Đà Lạt chuẩn bị lễ hội 110 năm
QVPT 01.12.2003 09:39:14 (permalink)
[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/upfiles/143/Pn35244.jpg[/image]Từ năm 2002 TP Đà Lạt đã triển khai đồng loạt tu bổ, làm mới một số hạng mục công trình trong khu vực trung tâm thành phố. Đến nay du khách lên Đà Lạt thấy cầu thang từ khu Hòa Bình xuống chợ Đà Lạt đã được lát gạch mới. Những con đường dẫn đến Suối Vàng, lên đỉnh Lang Bian đều được trải nhựa. Dịch vụ giải trí cáp treo đã đưa vào sử dụng cuối năm 2002, chưa đầy một tháng đã đạt doanh thu hơn hai tỷ đồng. Mặt hồ Xuân Hương luôn được giữ gìn trong sạch.

Theo NSND Phạm Thị Thành, Tổng đạo diễn chương trình lễ hội 110 năm Đà Lạt, sẽ tập trung khai thác những tài năng nghệ thuật sẵn có của đồng bào K'ho ở Lâm Đồng và những giá trị văn hóa đặc sắc nơi đây làm điểm tựa cho chương trình lễ hội.

Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Nguyễn Tri Diện nói: "Trong kế hoạch 5 năm từ 2001 đến 2005, Đà Lạt đã và đang nghiêm túc xử lý những hạng mục, công trình xây dựng cơi nới trái phép, phải trả lại mầu xanh cho những cánh rừng ven đô, tạo nhiều sắc mầu từ hoa tươi, giống hoa lạ trong thành phố.

Thành phố cũng đang chuẩn bị cho lễ hội 110 năm. Ban tổ chức lễ hội đã mời đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành làm Tổng đạo diễn chương trình lễ hội 110 năm Đà Lạt. Chúng tôi đã thống nhất làm sao khai thác tiềm năng văn hóa nghệ thuật sẵn có của Lâm Đồng trở thành một lễ hội của thành phố du lịch có mầu sắc riêng trên cao nguyên xanh này".

Lễ hội là để tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, hướng nhân dân địa phương về cội nguồn, hiểu thêm giá trị lịch sử, văn hóa Lâm Đồng. Qua lễ hội du khách có thể thấy những giá trị lịch sử, văn hóa đến những truyền thuyết tình yêu và những cố gắng của người dân Đà Lạt hôm nay đang giữ gìn và phát triển thành phố du lịch.

NSND Phạm Thị Thành nói: "Đà Lạt là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời, tại phường 8 TP Đà Lạt còn có ấp Nghệ Tĩnh do cha tôi là cụ Phạm Khắc Hòe cùng đồng hương lập lên từ năm 1940. Người dân ở ấp Nghệ Tĩnh còn quyên góp xây dựng ngôi đình để làm nơi che mắt thực dân Pháp cho cán bộ Việt Minh đi về họp hành. Theo những người dân Đà Lạt kể lại, cha tôi đã xây dựng một chiếc cầu ở đường Lê Đại Hành cạnh hồ Xuân Hương mà người Đà Lạt vẫn gọi là cầu ông Đạo và còn thờ cụ tại đình Nghệ Tĩnh cho đến nay. Từ tấm lòng của người Đà Lạt với cha tôi cho nên tôi đã từ chối lời mời làm việc ở một số nơi để lên Đà Lạt cùng thành phố chuẩn bị lễ hội kỷ niệm 110 năm. Chúng tôi sẽ khai thác tài năng nghệ thuật sẵn có của người dân Lâm Đồng vừa đỡ được kinh phí của địa phương vừa để giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước thấy được tài năng nghệ thuật đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo của vùng đất đỏ bazan, vì người gốc Đà Lạt là K'ho".

Lễ hội 110 năm Đà Lạt sẽ được diễn ra vào tuần thứ 4 tháng 11/2003, du khách sẽ được thưởng thức rượu cần, xem múa cồng chiêng, ăn tết Li-boong, dự các trò chơi dân gian, múa hát dân tộc. Ngoài ra còn hàng loạt hoạt động mới lạ, vui chơi giải trí độc đáo khác để đáp ứng nhu cầu văn hóa của tất cả mọi lứa tuổi tham gia lễ hội.

Năm 2003 sẽ là bước chuyển mạnh mẽ để Đà Lạt quyết tâm xây dựng thành phố là nơi "Du lịch Việt Nam chất lượng cao" của kỷ nguyên 21, để thu hút du khách ngày càng yêu mến Đà Lạt sau mỗi chuyến tham quan.
<Edited by: quang vu -- 12/1/2003 5:40:43 AM >
Attached Image(s)
#1
    QVPT 01.12.2003 09:43:40 (permalink)
    Đêm hội 110 năm Đà Lạt đầy cuốn hút


    Tối 30/11, đêm hội mừng Đà Lạt 110 năm đã diễn ra sôi động, cuốn hút với những màn trình diễn nghệ thuật, đêm lửa trại giao lưu văn hoá các dân tộc và màn bắn pháo hoa rực rỡ sắc màu.


    Tại sân vận động Đà Lạt, suốt 80 phút, 1.600 diễn viên, học sinh và sinh viên đã tái hiện quá trình hình thành và phát triển của thành phố, với 5 màn diễn chính gồm "huyền thoại núi rừng", "đất lành hội tụ", "Đà Lạt thành phố anh hùng", "những bông hoa ngày mới" và cuối cùng là "Điểm hẹn cao nguyên". Thông điệp của chương trình là chuyển lời mời tới tất cả những ai yêu Đà Lạt, những ai muốn góp phần cho Đà Lạt phát triển, hãy đến với thành phố cao nguyên.

    Hoành tráng và lộng lẫy nhưng cũng rất gần gũi và đặc biệt ấn tượng, đó là cảm nhận chung của khách tham dự chương trình. Lời ca da diết, đằm thắm của bài hát “Ai lên xứ hoa đào“ vang lên đầy quyến rũ, mang đến những cảm nhận sâu sắc về một Đà Lạt mộng mơ.

    Cùng lúc đó, dưới chân núi Liang Biang cũng diễn ra đêm lửa trại với các tiết mục múa hát, giao lưu văn hóa của đồng bào các dân tộc sinh sống tại tỉnh Lâm Đồng cùng khách du lịch trong và ngoài nước.

    Kết thúc đêm hội, những bông pháo hoa được tung lên bầu trời với hình ảnh cánh chim câu hòa bình, hứa hẹn một Đà Lạt thanh lịch-hiền hòa-mến khách, là trung tâm du lịch và khoa học công nghệ của cả nước.

    Đêm hội là hoạt động quan trọng nhất trong chương trình Lễ hội mừng Đà Lạt 110 năm được tổ chức từ ngày 25/11 đến 1/12. Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật, thương mại và du lịch như lễ hội hoa Đà Lạt, hội thi ẩm thực và Hội chợ phát triển du lịch Đà Lạt.

    Theo ông Nguyễn Định, Trưởng Ban chỉ đạo Lễ hội, đã có gần 100.000 người tham dự các hoạt động của lễ hội, trong đó có khoảng 30.000 người khách tới dự Đêm hội. Các cuộc giao lưu "Gặp gỡ Đà Lạt 2003", cuộc thi "Chinh phục Liang Biang" và lễ khánh thành công viên Yersin, diễn ra trong ngày 30/11, cũng thu hút đông đảo du khách.

    Phát biểu tại Lễ hội, ông Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung uơng Đảng, bày tỏ hy vọng tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phát huy truyền thống và tiềm năng để Đà Lạt mãi mãi là xứ sở của hoa, là điểm đến của du khách trong và ngoài nước.

    Ông Nguyễn Tri Diện, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt, khẳng định Đà Lạt có 4 thế mạnh về tiềm năng kinh tế là nông nghiệp, lâm nghiệp, tài nguyên khoáng sản và du lịch-dịch vụ.

    Tính đến cuối tháng 11, tỉnh Lâm Đồng, với điểm du lịch trọng tâm là Đà Lạt, đã thu hút gần 1 triệu khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng, cao nhất từ trước đến nay./.(TTXVN)
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9