Nguyễn Phong Sắc-Một người cộng sản đầu tiên của Hà Nội

Tác giả Bài
thuyduong
  • Số bài : 141
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 09.03.2005
  • Nơi: HN
Nguyễn Phong Sắc-Một người cộng sản đầu tiên của Hà Nội - 14.12.2005 19:39:24
Thế Tập - Đức Vượng


Nguyễn Phong Sắc

Một người cộng sản đầu tiên của Hà Nội


Nhà xuất bản Hà Nội - 2002



mục lục

- Chú dẫn của Nhà xuất bản
- Dưới mái trường làng Bạch Mai
- Người trí thức yêu nước
- Người cộng sản đầu tiên của Hà Nội
- Trong phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh
- Giữ trọn niềm tin
- Phần phụ lục

thuyduong
  • Số bài : 141
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 09.03.2005
  • Nơi: HN
RE: Nguyễn Phong Sắc-Một người cộng sản đầu tiên của Hà Nội - 14.12.2005 19:41:25
Lời Nhà xuất bản


Nguyễn Phong Sắc - một người cộng sản đầu tiên của Hà Nội do Thế Tập và Đức Vượng biên soạn, Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 1986 đã được đông đảo bạn đọc hoan nghênh, đồng thời cũng góp nhiều ý kiến và tư liệu mới.

Với những tư liệu mới đã được xác minh, các tác giả đã sửa chữa, bổ sung và chỉnh lý lại thành cuốn Đồng chí Nguyễn Phong Sắc do Nhà xuất bản Sự thật ấn hành năm 1990 nhân kỷ niệm 60 năm Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, cuộc đời và tấm gương vì sự nghiệp của Đảng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc luôn sáng ngời dẫn dắt chúng ta tiếp bước, xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

Để đáp ứng mong mỏi của nhiều bạn đọc nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Nhà xuất bản Hà Nội cho tái bản cuốn sách:

Nguyễn Phong Sắc
Một người cộng sản đầu tiên của Hà Nội


giúp chúng ta hiểu rõ một người trí thức tiến bộ sớm giác ngộ Cách mạng và trở thành một trong những nhà lãnh đạo thuộc lớp đầu tiên của Đảng ta và là một trong những người trực tiếp lãnh đạo phong trào Xô-Viết Nghệ-Tĩnh - đỉnh cao nhất của cao trào cách mạng Việt Nam trong những năm 1930 - 1931.

Nhà xuất bản Hà Nội



thuyduong
  • Số bài : 141
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 09.03.2005
  • Nơi: HN
RE: Nguyễn Phong Sắc-Một người cộng sản đầu tiên của Hà Nội - 14.12.2005 20:17:13

DƯỚI MÁI TRƯỜNG LÀNG BẠCH MAI


Ngày 27-6-1908, một sự kiện làm náo động cả nước: binh lính và bồi bếp người Việt Nam thuộc trung đội công nhân pháo thủ Hà Nội tổ chức đầu độc binh lính Pháp bị trúng "cà độc dược" đã ngã lăn ra... Và trong lúc nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám đang ở bên ngoài chờ súng hiệu trong thành bắn lên để tấn công vào theo kế hoạch đã hẹn trước, thì Nhà Chung nhanh chóng báo cho bọn trùm sỏ thực dân Pháp biết sẽ có cuộc nổi dậy của binh lính Việt Nam. Lập tức bọn chỉ huy báo động, vây bắt toàn bộ binh lính người Việt Nam đóng trong thành.
Các ông đội Bình, đội Cốc, đội Nhân... bị lôi ra xử chém.
Cuộc nổi dậy bị đàn áp đẫm mãu.
Trong một căn nhà ở làng Bạch Mai (1), chủ nhà Nguyễn Đình Phúc (sau đổi thành Nguyễn Văn Phúc), người tham gia vụ "Hà thành đầu độc" này, ruột gan như lửa đốt, đứng ngồi không yên. Linh tính báo cho ông biết tai họa sắp ập đến gia đình mình, nên ông mới nói với vợ là Thành Thị Tửu rằng: "Tôi có thể sẽ bị bắt, mình ở lại gắng sức nuôi con. Đối với Sắc, cần cho con đi học sớm, vì tôi thấy thiên tư của Sắc khác với anh em nó...".
Bà Tửu đang còn bàng hoàng trước câu nói đột ngột của chồng thì bọn cảnh binh Pháp ập vào nhà, đào bới, lục lọi lung tung, rồi bắt ông Phúc trói lại và giải đi.
Ông Phúc gốc người làng Bạch Mai. Dân làng thường gọi là ông trưởng Nhàn. Ông lấy bà Tửu sinh được ba người con trai: Nguyễn Văn Bút, Nguyễn Văn Nhuận và Nguyễn Văn Sắc (2).

Cả vùng này biết tiếng "ông Phúc hàng mã". Người ta biết tới ông không phải vì ông nổi tiếng là người làm hàng mã đẹp mà vì ông có tinh thần khảng khái, rất thương yêu người nghèo và có tư tưởng "về với non sông đất nước".

Năm 1907, ông Phúc giao lại toàn bộ công việc làm hàng mã cho vợ quán xuyến, rồi đi hoạt động trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Ông thường giao du với các ông Lương Văn Can (3), Nguyễn Quyền (4), Lê Đại (5), Võ Hoành (6), Đỗ Chân Thiết (7), Bùi Liêm (8), Dương Bá Trạc (9), Phạm Duy Tốn (10)...

Những người này đều là nhân vật chủ chốt của Đông Kinh Nghĩa Thục.
Vì giỏi chữ Hán, lại thông thạo chữ Pháp, chữ quốc ngữ, ông Phúc thường đến dự các buổi bình văn do Đông Kinh Nghĩa Thục tổ chức. Những người thân cận trong gia đình ông, hiện còn sống, có kể lại, lúc sinh thời, ông rất thích câu thơ của Nguyễn Quyền:

"Trời Nam một dải non sông
Ngàn năm cơ nghiệp cha ông hãy còn"
. . . . . .
"Khuyên nhau lấy chữ đồng bào
Lấy câu ích quốc lấy điều lợi dân"
(11)

Đông Kinh Nghĩa Thục là một trào lưu văn hóa yêu nước ở Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX. Chính vì vậy, Đông Kinh Nghĩa Thục đã bị thực dân Pháp giải tán sau mấy tháng tồn tại. Sau khi bị giải tán, các nhà lãnh đạo Đông Kinh Nghĩa Thục phiêu dạt mỗi người một nơi: người bị địch bắt giam, người về quê ẩn dật, người chuyển sang nghề viết báo, viết văn... Những người này đều bị địch theo dõi. Ông Phúc tuy không phải là người lãnh đạo Đông Kinh Nghĩa Thục, nhưng lại là người trong tổ chức này, nên cũng bị địch theo dõi. Ông trở về với nghề hàng mã. Nhưng ông đâu chịu "bó khuôn" trong ngôi nhà của mình, mà đi giao du nhiều nơi, lập ra Hội hàng Mã. Hội tế lễ,Hội đông chí... Mục đích của ông là: "Bất kỳ hội nào cũng phải làm cho đất nước Phúc Thịnh và non sông Phúc Bình" (12).


Sau khi bị bắt, chúng đầy ông Phúc đi Côn Đảo, giam cầm trong 5 năm.
Xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX thật là đen tối. Đã có biết bao cuộc nổi dậy của nhân dân để "cởi ách", nhưng đều bị thực dân Pháp dìm trong biển máu. Vua Duy Tân (Nguyễn Vĩnh San) căm thù thực dân Pháp, xuống chiếu kêu gọi nhân dân nổi dậy chống Pháp, xuống chiếu kêu gọi nhân dân nổi dậy chống Pháp. Tiếc thay, lực lượng nhà vua quá yếu, trong khi lực lượng bọn thực dân rất khỏe, cho nên cuộc khởi nghĩa của nhà vua bị chúng bóp chết. Chúng bắt nhà vua tại một ngôi chùa gần Kinh đô Huế vào ngày 5-6-1916. Nhà Vua bị đầy tới một phương trời xa, cách ly hoàn toàn với mảnh đất quê hương, đảo Rê-uy-ni-ông (Réunion).
Sau vụ khởi nghĩa thất bại của vua Duy Tân, thực dân Pháp đưa Bửu Đảo (Khải Định), một tên tay sai trung thành lên làm vua. Từ đấy, các quan lại, sĩ phu bị phân hóa: hoặc cam tâm làm tay sai cho Pháp, hoặc chịu chết để bảo toàn khí tiết. Nhiều người lẩn quất nơi núi non để chờ thời.
Lại nói về ông Phúc, sau 5 năm giam cầm, ông mãn hạn tù.
Trở về làng Bạch Mai, ông Phúc không chịu "khoanh tay, bó gối", "ngồi ôm mối hận thù", mà quyết "làm một phen rửa nhục non sông". Nhưng lúc này sức ông đã yếu, không thể "cầm gươm mặc giáp hẹn ngày xuất chinh" như những sĩ phu đương thời. Ông quyết định chuyển sang "rửa nhục cho nước nhà" bằng cách đào tạo, giáo dục thế hệ trẻ. Nguyễn Hoàng Tôn chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi kiên cường, là một trong những người được ông Phúc dìu dắt. Một hòn máu đỏ của ông là Nguyễn Văn Sắc được ông săn sóc, giáo dục ngay từ tấm bé.
Nguyễn Văn Sắc (còn gọi là Nguyễn Đình Sắc) sinh ngày 1-2-1902, tại làng Bạch Mai, Hà Nội. Làng Bạch Mai, quê hương thân yêu của Nguyễn Văn Sắc, nổi tiếng có nhiều di tích lịch sử: đình Đại "thờ thần Cao Sơn, một nhân vật huyền thoại, đã cùng Sơn Tinh chế ngự được Thủy Tinh" (13) Đình Đông, "nơi thờ thần Linh Lang, một hoàng tử đời Lý đã có công chống quân Tống xâm lược" (14). Đền Quang Minh, "thờ Liễu Hạnh một cô gái sống đời Lê, quê làng Vân Cát, huyện Vụ Bản nay thuộc tỉnh Nam Định" (15). Liễu Hạnh có nhiều phép lạ, nên được tôn là thánh. Làng còn có nhiều ngôi chùa cổ như chùa Liên Phái. "Chùa này, chính tên là Liên Tông" (16), chùa được xây dựng từ năm 1726, có nhiều tháp cổ giá trị (17). "Điều làm cho chùa Liên nổi tiếng chính là những ngọn tháp ở chung quanh. Cổ kính nhất là tháp Cửu Sinh xây bằng đá xanh... Tháp Cửu Sinh hình vuông, có 4 tầng, xây trên một cái gò đất cao ở sau chùa" (18). "Nhưng về phương diện mỹ thuật thìn gọn tháp đẹp nhất phải là tháp Diệu Quang ở ngay cổng chùa, hình lục lăng, cao 10 tầng, dựng khoảng thế kỷ XIX trong đó là hài cốt đã hỏa thiêu của sư Diệu Quang" (19). "Chùa Mai Hương ở số nhà 307 cũng là một chùa cổ từ ngõ Giếng Mứt dời lên vào năm 1894" (20). Chùa Hương Tuyết ở cuối ngõ 205 hiện nay...

Có lẽ dấu ấn lịch sử đặc sắc hơn cả là làng Bạch Mai chứa đựng nhiều lớp người lao động. Họ làm các nghề thủ công: hàng mã, làm bún, tráng bánh đa, giò chả, đậu phụ, bật bông, rèn dao, may mặc, kéo xe tay, móc cống... Nhiều người thất cơ lỡ vận đã tìm đến Bạch Mai để sinh sống. Nhiều người chán chường trước cuộc sống khắc nghiệt dưới chế độ thực dân đế quốc, tìm đến Bạch Mai để nương tựa vào nhân dân lao động. Có người thất tình, tìm đến Bạch Mai để sống nương nhờ cửa Phật. Thầy đồ, thầy ký... nhiều lúc cũng "mò" đến Bạch Mai để thưởng thức món giò chả hảo hạng của quê hương. Người dân Bạch Mai sống cần cù, giản dị và nâng đỡ lẫn nhau. Do tính chất "đa dạng" của nghề nghiệp và tính chất đông đúc của nhân dân lao động, Bạch Mai đã thu hút nhiều sĩ phu yêu nước, nhiều nhà cách mạng đến trú ngụ và gây cơ sở.
Nguyễn Văn Sắc sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh quê hương đó. Bạn bè cũ của anh hiện nay còn sống đều kể lại rằng, anh có dáng người dong dỏng cao, ít nói, tính tình trầm tĩnh, đôi mắt thường nhìn xa... Trong những ngày đi học, anh thường mặc quần trắng, áo the, đầu đội khăp xếp.
Năm lên 10 tuổi, Nguyễn Văn Sắc bắt đầu đi học. Người đầu tiên dạy Sắc học là ông giáo Ròn. Ông Ròn (nhân dân làng Bạch Mai vẫn gọi là hương sư Ròn) là em ruột bà Tửu, nên đối với Sắc, ông Ròn vừa là thầy dạy học, vừa là cậu ruột. Ông Ròn mở trường Dân Tiến. Trường này ở trong làng Bạch Mai. Gọi là trường cho sang trọng chứ thực ra chỉ có một lớp học và một thầy dạy là ông giáo Ròn. Chuyện kể rằng, ông giáo Ròn chọn cái tên "Dân Tiến" đặt cho trường của mình mang ý nghĩa sâu xa và thầm kín: Nhân dân hãy tiến lên. Ông là người yêu nước. Tiếc rằng sức của ông ốm yếu, nên không thể "xông ra trận tiền" để đánh giặc. Ông chịu ảnh hưởng sâu sắc những vần thơ "cháy bỏng" của Đông Kinh Nghĩa Thục. Ông khéo gieo những vần thơ yêu nước thương nòi vào đầu óc những cậu học sinh nhỏ bé. Ông cho rằng, đối với học sinh còn nhỏ tuổi, dạy thơ cho các em là các em dễ nhớ nhất. Quả thật vậy, cậu học trò Nguyễn Văn Sắc đã thuộc nhiều câu thơ do ông Ròn dạy. Có hôm, sau giờ học, thầy Ròn đưa Sắc, cậu học trò ngoan và thông minh, về tận nhà. Trên đường về, ông hỏi Sắc có thuộc bài thơ Đề tỉnh quốc dân ca không? Rồi ông giảng giải cho Sắc nghe cái hay của bài thơ đó. Cuối cùng ông buồn rầu đọc:

"Mênh mông một dải Đông Dương,
Nước non quanh quất trông càng thêm đau".


Cứ thế, tình yêu tổ quốc sớm bén vào Sắc và lớn dần lên bởi những vần thơ tràn đầy tình nước non mà ông giáo Ròn, một người "ôm mộng đuổi xâm lăng", đã truyền dạy cho.

Học ông giáo Ròn được chừng ba năm, cậu học sinh Nguyễn Văn Sắc đến tạm biệt thầy và xin chuyển sang học trường Công ích. Hôm chia tay học trò Sắc, ông giáo Ròn lại nhắc đến bài thơ "Đề tỉnh quốc dân ca". Ông khuyên Sắc cần đọc thật nhiều văn thơ yêu nước. Ông đọc cho Sắc nghe hai câu thơ cuối cùng của bài thơ trên, cũng là để nói lên niềm tâm sự của mình:

"Thân già bao quản cát lầm,
Khuyên ai đúc chữ đồng tâm sau này".


Nguyễn Văn Sắc hứa với ông giáo Ròn là sẽ cố gắng học tập tại trường Công ích.

Trường Công ích ở gần chùa Liên Phái. Tên chính của trường là "Công ích học đường" (21). Chính vì vậy, trường mới có cái tên Công ích. Tuy vậy, về mặt pháp lý, đây vẫn là trường tư thục.

Trường do những người "có tấm lòng thành" trong làng, trong tổng gom góp tiền bạc mà xây dựng lên. Học sinh của các làng Bạch Mai, Hoàng Mai, Tương Mai, Mai Động... đều tới trường học. Trường có nhiều thầygiáo, vừa có trình độ sư phạm vừa có lòng yêu nước, nên đã thu hút ngày một đông học sinh tới học.

Khi Nguyễn Văn Sắc vào học trường Công ích, chiến tranh thế giới thứ nhất vừa xảy ra. Từ Luân Đôn, Nguyễn Tất Thành viết thư cho Phan Chu Trinh lúc ấy đang ở Pháp: "Tiếng súng đang rền vang. Thây người đang phủ đất. Năm nước lớn đang đánh nhau. Chín nước đã vào vòng chiến"(22).

Từ phương trời xa xăm, Nguyễn Tất Thành ngước nhìn về Tổ quốc. Nơi ấy, nhân dân đang quằn quại dưới gót giày đinh của thực dân Pháp. Nơi ấy, nhân dân Việt Nam đang khao khát được giải phóng.

Tuy đất nước Việt Nam không trực tiếp vào vòng chiến, nhưng là thuộc địa của Pháp, nên Pháp ra sức vơ vét người và của ở xứ sở Đông Dương lầm than để ném vào cuộc chiến tranh mà Pháp có "cổ phần" trong đó. "Trong những năm chiến tranh thế giới thứ nhất, gần 100 nghìn người Việt Nam bị đưa sang châu Âu để phục vụ trong quân đội Pháp và để làm việc trong các xí nghiệp ở chính quốc" (23).

Tại Hà Nội, cậu học trò Nguyễn Văn Sắc đã chứng kiến cảnh bọn thực dân và những tên tay sai đi lùng sục các xóm, phố, bắt thanh niên xung vào lính đưa sang Pháp để "nước mẹ" ném vào lò lửa chiến tranh. Cậu xót xa trước những giọt nước mắt của những bà mẹ khi nhìn những đứa con trai của mình ra đi ddể rồi "không bao giờ còn trông thấy mặt trời trên quê hương đất nước mình nữa" (24).


Có một sự kiện làm xôn xao phố phường Hà Nội hồi giữa năm 1915 và đầu năm 1916 là vụ xử án các chiến sĩ của Việt Nam quang phục hội. Học sinh trường Công ích, nơi có Nguyễn Văn Sắc đang theo học, xin nghỉ học để đi dự các buổi xử án kéo dài nhiều ngày.

Tòa án binh thực dân vu cho các chiến sĩ Việt Nam có dính líu đến hai vụ nổ bom ở Thái Bình và Hà Nội (25) hồi tháng 4-1913, đồng thời có hoạt động trong tổ chức Việt Nam quang phục hội. Năm 1913, chúng đã xử một đợt. Lần này, chúng xử tiếp những người mà đợt trước chúng chưa bắt được. Hoàng Trọng Mậu (26) hiên ngang trước tòa án khi anh bị chúng kết án tử hình. Tấm gương bất khuất ấy làm cho nhân dân và thanh, thiếu niên Hà Nội vô cùng cảm phục. Tấm gương của Hoàng Trọng Mậu và các chiến sĩ Việt Nam quang phục hội đã thức tỉnh "hồn quốc dân" đối với học sinh trường Công ích. Tiếng súng của bọn thực dân xâm lược bắn vào trái tim Hoàng Trọng Mậu và các chiến sĩ yêu nước Việt Nam từ trường bắn Bạch Mai vọng về làm cho Nguyễn Văn Sắc nhức nhối tâm can. Cậu thật sự ngỡ ngàng trước những đau thương của dân tộc. Cậu học sinh thiếu niên chưa đủ sức hiểu tường tận vì sao Hoàng Trọng Mậu và các bậc đàn anh lại dám làm những việc "tày trời" mà không hề sợ rụng đầu, nhưng cậu đã thấy được tội ác của thực dân đối với nhân dân ta. Lúc này, tuy cậu chưa có chiều sâu của lòng yêu nước, nhưng đã bắt đầu thấy cảm thương những tấm gương kiên trung bất khuất của cha anh.

Trường Công ích dạy chữ Pháp, chữ Việt, dạy toán, địa lý, lịch sử, văn học... Bọn thực dân ra sức hạn chế nhà trường học văn thơ yêu nước và lịch sử Việt Nam. Nhưng các thầy giáo người Việt có tư tưởng "hoài Việt" vẫn âm thầm truyền cho học sinh những vần thơ "bình Tây" của Phan Bội Châu, những dòng lịch sử chống xâm lăng của tổ tiên. Nguyễn Văn Sắc thích môn lịch sử và văn học. Cậu miệt mài học tiếng Pháp và tiếng Việt. Sắc học chăm hiếm thấy. Trong một góc nhà ông Phúc ở làng Bạch Mai, người ta thấy đêm đã về khuya, nhưng vẫn còn ánh sáng đèn. Chính lúc ấy, Nguyễn Văn Sắc đang mải mê học bài. Góc nhà ấy ngổn ngang sách báo (27). Sắc thích đọc sách báo tiến bộ mang sắc thái dân chủ tư sản ở phương Tây. Mỗi lần có những cuốn sách qúi từ nước ngoài nhập vào, Sắc tìm mua cho bằng được. Hồi học ở trường Công ích, Sắc thường được cha, mẹ cho tiền để ăn quà sáng, nhưng cậu không ăn, dành tiền đó để mua sách báo. Gia đình ông Phúc đặt hết hy vọng vào Sắc vì chỉ có Sắc là mải mê với "sự nghiệp học hành"; trong khi đó hai người anh của Sắc lúc nào cũng chỉ thích lao động chân tay.

Nguyễn Văn Sắc học chăm và yêu mến mái trường của mình. Mái trường ấy còn là nơi danh lam thắng cảnh, làm "mê lòng" cậu học sinh Nguyễn Văn Sắc. Hằng ngày, sau giờ học, Sắc thường ở lại trường một lúc để hít thở không khí tronglành và thưởng thức những cảnh đẹp nơi đây. Trường có nhiều cây xanh. Nhãn sai quả, lựu đỏ au, ổi chín vàng..., đã thu hút các loài chim từ bốn phương tụ về đây, trở thành nơi "đất lành chim đậu". Sắc thích nghe tiếng chim hót. Cậu thèm khát cái "tự do" của loài chim. Có lẽ vì thích chim, nên trước cửa sổ nhà, nơi đặt bàn học của cậu, lúc nào cũng treo lồng chim.

Vì vốn ham học, Nguyễn Văn Sắc thường tìm ra nhiều nơi để học: học ở nhà, học trong chùa Liên Phái, học dưới rặng cây xanh ngắt của trường Công ích... Độc đáo hơn cả là Sắc còn "học ở dưới thuyền". Chả là phía sau nhà Sắc có một cái hồ nhỏ, dân làng Bạch Mai thường gọi bằng cái tên mộc mạc "ao Bô". Nước ao Bô trong vắt. Cá quẫy liên hồi trên mặt nước. Sắc thường ngồi trên chiếc thuyền nhỏ của gia đình để câu cá. Câu cá xong, Sắc ngồi học ngay trên thuyền. Cạnh ao Bô có hàng dừa và rặng tre xanh. Có lúc Sắc lên bờ ngồi dưới rặng tre, hàng dừa để học. Điều kiện thiên nhiên thuận lợi đã giúp cho Sắc học được nhiều. Trong các môn học, Sắc mất nhiều thời giờ vào môn tiếng Pháp mà cậu thương gọi vui là "con mọn". Đối với Sắc, tiếng Pháp trở thành một trong những môn học cấp bách. Sắc muốn đọc sách báo tiếng Pháp. Lúc ấy loại sách này xuất hiện khá nhiều ở Hà Nội.

Sang năm học thứ hai, ngoài việc học các môn như năm trước, học sinh trường Công ích còn được học thêm môn toán, Nguyễn Văn Sắc sớm tỏ ra có năng khiếu về toán. Cậu thích tính toán cũng như thích đàm đạo văn chương và lịch sử.
Vào một ngày của cuối năm học thứ hai tại trường Công ích, Nguyễn Văn Sắc cùng các bạn học và nhân dân làng Bạch Mai đau lòng khi nhìn thấy trên chiếc cọc cắm ngay tại ngã tư Trung Hiền, đầu lâu một sĩ phu yêu nước. Bọn thực dân Pháo thường làm cái trò này đối với những người chống lại chúng, nhằm uy hiếp tinh thần của nhân dân. Lúc này đây, Nguyễn Văn Sắc đã thấm thía nỗi khổ nhục của người dân mất nước, tuy cậu chưa hiểu được muốn thoát khỏi cái cảnh ấy phải đi về đâu.
Học hết bậc tiểu học tại trường Công ích, Nguyễn Văn Sắc quyết định thi vào trường Bưởi.

Giờ đây, Nguyễn Văn Sắc đã bước vào tuổi thành niên.
Gia đình ông Phúc chuẩn bị cho Nguyễn Văn Sắc chu đáo để anh có đủ phương tiện vào học trường Bưởi. Xe đạp hồi ấy rất hiếm, song gia đình cũng cố mua cho anh một chiếc để hàng ngày anh đi học. Dân làng Bạch Mai hồi ấy còn nhớ hình ảnh chàng thư sinh Nguyễn Văn Sắc mặc áo the, quần trắng, đầu đội khăn xếp, đạp chiếc xe đạp An-si-ông (Alcyon) từ làng Bạch Mai đến trường Bưởi để học.

Những ngày học tại trường Bưởi, Nguyễn Văn Sắc học giỏi hơn so với hồi còn học ở trường Công ích. Gia đình thấy anh học tiến tới, càng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để anh "dùi mài kinh sử". Vì số bài tập phải làm nhiều gấp ba lần so với hồi học ở trường Công ích, nên suốt ngày và cho tới tận khuya, Nguyễn Văn Sắc đều miệt mài học tập, học đến nỗi anh không còn thời gian nào rảnh rỗi để đi chơi. Cảnh đẹp của hồ Tây, đền Quan Thánh, chùa Châu Lâm (28) cùng nhiều đình, chùa, miếu mạo nổi tiếng ở gần khu vực trường Bưởi cũng ít thấy Sắc lai vãng tới thăm.

Trường Bưởi, nay là Trường phổ thông trung học Chu Văn An, thành lập từ năm 1909. Đây là nơi "có dòng chảy trí thức". Rất nhiều sự kiện của xã hội đương thời đã ập vào trường Bưởi. Học sinh trường Bưởi rất "thích" và "nhạy" với thời cuộc. Mỗi khi có chuyện gì xảy ra, anh em đều có trao đổi và cùng nhau thảo luận. Chính vì vậy mà nhiều học sinh của trường đã vứt bỏ được sức quyến rũ của võng lọng để đi theo con đường cách mạng: Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Sắc, Đỗ Ngọc Du... Nguyễn Văn Sắc là một trong những người say mê thảo luận những vấn đề về thời cuộc. Bạn bè thấy anh nhiều khi tranh luận mãi tới chiều tối mới trở về nhà. Ngoài tranh luận ra, anh còn tới dự đều các buổi trình thuyết của các cụ "đồ nho". Hồi ấy, các cụ cứ loay hoay tranh luận mãi vấn đề: Nước ta "người nhiều, đất rộng" đáng lẽ phải là "cường quốc", nhưng sao lại là thuộc địa? Rồi các cụ kêu tên: "Hồn thiêng đất nước bị lạc nơi đâu, cần phải gọi về". Các cụ cố gọi hồn nước về, nhưng "hồn" ấy vẫn là "hồn xiêu phách lạc". Vấn đề này, về thực chất không chỉ đơn thuần là chuyện tình cảm với nước với nhà, mà còn là vấn đề tư tưởng lớn. Các cụ chịu khó tìm tòi con đường cứu nước, nhưng vẫn chưa có một lời giải đáp chính xác.

Trong lúc ở nhà, các cụ loay hoay mãi với vấn đề cứu nước, thì từ phương trời xa xăm bên châu Âu, Nguyễn Tất Thành cũng đang ra sức tìm tòi một con đường cứu nước mới. Anh đang đi gần tới chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là vào thời kỳ cuối chiến tranh thế giới thứ nhất.

Chàng thanh niên Nguyễn Văn Sắc cũng nằm trong tâm trạng như các cụ. Cuộc sống của người dân thuộc địa đã dạy cho anh biết thế nào là nỗi nhục mất nước. Anh đã bắt đầu căm thù bọn thực dân, song cũng như các cụ, anh chưa biết cách đánh đổ nó.

Thời gian đầu vào học trưởng Bưởi, Nguyễn Văn Sắc có phần háo hức, nên rất say mê học tập. Nhưng càng về sau, đầu óc anh càng thấy nặng nề trước những môn học cũng "nặng nề chất liệu nước Pháp" như có lần anh đã than thở với bạn bè. Thật vậy, trường Bưởi hồi ấy được dựng lên với mục đích chủ yếu là đào tạo những người thông ngôn. Vì vậy, môn tiếng Pháp là môn học chủ yếu của nhà trường. Giáo viên của trường đều là người Pháp, nên học sinh khi đến trường cũng đều phải nói tiếng Pháp. Tất nhiên, ngoài môn tiếng Pháp ra, học sinh còn học các môn luân lý nước Pháp, lịch sử nước Pháp, văn học Pháp. Nhà trường thực dân thờ ơ với môn lịch sử Việt Nam, trong khi đó, học sinh Việt Nam lại háo hức với nó. Các nhà giáo người Pháp xếp môn lịch sử Việt Nam xuống hàng sau cùng trong chương trình giảng dạy. Hơn thế nữa, họ còn cố ý xuyên tạc lịch sử Việt Nam, như gọi Quang Trung là giặc, trong khi đó lại gọi Gia Long là anh hùng. Nguyễn Văn Sắc vốn yêu lịch sử nước nhà ngay từ khi anh được các thầy ở trường Công ích dạy cho. Đến trường Bưởi, anh muốn học tiếp nhưng không có ông thầy nào "ra hồn" về môn này, nên anh đã thất vọng. Thật ra, Nguyễn Văn Sắc hoàn toàn không có thành kiến gì đối với nền văn hóa Pháp. Anh khâm phục các nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại như Vích-to Huy-gô, Ban-dắc..., khâm phục các nhà văn hóa khai sáng ra "thế kỷ ánh sáng" ở nước Pháp. Anh đã chịu nhiều ảnh hưởng của nó. Song điều làm anh day dứt là tại sao lịch sử Việt Nam cũng đầy những trang oanh liệt mà lại phải xếp vào hàng thứ yếu trong các môn học? Trong khi đó nhà trường thực dân lúc nào cũng chỉ lải nhải giảng về "công lao khai hóa" - của "nước mẹ" đối với các nước thuộc địa. Anh thấy rõ cảnh trái ngược: mồm người Pháp ra rả nói "khai hóa", nhưng tay họ lại cầm roi quất xuống đầu người Việt Nam. Họ đi "khai hóa" nước mình để xây cất thành những biệt thự sang trọng của họ. Họ sống xa hoa phè phỡn, trongkhi dân mình lại chết dần chết mòn. Đối chiếu những lời hoa mỹ phát ra từ mồm các nhà giáo thực dân với thực tế cuộc sống của dân mình, rõ ràng là trái ngược. Từ đó, Nguyễn Văn Sắc bắt đầu hoài nghi nền giáo dục của chế độ thực dân ở nước ta. Tuy vậy, anh không bỏ học mà vẫn học giỏi. Điều này đã được anh tâm sự với bạn bè: Học để cho người Pháp biết cái thông minh của dân mình, chứ không thì họ khinh dân ta quá.

Để bù đắp cho sự thiệt thòi ít được học môn lịch sử Việt Nam, Nguyễn Văn Sắc thường đến gặp các bạn bè, nhờ họ kể cho nghe gương chiến đấu sáng ngời của các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám... Những bài thơ, văn hừng hực tinh thần yêu nước của cụ Phan Bội Châu làm cho anh rất thích. Đêm đêm anh đốt đèn tới khuya để "đọc sách của nước nhà". Sách ấy đã truyền cho anh "khí thiêng" dân tộc.

Thấm thoát đã bốn năm, kể từ khi Nguyễn Văn Sắc bước chân vào học trường Bưởi, khóa học kết thúc, Nguyễn Văn Sắc lĩnh bằng tốt nghiệp kỳ thi thành chung. Kỳ thi này anh đỗ đầu bảng. Tin ấy đến với gia đình anh làm mọi người đều vui. Riêng anh thì lại thấy buồn. Điều này biểu hiện khi gia đình định mở tiệc ăn mừng, liền bị anh gạt đi. Anh không muốn làm chuyện om sòm trong khi đất nước vẫn chìm trong bóng tối.

Một hôm, Nguyễn Văn Sắc đang ngồi câu cá ở ao Bô, chợt người nhà ra báo có khách đến. Vị đốc học Hà Nội xuất hiện với giọng niềm nở báo tin vui cho gia đình biết: Chính phủ bảo hộ quyết định cho Nguyễn Văn Sắc sang học ở bên Pháp, vì anh là học sinh xuất sắc của trường Bưởi. Không một phút do dự, anh từ chối ngay cái "ân huệ" ấy. Vị đốc học gạn hỏi nguyên cớ vì sao lại từ chối "cái mà nhiều người muốn không được" (29).

Nguyễn Văn Sắc trả lời vị đốc học đó rằng: "Vì tôi không thích". Đây là lần thứ nhất Nguyễn Văn Sắc từ chối cái "ân huệ" của thực dân ban cho anh. Cần phải nói rằng ở Hà Nội lúc ấy, có gia đình đã bỏ ra hàng lạng vàng để chạy chọt cho con được sang học bên Pháp hòng kiếm chút công danh, nhưng vẫn không được. Điều này chứng tỏ tư tưởng chống thực dân Pháp của Sắc đã dần dần hình thành.

Nguyễn Văn Sắc chấm dứt cuộc đời học sinh vào năm 1924.


============================
CHÚ THÍCH

1. Ngôi nhà này hiện nay là nhà số 152, phố Bạch Mai Hà Nội.
2. Sau đó, ông Phúc lấy vợ hai. Người vợ hai của ông đẻ được 2 người con trai là Nguyễn Văn Dụng và Nguyễn Văn Lực. Như vậy, ông có tất cả 5 con trai.
3. Lương Văn Can tức Hiếu Liêm (1851 - 1927), người làng Nhị Khê, huyện Thương Phúc, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Thường Tín, tỉnh Hà Sơn Bình), đậu cử nhân khoa Giáp Tuất (1875), một trong những người sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục.
4. Nguyễn Quyền (1869 - 1941), người làng Thượng Trì, huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc, đậu tú tài khoa Tân Mão (1891), làm huấn đạo (chức quan trông non việc học trong một huyện), sau ông từ chức về Hà Nội cùng với Lương Văn Can và một số sĩ phu yêu nước khác sáng lập ra Đông Kinh Nghĩa Thục, được cử làm giám học của trường.
5. Lê Đại, hiệu Từ Long (1875 - 1952) người làng Thịnh Hào (nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội).
6. Võ Hoành (1867 - 1946), người làng Quang (sau đổi là Thanh Liệt), trước thuộc Hà Đông, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội.
7. Đỗ Chân Thiết, tên chính là Đỗ Cơ Quang (- 1915), người làng Thịnh Hào, Hà Nội.
8. Bùi Liêm (1881 - 1916), người làng Giáp Nhị, xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
9. Dương Bá Trạc, hiệu Tuyết Huy (1884 - 1944), người làng Phú Thị, nay thuộc huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng.
10. Phạm Duy Tốn (1883 - 1924), người làng Phượng Vũ, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Sơn Bình.
11. Đông Kinh Nghĩa Thục, Nhà xuất bản Hà Nội, 1982, tr. 200.
12. Trên nóc ngôi nhà 152 phố Bạch Mai, Hà Nội hiện còn ghi chữ "Phúc Thịnh" và ngôi nhà 154 cùng phố này, hiện còn ghi chữ "Phúc Bình".
13, 14, 15, 16. Xem Đường phố Hà Nội của Nguyễn Vinh Phúc, Trần Huy Bá, Nhà xuất bản Hà Nội, 1979, tr. 35 - 36.
17, 18, 19, 20. Xem Đường phố Hà Nội của Nguyễn Vinh Phúc, Trần Huy Bá, Nhà xuất bản Hà Nội, 1979, tr. 35 - 36 và 64.
21. Hiện nay mái trường này vẫn còn. Trên tường còn dòng chữ Hán: Công ích học đường.
22. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, NXB Sự Thật, Hà Nội 1980, tr. 478.

23. Ô-nhe-tốp: Quốc tế cộng sản và phong trào cách mạng ở Việt Nam, trong cuốn "Quốc tế cộng sản và Phương Đông", Mát-xcơ-va 1969, bản dịch, viết tay, tr.2
24. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, NXB Sự Thật, Hà Nội 1980, tr. 320.

25. Vụ nổ bom ở Thái Bình xảy ra ngày 12-4-1913 do Phạm Văn Tráng thực hiện, giết chết tuần phủ Nguyễn Duy Hàn. Anh bị thực dân Pháp xử tử tại Hỏa Lò, Hà Nội, ngày 24-4-1913. Vụ nổ bom ở Hà Nội ngày 26-4-1913, do Nguyễn Văn Túy thực hiện, giết chết hai thiếu tá Pháp là Sa-puy (Chapuis) và Mông-grăng (Mongrant) và làm bị thương 6 tên khác. Xem Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858 - 1945), tập 2, của Dương Kinh Quốc, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1982, tr. 200 - 201.
26. Hoàng Trọng Mậu chính tên là Nguyễn Đức Công, tự là Báu Thụ (1874 - 1916), người làm Cẩm Trường, nay là xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ Tĩnh. Anh là một trong những nhân vật trọng yếu của Việt Nam quang phục hội, bị thực dân Pháp bắt vào khoảng cuối năm 1914 hoặc đầu 1915 tại Hương Cảng. Tháng 6-1915, tòa án thực dân bắt đầu xử anh ngày 21-1-1916, chúng tuyên án tử hình anh.
27. Tủ sách của Nguyễn Văn Sắc, gia đình còn giữ được tới ngày nay. Trong số sách còn lại, có nhiều cuốn sách quí bằng chữ Pháp.
28. Hiện nay là chùa Bà Đanh.
29. Theo lời thuật của cụ Nguyễn Văn Lực, ngày 3-12-1985. Cụ Lực là con út của gia đình Nguyễn Văn Phúc. Cụ hiện ở nhà số 148 phố Bạch Mai, Hà Nội.

thuyduong
  • Số bài : 141
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 09.03.2005
  • Nơi: HN
RE: Nguyễn Phong Sắc-Một người cộng sản đầu tiên của Hà Nội - 14.12.2005 21:15:48
NGƯỜI TRÍ THỨC YÊU NƯỚC


Thôi học, Nguyễn Văn Sắc ở nhà một thời gian, sau đó xin vào làm việc tại Sở tài chính Đông Dương.

Trong những ngày chưa đi làm việc tại Sở tài chính, Nguyễn Văn Sắc có dịp đi chơi khắp phố phường Hà Nội. Anh tìm đọc những cuốn sách, những bài báo nói về nhân tình thế thái, qua đó, anh hiểu xã hội Việt Nam hơn.

Hà Nội lúc ấy như một bức tranh mô tả sự hỗn độn. Trong khi ở hiệu mỹ trang Pôn Sa-bô (Paul Chabot), những người quí phái chen chúc mua những đồ nữ trang đẹp nhất, thì tại hiệu thuốc Hồng Khê ở nhà số 31, phố chợ Hôm, người ta chen chúc nhau để mua thuốc chữa bệnh lậu, giang mai, một chứng bệnh đang hoành hành dữ dội. Luật pháp phải bất lực trước những con dao nhọn, những khẩu súng liên thanh của các băng cướp. Đâu đâu cũng có cướp, ngày nào cũng có cướp. Người dân trong thành Hà Nội lúc nào cũng nơm nớp lo sợ cướp đến. Nhiều hôm trời chưa tối hẳn, vậy mà nhiều phố phường, nhà nào nhà nấy đã phải đóng cửa. Có lần cướp xông vào nhà số 71, phố Hàng Gai cướp của. Chúng mặ cáo ba-đờ-suy, tỏ vẻ lịch thiệp, gọi cửa vào mua hàng. Khi nhà hàng vừa mở cửa, ba tên lao như bay vào nhà. Một tên đóng cửa, một tên chặn cửa nhà trong, một tên trói chủ hiệu lại, giơ dao găm ra dọa nếu kêu y sẽ đâm chết. Bà chủ hiệu chống lại, chúng đánh cho một trận nhừ tử, rồi cuỗm đi một nghìn hột vàng, 3 đôi xuyến vàng và 32 cái nhẫn vàng. Chuyện này đã được báo chí lúc ấy tường thuật tỉ mỉ. Có tên cướp như Ban Đức Lưu, mới 16 tuổi, tung hoành từ Hà Nội đến Hải Phòng để cướp. Có lần, y xông vào nhà ông Triệu Chiêu Dương, cướp 180 phơ-răng của gia đình ông, rồi đâm chết luôn ông cùng vợ và 2 đứa con.

Nguyễn Văn Sắc đau xót cho một xã hội hỗn loạn như thế. Nhưng anh chẳng biết làm gì hơn, ngoài tiếng thở dài.

Một hôm, anh nhận được giấy báo đến Sở tài chính Đông Dương làm việc.
Gia đình chuẩn bị cho anh trở thành một viên chức khá chu đáo: mua thêm cho anh những bộ quần áo mới, mũ cát trắng và giày. Nếu như hồi còn là học sinh, anh thường đội khăn xếp, thì nay đi làm, anh chuyển sang đội mũ cát trắng. Điều mà anh không ngờ tới là gia đình còn lo sắm riêng cho anh một chiếc xe tay bọc đồng vàng và thuê người kéo xe cho anh đi làm hàng ngày. Những ngày đầu, anh đến sở bằng xe tay. Nhưng chỉ vài ngày sau đó, anh dứt khoát không đi xe tay nữa. Người phu xe thấy vậy, ban đầu tỏ vẻ lúng túng nhưng rồi cũng mạnh dạn gặp anh hỏi xem chẳng hay có điều gì làm anh phật lòng. Anh ôn tồn bảo người phu xe: "Tôi chẳng có gì giận anh đâu. Tôi chỉ nghĩ rằng anh và tôi đều là dân nô lệ cho người Pháp. Anh kéo xe cho tôi ngồi, điều đó có nghĩa kẻ nô lệ kéo xe cho kẻ nô lệ. Tôi thấy ngậm ngùi cho thân phận cả anh lẫn tôi, thân phận kẻ mất nước. Vì vậy, tôi không thể ngồi xe để anh kéo" (1). Không ngồi xe tay, Nguyễn Văn Sắc trở về với chiếc xe đạp An-si-ông. Hàng ngày anh dậy sớm, cơm ưnớc xong xuôi rồi đạp xe đến sở làm việc.

Tại Sở tài chính, Nguyễn Văn Sắc được phân công làm việc ở phòng 4. Phòng này chuyên làm kế toán ngân sách Đông Dương.

Vốn là người tính toán nhanh, chính xác, lại thông thạo tiếng Pháp, chẳng bao lâu anh thanh niên Sắc trở thành một nhân vật nổi tiếng ở "sở phi-năng" (2).
Cuối năm 1924, Sắc được đề bạt làm tham biện (3).

Tiếng tăm của anh càng vang dội, làm cho tên Pê-sôn-rơ (Pechontre), phó giám đốc sở phải ký quyết định trả lương cho anh mỗi tháng 100 đồng. Với số tiền này, Nguyễn Văn Sắc có thể nuôi sống cả gia đình khá dư dật. Có điều là "làm được nhiều tiền thật, nhưng nét mặt anh Sắc lúc nào cũng đượm vẻ buồn, ít nói, ít cười" (4).

Do đó đồng tiền dư dật của Sắc, ông Phúc tính đến chuyện làm nhà gạch. Năm gian nhà lá dần dần được thay thế bằng năm gian nhà gạch khang trang. Trong nhà có cả hoành phi, câu đối (5).

Có nhà gạch đàng hoàng, ông Phúc bắt đầu tính đến chuyện hỏi vợ cho Sắc.
Một hôm, có vị tri phủ Khoái Châu tên là Trịnh Đình Chương, bạn cố tri của ông Phúc, đến chơi nhà. Qua câu chuyện tâm tình, ông Chương biết ông Phúc đang tìm vợ cho Sắc. Ông Chương nói với ông Phúc rằng: "Tôi có con gái thứ ba tên là Cán, xấu người nhưng tốt nết. Nếu cậu Sắc không chê, tôi cho đấy" (61). Lời nói đơn giản của ông Chương, vậy mà Nguyễn Văn Sắc và Trịnh Thị Cán nên vợ nên chồng.

Đám cưới của viên công chức cao cấp Đông Dương Nguyễn Văn Sắc đẹp duyên cùng Trịnh Thị Cán đượctổ chức vui vẻ tại nhà ông Phúc vào một ngày cuối năm 1924. "Hôm đi đón dâu, chú rể Sắc mặc quần trắng, áo the, đầu đội khăn xếp, trông sang trọng, nhưng mặt anh vẫn thấy buồn" (7).

Cán sinh năm 1900, hơn Sắc hai tuổi. Hai người sống rất thuận hòa. Mối tình gắn bó giữa Nguyễn Văn Sắc và Trịnh Thị Cán trở thành cái cầu bắc nhịp giữa hai vị thông gia. Được ông Phúc mang chuyện thực dân Pháp đàn áp dã man người Việt Nam bị đày ở Côn Đảo kể cho ông Chương nghe, làm cho vị tri phủ Khoái Châu trạnh lòng. Ông Chương bắt đầu hoài nghi chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương. Ông nghĩ đến cuộc sống cực khổ của nhân dân làng Cự Đà, Thanh Oai, Hà Đông, quê hương ông. Ông cũng nghĩ đến cuộc sống khổ cực của nhân dân Khoái Châu, nơi ông đang làm tri phủ. Ông nghĩ người dân Khoái Châu không ngoa khi truyền tụng câu nói: "Oai oái đến phủ Khoái xin cơm". Chính ông đã từng chứng kiến cảnh nhân dân chết đói trước phủ đường nơi ông làm việc. Ông nhớ lại cuộc đời chẳng hay ho gì của ông trước lúc nhậm chức tri phủ. Đó là khi còn học trường hậu bổ (8),

Ông được chứng kiến bọn thực dân chửi rủa học sinh Việt Nam rất thậm tệ. Rồi quãng đời làm thông ngôn, ông đã thấy bọn thực dân gọi người Việt am là "man di", "mọi rợ". Ông chẳng ưa gì bọn thực dân, càng căm hét những tên quan lại người Việt Nam hống hách với nhân dân. Có lần ông chửi vỗ mặt một tên tổng đốc về tôi y ức hiếp dân quá đáng. Tên tổng đốc trả thù ông bằng cách xúi bẩy quan trên của y điều ông đi làm tri huyện Phú Bình, Thái Nguyên, rồi làm tri huyện một huyện ở Lạng Sơn, sau đó lại làm thương tá (9) ở Tuyên Quang. Làm thương tá có nghĩa là gián tiếp ông bị cách chức. Trước cái chết của người vợ hiền, ông càng buồn hơn. Ông chỉ còn gửi gắm hy vọng vào người con rể thông minh Nguyễn Văn Sắc (10).

Với con gái ông, Trịnh Thị Cán, từ ngày về chung sống cùng Nguyễn Văn Sắc, lúc nào cũng chu đáo và tâm đầu ý hợp với chồng... Ngoài công việc gia đình, chị còn làm nhiệm vụ của một người "coi sách" cho chồng. Sắc tích trữ rất nhiều sách quốc ngữ, chữ Hán, chữ Pháp, gồm đủ các thể loại: văn học, toán học, kinh tế, tài chính... Với số sách ấy, Cán bảo quản rất cẩn thận. Cụ Nguyễn Văn Lực kể lại rằng: "Chúng tôi vô cùng tự hào vì có một người chị dâu như chị Cán". Còn bạn bè gần xa của Nguyễn Văn Sắc cũng đều thừa nhận là Sắc có một người vợ trung hậu và rất mực thương yêu chồng.
Năm 1926, Trịnh Thị Cán sinh con trai đầu lòng là Nguyễn Văn Dung (11).

Sau đó, tới năm 1928, chị lại sinh người con trai thứ hai cũng là người con trai út, là tên Nguyễn Văn Vinh (12).

Từ ngày có con anh Sắc khá bận bịu với công việc gia đình. Anh muốn chia sẻ nỗi vất vả của công việc nội trợ mà vợ anh phải cáng đáng. Tuy vậy, chị Cán không muốn để anh sa đà vào những việc tủn mủn. Chị đã làm thay anh nhiều việc để anh có thời gian đọc sách, dạy học và làm việc ở công sở. Anh rất biết tình cảm tốt đẹp đó của vợ đối với anh, nên mặc dù sống với đồng lương dư dật, anh không hề sa đà vào vòng ăn chơi. Anh dành tiền để nuôi gia đình, mua sách và dành thời gian rỗi rãi để dạy các em và con em hàng xóm láng giềng học ngay tại căn nhà của anh. Lúc đầu anh Sắc dạy 3 học sinh là Nguyễn Văn Lực, Nguyễn Đình Lạp và Nguyễn Văn Đang. Lực là em Sắc, Lạp là cháu Sắc, còn Đang cũng là người họ hàng của Sắc, về sau lớp học đông dần. Tiếng tăm của thầy giáo Sắc càng vang xa, lớp học càng đông. Nhiều học trò nhờ công giáo dục của thầy Sắc, đã trưởng thành nhanh chóng. Có người trở thành nhà văn như Nguyễn Đình Lạp. Có người trở thành công nhân lái xe lửa như Nguyễn Văn Lực... Mặc dù chỉ là ông giáo"nghiệp dư", song anh Sắc đã đào tạo được một lớp người xứng đáng.

Ngoài việc dạy học ra, công việc ở sở tài chính vẫn cuốn hút anh. Tại đây, anh kết bạn với nhiều đồng nghiệp, trong đó, phải kể đến Trịnh Bá Bích (13), Hồ Trọng Hiếu (14), và Trần Quang Huyến (15). Thực ra cả Bích, Hiếu và Huyến đều đã quen biết Sắc ngay từ khi họ còn học với nhau ở trường Bưởi. Ban gày đi làm việc ở sở, tối về "bộ tứ" Sắc, Bích, Hiếu, Huyến thường gặp nhau ở nhà Sắc, làng Bạch Mai (16), hoặc nhà Huyến ở phố Công sứ Mi-ri-ben (Rue Résident Mitibe (17),

Bích là người hiền lành, Sắc là người thông minh, Hiếu là người khôi hài. Còn Huyến là người cẩn thận. Trong lúc chuyện trò, Sắc hay nói chuyện văn thơ yêu nước. Còn Hiếu hay pha trò bằng những câu châm biếm bọn viên chức thực dân làm việc ở sở tài chính. Cuộc đời của Hiếu có phần cay đắng hơn cuộc đời của Sắc, Hiếu phải chật vật lắm mới kiếm được mảnh bằng thành chung để lọt được vào làm ở sở tài chính. Làm việc ở sở tài chính, Hiếu có dịp quan sát khá đầy đủ bộ mặt của bọn thực dân và bọn tay sai ra vào nơi đây để buôn bán đồng tiền. Chúng là bọn quan lại tham lam bỉ ổi đủ các cỡ, đến nỗi có lần, Hiếu đã phải thốt lên: "Ghét kẻ chui luồn kẻ quắt quay" (18).

Tại Sở Tài chính, Hiếu lập ra một "làng thơ nho nhỏ". Sắc không quen nghề thi ca, nhưng tuyên bố ủng hộ "làng thơ nho nhỏ" của Hiếu, và những buổi bình thơ tại sở, Sắc đến dự nghe rất đều. Có lần, Hiếu đọc cho Sắc nghe một bài thơ nói về Hà Nội:

"Anh em Hà Nội ta ơi
Gương cao đã tỏ cho đời soi chung.
Người văn vật, đất Thăng Long
Hãy còn chí khí anh hùng, khá khen!"
Bài thơ này, sau đó được Hiếu bổ sung viết thành một bài thơ dài (19),

Sắc thích bài thơ ấy vô cùng. Âm hưởng của bài thơ đã góp phần làm thức dậy trong lòng Sắc một niềm tự hào về nơi chôn rau cắt rốn của anh: "Đất Thăng Long". Đất ấy có cái xung khí của rồng bay, đồng thời cũng có cái nẩy mầm của sự sống.
Công việc ở Sở tài chính, ngày càng bề bộn, ngờm ngợp lên những chồng giấy tờ "cao như non bộ", làm cho Nguyễn Văn Sắc vốn lúc đầu hăm hở với nó, nhưng về sau anh thấy nó "ngây ngấy sốt". Bởi vì, nhìn bề ngoài trông nó có vẻ đang hoàng nghi vệ, nhưng thực ra nó có khác gì cảnh ao tù nước đọng. "Có những hôm anh Sắc đi làm về là gieo ngay xuống giường nằm thở dài thườn thượt!" (20).

"Cơn sốt lòng" đến với Nguyễn Văn Sắc là qua những con số mà anh đã phân tích, tổng hợp, ngày càng thấy rõ những tội ác tày trời của chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương. Bằng chuyên môn của mình, anh biết rất rõ rằng ngay từ năm 1898, Chính phủ Pháp đã lập ra ngân sách Đông Dương nhằm thống nhất sự thu, chi của cả Đông Dương vào tay người Pháp. Ngân sách Đông Dương tăng lên vùn vụt bởi sự bóc lột, vơ vét của thực dân Pháp đối với Đông Dương. Một trong những biện pháp làm cho đẫy tiền Đông Dương căng phồng lên là chính sách thuế khóa, Mọi người dân Đông Dương bất kỳ ở lứa tuổi nào đều phải nai lưng ra gánh chịu mỗi ngày một nhiều thứ thuế. Chúng tìm mọi cách để tăng thuế: thuế trực thu có thuế thân, thuế điền, thuế gián thu có thuế rượu, thuế muối... Thuế má như chiếc gậy khổng lồ giáng xuống lưng người dân Việt Nam. Còn người Pháp lại vô cùng béo bở. Các nhà buôn Pháp mang hàng vào Việt Nam không phải nộp thuế. Người Pháp lập xưởng máy trên đất Việt Nam, nhưng không phải nộp thuế đất... Đau xót vô cùng và tàn nhẫn vô cùng trước cảnh thực dân Pháp dùng ngân sách Đông Dương để nuôi dưỡng bộ máy thống trị. Chúng bắt nhân dân lao động Đông Dương làm còng lưng để cho ngân sách Đông Dương phình ra. Khi ngân sách Đông Dương căng phình ra, chúng ăn tiêu càng phè phỡn. Toàn quyền Đông Dương đã quyết định dành 70% các ngân sách để chi tiêu cho bộ máy thống trị của Pháp và tay sai của Pháp ở Đông Dương. Một công chức Pháp tuy làm công việc như công chức Việt Nam nhưng lại được hưởng lương gấp 16, 17 lần một công chức Việt Nam. Lương chính và các khoản khác của một viên toàn quyền Đông Dương thường gấp tới 454 lần một tùy phái người Đông Dương... đấy, những con số mà Sắc nắm được cứ đập vào mắt anh, như những chiếc gai nhọn đâm vào mắt, làm anh vô cùng nhức nhối, khó chịu. Không biết thì thôi, nhưng một khi đã biết lại càng thêm đau xót.

Trong khi địch họa ghê gớm như vậy, thiên tai cũng liên tiếp giáng xuống dân lành. Trên bàn làm việc của Sắc để các sổ sách thống kê, ghi rõ những thiệt hại mà nhân dân Đông Dương phải gánh chịu qua những trận lụt khủng khiếp của các năm 1902, 1903, 1904, 1905, 1909, 1911, 1913, 1915, 1917, 1918, 1923, 1924, 1926... Riêng trận lũ lụt xảy ra năm 1926, nhân dân gọi là "lụt Bính Dần", đã làm cho hầu như toàn bộ đồng bằng Bắc Bộ bị ngập, mất trắng hàng chục vạn mẫu lúa. Nhà cửa, gia súc bị thiệt hại không thể lường được. Đất nước lúc bấy giờ thật sự lâm vào cảnh:

"Khắp nơi máu đổ nhà xiêu
Cửa ô, thành quách tiêu điều xót xa" (21).

Trước cảnh đất nước như vậy, Sắc thấy mệt mỏi và chán chường. Lại thêm những chuyện chướng tai gai mắt xảy ra hàng ngày trong xã hội thực dân và trong sở tài chính, làm anh càng thấy tủi hờn cho kiếp đời nô lệ. Sắc mang nỗi sầu bi này tâm sự với Huyến, Huyến là hội viên Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội từ cuối năm 1926. Nghe Sắc bày tỏ nỗi lòng, Huyến xúc động thấy Sắc là người có chí hướng.

Cho tới một hôm vào cuối năm 1926, các anh Nguyễn Danh đới (22), Vương Văn Mùi (23) và Trần Quang Huyến là những hội viên của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội đến nhà Sắc để tuyên truyền cách mạng cho Sắc. Các anh đưa cho Sắc đọc những số báo Lơ Pa-ri-a (Le Paria), trong đó có nhiều bài do đồng chí Nguyễn ái Quốc viết về vấn đề cách mạng thuộc địa. Những bài viết của cụ Phan Bội Châu đã giúp Sắc có được những nhận thức về đất nước con người Việt Nam. Rồi phong trào cách mạng thế giới, cách mạng Việt Nam được phản ánh qua sách, báo có tác dụng nâng nhận thức tư tưởng của Sắc lên một bước mới.

Sau đó ít lâu, vào đầu năm 1927, các anh Đới, Mùi và Huyến lại đến gặp Sắc. Lần này các anh nói với Sắc về một tổ chức cách mạng có xu hướng xã hội chủ nghĩa đã được thành lập. Đó là Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Các anh gợi ý cho Sắc nên gia nhập tổ chức này. Sau khi hỏi cặn kẽ về mục đích và chương trình hoạt động của Thanh Niên(24),

Sắc quyết định xin gia nhập tổ chức ấy. Việc gia nhập Thanh Niên là bước ngoặt tư tưởng trong cuộc đời của Sắc. Từ đây, Sắc được đứng trong một tổ chức cách mạng, cùng với đồng đội của mình và nhân dân mình đánh đuổi thực dân, giải phóng Tổ quốc. Được biết đồng chí Nguyễn ái Quốc tác giả cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp và tác giả của những bài đăng trên báo Lơ Pa-ri-a, chính là người sáng lập ra Thanh Niên, Sắc càng tin tưởng vào tổ chức của mình. Với Nguyễn ái Quốc, Sắc coi đó như một ngôi sao sáng dẫn anh đi tới thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Từ đây, Nguyễn Văn Sắc mang tên đệm mới: Nguyễn Phong Sắc.
Chi hội Thanh Niên đầu tiên của Hà Nội được thành lập vào cuối năm 1926 do Nguyễn Công Thu (25), lúc ấy là liên lạc cho Tổng bộ Thanh niên đứng ra vận động. Đầu tiên, Thu kết nạp Mai Lập Đôn (26), dần dần số hội viên lên tới 11 người (bao gồm những người được kết nạp tại Hà Nội và những người được đồng chí Nguyễn ái Quốc kết nạp tại lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu, Trung Quốc, và được cử về hoạt động tại Hà Nội (27).

Riêng TrầnQuang Huyến trong một thời gian ngắn đã xây dựng được 4 tổ Thanh Niên: một tổ ở thôn Lạc Trung (Ô Đông Mác), quê vợ anh, 2 tổ ở nhà số 6 và nhà số 24 phố Bát Đàn. Còn một tổ ngay tại nhà anh. Tổ này gồm 3 anh em ruột: Trần Quang Huyến, Trần Thế Huân (29) và Trần Tích Chu (30).

Khi thành lập, chi hội qui định mỗi hội viên phải giác ngộ được 2 người trở lên, cứ thế mà phát triển thành tổ "tam tam" (tổ ba người). 11 hội viên lúc ban đầu trực tiếp đứng ra giác ngộ quần chúng tốt, rồi đưa họ vào tổ chức, qua đó mà thành lập 11 tổ và cứ thế lớn dần lên. Nhiều hội viên rất năng nổ trong cuộc vận động đưa người vào hội trong đó, phải kể đến Nguyễn Công Thu. Mai Lập Đôn, Trần Quang Huyến, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Danh Đới, Vương Văn Mùi, Mai ThịVũ Trang (28)...

Nguyễn Phong Sắc là một trong số hội viên làm tốt công tác giác ngộ thanh niên vào hội. Sau khi kết nạp được hội viên, anh đứng ra thành lập một tổ. Tổ của Sắc lúc đầu có 2 người, sau được thêm Trịnh Ngọc Long (31).


Tổ của Sắc thường sinh hoạt tại nhà anh, làng BạchMai. Những cuộc họp liên tổ thường được tổ chức ở nhà Sắc hoặc nhà Huyến.

Hà Nội vào những năm 1926, 1927, 1928, ngoài các cơ sở tại nhà Nguyễn Phong Sắc và nhà Trần Quang Huyến, tổ chức Thanh Niên còn bắt mối được nhiều cơ sở khác như nhà số 92 phố Chợ Đuổi (nay là nhà tám mái ở phố Tô Hiến Thành), chủ nhà là bà Quyên; nhà số 14 phố Đại La (ngã tư Trung Hiền) là nhà của bà Hồi ở Hoàng Mai; một nhà ở ngay cạnh cổng chùa Hương Tuyết, Bạch Mai; nhà số 15 phố Hàng Nón, chủ nhà là bà Thuận Mỹ; nhà số 37 ngõ TânHưng (nay là ngõ tức Mạc)... Những cán bộ của Thanh Niên như các anh Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Nguyễn Phong Sắc, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Danh Đới, Đặng Xuân Khu, Trịnh Đình Cửu... thường qua lại những nơi ấy để hoạt động. NHưng cơ sở mà các nhà cách mạng đi lại nhiều hơn cả vẫn là ngôi nhà số 47 phố Mi-ri-ben, nhà của Trần Quang Huyến. Ngôi nhà này nằm ở một đường phố trung tâm của Hà Nội, gần ga Hàng Cỏ, nên việc đi lại khá tiện lợi. Nhà có hai lớp, tường vách trát vôi vữa, mái lợp ngói ta. Lớp ngoài có hai gian với một lối đi giữa và một cửa ngách. Cách một cái sân là lớp nhà trong, có một gian nhỏ, là phòng ở của Trần Thế Huân và Trần Tích Chu. Phòng này tuy hẹp, nhưng rất kín đáo. Anh em vẫn đến tụ tập nơi đây, gặp gì ăn ấy, sống giản dị, xuề xòa, nhưng tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng. Nơi đây còn là một "trường học" đào tạo các tổ trưởng Thanh Niên. Giảng viên là những cán bộ chủ chốt của Thanh Niên. "Bắt đầu, anh Nguyễn Danh Đới..., anh Trần Văn Cung tức Tú đến giảng một thời gian ngắn. Anh Nguyễn Đức Cảnh tức Trọng đi lại huấn luyện khá lâu. Rồi anh Đặng Xuân Khu đến kết thúc" (32).

Sẽ không đầy đủ nếu không trích những dòng sau đây của Trần Quang Huyến về chân dung những cán bộ chủ chốt của Thanh Niên hoạt động tại Hà Nội trong những năm 1927, 1928 và đầu năm 1929: "Nguyễn Danh Đới đến nhà tôi toàn di bộ. Vóc người đậm đà, dáng điệu ung dung trong bộ âu phục chỉnh tề. Anh nói năng hòa nhã, tính khí hiền hậu. Anh em đều mếm... Anh Trần Văn Cung lúc đó người vạm vỡ, thường vận âu phục, tính hạnh chân thực, khiêm tốn và nhã nhặn, được anh em quý mến. Anh Nguyễn Đức Cảnh tức Trọng, dáng người nhỏ nhắn, xinh xắn, nét mặt cứng cỏi, đôi mắt sáng, tỏ vẻ thông minh, lanh lợi. Anh thường mặc bộ quần áo tây, cổ đứng, đi đôi giày vải. Khi ở ngoài đường, anh rảo bước nhanh nhẹn, mắt luôn luôn để ý cảnh giác. "Tránh chạm trán với những quân chó săn" là điều anh em thường được nghe anh nhắc nhở luôn. Một chiến sĩ lỗi lạc như anh, bồi dưỡng thêm cho chúng tôi những lý luận chính trị thực tế; do đó, sự hiểu biết của anh chị em có tiến bộ rõ rệt. Mọi người đều mến anh. Anh Đặng Xuân Khu, dáng người nhã nhặn như một thư sinh. Anh thường đội mũ trắng, mặc quần áo ta, đi đôi giày ta. Nét mặt lúc nào cũng tươi. Thoạt trông thấy anh, anh đã vui cười. Thật là lạc quan cách mạng. Anh nói rất vui, rõ ràng, lưu loát. Tính hạnh nhã nhặn, khiêm tốn. Anh em rất mến phục" (33).

Ngôi nhà của Trần Quang Huyến được chọn làm trụ sở liên lạc bí mật của Thanh Niên, đưa cán bộ ra nước ngoài và đón cán bộ từ nước ngoài trở về hoạt động. Ngôi nhà của Nguyễn Phong Sắc được chọn làm địa điểm của những cuộc họp tuyệt mật có cán bộ của Tổng bộ và Kỳ bộ Bắc Kỳ của Thanh Niên tới dự. Gia đình ông Phúc đã dành một căn phòng nhỏ, phía sau bàn thờ Phật, rất kín đáo, để hội họp. Lúc ấy, Bạch Mai còn là khu ngoại ô, ít người qua lại nên việc hội họp ở nhà Sắc là rất thuận lợi.

Từ ngày được đứng trong Thanh Niên, Nguyễn Phong Sắc hoạt động cho tổ chức nhiều hơn làm việc ở sở tài chính. Những ngày anh "cáo ốm", vắng mặt ở sở, chính là lúc anh đang giải quyết công việc của đoàn thể. Tổ chức Thanh Niên càng phát triển, việc chi phí mọi mặt như in tài liệu, mua sách báo..., ngày càng nhiều. Điều đó đòi hỏi phải có tiền. Kỳ bộ Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội (34) kêu gọi sự đóng góp của các hội viên. Nguyễn Phong Sắc hưởng ứng lời kêu gọi bằng cách hàng tháng đem nửa số tiền lương ủng hộ công quĩ. Việc làm của anh được tổ chức đánh giá như một nghĩa khí.

Đầu năm 1927, công việc ở Sở tài chính thật là bề bộn. Các phòng đều quyết toán ngân sách năm 1926. Nguyễn Phong Sắc không thể thoái thác công việc vì anh là tham biện của sở. Trong lúc công việc đang bề bộn, tại sở có xảy ra một chuyện lôi thôi: một tên xếp người Pháp chỉ vì không vừa ý trước cử chỉ của một nữ nhân viên phục vụ người Việt Nam, y mắng chị ta là "đồ con lợn" (35).

Sắc nghe biết chuyện này. Anh giận lắm, liền đến gặp tên xếp, phản đối lời nói thô bỉ của y. Tên xếp cậy thế "nước mẹ" mắng lại Sắc. Y còn dọa đánh anh nếu anh còn cãi lại.
Về nhà, Sắc buồn ủ rũ, cầm bát cơm lên ăn nhưng không sao nuốt nổi. Từ đấy, hàng ngày đến sở, người ta thấy anh ít ngồi vào bàn làm việc mà cứ thững thờ đi lại vòng quanh sân (36).

Tên Pê-sôn-rơ thấy vậy mời anh vào và hỏi vì sao mà buồn? Không ngần ngại, Nguyễn Phong Sắc trả lời là người Pháp xúc phạm đến danh dự người Việt Nam, khi tên xếp mắng một nữ nhân viên là đồ con lợn, vì vậy mà buồn. Pê-sôn-rơ lúc ấy đang là quyền giám đốc sở, thay tên Nô-rét (M.Nores), đang về Pháp công cán, thấy Sắc than vãn như vậy, y không những không "đấu dịu" với anh, mà còn cậy quyền, cậy thế nói rằng, làm sai người ta mắng là phải. Sắc bực lắm. Anh trở vội vào bàn làm việc, lấy giấy bút ra viết đơn xin thôi việc. Tin Sắc thôi việc làm xôn xao khắp Sở tài chính. "Người ta đóng cửa phòng lại bàn tán rất ghê. Nhiều người không cắt nghĩa nổi tại sao một viên công chức cao cấp như thế lại đùng đùng xin thôi việc? Chỉ có những người bạn chí cốt của anh mới hiểu được nỗi lòng của anh và càng khâm phục anh". Cụ Hồ Trọng Hiếu, người bạn đồng nghiệp với anh ở Sở tài chính, có kể lại như vậy.
Không cần một lời đáp lại của Pê-sôn-rơ, ngay từ hôm sau, anh không đến sở làm việc nữa. Tên Pê-sôn-rơ cho tay chân đến nhà dụ dỗ thế nào anh cũng không chịu đi làm. Chúng dọa đưa anh ra tòa, anh cũng mặc. Đây là lần thứ hai Nguyễn Phong Sắc từ chối "ân huệ" của thực dân đối với anh. Lòng tự tôn dân tộc đã đưa anh đến hành động này. Đối với anh, chức vụ và đồng tiền không còn có ý nghĩa gì một khi nhân dân Việt Nam đang còn sống trong vòng nô lệ, đang bị xúc phạm.

Rời Sở tài chính, Nguyễn Phong Sắc làm cuộc hành trình tới nhiều nơi. Đầu tiên anh ra Hồng Gai đất mỏ, sau đó ngược lên Lạng Sơn, rồi xuống Ninh Bình, Cụ Hồ Trọng Hiếu cho biết sau khi thôi việc ở Sở tài chính, Sắc còn đi đến tận Sầm Nưa (Lào) và có viết thư về cho Cụ. Nữ sĩ Ngân Giang tả chuyến đi của Sắc:

"Rồi từ đấy ra đi không hẹn
Hết Ninh Bình lại đến Hồng Gai
Nước Lào "pa-thét" khắp nơi
Tìm người đồng chí ngỏ lời núi sông".

Tung hoành xứ sở Đông Dương một thời gian, Nguyễn Phong Sắc lại trở về Bạch Mai, Hà Nội vào giữa năm 1927. Khi Sắc trở về, xảy ra nhiều biến cố lịch sử. Tháng 5 năm ấy, một vạn rưởi nhân dân Hà Nội thuộc đủ các tầng lớp cùng nhau biểu tình trước tụ sở tờ báo Dân, một tờ báo bênh vực thực dân Pháp, đăng bài đả kích các nhà chí sĩ Việt Nam. Trước sức đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân Hà Nội, tờ báo Dân phải đình bản. Liền sau đó, tháng 6, hàng vạn nhân dân Hà Nội nô nức kéo đến nghĩa trang Hợp Thiện, tưởng niệm nhà yêu nước Lương Văn Can vừa từ trần. Lòng căm thù của nhân dân Hà Nội càng bùng lên khi quân đội Pháp tỏ thái độ khiêu khích, ngăn cản. Cuộc chống trả của nhân dân làm cho bọn lính Pháp hốt hoảng. Song cuối cùng chúng đã bắt đi nhiều người và làm bị thương một số người.

Hai sự kiện náo động Hà Nội lúc ấy đã làm cho người dân Hà Nội phải suy nghĩ nhiều trước vận mệnh của đất nước. Nguyễn Phong Sắc cũng nằm trong suy tư chung của nhân dân Hà Nội. Anh nảy ra ý nghĩ muốn trở về với nghề dạy học để truyền đạt cho học sinh những tư tưởng yêu nước qua những vần thơ, bài văn của Đông Kinh Nghĩa Thục và của các bậc sĩ phu, trong đó có thơ văn của cụ Phan Bội Châu. được Trịnh Bá Bích làm môi giới, Sắc xin được vào dạy học tại trường Nguyễn Văn Tòng. Dạy tại trường này một thời gian ngắn, nhà trường thải hồi anh với lý do: lạm dụng những giờ dạy toán để tuyên truyền văn thơ yêu nước Việt Nam.

Rời trường Nguyễn Văn Tòng, Nguyễn Phong Sắc tự động làm đơn xin dạy lại trường Thăng Long, một trường tư thục nổi tiếng Hà thành bởi có nhiều thầy giáo dạy giỏi. Trong những ngày dạy học tại trường Thăng Long, Nguyễn Phong Sắc càng có nhiều điều kiện tiếp xúc với những trí thức yêu nước, đồng thời cũng được đọc thêm nhiều sách, báo tiếnn bộ. Trong những ngày này, Sắc càng có điều kiện hoạt động mạnh trong Thanh Niên. Anh đi đến các nhà máy, trường học, để vận động công nhân, học sinh. Anh lui tới xưởng ôtô A-vi-a tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản trong công nhân. Anh đến gặp gỡ và tìm hiểu tình hình công nhân khách sạn Thuộc Địa (Hotel des Colonies) (37),

xem xét những phần tử ưu tú trong công nhân để giác ngộ cách mạng cho họ. Anh thường nói với anh em rằng: "Muốn hoạt động cách mạng tốt, thì phải vào nhà máy làm với công nhân, tiếp xúc với họ, tuyên truyền giác ngộ cho họ" (38).

Từ khi Nguyễn Phong Sắc vào hoạt động cách mạng, bạn bè thấy anh nhanh nhẹn, khỏe mạnh hẳn ra. Trên gương mặt hiền hòa đã thấy lấp ló nụ cười mà trước đó người ta không thấy xuất hiện. Anh sống chân tình với anh em, đồng chí nên ai cũng mến anh, tìm đến anh để hỏi điều này, điều nọ. Căn nhà của anh vẫn là nơi đi lại thường xuyên của những cán bộ cách mạng ở Hà Nội. Vì vậy, anh em mới gọi căn nhà này là "nhà đồng chí". Có người đến ở hẳn nhà anh để hoạt động như Trần Học Hải (39).

Chính anh Sắc đã tìm mọi cách đút lót cho tên cai Kim mấy đồng bạc để xin cho Hải được vào làm thọ nguội ở xưởng A-vi-a. Nhiều người thường xuyên đến trú ngụ và ăn uống tại nhà Nguyễn Phong Sắc như Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Trần Văn Cung... Những người mà sau đó cùng với Sắc thực hiện cuộc vận động thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Với đồng đội, Sắc sẵn lòng hy sinh tất cả. Anh rất tận tâm nuôi nấng các đồng chí để hoạt động. Từ ngày thôi việc ở Sở tài chính, kinh tế gia đình sụt hẳn xuống, song khôngvì thế mà anh từ chối việc các đồng chí đến nhà anh ăn uống. Có những lần, nhiều người ăn quá, Sắc phải đem bán đinhững cuốn sách quí, thậm chí bán cả chiếc xe An-si-ông để lấy tiền đong gạo, mua rau... nuôi đồng chí. Việc làm đầy tinh thần vô sản của Sắc đã thật sự góp phần nhen nhóm lên ngọn lửa hồng cách mạng ở Hà Nội trong những năm chuẩn bị thành lập Đảng.

Từ năm 1928, phong trào vận động quần chúng tham gia các tổ chức cách mạng phát triển mạnh. Nhiều cơ sở được củng cố và mở rộng. Nhiều người trưởng thành từ phong trào cách mạng ở Hà Nội, được cử đi xây dựng cơ sở ở nhiều tỉnh khác. Những người ở lại Hà Nội lo việc tiếp tục gây cơ sở và giác ngộ cách mạng cho quần chúng. Một trong những công việc trước mắt là in tài liệu, truyền đơn. Lúc đầu in tại nhà Trần Trọng Huyến, sau nữa lại dọn đến nhà số 25 ngõ Liên Trì, rồi lại đến ngôi nhà số 11, phố Vi-ê-lê (Rue Wiélé) (40).

Lúc đầu, in bằng thạch, sau anh em nghĩ ra cách in rô-nê-ô để được nhiều bản. Dụng cụ ấn loát để in rất đơn giản. Anh em đóng một chiếc khung gỗ có đáy, đúng với khổ giấy xếp bên trong, trên có nắp đậy. Làm một ống ru-lô, phết một lớp keo bì trâu đun lẫn với thạch cho dẻo quánh để lăn trên giấy được dễ dàng. ống ru-lô quay vòng quanh trục gỗ. Hai đầu trục có hai càng chéo lại để làm chỗ cầm. Bản in bằng giấy trắng rải lên trên miệng dạ, rắc nến bạch lạp, rồi lấy bàn là nóng là lên trên. Nến chảy ra thành giấy bóng. Đem giấy bóng đặt lên giũa sắt, lấy kim đĩa hát làm ngòi bút viết chữ hằn xuống giấy. Đặt giấy nến bóng lên trên giấy in, cầm ru-lô lăn vào mực, vào giấy bóng. Mực thấm những chữ xuống giấy in. Rút tờ trên ra, lại đặt xuống tờ dưới. Mỗi lần in như vậy được tới 200 bản (41).

Thiếu mực, anh em dùng khói đèn dầu hỏa hòa với nước sơn để in. Chữ in ra rất đen và đẹp. Công thức này được coi như một sáng kiến phổ biến rộng rãi cho các "xưởng in" của Thanh Niên ở Hải Phòng, Nam Định... Nhờ có việc cải tiến từ in thạch chuyển sang in rô-nê-ô mà số lượng truyền đơn tăng nhanh, phân phát tới nhiều cơ sở. Có tài liệu, truyền đơn trong tay, những cán bộ của Tỉnh bộ thanh niên Hà Nội càng hoạt động mạnh. Vào dịp kỷ niệm ngày Quốc tế lao động, Cách mạng tháng Mười Nga... đều có phát truyền đơn và treo cờ đỏ búa liềm trong các công sở, trường học, đường phố. Bọn mật thám địch thấy ta hoạt động mạnh, chúng càng khủng bố dữ. Một số đồng chí bị chúng bắt, trong số này phải kể đến Đặng Đình Hướng, hội viên Thanh Niên, sinh hoạt ở tổ 6 phố Bát Đàn. Hôm ấy, ngày 2-5-1928, Hướng được trao nhiệm vụ mang truyền đơn ra phát ở ngoại thành. Vào quãng nhá nhem tối, Hướng mang một bó truyền đơn, đi xe đạp xuống ngã tư Vọng. Tới gần đồn Phương Liệt, anh thấy ba tên mật thám người Việt ở phía dưới đi lên. Anh xuống xe, dựng xe vào cột đèn, giả vờ vào hàng uống nước. Nhanh trí, Hướng nhét gói truyền đơn xuống gầm chõng nhà hàng. Chúng đi tới. Một tên quát to: "Xe của ai đây?". Hướng nói: "Của tôi". Y hỏi: "Tại sao xe không có đèn? Đưa thẻ xem nào?". Chẳng may Hướng lại không có thẻ, nhưng vẫn giả vờ sờ vào túi áo và năn nỉ nói: "Tôi chót bỏ quên ở nhà". Chúng yêu cầu anh dắt xe xuống đồn. Anh vừa dắt xe đi, chợt bà hàng nước vô tình gọi giật lại: "Bác ơi, bác còn bỏ quên cái gói gì kia kìa?". Bọn chúng chạy lại mở ra xem, té ra là gói truyền đơn, thế là chúng xích tay anh lại, đưa về đồn.

Trước tình thế nóng bỏng của Hà Nội, Tỉnh bộ Thanh Niên hoạt động mạnh, Nguyễn Phong Sắc càng hăng hái lao vào việc. Lúc này đây, chàng thanh niên Hà thành ấy thật sự tung cánh bay vào không gian bao la để tiếp tục thực hiện khát vọng mà anh đang vươn tới: giải phóng dân tộc. Anh đã được tổ chức Thanh Niên giao cho nhiều trọng trách.

Ngày 28-9-1928, Nguyễn Phong Sắc tham dự Đại hội lần thứ nhất của Kỳ bộ Thanh Niên Bắc Kỳ. Các đại biểu nhận rõ một trong những nhiệm vụ của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội mà Điều lệ đã qui định là: "Các hội viên phải đi vào quần chúng mà vận động..." Vì thế, Đại hội đã nhận định: Cơ sở Thanh Niên ở các vùng kinh tế quan trọng còn yếu; số lượng hội viên tuy có phát triển, nhưng thành phần đa số là tiểu tư sản học sinh, trí thức. Đại hội chủ trương đưa các hội viên thuộc thành phần nói trên vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền để cùng lao động, cùng ăn, cùng ở với công nhân và nông dân, tuyên truyền, giác ngộ anh chị em đó về chủ nghĩa Mác - Lênin, và lãnh đạo anh chị em đấu tranh đòi các quyền lợi, qua đó, các hội viên tự rèn luyện mình.

Tháng 4 năm 1929, tại Đại hội Tỉnh bộ Thanh Niên Hà Nội,họp ở nhà số 68 phố Nam Đồng, Nguyễn Phong Sắc đã phát biểu ý kiến về cách tổ chức Thanh Niên trong các trường học, xí nghiệp và làng xóm. Đại hội bầu Ban chấp hành Tỉnh bộ Thanh Niên Hà Nội gồm ba người, do Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư. Phạm vi hoạt động của Tỉnh bộ Hà Nội lúc đó gồm cả các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Vĩnh Yên, Phúc Yên,Hưng Yên, Phú Thọ và huyện Gia Lâm thuộc tỉnh Bắc Ninh cũ.

Với trách nhiệm là ủy viên Kỳ bộ Thanh Niên Bắc Kỳ, kiêm Bí thư Tỉnh bộ Thanh Niên Hà Nội, phụ trách công tác tuyên huấn, Nguyễn Phong Sắc đã góp phần quan trọng vào việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Thanh Niên và phát triển tổ chức Thanh Niên. Năm 1929, riêng Bắc Kỳ có hơn 900 hội viên trong số hơn 1.500 hội viên Thanh Niên của cả nước. Từ cuối năm 1928, khi có phong trào "vô sản hóa" và sang năm 1929, sự lãnh đạo của Kỳ bộ Thanh Niên Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Thanh Niên Hà Nội đã có nền nếp, có kế hoạch cụ thể và sát sao hơn trước; nhiều cán bộ hoạt động rất tích cực, thâm nhập công nhân và nông dân, có xu hướng chủ nghĩa cộng sản nhiều hơn trước.

Sự chuyển biến về tư tưởng và tổ chức đó trong Thanh Niên đánh dấu bước trưởng thành nhanh chóng và vững mạnh của Kỳ bộ Thanh Niên Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Thanh Niên Hà Nội; trong đó, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã đóng vai trò một cán bộ lãnh đạo chủ chốt và xuất sắc của phong trào Thanh Niên lúc bấy giờ.

Những nét hoạt động nổi bật đó của đồng chí Nguyễn Phong Sắc trong tổ chức Thanh Niên là điều kiện rất cơ bản để phấn đấu trở thành người cộng sản chân chính. Cũng từ đây, anh bắt đầu thâm nhập phong trào công nhân bằng con đường "vô sản hóa".

=======================
CHÚ THÍCH

1 và 4. Theo lời thuật của cụ Nguyễn Văn Lực, đã dẫn.
2. Finanee: Tài chính.
3. Công chức cao cấp thời thực dân Pháp cai trị.
5. Bức hoành phi có 4 chữ lớn "Thụy khanh lưu thiện" (ý nói làm điều lành sẽ được truyền mãi). Bên trái có hàng chữ nhỏ: "Bản tộc đồng bái phụng". Bên phải có hàng chữ nhỏ: "Mùa thu ất Mão Duy Tân". Như vậy bức hoành phi này có trước khi ông Phúc làm nhà ngói.
6, 7. Theo lời thuật của cụ Nguyễn Văn Lực, đã dẫn.
8. Trường đào tạo quan lại dưới thời phong kiến và thực dân. Hậu bổ là chức quan chờ bổ vào chính ngạch.
9. Chức giúp việc tổng đốc hay tuần phủ.
10. Phần nói về ông Trịnh Đình Chương, chúng tôi dựa vào tài liệu của Đinh Văn Sa. Đình Văn Sa là con rể ông Chương, người làng Cự Đà, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là tỉnh Hà Sơn Bình).
11. Nguyễn Văn Dung, nguyên là công nhân. Năm 1945, tham gia Vệ quốc đoàn, chiến đấu trong Trung đoàn bảo vệ Thủ đô, hy sinh trong trận chiến đấu tại khu vực chợ Đồng Xuân ngày 14-4-1947. Anh là đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương từ năm 1944.
12. Nguyễn Văn Vinh (sau đổi là Nguyễn Phong Vinh), hoạt động cách mạng từ năm 1944, đã trải qua nhiều năm chiến đấu trong quân đội, có thời gian hoạt động báo chí của Thành ủy Hà Nội. Hiện nay công tác tại Ban tổ chức Trung ương Đảng.
13. Trịnh Bá Bích người làng Thượng Phúc, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là tỉnh Hà Sơn Bình), ra Hà Nội ở làng Bạch Mai, nay là phố Bạch Mai.
14. Hồ Trọng Hiếu tức Tú Mỡ (1900 - 1976), nhà thơ trào phúng nổi tiếng Việt Nam, người Hà Nội.
15. Trần Quang Huyến tức Đẩu (1893 - 1967), người làng La Khê, xã Văn Khê, Hoài Đức, Hà Nội.
16. Khi làng Bạch Mai được chuyển thành phố Bạch Mai, ngôi nhà này mang biển số 152.
17. Nay là ngôi nhà số 47 phố Trần Nhân Tông, Hà Nội.
18. Xem Thơ Tú Mỡ, NXB Văn học, Hà Nội, 1971, tr.9
19. Bài thơ này đã được tuyển chọn đăng trong Thơ Tú Mỡ, sách đã dẫn, tr. 78.
20. Theo lời thuật của cụ Nguyễn Văn Lực, đã dẫn.
21. "Thơ Ngân Giang", tài liệu lưu trữ tại gia đình Nguyễn Phong Sắc.
22. Nguyễn Danh Đới tức Điền Hải (1906 - 1944), quê Thái Bình, dự lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu, Bí thư Kỳ bộ Bắc Kỳ của Thanh Niên, hoạt động rất tích cực, bị địch bắt nhiều lần, giam tại các nhà tù Côn Đảo, Bắc Mê (Hà Giang), căng Bá Vấn (Phú Thọ).
23. Vương Văn Mùi (1930), quê Hà Nội, một trong những hội viên của Thanh Niên ở Hà Nội.
24. Gọi tắt của tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội.
25. Nguyễn Công Thu (1894 - ), người xã Đông Trung, phủ Kiến Xương, nay là xã Vũ Trung, huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình. Ông vào Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội năm 1925, làm liên lạc cho Tổng bộ Thanh Niên, có công đưa một số cán bộ sang dự lớp huấn luyện chính trị do đồng chí Nguyễn ái Quốc và Tổng bộ Thanh Niên tổ chức tại Quảng Châu; đồng thời có công giác ngộ được một số người vào Thanh Niên.
26. Mai Lập Đôn (chết năm 1946), quê Thanh Hóa, là một trong những cán bộ của Thanh Niên, hoạt động trong phong trào công nhân. Năm 1927, tham gia ủy viên Kỳ bộ Bắc Kỳ của Thanh Niên.
27. 11 người là:
- Nguyễn Công Thu
- Vi Nam Sơn
- Nguyễn Danh Thọ
- Nguyễn Danh Đới
- Nguyễn Phong Sắc
- Mai Lập Đôn
- Đỗ Mạnh Hàm
- Tạ Đình Tân
- Tạ Đình Tán
- Vương Văn Mùi
và một người nữa.
28. Mai Thị Vũ Trang, là một phụ nữ đầu tiên trong tổ chức Thanh Niên của Hà Nội năm 1926, tham gia phong trào "vô sản hóa" ở Nam Định, hoạt động cách mạng tại Hà Nội, Nam Định... Có tài liệu nói rằng, Mai Thị Vũ trang, cũng là một trong những hội viên đầu tiên của Thanh Niên, Hà Nội.
29. Trần Thế Huân (1895 - 1971), em ruột Trần Quang Huyến, Huân hoạt động trong tổ chức Thanh Niên của Hà Nội từ năm 1927, sau đó vào công tác tại Trung Kỳ.
30. Trần Tích Chu (1897 - 1933) em ruột Trần Quang Huyến và Trần Thế Huân. Chu là một trong những hội viên Thanh Niên của Hà Nội, có thời kỳ là Thành ủy viên Hà Nội; bị bắt và xử án năm 1931, hy sinh tại nhà tù Sơn La năm 1933.
31. Chưa rõ lai lịch.
32. Theo bản Tự thuật của Trần Quang Huyến, đề tháng 10 năm 1962, hiện lưu tại gia đình cụ Trịnh Thị Tĩnh, vợ đồng chí Huyến, nhà số 47 phố Trần Nhân Tông, Hà Nội. Bản Tự thuật dày 18 trang giấy học sinh, rất có giá trị vì nó phản ánh đúng lịch sử. Gia đình cụ Tĩnh coi bản Tự thuật như một cuốn gia phả quí.
33. Theo bản tự thuật của Trần Quang Huyến, đã dẫn.
34. Sau khi Kỳ bộ Bắc Kỳ của Thanh Niên được thành lập vào tháng 3 - 1927, Chi bộ Hà Nội được chuyển thành Tỉnh bộ.
35. Theo sách Những người cộng sản, NXB Thành Niên, Hà Nội, tr. 104.
36. Sở tài chính Đông Dương (thời kỳ Nguyễn Phong Sắc làm việc) ở phố Hàng Trống, khu vực báo Nhân Dân hiện nay.
37. Khách sạn Thuộc Địa lúc ấy ở phố Hàng Trống, Hà Nội.
38. Xem sách Vô sản hóa, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 1972, tr. 20,
39. Tức Trần Hồng Vận, tức Trần Văn Sửu, công nhân xưởng A-vi-a, hoạt động trong phong trào công nhân và Công hội đỏ từ năm 1929.
40. Hiện nay là phố Tô Hiến Thành, Hà Nội.
41. Theo bản Tự thuật của Trần Quang Huyến, đã dẫn.




thuyduong
  • Số bài : 141
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 09.03.2005
  • Nơi: HN
RE: Nguyễn Phong Sắc-Một người cộng sản đầu tiên của Hà Nội - 14.12.2005 21:22:09



NGƯỜI CỘNG SẢN ĐẦU TIÊN CỦA HÀ NỘI


Năm 1929, Việt Nam có nhiều biến động.

Chiều 30 tết Kỷ Tỵ (9-2-1929), trong lúc nhân dân đang chuẩn bị đón giao thừa, thì trên đường phố Huế, Hà Nội, có tiếng nổ. Một tên thực dân ngã xuống. Đó là tên Ba-danh (Bazin), chuyên nghề mộ phu cho các đồn điển ở Nam Kỳ và Cam-pu-chia. Người ám sát tên thực dân có nhiều tội ác này là Nguyễn Văn Viên, một đảng viên của Việt Nam quốc dân đảng.

Sau cái chết của Ba-danh, thực dân Pháp lồng lên như một con thú dữ. Chúng mở chiến dịch khủng bố dữ dội vào các tổ chức và những người chống Pháp. Cuộc khủng bố bắt đầu từ ngày 17-2-1929. Nguyễn Văn Viên bị bắt và tự tử trong tù. Hàng trăm đảng viên Việt Nam quốc dân đảng bị sa lưới giặc. Nhiều tổ chức cở của đảng bị phá vỡ, gây tổn thất nghiêm trọng. Ngày 2-7-1929, chúng mở phiên tòa xử các đảng viên Việt Nam quốc dân đảng. Nhiều hội viên Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội cũng bị bắt cùng với các đảng viên Việt Nam quốc dân đảng.

Trong lúc ở Bắc Kỳ diễn ra cuộc tàn sát đẫm máu những người yêu nước, thì tại Nam Kỳ, ngày 17-7-1929, chúng mở phiên tòa xử nhà yêu nước Nguyễn An Ninh.

Đứng trước những khó khăn đó, một số tổ chức cơ sở của Thanh Niên phải hoạt động phân tán. Thực hiện chủ trương của Kỳ bộ Thanh Niên Bắc Kỳ, nhiều hội viên Thanh Niên hăng hái đi "vô sản hóa". Nguyễn Phong Sắc là một trong những người hăng hái nhất. Không xin được vào làm việc ở nhà máy, anh đi kéo xe tay, sống sát với những người lao động, qua đó mà hiểu được thế nào là cuộc đời bị áp bức, bóc lột.

Chủ trương đi "vô sản hóa" rất cần thiết đối với các hội viên Thanh Niên và cũng phù hợp với lời dạy của V.I. Lê-nin: "Chỉ khi nào cùng lao động với công nhân và nông dân, người ta mới trở nên một người cộng sản chân chính được. Phải làm cho mọi người thấy rằng mỗi một đoàn viên của Đoàn thanh niên đều là người có học thức và đồng thời cũng biết lao động" (1).




Cũng như nhiều đồng chí khác, Nguyễn Phong Sắc lúc đó chưa có điều kiện nghiên cứu những lời nói trên của V.I. Lê-nin, nhưng cũng nhận thấy róy nghĩa và tác dụng to lớn của việc đi "vô sản hóa" đối với sự chuyển biến về lập trường, quan điểm, tư tưởng của các hội viên tiên tiến trong tổ chức Thanh Niên, đối với công tác tổ chức và lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nông trong thời kỳ chuẩn bị thành lập đảng.

Nhờ ánh sáng của Cách mạng tháng Mười, chủ nghĩa Mác - Lênin được truyền bá vào Việt Nam; giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta rất khao khát muốn hiểu về chủ nghĩa cộng sản và đời sống của anh chị em công nhân, nông dân ở nước Nga Xô-viết. Xu hướng cộng sản chủ nghĩa ngày càng bén rễ trong nhân dân ta lúc ấy càng thúc đẩy Nguyễn Phong Sắc và những đồng chí tiên tiến khác trong Kỳ bộ thanh niên Bắc Kỳ và Tỉnh bộ thanh niên Hà Nội phải tự hỏi mình và xem xét lại tổ chức của mình. Một thắc mắc lớn của các đồng chí lúc đó là những hội viên Thanh Niên chưa được kết nạp vào tổ chức cộng sản mà vẫn đi tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản? Một số vấn đề được đặt ra: Cách mạng Việt Nam phải do giai cấp nào lãnh đạo và đi theo đường lối nào? Những điều kiện thành lập đảng cộng sản đã có đầy đủ chưa? Vấn đề chuyên chính vô sản và công nông liên hiệp (lúc ấy chưa nói công nông liên minh). Dưới ánh sáng của bản Đề cương về phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa của Đại hội lần thứ sáu,Quốc tế cộng sản năm 1928, trải qua nhiềulần thảo luận, các đồng chí đó đã nhất trí nhận định rằng Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội thành lập năm 1925 phù hợp với những điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội của Việt Nam lúc bấy giờ. Tổ chức này đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử là chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập một đảng cộng sản ở Việt Nam. Đến nay, nội dung và hình thức của tổ chức Thanh Niên không còn phù hợp với tình hình và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam nữa. Nhưng điều kiện thành lập đảng cộng sản đã chín muồi. Đảng cộng sản phải là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, được vũ trang bằng chủ nghĩa Mác - Lênin. Về sự kiện này có đồng chí nói:
"Nhận thức được vấn đề trên không phải là dễ dàng, nhất là đối với chúng tôi - những người tiểu tư sản trí tưức, học sinh, lúc đầu tham gia cách mạng vì mục đích đánh Tây, giải phóng dân tộc; hơn nữa, lại ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, nền kinh tế đại bộ phận là nông nghiệp lạc hậu, giai cấp công nhân còn nhỏ bé, cho nên chúng tôi phải trải qua quá trình học tập, nghiên cứu lâu dài và rèn luyện trong phong trào đấu tranh của quần chúng.
Chúng tôi rất sung sướng khi nghĩ rằng Đảng của giai cấp công nhân ra đời sẽ mở ra một chân trời mới bao la, làn sóng đấu tranh của công nông sẽ dâng lên, chúng tôi sẽ hết bế tắc" (2).

Qua thời gian phấn đấu và được thử thách trong phong trào "vô sản hóa", những đồng chí trung kiên và tiên tiến nhất trong tổ chức Thanh Niên Bắc Kỳ đã họp vào ngày 7-3-1929, tại nhà số 5D, phố Hàm Long, Hà Nội, nhất trí thành lập chi bộ cộng sản. Đây là chi bộ cộng sản đầu tiên ở trong nước, gồm các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Cung (Quốc Anh), Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Dương Hạc Đính (Hoàng Hạc) và Nguyễn Tuân (Kim Tôn) (3).

Nguyễn Phong Sắc có mặt buổi sáng; sau đó,vì có công tác đột xuất phải đi. Đồng chí được thừa nhận là một thành viên của chi bộ vì trước khi đi đã tuyên bố hoàn toàn nhất trí với các vấn đề mà chi bộ đã thảo luận và thông qua.
Chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập là cơ sở chuẩn bị tích cực, chủ động về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đông Dương cộng sản đảng sau này. Nó đánh dấu bước chuyển biến quyết định trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc: từ người trí thức yêu nước đã trở thành chiến sĩ cộng sản chân chính, một người cộng sản đầu tiên của Hà Nội, hăng hái đấu tranh dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Vì sự nghiệp cách mạng, trước đây, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã để nhà mình làm cơ quan liên lạc, hội họp và in các tài liệu bí mật của tổ chức Thanh Niên.

Trong thời gian còn làm việc ở Sở tài chính Đông Dương, đồng chí đã tự nguyện trích một phần số lương tháng đưa vào quỹ của cách mạng. Lúc này, để góp phần vào sự hoạt động của chi bộ cộng sản đầu tiên, đồng chí đã bỏ tiền ra mua sắm bàn ghế, giường tủ... trang bị cho nhà số 5D Hàm Long, nơi ở của vài đồng chí sống hợp pháp, làm cơ quan liên lạc. Đồng chí sống giản dị, hết lòng hết sức vì nhiệm vụ cách mạng, vì đồng chí, đồng bào.

Ngày 28 và 29-3-1929, chi bộ cộng sản đầu tiên thông qua Kỳ bộ thanh niên Bắc Kỳ, triệu tập Đại hội đại biểu toàn xứ họp tại đồn điền Kim Đái thuộc tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Hơn 30 đại biểu của các tỉnh Bắc Kỳ đã đến họp. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc dẫn đầu đoàn đại biểu Tỉnh bộ thanh niên Hà Nội. Vấn đề trung tâm được nêu ra tại Đại hội là cần thành lập ngay đảng cộng sản ở nước ta. Các đại biểu thảo luận rất hào hứng, sôi nổi và kéo dài gần hết một đêm. Cuối cùng, Đại hội hoàn toàn nhất trí với chủ trương nói trên, và giao nhiệm vụ cho Đoàn đại biểu thanh niên Bắc Kỳ phải đưa vấn đề thành lập đảng cộng sản ra tại Đại hội đại biểu Thanh niên toàn quốc sắp họp vào tháng 5 năm 1929, tại Hương Cảng (Trung Quốc).

Sau Đại hội này, việc chuẩn bị thành lập đảng cộng sảnn tuy giữ bí mật, nhưng vẫn lan rất nhanh xuống các chi hội Thanh Niên ở Bắc Kỳ. Nhiều hội viên rất hoan nghênh chủ trương đó và mong sớm được trở thành người đảng viên cộng sản.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Trịnh Đình Cửu được phân công nghiên cứu và soạn thảo Tuyên ngôn và Điều lệ Đảng. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc lao vào công tác tuyên truyền và huấn luyện. Nhiều đêm đồng chí làm việc tới khuya ở cơ quan huấn luyện và cơ quan ấn loát. Đồng chí say sưa đi truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào giai cấp công nhân và nhân dân lao động; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho việc chuẩn bị thành lập đảng cộng sản ở nước ta. Cũng như các đồng chí khác, Nguyễn Phong Sắc nóng lòng mong đợi tin Đại hội Thanh Niên toàn quốc tán thành chủ trương thành lập ngay đảng cộng sản. Nhưng đề nghị của Đoàn đại biểu Thanh Niên Bắc Kỳ không được đa số đại biểu tán thành tại Đại hôị. Vì thế, để tỏ lập trường kiên quyết của mình, sau khi tuyên bố rút khỏi Đại hội, Đoàn đại biểu Kỳ bộ thanh niên Bắc Kỳ trở về nước ngay, và cùng với một số đồng chí trong chi bộ cộng sản đầu tiên xúc tiến việc chuẩn bị thành lập đảng.

Ngay sau đó, khoảng 20 đại biểu các tổ chức cộng sản mới được xây dựng ở các tỉnh thuộc Bắc Kỳ, và nhiều đồng chí trong chi bộ cộng sản đầu tiên đã họp ở nhà số 312, phố Khâm Thiên (Hà Nội) để quyết định thành lập Đông Dương cộng sản đảng.

Hội nghị đang họp thì nổ ra cuộc bãi công ở xưởng sửa chữa ôtô A-vi-a (Aviat), nay là nhà máy ôtô Ngô Gia Tự. Hội nghị tạm dừng để bàn việc lãnh đạo cuộc bãi công. Trước tình hình đó, chi bộ cộng sản đầu tiên phân công đồng chí Ngô Gia Tự và đồng chí Nguyễn Phong Sắc lãnh đạo cuộc bãi công này. Đồng chí Trần Học Hải được chỉ định trực tiếp chỉ đạo bãi công. ủy ban lãnh đạo bãi công đặt trụ sở tại chùa Hương Tuyết, Bạch Mai. "Cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy điện, nhà máy sợi Nam Định, nhà máy sợi Hải Phòng"...

Dưới ánh sáng của chi bộ cộng sản đầu tiên, phong trào công nhân A-vi-a có chuyển hướng mới, có phương pháp đấu tranh đúng, đưa cuộc bãi công tới thắng lợi, làm mẫu mực cho một số cuộc đấu tranh khác... (4).

Ngày 17-6-1929, Hội nghị tiếp tục họp, thảo luận tiếp những vấn đề mà chi bộ cộng sản đầu tiên đã đề ra, Hội nghị tuyên bố thành lập Đông Dương cộng sản đảng và thông qua Tuyên ngôn, Điều lệ Đảng và lấy cờ đỏ búa liềm làm cờ của đảng... Hội nghị cử ra Ban chấp hành trung ương lâm thời gồm các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Đỗ Ngọc Du, Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu...

Sau khi Hội nghị kết thúc, các đại biểu về ngay các địa phương, xuống các cở phổ biến các nghị quyết của Hội nghị, xây dựng thêm các chi bộ và lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã tích cực xây dựng được nhiều cơ sở đầu tiên ở Hà Nội và ở các huyện Thường Tín, Hoài Đức... thuộc tỉnh Hà đông lúc bấy giờ.

Từ chi bộ cộng sản đầu tiên đến Đông Dương cộng sản đảng là một quá trình đấu tranh về lập trường, quan điểm, tư tưởng trong tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội và trong cơ quan lãnh đạo của Hội; giữa một bên chủ trương thành lập ngay một đảng cộng sản ở Việt Nam với một bên khác cho rằng nước ta chưa có đầy đủ điều kiện thành lập đảng.

Nguyễn Phong Sắc và những đồng chí trung kiên tham gia từ đầu đến cuối cuộc đấu tranh đó, cuộc đấu tranh hợp với qui luật phát triển của lịch sử.


CHÚ THÍCH

1. V.I. Lê-nin: Toàn tập, tập 41, NXB Tiến Bộ, Mát-xcơ-va, 1977, tr. 376, tiếng Việt.
2. Trần Văn Cung: Với mẩu chuyện về chi bộ cộng sảnn đầu tiên và Đông Dương cộng sản đảng, in trong cuốn "Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam", Ban nghiên cứu lịch sử đảng trung ương xuất bản năm 1961.
3. Sau này, Dương Hạc Đính và Nguyễn Tuân bị địch bắt, đã khai báo. Trước đây, ta gọi là chi bộ 7 người, thực ra là chi bộ 8 người.
4. Trích trong bài hồi ký Công nhân A-vi-a dưới sự lãnh đạo của chi bộ cộng sản đầu tiên, Trần Học Hải kể, Phạm Thanh ghi. Xem cuốn "Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam" do Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, năm 1961.