Trích đoạn: Nguyên Hùng
CỬA ẢI GIAI NHÂN
(thân tặng HTSA & DA1UHATE)
"Anh hùng bất quá mỹ nhân quan"
Cất bút làm thơ chữ méo hàng
Lập cập tay ghi lời giới thiệu
Mơ màng mắt ngắm một dung nhan
Ðâu Bằng đâu Trắc tìm đâu đối ?
Biết tuổi biết tên chỉ biết nàng !
Mẹ kiếp chữ tình sao quái ác
Mới nhìn thôi đã muốn đeo mang !
Lá chờ rơi
Bác Lá,
Cho phép NH được nhận xét về bài này của bác: Các cặp đối trong 4 câu 3&4, 5&6 chưa được ổn lắm?
1) lời giới thiệu và một dung nhan chưa thể coi là một cặp đối;
2) các cặp đâu và biết cũng vậy, vì không cùng một ngóm từ loại.
Tiện thể, xin tặng bác Lá cờ rơi và kính mời các bạn hữu Quán Thơ Đường cùng họa bài xướng sau đây:
NHỮNG KẺ NGẨN NGƠ
(Vẫn mến tặng Quán Thơ Đường)
Tao ngộ tình cờ tại quán thơ
Mà như thân thiết tự bao giờ
Thiếu em vài bữa thì mong nhớ
Không bạn một hôm đã ngóng chờ
Có món nào hay, bày tiệc đãi
Cần điều chi khó, ngỏ lời nhờ
Ngồi bên máy tính cười ra tiếng
Có kẻ mắng thầm: gã ngẩn ngơ!
30.7.06
Nguyên Hùng
p/s: có chữ nào lạc, các bác sửa giúp nhé
(bài đã sửa lại)
CỬA ẢI GIAI NHÂN
(thân tặng HTSA & DA1UHATE)
"Anh hùng bất quá mỹ nhân quan"
Cất bút làm thơ chữ méo hàng
Lập cập tay
tô qua diện mạo Mơ màng mắt ngắm
lại dung nhan
Quên Bằng
quên Trắc
thêm quên đối
Biết tuổi biết tên chỉ biết nàng !
Mẹ kiếp chữ tình sao quái ác
Mới nhìn thôi đã muốn đeo mang !
Lá chờ rơi
*****
Bạn Nguyên Hùng thân mến,
Nhận xét tốt nhưng nên có đề nghị kèm theo, kẻo sự bế tắc có thể gây nản lòng cho tác giả, vì chúng ta đều còn trong vòng học hỏi.
Trước khi POST tôi có thấy điều bạn nói, nhưng nghĩ rằng phép "đối" có rất nhiều mực độ từ hay đến dở. Nếu mình lọt được vào cái dở, cái tàm tạm thì cũng được rồi. Vì mục đích là để vui đùa. (Nhưng đã sửa lại có vẽ khá hơn rồi đấy)
Về công dụng, có thể coi là "cân", là "tương đương" hai cụm từ "lời giới thiệu" và "một dung nhan". "Ðâu" và "Biết" cũng đồng có một vai trò "tương đương" trong mỗi câu của chúng.
Dĩ nhiên nếu kiểm xét về "tự loại" thì những câu ấy không đúng.
Cũng như hai câu sau đây của cụ Nguyễn Khuyến chỉ có giá trị tương đương :
"
Cướp của
đánh người quân tệ nhỉ"
"
Xương gà
da cóc có đau không ?"
Và bài sau đây thì không có đối :
NGHE HÁT
Phách ngọt đàn say nệm gối êm
Tiếng ca buồn nổi giữa trời đêm
Canh khuya đưa khách lời reo ngọc
Mơ gái Tầm Dương thoảng áo xiêm
Ai lạ nghìn thu xa tám cõi
Sen vàng như động phía châu liêm
Nao nao khói biếc hài thương nữ
Trở gối hoa lê rụng trắng thềm.
Vũ Hoàng Chương
Vũ Hoàng Chương là một nhà thơ lớn, nhưng ông vẫn làm bài nầy không có đối. Có lẽ nhắm vào cái đẹp ở những nơi khác như : lời lẽ trang trọng chải chuốt, nhạc dịu dàng, ý nghĩa nồng nàn. Nên bài thơ vẫn được mọi người yêu thích, lưu truyền coi như một bài thơ hay.
Nên nhớ rằng "niêm luật", vần đối, là những hình thức giúp cho bài thơ được "
thêm" hay, nhưng chỉ là cái "phụ". Phần chính là "ý nghĩa" của câu thơ.
Nếu không thể giữ cho toàn vẹn cả hai, thì ưu tiên phải giữ phần "ý nghĩa".
Chọn sự bỏ "luật" xin đơn cử ví dụ sau đây của hai nhà thơ lớn :
Anh đi đường
anh tôi đường tôi
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi
Ðã quyết không mong sum họp mãi
Bận lòng chi nữa cái chia phôi.
Thế Lữ
Và :
Rồi một hôm nào cởi áo xanh
Hết cùm hết xích hết roi canh
Nghiêng vai trút nhẹ đời giam cấm
Anh trở về anh của
gia đình.
Tố Hữu
Ðôi lời ngụy biện góp vui. Chúc bạn luôn vui và xin cứ tiếp tục thổi còi mạnh khi cần.
Ngoài ra, như tôi đã nhận xét về bạn từ đầu, bài Những Kẻ Ngẩn Ngơ của bạn đối rất chỉnh, không tìm cách bắt bẻ vào đâu được để hòng trả đủa, nên đành chỉ hoan nghênh !
Thân mến,
LCR