DU LỊCH HẢI DƯƠNG
lucquaipsnt 11.12.2005 04:49:55 (permalink)


1-Núi Phượng Hoàng và Đền thờ Chu Văn An

Thuộc xã Văn An , huyện Chí Linh, cách khu di tích Côn Sơn khoảng 4 Km. Đây cũng là một điểm di tích văn hoá và danh thắng mà quý khách có thể đến thăm, với cảnh rừng thông trùng điệp, có đền thờ và Lăng mộ người thầy giáo của muôn đời - Thầy giáo Chu Văn An. Núi Phượng Hoàng là một thắng cảnh, có rừng thông bát ngát, suối trong rì rào, đá núi lô xô, chùa tháp cổ kính với 72 ngọn núi ngoạn mục, một vùng núi nằm giữa một quần thể di tích và danh thăng, nơi di dưỡng tinh thần của danh nhân từ thời Lý- Trần. Tại đây có Huyền Thiên tự, Lệ Kỳ tự là những ngôi chùa cổ nổi tiếng.



Đền thờ Chu Văn An



Chu An hay thường gọi là Chu Văn An(1292- 1370) là một nhà giáo lừng danh thời Trần, quá nửa đời người làm Tư nghiệp Quốc tử giám, học trò nhiều người thành đạt. Sau khi dâng Thất trảm sớ, tâu vua giết 7 tên nịnh thần không thành công, ồng về Phượng Hoàng ẩn dật, dậy học, bốc thuốc, làm thơ để lại cho hậu thế. Sau khi qua đời, được nhà vua tặng thụy hiệu là Văn Trinh, học trò an táng tại đây và lập đền thờ gọi là đền Phượng Hoàng. Khu di tích bị tàn phá trong kháng chiến chống Pháp, từ năm 1997, từng hạng mục công trình được khôi phục bằng tiền công đức của giáo viên và học sinh cả nước. Tại đây còn nhiều dấu tích thời Trần và bia ký nói về sự nghiệp thầy Chu và quá trình tôn tạo đền thờ Chu Văn An. Cuối triều Lê Trung Hưng được xếp vào hàng Chí Linh Bát cổ.

Lễ hội vào tháng tám và tháng một, trọng hội vào ngày 25-8 và 26-11.

Khu di tích được xếp hạng năm 1998.


2- Côn Sơn sự tích và truyền thuyết

Côn Sơn là một di tích lịch sử vắn hoá và danh thắng nổi tiếng đất nước, được trùng tu xây dựng tôn tạo năm 1304.Ngay từ thời Trần chùa Côn Sơn là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm cùng chùa Yên Tử và chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh).



Mảnh đất này gắn bó với tên tuổi và sự nghiệp của nhiều danh nhân đất Việt như Trần Nguyên Đán, Huyền Quang và đặc biệt là người anh hùng dân tộc-danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi. Côn Sơn đã vinh dự được Hồ Chủ Tịch và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước về thăm . Thật hiếm có trên đất nước ta có một di tích lại chung đúc và hội tụ được các giá trị to lớn về nhiều mặt: lịch sử, văn hoá, tôn giáo và thắng cảnh như Côn Sơn.

Chùa Hun

Núi Côn sơn còn có tên gọi là núi Hun. Chùa Côn sơn được gọi theo tên núi: Chùa Côn Sơn hoặc Chùa Hun, tên chữ là Thiên tư phúc tự (Chùa được trời ban phúc).

Côn Sơn có nghĩa là núi Côn; còn tên Hun, theo truyền thuyết rằng: ngày xưa, khu vực núi Côn cây rừng rậm rạp, dân ở nhiều nơi tới lên núi chặt củi, hun lấy than, cả khu rừng thường xuyên có khói bốc như hun nên núi Côn có tên là núi Hun.

Tên Hun còn có truyền thuyết khác, được nhiều người kêt lại: Thế kỷ thứ X-Đinh Bộ Lĩnh người Hoa Lư (Ninh Bình) đã đứng lên dấy cờ dẹp loạn 12 sứ quân cát cứ. Vùng Đông Bắc có sứ quân do Phạm Phòng Át đứng đầu bị gnhĩa quân truy đuổi phải chạy trốn về rừng Côn Sơn ẩn náu. Đinh Bộ Lĩnh là Đinh Bặc đã hiến kế: "Cho quân mai phục, ngoài dùng lửa phóng hoả hun giặc". Kế sách được thực hiện. Do bị lửa khói hun lâu ngày, không thể tiếp tục ẩn náu, đám quân Phạm Phòng Át phải ra ngoài, bị nghĩa quân của Đinh Bộ Lĩnh bắt sống. Từ kế sách phóng hoả hun giặc nên từ đó Côn Sơn được gọi là núi Hun, chùa Côn Sơn có tên gọi là chùa Hun.

Giếng Ngọc

Nằm ở sườn núi Kỳ Lân, bên phải là nối lên bàn Cờ Tiên, phía dưới chân Đăng Minh Bảo Tháp, đó là Giếng Ngọc chính là mắt của con Kỳ Lân.

Chuyện kể rằng: Vào một đêm rằm tháng bẩy, Huyền Quang cùng các tăng ni phật tử làm lễ ở chùa xong thì trời đã về khuya, mọi người về phòng nghỉ. Trong mơ, Huyền Quang thấy một viên ngọc sáng lấp lánh trên sườn núi, Huyền Quang cúi xuống xem viên ngọc, thì tiếng chuông chùa vang lên làm ông tỉnh giấc. Trời đã mờ sáng các tăng ni đã lên chùa tụng kinh, niệm phật.

Ngẫm lại giấc mơ ban đêm, ông cùng các tăng ni lên núi xem xét, khi phát quang bụi sim, mua thì hiện ra một giếng nước uống thử thấy nước ngọt, mát và thấy người khoan khoái, dễ chịu.

Ông về chùa làm lễ tạ thần linh đã ban cho nguồn nước quý và xin được khơi sâu, mở rộng, dùng đá, gạch kè bờ thành giếng. Từ đó giếng có tên là Giếng Ngọc và nước ở giếng được các sư dùng làm nước cúng lễ chùa.

Am Bạch Vân và Bàn cờ tiên

Bàn Cờ Tiên trên đỉnh Côn Sơn, nơi đây xưa có một Am nhỏ hình chữ Công (I), tám mái chảy, có lan can xung quanh, Am này có tên gọi là Am Bạch Vân.

Câu chuyện người xa kể còn lưu truyền rằng: Vào một chiều thu có một số danh nhân vùng Kinh Bắc về thăm Côn Sơn, sau khi thắp hương, làm lễ, vãn cảnh, các cụ nghỉ tại chùa để ngày mai lên núi uống rượu, đánh cờ.

Sáng sớm hôm sau, núi rừng Côn Sơn mây trắng bao phủ, các danh nhân lần theo lối mòn trong mây mù lên núi, tới gần đỉnh núi, nghe có tiếng cười nói, các cụ cho rằng đêm qua có người nghỉ tại Am. Khi đến nơi mọi người đều ngạc nhiên thấy trong Am không một bóng người, chỉ thấy bàn cờ đang đánh dở, suy nghĩ hồi lâu các cụ cho rằng trên đỉnh Côn Sơn đêm qua trời đất nối liền bằng mây mù, sương phủ, các tiên ông trên trời đã cưỡi mây xuống đánh cờ, thấy có người đến, các tiên ông bay về trời. Am Bạch Vân và bàn Cờ Tiên có tên là thế.




[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/7084/DAE216D779844B97B63C379D186CFD19.jpg[/image]
Attached Image(s)
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9