Hạnh Phúc ở đâu?
Huyền Băng 29.12.2005 19:27:21 (permalink)
Đừng Phun phí tuổi xuân!


Chuyện một người vừa từ trần!

Noel này tôi nhân hai tin tử, một là của ba Ct.Ly, một là của một cậu nhỏ cạnh nhà. Cái chết nào cũng đem đến cho người thân, và bạn bè chung quanh nỗi buồn thương luyến nhớ. Chúng ta, những người còn sống chào nhau chia sẻ với nhau nỗi buồn mất mát người thân. Nhưng người chết thì sao, có ai chia sẻ với họ không nỗi cô đơn nỗi hoảng lọan khi chợt nhận ra mình không còn nữa trên cõi đời. Với những mơ ước những hòai bảo mà họ không thực hiện được giờ phải xuôi tay có cam tâm không? Họ cảm nhận được sự việc nhưng họ không giải quyết được sự việc. Họ như một người bị khuyết tật tòan diện: không thể giao tiếp với người thân qua những hình thái thông thường như nói, chạm vào nhau . . Họ không thể ngăn chận những đổ vỡ, những nguy hiểm mà họ cảm nhận được xảy ra với người thân, đó là những bức xúc lớn của họ. . . và họ phải tập quen với cái họ biết mà không thể làm gì hết để nó diễn ra trong thế giới của nó.

Cậu nhỏ cạnh nhà tôi mới 28 tuổi thôi, một lứa tuổi tràn đầy sinh lực, tràn đầy sự sống nhưng tại sao phải ra đi. . .

Tôi biết cậu lúc cậu 5 tuổi, cậu rất mủm mỉm dễ thương. Ăn nói rất nhẹ nhàng từ tốn mặc dầu xuất thân từ một gia đình lao động. Gia đình cậu vào những năm 1982 sống bằng nghề mua những võ xe hơi phế liệu về tiện thành những dụng cụ cần thiết mà thời đó thiếu thốn. Ngòai ra còn để tiện những chiếc dép râu cho người dân lao động xử dụng trong cái thời tiền bạc đâu có để mà mua những giày giép mắc tiền chóng hư. Người đi thâu lượm những chiếc võ phế thải ở những bến bãi, ở trong rừng, hay ở dưới nước kiếm được ít tiền để sống qua ngày. Người thu mua chịu khó tiện gọt thành phẩm bằng tay (một việc thật vô cùng khó khăn đối với những bánh xe tải, xe nâng, hay bánh đệm tàu được làm bằng cao su tốt và những lớp bố đặc biệt) Nhưng nhờ thế cả nhà tương đối thỏai mái có công ăn việc làm cho cả nhà và cho bà con, những người quen biết. Cuộc sống vất vã không tạo điều kiện cho những gia đình đông con ăn học đến nơi. Và cứ thế kiếm sống . . .

Trong những ngày ấy, Việt Nam bắt đầu xuất hiện những lọai bia hơi, bia bọt rẻ tiền. Ai cũng có thể uống được. Những lọai bia pha chế bằng những chất liệu mà nếu chúng ta tận mắt nhìn thấy có lẻ chúng ta phải mất hồn thôi. Những can nước lã, một ít bia nguyên chất từ nhà máy, cồn, hương liệu, và hóa chất làm trong – như thuốc rầy. Những can bia được chế biến từ những căn nhà ẩm thấp, dơ bẩn . . .không từ một khóa học chuyên môn nào, chỉ là học lóm từ người này sang người khác.

Sau một ngày làm việc vất vã, những người lao động đã vui với những can bia đó, giá quá rẻ, cứ uống nhiều vào cho vui. Gia đình không ai nghĩ đến cái hại của những can bia, và còn tạo điều kiện thỏa mãn nhu cầu say sưa để khuyến khích những nhân công gia đình hăng say làm. Cậu nhỏ lớn lên trong khung cảnh đó, cũng tập tành uống, uống từ lúc 13 – 14 tuổi cho đến 20 thì cậu đã nghiện rồi. Trong bia có cồn nên đến một lúc việc uống bia hay cồn không có gì khác biệt và như là một thứ không thể thiếu trong cuộc sống, và cứ chiều đến thì lại cùng bạn bè kéo nhau đến quán rượu. . .”cho vui” . Nhậu là một hình thái giải trí sau giờ làm việc. Các chất độc cứ ngày một ngày hai thấm dần và thấm dần vào một lớp trẻ Việt Nam.

Cậu nhỏ đã trưởng thành, đã lập gia đình với một thiếu nữ khá đẹp và có một đứa con kháu khỉnh. Nhưng ngòai cái nghề tiểu thủ công gia đình thì cậu cũng chẳng biết phải làm gì. Xã hội đã mở mang, cuộc sống đã đổi mới. Mọi sự đều sang trọng đều xa hoa mặc dù đa số là cái sa hoa giả tạo. Tiền cậu kiếm được không đáp ứng cho nhu cầu của vợ con, vợ cậu phải đi làm kiếm thêm. . . Cậu ngã bệnh, gan cậu bị sơ cứng không thể chữa chạy. Cậu không thể buộc vợ ở nhà với mình dù là trong cơn bệnh. Cậu uẩn trí, cậu tự sát. Cậu tưởng rằng cậu chết đi sẽ giải quyết được mọi chuyên, cậu sẽ không phải nghĩ, phải suy. phải buồn phiền. . .Nhưng sự thật không phải là như vậy, mọi việc vẫn còn nguyên đó, cậu vẫn phải thấy, phải nghe mà bất lực không làm được việc gì. Trong đám tang, cậu nhìn người mẹ già khóc ngất xỉu lên xỉu xuống, cậu không đỡ mẹ lên được. Khi quan tài cậu hạ xuống hầm để đưa vào lò thiêu, vợ cậu đã ngất xỉu, đã căng thẳng tột độ vì sự ra đi của chồng mình, hai mắt cô ấy nhắm nghiền chân tay co quắp lại, người không còn một chút sức lực nào nữa. Cậu muốn đến ôm vợ mình, muốn đở vợ mình lên, muốn xin lỗi vợ vì đã trút bỏ trách nhiệm một cách thiếu suy nghĩ, nhưng cậu bất lực. Lúc đó cậu mới cảm được cái ý niệm: nếu có thương yêu nhau thì hãy làm tất cả những gì cho nhau khi có thể, vì chết rồi chỉ có ân hận mà thôi. Thân xác cậu đã được đốt thành tro, cậu tiếc nuối cái thân xác mà mẹ cậu đã cho cậu, cậu suy nghĩ lại điều mình đã làm và nghĩ: có lẽ mình đã sai. Việc tự mình hủy diệt mình đã đưa cậu đến một sự hối tiếc khôn cùng: Tôi có chết oan không, nếu tôi không tự sát thời gian có thể sẽ cho tôi một lối thóat không? Cậu nhìn đứa con thơ dại của mình, nó mới 6 tuổi đầu thôi! Ngày sau nó sẽ ra sa? Cậu không đành lìa xa họ khi mà cậu không còn được quyền lựa chọn nữa.

Cậu nhỏ nhập vào thân xác của một người em họ, khóc lóc xin lỗi mẹ và tiếc nuối cho rằng mình đã chết oan. Cậu kể với mẹ: trước ngưỡng cửa của cái chết, cậu đau đớn và cậu đã giật mình nuối tiếc, nhưng không còn kịp nữa.

Tất cả sự kiện này làm tôi chợt nhớ đến câu chuyện “Áp lực vật chất đối với những người vừa từ trần” trong trang Khoa học huyền bí của Vnthuquán, và tôi không cảm thấy nó huyền bí nữa mà là một sự thật hiển nhiên. Tôi hiểu cậu, tôi hiểu nỗi niềm của cậu và tôi mong rằng những người thân hay dùng tâm linh mà an ủi cậu để cậu có thể ra đi một cách thanh thản đến một chân trời mới.

Thanh thiếu niên Việt Nam bây giờ đa số là say sưa, nhậu nhẹt. Nghèo thì nhậu bia hơi, bia lên "cơn" hay "đế". Có tiền một chút thì bia chai, bia lon và cao cấp thì Johny walker nhãn xanh nhãn đỏ. Việc rượu chè của họ không phải là nhân dịp đám cưới này hay sinh nhật nọ, mà tất cả công việc làm ăn của họ đều được giải quyết trên bàn nhậu. Có nhậu thì mới có thành công? Cứ tối đến, vô số những quán nhậu từ lề đường đến nhà hàng cao cấp đều đông nghẹt. Họ từ hào về những sành sỏi của họ trong phong cách nhậu nhẹt. Họ hảnh diện vì họ giải quyết được mọi khó khăn gút mắc trong công việc trên bàn nhậu, những giải quyết sai nguyên tắc, ảnh hưởng xấu đến mọi người.

Họ đang phung phí tiền bạc của mình, của xã hội, và chủ yếu là họ đang phung phí tuổi xuân của họ mà họ không biết...

HB
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.04.2006 22:06:29 bởi Huyền Băng >
#1
    Tần Anh 07.01.2006 22:40:36 (permalink)
    Đã nhiều lần nghĩ đến cái chết, rất nhiều lần, và đã có lần từng thử tìm đến nó. Dù chỉ một là kí ức xa xưa thôi, nhưng chưa từng hối hận về hành động đó của mình. Vẫn luôn nghĩ rằng sự tồn tại của mình là một thất bại. Vẫn luôn nghĩ rằng mọi việc làm của mình từ trước đến nay đều là một chuỗi những thất bại, nhưng đã quá muộn để có thể thay đổi, quá lười để có thể thay đổi. Và chắc rằng nếu được sinh ra một lần nữa, có lẽ vẫn cứ đi theo con đường đó. Mà luôn cảm thấy rằng, có lẽ mình không được sinh ra sẽ tốt hơn.

    Giở lại học bạ những năm cấp I, II, luôn thấy thường trực là một câu rất đơn điệu : chăm chỉ, ngoan ngoãn lễ phép. *cười* sao cứ phải nỗ lực để người khác chấp nhận mình. Sao cứ phải sống vì người khác như vậy. Chưa bao giờ có một mục tiêu cho riêng mình, chưa bao giờ nỗ lực vì mình, chưa bao giờ tự hỏi mình muốn gì, mà hình như khi người khác hỏi mình muốn gì, mình cũng chẳng biết.

    Khi còn nhỏ, người ta hỏi lớn lên sẽ làm gì. Trả lời ngay : muốn làm cô giáo như mẹ.

    Khi lớn hơn một chút, phát hiện ra rằng mình không thể làm cô giáo được. Nên hoàn toàn không biết mình muốn làm gì.

    Khi học cấp II, hoàn toàn không nghĩ rằng mình sẽ vào một trường cấp III nào. Chỉ muốn có một trường hoàn toàn không phải thi, cứ thế mà vào học thẳng. ( con người hoàn toàn không có chí tiến thủ). Nhưng đã bị một con bạn thân lôi kéo thi vào một trường khá nổi tiếng. Và đỗ, dù không nỗ lực mấy ( đáng ghét là may mắn luôn có mặt bên mình một cách đúng lúc nhất) trong khi con bạn thân trượt. Luôn cảm thấy mình là người có lỗi. Và tự nhiên vào học trong một cái trường mơ ước của người khác. Không hứng thú, chỉ là, dù sao cũng là một ngôi trường để học.

    Khi cô bạn thân tiếp theo ngỏ ý thi Y, cũng hăm hở đi học khối B để thi theo. Rồi cũng bỏ theo cô ta khi cô ta quyết định chuyển khối A. Mà chọn khối A chỉ vì nghĩ rằng khối A là một khối không phải học gì hết (rồi sau này mới phát hiện ra mình nhầm). Chọn đại một trường để thi, không phải vì thích ( thực ra cũng chẳng thích bất kỳ trường nào) mà vì trường đó là một trong những trường được mọi người ưa chuộng nhất, ra trường dễ kiếm việc làm nhất.

    Luôn giữ trong mình một tư tưởng biếng nhác, không muốn làm bất cứ việc gì cả, không bao giờ muốn tự thân mình làm bất kỳ một việc gì cả, chỉ làm theo những gì người khác nghĩ, những gì người khác thích và những gì người khác bảo làm

    Ghét cay ghét đắng một ai đó, nhưng vẫn phải mỉm cười, chỉ vì sợ rằng người ta bảo mình là khó tính, sợ người ta ghét lại mình.

    Ghét cay ghét đắng một công việc nào đó, nhưng vẫn phải làm, vì sợ người ta bảo mình không có tinh thần hợp tác, tương trợ đồng nghiệp.

    Tôi ghét tất cả những điều đó

    Muốn gào thét lên với tất cả, tôi ghét tất cả.

    Muốn đập phá tất cả, muốn từ bỏ tất cả, nhưng lại không đủ nghị lực để làm việc đó, vì bản thân mình đã lệ thuộc quá nhiều vào những người khác, sống cuộc đời của người khác quá lâu, nên không có cách nào thay đổi được.

    Từ bao giờ, trước mỗi khi làm một việc gì đó, đều nhìn xem phản ứng của mọi người như thế nào.

    Ngoan ngoãn lễ phép

    Chăm chỉ

    Phát hiện ra đến bây giờ vẫn mong chờ người khác nói về mình như thế

    Phải chăng tôi đang hoang phí cuộc đời mình.
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 07.01.2006 22:41:55 bởi kotoko >
    #2
      Huyền Băng 16.01.2006 20:45:51 (permalink)
      Tâm sự của một người mẹ . . . Con là niềm hy vọng


      Mười bốn tuổi, học hành thì chỉ tàm tạm, nhưng không biết từ đâu, từ ai đã gieo vào tôi những tình yêu quê hương, tình yêu đất nước. Tôi cảm thấy thương dân mình, người dân sống trong một đất nước lạc hậu, nghèo nàn thiếu thốn đủ mọi phương diện. Tôi bắt đầu viết nhật ký, tôi mơ tôi thành một kỷ sư chế tạo máy móc cần thiết trong sản xuất, với giá thành rẻ, để người dân lao động đở làm lụng cơ cực. Nhìn những người nghèo đau ốm, bệnh họan không tiền thang thuốc, tự mình chữa trị bằng những phương pháp lạc hậu đôi khi có tính mê tín dị đoan vì không có tiền đi bác sĩ, tôi lại mơ ước mình trở thành một bác sĩ để đến với họ, để giúp đở họ. Nhìn những người tù đày oan án tôi lại mơ làm một luật sư giỏi để biện bạch, để giải oan cho họ. Nhìn những quan chức hách dịch, xem thường người dưới, tôi mơ tốt nghiệp đầu ngành hành chánh để tổ chức lại các cơ chế mang tính quan liêu. Tôi mơ làm cả bác học, phát minh ra cái gì mới cái gì lạ hơn các nước phương Tây, để người Việt được rạng danh bốn bể. Tất cả mơ ước chỉ là mơ ước, tôi không là bác sĩ, cũng chẳng phải kỹ sư, và cũng chẳng có một địa vị nào trong xã hội để cải tổ cái mà mình muốn cải tổ. Những ước mơ của tôi như một ngọn núi trẻ mới mọc đã bị đặt mìn, xẻ núi mở đường. . . Tôi đã trưởng thành và tôi hiểu tất cả những mơ ước của tôi là quá tầm tay, muốn thực hiện một mơ ước thôi cũng không phải là dễ. Và tôi đành chôn những mơ ước vào trong ký ức.

      Năm tháng trôi, tôi có gia đình, tôi mang đứa con đầu. Mơ ước lại sống lại trong tôi. Tôi thì thầm với nó:
      - Con ơi, mẹ mong ước con sanh ra đúng thời, con sẽ có tâm huyết của mẹ, con sẽ nối tiếp những hòai bảo mà mẹ đành bỏ dỡ. . .không cần nhiều chỉ cần một trong những mơ ước của mẹ thôi.Tôi đã bớt giá xuống một cách rất bèo vì tôi đã hiểu thế nào là thực tế.

      Trong bụng người mẹ, con được ba tháng là niềm hy vọng của mẹ lớn lên ba tháng. Con 6 tháng, người mẹ không thể ngồi, không thể nằm thỏai mái vì người mẹ như mang treo một cục đá trước bụng nhất là vào những tháng thứ 8 thứ 9, nằm ngửa không xong, nằm nghiêng cũng chẳng được, cứ phải trăn trở ngày này qua ngày nọ để tìm giấc ngủ, thậm chí phải ngủ ngồi. Con chòi đạp người mẹ đau có khi muốn nín thở, nhưng người mẹ luôn vui vì con là niềm hy vọng của mẹ.

      Ngày con tôi sắp sửa chào đời tôi như ở giữa cái sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Người ta nói: “đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình”. Tôi rất thấm thía câu nói ấy. Suốt một ngày trời chuyển bụng nhưng không sanh con bình thường được, Tôi kiệt sức, tôi còn bị cô mụ dọa dẵm: “bà không chịu sanh thì tôi sẽ hút đưa bé ra!” người ta bảo người ta sẽ dùng máy hút con. Tôi lo lắng, tôi sợ con bị thương tật, sợ ảnh hưởng đến não bộ và bằng một chút hơi tàn với lời cầu nguyện ơn trên tôi mới đưa được con mình ra ngòai thế giới bằng sự bình an. Sau khi sanh con, hai chân tôi gần như tê bại, và tôi nghĩ rằng mình có phải tàn tật không? Nhưng sự việc không quá bi quan như tôi tưởng, tôi đã phục hồi.

      Ngắm con trẻ trong những bước đi đầu đời tôi cảm thấy tràn trề hy vọng cho một tương lai tốt đẹp. Thuở nhỏ, tôi bị té từ trên cao xuống, đầu tôi không biết có chấn thương không, và tôi hay quên bằng một điều gì đó, mặc dù tôi ráng cố nhớ.Tôi đã gìn giữ từng bước đi của con trẻ để nó không bị thương tích, để nó trở thành một con người tòan diện về mặt thể chất, vì thể chất có tốt thì mới có thể phát huy một tinh thần tốt. Những đêm con tôi nóng sốt, tôi đã không thể nào ngủ được. Tôi đã mừng rở với lời nói đầu đời của nó, tôi đã khấp khởi mừng vui khi thấy nó biết đứng rồi chập chửng biết đi. Ôi nói sao cho hết nổi vui của những người cha, người mẹ nhìn con mình khôn lớn, và nói sao hết nỗi lo buồn mỗi lần con mình gặp một chuyện không hay.

      Rồi những ngày thơ ấu cũng trôi qua. Con cái rồi cũng đến lúc trưởng thành. Bổn phận cha mẹ trong việc sáng tạo coi như hòan tất, giờ chỉ còn nỗi lo lắng cho sự an tòan của con, niềm vui của con và tương lại của con

      Con tôi rất ngoan ngỏan, con tôi rất thông minh, tôi rất tự hào về nó, về cách sống của nó. Nhưng tôi lại thêm một lần thất vọng, vì nó đã không thể hòan thành cái niềm mơ ước của tôi. Nó đã lâm bệnh, nó phải trải qua một cuộc giải phẩu, và sau cuộc giải phẩu đó, sức khỏe cũng như trí thông minh nó không còn như xưa nữa. Tôi phải suy nghĩ lại về niềm hy vọng của mình. Bây giờ mẹ mong gì ở con đây?

      - Mẹ mong con được an lành, mẹ mong con có một cuộc sống bình thường như bao nhiều người khác. Ao ước vá bể dời non không còn nữa! Tuy nhiên, trong cái hy vọng con được sống những chuỗi ngày an bình, dù không là một danh nhân, học sĩ, nhưng hãy là một con người với đầy lòng yêu thương, lúc nào cũng sẳn sàng giúp đỡ những người chung quanh bằng những gì mình có thể, và chung quanh con sẽ đầy ấp tình thương, con sẽ cảm thấy cuộc đời của mình có ý nghĩa hơn, không rổng tuếch, không đáng chán và không có gì để tuyệt vọng.

      Hởi những bạn trẻ với tuổi xuân đầy tràn, hãy tìm cho mình một lý tưởng sống. Lý tưởng đó nếu không là sống cho tha nhân, sống cho xã hội thì cũng là sống cho gia đình mình, cho cha mẹ mình, cho những người luôn thương yêu và đặt hết niềm tin yêu - trông cậy nơi mình, một niềm tin có thể thương lượng tùy thời tùy lúc nhưng tình yêu giành cho ta thì luôn vững bền không gì có thể thay đổi.

      HB
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 20.04.2006 22:43:43 bởi Huyền Băng >
      #3
        Huyền Băng 20.04.2006 22:24:47 (permalink)
        Hạnh phúc ở đâu?


        Trong cái lành lạnh của chiều mưa tháng 6, Sương Mai ôm đứa con nhỏ vào lòng nép vào hiên một căn nhà. Cái mái hiên quá nhỏ không đủ che những giọt mưa hắt vào mẹ con nàng, Sương Mai cố căng cái thân gầy mảnh của mình với hy vọng sẽ chờm phủ được cho con. Nhìn đứa bé gầy guộc trên tay, Sương Mai nghe thương con quá! Mới 7 tháng tuổi thôi mà sáng sớm phải theo mẹ đi làm và đến tối mịt mới về. Trong khoảng thời gian mang bầu Minh, Sương Mai không ăn uống được, và đứa bé sinh ra thật gầy guộc. Được 3 tháng là Sương Mai lại phải ẳm đi làm. Ban đầu thì gởi cho một chỗ giữ trẻ gần nhà, nhưng trong khoảng thời gian trong nhà trẻ, Minh không chịu bú thế là Sương Mai phải ẳm theo vào sở. Sở của Sương Mai là một cửa hàng ăn uống ở ngoại ô, do nhà nước quản lý. Khuôn viên tương đối rộng rãi, Sương Mai làm kế toán cho cửa hàng nên có một chỗ ngồi riêng tách biệt với khu ăn uống và đấy cũng là cái thuận lợi để Sương Mai có thể ẳm con theo. Trong thời buổi khó khăn, tìm một công việc làm để phụ vào thu nhập gia đình không phải là dễ, nên Sương Mai không thể nghỉ làm để ở nhà trông con. Nhìn Minh rồi Sương Mai lại nghĩ đến Thu Uyên, chị của Minh – mới 8 tuổi đã phải sống xa cha mẹ. Sương Mai đã phải gởi Thu Uyên cho chị mình nuôi từ khi mang bầu Minh. Vừa phải đi làm, vừa cấn bầu mệt mỏi …và vì những cơn say xỉn của chồng.

        Ký ức như ùa về ập vào tư tưởng của Sương Mai, Sương Mai nghĩ: - ừ sao nhỉ? Sao mà mình lại đồng ý lấy Sang cha của hai đứa trẻ? Nàng lại nhớ đến Quân, người tình đầu tiên của thời son trẻ và nhiều kỷ niệm… Quân một thanh niên cao ráo, sáng sủa. Vớ mái tóc bồng bềnh mang chút nghệ sĩ, Quân có giọng nói thật trầm ấm và nhất là khi hát, trông Quân rất lảng tử, rất dễ thương. Quân là em của chị dâu Sương Mai, và trong những lần đến nhà của chị dâu hai người đã tình cờ gặp nhau và thương nhau từ dạo đó. Mối tình ngây thơ trong sáng kéo dài trong thơ mộng được hai năm, đến khi gia đình Sương Mai biết được mối quan hệ này thì bắt đầu ngăn cấm. Ba Sương Mai không có thiện cảm với gia đình xuôi gia, lại thêm phong tục tập quán không mấy tán đồng việc hai chị em hay anh em cùng lấy chị em trong một gia đình. ..Ba Sương Mai ngăn cản việc gặp gỡ của hai người, và ông cũng nói dứt khoác là ông không muốn đứng xuôi với gia đình Quân một lần nữa! Thế là hai người chỉ còn cách lén lút hẹn gặp nhau.

        Ngọc Linh, bạn của Sương Mai là cái cầu nối giữa hai người trong những ngày bị cấm đoán ấy. Sương Mai thường xuống nhà Ngọc Linh chơi để Ba không để ý và sau đó Quân đến đó để đón Sương Mai đi … Cả hai đèo nhau trên chiếc xe đạp mỏng manh ọp ẹp giống như chuyện tình mong manh không lối thoát của hai người. Vào một quán nước, hay một công viên để trò chuyện, và thời gian thì không là vô hạn và khoảnh khắc thôi thì Quân lại phải chở Sương Mai về. Mặc dù việc gặp nhau không thể là thường xuyên nhưng cái tình cảm thì cứ như lớn dần, lớn dần trong tâm tưởng mà Sương Mai không nghĩ rằng mình sẽ phải xa Quân.

        Sau 1975, những gia đình tiểu tư sản ai cũng chuẩn bị cho mình một lối thoát, đó là về quê làm rẩy, làm ruộng. Gia đình Sương Mai cũng không ngoài cái ý tưởng đó. Ba Sương Mai đã mua mấy mẫu đất mía ở vùng Long Khánh, phòng khi cần thiết thì về đó sanh sống. Nơi đó Ba Sương Mai cất một căn nhà lá, một cái bếp cách chòi khoảng 6 mét và xa xa thì làm một nhà vệ sinh. Sương Mai rủ Ngọc Linh lên đó, hai cô tiểu thơ của đất Sài Gòn nhưng vô cùng gan dạ này đã cùng nhau lên đó làm rẩy mặc dù chẳng biết làm gì. Rẩy mía này là do người ta trồng sẳn, gia đình Sương Mai chỉ mua và mướn người dân ở gần đó chăm sóc. Thỉnh thoảng một hai người trong gia đình lên trông nôm thôi. Nhưng hình như người lên trông nôm đó chỉ là ba hoặc Sương Mai thôi. Ba thì nghĩ cho tương lai gia đình, còn Sương Mai thì lại yêu cái cảnh tỉnh mịch, hoang vắng đó. Ngọc Linh và Sương Mai thường lên đó bằng Honda, nơi đó lúc ấy thật là hoang vắng. Từ lộ cái vào đến vuông đất cũng mất 3 - 4 cây số, đất ở đây là đất cát trắng pha ít bùn, nên tương đối sạch sẽ. Vắng vẻ đến độ Sương Mai nhớ có một lần, hai đứa trượt xe ngả gảy mất một tay thắng, cả hai đứng lên đi tiếp, khi phát giác tay thắng đã gảy, cả hai chẳng buồn quay lại tìm, và sau một tuần lể trở về, đi ngang chỗ cũ tay thắng vẫn còn nằm đó, không một cô cậu ve chai nào lượm hết, hai đứa lại xuống lượm tay thắng về cho người ta hàn lại, đồ phụ tùng hồi đó thật hiếm hoi. Buổi sáng, hai đứa trang bị khăn che mặt, bao tay, với cây cuốc nhỏ, cuốc từng học đất giữa những luống mía để gieo đậu phọng, đứa lấp đất, đứa tưới nước. Người ta bảo khi mía còn nhỏ, trồng xen canh đậu phọng vào khoảng ba tháng thì đã có thể thu hoạch, và khi mía lớn che lùm thì không trồng được nữa. Rất cố gắng, giữa cái nắng nóng của rẩy mía, cả hai đặt cho mình một kế hoạch là làm bao nhiều luống để có thể hoàn tất công việc trong thời gian nhứt định. Thỉnh thoảng hai đứa nhìn nhau mĩm cười – nụ cười mà hai đứa hơn ai hết rất hiểu nhau. Một đứa học đại học Đà Lạt dỡ dang, một đứa học đại học Luật dở dang và bây giờ đang gật gù trong cơn nắng để tìm vui với luống mía, luống đậu! Khi đã mệt nhoài vì cơn nắng, cả hai quay trở vào nhà ăn cơm uống nước nghỉ ngơi và bắt đầu cuộc giải trí của mình. Với cây đàn ghi ta, hai đứa ôm ra một mô đất ngồi đó nhìn quanh quất, kia là cái hột vịt muối mặt trời đang từ từ chìm xuống chân trời, đó là những hàng lau sậy ngã nghiêng trong gió, những cơn gió thật nhẹ nhàng, thật dễ thương trong một vùng trời bình yên. Hai đứa lại đàn, lại ca, lại bè. Ôi “dans le vent dans le soleil” trong lúc này sao nghe thích hợp làm sao. Khi hoàng hôn phủ dần xuống trên đất đồi này, không gian chợt như tím và thế là hai đứa lại cùng nhau ca bài “chiều tím” . Giọng ca của hai ca sĩ không chuyên này lan tỏa trong không gian, không ngại ngùng, không bẻn lẻn vì có ai nghe đâu? Đấy là những giây phút thật thoải mái của hai tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống bình yên tự tại. Ngày đầu tiên, ngủ lại nơi đó, cả hai phải một phen hoảng vía. Khi bóng tối đã bao trùm vạn vật, không gian tỉnh mịch càng thêm tỉnh mịch. Hai đứa gài then cửa đốt ngọn đèn dầu leo lét và tiếp tục câu chuyện không bao giờ dứt của hai đứa. Hai đứa thường nói với nhau về những suy nghĩ của mình về cuộc sống, về niềm tin về tương lai, và câu chuyện hình như không có dấu chấm hết mà chỉ có dấu chấm phết. Những ngày hai đứa ở nhà, mỗi lần nói chuyện với nhau đến khuya, đứa này đưa đứa kia về vì nhà cũng gần nhau, và cứ thế đưa tới đưa lui và cuối cùng phải chọn cột đèn ở giữa làm ranh giới chia tay. Tình bạn thân là thế. Trong đêm tối đó hai đứa lại rúc rích với nhau: mi nghĩ có ma không? Sương Mai hỏi. Và Ngọc Linh đáp: Ma thì không sao, ta chỉ sợ người ta thôi. Hai đứa mình ở giữa đồng không mông quạnh này, nếu có đạo tặc hay cường sơn nào đó không biết phải làm sao? Ừ hơi sợ đấy, nhưng rồi cả hai cũng cười vì cả hai cùng có một niềm tin. Đang trò chuyện vui vẻ, bổng nghe như có tiếng ai chụp vào vách lá, “phụp”, “phụp”…cả hai nín thở và dặn ngọn đèn to hơn. Không gian lại trở lại im lìm, nói thì hoang vắng nhưng cách đó độ 100 mét thì cũng có người quen ở đó, đấy là anh chị họ của chị dâu Sương Mai, họ đến đó để giữ đất cho chị Sương Mai, chị ấy cũng mua miếng đất giáp ranh với đất của gia đình. Hai đứa không dám nói chuyện tiếp, cả hai im lặng để nghe ngóng tình hình. Bổng lại “phụp” , “phụp” nữa, nổi sợ gia tăng. Sương Mai nói: - Ta nghe ba ta nói ban đêm mấy con ểnh ương thường hay nhảy nhảy và chụp vào vách. Không muốn nổi sợ kéo dài, cả hai quyết định mở cửa ra ngoài để yên tâm là không có ai ở quanh nhà. Cả hai thủ một cái cây, và mở cửa ra… bốn bề tối ôm như mực, gôm hết can đảm, cả hai từ từ ra khỏi nhà và đi xuống bếp. Vừa đi vừa quan sát. Lúc mắt bắt đầu quen với bóng đêm cả hai bắt đầu nhìn thấy sự vật quanh nhà, không có ai cả. Chắc đúng là mấy con ểnh ương. Kia kìa, nó đang nhảy phụp phụp kia kìa. Thế là cả hai cười xòa và lại vào nhà …Có nhìn kỷ cảnh vật chung quanh thì cả hai mới thật sự yên tâm, và những ngày tiếp theo sau đó, họ như quen hơn… Buổi sáng, họ thả sâu vào trong xóm qua những rẩy trồng mè, trồng bắp. Đi sâu hơn nữa vào một con suối, có một gia đình trẻ với một mảnh vườn nhỏ nhỏ và mấy cây đu đủ nặng quằng. Trông họ thanh nhàn làm sao! Một tuần trôi qua, công việc gieo đậu đã xong, ngày mai là cả hai lại về nhà. Trưa hôm đó, Quân lại lên rẩy. Quân lên ở bên nhà bà chị, và sau đó sang chơi với Sương Mai. Ngọc Linh thì lúc nào cũng là người lịch sự để hai bạn tự do tâm tình. Sau những ngày xa vắng, họ quyến luyến không rời. Tối đến, Quân không chịu về bên nhà chị, mà ở lại đó. Họ tâm sự suốt sáng với những lời thương yêu hò hẹn ..một mối tình thật thơ và thật trong sạch mà Ngọc Linh là nhân chứng. Đối diện đám đất của Ba Sương Mai cũng là hai mẫu đất, phân nữa trồng lúa (loại lúa cạn), một nữa trồng mía. Chung quanh được rào bằng một hàng mít thẳng hàng. Trông miếng đất thật xinh xắn, có một giếng nước không sâu lắm, nước trong vắt, ông chủ đất muốn bán miếng đất ấy, Ngọc Linh kêu ba mua để hai đứa có thể cùng về trông đất làm rẩy. Nhưng ba Ngọc Linh thì lại không thích cuộc sống chân quê đó, có lẽ ông đã lớn lên trong nó và phần nào ngán ngẩm cái cực khổ mà cuộc sống lúc nào cũng thách thức với trời đất, với thiên tai, lủ lụt, hạn hán. ..

        Cuộc sống sau 1975 có nhiều thay đổi, Ngọc Linh cũng phải kiếm sống cho gia đình và không thể theo Sương Mai dong ruổi, một mình Sương Mai không thể thường xuyên lên mảnh đất đó. Trong khi em út của Sương Mai thì không mải mai nghĩ rằng mình sẽ về nông thôn sinh sống. Bao nhiêu tiền mặt trong ngân hàng thì gia đình Sương Mai coi như bị mất hết, còn chút ít tiền ngoài thì ba Sương Mai đã đổ vào miếng đất chờ ngày thu hoạch. Ba Sương Mai gởi miếng đất cho người bà con ở cạnh đó trông coi. Đến mùa thu hoạch, mía bán ra còn rẻ hơn tiền công mà ba Sương Mai đã trả cho nhân công làm rẩy, mọi dự tính coi như thất bại. Anh Sương Mai đi cải tạo hơn năm rồi, nhưng không ai ra đấy thăm cả vì đường xá xa xôi, tiền nông lại không còn. Cuối cùng, ba cho chị dâu miếng đất đó để bán đi làm lộ phí thăm anh. Đó là gia sản cuối cùng của nhà Sương Mai.

        Sương Mai và Quân vẫn thỉnh thoảng gặp nhau, vẫn vui vẻ với nhau. Nhưng rồi bổng một hôm Quân gặp Sương Mai và thắc mắc; Quân bảo: Quân không thích Sương Mai quan hệ mật thiết với Ngọc Linh. Và Quân muốn Sương Mai chọn một trong hai. Sương Mai ngạc nhiên về suy nghĩ của Quân, bạn là bạn, tình là tình, hai cái đó đâu thể đánh đổi với nhau. Quân nói, gia đình bạn Quân bảo là Ngọc Linh không tốt! Và Quân không muốn Sương Mai giao du với Ngọc Linh nữa. Sương Mai hỏi Quân tin ai? Tin gia đình bạn Quân hay tin Sương Mai? Đối với Sương Mai, Ngọc Linh là một người bạn tốt, lúc nào cũng sẳn sàng hy sinh vì bạn, luôn lo lắng cho bạn. Và Sương Mai khó tìm đâu ra một người bạn tâm đắc như thế. Một tình yêu mà cha mẹ ngăn cấm, vẫn không lay chuyển được, nhưng bắt đầu từ một suy nghĩ vội vàng, một lời phán quyết nông cạn, cuộc tình của hai người đã chấm dứt từ đó. Sương Mai không chọn bạn bỏ tình, nhưng Sương Mai nghĩ mình không thể đi chung đoạn đường đời với một người mà tâm lý hơi nhỏ nhoi, hơi ích kỷ và thiếu tin tưởng về nhau. Mối tình đầu thơ mộng đã tan từ đấy.

        Sương Mai đã gặp Sang, một anh chàng bộ đội hiền lành. Sang có tính cách quê mùa của người dân miền sông Tiền, sông Hậu, và cũng có tính cách nhiệt tình, chân thật. Sang đã yêu Sương Mai cuồng nhiệt đến độ có thể đánh đổi cả tương lai cả sự nghiệp chính trị của mình. Sương Mai đã cảm động, và cảm động đến nổi không thể nào từ chối lời cầu hôn của Sang. Sang là một đảng viên, Sương Mai là một tín đồ Thiên Chúa giáo, sự kết hợp của đôi này quả là không bình thường trong những ngày đầu đất nước mới thống nhất. Cái nhìn từ hai phía đều dè dặt. Phía đảng sợ người Thiên Chúa giáo là tai sai của chế độ cũ len lõi vào hàng ngủ đảng để lủng đoạn tư tưởng cán bộ. Những gia đình Thiên Chúa giáo sợ con mình lấy chồng đảng viên rồi theo đảng bỏ đạo. Đây là một thách thức lớn cho những đôi trai gái yêu nhau nhưng thuộc hai tư tưởng trong thời đó. Sang nói chỉ cần Sương Mai đồng ý, Sang sẽ tranh đấu với đảng và cưới Sương Mai bất chấp hậu quả. Sang sẽ chứng minh cho đảng thấy rằng việc cưới nhau của hai người là một việc kết hợp tốt đẹp, không ảnh hưởng gì đến tư tưởng, công tác, chính trị. Và đúng như Sang đã nói, hai người đã bất chấp mọi khó khăn để cưới nhau.

        Thu Uyên đã ra đời, một bé gái kháu khỉnh dễ thương. Lúc đầu, Sương Mai cảm thấy hài lòng về quyết định của mình, cuộc sống của mình. Một cuộc sống bình dị nhưng hạnh phúc. Sang ngoài việc ở sở, về nhà anh lúc nào cũng là người đàn ông tốt, luôn phụ giúp vợ trong việc nhà từ lớn đến nhỏ. Người đàn bà còn mong muốn nào hơn. Thỉnh thoảng gặp Ngọc Linh, Sương Mai còn tự hào là mình đã đúng khi quyết định lấy Sang. Lúc Sương Mai báo cho Ngọc Linh biết mình sẽ lấy Sang, Ngọc Linh không cản, nhưng Ngọc Linh đã không dự đám cưới ấy, và đó cũng là điều mãi về sau này Ngọc Linh luôn cảm thấy ân hận và tâm sự với Sương Mai. . .

        Ngày tháng bình yên hạnh phúc của Sương Mai hình như không được bao lâu. Trong công việc Sang gặp nhiều khó khăn trắc trở. Bạn bè lại rủ rê, ăn nhậu. Thế là Sang lại trở nên nghiện rượu, và cứ tan sở thì lại bạn bè rủ rể nhậu nhẹt. Và say lết bánh mới về đến nhà. Có những cơn say xỉn làm Sang như cuồng trí, và thế là Sang xách súng, xách mả tấu ra dí vào Sương Mai, Thu Uyên mà nói nhảm. Trước ánh mắt sợ sệt của trẻ thơ. Trước những lo lắng về một bất trắc, Sương Mai đã gởi Thu Uyên cho chị gái nuôi viện lý do là cấn bầu mệt mỏi không chăm sóc con được! Và hằng đêm Sương Mai cứ ngồi một mình bên hiên nhà chờ Sang về hay không về …cũng không biết! Khi có mang đứa thứ hai, Sương Mai mãi dằn dật, không biết nó có nên ra đời hay không? Cuộc sống nó sẽ như thế nào hay lại là những chuổi dài sợ hải như chị nó? Nhưng rồi Sương Mai cũng sanh nó ra và giờ này ngồi đây bên hiên mưa giọt ngắn giọt dài để chờ Sang đến rước về. Hôm nào mai mắn, Sang không nhậu trước, thì hai mẹ con về an lành, và độ mươi phút nữa tiếng thì bạn bè lại rủ Sang đi. Hình như Sang không thể từ chối dù sáng hôm đó sau khi tỉnh rượu đã hứa với vợ là không đi uống rượu nữa. Nếu không may, thì Sang đã uống ở đâu đó rồi và thế là sinh mạng của mẹ con Sương Mai đi theo con đường ngoằn nghoèo mà ma men lái chớ không phải Sang lái. Có những lúc Sương Mai thấy Sang đâm thẳng vào ngọn đèn xe hơi phía trước và Sương Mai nghe lạnh buốt xương sống và có cảm tưởng như tất cả tiêu đời…Sương Mai thầm nghĩ, tại sao người ta có thể hy sinh tất cả để sống gần nhau, nhưng khi đã sống gần nhau rồi lại không biết trân quý, không biết vun đấp cho hạnh phúc ngày thêm hạnh phúc! Nếu không say xỉn, không nhậu nhẹt, Sang là một người chồng tốt. Nhưng …chiếc xe honda đã trờ tới trước mặt Sương Mai, Sang trong giọng lè nhè: leo lên đi, anh tới rồi đây! Sương Mai cảm thấy buồn vô hạn và nỗi buồn chán thấm sâu vào tận đáy tim. Thẩn thờ bế con lên ngồi phía sau Sang mà phó mặc cuộc đời mình. Sáng hôm sau Minh đã cảm sốt vì lạnh.
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 22.04.2006 09:42:56 bởi Huyền Băng >
        #4
          Huyền Băng 21.04.2006 22:44:20 (permalink)

          Ngồi bên giường nhìn con Sương Mai buồn rủ rượi. Phải bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm nữa đứa con nhỏ bé này mới không phải chịu cảnh chờ cha trong mưa lạnh? Cái vở diễn buồn thương cứ được tái đi tái lại. Sương Mai giận hờn, Sương Mai không nói tới Sang một tiếng. Thế là Sang năn nỉ, hứa hẹn, sẽ không đi uống rượu nữa. Được dăm ba ngày thì đâu lại vào đó. Và Minh cũng èo uột mà lớn lên trong nỗi buồn chán cô đơn của mẹ nó. Nhiều lúc Sương Mai ngồi thừ người ra suy nghĩ - không biết mình phải làm gì để trả cho tuổi thơ của con mình những ngày tháng vui vẻ hạnh phúc, và tìm cho mình một sự bình an trong tâm hồn.

          Sương Mai gặp Ngọc Linh, Sương Mai nói cho Ngọc Linh biết ý định của mình. Ý định rời bỏ đất thành phố này về quê chồng. Có nên chăng? Ngọc Linh hỏi. Sương Mai bảo rằng chỉ có nước về quê thì Sang mới xa lánh được bạn bè, mới không còn nhậu nhẹt, và con cái mới có những ngày tháng sống yên ổn. Ngọc Linh nghi ngờ quyết định này của Sương Mai, Ngọc Linh bảo Sương Mai rằng: - Nếu Sang quyết tâm xây dựng lại một gia đình hạnh phúc thì dù ở đây hay ở đâu cũng làm được thôi. Mi có nghĩ rằng về nơi xa xôi đó, không người thân kẻ thuộc, liệu có tốt cho mi không? Ở đây, mi còn có gia đình, có cha mẹ, có chị em bên cạnh, khi cần thiết còn có thể nâng đỡ lẫn nhau, xa xôi dịu vợi quá, đò thì cũng hai con, đường thì cũng mấy đoạn . …? Đã thế, mi là dân Sài Gòn biết gì ở nông thôn mà làm mà sống. Ở đây với một chút kiến thức của mình, không làm được việc này cũng làm được việc nọ, con cái cũng gần cái nôi văn minh hơn …Sự chán nản tột bực đã không cản được cái ý rời bỏ thành phố của Sương Mai, và Sương Mai đã theo chồng chuyển về quê, một vùng quê hẻo lánh với hy vọng gia đình sẽ đổi khác. Thu Uyên cùng em và cha mẹ về quê nội. Cả gia đình trong cái háo hức sẽ tìm được một chân trời hạnh phúc . . .

          Mẹ chồng cho Sương Mai một ngôi nhà tương đối rộng rãi, bà là một người đàn bà hiền lành, mẫu mực. Sương Mai cảm thấy an ủi và hy vọng với sự trợ giúp của bà, gia đình Sương Mai sẽ tốt hơn. Nữa tháng đầu, mọi việc hình như tốt đẹp. Ngoài giờ đến sở, Sang về nhà phụ Sương Mai nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa. Trong khung cảnh im vắng của vùng quê Sương Mai vẫn cảm thấy vui và an phận cuộc sống quê mùa này. Họ tậu một miếng vườn nho nhỏ gần đó để kiếm thêm thu nhập cho cuộc sống.

          Nhưng niềm vui chẳng được bao lâu! Sau một thời gian xa quê giờ trở lại, bạn bè Sang lại tìm đến và thế là cả nể và lại chén chú, chén anh. Và rồi đâu lại vào đó. Chín tháng sau, Sương Mai lại dắt Thu Uyên lên thành phố và lại tiếp tục gởi cho chị. Bây giờ thì mẹ con lại xa hơn. Vì nếu cùng ở thành phố, cuối tuần Sương Mai còn có thể đến nhà chị thăm con. Nhưng bây giờ thì mịt mùng san dã. Thu Uyên mặc dù cha mẹ đầy đủ, nhưng cứ phải ở với dì như những đứa trẻ mồ côi. Sương Mai giữ Minh ở lại quê với mình vì Minh còn quá nhỏ, hơn nữa nếu gởi Minh đi, thì Sương Mai không biết tựa vào cái gì để mà vui sống trong những ngày tháng buồn bã đó. Ngọc Linh gặp lại Sương Mai với dáng vẻ gầy guộc của ngày nào. Đen hơn và tay hình chay sạn hơn. Ôi một tiểu thư! Mỗi người một phần đời, không ai quyết định được cho ai. Cả hai nghĩ, nếu ngày xưa ba Ngọc Linh mua miếng đất kế bên đất ba Sương Mai và hai đứa về đó làm rẩy sinh sống, cuộc đời chắc sẽ khác hơn. Nhưng tốt hay xấu, làm sao biết được. Mỗi con đường hình như đã được dọn sẳn, đường này thì có gai chông của đường này, đường kia thì có hầm hố của đường kia. Thôi thì bằng lòng với cuộc sống cho ngày trôi qua.

          Thỉnh thoảng, Sương Mai về thành phố thăm con và gởi ít tiền cho chị, quà lớn thì không có, chỉ vài nải chuối, ít xoài, ít nhãn làm quà. Sương Mai ôm con vào lòng hôn nó và kể lể một vài chuyện vui gì đó để an ủi con. Sương Mai không dám ở lâu với con gái mình hơn ba bữa vì lo sợ bé Minh ở nhà một mình với người cha say xỉn. Cứ tối đến, khi Sang sắp nhậu say về, là Sương Mai phải dấu tất cả dao rựa, những vật sắc bén để tránh những cơn điên loạn vì rượu có thể gây điều đáng tiếc. Ngày tháng rồi cũng trôi qua, Minh đã lớn hẳn và luôn là người đồng hành với mẹ trong công việc, cũng như trong những cơn khủng hoảng của cha. Nó thương mẹ, nhưng nó chỉ có thể giúp mẹ nó trong việc cho chó - trăn – gà vịt ăn, hoặc lượm những cành khô đã gãy chất đống cho mẹ chặt ra làm củi đốt. Còn cơn say của cha thì nó đành bó tay. Đứa trẻ lớn lên trong một khung cảnh chẳng có gì là vui vẻ, và nó lầm lì ít nói, mặc dù nó thuộc dạng trẻ ngoan, dễ thương.

          Minh lại theo chị lên thành phố học vì nó đã học hết cấp 3. Vậy là Sương Mai phải thui thủi một mình trong cái vườn vắng vẻ của mình, Sương Mai không biết mình còn chịu đựng được bao lâu cái ngày tháng quạnh quẻ ấy với những buổi tối luôn sống trong sự đe dọa của một người mất trí vì rượu. Sự lo lắng của những ngày ban đầu không còn nữa mà chỉ còn là sự phó mặc…phó mặc cho mọi việc ra sao thì ra.

          Hôm nay, bên Ngọc Linh, Sương Mai tâm sự, tháng rồi tao nghe trong người không khoẻ, tao đi lên nhà thương quận siêu âm, họ nghi là tao có bướu trong tử cung, tao lo quá! Ông Sang nghe tao bệnh, ổng cũng lo lắng và biểu tao cố gắng đi điều trị, ổng hứa ổng sẽ không uống rượu nữa? Ngọc Linh hỏi: - Có chắc không? Sương Mai vô cảm đáp: - Ừ thì bỏ cũng được còn không bỏ thì cũng đã hơn hai mươi năm rồi. Sương Mai cứ nhớ như in những ngày ôm con chờ chồng dưới mưa . ..
          #5
            hoaidiephaphuong 22.04.2006 01:11:35 (permalink)


            Hạ Phương mang hoa đến tặng cô HB nè vì từ những bài viết của cô, HP rút ra được nhiều điều đáng suy gẫm. HP chúc cô luôn an vui cùng gia đình

            Mến
            Nhỏ Hạ
            #6
              Huyền Băng 22.04.2006 10:08:21 (permalink)
              Mến chào HP,

              Cám ơn bó hoa xinh đẹp của Hạ Phương rất nhiều.


              từ những bài viết của cô, HP rút ra được nhiều điều đáng suy gẫm

              và nhất là cám ơn HP đã hiểu được ý chính của HB, cuộc sống quanh ta biết bao điều thống khổ, chúng ta không kể lể nó để làm cho cuộc đời này thêm ủy mị, chán chường. HB mong mỏi mọi người cùng nhau tìm cách xoá bỏ những bất công, những phi lý dẫn đến buồn đau, những khốn khổ. Vì trên thực tế chỉ cần có hiểu biết và có quyết tâm con người sẽ tránh được nhiều sai lầm đáng tiếc.
              Chúc HP luôn an vui và giọng ca mãi ngọt ngào.
              Thân mến,
              #7
                Huyền Băng 22.04.2006 21:01:12 (permalink)
                Một chút suy tư


                Văn thơ luôn ca tụng tình yêu, ca tụng xúc cảm và trong những xúc cảm đó người ta thường hướng đến một sự kết hợp, đoàn tụ! Để làm gì? Để thương yêu và tôn trọng nhau suốt cuộc đời hay để hành hạ nhau cho đến chết?

                Có ai biết chắc cuộc sống mình sẽ kéo dài được bao năm? Và có ai nghĩ rằng mình đã làm được những gì cho người mình yêu trong những năm tháng sống chung? Hoặc vả có bao giờ để ý đến cảm nhận của người bạn đời của mình? Hay chỉ thắc mắc rằng mình đã được chăm sóc không chu đáo, không tử tế.

                Thời son trẻ là một thời gian tốt đẹp thuận lợi để cống hiến cho nhau niềm vui, cho nhau hạnh phúc. Chồng vợ con cái là một mối liên kết hoàn hảo nhất, thế nhưng nếu cha hay mẹ chỉ nghĩ đến thú vui riêng mình, thỏa mãn cái vui của riêng mình mà không màn đến những lo âu những buồn phiền của phần liên kết còn lại, thì cái phần liên kết còn lại đó phải gánh chịu toàn bộ hậu quả nhiều khi đau xót cả đời.

                Cuộc sống xã hội có nhiều trắc trở, có nhiều cam go, thử thách, dầu ở đâu dầu ở bất cứ nơi nào. Những người đã nói là thương yêu nhau tại sao không thể chia xẻ cùng nhau những khó khăn, những trắc trở và chung sức chống chọi lại với cái áp lực đè trên gia đình mình để tìm thấy một niềm vui chung.

                Rượu bia không nung đúc được ý chí, chỉ làm con người hứng khởi phát ngôn linh tinh cho vui. Nhưng rất nhiều và rất nhiều người chồng, người cha đã dùng rượu bia để giải tỏa những ẩn uất gì đó, và mọi việc càng trở nên tồi tệ hơn với cơn nghiện càng ngày càng thấm sâu.

                Thật là đáng tiếc khi một người cha, một người mẹ hiền lành, nhưng con cái không được lớn lên trong tình thương của cha mẹ và sự êm ấm của gia đình. Hạnh phúc chỉ trong một tầm tay với nhưng người ta đã từ chối nắm bắt nó. Người ta ôm cái bóng của rượu, của những phút hào hứng lúy túy, và quên đi nỗi đau của những người xung quanh. Họ có lương tâm, họ hiền lành, nên họ đồng ý dừng cái niềm vui đó lại khi biết rằng người thương yêu của mình có thể lâm bạo bệnh, có thể lìa bỏ cõi đời . . . nhưng sự dừng lại ở đây có trể quá không? Một cây kiểng trong khoảng thời gian sung mãn lại không được bón phân tưới nước, đến khi đã còi cọc đã tàn úa rồi liệu có cứu vãng được không.

                Xin đừng phun phí tuổi xuân của mình của gia đình mình và con cái mình vì thời gian thì không dừng lại và tuổi xuân sẽ qua đi – nhưng vết đau trong tâm khảm thì mãi hằn sâu. . .

                Xin đừng chối bỏ hạnh phúc của mình, vì hạnh phúc luôn ở tầm tay với và nó có hình thành được hay không là do mình có vun đấp hay không.

                HB


                Đã mang vào TV
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 25.04.2006 00:12:09 bởi TTL >
                #8
                  Chuyển nhanh đến:

                  Thống kê hiện tại

                  Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                  Kiểu:
                  2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9