Trích đoạn: phu ong
Xin quên khúc « gân gà », và đây là một bài tự thán mới :
VẪN NẰM KHÔNG
(tự thán)
Vũ môn tam cấp chửa thành rồng
Mài sắt làm kim khéo uổng công
Báo đỏ đăng tên* bao tháng đợi
Chỉ hồng trao mối một người trông
Chó theo bước chủ lòng nghe lạnh
Heo đón nàng xuân dạ vẫn mong
Trước Táo sưởi hơi lò Pháp quốc
Nay về quê Việt vẫn nằm không !
Lá chờ rơi
*đăng báo vào mục « kiếm vợ không chằn »
Kính chào Bạn Lá Chờ Rơi và Bạn Trần Mạnh Hùng
Bạn LCR thì nói lên cái lý , còn Bạn TMH thì bộc lộ
cái tình....quả là một giao lưu hửu tình.
Tôi thử hai câu nầy không biẾt có hợp hay không?
Già thân già tướng đâu già tính
Mắt lảng mắt lờ chẳng mắt xanh
Để tiếp tục phần thơ Xướng họa , tôi xin được
Thân họa bài VẪN NẰM KHÔNG của Bạn LCR
AN PHẬN
Phụng vẫy cánh tiên chẳng hóa Rồng
Gà xoè đuôi cụt chả nên Công
Bôn ba khắp chốn danh nào đợi
Xuôi ngược muôn nơi lợi khó trông
Lợn tủi thay thời chờ ấm dạ
Cầy mừng đổi chủ thỏa niềm mong
Đất lành chim hót no bò cỡi
Chốn củ trở về có tốt không?
PO 2/11/07
Bạn Phú Ông mến,
Chúng ta quen nhau đã khá lâu rồi, khép nép quá cũng mất thân tình, bỏ chữ « kính » đi nhé.
Hai câu của bạn đưa ra hỏi ý kiến, chỉ nói riêng trong nội bộ của nó thì :
Câu : « Già thân già tướng đâu già tính » có đúng tính chất « thuận, nghịch » giữa đầu và đuôi. Chẳng khác nào bạn nói : « già thì già mặt già mày, tay chân già hết nhưng chỗ này còn non ! »
Còn câu : « Mắt lảng mắt lờ
chẳng mắt xanh »
Thì có lẽ bạn sơ ý, khi chọn chữ «
chẳng … xanh ». Vì như thế thì khúc đuôi vẫn cùng một ý với khúc đầu. Theo tôi thì nên dùng chữ «
vẫn » để có « Mắt lảng mắt lờ
vẫn mắt xanh ». Rồi nếu ái ngại rằng « mắt xanh mà sao lại lờ được ? » thì ta đổi "lờ" ra thành « lười » để có rốt cuộc :
« Mắt lảng mắt lười
vẫn mắt xanh » thì đúng có sự « thuận, nghịch » giữa đầu và đuôi như ta muốn.
Ý riêng thành thật tỏ bày là như vậy. Xin gạn lọc những chỗ đúng/sai rồi dùng "tạm" làm câu trả lời cho câu hỏi của bạn.
Cám ơn những bài họa thanh thoát đầy nhiệt tình của bạn.
thân mến.
LCR