Tết Nguyên Đán
CDDLT 27.12.2005 13:20:08 (permalink)
Tết Nguyên Đán
( trích trong tác phẩm : Nếp cũ – Tín ngưỡng Việt Nam , Quyển hạ)
Tác giả : Toan Ánh

Tết Nguyên Đán là tiết lễ đầu tiên của năm bắt đầu từ lúc giao thừa với lễ trừ tịch.
Nguyên là bắt đầu, Đán là buổi sớm mai. Tết Nguyên Đán tức là tết bắt đầu năm, mở đầu cho một năm mới với tất cả mọi cảnh vật đều mới mẻ đón xuân sang.
Năm mới đến, những sự may mắn mới cũng đến, và bao nhiêu những điều đen đủi không may của năm củ đều theo năm củ mà hết.
Theo Trung Quốc sử, âm lịch có từ thời nhà Hạ và lấy tên mười hai chi đặt cho mười hai tháng.
Tháng Dần là tháng giêng được chọn là tháng đầu năm và người ta ăn Tết Nguyên Đán vào đầu tháng Dần.
Về sau đến đời nhà An, có thay đổi lấy táhgn Sửu làm đầu năm, rồi đến đầu nhà Chu sửa lại lấy tháng Tý, Kịp đến đời nhà Tần, Tần Thủy Hoàng lại sửa nữa lấy tháng Hợi, nhưng đến đời vua Hán Vũ Đế, đầu năm lại bắt đầu từ tháng Dần như đời nhà Hạ, và từ đó không có sự thay đổi nữa.
Thực ra Tết Nguyên Đán bắt đầu vào tháng Dần là rất phải, vì lúc đó mùa đông vừa qua, tiết hạnh vừa hết, ngày xuân ấm áp tới, đem lại hoa cỏ đua tươi khiến cho con người cũng hầu như biến đổi cả tâm hồn sau một năm làm ăn vất vả.
Người người vui vẻ đón mùa xuân mới, lòng chứa chan hy vọng ở những sự may mắn. Ai cũng vui, nên không ai bảo ai, gặp nhau người ta cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh.

GIAO THỪA.
Tết Nguyên Đán bắt đầu từ lúc giao thừa.
Lẽ trời đất có thủy khởi phải có tận cùng, một năm đã bắt đầu ắt phải có hết, bắt đầu từ lúc giao thừa, cũng lại kết từ lúc giao thừa.
Giao thừa là gì ? Theo “ Hán Việt Từ Điển” của Đào Duy Anh nghĩa là củ giao lại, mới tiếp lấy. Chính vì ý nghĩa ấy, nên hàng năm vào lúc giao tiếp giữa hai năm củ mới này, có lễ trừ tịch.


LỄ TRỪ TỊCH.
Trừ tịch là giờ phút cuốu cùng của năm củ sắp bắt qua năm mới, giữa giờ Hợi ngày 30 hoặc nếu tháng thiếu, thì ngày 29 tháng chạp năm trước và giờ Tý ngày mồng một tháng năm sau.
Vào lúc này, dân chúng Việt Nam, tuân theo cổ lễ có làm lễ trừ tịch.
Ý nghĩa của lễ này là đem bỏ đi hết những điều xấu dở củ kỹ của năm củ sắp qua để đón những cái mới mẻ tốt đẹp của năm mới sắp tới.
Lễ trừ tịch theo người Tàu, còn là một lễ khu trừ ma quỷ. Tục Tàu xưa vào ngày trừ tịch, tức là ngày 30 Tết có dùng 120 trẻ con trạc 9, 10 tuổi, mặc áo thâm, đội mũ đỏ, cầm trống vừa đi đường vừa đánh để trừ ma quỷ, do đó có danh từ trừ tịch.
Lễ trừ tịch củ hành vào lúc giao thừa nên lễ này còn mang tên lễ giao thừa.

CÚNG AI TRONG LỄ GIAO THỪA.
Phan Kế Bính trong Việt Nam Phong Tục viết.
Tục ta tin rằng mỗi năm có một hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn ông củ và đón ông mới.
Cúng tế cốt ở tâm thành, và lễ cúng vào nửa đêm nên đượm vẻ thần bí trang nghiêm. Cựu vương hành khiển bàn giao công việc cho tân vương thay đức Ngọc Hoàng để coi sóc nhân gian trong một năm cho đến giờ phút giao thừa năm sau.
Lễ trừ tịch bao hàm một ý nghĩa trọng đại, tống cựu nghinh tân, nên lễ được cử hành rất trịnh trọng từ tư gia tới các đình chùa. Những năm về trước, trong giờ phút này, chuông trống đánh vang, pháo nổ luôn không ngớt, truyền từ nhà này sang nhà khác, khắp kẻ chợ, nhà quê.

SỮA LỄ GIAO THÙA.
Tại các đình, miếu, cũng như tại các tư gia, lễ giao thừa đều có cúng mặn. Các ông thủ từ lo ở đình, miếu, còn tại các tư gia do người gia trưởng trù liệu.
Xưa kia người ta cúng giao thừa ở đình, ông Tiên chỉ hoặc thủ tử đứng làm chủ lễ, nhưng người ta cũng giao thừa ở thôn ở xóm nữa.
Lễ giao thừa ở các thôn xóm được tổ chức hoặc tại các văn chỉ nếu văn chỉ làng xây tại xóm, nếu không thì cũng tổ chức ngay ở tại điểm canh đầu xóm. Ở đây, vị được cử ra làm chủ lễ là vị niên trưởng hoặc vị chức sắc cao nhất trong thôn xóm.
Bàn thờ được thiết lập ở giữa trời.
Một chiếc hương được kê ra, trên hương án có đỉnh trầm hương hoặc bình hương thấp tỏa khói nghi ngút. Hai bên đỉnh trầm hương có hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến. Lễ vật gồm chiếc thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã, đôi khi có cỗ mũ của Đại Vương hành khiển. Lễ quý hồ thành bất quý hồ đa, nhưng dù nhiều hay ít, lễ vật bao giờ cũng phải gồm có vàng hương, vàng lá hay vàng thoi tùy tục địa phương, và nhất là không quên được rượu, vì vô tửu bất thành lễ.
Lễ vật được trần thiết trên hương án trước giờ trừ tịch.
Đến giờ phút này, chuông trống vang lên, ông chủ tế ra khấn lễ, rồi dân chúng kế đó lễ theo, với tất cả sự tin tưởng ở vị tân vương Hành khiển, cầu xin ngài phù hộ độ trì cho được một năm may mắn, bao nhiêu sự không may năm trước sẽ qua hết.
Tại đình làng, cùng với lễ cúng ngoài trời còn lễ Thành hoàng hoặc vị phúc thần tại vị nữa.
Các chùa chiền cũng có cúng lễ giao thừa, nhưng lễ vật là đồ chay, và đồng thời với lễ giao thừa nhà chùa còn cúng Phật, tụng kinh và cúng đức Ông tại chùa.
Ở các tư gia, các gia trưởng thường lập bàn thờ ở giữa sân, hoặc ở trước cửa nhà, trường hợp những người ở thành phố chật chội không có sân. Cũng một chiếc hương án, hoặc một chiếc bàn kê ra với lễ vật như trên.
Ngày nay trước mọi chuyển biến dồn dập của thời cuộc nước nhà, ở thôn quê, rất ít nơi còn cúng giao thừa ở thôn xóm, ngoài lễ cúng ở đình đền. Và ở các tư gia, tuy người ta vẫn cúng giao thừa với sự thành kính như xưa, nhưng bàn thờ thật là giản tiện. Có khi chỉ là chiếc bàn con với mân lễ vật, có khi mân lễ vật đặt trên một chiếc ghế đẩu. Hương thắp lên được cắm vào một chiếc ly đầy gạo hoặc vào một chiếc lọ nhỏ để giữ chân hương! Tình trạng chiến tranh, mọi sự đều sự bị phá họai! Có nhiếu gia đình lại quá giản tiện hơn, hương tắp ngay trênmân lễ, hoặc cắm vào các khe nải chuối dùng làm đồ lễ!

ĐẠI VƯƠNG HÀNH KHIỂN VÀ PHÁN QUAN.
Mười hai vị đại vương, mỗi năm một năm cõi nhân gian là Thập nhị hành khiển vương hiệu, tính theo nhập nhị chi, bắt đầu là năm Tý, cuối cùng là năm Hợi. Hết năm Hợi cũng quay lại năm Tý với Đại vương hành khiển hai năm về trước. Các Đai vương này còn được gọi là dương niên chi thần, mỗi vị có trách nhiệm như trên đã nói cai trị thế gian trong toàn niên, xem xét mọi việc hay dở của từng người, từng gia đình , từng thôn xã cho đến từng quốc gia để định công luận tội, tâu lên thượng đế.
Mỗi Đại vương hành khiển đều có một vị phán quan giúp việc.
Vị Đại vương hành khiển lo việc thi hành những mệnh lệnh của Ngọc Hòang Thựơng đế, trình lên Ngọc Hòang những việc đã xảy ra. Còn vị Phán quan thì lo việc ghi chép công, tội của mọi người, mọi gia đình , mọi thôn xã, mọi quốc gia.
Trong các vị hành khiển vương hiệu, có vị nhân đức, có vị cương trực và cũng có khắc nghiệt. Nhiều năm có các loạn thiên thời, lọan đạo binh, nạn thủy tai, hỏa tại… tục tin rằng đó là do các vị đại vương hành khiển trừng phạt nhân gian vì tội lỗi của mọi người.

VĂN KHẤN LỄ GIAO THỪA.
Như trên đã trình bày, lễ giao thừa là lễ tống cựu nghinh tân, tiễn vĩ đại vương hành khiển cũ và đón vị mới.
Có lễ nghi phải có văn khấn, cũng như ăn phải có mời.
Dưới đây là mẫu văn khấn giao thừa tại tư gia, văn khấn này chỉ cần thay đổi một vài chữ, khi dùng tại các nơi khác.:
Duy Việt Nam Đinh mùi niên, Xuân thiên chính nguyệt, sơ nhất nhật, kim thần đệ tử Ngyễn Đức Cầu quán tại Cổ Mễ xã, Võ Giàng huyện, Bắc Ninh tinh, cư trú tại Phú Nhuận xã, Tân Bình quận, Gia Định tỉnh, đồng gia quyến đẳng, kể thủ, đồ thủ bách bái.
Cẩn dĩ hương đăng, kim ngân hoa quả, phù lưu thanh chước, thứ phẩm chi nghi, cảm kiền cáo vu.
Vọng bái:
Đương niên đương cảnh Tống vương hành khiển, ngũ đạo chí đức tôn thần ngọc bệ hạ:
Lâm tào phán quan vị tiền
Bản địa Thổ địa thần kỳ vị tiền
Bản cảnh Thành hòang vĩ tiền
Ngưỡng vọng chứng giám:
Cúc cung cầu khẩn:
Tòan gia đồng niên tự lão chí ấu, tăng phúc tăng thọ, nhân khang vật tịnh, vạn sự hanh thông.
Cẩn cáo.
Lược dịch
Nước Việt Nam, năm Đinh Mùi, ngày mồng một táng giêng, xuân tiết.
Đệ tử là Nguyễn Đức cầu, quán làng Cổ Mễ, huyện Võ Giàbg tỉnh Bắc Ninh, cư ngụ tại Phú Nhuận, quận Tân Bình, tỉnh Gia Định, cùng tòan thể gia đình trăm bái.
Kính cẩn có hương đèn, vàng bạc, hoa quả trầu rượu trà nước thêm mọi phẩm vật dâng lên.
Vọng bái:
Trước bệ ngọc đức Tống vương hành khiển, Ngũ đạo chí đức tôn thân:
Lâm tào phán quan tại vị ở trước.
Đức Thổ địa nơi đây tại vị ở trước.
Đức Thành Hòang bổn cảnh tại vị ở trước.
Cầu chư vị chứng giám.
Cúi đầu kêu xin:
Chư vị phù hộ toàn gia chúng tôi, từ già đến trẻ, qunh năm được tăng phúc tăng thọ, người an, vật thịnh, vạn sự hanh thông.
Cẩn cáo
Trong khi cúng khấn đức đuơng niên đại vương hành khiển, người ta khấn theo đức Thổ Thần và đức Thành Hoàng, vì khi đức đại vương hành khiển, đại diện của Ngọc Hoàng Thượng đế đã giáng lâm, Thổ Thần và Thành Hoàng có nhiệm vụ nghênh tiếp và do đó cùng được phối hưởng lễ vật.
Trong bài khấn trên, khi làm lễ tại làng tại thôn, chỉ cần thay đổi mấy chữ:
“Kim thần đệ tử Nguyễn Đức Cầu ”.
thành
“Kim chúng thần đệ tử, toàn dân Cổ Mễ xá ”
và ở chỗ cầu xin cũng đổi mấy chữ.
“ Toàn gia đồng niên tự lão chí ấu”
thành
“ Toàn xã đồng niên tự lão chí ấu”




#1
    caynhalavuon 11.01.2006 22:33:15 (permalink)
    chà chà chắc là dạo net dzữ lắm mới sưu tầm được một đinh nghĩa hay wá
    mọi người chắc ai cũng thích tết nhưng không chắc là ai cũng biết những định nghĩa này đâu nhỉ
    vô cùng lý thú
    cám ơn nhiều
    #2
      HongYen 28.01.2006 18:49:35 (permalink)
      Tết mọi nơi

      Mỗi ngày Ban Việt Ngữ nhận được hàng chục thư và điện thư

      Người Việt ngày nay có mặt hầu như trên khắp mọi nẻo đường thế giới, đem theo ít nhiều hương vị Tết - cả quê nhà lẫn ngoại nhập.

      Thính giả đài BBC và độc giả trang web BBC có kỷ niệm gì về Tết, hay muốn chia xẻ gì về nét đặc sắc Tết của nơi mình đang sống, xin mời tham gia Diễn đàn ngày Tết của Ban Việt Ngữ đài BBC.

      Hình ảnh Sài Gòn giáp Tết
      Hình ảnh Hà Nội giáp Tết
      Thính giả Trần Thị Tố Nga từ Bình Dương nói dù đang sống ngay tại Việt Nam nhưng vẫn thấy thiếu hương vị ngày Tết vì vắng "hình ảnh ngày xưa trên đài truyền hình Việt Nam Cộng Hòa - nam nữ xướng ngôn viên trong quốc phục Việt Nam, đứng hai bên lư hương khói lên nghi ngút, cùng cúi đầu chào khán giả khi tiếng chuông ngân lên báo hiệu giây phút thiêng liêng của một năm mới đã đến, hòa trong bài hát chúc Xuân - Ly Rượu Mừng".

      Tâm tư của thính giả Trần Thị Tố Nga
      Thư gửi về cho chúng tôi xin đánh bằng phông Unicode, sử dụng Hộp tiện ích đặt bên góc phải màn hình này.

      --------------------------------------------------------------------------------

      Phan Thành, Westminster, California, USA

      Theo như sự suy nghĩ của tôi thì người Việt nên thay đổi ngày Tết riêng cho Việt nam mình.Vì hàng năm ,vào dịp tết nguyên đán thì khắp thế giới ai ai cũng gọi là " China's Luna Newyear ". Tôi chưa bao giờ nghe người ngoại quốc nói rằng " Vietnamese Newyear " ???????.

      Từ ngàn xưa Việt Nam bị đô hộ bởi nền văn hoá Trung quốc. Người Việt mình đã phải dùng chữ Hán trong cuộc sống hàng ngày. Sau đó nhờ một Linh mục truyền giáo người Pháp sửa lại để ngày hôm nay và cho đến mai sau chúng ta vẫn tự hào rằng Việt Nam có một nền Văn hoá độc lập. Và sau năm 1975 , khi đi tị nạn ở nước ngoài, người Việt chúng ta lại phải tranh đấu để ngôn ngữ của chúng ta được tiếp tục trong các lớp học của người Tây Phương. Các bậc phụ huynh đang sống ở nuớc ngoài vẫn thường xuyên nhắc nhở con cháu mình nên giữ vững nền văn hoá Việt Nam ; nên nhớ rằng mình là người Việt Nam;....

      Nhưng có một điều mà theo tôi nghĩ người Việt chúng ta nên bàn thảo và sửa đổi ngày tết như thế nào để mai sau con cháu chúng ta có thể tự hào và lớn tiếng với người ngoại quốc rằng Việt Nam chúng tôi đã thật sự có một nền văn hoá độc lập .Và từ đó hàng năm người ngoại quốc sẽ phải nói rằng "Vietnamse 's Newyear". Chứ không như bây giờ hàng năm tôi vẫn thường nghe những người ngoại quốc làm chung sở. Họ vẫn thường hỏi tôi " Do you celebrate China Newyear ? ". THIS IS A PAIN FROM MY HEART !!!!!

      Hy vọng rằng đây là một sự suy nghĩ nhỏ có thể giúp cho nền văn hoá của dân tộc Việt Nam được triển nở một cách hãnh diện với các dân tộc khác trên thế giới. :-)

      Vô Danh

      Theo nhận định đáng chú ý của Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng: Tết trước hết là của người Việt. Ai cũng biết Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam là những vùng ngoại biên của văn minh Trung Hoa và chịu ảnh hưởng đậm đà theo những khía cạnh khác nhau với những nồng độ khác nhau và những góc khúc xạ khác nhau của văn minh Trung Hoa. Một cái Tết chung cho cả bốn nước trên dễ cho người ta cảm nhận rằng Tết đó vốn có cội nguồn Trung Hoa. Trong các tộc người của cộng đồng quốc gia Việt Nam, tộc Việt chịu ảnh hưởng Trung Hoa sớm nhất, mạnh nhất và cũng văn hiến nhất. Có sự giao thoa văn hoá Việt-Hoa - cả cưỡng bức và tự nguyện - qua hơn ngàn năm Bắc thuộc, bắt đầu từ hàng thế kỷ trước công nguyên. Rõ rệt nhất là từ thời hán Vũ Đế (111 trước công nguyên).

      Lý giải Tết trước hết là Tết của người Việt, GS Trần Quốc Vượng xuất phát từ sự giải thích lịch cổ truyền Kiến Dần. Kiến Dần có nghĩa là lấy tháng Giêng, tháng Dần, làm chính sóc, đầu năm mới. Lịch này cũng bắt đầu ở Trung Hoa từ thời Hán Vũ Đế (140 trước công nguyên). Người ta bảo đấy là sự trở lại lịch nhà Hạ. Chính vì quan điểm này, người ta cho rằng Tết có cội nguồn Trung Hoa. Nhưng theo GS Trần Quốc Vượng, nhà Hạ bên Trung Hoa vẫn còn là huyền thoại và hiện vẫn chưa có sự nhất trí trong việc xác định văn hoá Hạ và nhà nước Hạ.

      Giới khảo cổ chỉ biết tương đối chính xác về đời Thương - Ân, văn hoá Thương - Ân, và nhà nước Thương - Ân cùng những "mảnh vụn" lịch can chi Thương - Ân. Mà nhà Ân thì kiến Sửu, tức lấy tháng Mười Hai theo lịch bây giờ làm chính sóc. Còn nhà Chu thì kiến Tý, lấy tháng Mười Một làm đầu năm. Lịch ta còn gọi tháng Mười Một là tháng Một phải chăng là một vang bóng muộn màng trong truyền khẩu về cái lịch đời Chu này giữa văn hoá Thương - Chu và văn hoá Bách Việt hay Việt cổ? Từng có quan hệ giao lưu tìm thấy trong nhiều di tích văn hoá Phùng Nguyên ở lưu vực sông Hồng, đầu thời đại Đồng cách đây 4.300 năm, với những đá, liễm đá có phong cách Ân, lịch Mường cổ truyền so với lịch Việt kiến Dần là "ngày lui tháng tới" cũng là lịch kiến Sửu của Thương - Ân. Song cội nguồn của văn hoá Thương - Ân cũng còn là vấn đề thảo luận.

      Có người cho văn hoá Thương - Ân có gốc từ phương Nam Tày - Thái cổ. Có người cho nó ảnh hưởng từ văn hoá Babylone, v.v... Nhà Tần thống nhất Trung Hoa, dùng lịch kiến Hợi, lấy tháng Mười làm tháng đầu năm. Nhà Hán lên (năm 206 trước công nguyên) ban đầu vẫn theo lịch Tần cho đến đời Hán Vũ Đế (140 trước công nguyên) mới theo lịch kiến Dần và bảo là để khôi phục lịch nhà Hạ, "Hành Hạ Chi Thời", theo Nho Giáo. Trong một bài viết đăng trên Tạp chí Khoa học Xã hội của Đại học Tổng hợp, Hà Nội năm 1988, GS Trần Quốc Vượng cho rằng đấy không phải là lịch nhà Hạ mà là sự tham khảo "Kinh Sở Tuế Thời Kính" của miền Kinh Sở ở Hoa Nam trong bối cảnh của văn minh lúa nước. Âm dương lịch là sự phối kết lịch can - chi Hoa Bắc và lịch 12 con vật của miền Việt cổ (Bách Việt). Do đó, ông mệnh danh là Lịch Việt - Hoa. Tết như được xác định vào thời điểm hiện tại là nương theo lịch này và, do vậy, có thể gọi là Tết Việt - Hoa.

      Các vua nhà Hán như Hán Vũ Đế, người quyết định thi hành lịch này, quê gốc ở đất Bái, nước Sở thuộc Giang Nam là vùng văn hoá lúa nước chứ không phải là văn hoá kê mạch Hoa Bắc. Sang thời Hán cho đến nay, trung tâm sản xuất nông nghiệp, vựa thóc chính của Trung Hoa, là Hoa Nam trồng lúa nước chứ không phải là Hoa Bắc trồng lúa mạch. Cho đến những thập kỷ gần đây, Hoa Nam vẫn phải cung cấp lương thực cho Hoa Bắc. Bởi vậy, từ đời Hán, lịch - mà chức năng chính là để xác định thời vụ sản xuất nông nghiệp - phải nương theo khí hậu thời tiết miền Hoa Nam của Bách Việt hay Việt cổ. Tóm lại, cái Tết như hiện nay bắt đầu khoảng trước công nguyên hơn 100 năm từ đời Hán và có cội nguồn đan xen văn hoá Việt Hoa.

      Văn minh Trung Hoa bắt nguồn từ bình nguyên hoàng thổ Hoàng Hà, cùng với sự bành trướng của người Hoa xuống Hoa Nam, đã tích tụ và hội nhập nhiều nhân tố văn hoá phương Nam, miền Việt cổ. Lâu dần, với thư tịch và văn tự Trung Hoa, mọi nhân tố văn hoá Việt cổ ấy được xem là của người Hoa và được Hoa hoá. Về sau, người ta gán mọi thành tựu sáng tạo văn hoá cho người Hoa. Sự thực, văn minh Trung Hoa là kết quả tích tụ và kết tinh nhiều nhân tố văn hoá của nhiều tộc người - Hoa và phi Hoa - ở vùng Đông Á và Đông Nam Á.

      Võ Tam V., Đan Mạch

      Ngày 18.01.2004 vừa qua, ngày 28 âm lịch ta, là ngày sinh nhật 60 tuổi của tôi. Nếu ở Việt nam thì có lẻ tôi làm lể ” lục tuần ” hòa với không khí nôn nao đón Tết thì vui lắm, nhưng bên trời Bắc-Âu băng giá, không có gì là có vẻ Tết nhứt cả. Vợ đi làm, con đi chơi nhà bạn, tôi ở nhà thui- thủi chỉ biết vui qua chương trình BBC Vietnamese, trong đó nghe các bạn trẻ trên đài kể chuyện Xuân thấy cũng vui và đở nhớ nhà, quên đi phần nào nổi buồn ly hương viễn xứ. Sáng hôm nay lúc 7.45 giờ Đan mạch có cú điện thoại của một đứa cháu vợ từ Việt nam gọi qua để chúc Tết. Khi nghe tin tôi rất ngac nhiên vì cứ ngỡ là ngày 25 tháng một mới là mùng một Tết.

      Rõ thật già lẩm cẩm, hôm nay là mùng một Tết mà không hay, ngày mai là mùng hai, ngày giỗ của mẹ, tôi vội lái xe ra thủ đô Copenhagen đến một tiệm Á châu để mua nếp và đậu dể nấu chè cúng. Tôi cũng mua một chậu hoa Hortensia để tưởng nhớ mẹ, vì khi xưa mỗi độ Xuân về là mẹ tôi hay chưng Hortensia trong nhà. Trở ngại bây giờ là nồi chè! Không ai chịu ăn hết. Vợ không thích nếp, con không hảo ngọt, đem đổ thì mang tội, bên Việt nam còn có nhiều gia đình Tết đến không có một chén chè để ăn, nên nãm nào nồi chè cúng xong tôi đều xơi ráo trọi, phải để ngoài sân giữ lạnh dến cả hai tuần mới ăn hết......

      Đó là mùa xuân của tôi tại xứ Bắc-Âu tuyết lạnh nầy! Tôi cũng là cựu quân nhân trong không lực VNCH trước 1975. Ông Kỳ là đàn anh của chúng tôi.Tôi thông cảm nổi buồn xuân ly hương của ông khi tuổi đã về chiều. Ngày xưa tướng Nguyển Chánh Thy bị lưu vong sang Lào chỉ vài năm mà ông đã khóc hằng đêm cho đến khi lâm trọng bịnh. Tướng Nguyển Khánh tung hoành hùng hổ nhưng khi bị lưu đày thì cũng mủi lòng nhỏ lệ, mang theo một hũ đựng nắm đất quê hương trước khi lên máy bay đi biệt xứ.

      Có ai hiểu được nổi lòng những kẻ ly hương, tuổi đã về chiều ngày ngày quạnh hiu hướng về cố quốc, nhất là mổi dộ Xuân về? Đâu là quê hương ? Đâu là tổ quốc của tôi ? Trên 25 năm tại Đan Mạch nầy chưa bao giờ tôi cho đây là quê hương, còn Việt nam thì chắc chắn người ta không cho tôi gọi là Tổ-quốc, vì họ bắt buộc “yêu nước là yêu Xả hội chủ nghĩa“ - điều đó tôi không chấp nhận được.Thôi đành chịu sống kiếp suốt đời lưu vong. “Home is not where you live but where they understand you “. I always think of this sentence since I came to Denmark. But nobody, however, understand me even my family and friends, so nowhere is my home.

      I´m homeless , I´m so alone! Xin những ai chưa một lần khoác áo ka-ki, còn khắt khe hãy để yên cho những người già nua như chúng tôi, những người đã từng hiến thân cho tổ quốc bảo vệ tự do. Chúng tôi chỉ chờ ngày nằm xuống. Trách nhiệm xây dượng đất nước chúng tôi xin trao lại cho các bạn trẻ đầy nhiệt quyết. Đầu năm chúc các bạn luôn thành công trên mọi lãnh vực để phấn đấu xây dựng nước Việt nam giàu mạnh, theo kịp với các dân tộc bạn trên thế giới.

      Nguyễn Thanh, Houston

      Hôm nay mồng một Tết. Buổi sáng ra trời nhìn trời nhìn đất để tìm hương sắc của mồng một Tết ở đất khách quê người. Trời và đất ở Mỹ này chẳng có gì để nói với mình là "Tết đây". Thế nhưng hồi hôm giao thừa một ấn tựong đậm đà Âm sắc, Dân tộc đã gây xao xuyến, bồi hồi với Lễ nghi Ngũ Bái ở nhà thờ Lộ Đức Houston thật là trang trọng, quy mô. Trên bàn thờ có những câu đối, bài vị của Trời, của Tổ tiên bông hoa, những màu sắc Dân tộc đậm nét, Ca đoàn hát những làn điệu Dân ca có đàn tranh, đàn cò, sáo, chiêng, trống..từ khung cảnh đến Âm thanh đã đem mình thực sự trở về với Quê hương, làng xóm. Những người tổ chức có lẽ họ nghiên cứu nghi thức ở cấp triều đình cho nên mang tính chất trang trọng, nhưng cũng là điều quý hiếm để cho mình có được những hoài niệm về Tết khi ở đất khách quê người.

      Người Việt nam lấy ngày Tết làm mốc thời gian giao hoà giữa Trời Đất với Người, niềm tin ấy trở thành Đạo Lý, cho nên ai cũng Hy Vọng thời điểm này là dự báo tốt lành cho một năm mới, xin cám ơn Giáo Xứ Lộ Đức Houston đã cho tôi có được một Giao thừa Việt nam rất là Việt Nam mà lâu nay sống trên đất Mỹ lớp tuổi chúng tôi bị đánh mất, và hy vọng với Nghi thức này là một nét Văn hóa cần thiết để cho các thế hệ trẻ Việt nam sống ở Mỹ có cái nhìn về Văn hóa, tinh thần, tình cảm Việt nam.

      Xin cám ơn Đài BBC ban Việt Ngữ đã luôn hướng về các thính giả tạo điều kiện cho thính giả giải bày những tâm tư ý nguyện theo mục đích của Đài. Kính Chúc quý Vị trong Đài một Năm Mới An, Vui, Hạnh Phúc, có nhiều chương trình đem lại nguồn vui và an ủi thính giả.

      Việt Nhân

      Năm 1980 là cái Tết tha hương đầu tiên của tôi, cũng là năm con Khỉ nhưng là Canh Thân, thế mà thắm thoát 24 trôi qua. Tính ra thì tất cả 22 lần tôi đón Xuân tại Anh quốc và hai lần tại Việt Nam. Nếu mà nói về không khí Tết, thì tất nhiên tại Anh không có rồi, bởi vậy ta cũng không cần trả lời câu “Tết Việt Nam bên đây có vui hay không?”. Tuy nhiên về tinh thần văn hóa và phong tục cổ truyền ngày Tết Việt Nam thì người Việt định cư tại Vương Quốc Anh không bao giờ quên.

      Tính ra tổng số người đi từ Việt Nam định cư tại Anh thì có phần ít hơn so với các quốc gia như Hoa Kỳ, Pháp hoặc các nước Ðông Âu. Ðến giờ thì ước chừng con số người Việt chính thức trên dưới 30 ngàn người, tập trung nhiều nhất tại thành phố London. Nhưng đi ngược về giòng thời gian, bắt đầu từ cái mốc thập niên 50 cho đến năm 1975 thì số lượng người Việt Nam tại Anh quốc rất là ít. Một số là làm việc cho ban Việt ngữ đài BBC và một số khác là làm việc cho tòa Ðại Sứ Việt Nam Cộng Hòa. Sau đó là người Việt từ miền nam Việt Nam qua Anh du học hay tu nghiệp. Ngoài ra một nhóm trong vòng 20 người thuộc diện con cô nhi quả phụ, cha là người lính Việt Nam Cộng Hòa bị tử trận, được nhận qua đây học tại các trường trung học ở Anh. Trong thời gian đó khoảng chừng 300 người Việt ở Anh, thì người viết thật sự không biết họ ăn Tết như thế nào?

      Bến cố năm 1975, làn sóng người tị nạn Việt Nam bắt đầu, hầu như lúc đó người Việt bỏ xứ ra đi đều xin vào Hoa Kỳ, tiếp là Canada và Úc Ðại Lợi và sau cùng là các quốc gia tại Âu châu. Theo lời kể lại của những người đến Anh vào năm 1975 rất là ít, cao lắm là 200 người, đa số đi trên chiếc tàu Trường Xuân, đây là tàu sắt di tản sau cùng vào ngày 30 tháng 4, nghe đâu vào trưa hôm ấy vẫn còn tại hải phận Việt Nam. Ðến năm 1978, một chiếc ghe chở khoảng gần 300 người tỵ nạn, được chiếc tàu hàng Anh vớt tại biển Ðông, hình như đây là chiếc ghe đầu tiên do tàu Anh vớt. Qua tháng 5 năm 1979, tàu hàng, có tên là Sibonga của Anh, vớt hai chiếc ghe tỵ nạn Việt Nam, cũng tại biển Ðông. Tổng số người của hai ghe là 1003 người, nếu người viết không lầm, trong lịch sử thuyền nhân Việt Nam thì đây là chiếc tàu hàng Anh vớt người tỵ nạn Việt Nam nhiều nhất so với các tàu hàng khác. Vào lúc đó, Bà Magaret Thatcher vừa nhận chức Thủ Tướng tại Vương Quốc Anh, một người phụ nữ đầu tiên của Anh đắc cử vai trò Thủ Tướng. Với lòng nhân ái của Bà đã ký giấy nhận 1003 người tị nạn từ Việt Nam này vào Anh quốc định cư và sau đó bà chấp thuận 20 ngàn người tỵ nạn tại Hong Kong vào Anh.

      Ðến cuối năm 1979, người Việt Nam vào Anh được tăng lên. Các trại tạm cư được mở trên toàn thổ nước Anh. Nhưng có hai trại chứa người đông nhất là trại Sopley (gần thành phố Bourthmouth- miền nam nước Anh) và trại Thorney Island (gần thành phố Postmouth - miền nam nước Anh). Hai trại này vốn là căn cứ không quân Hoàng Gia Anh vào thời đệ nhị thế chiến, nên mỗi trại có sức chứa trên 1000 người. Còn các trại khác thì có độ vài trăm người như ở Wales, Tô Cách Lan ,miền trung nước Anh và ngay cả London. Kẻ viết vào trại tạm cư Sopley, ở khoảng 3 tháng là ra ngoài định cư, nên không có dịp ăn Tết trong trại, nhưng ngược lại thì dự Tết ở trại tạm cư tại London.

      Trại tạm cư London mở cửa từ khoảng năm 1978 cho đến giửa năm 1980 thì đóng cửa, trại ở ngay khu Kensington. Trong thời gian mở cửa rất tiện lợi cho những người Việt khi ra ngoài định cư, vì ra ngoài sống lúc ban đầu rất là buồn, không có gần người Việt Nam, nên cuối tuần rất nhiều người đi London chơi, mỗi lần đến London thì đều ghé vào trại để ăn ở trong thời gian thăm viếng London.

      Tết 1980. Trại có tổ chức một buổi tiệc Tân Niên Canh Thân, số người hiện diện cũng đến 200 người. Chưa đến giờ dự tiệc mà suýt xảy ra chuyện ẩu đả, là vì trong số người đến dự có những người vốn là cựu Ðảng Viên cộng sản Việt Nam, họ ủng hộ phe Trung quốc, nên lúc xảy ra việc bài Hoa tại Việt Nam họ phải ra đi, nhưng trong lòng họ còn tin tưởng về đường lối của Ðảng Cộng Sản, bởi vậy họ có ý treo cờ đỏ sao vàng. Còn tất cả những người khác vẫn còn kinh hải về đời sống tại Việt Nam lúc bấy giờ, họ không muốn nhìn thấy bất cứ một việc chi có liên quan đến Ðảng Cộng Sản. Không một ai đồng ý treo cờ CSVN cả, nên mới đưa đến việc tranh cải, may sau cùng là giải quyết không một ai được phép treo cờ nên buổi không khí Tết Canh Thân diễn ra thật là vui vẻ.

      Các cái Tết tiếp theo là 1981, 1982 và 1983 rất là buồn, không có một sinh hoạt Việt Nam nào cả. Người Việt muốn hưởng không khí Tết thì phải lên phố Tàu để mừng Xuân ké với cộng đồng người Hong Kong. Cho đến năm 1984, các Cộng Ðồng Tỵ Nạn Việt Nam bắt đầu thành hình, sự thành công của cộng đồng Công Giáo và Phật Giáo là chùa Linh Sơn, đã liên tục tổ chức Tết vào những ngày cuối tuần của tháng Giêng và tháng Hai. Số người tham dự rất là đông, có nơi lên đến 400 người. Tết năm 1986 đánh dấu sự phát triển vững mạnh của cộng đồng Việt Nam. Ðặc biệt năm đó có sự xuất hiện của hai hội đoàn trẻ là Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Anh quốc và Hội Thanh Niên Tỵ Nạn tại London. Cả hai hội cùng hợp tác tổ chức mừng xuân và có nhiều tiết mục xuất sắc như hội thảo văn hóa cổ truyền ngày Tết, văn nghệ, thi đấu thể thao và cờ tướng.

      Nói đến thể thao là môn bóng bàn ít ai ngờ đến là có một tuyển thủ vô địch bóng bàn Hải Phòng là anh Châu Văn Quế sống tại London , chính ông Lê Văn In cựu tuyển thủ miền nam khi qua Anh đã xác nhận có lần thi đấu với anh Quế tại Việt Nam. Còn môn cờ tướng Tàu thì có hai anh là anh Bảo và Anh Ðàm là kỳ thủ trẻ tại miền Bắc Việt Nam vào thập niên 70, hai anh đã từng đụng độ ngang sức với năm ông vua cờ miền Bắc, mệnh danh là “Ngũ Tốt”, trong đó có ông Thọ đứng đầu. Nay hai anh sống ở London, hầu như đã giải nghệ, trong dịp xuân về kể lại truyện về cờ Việt Nam ở miền bắc vào những năm 70 còn kém kỳ thủ Trung quốc rất là xa. Vì có một tay cờ Trung quốc đứng trong vòng hạn 20 có qua Việt Nam đánh giao hữu, ông ta chấp 5 vua cờ Việt Nam cùng đánh mà vẫn không vượt qua nổi.

      Về phần văn nghệ tạo được những sự thành tựu đáng kể là ban nhạc Sóng Thần do anh Trần Kiên Dân làm đầu tàu, anh Dân là người sinh hoạt văn nghệ nhiều năm tại các phòng trà tại Sài Gòn, với tiếng trống của anh Quốc Phong và tiếng kèn của anh Duy Khiêm. Nay anh Duy Khiêm thành lập ban nhạc gia đình, anh có tiếng kèn rất độc đáo và anh cũng là người Việt Nam đầu tiên xuất hiện trong chương trình “Top Of The Pops” của đài BBC, anh đã thổi tiếng kèn của anh cùng một ban nhạc người da đen và bài hát đã đứng hạng nhất. Ban nhạc thứ hai là ban nhạc Ban Mai, do anh Ðỗ Mạnh Hùng làm trưởng nhóm, anh Hùng xuất thân từ lò quốc gia âm nhạc của Hà Nội, anh là lớp đàn em của ca sĩ Huyền Châu. Hai ban nhạc này chuyên đi góp vui văn nghệ vào dịp Xuân về.

      Qua đến thập niên 90, không khí mừng xuân tại các cộng đồng có phần giảm, vì những người hăng say hoạt động vào thập niên 80 bước qua tuổi trung niên hay lớn tuổi. Họ không còn đầy nhiệt huyết như xưa, lớp trẻ lớn lên chưa kịp thay thế vào các sinh hoạt Việt Nam tại Anh. Việt Nam dể dàng cho người Việt tại hải ngoại về thăm viếng, nên thế nhiều người về Việt Nam trong dịp Tết. Tuy nhiên, về phần kinh doanh thì cộng đồng Việt Nam phát triển mạnh hơn xưa, đã có nhiều siêu thị Việt Nam tại London, nhờ vậy các thức ăn ngày Tết không còn thiếu như thuở ban đầu. Mọi gia đình đều tìm được bánh chưng, giò chả và bánh mứt Việt Nam trong việc đón ông bà vào đêm 30.

      Nói về sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam có nhiều chuyện kể, nhưng người viết xin kể sơ lược một vài điểm ngày Tết tại Anh của cộng đồng Việt Nam, vì viết ra thêm thì lạc đề mất không còn chuyện ngày Tết mà là chuyện sinh hoạt của người Việt ở Anh. Vậy xin tạm ngưng khi có một dịp rảnh sẽ cống hiến quí vị những đề tài khác.

      Hà, Czech Republic

      Xin chào BBC Luân Đôn! Năm mới chúc anh chị em của quý đài sức khỏe, hạnh phúc và luôn mang lại những thông tin bổ ích cho thính độc giả. Tôi là "thính giả gia truyền" của quý đài. Ông bố tôi đã làm cho cả nhà tôi nghiện BBC, đặc biệt là thời kỳ 70-80. Thời kỳ ấy, ở VN chỉ có thông tin "bao cấp", rất "đói" thông tin, nên ai cũng xem BBC như là một "đặc sản". Bây giờ VN không còn đói nữa nhưng khán thính giả lại cần những thông tin "ngon" hơn, "bổ" hơn. Hy vọng BBC sẽ làm được điều này.

      Đã lâu lắm, tôi không nghe BBC, nay sau một thời gian gián đoạn tôi lại được gặp BBC trên mạng internet. Các bạn bây giờ có nhiều cái mới, nhạc hiệu mới, nhiều khuôn mặt mới , văn phong cũng mới, nguồn cung cấp thông tin cũng mới, nhiều tạp chí mới, ... nhưng tiêu chí khách quan và sự cầu tiến để ngày càng hoàn thiện là không thay đổi. Đó là chữ tín vô giá mà BBC cần giữ. Hiện nay chỉ có anh Xuân Hồng là phát thanh viên cũ nhất mà tôi được nghe trước đây, nhưng nhìn ảnh anh trên mạng, xin lỗi anh, trông anh đẹp trai và chững chạc hơn nhiều trong tưởng tượng của tôi trước kia.

      Trước đây, tôi có tật nghe đài thường tự tưởng tượng chân dung và lý lịch phát thanh viên của BBC vì tôi rất quý họ. Tôi xin nói thật vài tưởng tượng của tôi ngày xưa về "chân dung BBC" hồi đó, kể cho vui, xin anh chị em đừng phật lòng. Hữu Đại là ông thầy đồ, lúc nào cũng khăn đóng áo dài đen, rất gia giáo, cổ lỗ sĩ nhưng kiến thức rất uyên thâm. Đỗ Văn là môt thư sinh Hà thành, đẹp trai, văn hay chữ tốt, đàn giỏi, nhưng rất lười biếng, nhà cửa bề bộn, bê tha. Hai tiểu thư Hồng Liên và Tường Vy hễ gặp nhau là bàn chuyện thời trang và shopping, vì "kén cá chọn canh" nên tìm mãi không ra đức lang quân tâm đầu ý hợp, đang có nguy cơ " ế chồng".

      Còn Xuân Hồng, gốc gác nông dân, cần cù chịu khó, nhưng dù làm gì ở đâu thì cái "gốc nhà quê" vẫn lòi ra, tóc tai bù xù, nước da trắng như bột ... cà phê, thường chỉ đi một đôi giày nâu, lại mắc bệnh nghiện thuốc lào, còn đi làm thì hôm sớm hôm trễ, nhưng bù lại có tài kể chuyện tiếu lâm, hơi tục tĩu nhưng nhiều người vẫn thích ... Còn các bạn trẻ, kỳ thực tôi chưa nhớ hết tên và chưa có ấn tượng để hình dung ra các bạn. Xin lỗi, tôi quá dông dài, xin các bạn lượng thứ. Năm hết, tết đến, chúc mọi người trong nước và hải ngoại gặp nhiều sự tốt lành! Tôi đang yêu BBC nhiều!

      Thái Long, Quảng Trị

      Giờ khắc giao thừa đang đến. Trên đất nước Việt mọi người đang chờ đón một cái Tết nữa trong an bình. Không có tiếng pháo từ nhiều năm nay cũng chả sao, có khi lại an toàn hơn cho bọn trẻ con,nhưng bù lại mấy năm nay có cầu truyền hình đêm Giao Thừa,làm cho người dân trên mọi miền xích gần lại nhau hơn. Không khí Tết vì vậy ấm cúng hơn trước rất nhiều. Ở nhà người dân thường như tôi vẫn có thể mở nhạc "Ly Rượu Mừng" để đón Tết... Không như chị Tố Nga (Bình Dương), hoặc chị Diễm Hồng (Huế) nghĩ ngợi đâu. Hình như các chị bị "bịnh hoài cổ" hơi nặng đấy. Hãy nhìn ra ngoài, cây đang trẩy lộc mới, hoa đang nở chào đón ánh mặt trời mùa xuân, các chị bỏ qua thì rất tiếc đấy....

      Viễn Xứ Đức

      Vào năm 1979 lần đầu tiên trên đất nước Đức, người Việt ở vùng tôi đã đón mùa xuân mới của dân tộc. Một mùa Xuân tràn đầy ý nghĩa nhất trong cuộc đời trên bước đường tỵ nạn. Mùa Xuân đó tôi rất bồi hồi, chua xót, nhớ quê hương lạnh lùng. Tuy ở đây có tổ chức nhiều cuộc vui ...nhưng không thể phai nhòa trong ý nghĩ đậm đà hương vị ngày vui Tết tại Việt Nam với ánh nắng xuân tươi hòa tỏa khắp muôn phương, với những hòa khúc nhạc mừng xuân.

      Đêm đó là đêm giao thừa với tiếng pháo trong băng nhạc cassette âm vang gợi lên hình ảnh tình thương yêu xum hợp gia đình đón mùa xuân hạnh phúc, nhưng đó chỉ là ảo tưởng mà thực tế là đón mùa xuân tha hương đầu tiên trong nỗi niềm nhung nhớ. Đặc biệt nhiều bạn bè còn độc thân nhớ nhà, nhớ Cha Mẹ, nhớ gia đình và nhớ cái gì mất mát nhất trong đời sống hằng ngày... Và chỉ có xúc động khóc, khóc thật nhiều để bớt đi nỗi nhớ không nguôi.

      Ly Rượu Mừng, bài ca báo hiệu giây phút thiêng liêng cho mọi người Việt viễn xứ cũng là ly rượu mừng chúc cho nhau lời chúc hạnh phúc và giữ mãi trong trái tim tình nồng ấm, đầy ước mơ và đầy hứa hẹn. 26 năm trôi qua mặc dù tôi chưa về quê hương đón một mùa xuân đầm ấm, nhớ quê mẹ, quê hương thuở ấy "xuân này con không về,... chắc mẹ buồn lắm"..., nhưng ở đây bà con "Việt Kiều" chúng tôi cũng có dịp gặp gỡ vui Tết, trao đổi tin tức quê hương và cùng nhau thưởng thức các món ăn ngày Tết bánh chưng, bánh Tét.... do chính mỗi gia đình đến tham dự tự làm và đem đến vui chơi trong ngày Tết truyền thống của dân tộc.

      Đón Xuân này nhớ lại xuân qua, cứ mỗi mùa xuân đều mang nhiều ý nghĩa khác nhau, cuộc đời tôi cũng gắn liền từ đó. Là mùa xuân là tình yêu tuổi trẻ "Ngập lòng ta gần nữa đời đi Như sông như biển ngày xưa ấy Dào dạt lòng ta phơi phới bay"...

      CHÚC MỪNG NĂM MỚI VUI VẺ, HẠNH PHÚC VÀ TRÀN ĐẦY HY VỌNG.

      Hồ Ân, Sydney, Australia

      Góp ý với chị Phan Lyli, Brisbane, Australia. Ngày nay người ta có khuynh hướng gọi Tết ta là Lunar New Year vì theo âm lịch (mặt trăng) và với lý do chính đáng là không phải chỉ có người Tầu ăn Tết này. Tôi cũng ở Úc như chị Phan và sẵn sàng trao đổi qua email hay điện thoại. Khuynh hướng thế giới bây giờ là đa nguyên, đa văn hóa, và chấp nhận sự khác biệt. Chính ra Âm lịch rất chính xác và đúng với thời tiết, mùa màng. Các nhà khoa học đều công nhận như thế. Ở Úc chính quyền đều khuyến khích ta nên giữ văn hóa ta. Ngay cả những cái tên Việt Nam, Tầu đều nên giữ, không nhất thiết phải đổi qua tên Maria, William, Joseph, George v.v. Trong các sách giáo khoa các thí dụ toán văn đều có rất nhiều tên Việt Nam như Lan, Minh, Hùng, Hương...

      Trần Thiện, Brisbane, Australia

      Tôi nhớ mãi tết Mậu Thân. Dù đã lùi vào dĩ vãng được 36 năm, nhưng hình ảnh ngày tang tóc đó vẫn in đậm trong trí óc của tôi. Trong lúc mọi người dân đang chuẩn bị tưng bừng chào đón giờ phút thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới, trẻ em náo nức bên nồi bánh chưng , bánh tét, đâu cũng nghe đì đùng tiếng pháo đón Giao thừa, ngay giờ phút thiêng liêng đó, chính những người Việt nam mệnh danh “Giải phóng“ đã đồng loạt pháo kích, tấn công, đốt phá, chém giết gần như khắp các đô thị, thị trấn, làng mạc từ QuảngTrị đến Cà Mâu.

      Ngay sau khi tiếng súng chấm dứt, vì tò mò, tôi và vài ba đứa bạn đi coi những nơi mới xẩy ra những trận đánh kinh hồn (tại khu Vinatexco, gần khu Bà quẹo), tôi chú ý thấy có một số cán binh Cộng sản bị thương hay chết đều bị xích vào những gốc cây khá lớn bằng những sợi dây lòi tói và mỗi sợi đều có một ống khóa ( tôi không biết là do chính cá nhân cán binh đó tự nguyện xích vào hay bị cấp trên bắt buộc). Những hình ảnh khủng khiếp đó đã gieo vào trong trí nhớ tuổi niên thiếu của tôi không bao giờ phai nhạt.

      Nguyễn Diệu Hằng, Huế

      Tôi dù sống trên đất Việt nhưng chắc lần nầy phải chịu ăn tết tha phương. Phần vì kiếm ăn chật vật lại thêm phương tiện di chuyển khó khăn của những ngày cuối năm nên chắc lại phải đón xuân với bao nỗi ngậm ngùi xa quê. Đêm giao thừa nếu mà được nghe đài cho phát bài ca Ly Rượu Mừng thì thật là tuyệt vời. Còn nếu có ai đó không thích bản nhạc nầy thì mở bản nhạc "Chuyện một đêm" hay "Huế mờ sương" để mà nghe chắc hay hơn nhiều.

      Nguyễn Thanh, Houston, USA

      Có dạo khoảng thập niên 80 tôi có nghe Nhà nước ta có kế hoạch thay các Mẫu chữ học và thay lịch của Nước ta để tiến nhanh tiến mạnh lên Xã Hội Chủ Nghĩa cho kịp với các nước anh em Cộng sản. Và người ta đồn là thay luôn cả ngày Tết ta, không cho nhân dân tổ chức Tết cổ truyền, mà chỉ có Tết tây thôi, nhưng sau đó phản ứng mạnh Đảng đành bỏ. Nhờ vậy mà Tết ta vẫn còn tồn tại đến hôm nay. Không biết Tin trên có phải là "Tin Vịt" biạ đặt hay là có thật, bà con ai có biết và nhớ lại giải thích có đúng vậy không ? Giá trị ngày Tết thật sự là hương hoa của cuộc sống con người Việt Nam, là nét Văn Hóa, những hình thức của Tết mang những Ấn tượng sâu đậm. Nếu quanh năm người Việt chúng ta cùng thể hiện "cung cách" như ba ngày tết với nhau, thì Đời nó đẹp, và tuyệt vời. Vui như (ba ngày) Tết, tất cả đều rộng lượng hỷ xã, tử tế vớii nhau đó là Niềm Tin vào ngày giờ Thiêng liêng. Mọi ganh ghét, thù oán đều gác qua hoặc chịu không được thì tránh cho qua Tết, qua những ngày giờ thiêng liêng này. Trần Long An nhắc lại một cái Tết mang tính Bi Kịch trong lịch sử dân tộc. Cái Tết này sẽ in đậm mãi mãi hàng nghìn năm sau, và để cho nghìn năm sau phán xét ai đúng, ai sai.

      Lojza, Czech Republic

      Không chỉ có Tết mà cả các lễ lượt khác như đám cưới, kỵ giỗ, chạp mả,.. đã "thiếu hương vị" trong nhiều người Việt chúng ta. Điều này đúng nhưng cũng dễ hiểu vì nó là hậu quả của nền văn minh nông nghiệp bị nền văn minh công nghiệp tấn công . Nào là tivi, xe máy, nhà lầu, điện thoại, rượu bia, ... rồi tự do, dân chủ, nhân quyền,... rồi nhạc rốc, nhạc ráp, ... đua nhau tràn vào bắt buộc người ta sống "quay cuồng" theo trào lưu "toàn cầu hóa". Khó mà giữ cái hương vị cả nhà xúm xít ngồi gói bánh chưng, rồi tiếng í ới hỏi thăm mượn soong nồi khắp xóm. Bây giờ bánh chưng người ta bán quanh năm, kẹo bánh hàng trăm loại, lúc nào cũng có sẵn, nhà nước lại cấm đốt pháo, nên hương vị tết mất đi phần háo hức là đúng thôi.

      Bên cạnh đó, chúng ta lại được thêm nhiều hương vị mới mà giới trẻ rất thích là lễ Noel, lễ Tình yêu, Tết tây, lễ sinh nhật ... cũng do sự hòa nhập "đền bù" lại. Tôi đồng ý với bạn Mai Thục HCMC, chỉ có tiếng pháo và cành mai (ngoài bắc cành đào) là đặc trưng nhất của tết, đáng buồn nay chỉ còn lại một. Việc cấm pháo không chỉ ở ta mà ở Tàu người ta cũng nói nhiều rồi, bạn Diễm Hồng đừng suy diễn nặng nề quá. Ngày tết chúng hãy cùng vui lên một tý, đừng nói chuyện chính trị làm chi, bài hát của chị Tố Nga đề nghị rất hay, nhưng "thay cảnh" mới phù hợp , uống xong "Ly rượu mừng" nghe vẫn cứ hay, ngày tết mà!

      Minh, Pomona, USA

      Năm nay hoa và hàng hoá về Tết như bánh chưng, mứt, pháo.v.v.. đổ về đầy Little Sài Gòn. Trước cửa thương xá Phước Lộc Thọ trên đường Bolsa và kéo sang vài tiệm về hướng đường Magnolia hàng hóa người ta bày dọc ra la liệt và cứ tối tối mọi người đi lại mua sắm tấp nập làm cho tôi có cảm giác như mình đang đi chợ đêm tại Việt Nam. Mấy ngày nay lâu lâu lại có tiếng nổ lẹt đẹt của vài phong pháo chuột làm cho không khí càng giống Tết.

      Từ tuần trước đến hôm nay hầu như ngày nào tôi cũng xuống dưới Little Sài Gòn sau khi tan sở để ngắm hoa và mua vài thứ lặt vặt, hay cùng bạn bè nhâm nhi ly cafe và nghe nhạc do các ca sĩ tài tử trình diễn trước cổng Phước Lộc Thọ. Tôi nghĩ với không khí như vầy và tình hình mọi người tranh thủ mấy ngày Tết để kiếm thêm ít thu nhập thì chắc không khí vui Tết Nguyên Đán các năm tới sẽ không nhạt nhẽo như một số bạn nghĩ và với tinh thần về nguồn và muốn duy trì nét Văn Hoá và Truyền Thống Việt Nam mọi người sẽ vui xuân và đưa Tết dần hội nhập với xứ sở mới như chúng ta đã đưa món Phở đến với mọi người trên thế giới. Cầu chúc tất cả người Việt xa gần một năm Giáp Thân an khang thịnh vượng và vạn sự như ý.

      Trần Long An, Anaheim, USA

      Tôi nhớ mãi cái Tết năm Mậu Thân 1968, lúc đó tôi chỉ là môt học sinh Đệ Ngũ (lớp 9 bây giờ). Theo tôi nhớ trước Tết đã có sự đồng ý hưu chiến của hai bên Quốc - Cộng để nhân dân miền Nam ăn Tết nhưng cuối cùng đã bị vi phạm. Ở thành phố nhỏ tôi sinh sống cũng không tránh được tai ương của chiến tranh. Thành phố bị pháo kích dữ dội, dân chúng hoang mang lo sợ. Những ngày Tết năm đó người dân không được hưởng cái tết an bình mà là cái Tết hận thù chết chóc. Nhưng một sự việc ám ảnh tôi suốt đời là khi quân đội Quốc gia đã đẩy lùi quân CS ra khỏi thành phố tôi và lũ bạn vì hiếu kỳ rủ nhau đi coi xác mấy anh CS vì chưa hề biết mặt mũi họ ra sao. Đến nơi thì thấy năm sáu người chết mặc áo quần như nông dân nhưng lại mặc quần đùi vì thế tôi thấy bắp đùi anh nào cũng trắng như con gái (điều này là khi lớn lên tôi mới biết). Trong số này có hai anh tuổi độ 15,16 tuỗi nghĩa là trạc tuổi tôi lúc đó. Tôi thương mấy anh đó và nghĩ rằng nếu mấy anh đó nếu sinh ra ở miền Nam thì cũng được ăn học như tôi. Giá mà lãnh đạo hai miền Nam - Bắc hồi đó yêu dân mến nước thì đất nước đâu phải điêu linh như thế. Sau hơn ba mươi mấy năm tôi cứ nhớ mãi hình ảnh của xác mấy anh bộ đội hy sinh vào dịp Tết Mậu thân 1968 ở gần đồn Quân nhu Sadec. Tôi cầu mong từ đây cho mãi mãi về sau không bao giờ xảy ra nội chiến, đừng bao giờ chém giết lẫn nhau. Trịnh Nguyễn phân ranh, chiến tranh Quốc - Cộng là những trang sử buồn và nhục nhã của dân tộc Việt.

      Thanh Nhi, tp.HCM

      Hễ nói đến ngày Tết là người ta nghĩ ngay đến đêm giao thừa. Ngày còn bé tôi rất hồi hộp và mong đến giờ khắc đó để được nghe tiếng pháo rộn ràng báo hiệu một năm mới đến và xác pháo vương vãi một màu đỏ thật đẹp và ý nghĩa. Nhưng cảm giác đó không còn từ khi nhà nước cấm đốt pháo. Tất nhiên không đốt pháo cũng có cái lợi mà lớn nhất là tiết kiệm. Tuy nhiên mỗi gia đình không đốt một phong pháo cho một năm thì cũng không trở nên giàu.

      Lê Nguyên Khang, tp.HCM

      BBC thân, chỉ cần đọc xong một trang này không thôi, người ta cũng đủ thấy lòng ganh ghét, đố kỵ còn tiềm tàng rải rác khắp nơi. Cô T.T.Tố Nga yêu cầu được nghe lại bài Ly Rượu Mừng, đơn giản chỉ vì nhạc hay, lời lẽ phù hợp cho cả mọi từng lớp nhân dân với những lời chúc thiết tha, nồng nàn nhất là phù hợp với ngày Tết. Chứ nào có thấy đâu những tiếc nuối hoặc mê mẩn VNCH nào đâu mà sao ông Vô Danh nào đó lại quá khích đến như vậy ? Qua vài dòng nhận xét của Vô Danh, người ta có cảm tưởng ông là người xu hướng, nịnh nọt quá cỡ.

      Phan Lily, Brisbane, Úc

      Tôi mạo muội có một chút ý kiến, nếu có gì phật lòng, xin quí vị bỏ qua. Chúng ta đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Trung quốc từ xa xưa, nay đã ăn sâu vào trong nếp sống hằng ngày, chẳng hạn như ngày Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Tết Đoan ngọ…Nay chúng ta phải tìm cách từ từ bỏ ngày Tết nguyên đán (hay các ngày Lễ,Tết khác của Trung hoa ) để thay vào đó, chúng ta ăn Tết dương lịch như tất cả các quốc gia khác trên thế giới. Hiện nay, chỉ có vài nước có dân số người Tầu quá đông như Đài loan, Hồng kông, Singapore hay những Cộng đồng người Tầu ăn Tết âm lịch mà thôi.

      Nhật bản đã bỏ ăn Tết âm lịch từ lâu. Trước đây chúng ta đã xử dụng chữ Tầu, sau đó biến đổi thành chữ Nôm và sau cùng Ông cha ta đã bỏ chữ Tầu, Nôm mà chuyển qua xử dụng chữ Quốc ngữ như ngày nay, chắc hẳn lúc đó cũng có nhiều người phản đối cách xử dụng chữ Quốc ngữ,nếu chúng ta đồng lòng và nhất là Chính quyền trong nước ủng hộ việc thay đổi ngày Tết thì hy vọng trong tương lai, chúng ta sẽ ăn Tết dương lịch như tất cả các nước khác trên thế giới. Tôi rất bất bình khi báo chí, truyền thông của người bản xứ đều nói là Chinese new year cho ngày Tết âm lịch. Nếu có nói người Việt ăn Tết thì đa số người dân bản xứ cũng gọi là Chinese new year ! Xin Đài B.B.C và quí vị tham gia trong Mục ý kiến thính giả cho biết ý kiến. Xin chân thành cảm ơn Quí vị.

      Nguyễn Kim Giao, Garden Grove, USA

      Tôi thấy hương vị Tết nơi xa hương này càng ngày càng nhạt nhẽo. Hầu như những ngày này chỉ còn dành cho những người lớn còn thích Tết. Còn trẻ con thì giống như một ngày thật vui vẻ vì chúng có dược nhiều tiền lì xì để đi ăn Mac Donald và đi mua games mới. Còn ở quê nhà thì sao ? Xin mọi gia đình cố phát huy mỹ tục này cho thế hệ con cháu sau này.

      Vô Danh

      Tại sao giờ này vẫn có người còn mê "Việt nam cộng hoà" như vị Trần thị Tố Nga. Chẳng lẽ hiện tại không phải là Việt nam sao ?

      Nguyễn Thúy Diễm Hồng, Huế

      Cuối năm nói về chuyện Tết, tôi thành thật chia xẻ với N M Thục HCMC về chuyện đốt pháo dịp giao thừa, Tết và cưới gả. Trong đó có nhiều nguyên nhân (xin chớ hiểu nhầm tôi đem chuyện đốt pháo nhập chung với chính trị). Nhưng chuyện gì bắt đầu cũng xuất phát từ nhiều góc cạnh, mà nguyên nhân chính là do đảng độc quyền lãnh đạo nhà nước. Nên không ai dám lên tiếng phê bình đảng vì sợ bị chụp mũ phản động, nên đảng tự tác tự tung muốn làm gì thì cứ làm và muốn ngăn cấm điều cũng được nên đất nước càng kiệt quệ và người dân càng bị nghèo đói.

      Chuyện đồ giả, đồ lậu thì than ôi tràn lan khắp nước và bất cứ loại hàng giả nào cũng đầy rẫy khắp mọi nơi và dù cho có nguy hiểm đến đâu người dân cũng lén lút sản xuất, mới sinh ra nhiều rủi ro. Hơn nữa chuyện đốt pháo dù là nét cổ truyền độc đáo của người Việt Nam có từ ngàn xưa nhưng đâu có liên quan và có lợi gì cho đảng mà đảng lại phải quan tâm đến. Cho nên dù bạn, tôi hoặc bất cứ Ai có ngậm ngùi, than thở cũng chỉ phí hơi phí sức mà thôi bạn ạ! Xin chào bạn và thành thật cầu chúc bạn cùng tất cả mọi người Việt khắp nơi được vui hưởng một xuân Giáp Thân và một năm mới khang an thịnh vượng.

      Nguyễn Mai Thục, HCMC

      Mặc dù ở Việt Nam nhưng tôi dường mất cảm giác về không khí của dịp Tết từ khi nhà nước cấm đốt pháo!!! Dù rằng việc này có nhiều điểm lợi ai cũng biết nhưng nó cũng đem lại mất mát đáng kể về văn hóa, tinh thần. Theo tôi Tết mà không pháo có khác gì "Nam vô tửu như kỳ vô phong".

      Thật hồi hộp làm sao khi chờ đến giao thừa, những tiếng pháo bắt đầu rền vang của cả một dân tộc như gội xóa tất cả những điều xấu cho đất trời, nhân sinh Phương Đông - một nét văn hóa độc đáo vô cùng - và cảm giác một về một cái mới không thể tả được trong sáng mồng một. Có lẽ suốt quãng đời còn lại của tôi không thể nào có cảm giác lễ hội nào mầu nhiệm như thế.

      Ngày nay ở Việt Nam, giao thừa, mồng một tôi dường như không có cảm xúc động như trước đây và cảm thấy Tết nhứt gì mà quá nhạt. Uống rượu có hại, nhưng người ta cũng uống hàng nghìn năm nay. Thiết nghĩ tác hại của pháo có lớn đến mức không cho phép đốt trong ngày tết hay không? (lưu ý pháo Hoa không thay thế cho pháo nổ thường được). Tôi mong rằng có nhiều bài viết bình luận hơn về sự khác biệt khi không đốt pháo trong ngày Tết và đám cưới...

      Nguyễn Trường Hưng, Melbourne, Australia

      Hôm nay là ngày 24 tháng Chạp, dù xa quê đã 22 cái Tết và đang chuẫn bị ăn thêm cái Tết lần thứ 23 ở xứ người. Cũng như mọi năm lúc còn ở quê nhà vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm tôi lại đưa ông Táo về trời, rồi lần lượt ngày 25 thì đưa tổ tiên để gợi nhớ lại một chút thuần túy Tết cổ truyền. Ở đây thiếu thốn rất nhiều thứ hương vị của ngày Tết cổ truyền của VN như những năm còn ở quê nhà.

      Ở đây Melbourne của xứ Úc Đại Lợi, ngày Tết cũng có bánh chưng, thịt lợn, cũng có dưa hành, có pháo, cũng có đêm giao thừa. Nhưng không phải là đêm giao thừa như trong bài ca "anh đến thăm em đêm ba mươi" mà đêm giao thừa thông thường chúng tôi lại cùng nhau kéo đến Chùa hoặc những nơi thờ phượng do cộng đồng người Việt tổ chức để cùng nhau đón giao thừa, đón xuân.

      "Nhập gia tùy tộc", nếu năm nào Tết không rơi đúng vào mấy ngày cuối tuần thì chẳng giống Tết chút nào cả vì chúng tôi vẫn phải đi làm, đi học v.v...rồi đợi đến cuối tuần mới được vui chung vài ngày hội Tết do CDNV ở đây tổ chức. Rồi lại thêm một lần Tết nữa trôi qua đi và lại thêm một xuân viển xứ và "Mẹ ơi con vẫn chưa về". Ðúng vậy hai mươi mấy năm rồi tôi chưa về ăn Tết để thăm lại quê hương dù rằng tôi vẫn nhớ và rất nhớ quê hương thân yêu của tổ quốc Việt Nam ngàn đời. Không phải vì tôi không quên những hận thù quá khứ hoặc không còn nhớ nhung Tổ Quốc Việt Nam dấu yêu. Mà vì tôi không thể chấp nhận 80 triệu người Việt Nam ở trong nước còn mãi đói nghèo và chưa có được Tự Do cũng như các quyền căn bản khác của con người.

      Có người nói rằng đất nước ngày nay đã đổi thay nhiều. Đương nhiên. Với thời gian gần 30 năm cả nửa đời sống của một kiếp người từ một em bé mới chào đời và nay đã gần 30 tuổi cũng có cả một đàn con rồi mà sao lại không thay đổi ? Nhưng liệu các quyền Tự Do căn bản của con người ở VN thì bao giờ mới được thay đổi ? Ðến đây tôi không dám làm mất nhiều thì giờ của quí Ðài. Bên thềm xuân Giáp Thân tôi xin kính chúc Quí Ðài và tất cả người Việt Nam tha hương và ở quê nhà một năm mới An Bình Hạnh Phúc.

      Từ Thứ, Việt Nam

      Khi còn bé tôi rất thích Tết. Vào ngày Tết, trẻ con không bị la rầy, trách phạt. Lúc đó, tôi được mặc quần áo mới, đi chơi xa, ăn uống phủ phê và đặc biệt là được người lớn cho tiền (lì xì). Ai cũng có quyền lắc bầu cua, đi đánh bài trong dịp tết. Tết năm Mậu Thân đã để lại những ký ức buồn! Tết 76, 86, 96 trôi qua... Tôi thích xem TV. Vẫn còn có những chương trình đặc biệt mừng Xuân mới. Mấy năm nay, pháo Tết không còn nhưng Giao thừa vẫn là thời điểm thiêng liêng nhất với nhiều người. Năm nay, tóc tôi đã bạc, Tết đến tôi vẫn xem TV. Mong những giọng nói, tiếng hát trên TV khởi nguồn từ sự rung động của quả tim.

      http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2004/01/040115_viettet.shtml
      #3
        HongYen 29.01.2006 04:17:41 (permalink)
        Tết Nguyên Đán


        Tết Nguyên Đán, còn gọi là Tết Ta hay Tết Âm Lịch, hay gọi tắt là Tết, là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong văn hoá của người Việt và một số dân tộc khác chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc. Tết Nguyên Đán diễn ra vào các ngày đầu năm Âm lịch, thường là khoảng từ tháng 1 đến tháng 2 Dương lịch. Đây là phong tục đón mừng năm mới, đồng thời là dịp người Việt nhớ về cội nguồn, sum họp với gia đình, người thân, gặp lại họ hàng, làng xóm, thăm mộ tổ tiên và đây cũng là dịp để mọi người sống với nhau vui vẻ, độ lượng, bỏ qua xích mích của năm cũ và cầu mong sang năm mới có cuộc sống đầy đủ ấm no và hạnh phúc hơn.

        Hai chữ "Nguyên Đán" (元旦) có gốc chữ Hán; nghĩa của "Nguyên" là sự khởi đầu và của "Đán" là buổi sáng sớm. Tết Nguyên Đán được người Trung Quốc ngày nay gọi là Xuân Tiết (春節), Tân Niên (新年) hoặc Nông Lịch Tân Niên (農曆新年).

        Trong phong tục tập quán người Việt, mùa xuân chính thức bắt đầu vào Tết, cho nên hình ảnh Tết lúc nào cũng gắn liền với mùa xuân.


        Lịch sử

        Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Ngũ Đế, Tam Vương và thay đổi theo từng thời kỳ. Đời Tam Vương, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng giêng, tức tháng Dần. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng chạp, làm tháng đầu năm. Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng mười một, làm tháng Tết. Các vua chúa nói trên quan niệm về ngày giờ tạo thiên lập địa như sau: giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày tết khác nhau.

        Đời nhà Đông Chu, Khổng Phu Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần. Đời nhà Tần (thế kỷ 3 TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng mười. Cho đến khi nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng giêng. Từ đó về sau, trải qua bao nhiêu thời đại, không còn nhà vua nào thay đổi về tháng Tết nữa.

        Đến đời Đông Phương Sóc, ông cho rằng ngày tạo thiên lập địa có thêm giống Gà, ngày thứ hai có thêm Chó, ngày thứ ba có Lợn, ngày thứ tư sinh Dê, ngày thứ năm sinh Trâu, ngày thứ sáu sinh Ngựa, ngày thứ bảy sinh loài Người và ngày thứ tám mới sinh ra ngũ cốc. Vì thế, ngày Tết thường được kể từ ngày mồng Một cho đến hết ngày mồng Bảy tháng giêng (8 ngày).

        Ngày nay, Việt Nam quy định viên chức và công nhân lao động được nghỉ Tết vào ngày 29 hoặc ngày 30 trước Tết và từ mùng Một đến mùng Ba (tổng cộng 4 ngày). Việt kiều sinh sống tại Âu Châu hay Bắc Mỹ hoặc chỉ giữ ngày mùng Một hoặc tổ chức Tết vào ngày cuối tuần gần nhất.

        Ngoài ra, người ta thường nói "20 Tết", "15 Tết"... đây chỉ là nói những ngày ảnh hưởng do những công việc để chuẩn bị đón Tết hay dư âm còn lại của những ngày Tết.

        Nguyên nghĩa của Tết chính là "tiết". Văn hóa Việt – thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước – do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã "phân chia" thời gian trong một năm thành 12 tiết khác nhau (và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc "giao thời") trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên Đán sau này được biết đến là Tết Nguyên Đán.


        Lịch

        Chi - Con vật tương ứng * Ngày tháng Dương lịch
        Tí Chuột * 19 tháng 2 năm 1996 * 7 tháng 2 năm 2008
        Sửu Trâu * 7 tháng 2 năm 1997 * 26 tháng 1 năm 2009
        Dần Hổ * 28 tháng 1 năm 1998 * 14 tháng 2 năm 2010
        Mão Mèo * 16 tháng 2 năm 1999 * 3 tháng 2 năm 2011
        Thìn Rồng* 5 tháng 2 năm 2000 * 23 tháng 1 năm 2012
        Tị Rắn * 24 tháng 1 năm 2001 * 10 tháng 2 năm 2013
        Ngọ Ngựa * 12 tháng 2 năm 2002 * 31 tháng 1 năm 2014
        Mùi Dê * 1 tháng 2 năm 2003 * 19 tháng 2 năm 2015
        Thân Khỉ * 22 tháng 1 năm 2004 * 8 tháng 2 năm 2016
        Dậu Gà * 9 tháng 2 năm 2005 28 * tháng 1 năm 2017
        Tuất Chó * 29 tháng 1 năm 2006 * 16 tháng 2 năm 2018
        Hợi Lợn * 17 tháng 2 năm 2007 * 5 tháng 2 năm 2019

        Trước năm 1967, Việt Nam lấy giờ Bắc Kinh làm chuẩn cho âm lịch. Ngày 8 tháng 8 năm 1967, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành đổi lịch dùng múi giờ GMT +7 làm chuẩn. Vì thế hai miền nam bắc Việt Nam đón Tết Mậu Thân hai ngày khác nhau (miền bắc ngày 29 tháng 1 trong khi miền nam thì ngày 30 tháng 1) [1]. Hiện nay, vì chênh lệch một giờ giữa Việt Nam (UTC +7) và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (UTC +8), đôi khi Tết của Việt Nam không trùng ngày với Tết Trung Quốc. Từ năm 1975 đến năm 2100, có 4 lần Tết Nguyên Đán của Việt Nam không trùng ngày với Tết Nguyên Đán của Trung Quốc. Đó là:


        Phong tục

        Người Việt Nam có tục hằng năm mỗi khi Tết đến lại trở về sum họp dưới mái ấm gia đình. Nhiều người muốn được khấn vái trước bàn thờ, thăm lại ngôi mộ hay nhà thờ tổ tiên. Nhiều người cũng muốn thăm lại nơi họ đã từng sinh sống với gia đình trong thời niên thiếu. Đối với nhiều người xuất thân từ nông thôn Việt Nam, kỷ niệm thời niên thiếu có thể gắn liền với giếng nước, mảnh sân nhà. "Về quê ăn Tết" đã trở thành thành ngữ chỉ cuộc hành hương về nơi cội nguồn.

        Tuy là Tết cổ truyền của dân tộc nhưng tuỳ theo mỗi vùng, mỗi miền của Việt Nam hoặc theo những quan niệm về tôn giáo khác nhau nên có thể có nhiều hình thức, nhiều phong tục tập quán (địa phương) khác nhau. Xem thêm bài viết chính phong tục Tết miền Bắc, phong tục Tết miền Trung và phong tục Tết miền Nam.

        Phần sau đây trình bày các điểm chung giữa phong tục Tết ba miền. Nói chung Tết ở ba miền đều có thể phân làm 3 khoảng thời gian, mỗi khoảng thời gian ứng với những sự chuẩn bị, ứng với những lễ nghi hay ứng với những hình thức thể hiện khác nhau, đó là: Tất Niên, Giao Thừa và Tân Niên.


        Tất Niên

        Đối với Tết cổ truyền, dịp tất niên là lúc mọi nhà chuẩn bị cho Tết, mua tích trữ thực phẩm và đồ dùng thiết yếu. Lý do là nhiều hoạt động mua bán sẽ bị ngưng trệ trong và sau Tết, chừng một vài ngày đến một tuần, do mọi người đều nghỉ ăn Tết. Nhu cầu mua sắm vào dịp này cũng một phần là vì các nhà thường chuẩn bị tài chính cho dịp Tết từ năm cũ. Những nhà làm nghề nông cũng tích trữ vật nuôi hay hoa màu từ trong năm cũ cho dịp Tết.

        Bước vào bất cứ nhà nào trong thời điểm cuối năm cũng có thể nhận thấy ngay không khí chuẩn bị Tết nhộn nhịp và khẩn trương, từ việc mua sắm, may mặc đến việc trang trí nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, cỗ bàn, đón tiếp người thân ở xa về... Đối với các gia đình lớn, họ hàng đông, có quan hệ xã hội rộng, đông con cháu, dâu rể, thì công việc chuẩn bị càng phức tạp hơn.


        Cúng Tất Niên
        Cúng bái


        Sắp dọn bàn thờ - Trong gia đình người Việt thường có một bàn thờ tổ tiên, ông bà (hay còn gọi ông Vải). Tuỳ theo từng nhà, cách trang trí và sắp đặt bàn thờ khác nhau. Biền, bàn thờ là nơi tưởng nhớ, là thế giới thu nhỏ của người đã khuất. Hai cây đèn tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, hương là tinh tú. Hai bát hương để đối xứng, phía sau 2 cây đèn thường có hai cành hoa cúc giấy, với nhiều bông nhỏ bao quanh bông lớn. Cũng có nhà cắm "cành vàng lá ngọc" (một thứ hàng mã) với cầu mong làm ăn được quả vàng, quả bạc, buôn bán lãi gấp 5, gấp 10 lần năm trước. Ở giữa có trục "vũ trụ" là khúc trầm hương dưới dạng khúc khuỷu, vươn lên trong bát hương. Nhiều gia đình đặt xen giữa đèn và hương là hai cái đĩa để đặt hoa quả lễ gọi là mâm ngũ quả (tuỳ mỗi miền có sự biến thiên các loại quả, nhưng mỗi loại quả đều có ý nghĩa của nó), phía trước bát hương để một bát nước trong, coi như nước thiêng. Hai cây mía đặt ở hai bên bàn thờ là để các cụ chống gậy về với con cháu, dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về hạ giới...
        Cúng ông Táo – theo quan điểm của người Việt thì ông Táo là người ghi chép tất cả những gì con người làm trong năm và báo cáo với Ngọc Hoàng. Ngoài ra, ông Táo còn đại diện cho sự ấm no của một gia đình. Ông Táo được cúng vào ngày 23 tháng chạp Âm lịch hàng năm. Lễ cúng ngoài hương, nến, hoa quả, vàng mã còn có hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà và con cá chép, cá chép sẽ đưa ông Táo vượt qua Vũ Môn để lên Thiên đình gặp Ngọc Hoàng.
        Cúng Tất niên: lúc đầu được hiểu như là hoàn tất (công việc) trong năm, tức cúng các tổ nghề đã phù hộ cho công việc làm ăn, nhưng vì không phải thợ nào cũng có vị tổ nghề rõ ràng nên dần dà, mọi người đều cúng. Lễ cúng này thường vào các ngày từ sau 23 đến 29 hoặc 30 Tết.

        Hoa giấy Thanh Tiên. Một loại hoa được làm thủ công tại làng Thanh Tiên, Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Nghề hoa giấy Thanh Tiên có trong danh mục thống kê về các nghề thủ công từ thế kỷ 16-19 (theo Ðại Nam nhất thống chí) và hiện vẫn còn bảo tồn. Hoa chỉ bày bán trong dịp Tết Nguyên Đán. Ở TT Huế, hầu như gia đình nào có bàn thờ đều sử dụng loại hoa này để thờ cúng.

        Giao Thừa

        Cúng Giao thừa hay lễ Trừ Tịch: Theo tục lệ cổ truyền thì "giao thừa" được tổ chức nhằm đón các thiên binh. Lúc đó họ đi thị sát dưới hạ giới, rất vội không kịp vào tận bên trong nhà được, nên bàn cúng thường được đặt ở ngoài cửa chính mỗi nhà. Mâm lễ được sắp bày với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị chỉ có thể ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà. Trên chiếc hương án có bình hương, hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến. Lễ vật gồm: chiếc thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã. Đôi khi có thêm chiếc mũ của Đại Vương hành khiển. Lẽ trời đất có khởi thuỷ phải có tận cùng, một năm có bắt đầu ắt phải có kết thúc. Bắt đầu vào lúc giao thừa, và cũng kết thúc vào lúc giao thừa. Theo Từ điển Hán-Việt của Đào Duy Anh, giao thừa nghĩa là cũ giao lại, mới đón lấy. Cao đài Từ điển giải nghĩa trừ tịch 除夕 thì trừ: bỏ đi, bớt ra, cuối năm; tịch: đêm và Giao thừa 交承 thì giao: giao tiếp và thừa: tiếp tục. [2] Ý nghĩa của lễ này là đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ trừ tịch còn là lễ để " khu trừ ma quỷ".
        Sau khi cúng Giao thừa xong, các gia chủ khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà (thường bàn thờ tổ tiên ở giữa, bàn thờ Thổ Công ở bên trái) để xin phép cho tổ tiên về ăn Tết. Ở Nam bộ, Thổ Công được thay bằng Ông Địa và thờ ở dưới đất. Sau khi cúng xong, xem như Tết thực sự đã đến với gia đình.
        Pháo Tết: Trước đây, đúng vào phút Giao thừa, mọi người thường đốt pháo Tết. Theo lời truyền miệng dân gian, pháo được cho nổ vào dịp năm mới để xua đuổi ma quỷ của năm cũ (vì người xưa đã tin rằng ma quỷ sợ tiếng động lớn) và chào đón năm mới. Pháo càng dài và lớn, nổ càng lâu, kêu càng to, cháy ra nhiều xác phác pháo và cháy hết thì càng được cho là điềm lành của năm mới. Tuy nhiên do nguy cơ cháy nổ, sát thương và ô nhiễm môi trường mà từ ngày 1 tháng 1 năm 1995, pháo Tết đã bị cấm ở Việt Nam. Nay được thay thế bằng bắn pháo hoa do nhà nước Việt Nam tổ chức, hiện chỉ ở các thành phố lớn do giá thành còn đắt.


        Tân Niên

        Xông đất: (Miền Bắc gọi là "xông đất", nhưng miền Trung dùng đúng tên cổ tục này là "đạp đất".) Người Việt quan niệm ngày mồng Một Tết, nếu mọi việc xảy ra suôn sẻ, may mắn thì cả năm cũng sẽ được tốt lành thuận lợi. Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm cũng vì thế mà quan trọng. Cho nên cứ cuối năm, mọi người cố ý tìm xem những người trong bà con hay láng giềng có tính vui vẻ, linh hoạt, đạo đức và thành công để nhờ sang thăm. Người đến xông đất thường chỉ đến thăm, chúc tết chừng năm mười phút chứ không ở lại lâu, hầu cho mọi việc trong năm của chủ nhà cũng được trôi chảy thông suốt. Người đi xông đất xong có niềm vui vì đã làm được việc phước, người được xông đất cũng sung sướng vì tin tưởng gia đạo mình sẽ may mắn trong suốt năm tới.
        Chúc Tết: Sáng mồng Một Tết còn gọi là ngày Chính đán, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ Tổ Tiên và chúc tết ông bà, các bậc huynh trưởng. Theo quan niệm, cứ năm mới tới, mỗi người tăng lên một tuổị, bởi vậy ngày mồng Một Tết là ngày con cháu "chúc thọ" ông bà và các bậc cao niên (ngày xưa, các cụ thường không nhớ rõ ngày tháng sinh nên chỉ biết Tết đến là thêm 1 tuổi).
        Lì xì (利是, phát âm theo người Quảng Đông: lishi): người lớn thường tặng trẻ em tiền bỏ trong một bao giấy đỏ, hay "hồng bao", gọi là "lì xì" với những lời chúc mừng ăn no, chóng lớn. Theo cổ tích Trung Quốc thì trong "hồng bao" có 8 đồng tiền (là Bát Tiên hoá thân) được đặt dưới gối đứa trẻ để xua đuổi quỷ đến quấy nhiễu.
        Xuất hành và hái lộc: "Xuất hành" là đi ra khỏi nhà trong ngày đầu năm để đi tìm cái may mắn cho mình và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày, giờ và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần... Nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người Việt còn có tục bẻ lấy một "cành lộc" để mang về nhà lấy may, lấy phước. Đó là tục "hái lộc". Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si... là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc thường đem về cắm ở bàn thờ. Khác với miền Bắc, miền Trung không có tục hái lộc đầu năm nhờ thế mà cây cối trong các đền chùa ở miền Trung vẫn giữ nguyên lá xanh biếc suốt cả mùa xuân.
        Thăm viếng họ hàng – để gắn kết tình cảm già đình họ hàng v.v. Lời chúc tết thường là sức khoẻ, phát tài phát lộc, gặp nhiều may mắn, mọi ước muốn đều thành công...; những người năm cũ gặp rủi ro thì động viên nhau "tai qua nạn khỏi" hay "của đi thay người" nghĩa là trong cái họa cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành.

        Trang trí

        Tranh Đông Hồ trang trí ngày Tết Nguyên ĐánCây nêu: Cây nêu là một cây tre dài khoảng 5-6 mét. Ở ngọn thường treo nhiều thứ (tùy theo từng điạ phương) như vàng mã, bùa trừ tà, cành xương rồng, bầu rượu bện bằng rơm, hình cá chép bằng giấy (để táo quân dùng làm phương tiện về trời), giải cờ vải tây, điều (màu đỏ), đôi khi người ta còn cho treo lủng lẳng những chiếc khánh nhỏ bằng đất nung, mỗi khi gió thổi, những khánh đất va chạm nhau tại thành những tiếng kêu leng keng nghe rất vui tai... Người ta tin rằng những vật treo ở cây nêu, cộng thêm những tiếng động của những khánh đất, là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu... Vào buổi tối, người ta treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Vào đêm trừ tịch còn cho đốt pháo ở cây nêu để mừng năm mới tới, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều không maỵ. Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng chạp, là ngày Táo quân về trời chính vì từ ngày này cho tới đêm Giao thừa vắng mặt Táo công, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, nên phải trồng cây nêu để trừ tà. Đến hết ngày mùng Bảy thì cây nêu được hạ xuống.
        Trưng bày các loại tranh vẽ Tết cổ truyền: Phía trên bàn thờ thường treo một tranh dân gian vẽ ngũ quả, chiếc cuốn thư... có khi là một chữ Nho (chữ Tân, Phúc, Đức...).
        Câu đối Tết: Để trang hoàng nhà cửa và để thưởng Xuân, trước đây từ các nho học cho tới những người bình dân "tồn cổ" vẫn còn trọng tục treo "câu đối đỏ" nhân ngày Tết. Những câu đối này được viết bằng chữ Nho (màu đen hay vàng) trên những tấm giấy đỏ hay hồng đào cho nên thường được gọi chung là câu đối đỏ.

        Một em bé bên cành mai ngày Tết trong một gia đình miền Trung Việt Nam. Trên cành mai có các bưu thiếp chúc Tết
        Gói bánh chưngHoa Tết: Miền Bắc thường chọn cành đào đỏ để cắm trên bàn thờ hoặc cây đào trang trí trong nhà, theo quan niệm người Trung Quốc, đào có quyền lực trừ ma và mọi xấu xa, màu đỏ chứa đựng sinh khí mạnh, màu đào đỏ thắm là lời cầu nguyện và chúc phúc đầu xuân. Miền Trung và miền Nam lại hay dùng cành mai vàng hoặc cây mai vàng hơn, màu vàng tượng trưng cho sự cao thượng vinh hiển cao sang, màu vàng còn tượng trưng cho vua (thời phong kiến). Màu vàng thuộc hành Thổ trong Ngũ hành, theo quan điểm người Việt, Thổ nằm ở vị trí trung tâm và màu vàng được tượng trưng cho sự phát triển nòi giống. Ngoài hai loại hoa đặc trưng cho Tết là đào và mai, hầu như nhà nào cũng có thêm những loại hoa để thờ cúng và hoa trang trí. Hoa thờ cúng có thể như hoa vạn thọ, cúc, lay ơn, hoa huệ...; hoa để trang trí thì muôn màu sắc như hoa hồng, hoa thuỷ tiên, hoa lan, hoa thược dược, hoa violet...
        Cây quất: Thường được trang trí tại phòng khách, cây quất với lộc xanh mơn mởn, hoa trắng lốm đốm, quả chín vàng ươm, tròn trịa, sum suê tượng trưng cho sự sinh sôi, thịnh vượng, tràn đầy, viên mãn kết quả.

        Ẩm thực

        Hoa mai ngày TếtViệt Nam có câu Đói giỗ cha, no ba ngày Tết. Tết đến, dù nghèo khó đến đâu thì người ta cũng cố vay giật, xoay xở để có đủ ăn trong ba ngày Tết. Hơn thế nữa, dù có đói khát quanh năm thì đến Tết, mọi người mà nhất là trẻ em, được ăn uống no nê, không những thức ăn ngon mà lại rất nhiều. Vì vậy mà người ta đã gọi là ăn Tết. Ngoài cơm, ngày Tết còn có:

        Bánh truyền thống: bánh chưng, bánh dầy, bánh tét... Đây là các loại bánh đặc trưng cho phong tục ăn uống ngày Tết ở Việt Nam. Bánh chưng và bánh giầy còn được gắn với các sự tích cổ của các vua Hùng, tổ tiên của người Việt.
        Cỗ Tết: dịp Tết người Việt thường tổ chức ăn uống lớn, gọi là ăn cỗ. Các món cỗ trong nhiều gia đình có thể có bóng bì, canh măng, chân giò có nấm hương, miến nấu lòng gà, xôi gấc, xôi đỗ, thịt gà, thịt đông, món xào, giò lụa, giò mỡ, nộm, dưa hành muối...
        Mứt Tết và các loại bánh kẹo khác để thờ cúng và để dọn đãi khách. Mứt có rất nhiều loại như: mứt gừng, mứt bí, mứt cà chua, mứt táo, mứt dừa, mứt quất, mứt sầu riêng, mứt mít, mứt khoai, mứt hạt sen, mứt chà-là...Kẹo bánh thì đa dạng hơn như: kẹo thèo lèo, kẹo dừa, kẹo cau, kẹo đậu phụng (kẹo cu-đơ)...Ngoài ra, Tết còn có hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương, hạt điều, hạt dẻ rang...

        Phong tục khác

        Áo quần mới: Ngày xưa, trước Tết một thời gian ngắn, các bà các mẹ trong nhà phải thức khuya quay tơ, dệt vải, may áo quần mới cho cả nhà. Công việc này thường kết thúc vào ngày cuối năm. Đến sáng mùng Một Tết, cả nhà dậy sớm, thay quần áo mới để làm lễ gia tiên. Người ta cho rằng cần phải rũ bỏ những cái cũ, cái không may mắn đi theo quần áo cũ và đón một năm mới với nhiều hi vọng và niềm vui mới từ bộ quần áo mới đó.
        Dọn dẹp nhà cửa trước Tết, do tục kiêng cữ quét nhà trong ngày Tết. Theo quan niệm dân gian, việc quét nhà trong ngày Tết sẽ quét đi theo cả lộc xuân (xác pháo đốt trong đêm giao thừa), người quét nhà sẽ bị rông cả năm.
        Sêu Tết, miền Nam gọi là "đi tết", là nghĩa vụ phải làm trước Tết của chàng trai sau lễ hỏi và trước lễ cưới. Sau lễ hỏi chàng trai chính thức là rể chưa cưới và có bổn phận đối với nhà gái. Bổn phận này bao gồm phải có "sêu tết" và đôi khi có việc đi làm rể. "Sêu" có nghĩa là mùa nào thức ấy, chàng trai phải mang lễ vật sang biếu bố mẹ vợ chưa cưới.
        Đối với nhiều người Việt, dịp tất niên là dịp trả nợ cũ, xóa bỏ xích mích của năm cũ, để hướng tới năm mới vui vẻ hòa thuận hơn.
        Vào ngày 30 Tết, người Hà Nội còn có thói quen đi mua lá mùi già về để tắm tất niên đón chào năm mới. Đó là loại cây lá và thân ngào ngạt mùi hương rất thơm, thường có nhiều vào dịp Tết, mùi thơm của cây mùi già luôn gợi nhớ tới ngày Tết.
        Đầu Xuân, người có chức tước khai ấn; học trò, sĩ phu khai bút; nhà nông khai canh; người buôn bán mở hàng lấy ngày... Sau ngày mùng Một, dù có mải vui cũng chọn ngày để "Khai nghề", "Làm lấy ngày". Nếu như mùng Một tốt thì chiều mùng Một bắt đầu. Riêng khai bút thì Giao thừa xong, chọn giờ Hoàng đạo không kể mùng Một là ngày tốt hay xấu. Người thợ thủ công nếu chưa ai thuê mướn đầu năm thì cũng tự làm cho gia đình một sản phẩm, một dụng cụ gì đó. Người buôn bán, vì ai cũng chọn ngày tốt nên phiên chợ đầu xuân vẫn đông, mặc dầu người bán chỉ bán lấy lệ, người đi chợ phần lớn là đi chơi xuân.
        Các trò chơi dân gian như, bịt mắt bắt dê, múa võ, hát bội, hát cải lương, hát chèo, đánh đu, thi leo cột mỡ; bài chòi và nhiều loại bài bạc cổ truyền khác.
        Các lễ hội truyền thống khác như thi đấu cờ người; đua thuyền, đấu vật, đánh còn, múa lân, múa rồng, thi thả chim bồ câu... tuỳ theo mỗi địa phương các lễ hội này có thể được tổ chức hay không.
        Cờ bạc: Ngày xưa các gia đình có nề nếp quanh năm cấm đoán con cháu không được cờ bạc rượu chè nhưng trong dịp Tết thì tam cúc, cờ gánh, cờ nhảy, chắn, tổ tôm... ai thích trò nào chơi trò ấy. Đến lễ khai hạ (hạ nêu) thì xé bộ tam cúc, cất bộ tổ tôm...hoặc đốt luôn hoá vàng.
        Cúng đưa, hạ nêu: Trong những ngày Tết, người Việt quan niệm rằng có sự hiện diện của Ông Bà tổ tiên nên bàn thờ luôn được thắp hương và cúng cơm mỗi ngày. Thường thì chiều mồng Ba cúng tiễn đưa Ông Bà, chiều mồng Bảy cúng hạ nêu.
        Đi viếng lễ chùa xin xăm: Không ai biết chắc chắn phong tục này có từ bao giờ và tại sao nhưng trong những ngày đầu năm âm lịch thì rất nhiều người thích đi lễ ở các lăng tẩm, đền chùa để cúng bái và xin xăm nhất là vào buổi sáng mồng một, phong tục này thường được tiến hành chung với tục lệ chọn hướng xuất hành và hái lộc. Xin xăm là một hình thức tin vào các thẻ xăm có ghi lời sấm báo trước điềm lành hay dữ trong năm và thường cần có thầy bàn xăm.

        Tín ngưỡng

        Điềm lành
        Hoa mai: sau Giao thừa, nếu hoa mai (loại 5 cánh) nở thêm nhiều và đầy đặn thì đó là một điềm may. Và may mắn hơn nữa khi có một hoặc vài bông hoa 6 cánh.
        Chó lạ vào nhà: Tục ngữ "Mèo đến nhà thì khó, Chó đến nhà thì sang".
        Cây đào: Nếu có nhiều cánh kép (hoa kép) 3 lớp (hàng) trên đài hoa và có hình dáng như bông hồng thì sẽ có nhiều phúc lộc.
        Cây quất: Nếu cây có nhiều chồi xanh mọc thì năm đó sẽ có nhiều lộc.

        Kiêng kỵTheo quan niệm trong ngày đầu năm (Nguyên Đán) mà có nhiều điều tốt đẹp thì cả năm đó chắc chắn sẽ có nhiều điều tốt đẹp đến cho mọi người, do đó, người Việt Nam có một số kiêng kỵ như sau:

        Kỵ mai táng: Ngày Tết Nguyên Đán là ngày vui của toàn dân tộc, ngày mở đầu cho vận hội hanh thông của cả một năm, có ý nghĩa rất thiêng liêng. Gia đình phải tạm gác mối sầu riêng để hoà chung với niềm vui toàn dân tộc. Vì vậy có tục lệ cất khăn tang trong ba ngày Tết. Nhà có đại tang kiêng không đi chúc Tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng, ngược lại bà con xóm giềng lại cần đến chúc Tết và an ủi gia đình bất hạnh.

        Trường hợp gia đình có người chết vào ngày 30 tháng chạp mà gia đình có thể định liệu được thì nên chôn cất cho kịp trong ngày đó, đa số các gia đình kiêng để sang ngày mùng Một đầu năm. Trường hợp chết đúng ngày mùng Một Tết thì chưa phát tang vội nhưng phải chuẩn bị mọi thứ để sáng mùng Hai làm lễ phát tang.

        Ngày mùng Một Tết người ta rất kỵ người khác đến xin lửa nhà mình, vì quan niệm lửa là đỏ là may mắn. Cho người khác cái đỏ trong ngày mùng Một Tết thì cả năm đó trong nhà sẽ gặp nhiều điều không may như làm ăn thua lỗ, trong nhà lủng củng, ra đường hay gặp tai bay vạ gió v.v.
        Trong ngày này, người ta kiêng quét nhà vì theo một điển tích của Trung Quốc, nếu quét nhà thì năm đó gia cảnh sẽ nghèo túng, khánh kiệt. Khi hốt rác trong nhà đổ đi thì thần Tài sẽ đi mất.
        Ngày đầu năm cũng như ngày đầu tháng, người ta rất kiêng kỵ việc vay mượn hay trả nợ, cho vay.
        Trong ăn uống, người ta kiêng ăn thịt chó, cá mè, thịt vịt... Nếu ăn những thứ này bào dịp đầu năm hay đầu tháng sẽ xúi quẩy
        Ngoài ra, người già cũng khuyên con cháu trong ngày này không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén, cãi nhau, chửi nhau, kiêng những điều không vui xảy ra với gia đình.
        Người ta thường kiêng không nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa trong dịp Tết.
        Ngày mồng 5 tháng giêng Âm lịch là ngày nguyệt kỵ, người Việt thường tin rằng ngày này không thích hợp cho xuất hành (Ca dao: Mồng năm, mười bốn hăm ba. Đi chơi cũng lỗ lọ là đi buôn.)

        Thi ca
        Tết, và các tục lệ, được nhắc đến rất nhiều trong ca dao Việt Nam:

        Mùng Một thì ở nhà cha,
        Mùng Hai nhà vợ, Mùng Ba nhà thầy.

        Cu kêu ba tiếng cu kêu
        Mong cho Tết đến dựng nêu ăn chè.

        Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
        Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
        Tết cũng là đề tài cho nhiều văn, thi sĩ:

        Ông đồ già
        Mỗi năm hoa đào nở
        Lại thấy ông đồ già
        Bày mực tàu giấy đỏ
        Bên phố đông người qua
        ...

        (Vũ Đình Liên) Tết Nguyên Đán
        Hết một năm rồi, tiếng pháo đưa
        Gió xuân thổi ấm chén đồ tô
        Ngàn cửa muôn nhà vừa rạng sáng
        Đều đem đào mới đổi bùa xưa.

        (Trần Trọng San)



        Người ta còn nghe thấy cả tiếng reo chào đón mùa xuân của Thế Lữ:

        Xuân đến rồi kia
        Xuân đến rồi!
        Hèn nào hoa nở rộ trong tôi
        Đào?
        Mai?
        không, chỉ bừng hoa Lựu
        Gốc tự miền Nam, đất bỏng sôi!...


        ...Om sòm trên vách bức tranh gàCâu thơ tựa như câu đối của Tú Xương:

        Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
        Om sòm trên vách bức tranh gà

        Hay câu đối Tết như:

        Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa.
        Sáng mồng một, rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.

        (Nguyễn Công Trứ)

        Tối ba mươi, khép cánh càn khôn, ních chặt lại, kẻo ma vương đưa quỷ tới.
        Sáng mồng một, lỏng then tạo hóa, mở toang ra, cho thiếu nữ đón xuân vào.

        (Lưu truyền là của Hồ Xuân Hương)


        Chữ "Tết" trong ngoại ngữDo ảnh hưởng của sự kiện Tết Mậu Thân, chữ "Tết" đã được du nhập vào Anh ngữ, dưới dạng Tet hay Têt, để chỉ sự kiện này. Ngoài ra, Tet hay Têt còn được dùng trong Anh ngữ hay Pháp ngữ khi nói đến lễ hội năm mới của người Việt.

        http://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%BFt_Nguy%C3%AAn_%C4%90%C3%A1n
        #4
          HongYen 29.01.2006 04:54:30 (permalink)
          Nguồn gốc Tết Nguyên Đán, hay nói ngắn hơn là Tết có từ đời Ngũ Đế, Tam Vương.
          Đời Tam Vương, nhà Hạ, chuộng mẫu đen, nên chọn tháng đầu năm, tức tháng Giêng, nhằm tháng Dần.

          Nhà Thương, thích màu trắng, lấy tháng Sửu (con trâu), tháng chạp làm tháng đầu năm.
          Qua nhà Chu (1050-256 trước công nguyên), ưa sắc đỏ, chọn tháng Tý (con chuột), tháng mười một làm tháng Tết.

          Các vua chúa nói trên, theo ngày giờ, lúc mới tạo thiên lập địa: nghĩa là giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người mà đặt ra ngày tết khác nhau.
          Đến đời Đông Chu, Khổng Phu Tử ra đời, đổi ngày tết vào một tháng nhất định: tháng Dần.

          Mãi đến đời Tần (thế kỷ III trước Công nguyên), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi (con lợn), tức tháng Mười.

          Cho đến khi nhà Hán trị vì, Hán Vũ Đế (140 trước Công nguyên) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần (tức tháng Giêng) như đời nhà Hạ, và từ đó về sau, trải qua bao nhiêu thời đại, không còn nhà vua nào thay đổi về tháng Tết nữa.

          Đến đời Đông Phương Sóc, ông cho rằng ngày tạo thiên lập địa có thêm giống Gà, ngày thứ hai có thêm Chó, ngày thứ ba có Lợn, ngày thứ tư sinh Dê, ngày thứ năm sinh Trâu, ngày thứ sáu sinh Ngựa, ngày thứ bảy sinh loại Người và ngày thứ tám mới sinh ra ngũ cốc.
          Vì thế, ngày Tết thường được kể từ ngày mồng Một cho đến hết ngày mồng bảy.
          * (Trích bài "Tết Nguyên Đán" của Nguyễn Đình Khang)


          Ngày Tết có những phong tục gì?

          Dân tộc ta có nhiều ngày Tết. Tết là cách nói tắt hai chữ lễ tiết. Có Tiết Thương Nguyên, Trung Nguyên, Hạ Nguyên, Thanh Minh, Đoan Ngọ, TrungThu... Ngày tết nêu ở đây tức là nói tắt Lễ tiết Nguyên Đán (ngày đầu năm).

          Ngày Tết, dân tộc ta có nhiều phong tục hay, đáng được gọi là thuần phong như khai bút, khai canh, hái lộc, chúc tết, du xuân, mừng thọ... Từ trẻ đến già ai ai cũng biết, không nhắc thì thanh thiếu niên cũng mua cho được cành hoa bánh pháo, nghèo cũng có chiếc bánh chưng, chai rượu. Vì vậy xin miễn liệt kê dài dòng, để trao đổi một vài phong tục đáng được duy trì phát triển.

          Tống cựu nghênh tân: cuối năm quét dọn sạch sẽ nhà cửa, sân ngõ, vứt bỏ những thứ rác rưởi, cùng làng xóm dọn dẹp nhà thờ, đình chùa, đường sá phong quang, tắm giặt, cắt tóc, may sắm quần áo mới, trang trí bàn thờ, lau chùi bàn ghế ấm chén và mọi thứ thức ăn vật dụng.
          Nhiều gia đình nhắc nhở, dặn dò con cháu từ phút giao thừa trở đi không quấy khóc, không nghịch ngợm, cãi cọ nhau, không nói tục chửi bậy, không vứt rác viết vẽ bừa bãi. Cha mẹ, anh chị cũng không quở mắng, tra phạt con em, đối với ai cũng tay bắt mặt mừng, vui vẻ niềm nở dầu lạ dầu quen.
          Đối với bà con xóm giềng dù trong năm cũ có điều gì không hay không phải, điều nặng tiếng nhẹ hay xích mích gì đều xúy xoá hết. Dầu có thực lòng hay không nhưng không để bụng, cũng không ai nói khích bác hoặc bóng gió, ác ý gì trong những ngày đầu năm. Dẫu mới gặp nhau ít phút trước, nhưng sau phút giao thừa coi như mới gặp, người ta chúc nhau những điều tốt lành.

          Hái lộc, xông nhà, chúc tết, mừng tuổi: ai cũng hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khỏe tiến bộ, thành đạt hơn năm cũ. Lộc tự nhiên đến, đi hai lộc (chỉ là một cành non ở đình chùa, ở chốn tôn nghiêm mang về nhà), tự mình xông nhà hoặc dặn trước người "Nhẹ vía" mà mình thích đến xông nhà. Bạn nào vinh dự được người khác mời đến xông thì nên chú ý, chớ có sai hẹn sẽ xúi quẩy cả năm đối với gia đình người ta và cả đối với bạn. ở thành thị thời trước, sáng mồng một, có một số người nghèo gánh một gánh nước đến các gia đình giầu có lân cận và chúc họ "Lộc phước dồi dào". Những người này được thưởng tiền rất hậu. Nhiều người không tin tục xông nhà nhưng cũng phải dè dặt, chưa dám đến nhà ai sớm, sợ trong năm mới gia đình người ta xảy ra chuyện gì không hay đổ tại mình "Nặng vía". Chính vì vậy, đáng lẽ sáng mồng một đông vui lại hoá ít khách, trừ những nhà đã tự xông nhà, vì tục xông nhà chỉ tính người đầu tiên đến nhà, từ người thứ hai trở đi không tính.

          Sau giao thừa có tục mừng tuổi chúc Tết. Trước hết con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Ông bà cha mẹ cùng chuẩn bị một ít tiền để mừng tuổi cho con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích. Lời chúc có ca có kệ hẳn hoi nhưng xem người ta thích nhất điều gì thì chúc điều đó, chúc sức khoẻ là phổ biến nhất. Chú ý tránh phạm tên huý gia tiên, tránh nhắc tới lỗi lầm sai phạm cũ, xưng hô hợp với lứa tuổi và quan hệ thân thuộc. Chúc Tết nhưng người trong năm cũ gặp rủi ro tai hoạ thì động viên nhau "Của đi thay người", "Tai qua nạn khỏi", nghĩa là ngay trong cái hoạ cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành. Kể cả đối với người phạm tội vẫn với thái độ nhẹ nhàng, khoan dung. Nhưng, nhìn chung trong những ngày đầu năm, người ta kiêng không nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa.

          Quanh năm làm ăn vất vả, ít có điều kiện qua lại thăm hỏi nhau, nhân ngày Tết đến chúc mừng nhau, gắn bó tình cảm thật là đặm đà ý vị; hoặc điếu thuốc miếng trầu, hoặc chén trà ly rượu, chẳng tốn kém là bao. Hiềm một nỗi, nhiều người còn quá câu nệ, công thức ruờm rà, không chủ động được kế hoạch. Nhiều vùng nông thôn, hễ đến chúc Tết nhau nhất thiết phải nâng ly rượu, nếm vài món thức ăn gì đó chủ mời vui lòng, năm mới từ chối sợ bị giông cả năm.

          Quà Tết, lễ Tết: Bình thường qua lại hỏi thăm nhau có khi cũng có quà, biểu lộ mối ân tình, nhưng phong tục ta đi lễ Tết vẫn có ý nghĩa hơn, nhất là đi trước Tết càng quý. Loại trừ động cơ hối lộ quan trên để cầu danh cầu lợi thì việc biếu quà Tết, tổ ân nghĩa tình cảm là điều đáng quý. Học trò tết thầy giáo, bệnh nhân tết thầy thuốc, con rể tết bố mẹ vợ... quà biếu, quà Tết đó không đánh giá theo giá thị trường. Nhưng cũng đừng nên gò bó, câu nệ sẽ hạn chế tình cảm: Không có quà, ngại không dám đến. Dân tộc ta tuy nghèo nhưng vẫn trọng nghĩa tình, "Lời chào cao hơn mâm cỗ".
          Lễ mừng thọ: ở các nước Tây Âu thường mừng thọ vào dịp kỷ niệm ngày sinh, ở ta ngày xưa ít ai nhớ chính xác ngày sinh tháng đẻ nên vào dịp đầu xuân thường tổ chức mừng thọ lục tuần, thấp tuần, cửu tuần... tính theo tuổi mụ. Ngày tết ngày Xuân cũng là dịp mọi người đang rảnh rỗi, con cháu tụ tập đông vui.
          Cũng vào dịp đầu xuân, người có chức tước khai ẩn, học trò sĩ phu khai bút, nhà nông khai canh, thợ thủ công khai công, người buôn bán mở hàng lấy ngày: Sĩ, Nông, Công, thương "Tứ dân bách nghệ" của dân tộc ta vốn cần cù, ai cũng muốn năm mới vận hội hành thôn làm ăn suôn sẻ, đầu xuân chọn ngày tốt đẹp, bắt tay lao động sớm, tránh tình trạng cờ bạc, rượu chè, hội hè đình đám, vui chơi quá đà. Sau ngày mồng một, dù có mãi vui tết, hoặc còn kế hoạch du xuân, đón khách, cũng chọn ngày "Khai nghề", "Làm lấy ngày". Nếu như mồng một là ngày tốt thì chiều mồng một đã bắt đầu. Riêng khai bút thì giao thừa xong, chọn giờ hoàng đạo bắt đầu không kể mồng một là ngày tốt hay xấu. Người thợ thủ công nếu chưa ai thuê mướn đầu năm thì cũng tự làm cho gia đình mình một sản phẩm, dụng vụ gì đó (nguyên vật liệu đã chuẩn bị sẵn). Người buôn bán, vì ai cũng chọn ngày tốt nên phiên chợ đầu xuân vẫn đông, mặc dầu người bán chỉ bán lấy lệ, người đi chợ phần lớn là đi chơi xuân.

          Cờ bạc: Ngày xưa các gia đình có nề nếp quanh năm cấm đoán con cháu không được cờ bạc rượu chè nhưng trong dịp tết, nhất là tối 28, 29; gia đình quây quần bên nồi bánh chưng thì ông bố cho phép vui chơi, có cả trẻ con người lớn những nhà hàng xóm, những gia đình thân cận cùng vui. Tam cúc, cơ gánh, cờ nhảy, cờ tướng, kiệu, chắn, tổ tôm... ai thích trò nào chơi trò ấy. Đế lế khai hạ, tiễn đưa gia tiên, coi như hết Tết thì xé bộ tam cúc, thu bàn cờ tướng, cất bộ tổ tôm hoặc đốt luôn khi hoá vàng.
          Tóm lại, ngày Tết là ngày tiêu biểu cho truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Giá như phát huy thuần phong mỹ tục đó, từ gia đình ra xã hội, ai ai cũng đối xử với nhau trên thuận dưới hoà, kính giá yêu trẻ... thì đất nước quê hương sẽ tươi đẹp, giàu mạnh, bộ máy pháp luật bớt đi bao nhiêu khó khăn.

          Vì sao có tục kiêng hót rác đổ đi trong ba ngày tết?

          Trong "Sưu thần ký" có chuyện người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần cho một con hầu tên là Như Nguyệt, đem về nhà được vài năm thì giàu to. Một hôm, nhân ngày mồng một Tết, Âu Minh đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đó nhà Âu Minh lại nghèo đi. Kể từ đó kiêng không dám hót rác ngày Tết.
          Tục kiêng hót rác ba ngày Tết nên ngày 30, dầu bận rộn đến đâu cũng phải dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ và những ngày Tết thì mọi người phải hết sức giữ gìn nhà cửa không vứt rác bừa bãi.

          Tại sao cúng giao thừa ngoài trời?

          Dân tộc nào cũng coi phút giao thừa là thiêng liêng. Các cụ ta quan niệm: Mỗi năm Thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom công việc dưới hạ giới, đứng đầu là một ngài có vị trí như quan toàn quyền. Năm nào quan toàn quyền giỏi giang anh minh, liêm khiết thì hạ giới được nhờ như: Được mùa, ít thiên tai, không có chiến tranh, bệnh tật... Trái lại, gặp phải ông lười biếng kém cỏi, tham lam... thì hạ giới chịu mọi thứ khổ. Và các cụ hình dung phút giao thừa là lúc bàn giao, các quan quân quản hạ giới hết hạn kéo về trời và quan quân mới được cử thì ào ạt kéo xuống hạ giới tiếp quản thiên hạ.
          Các cụ cũng hình dung phút ấy ngang trời quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã (nhưng mắt trần ta không nhìn thấy được), thậm chí có quan, quân còn chưa kịp ăn uống gì.

          Nhưng phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà. Ví cứ tưởng tượng thêm thắt các hình ảnh nhà trời theo mình như vậy nên nhiều nhà có của đua nhau cúng giao thừa rất to và nghĩ cách làm mâm cúng giao thừa nổi lên bởi những của ngon vật lạ, trang trí cầu kỳ để các quan chú ý, quan tâm đến chủ hảo tâm mà phù hộ cho họ với những ưu ái đặc biệt.

          Biết thấu tâm lý của người giàu, các cụ ta đã có nhiều câu chuyện răn đời để người ta hiểu rằng: Các quan mặc dầu phút bàn giao bận rộn khẩn trương nhưng vì là... người nhà trời nên có tài thấu hiểu ngay "Ruột gan" của gia chủ. Nếu có ý cầu lợi, mua chuộc, đút lót, các vị chỉ nhìn dấu hiệu ở khói hương, lửa đèn là biết ngay, và lập tức các vị dông thẳng, không thèm ngó ngàng gì đến vật cúng giao thừa của các nhà cầu lợi ấy. Trái lại, những nhà chân chất, thật thà, sống bằng lao động, ăn ở tử tế thì có khi chỉ cần chén rượu, nén hương (như thổ công đánh tín hiệu qua hương đèn), các vị có chức trách biết ngay mà vui vẻ thưởng thức, dốc lòng phù hộ.

          http://cadao.org/phongtuc/trang91.htm#97._Tết_nguyên_đán_có_từ_bao_giờ*_
          #5
            HongYen 30.01.2006 20:54:50 (permalink)
            Bính Tuất (Bạn và Tôi)

            [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/1124/54732618C1344CF6B0A151E3D5B782CA.jpg[/image]
            Attached Image(s)
            #6
              HongYen 31.01.2006 16:29:33 (permalink)
              30 Tháng 1 2006 - Cập nhật 12h46 GMT

              Doanh nhân Việt Kiều đầu tư chó đua


              Ông Mỹ nói tại Úc có 89 trường đua chó


              Trong khi cá cược đua chó tại các nước phát triển là hình thức đã có từ lâu thì hình thức này có vẻ thu hút nhiều sự quan tâm tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Việt Kiều Úc nói đã đầu tư tới vài triệu đôla kinh doanh chó đua và phát triển mạnh đàn chó hàng trăm tại Việt Nam.
              Ông Mỹ cho BBC biết hiện cơ sở nuôi 700 trăm con chó này có diện tích là 10 hecta đất và ông đầu tư khoảng 7 triệu đôla cho loại hình kinh doanh này.

              Ông nói: "Hồi đầu tôi nhập về là 2000 đôla một con, nay tôi nhân giống và bán cho chủ chó với giá khoảng 1000 ngàn đôla, con nào chạy chậm thì giá khoảng vài trăm đôla một con".

              Ông Mỹ nói "Tuy nhiên sau khi mua chó thì chủ chó thường mướn tôi nuôi lại chó vì nuôi loại chó này cũng cầu kỳ".

              "Tôi cho nó ăn thịt Kanguroo nhập từ Úc và đồ khô từ Mỹ. Chỉ các món như cà rốt, đậu, cháo thì cho chó ăn tại Việt Nam".

              Được biết các con chó này đều được quản lý chó bằng microchip và tên tuổi ngày sinh được đưa vào database.

              "Vui chơi có thưởng"


              Tên nào người đẹp ưa đặt như Ánh Dương, Nguyệt Mi.. thì tôi đặt cho các con chó chân dài, bụng thon và ngực bự


              Nguyễn Ngọc Mỹ, CLB Việt Kiều
              Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Việt Kiều Úc nói hình thức mà ông mô tả là "đua chó dự thưởng" được một công ty đầu tư thảo ra qui chế đua và dự thưởng rồi trình và được chính phủ Việt Nam duyệt và cấp phép từ năm 2000.

              Ông cho biết người ta có thể đặt tiền từ 10-50 ngàn đồng Việt Nam cho một lần đua và tiền thưởng chia theo tỷ lệ con chó mình chọn. Chẳng hạn con nào chạy chậm thì đặt 1 ăn 7-8 lần trong khi con nào chạy nhay thì đặt 1 chỉ ăn khoảng 1.5

              Tuy nhiên theo ông thì "người đánh dự thưởng là để đánh cho hào hứng khi đi coi chứ không phải cá độ lớn".

              Được biết mỗi con chó chỉ chạy đua một lần trong sân Lam Sơn ở Vũng Tàu và ngày đông có thể có tới 4000 người tới xem.

              Ông Mỹ bình luận đua chó là môn đặc biệt hứng thú, từ già tới trẻ, môn chơi cả gia đình.

              Ông nói các con chó của ông đều có những tên "kêu" như Ánh Dương, Nguyệt Mi......

              Ông nói: "Tên nào người đẹp ưa đặt thì tôi đặt cho chó và con và con nào chân cũng dài, bụng cũng thon và ngực thì bự".

              --------------------------------------------------------------

              Chi ton, Melbourne, Australia
              Ở VN có rất nhiều chuyện nực cười và mâu thuẫn, cái gì nhà nước không lợi thì cho đó là sai, có hại và nghiêm cấm, cái nào có lợi cho nhà nước thì dù sai đi nữa thì cũng trở thành đúng và khuyến khích. Cờ bạc thì cấm nhưng vé số thì cho phép tràn lan, mà thực chất vé số cũng là cờ bạc, nhưng khi nhà nước thâu tóm quản lý thì nó sẽ được uốn lưỡi lại thành ích nước lợi nhà, là yêu nước..

              Đua ngựa cũng là ích nước vì nhà nước tổ chức và thu lợi, nhưng cá độ bóng đá thì là cờ bạc vì nhà nước không có thu lợi gì hết, nếu nhà nước thu vén quản lý được thì từ cờ bạc sẽ trở thành yêu nước nếu tham gia đánh cá độ. Đua chó cũng vậy, nhà nước thu lợi từ tổ chức đua chó.

              Ngay cả Việt kiều cũng vậy, người vượt biên bị bắt thì là phản động,còn nếu vượt biên lọt và nay trở về thì là Việt kiều yêu nước. Việc ông Nguyễn ngọc Mỹ được VN cho tổ chức cờ bạc chính thức dưới chiêu bài đua chó giải trí là nhờ ông có bạc triệu dollas về cho VN, nếu ông không đem về cái lợi cho VN thì mấy con chó của ông Mỹ đã đựoc đưa vào quán nhậu từ lâu rồi chứ không thể phát triển mạnh đến ngày nay.

              http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2006/01/060130_greyhoundracing.shtml

              #7
                HongYen 31.01.2006 16:41:29 (permalink)
                Tra hồ sơ các kỳ World Cup năm “chó”
                15:47:07, 29/01/2006


                Qua 5 kỳ World Cup sao chiếu mệnh con chó thì Brazil đã 3 lần bước lên đỉnh vinh quang
                2006 theo lịch âm là năm con chó - Bính Tuất. Trong lịch sử các kỳ World Cup, đây là lần thứ 6, ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh "rơi" vào năm Tuất (chưa kể năm 1946 - Bính Tuất không tổ chức vì Thế chiến 2). Có gì đặc biệt ở các World Cup năm chó? Chức vô địch có bất ngờ gì?

                World Cup 1934 (Giáp Tuất): VCK lần thứ hai diễn ra trên sân nhà của chủ nghĩa phát xít đã được Mussolini tận dụng để phô trương thanh thế bằng cách gây sức ép với các trọng tài nhằm đẩy Italia lên ngôi vô địch lần đầu tiên và họ đã thành công sau 2 trận nhiều tai tiếng ở tứ kết (TK) và chung kết (CK). Trong trận CK gặp Tiệp Khắc (cũ) được mệnh danh là "ngựa ô" của giải, đích thân Mussolini trước giờ bóng lăn đã xuống tận sân bắt tay và... rỉ tai nói nhỏ với trọng tài Thụy Điển Ekhinzop! Nhờ vậy Italia lội ngược dòng thắng 2-1 sau khi Tiệp mất 2 cầu thủ bị đốn hạ hết đá nổi.

                World Cup 1958 (Mậu Tuất): VCK lần thứ 6 trên đất Thụy Điển chính thức tấn phong "vua" Pelé mới 17 tuổi làm 3 bàn trận BK và 2 bàn trận CK hạ cả Pháp lẫn chủ nhà cùng tỉ số 5-2 trong một thế trận mới vào đều bị dẫn trước.

                World Cup 1970 (Canh Tuất): VCK lần thứ 9 ở Mexico đưa cúp vàng về cho Brazil vĩnh viễn với lần thứ ba lên ngôi một cách hoàn toàn thuyết phục (CK đánh bại Italia 4-1). Đáng chú ý bên cạnh Pelé dự World Cup cuối cùng còn xuất hiện người kế tục Rivelino chính là một cầu thủ... tuổi con chó (Bính Tuất 1946) nổi tiếng với cú sút "lá vàng rơi".

                World Cup 1982 (Nhâm Tuất): VCK lần thứ 12 tại Tây Ban Nha đem về cho Italia chức VĐTG thứ hai vô cùng bất ngờ bởi chiến lược "ém" quân giấu mình tối đa của HLV cáo già E. Bearzot cộng với tiền đạo "quái" nhất P. Rossi. Từ vòng 2, Italia càng đá càng lên chân, lần lượt hạ Brazil 3-2, Ba Lan 2-0 và Đức 3-1 (trận CK).

                World Cup Giáp Tuất (1994): VCK thứ 15 tại Mỹ vinh danh Brazil lần thứ tư ít vẻ vang nhất do vào CK chỉ vượt qua được Italia nhờ đá luân lưu sau khi hòa không tỉ số (người ghi nhiều bàn nhất Romario - 5 bàn, cũng kém các lần trước).

                Điểm qua 5 kỳ World Cup sao chiếu mệnh con chó kể trên, điều dễ thấy chỉ có 2 đội độc chiếm chức VĐTG là Brazil 3 lần và Italia 2 lần. Con số xác suất đó cho thấy đây vẫn là 2 ứng cử viên sáng giá nhất cho World Cup Bính Tuất 2006.

                Theo Lao Động

                http://www2.thanhnien.com.vn/Thethao/2006/1/29/137151.tno
                #8
                  HongYen 02.02.2006 15:34:32 (permalink)
                  Thứ Ba, 31/01/2006, 23:05

                  Những phiên Chợ Ngái trong dịp Tết

                  TPO - Làng Ngái thuộc xã Hương Ngải, Thạch Thất, Hà Tây từ xa xưa tới nay vẫn duy trì những phiên chợ độc đáo và lý thú: Mỗi năm chỉ họp một lần và chỉ chuyên bán một mặt hàng.


                  Xin Mời: Trong phiên Chợ Ngái Hàng Cá, mồng Ba Tết Bính Tuất. Ảnh: NB

                  Dân làng gọi nôm na là Chợ Ngái. Những phiên chợ này họp vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán:

                  1 - Chợ Ngái Vàng Mã: Họp vào sáng 16 tháng Chạp, chuyên mua bán đồ vàng mã, chuẩn bị lễ tiễn Ông Công - Ông Táo chầu Trời vào 23 tháng Chạp.

                  2 - Chợ Ngái Lá Dong: Họp vào ngày 21 tháng Chạp, chuyên mua bán lá dong, lạt giang nứa, chuẩn bị cho việc gói bánh chưng, bánh gio… trước Tết.

                  3 - Chợ Ngái Hàng Cam: Vào ngày 26 tháng Chạp, mua bán cam bưởi, hoa quả, chuẩn bị cho mâm ngũ quả ngày Tết.

                  4 - Chợ Ngái Hàng Cá: Vào ngày Mồng 3 Tết, mua bán cá, chuẩn bị việc cúng cơm cá trong lễ “Tạ Cụ” đầu Xuân.

                  5 - Chợ Ngái Hàng Gà: Họp vào Mồng 6 Tết, chuyên mua bán gà, chuẩn bị cho lễ hạ cây nêu ngày mùng 7 tháng Giêng.

                  Chợ “chuyên” kiểu này chủ y ếuhọp vào buổi sáng, có khi kéo dài cả ngày. Chiều tối thường ngày, làng vẫn có Chợ Chiều để giao thương tất cả những mặt hàng thông dụng.

                  Nguyễn Bình

                  http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=36701&ChannelID=2
                  #9
                    Chuyển nhanh đến:

                    Thống kê hiện tại

                    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                    Kiểu:
                    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9