lá chờ rơi
-
Số bài
:
6916
- Điểm: 0
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 29.06.2005
- Nơi: 6 tháng bên đông 6 tháng đoài
|
RE: BẢN NHÁP THƠ ĐƯỜNG XƯỚNG-HỌA
-
25.02.2006 10:33:28
Bài trước Trích đoạn: lá chờ rơi PAUL VALERY C'est une erreur contraire à la nature de la poésie et qui lui serait même mortelle, que de prendre qu'à tout poème correspond un sens véritable, unique et conforme ou identique à quelque pensée de l'auteur. Thật là một sự sai lầm phản lại tính chất của thơ và có thể giết chết nó, nếu ta cho rằng mỗi bài thơ chỉ tương ứng với một ý nghĩa đúng thật, độc nhất và phù hợp hay đồng nhất với một tư tưởng nào đó của tác giả mà thôi. Ông nói thêm rằng : Người ta gán cho thơ tôi nghĩa gì thì thơ tôi có nghĩa ấy. Mà nghĩa nào tôi định cho thơ tôi thì chỉ đúng với tôi thôi, không thể buộc ai phải thừa nhận. Theo quan niệm trên của thi hào Paul Valéry, thì thơ là để cho mỗi người tự do hiểu lấy theo mỗi cách khác nhau, mà nhứt là không nên đề quyết là nó chỉ có một nghĩa riêng nào đó. Vậy mọi người cứ hiểu theo cách hiểu của mình. Các bạn thân mến, Theo lời kêu réo của người Hùng, xin Hùn với các bạn vài ý kiến SGDG sau đây : (SGDG = sans garanti du gouvernement = không có sự bảo đảm của nhà nước > ai nghe theo lỡ có gì thì rán chịu) 1/ Bớt những dấu chấm phết trong câu Cùng một hướng với tư tưởng Paul Valéry nói trên, hiện có nhiều nhà thơ chủ trương không bỏ dấu chấm phết v.v. ở những nơi mà lời thơ cho phép phân đoạn nhiều cách, để có nhiều cách hiểu, để cho mọi độc giả tự do lựa chọn cách hiểu của mình. Nhưng đây chỉ là một “sở thích” chứ không là luật lệ gì cả. Người muốn ghi đầy đủ các dấu chấm phết thì cứ tự do. Ai thích sao cứ làm vậy, không đâu hơn đâu kém. 2/ Thơ “thủ vĩ ngâm” Trước khi nói về thơ “độc vận” hãy nói về loại thơ “thủ vĩ ngâm”. Tức là câu thứ nhứt (câu 1) và câu chót (câu 8) giống nhau, do đó hai câu ấy dùng chung một chữ vần. Tuy là chỉ có một câu dùng ở hai nơi, nhưng theo Quách Tấn thì hai cái công dụng phải khác nhau : âm hưởng của câu thứ nhất khiến cho ta cảm thấy một cái gì khác hơn âm hưởng câu chót gây ra. Ví dụ với bài sau đây của Hồ Xuân Hương : KHÓC QUAN PHỦ VĨNH TƯỜNG Trăm năm ông Phủ Vĩnh-Tường ơi Tuổi chửa ba mươi cũng một đời Chôn chặt văn chương ba thước đất Ném tung hồ thỉ bốn phương trời Nắm xương dưới ván chau mày khóc Hòn máu trên tay mỉm miệng cười Hăm bảy tháng trời là mấy chốc Trăm năm ông Phủ Vĩnh-Tường ơi ! Hồ Xuân Hương Câu thứ nhứt của bài ta nghe rõ ràng là kêu người chết để lên tiếng thở than thương tiếc. Và câu chót như để cùng người chết nói lên lời vĩnh biệt ! Đúng phép thơ “thủ vĩ ngâm” là phải có điều kiện đó. Cùng một câu nhưng ở hai nơi phải có hai tác dụng, phải gây ra hai sự rung cảm khác nhau, chứ không phải chỉ đơn thuần hai câu có cái xác giống nhau là được. Và phải chăng vì đó mà có người nói vắn tắt rằng : “vần” của câu 1 được phép giống với “vần” của câu 8 ? Định luật đó dường như không chính xác, bạn nào biết rành xin chỉ giúp. 3/ Thơ “điệp vận” Ngoài trường hợp chính thống “thủ vĩ ngâm” nói trên, nếu có hai hay nhiều vần giống nhau thì đó là “điệp vận”. Dường như được cho phép nhưng bị đánh giá kém hơn. Bạn nào biết rõ xin góp ý. Riêng phần tôi, vì cho rằng thơ có điệp vận là không mấy hay, nên nếu có họa thơ điệp vận thì tôi luôn xin phép để họa với một chữ vần khác, tránh điệp vận. 4/ Thơ “độc vận” Nếu cả 5 vần cùng giống nhau thì đó là thơ “độc vận”.Ngôn từ đi theo vần bị hạn hẹp, khó viết thành bài thơ hay. Tuy nhiên có những trường hợp mà sự “độc vận” lại là cần thiết khi ta phải nói hết mọi khía cạnh quan trọng của từ “vần” đó. Ví dụ như bài nói về sự “khôn hay dại” : Thế sự đua nhau nói dại khôn Biết đâu là dại biết đâu khôn ? Khôn nghề cờ bạc là khôn dại Dại chốn văn chương ấy dại khôn Những kẻ nên khôn đều có dại Làm người có dại mới nên khôn .... v.v.tôi không nhớ đủ Trong bài nầy những chữ “khôn” và “dại” là hoàn toàn cần thiết để diễn đạt chủ ý sâu sắc của bài, không thể thay thế với chữ khác được. Tóm lại dùng thơ độc vận thì Xướng đã khó, Họa lại càng khó hơn nếu không muốn dùng lại những cụm từ đi theo vần của bài Xướng. Xin đọc thêm phần giải thích của bác Vũ Kim Thanh về việc nầy. Phần tôi thì vì cái bồ chữ không mấy đủ dùng nên tôi chịu thua trước, không tìm họa thơ độc vận. Nói chung, có những trường hợp ràng buộc ta phải dùng độc vận. Nhưng trong mọi trường hợp, thơ độc vận đều rất khó họa. 5/ Xướng-Họa thơ Làm xong một bài thơ, sau khi khổ công tìm lời chọn ý, thì ai cũng có ít nhiều sự đắc ý, hài lòng, muốn đưa cho bạn (và mọi người) xem cho bỏ công đẽo gọt và cũng có chút để khoe đứa con tinh thần, giống hệt như những bà mẹ hãnh diện thích nghe được tiếng khen khi đang bồng một đứa con bụ bẩm khéo đẻ khéo nuôi. Bài Xướng rất cần thuộc loại thơ được làm ra với nhiều công phu đó. Bài Xướng có hay thì mới thu hút được nhiều người Họa vì không ai thích làm một bài Họa hay, để nằm cạnh một bài Xướng dở. (Ở đây bắt buộc phải nói tới tiếng “hay” hay “dở”). Vả lại trên nguyên tắc bài Họa khó làm hơn. Xướng thì tự do chọn vần, khi bí lối nầy ta tìm lối khác. Nhưng Họa thì phải dùng lại năm chữ “vần” của bài Xướng nên luôn phải làm việc trong điều kiện hạn hẹp. Người Họa rất thường khi chỉ vì yêu bạn mà cố gắng làm ra bài Họa đáp ứng lời mời cho bạn mình được vui. Do đó nên trong sự thân mật nầy, kẻ Xướng người Họa đều có bổn phận phải cố gắng đưa ra những bài thơ hay, đẹp, vì sự giao tình cao quí của đôi bên. Việc cố gắng viết ra một bài thơ hay còn có ích lợi rất lớn lao cho mỗi tác giả. Hãy nghĩ rằng sau nầy bạn được nổi tiếng. Nếu trong toàn bộ sưu tập thơ của bạn, mà có sự hiện hữu của quá nhiều bài thơ “dở” thì ắt bạn cũng hối tiếc lắm. Tiếc rằng sao hồi đó mình lại cẩu thả để tung ra những bài thơ kém cõi như thế ! Đi vào chi tiết một chút, xin nhắc lại là bài Họa chỉ cần lập lại 5 chữ vần (Bằng) của bài Xướng. Ba chữ Trắc ở cuối các câu 3, 5, 7 không cần phải lập lại. Không phải dùng lại ba chữ đó thì ta có thể phát huy tình ý, tư tưởng về mọi hướng, không bị gò bó như khi phải dùng lại ba chữ Trắc ấy. Trên cương vị của người “hướng dẫn” thì cần nói rõ như thế. Còn đã biết thế rồi mà bạn vẫn muốn dùng lại 3 chữ Trắc đó thì không có sự cấm cản nào cả. Hiện có nhiều bạn, hoặc vì tánh lập dị, hoặc vì muốn thử thách với chính mình, hoặc vì một lý do khác chỉ có ông trời biết, rất thường có những bài Họa dùng luôn 3 chữ Trắc. Đó là bác Vũ Kim Thanh, bạn Kim Giang và một vài người nữa mà tôi không nhớ chắc nên không dám nêu ra. Nay lại thêm một bạn mới là Hồn Du Tử với bài Họa nêu nơi phía sau tiếp theo đây. Họa luôn 3 chữ Trắc đó mà bài Họa vẫn hay, vẫn đẹp, thì đáng cho điểm cao hơn những bài Họa hay, đẹp khác. 6/ Sửa thơ Thông thường thơ nó có tính chất “ruột rà thân thiết” với tác giả nhiều hơn là Văn. Mà với Văn thì đã có câu nhận xét tâm lý rằng “Văn mình, vợ người”. Nói huỵch tẹt ra ý muốn nói của câu đó là : Văn mình lúc nào mình cũng thấy là hay hơn văn người khác, cũng như vợ người khác thì lúc nào mình cũng thấy sao họ dịu hiền dễ thương hơn mụ chằn nhà mình ! (Mặc kệ các bạn vui cảnh lứa đôi bị ngắt véo, Lá chỉ ngạo nghễ ngồi xem). Sửa thơ bạn là động tới cái phần “ruột rà mật thiết” đó nên việc rất tế nhị. Ngoại trừ trường hợp các bạn mới tập tành, cần được chỉ bảo, đề nghị sửa đổi mọi thứ trong những bài thơ chỉ mới là “bài tập”. Còn khi mà bài thơ đã là một tác phẩm thì ta nên thận trọng vì nhiều lý do : a- Như vừa nói, đối với những kẻ thực sự yêu thơ, thì những tác phẩm họ làm ra là tâm huyết, là ruột rà, là đứa con yêu của họ. Mỗi câu mỗi chữ đều được đắn đo cân nhắc trước khi đưa ra. Ta chỉ nên đề nghị sửa ở những nơi thực sự là “sơ sót” và những nơi mà sau khi sửa chắc chắn là bài thơ sẽ hay hơn, đẹp hơn. Ví dụ như lỗi về Bằng Trắc của niêm luật. Ví dụ như chỉ cần hoán chuyển vị trí của một vài chữ để có được một cặp đối đồng dạng, các từ đồng tự loại nằm đúng vị trí như nhau v.v. b- khi cần thay thế với một chữ khác hẳn thì tốt nhứt là nên đưa ra như một ví dụ rồi mời tác giả theo ví dụ đó mà sửa đổi. Và câu nói cũng phải dự trù luôn trường hợp họ không muốn sửa đổi. Có như thế họ mới không cảm thấy bị cấy một vật lạ vào cơ thể. c- những đề nghị sửa càng ít càng tốt, vì thơ văn cũng như lời nói, luôn mang màu sắc đặc thù của riêng tác giả. Sửa nhiều quá thì màu sắc của tác giả sẽ bị mất đi. Bài thơ có thể ít nhiều biến thành tác phẩm của người sửa. Và điều đó không tốt cho ai cả. d- vả lại cá tính mỗi người mỗi khác, có người sau khi nghe thấy lời đề nghị “sửa” nhiều quá trên bài thơ của mình, rồi buồn tình hay ngao ngán gì đó mà bỏ cuộc luôn. Trái lại có những người khác vui vẻ tiếp nhận, sẵn sàng tự đưa mình vào khuôn phép, đầy nhiệt tâm yêu thơ, tinh thần phục thiện, ý chí học hỏi rất cao. Phần tiếp theo 7/ sự “đối ngẫu” Sự “đối ngẫu” (thấy Quách Tấn dùng chữ nầy) là cái khó của thơ Đường. Nhưng nhờ yếu tố đó mà ta có thể viết ra những câu thơ hay và thật hay, bức xa các câu không đối. “Đối ngẫu” cũng là yếu tố được các tiền nhân coi rất trọng. Nhiều thể “văn” xưa lấy sự “đối ngẫu” làm căn bản so tài. “Đối” trong Văn khó gấp năm, ba, hay mươi lần trong thể thơ mà ta gọi vắn tắt là thơ Đường. Như bạn TNP nói, đúng ra phải gọi đó là “thơ Đường luật”, để phân biệt với những bài thơ có từ đời Đường còn được lưu truyền. Nhưng ở những trường hợp không thể có sự nhầm lẫn được thì có thể nói gọn là “thơ Đường” như mục “góc thơ Đường” ghi trên một vài tuần báo. Cũng như về thể Phú thì loại thông dụng có chính danh là “Phú Đường luật” nhưng luôn được gọi gọn là Phú, như “Tụng Tây Hồ Phú”, “Ngã ba Hạc phú” v.v. Trở lại nói vắn tắt về sự “đối ngẫu”của văn, một bài Phú Đường Luật phải có “vần”, có “đối”, và theo luật “bằng trắc”. Bài chia thành nhiều “liên”, mỗi liên gồm hai câu đối nhau, giữa hai câu có một dấu chấm-phết (;). Câu trong mỗi “liên” có thể ngắn, dài, hay thật dài, nhưng vẫn phải đối nhau. Đó mới là cái khó. Để tránh đi quá xa về văn, tôi chỉ xin trích dẫn một liên để xem phần đối ngẫu : Đây là một liên trong bài “Tự thuật ký” của Lý Văn Phức : Năm Đinh Mão cũng nước bầu cơm gói, tiếc nỗi đi không về luống, kỳ tứ trường đành nhượng bảng Tôn Sơn; Chốn Tràng An thời cũi quế gạo châu, lấy gì ngọt thão bùi thơm, đường bách lý luống ghi lời Tử Lộ. Xem xét sự “đối ngẫu” : - “năm Đinh Mão” đối với “chốn Tràng An”, đặc danh từ đối với đặc danh từ; Tràng An đây có nghĩa là Kinh đô, nơi khảo thí. - “nước bầu cơm gói” đối với “cũi quế gạo châu”, cùng tự loại, cùng cách cấu tạo : cùng dùng một phổ thông danh từ làm “tính từ”. - “tiếc nỗi” đối với “lấy gì” - “đi không về luống” đối với “ngọt thão bùi thơm” - “kỳ tứ trường” đối với “đường bách lý” - “đành nhượng bảng Tôn Sơn” đối với “luống ghi lời Tử Lộ” Sự “đối ngẫu” rất là hoàn hảo trên một câu thật dài gồm đến 22 chữ. Sau khi đã thấy câu văn đối khó trên đây, thì mới thấy những câu đối trong thơ Đường tương đối dễ hơn nhiều, vì nó chỉ giới hạn trong số 7 chữ. Do đó nên có thể nói rằng việc tìm viết cho có đối hoàn toàn trong tầm khả năng của chúng ta. Chỉ cần các bạn chịu khó “tí”. Để nhận định cái hay và bắt chước, tôi đề nghị các bạn xem lại một số cặp đối của các nhà thơ tiền bối trích ra dưới đây : Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi Dậm liễu sương sa khách bước dồn (bà Huyện Thanh Quan) Ðây là sự “đối xứng”. Hai câu cân xứng nhau, và dùng cùng tự loại, trên danh từ thì dưới danh từ, trên động từ thì dưới động từ, v.v. Khói tỏa đồi NGÔ un sắc trắng Duyên về đất THỤC đượm màu hồng (Phan-Văn-Trị) Cũng đối xứng và dùng cùng tự loại, nhưng có thêm loại đặc danh từ Ngô và Thục. CƯỚP của ĐÁNH người quân tệ nhỉ ? XƯƠNG gà DA cóc có đau không ? (Nguyễn Khuyến) Hai câu nầy chỉ đối xứng nhưng không dùng cùng tự loại : cướp của <> xương gà, đánh người <> da cóc, nhưng ý nghĩa của cả hai câu đều diễn đạt sự thật thiết yếu cho đề bài (Hỏi thăm bạn bị cướp). ÐẬP cổ kính RA tìm lấy bóng XẾP tàn y LẠI để dành hơi (Tự Ðức) Ðây gọi là “đối nghịch” vì nghĩa của hai câu có chỗ nghịch nhau : “đập ra” nghịch với “xếp lại”. PHÀNH RA ba góc da còn THIẾU XẾP LẠI đôi bên thịt vẫn THỪA (Hồ Xuân Hương) Cũng là « đối nghịch » nhưng ở hai nơi trong mỗi câu. Duyên thiên chưa thấy nhô đầu DỌC Phận liễu sao đà nẩy nét NGANG (Hồ Xuân Hương) vừa đối nghịch vừa chơi chữ : chữ Thiên (trời) mà nét giữa nhô lên khỏi gạch ngang thì thành chữ Phu (chồng) chữ Liễu (ví là con gái) mà thêm một gạch ngang thì thành chữ Tử (là con) để nói là người con gái không chồng mà lại có con. Non nước lỡ LÀNG màu lịch sự Gió trăng chờn CHỢ mối nhân duyên (Phan Sào Nam) Cũng là một hình thức chơi chữ : lấy trong hai tính từ kép mỗi nơi một chữ đối nhau là :làng và chợ. Chẳng LONG lay đến lòng son sắt Há HỔ ngươi vì miếng bạc đen (Phan Sào Nam) Cũng như trên. Dùng “điệp tự”. Câu trên có điệp tự ở những vị trí nào thì câu dưới cũng phải vậy. a/ điệp tự nằm cạnh nhau THÔI THÔI xin bái cùng chung đỉnh KHÉO KHÉO còn rầy với kiếm cung (Nguyễn Quí Tân) Lúc NHỚ NHỚ gì trong mộng tưởng Khi RIÊNG RIÊNG cả mối tình chung (Trần Tế Xương) b/ điệp tự cách khoảng NỀN NẾP vẫn còn NỀN NẾP cũ LỄ VĂN sao khác LỄ VĂN xưa (Phạm Thấu) Thà KHÔNG trời đất KHÔNG chi cả Còn CÓ non sông CÓ lẽ nào (Phan Bội Châu) Gần ƯỚC tiện nơi xa cũng ƯỚC Sớm TRÔNG gặp hội muộn càng TRÔNG (Nguyễn Trọng Trí) Ðây là 2 câu Thực của một bài thơ Phú Ðắc, lấy đề “Không Chồng Trông Bông Lông” làm vần. Người con gái nào lại không ước có chồng gần, nhưng nếu gần không được thì xa cũng ước. Người nào lại chẳng sớm trông có được tấm chồng, nhưng nếu sớm không được thì muộn lại càng trông. Ðây là cái tâm lý chung. Thật khó có câu Thực nào xác thực đến mức đó. Xin chấm dứt phần “đối ngẫu” với hai bài thơ ngoại lệ “bỏ đối” : BẠN ĐẾN CHƠI NHÀ Chẳng mấy khi mà bác tới nhà Trẻ thời đi vắng chợ thời xa Ao sâu nước cả khôn chài cá Vườn rộng rào thưa khó bắt gà Cải CHỬA ra cây cà CHỬA nụ Bầu vừa rụng rốn mướp đương hoa Ðầu trò tiếp khách trầu không có Bác đến chơi đây ta với ta. (Nguyễn Khuyến) Câu 5 có điệp tự nhưng câu 6 lại không, vì sự cần thiết của ý nghĩa. Dù vậy bài nầy rất được yêu thích. Có thấy người đem chép chữ to trên vách phòng khách để trêu bạn bè khi họ đến thăm. NGHE HÁT Phách ngọt đàn say nệm gối êm Tiếng ca buồn nổi giữa trời đêm Canh khuya đưa khách lời reo ngọc Mơ gái Tầm Dương thoảng áo xiêm Ai lạ nghìn thu xa tám cõi Sen vàng như động phía châu liêm Nao nao khói biếc hài thương nữ Trở gối hoa lê rụng trắng thềm. (Vũ Hoàng Chương) Vũ Hoàng Chương là một nhà thơ lớn, nhưng bài nầy của ông vẫn không có đối. Có lẽ vì phải nói những cái thực tế không đối được. Nhưng nhờ vào những cái đẹp khác như : lời lẽ trang trọng chải chuốt, nhạc dịu dàng, ý nghĩa nồng nàn, nên bài thơ vẫn được mọi người yêu thích, lưu truyền coi như một bài thơ hay. Tuy nhiên những bài ngoại lệ nầy không nên bắt chước. Vì thơ Đường Luật là phải có “đối” mới hay. 8/ những nét hay khác của câu thơ Niêm, luật, vần, đối, điệp tự, là những yếu tố mà ta dễ kiểm soát, ghi nhận. Nhưng có những yếu tố khác làm “hay” cho câu thơ, mà ta ít khi để ý tới vì khó nhận ra. Xin nêu vài ví dụ : Nước biếc trông như làn khói phủ Song thưa để mặc bóng trăng vào - Nguyễn Khuyến Hai chữ “để mặc” đã “nhân cách hóa” một vật vô tri là “song thưa”. “nhân cách hóa” là gán cho những vật vô tri hoặc những con vật nhỏ, một nét sống như người, khiến cho câu thơ thêm duyên dáng. Nhưng nếu trắng trợn quá, lộ liễu quá như : Trăng nằm sóng soải trên cành liễu Đợi gió đông về để lả lơi thì nghe cũng không hay mấy. Còn những câu kín đáo, như có như không, khéo léo nhẹ nhàng như trên đây thì thật là hay. Xin kể ra luôn vài câu thơ như vậy, của các nhà thơ khác, trong thể loại thơ khác : Gió lướt thướt kéo mình trên cỏ rối -Xuân Diệu Chim theo mây về dãy núi xa xanh - Xuân Diệu Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng - Huy Cận Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa - Huy Cận Hai câu sau đây thì hàm súc cái hay khác : Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái Một tiếng trên không ngỗng nước nào - Nguyễn Khuyến Muốn hiểu đúng được nghĩa của chữ “hoa năm ngoái” thì phải có biết điển tích Thôi Hộ, trong có câu : Đào Hoa y cựu tiếu đông phong. Nhờ chữ “y cựu” mà ta mới hiểu “hoa năm ngoái” không phải là hoa có từ “năm ngoái”, mà là hoa lại nở cũng như “năm ngoái”. Còn nếu ta có một kiến thức tổng quát rộng rải để biết rõ việc có loài chim di trú hàng năm, từ Bắc xuống Nam và ngược lại, thì mới thưởng thức trọn vẹn câu : Một tiếng trên không ngỗng nước nào Với hai câu : Da trời ai nhuộm mà xanh ngát Mắt lão không viền cũng đỏ hoe - Nguyễn Khuyến “nhuộm da trời” là tứ thơ có tính cách “nhân cách hóa”. chữ “viền” là một tứ thơ khó tìm. Nhận ra được cái “khó” trong những bài thơ hay cũng là một động lực giúp ta hăng hái tìm tòi, không nãn chí v.v. trong sự tìm chữ khi gặp trường hợp khó. Hai câu : Một kiếp phù du vờ ấy xác Trăm khoanh huyễn hoặc giả là danh - Giản Chi Người có nghiên cứu sự tích của đức phật, tức Thái tử Tất-Đạt-Ta sẽ sung sướng gặp lại cái triết lý của Tất-Đạt-Ta trong hai câu thơ ấy. Tóm lại, câu thơ có thể hay nhiều cách. Ta nên chịu khó suy nghĩ, tìm tòi, để viết ra những câu thơ đẹp. 8 câu của bài thơ Đường thì có câu khó viết, có câu dễ viết. Theo thứ tự từ khó đến dễ như sau : * khó nhứt là những câu vừa phải theo vần, vừa phải đối. Là các câu 4, 6 * ít khó hơn chút là những câu theo vần nhưng khỏi theo đối. Là các câu 1, 2, 8. * ít khó hơn chút nữa là những câu phải theo đối nhưng khỏi theo vần. Là các câu 3, 5. * và dễ nhất là câu 7, khỏi theo đối cũng khỏi theo vần. Nhưng những câu dễ viết thường bị coi thường. Không nên vậy. Trái lại nên khai thác tính chất “dễ viết” để viết cho “hay”. Và sau cùng, phải cố làm cho câu thơ rõ nghĩa. Vì nếu người đọc không hiểu được nghĩa của câu thơ thì làm sao biết được là “thơ hay” ? Thân ái đóng góp chút kinh nghiệm cùng quí bạn. LCR
<bài viết được chỉnh sửa lúc 27.02.2006 08:42:15 bởi lá chờ rơi >
Có mợ thời chợ thêm đông Vắng mợ chợ cũng chẳng "không" bữa nào !
|