(url) Nhạc sĩ thiên tài Đức Beethoven
heou 20.12.2005 23:49:51 (permalink)


Beethoven, nhạc sĩ thiên tài người Đức, đã từng nói về mục đích âm nhạc của mình: “Âm nhạc cần phải làm cho ngọn lửa trong tâm hồn kiên cường bùng cháy”. V. Lenin, vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản thế giới, là người rất yêu thích nhạc Beethoven, đặc biêt là bản sonat số 23 viết cho đàn piano, còn gọi là bản Appasionata. Người nói: “Tôi không biết còn tác phẩm nào hay hơn Appasionata, tôi sẵn sàng nghe lại bản nhạc này bất cứ lúc nào. Âm nhạc thật là tuyệt vời, quá sức người. Tôi luôn tự hào và có lẽ hơi ngây thơ khi nghĩ rằng, đấy, con người có thể làm nên được những điều kỳ diệu biết bao!”.

Beethoven sinh ngày 17-12-1770 trong một gia đình có truyền thống âm nhạc tại thành phố Bonn, nước Đức. Cha ông là một nhạc sĩ cung đình, đã cho ông tập đàn clavico từ lúc ba tuổi. Tiếp đó là những bài luyện đàn violon, piano, organ và sáng tác. Ông đã tỏ ra có năng khiếu âm nhạc, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên không được học hành có hệ thống. Năm 11 tuổi Beethoven đã biểu diễn piano ở Hà Lan như một nghệ sĩ điêu luyện. Năm 13 tuổi, ông được gởi sang Áo để xin được học sáng tác nhạc với Mozart. Mozart đã thử tài chàng trai 13 tuổi này bằng cách chơi một câu nhạc, và để cho Beethoven ứng tác phát triển thành một bản nhạc trên chủ đề đó. Mọi người trong phòng lặng im nghe những dòng âm thanh tuôn chảy dưới đôi bàn tay tài hoa của Beethoven. Khi nốt nhạc cuối cùng vừa dứt, Mozart vỗ vai Bethoven và nói: “Có lẽ anh chẳng phải học thêm gì nữa. Hãy vững tin đi theo con đường mà anh đã chọn. Tôi thấy vào một ngày không xa, lịch sử âm nhạc sẽ nhắc đến tên anh với cả lòng kính trọng”. Đó là lần gặp đầu tiên và cũng là lần gặp cuối cùng của Beethoven với Mozart. Ở Vienna được vài tháng, ông phải trở về Bonn để chịu tang mẹ. Rồi ông đã làm việc cật lực như dạy nhạc, biểu diễn để nuôi gia đình, và người cha nghiện rượu nặng. Năm 21 tuổi ông lại đi Vienne và sống ở đấy cho đến khi qua đời (26-3-1827). Tại đây ông theo học với những nhạc sư nổi tiếng như: Haydel, Salieri, Albrechtsberger... Mặc dù ông có tính lập dị và thái quá, nhưng các vua chúa cũng rất nể vì ông. Thế nhưng ông luôn là một nhà dân chủ, và rất ghét bọn cầm quyền chuyên chế. Bản Giao hưởng số 3, hay còn gọi là Giao hưởng Anh hùng, ban đầu ông đề “Tặng Napoleon”. Nhưng khi lên ngôi hoàng đế, Napoleon đã xé bỏ lời đề tặng đó và thay vào câu “Tặng những người anh hùng”. Đây la tác phẩm xuất sắc nhất của Beethoven. Năm 1795, ông bắt đầu nổi danh là một nghệ sĩ piano với bản Concerto cung Đô trưởng. Sau đó là hàng loạt các tác phẩm xuất sắc như: Concerto số 5, Sonat số14 mang tên “Ánh trăng”; Sonat số 17; Giao hưởng số 5 - “Định mệnh”; Giao hưởng số 6 - “Đồng quê”; Giao hưởng số 7, số 8, số 9; Nhạc kịch Missa Ssolemnis - Thánh lễ huy hoàng... Từ năm 1798 ông gặp nhiều đau khổ do bị nặng tai, và tới năm 1814 thì bị điếc hoàn toàn khi đang soạn bản giao hưởng số 8. Tuy vậy ông vẫn chơi đàn, và đôi khi vẫn chỉ huy dàn nhạc một cách thành thục, gây rất nhiều kinh ngạc cho người xem.

Mặc dù được nhiều người ngưỡng mộ nhưng ông sống rất cô đơn vì tính thẳng thắn, chân thật và thái quá. Ông mất tại Vienne, thọ 57 tuổi. Đám tang của ông có hàng chục nghìn người đưa tiễn. Beethoven để lại hàng trăm bản nhạc giá trị cho kho tàng âm nhạc nhân loại, đặc biệt là thể loại nhạc giao hưởng và sonat. Cho đến nay những tác phẩm của ông vẫn được coi là những mẫu mực của nhạc cổ điển và thường được biểu diễn ở những buổi hòa nhạc lớn trên thế giới. Nhạc của Beethoven luôn hướng người nghe tới những điều thánh thiện, để họ nắm tay nhau đấu tranh với định mệnh, với những bất công, và vươn tới một cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc.

LÊ XUÂN
<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.12.2006 12:08:36 bởi TTL >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9