Ngồi đúng cách để tránh bệnh tật
HongYen 16.12.2005 16:18:15 (permalink)
Ngồi đúng cách để tránh bệnh tật

Monday, March 08, 2004

Yến Tuyết

Bạn không cần phải là một người tài xế lái xe truck, trải qua hàng mấy trăm cây số đường dài trong nhiều giờ liên tục, hay làm công việc lao động, bạn mới bị đau lưng hay bị thương. Thật vậy, việc ngồi không đúng cách có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn và riêng tôi thì có kinh nghiệm đau thương về chuyện này đến nỗi phải đi giải phẫu lưng mới tìm lại được đời sống bình thường. Sau đây là một bài viết của ký giả Brenda Kearns hướng dẫn việc làm sao tránh bệnh tật bằng cách chọn ghế ngồi, sử dụng điện thoại... nghĩa là bất cứ một hoạt động nào đòi hỏi những cử động liên tục và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài.

Có nhiều người ngạc nhiên vì cho rằng công việc làm của họ bao gồm ít cử động, thí dụ như ngồi sử dụng máy computer không thôi, mà lại có thể gây ra những đau đớn khủng khiếp như vậy. Họ không ngờ rằng vì không để ý đến việc ngồi, đứng hay cầm giữ cho đúng cách nên các cơ bắp thịt, thớ gân, dây chằng và khớp xương trong cơ thể họ bị sưng lên.

Dĩ nhiên, nhờ các tiến bộ của y khoa, những đau đớn liên quan đến bắp thịt ở trong cơ thể của chúng ta đang được chữa trị một cách hiệu quả. Catherine A. Compito, M.D., bác sĩ chuyên khoa về tay chân thuộc trường Columbia Presbyterian Eastside ở NewYork City nói: “Nếu bạn thay đổi một vài thói quen trong đời sống, bạn sẽ đề phòng được việc bị thương một lần nữa trong tương lai”. Dầu sao, trước hết bạn cần tìm xem mình đã làm cái gì sai nên mới bị thương như vậy.

ÐAU CỔ VÀ VAI

Nguyên nhân: Cái điện thoại. Nếu bạn luôn luôn kẹp cái điện thoại giữa lỗ tai và vai (hình ảnh quen thuộc của việc dùng điện thoại không giây trong khi đang rửa chén chẳng hạn), sự căng thẳng của cơ cổ có thể gây ra việc cổ bị cứng và đau. Andrew M. Casden, M.D., giám đốc của cơ quan Spinr Institute at Beth Isreal Medical Center ở NewYork City giải thích rằng những triệu chứng nói trên đưa đến những đau nhức của cơ thể trong thời gian tiếp theo đó. Ngoài ra, việc dùng một cái ghế không tốt hay ngồi không đúng cách khi làm việc cũng gây ra những đau đớn như hành động nói chuyện điện thoại vừa kể.

Cách chữa trị: Mục đích đầu tiên của bạn là phải làm giảm việc bị sưng. Hãy dùng một bịch nước đá (ice pack) chườm lên chỗ đau mỗi ngày từ hai đến ba lần, mỗi lần lâu khoảng 20 phút, trong thời gian một tuần lễ. Rồi bắt đầu một chương trình thể dục nhẹ nhàng. Một cuộc tìm hiểu mới đây cho thấy là nếu bạn tập thể dục ba lần trong một tuần, bạn sẽ thấy dễ chịu và bớt đau.

Ðề phòng: Hãy dùng headset hay cầm điện thoại nơi tay khi nói chuyện chứ đừng kẹp vào vai. Còn nếu chọn ghế ngồi thì nên chọn ghế có chỗ gác tay. Bác sĩ Casden nhấn mạnh là với loại ghế có chỗ gác tay này, chúng sẽ giúp bạn giảm bớt sự căng thẳng của các cơ ở cổ và bả vai. Bên cạnh đó nên nhớ đổi vị thế hay động tác sau mỗi 20 phút.

ÐAU LƯNG

Nguyên nhân: Ngồi suốt một thời gian lâu dài, nhất là trong một vị thế không đúng cách (ngồi xiên qua một bên, tréo chân...) Bác sĩ MichaelD. Osborne M.D., chuyên viên về y khoa thể lý và phục hồi ở Mayo Clinic thuộc tỉnh Jacksonville, Florida nói rằng khi ngồi như vậy bạn sẽ đặt sức nặng lên trên dĩa sụn phía dưới (lower back disc) khiến lưng bị đau nhức.

Cách chữa trị: Tắm bằng nước nóng giúp làm thư giãn cơ bắp thịt và làm cho máu chảy vào các tế bào. Tuy nhiên bạn cũng cần thư giãn sự căng cứng bằng cách tập thể dục chân. Bác sĩ Osbone đề nghị là mỗi ngày bạn nên đi bộ ít nhất là 20 phút, hay là tập những động tác thể dục giản dị. Theo ông, trong trường hợp người nào quá mập, việc đi bộ cũng giúp họ xuống cân và cũng giảm bớt sự căng cứng của các cơ ở lưng. Ngoài ra, tập thể dục cũng làm cho bạn cảm thấy phấn khởi và điều này cũng làm bớt đau nữa.

Ðề phòng: Sự kéo giãn (stretches) dùng để chữa bịnh nhức lưng có thể giúp đề phòng chứng đau lưng nữa. Bạn cần phải tạo cho những cơ bắp thịt ở bụng cứng lại bởi vì chúng càng mạnh chừng nào thì bạn sẽ đỡ đau lưng chừng ấy. Ðiều quan trọng là làm sao bạn ngồi cho đúng cách trong ghế làm việc của mình. Lý tưởng nhất là khi ngồi lưng bạn phải thẳng đứng, bàn chân thì nằm sát trên mặt đất (những người chân ngắn nên có một ghế gác chân nhỏ), phần đùi trên thì song song với mặt đất và đầu thì thẳng với cột xương sống. Nếu việc điều chỉnh ghế hay chêm thêm gối đằng sau lưng không giúp bạn ngồi được như nói trên thì bạn nên đầu tư vào một cái ghế được chế tạo với công dụng như vậy (ergonomic). Ngoài ra, bạn nên đứng dậy đi lại sau mỗi nửa tiếng ngồi trong ghế.

ÐAU BÀN TAY VÀ CÁNH TAY

Nguyên nhân: Từ ngày bắt đầu sử dụng máy computer, chúng ta bắt đầu nghe nhiều đến nhóm chữ “carpal tunnel syndrome”: Một giây thần kinh trong cổ tay bị sưng lên do việc đè nén. Những tổn thương gây ra do sự lặp đi lặp lại một cử động như carpal tunnel cũng xảy ra ở nhiều nơi khác của cánh tay và khớp xương bàn tay.

Trong khi những chuyên viên tiếp tục đổ lỗi cho các chiếc keyboard kém chất lượng là lý do đưa đến chứng bệnh này thì gần đây, một cuộc tìm hiểu cho thấy chính con chuột (computer mouse) mới là nguyên nhân. Bác sĩ Compito nói rằng việc di chuyển cũng như bấm vào con chuột là một cử động lặp đi lặp lại liên tục và lâu dài, đưa đến việc đau nhức; nhất là khi cánh tay của bạn đang ở trong một vị thế không thuận tiện.

Cách chữa trị: Bất cứ khi bạn đang làm việc ở nhà hay ở sở làm, nhớ ngừng lại thường xuyên (ít nhất là mỗi giờ một lần) và xoa bóp bàn tay, cánh tay và vai của bạn. Sự ngưng nghỉ thường xuyên sẽ giúp các bắp thịt được thư giãn và làm giảm đau, cũng như phòng ngừa việc đau nhức không xảy ra lần nữa. Ngoài ra, nên hỏi bác sĩ gia đình để được giới thiệu đến một chuyên viên về thể lý trị liệu (physical Therapist). Bác sĩ Compito nói rằng bạn chỉ cần một lần gặp gỡ để được người chuyên môn hướng dẫn phương pháp làm việc ở sở làm và ở nha,ợ sao cho giảm thiểu những căng thẳng và giúp cho vết thương chóng lành.

Ðề phòng: May mắn thay, gần đây người ta đã chế tạo những con chuột không có giây (wireless computer mice), cũng như optical mice (dùng laser thay vì dùng trái banh tròn), do đó người sử dụng computer cũng tránh được việc những cơ bắp thịt ở tay bị thương.

Bạn nên để con chuột ở gần keyboard của bạn chừng nào tốt chừng đó (Bạn không bao giờ dùng phần trên của thân hình để với quá xa). Bạn cũng nên điều chỉnh bề cao của keyboard sao cho cổ tay của bạn ở vị thế trung bình. Nên nhớ rằng, tất cả những động tác nào được lặp đi lặp lại thí dụ như ủi áo quần, đan thêu, hay ngay cả việc mang xách tay quá nặng... cũng đều có thể khiến cho các cơ bắp bị sưng lên và bị đau đớn.

KHI NÀO THÌ BẠN CẦN PHẢI ÐI GẶP BÁC SĨ?

Với một chương trình tại gia và những động tác thể dụng nhẹ nhàng, bạn có thể tự mình tạm giảm thiểu hay đề phòng việc các bắp thịt trong cơ thể bị sưng hay bị thương. Tuy nhiên, nếu cơn đau nhức kéo dài hơn bốn tuần lễ và không hề thuyên giảm, bạn cần phải đi khám bác sĩ. Ngoài ra, bên cạnh bị đau nhức, nếu bạn có những triệu chứng như sau thì bạn phải đi gặp bác sĩ hay đi đến phòng cấp cứu của bệnh viện ngay tức khắc:

1/ Bị tê cứng hay nhoi nhói trong cánh tay hay chân.

2/ Chân hay tay như bị yếu đi.

3/ Không điều khiển được việc tiêu, tiểu.

Những dấu hiệu trên đây có thể cho biết là có sự đè nén giây thần kinh trong cột xương sống hay một vấn đề bệnh lý nào quan trọng khác.

(Viết theo Good Housekeeping 2004)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=1685&z=14
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9