Trích đoạn: da1uhate
Thưa bác Lá,
Bài thơ của H gây um sùm 2 bữa nay thì D chứng kiến từ đầu đến giờ rồi, tuy không reply nhưng ngày nào D cũng vô trang Thơ Đường của bác ít nhứt là 3 lần. Thấy Bác bắt những lỗi chính tả của H thì D rất kính cách xử thế vô cùng tế nhị của bác. Lẽ ra D không tham gia trong trang thơ Đường này nữa vì cảm thấy mình không đủ từ ngữ và lời lẽ để đưa ý vào trong 56 chữ mà phải tuân theo luật bằng trắc, gieo vần và đối hết sức nghiêm ngặt. Nay nhân chuyện này D mạo muội hỏi bác một chút vấn đề về lỗi chính tả trong Tiếng Việt mà D thắc mắc từ lâu nay lại chẳng biết phân tỏ cùng ai. D có đọc trong các sách xuất bản trước 1975 ở SG mà cụ thể là trong quyển Việt Văn Độc Bản lớp 11 và cuốn kinh Duy Ma Cật của dịch giả Thích Huệ Hưng thì D thấy rằng tiếng Việt trước 1975 và sau 1975 có vài sự khác biệt về lỗi chính tả:
Thí dụ:
+ trước 1975: Nhựt Bổn, lỗ chưn lông, Kim Cương...
+ sau 1975: Nhật Bản, lỗ chân lông, Kim Cang...
Dĩ nhiên là bây giờ ít người dùng những từ trước 1975 nữa nhưng D không biết là nếu mình vẫn dùng thì có gì sai hay không?
Còn trong những từ của HTSA nếu như H đọc được đâu đó trong các tài liệu cổ người ta viết như vậy thì mình có được bắt lỗi H hay không?
D có vài lời mong bác và các bậc trưởng thượng ở đây chỉ giáo dùm, nếu làm cho nhiều vị khác mất hứng thì D xin vô cùng tạ lỗi
Chào bạn Da1uhate,
Theo tôi, ở ngoài đời, dùng những từ trước 1975 hay trong các tài liệu cổ đều được cả, vì nó thuộc cái quyền "tự do ngôn luận" thiêng liêng của mọi người, không ai cấm cản được.
Mình thích và cho rằng đúng thì cứ dùng. Khi thấy cần thì giải thích thêm v.v.
Có thể cũng sẽ gặp người bắt lỗi, vì đó cũng là quyền tự do của họ. Mình chỉ cần giải thích cái chủ ý của mình và để sự "đúng, sai" cho người có nhiều kinh nghiệm hơn phê phán.
Ðó là sự sử dụng ở ngoài đời, giữa người nầy với người kia, trong thư quán chúng ta v.v.
Nhưng quốc gia nào cũng phải chọn lấy một ngôn ngữ chính thống. Gặp những trường hợp đòi hỏi phải chỉ dùng ngôn ngữ chính thống của quốc gia, thì phải dùng cái mà nhà nước, bộ Giáo Dục đã chỉ định. Do đó nên trong sự học hành phải học và phải dùng đúng cái ngôn ngữ đó.
Tôi cũng là một người rất kém về chính tả vì là dân miền Nam cộng thêm tính lười. Việc giải thích nguyên do của những sự khác biệt bạn nêu ra là một vấn đề lớn, tôi chỉ biết được lấp lỏm đôi chút, nên biết đến đâu thì tôi đưa ra đến đó như dưới đây :
Miền Nam là một thuộc địa của Pháp, khác với miền Bắc và Trung, chỉ là những xứ được sự "bảo hộ" của Pháp.
Người miền Nam xa xưa, có lẽ tự biết mình là dân quê mùa thiếu kém nhiều hiểu biết, nên rất quý trọng những sản phẩm tinh thần, và những ai có vẻ hơn mình về cái vốn tinh thần nào đó.
Xin kể vài chi tiết thực tế :
* giấy có chữ viết như sách báo, mẹ tôi không dám dùng vào những nơi dơ bẩn như gói rác hay vứt bỏ theo rác. Khi ông cha tôi không dùng đến nữa thì đem đốt.
* ông nội tôi là một chức sắc cao trong ban Hội Tề của làng, nhưng tiếp chuyện với những bác sĩ tây học, đều gọi họ bằng tiếng "quan lớn".
Từ sự quý trọng cái giá trị tinh thần của người khác đó, người miền Nam tạo thành thói quen là hay "cử tên". Người Bắc gọi nhau thì dùng tên (bác Phú, bác Vinh v.v.), người Nam chỉ dùng thứ (bác hai, bác ba v.v.), tránh gọi tên. Trẻ con luôn bị rầy khi gọi người lớn nào khác với tên, vì cha mẹ cho rằng gọi tên người ta "xách khoé" như vậy là vô lễ.
Sự "cử tên" bắt đầu từ tên tổ tiên ông bà của mỗi gia đình. Học thì nói trớ là "hược", dao thì sửa là "diêu", đường thì gọi là "đàng" v.v.
Ðầu não của ban Hội Tề là ông Hương Cả. Vì chức vụ nầy mà thứ tự các con trong Nam không bắt đầu bằng vai "cả" (anh cả, chị cả) như ngoài Bắc, mà đứa lớn nhất trong bầy con chỉ mang thứ "hai" (anh hai, chị hai). Ðể tránh trường hợp phải nói : "thằng cả nhà tôi" v.v. là một câu "vô lễ" đối với ông Cả trong làng.
Mặt khác, có những tiếng mà người Nam đọc khác người Bắc không phải do kiêng cử, mà vì thói quen từ một lý do nào khác tôi không biết, ví dụ : Nam gọi "chưn tay" Bắc gọi "chân tay", các vị vua chúa thì Nam gọi "Trần Thái Tôn, Anh Tôn v.v.", Bắc gọi "Trần Thái Tông, Anh Tông v.v.", Nam gọi "Nhựt Bổn" Bắc gọi "Nhật bản", Nam gọi "sân bay Tân sơn Nhứt, Bắc gọi Tân sơn Nhất v.v.
Những cách gọi khác nhau giữa hai miền nhứt định là phải có. Và khi nó đã trở thành "chính thức" rồi thì "không thể không tôn trọng". Câu vừa rồi tôi nói là "
nhứt định" chứ không là "
nhất định" nhưng mọi người đều hiểu. Khi lên taxi, người miền Nam luôn bảo đi Tân sơn
Nhứt, tôi quả quyết rằng không có người miền Nam nào bảo taxi đi Tân sơn
Nhất. Nhưng những tài xế taxi dù Nam hay Bắc đều hiểu và chẳng ai hỏi đi hỏi lại gì cả.
Ngôn ngữ chỉ là những "qui ước" nên nó phải tuân theo luật đa số của người dùng. Có những từ riêng của mỗi vùng như cái muỗng trong Nam là cái thìa ngoài Bắc, bệnh sưng hàm trong Nam, Bắc gọi là bệnh quai bị. Nghe mà không hiểu thì hỏi, không có gì quan trọng.
Nhưng có những từ cùng một chữ mà khác nghĩa như "đón, rước". "Ðón" trong Nam là dùng cho sự đón đường đón ngõ, chận lại không cho đi, làm khó dễ, đòi tiền mãi lộ v.v. hoặc đón xe đi ngang qua địa phương cho xe ngừng lại để mình mua vé đến nơi xe đi tiếp v.v. Còn "rước" là mang hộ về, chở hộ về (chỉ dùng cho người). Trong khi đó thì người Bắc dùng chữ "đón" cho chữ "rước" trong Nam. Còn chữ "rước" của Bắc thì dành cho những cái long trọng hơn như "rước sắc thần", rước những vị quan to v.v.
Nước ta chưa có Hàn Lâm Viện để giải quyết những sự lủng củng kiểu ấy.
Nên phải trông cậy vào các quyển Tự điển. Và cần phải tham khảo càng nhiều càng tốt vì dường như chưa có quyển nào được công nhận là đầy đủ nhất.
Nói chung cách nói khác nhau bị chi phối bởi nhiều lý do và không thể không có. Nước nào cũng có tình trạng đó. Như Trung Quốc phải đặt ra tiếng Quan Thoại làm tiếng chung. Như nước Pháp, dân vùng Corse cũng như vùng Bretagne có tiếng nói riêng của họ, nhưng vẫn phải học tiếng Pháp chính thống để dùng trong những sự giao dịch chung toàn quốc.
Thế nên theo tôi, chúng ta không nên quá khắc khe đối với sự sử dụng những ngôn từ xưa cũ đã từng được công nhận, hoặc những từ riêng của một địa phương.
Và mong rằng bài nầy sẽ được mọi người hiểu cùng một cách !
Thân mến chào bạn.
LCR