Trích đoạn: Trần Ai
Kính họa vần:
CHẤP NHẬN THÔI
Nếu đã vô duyên chấp nhận thôi
Lòng thành cố đến để cùng chơi
Dâng thêm ý thẳng mong tường ý
Góp chút lời ngay muốn tỏ lời
Lực kém bao nhiêu đành kiệt sức
Tài hèn tí đó đã cùn hơi
Tình trao quá dễ tình không nặng
Nếu đã vô duyên chấp nhận thôi
Trần Ai
Nov 01, 2006
Kính Bác Lá!
Trần Ai xin mạo muội họa bài thơ này cùng Bác, nếu có gì không phải Trần Ai mong là Bác bỏ qua cho. Theo như Trần Ai thấy thì hình như Bác làm bài thơ này không có ý cho người khác họa, nhưng không biết có đúng không?
Chúc Bác luôn vui!
.....
Kính mến!
Trần Ai
Bạn Trần Ai thân,
Ðúng là không có mục đích đưa ra làm bài xướng. Mà cốt ý để than thở với nhau.
Tôi nhớ hồi đám cưới em gái tôi, hoàn cảnh xã hội đang khó khăn mà cậu3 tôi lại ở hơi xa nên má tôi không mời. Vậy mà hôm đó cậu lại có mặt, má tôi mới hỏi ghẹo: ủa đám cưới không mời mà sao cậu cũng đi vậy? Cậu tôi mới trả lời: nè nói cho chị biết nghen, mời mà đi đó là chuyện thường, còn không mời mà đi đó mới là quý hơn nghe chị!
Bởi thế nên những bài họa của bài này cũng thuộc dạng "đáng quý hơn" những bài họa thông thường!
Ðúng là theo phép "thủ Vỹ ngâm", điệp tự ở câu 3, 4 là cố ý làm đẹp cặp đối. Câu7 là một câu triết lý mở đường để có thể dùng lại câu1 làm câu kết, cần cái điệp tự đó để nhấn mạnh cái điều nói trong câu kết.
Sẵn đây xin góp lời với bạn về sự "ngắt nhịp" bạn nói hôm trước.
Nhận xét của bạn thì hoàn toàn đúng 100%. Quả thật muốn nghe "êm tai thì thơ phải ngắt đoạn như bạn nói, hoặc 2/2/3 hoặc 4/3.
Tuy nhiên cái gì cũng vậy nhiều quá thì bị nhàm chán, mất hay.
Nhịp điệu của câu thơ cũng thế : nếu cứ mãi 2/2/3 hoặc luôn luôn 4/3 thì nghe không hay. Bởi thế nên nhiều tác giả cố tìm sự đổi thay nhịp điệu để có sự sôi động trong trớn thơ đi, hoặc xen kẻ 2/2/3 với 4/3, hoặc đưa vào một nhịp điệu "lạ" có tác dụng làm càng nổi bật khi trở lại những nhịp điệu hợp pháp ngọt ngào.
Ðiều nầy cũng tương tự như trong bản nhạc, câu nhạc thường qua một nốt "cảm âm" (note Sensible) trong một hợp âm trắc trước khi trở về "chủ âm" trong hợp âm hài (accord tonique) để dứt câu hoặc dứt bài một cách đậm đà.
Chơi thơ có nhiều khuynh hướng. Và tôi thuộc khuynh hướng bỏ bớt những dấu chấm phết không mấy cần thiết, để mỗi người đọc theo cách phân đoạn của mình, hiểu và dành cho câu thơ cái ý nghĩa thích ứng với tâm trạng của mình.
Dường như thơ phải là như thế.
Vả lại, nhịp điệu để giúp cho câu thơ nghe hay là phần phụ. Phần chính vẫn là cái ý của câu thơ. Khi không có cách giữ được cả hai, thì tôi ưu tiên giữ "ý".
Trong bài Ðổi Phiên dưới đây, câu2 ý tôi muốn tách rời ba chữ "trang xướng họa" ra với ba dấu chấm ... để nhấn mạnh cái đối tượng và cái điều muốn nói.
ÐỔI PHIÊN
Tre tàn/măng mọc/lẽ đương nhiên
Trang Xướng-Họa .../ giờ nên đổi phiên
Thân mật hoét còi/ai sót luật
Ôn tồn nhắn tiếng :/ bạn sai niêm
Luận bàn/thi pháp/đang lưu dụng
Gạn lọc/trường qui/đã cũ mèm
Bạn trẻ xin mời/vui nhập cuộc
Tre già đón gió/đợi chờ xem.
Lá chờ rơi
Còn trong bài Vuốt mắt thì quả tôi có nhận ra sự ngưng nhịp ở hai chữ "nước chảy" là hơi hụt hẩng. Nhưng câu đó, câu8 để trong dấu ngoặc kép, là một câu mà tôi lượm của ai đó quên rồi, dường như trong bài hát "lá đổ muôn chiều". Thấy nó hay hay và thích ứng để làm câu kết nên đem dùng, và với ý tạm ngắt nhịp 2/5 :
VUỐT MẮT
Lâu mau/dài ngắn/cũng là chơi
Cũng một trang thơ/với sự đời
Trót lỡ vênh râu/khi toé lửa
Ðành cam xụ mặt/lúc xì hơi
Lời ngông/hí lộng/vui chưa trọn
Bạn tếu/rùm beng/mất cả rồi
Héo hắt chồi non/chim gãy cánh
"Cầm bằng .../ như nước chảy hoa trôi !"
Lá chờ rơi
Và xin xác nhận lần nữa là nhận xét của bạn hoàn toàn đúng 100%.
Thân ái.
LCR