lại bắt đầu sau bữa ăn sáng, người lớn bắt tay  vào công việc hằng ngày, trẻ con chưa đến tuổi đi học tha hồ chạy chơi.
             
            Tôi cũng theo chân hai người chị họ con bác Hội ra  tiệm thuốc Bắc ở trên phố chơi. Từ nhà tới tiệm chừng một cây số. Cửa hàng của bác Hội nằm ở phố Chính, gần chợ. Cửa hàng là một căn nhà lầu hai tầng, khang trang. Trong tiệm bán đủ loại thuốc bắc. Thuốc được đựng trong những rổ đan bằng phên tre bầy trên kệ ngay ngắn. Tên từng vị thuốc được dán bên ngoài rõ. Mùi quế chi cay cay, mùi cam thảo ngọt lịm, thơm ngát cộng với các vị khác tạo thành một mùi vị đặc biệt của các tiệm thuốc bắc. Những quả táo tầu đen nhánh hấp dẫn tôi nhiều nhất.
             
            Tôi rất thích đội những chiếc rổ đựng thuốc lên đầu nghịch hay lại chỗ để thuyền tán đứng lên bánh xe tán thuốc như người lớn thường làm. Thuyền tán được làm bằng gang, có hình cong và hở hai đầu, trũng dài ở giữa, có một bánh xe tròn. Hai bên là thanh gỗ tròn xuyên qua giữa bánh xe. Muốn tán thuốc, người ta đứng lên trên hai thanh gỗ để lăn bánh xe, cũng y hệt như người làm xiếc phải tập luyện mới đứng lên lấy thăng bằng được. Biết tôi nghịch ngợm, các chị hay chính cụ đồ coi tiệm phải hối lộ tôi bằng những quả táo tầu đen nhánh hay miếng cam thảo ngọt lịm.
             
            Cụ Đồ Tĩnh là người trông nom tiệm cho bác Hội. Cụ là bạn học của bác tôi. Cả hai đều không thành công trên đường khoa cử. Riêng bác tôi với chí cần mẫn của nhà nông, với mưa thuận gió hòa, bác đã xây dựng cả cơ nghiệp. Cụ đồ Tĩnh với nghề dạy học, với đồng lương khiêm nhường lại thêm nặng  gánh gia đình nên cuộc sống rất chật vật.
             
            Bác Hội tôi rất quý mến bạn nên tìm cách giúp đỡ. Bác tôi mở cửa hiệu thuốc bắc này là để giúp cụ đồ Tĩnh. Cụ đồ vẫn vừa có thể  trông coi tiệm, vừa có chỗ dạy học, xem mạch, chữa bệnh, bán thuốc, hợp với khả năng của cụ.
             
            Sau một thời gian, cụ đồ Tĩnh không thành công trong thương trường cho lắm, học trò cụ lại rủ nhau tới trường sơ học công lập học miễn phí do chính phủ bảo hộ xây tại các phủ, huyện. Đồng thời các trạm y tế cũng được thiếp lập nên nghề làm thuốc, chữa bệnh của cụ cũng bị hạn chế luôn.
             
            Thấy bạn thất bại bác tôi dẹp cửa tiệm đưa cụ đồ và hai người con về nhà bác ở ăn để dạy học cho hai chị, rồi bác cổ động tất cả các cháu trong họ, con các nhà trong làng, hàng xóm tới học, không những dạy chữ Nho mà cả chữ quốc ngữ. Học phí là 12$00 một năm cho một học viên. Tôi đã được thầy tôi dẫn tới nhà bác để học vỡ lòng ở một lớp của cụ đồ Tĩnh mà bây giờ tôi đã đổi lại cách xưng hô bằng thầy.
             
            Ít năm sau chị lớn tôi lập gia đình, các học trò khác cũng bỏ dần; không thể duy trì lớp học ở nhà và nuôi ba bố con cụ đồ hàng ngày cơm bưng nước rót có người hầu hạ mãi được, bác tôi tìm cách khác giúp bạn. Bác mua căn nhà gỗ nhỏ quay mặt ra bờ sông để cụ đồ đưa cả gia đình tới ở. Cụ bà và cô con gái dệt vải, cụ đồ trông coi sổ sách chi thu cho cánh bè ở ven sông trước nhà. Trước khi đau nặng bác trối lại phải để cho gia đình cụ đồ ở cho tới khi nào các  con cụ đủ tiền mua lại căn nhà.
             
            Người xưa xem tình bạn là thứ tình cao quý tự nhiên không vẩn đục danh lợi, nhưng ít để lại những mẩu truyện trong văn học sử nước nhà. Những tích truyện Trung Hoa như Đào viên kết nghĩa, Quan Vân Trường đốt lửa ôm gươm đứng suốt đêm giữ an ninh chi nhị tẩu an nghỉ hay Dương Lễ sai nàng Châu Long đi nuôi bạn Lưu Bình ăn học thành tài mới trở về.
             
            Phải chăng người xưa đã để tình bạn nặng hơn tình vợ chồng? Như ông Dương Lễ làm quan thiếu gì phương tiện giúp bạn, đến phải sai người vợ đầu ấp tay gối nỡ dứt tình nghĩa vợ chồng trong lúc xuân tình đang độ, đóng vai vợ hờ, tình trong như đã mặt ngoài còn e, làm khổ cho cả hai người Châu Long, Lưu Bình. Những lúc canh khuya, trăng tàn, dằn vặt xác thịt, tâm tình ai chả là người. Chỉ vì chữ tín cho Lưu Bình, tiết nghĩa cho Châu Long để được tiếng hiền phụ mà phải khổ cả hai.
             
            Nhưng cả hai đã cố gắng. Châu Long đã giữ tròn bổn phận người vợ hờ cho nên đến khi Lưu Bình thành danh, nàng không màng phú quý, đành hy sinh mối tình thầm kín, yêu vì đức, trọng vì tài, trở về với cảnh “ăn cơm nguội nằm nhà ngoài” với tiếng khen hời hợt.
             
            Chỉ có Dương Lễ toại nguyện giúp bạn thành công mà chẳng mất gì ngoài ít lạng vàng cho Châu Long làm vốn buôn bán nuôi bạn. Có phải thâm tâm Dương Lễ coi thường người đàn bà đáng là người phụ nữ lý tưởng có tâm hồn cao quý, dồn vợ mình vào chân tường, nếu Châu Long và Lưu Bình nên nghĩa vợ chồng cả hai phải mang tiếng bất trung, vô ơn.
             
            Tình  bạn ngày nay cũng không thiếu những gương đáng khuyến khích “giầu vì bạn sang vì vợ” và những  gương nên đề phòng tin bạn mất vợ. Một đôi bạn cùng ở một chung cư, người ở lầu trên, kẻ ở căn dưới, của ngon vật lạ thắm thiết, đi chơi đâu cũng có nhau, của ngon vật lạ đều san sẻ.
             
            Biến cố xảy ra một ông mắc vòng lao lý, trước khi ra đi tin ở tình bạn trông coi giúp đỡ chờ ngày mãn hạn tù đày. Hỡi ơi! Có ai học chữ ngờ, khi được tha về trong lòng hy vọng mừng rỡ gặp lại vợ con đã bao lâu xa cách, tới nhà mới biết vợ mình đã mang tên bạn, con mình mang họ của bạn. Có phải người đàn bà nào cũng là Châu Long? Nên người xưa có câu “Chọn bạn mà chơi” là vậy.
             
             (còn tiếp)
            #21
              frank 20.08.2022 23:00:42 (permalink)
               
               

              31-    Đồng Môn

               
               
              Câu chuyện xẩy ra vào một đêm tối trời tháng 3 năm 1927. Khi ấy tôi mới lên 5 nhưng hình ảnh và những sự việc xẩy đến ngày hôm đó không mờ phai trong trí nhớ non nớt của tôi. Đêm đó tôi ngủ với cha tôi. Đang say sưa trong giấc ngủ tôi chợt tỉnh giấc, dáo dác nhìn quanh thấy cha mẹ tôi đều bị trói vào  chân bàn phòng khách.
               
              Ánh sáng yếu ớt của chiếc đèn trong phòng khách đủ soi sáng mọi vật nhưng tôi cũng nhìn thấy cách mấy bước có một người vóc dáng lo lớn, mặt trùm khăn trông lạ lẫm đang đứng canh chừng. Kẻ khác đang đập phá, nạy các tủ, hòm, rương. Tôi cũng lờ mờ suy đoán chuyện không may xẩy đến cho gia đình tôi. Tôi rón rén bò lại gần bên cha mẹ tôi. Người sẽ bảo tôi:
               
              -Con chạy sang nhà bác Cả (anh ruột cha tôi) nói cho bác biết.
               
              Nhà bác ở sát cạnh nhà. Tôi mon men ra đến của chính gặp ngay một người bịt mặt khác, chân quấn xà-cạp vải đen đứng chận cửa. Nó tát tôi một cái thật mạnh đủ để tôi quay lơ ra đất. Tưởng thế là xong, nó bèn bỏ lên nhà trên. Thừa dịp, tôi lóp ngóp dậy, chạy nhanh qua tới sân sau nhà bác Cả. Ở đây cũng lố nhố nhiều người, hoảng  hốt tôi chạy lùi ra phía bờ ao, ngồi đấy tới sáng thấy yên mới dám trở về nhà.
               
               Nhà tôi lúc ấy ồn ào, người ra kẻ vào đang giúp mẹ tôi thu dọn đồ đạc bị đổ vỡ. Chị em tôi ngơ ngác nhìn nhau chẳng hiểu gì, nhưng ấn tượng của đêm đó in hằn trong tâm khảm mãi. Những ngày sau đó thỉnh thoảng cha tôi phải đi lên phủ hay xuống tỉnh để khai báo về vụ cướp.
               
              Một năm sau, vào một buổi chiều hè oi ả, bác Cả và cha tôi từ tỉnh trở về. Họ hàng, lối xóm kéo tới chật nhà để nghe bác Cả và cha tôi kể về phiên tòa xử án vụ cướp nhà tôi. Theo lời cha tôi kể, tên Trạch, đầu đàng bị kết án một năm tù, còn những tên tòng phạm tù sáu tháng tới một năm. Tất cả đều can án lần đầu tiên bởi vậy mới được hưởng lượng khoan hồng của tòa.
               
              Bác  tôi còn kể tên Trạch cầm đầu đàn chẳng xa lạ gì với làng này nên nó mới phải bịt mặt hóa trang để không ai nhận diện được. Chính nó là con một ông đồ, người hay chữ có tiếng ở đây. Sau khi tuyên án, ông chánh án ôn tồn nói với Trạch:
               
               -Luật pháp bất vị thân. Bác nhận ra cháu, nhớ tới bố cháu với cái tính cố chấp kỳ cục, không chịu nhận sự trợ giúp của bác để cháu không có phương tiện đi học để tiến thân đến nỗi cháu tìm đường tắt mà đi, lạc vào giới thảo khấu mới ra nông nỗi này.
               
              Bác tôi kể chuyện hai ông đồ Thích và ông Đôn (chánh án bây giờ) là bạn đồng môn. Ông Thích còn giỏi và hay chữ hơn ông Đôn. Khi cùng đi thi ông Thích phạm trường quy nên bị loại mấy khóa liền. Đến thời kỳ chính quyền bảo hộ đặt nền móng vững chắc, họ bãi bỏ trường thi Nam Định, ông đồ Thích đành ôm hận quay về nhà mở trường dậy trẻ trong làng nhưng trong thâm tâm vẫn hy vọng thời thế thay đổi ông có thể xuất chính.
               
              Ông lại coi thường bạn là ông Đôn học hành tầm thường không bằng mình, chỉ nhờ nắm được thời vận may mắn chui vào trường Hậu Bổ để ra làm quan. Rồi lại khéo xoay sở bước tới địa vị đường quan như ngày nay chứ có tài cán gì. Nhưng ông Đôn khi công thành danh toại vẫn không quên bạn bè. Đôi ba lần ông tìm đến nhà ông Thích hỏi thăm tỏ ý muốn giúp đỡ và nhận con ông Thích là Trạch về nuôi cho ăn học với con ông cho có bạn.
               
              Nhưng ông đồ Thích một mực từ chối, trong bụng lại nghĩ  rằng  bạn khinh mình không nuôi nổi con. Từ đấy hai ông không còn liên lạc nữa. Mọi chi dùng trong nhà đều do tay bà đồ đảm đang, tảo tần với gánh hàng xén trên vai hết chợ gần tới chợ xa. Tối về về bà còn dệt cửi đến khuya mới chịu nghỉ tay. Người hiền phụ đảm đang quá vất vả đã trút hơi thở sau một cơn  bao bệnh.
               
              Sau khi vợ chết ông đồ không còn ung dung, thư thái như trước. Ông phải tự gánh vác việc nhà một mình, số tiền thù lao dậy học quá ít, số vốn dành dụm mà bà đồ để lại chả được bao lâu thì hết, ông đồ quá buồn bực, nay đau mai yếu, đã thiếu lại càng nghèo hơn. Nhiều lúc  ông cũng có nghĩ tới bạn là ông Đôn, cũng muốn tìm đến nhờ vả nhưng lại tự ái và cũng vừa cố chấp cho rằng mình học giỏi hơn nhưng chỉ vì không gặp thời  mà thôi.
               
              Trạch là con lớn trong nhà, gặp cảnh  nhà túng quẩn  phải chạy gạo từng bữa, không còn biết xoay sở làm sao. Lại gặp lúc học hành dở dang, nghề nghiệp không có, muốn đi làm không ai mướn, muốn đi buôn không có vốn. Cùng tắc biến, lao thân vào chốn lục lâm để đến nỗi mắc vòng lao lý mai một thanh danh, uổng phí đời người.
               
              Nhiều ông nhà Nho ngày xưa hay có tính gàn dở, cố chấp làm thiệt thòi cho chính mình và cho cả thế hệ con cháu. Ngày nay nhiều bậc cha mẹ cũng vì thiếu sự nhìn xa mà chỉ thấy cái lợi trước mắt, làm một job chưa đủ phải hai ba job mới được. Ông đi làm, bà đi làm để mua thêm xe, đổi nhà lớn, con cái không có sự săn sóc của mẹ, thiếu sự kiểm soát của cha, đến lúc được tin con vào băng này, đảng nọ, trộm cướp, nghiện ngập  thì đã muộn.
               
              Cha mẹ nào cũng thương con, cũng muốn cho con được hưởng tiện nghi, sung sướng nên cố sức đi làm để có nhiều tiền cho con sau này hưởng thụ. Điều đó chưa phải là sự khôn ngoan, nhiều người đồng ý với ý niệm hãy dành thì giờ dạy dỗ con cái có đời sống tâm linh đức hạnh thâm sâu, một nghề nghiệp vững chãi. Đây mới là gia nghiệp để lại cho con bằng cả tâm hồn trí lực rất đáng quý.

              (còn tiếp)
              #22
                frank 25.08.2022 23:55:47 (permalink)
                 
                 
                32-   Hội Nhập
                 
                 
                 
                Làn sóng đỏ tràn lên như nước lũ, người người tìm đường tỵ nạn, có ai biết mà đề phòng, không kịp chuển bị từ vật chất đến tư tưởng, bàng hoàng khi đến được nước tự do, lậi dồn dập, bỡ ngỡ từ phong tục, ăn mặc, tiếng nói, nhất nhất đều khác biệt, trừ một thiểu số trước kia đã đi ngoại quốc, hay có vốn ngoại ngữ sẵn để hội nhập, còn số đông phải bắt đầu học lại tất cả, như khi còn nhỏ, thật cực cho những ông bà lớn tuổi.
                 
                Người ít tuổi vừa đi học vừa đi làm cũng dễ dàng hơn, nhưng các em nhỏ lại rất hay, vì suốt ngày học ở nhà trường các em tiến rất mau về ngôn ngữ, học hành nhiều em thành công đem vinh dự cho cộng đồng cho dòng giống, cha mẹ được rạng rỡ nở mày nở mặt với các em, thỏa lòng mong ước bõ công tần tiện khó nhọc lao động để có phương tiện cho các con ăn học.
                 
                Mỗi nước có phong hóa, có thói tục riêng, cũng có lắm điều hay nhiều điều dở, nếu thận trọng hơn ta thu lấy điều hay của người, tránh bỏ điều dở, vun đắp văn hóa cho cộng đồng mưu ích gia đình. Có gia đình thiếu thận trọng trong việc giáo dục con cái, nuông chiều quá đáng, trong nhà luôn luôn có tiếng đàn, tiếng kèn, tiếng các  cô cậu hát inh ỏi, kẻ ra vào nhộn nhịp như có party ở trong nhà. Hàng chục cô cậu vừa Việt vừa Mỹ phục sức chẳng ra kiểu cách nào, nghệ thuật nào, miệng ngậm thuốc lá, mặt mày trâng tráo, nói cười tục  tằn.
                 
                 Bà mẹ ở đâu về vừa bước vào nhà đã ngửi thấy khói thuốc mờ mờ như sương, tiếng bà mẹ tru tréo “khổ lắm, nhức đầu lắm, có để yên cho mẹ nằm nghỉ một lúc không, nhà cửa bề bộn, khổ ơi là khổ.” Tiếng cô con gái hỏi mẹ “nhà chả có gì ăn, mẹ cho tiền, chúng con đi ăn hamburger.” Quăng ít tiền cho con, bà mẹ rút vào khép chặt cửa phòng ngủ. Các nhà hàng xóm thường than phiền “Ở cạnh nhà thiếu trật tự này nhiều lúc đến phát điên lên được, nếu các con tôi  mỗi lớn một ngày cũng không dám ở đây, sợ bị ảnh hưởng xấu.”
                 
                Một ngày nọ từ 9 tới 10 đứa vừa trai vừa gái, chúng hút xì ke đang mơ màng ôm nhau thì ông bố về, thế là một màn ầm ĩ quát tháo, một thằng Mỹ nhóc có súng, nó rút ra dọa ông ta; vốn là cựu sỹ quan, ông đã lanh lẹ tước được súng của nó không khó khăn gì, và báo cảnh sát đưa hết về bót, tới đây mới lòi ra là một băng đảng du đãng, nghiện ma túy, trong số có con ông chủ nhà,  còn vị thành niên, ông đã nhận cậu con về để răn dậy.
                 
                 Hai cha con về tới nhà cũng vừa gặp bà mẹ từ một nơi ăn chơi cờ bạc trở về, thế là một cuộc khẩu chiến bắt đầu bùng nổ, tiếng xô đẩy bàn ghế, tiếng vỡ loảng xoảng của đồ xứ. Bà thì mếu máo:
                 
                “Các con tôi nuôi ăn mặc đầy đủ, đi học đàng hoàng, làm sao tôi theo chúng từng bước, mà nay đến nỗi, con gái chửa hoang bỏ nhà ra đi, con trai du đãng nghiện ngập. Ông đổ lỗi tại tôi không dậy dỗ con cái chỉ biết đi cờ bạc tối ngày, còn ông thì sao? Ít khi có mặt ở nhà, nay đi họp chỗ này mai đi họp chỗ khác có được tích sự gì, còn tôi ở nhà buồn cũng phải tìm chỗ giải trí.”
                 
                Ông thì mặt đỏ  gay, sự thất vọng đau khổ đến tột cùng. Tưởng có vợ ở nhà chăm lo nuôi dậy con cái, còn mình phải lo làm chính trị giải phóng đất nước. Hoạt cảnh trên đây đã thường xẩy ra. Chúng tôi nhớ lại trước đây ít năm vụ một cô gái 16 tuổi có nhan sắc đang học trường kiểu mẫu, em này đi từ 75, tiếng Việt không còn hiểu và nhớ rất ít, chỉ vì cha mẹ không tìm hiểu đáp ứng với tuổi đang đổi thay, trái ý điều gì luôn chửi là “đồ đĩ”, em tra tự vị hiểu câu mắng  của bố mẹ, phản ứng lại “Tại sao bố lại bảo con là ‘đồ đĩ‘ ”, bị bố đánh một trận phải bỏ nhà ra đi.
                 
                 Một cậu con trai 18 tuổi đã uất hận thốt lên với thẩm vấn viên trước khi bước  vào nhà giam “Hãy cho tôi lên ghế điện, cái chết của tôi sẽ cảnh tỉnh một số người, nhất là cha mẹ tôi”.
                 
                Thật mỉa mai, thật cay đắng. Kiếp ly hương đã đau lòng rồi nay mai lại mất cả tiếng nói cùng phong tục thì thật không gì đau lòng hơn. Nhiều bà phàn nàn không đi làm lấy tiền đâu mua thêm xe để đi làm, đi chợ, đi đây đi đó, có tiền để gởi về nhà giúp đỡ cha mẹ, anh em, họ hàng. Mà đi làm con cái bỏ bê, đứa nhỏ phải đưa đi gửi họ hàng, về mỗi ngày thấy con một gầy mặt mũi ủ rủ Đứa lớn đi học buổi đi buổi không, nó hay cúp cua theo bạn đi đá bóng, đi rong chơi, không ai kiểm soát, sinh ra nói dối nói bậy dần, lớn lên vào băng vào đảng xì ke ma túy tai hại cho gia đình cho xã hội.
                 
                Nếu người chồng đi làm đủ nuôi vợ nuôi con thì người vợ nên ở nhà chăm nuôi dậy dỗ con cái, cơm nước quần áo săn sóc cho chồng cũng đủ mệt, công việc người đàn bà ở nhà cũng khó nhọc không kém gì người đàn ông đi làm ngày 8 tiếng. Các bà nên cân nhắc kỹ, bỏ cái lợi đi làm, giữ được hạnh phúc cho chồng cho con, khi trưởng thành bây giờ các bà đi làm kiếm thêm cũng không muộn.
                 
                Ước mong có nhiều ông chồng trẻ nghĩ đến thiên chức làm cha, những bà vợ trẻ ý thức bổn phận làm mẹ, hãy đầu tư vào các con, khuyến khích dậy dỗ các con khi còn nhỏ và sau này ngẩng mặt lên không thẹn với Trời, nhìn quanh không hổ với mọi người.
                 
                (còn tiếp)
                #23
                  frank 26.08.2022 22:46:38 (permalink)



                  33-   Đi Tìm Ảo Ánh

                   
                   
                  Gió nhẹ thổi như lướt trên mái tóc bồng bềnh của Hoàng, chàng giơ tay hắt mấy sợi tóc lòa xòa trước trán, ngẩng mặt nhìn lên bầu trời xanh trong, đàn chim bay lượn trên không trung tỏa ra hình cánh cung. Không khí êm dịu, trong lòng bùi ngùi nhớ lại cả một quãng đời niên thiếu. Khi còn nhỏ đã biết dắt trâu ra đồng cho ăn cỏ, xuống bờ kinh uống nước. Năm lên 7 tuổi, chàng nhớ ngày đó đang cỡi trâu trên bờ sông Cửu Long, thì thình lình súng nổ vang trời. Mấy chiếc tầu sắt trên giòng sông lập tức phản pháo lại những ổ mai phục. Con trâu quá khiếp sợ lồng lên chạy nhanh, hất chàng nằm bên đường. Hoàng lồm cồm bò dậy, chạy đi tìm trâu giờ lâu không thấy, phải trở về nhà cho bố mẹ biết trâu chạy đi mất.
                   
                  Than ôi! Cảnh tượng khủng khiếp, xóm làng đang bốc cháy như lò lửa. Hoàng sợ hãi kêu khóc gọi bố mẹ khản cả cổ, nhưng cha mẹ chàng đã chết hết. Nhà cửa cháy rụi khét lẹt. Tiếng người kêu khóc thảm thương. Chàng cũng khóc lóc kêu gào bố mẹ đến mệt mỏi  quá lịm đi. Một lúc sau chàng lờ mờ nhận ra có người lay gọi, an ủi và đưa đi. Đó là ông Hai về thăm quê nhà mấy hôm nay, nhận ra chàng có họ xa, thấy tình cảnh Hoàng đáng thương và mồ côi nên đưa về Sài Gòn nuôi. Ông bà Hai cũng cho chàng đi học. Ngoài giờ học, Hoàng phải làm thêm việc vặt hợp với tuổi chàng.
                   
                  Có nơi nương tựa ăn học, có bạn bè ở nhà trường, nhưng Hoàng ít khi vui, mỗi khi nhớ lại hình ảnh bố mẹ chết thảm. Hoàng lại khóc một mình. Thấy các bạn có bố mẹ, anh chị người nhà đến đón bạn tại cổng trường, lòng chàng man mác nhớ bố mẹ, tủi thân phận mồ côi, Hoàng thèm thuồng ước ao có được bàn tay dịu hiền của mẹ. Ôi! Bàn tay mẹ khi đưa cho chàng củ khoai, miếng sắn, bàn tay bố cứng hơn với ánh mắt trìu mến khi trao cho chàng dây thừng dắt trâu, đội lên đầu chàng chiếc nón lá, trước khi dắt trâu đi ra đồng ăn cỏ. Những kỷ niệm thời thơ ấu chợt đến, chợt đi khi đang làm công việc gì lơ đãng, bỏ lửng, bị những người giúp việc trong nhà mắng mỏ, hạng con nhà không người dậy, làm chàng càng tủi nhục.
                   
                  Sẵn tính chịu khó, thông minh, lấy xong bằng tú tài chàng thi đậu vào Không Quân.
                   
                  Những ngày nghỉ chàng cùng các bạn đi bát phố, với bông hoa mai trên cầu vai, cả bọn hãnh diện đi tìm bóng hồng, phần đông các bạn có bồ đợi sẵn, thấy chàng lẻ loi các bạn đã giới thiệu cho mấy cô. Đi giung giăng giung giẻ mãi cũng chán, thâm tâm cũng muốn có mái gia đình, có vợ đẹp, con khôn như ai.
                   
                  Ông bà Hai nhận thấy Hoàng có nhu cầu của đàn ông, đủ điều kiện, khuyên nên lập gia đình.
                   
                  Bà Hai tới thăm bà bạn đau nặng, Hạnh con gái bà bạn đã tiếp đón bà, ăn nói lễ phép, mau mắn, có duyên rất vừa ý. Bà bạn tỏ ý biết mình đau nặng muốn cho Hạnh yên bề gia thất mới yên lòng khi nhắm mắt. Riêng Hạnh cũng biết mình đẹp, nhiều chàng trai đang theo đuổi, chiều chuộng, mời đi ăn, đưa đi chơi nhưng trong đám chưa ai có sự nghiệp chắc chắn, hay chính thức cầu hôn.
                   
                  Ông bà Hai hội ý đưa Hoàng đến thăm bà bạn giới thiệu Hoàng với Hạnh. Trong thời gian tìm hiểu Hoàng nhận thấy Hạnh đẹp, thông minh, duyên dáng. Hạnh nhận ra Hoàng thành thực, đứng đắn đàng hoàng lại kèm theo hai bông mai trên cầu vai.
                   
                  Đám cưới Hoàng – Hạnh đã được tổ chức trong vòng thân mật nhưng không kém phần trang trọng, dưới sự bảo trợ của ông bà Hai với danh nghĩa cha mẹ đỡ đầu.
                   
                  Qua tuần trăng mật, họ vẫn sống với nhau rất hạnh phúc. Những lúc trước khi đi bay, nàng săn sóc ân cần, lo âu, luôn cầu xin ơn trên cho chàng đi làm phận sự người trai thời loạn được trở về bằng an. Hết phi vụ trở về nàng đã chờ sẵn ở cửa, reo vui, hỏi han, mừng rỡ chàng trở về an toàn.
                   
                  Ngày đại nạn 30-4-75, cũng như hầu hết mọi người, chàng vội vã đưa Hạnh và bé Mai mới sanh được 10 ngày lên trên chuyến tầu chót.
                   
                  Được người bảo trợ ra ngoài trại, hứa nuôi cả gia đình và tìm công việc làm, vợ chồng Hoàng. Hạnh hoan hỉ ưng thuận. Tới nhà hôm trước hôm sau, bà bảo trợ giao cho Hạnh coi hai trẻ nhỏ, con chủ nhà, làm bếp, giặt ủi, lau nhà v.v…
                   
                  Hoàng phải theo ông chủ tới trại nuôi bò phụ giúp những công việc nặng như cắt cỏ, khuân vác v.v…Thương Hạnh vất vả, Hoàng dậy sớm, ngủ muộn làm thay cho Hạnh, an ủi vợ ẩn nhẫn ít lâu chờ tìm được chỗ ở, kiếm việc làm, sẽ dọn đi nơi khác.
                   
                  Nước mắt nhà tan, lưu lạc quê người, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, đều khác lạ, không người chỉ dẫn, sẽ sống ra sao, gặp có người nhận đưa cả gia đình về nuôi có chỗ ăn ở, có công việc làm cũng như mọi người ở trại kỳ vọng đặt cả tương lai vào người bảo trợ, nhiều người may mắn gặp người bảo trợ giúp đỡ tận tình, một số bà con mình  gặp phải những ông bà có óc thực dân, đã lợi dụng, biến dân di tản thành nô lệ; nhưng chẳng bao lâu, với dòng máu bất khuất, người mình cũng liên lạc được với nhau, tìm cách thoát vòng cương tỏa.
                   
                  Nhờ được người quen giới thiệu chỉ dẫn, Hoàng ban ngày đi làm tối về đi học, rất tiện căn chung cư vợ chồng Hoàng Hạnh ở, người ta mở lớp dạy cho những người mới tới mà ban ngày học viên còn phải đi làm bên cạnh có phòng ký nhì, tiện cho Hạnh gởi  con cũng học luôn.
                   
                  Hoàng rất chăm chỉ học rất mau tiến, đi làm  thăng tiến nhanh lành nghề, chàng mua nhà đủ tiện nghi, sắm đồ, trang hoàng nhà cửa nghệ thuật, mua dương cầm, mướn người về nhà dạy Hạnh học. Trong tâm lúc nào cũng mong muốn làm vừa lòng Hạnh, hình ảnh một người vợ đẹp, để khoe với bạn, nhưng dịu hiền, để chàng bảo cái gì là im lặng nghe theo cái đó, biết nấu ăn ngon, biết tiết kiệm, tiêu càng ít càng tốt, và biết dạy con cái có ngăn nắp trật tự, muốn bé Mai thích gì được chiều theo cái đó. Hoàng muốn Hạnh như nằm gọn trong tay chàng, nhưng lại biết an ủi chàng để chàng thủ thỉ và nũng nịu, như nũng nịu bên người mẹ thương con.
                   
                  Hoàng làm đủ mọi việc, cuối tuần còn tự động đi làm thêm, trong tâm trí, có căn nhà với nhiều trang trí lộng lẫy, người vợ đẹp với đứa con ngoan chờ chàng. Chàng đinh ninh làm như vậy là yêu vợ và yêu con.
                   
                  Hạnh biết mình đẹp, “gái một con trông mòn con mắt”, thông minh, được nhiều người tâng bốc, chiều chuộng, tạo cho nàng những hình ảnh dễ dàng về cuộc đời, trong thực tế không dễ như nàng tưởng. Trong  một dịp người quen mời vợ chồng nàng đi dự dạ vũ, Khanh, Mạnh, Sử. Anh nào cũng ăn nói lưu loát, tán tỉnh ngọt như mía lùi. Hạnh mang theo hình ảnh đó trong lòng. Nghĩ rằng ai mà làm chồng mình thì phải chiều mình như vậy, chứ không phải mình chiều theo ý chồng.
                  Hoàng đã không đáp ứng khuôn mẫu người chồng mà Hạnh mơ mộng. Thực tế và tưởng tượng cách nhau xa quá. Càng nghĩ mình đẹp càng dễ tự kiêu, làm cao, đưa dần đến khinh dễ chồng, muốn điều khiển chồng, chứ không muốn chồng điều khiển mình.
                   
                  Vào một buổi chiều đi làm về, vẻ mặt bơ phờ, mệt nhọc, Hạnh dọn cơm sẵn, Hoàng vào ghế ngồi ăn một mình còn Hạnh bón cơm cho bé Mai, Hoàng không còn nhẫn nhịn giọng hằn học
                   
                  “ Đi làm suốt ngày mệt nhọc, về nhà như có đám ma.”
                   
                  Quay phắt về phía chồng, Hạnh nói như quát:
                   
                  “Khỏi phải rủa. Biết nông nỗi này hồi trước…”
                   
                  Quăng bát cơm xuống sàn nhà, Hoàng xô ghế đứng dậy:
                   
                   “Khỏi nói, cô cứ việc tự do đi với thằng bồ cũ của cô.”
                   
                  “Khỏi cần thách thức. Mong thoát được cái của nợ này”
                   
                  Ra khỏi nhà, Hạnh đi tìm Khanh, rồi Sử, tới Mạnh, như nàng thầm mong ước, người nào cũng săn đón, chiều chuộng, tâng bốc không ngoài mục đích dẫn dắt nàng tới chỗ sa ngã. Sẵn óc thông minh, Hạnh hiểu cuộc đời thực tế không dễ như nàng tưởng, có nhiều cạm bẫy dẫn dụ người vào vòng tội lỗi. Câu “nhân vô thập toàn”, nghĩ đến chồng, may mắn cho nàng mới gặp được người chồng thực tế, chân thành, ngay thẳng mà nàng lại quay lưng lại, dựa vào sắc đẹp để đi tìm một ảo ảnh.
                   
                  Suy nghĩ kỹ, Hoàng nhận thức Hạnh là con chim đẹp nhốt trong lòng son, chăm nom, đầy đủ thức ăn, nó vẫn muốn ra ngoài bay cho thoải mái.
                   
                  Thấy Hạnh bỏ nhà đi chàng phẫn hận không kiềm chế, uống luôn mấy lọ thuốc ngủ định kết liễu cuộc đời.
                   
                  Nghe tin gia đình Hoàng đổ vỡ, một cú điện thoại đưa tin Hoàng tự tử, Hạnh bỏ nhà ra đi. Hai ông bà Hai nhìn nhau lắc đầu vội vã tới, Hoàng đã được người lối xóm đưa vào nhà thương, đã có phần tỉnh táo. Đồng thời họ cho người tìm Hạnh tới để ông bà tìm hiểu tại sao gia đình mau đổ vỡ. Ông bà Hai tự cho mình có trách nhiệm bảo tồn gia đình nhỏ bé này, và rất thương Hoàng có quá khứ bất hạnh.
                   
                  Khi đã được Hoàng và Hạnh thay nhau trình bày với ông bà Hai về những ý nghĩ riêng tư cũng như cách đối xử của cả hai bên, Hoàng cho rằng mình chỉ cần làm ra nhiều tiền có đủ tiện nghi để cho vợ con hưởng là yêu vợ yêu con. Trong khi Hạnh nghĩ mình có sắc đẹp, anh chồng cù lần này không biết hưởng thụ, không biết chiều chuộng, đưa mình đi chơi, đi nhảy, giao thiệp với mọi người, đi du lịch, khoác tay nhau đi dạo phố, biết hãnh diện về sắc đẹp của mình. Ôg Hai kết luận – Người nào cũng chỉ nghĩ đến mình, làm việc gì cũng chỉ để thỏa mãn cho mình chứ đâu có phải vì tình yêu. Nhưng nếu đã nhận biết đó là ảo ảnh thì phải thay đổi để giữ vững hạnh phúc gia đình.
                   
                   (còn tiếp)
                   
                  #24
                    frank 27.08.2022 22:32:01 (permalink)



                    34-   Cậu Ấm Cô Chiêu

                     
                     
                     
                    Danh từ trên để chỉ các con trai, con gái, con quan lại thời phong kiến. Sau này người ta dùng cho cả các con thương gia, điền chủ, công chức.
                     
                    Những người nghèo quan niệm rằng: “Con quan rồi lại làm quan”. Trong thực tế không phải như thế. Không phải những cậu ấm cô chiêu nào cũng trở nên giàu sang, có công danh sự nghiệp. Một số người đã hấp thụ được giáo dục gia đình và học đường nên trọng nhân cách, nghĩa khí. Con có những người khác chỉ biết ỷ vào cha mẹ giàu có mà ăn chơi, lêu lỏng, ươn hèn. Đó là do giáo dục gia đình mà ra cả.
                     
                    Bậc cha mẹ mà chỉ biết lo làm giàu, để dành nhiều của cho con cái mà quên đi sự giáo dục, kiểm soát con cái. Khi nền kỹ nghệ thương mại chưa phát triển, nông nghiệp còn thịnh, người ta chỉ biết mua nhiều ruộng vườn để sau này chia chia cho các con. Tiền của, ruộng nương bao nhiêu cũng hết. Sao không để cho con cháu một cái vốn học thức, một nghề nghiệp vững chắc đề phòng thân?
                     
                     Cậu ấm cô chiêu nào biết an phận còn giữ được phong độ nhàn nhã. Một số khác quen thói ăn chơi, sẵn tiền của cha mẹ để lại (tiền của không phải khó nhọc làm ra nên không biết đến giá trị đồng tiền) nên phung phí không tiếc. Đã vậy lại không giữ được bản năng nên đi đến chỗ sa đọa, đê hèn.
                     
                    Dân mình rất trọng chữ nghĩa. Các cụ có câu: “Nhất sĩ nhì nông”. Như thế đủ hiểu chữ nghĩa được trọng như thế nào. Thời xưa dưới ảnh hưởng của Pháp, văn hóa và kỹ thuật được khuyến khích, gia cấp tư sản, ở thành thị cũng như ở thôn quê, người ta đua nhau cho con đi học, nhất là con trai. Hy vọng sau này thành danh làm quan tham, quan phán, giáo học. Kém ra cũng lục  sự, thừa phái. Con gái cũng hy vọng thành cô giáo hay trợ y….
                     
                    Danh từ cậu ấm cô chiêu sau này đổi ra tiểu thư, công tử. Những thanh niên thiếu nữ đó phần nhiều là hậu duệ của cậu ấm, cô chiêu trước. Nhiều người đã thành danh, có địa vị trong xã hội, nay được cha mẹ tìm nơi môn đăng hộ đối để thông gia. Có ông bà bộc phát lòng tham, tìm nhà giầu có hơn để thông gia. Danh từ đào mỏ xuất hiện từ đây. Có người may mắn đào trúng mỏ vàng. Kẻ chẳng may nên đào nhầm mỏ kẽm, mỏ đất cũng chỉ vì đối phương khéo che đậy, phô trương một lớp giàu sang giả tạo bên ngoài.
                     
                    Thời thế đổi thay, nhiều ông bà với tật cố hữu lười biếng, ỷ lại, không còn được sống an nhàn như trước, từ Bắc chạy vào Nam mang theo chẳng được bao nhiêu vốn liếng, nghề nghiệp không có, chính quyền giúp đỡ cũng có hạn. Dần dần con cái lớn lên, những cha mẹ ấy lại trông vào con. Những em này khác với bố mẹ chúng. Lớp trẻ này sống rất thực tế, nhiều em rất ngoan đã hiểu bố mẹ không có  khả năng, ý chí, quen sống ỷ lại, nên vừa đi học vừa đi làm, bất luận việc gì cũng làm để mang tiền về cho cha mẹ chi dùng.
                     
                    Những em này thật đáng quý. Sống trong cảnh nghèo khổ nhưng có tinh thần tự lập, cần cù giúp đỡ cha mẹ. Biết trau dồi để thăng tiến cho bản thân và ý thức được giá trị sự làm việc. Trái lại những người cha mẹ này đã sống trên lưng con cái. Con cái tới tuổi trưởng thành, bố mẹ phải nghĩ đến việc  cố vấn, giúp đỡ trong việc dựng vợ gả chồng cho con cái. Nhưng một số ông bà này đã đặt quyền lợi mình lên trên hạnh phúc của con cái, đã không muốn cho con cái có vợ có chồng.
                     
                    Họ sợ khi các con cái có vợ có chồng sẽ chia sẻ lợi tức, không đủ tiền cung cấp cho bố mẹ như xưa. Họ muốn nhà cửa phải khang trang, sang trọng, quần áo là lượt, party hôm nay, mai hội họp… để còn hãnh diện lên mặt với người khác. Con cái có gia đình riêng đâu còn lo  toan cho bố mẹ nhiều như thế được. Ngày nghỉ con cái không đi làm mới đưa bố mẹ đi chơi, đi chùa, đi lễ, hay phụ bếp nước đãi đằng bạn bè. Xe không biết lái, ngôn ngữ lại bất động, nếu chúng đi lấy vợ lấy chồng, bố mẹ sẽ nhờ cậy ai?
                     
                    Nhà nhiều con tương đối còn khá, ít con hay chỉ vai người con mà lợi tức khá hơn đã phải gánh những cái rởm, lố bịch của những bậc cha mẹ trên đến nỗi nhiều người con bị cản trở, lỡ cơ hội gặp người như ý muốn. Có người đã bất chấp, ngược lại ý muốn của cha mẹ, họ phải tự tìm lấy lứa đôi. Cái bệnh ỷ lại này của bậc cha mẹ trên đã mang theo tới tận xứ Mỹ.
                     
                    Ngay giờ đây nhiều cô cậu phàn nàn bị bà mẹ cản trở việc xây tổ uyên ương theo ý mình, vì thế đã xẩy ra bao vụ cười đau, khóc hận cho nhiều cô cậu cũng vì tính ích kỷ của cha mẹ để quyền lợi trên hạnh phúc các con. Thế nhưng việc gì đến sẽ phải đến, con cái khi đến tuổi biết yêu đương, khi không kìm hãm được, họ đành sa ngã, bứt ra khỏi gia đình. Sự đổ vỡ xẩy ra làm cho cả cha mẹ lẫn con cái đều thiệt thòi vì sự thiển cận của cha mẹ.

                    (còn tiếp)
                    #25
                      frank 30.08.2022 00:16:01 (permalink)



                      35-   Sự Công Bằng Trong Tình Thương Yêu Con Cái
                       
                       
                       
                      Hiển đang xếp ít đồ vào thùng chàng vừa mới mua ở chợ Việt Nam về, tay cầm bức thư dò đọc xem còn thiếu những gì chưa mua đủ như trong thư đã viết, vừa đọc vừa thương cảm, hình dung bố mẹ ốm yếu, già nua, xót xa những đứa con nhỏ lam lũ lao động, uất hận ở phương trời xa lạ thui thủi một thân. Nhớ lại hồi niên thiếu chàng đã sống những ngày dài lang thang nơi đầu đường xó chợ chỉ vì tình bướng  bỉnh. Bị chê bai, đòn vọt, hắt hủi, thiếu tình thương của cha mẹ chỉ vì tính bướng bỉnh nghịch ngợm nhất trong bầy anh em.


                      ***

                       
                      Bà cụ Nhân thường ngồi trông cửa hàng vào buổi sáng, vào buổi sớm mai ít người tới mua, người nào đến mua hàng đầu tiên bao giờ cũng được bà cụ niềm nở tiếp đón vui vẻ hỏi han, vả lại chưa đông khách nói chuyện lâu được, hơn nữa bà khách hôm nay lại là khách quen. Trông bà khách có vẻ mặt cau có buồn chi lạ.
                       
                      Nghe hỏi, bà khách như được người  chia sẻ nỗi buồn bực, bà phàn nàn, hôm nay ông Nhàn, chồng bà, nhất định làm giấy đăng báo từ con, thằng con trai thứ mới 13 tuổi cứ trốn học hoài, nó là đứa mất nết, đánh chửi mấy cũng vậy, thỉnh thoảng lại bỏ nhà đi vài ngày với những đứa bạn mất dạy, nó đi du đãng phá phách nhà người ta đã vậy, vắng người ở nhà nó cậy tủ, bẻ khóa hòm lấy cắp tiền cả đồ đạc đáng giá, chả còn cách nào dậy bảo được, nó thành du đãng rồi, bố nó nhất quyết làm giấy  đăng báo từ con để phòng tránh liên lụy sau này.
                       
                      Để bà Nhất nói một lúc cho vơi nỗi sầu khổ, bà cụ Nhân mới thong thả mời bà Nhất uống nước rồi nói:
                       
                      “Tôi muốn bà cho tôi biết các cháu không giống nhau về tính nết, có cháu ngoan, cháu bướng bỉnh, ít vâng lời như cháu Hiển đây, nhưng bà có yêu các cháu bằng nhau không? Quần áo may mới có may cho tất cả không? Khi đi chợ về có quà bà có chia đều cho các cháu không? Khi cháu bỏ học nghịch ngợm lầm lỗi bà có nhỏ nhẹ khuyên bảo hay chỉ chửi bới đánh mắng luôn?”
                       

                      Bà Nhất đã nhận không công bằng khi có quà bánh, hay may quần áo mới cũng vì thấy Hiển bướng bỉnh khó bảo nên cả nhà đều ghét. Thâm tâm thì vẫn còn thương, dù sao nó cũng là con đẻ rứt ruột ra.

                       -Bây giờ xin bà nghe tôi, muốn cứu vãn con bà trở nên một người con ngoan, ngày hôm nay bà trở về tìm cháu, đưa cháu vào trong buồng kín, bà tỏ vẻ rất thương tâm chảy nước mắt, ôm lấy cháu vuốt ve nói với cháu rằng: “Mẹ rất thương con, chỉ vì con bỏ học đi lêu lổng với chúng bạn phá làng phá xóm người ta chê trách để cho bố mẹ xấu hổ vì con, bố quá giận định làm giấy đăng báo từ con đấy, vậy con hãy nghĩ lại thương bố mẹ, từ mai con đi học như thường, mẹ nói với bố vì bố mẹ vẫn thương con. Bà vuốt ve cháu, có sẵn bánh cho cháu ăn, rồi dẫn cháu đi phố may áo mới cho cháu và từ nay ông bà nên công bằng đối xử tất cả các cháu bằng nhau, vui vẻ cả nhà như không có chuyện gì xẩy ra tự hồi trước, nếu thấy cháu làm lỗi điều gì cứ nhỏ nhẹ khuyên bảo.
                       
                      Ít hôm sau bà Nhất tới mua hàng vui vẻ cám ơn bà cụ Nhân vì đã làm theo như cụ chỉ dẫn, cháu đã trở lại ngoan ngoãn đi học.
                       
                      -Chắc bây giờ ông bà đã nhận ra con bà không đến nỗi hư hỏng. Chỉ vì tình bướng bỉnh không hiền lành như những người con khác, nên chỉ ông bà đem tình thương đối xử không đồng đều, như khi bà chia bánh cho những anh em mà cháu này bà không chia cho, vẫn biết vì một lỗi nào đó, nhưng cháu thèm ăn bánh lại không được chia, sẽ tức tối mới phải ăn vụng hay ăn cắp tiền để mua bánh ăn.
                       
                      Hay lúc ông bà mua đồ chơi cho các con khác mà cháu này không có tự nhiên tức tối bỏ học đi chơi với bạn cùng tâm trạng thiếu đồ ăn đồ chơi sẽ rủ nhau đi ăn cắp hay chọc phá người khác đi đến chỗ sa đọa mà nạn nhân đã chịu bất công từ trong gia đình. Khi bố mẹ thấy con hư hỏng nên tìm nguyên nhân sự thiếu sót dậy dỗ của mình, tiên trách kỷ, hậu trách con. Rồi bà xem, cháu sau này sẽ là người giúp đỡ ông bà nhiều. Con phụ rẫy là con nên thân đấy. Đừng bất công với đứa con có thân hình xấu xí, là cha mẹ hãy nâng đỡ yên ủi con, đừng để chúng có mặc cảm kém người chúng dễ sinh bất đắc chí đi đến chỗ bất cần đời.
                       
                      ***
                       
                      Sau 30-4, lũ quỷ đỏ tràn tới, người người đôn đáo tìm đường di tản bằng đường thủy. Hiển đã được người ta ân cần mời đi, vì anh lành nghề thợ máy cùng vì lúc thiếu thời lêu lỏng chơi bời khi trở lại trường học không kịp theo được bạn bè anh đành quay ra học nghề thợ máy. Tới nước tự do này sẵn căn bản nghề nghiệp “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Hiển đã có một sản nghiệp đáng kể, anh luôn hướng lòng về gia đình, về tổ quốc. Viên đá để lăn lóc đã thành một viên đá quý.
                       
                      Cũng nhân câu chuyện trên chúng tôi cùng bạn bè đến dự buổi linh thao do một bậc  đáng kính thuyết trình về để tài giáo dục con cái, mà chúng tôi đã nhớ đại khái mấy điểm như sau:
                       
                      Khuyến khích con học bằng cách thưởng tiền hay quà tùy ý, mỗi chiều đi học về nên xem bài vở hay cho ít đi, em nào kém thông minh hãy an ủi khuyến khích chăm học sẽ giỏi còn hơn người thông minh mà lười biếng. Em gái có lỗi ta đừng la lối, hãy gọi vào phòng kín cắt nghĩa cho em hiểu con không nên nói hay làm như vậy sẽ làm buồn lòng cha mẹ, ông bà nội, ngoại các bậc tôn trưởng, các bạn của bố mẹ v.v….
                       
                      Con trai có lỗi ông bố nên bới thời giờ dẫn con đi chơi, vào công viên, bảo tàng viện hay đưa đi ăn rồi hỏi han cắt nghĩa điều lầm lỗi của con, như thế không chạm tự ái của con, tránh cho anh chị em của chúng đem lòng khi dễ hay bắt chước điều không hay. Có em nào bị tật hay thân hình không đẹp bình thường đứng bao giờ chê.
                       
                       Như người lùn thì yên ủi “Ô! Không sao con mẹ lùn một tý nhưng chăm chỉ học  sau này sẽ thành tướng giỏi được nhiều người kính nể, bố mẹ được nhờ.” Hay “con gái của bố đẹp lắm chứ, lùn thiếu gì người lùn, nết na, dịu dàng, người ta càng quý mến con ạ, da đen một tý trông con có duyên lắm, mặt con hơi lớn chẳng sao trông càng phúc hậu.”
                       
                      Đừng bao giờ chê con lùn, người gì chỉ vào thước mốt, da đen như hòn than bóc nõn, như cột nhà cháy, mặt như mặt mẹt, nếu những bà mẹ thiếu ý thức đã chê chính con mình sinh ra và tai hại cho con em mình sẽ mang mặc cảm suốt đời lúc nào cũng nghĩ đến những điểm thiếu sót chỉ muốn xa lánh mọi người.
                       
                      Cũng đừng để các em trong nhà có tư tưởng bị áp bức bị gò bó trong khuôn khổ lể giáo cổ hủ lổi thời. Áo mặc không qua khỏi đầu, giấy rách phải giữ lấy lề, con cái cần phải sống trong khuôn khổ, đi đâu phải xin phép, được phép mới được đi, ăn ngủ phải có giờ, gọi dạ bảo vâng. Điều đó là quan niệm của bậc phụ huynh.
                       
                      Nhưng nếu áp dụng không tế nhị, bạ đâu mắng đó, những cái không đáng lại nói gắt gao, chẳng hạn nó cười thì bảo toe toét, không cười thì bảo lầm lì, đi nhanh thì bảo đi như ăn cướp, đi chậm thì bảo lẳng lơ. Con cái có cử chỉ hành động, lời nói nghịch lý cãi lại là vô lễ, là bất hiếu. Cá không ăn muối cá ươi, con cãi cha mẹ trăm đường con hư. Lập tức lấy quyền cha mẹ phạt, mắng chửi, quá nữa, thượng cẳng chân hạ cẳng tay, còn để làm gương cho các con khác.
                       
                      Nhưng rồi kết quả ra sao. Có trường hợp đi đến kết qủa tốt. Có trường hợp bài học đó đã kết thúc tình nghĩa, không còn cha mẹ và không còn con cái. Nên cứ ngọt thì lọt đến xương, phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh, các bậc cha mẹ ý thức được tầm quan trọng giáo dục con em của mình cho hoàn hảo đấy là cái vốn của mình đã đầu tư để lại sau này lúc về già để yên ủi giúp đỡ mình tự hào đã không để phí những mầm non của đất nước.
                       
                      (còn tiếp) 
                      #26
                        frank 06.09.2022 02:09:03 (permalink)


                        36- Nạn Thiếu Niên Tự Tử Một Vấn Đề Của Cha Mẹ



                        Một buổi sáng trong lành ở sân trường trung học, các em vui vẻ từng nhóm chơi theo sở thích v.v.. hay đứng nói truyện đùa nghịch trước khi vào lớp.
                        Sau khi thầy giảng bài, các em im lặng tập trung ý nghĩ trước khi viết. Đột nhiên trên văn phòng đưa xuống tin một học sinh lớp mười tự tử chết đêm vừa qua, tất cả các thầy cô, các em học sinh đều sửng sốt bùi ngùi, ban giám đốc cho các em nghỉ sớm để nếu ai muốn đi tiễn biệt người quá cố.

                        Từ các thầy cô đến các học sinh đều muốn biết tại sao trò H. tự tử, vì buồn nản, thất vọng, hay bị áp bức đến quẫn trí phải tự hủy thân, để lại sầu hận cho cha mẹ, chán nản cho cả gia đình, tiếc nhớ cho thầy cô, bạn bè, tìm hiểu mãi cũng chỉ đưa ra kết luận mơ hồ, không đủ dữ kiện làm cho kẻ bất hạnh đến chán đời. Hiện tượng tự tử không những học sinh ở bậc trung học mà có cả ở bậc đại học, người Mỹ người Việt cũng đã từng xẩy ra trước đây, như ở Oklahoma, Houston, New York.

                        Vừa lứa tuổi 15, 16 trở lên ở bậc trung học hay đại học, các em ganh đua nhau học, để cuối tháng đưa phiếu điểm về cho cha mẹ xem, hãnh diện vui mừng thấy con luôn luôn có điểm A. Nhưng không phải môn nào em cũng được điểm cao. Có em giỏi toán lại kém sinh ngữ, có em giỏi vẽ kém thủ công. Ít có em giỏi đều các môn. Có em thích học sử địa đến giờ toán lại chán ngấy không thích học hay vì kém hiểu biết nghe tai này ra tai kia đành bỏ qua. Có em kém sức khỏe ngồi vào lớp tâm trí mệt mỏi lĩnh hội không được mấy.

                        Bậc cha mẹ cho con đi học ai cũng mong cho con học giỏi, nhiều bậc cha mẹ phải đi làm vất vả, cố gắng, bớt các món chi tiêu mới đủ, chi cho các con ăn học, mỗi năm lên lớp phải tốn nhiều tiền hơn, quần áo sách vở phải mua nhiều lên, những nhà khá giả không quan tâm nhiều, còn những gia đình đồng lương ít ỏi phải tính toán cặn kẽ khá vất vả.

                        Tuy nhiên có em có ý chí muốn học lên, ngoan ngoãn nhưng em không thông minh đủ để theo học các môn như chúng bạn dù hết sức cố gắng chăm chỉ, phiếu điểm đem về nhà cha mẹ thấy kém, tuy biết con mình kém thông minh, cha mẹ cũng cứ trách móc đay nghiến, có khi chửi mắng những câu thô tục như đã phí tiền cho đi học mà học dốt sau này chỉ có đi ăn mày, hay so sánh với các bạn của em rồi nhiếc mắng không bằng người nọ, kém người kia, không biết xấu hổ à, hay kể lể gia cảnh túng thiếu, bố mẹ khổ cực cũng có cho con đi học, giờ đây học hành kém cỏi như thể bố mẹ còn trông nhờ sao được.

                        Thực là oan cho những em kém thông minh, học không vào, theo không kịp với chúng bạn đã lấy làm xấu hổ, về nhà cha mẹ không tìm hiểu trình độ của con để an ủi, lại còn làm cho nhục nhã, cố gắng học không tiến được sinh ra thất vọng, quẫn trí lo lắng đến phát khùng.

                        Bậc cha mẹ nên tìm hiểu xem con mình có tư chất thông minh hay không, như vậy đỡ lo cho cha mẹ vì các em học giỏi rất dễ chọn ngành như ý muốn, còn với các em có khối óc tầm thường, cha mẹ nên giúp để ý đến môn học nào thích hợp với khả năng của em, đừng nên ép buộc các em học quá với trí khôn chỉ có hạn.

                        Nên để ý đến hành vi các em trong tuổi dậy thì, chúng nó thích giao du có nhiều bạn kể cả những bạn tối hay bạn xấu, bậc cha mẹ nên biết khuyên bảo, đừng kìm hãm quá, cũng không nên tin tưởng quá mà thả lỏng lẻo, đến khi sa ngã ân hận thì quá muộn.

                        Có khi cha mẹ mải buôn bán lo làm giầu, cho rằng kiếm nhiều tiền thả cho các con ăn học, muốn chi phí bao nhiêu cũng không ngại, yên trí các con học hành được, cho là bổn phận cha mẹ như vậy đã đủ, ít khi hỏi xem xét các con học hành ra sao, có em ngoan ngoãn thi đua chúng bạn tốt vui vẻ học. Nếu bất ngờ em bị “giao động” về tinh thần như bị một gương xấu cám dỗ chẳng hạn và cha mẹ kịp thời nâng đỡ tinh thần, tìm giải pháp cố vấn, giúp cho em để em lấy lại thăng bằng trong tâm hồn thì sự học không bị tổn thương.

                        Không may cho các em có cha mẹ quá bận làm ăn, em không có dịp bầy tỏ nỗi lòng hay không muốn phiền hà bàn hỏi với cha mẹ, khi em bị thất chí không còn tâm trí để học hành, dần dà đưa đến thể chất sa sút nên học hành kém cỏi, mà cha mẹ chỉ biết nhiếc mắng dầy vô trách móc cho rằng đã cung ứng cho con quá đầy đủ mà con học không nên cơm cháo gì, như vậy không ích gì, chỉ làm em thêm rối trí oán trách.

                        Hay gặp cảnh cha mẹ đến lúc cơm chẳng lành, canh không ngọt, giận cá băm thớt, tức tối điều gì cha mẹ không nói thẳng với nhau cứ nhằm vào các con làm đối tượng, nói bóng nói gió chửi bới xỏ xiên, khi tức cao độ trút dồn đánh ngay vào các con. Như thế các em làm sao còn sự yên ổn để học hành, đến khi cha mẹ đưa nhau ra tòa ly dị cũng là một cuộc đời các em quẹo vào ngõ cụt.

                        Ôi! Tả làm sao cho hết tâm trạng đau khổ rối bời của các em bất hạnh này, dù có pháp luật bảo vệ các em vẫn cảm thấy bấp bênh lo âu, được ở với cha thì thiếu tình mẫu tử, ở với mẹ thiếu tình phụ tử, lại còn bị cái gai cha ghẻ, mẹ ghẻ, người đã cướp cha hay mẹ và chia sẻ tình thương của em, đã thế còn bị chửi bị hành hạ coi các em như thứ của nợ chỉ muốn tống ra khỏi nhà cho khỏi vướng mắt. Ít khi gặp được kể phụ kế mẫu biết thương con người như con mình. Muốn tiến trên con đường học vấn, tuổi trẻ các em cần có không khí gia đình đầm ấm, tình thương của cha mẹ như hơi thở bao bọc vật chất lẫn tinh thần.

                        Đáng trách bậc cha mẹ có những em thông minh chăm học, nên để cho các em tuần tự nhi tiến, nhưng tai hại cho các em có cha mẹ nôn nóng muốn con mình chóng thành tài, ép buộc, canh chừng các em không để hở cho các em có chút tự do, thoải mái, chỉ muốn con mình học gấp rút nhảy lớp làm sao cho con mình trổi vượt hơn người, rồi cứ muốn hơn nữa nên đã xẩy ra hiện tượng như ngày nghỉ em cũng không muốn đi ra khỏi nhà, lẩn thẩn ít nói, không còn thích môn giải trí nào, như thế cha mẹ hãy coi chừng, phải tìm cách giải tỏa hay khuyến khích chơi âm nhạc, tập thể dục v.v… để lấy lại thăng bằng, nếu việc học của em có chậm lại ít lâu cũng nên tránh bới sự thúc ép thái quá.

                        Bậc cha mẹ quan tâm về các con có nhiều tiền để lại cho các con chưa đủ, chưa cần thiết bằng tìm hiểu, khuyến khích, nâng đỡ tới khi con em có một sức học khả quan, một nghề nghiệp hợp khả năng mới gọi là thành công.
                        #27
                          frank 06.09.2022 23:25:34 (permalink)


                          37- Tình Yêu



                          Hình ảnh người mẹ bồng con cho bú với nét mặt trìu mến nhìn con, không còn hình ảnh nào đẹp hơn, theo nhà học giả Lâm Ngữ Đường nhận xét, đã làm cho tôi suy nghĩ thấm thía về cái tình mẹ con, dù mẹ tôi đã chết cách đây hàng chục năm, mỗi buổi sáng chiều trước khi đi ngủ tôi vẫn cầu kinh để nhớ về bố mẹ tôi. Mỗi lần nhớ lại câu gọi “Mẹ ơi” tôi thấy cảm động biết bao! Tôi có thể tâm sự với mẹ đủ mọi điều. Lớn lên đi lấy chồng ở xa, tôi vẫn thấy cái tình mẹ con sao thật là thắm thiết. Tôi không còn được ở gần người mà kêu “mẹ ơi” nữa. Nhưng mỗi lần có dịp về thăm người thì tôi thấy cái tình mẹ con chẳng bao giờ phai lạt. Những lúc xa mẹ tôi vẫn giữ lời mẹ dặn.
                          “Mình cứ thắng thắn, đứng đắn, thật thà đối xử với mọi người thì họ sẽ đối xử lại với mình như vậy, biết yêu tha nhân, đem tình thương đến cho tha nhân, thấy người ta được sung sướng, vui vẻ thì mình cũng cảm thấy như chính mình được sung sướng vui vẻ, đây là những điều mẹ hay nhắc nhở cho tất cả các con trai, gái.”

                          Nhiều ngày công việc làm ăn quá bận rộn, chúng tôi ít về thăm mẹ, thì chính mẹ lại tới thăm các con, con nào gặp điều không may mắn, mẹ yên ủi, chia sẻ lo âu; mẹ hoan hỉ thấy các con sống hạnh phúc, mẹ muốn hy sinh cho các con những điều gì mẹ có thể làm được.

                          Ngược dòng thời gian muốn biết mẹ đã yêu thương các con như thế nào, với câu ca dao Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, hay như Chín tháng mang nặng đẻ đau, ba năm bú mớm còn thơ, đến khi có con mới biết lòng cha mẹ.

                          Tình yêu con khi chưa thấy mặt con, dù trai hay gái mẹ mong từng ngày tới lúc con chào đời, dù quằn quại đau đớn, lúc nhìn thấy mặt con là mẹ hết đau, sung sương, dù đang mệt nhọc hao tổn sức lực, không ngần ngại chăm sóc con khỉ con đau yếu nếu có thể được mẹ muốn đau thay cho con; thấy con không ăn không ngủ được, mẹ cũng mất ăn mất ngủ; thấy con vui cười mẹ cũng hoan hỉ cười vui.

                          Đến tuổi đi học, lo sắm cho con đầy đủ quần áo, học cụ, đưa con đến trường buổi sáng, đón con tại trường lúc tan học; nhiều bà mẹ tìm việc làm gần trường học các con để tiện bề đưa đón các con, mẹ biết để các con đi xe bus cũng chẳng sao, nhưng các con phải dậy sớm chờ xe từ đầu vì xe còn phải đi thu học trò các nhà quanh vùng cho đầy đủ rồi mới tới trường đổ học trò. Vì nghĩ có lợi nhiều giờ bên các con; trong lúc đi xe mẹ hỏi các con về bài vở học, hôm nay có được điểm cao, mẹ còn mừng thưởng cho con, điểm kém mẹ khuyên lơn khích lệ con cố gắng. Bạn nói năng, khuyến dụ ra sao, mẹ phán đoán tìm hiểu, biết bạn nào tốt, bạn nào xấu, nên chơi hay không nên chơi, mẹ tìm hiểu các con cặn kẽ, đề phòng các con sa ngã vì bạn bè như: nghiện hút, cờ bạc, đi điếm, ăn cắp, ăn cướp v.v….

                          Bố mẹ mừng rỡ khi các con đã vào đại học, đã lớn biết suy nghĩ, có thể tự túc, đi vay, đi làm thêm để có tiền chi học phí. Nhưng bố mẹ vẫn không đành lòng để các con vất vả nhiều, bố mẹ vẫn đi làm, tiết kiệm có thêm tiền cho các con ăn học, mỗi tuổi một lớn bố mẹ vẫn theo dõi các con về sự học đã đành. Cho tới khi các con có nghề nghiệp, có gia đình, tới đây là lúc bố mẹ đã già, ít phải lo cho các con và cần phải được nghỉ ngơi.

                          Một bà đã đứng tuổi về thăm bố mẹ, thấy bố mẹ vẫn hỏi han, săn sóc từng miếng ăn ly nước, vui vẻ chuyện trò. Bà đã thốt lên, con có cảm tưởng như ngày con còn bé con sung sướng ở gần mẹ, con không còn lo điều gì.
                          Cũng như hình ảnh đẹp của người mẹ bồng con cho bú, hình ảnh người cha làm ngựa cho con cỡi, kiệu con trai lên vai đưa con đi chơi. Con có cha như nhà có nóc, người cha là cột trụ trong gia đình, là thần tượng, là gương mẫu để các con noi theo. Công cha như núi Thái Son.

                          Ngày qua… rồi năm qua… Cuộc đời ngắn ngủi làm sao! Năm tháng như bóng câu qua cửa sổ. Đứa con trai bé bỏng nằm gọn trong lòng mẹ ngày xưa sao lớn mau thế này. Áo quần con sao cứ ngắn đi và nhỏ lại. Mỗi buổi sáng trước khi đi làm nghe các con lao xao, đứa nhỏ xin tiền mẹ ăn trưa, con lớn xin tiền mua sách như nhắc khéo bố đi làm đưa tiền về cho mẹ chi cho các con.

                          Với anh mắt trìu mến, nét mặt hiền từ, bố nhìn hết các con một lượt, trong lòng rộn lên một tình thương mến các con. Các con biết bố thương, nhưng bổ nghiêm, nên không dám làm nũng vòi vĩnh bố bao giờ, muốn gì đều qua mẹ, mẹ chỉ lo cho con những cái gần, nhỏ, như ăn uống, quần áo hay khi đau yếu qua loa.

                          Còn bố nhìn xa hơn, ngoài việc kiếm tiền cần thiết cho gia đình, bố lo cho tương lai các con cần học hành dậy dỗ nên người tốt cho gia đình cho xã hội. Ở xứ người có nhiều cái phải lo. Sợ con học tiếng Mỹ không trôi. Rồi lại lo tiếng Việc con đọc chưa được, nói chưa, nói chưa rành, viết chưa đúng. Lại lo mỗi ngày con đi học trường Mỹ, thu thập kiến thức, lối sống, cách ăn nói, có còn giữ được một hình ảnh Việt Nam nào chăng. Làm sao con có thể hội nhập vào đời sống mới mà vẫn hiên ngang mình là người Việt Nam “chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt” (Chinh phụ ngâm).

                          Nào việc sở, nào việc nhà, bố bận rộn cả ngày, bố cũng cố thu xếp dành ít thời giờ cuối tuần ngồi lại với các con. Tâm sự với các con về nước Việt Nam của mình… Dậy con một câu ca dao, một câu tục ngữ, kể cho con nghe cuộc đời và những chiến công oanh liệt của tiền nhân ta. Biết bao anh hùng và liệt nữ, nước ta tuy không lớn không giầu, nhưng tình yêu dân tộc rất cao. Để con biết con là người Việt Nam, giòng giống Việt Nam “yêu giống nòi đặt tổ quốc lên vai”. (Phạm Duy).

                          Khi con gái biết e thẹn, con trai bể tiếng ồ ề. Các con đã có nhiều bạn bè, con trai đi cắm trại, đi đá banh một mình với chúng bạn, con gái biết đi may sắm, đi party với bạn cuối tuần. Chúng không còn ngồi ở nhà với bố mẹ nữa. Chúng như con chim sắp rời tổ. Bố nghĩ nên để cho các con tập sống đời độc lập, lo lắng lấy cuộc sống của mình, đâu thể nhốt các con vào lồng mãi, phải thả chúng vào khoảng trời mênh mông với sự kiểm soát cố vấn của bố cho các con, coi chừng các con trong tất cả hành động, sẵn sàng giúp đỡ các con cả tiền tài lẫn sức lực các con để đạt sự nghiệp.
                          #28
                            frank 09.09.2022 22:46:59 (permalink)


                            38- Niềm Tin



                            Nắng buổi chiều mùa hè tắt muộn trên các ngọn cây trong vườn. Nàng thơ thẩn hồn nhìn lên đám mây trắng như giải lụa lững lờ bay theo chiều gió nhẹ. Trong lúc nàng đang mang trong lòng, đưa con đầu đời mà cả hai vợ chồng cùng hoan hỉ mong đợi ngày chào đời của con. Ôi! Những ngày hạnh phúc qua mau.

                            ***

                            Dưới ách đô hộ của người Pháp với chính sách hà khắc cai trị trên giải đất Đông Dương nói chung, người dân Việt Nói riêng đã phải chịu sưu cao thuế nặng, ức hiếp đủ điều. Thực dân theo gót quân đội viễn chinh tràn vào nước ta lộng hành làm mưa làm gió độc quyền khai thác về kinh tế, tê hại nhất là độc quyền về á phiện, cho người tự do mở tiệm bán khắp nơi đầu độc thanh niên, những hạng đua đòi ăn chơi, hay bất đắc chí, làm lu mờ óc tiến thủ.

                            Độc quyền nấu rượu, phát môn bài cho một số người mở đại lý các nơi để bán rượu; vào khoảng 1933, 1934, 1935, gặp thời kinh tế khủng hoảng, người dân quê chạy ăn chưa xong, bọn thực dân thấy bán rượu không chạy, chúng cho đem rượu về phân phối cho các làng quê, bắt các tổng lý trong làng đưa rượu tới tận từng nhà bắt ép phải mua rượu dù gia chủ không biết uống rượu. Còn những người biết uống cũng không ai uống nổi thứ rượu thiếu phẩm chất này.

                            Ở thôn quê từ xưa dân mình vẫn cất rượu để uống hay bán lại cho dân làng, bấy giờ ai nấu hay bán thứ rượu của mình, thì chính phủ bảo hộ cho là “đồ quốc cấm”, bị bắt sẽ phải phạt tù phạt tiền tùy theo nhà ‘đoan’ tức đồn thương chính do chúng lập ở các thương khẩu, các yếu lộ giao thông, bất thần đem lính và tụi ‘Indicateur’ chỉ điểm đi ruồng bắt, chúng khám bất kỳ nhà nào hồ nghi là nhà có nấu rượu, hay có đồ nghề nấu rượu.

                            Phần nhiều người ta hay làm về đêm, trước lúc sáng rõ mặt người, đã đưa đi cất dấu cả rượu, nhưng thùng cơm rượu còn đang ủ men và dụng cụ để nấu rượu. Thường nơi cất dấu kín đáo nhất người ta hay đưa thứ “quốc cấm” để vào trong chum, vạt kín đưa ra đồng vùi xuống ruộng, nếu để lâu bao nhiêu rượu sẽ ngon bấy nhiêu. Chờ lúc thuận tiện tới ban đêm người ta im lặng đào lên đưa về nhà để nấu. Trong lúc nấu người nhà phải chia nhau ra gác cách xe nhà nấu rượu để kịp thời báo động về nhà khi thấy bóng “Tây đoan” đi khám.

                            Không may chúng bắt được tang vật, chúng cho tìm hương chức sở tại tới làm biên bản, còng tay gia chủ với tang vật giải giao cho phủ, huyện, chờ ngày ra tòa lãnh án phạt.

                            Cũng vì sự hà hiếp bất công này mà sinh ra biết bao tệ đoan dã man vô lý… Người dân quê hiền lành chất phác chăm chỉ làm ăn đã đành, còn luôn luôn lo lắng đêm ngày vì nạn rượu lậu. Những hạng tiểu nhân muốn trả thù, nhưng chỉ điểm làm tiền những người có ruộng ở xa nhà, làm thế nào có đủ thì giờ để canh coi chừng có kẻ đưa rược tới chôn giấu ở ruộng của mình. Biết bao oan ức, táng gia bại sản tù đầy vì ruộng có rượu cách xa chỗ ở một hai cây số ngàn là thường.

                            Tệ nạn rượu lậu lan tràn khắp trung châu Bắc Việt, vì quá uất ức, thỉnh thoảng lại xẩy ra vụ cắt gân chân bọn chỉ điểm vì tụi này vừa đi làm tiền người dân, hay chúng chỉ dẫn cho tụi Tây khám bắt được rượu lậu chúng được thưởng nhiều tiền mồi nhử cho bọn bất lương đi làm chỉ điểm. Cũng vì luật bắt rượu lậu ở ruộng xa gia chủ hàng mấy cây số này mà vào thập niên 1940 viên Thống sự Bắc Kỳ Dellsale nhận thấy điều luật quá ư dã man tàn nhẫn nên ông ta đã ký nghị định bãi bỏ, hậu quả bị bọn tài phiệt thế lực ở Sài Gòn áp lực đưa ông Pages thay thế Dellsale.

                            Cũng thuộc vào hàng quốc cấm như rượu, muối là thứ thực phẩm cần thiết cho tất cả mọi người. Bọn thực dân tham lam thu tất cả các sân làm muối ở ven biển, biến tất cả các tiểu công nghệ này thành lao công cho chúng độc quyền bán lại cho các đại lý của chúng, chúng làm giầu trên xương máu người dân bị trị.

                            Những người có tâm huyết chỉ biết lắc đầu ngao ngán lo cho tiền đồ dân tộc với chính sách ngu dân để triệt hạ mầm mồng chống đối với bọn thực dân, mới dễ thao túng cai trị. Hiểu dã tâm thâm độc của chúng, các cụ thời bấy giờ lấy cớ trà dư, tửu hậu, ngày Tết, ngày giỗ thường gặp nhau than thở; làm dân bị trị biết bao giờ ngóc đầu dậy được, rồi đi đến chổ bảo nhau nhà nào có thể nên gởi con em đi học hãy hấp thụ lấy một nền học vấn thực dụng khoa học phương Tây. Với ý đồ như trên Hải được cha mẹ gởi đi Hà Nội học, những dịp nghỉ hè, ngày Tết về quê thường được nghe kể lại hay chính mắt nhìn thấy những tệ trạng dã man, áp bức do luật lệ chính phủ áp đặt.

                            Chàng đã có tư tưởng phản kháng và muốn làm một cái gì, ở Hà Nội là nơi phát xuất sẵn môi trường để được tham gia theo chí hướng.

                            Một chiều về mùa Đông âm u, gió rít từng cơn lạnh lẽo se sắt. Ngồi ở tràng kỷ cụ Tú co ro, khoác chiếc áo bông dầy cộm, húng hắng ho sau một hơi thuốc lào lọc xọc, khuôn mặt gầy, da hơi xanh, qua bức màn trúc nhìn ra sân, cụ Tú nói nhỏ như vừa đủ cho mình nghe. Thằng Hải hẹn hôm nay về mà giờ này vẫn chưa thấy, chợt Hồng vợ Hải từ sau vườn trở vào nhà tay cầm mấy cây cải vừa nhổ ở vườn, cụ Tú nhắc con làm cơm sẵn, Hải chắc sắp về tới. Con Vàng vừa sủa được một tiếng, đuôi đã ve vẩn chạy ra săn đón người nhà.

                            Bữa cơm chiều nay đầy đủ bố mẹ, vợ, các em. Hải nhìn từng khuôn mặt những người thân yêu như cố thu từng nét mặt mỗi người vào trong óc. Bữa cơm có đủ món mà Hải thích ăn, vợ chàng đã sửa soạn kỹ lưỡng để đón chồng, hiểu như vậy mà chàng không thiết ăn, cứ nghĩ đến phút giây ít nữa chàng sẽ trình bày về lý tưởng về con đường mình sẽ theo, bố mẹ và vợ có chấp nhận hay không; mẹ ép chàng ăn thêm, vợ đẩy đĩa món ăn chàng thích lại gần, ngầm mời chàng ăn thêm, những trìu mến của mọi người, trong lòng chàng như thắt lại, trước sự vui vẻ của mọi người, Hải cố giữ nét mặt thản nhiên.

                            Riêng cụ Tú đã đoán phần nào, hiểu con không ai bằng cha, thấy con đang học lại về nhà vào thời điểm không căn đo.

                            Khi chàng trình bày hết lý do, muốn phụng sự tổ quốc với chế độ hà khắc, sống trong một nước tương lai mù mịt, người dân bị áp bức nhục nhã, không những thế hệ hiện tại mình đang chịu, còn thế hệ tương lai con cháu mình, cứ phải kéo làm thân nô lệ biết đến bao giờ.
                            Phải có lớp người xung phong ra đi làm lịch sử, nếu có dở dang thì thế hệ sau lại nối tiếp, hiện tại lớp trẻ này cùng đang thực thi nối tiếp thế hệ đàn anh đã qua. Chàng tiếp: con chưa biết làm được điều gì cho bố mẹ, nay lại đem sự buồn phiền tới bố mẹ, chữ hiếu chưa trả, trông vào các em, vợ con thay thế phụng dưỡng cha mẹ.

                            Chưa hết câu cụ Tú, với vẻ mặt rạng rỡ, liền nói: Bố hiểu con, tin vào con hợp chí hướng của bố, riêng bố vẫn ân hận chưa làm được điều gì cho tổ quốc cho đồng bào, bố cầu mong con thành công. Cụ bà quá thương con chưa kịp phàn nàn, nghe cụ ông nói biết cụ đã nhất trí với con, lại còn tỏ vẻ hân hoan, bà chỉ biết gật đầu trào hai hàng nước mắt nhìn con ái ngại, ý muốn cản ngăn lại thôi không muốn làm buồn lòng chồng con.

                            Quay sang Hồng, chàng nhìn nàng chờ câu trả lời “Ý em thế nào”. Không chút do dự, Hồng cương quyết trả lời: “Em tin anh, nếu em không có mang em sẽ theo anh, vả lại em có bổn phận đối với bố mẹ thay anh, chờ con chúng ra ra đời, em sẽ có nguồn an ủi để đủ nghị lực chờ anh.” Được lời như cởi tấm lòng, giải quyết việc nhà đã xong, chàng mới bộc lộ, hiện tại đang bị nghi ngờ, điều tra theo dõi nếu không tránh trước, dễ bị sa vào cạm bẫy của tụi chó săn.

                            Hết đêm nay ngày mai chàng phải bí mật ra đi. Cả hai vợ chồng đều tính trước những khó khăn có thể xẩy ra, nhiều bất trắc không thể ngờ tới, cả hai đều hứa với nhau tin ở lòng chân thành của nhau, chàng hy sinh hạnh phúc cho tổ quốc, nàng chấp nhận những khó khăn riêng phải chịu, hứa làm tròn bổn phận để chàng yên lòng ra đi.

                            Nàng yên phận nuôi con giúp đỡ cha mẹ ngày một già. Từ ngày chàng ra đi lâu lâu cũng có tin, khi thì nhân miệng hỏi thăm gia đình, họa hiềm có thơ chàng viết về thăm cha mẹ, vợ con với cả một tấm lòng tràn trề yêu thương, vì muốn bảo mật, tránh liên lụy đến gia đình, nên ít dám liên lạc.

                            Từ ngày ra đi mùa xuân năm ấy, chàng trở về cùng với hai đồng đội tới nhà mới biết bố mẹ đã mãn phần, con chàng đã biết cắp sách đi học. Trước phần mộ song thân chàng khấn thầm con sinh bất phùng thời nên làm con bất hiếu, chưa làm được điều bố mong đợi, con nguyện góp thân sức đem tự do, thanh bình, no ấm về cho dân tộc như ý bố.

                            Nghỉ ngơi ít hôm chàng hẹn mấy người bạn cùng xuất phát. Trước khi đi chàng nắm tay nàng cảm ơn người vợ tâm tình, người vợ lý tưởng đã giúp chàng đủ nghị lực dấn bước phiêu lưu ngàn dậm.

                            Tình hình trong nước ngày một dồn dập đến với người dân. Quân đội Nhật cướp lại quyền của người Pháp, thu hồi độc lập trả lại cho chính phủ Việt Nam trên giấy tờ, rồi quân đội Tầu kéo tới giải giới quân Nhật, Quốc Cộng chia đôi đất nước.

                            Vào đến miền Nam một thời gian rồi với biến cố 1975, gia đình ông Hải cũng theo làn sóng người lưu lạc nơi đất khách quê người. Hành trang mang đi vẫn là niềm tin quyệt đối vào lý tưởng thuở thiếu thời cùng với niềm hy vọng một ngày tươi sáng trong tương lai sẽ trở về trên quê hương không còn Cộng Sản.

                            ***

                            Vào cuối tuần một buổi sáng đẹp trời, khí trời se lạnh đủ mặt già trẻ lớn bé ngược xuôi vội vả mua bán, hay thủng thẳng dắt tay nhau đi ngắm cửa hàng. Qua khuôn cửa kính trên đường Bolsa lẫn trong đám người đồng hương, một cụ ông tay chống nạng lê bước bên cạnh bà cụ trông còn khỏe mạnh, cả hai đều có mái tóc bạc trắng như cước, đến gần tôi mới nhận ra ông bà Hải người cùng làng, một người trẻ tuổi vốn giòng hào kiệt thuở trước, một thiếu phụ duyên sắc mộc mạc nhưng có đủ nghị lực kiên trinh, ý chí tin tưởng chấp nhận đời sống khắc khổ tự lập để người bạn đời theo đuổi chí hướng không vướng câu thê tróc tử phọc.
                            #29
                              frank 11.09.2022 23:21:36 (permalink)
                              39- Trách Nhiệm Cha Mẹ



                              Chúng ta bỏ nước ra đi, để lại mồ mả, tiên tổ, tài sản tất cả những gì sở hữu. Nhưng tinh thần văn hóa, lề thói, phong tục đã tiêm nhiễm trong đầu mọi người, muốn gột rửa, chỉ nên bỏ những điều gì mê tín, không hợp thời. Không những chẳng nên bỏ mà còn nên cố gắng giữ lại văn hóa ưu việt ngàn đời tiền nhân đã để lại.

                              Tới đất người bắt buộc mọi người phải nhập gia tùy tục, quá giang tùy khúc, nước người cũng như nước mình có nhiều cái hay và cũng lắm điều xấu, tùy trình độ đã hấp thụ gạn lọc được.

                              Nhiều gia đình khi tới phần đất mới này trong hoàn cảnh khó khăn, eo hẹp về sinh kế, nhưng dòng giống Văn Lang sẵn chí tiến thủ, dẫu một ngàn năm đô hộ, một trăm năm bị trị, đến được đất nước tự do, sẵn môi trường, lòng người phấn khởi hun đúc khuyến khích cho con em một số lớn đã làm rạng danh con cháu Tiên Rồng, hãnh diện cho cha mẹ dòng họ, làm nức lòng cộng đồng dân Việt đã nhiều lần được vinh danh trên báo chí, làm ngạc nhiên cho các sắc dân bạn, tương lai đất nước kỳ vọng vào đám người trẻ này.

                              Nhưng một số bà con mình đã lơ là ít chú trọng giáo dục con em, hay dậy dỗ thiếu phương pháp nên đã xẩy ra nhiều tệ trạng, lại còn để buông xuôi không biết cách sửa chữa, phải hấng chịu những đứa con không tương lai, dâm đãng, trộm cướp, nghiện ngập. Tới khi va chạm tới pháp luật phần đông những giới trẻ này đã oán trách đổ lỗi cho bố mẹ đã không biết dạy dỗ thậm chí đã làm gương mù gương xấu cho con. Thật mỉa mai, thật cay đắng, oán tràn mi.

                              Không thận trọng lới nói, bố mẹ đã làm cho con hiểu lầm. Các em trai, gái 15, 16 tuổi mới lớn đang ham vui chơi có nhiều bạn bè ngày nghỉ rủ nhau đi chơi, hay tới nhà nhau, đã bị bà mẹ hay bố sai làm hết việc nọ tới việc kia, bị mắc cở muốn tiếp bạn cũng phải thu ngắn thời giờ, làm các bạn ít muốn đến nhà. Những lần đi party con trai có bạn gái, con gái có bạn trai, nhờ xe đưa về nhà, vào khỏi cửa đã bị bố mẹ kêu chửi những câu tục tĩu khó nghe như “đồ đĩ ngựa” cho con gái, “đồ ôn vật” mất dạy, hạng “trời đánh thánh vật” cho con trai.

                              Các em chỉ nhận định vào khuôn mặt thái độ giận dữ của bố mẹ, nhiều em không hiểu những câu chửi nặng nhẹ đến mức nào, cả ngày đi học có bao giờ nghe chửi tiếng Việt, các em phải tra tự vị mới hiểu nghĩa câu chửi, cảm thấy bố mẹ đã chửi một cách quá đáng, làm cho các con xa cách thiếu tình âu yếm, thay vì thái độ hòa nhã, nếu có nghi ngờ các con làm điều bất chính.

                              Vì thế đã xẩy ra trường hợp một em gái đi chơi về khuya đã bị bà mẹ chửi mắng còn đe dọa bố mày sẽ “giết” mày. Liền sau đó, bà mẹ gọi mách ông bố đã bạt tai con gái mấy cái, làm em quá sợ đã quay điện thoại gọi cảnh sát; khi cảnh sát tới ông bố vẫn còn đang tức giận, ông bố nói với cảnh sát, cho tôi mượn khẩu súng, tôi bắn chết nó đi.

                              Sau một trận đòn, bố đánh mẹ chửi, cô gái quá sợ bỏ nhà ra đi. Cả hai bố mẹ cô gái đều nghĩ nó đói rồi nó sẽ lần về. Nó sẽ ăn ở đâu, ai nuôi nó, ai chứa chấp nó, có đến nhà các bạn cũng chỉ vài hôm rồi sẽ về. Bố mẹ đã không tìm hiểu con để dẫn dụ con trở về, đến lúc hối không kịp.

                              Hai năm sau, một người bà con gặp cô gái tên Thanh Mai đứng chờ khách ở đường 42 New York, động lòng trắc ẩn, rủ cô đi ăn tìm hiểu tâm sự của cô…

                              -Khi còn ở nhà, mẹ cháu giao cho cháu coi ba em nhỏ, em trai lớn lên ba tuổi nó nghịch phá suốt ngày, một em mới chập chững biết đi, em nhỏ nhất còn phải bế, cháu không được đi học, ở nhà coi các em, bố cháu đi biển với người ta, mẹ cháu bán cá tôm ở ngoài chợ, cháu còn nhỏ cũng ham chơi với chúng bạn hàng xóm, nhiều ngày cháu không coi kịp để các em nghịch làm vỡ bát đĩa hay gẫy cây ngoài vườn, bị ngã sưng đầu, chưa kịp rửa để mặt các em lấm lem, khi mẹ về thế nào cháu cũng bị đòn bị la, ít ra cũng vài cái tát vào mặt hay cốc lên đầu mấy cái, hôm nào mải chơi quên không giặt quần áo, cháu sẽ bị trận đòn roi tối tăm mặt mũi, khi nghe tiếng can xin của bà hàng xóm cháu mới thoát nạn.

                              Khi bố mẹ cháu dồn tất cả đồ đạc và năm chị em cháu với mấy gia đình hàng xóm xuống thuyền chèo ra biển được tầu Mỹ nhận, tới Mỹ cháu đã lên tám tuổi, bổn phận cháu vẫn phải coi ba em nhỏ, còn lại anh và một em trai kế được đi học, nhưng người bảo trợ không bằng lòng buộc bố mẹ cháu phải cho cháu đi học, về đến nhà vẫn phải bế và coi các em, mỗi năm lại thêm em nhỏ, mẹ cháu dồn việc nhà từ làm cơm, thu dọn, mỗi buổi sáng trước khi đi học phải lo cho năm đứa em ăn sáng, rửa mặt, mặc quần áo rồi mới được đi học.

                              Trong lúc mẹ cháu ngồi thoa son, đánh phấn, sơn móng tay, chỉ biết la mắng các con, cháu đã lớn đã hiểu biết. Nhiều lúc nhớ các em, cũng muốn quay về, sợ bố mẹ không hiểu không tha thứ đành kéo dài kiếp sống vô vọng. Cháu cũng hiểu trước kia bố mẹ cháu đã sống trong một xã hội nghèo, thiếu phương tiện không giáo dục lại không chịu học hỏi để di lụy cho các con.

                              ***

                              California khí hậu ôn hòa, dân Á Đông tới định cư đất Mỹ đều cho xứ này là nơi lý tưởng, phần đông dân mình quy tụ nơi đây. Vùng Orange có Little Saigon, cũng phải tới thăm cho biết.

                              Nghe tin ông bạn trước kia là một vị đại tá nghiêm minh, định cư ở đây, hỏi thăm rồi cũng tìm được tới nhà. Bấm chuông, khi cửa mở ông đại tá xuất hiện, cả hai bên chúng tôi đều bỡ ngỡ nhìn nhau, nhận ra đã quen nhau từ trước, chúng tôi xin lỗi đã đột ngột tới thăm không kịp báo trước. Ông bạn mời chúng tôi, tự tìm ly và mấy hộp nước ngọt, sau khi hỏi thăm sức khỏe xã giao. Tôi để ý nhìn vẻ mặt ông bạn thấy ưu tư, chán nản, nhiều nếp nhăn trông già trước tuổi. Như hiểu ý, không để chúng tôi chờ đợi ông bạn chậm rãi kể:

                              -Mất nước là mất tất cả. Khi còn ở nhà, tôi để hết tâm trí vào chiến trường luôn sôi động, lo lắng an nguy cho anh em thuộc cấp, thì giờ dành cho gia đình không có nhiều, tôi biết vợ tôi thích ăn diện, tôi nghĩ để bù lại những lúc tôi vắng nhà, chỉ biết đưa hết tiền lương về cho vợ chi tiêu.

                              Như các bạn biết, từ khoác chính y, có bao giờ nghĩ phải học sẵn một nghề chuyên môn để phòng thân. Thoát chết tôi được miền đất tự do đầy cám dỗ với hai bàn tay trắng, bất cứ việc gì tôi cũng làm, miễn có đủ tiền chi dùng cho các cháu đi học, vợ tôi khỏi vất vả ở nhà chăm sóc các con cái, lo cơm nước cho tôi an lòng. Vợ tôi vẫn giữ quen nếp sống trưởng giả, không chịu hòa đồng vào hoàn cảnh mới, trong lúc một mình tôi đi làm đầu tắt mặt tối, đâu có dư tiền để nàng cờ bạc, ăn diện, nhảy nhót thâu đêm.

                              Tôi đi làm về mệt, thèm bát cơm nóng không có, ngày này sang ngày khác hết hot dog lại hamburger, con cái bỏ bê chúng đi chơi hay đi học cũng không biết, hỏi đến các con đứa kêu thiếu sách đứa kêu thiếu giầy, thiếu áo, tôi phải kiêm luôn việc chi tiêu trong nhà, thế là sóng gió nổi lên, vợ tôi lấy cớ không được tự do tiêu tiền, bỏ chồng bỏ con đi tìm người nào có nhiều tiền để tiêu cho thỏa thích.

                              Tôi bây giờ sống cảnh gà trống nuôi con, cũng không xong, ở nhà kiểm soát, dậy dỗ các con nếu có tiền, còn đi làm suốt ngày về đến nhà chúng nói sao biết vậy. Tôi thương các con, để các con tự do đi về thăm mẹ chúng hay mẹ nó đến thăm những lúc tôi đi làm hay đi vắng. Cũng bởi vậy mà các con tôi đã tiêm nhiễm những thói xấu. Các con tôi đã lớn, tôi bất lực trước các con tôi, chửi mắng chúng bỏ nhà đi, khi tôi không có nhà chúng tự do đem bồ, bạn về nhà du hí ăn uống rượu chè, chan giãi, rác rưởi, luộm thuộm như các bạn đã thấy.

                              Lời nói không bằng làm gương. Ôi! Cái cảnh ly dị làm tan nát cửa nhà, đôi bên điêu đứng đã đành, lại còn làm gương xấu cho các con. Khi còn nhỏ chúng đã thiếu tình thương , lớn lên thiếu sự dậy dỗ, an ủi, bất mãn đã làm chúng thiếu tự tin, không người hướng dẫn lao đầu vào vòng trụy lạc đau khổ. Những tệ nạn xẩy ra phần lớn phải quy vào trách nhiệm bậc cha mẹ.
                              #30
                                Thay đổi trang: < 123 > | Trang 2 của 3 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 32 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9