Trích đoạn: htsa
Mến gởi quí vị thi hữu cũng như các tiền tiền bối về đường thơ , từ bấy lâu khi bàn về thơ đường H luôn có 1 thắc mắc nhỏ , nhưng thật ngại ngùng kg dám bày tỏ cùng ai , nhân tiện thấy chư huynh đệ ở đây luôn mở rộng vòng tay chào đón mọi người , và tận tình giải đáp những thắc mắc cần thiết nhằm làm cho trang thơ đường thêm hoàn mỹ , H mạo muội có câu hỏi thế này , trong một dịp bàn về đường thơ với 1 thi hữu , anh ta cho H biết thêm về luật thơ đường có 1 điểm nhỏ cần quan tâm rằng , từ thứ tư của mỗi câu nếu là thanh bằng thì từ thứ 3 nhất định phải là thanh bằng , nếu kg sẽ bị liệt vào câu lạc vận , khổ đọc. H thật tình bán tính bán nghi , nhưng để cho những bài thơ được thuần đường từ trước đến giờ , thơ của H viết ra đều cố gắng tránh điểm này vì thế cho nên về từ ngữ bị hạn chế nhiều lắm , H rất mong được lắng nghe ý kiến từ quí vị , xin chỉ điểm dùm cho. Thân kính HTSA
Bạn HTSA thân mến,
Ðiều thắc mắc của bạn thuộc một mực độ thưởng thức rất cao của thơ Ðường Luật, liên hệ đến âm hưởng của bài thơ.
Bài thơ nào cũng ít nhiều có tính chất của một bản nhạc. Ðiển hình nhất là 5 chữ vần Bằng. Nếu cùng là 5 chữ vần Bằng mà không dấu, hoặc tất cả 5 chữ đều mang dấu huyền thì âm hưởng của bài thơ sẽ kém hơn những bài có 5 chữ vần Bằng với một số chữ không dấu xen lẫn với những chữ mang dấu huyền.
Trở lại điều thắc mắc của bạn, người thi hữu đã chỉ cho bạn sự quan tâm đó rất đúng. Nhưng đó là cách "ăn chắc" chứ không phải lúc nào cũng "cần thiết". Vì quả thật có những lúc lấy một từ thứ 3 Trắc (tuy là bất luận) cho đứng trước một từ thứ tư Bằng thì câu thơ có âm điệu khó nghe hơn là đổi từ thứ 3 ấy ra một từ Bằng.
Âm hưởng được cảm nhận tùy theo sự thẩm âm của mỗi người, và "khi có khi không" nên không thể qui ra thành Luật.
Nhưng sự kiện ấy có thật. Và nhắc lại là "không phải lúc nào cũng có".
Tôi thử lục lọi tìm vài ví dụ như sau. May ra có người cùng cảm nhận điều ấy như tôi :
HÈ ĐẾN
Đồi cao thông gọi gió vi vu
Hè đến âm vang tiếng thác ru
Hoa thắm
rực trời hòa nắng ấm (nghe vẫn hay)
Mưa rào giăng lối sạch tâm mù
Râm ran ve hát câu tình tự
Bay bổng
sáo lồng điệu lữ du (nghe vẫn hay)
Trời Đất soi chung cùng sức sống
Cảnh trần gian tựa cõi thanh tu
Tulip
Câu 3 và câu 6 thuộc trường hợp bạn-cần-tránh nhưng vẫn nghe rất hay.
ĐÀNH THÔI
Viết cũng hoài thôi những cánh thơ
Chẳng sao nguôi được nỗi mong chờ
Người xa đã khuất theo ngàn lối
Kẻ luống
đợi chờ mãi giấc mơ (chỉ hơi hơi vướng tai)
Đành nước trôi xuôi hoa trả mộng
Thôi câu nhạc ý
đàn chùng tơ (nếu là từ Trắc thì nghe hay hơn)
Nếu không hữu ngộ như từng hẹn
Phải cố
gắng thôi để nhạt mờ (hoàn toàn không êm tai)
Tulip
Câu 4 nếu để là "mong chờ" thì nghe êm tai hơn tí ti.
Nhưng câu 8 thì từ "gắng" hoàn toàn không êm tai bằng một từ không dấu hoặc dấu huyền. Tuy vậy, những ví dụ nầy không được thuyết phục lắm.
Nơi câu 6 từ thứ 5 (bất luận) nhưng nếu đổi thành một từ Trắc thì theo tôi, câu thơ lại "nghe" hay hơn.
Tóm lại, nếu muốn "ăn chắc" như lời người thi hữu khuyên thì ta luôn bị hạn hẹp về từ ngữ.
Nên theo tôi, thì không nên tránh một cách máy móc, mà cứ dùng từ theo nhu cầu của thi tứ, rồi sau đó, làm một sự rà soát âm thanh, nếu nghe không thuận tai vì chữ Trắc (bất luận) ấy thì hãy tìm sửa với một từ Bằng.
Ngoài ra, sau khi đọc bài của bạn HỌA bài Vú Sửa, tôi có mail chỉ cho một bạn thơ khác thấy là PTM và bạn có những cặp đối rất hoàn hảo, phải cố gắng làm theo.
Nay thêm vào việc nầy, cho thấy bạn là người rất có nhiệt tình yêu thơ Ðường Luật.
Xin thành thật hoan nghênh và chúc bạn tiếp nhận được nhiều vui vẻ thân mật trong vườn thơ nầy.
Thân mến,
LCR
P.S. Viết xong khi vào POST bài này thì gặp nhiều bài thơ sắc nét : Nguyên Hùng đã "chịu chơi" với luật Bằng Trắc, ngoài HTSA lại thêm cao thủ HBD với những lời thơ điêu luyện, với nhận xét bén nhạy trong sự góp ý sửa thơ.
Xin thân chào bạn HBD, chúc vui và xin cho vườn thơ tiếp tục nhận được những bông hoa mới đầy hương sắc.
Thân mến,
LCR
<bài viết được chỉnh sửa lúc 25.07.2006 17:46:25 bởi lá chờ rơi >