DU LỊCH HẢI DƯƠNG
lucquaipsnt 11.12.2005 04:49:55 (permalink)


1-Núi Phượng Hoàng và Đền thờ Chu Văn An

Thuộc xã Văn An , huyện Chí Linh, cách khu di tích Côn Sơn khoảng 4 Km. Đây cũng là một điểm di tích văn hoá và danh thắng mà quý khách có thể đến thăm, với cảnh rừng thông trùng điệp, có đền thờ và Lăng mộ người thầy giáo của muôn đời - Thầy giáo Chu Văn An. Núi Phượng Hoàng là một thắng cảnh, có rừng thông bát ngát, suối trong rì rào, đá núi lô xô, chùa tháp cổ kính với 72 ngọn núi ngoạn mục, một vùng núi nằm giữa một quần thể di tích và danh thăng, nơi di dưỡng tinh thần của danh nhân từ thời Lý- Trần. Tại đây có Huyền Thiên tự, Lệ Kỳ tự là những ngôi chùa cổ nổi tiếng.



Đền thờ Chu Văn An



Chu An hay thường gọi là Chu Văn An(1292- 1370) là một nhà giáo lừng danh thời Trần, quá nửa đời người làm Tư nghiệp Quốc tử giám, học trò nhiều người thành đạt. Sau khi dâng Thất trảm sớ, tâu vua giết 7 tên nịnh thần không thành công, ồng về Phượng Hoàng ẩn dật, dậy học, bốc thuốc, làm thơ để lại cho hậu thế. Sau khi qua đời, được nhà vua tặng thụy hiệu là Văn Trinh, học trò an táng tại đây và lập đền thờ gọi là đền Phượng Hoàng. Khu di tích bị tàn phá trong kháng chiến chống Pháp, từ năm 1997, từng hạng mục công trình được khôi phục bằng tiền công đức của giáo viên và học sinh cả nước. Tại đây còn nhiều dấu tích thời Trần và bia ký nói về sự nghiệp thầy Chu và quá trình tôn tạo đền thờ Chu Văn An. Cuối triều Lê Trung Hưng được xếp vào hàng Chí Linh Bát cổ.

Lễ hội vào tháng tám và tháng một, trọng hội vào ngày 25-8 và 26-11.

Khu di tích được xếp hạng năm 1998.


2- Côn Sơn sự tích và truyền thuyết

Côn Sơn là một di tích lịch sử vắn hoá và danh thắng nổi tiếng đất nước, được trùng tu xây dựng tôn tạo năm 1304.Ngay từ thời Trần chùa Côn Sơn là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm cùng chùa Yên Tử và chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh).



Mảnh đất này gắn bó với tên tuổi và sự nghiệp của nhiều danh nhân đất Việt như Trần Nguyên Đán, Huyền Quang và đặc biệt là người anh hùng dân tộc-danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi. Côn Sơn đã vinh dự được Hồ Chủ Tịch và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước về thăm . Thật hiếm có trên đất nước ta có một di tích lại chung đúc và hội tụ được các giá trị to lớn về nhiều mặt: lịch sử, văn hoá, tôn giáo và thắng cảnh như Côn Sơn.

Chùa Hun

Núi Côn sơn còn có tên gọi là núi Hun. Chùa Côn sơn được gọi theo tên núi: Chùa Côn Sơn hoặc Chùa Hun, tên chữ là Thiên tư phúc tự (Chùa được trời ban phúc).

Côn Sơn có nghĩa là núi Côn; còn tên Hun, theo truyền thuyết rằng: ngày xưa, khu vực núi Côn cây rừng rậm rạp, dân ở nhiều nơi tới lên núi chặt củi, hun lấy than, cả khu rừng thường xuyên có khói bốc như hun nên núi Côn có tên là núi Hun.

Tên Hun còn có truyền thuyết khác, được nhiều người kêt lại: Thế kỷ thứ X-Đinh Bộ Lĩnh người Hoa Lư (Ninh Bình) đã đứng lên dấy cờ dẹp loạn 12 sứ quân cát cứ. Vùng Đông Bắc có sứ quân do Phạm Phòng Át đứng đầu bị gnhĩa quân truy đuổi phải chạy trốn về rừng Côn Sơn ẩn náu. Đinh Bộ Lĩnh là Đinh Bặc đã hiến kế: "Cho quân mai phục, ngoài dùng lửa phóng hoả hun giặc". Kế sách được thực hiện. Do bị lửa khói hun lâu ngày, không thể tiếp tục ẩn náu, đám quân Phạm Phòng Át phải ra ngoài, bị nghĩa quân của Đinh Bộ Lĩnh bắt sống. Từ kế sách phóng hoả hun giặc nên từ đó Côn Sơn được gọi là núi Hun, chùa Côn Sơn có tên gọi là chùa Hun.

Giếng Ngọc

Nằm ở sườn núi Kỳ Lân, bên phải là nối lên bàn Cờ Tiên, phía dưới chân Đăng Minh Bảo Tháp, đó là Giếng Ngọc chính là mắt của con Kỳ Lân.

Chuyện kể rằng: Vào một đêm rằm tháng bẩy, Huyền Quang cùng các tăng ni phật tử làm lễ ở chùa xong thì trời đã về khuya, mọi người về phòng nghỉ. Trong mơ, Huyền Quang thấy một viên ngọc sáng lấp lánh trên sườn núi, Huyền Quang cúi xuống xem viên ngọc, thì tiếng chuông chùa vang lên làm ông tỉnh giấc. Trời đã mờ sáng các tăng ni đã lên chùa tụng kinh, niệm phật.

Ngẫm lại giấc mơ ban đêm, ông cùng các tăng ni lên núi xem xét, khi phát quang bụi sim, mua thì hiện ra một giếng nước uống thử thấy nước ngọt, mát và thấy người khoan khoái, dễ chịu.

Ông về chùa làm lễ tạ thần linh đã ban cho nguồn nước quý và xin được khơi sâu, mở rộng, dùng đá, gạch kè bờ thành giếng. Từ đó giếng có tên là Giếng Ngọc và nước ở giếng được các sư dùng làm nước cúng lễ chùa.

Am Bạch Vân và Bàn cờ tiên

Bàn Cờ Tiên trên đỉnh Côn Sơn, nơi đây xưa có một Am nhỏ hình chữ Công (I), tám mái chảy, có lan can xung quanh, Am này có tên gọi là Am Bạch Vân.

Câu chuyện người xa kể còn lưu truyền rằng: Vào một chiều thu có một số danh nhân vùng Kinh Bắc về thăm Côn Sơn, sau khi thắp hương, làm lễ, vãn cảnh, các cụ nghỉ tại chùa để ngày mai lên núi uống rượu, đánh cờ.

Sáng sớm hôm sau, núi rừng Côn Sơn mây trắng bao phủ, các danh nhân lần theo lối mòn trong mây mù lên núi, tới gần đỉnh núi, nghe có tiếng cười nói, các cụ cho rằng đêm qua có người nghỉ tại Am. Khi đến nơi mọi người đều ngạc nhiên thấy trong Am không một bóng người, chỉ thấy bàn cờ đang đánh dở, suy nghĩ hồi lâu các cụ cho rằng trên đỉnh Côn Sơn đêm qua trời đất nối liền bằng mây mù, sương phủ, các tiên ông trên trời đã cưỡi mây xuống đánh cờ, thấy có người đến, các tiên ông bay về trời. Am Bạch Vân và bàn Cờ Tiên có tên là thế.




[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/7084/DAE216D779844B97B63C379D186CFD19.jpg[/image]
Attached Image(s)
#1
    lucquaipsnt 11.12.2005 04:51:28 (permalink)
    3-Khu di tích Kiếp Bạc.

    Khu di tích Kiếp Bạc thuộc xã Lê Lợi, huyện Chí Linh, cách thành phố Hải Dương 35 Km, đi theo Quốc lộ 183, đến Thị trấn Sao Đỏ, rẽ vào 7km. Đã thành truyền thống, hàng năm cứ vào trung tuần tháng Tám (âm lịch) người xứ Đông lại hân hoan vào Hội đền Kiếp Bạc, được đón đông đảo nhân dân, du khách từ mọi miền đất nước về dâng hương tưởng niệm Người anh hùng dân tộc, Nhà quân sự thiên tài có công lớn trong cuộc chống ngoại xâm do nhà Trần phát động ở thế kỷ 13: Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
    Lễ hội đền Kiếp Bạc


    Để hiểu biết thêm về Đức Thánh Trần, về mảnh đất thiêng còn lưu giữ nhiều kỷ niệm về ông, Ban quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc giới thiệu:



    Vị trí Đền Kiếp Bạc



    Tương truyền, vị trí khu vực đền Kiếp Bạc nay, xưa là rừng già, rậm rạp và nhiều muông thú. Khi mới về Vạn Kiếp, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lập đại bản doanh trong một thung lũng lớn. Tại đây, Người có nuôi một con chó để đi săn thú lúc nhàn rỗi. Con chó rất khôn và có nghĩa với chủ. Người cũng rất yêu mến con vật đó và luôn cho theo bên mình.

    Một hôm, tự nhiên con chó bỏ đi mất. Hưng Đạo Vương nhớ tiếc con vật tinh khôn, liền sai quân lính đi tìm khắp nơi. Sau mấy ngày tìm kiếm, quân lính báo tin đã tìm thấy con chó cùng với bốn con chó mới đẻ ở khu vực bãi sậy cách đại bản doanh một lưng đèo. Người sai đem con chó về nhà. Hôm sau chó mẹ lại tha bốn con ra chỗ cũ. Cứ như vậy đến ba lần. Thấy lạ, Hưng Đạo Vương ra tận nơi xem xét. Người ngắm nghía bãi sậy và khu vực thung lũng thấy nơi này rộng thoáng, nằm cạnh con sông Thương nhìn thẳng về Lục Đầu Giang. Thế núi rộng bao quanh mặt thung, lại có Nam Tào, Bắc Đẩu yểm hai bên. Cách chỗ con chó nằm chừng nửa dặm, có một quả đồi nằm giữa lòng thung. Nhìn kỹ thế núi, sông thì thấy giống như miệng rồng đang ngậm ngọc. Với con mắt của nhà quân sự thiên tài, Hưng Đạo Vương thấy đây là một vị trí hiểm yếu có lợi cho chiến lược quân sự, tiến lùi đều thuận lợi, thế là Người không đem đàn chó về nữa mà quyết định chuyển đại bản doanh từ thung lũng trong ra thung lũng ngoài.

    (Đó chính là khu vực đền Kiếp Bạc hiện nay)



    Sinh từ



    Ở thế kỷ 13, đế quốc Nguyên-Mông là một thế lực mạnh nhất thế giới đương thời, đã xâm lược phần lớn các nước châu Âu, Á, gây tang tóc cho nhiều dân tộc. Nhiều quốc gia bị chúng đô hộ hàng thế kỷ, trong đó có Trung Hoa. Nhưng ba lần tiến quân vào Đại Việt chúng đều thất bại thảm hại, không lần nào trụ được 6 tháng. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông thắng lợi đã chặn đứng làn sóng xâm lược của kẻ thù xuống khu vực Đông-Nam Á. Nhiều dân tộc đã thoát khỏi họa xâm lăng. Người có công đầu chống giặc Nguyên Mông, giành lại nền độc lập cho đất nước là Trần Quốc Tuấn (?-1300), là con thứ của An Sinh Vương Trần Liễu (1211-1251). Trần Liễu là anh ruột của Trần Cảnh-ông vua đầu tiên của triều Trần. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất (1258), Trần Quốc Tuấn chỉ huy quân thuỷ bộ chặn giặc ở biên giới. Năm 1283, ông được phong Quốc công tiết chế, thống lĩnh toàn bộ lực lượng quân sự. Là người tổng chỉ huy, ông đã có cống hiến to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, đặc biệt là lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288).

    Sau cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông, ông sống những năm tháng thanh bạch tại Vạn Kiếp (Chí Linh). Trước khi mất, ông vẫn lo đến vận mệnh đất nước. Vua Trần Anh Tôn rất yêu quý và khâm phục tài năng, đức độ của ông, đã thường đến thăm ông và hỏi kế sách giữ nước. Ông đã nói với nhà vua: 'Có thu được quân lính một lòng như cha con thì mới dùng được... Vả lại khoan thử sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước' .

    Do có những cống hiến to lớn đối với dân tộc, Trần Hưng Đạo đã được vua Trần Anh Tông cho lập đền thờ gọi là đền SINH TỪ-SINH TỪ còn có tên là TỪ CŨ. Nhiều đợt khai quật của ngành khảo cổ tại khu vực đền Kiếp Bạc và các khu vực xung quanh đã tìm thấy nền móng của SINH TỪ. SINH TỪ được xây dựng ở thung lũng trong trên nền đất ở cũ của Trần Hưng Đạo cách đền Kiếp Bạc hiện nay khoảng 800m về phía đông. Từ SINH TỪ đến đền hiện nay là một đường mòn chạy qua một đèo nhỏ, có tên Đường Mòn Gánh Gạch. SINH TỪ hiện còn lưu giữ nhiều dấu tích về nơi ở, làm việc của Trần Hưng Đạo những ngày đầu ông về lập quân doanh tại Vạn Kiếp.



    Thanh kiếm thần của Trần Hưng Đạo



    Sau khi đánh thắng giặc Nguyên Mông đem lại thái bình cho đất nước. Hưng Đạo Vương về nghỉ tại phủ đệ của ông ở Vạn Kiếp.

    Một hôm, ông cùng gia nhân dùng thuyền nhỏ đi dạo cảnh trên dòng sông Lục Đầu. Khi con thuyền đã quay về gần núi Dược Sơn, Hưng Đạo Vương cho dừng thuyền lại, đứng trên mũi thuyền Người rút thanh kiếm của mình ra khỏi bao và nói: 'Thanh gươm này đã gắn bó với ta gần cả cuộc đời. Trong suốt cuộc chinh chiến nó đã dính bao máu giặc Thát, nó đã từng được bôi phân gà sáp với vôi tôi và bồ hóng để chém đầu tên giặc Phạm Nhan nhơ bẩn. nay ta muốn nhờ dòng nước sông Lục đầu để gột rửa sạch những vết nhơ trên nó'. Nói rồi, ông ném thanh gươm xuống dòng sông.

    Tương truyền, tại khúc sông Trần Hưng Đạo thả kiếm, sau này đã hình thành một bãi bồi chạy dài rất giống hình lưỡi kiếm, dân gian gọi bãi bồi đó là Thanh kiếm thần của Trần Hưng Đạo.

    Bãi bồi ngày nay vẫn còn trên dòng sông Lục Đầu trước cửa đền Kiếp Bạc.



    Giếng mắt rồng



    Tương truyền, lúc sinh thời, Hưng Đạo Vương có nuôi một con chó rất tinh khôn. Khi con chó bỏ nhà đem con từ thung trong (nơi ở cũ của Trần Hưng Đạo) ra thung ngoài. Người linh cảm có điều gì khác lạ, nên truyền cho gia tướng thuỷ chiến Yết Kiêu cùng mình đến chỗ con chó ở để xem xét.

    Ra thăm thung ngoài, Hưng Đạo Vương thấy chỗ chó mẹ và đàn con nằm ở giữa một thung lũng rộng lớn, um tùm lau sậy, lại có một khu đất rộng bằng phẳng, địa hình rất thuận lợi cho việc xây dựng quân doanh, huấn luyện quân sĩ.

    Còn Yết Kiêu thì thấy cách chỗ đàn chó nằm không xa lấp lánh một vệt sáng. Đến nơi ông phát hiện ra một vũng nước tròn sâu, trong vắt. Múc nước uống, ông thấy ngọt, mát. Ông mời Hưng Đạo Vương tới và múc nước mời Người uống thử, Hưng Đạo uống xong thấy khoan khoái lạ thường. Ông biết đây là nguồn nước được chảy từ các mạch ngầm của dãy núi Rồng. Người chắp tay vái tạ thiên địa, thần linh đã ban cho nguồn nước quý.

    Về tư dinh, Trần Hưng Đạo quyết định chuyển chỗ ở từ thung trong ra thung ngoài và giao cho gia tướng Yết Kiêu khơi sâu, mở rộng vũng nước, dùng gạch, đá kè thành giếng giữ nguồn nước quý phục vụ cho binh sĩ.

    Từ khi Yết Kiêu tìm ra được giếng nước, quân sĩ kéo về thăm rất đông và ai cũng xin được uống nước giếng, để được tăng thêm tài trí và sức mạnh.

    Giếng nước nằm ở giữa thung lũng, do mạch ngầm của núi Rồng chảy ra nên được gọi là GIẾNG MẮT RỒNG.

    Giếng Mắt Rồng đã bị vùi lấp qua nhiều thập kỷ. Những năm gần đây, căn cứ vào lời kể của các cụ thôn Dược Sơn, Ban Quản lý di tích đã cho khơi lại Giếng Mắt Rồng.

    Giếng Mắt Rồng nằm ở sân trước đền Kiếp Bạc, quanh năm đầy ắp nước trong vắt, ngọt ngào, là nguồn nước sạch chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho khu vực di tích đền Kiếp Bạc.



    Dược Sơn



    Dược lĩnh hoa thơm cỏ lạ nhường

    Biết chăng, chăng biết thuốc thần tiên

    Câu ca xưa để lại nói về vườn dược liệu quý được Hưng Đạo Vương cho trồng khi Người về lập quân doanh ở Vạn Kiếp.

    Tương truyền vào một buổi chiểu mùa xuân sau khi thăm đội thuỷ chiến luyện quân, trên đường về tư dinh, Hưng Đạo Vương gặp một ông già râu, tóc bạc phơ, quần vải áo thô, vai đeo túi cói đang nhanh nhẹn đi về phía núi Nam Tào.

    Nhìn tướng mạo, đi, đứng, có những điểm khác với người thường, Trần Hưng Đạo cho gia nhân mời ông già đến và nói: Ta là Quốc công tiết chế xin hỏi: Người từ đâu đến, lên núi có việc gì? Ông già chắp tay vái tạ, tự xưng là lương y trong vùng vào rừng hái thuốc về chữa bệnh. Hưng Đạo Vương rất mừng. Người đang cần một vườn thuốc tại chỗ để chữa trị thương cho quân sĩ. Người hỏi ông già về cây thuốc trong núi và địa điểm, chất đất trồng cây dược liệu. Ông già thưa: Dược liệu ở núi Rồng có rất nhiều, đất ở núi Nam Tào rất hợp với cây thuốc và lấy ở trong bị cói một cây thuốc dâng lên: Xin biếu Quốc công cây thuốc quý. Nói xong ông già vái tạ xin vào rừng hái thuốc.

    Về quân doanh, Hưng Đạo Vương giao cho tướng quân Phạm Ngũ Lão chỉ đạo việc trồng cây thuốc ở núi Nam Tào và sức cho danh y trong nước tuyển chọn cây thuốc về trồng trên núi.

    Tương truyền, vườn thuốc trồng được chăm bón chu đáo tốt nhanh. Cây dược liệu ông già biếu Trần Hưng Đạo, từ thân, vỏ đến lá, rễ đều chữa bệnh, trị thương rất tốt.

    Trần Hưng Đạo gọi đó là Thần Dược.

    Vườn dược liệu để lại cho đời sau nhiều thuốc quý. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp vườn thuốc bị tàn phá, hiện còn lại những cây nhỏ nhưng đều là những vị thuốc Nam quý. Vườn thuốc được xếp vào Chí Linh bát cổ (Dược lĩnh cổ viên)./.



    [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/7084/E84199D9C14C451FA8500B25062FC00C.jpg[/image]
    Attached Image(s)
    #2
      lucquaipsnt 11.12.2005 04:52:06 (permalink)
      Cụm di tích An Phụ và Tượng đài Trần Hưng Đạo

      Cụm di tích An Phụ hiện nay thuộc xã An Sinh, huyện Kinh Môn. Đỉnh núi chia làm hai ngọn nhỏ: Ngọn phía nam có đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu, tục gọi là Đền Cao, còn văn bia gọi là An Phụ Sơn từ. Trần Liễu sinh năm kiến Gia thứ nhất (1211) là anh ruột của Trần Cảnh, tức Trần Thái Tông (1218-1277) ông vua đầu tiên triều Trần (1225-14000), nguyên quán tại hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, nay thuộc tỉnh Nam Định.



      Sau những trận mưa đầu mùa hạ, trời trong sáng lạ thường. Vào những ngày ấy, từ miền đồng bằng châu thổ xanh ngắt lúa ngô, nhìn về phía đông bắc, dãy An Phụ như gần lại, cao lên, kéo dài từ tây sang đông như một bức tường thành kỳ vĩ, ngăn cách miền núi và đồng bằng. Trên dãy núi xanh tươi hùng vĩ ấy nổi lên một đỉnh cao như chiếc nón chóp khổng lồ, xanh đậm một rừng cây, mờ ảo vài công trình kiến trúc. Đó là đỉnh An Phụ cao tới 246 mét. Cụm di tích An Phụ hiện nay thuộc xã An Sinh, huyện Kinh Môn.

      Đỉnh núi chia làm hai ngọn nhỏ: Ngọn phía nam có đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu, tục gọi là Đền Cao, còn văn bia gọi là An Phụ Sơn từ. Trần Liễu sinh năm kiến Gia thứ nhất (1211) là anh ruột của Trần Cảnh, tức Trần Thái Tông (1218-1277) ông vua đầu tiên triều Trần (1225-1400), nguyên quán tại hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, nay thuộc tỉnh Nam Định.

      Thái tử Sam nhà Lý lấy Trần Thị Dung hay còn gọi là cô Ngừ-một người con gái có nhan sắc và mưu lược, người có nhiều công lao sáng lập nhà Trần. Tháng 10 năm 1210, vua Lý Cao Tông qua đời, Hoàng tử Sam lên ngôi, tức Lý Huệ Tông. Năm sau Trần Thị Dung được phong làm nguyên phi. Sau một thời gian bị nguyên hoàng hậu làm nhục, tháng 1 năm 1217 bà lại được phong làm hoàng hậu. Kể từ đó, họ Trần có thế lực mạnh nhất trong triều đình nhà Lý buổi mạt kỳ. Hoàng thái hậu Trần thị Dung chỉ có hai con gái là: Công chúa Thuận Thiên, sinh năm 1216, lấy Trần Liễu; con gái thứ công chúa Chiêu Thánh, sinh năm 1218 lấy Trần Cảnh. Lý Huệ Tông không có con trai. Năm 1224 do sức ép của Trần Thủ Độ và có sự thuyết phục của Phùng Tá Chu, Lý Huệ Tông buộc phải nhường ngôi cho con gái thứ là Chiêu Thánh, tức Lý Chiêu Hoàng. Năm sau, năm 1225 Trần Thủ Độ lại ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, tức Trần Thái Tông. Triều Trần bắt đầu từ đây.

      Công chúa Chiêu Thánh không có con. Bấy giờ công chúa Thuận Thiên đã có mang ba tháng (sau này sinh ra Trần Quốc Khang). Năm 1237, Trần Thủ Độ lại ép Trần Liễu phải nhường vợ cho em để duy trì hoàng tộc Nhà Trần. Trần Liễu căm giận, chiêu tập quân sĩ, lấy Phùng Tá Chu làm quân sư, tiến về kinh sư, chống Trần Thủ Độ. Nhờ Hoàng Thái Hậu Trần thị Dung và cũng là mẹ vợ của Trần Liễu dàn xếp, mọi việc ổn thoả.

      Trần Liễu là thân phụ của hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn (1228-1300); người con trung hiếu, người anh hùng của dân tộc, văn võ song toàn, lập chiến công hiểu hách trong 3 lần chống Nguyên-Mông. Trần Liễu cùng bà vợ là Thiên Đạo Quốc Mẫu là người góp phần tạo nên thiên tài Trần Quốc Tuấn. Tháng tư năm nguyên phông thứ nhất (5-1251) An Sinh Vương, Trần Liễu mất, thọ 41 tuổi. Sau khi mất ông được lập đền thờ Trên núi An Phụ, kỷ niệm ngày mất của ông (1-4 âm lịch) trở thành ngày hội của đền Cao.

      Tượng đài Trần Hưng Đạo

      Được tạng bằng đá xanh núi Nhồi Thanh Hoá; Tượng và bệ cao 12,7m; Tượng ở thế đứng, tay trái tỳ đốc kiếm biểu hiện sự cảnh giác trước hoạ xâm lăng, tay phải cầm cuốn thư thể hiện tầm nhìn chiến lược, văn võ song toàn. Bên cạnh tượng là bức phù điêu được tôn tạo bằng đất nung; Phù điêu là bức tranh truyện khổng lồ, kể về cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện chống Nguyên Mông từ khi bắt đầu đến khi kết thúc. Sân và lan can được lát và xây dựng bằng gạch phỏng chế theo mẫu thời Trần và đá phiến. Công trình khánh thành vào tháng 10 năm 1998 kỷ niệm 696 năm ngày mất của Đại vương Trần Quốc Tuấn. Đây là một công trình văn hoá lớn của đất nước ở cuối thế kỷ 20.

      [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/7084/40D333181E10469ABAB95649AA024B8A.jpg[/image]
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 11.12.2005 04:56:27 bởi lucquaipsnt >
      Attached Image(s)
      #3
        lucquaipsnt 11.12.2005 04:53:50 (permalink)
        Đảo Cò Chi Lăng Nam - sản phẩm mới của du lịch Hải Dương

        Chi Lăng Nam là một xã của huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên của một vùng ngập nước ven sông Hồng, đã từng là căn cứ du kích của nghĩa quân từ thời Triệu Quang Phục đến thời Tán Thuật; có đầm hồ mênh mông, đất ngập nước sình lầy với lau sậy hoang vu, với le le, mòng két, vịt trời, sâm cầm, cò, vạc... Nhiều nhất là các loài cò tập trung trên đảo cò Chi Lăng Nam nằm giữa hồ An Dương.



        Trong hồ còn có rất nhiều loài động vật: tôm, cá , ếch, nhái... và các loại cây thuỷ sinh khác; Đặc biệt còn có một số loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam như: con tổ đỉa, rái cá, cá ngạnh, cá vền, cá măng kìm. Cá măng kìm có con nặng tới trên 30kg... Đảo cò Chi Lăng Nam là nơi mà loài vạc và loài cò lửa làm tổ, đẻ trứng, nuôi con. Hàng năm vào tháng 9, khi gió heo may thổi về thì hàng ngàn con cò, vạc và các loài chim nước từ nhiều xứ khác dồn dập bay về sinh sống kiếm ăn, đông đúc nhộn nhịp cho đến tận tháng tư năm sau. Sáng sớm và chiều tối là lúc chúng tạo nên một bức tranh thiên nhiên cực đẹp với hàng trăm đàn cò, đàn vạc bay đi, bay về phủ kín cả khoảng không mặt hồ, tiếng kêu inh ỏi làm huyên náo cả một vùng quê yên tĩnh.



        Nhờ sự quan tâm của trung ương và của tỉnh, với sự tài trợ của Chương trình tài trợ các dự án nhỏ Quĩ môi trường toàn cầu tại Việt Nam (GEF/SGP), đảo cò Chi Lăng Nam đã được mở rộng và trồng thêm nhiều cây cối. Vì thế cò, vạc và các loài chim nước khác về ngày càng nhiều hơn, đông về số lượng cá thể, đa dạng về thành phần loài. Nếu được bảo vệ tốt Chi Lăng Nam có thể là cảnh quan nguyên sơ duy nhất còn giữ lại của vùng đất ngập nước ven sông Hồng xa xưa, trở thành điểm du lịch sinh thái đặc sắc của Hải Dương. Vừa qua, ngành du lịch Hải Dương đã đưa tour thăm đảo cò Chi Lăng Nam thành một sản phẩm du lịch mới của tỉnh

        [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/7084/4C4BA5103AC94583998A6A655633197D.jpg[/image]
        Attached Image(s)
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9