KINH NGHIỆM SỬ TRÍ!
lucquaipsnt 13.12.2005 04:09:29 (permalink)
1-Cách trị nấc

Nấc là hiện tượng co thắt cơ hoành làm co đột ngột bụng và ngực. Bệnh có thể được chữa bằng nước gừng, cháo hạt tía tô, cháo nho... hoặc đơn giản bằng cách uống từng ngụm nước nhỏ hoặc nuốt nước bọt liên tục.

Nguyên nhân gây nấc tạm thời là do rối loạn trong hoạt động của cơ hoành. Còn nguyên nhân gây nấc kéo dài thường do các bệnh như thoát vị cơ hoành, viêm miệng nối thực quản, áp xe dưới hoành, hoặc các bệnh phổi, bệnh tim, thiếu máu cục bộ, tăng ure huyết… Theo Đông y, nấc là do khí uất gây bất hòa trong nội tạng, làm ảnh hưởng tới cơ chế khí, sự điều hòa tân dịch không thuận, không đủ dinh dưỡng, phát sinh đờm đục, can khí lấn át vị khí.

Một số bệnh lý như táo bón lâu ngày, tiểu tiện không thông, cơ thể hư nhược… cũng gây nấc. Nấc còn xuất hiện khi ăn uống không điều độ, đồ ăn nóng lạnh lẫn lộn, thường xuyên uống nước lạnh, hoặc để dạ dày gặp lạnh, mất khả năng điều tiết, khiến khí đi ngược lên cơ hoành.

Người ta chia nấc làm 3 loại:

- Nấc do nhiễm lạnh: thường xuất hiện vào buổi sáng, tiếng nấc nhẹ. Buổi tối, tiếng nấc nặng hơn và liên tục, thời gian nghỉ giữa 2 tiếng nấc ngắn, chân tay lạnh.

- Nấc do nhiệt thịnh: tiếng nấc to, mạnh, thời gian giữa 2 tiếng không cố định, lúc ngắn lúc dài, miệng lưỡi khô, đi ngoài khó…

- Nấc do cơ thể suy hư, ốm yếu: tiếng nấc yếu nhẹ, không liên tục, thời gian nghỉ giữa 2 tiếng dài, người mệt mỏi, chán ăn, ngủ kém…

Một số món ăn bài - thuốc trị nấc:

1. Nước gừng: gừng tươi 2 lát mỏng, giã nhỏ, đun với 200ml nước nhỏ lửa, để nguội, lọc nước bỏ bã. Đường trắng 1 thìa cà phê cho vào quấy đều. Bệnh nhân vừa uống vừa đếm đến 9, dùng 1-2 lần/ngày.

2. Nước vải: vải chín 10 quả, bóc cùi, cho vào cốc với 1 thìa cà phê mật ong, hấp cách thủy. Khi cùi vải chín thì ép lấy nước. Bệnh nhân ăn cùi vải trước sau đó uống nước 2 lần/ngày.

3. Nước quất hồng bì: quất hồng bì chín 20 quả, rửa sạch, bỏ hạt cho vào cốc dầm nát, thêm 1 thìa canh đường, trộn đều, hấp cách thủy. Khi quất hồng bì chín, ép lấy nước uống.

4. Cháo hạt tía tô: hạt tía tô 20 g, xay thành bột mịn, thêm hạt tiêu 4 hạt, đun với 250 ml nước, chắt nước bỏ bã. Bột gạo 100 g cho vào nước hạt tía tô, đun nhỏ lửa. Khi cháo chín cho 20 g đường phèn, quấy tan. Bệnh nhân ăn một lần lúc đói, trong 2-3 ngày.

5. Cháo nho: Nho chín 100 g, gạo 100 g, sữa bò tươi 50 ml, mật ong 1 thìa. Gạo xay thành bột, nho quả rửa sạch, giã dập đun với 200 ml nước, chắt nước bỏ bã. Cho bột gạo, sữa bò tươi, mật ong vào nước nho, quấy đều, đun nhỏ lửa cho đến khi cháo chín. Bệnh nhân ăn một lần/ngày lúc đói, dùng trong 2 ngày.

Cách trị nấc không dùng thuốc:

- Khi nấc, uống liên tục từng ngụm nước nhỏ, nước có ga, hoặc nuốt nước bọt liên tục…

- Dùng ngón trỏ và ngón cái bóp kín 2 cánh mũi, đồng thời khép kín miệng môi, phồng má rồi dồn khí lên hai tai, mỗi lần làm như vậy trong 2-3 giây, rồi nghỉ 2-3 giây và lặp lại khoảng 15 -20 lần.

- Bệnh nhân nhắm hờ mắt, dùng hai ngón tay trỏ ấn nhẹ và sâu vào hai nhãn cầu trong 1-2 giây, rồi nhấc hờ hai ngón tay trỏ, làm liên tục trong 15-20 lần.

#1
    lucquaipsnt 13.12.2005 04:10:09 (permalink)
    2-Cách xử trí khi bị bỏng lửa và nước sôi

    Bỏng nước sôi và bỏng lửa là một tai họa thường gặp. Khi bị bỏng diện rộng, nếu không được xử trí đúng thì nhiễm trùng vết bỏng sẽ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Bỏng càng rộng và độ bỏng càng cao thì mức độ bệnh càng nặng.

    - Người bệnh cần ngay lập tức nhúng phần cơ thể bị bỏng (thậm chí cả người) vào nước lạnh (chậu nước, bể nước sạch, vòi nước đang chảy...).

    - Khẩn trương đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí tiếp.

    - Nếu là bỏng do nước sôi, không được cởi bỏ quần áo vì có thể dẫn tới việc lột da vùng bị bỏng và làm mức độ bỏng nặng thêm do bị thấm nhiệt qua lớp quần áo, tất... và dễ gây nhiễm trùng vết bỏng.

    - Không bôi nước mắm, vôi, kem đánh răng... lên vết bỏng vì có thể làm nhiễm trùng.

    - Không tự lột bỏ da trên vùng bị bỏng do có thể gây nhiễm trùng tại chỗ dẫn tới nhiễm trùng toàn thân.

    #2
      lucquaipsnt 13.12.2005 04:11:57 (permalink)
      3-Làm gì khi trẻ bị sặc sữa?

      [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/7084/969EB47D6D2F436CA1220EDF261551C7.gif[/image]
      Bé đang bú bỗng ho sặc sụa, tím tái và lịm đi. Đó là bé đã bị sặc sữa, một tai biến thường gặp khi bú bình. Sữa tràn vào khí quản, thậm chí vào tận phế nang làm tắc đường hô hấp hoặc cản trở quá trình trao đổi khí giữa phế nang và mao mạch, khiến trẻ có thể chết vì thiếu ôxy.

      Gặp trường hợp này cần cấp cứu ngay vì đưa đi bệnh viện lúc này thường không cứu kịp. Người lớn phải khẩn trương làm cho sữa ra khỏi đường hô hấp, nhanh nhất đơn giản nhất là dùng mồm mình hút mạnh vào miệng và mũi bé. Hút càng nhanh, càng mạnh càng tốt, nếu để chậm sữa sẽ vào sâu trong khí quản khó rút ra, trẻ bị tắc thở lâu, khó cứu. Sau đó, hút kỹ những sữa còn đọng ở họng và mũi, nhổ đi. Khi hút xong nên kích thích mạnh vào đầu trẻ, để cháu bé khóc và thở được. Ngay sau đó mới khẩn trương đưa trẻ tới bệnh viện để tiếp tục cứu chữa và giải quyết hậu quả.

      Sặc sữa có thể do nhiều nguyên nhân:

      - Do lỗ thông đục ở đầu vú cao su to quá, sữa chảy nhanh, mạnh làm trẻ nuốt không kịp.

      - Một số trẻ có thói quen vừa ăn vừa ngủ, miệng ngậm vú sữa vẫn chảy nhưng không nuốt. Khi thở mạnh, trẻ có thể hít sữa đưa lên mũi vào khí quản, phế quản gây ra sặc.

      - Trẻ 3-4 tháng tuổi đã bắt đầu biết nói chuyện. Nếu người vừa cho bú vừa à ơi nói chuyện, trẻ mải hóng chuyện ngậm sữa trong miệng không chịu nuốt. Lúc thích chí, trẻ toét miệng cười, sữa tràn vào khí quản gây sặc.

      Để đề phòng sặc sữa, không nên cho trẻ vừa bú vừa ngủ, không đùa với trẻ khi đang bú. Khi cho bú nên bế trẻ cao đầu, ở tư thế thoải mái, không nên để gập cổ hoặc ngửa cổ quá (gập cổ sẽ gây khó nuốt, còn ngửa cổ thì dễ bị sặc sữa lên mũi). Khi trẻ ho hoặc khóc thì phải ngừng cho bú ngay, không để sữa tiếp tục chảy xuống miệng trẻ


      Attached Image(s)
      #3
        lucquaipsnt 13.12.2005 04:13:20 (permalink)
        Chảy máu cam và cách xử trí

        Hiện tượng này đứng hàng đầu về tần số xuất hiện trong các triệu chứng chảy máu tự phát đường hô hấp trên. Theo y văn thế giới, khoảng 60% dân số chảy máu cam ít nhất một lần trong đời; trong đó chỉ 6% cần được chăm sóc y tế.

        Niêm mạc mũi dễ chảy máu vì có nhiều mạch máu tập trung với mạng lưới mao mạch rất dày. Chảy máu mũi hay gặp nhất ở người trên 40 tuổi (64%) do thành mạch ở độ tuổi này có sức đàn hồi kém. Số bệnh nhân tăng đáng kể trong giai đoạn chuyển mùa vì sự thay đổi thời tiết ảnh hưởng lớn đến một số bệnh toàn thân (như tăng huyết áp, dị ứng...) hoặc gây rối loạn vận mạch, làm tổn thương niêm mạc hốc mũi.

        Ngoài các ca chảy máu mũi do tăng huyết áp, chấn thương, viêm nhiễm tại chỗ, nhiễm trùng toàn thân (sốt do virus, viêm gan mạn tính, tiểu đường, suy thận...), phần lớn trường hợp không xác định được nguyên nhân. Đây là loại chảy máu mũi tự nhiên, lượng máu chảy ít, tự cầm, hay tái diễn, thường xảy ra khi gắng sức hoặc đi ngoài trời nắng.

        Khi bị chảy máu mũi, trước hết nên tìm cách cầm máu, khi ổn định mới tiến hành tìm hiểu nguyên nhân. Tại nhà, nếu chảy máu nhẹ (máu chảy nhỏ giọt ra phía trước của mũi, số lượng ít), nên để người bệnh ngồi cúi về phía trước, dùng ngón cái và ngón trỏ bóp chặt hai cánh mũi trong 10 phút, máu có thể cầm. Ở những nơi có sẵn lá nhọ nồi hay lá chuối non, nên giã nhỏ lá này rồi nhét vào bên mũi chảy máu.

        Nếu máu vẫn tiếp tục chảy nhiều ra trước mũi và xuống dưới miệng, phải nhớ luôn luôn đùn máu ra phía ngoài miệng, tuyệt đối không được nuốt (để tránh chướng bụng và những chất độc do máu phân hủy thành). Cho uống thuốc an thần như Seduxen (nếu có). Nếu ở xa cơ sở y tế, có thể tìm đoạn vải dài, sạch ấn sâu vào trong hốc mũi chảy máu; sau đó khẩn trương vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cầm máu và tìm nguyên nhân để điều trị.

        Chảy máu mũi rất hay tái phát. Do đó, để phòng tránh, bệnh nhân cần thực hiện đúng hướng dẫn của thầy thuốc như: tiếp tục điều trị những viêm nhiễm tại mũi, khám và điều trị các nguyên nhân gây chảy máu mũi đã được xác định.

        ThS Phạm Bích Đào, Sức Khỏe & Đời Sống
        #4
          lucquaipsnt 13.12.2005 04:13:52 (permalink)
          Làm gì khi người nhà lên cơn động kinh

          “Con trai tôi 14 tuổi, thường lên cơn động kinh. Khi cháu bị co giật, vợ chồng tôi rất sợ, thường phải ghì cháu cho đỡ giật và ngáng đũa hoặc đưa khăn vào miệng cháu để khỏi cắn vào lưỡi. Cơn giật có thể dẫn tới những biến chứng gì và chúng tôi cần chăm sóc cháu như thế nào khi cơn đang diễn ra?”.

          Trả lời:

          Những biến chứng và tai nạn có thể gặp ở động kinh là:

          - Cắn phải lưỡi và hư hại răng.

          - Viêm phổi do hít phải dớt dãi.

          - Gãy xương, thường gặp ở xương cổ.

          - Tổn thương não do cơn kéo dài làm não thiếu ôxy.

          - Ngừng thở do tắc nghẽn đường thở.

          - Chấn thương cơ thể do va đập.

          Khi bệnh nhân lên cơn co giật, người nhà cần xử lý theo các hướng dẫn sau:

          - Bình tĩnh đặt bệnh nhân ở tư thế nằm, tránh để va đập vào các vật dụng đồ đạc xung quanh, gây thương tích.

          - Đặt bệnh nhân lên gối hoặc cuộn quần áo mềm để tránh gây thương tích cho hộp sọ trong cơn co giật mạnh.

          - Nới lỏng quần áo, đặc biệt là ở vùng cổ và ngực để giúp bệnh nhân dễ thở. Đầu ở tư thế hơi ngả ra sau.

          - Đặt bệnh nhân nằm nghiêng để dớt dãi không lọt vào đường thở. Tuyệt đối không đưa bất cứ thứ gì vào miệng bệnh nhân, vừa nguy hiểm cho người nhà và cho cả bệnh nhân nếu tiếp diễn một cơn co giật mới. Trước đây, với mục đích ngăn người bệnh cắn phải lưỡi khi lên cơn, mọi người có thói quen ngáng đũa ngang miệng. Đây là một việc làm vô ích vì nếu bệnh nhân cắn vào lưỡi thì hiện tượng đó xảy ra ngay từ lúc khởi phát cơn, người nhà không kịp can thiệp.

          - Không được ôm ghì hoặc dằn bệnh nhân xuống giường, nền nhà. Điều đó không làm dịu cơn co giật mà cản trở sự hô hấp của bệnh nhân và có khả năng kích thích thêm cơn giật.

          Trong cơn giật của bệnh nhân, cần có người túc trực bên cạnh để theo dõi và xử lý các tình huống kịp thời. Khi cơn co giật chấm dứt, cần tìm cách động viên, ổn định tinh thần người bệnh.

          Đa số các trường hợp động kinh tự dứt mà không cần dùng thuốc, sau cơn không nhất thiết phải chuyển đi cấp cứu nếu bệnh đã xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các cơn co giật dạng động kinh có thể là dấu hiệu của một bệnh quan trọng như biến chứng của bệnh tiểu đường, rối loạn thăng bằng điện giải, chấn thương sọ não, u não hoặc các hiện tượng nhiễm trùng não và màng não… Vì vậy, bệnh nhân cần phải được kiểm tra thăm khám khi ở một trong các tình huống sau:

          - Cơn co giật kéo dài quá 5 phút.

          - Bệnh nhân lên cơn lần đầu, trong tiền sử không hề có biểu hiện của động kinh.

          - Cơn tái phát sau khi đã dứt cơn.

          - Có triệu chứng khó thở hoặc chấn thương sau cơn.

          - Bệnh nhân đang mang thai hoặc có bệnh tiểu đường.

          Bác sĩ Hồng Quang, SK&ĐS
          #5
            lucquaipsnt 13.12.2005 04:14:31 (permalink)
            Chuột rút

            "Em trai tôi 18 tuổi, rất hay bị chuột rút lúc đang chơi, làm việc... Tại sao em tôi lại bị như vậy? Có cách nào làm hết được chứng bệnh này không?".

            Trả lời:


            Chuột rút là sự co cơ ngoài ý muốn (chủ yếu ở các cơ thuộc hai chi dưới), xuất hiện đột ngột làm bệnh nhân rất đau đớn. Đây là một bệnh khá phổ biến, hay gặp ở nam giới. Căn nguyên bệnh chưa được xác định rõ. Một số nguyên nhân được đề cập là:

            - Rối loạn chức năng thần kinh thực vật.

            - Cơ thể mệt mỏi, ra nhiều mồ hôi, gây mất muối natri clorua.

            - Cơ bắp phải làm việc nhiều, gây ứ đọng axit lactic trong cơ.

            Để phòng ngừa chuột rút, trước khi vận động mạnh, nên ăn các thức ăn có muối và đường. Uống nhiều nước trước và sau khi luyện tập hoặc khi phải sử dụng nhiều tới cơ bắp. Việc xoa bóp khởi động khi chuẩn bị luyện tập hoặc lao động có tác dụng giảm tình trạng chuột rút tới mức tối thiểu. Nên tập thể dục thường xuyên, có một chế độ nghỉ ngơi, ăn uống thích hợp và cân bằng.

            Khi đã bị chuột rút thì phải làm dịu cơn đau bằng các động tác đơn giản:

            - Nếu chuột rút ở bắp chân thì kéo chân ra, đồng thời ấn mạnh phần cuối của bắp chân trên một mặt phẳng cứng. Nếu rút ở đùi, nhờ người khác dùng một tay đỡ gót chân để làm cho đầu gối của mình căng thẳng, còn một tay ấn đầu gối xuống dưới. Sau đó xoa bóp vùng bị chuột rút.

            - Nếu chuột rút ở bàn chân thì cầm đầu bàn chân kéo nhẹ rồi đứng dậy và đứng thẳng người một lúc nhưng không cho gót chạm đất.

            - Có thể dùng dầu hoặc cồn long não xoa bóp vùng bị chuột rút, đồng thời bắt cơ bắp làm việc nhẹ nhàng đến khi hết chuột rút. Tắm nước nóng cũng tốt, giúp các cơ giãn ra, lấy lại tính đàn hồi.

            - Chuột rút bàn tay (ít xảy ra) có thể gặp ở những người phải sử dụng bàn tay với động tác lặp đi lặp lại trong một thời gian dài (các nhà văn, người chơi đàn vĩ cầm...). Hãy kéo nhẹ các ngón, rồi xoa bóp bàn tay.

            BS Minh Nguyệt, Sức Khỏe & Đời Sống

            #6
              lucquaipsnt 13.12.2005 04:15:52 (permalink)
              Các dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ


              Cơn tai biến mạch máu não (đột quỵ) có thể khởi phát với rất ít dấu hiệu cảnh báo nhưng lại gây chết người nếu không được xử lý thật nhanh. Thuốc ngăn chặn sự tiến triển của cơn đột quỵ chỉ có tác dụng nếu được áp dụng trong vòng 3 giờ kể từ khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên.

              Theo các chuyên gia tại Đại học California (Mỹ), những dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ gồm:

              - Đột nhiên nhìn mờ hoặc nhìn nhòe, có thể chỉ bị ở một bên mắt.

              - Bị yếu đột ngột ở một phần cơ thể.

              - Gặp khó khăn trong nói hoặc hiểu người khác.

              - Đột nhiên bị đau đầu dữ dội.

              Khi thấy bất cứ dấu hiệu nào như kể trên, phải gọi xe cấp cứu ngay lập tức.



              [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/7084/77931D93623747BA80EE831A9949C7A2.jpg[/image]
              Attached Image(s)
              #7
                lucquaipsnt 13.12.2005 04:16:30 (permalink)
                Ngất - nguyên nhân và cách xử lý

                Ngất là tình trạng mất ý thức thoáng qua, người bệnh thấy hoa mắt, chóng mặt, mắt tối sầm và sau đó không nhận thức được xung quanh. Hiện tường này thường xuất hiện khi dòng máu đến não thấp hơn mức tối thiểu hay do huyết áp giảm đột ngột.

                Có nhiều nguyên nhân gây ngất, gồm cả lành tính và bệnh lý tim mạch. Có một số nguyên nhân phổ biến sau:

                - Ngất do phản xạ thần kinh tim, thường gặp nhất là do thần kinh phế vị. Trước khi ngất, bệnh nhân có cảm giác buồn nôn và toát mồ hôi, sau khi ngất thường thấy mệt mỏi. Phản xạ này có thể xảy ra khi quay cổ đột ngột, mặc áo cổ chặt hoặc bàng quang rỗng sau khi đi tiểu. Cũng có một số trường hợp hiếm gặp là sau khi ho hoặc cười to.

                - Ngất khi thay đổi tư thế là hiện tượng phổ biến, xuất hiện khi thay đổi tư thế từ nằm hoặc ngồi sang đứng. Người già gầy yếu và bệnh nhân đái tháo đường, hoặc những người bị mất nước do thời tiết quá nóng dễ bị ngất khi thay đổi tư thế và chịu hậu quả nặng nề nhất.

                - Ngất do rối loạn nhịp: xảy ra khi nhịp tim quá chậm (dưới 30 nhịp/phút) hoặc quá nhanh (180 nhịp/phút). Nếu ngất do rối loạn nhịp tim xảy ra ở bệnh nhân có bệnh tim mạch thì nguy cơ tử vong rất cao.

                - Ngất ở bệnh nhân có bệnh tim mạch: Một số bệnh lý của cơ tim, van tim, mạch máu có thể gây ra ngất, nhưng nguyên nhân thường gặp nhất là nhồi máu cơ tim. Cần chú ý tìm nguyên nhân ngất ở bệnh nhân tim mạch bởi đó thường là dấu hiệu báo trước nguy cơ tử vong.

                Cách điều trị:

                Khi gặp một người bị ngất, cần tránh cho bệnh nhân bị chấn thương và bảo đảm là vẫn đang tự thở, có mạch (kiểm tra động mạch cảnh ở ngay dưới hàm). Nếu người bệnh không tự thở hoặc không có mạch, phải gọi ngay cấp cứu. Nếu tự thở và có mạch, cần để bệnh nhân nằm dưới nền cứng và phẳng rồi từ từ nâng nhẹ chân lên cao, tuyệt đối không nâng ngay bệnh nhân dậy.

                Đối với người có nguy cơ bị ngất do phản xạ thần kinh tim, cách tốt nhất là tránh môi trường quá nóng hoặc người quá đông. Cần uống nhiều nước, bổ sung thêm muối. Ngoài ra, có thể dùng các thuốc chẹn beta giao cảm như Propranolol, Atenolol, Metoprolol, Bisoprolol. Nếu các biện pháp trên thất bại, có thể xem xét việc cấy máy tạo nhịp. Đối với người hay bị ngất khi thay đổi tư thế, cần dùng thuốc theo chỉ định và tránh đi tất chân chặt, nằm ngủ cao đầu. Còn với trường hợp ngất do rối loạn nhịp, có thể dùng máy tạo nhịp tim nếu nhịp chậm, hoặc dùng thuốc điều chỉnh nhịp hay sóng radio trong trường hợp nhịp tim quá nhanh.

                Bác sĩ Phạm Như Hùng, Sức Khỏe & Đời Sống
                #8
                  Chuyển nhanh đến:

                  Thống kê hiện tại

                  Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                  Kiểu:
                  2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9