Cách học và dạy
Thay đổi trang: << < 789 > >> | Trang 7 của 10 trang, bài viết từ 91 đến 105 trên tổng số 137 bài trong đề mục
HongYen 12.07.2005 05:24:27 (permalink)
Thứ hai, 11/7/2005, 13:00 GMT+7

Ý kiến giáo viên về đề thi đại học

Trao đổi với VnExpress, nhiều thày cô cho rằng, bên cạnh những "hạt sạn", đề thi nằm trong chương trình, không quá dài và thiết kế khá hay. Thí sinh phải hiểu vấn đề và có khả năng bao quát, phân tích mới hy vọng đạt điểm cao.


Thày Trần Phương.
Thày Trần Phương, tác giả nhiều cuốn sách Toán: Tôi cho rằng, đề Toán năm nay khá hay, kiểm tra được tư duy của học sinh. Câu hỏi không quá dài, tránh tình trạng học sinh sa đà vào tính toán, dễ mắc sai sót. Đề thiết kế theo cấu trúc 8/2 (8 câu hỏi kiến thức cơ bản và 2 câu hỏi nâng cao). Cả 3 khối A, B, D đều có 2 câu hỏi nâng cao rơi vào phần tổ hợp và bất đẳng thức. Câu hỏi bất đẳng thức đều phải sử dụng bất đẳng thức cosi. Đặc biệt, ở khối D, câu hỏi 5, nếu thí sinh không có sở trường về bất đẳng thức rất dễ choáng và đầu hàng ngay từ đầu. Thực tế, nếu thí sinh am hiểu về bất đẳng thức, phát hiện ra dấu hiệu của bất đẳng thức cosi thì đây không phải là câu hỏi quá khó.

Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Lan, khoa Hoá, ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM: Cách ra đề năm nay hay hơn hẳn mọi năm. Đề chỉ bao gồm kiến thức cơ bản song bao quát phạm vi chương trình rộng. Vì vậy, thí sinh phải hiểu bài mới làm tốt, khó trông chờ "trúng tủ". Trong đó, đề khối B hay hơn khối A. Đề khối B không khó, không dài nhưng làm trọn vẹn không dễ vì thí sinh phải đầu tư suy nghĩ nhiều. Với đề này, điểm tối đa sẽ ít nhưng điểm 6-7 nhiều, có thể phân loại được học lực của thí sinh.

Đề Hoá khối A còn sai sót không đáng có ở câu I, phần 2. Hợp chất của canxi và magiê không thể tách theo cách mà đề ra. Việc điều chế Canxi và Magiê riêng sẽ đơn giản hơn với cách khác nhưng kỹ thuật này học sinh phổ thông và học sinh năm thứ 2 đại học vẫn chưa học tới. Câu này nguy hiểm ở chỗ nếu thí sinh nắm vững kiến thức cơ bản thì không chấp nhận cách tách đó, không làm được bài còn thí sinh hiểu lơ mơ thì lại làm được.


Tiến sĩ Võ Văn Sen.
Tiến sĩ Võ Văn Sen, Trưởng khoa Lịch sử, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP HCM: Đề Lịch sử năm nay dễ hơn năm trước song cách đặt câu hỏi hay. Thí sinh muốn đạt điểm cao phải nắm vững chương trình cơ bản, hiểu bài nhưng cũng cần đọc thêm, mở rộng kiến thức.

Trong đó, câu 1 bản chất hỏi về ý nghĩa cao trào kháng Nhật và diễn biến Cách mạng Tháng 8. Nhưng nếu hỏi trần trụi như thế thì thí sinh nào cũng có thể làm được. Còn theo như đề ra thì để làm tốt, thí sinh học sách giáo khoa lớp 12 chưa đủ mà phải đọc thêm các sách tham khảo khác. Cách ra đề giúp phân hoá được trình độ học sinh, đáp ứng nhu cầu tuyển sinh đại học với 70% nội dung là thuộc bài và 30% dành cho học sinh hiểu bài và thông minh.


Thày giáo Huỳnh Thanh Long.
Thày Huỳnh Thanh Long, giáo viên Trung học bán công Marie Curie: đề Địa lý yêu cầu thí sinh phải nắm được kiến thức cơ bản nhưng không cần học thuộc nhiều. Đề ra theo định hướng khó dần. Câu 1 đơn giản hơn 2 câu sau vì thiên về kiểm tra kiến thức cơ bản. Thí sinh làm trọn vẹn câu này dễ có tâm lý thoải mái bước vào các câu tiếp theo và mỗi câu cũng có ý dễ và khó hơn. Đặc biệt, câu 2 có sự liên hệ giữa lý thuyết với thực tiễn.

Hiểu biết về thời sự liên quan tới tình hình ngoại thương trong nước giúp thí sinh phát triển ý tốt hơn và thí sinh hiểu lý thuyết sẽ vận dụng hợp lý những ý này khi làm bài. Đề không dài, nếu viết dài chưa chắc đạt điểm cao. Theo tôi, với kiểu đề này, thí sinh khó đạt điểm tuyệt đối nhưng dễ đạt 6-7,5 điểm.

Ý kiến của bạn về đề thi đại học
Thanh Lương - Việt Anh

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2005/07/3B9DFF98/
#91
    HongYen 12.07.2005 05:38:23 (permalink)
    Vào đại học


    Sau đây là ý kiến cá nhân về đaị học Mỹ.

    Tín chỉ là trên hết.

    Ở trung học Bạn có đủ số điểm hay tín chì là có thể vaò đại học hay cao đẳng. Lứa tuổi bắt buộc dưới 18 tính theo ngảy sanh và người có quốc tịch Mỹ. Tính đến 21 theo ngày sanh và cho người nước ngoài ngụ ở Mỹ...

    Sau trung học có htể vaò đại học, cao đẳng môn naò tuỳ ý bạn chọn hay sau khi hỏi ý cố vấn ở trường. Ý cuả các bậc cha mẹ hay bạn bè là chọn môn danh tiếng như bác sĩ, luật sư, hay theo sở thích...Mấy năm trước Việt Nam chọn ngành vi tính vì dể kiếm job và lương cao. Bay giờ là ngành y như nha sĩ, dược sĩ, hay y tá....

    Tuổi tác vào đại học từ 18 ->100. Dưới 18 là ngoaị lệ.....

    Khi thi bạn cứ theo điều kiện cuả trường bạn theo học.....không hẳn phải cùng ngày cho toàn tiều bang hay toàn nước. Có thể thi suốt 4 muà tuỳ trường và ngành....Thư thả bạn ạ. Tuy nhiên khả năng tổng hợp là then chốt. Đi một hay mưới lần là chuyện thường. Cái hay là bạn muốn học trường A nên dự thi trường B trước để lấy kinh nghiệm....Hya có thể đậu vào trường B rồi ghi tên học thêm vaì chứng chỉ của trường A. Vâỵ là khoá tới bạn có thể học chánh thức trường A khỏi phải thi nếu bạn hơi yếu môn nào đó....

    Học hành thi cử là chuyện daì nhiều tập cuả mỗi nơi và mỗi thời gian. Nếu ta vững cứ tự tin....

    Chúc vui với học và thi.
    #92
      HongYen 14.07.2005 03:32:44 (permalink)
      Thứ Tư, 13/07/2005, 06:03 (GMT+7)

      Dạy và học văn hiện nay: Đúng là nguy thật!

      Bấm vaò để xem hình
      Giám thị kiểm tra phiếu dự thi của thí sinh trước khi làm bài môn văn tại hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: Như Hùng



      TT - Hầu như đến hẹn lại lên, sau những kỳ thi tốt nghiệp THCS, THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, bạn đọc cả nước lại âm thầm chờ những bài báo về những “đặc sản” văn chương “đến thượng đế cũng phải cười” do các sĩ tử “mang nặng đẻ đau” trong phòng thi.

      Vâng, qua kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2005, chắc chắn cũng sẽ không thiếu những áng văn “dựng tóc gáy” ra đời. Chung quanh câu chuyện này, PGS.TS TRẦN HỮU TÁ - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM - chia sẻ:

      - Trước tình trạng chắc không đến nỗi quá phổ biến nhưng có thật như thế thì không thể không buồn và xót xa.

      * Thưa ông, văn chương thể hiện đời sống tinh thần, “một phần tất yếu của cuộc sống”, nhưng HS lại sợ học môn này. Cứ kéo dài mãi như thế thì nguy quá!

      - Đúng là nguy thật! Điều đó đôi lúc khiến chúng ta phải giật mình lo sợ. Chúng ta không thể chấp nhận tình hình ấy kéo dài nhưng trước hết phải bình tĩnh đã. Chúng ta phải có trách nhiệm tìm mọi cách để cải thiện; buộc phải thay đổi tình hình chứ không thể để nó tồn tại như thế được. Trách nhiệm của từng giáo viên cũng như của ngành giáo dục làm sao để HS, thế hệ trẻ hôm nay thật sự yêu môn văn và được môn văn cảm hóa. Từ đó sẽ tác động tích cực đến việc bồi dưỡng tri thức về cuộc sống, về xã hội... và cũng từ đó hình thành nhân cách tốt đẹp ở mỗi con người.

      * Cứ cho là những “bài văn… văng mạng” chưa phải là hiện tượng chiếm đa số trong HS, nhưng điều đó đã nói lên một sự thật đầy bất ổn trong dạy và học văn hiện nay ở bậc phổ thông?

      - ... Ngay như xét ở số đông HS trung học, những yêu cầu cơ bản cần đạt đối với môn văn cũng còn lâu mới đạt được. Ví dụ, đã đến lớp 12, ở tuổi 18 thì phải đạt yêu cầu viết “sạch” đối với ngôn ngữ mẹ đẻ. Nhưng xin thưa rằng dù chỉ đánh giá ở bộ phận HS khá văn nhất của lứa tuổi thi tú tài này thì trình độ viết văn tiếng Việt của các em vẫn không đạt yêu cầu. Thậm chí ngay như sinh viên năm 4 khoa văn, nhiều khi chấm bài tôi vẫn thấy giật mình về trình độ viết văn của các em. Ý tôi muốn nói rằng trình độ cảm, hiểu văn chương và sử dụng tiếng mẹ đẻ ở các bạn trẻ ngày nay rất đáng lo ngại ở một diện rộng hơn, chứ không riêng gì HS ở các bậc học phổ thông.




      * Nhưng để tồn tại những điều xót xa như thế trong dạy và học văn, theo ông, nên trách người thầy hay trách người học?

      - Nói một cách công bằng, với chương trình học như hiện nay, cho dù HS có muốn yêu văn chương cũng không có đủ thì giờ để mà yêu… Chương trình dạy của từng khối lớp rất căng nên HS học rất vất vả và số đông HS phải đối phó để giải quyết cho xong những yêu cầu của nhà trường, của thầy cô giáo. Chính vì thế mà hầu hết HS không có thời gian đi sâu vào những điều các em yêu thích, trừ một số đã giỏi. Cũng vì vậy càng khiến học trò không thấy hấp dẫn với môn văn.

      Nhưng có lẽ nhiều thầy cô giảng dạy môn văn cũng chưa đáp ứng được lòng mong mỏi của học trò, chưa làm cho học trò say được với môn mình dạy. Ở đây tôi muốn nói đến bản lĩnh của người thầy. Những thầy giáo cô giáo dạy hay, chuẩn bị kỹ bài giảng, truyền đạt hấp dẫn… thì HS sẽ yêu thích. Còn nếu trình độ người thầy hạn chế, chuẩn bị bài giảng sơ sài, cốt là làm sao truyền đạt được kiến thức mà Bộ GD-ĐT qui định thì coi như hoàn thành trách nhiệm, coi như xong… như thế làm sao học trò yêu văn chương cho được.

      * Và có nhiều ý kiến cho rằng khả năng truyền đạt của người thầy mới là quan trọng?

      - Riêng tôi thấy vẫn cần có sự thông cảm với thầy cô giáo dạy văn. Một truyện ngắn rất dài như Chí Phèo mà phải dạy trong hai tiết thì có thánh cũng không giảng được cho ra đầu ra đũa; một đoạn thơ dài năm bảy chục câu trích trong bài Việt Bắc mà giảng một tiết thì liệu ai có thể giảng nổi.

      Vì vậy giáo viên cứ loay hoay đối phó làm thế nào “thanh toán” cho xong giáo án để tránh bị “cháy” và cốt đảm bảo truyền đạt được những kiến thức cơ bản nhất đến HS nhằm đối phó với các kỳ thi… Thực tế là người thầy chỉ “thanh toán” được bài giảng một cách hình thức chứ không đem đến cho HS nhiều kiến thức bổ ích, làm giàu thêm đời sống văn hóa, tinh thần cho HS.

      “Cũng cần nói thêm, thanh niên ngày nay ít đọc sách quá. Muốn hiểu và yêu văn thì không chỉ thu hẹp trong phạm vi sách giáo khoa… Di sản văn học dân tộc cũng như tinh hoa văn học nhân loại đọc cả đời người cũng không hết.

      Nhưng thử hỏi có bao nhiêu người trẻ hào hứng tìm sách để đọc? Tôi tin là ít lắm! Tôi cho rằng đây là hiện tượng đáng lo ngại trong giới trẻ ngày nay”.

      Còn giảng dạy văn học cổ thì lôi thôi hơn nữa... Các cụ thường dạy: phải phấn đấu biết mười dạy một. Song hiện nay ở tất cả các cấp (tất nhiên không phải 100%) nhiều chục phần trăm thầy cô giáo vẫn chưa đủ “vốn” để có thể biết mười dạy một. Khi người thầy chưa có tiềm lực ấy thì không thể dạy hay và hấp dẫn được. Chỉ có thể đổi mới phương pháp giảng dạy trên cơ sở người thầy có tiềm lực mạnh. Khi người thầy đã dư “vốn” mới có thể nói đến chuyện đổi mới cách giảng dạy.

      * Thưa ông, dường như thực tế cuộc sống đã mách cho chúng ta một điều: có một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ đang vô cảm trước đời sống văn học, không thèm tìm đến các tác phẩm văn học?

      - Cũng không nên trách họ. Và tôi nghĩ cũng không hoàn toàn như thế đâu. Tuy nhiên, mối lo như tôi đã nói, sự quan tâm đến sách của giới trẻ dường như ngày càng nhạt hơn. Thực tế phải nhìn nhận hiện nay không có động cơ nào thúc ép bạn trẻ tìm đọc các tác phẩm văn học, trong khi những động cơ khác thì thúc ép họ rất kinh...

      Vì vậy sách phải hay, phải chân thực, hấp dẫn. Ví dụ báo Tuổi Trẻ đăng nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi đã tạo tiếng vang, rất xúc động, rất có ích về mặt tình cảm, tư tưởng. Tôi nghĩ rất nhiều bạn trẻ đọc Mãi mãi tuổi hai mươi và rút ra được những điều bổ ích cho riêng mình. Nhưng rất tiếc những món ăn bổ dưỡng như vậy hiện còn ít lắm.

      * Xin được hỏi thật, là người dạy văn và nghiên cứu văn học… nhưng các thành viên trong gia đình ông có yêu thích văn chương?

      - Tôi có ba con, lớn hết cả rồi. Tủ sách của tôi đến vài ba nghìn cuốn. Tôi cũng đã gần 50 năm giảng dạy và nghiên cứu văn học nên sách quí không hiếm. Các con tôi tuy không đi theo con đường giảng dạy và nghiên cứu văn học như cha của chúng nhưng chúng đọc rất nhiều.

      QUỐC THANH thực hiện

      http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=88290&ChannelID=13
      #93
        HongYen 14.07.2005 03:35:56 (permalink)
        Để không còn văn chương “dựng tóc gáy”

        Kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2005 vừa kết thúc, tôi mạo muội đề xuất vài ý kiến với hi vọng góp phần nhỏ kềm bớt độ sáng tác văn chương “dựng tóc gáy” của các “sĩ tử tiềm năng”.

        Hãy biết mình đang viết gì!

        Đây chính là vấn đề mấu chốt dẫn đến sự ra đời những “kiệt sức” văn chương khi sĩ tử không làm chủ được ngòi bút của mình. Đi buôn thì phải có vốn, song không ít sĩ tử bước vào phòng thi mà kiến thức về tác giả, tác phẩm, các giai đoạn văn học… thủng một cách khủng khiếp chứ chưa nói đến những chuyện “cao siêu” hơn như kiến thức về lý luận văn học, các chủ đề lớn trong tác phẩm từng giai đoạn...

        Trong chấm thi văn, yếu tố “đúng” bao giờ cũng được đặt trên yếu tố “hay”. Chuẩn bị cho “một trận đánh lớn” như tốt nghiệp hay “trận đánh rất lớn” như tuyển sinh ĐH-CĐ, ngoại trừ những sĩ tử xem cuộc thi chỉ là cuộc dạo chơi, thi một lần cho biết mùi thi ĐH-CĐ, chưa đánh mà đã âm thầm giương cờ hàng thì những sĩ tử “quyết tử” trong trận đánh này nhất thiết phải có một vốn kiến thức văn học vững vàng. Đây chính là yếu tố quyết định bài thi của bạn có “đúng” và “đúng” đến mức nào, còn yếu tố “hay” thì phụ thuộc khả năng cảm thụ văn học, khả năng diễn đạt…

        Siết chặt khâu kiểm tra kiến thức

        Điều tôi muốn nhấn mạnh nhất trong ý này là việc kiểm tra kiến thức văn học của HS qua kiểm tra miệng, 15 phút, một tiết, học kỳ… Hiện tượng photocopy văn mẫu, xào nấu văn mẫu, cho ra lò những bài văn thập cẩm… rất phổ biến trong các kỳ thi từ bé đến lớn. Cần phải thấy rằng chuyện hỏng kiến thức bắt nguồn từ những bài kiểm tra trả kiến thức bằng cách chép với qui mô nhỏ ở lớp.

        Tại sao trong phạm vi một bài kiểm tra một tiết ở lớp hay kiểm tra học kỳ ở một trường, hiện tượng văn chương “dựng tóc gáy” chỉ là lẻ tẻ về số lượng và nhẹ về mức độ? Phao thi, các cuốn sách văn mẫu và thái độ nhiều khi rộng rãi, du di của giáo viên trong quá trình coi thi và chấm thi chính là một phần quan trọng của câu trả lời. Cứ đến thi là chép, biết đường chép thì sẽ có điểm. Thậm chí có những giáo viên biết chắc HS chép từ những cuốn văn mẫu nào nhưng vẫn cho qua để bình diện chung của điểm số được đẹp!

        Hậu quả để lại là thay vì kiến thức được củng cố qua các kỳ thi thì ngược lại lại thủng dần, rơi rụng dần và khi đến với các “trận đánh lớn”, bị tước mất “vũ khí mật” là phao thi thì các sĩ tử chới với và thi nhau sáng tác nên những “kiệt sức” văn chương. Phải nghiêm khắc với HS trong những “trận đánh nhỏ” thì HS mới biết luật chơi, biết nghiêm túc chuẩn bị “quân trang”, “quân dụng” cho những trận đánh lớn.

        ĐÀO TRUNG UYÊN
        (Giải nhất môn văn bảng B - kỳ thi HS giỏi quốc gia
        năm học 2002-2003)

        http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=88290&ChannelID=13
        #94
          HongYen 15.07.2005 09:20:47 (permalink)
          Giám thị viết đề sai, thí sinh phải làm bài suốt 13 giờ

          Wednesday, July 13, 2005


          HUẾ.- Ban tuyển sinh kỳ thi đại học các môn năng khiếu ở hội đồng thi Ðại Học Nghệ Thuật Huế (thuộc Ðại Học Huế) chiều 12 Tháng Bảy 2005 đã “nhốt” nhiều thí sinh suốt 13 giờ để làm bài thi vì giám thị phòng thi viết sai đề thi, theo bản tin báo điện tử VNExpress.

          Nói với báo chí, Tiến Sĩ Hoàng Hữu Hòa, Phó Trưởng Ban Ðào Tạo, Thường Trực Hội Ðồng Tuyển Sinh Ðại Học Huế cho biết, ở phòng thi 25 của hội đồng thi Ðại Học Nghệ Thuật Huế, môn thi vẽ trang trí, ngành sư phạm hội họa (803), thuộc Ðại Học Nghệ Thuật Huế, “do sơ suất” cán bộ coi thi đã chép đề lên bảng sai so với đề.

          Ðề thi như sau: “Anh (chị) hãy sử dụng họa tiết hoa lá hoặc động vật (cũng có thể kết hợp cả 2 loại họa tiết vừa nêu) để vẽ trang trí 1 tấm lót bình hoa hình vành khăn có kích thước bán kính lớn R=18 cm, bán kính nhỏ r=6 cm”. Nhưng 2 cán bộ coi thi lại chép là r=16 cm. Thời gian quy định làm bài thi của thí sinh là 480 phút (8 tiếng), bắt đầu từ 7 giờ sáng, sau đó nghỉ ăn trưa tại chỗ 30 phút và tiếp tục hoàn thành bài đến 15 giờ 30.

          Theo bản tin trên, đến giờ giải lao, 2 cán bộ coi thi mới thấy lỗi sai sót và cấp báo cho Ban Tuyển Sinh Năng Khiếu Ðại Học Nghệ Thuật Huế để có hướng xử lý. Ban tuyển sinh đã điều chỉnh nội dung và tăng thêm giờ làm bài cho thí sinh phòng thi 25 thêm 300 phút (5 tiếng). Thay vì phải nộp bài vào lúc 15 giờ 30 thì khoảng 25 thí sinh ở phòng thi 25 đến 20 giờ 30 mới nộp.

          Bản tin trên nói Ban Tuyển Sinh Năng Khiếu Ðại Học Nghệ Thuật Huế đã đình chỉ coi thi đối với 2 cán bộ ở phòng thi 25 (cả 2 cán bộ là giáo viên Ðại Học Nghệ Thuật Huế). Tiến Sĩ Hoàng Hữu Hòa cho hay, với việc để xảy ra sai sót trên, theo quy chế tuyển sinh 2005, 2 cán bộ này còn phải nhận mức kỷ luật của Hội Ðồng Tuyển Sinh Ðại Học Huế.

          Ðây không phải là lần đầu tiên xảy ra lầm lỗi ở hội đồng thi các môn năng khiếu Ðại Học Nghệ Thuật Huế. Năm 2004, nhiều thí sinh phải tăng thêm thời gian làm bài khi cán bộ coi thi để người mẫu vẽ đứng sai tư thế so với đề.

          http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=28821&z=2
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 15.07.2005 09:21:57 bởi HongYen >
          #95
            HongYen 15.07.2005 15:41:18 (permalink)
            Thứ Năm, 14/07/2005, 09:27

            Nữ học sinh đầu tiên đoạt HCV Olympic Vật lý quốc tế



            Nguyễn Thị Phương Dung là nữ sinh duy nhất trên thế giới đoạt Huy chương Vàng Vật lý năm 2005. Trong số 400 thí sinh của 74 đoàn tham gia kỳ thi này, chỉ có 2 nữ em đoạt huy chương. Một nữ sinh khác của Hà Lan đạt Huy chương Đồng.


            Káp Thành Long

            http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=15629&ChannelID=71

            >>>>>>>>>>>>

            Xin Mời:
            http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=65697&mpage=1&key=𐂣
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 14.08.2005 06:43:39 bởi HongYen >
            #96
              HongYen 15.07.2005 15:45:42 (permalink)
              Nguyễn Thị Phương Dung tâm sự

              Dung tâm sự : “ Trước khi đi thi em cũng có chút ít lo lắng về phần thi thực nghiệm. Tuy nhiên, có thể xuất phát từ những lo lắng đó nên em đã có những cố gắng hơn những kì thi trước. Đề thi thực nghiệm năm nay không qúa phức tạp nhưng đòi hỏi chúng em phải có những kĩ năng cơ bản, chính xác ngay từ những bước làm đầu tiên. Tất cả thành viên trong đoàn đều rất cố gắng sử dụng những kiến thức cơ bản mà các thầy cung cấp .”

              Phương Dung may mắn hơn những bạn khác, được sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học và học giỏi. Bố mẹ, ông và bác của em đều là những nhà giáo ưu tú. Tuy gia đình kinh tế không khá giả gì nhưng vẫn tạo điều kiện tốt nhất cho con cháu học tập.

              Cô giáo Nguyễn Thị Yến- mẹ của Phương Dung, dạy Toán ở trường PTTH Trần Phú ( Vĩnh Phúc) cho biết: Lúc Dung còn nhỏ, mỗi ngày đều được mẹ giao cho giải 5 bài toán từ dễ đến khó. Ngày nào cũng vậy, Dung chăm chỉ luyện tập. Nhiều hôm gặp bài toán khó Dung không chịu thua, tìm mọi cách đào sâu suy nghĩ quên cả đi chơi.

              Chính những giờ phút suy nghĩ sâu sắc về những bài toán khó đã tạo cho Dung thói quen tư duy ngay từ bậc học tiểu học. Khi được hỏi vì sao lại chọn học chuyên Lý- môn học tự nhiên không thích hợp lắm với con gái, Dung đã trả lời rất tự tin rằng: “ Vật lý là môn khoa học thú vị, càng đi sâu tìm hiểu mới thấy hết cái hay, cái sâu sắc của môn học. Mỗi môn học đều có phương pháp học tập riêng nên không thể áp dụng phương pháp học chung cho tất cả các môn. Kĩ năng làm bài rất quan trọng, nhất là trong những kì thi quốc tế.”

              (theo TTXVN)

              http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=15629&ChannelID=71
              #97
                HongYen 15.07.2005 15:48:50 (permalink)

                Trích đoạn: HongYen


                Nguyễn Thị Phương Dung, đeo băng đỏ và Thứ trưởng Bành Tiến Long (áo trắng, thứ hai từ trái sang) và ông Nguyễn Ngọc Phi (áo đen).


                [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/1124/1502D16B518A482F87FC03DBB359C6E3.jpg[/image]


                #98
                  HongYen 15.07.2005 15:54:59 (permalink)

                  Nguyễn Thị Phương Dung




                  [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/1124/A84F06868AB74E5B9492B079ACA19DF1.jpg[/image]
                  Attached Image(s)
                  #99
                    HongYen 17.07.2005 22:04:52 (permalink)
                    Giảng dạy khoa học trong các trường tiểu học tại Hoa Kỳ

                    13-July-2005

                    Tiểu bang California của Hoa Kỳ đã phát động một chương trình mới nhằm tăng thêm số giáo viên khoa học và toán học của các trường công lập trong tiểu bang. Chương trình này bao gồm việc tài trợ cho các sinh viên đại học có nguyện vọng đi vào một trong hai ngành học vừa kể. Mục đích của tiểu bang là tăng gấp 4 lần con số giáo viên toán học và khoa học được cấp chứng chỉ hành nghề mỗi năm từ 250 lên 1 ngàn người trong vòng 4 năm tới. Dư luận Hoa Kỳø hiện đang quan tâm về việc làm thế nào để thu hút thêm nhiều giáo viên khoa học giỏi hơn và cải thiện giáo trình của môn học này, đặc biệt là ở cấp tiểu học. Trong câu chuyện “Khoa học và Đời Sống” hôm nay, Nguyễn Lê sẽ mang đến quý thính giả một số chi tiết liên quan đến vấn đề này, dựa trên tường trình của TTV đài VOA Andrew J. Baroch.

                    Tại Hoa Kỳ, hiện nay có gần 2 triệu giáo viên các trường tiểu học cấp một đưa 1 bài giảng về khoa học vào giáo trình hàng ngày của mình. Nhưng theo Hiệp hội Các Giáo viên Khoa học Quốc gia, tổ chức giáo viên khoa học lớn nhất nước Mỹ, thì người ta chưa dành đủ thời gian cho việc giảng dạy môn khoa học ở cấp tiểu học--tức là từ lớp mẫu giáo cho đến lớp sáu ở Hoa Kỳ. Ông Gerry Wheeler, giám đốc chấp hành của hiệp hội này, nói:

                    “Giáo viên tiểu học là một nhân vật độc đáo, theo cái nghĩa là bà hay ông ta, thường là bà, phải dạy nhiều môn khác nhau. Một trong những vấn đề chúng ta vấp phải ở nước Mỹ là vấn đề thời gian và sử dụng thời gian sao cho thích hợp. Người ta muốn nhồi nhét quá nhiều kiến thức vào óc của một học sinh tiểu học.”

                    Ông Wheeler cũng thừa nhận rằng có nhiều giáo viên tiểu học không cảm thấy thoải mái với việc giảng dạy khoa học. Ông Wheeler nói tiếp:

                    “Việc giảng dạy khoa học không nằm trong chương trình đào tạo của họ. Họ không được học bao nhiêu lớp về khoa học. Một số giáo viên tiểu học chỉ được theo học một khóa vỡ lòng về khoa học ở cấp đại học và rất ít khóa về khoa học khi còn ở cấp trung học. Do đó mà thường thường các giáo viên tiểu học không thích, hay nói đúng hơn là rất miễn cưỡng, khi dạy khoa học, hoặc nói chung là họ thiếu tự tin về khả năng tiếp thu và giảng dạy khoa học của mình.

                    Nhưng đó không phải là trường hợp phổ biến ở tất cả mọi nơi. Tình hình giảng dạy môn khoa học được Ông Wheeler mô tả là không đồng nhất, ý ông muốn nói rằng ở một vài nơi, việc giảng dạy này được thực hiện tốt, ở một vài nơi khác thì lại không tốt. Thường thường việc này tùy thuộc vào đồng lương mà chính quyền các địa phương hay các tiểu bang trả cho các giáo viên, và cũng tùy thuộc vào ngân sách mà các trường nhận được hàng năm cho việc mua sắm và bảo trì các thiết bị và vật liệu cần thiết cho việc giảng dạy khoa học, ví dụ nhu máy vi tính và kính hiển vi.

                    tiếp....
                    <bài viết được chỉnh sửa lúc 17.07.2005 22:06:15 bởi HongYen >
                    HongYen 17.07.2005 22:10:27 (permalink)
                    tiếp...

                    Một trường được tài trợ đầy đủ cho việc giảng dạy khoa học là Trường Tiểu học Barrett trong Quận hạt Arlington, tiểu bang Virginia. Em Baljii, một học sinh 10 tuổi đang học lớp 4 của trường này mô tả môn khoa học trong lớp của em như sau:

                    “Rất hào hứng và vui.”

                    Trường Tiểu học Barrett nổi tiếng khắp nước Mỹ về chương trình giảng dạy khoa học đặc biệt của trường, nhờ có các giáo viên như bà Susan Golden. Sau đây là lời bà Golden:

                    “Hiện tượng trú đông và di trú trong loài vật là một đề tài trong giáo trình của tôi.”

                    Bà Golden, một giáo viên mẫu giáo, giảng cho các em học sinh biết quá trình biến đổi của các con nòng nọc trở thành ếch nhái và các quả trứng nở ra gà con như thế nào. Bà nói:

                    “Chúng tôi thật sự bắt 1 con ếch núi của chúng ta, đặt nó vào ngăn đông lạnh, và làm cho nó đông lạnh để chứng minh cho các em học sinh thấy rằng việc này không gây tổn thương cho con ếch một chút nào cả. Trong tự nhiên, khi đi vào tình trạng trú đông, giống ếch này vẫn núp dưới các lá cây, nhưng thật ra là nó đang bị đông lạnh. Và một khi nó được ‘làm tan đá’ thì nó lại sống lại một cách bình thường.”

                    Mới đây, 15 học sinh lớp 4 tại Trường Tiểu học Barrett đã bỏ các hạt giống vào những cái túi plastic và treo chúng trên cửa sổ của lớp học. Mỗi buổi sáng, các em mở các túi này ra xem có gì thay đổi hay không. Ông Spencer Reisinger, một giáo viên lớp 4, hỏi em Davis:

                    “Em dùng loại hạt giống gì vậy, Davis?”

                    Em Davis đáp:

                    “ Thưa thầy, chúng em dùng hạt giống ngô, hạt giống đậu đốm, hạt giống cải, và hạt giống cây quì. Có bấy nhiêu đó thôi. Hạt giống đậu đốm của em đã nẩy mầm nhưng chưa thấy mọc rễ. Hạt ngô của em đã mọc rễ dài một nửa centimét. Hạt giống cây quì lúc đầu mọc rễ dài 3 centimet, bây giờ là 5 centimét. Chúng em có hai hạt giống cải và phải đo rễ của cả hai hạt.

                    Giáo viên Spencer Reisinger nói rằng ban giảng huấn của trường rất năng động, và giáo trình của trường làm cho việc giảng dạy biến thành một công tác rất thích thú, bởi vì chính quyền địa phương và tiểu bang rất rộng rãi trong việc tài trợ cho trường--một điều mà không phải tiểu bang nào cũng làm được. Ông Resinger giải thích:

                    “Nếu quý vị nhìn về phía cuối lớp học của tôi, quý vị sẽ thấy là chúng tôi có những ống đựng vật liệu được thiết kế để đi đôi với giáo trình khoa học, có thể đó là việc gieo trồng các loại hạt giống khác nhau để xem khi nào thì chúng mọc mầm, hoặc là việc ráp các mạch điện song song, hay các mạch điện nối tiếp. Tôi không thể nói là tất cả các giáo viên khoa học trên khắp nước Mỹ đều có những phương tiện như thế. Nhưng các giáo viên trong quận hạt Arlington và trong tiểu bang Virginia thì có. Chắc quý vị ai cũng hy vọng là mọi giáo viên khoa học đều được yểm trợ đầy đủ như chúng tôi trong nỗ lực tổ chức những hoạt động sáng tạo và hấp dẫn cho học sinh của chúng tôi.”

                    Tuy nhiên, các giáo viên khoa học tại Trường tiểu học Barrett cũng vấp phải một số khó khăn. Ông Resinger cho biết nhiều học sinh -- khoảng 80 phần trăm-- là con em những gia đình có thu nhập thấp hoặc gia đình di dân, phần lớn là người châu Mỹ la tinh và châu Á. Sau đây vẫn là lời của ông Reisinger:

                    “Ví dụ như trước khi tôi có thể bắt đầu giảng dạy về điện, tôi phải chắc chắn là tất cả các học sinh đều quen thuộc với điện. Dĩ nhiên là tất cả các em đều xem TV. Chúng tôi kể tên tất cả mọi thứ chạy bằng điện mà chúng tôi biết. Danh sách những thứ mà chúng tôi kể ra được thật hết sức dài. Và chúng tôi cũng suy nghĩ về chuyện đời sống của chúng ta sẽ như thế nào nếu không có điện. Tuy nhiên, từ những khởi điểm như vậy, tôi phải đề cập đến những điều cụ thể hơn và bắt đầu dùng một vài phương cách độc đáo để đi đến những từ như “electron,” vân vân. Tôi biết có trường hợp một học sinh vẫn luôn luôn dùng từ electronics, điện tử học, để chỉ electron. Em nói, “Ồ, thưa thầy, các điện tử học đang xê dịch.” Như quý vị thấy đó, ít ra em học sinh này cũng nắm được cốt lõi của vấn đề.”

                    Vào thời điểm này trong năm học, học sinh của nhiều lớp tại Trường Tiểu học Barrett đang ôn lại bài vở trước khi tham gia các cuộc thi cuối niên khóa. Đây là những cuộc thi có tính cách bắt buộc tại nhiều địa phương của nước Mỹ. Trong vòng 2 năm nữa, các cuộc thi này sẽ trở thành bắt buộc trên toàn quốc. Trường nào có học sinh đạt điểm thi thấp sẽ được tài trợ nhiều hơn để tuyển dụng thêm giáo viên và cải thiện việc đào tạo giáo viên. Các trường này cũng sẽ được cung cấp thêm các phương tiện khác để càng ngày càng có thêm nhiều trường tiểu học đạt thành quả tốt trong việc giảng dạy khoa học, giống như Trường Tiểu học Barrett .

                    http://www.voanews.com/vietnamese/2005-07-13-voa5.cfm
                    HongYen 17.07.2005 22:32:01 (permalink)
                    Chủ nhật, 17/7/2005, 07:30 GMT+7

                    10 tuổi đã được công nhận là kỹ sư của Microsoft


                    Kỹ sư 10 tuổi Arfa Karim Randhawa của Microsoft.


                    Cô bé Arfa Karim Randhawa đến từ Faisalabad (Pakistan), mới 10 tuổi đã trở thành kỹ sư lập trình đẳng cấp của hãng phần mềm hàng đầu thế giới sau khi vượt qua các kỳ thi tuyển của hãng hồi năm ngoái.

                    Cô bé vừa mới gặp Bill Gates để đi tham quan một vòng quanh cơ sở tại Redmond, bang Washington (Mỹ) của Microsoft.

                    Thuỳ Hương (theo VNUNet)

                    http://www.vnexpress.net/Vietnam/Vi-tinh/2005/07/3B9E02ED/

                    >>>>>>>>>>>>>>

                    Xin Mời:

                    http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=65697&mpage=1&key=𐂤
                    <bài viết được chỉnh sửa lúc 14.08.2005 06:48:05 bởi HongYen >
                    HongYen 19.07.2005 03:48:21 (permalink)
                    Thứ ba, 12/7/2005, 15:00 GMT+7

                    Giấc mơ đổi đời của những em bé nghèo Ấn Độ


                    Lò luyện thi của Anand Kumar.


                    Anupam Kumar, 17 tuổi, là con trai cả của một người lái xe ba bánh. Cậu sống trong ngôi nhà gạch mái tôn, lấy nước từ cái vòi nhỏ giọt và chịu cảnh mất điện thường xuyên. Ngôi nhà nằm bên một con đường đất tại Bihar, vùng quê nghèo khó nhất Ấn Độ.

                    Anupam học rất giỏi toán. Cậu tự học mọi thứ và muốn tìm hiểu liệu có sự sống ngoài trái đất hay không. Anupam nói muốn làm việc cho NASA.

                    "Việc khám phá các hành tinh khác ngày càng trở nên quan trọng vì trái đất này đang quá ô nhiễm", Anupam nói đầy vẻ nghiêm trọng.

                    Ngay gần nhà cậu, một gia đình lợn đang dũi đống rác trên mảnh đất trống. Mẹ cậu bé, bà Sudha Devi, người phụ nữ mới chỉ học hết lớp 6, ngồi quạt cho con bằng chiếc quạt bằng lá dừa.

                    Ông bố Srikrishna Jaiswal đã học qua lớp 10, mỉm cười nhìn cậu con trai. "Mục tiêu của nó thì cao lắm", ông nói.

                    "Em chẳng quan tâm đến việc phải đạt được đỉnh cao", Anupam cho biết. "Đối với em, làm điều gì đó tốt cho thế giới thì quan trọng hơn".

                    Giấc mộng lớn nhất của Anupam là đỗ vào Viện công nghệ Ấn Độ (IIT), trường đại học danh giá được thành lập ngay sau khi nước này giành độc lập năm 1947 và là nơi tạo ra những tài năng công nghệ và người khổng lồ của các tập đoàn.

                    Song để vào được ngôi trường này không hề dễ dàng. Trong số hơn 198.000 người tham dự kỳ thi đầu vào năm 2005, chỉ 3.890 người trúng tuyển.

                    Anupam không quen ai từng học IIT, cả bố mẹ cậu cũng vậy. Nhưng họ đều hiểu rằng nếu cậu đạt được điều đó thì cuộc sống của cả gia đình sẽ thay đổi. "Tôi cảm thấy rất áp lực, từ bên trong", cậu nói.

                    Anupam cho biết lúc nào trong đầu cậu cũng vang lên tiếng thúc giục cậu cứu cả gia đình khỏi nghèo đói và cậu phải làm việc đó thật nhanh. Và mẹ cậu bắt cậu gội đầu bằng cây lá móng, cách nhuộm tóc truyền thống của Ấn Độ. Ở tuổi 17, tóc của Anupam đang bạc đi.

                    Câu chuyện của Anupam thể hiện khát vọng của các chàng trai cô gái Ấn Độ, những người có nhiều cơ hội hơn thời cha mẹ họ nhưng phải chịu một cuộc sống cạnh tranh và căng thẳng hơn.

                    Hơn một nửa trong số gần một tỷ dân Ấn Độ là dưới tuổi 25 và cuộc cạnh tranh giữa họ rất khốc liệt, những người trung bình hoặc trên trung bình một chút sẽ bị bỏ lại phía sau. Và không ở đâu điều này đúng hơn ở Bihar, một bang tụt hậu ở Ấn Độ và động lực thoát ra khỏi đây lớn hơn bất kỳ nơi nào.

                    "Đối với những học sinh trung bình, họ không có cơ hội", Anand Kumar, 33 tuổi, người điều hành lớp luyện thi đầu vào của IIT, cho biết. "Thế hệ trẻ cảm thấy áp lực hơn thời chúng tôi. Giờ đây, cạnh tranh khốc liệt hơn nhiều".

                    Vào lúc 7h sáng khi mặt trời đã bắt đầu thiêu đốt, Kumar người ướt đầm mồ hôi, luyện cho một đám gần 600 học sinh, hầu hết là nam. "Giải phương trình sau đây", ông nói vào chiếc microphone lạo xạo và viết một phương trình lên bảng.

                    Tất cả số học sinh ngồi chen chúc trong phòng học mái tôn này đều đang chuẩn bị thi vào IIT mùa xuân tới. Họ mải miết ngoáy vào vở.

                    Mỗi tuần, Kumar luyện thi cho hơn 2.000 học sinh và mỗi em trả gần 100 USD cho cả năm học. 30 học sinh khác, những người có khả năng và nghèo túng nhất, được học miễn phí trong một khóa kéo dài 7 tháng. Kumar nhận được những lời dọa giết mà anh nghi ngờ là từ các đối thủ, những người cạnh tranh với anh vì mức học phí thấp mà anh đưa ra. Thậm chí một ngày gần đây, hai cảnh sát và hai bảo vệ đã đứng gác ở lối vào lớp học.

                    Mức độ cạnh tranh khốc liệt được thể hiện theo nhiều kiểu. Kumar nhớ lại một người hàng xóm của anh, do sức ép gia đình quá khủng khiếp và đã thi trượt vào IIT. Cậu bé 18 tuổi đó đã tự tử. Một học sinh cũ của anh, con trai của một nông dân nghèo, đã mắc bệnh trầm cảm sau khi thi trượt hồi năm ngoái.

                    Ở nhà, tiếng vô tuyến có thể ầm ĩ, nhạc mở to và điện có thể tắt, nhưng Anupam vẫn học, cha cậu bé cho biết. Trong các bữa tiệc của gia đình, Anupam ngồi im lặng trong góc phòng, cắm cúi đọc sách. Họ hàng khuyến cáo với Sudha Devi: "Thằng bé đến điên mất", họ nói với bà.

                    Việc học hành của Anupam bữa đực bữa cái, cũng như nhiều học sinh khác tại nước này, nơi hệ thống giáo dục thường không đồng đều. Cậu đã đăng ký vào một trường tư thục ở gần nhà và sau đó vào trường công lập khi lên lớp 9. Nhưng hầu hết các buổi học, giống như nhiều học sinh khác, cậu trốn tiết và tự học ở nhà. Thi thoảng, một gia sư toán do ấn tượng bởi sự nhanh nhẹn của Anupam đã giảng bài miễn phí cho cậu.

                    Anupam cho biết cậu bắt đầu say mê những bí ẩn của không gian khi lên lớp 9 sau khi xem loạt phim "Captain Vyom", trong đó một nhà phi hành vũ trụ bay khắp không gian để truy lùng những kẻ xấu.

                    Anupam nhớ lại chuyện cậu nói với mẹ về niềm say mê sự sống ngoài không gian và lời động viên rất đơn giản của bà: "Người ta chưa khám phá ra đâu, nhưng con có thể làm được điều đó", mẹ cậu nói.

                    "Nó nói có cái gì đó gọi là nghiên cứu và nó muốn trở thành nhà nghiên cứu", mẹ cậu bé cho hay.

                    Mùa xuân năm 2004, Anupam tự học và thi trượt vào IIT; chưa có trường hợp nào tự học mà đỗ được vào trường này. Sau đó, dưới sự giúp đỡ của Kumar, Anupam chuyên tâm vào học như một thầy tu.

                    Ngày 22/5, cậu lại thi tiếp, làm bài thi 6 tiếng gồm toán, vật lý và hóa học. Ngày 16/6, Anupam biết kết quả. Cậu đỗ vào IIT, đứng thứ 2.299.

                    Sau khi tốt nghiệp và bắt đầu làm việc, Anupam nói về kế hoạch của mình, việc đầu tiên của cậu là sửa lại nhà. Cậu muốn thay mái nhà, sau đó khoan một chiếc giếng để có thể lấy nước cho gần. Và ngay khi có thể, cậu muốn bố bỏ nghề lái xe ba bánh.

                    Ngọc Sơn (theo NYT)

                    http://www.vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/Cuoc-song-do-day/2005/07/3B9DF7F5/
                    HongYen 26.07.2005 15:11:13 (permalink)
                    Thứ hai, 25/7/2005, 09:04 GMT+7

                    Việt Nam giành 3 huy chương vàng Olympic Hoá


                    Đội Olympic Hoá học Việt Nam. Ảnh: TTXVN


                    Theo tin từ Bộ GD&ĐT, đoàn Việt Nam đã giành được 3 huy chương vàng và 1 huy chương bạc tại Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 37 tại Đài Loan (15-26/7). Đây là thành tích xuất sắc của Việt Nam tại các kỳ thi học sinh giỏi Hoá quốc tế.

                    Ba học sinh đoạt huy chương vàng là Nguyễn Mai Luân, lớp 12 và Nguyễn Hoàng Minh lớp 11 khối phổ thông chuyên Hoá học, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội); Ngô Xuân Hoàng, lớp 12 THPT Nguyễn Trãi (Hải Dương). Học sinh giành huy chương bạc là Nguyễn Huy Việt, lớp 12 khối phổ thông chuyên Hoá học, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội).

                    Tại Olympic Hóa học lần thứ 36, đoàn Việt Nam giành 3 bạc, 1 đồng. Trong đó, Nguyễn Mai Luân, người đoạt huy chương vàng năm nay, đã giành được huy chương bạc.

                    V.A.

                    http://www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2005/07/3B9E06E1/
                    HongYen 31.07.2005 12:37:46 (permalink)
                    Nhịp Sống Trẻ
                    Thứ Bảy, 30/07/2005, 15:38 (GMT+7)

                    Cậu bé nghèo và giấc mơ Liên Hiệp Quốc


                    Việt và người bạn Mỹ tại New York

                    TTCN - Có một câu chuyện “thần kỳ” về cậu bé đói rách khổ nghèo, một ngày nào đó bừng mở mắt và hóa thành một trong 50 sinh viên giỏi nhất thế giới, được dự cuộc gặp gỡ với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, chủ tịch UNICEF, tổng biên tập tạp chí Time…

                    Cậu bé đó chính là Huỳnh Minh Việt, sống với ước mơ giành được một chỗ ngồi tại trụ sở Liên Hiệp Quốc để “giúp được nhiều hơn cho xứ sở của mình…”.


                    Chúng tôi đề nghị Việt nói một kinh nghiệm gì đó với bạn trẻ quanh mình, chàng trai trẻ này chỉ nói một điều: “Hãy chia sẻ!”. “Ngày xưa Việt cho rằng nói ra những điều mình biết là huênh hoang, còn nói những điều mình không biết thì là dốt nát. Bây giờ Việt nghĩ khác: biết mà không nói ra thì ích kỷ, mà nếu nghĩ nó là sai mà không nói ra thì muôn đời mình chẳng biết mình sai cả!”.

                    TRẦN NGUYÊN - TIẾN HÙNG

                    http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=91293&ChannelID=7

                    >>>>>>>>>>>

                    Xin Mời:

                    http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=65697&mpage=1&key=𐂥
                    <bài viết được chỉnh sửa lúc 14.08.2005 06:56:22 bởi HongYen >
                    Thay đổi trang: << < 789 > >> | Trang 7 của 10 trang, bài viết từ 91 đến 105 trên tổng số 137 bài trong đề mục
                    Chuyển nhanh đến:

                    Thống kê hiện tại

                    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                    Kiểu:
                    2000-2025 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9