Tiếp theo.
Nguyễn Hữu Thọ, nguyên chủ tịch Mặt trận Giải Phóng Miền Nam. Mặt trận bị khai tử một cách tức tưởi. Các đồng chí cao cấp MTGPMN kẻ thì vượt biên, kẻ tự tử vì không cứu được con trai của mình khỏi trại cải tạo. Câu Lạc Bộ Cựu Kháng Chiến bị loại ra khỏi vòng...pháp luật. Các ông Tạ Bá Tòng, Hồ Văn Hiếu, Ðỗ Trung Hiếu và Lê Ðình Mạnh bị bắt. Hậu quả của phong trào nầy là từ tháng 12 năm 1990 đến tháng 5 năm 1991 có 35.000 người bị bắt, theo sự tiết lộ của báo Quân Ðội Nhân Dân hồi tháng 5 năm 1991.
Choáng ngợp vì chiến thắng, Cộng Sản phát động một kế hoạch táo bạo nhằm phát triển kinh tế lên đến mức 14/100 mỗi năm. Dĩ nhiên nó thất bại. Tăng trưởng kinh tế chỉ rướn lên tới mức 2/100 mỗi năm, không kịp với mức sinh sản 3/100, một trong mức sinh sản cao nhất thế giới – một xu hướng kinh tế thụt lùi lại hơn nửa thế kỷ trước. Mặc dù chiến tranh và thiên tai như bão lụt và hạn hán, dân số tăng gấp ba tính từ năm 1930, trong khi sản lượng thực phẩm chỉ tăng chưa đến gấp đôi. Việt Nam sa vào nạn đói kém bất kể tính năng động của dân Việt, mà với khích lệ, có thể sánh hay vượt những thành đạt kinh tế của các nước Á Châu khác.
Cộng Sản bắt đầu sai lầm bởi gắn bó mù quáng vào giáo điều Mác Xít đặt toàn thể trọng tâm kinh tế vào kỹ nghệ nặng như sắt thép và hóa chất. Mù quáng ở chỗ các nước nông nghiệp như Việt Nam và Trung Cộng bắt chước Sô Viết, vốn đã có những vốn liếng kiến thức, thiết bị kỹ nghệ nặng, dồn mọi tài nguyên nhân lực vào sắt thép. Sô Viết thất bại thì Việt Nam, Trung Cộng tránh sao khỏi thất bại? Mọi viện trợ từ Sô Viết và khối Đông Âu đều không thể cứu vãn. Cộng Sản Việt Nam cũng tin tưởng hão huyền vào 4.7 tỉ đô la “bồi thường chiến tranh” của Mỹ. Năm 1973, Nixon bí mật hứa hẹn với Cộng Sản trong nỗ lực thúc đẩy việc ký kết hiệp định ngừng bắn. Không có hiện kim để nhập cảng nguyên liệu sống, các công xưởng lèo tèo trong nước chỉ hoạt động cầm chừng hoặc ngưng hẳn hoạt động. Sản lượng than đá, một thời là một sản phẩm xuất cảng chính yếu, hầu như ngưng hoạt động vì thiếu đai vận chuyển (conveyers) và xe tải. Những mặt hàng tầm thường như xà bông, kim chỉ … không thể tìm thấy ở Hà Nội, nơi có một cửa hàng độc nhất nhưng trống rỗng – ngoại trừ ở cửa sổ trưng bày những hàng hóa mẫu, thiết tưởng phải là những mẫu hàng sẵn có trên kệ. Và kệ luôn trống rỗng.
Hải Phòng, hải cảng chính miền Bắc cũng tê liệt. Phân nửa số hàng hóa chưa rỡ, hầu hết từ Sô Viết và Đông Âu, bị ăn cắp hay để thối rữa trên bến tàu Tôi thấy những giỏ dụng cụ, máy móc chất đống, lật úp hay rỉ sét vì không bảo quản. Cảng đầy nghẹt những tàu bè khi các viên chức Việt Nam tính toán, cân nhắc giá trị các chuyến hàng để đòi tiền hối lộ quá cảnh. Người Nhật đủ điều kiện tiền bạc nộp 5000 đô la, có thể nhổ neo trong vòng 3 ngày trong khi những tàu khác có thể bị lưu giữ 3 tháng vì hối lộ ít.Trái ngược với tuyên bố của Hà Nội về đoàn kết vô sản, tàu của các nước Cộng Sản anh em bị phiền nhiễu, giam giữ cho tới khi lo liệu đủ tiền hối lộ.
Kế hoạch kinh tế Các Mác cũng dự kiến cung cấp thực phẩm cho thành thị từ những hợp tác xã nông nghiệp do các nông dân thấm nhuần chủ nghĩa xã hội cật lực sản xuất cho nhà nước. Nhưng người dân, quen cày cấy trên thửa ruộng mình làm chủ, thách đố kế hoạch. Đặc biệt vùng châu thổ phì nhiêu sông Cửu Long phía nam Sài Gòn. Thay vì giao nộp gạo, rau, thịt cho các cơ quan thu mua lương thực, họ bán sản phẩm của họ ra ngoài chợ đen. Nhiều nơi, họ mổ trâu, bò vốn là phương tiện chính cầy xới đất, hơn là bị xung công và thay vì khai khẩn mùa màng cho nhà nước, họ bỏ mặc ruộng hoang.
Vụ mùa đặt kế hoạch 21 triệu tấn năm 1980 kém 5 triệu tấn suốt 3 năm. Trong lúc tôi ở Việt Nam năm 1981, khẩu phần lương thực tiết giảm còn 30 cân (14 kí) mỗi tháng, hầu hết là bo bo, bắp hay khoai sắn mà người Việt Nam rất ghê tởm. Thịt và cá, nguồn chất đạm chính của người Việt đều hiếm – các ngư dân thiếu xăng dầu hoặc tìm đường vượt biên. Tại nhà thương, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa cho tôi xem các em bé chen chúc nhau, 4, 5 em trong một cái nôi hay nằm lăn trên sàn đất, bụng sưng trướng vì thiếu dinh dưỡng. “Tình trạng không thể sống được,” bà nói trong tiếng thở dài. “Chúng tôi biết làm thế nào bây giờ?”
Một chính sách áp bức để trả thù càng cứa sâu vết thương kinh tế. Khi viên chức Sài Gòn đầu hàng Bùi Tín năm 1975, ông cam kết:”tất cả mọi người Việt Nam là kẻ chiến thắng và chỉ đế quốc Mỹ là kẻ chiến bại. Nếu bạn yêu nước và yêu nhân dân, hãy coi hôm nay là một ngày vui.” Nhưng Cộng Sản giam cầm hơn 200 ngànngười miền Nam trong đó có công chức, sĩ quan quân đội, bác sĩ, luật sư, văn sĩ và hầu hết các trí thức khác trong trại tập trung, được gọi bằng mỹ từ là trung tâm cải tạo.
Một cách mỉa mai, một trong những trại cải tạo tệ nhất là đảo Côn Sơn, nơi thực dân Pháp từng giam cầm các tù nhân Cộng Sản thời năm 1930 và chính quyền Sài Gòn sau này giam cầm những người đối lập. Và Cộng Sản cũng không nhân đạo hơn đối với những tù nhân của họ hơn bọn thực dân đã đối xử với họ trước đây. Thiếu dinh dưỡng hay bịnh hoạn vì sốt rét hay kiết lỵ, tù nhân thường bị cùm ngoài nắng suốt ngày không nước uống, tra tấn hay xử tử. Nhiều trong số họ lại là kẻ đối nghịch với chính quyền Sài Gòn, vài kẻ chính là người miền Nam cựu đồng đội của chính họ bị Cộng Sản Bắc Việt đánh giá là có mầm mống phản động. Năm 1981, một cán bộ Hà Nội binh vực cuộc thanh trừng, nói với tôi :”Chúng tôi phải quét sạch tàn dư tư sản.” (We must clean out the bourgeois rubbish.)
Ngoài tính vô nhân đạo, trại tù còn tước đoạt của quốc gia những chuyên viên có thể đóng góp vào việc phục hồi đất nước. Nhiều người bị trừng phạt chỉ vì họ đã được theo học ở Mỹ hay được chính quyền Sài Gòn tuyển dụng, thường là những công việc nhỏ hoặc không quan trọng. Như Trần Bạch Đằng nói với tôi :”Lẽ ra chúng tôi phải tha thứ họ. Thay vào đó, chúng tôi lãng phí nguồn nhân lực và thu dụng các cán bộ dốt nát, thiếu học. Đó là thiệt hại lớn lao cho quốc gia – và tôi phải thú nhận, chính tôi cũng có lỗi.”
Dưới áp lực thế giới, cuối cùng Cộng Sản nhượng bộ thả các tù nhân – với điều kiện Mỹ phải dung chứa họ. Nhiều người định cư ở Little Saigon, nam California, nơi cuộc đời của họ tan vỡ, họ sinh sống bằng trợ cấp xã hội hay làm những nghề hèn mọn.
Một di sản cay đắng khác của chiến tranh là khoảng 50 ngàn người Việt lai Mỹ, con cháu các binh sĩ Mỹ. Đa số họ ở Sài Gòn, Đà Nẵng và các thành phố lớn khác có binh sĩ Mỹ đồn trú. Các thí điểm mồ côi nuôi dưỡng một ít nhưng hầu hết bị người Việt Nam ruồng bỏ, không được đi học cũng như không khẩu phần thực phẩm. Những người Mỹ lai nàynhìn thấy năm 1981, - một số tóc vàng mắt xanh, một số khác da ngăm đen – chỉ làm nghề buôn bán hàng rong hay ăn xin trên đường phố. Con gái có nhan sắc thì có vẻ được an bài trong những ổ điếm. Mẹ của họ, thường bị gia đình khai trừ, la cà ở các cơ quan tị nạn quốc tế tìm cha, luôn khai báo bằng vỏn vẹn một tên như Joe, hay Bill hay Mac - không có một thông tin lý lịch chi tiết nào khác – người đã từng cưới họ 16, 17 năm về trước.
Đầu tiên Cộng Sản chần chừ không cho phép họ xuất cảnh, hy vọng dùng họ như những con bài tẩy trong canh bạc ngoại giao, mặc cả với Mỹ. Tổng thống Reagan và quốc hội, vì những lý do chính trị quốc nội cũng chùn bước trong việc tu bổ luật di trú Mỹ. Nhưng cuối cùng 2 bên dịu lại. năm 1990, được người cha hay các gia đình bảo dưỡng chấp nhận, khoảng 40 ngàn thanh niên nam nữ đã qua Mỹ và số còn lại cũng được lên danh sách chuẩn bị rời Việt Nam.
Không một bi kịch nào lột được một cách sinh động hơn mối ác cảm về tàn ác và đói rét bằng cuộc trốn chạy khỏi nước sau chiến tranh – cuộc di dân lớn nhất thời hiện đại. Hơn 1 triệu người đào tị, hầu hết bằng đường biển. Nhiều người chết đuối, bị cướp bóc, hãm hiếp bởi hải tặc ngoài khơi Đông Nam Á. Ít nhất nủa triệu người trốn khỏi Lào và Cam Bốt, 2 quốc gia nhỏ bé được bao gồm trong Cộng Hòa Đông Pháp trước Thế Chiến Thứ Hai, sau khi Cộng Sản xâm chiếm cũng năm 1975. Khoảng 1 triệu người thuộc 3 quốc gia Đông Dương này định cư tại Mỹ nhưng nhiều trăm ngàn lây lất năm này qua năm khác trong các trại tị nạn ở Hồng Kông,Thái Lan, Mã Lai, Tân Gia Ba và Phi Luật Tân. Trừ phi họ tự chứng minh rằng động cơ thúc đẩy của họ thuộc về chính trị hơn là kinh tế, họ có nguy cơ bị cưỡng bách hồi hương – như chúng ta chứng kiến cảnh nhiều người bị xô đẩy lên máy bay bởi nhà cầm quyền Anh tại Hồng Kông. Những não trạng đó vẫn không làm giảm bớt làn sóng người vượt biên trốn chạy nạn Cộng Sản.
Năm 1985, kinh tế Việt nam hoàn toàn sụp đổ. Nhiều nơi ở miền bắc, nơi mà khan hiếm thực phẩm là sự kiện cố hữu, nạn đói đe dọa 10 triệu người. Kỹ nghệ chựng lại trong khi những kẻ thất nghiệp lang thang đầy đường. Buôn bán bị tê liệt ngoại trừ thị trường chợ đen thì thừa mứa từ viên thuốc cảm đến đồng đô la, lén lút chuyển về từ những người tị nạn ở ngoại quốc. Những tin đồn lan truyền khắp nơi về bạo loạn chống chính phủ.
Cảnh giác, lãnh đạo Cộng Sản họp khẩn cấp ở Hà Nội năm 1986 và sau những cãi vã, tranh chấp gay go, tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, một nhà cách mạng lão thành ở tuổi thất tuần và cũng là thành ủy Sài Gòn, trong hy vọng sách lược uyển chuyển ông đề ra sẽ ngăn chặn được nền kinh tế tuột dốc như trời long đất lở. Nhưng những cải cách thực tiễn đầy hiệu quả lại làm suy yếu quyền lực đảng, đảng giao phó Lê Đức Thọ, một lãnh đạo theo khuynh hướng bảo thủ, đối thủ (hay đối tác?) của Henry Kissinger trong cuộc việt dã đàm phán hòa bình đầu thập niên 1970. Sự cân bằng quyền lực tạm thời này chi phối chính sách của Việt Nam đong đưa theo kiểu mềm nắn rắn buông nhiều năm về sau.
Mặc dù phe bảo thủ tìm đủ mọi cách để kềm hãm thay đổi, giáo điều Mác Xít đã bị hóa giải hay nói đúng hơn, bị vứt bỏ. Những quản lý mậu dịch nhà nước đã được chỉ thị tự quyết định mọi công việc, không cậy nhờ vào bao cấp của nhà nước nữa, đã tìm thấy lợi nhuận, hoặc tiếp tục điều hành một cách hiệu quả hoặc dẹp bỏ. Lúc này cuốn sách của nhà kinh tế cấp tiến, đoạt giải Nobel Paul Samuelson, đã được dịch sang Việt ngữ, dĩ nhiên không được sự đồng ý về tác quyền theo thói quen Cộng Sản. “Vậy thì ông đã chấp nhận tư bản chủ nghĩa.” Tôi trêu chọc ông bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, một người chủ trương cải cách, như thế. Phản đối từ ngữ có tính cách báng bổ, Thạch nói :” Tuyệt đối là không. Chúng tôi chỉ tuân theo kinh tế thị trường và luật cung cầu.” Sau này, họ phát minh ra một sáo ngữ quái gở hơn :”Kinh tế thị trường định hướng theo xã hội chủ nghĩa.”
Để bào chữa cho sự thay đổi , cơ quan tuyên truyền đảng vớt vát – hay có lẽ phát minh ra – một trong những lời giáo huấn của bác Hồ :”Người nghèo sẽ trở nên giàu và người giàu sẽ giàu hơn.” Họ lờ đi rằng đã có một thời kỳ, họ lôi cổ những người giàu ra pháp trường xử tử. Chính sách mệnh danh “Đổi mới” hay “Cấu trúc mới” là một phiên bản của Perestroika, những cải cách của Mikhail Gorbachev ở Sô Viết. Nó thực sự xóa bỏ những hợp tác xã nông nghiệp và dù quyền tư hữu chưa được khôi phục, nông dân có quyền mướn đất của nhà nước (sic) dài hạn và canh tác như ông cha họ đã từng hàng nhiều thế kỷ trước – như những gia đình chứ không phải cơ quan hợp tác xã. Không còn bổn phận dâng hiến hoa lợi cho nhà nước ở một giá cả ăn cướp do nhà nước áp đặt, họ có thể bán hoa màu theo giá cả do thị trường tự do ấn định.
Những cải cách này cùng với tính hồi phục nhanh nhậy đặc trưng của người Việt bắt đầu đơm bông kết trái.
Tổng thống Mikhail Gorbachev và Reagan.
Mức lạm phát hàng năm ở thời điểm 1988 lên đến 800/100, gấp 4 lần giá xăng dầu và gấp 3 lần giá một tô phở. Những thương hiệu hất hủi đồng tiền Việt Nam và chỉ chấp nhận trao đổi bằng vàng, mỹ kim và hàng hóa nhập lậu. Ngân hàng nhà nước đột nhiên tăng lãi suất, và người ta thi nhau mở trương mục, ký thác tiền cất giấu kiếm lời. Lạm phát giảm dần và tiền lời do vay mượn cũng giảm. Nhà nước cũng loại bỏ thị trường chợ đen về hiện kim bằng cách giảm giá trị đồng tiền nhà nước phát hành, mà tỷ suất hối đoái so với Mỹ kim thật vô vàn chênh lệch đến độ hoang đường. Những năm sau, mọi gông cùm kinh tế hầu hết tháo bỏ, nông dân Việt Nam sản xuất những vụ mùa nâng Việt Nam thành một quốc gia xuất cảng lúa gạo đứng hàng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Thái Lan.
Không đâu nỗ lực bóp nghẹt kinh tế tư nhân đem lại phản tác dụng thăm thẳm như Sài Gòn vốn là trục thương mại lâu đời từ thời Pháp thuộc. Ở cao điểm chiến tranh, thành phố ung thối với mọi tệ nạn xã hội. Các tiệm rượu là hang ổ ma túy. Các khách sạn là những động đĩ. Đường phố là chợ trời bám đủ mọi thứ hàng hóa hợp pháp lẫn quốc cấm – tất cả trộm cắp từ những kho chứa của Mỹ. Những binh sĩ từ Georgia, Illinois, đen có trắng có, túi căng phồng tiền bạc, dạo chơi khắp ngả đường với gái điếm, ăn mày và người phế tật. Các tướng lãnh Việt Nam, giàu có nhờ bọn con buôn Tàu Chợ Lớn, làm chủ những biệt thự sang trọng, tọa lạc không xa các khu lao động chen chúc những nạn nhân chiến tranh lánh nạn từ miền quê và các viên chức, thương gia đồng lõa với nhau, vơ vét những nguồn mỹ kim, ào ào tuôn chảy hầu như không bao giờ cạn. Đó là một thủ đô được đem trưng bán – ám ảnh bởi lòng tham, quên bẵng đi nguy cơ bị thôn tính.
Sài Gòn chiếm một chỗ rất là mời gọi trong tôi. Dấu tích của “sứ mạng khai hóa” cao quý – nhà thờ Công giáo, một bản sao của Paris Opera và những tảng đá mài vùng đông Suez – hòa với bầu khí quyển Á Châu trong một pha trộn quyến rũ. Bối cảnh ấy vẫn còn cảm nhận được sau chiến tranh, dù Cộng Sản có vẻ cố ý sửa chữa lại thành phố. Ngoài việc đổi tên Sài Gòn và đóng cửa các quán rượu, các ổ điếm, họ treo các nhãn hiệu quốc gia, cách mạng trên các đường phố và cao ốc. Một tuyệt phẩm kiến trúc nghệ thuật của Pháp, khách sạn Majestic, trở thành Cửu Long. Khách sạn Caravelle, nơi các đội ngũ báo chí tụ họp thời chiến, trở thành khách sạn Độc Lập. Năm 1959, con đường huyết mạch là Rue Catinat, tên một nguyên soái của vua Louis 14 và một chiến hạm Pháp tham dự trong cuộc chinh phục Việt Nam hồi thế kỷ 19, đặt tên cho nó. Đầu thập niên 1960, chính phủ Diệm đổi thành đường Tự Do và Cộng Sản lần này đổi thành Đồng Khởi – nhưng trong lòng mọi người, trong mọi cửa miệng, nó vẫn là đường Catinat.
Nhưng Cộng Sản đi xa hơn những thay đổi có tính cách trang trí bề mặt. Nhiều chủ nhân các cơ sở tư doanh bị bắt vào trong các trại cải tạo vì tội danh “những hoạt động tư bản” đã được phóng thích, tuy nhiên, khi những người chủ trương đổi mới nhận ra được giá trị của họ trong công cuộc phục hồi kinh tế. Một điển hình là Chun Hon, vẫn tiếp tục điều hành lò nướng bánh của mình sau khi Cộng Sản cướp đoạt chính quyền. Ông bị bắt năm 1978 và đào thủy lợi hết 1 năm – cho đến khi nhà cầm quyền nhận ra nhu cầu bánh mì, trả tự do cho ông. Họ cung cấp cho ông bột với một số điều kiện giao nộp sản phẩm nào đó và để ông tiếp tục công việc. Năm 1990, ông làm chủ 7 lò bánh mì và dự trù mở một siêu thị đầu tiên tại Việt Nam.9
Giữa thập niên 1990 Cộng Sản nới lỏng kiểm soát. Sài Gòn bắt đầu giống và ngay đến vượt quá xô bồ của Sài Gòn ngày xưa. Vùng thủ phủ gồm 5 triệu người đã trồi lên khỏi cơn mê sảng và mạch sống rộn ràng với sinh lực mới. Việt Nam diễn tả nhịp sống này là “sống vội.” Những cao ốc mọc lên mọi nơi, tỏa bóng xuống những công viên yêu kiều. Đường phố hỗn loạn với đủ loại xe, hầu hết là xe máy dầu của Nhật, xả tốc lực bởi các thiếu niênmặc quần jean với bạn gái mặc váy ngắn đèo đàng sau. Một cách đáng tiếc, phụ nữ đã bỏ chiếc quần sa tanh đen hay áo dài với cổ áo cao cổ kính mà mặc vào chiếc quần 2 ống gọn gàng và áo thung in những huy hiệu các trường đại học Mỹ. Những biển quảng cáo của hãng vi tính Hewlett-Packard, dụng cụ điện tử của Panasonic, Samsung. Cửa tiệm tràn ngập với truyền hình, đầu máy video, hệ thống âm thanh, máy chụp hình, đồng hồ tay giả mang nhãn Rolex, Piaget và y phục khoe khoang với các nhãn hiệu của Lacoste, Ralph Lauren nhập lậu bằng đường bộ từ Trung Cộng hay đường thủy từ Thái Lan. Những quầy hàng chất đầy thuốc lá hiệu Salems, Marlboros, rượu Johnny Walker, Remy Martin và bia Heineken. Mặc dù “đồng” là tiền tệ chính thức mọi người từ chủ tiệm cho đến tài xế tắc xi đòi trả bằng mỹ kim.Yểm trợ cho sự sầm uất này là người Tàu Chợ Lớn – khu phố Tàu huyền bí. Giống tình cảnh người Do Thái thời trung cổ ở Âu Châu, họ bị người Việt Nam áp chế hàng nhiều thế kỷ. Nhiều người vượt thoát theo làn sóng tị nạn, nhưng những kẻ còn lại kiểm soát giá vàng và tiền tệ, và chính phủ lệ thuộc vào họ trong những dịch vụ xuất nhập cảng cung ứng phụ tùng xe cộ.
Một công nhân hay công chức lãnh khoảng 30 đô la một tháng khó có thể mua thuốc lá ngoại quốc với giá 1 đô một gói – càng ít người đủ điều kiện bỏ 2 năm tiền lương mua một máy truyền hình. Vì thế hàng hóa ngoại quốc tràn ngập Việt Nam là do số người có thân nhân tị nạn ở nước ngoài gởi về, được bán đi như một nguồn lợi tức sinh sống. Những viên chức tới lui các nhà hàng tư, nơi giá cả một bữa nhậu vượt xa tiền lương của họ là những người mua sắm những phẩm vật ngoại quốc ấy. Càc viên chức điều hành bịnh viện của bác sĩ Dương Quỳnh Hoa nói với tôi :”thâm lạm tiền lương, nhận lại hàng hoàn trả từ nơi cung cấp và ăn cắp thuốc men bán ra ngoài chợ đen. Những bà vợ các tướng lãnh bay từ Hà Nội bằng những phi cơ quân sự, “tiến về Sài Gòn” nườm nượp. Tiến về Sài Gòn nhưng không phải “nơi thành đô có tiếng nấc nghẹn câu cười” hay “khu nhà tranh năm cánh ngoại ô rên siết đêm ngày” mà là nơi mua bán đồ cổ, nữ trang và các đồ gia bảo khác từ những gia đình giàu có hồi trước, túng quẫn bán đi sống qua ngày. Tôi nhắc lại nạn lạm dụng quyền thế của các mệnh phụ phu nhân, vợ tướng lãnh chế độ trước trong thời chiến, mua bán bất động sản, vàng bạc, giấy phép nhập cảng và những thương vụ khác. “Đúng như thế,” bác sĩ Dương Quỳnh Hoa trả lời. “Đây vẫn là một xã hội phong kiến, không cứ đến cái vỏ bọc ý thức hệ của nó.”
Các viên chức đảng một thời liệt quần vợt ở Cercle Sportif, một câu lạc bộ thể thao Pháp, như một thói tục đồi trụy. Nay bộ môn này được cải trang thành trung tâm giải trí của công nhân. Các trường đua cũng lớn mạnh với chính phủ thu thuế từ những độ đánh cá. Ngay cả môn đánh gôn (golf) dành riêng cho giới thượng lưu cũng trở nên thịnh đạt. Hơn nửa tá sân gôn được xây dựng khắp nước, kể cả miền bắc, một sân ở ngay vùng tam giác sắt, một chiến khu Việt Cộng 10 dặm bắc Sài Gòn. Sân này dành riêng cho các thương gia ngoại quốc, tốn 20 ngàn đô la để gia nhập – miễn phí cho các ông lớn Cộng Sản.
Khách sạn sang trọng cũng mọc lên như nấm. một số rập khuôn “thép và kiếng” của Marriotts và Sheratons. Vì lòng hoài cổ, tôi thường ngụ tại Continental, một di tích tao nhã của Pháp có từ năm 1880 và đã từng khoản đãi các danh nhân như Andre Malraux, Somerset Maugham và Graham Greene – khi ông chưa “phê” trong các tiệm hút thuốc phiện. Với tên lóng là “Thềm Lục Địa”(Continental Shelf), sàn nhà cao và khoảng khoát, nó là chốn các viên chức chính phủ, nhà báo, kẻ bán tin, đĩ điếm và bọn nằm vùng Việt Cộng la cà – và nơi ấy đã được biến thành nhà hàng giải khát gắn máy lạnh.
Năm 1981, một viên chức Cộng Sản cam đoan với tôi rằng sự tiến lên xã hội chủ nghĩa đã xóa bỏ cái xa hoa trác táng tàn dư Mỹ Ngụy. Nhưng 15 năm sau, một đội ngũ đĩ điếm chừng 50 ngàn người khắp mọi ngả đường Sài Gòn – một “thắng lợi” vượt bực so với thời trước. Làm choáng mắt trong chiếc áo cánh và váy ngắn, họ ra sức hành nghề trong những quán rượu, cà phê, phòng đấm bóp, tắm hơi và hành lang khách sạn hay ngờ ngờ bám sau lưng khách hàng trên xe máy. Mục tiêu chính của họ là người ngoại quốc nhưng nhiều người phục vụ cho các viên chức Cộng Sản. Cho thí dụ, năm 1995, đội công an khám xét quán rượu Bambi, chủ nhân là bà Nguyễn Thị Tốt kiêm nghề tú bà với sự đồng lõa của các đồng chí cao cấp. Nhiệm vụ các đồng chí là bảo vệ bà trong các vụ ruồng bố và dẫn khách cho bà.
Giống như mọi nơi khác trên thế giới, Việt Nam lệ thuộc văn hóa bình dân Mỹ (tác giả dùng từ “thrall”). Truyền hình địa phương chiếu phim cũ của Tracy và Hepburn trong Cable News Network. Trong những bộ y phục thời trang, những thanh niên trẻnhảy suốt đêm trong hầm khiêu vũ ngột ngạt thắp sáng bằng những đèn nhiều màu nhức mắt. Tôi phát hiện lời tuyên bố một chương trình thi tuyển hoa hậu và trình diễn âm nhạc của Elvis Phương, một ca sĩ Việt Nam già nua lấy tên của vua nhạc rock Elvis Presley. Những cửa tiệm tạp hóa bán những túi xách in hình hoạt họa Snoopy và Mickey Mouse, hình treo tường của Michael Jackson và áo thung in hàng chữ “Good morning Vietnam,” phim của Robin Williams. Pepsi và Coke cạnh tranh nhau về thị trường nước giải khát, và tiệm kem Baskin-Robbins với 31 mùi vị quen thuộc. Quán rượu sôi động nhất là Apocalypse Now, lấy tên một phim chiến tranh của Francis Coppola. 20 năm trước tôi thường ăn sáng ở Cheap Charlie, một quán ăn nhẹ của người Tàu. Nay nó trở thành một tiệm bàn đồ ăn nhẹ tên HAM-BU-GO-CA-LI-PHO-NIA.
Lần đầu tôi đặt chân lên Sài Gòn, giới trí thức Việt Nam nói tiếng Pháp. Bây giờ như là điều kiện cần thiết, ngôn ngữ dùng trong thương nghiệp là tiếng Anh. Những bảng hiệu dạy tiếng Anh và rao vặt cần giáo sư Anh văn đã lôi cuốn nhiều thanh niên Mỹ đến Việt Nam. Dạo qua các tiệm sách, tôi thấy hàng đống sách như Common English Idioms, English Made Easy và Business Correspondence in English. Tiệm sách bán những cuốn sách in lậu này – nguyên bản do thân nhân nước ngoài gởi về và in lại bằng máy photocopy và trang nhã hơn, in từ xưởng in nhà nước.
Tôi bắt gặp hiệu quả sự thịnh vượng này ở miền quê trong một buổi dạo mát bằng xe vùng châu thổ Cửu Long, một địa hình phẳng, đơn điệu của những thửa ruộng và vườn dừa mà tôi từng quen thuộc thời chiến. Nhà cửa đã được sơn lại, một dấu hiệu của sung túc khiến người dân bắt đầu để ý đến việc trang trí. Nhưng hình ảnh ghi khắc nhất là những cột ăng ten truyền hình trên các nóc nhà tranh đơn sơ vốn thiếu các tiện nghi cơ bản như hệ thống dẫn nước, tháo nước gia dụng. Tôi lái vào một con đường mòn dẫn đến một ngôi làng khuất sau rặng dừa. Trẻ con và gà qué bao vây xung quanh. Một nông dân gầy khỏng khoeo mời tôi vào nhà, trang bị lác đác bàn, ghế, hòm xiểng, giờng và một truyền hình trắng đen.Trên tường là hình ông bà và chân dung Hồ Chí Minh. Ngay dưới các tấm hình là vài câu châm ngôn viết bằng phấn :”A stitch in time saves nine,” “Look before you leap.”Ông học những câu này trong chương trình học Anh ngữ đài truyền hình. “Tôi dạy các con Anh văn,” ông cắt nghĩa một cách hãnh diện, “nhờ đó, khi chúng lớn lên, chúng có thể lên thành phố làm ăn buôn bán, kiếm tiền nuôi tôi lúc tuổi già.”
Tò mò muốn tìm hiểu những nhân vật Cộng Sản lão thành nghĩ gì về sự đổ xô cuồng loạn vào tư bản chủ nghĩa, tôi đặt vấn đề với Giáp trong một cuộc mạn đàm ở Hà Nội hồi đầu năm 1995. Từ những lần phỏng vấn trước, tôi biết Giáp không ba hoa với những câu hỏi mang tính tranh luận. “Chủ nghĩa Mác Xít ra sao rồi?” Tôi hỏi ông, có lẽ câu hỏi hơi sống sượng. “Mác,” ông trả lời nhỏ nhẹ, “là một nhà phân tích vĩ đại, nhưng ông ta không hề trối trăn cho chúng tôi một công thức cai trị đất nước.” Đi xa hơn, tôi tiếp tục, “và chủ nghĩa xã hội? Tôi được biết rằng nó chủ trương nhà nước kiểm soát mọi phương tiện sản xuất và phân phối.” Cười mỉm, Giáp nói :”Cher ami, xã hội chủ nghĩa là bất kỳ cái gì mang lại hạnh phúc cho loài người.” Hiển nhiên, đây là một ngụy biện. Để bào chữa cho cái sai không thể cãi, người ta thường nói con đường họ theo đuổi là bất cứ cái gì tốt đẹp, kể cả những cái trước đây họ cho là xấu xa, gian ác.
Võ Nguyên Giáp.
Vợ của Giáp, Đặng Bích Hà, một giáo sư sử học có nhiều năm trong đảng, hưởng ứng chồng bằng cách của bà. Một thập niên trước, tôi chắc chắn bà lên án tư bản Mỹ là nguồn gốc mọi ác độc. Nhưng một tuần trà buổi chiều, bà thán phục :”Cảnh tượng trên đài truyền hình quá sức tưởng tượng – xe cộ, tủ lạnh, nhà cửa. Thật là thừa mứa! Mỹ quốc chính là kiểu mẫu của chúng tôi.”
Năm 1995 khoảng 10 ngàn du khách Mỹ đến Việt Nam. Một số là bà con của các cựu quân nhân mất tích trong chiến tranh, một vấn đề mà nhà nước Việt Nam đang cố gắng tìm kiếm, giải quyết thỏa đáng. Hầu hết số còn lại là để vui chơi hay thuần túy hiếu kỳ.. Một nhóm lực sĩ cỡi sóng đến bờ biển Đà Nẵng, nơi cựu binh sĩ Mỹ đặt tên là China Beach, và một toán đua xe đạp tổ chức chặng đua Bắc Nam. Một số du khách là cựu chiến binh. Họ lê bước qua những cánh đồng và làng mạc một thời là chiến trường, đôi khi có người dẫn đường là cựu chiến binh Việt Cộng. vài người bị gạt bởi những kẻ bán hàng rong bán những tấm thẻ bài và bật lửa zippo giả có khắc huy hiệu các đơn vị quân đội. Nhưng đa số hài lòng về sự hiếu khách của người Việt. Một cựu hạ sĩ tâm sự :”Tôi được đón tiếp nồng hậu với tư cách một cựu quân nhân Mỹ đến Việt Nam hơn là sự nồng nhiệt của nhân dân Mỹ dành cho quân nhân Mỹ trở về nước năm 1973.”
Hàng ngàn người tị nạn cũng trở về thăm Việt Nam, chủ yếu từ Mỹ. Mệnh danh Việt Kiều, họ gồm những người tốt nghiệp thương mại và trường luật ở Mỹ. Đa số, vì thơng thạo ngôn ngữ và phong tục tập quán, đã được tuyển dụng như trung gian giữa Việt Nam và các nhà đầu tư ngoại quốc. Những người khác tự khảo sát địa bàn để đầu tư, luôn luôn là những thương nghiệp nhỏ. Vẫn còn những người khác, gọi là người không gian, qua lại Thái Bình Dương, thu xếp các thương vụ. Đóng vai những kẻ tinh ranh thời đại, một số lừa gạt đàn bà nhẹ dạ với hứa hẹn hôn nhân. Người Việt Nam trong nước kính trọng hay khinh bỉ những kẻ này tùy theo hành vi của họ.
Di sản Mỹ Quốc ở Việt Nam bắt rễ sâu xa hơn người Mỹ tưởng. Tôi vẫn gặp gỡ những người Việt từng làm việc cho Mỹ thời chiến. Trong một tỉnh châu thổ Cửu Long, lấy ví dụ, một phụ nữ trung niên đến gặp tôi, hỏi rằng tôi có biết trung sĩ McNeil, quản lý câu lạc bộ sĩ quan hồi bà còn là người bưng rượu. bà không thể chứng minh gì khác vì bà đã mất giấy chứng minh. Tôi phỏng đoán bà đã hủy giấy tờ tùy thân để tránh bị Cộng Sản kết tội tay sai Mỹ và giam trong trại cải tạo.
Mỗi người Việt nam cả 2 bên đều có thân nhân chết trong chiến tranh – và cho chí vô số phụ nữ, trẻ em chết hay tàn phế. Họ không thể quên nỗi đau khổ của họ nhưng tôi lấy làm ngạc nhiên vì thái độ miễn cưỡng của họ khi nhắc đến chiến tranh. Nó có thể vì họ đã quá quen với những cuộc chiến dai dẳng nhiều thế kỷ, việc làm mới lại quá khứ không quan trọng bằng việc cải thiện đời sống của họ. Dù sao chăng nữa, họ không tỏ vẻ oán hận Mỹ như ta thiết tưởng. Tại Hà Nội, xe tăng Mỹ và chiến đấu cơ trưng bày ở cổng bảo tàng viện chiến tranh – nhưng bên trong, triển lãm chính lại là một họa đồ các mũi tấn công giặc Mông Cổ năm 1287.
Tiểu thuyết, thơ, hồi ký viết bởi cựu chiến binh Mỹ luôn tập trung vào những khủng khiếp của chiến tranh nhưng những áng thơ văn của Cộng Sản thì lại ca ngợi như một thiên sử thi hùng tráng. Nhưng năm 1990, một đêm uống bia ở Hà Nội với Bảo Ninh, một trung sĩ khoảng hơn 40 tuổi, chỉ trích chế độ trong tác phẩm của ông, nhấn mạnh đến khía cạnh bi thảm của chiến tranh hơn là sự vinh quang của nó trong tiểu thuyết của ông, tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh. “Tôi chiến đấu 6 năm,” ông nói, “và chắc chắn sẽ chết nếu chiến cuộc kéo dài thêm. Nó gây buồn khổ trong tôi khi nghĩ về những mất mát. Chúng tôi phải thắng, nhưng chúng tôi không nên coi nó như chiến thắng oai hùng hay tự coi mình là những siêu nhân.”
Nhà văn Bảo Ninh.
Những thông báo và phúc trình chính thức của Mỹ đã chuyên chở ý tưởng các cuộc oanh tạc đã tàn phá Bắc Việt. Thực ra máy bay Mỹ hủy diệt các binh trạm, tuyến hậu cần và những mục tiêu quân sự khác và trong chuyến tham quan đầu tiên đến khu vực, tôi kỳ vọng mục kích những đổ nát. Ngay ở Hà Nội, Hải Phòng và những vùng phụ cận không mảy may suy suyển. Tôi nhớ lại tiếng la hét của tướng Curtis LeMay :” dội bom cho họ trở về thời đồ đá” – nhưng, dò khắp miền Bắc, tôi kết luận là nó đã ở thời đồ đá hàng nhiều thập niên, trước khi Mỹ dội bom.
Trong thời chiến, Cộng Sản từ chối cấp chiếu khán cho tôi đến Hà Nội. Nhưng sau này, khi tôi đến được, dân cư gồm 3 triệu của nó có vẻ héo hắt mỏi mòn vượt thời gian. Một trong những thị tứ cổ nhất Á Châu, những ngôi chùa đổ nát và các đài tưởng niệm minh chứng cho sự hoành tráng như một thủ đô Bắc Bộ, thủ phủ cực bắc của Việt Nam cổ đại. Thực dân Pháp dùng thành phố cuối thế kỷ 19 làm đầu não hành chính của họ. Như ở Sài Gòn, họ lát đường và trồng cây tỏa bóng mát dọc theo, phân chia khu phố và xây những ngôi nhà mái ngói, mép cong và thềm rộng – một kiểu cải biến bị châm biếm là chùa Norman. Họ dựng các dinh thự dùng làm văn phòng trong những khu vườn hoa lá sum sê và một hí viện theo kiểu mẫu Paris opera. Giờ đây, cuộc khủng hoảng kinh tế ném Hà Nội vào trong khốn khổ. Người ta lang thang cả ngày sục tìm thức ăn hay cây que làm củi. Nông dân lẻn vào thành phố từ những vùng đói kém, xin ăn trước các khách sạn dành cho ngoại quốc, và túm chụm vào nhau cho đỡ lạnh qua đêm. Những làng Pháp lên mốc meo và hư nát. Thực ra không có gì mới được xây cất hàng nửa thế kỷ ngoại trừ 2 công trình lố bịch (nguyên văn : except two grotesque granite edifices) – một là bảo tàng viện Hồ Chí Minh , hai là lăng tẩm cũng của Hồ Chí Minh, được các kiến trúc sư Sô Viết nhái theo lăng Lenin ở Mạc Tư Khoa.
Nếu còn sống chắc Hồ cũng kinh hoảng. Trong chúc thư ông muốn tro tàn thân xác ông đặt trong 3 bình sứ và chôn trên 3 ngọn đồi vô danh ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. “Hỏa táng, “ ông nói, “không chỉ tốt vì vệ sinh nhưng nó còn bồi dưỡng đất.” Với ý hướng tôn vinh ông, những kẻ kế tục bội nghịch ước vọng của ông. Sự tiết lộ bản chúc thư của Hồ được phơi bầy năm 1989, 20 năm sau khi chết, bởi một cựu bí thư riêng của Hồ gây nên một giao động khắp nước. Một viên chức bào chữa :”Chúng tôi triển lãm bác Hồ vì bác thuộc về nhân dân.” Ông ta cũng có lý. Mỗi ngày, hàng đoàn người nườm nượp viếng thăm lăng Hồ, một số bồng bế các em nhỏ, một số khóc thương khi ngắm nhìn thi thể bằng sáp vị cứu tinh của họ.
Còn tiếp.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 26.12.2005 08:44:13 bởi meta4954 >