(url) Chekhov giữa văn học và y học
nguyễn quốc việt 07.01.2006 02:30:03 (permalink)
Chekhov
 
Truyện ngắn và những vở kịch của nhà văn Chekhov là những trang viết thể hiện đời sống nội tâm sâu sắc của con người. Trong cảm nhận của nhà văn, tính duy lý của những luận điểm khoa học không có khả năng đem đến cho con người sự giải đáp cho những câu hỏi quan trọng như "Ý nghĩa của cuộc sống là gì?". Rất nhiều tác phẩm của ông là sự khám phá cuộc sống, trong đó con người được miêu tả như là những nạn nhân của một xã hội xô bồ và xuẩn ngốc.

Chekhov tốt nghiệp Đại học Y năm 1884 và trở thành bác sĩ tại một bệnh viện ở ngoại ô Matxcơva. Năm 1892, ông mua một khu đất tại ngôi làng Melikhovo cách thủ đô 70 km về phía nam và sống ở đây cho tới khi căn bệnh lao phổi buộc nhà văn phải chuyển đến Yalta - vùng đất có khí hậu ôn hòa hơn.


Tại Melikhovo, với tư cách là một bác sĩ, Chekhov từng chữa trị cho hàng nghìn bệnh nhân, cùng các nhà chức trách vùng này chiến đấu chống lại dịch tả đồng thời nỗ lực xóa nạn mù chữ cho nhân dân. Dù chẳng lấy gì làm giàu có nhưng Chekhov thường chữa trị miễn phí cho người bệnh. Năm 1890, ông thực hiện một chuyến hành trình qua Siberia đến hòn đảo Sakhalin - nơi giam giữ những phạm nhân người Nga. Kết quả của chuyến đi khủng khiếp kéo dài 3 tháng này là những trang viết đầy xúc động về những cuộc tra tấn thô bạo mà nhà văn được tận mắt chứng kiến. Những trang viết này đã gây chấn động mạnh trong dư luận Nga khiến các nhà chức trách nước này đã phải hủy bỏ hình phạt nhục thể đối với phụ nữ vào năm 1897 và đối với nam giới năm 1904.


Mặc dù suốt ngày tất bật với công việc của một bác sĩ nhưng ban đêm, Chekhov vẫn tranh thủ sáng tác. Ông sáng tạo nên hàng trăm nhân vật điển hình cho những con người yếu đuối, thụ động và vô tích sự. Những truyện ngắn của Chekhov được Tolstoy so sánh với nhữg họa phẩm của trường phái ấn tượng, còn những vở kịch xuất sắc của nhà văn như Ba chị em, Vườn anh đào... cho tới nay vẫn là nguồn cảm hứng vô tận với các đạo diễn sân khấu trên toàn thế giới. Phòng số 6 là một kiệt tác của Chekhov. Sau khi đọc tác phẩm này, tiểu thuyết gia Nikolay Leskov nhận xét: "Phòng số 6 chính là nước Nga".


Chekhov luôn tâm niệm, sự cộng hưởng giữa cảm hứng văn học và những hiểu biết về y học có thể mang đến cho nhà văn những sáng tạo đặc biệt. Trong lá thư gửi cho một người bạn, nhà văn viết: "Y học như là người vợ trung thành, còn văn học lại giống một tình nhân nhỏ của tôi. Khi tôi chán "vợ", ban đêm tôi đến với "tình nhân". Mặc dù điều này không xảy ra thường xuyên như một thói quen nhưng nó giúp tôi giũ bỏ sự nhàm chán và "vợ" cũng như "tình nhân", không ai quá sức chịu đựng vì sự bội phản của tôi". Nhờ tài năng văn học và những hiểu biết về y học, Chekhov đã để lại cho nhân loại những truyện ngắn và những vở kịch xuất sắc.


Điều trớ trêu là người thày thuốc nhân từ của hàng nghìn người nghèo đã qua đời vì bệnh lao phổi khi chỉ mới 44 tuổi. Ông mất tại một khu điều dưỡng ở Đức và được an táng tại Maxcơva.

Là một bác sĩ, một thày thuốc, Chekhov lại đặc biệt trăn trở về những người thày giáo, về sự nghiệp giáo dục: “Anh không biết chứ nông thôn Nga đang rất cần một người giáo viên giỏi, thông minh, có học thức, cần lắm! Ở Nga ta nhất thiết phải đặt người giáo viên vào một hoàn cảnh đặc biệt nào đấy, mà phải làm việc đó cho nhanh, nếu ta hiểu rằng không có một nền giáo dục nhân dân rộng rãi thì nhà nước sẽ sụp đổ như một ngôi nhà làm bằng gạch nung chưa chín! Người thày giáo phải là một nghệ sĩ, một nhà nghệ thuật nhiệt thành yêu mến công việc của mình, thế mà ở ta người thầy giáo lại là một thứ lao công, học hành thì lỡ dở, đi về nông thôn dạy học mà miễn cưỡng như đi đày. Anh ta nghèo đói u uất, luôn luôn lo mất miếng ăn. Thế mà lẽ ra phải làm sao cho người giáo viên có cương vị bậc nhất ở nông thôn... Đừng xúc phạm đến nhân phẩm của anh ta như hiện nay người ta vẫn làm... Không thể nào tưởng tượng được là người ta trả một đồng lương chết đói như vậy cho một người có nhiệm vụ giáo dục nhân dân - anh hiểu chứ? - giáo dục nhân dân chức có phải chuyện vừa đâu!...”1.

Là một nhà văn, trong sáng tác của mình Chekhov cũng đặc biệt quan tâm đến nghề giáo, đến nhà trường. Trong truyện ngắn Người thầy Chekhov miêu tả những trăn trở của ông giáo già Pheđor Sysoev, bất chấp sự bàng quan, “thói công chức” của những người xung quanh, khi lâm bệnh nặng vẫn băn khoăn về những lỗi chính tả trong bài thi của một cậu học sinh. Trong truyện Trên xe Chekhov bày tỏ sự đồng cảm với thân phận của một cô giáo chôn vùi tuổi thanh xuân và hạnh phúc cá nhân của mình ở một vùng nông thôn heo hút. Chekhov đau xót cùng người giáo viên trung học Burkin, người bác sĩ thú y Ivan Ivanych về “cuộc sống trong bao” của những người giáo viên - công chức như Belicov (Người trong bao). Chekhov tái hiện một cách tinh tế những băn khoăn, day dứt, sự bừng tỉnh nhận thức về cuộc sống “tầm thường, ti tiện” xung quanh mình và trong chính bản thân mình của người giáo sư công huân danh tiếng Nicolai Stepanovich khi bệnh tật và tuổi già đang đến (Câu chuyện buồn tẻ), hay sự bức bối của người thày giáo dạy văn trẻ tuổi Nikitin trong cái gọi là “hạnh phúc gia đình” nhỏ hẹp và tầm thường: “Còn có gì đáng sợ hơn, đê nhục hơn, buồn chán hơn cái tầm thường” (Thày giáo dạy văn).

Trong sáng tác của Chekhov, những người thầy không được lý tưởng hóa. Họ là những con người bình thường với những băn khoăn trăn trở trong “bi kịch đời thường”, với khát vọng thoát ra khỏi sự bức bối của “cuộc sống trong bao”, hướng tới tinh thần tự do. Chekhov xây dựng một mô hình cuộc sống không mang tính giáo điều, tư biện, trong đó cả những người thầy cũng phải gắng sức “vắt từng giọt nô lệ” từ chính bản thân mình để thực sự trở thành con người như một sinh thể tự do, có ý thức.

Chekhov trăn trở về một nền giáo dục mất tự do, gò ép trong thực tại đời thường mờ xám và mơ ước về một nền giáo dục khác, một nền giáo dục trong tương lai khi “Trên phố chúng ta sẽ có ngày hội!”, khi “vườn anh đào” của một cuộc sống mới “nở hoa”. “Vĩnh biệt cuộc sống cũ, xin chào cuộc sống mới!” - Sáng tác của Chekhov là lời giã biệt chua xót với quá khứ và hiện tại, đồng thời cũng là tiếng gọi của tương lai.

Với gần 600 truyện ngắn và truyện vừa, trong đó có những tác phẩm như Thảo nguyên, Phòng số 6, Một chuyện đùa nhỏ, Người trong bao, Khóm phúc bồn tử, Nỗi buồn, Thầy giáo dạy văn, Câu chuyện buồn tẻ, Người đàn bà có con chó nhỏ, Sinh viên... Chekhov khẳng định vị trí của mình như một “ông thánh truyện ngắn” trong văn học thế giới. Với những vở kịch như Ivanôp, Hải âu, Cậu Vanhia, Ba chị em, Vườn anh đào, Chekhov được liệt vào hàng những nhà cách tân sân khấu vĩ đại, những người đặt nền móng cho sân khấu kịch tâm lý hiện đại. Đánh giá cao đóng góp của Chekhov như một danh nhân văn hóa thế giới, tổ chức UNESCO đã tuyên bố năm kỷ niệm ngày mất của nhà văn, năm 2004, là “Năm Chekhov”.

Các tác phẩm của Chekhov bắt đầu được dịch và giới thiệu ở Việt Nam từ đầu những năm 40 của thế kỷ 20. Chekhov nhanh chóng chiếm một vị trí quan trọng trong trái tim của độc giả Việt Nam. Tác phẩm của Chekhov được đưa vào chương trình phổ thông trung học Việt Nam từ những năm 1990. Trong chương trình Ngữ Văn lớp 11 phổ thông trung học (hiện nay đang thí điểm cải cách) tác phẩm Người trong bao của Chekhov chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trong số các tác phẩm văn học nước ngoài ở trường phổ thông.

***





Nguồn: The American Journal of Psychiatry
<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.12.2006 12:04:14 bởi TTL >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9