(url) Mikhail Aleksandrovich Solokhov (1905-1984) và Sông Đông êm đềm
nguyễn quốc việt 07.01.2006 02:56:08 (permalink)
Mikhail Aleksandrovich Sholokhov (1905-84), và Sông Đông êm
đềm



[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/2452/14D132377CAA43C58FD04949E67A566D.jpg[/image]

Sinh ngày 24/5/1905, con một nông dân Côdăc, chưa học xong tiểu học, M. Solokhov đã bị cuốn vào cuộc cách mạng và nội chiến của đất nước hồi đầu thế kỷ 20. Cái tên M. Solokhov xuất hiện lần đầu tiên trên báo dưới một bài phóng sự năm 1923 và truyện ngắn đầu tay của ông thì được in ra năm 1924. Bộ tiểu thuyết Sông Đông êm đềm ông bắt đầu viết năm 1928 và hoàn thành năm 1940. Năm 1932, Solokhov vào Đảng Cộng Sản Liên Xô (cũ). Năm 1937, ông được bầu làm đại biểu Xô viết tối cao và năm 1939 trở thành viện sĩ. Năm 1941, ông được trao giải thưởng Stalin hạng nhất cho bộ Sông Đông êm đềm và cũng chính tác phẩm này đã đem lại cho ông giải Nobel văn học năm 1965 với lời tuyên dương ông "đã diễn tả được một giai đoạn lịch sử trong cuộc sống của nhân dân Nga bằng sức mạnh nghệ thuật toàn vẹn trong bộ sử thi về Sông Đông". Thời kỳ chiến tranh vệ quốc (1941-1945), M. Solokhov là phóng viên mặt trận. Đầu những năm 1960, bộ tiểu thuyết Đất vỡ hoang của ông được giải thưởng Lenin.



Solokhov và bộ tiểu thuyết vĩ đại Sông Đông êm đềm của ông là tượng đài của văn học Xô viết. Gần như suốt cuộc đời mình, ông sống tại vùng quê sông Đông và chính cuộc sống và con người nơi đây đã cho ông chất liệu và cảm hứng để viết nên tác phẩm lớn lao này. Đó là câu chuyện về số phận con người trong sự biến động của lịch sử, là "nghịch lý Grigory Melekhov" khi nhân vật này lẽ ra gia nhập Hồng quân nhưng rồi lại đứng về phe Bạch vệ. Điều gì đã xảy ra? M.Solokhov lấy sự thật lịch sử làm chân lý nghệ thuật. Nhưng tác phẩm này cũng có số phận trắc trở. Nhà văn cùng quê Sông Đông A.S. Serafimovich đã cho đăng từng phần Sông Đông êm đềm trên tạp chí Tháng Mười do ông làm tổng biên tập và khi cuốn đầu ra thành sách, ông đã viết bài ca ngợi đang trên báo Sự Thật. Nhưng cũng ngay thời đó, Solokhov đã bị tiếng "đạo văn" vì người ta thật khó tin một nhà văn trẻ mới ngoài 20 tuổi học vấn ít ỏi lại có thể viết được một tác phẩm tầm cỡ đến vậy. Người ta cho là ông đã lấy cắp bản thảo của một sĩ quan Côdăc nào đó hoặc là của nhà văn Fedor Kriukov. Mặc tiếng thị phi, Solokhov tiếp tục viết cuốn thứ ba mô tả cuộc nổi dậy của những người Côdăc chống lại sự bạo hành của chính quyền mới.

Nhưng việc in ấn từng phần của tập này bị ách lại, tác giả bị buộc tội "theo thiên hướng Culăc". M. Gorky và A. Fadeev, những người nắm trọng trách văn học Xô viết hồi ấy, không ủng hộ nhà văn trẻ. Khi đó một cuộc gặp gỡ tình cờ với Stalin đã "bảo chứng" cho Solokhov. Bộ tiểu thuyết lại được in và từ đó trở đi không còn bị sửa chữa, biên tập nữa. Hơn thế, năm 1935, khi in lại cả ba tập, Solokhov đã lấy lại đúng bản viết ban đầu mà những năm 1920, ông đã phải sửa chữa theo kiểm duyệt. Tập bốn Sông Đông êm đềm, tập cuối cùng lại khiến độc giả bất ngờ khi Melekhov trở thành nạn nhân của quyền lực dân ủy và đã nổi lên chống lại cách mạng. Một lần nữa sự can thiệp của Stalin đã cứu nhà văn. Có thể nói, Solokhov là một nhà văn được Stalin rất sủng ái, ở quê nhà ông sống sung túc, có cả đàn súc vật, ở Mátxcơva, ông có căn hộ rộng lớn đầy đủ tiện nghi, đi về có máy bay riêng. Về mặt con người xã hội, Solokhov là một người cứng rắn, lạnh lùng, cả với các đồng nghiệp.


Nhưng bất chấp mọi điều, nếu xét tư cách nhà văn ở tác phẩm thì Solokhov là thực sự vĩ đại và đáng kính nể với tác phẩm Sông Đông êm đềm. Nhà văn Brazil Jorge Amado cho rằng nền văn học Xô viết chỉ có Sông Đông êm đềm là có thể sánh ngang với Chiến tranh và hòa bình. Có thể không thích, không ưa cá nhân ông nhưng không thể không thừa nhận tác phẩm của ông là vĩ đại. Đó là cuốn sách phải đọc khi muốn hiểu về nước Nga thế kỷ 20. Về sự lựa chọn của cá nhân giữa dòng xoáy lịch sử, về thân phận con người trong biến động và xáo trộn thời gian. Và cùng với thời gian, "nghi án" quyền tác giả của Solokhov đối với Sông Đông êm đềm cũng đã được giải tỏa. Bằng những phương tiện kỹ thuật hiện đại, các nhà khoa học đã chứng minh được nét chữ của Solokhov trên những bản thảo đầu tiên. M. Solokhov đúng là tác giả của Sông Đông êm đềm.


Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh M. Solokhov được tổ chức rộng rãi ở nước Nga. Tại quê hương ông, nơi ngôi nhà ông sống nay thành viện bảo tàng, diễn ra "mùa xuân Solokhov", một lễ hội văn hóa thường niên đã hai chục năm qua, nhưng năm nay có nhiều hoạt động phong phú hơn. Tại các trường học, học sinh được tổ chức viết bài thi bình luận về các tác phẩm của Solokhov. Nhiều buổi chiếu phim, hội thảo về ông được tổ chức trong đó có giá trị và tầm vóc của Sông Đông êm đềm lại được phân tích và khẳng định sâu sắc thêm.


Hôm nay, sông Đông vẫn còn đó, và M.Solokhov khi dùng tính từ "êm đềm" đặt bên con sông quê hương có ngụ ý chăng mọi lớp sóng lịch sử tan đi để lại gì cho con người?

Nguồn: Thể thao & Văn hóa
<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.12.2006 11:59:46 bởi TTL >
#1
    tieuboingoan 19.02.2007 14:17:03 (permalink)



    Huyền thoại về tác giả Sông Đông êm đềm

     










    Những hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Nga được giải Nobel Mikhail Sholokhov đă bắt đầu khởi sắc ở đất nước của ông. Tại buổi hội thảo ngày 28- 5 năm 2004, cuộc tranh luận về cuộc đời và tác phẩm huyền thoại của ông vẫn còn nhiều dấu hỏi.
    Ngay cả ngày tháng năm sinh của ông cũng có nhiều ý kiến. Năm sinh chính thức được công bố của ông là 1905 nhưng nhiều học giả cho rằng ông sinh ra trước đó từ một đến 10 năm. Thêm vào đó nhiều ý kiến cho rằng tác phẩm bất hủ Sông Đông êm đềm, được đăng thành 4 tập từ 1928 đến 1940, cũng do ông “ ăn cắp”. Họ nói ông không đáng được hưởng thành công của cuốn sách, mang lại cho ông giải Nobel vào năm 1965. Tiểu thuyết miêu tả mối tình của sĩ quan cô dắc Grigory Melekhov trong cuộc nội chiến cũng như đời sống của những người cô dắc vùng Sông Đông. Tuy nhiên, sau khi tiểu thuyết được xuất bản, sức sáng tạo của Sholokhov trở nên mờ nhạt, khi ông viết những tác phẩm về hiện thực xã hội chủ nghĩa như truyện ngắn Số phận con người năm 1956. Ông là khuôn mặt nổi bật trong nền văn học Xô Viết, ủng hộ hết lòng đường lối của ĐCS Liên Xô. Năm 1959, ông tháp tùng Nikita Khruschev đi Châu Âu và đi Mỹ. Năm 1961 ông được bầu vào BCH TƯ ĐCS Liên Xô.
    Mặc dù bầu không khí văn học ở Nga đă cởi mở hơn, những ý kiến về Sholokhov vẫn bị chia rẽ hơn bao giờ hết. Buổi hội thảo đă thu hút nhiều sử gia và nhà báo từ nhà sử học chống Sholokhov Roy Medvedev đến nhà báo và nhà phê bình văn học Lev Kolodny, người đã xuất bản 2 cuốn sách bảo vệ sự nghiệp của nhà văn.
    Những lời phê bình cuốn sách không phải của Sholokhov ngày càng tăng. Theo ông Kolodny, những nghi ngờ này dựa trên sự việc: năm 1974, một tờ phướn không có tác giả ủng hộ giả thuyết lan truyền trong dân chúng là Sông Đông êm đềm do một nhà văn người Cô dắc và sĩ quan Bạch Vệ Fyodor Kryukov viết. Chính nhà văn Alexander Solzhenitsyn viết lời nói đầu nên tờ phướn nhanh chóng nhận được sự ủng hộ ở khắp nơi. Kolodny phát biểu tại hội thảo: ”Tờ phướn này chỉ là giả thuyết không có cơ sở. Chính lời giới thiệu của Solzhenitsyn và những bức ảnh của gia đình Kryukov đă có tác động tâm lý lớn”.
    Tại hội thảo, Medvedev đă nói lên những nỗi ngờ vực về quyền tác giả của Sholokhov năm 1977 khi xuất bản cuốn sách: ”Những vấn đề trong tiểu sử văn học của Mikhail Sholokhov” ở Phương Tây. Ông lại nhắc lại mối nghi ngờ này khi nhấn mạnh một tác giả trẻ như Sholokhov (khi viết tiểu thuyết, ông mới 22 tuổi) không thể sáng tạo được một tác phẩm già dặn như vậy. Ông phát biểu: ”Thật khó tin một thanh niên trẻ, không được học hành như vậy lại viết được một cuốn tiểu thuyết hay nhất của Nga trong thế kỷ 20. Ngay bạn thân của ông cũng khó tin nữa là”. Tuy nhiên ông cũng thừa nhận cuốn sách của ông xuất bản năm 1977 ít công phu, và được xuất bản chỉ để lên án việc KGB đă gây sức ép cho ông và giả mạo những hồ sơ vì những hoạt động bất đồng chính kiến của ông.
    Nhà báo lão thành Kolodny lên tiếng ủng hộ Sholokhov mạnh mẽ. Ông nói những bản copy được tìm thấy cho thấy Sholokhov chính là tác giả của cuốn tiểu thuyết. Ông nói: ”Bản thảo bị mất khiến cho nghiên cứu về Sholokhov gặp khó khăn. Những bản thảo tôi có chứng tỏ Sholokhov đă viết cuốn tiểu thuyết. Nhiều bản nháp cho thấy ông không thể ăn cướp từ đâu cả. Ông có một trí nhớ thần kỳ, vốn ngôn ngữ phong phú từ trong máu. Không ai có thể làm giả như vậy được”. Kolodny đă xuất bản hai cuốn sách nhan đề Ai viết Sông Đông êm đềm và Tôi đă tìm thấy Sông Đông êm đềm như thế nào.
    Đài truyền hình Chanel One của Nga đang chiếu một bộ phim tài liệu hai phần nhan đề “Nhà văn và nhà lãnh đạo” về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn. Đạo diễn phim Vladimir Meletin cho biết mặc dù bộ phim được làm theo đơn đặt thàng của đài truyền hình do nhà nước quản lý nhưng ông đă nhanh chóng bị hấp dẫn bởi những bất cập trong nghề nghiệp của Sholokhov. Hãng Chanel One đã làm bộ phim “Những bí ẩn của Sông Đông êm đềm” và  đem ra chiếu đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn vào năm 2005.
    #2
      tieuboingoan 19.02.2007 14:20:30 (permalink)
      Và đây, những nhận xét khác nhau...

      "Một con đại bàng non bất thần vẫy lên đôi cánh mênh mông...Sôlôkhôp vụt cái bay lên đến trời khiến mọi người đều phải trông thấy".
      Xêraphimôvit

      "Tôi coi con Sông Đông êm đềm là tác phẩm nghệ thuật xuất sắc nhất của chúng ta".
      M.I.Calinhin

      "Sông Đông êm đềm" đứng ở một trình độ cao mà vị tất một tác phẩm nào khác trong nền văn học Xô Viết có thể đạt tới trong khoảng hai mươi năm nay"
      Alêchxây Tônxtôi

      Sông Đông êm đềm "nêu hình ảnh Nội chiến được rộng rãi, chân thực và tài tình nhất"
      MaximGoocki

      "Mikhain Sôlôkhôp là nhà văn nước ngoài đầu tiên có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống văn hoá ở nước Anh".
      Giêch Linxây
      #3
        tieuboingoan 19.02.2007 14:22:38 (permalink)
        Để sông Đông muôn thuở êm đềm

        M. Sholokhov đã nhiều phen lận đận trong cuộc đấu tranh khôi phục thanh danh, chống lại những kẻ vu cáo ông “đạo văn” khi viết “Sông Đông êm đềm”, tác phẩm đã mang lại cho ông giải Nobel về văn học năm 1966.



        Bắt đầu từ tin đồn ác ý
        Trả lời câu hỏi này, có lần M. Sholokhov nói đùa: “Quá đơn giản, có một người đàn ông đi (shol) và kêu ối a (okhat”- thế là thành họ Sholokhov. Nếu nói nghiêm túc hơn, ngày xưa có một cái họ rất cổ là Sholok...
        Ngay từ khi “Sông Đông êm đềm” mới ra đời, những kẻ ác ý đã tung tin đồn rằng, đây là bộ tiểu thuyết của một nhà văn khác, chứ không phải của M. Sholokhov. Điều này đã xúc phạm ghê gớm tới nhà văn và càng làm ông tăng thêm quyết tâm chứng minh tài năng của mình. Tháng 3-1929, M. Sholokhov (khi ấy mới 24 tuổi) viết thư từ Matxcơva về cho người vợ trẻ: “Marusenok thân yêu, em đã nói đúng hàng nghìn lần, thật không dễ mau rời khỏi Matxcơva. Anh kể thứ tự cho em mọi chuyện. Em có lẽ không thể tưởng tượng được lời vu khống đó về anh đã lan truyền rộng tới đâu! Chỗ nào người ta cũng nói tới nó, cả trong lần ngoài làng văn, cả ở Matxcơva lẫn dưới tỉnh lẻ. Hôm qua, đồng chí Stalin cũng hỏi chuyện này... Rồi họ còn đồn anh là Bạch vệ, là điệp viên...
        Anh đã bị khủng bố, hành hạ một cách có bài bản. Kết quả là anh phải mất ăn, mất ngủ, chẳng làm được việc gì. Nhưng lòng anh vẫn hứng khởi và anh sẽ chiến đấu tới cùng.
        Mấy tay thợ viết của nhóm “Kuznitsa” như Berezovsky, Nikiforov, Gladkov, Malyshkin, Sannikov,...với tâm hồn hèn hạ của chúng đã tung đi tin đồn đó, thậm chí còn trắng trợn đăng đàn về việc này... Chúng thật khốn nạn và ngay cả tấm thể đảng cũng không làm sạch nổi tâm hồn con buôn bẩn thỉu của chúng.
        Nhưng rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đấy. Ngày mai báo sẽ đăng lời bác bỏ những tin đồn đó”.
        Số là một uỷ ban đặc biệt đã được lập ra để nghiên cứu tiểu thuyết “Sông Đông êm đềm” và những truyện ngắn đầu tay của M. Sholokhov. Và các chuyên gia đã kết luận: Tin đồn không có căn cứ, M. Sholokhov rất thống nhất văn phong trong mọi tác phẩm của mình. Tuy nhiên, suốt 70 năm sau đó, những tin đồn đó vẫn tiếp tục được lan truyền: Bọn vu cáo lợi dụng việc Sholokhov đã đánh mất bản thảo ban đầu của “Sông Đông êm đềm” để nghi ngờ quyền tác giả của ông. Mãi cho tới năm 1999, mọi sự mới đâu vào đấy: Viện Văn học thế giới Nga ở Matxcơva đã tìm thấy tập bản thảo “Sông Đông êm đềm” đầu tiên với nét bút của M. Sholokhov.

        Stalin đã bảo vệ nhà văn chân chính
        Dù trên cương vị chính trị gia có thể bính đánh giá theo những góc độ khác nhau, nhưng lãnh tụ Xôviết Yosif Stalin luôn được biết tới như một người có tầm và có tâm trong các vấn đề văn hoá. Ông đã ra tay giúp M. Sholokhov trong giai đoạn khó khăn của nhà văn. Về sau, M. Sholokhov kể lại:
        “Tại toà soạn tạp chí “Tháng 10” người ta dừng không in tập tiếp theo của “Sông Đông êm đềm”. Họ ngại những tin đồn. Làm gì bây giờ? Tôi cứ loạn cả lên, chẳng biết nhờ ai giúp... Đành phải mang bản thảo đến Gorky. Sau một thời gian có điện thoại: “Ngày này ngày kia tới. Sẽ có người quyết định số phận của anh. Sẽ nói chuyện trong bữa ăn trưa”. Tôi rất sợ rằng đồng chí Stalin không thích những nhân vật mà tôi cho là có lỗi trong việc chống culắc. Mà chính từ chuyện đó đã bắt đầu bộ tiểu thuyết.
        Đúng hẹn, tôi tới nhà Gorky...Tất cả cùng ngồi. Gorky im lặng là chính, hút thuốc mù mịt... Stalin ra câu hỏi cho tôi: “Tại sao lại viết về viên tướng Kornilov mềm như vậy?” Tôi trả lời, hình ảnh và hành động của viên tướng Kornilov được tôi miêu tả không nương tay, nhưng thực sự tôi đã dựng nên nhân vật này như một người đã được giáo dục bởi đạo đức, danh dự và dũng cảm của một sĩ quan. Ông ta đã chạy khỏi trại tù binh. Ông ta đã yêu Tổ quốc... Stalin kêu lên: “Sao, thế là danh dự à? Ông ta chống lại nhân dân! Một rừng giá treo cổ và một biển máu!” Tôi phải nói rằng, lập luận này đã thuyết phục tôi. Về sau tôi đã điều chỉnh theo hướng đó”.
        M. Sholokhov kể tiếp: “Stalin ra câu hỏi mới: “Lấy ở đâu ra việc thái quá của Bộ Chínhtrị sông Đông của Đảng và Uỷ ban cách mạng?” (Đây chính là chủ đề chống Culắc). Tôi đáp, mọi việc đã được viết ra rất trung thực theo tài liệu lưu trữ. Nhưng các nhà làm sử đã tránh đi sự việc này và đã kể chuyện nội chiến không giống như sự thật cuộc đời... Cuối cuộc gặp, Stalin chậm rãi nói: “Một số người cho rằng bộ tiểu thuyết này sẽ làm vui những kẻ thù của chúng ta, bọn Bạch vệ đang sống lưu vong ở nước ngoài...”. Rồi ông hỏi tôi và Gorky: “Hai đồng chí nói gì về chuyện này?” Gorky trả lời: “Bọn chúng thì ngay cả những cái tốt đẹp, hay ho nhất cũng có thể bóp méo đi mà chống lại chính quyền Xôviết”. Tôi cũng đáp: “Đối với bọn Bạch vệ thì ít có điều tốt trong tiểu thuyết này. Chẳng gì thì tôi cũng đã miêu tả sự thất bại hoàn toàn của chúng ở vùng sông Đông và Kuban”. Khi ấy, Stalin mới nói: “Đúng, tôi đồng ý. Việc miêu tả các sự kiện trong tập ba của “Sông Đông êm đềm” hữu ích cho chúng ta, cho cách mạng”. Rồi ông hứa là sách sẽ được in... Mọi sự về sau diễn ra đúng như lời ông hứa.


        Hồng Thanh Quang
        Báo CAND, số 66 (1/6/2004)

        #4
          tieuboingoan 19.02.2007 14:26:40 (permalink)

          Hiện tượng Sôlôkhốp từ góc nhìn mới


          Cho đến nay, người ta vẫn còn ngạc nhiên về sự xuất hiện của “bộ anh hùng ca bi thảm” Sông Đông êm đềm của Sôlôkhốp, “con đại bàng non bất thần vẫy lên đôi cánh mênh mông”.
          Mikhail Alexandrovitch Sôlôkhốp (1905 - 1984) thuộc nhóm không nhiều những nhà văn mà khi nhắc đến, người ta không cần nói nhiều hay không nói về những phẩm chất thiết yếu của một ngòi bút bậc thầy như tình yêu văn chương, sự trau dồi nghề nghiệp, say mê và nỗ lực lao động, tinh thần vượt khó…
          Thoạt nhìn, ông là người ít học, nhất là về nghề văn. Sau bốn năm cấp một ở trường làng, ông tham gia nội chiến, với đủ công việc như liên lạc, vận tải. Nội chiến kết thúc, ông lên Matxcơva năm 1922. Tại đây, ông kiếm sống bằng việc chuyển thuê hàng trên những cung đường không xa và lao động phổ thông.
          Những truyện ngắn đầu tiên của ông được đăng trên một số báo và tạp chí thủ đô, ngay năm 1923. Không lâu sau, những truyện ấy được xuất bản thành hai tập Truyện sông Đông và Đồng cỏ xanh lam (1926).
          Trước khi hai tập này ra đời, ông đã về làng quê Véchenskaia và quyết định sống vĩnh viễn ở làng. Chính tại miền quê sông Đông, ông vừa sống cuộc đời lam lũ bình thường như bao người dân cô dắc vừa bắt tay viết (từ 1925) bộ tiểu thuyết vĩ đại Sông Đông êm đềm (1928 - 1940), gồm 4 tập.
          Cho đến nay, người ta vẫn còn ngạc nhiên về sự xuất hiện của “bộ anh hùng ca bi thảm” ấy và của Sôlôkhốp, “con đại bàng non bất thần vẫy lên đôi cánh mênh mông”.
          Căn cứ vào số đầu sách, nhà văn Xô viết này viết quả rất ít, ấn tượng những tác phẩm về sau cũng không sâu và không bền, trừ "Số phận một con người" (1956 - 1957). Bộ tiểu thuyết thứ hai của Sôlôkhốp là Đất vỡ hoang, gồm hai tập, dung lượng chỉ bằng nửa Sông Đông êm đềm.
          Tập I ra mắt công chúng năm 1931. Nhưng tập II mãi năm 1959 mới xuất hiện, và được tặng Giải Lênin năm 1960. Cũng năm 1959, Sôlôkhốp bắt đầu bộ tiểu thuyết thứ ba, Họ đã chiến đấu vì tổ quốc, song thỉnh thoảng mới in “trích đoạn”, gần như bỏ lửng nó suốt hai mươi năm, để nó trở thành một “quyển truyện dở dang”.
          Trong lúc "Họ đã chiến đấu vì tổ quốc" và "Đất vỡ hoang" mất dần độc giả, "Số phận một con người" lại mỗi lúc một thượng phong. Gần đây, truyện ngắn này được đưa vào giảng dạy ở nhà trường như một tác phẩm kinh điển.
          Đúng thôi, nó mới là cái tạng của Sôlôkhốp. Nó phát ngôn thật hùng hồn cho hàng triệu người lính và dân thường trên khắp hành tinh đã ngã gục hay chịu tổn thương, mất mát trong chiến tranh, những trái tim thực sự cao thượng mà không tội ác hay sự tàn bạo nào khuất phục được.
          Nó như một bổ sung cần thiết cho "Sông Đông êm đềm" mà nhân vật trung tâm là nhân dân lao động, hiện thân qua chàng trai cô dắc Grigori. Thân phận Grigori chỉ lộ ra trong cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn. Chàng mang lại bất hạnh cho những người yêu thương mình nhất. Chàng ngả nghiêng giữa Hồng quân và Bạch quân. Cuối cùng, chàng đơn độc và mất hết, mà vẫn chưa chọn được đường đi. Môi trường sống cho mình như vậy vẫn là một dấu hỏi mà chàng buộc phải có lời đáp.
          Thời gian cho thấy sự đúng đắn của cảm nhận lịch sử ấy, cảm nhận đang rất thời sự hiện nay. Đây là điểm khác và mới cơ bản của "Sông Đông êm đềm" so với "Chiến tranh và hoà bình". Đương nhiên, giá không có "Những người khốn khổ" hay "Chiến tranh và hòa bình", rất có thể không có "Sông Đông êm đềm".
          Cũng như Liev Tolstoi, Sôlôkhốp chú ý đến tác động của xã hội, của lịch sử, của cộng đồng lên cá nhân, cũng rất điêu luyện trong việc thể hiện đan xen các sự kiện xã hội, chính trị hay quân sự cấp quốc gia, với các biến cố gia đình hay cộng đồng, trong sự chăm chút từ các bức tranh toàn cảnh đến số phận một cá nhân, từ một trận đánh khốc liệt đến cuộc sống nơi đồng quê, từ một cuộc đụng độ xóm giềng đổ máu đến một cảnh yêu đương trong rừng …
          Nếu Tolstoi cố gắng đưa vào tác phẩm đời sống của tầng lớp quý tộc càng nhiều càng hay thì Sôlôkhốp cũng làm như vậy đối với đời sống nhân dân lao động, với các thành phần và kiểu người khác nhau, với các cảnh sinh hoạt và lao động thường nhật, với các cuộc họp, ngày lễ, tiệc cưới, đêm vũ…
          Sôlôkhốp không bỏ qua những gì tạo nên đặc sắc của quê hương ông, như câu cá trên sông Đông. Đặc biệt ông cài vào chuyện rất nhiều dân ca tục ngữ. Đây cũng là một nét rất mới so với Chiến tranh và hòa bình. Chất bi kịch của Sông Đông êm đềm cũng đậm hơn. Như Tolstoi, Sôlôkhốp đạt đến đỉnh cao của mọi lĩnh vực, với tư cách một họa sỹ phong cảnh, một nhà tâm lý học, một nhà xã hội học, một người am tường đời sống dân cô dắc, am tường phong tục và văn học dân gian của họ, hơn nữa, một nhà sử học và một triết gia.
          Những tưởng với "Chiến tranh và hòa bình", một báu vật của nước Nga, một kiệt tác hàng đầu của thế giới, thể loại anh hùng ca vĩnh viễn lui vào bảo tàng. Hoá ra, "Sông Đông êm đềm" mở ra một kỷ nguyên mới cho nó.
          Bằng chứng là nhiều nhà văn ở khắp nơi vẫn đang nỗ lực xây dựng những công trình tương tự. Đơn giản là vì ý nguyện ôm trùm càng sâu rộng hiện thực càng tốt của văn chương vẫn tồn tại. Có điều, những công trình bách khoa toàn thư như vậy đòi hỏi những kiến thức, những cố gắng, những tâm huyết khổng lồ.
          Một khác biệt đáng buồn giữa hai bộ tiểu thuyết cần được ghi nhận. Đó là số phận long đong của "Sông Đông êm đềm". Chật vật lắm, Sôlôkhốp mới công bố được tác phẩm. Khi tập I ra mắt, không ít nhà phê bình chê bai thậm tệ, yêu cầu tác giả cắt bỏ nhiều đoạn. Nếu nghe theo họ, Sôlôkhốp chỉ còn giữ lại một phần năm tập truyện.
          May mắn là một số nhà văn danh tiếng như Gorki hay Séraphémovitch, tác giả Suối thép, cương quyết bênh vực nhà văn trẻ tài năng. Đáng ngạc nhiên hơn, J. Staline (1879 - 1953) công khai khen ngợi "Sông Đông êm đềm" và bảo vệ Sôlôkhốp.
          Hơn thế, ngay từ đấy đã lan truyền dai dẳng mối nghi ngờ về việc Sôlôkhốp ăn cắp văn. Nhiều người cho rằng "Sông Đông êm đềm" là của nhà văn đồng hương của Sôlôkhốp, cựu sỹ quan bạch vệ Fioudor Krioukov (1870 - 1920). Ông này không muốn in ấn bất kỳ thứ gì dưới chính quyền Xô viết. Sôlôkhốp tìm được bản thảo "Sông Đông êm đềm" và đem xuất bản dưới tên mình.
          Sau nhiều bài báo lên án vô bằng cớ Sôlôkhốp, năm1974, Văn hào Nga Soljenitsyne, Nobel Văn học 1970, tài trợ và giám sát việc cho ra đời một tập “lật tẩy” Sôlôkhốp của một nhà phê bình vô danh đã quá cố, tên D.
          Theo D, Sôlôkhốp chỉ bổ sung được 5% ở các tập I và II, và 30% ở các tập III và IV của bộ truyện của Krioukov. Rồi năm 1975, xuất hiện ở Paris cuốn "Ai đã viết Sông Đông êm đềm?" của Ray Medvedev. Song, tất cả chỉ là giả thiết và suy diễn.
          Kỳ cục hơn nữa, trong một bộ bách khoa toàn thư cô đúc in bằng tiếng Pháp năm 2000, một học giả ghi rằng “nó (Sông Đông êm đềm) được chính quyền Liên xô đặt hàng để làm mẫu cho chủ nghĩa hiện thực xã hội nghĩa”.
          Thực tế, nó bị phê phán gay gắt, chính ở chỗ nó vi phạm những nguyên tắc của chủ nghĩa này. Tại sao người ta cố tình lờ đi sự thật là ngay khi hai tập truyện ngắn Truyện Sông Đông và Đồng cỏ xanh lam chào đời, công chúng và giới phê bình đều nhận thấy một tài năng không thể phủ nhận với khiếu quan sát tinh tường và nghệ thuật xây dựng hình tượng sắc sảo, qua đó hiện thực được phản chiếu sinh động và chuẩn xác trên tấm gương cuộc đấu tranh giai cấp ác liệt.
          Đi sâu tìm hiểu, các chuyên gia chân chính phát hiện rằng cội nguồn của việc cố tình chối bỏ thiên tài và cống hiến của Sôlôkhốp là tệ phân biệt đẳng cấp và chủng tộc từng giáng lên đầu Alexandre Dumas (1802 - 1870). Mẹ Sôlôkhốp mù chữ, tổ tiên ông là nông nô.
          Xin lưu ý thêm, "Sông Đông êm đềm" qua nhiều bản dịch mang lại cho Sôlôkhốp rất nhiều. Ông là nhà văn duy nhất ở Nga có máy bay và sân bay riêng.
          Sau đại chiến II, ông càng nổi tiếng và thường đăng đàn ở các đại hội Đảng và đại hội nhà văn Liên xô, tại đó ông mạnh mẽ lên án “chủ nghĩa tư bản phương Tây thối nát” và bày tỏ niềm tin sắt son vào chủ nghĩa cộng sản, với câu nói bất hủ thường được dẫn ra: “Tôi chỉ viết theo chỉ thị của trái tim mình, nhưng trái tim tôi lại thuộc về Đảng thân yêu mà tôi nguyện suốt đời phụng sự”.
          Dù vậy, bất chấp quan điểm chính trị của ông, bất chấp vụ bê bối “bản quyền” nói trên, ông vẫn được Viện hàn lâm Thụy điển tặng Nobel văn chương năm 1965. Trong năm người Nga được hưởng vinh dự này cho đến nay, ông là người được đường hoàng nhất.
          Ivan Bounine (1870 - 1953), Nobel đầu tiên cho người Nga (1933), phải sống lưu vong tại Pháp từ 1920. Boris Pasternak (1890 - 1960), Nobel thứ hai (1958), thì buộc phải từ chối nhận giải để được yên thân. Ấy là chưa kể tác phẩm chính, "Bác sỹ Jivago", được in và phổ biến ở nước ngoài rất lâu trước khi được in và phổ biến ở Nga.
          Nobel thứ ba (1970) Alexandre Soljenitsyne (sinh năm 1918) chịu nhiều cay đắng, như tác phẩm bị cấm, tác giả bị bắt bớ, tù tội trước khi bị trục xuất khỏi tổ quốc từ 1974. Mãi 1994, ông mới được trở về.
          Nobel thứ 5 (1987) Joseph Brodsky (1940 - 1996) cũng bị làm tình làm tội trước khi bị trục xuất khỏi Liên Xô năm 1972, sau đó trở thành công dân Mỹ.
          Sôlôkhốp, Nobel thứ tư, suốt đời được trọng vọng đúng với danh nghĩa nhà văn. "Sông Đông êm đềm" tạo nên ngoại lệ duy nhất trong cuộc đối địch Đỏ - Trắng: Cả hai phe, trong và ngoài nước, đều hoan hỉ chào đón một tài năng lớn. Chỉ một tình yêu sâu nặng đối với xứ sở và người lao động quê hương, một quá trình tự học hiệu quả đúng kiểu học của một nghệ sỹ bằng tình yêu ấy, cộng với thiên tài bẩm sinh, mới giải thích được thành công và sức sống của "Sông Đông êm đềm" mà công cuộc chinh phục thế giới vẫn đang tiếp tục …

          Khuất Lệ Lan
          (Theo nhiều tài liệu nước ngoài)


          #5
            tieuboingoan 19.02.2007 14:30:18 (permalink)
            Văn hào Nga M.Sholokhov: Sống để làm chính mình


            Mikhail Sholokhov (1905-1984) là văn hào hàng đầu của chính thể Xôviết. Tác phẩm vĩ đại "Sông Đông êm đềm" của ông từng được nhận giải thưởng Nobel về văn học năm 1965. Tuy nhiên, thuyền to thì sóng cả, chính M. Sholokhov lại bị những kẻ xấu bụng hay thù địch tìm đủ mọi cớ để gièm pha nhất.

            Thế nhưng, bất chấp mọi mưu ma chước quỷ của lũ tiểu nhân, lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông (24/5/005) vẫn được coi là dịp lễ trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nước Nga mới. Ông vẫn là nhà văn Xôviết đã và đang được tìm đọc nhiều nhất trên thế giới và ở Tổ quốc ông.

            Chế độ Xôviết luôn có thiện chí với những danh nhân văn hóa có nhiều đóng góp với sự nghiệp quốc gia. Năm 1980, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô quyết định sẽ tổ chức trọng thể lễ mừng thọ 75 tuổi của Sholokhov và quyết định phong tặng ông danh hiệu Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa lần thứ hai.

            Khi theo thông lệ, bức tượng bán thân của nhà văn hai lần được trở thành anh hùng đã hoàn thành, người ta tới hỏi ông: Bây giờ nên trồng cây hoa gì dưới chân tượng? Sholokhov đã mỉm cười hóm hỉnh: Ngải cứu! (Trong tiếng Nga có câu thành ngữ "Đắng như ngải cứu"). Đời kẻ sĩ, ở đâu và ở thời nào chẳng đau nỗi niềm nhân thế tới cay đắng như ngải cứu. Đất nước còn một người buồn thì ta còn trăn trở. Thế gian còn một cảnh bất công thì ta còn cảm thấy mình chưa làm tròn nghĩa vụ!

            Kêu hoài không thấu

            Ngay cái họ của mình, Sholokhov cũng có cách giải thích riêng vừa hóm hỉnh, vừa đúng tư chất thiên phú. Có lần ông đã nói đùa: "Cái họ Sholokhov của tôi ý nghĩa đơn giản lắm. Có một người đàn ông đi (shiol) và kêu ối a (okhat) - thế là thành họ Sholokhov - người vừa đi vừa kêu. Nếu nói nghiêm túc hơn, ngày xưa có một cái họ rất cổ là Sholok...". Thực hư thế nào không ai rõ nhưng qua cuộc đời của ông, có thể hiểu được thiên mệnh của văn hào: Sống và nói to lên những nỗi niềm đau đớn của nhân quần, dù không phải lúc nào cũng là đúng lúc và đúng chỗ.

            Bộ tiểu thuyết bất hủ của ông - "Sông Đông êm đềm" nhìn từ một góc độ nào đó cũng có ý nghĩa như một tiếng kêu to trên đường đời máu lửa về những nỗi đoạn trường mà các dân tộc sống trên vùng lãnh thổ Xôviết mênh mông, nhất là ở vùng sông Đông quê hương ông, đã buộc phải trải qua.

            "Sông Đông êm đềm" chung cuộc đã mang lại cho ông vòng nguyệt quế vĩnh hằng nhưng cũng là duyên cớ để những kẻ tà tâm châm chích ông. Ngay từ khi "Sông Đông êm đềm" mới ra đời, những kẻ ác ý đã tung tin đồn rằng, đây là bộ tiểu thuyết của một nhà văn khác, chứ không phải của M. Sholokhov. Điều này đã xúc phạm ghê gớm tới nhà văn và càng làm ông tăng thêm quyết tâm chứng minh tài năng của mình.

            Một ủy ban đặc biệt đã được lập ra để nghiên cứu tiểu thuyết "Sông Đông êm đềm" và những truyện ngắn đầu tay của M. Sholokhov. Và các chuyên gia đã kết luận: Tin đồn không có căn cứ, M. Sholokhov rất thống nhất văn phong trong mọi tác phẩm của mình. Tuy nhiên, suốt 70 năm sau, những tin đồn đó vẫn tiếp tục được lan truyền, bọn vu cáo lợi dụng việc M. Sholokhov đã đánh mất bản thảo ban đầu của "Sông Đông êm đềm" để nghi ngờ quyền tác giả của ông. Mãi cho tới năm 1999, mọi sự mới đâu vào đấy: Viện Văn học thế giới Nga ở Moskva đã tìm thấy tập bản thảo "Sông Đông êm đềm" đầu tiên với nét bút của M. Sholokhov.

            Đảng có "mắt xanh"

            Dù trên cương vị chính trị gia có thể bị đánh giá theo những góc độ khác nhau, nhưng lãnh tụ Xôviết Yosif Stalin luôn được biết tới như một người có tâm và tầm trong các vấn đề văn hóa. Và ông đã ra tay giúp M. Sholokhov trong giai đoạn khó khăn của nhà văn. Về sau, M. Sholokhov kể:

            "Tại tòa soạn tạp chí "Tháng 10" người ta dừng in tập tiếp theo của "Sông Đông êm đềm". Họ ngại những tin đồn. Làm gì bây giờ? Tôi cứ loạn cả lên, chẳng biết nhờ ai giúp... Đành phải mang bản thảo đến Maxim Gorky. Sau một thời gian có điện thoại: "Ngày này ngày kia tới. Sẽ có đồng chí Stalin. Đấy mới là người quyết định số phận của anh. Sẽ nói chuyện trong bữa ăn trưa". Tôi rất sợ rằng đồng chí Y. Stalin không thích những nhân vật mà tôi cho là có lỗi trong việc chống culắc. Mà chính từ chuyện đó đã bắt đầu bộ tiểu thuyết.

            Đúng hẹn, tôi tới nhà Gorky... Tất cả cùng ngồi. Gorky im lặng là chính, hút thuốc mù mịt... Stalin ra câu hỏi cho tôi: "Tại sao lại viết về viên tướng Kornilov mềm như vậy?". Tôi trả lời, hình ảnh và hành động của viên tướng Kornilov được tôi miêu tả không nương tay, nhưng thực sự tôi đã dựng nên nhân vật này như một người đã được giáo dục bởi đạo đức danh dự và dũng cảm của một sĩ quan. Ông ta đã chạy khỏi trại tù binh. Ông ta đã yêu Tổ quốc... Stalin kêu lên: "Sao, thế là danh dự? Ông ta chống lại nhân dân! Một rừng giá treo cổ và một biển máu!". Tôi phải nói rằng, lập luận này đã thuyết phục tôi. Về sau tôi đã điều chỉnh theo hướng đó".

            M. Sholokhov kể tiếp: "Stalin ra câu hỏi mới: "Lấy ở đâu ra việc thái quá của Bộ Chính trị sông Đông của Đảng và Ủy ban Cách mạng?" (Đây chính là chủ đề chống culắc). Tôi đáp, mọi việc đã được viết ra rất trung thực theo tài liệu lưu trữ. Nhưng các nhà làm sử đã tránh đi những sự việc này và đã kể chuyện Nội chiến không giống như sự thật cuộc đời...

            Cuối cuộc gặp, Stalin chậm rãi nói: "Một số người cho rằng bộ tiểu thuyết này sẽ làm vui những kẻ thù của chúng ta, bọn Bạch vệ đang sống lưu vong ở nước ngoài...". Rồi ông hỏi tôi và Gorky: "Hai đồng chí nói gì về chuyện này?". Gorky trả lời: "Bọn chúng thì ngay cả những cái tốt đẹp, hay ho nhất cũng có thể bóp méo đi mà chống lại chính quyền Xôviết". Tôi cũng đáp: "Đối với bọn Bạch vệ thì ít có điều tốt trong tiểu thuyết này. Chẳng gì thì tôi cũng đã miêu tả sự thất bại hoàn toàn của chúng ở vùng sông Đông và Kuban". Khi ấy, Stalin mới nói: "Đúng, tôi đồng ý. Việc miêu tả các sự kiện trong tập ba của "Sông Đông êm đềm" hữu ích cho chúng ta, cho cách mạng". Rồi ông hứa là sách sẽ được in...

            Y. Stalin đã xử sự đúng như một người quân tử. Với kẻ thù, dù ta có làm gì thì bọn chúng cũng có thể "bới lông tìm vết". Còn với những người có thiện chí, dù không hẳn đứng về phía ta, nếu ta có cách diễn giải tài hoa như M. Sholokhov đã làm thì họ cuối cùng sẽ hiểu đúng ta. Việc "Sông Đông êm đềm" được trao giải thưởng Nobel về văn học năm 1965 há chẳng phải là minh chứng cho nhận xét này sao?!

            http://antgct.cand.com.vn/vi-VN/nhanvat/2005/6/49989.cand
            #6
              tieuboingoan 19.02.2007 14:35:57 (permalink)

              "Sông Đông êm đềm" một thời sóng gió


              Đã không ít lần người ta đặt vấn đề về quyền tác giả của Mikhail Sholokhov đối với bộ tiểu thuyết sử thi vĩ đại Sông Đông êm đềm. Để bạn đọc có một cái nhìn chân xác về vấn đề này, xin giới thiệu bài viết của nhà văn, viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Nga Feliks Kuznetsov, tác giả cuốn “Sông Đông êm đềm: Số phận và sự thật của cuốn tiểu thuyết vĩ đại”, đăng trên báo “Nhà văn Nga” số 6/2005.

              http://www.cand.com.vn/Uploaded_CAND/dungbt/34-nhavan19.jpg



              Các bạn hãy nghĩ xem một tác giả mới 20 tuổi (Mikhail Sholokhov bắt đầu viết tiểu thuyết Sông Đông êm đềm vào năm 1925), một cậu bé chào đời trong ngôi nhà nông dân, mái rạ, một cậu bé chỉ học đến lớp 3 tiểu học. Một cậu bé hết sức xa lạ, xét về vốn sống tự nhiên, vậy mà các nhân vật của cuốn sách đó đã từng trải trên phương diện tình yêu, xã hội, chính trị. Một cậu bé không thể tham chiến trên các mặt trận của cuộc chiến tranh đế quốc. Một cậu bé không thể tham chiến cả trên các mặt trận của cuộc nội chiến. Làm thế nào cậu có thể viết được một cuốn tiểu thuyết như vậy? Xuất phát từ đâu?

              Ngay cả Solzhenitsyn cũng nói đại ý: Làm được điều đó chỉ có thể là một thiên tài kiệt xuất?!

              Khi cựu biên tập viên - nhà văn tài năng Berezovsky - đọc trên tạp chí “Tháng Mười” những phần đầu tiên của “Sông Đông êm đềm’, thì ông ta nói rằng đây là một kẻ đạo văn. Sự hoài nghi xâm chiếm thậm chí cả những người lãnh đạo của RAPP, ví dụ như Fadeev. Họ đọc tập thứ ba của bộ tiểu thuyết và thấy rằng rốt cuộc tác giả đã chạm tới dây thần kinh nhạy cảm nhất của lịch sử cuộc cách mạng chúng ta, tới cuộc nổi dậy của người Kozak làng Veshenskoye. Và người Kozak được nhìn nhận hoàn toàn khác so với quan niệm chính thống trước đây. Rằng người Côzắc là người Nga đích thực, là nông dân Nga với tất cả thái độ đầy mâu thuẫn của họ đối với những người Bolsevic, với cách mạng, công xã... Họ không thể tin rằng một cuốn tiểu thuyết như vậy, với một quan điểm như vậy đối với cách mạng, đối với cuộc nổi dậy của người Côzắc lại có thể thuộc về một con người tuổi trẻ như vậy, một đoàn viên thanh niên Comsomol.

              Và đã xuất hiện những đụng độ ghê gớm. Những người Kozak Nga lưu vong ở nước ngoài là những người đầu tiên bảo vệ Sholokhov khỏi sự vu khống. Một trong những người đầu tiên đánh giá cao tác phẩm của Sholokhov là thủ lĩnh Kozak Krasnov, người lãnh đạo phong trào Kozak bạch vệ.

              Mặt khác, tiểu thuyết này cũng được Stalin đánh giá rất cao. Chính Stalin nói: “Chúng ta sẽ in tập thứ ba”. Và ông chú ý theo dõi để tác phẩm ít bị xâm phạm nhất... Stalin đã dành rất nhiều thời gian để gặp gỡ với Sholokhov, nhiều hơn bất kỳ một tướng lĩnh, một nhà văn hóa nào. Trong cuốn sổ ghi các cuộc viếng thăm điện Kremli, tên tuổi Sholokhov hiện diện 13 lần. Stalin và Sholokhov cũng trao đổi thư từ rất nhiều. Thông qua Dân ủy Nội vụ, Stalin biết rõ sự thật ai là tác giả của “Sông Đông êm đềm”. Nếu Stalin biết hoặc có một thông tin nhỏ nào về việc Sholokhov đạo văn, hẳn ông đã ứng xử theo cách khác.

              Ngay cả thái độ của Gorky cũng đầy mâu thuẫn... Các nhà nghiên cứu tác phẩm của Gorky biết rằng về mặt tinh thần Gorky không tiếp nhận nông dân. Gorky đã viết một cuốn sách nổi tiếng về nông dân Nga. Ông cũng không tiếp nhận cả dân Kozak, nhưng đồng thời ông vẫn làm tất cả để cứu tập thứ ba bộ tiểu thuyết của Sholokhov bằng cách tổ chức tại biệt thự riêng của mình cuộc gặp gỡ giữa Sholokhov với Stalin, và suốt đời Gorky nói về Sholokhov như là một nhà văn Nga vĩ đại nhất.

              Vấn đề chứng minh quyền tác giả của Sholokhov trở nên cực kỳ khó khăn còn vì một nguyên nhân đơn giản: Nhiều tài liệu lưu trữ của Sholokhov không còn nữa. Nó đã bị tiêu hủy trong những năm chiến tranh vệ quốc vĩ đại, khi mà ngôi nhà của nhà văn bị máy bay Đức ném bom, và bà mẹ của Sholokhov đã thiệt mạng ngay trước mắt ông. Ngoài ra, còn phải kể tới bản thảo của tập sách đầu của Sholokhov từng bị thất lạc vào năm 1927 khi ông mang tới Moskva một valy bản thảo để trình ủy ban kiểm tra giả thuyết đạo văn vừa được thành lập do Serafimovich phụ trách. Tất cả đã được xem xét, nghiên cứu, và kết quả là một bài báo được in trên tờ “Sự thật” và “Công nhân” bác bỏ lời vu khống đó. Nhưng sau đó Sholokhov sợ mang về nhà các tư liệu lưu trữ đó. Ông gửi chúng lại ở Moskva trong nhà một người bạn thân nhất của mình, một thanh niên nông dân phụ trách chuyên mục văn học của tạp chí “Thanh niên nông thôn” Vasily Kudashev.

              Từ tháng 8/1941, Kudashev đã hai lần viết thư cho vợ yêu cầu bà nhắn Sholokhov đến Moskva lấy lại bản thảo “Sông Đông êm đềm”. Những bức thư này đã được công bố trong một cuốn sách do nhà xuất bản “Cận vệ trẻ” ấn hành. Qua những bức thư này ta thấy bản thảo được lưu giữ trong nhà Kudashev. Nhưng khi các nhà Sholokhov học đến gặp bà vợ góa của Kudashev thì bà ta nói rằng bản thảo đã bị đánh mất trong khi chuyển nhà. Và người “nhặt” được bản thảo là nhà báo Lev Kolodnyi, một nhân vật rất láu cá...

              Còn nhớ, khi tôi còn giữ chức chủ tịch Hội Nhà văn Moskva, suốt 15 năm trời tôi không thể nhận được câu trả lời của con người này (tức Kolodnyi) cho câu hỏi: tập bản thảo để ở đâu? Tuy nhiên, sau đó ông ta đã cho tôi xem bản sao một số trang của nó, và đòi một khoản tiền lúc đầu là 50.000, sau đó là 500.000 USD để chuộc tập bản thảo này. Và chỉ sau khi chúng tôi đề nghị các cơ quan công an can thiệp thì mới thu hồi được tập bản thảo.

              Đó là hàng ngàn trang viết gồm ba loại: loại thứ nhất – bản nháp, loại thứ hai – bản nháp lần thứ hai, và loại thứ ba là bản chép sạch do Sholokhov hoặc vợ hay em vợ ông chép lại. Đây quả là một tài sản thực sự đối với một nhà nghiên cứu văn bản học, và tôi đã đắm mình vào tài sản đó. Tôi xin nói với các bạn rằng bản thảo này chứa đựng rất nhiều chứng cứ về bản quyền tác giả của Sholokhov.

              Nhưng vấn đề không phải chỉ ở bản thảo. Không ai ngoài Sholokhov có thể viết được Sông Đông êm đềm bởi một lý do đơn giản Sông Đông êm đềm là một tư liệu lịch sử có thật về bối cảnh cuộc nổi dậy ở Veshenskoye. Một tư liệu lịch sử có thật về cuộc sống của người dân Kozak Nga trong giai đoạn bước ngoặt đầu thế kỷ XX. Các nhân vật trong tác phẩm này không chỉ có các nguyên mẫu, nhiều người trong đó là những nhân vật lịch sử có thật, họ xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết dưới họ, tên của mình, Sholokhov có quen biết họ.

              Với sự giúp đỡ của các nhà địa phương học vùng sông Đông, tôi đã lập được danh mục các nhân vật lịch sử có thật và các nguyên mẫu. Trong cuốn sách của tôi có in các bức ảnh chụp nhiều nguyên mẫu của Sông Đông êm đềm, ảnh của những ngôi nhà, nơi họ đã từng sống. Có một sự trùng hợp hoàn toàn các địa danh ở vùng Thượng sông Đông, nơi Sholokhov đã ở đấy, nơi bắt đầu và diễn ra cuộc nổi dậy Veshenskoye. Và đứng đầu cuộc nổi dậy này là hai con người: Paven Kudinov và Kharlampi Ermakov.

              Kudinov là nhà chỉ huy nghĩa quân, còn Ermakov là bạn thân nhất của ông, người đồng hương cùng xóm. Cả hai người này đều bốn lần được tặng huân chương Thánh Georgia.

              Kharlampi Ermakov hoạt động trong tiểu thuyết không chỉ như là người tham gia cuộc nổi dậy. Ông còn là “đồng tác giả” của Sông Đông êm đềm. Vì chính ông chơi thân với bố của Sholokhov, thường hay đến chơi nhà và trò chuyện cùng Sholokhov.

              Tôi đã tìm được ba tập hồ sơ điều tra của Dân ủy Nội vụ về Kharlampi Ermakov và hai tập hồ sơ điều tra về Kudinov. Tôi đã sao chụp các hồ sơ này. Đó là những tư liệu rất quý hiếm. Chúng mở ra toàn bộ cuộc đời, toàn bộ con đường của Kharlampi Ermakov. Con đường đó trùng khớp với đường đời của nhân vật Grigori Melekhov. Đó thực sự là một bản sao. Khi Sholokhov bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết vào năm 1925 vẫn còn lưu giữ hai chương của phần này trong bản thảo, nơi có nhân vật tên là Abram Ermakov. Nghĩa là, khi bắt đầu xây dựng nhân vật Grigori Melekhov, Sholokhov đặt tên cho anh ta là Abrram Ermakov. Và trong tập hồ sơ có một bức thư riêng của Sholokhov gửi cho Kharlampi Ermakov từ Moskva, xin được gặp gỡ và tiếp tục trò chuyện.

              Số phận của Paven Kudinov cũng không kém phần thú vị. Thậm chí các nhà Sholokhov học của chúng ta ban đầu cho rằng ông là một nhân vật hư cấu. Thực ra đây là một con người độc đáo, trong thời gian sống lưu vong ở nước ngoài ông đã từng làm việc cho tình báo Liên Xô. Tôi có may mắn được gặp người vệ sĩ của Kudinov và được đọc những bức thư của ông. Trong một bức thư Kudinov viết: “...Tiểu thuyết Sông Đông êm đềm của Sholokhov là một sáng tạo vĩ đại của tinh thần Nga chân chính. Tôi đã đọc một mạch cuốn tiểu thuyết, không cầm nổi nước mắt, đã đau khổ và sung sướng. Anh có biết rằng ở nơi xa xứ, cứ chiều chiều những người Kozak lại tụ tập trong nhà tôi và đọc Sông Đông êm đềm đến chảy cả nước mắt không!”


              Trần Hậu

              #7
                tieuboingoan 19.02.2007 14:38:26 (permalink)
                Solokhov: Một số phận vinh quang và cay đắng


                Mikhain Alêchxanđrôvich Sôlôkhôp sinh ngày 24 tháng 5 năm 1905 và vĩnh biệt bạn đọc năm 1984 thọ 79 tuổi.
                Sôlôkhôp là bạn chiến đấu thân thiết của nhân dân ta. Ông nhắc tới Việt Nam từ năm 1949. Năm 1966 ông lên án: “Cuộc chiến tranh chống nhân dân Việt Nam hầu như là một trang nhục nhã nhất trong tiểu sử của chủ nghĩa đế quốc Mỹ”. Nhà văn xúc động: “Tim ai - tôi nói về những người trung thực - không quặn đau vì những vết thương của nhân dân Việt Nam? Tim ai không giật thót vì tro tàn của những ngôi nhà thanh bình bị bom Napan thiêu cháy?” Ông kêu gọi các nhà văn, dư luận toàn thế giới : “Cần giúp đỡ và ủng hộ có hiệu quả cho nhân dân Việt Nam anh em, cho phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới”. (Toàn tập, Tập 8, trang 371).

                Sôlôkhôp tự hào về dân Côdắc thượng võ, phóng khoáng đã sản sinh ra các lãnh tụ nông dân khởi nghĩa Radin và Pugatsôp. Đề tài chủ yếu xuyên suốt sáng tác của Sôlôkhôp là đời sống của dân Côdắc Sông Đông trong những năm đầu thế kỷ XX đầy ắp những biến cố lịch sử trọng đại. Sôlôkhôp suốt đời sống và sáng tác tại quê hương yêu dấu, quận lỵ Viôsenxcaia tỉnh Rôxtôp trên Sông Đông: “Tôi sinh ra ở Sông Đông, lớn lên ở đó, học tập, được đào luyện nên người, thành nhà văn và được giáo dục thành Đảng viên Đảng cộng sản vĩ đại của chúng ta. Và là một người yêu mến Tổ quốc vĩ đại hùng cường của mình, tôi tự hào nói rằng tôi cũng là người yêu mến vùng Sông Đông thân thuộc của mình” (Tập 8, trang 6.

                Nhìn bề ngoài, cuộc đời Sôlôkhôp chói lọi hào quang. 17 tuổi đến Matxcơva, 19 tuổi in truyện ngắn đầu tay Cái bớt, 21 tuổi đã có tập Truyện Sông Đông và Thảo nguyên xanh (gồm cả thảy 21 truyện ngắn) được nhà văn lão thành A. Xêraphimôvich nhiệt liệt ngợi khen, 36 tuổi nhận giải thưởng Xtalin hạng nhất trao cho Sông Đông êm đềm (Sôlôkhôp đã hiến toàn bộ tiền thưởng cho Quỹ Quốc phòng chống phát xít Đức), 55 tuổi nhận giải thưởng Lênin khi Đất vỡ hoang ra trọn bộ hai tập (Nhà văn tặng tiền thưởng để xây trường ở trấn Karghinxcaia nơi xưa kia ông theo học), 60 tuổi đến Xtôckhôm nhận giải thưởng Nôben. Là đảng viên Đảng cộng sản Liên Xô năm 27 tuổi, năm 56 tuổi là Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô ở tuổi 34. Hai lần được thưởng Huân chương Lênin (năm 34 và 50 tuổi), hai lần được phong Anh hùng lao động XHCN (năm 62 và 75 tuổi), từng gặp gỡ và được các Tổng bí thư của Đảng ca ngợi tài năng và giúp tháo gỡ khó khăn để in tác phẩm. Từ 1929 Xtalin đã viết về “Nhà văn nổi tiếng của thời đại chúng ta, đồng chí Sôlôkhôp”. Còn Khơrutsôp thì năm 1961 về tận quê Sôlôkhôp mời “nhà văn Xôviết vĩ đại” cùng đi thăm nước Mỹ. Tuy không tán thành dự định của Sôlôkhôp tả các cuộc trấn áp năm 1937 (“đừng xát thêm muối vào vết thương”) năm 1969 Brêgiơnep vẫn cho in một số chương mới của tiểu thuyết Họ chiến đấu vì Tổ quốc.

                ấy thế nhưng Sôlôkhôp là nạn nhân của một số âm mưu, vu cáo chính trị cực kỳ nguy hiểm. Năm 1929 N. Prôcôphiep viết bài “Những kẻ tạo ra thứ văn chương thuần tuý” kết tội Sôlôkhôp bợ đỡ phú nông và các nhân vật chống Xôviết. Ngày 5 tháng 11 năm 1929 Ban chấp hành Hội các nhà văn vô sản Bắc Capcadơ khẳng định rằng bài báo của N. Prôcôphiep chống lại Sôlôkhôp là “sự vu khống bỉ ổi nhất”.

                Năm 1937 người ta sai I. X. Pôgôrêlôp, một người đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản, vu cáo Sôlôkhôp có âm mưu phiến loạn nhưng nể tình bạn nên Pôgôrêlôp báo cho Sôlôkhôp biết. Sôlôkhôp lập tức chạy về Matxcơva xin gặp Xtalin và được cuộc họp của Bộ Chính trị thừa nhận là vô tội.

                Thêm vào đó, suốt đời Sôlôkhôp bị đè nặng bởi lời vu cáo oan ức cho rằng ông ăn cắp văn của người khác! Năm 1929 nhiều kẻ cho rằng Sôlôkhôp sao chép cuốn SĐÊĐ (Sông Đông êm đềm) của X. X. Gôlôusep, bác sĩ sản khoa, nhà phê bình, bạn của nhà văn L. Anđrêep. Từ 1917 Anđrêep viết trong thư gửi Gôlôusep nói rằng ông đã vứt bỏ SĐÊĐ không in. SĐÊĐ của Gôlôusep là du ký và bút ký phong tục, trong đó tác giả chú ý tới thái độ chính trị của dân Sông Đông năm 1917, thường hay nhắc tới Kornilôp và Calêđin. Nhà văn A. Xêraphimôvich cho rằng Gôlôusep là “Con người đáng yêu nhất, người kể chuyện xuất sắc giữa bè bạn, nhưng hỡi ôi, là nhà văn rất xoàng xĩnh.....”. Tháng 3 năm 1929 báo Sự thật thành lập Uỷ ban điều tra về việc này gồm năm nhà văn do Xêraphimôvích đứng đầu. Uỷ ban đã công bố kết luận cho rằng câu chuyện hoang đường về việc Sôlôkhôp ăn cắp văn là “sự vu cáo nhỏ nhen”. Nhưng nhiều người vẫn không tin rằng một chàng trai 20 tuổi, ít học lại có thể viết ra một tác phẩm vĩ đại như thế và khi mà bản thảo quyển một và quyển hai SĐÊĐ bị mất thì việc vu cáo Sôlôkhôp ăn cắp văn lại rộ lên. Năm 1974 cuốn sách in tại Pari của Đ. (bút danh vắn tắt của I. Tômasépxcaia) nhan đề Dòng chảy của SĐÊĐ (Những câu đố của tiểu thuyết) với lời nói đầu của A. Xôngiênixưn mưu toan chứng minh rằng SĐÊĐ thuộc về cả Ph.Đ.Kriucôp (1870-1920) và M. Sôlôkhôp. Lý lẽ chính vẫn là vì lúc ấy Sôlôkhôp còn trẻ quá ! Năm 1977 một nhóm các nhà khoa học Bắc Âu gần gũi Uỷ ban xét giải thưởng Nôben đã dùng máy tính kiểm tra so sánh văn bản SĐÊĐ với các tác phẩm khác của Sôlôkhôp. Năm 1984 G. Hétxôn và ba nhà khoa học đã công bố kết quả công trình nghiên cứu của họ tại Ôxlô - thủ đô Na Uy khẳng định quyền tác giả của Sôlôkhôp và năm 1989 họ xuất bản cuốn sách Ai viết SĐÊĐ.

                Cuối tháng 11 năm 1999 Uỷ ban di sản Văn học của M. Sôlôkhôp họp báo công bố một tin đặc biệt quan trọng: Đã tìm thấy bản thảo quyển một và quyển hai tiểu thuyết SĐÊĐ của Sôlôkhôp nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của Tổng thống Nga V. Putin, người coi tác phẩm quý giá này là “tương lai, danh dự và lương tâm của nước Nga”. Đây là một sự kiện phi thường có tầm vóc thế giới bởi vì nó chấm dứt vụ vu cáo văn chương thâm độc kéo dài gần một thế kỷ, làm ngời sáng thanh danh của một thiên tài văn học Nga (xem Văn nghệ số 28, 29, 30 năm 2000 và Văn nghệ trẻ số 8 năm 2000).

                Dù số phận long đong đến đâu, Sôlôkhôp vẫn dũng cảm đương đầu, vượt qua với một bản lĩnh kiên cường và một nhân cách cao thượng.

                Số phận SĐÊĐ ở ngay Liên Xô cũng rất lận đận. Các nhà nghiên cứu chưa đánh giá đúng được nhân vật trung tâm Grigôri Mêlêkhôp vô cùng phức tạp, một điển hình văn học lớn của thế kỷ, sáng tạo độc đáo của Sôlôkhôp. Đáng chú ý là ngay từ đầu các nhà nghiên cứu đã xác định Grigôri Mêlêkhôp là một nhân vật bi kịch vì thấy nhiều nét tốt đẹp cao thượng của nó. Quá trình tiếp nhận SĐÊĐ là quá trình cắt nghĩa bi kịch của Grigôri Mêlêkhôp, đầu mối của mọi tuyến cốt truyện, trung tâm kết cấu, tiêu điểm thể hiện tư tưởng cơ bản của tác phẩm.

                Vào giữa thế kỷ trước, cách đánh giá Grigôri Mêlêkhôp còn khá giản đơn. V. Ermilôp cho rằng hình tượng này không hợp quy luật. Kirpôtin: Grigôri lầm lạc vì dốt nát. L. Lêvin: Grigôri rơi vào bi kịch vì chủ nghĩa cá nhân, đi tìm hạnh phúc cá nhân. L. Gôpphensêre: Đầu đời Grigôri có tính điển hình vì gắn bó với nhân dân, cuối đời không điển hình vì xa nhân dân. Tiêu biểu cho cả thời kỳ này là quan điểm coi Grigôri là “kẻ tách rời nhân dân” tức là về cơ bản đây là nhân vật tiêu cực cần lên án.

                Trong những năm 60, 70, các nhà nghiên cứu V. Pêtêlin, P. Biriucôp, P. Paliepxki tiến gần chân lý hơn khi cho rằng Grigôri Mêlêkhôp là điển hình của “người đi tìm sự thật” tiêu biểu cho văn học Nga và thế giới. Đó là điển hình của thời đại, tiếp nối Hamlet, Đôn Kihôtê, Phaoxtơ, Anđrê Bôncônxki, Pie Bêdukhôp, Mưskin v.v... Hai giáo trình Đại học của Liên Xô về văn học Xôviết của L. Ersôp và do A. Mêtrencô và X. Pêtơrôp chủ biên xuất bản vào những năm 80 đều cùng quan điểm này.

                Các sách giáo khoa văn học Nga bậc Đại học của Liên bang Nga hiện nay cũng giữ quan điểm coi Grigôri là điển hình “Người đi tìm sự thật”: “Trong SĐÊĐ giải quyết hàng loạt vấn đề vĩnh cửu của con người, tình yêu, cuộc sống, lòng nhân đạo (...) Grigôri đã không tìm thấy sự thật, tình yêu” (“Văn học Nga thế kỷ XX”, NXB Giáo dục M. 2002). Sách “Lịch sử văn học Nga thế kỷ XX” (2003) của V. X. Baepxki viết: “Do tính cách của mình, Grigôri là người đi tìm sự thật”.

                Từ cuối thế kỷ XX, SĐÊĐ được tiếp cận dưới góc độ thi pháp học. Đáng chú ý là “Thế giới nghệ thuật của Sôlôkhôp” (1978) của A. Khvatôp và “Thi pháp của M. A. Sôlôkhôp nhà tiểu thuyết” của V. M. Tamakhin (in ở Stavrôpôn, 1980). Sách gồm 7 chương (cốt truyện, kết cấu, phong cảnh, nghệ thuật sử dụng chi tiết, chân dung, lời người kể chuyện, lời các nhân vật).

                Ba công trình ở Việt Nam về Sôlôkhôp hồi giữa thế kỷ trước đều dựa theo quan điểm các nhà nghiên cứu Xôviết những năm 50. Trong “Lịch sử văn học Xôviết” (1961) Giáo sư Mêlich - Nubarôp coi Grigôri là “kẻ tách rời nhân dân”. Bản dịch SĐÊĐ của Nguyễn Thụy ứng với lời giới thiệu dài và công phu (in năm 1959 và 1982) được đón đọc nồng nhiệt. Bài “Thử tìm hiểu Sôlôkhôp, một nghệ sĩ của cuộc sống và của thời đại” của Hoàng Trình (Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 5 năm 1960) là công trình chững chạc ngang tầm thời đó. Tuy ca ngợi “Grigôri là một phát hiện trong văn học thế giới”, Nguyễn Thụy ứng vẫn coi đây là “một con người chọn lầm đường đời”, “hình tượng nổi bật nhất” của tầng lớp trung nông. Ông cũng dẫn ý kiến Lênin về hai mặt của người tiểu tư hữu. Hoàng Trình nói về một số trung nông “đã đi ngược chiều với lịch sử và chống lại nhân dân. Grigôri Mêlêkhôp là người đại biểu rõ nét và tập trung nhất của loại người lạc hậu này”, “một trung nông Côdắc trong thời nội chiến”.

                Trong SĐÊĐ đã hai lần Sôlôkhôp nhắc tới “sự thật lớn lao của con người” mà các nhân vật yêu quý của ông đau khổ tìm kiếm. Năm 1965 ông phát biểu về sứ mạng của văn học trong lễ nhận giải Nôben: “Nói với bạn đọc một cách trung thực, nói với con người sự thật, đôi khi khắc nghiệt nhưng bao giờ cũng táo bạo, củng cố trong lòng người niềm tin ở tương lai, ở sức mạnh của mình có thể xây dựng tương lai đó”. Cũng năm đó một tờ báo ở Arhentina viết: “Sự thật - Cuộc đời - đó là châm ngôn chủ yếu của nghệ sĩ Sôlôkhôp”. Nhà văn Phần Lan M. Larni tin rằng: “Nhân vật chính của Sôlôkhôp chính là sự thật. Ông đáng được xếp vào Viện Hàn lâm những người bất tử”. Giờ đây SĐÊĐ được coi là tác phẩm vĩ đại nhất của văn học Nga thế kỷ XX, phát hiện nghệ thuật trong văn học thế giới.



                (Báo Văn nghệ)


                http://sacmauvanhoa.vdcmedia.com/vanhocnuocngoai-C.asp?PostID=5205
                #8
                  tieuboingoan 19.02.2007 14:42:15 (permalink)
                  Quyết định cuối cùng về nghi án văn học lớn nhất thế kỷ XX

                  Đoàn chủ tịch Viện Hàn lâm koa học Nga vừa quyết định thẩm định lại bản thảo đầu tiên của thiên tiểu thuyết "Sông Đông êm đềm" của nhà văn nổi tiếng Mikhail Sholokhov. Theo các chuyên gia thì quyết định của Viện Hàn lâm Nga đã đặt dấu chấm hết cho cuộc tranh cãi "không tiền khoáng hậu" về tác quyền của cuốn tiểu thuyết lừng danh thế kỷ XX.


                  (Xuất bản năm 2004 - NXB Эксмо-Пресс)

                  Sholokhov, nhà văn đoạt giải Nobel bắt đầu viết "Sông Đông êm đềm" từ năm 20 tuổi và hoàn thành thiên tiểu thuyết ấy sau 2 năm. Những chuyện xì xèo xung quanh vấn đề tác giả của cuốn tiểu thuyết này đã bắt đầu ngay sau lần xuất bản đầu tiên, khi nó gây được tiếng vang lớn. Thậm chí ngay tại vùng sông Đông, ít ai tin rằng, tác giả của tiểu thuyết "Sông Đông êm đềm" lại là nhà văn chưa học hết lớp 3! Trong số những người nghi ngờ ấy có cả nhà nghiên cứu văn học danh tiếng lớn lên ở sông Đông, Viện sĩ Balashov và nhà văn đoạt giải Nobel văn học Solzenitsyn.
                  "Trong gia đình chúng tôi chẳng khi nào nghi ngờ về tác giả của "Sông Đông êm đềm" - Nina Sholokhova, cháu của nhà văn nói với báo "Izvestia" - "Cần phải biết ông tôi là một người có tài ăn nói xuất chúng, có đầu óc uyên bác, thâm thuý và có một tâm hồn hào phóng, vị tha". Bố của Sholokhov là bạn thân của Kharlampie Ermakov, người được Grigory Melekhov coi là hình mẫu của sự thông tuệ. Hai con người ấy có thể ngồi với nhau cả ngày để nói chuyện về nhân tình thế thái. Con cháu Sholokhov thường xuyên nhắc nhở ông phải đăng kí bản quyền tác giả, nhưng ông gạt đi rồi nói - "Đấy không phải là công việc của tôi. Công việc của tôi là viết chứ không phải đi chứng minh với người này, người nọ".
                  Thời trẻ, nhà văn là chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận tư tưởng. Ngay từ khi tiểu thuyết mới ra đời, vào năm 1928, Sholokhov đã phải bất đắc dĩ trình trước hội đồng đặc biệt một vali bản thảo để xác đinh bản quyền tác giả của "Sông Đông êm đềm". Nhưng những bản chép tay bị thất lạc vì người giữ nó, Vasily Kudashev, bạn của nhà văn, bị chết trong thời gian chiến tranh. Công cuộc tìm kiếm bản thảo viết tay kéo dài khá lâu nhưng đến tận bây giờ vẫn chưa có kết quả.
                  "Đây là thành tựu không chỉ của nền khoa học Nga mà của cả đất nước" - viện sĩ Iuri Osipov, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Nga tuyên bố - Bản thảo của "sông Đông êm đềm" thuộc quyền sở hữu của Viện Hàn lâm với giá nửa triệu USD mà Tổng thống Putin trực tiếp ủng hộ. Viện Văn học thế giới mấy năm liền làm cái việc xác định bản quyền các tác phẩm văn học. Vậy mà mấy tuần trước, Viện Hàn lâm khoa học lại nhận được những tư liệu về việc sở hữu bản quyền "Sông Đông êm đềm" của nhà sưu tầm Andrey Platonov do chính tay Sholokhov lưu bút.
                  Lịch sử của "Sông Đông êm đềm" cũng lâm ly, hấp dẫn như chính nội dung của nó vậy. Ngay từ thuở bắt đầu xuất bản, nó đã lâm vào tình trạng sống dở, chết dở và chỉ nhờ vào sự che chở của Stalin, công việc mới tiến triển như ý muốn, Sholokhov mới tránh được sự truy nã của nhiều cơ quan, tổ chức.
                  "Tiếng Nga chính là nền tảng an ninh của nước Nga" - Chủ tịch Uỷ ban quốc tế Sholokhov và là người bảo trợ cho việc xuất bản V. Chernomưrdin tuyên bố - "Khi cầm bản quyền trên tay, chẳng ai có thể xoay miệng lưỡi nói rằng, tác giả của tiểu thuyết không phải Sholokhov!
                  Mấy năm trước, Giáo sư Geyer Hetso người Na Uy đã tiến hành phân tích bản thảo "Những câu chuyện sông Đông" và "Sông Đông êm đềm" bằng trợ giúp của máy tính và đi đến kết luận, rằng những tác phẩm trên được viết bởi một tay và một tâm hồn văn học. Công bố bản in lại bằng ảnh chụp của "Sông Đông êm đềm" đã đặt dấu chấm hết cho cuộc tranh cãi văn học lâu dài và gay gắt nhất của thế kỷ XX.

                  Anh Phương (theo Nauka Наука)

                  #9
                    Cao Nguyên 09.05.2007 12:03:30 (permalink)



                    Mikhail Solokhov

                    11:45' 05/05/2007 (GMT+7)


                    (VietNamNet) - Sông Đông êm đềm tự nó đã hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng này. Một tác phẩm xuất sắc, dù được trao giải hơi muộn, nhưng không quá muộn để đưa thêm vào danh sách những người đoạt giải Nobel một trong những nhà văn kiệt xuất nhất thời đại chúng ta.



                    Mikhail Solokhov (24/5/1905 - 2/2/1984)

                    Giải Nobel Văn chương 1965

                    * Nhà văn Nga
                    * Nơi sinh: thôn Crujilin, trấn Viesenxcaia (Nga)
                    * Nơi mất: Viesenxcaia (Nga)






                    Mikhail Solokhov M. Solokhov là một trong những nhà văn lớn nhất của nền văn học Xô Viết, với những tác phẩm đặc sắc mang tính sử thi về đất và người Cazac vùng sông Đông quả cảm. Tiểu thuyết 4 tập Sông Đông êm đềm và truyện ngắn Số phận con người là những kiệt tác kinh điển của văn chương Nga và thế giới thế kỉ XX.
                    Mikhail Alecxandrovich Solokhov sinh tại vùng sông Đông ở miền Nam nước Nga trong một gia đình nông dân, mẹ là người Ucraina, vốn mù chữ nhưng đã tự học để viết thư khi con trai đi học ở tỉnh khác. Từ tuổi thiếu niên M. Solokhov đã chứng kiến và trực tiếp tham gia (năm 1918 ông làm việc trong Đội vũ trang trưng thu lương thực) vào những sự kiện bi thảm của cuộc chiến giữa Hồng quân và Bạch vệ, đặc biệt là cuộc nổi dậy của những người Cazac vùng Thượng Sông Đông đòi quyền tự trị.
                    Sau nội chiến M. Solokhov tới Moxcva, vừa làm công nhân bốc vác, nhân viên kế toán vừa tham gia nhóm văn học Cận vệ trẻ (Молодая Гвардия) và đăng tiểu phẩm văn học đầu tiên trên tờ báo Sự thật Thanh niên (Комсомольская Правда). Năm 1926 ông xuất bản cuốn sách đầu tiên Truyện Sông Đông - tập truyện ngắn viết về cuộc nội chiến đẫm máu ở quê ông. Khác với các nhà văn cùng thời, M. Solokhov không lãng mạn hóa cuộc đấu tranh, không ca ngợi "nơớc Nga được rửa bằng máu", mà đưa vào văn học những bức tranh hiện thực tàn nhẫn, trần trụi của cuộc sống.
                    Cũng từ đó M. Solokhov trở về sống ở làng quê cho tới tận cuối đời và bắt đầu sáng tác bộ tiểu thuyết đồ sộ Sông Đông êm đềm (1926-1940; tập 1 và 2 in năm 1928-1929, tập 3 in năm 1932-1933, tập 4 in năm 1937-1940). Đây là một trong những tác phẩm lớn nhất của nền văn học Xô Viết, một thiên sử thi về Thế chiến I, cách mạng, nội chiến diễn ra trên mảnh đất Nga. Nhơng thành công chính của M. Solokhov không phải ở sự mô tả hoành tráng các sự kiện lịch sử, mà ở những số phận con người được khắc họa: Sông Đông êm đềm chứng minh rằng cá nhân chưa biến mất khỏi văn học, số phận nhân vật chính Grigori Melekhov phản ánh bi kịch toàn dân trong bước ngoặt dữ dội của lịch sử.
                    Đầu những năm 1930, trong bối cảnh công cuộc tập thể hóa nông thôn, M. Solokhov tạm ngừng Sông Đông êm đềm để viết bộ tiểu thuyết lớn thứ hai của ông Đất vỡ hoang, tập 1 được đăng tải từng phần từ năm 1932, còn tập 2 phải gần 30 năm sau mới hoàn thành. Trong Thế chiến II, M. Solokhov là phóng viên mặt trận của báo Sự thật (Правда). Tháng 6 năm 1942, một năm sau khi phát xít Đức tấn công Liên Xô, M. Solokhov viết Khoa học căm thù kêu gọi "mang căm thù trên đầu lưỡi lê" giết giặc.
                    Năm 1943 ông đăng tải trên báo Sự thật cuốn tiểu thuyết thứ ba Họ đã chiến đấu vì Tổ Quốc nói về cuộc sống khắc nghiệt của những người lính trong chiến hào, nhưng tác phẩm đến cuối đời Sholokhov vẫn chưa được hoàn thành. Trong số báo Sự thật cuối cùng của năm 1956 xuất hiện truyện ngắn kiệt tác của M. Solokhov Số phận con người nói về số phận và chủ nghĩa anh hùng của người lính Nga bình dị.
                    Năm 1955, cả Liên Xô kỉ niệm 50 năm ngày sinh M. Solokhov, ông được nhận Huân chương Lênin đầu tiên (về sau ông còn được nhận hai lần nữa); năm 1956 ông phát biểu tại Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XX; năm 1959 ông tháp tùng Tổng Bí thư Khrusov trong các chuyến đi nơớc ngoài ở Châu Âu và Mỹ; năm 1961 ông trở thành ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô; ông là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, Anh hùng Lao động Liên Xô. Năm 60 tuổi, M. Solokhov là nhà văn Nga thứ ba nhận giải Nobel Văn học vì những tác phẩm mang tính sử thi về vùng Cazac sông Đông. Từ cuối những năm 1950 ông viết rất ít.
                    M. Solokhov được coi là niềm tự hào, là một trong những nhà văn lớn nhất của văn học Xô Viết, nhưng cuộc đời ông gặp không ít gian nan. Cả Sông Đông êm đềm lẫn Đất vỡ hoang ngay từ khi ra đời đã bị phê phán nặng nề từ phía giới phê bình chính thống vì "thiếu lập trường vô sản, ca ngợi Bạch vệ, culắc". Trong những năm 1930 bản thân ông suýt bị bắt và buộc tội phản động. M. Solokhov còn bị lên án đạo văn với tiểu thuyết Sông Đông êm đềm - nghi án kéo dài hơn nửa thế kỉ, đầu tiên do những nhà văn vô sản khởi xướng, đến những năm 1970 được một số nhà nghiên cứu khác tiếp tục (ý kiến của họ được một nhà văn Nga đoạt giải Nobel khác là Solzhenitsyn ủng hộ). Tuy nhiên cho đến nay chưa ai tìm ra chứng cứ thuyết phục về việc đó.
                    Các tác phẩm chính của M. Solokhov đã được dựng phim. Hầu hết tiểu thuyết, truyện ngắn của ông đã được dịch ra tiếng Việt.
                    * Tác phẩm:
                    - Truyện sông Đông (Донские рассказы, 1926), tập truyện ngắn [Tales of the Don].
                    - Thảo nguyên xanh (Лазоревая степь, 1926), tập truyện ngắn.
                    - Sông Đông êm đềm (Тихий Дон, 1928-1940), tiểu thuyết [And quiet flows the Don].
                    - Đất vỡ hoang (Поднятая целина, 1932-1960), tiểu thuyết [Virgin soil upturned].
                    - Khoa học căm thù (Наука ненависти, 1942), truyện vừa [The science of hatred].
                    - Họ đã chiến đấu vì Tổ Quốc (Они сражались за Родину, 1943-1969), tiểu thuyết [They fought for their country].
                    - Số phận con người (Судьба человека, 1957), truyện ngắn [The fate of a man].
                    * Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:
                    - Căm thù, Học Phi dịch, Nhà in Chi Tương, 1946.
                    - Mikhain Sôlôkhốp tuyển tập, Nguyễn Duy Bình - Trần Vĩnh Phúc - Hà Ngọc - Nguyễn Thị Thìn dịch, NXB Cầu Vồng - Moxcva, 1987 (in theo bản dịch của NXB Văn Học).
                    - Sông Đông êm đềm (tiểu thuyết), Nguyễn Thụy Ứng dịch, NXB Văn Học, 1959-1960-1961; NXB Tác Phẩm Mới 1983 (tập 1-5), 1984 (tập 6-8); NXB Hội Nhà Văn - NXB Mũi Cà Mau, 1993 (in lần 3) - 2000 (in lần 4); NXB Hội Nhà Văn, 2004 (4 tập).
                    - Họ đã chiến đấu vì Tổ quốc, Nguyễn Thụy Ứng dịch, NXB Quân Đội Nhân Dân, 1963.
                    - Họ chiến đấu vì tổ quốc (những chương tiểu thuyết), Nguyễn Duy Bình dịch, Anh Trúc giới thiệu, NXB Văn Học, 1983.
                    - Đất vỡ hoang, Trúc Thiên - Văn Hiến - Hoàng Trinh dịch, NXB Văn Học, 1959 - 1960 - 1961.
                    - Vỡ đất hoang, Võ Lang dịch, Sống Mới, 1967.
                    - Đất vỡ hoang, Vũ Trấn Thủ dịch, NXB Cầu Vồng - Moxcva, 1985.
                    - Truyện sông Đông, Hà Ngọc, Trần Vĩnh Phúc, Nguyễn Duy Bình, Nguyễn Thị Thìn dịch, NXB Văn Học, 1984.
                    - Số phận con người, Nguyễn Duy Bình dịch, NXB Thế Giới - Trung tâm Văn Hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Song ngữ Nga - Việt, 2004.
                    - Số phận con người (tập truyện), Nguyễn Duy Bình - Hà Ngọc - Trần Vĩnh Phúc dịch, NXB Kim Đồng, 2004.
                    - Số phận con người, Mạnh Cầm dịch, NXB Văn Học, 1959-1960-196 1; và in trong cuốn Đêm duy nhất - truyện ngắn Nga hiện đại, NXB Hội Nhà Văn, 2003.
                    - Cái bớt, Trần Vĩnh Phúc dịch, in trong Đêm duy nhất - truyện ngắn Nga hiện đại, NXB Hội Nhà Văn, 2003.
                    - Iliukha, Trái tim Aliôsa, Thằng con nhà hư đốn, Trần Vĩnh Phúc dịch, in trong Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 2004.
                    - Bóng tối đêm dài, Trần Văn Điền tuyển dịch và giới thiệu. 
                    © Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây
                     
                    Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển
                    Như tất cả các vị đã biết, giải thưởng Nobel văn học năm nay được trao cho nhà văn người Nga, Mikhail Sholokhov, sinh năm 1905 và hiện đã ở tuổi sáu mươi mốt. Thời thơ ấu, Sholokhov sống ở vùng nông thôn Côdắc sông Đông; và sự gắn bó mật thiết của ông với vùng đất này xuất phát từ sự cảm thông sâu sắc của ông với cá tính mạnh mẽ của người dân xứ sở ấy cũng như sự hoang dã của thiên nhiên nơi đó. Ông đã chứng kiến quê hương mình trải qua những giai đoạn của cuộc cách mạng và nội chiến Nga.
                    Sau một thời gian thử lao động chân tay ở Matxcơva, ông nhanh chóng tập trung vào viết lách và sáng tác một loạt tác phẩm ngắn mô tả các trận đánh dọc sông Đông, một thể loại mà về sau đã giúp ông có được tiếng tăm. Đây quả là một minh chứng hùng hồn về sự trưởng thành mau chóng của thế hệ thời chiến: khi bắt tay viết cuốn sử thi vĩ đại Sông Đông êm đềm, Sholokhov chỉ mới ở độ tuổi 21. Cái tựa đề giản dị Sông Đông êm đềm mang một giọng điệu mỉa mai không thể phủ nhận khi nó được dùng để phản ánh sự bạo lực đến tột cùng trong kiệt tác của Sholokhov.
                    Sholokhov mất 14 năm mới hoàn thành công trình của mình, một công trình đòi hỏi cao độ về mọi phương diện, bao quát cả một thời kỳ từ Thế chiến thứ nhất, Cách mạng và Nội chiến, với đề tài chính cuộc dấy loạn bi thảm của người Côdắc. Bốn phần của cuốn sử thi diễn ra ở những giai đoạn khá dài giữa những năm 1928 và 1940. Đã từ lâu, đây là mối quan ngại của các nhà phê bình văn học Xô viết, những người vốn bị ảnh hưởng quá lớn về chính trị khiến họ không thể nồng nhiệt chấp nhận việc Sholokhov cống hiến tâm lực một cách hoàn toàn tự nhiên vào đề tài ông đã chọn: về cuộc khởi nghĩa Cô dắc chống lại chính quyền trung ương mới; họ cũng không thể dễ dàng chấp nhận những nỗ lực của ông nhằm biện giải và bênh vực một cách khách quan cho tinh thần độc lập tự chủ bất khuất [của người Cô dắc], cái đã thúc đẩy những con người này kháng cự mọi ý đồ [của kẻ khác] nhằm khuất phục họ.
                    Xét những khía cạnh gây tranh cãi về đề tài của ông, không còn nghi ngờ gì nữa, khi bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết này, Sholokhov đã đi một bước đi táo bạo, một bước đi mà vào thời điểm đó trong sự nghiệp của ông đồng nghĩa với việc giải quyết mâu thuẫn với chính lương tâm mình.
                    Và tiểu thuyết Sông Đông êm đềm đã quá nổi tiếng đối với độc giả Thụy Điển đến mức bất cứ lời giới thiệu nào cũng trở thành thừa. Ngồn ngộn tính hiện thực, cuốn sách đã mô tả tính cách độc đáo của người Côdắc, sự phối hợp truyền thống giữa kỵ binh và nông dân, với những bản tính dường như mâu thuẫn nhưng lại hoà quyện với nhau hết sức hài hoà để tạo nên một thể thống nhất vững chắc. Không hề có sự tán dương. Chất man rợ, lỗ mãng trong tính khí Côdắc được phô bày trần trụi, không gì được giấu giếm hay che đậy, nhưng đồng thời người đọc lại nhận thấy một dòng chảy ngầm của niềm tôn kính tất cả những gì thuộc về con người. Tuy là người cộng sản trung kiên, Sholokhov hoàn toàn không đưa những nhận xét mang tính ý thức hệ vào tác phẩm của mình; đổi lại độc giả được chứng kiến những cuộc chiến đẫm máu được tường thuật bằng lối tự sự mãnh liệt đầy nhiệt huyết của ông.
                    Grigôri, đứa con của người Côdắc, bỏ Hồng quân để theo bọn Bạch vệ và buộc phải tiếp tục cuộc chiến cho đến kết cục vô vọng vừa là một anh hùng vừa là một nạn nhân. Khái niệm về danh dự mà anh được thừa kế [từ cha ông] đã bị đem ra thử thách một cách tột cùng khắc nghiệt, và anh đã bị đánh bại bởi tính tất yếu của lịch sử, yếu tố đóng vai trò giống như sự trừng phạt của Trời đất mang tính kinh điển. Nhưng chúng ta cảm thông với anh cũng như với hai người đàn bà không thể nào quên, Natalia, vợ anh và Aksinia, người tình, cả hai đều gặp tai họa vì muốn bảo vệ anh. Khi anh trở về quê cũ vào cuối truyện, sau khi đào huyệt chôn người tình Aksinia trên thảo nguyên bằng thanh kiếm của mình, tóc anh đã nhuốm bạc và anh đã mất tất cả ngoại trừ đứa con trai.
                    Qua toàn bộ chuỗi dài các nhân vật đó - kẻ được quan sát trong những mối quan hệ cá nhân, người tích cực tham dự vào cuộc chiến như một quân nhân - là quang cảnh hùng vĩ của xứ Ukraina, những thảo nguyên dầu dãi bốn mùa, những làng mạc với những cánh đồng thơm ngọt và những bầy ngựa đang ăn cỏ, những bãi cỏ xanh cuồn cuộn lên trong gió, hai bờ sông Đông cùng với tiếng rì rầm không dứt của dòng sông. Sholokhov không bao giờ chán mô tả những thảo nguyên Nga. Đôi khi ông tự cho phép mình phá vỡ giọng tự sự ngay giữa chừng câu chuyện để thốt lên những lời thống thiết:
                    “Ôi i những thảo nguyên yêu dấu của ta dưới bầu trời gần gụi của miền quê sông Đông! Những hẻm núi uốn khúc quanh những cánh đồng với những bức tường đất đỏ, biển cỏ bao la cuộn sóng, trên đó chỉ hằn lên những vết móng ngựa giống như vô vàn những tổ chim, kế bên là lăng mộ những người Tácta, những người đang lặng lẽ canh chừng vinh quang chiến thắng đã bị chôn vùi của người Côdắc... Ta kính cẩn nghiêng mình trước Người, và, như một người con, xin được hôn lên mặt đất tươi nguyên của Người, thảo nguyên tinh khiết đẫm máu đào của người Côdắc sông Đông.”
                    Có thể nói Sholokhov sử dụng một kỹ thuật tả thực điêu luyện, không có gì mang tính đột phá, một kỹ thuật dường như quá ngây thơ và giản đơn nếu ta đem đặt nó bên cạnh kỹ thuật đang được dùng rất phổ biến trong nghệ thuật viết tiểu thuyết hiện đại. Nhưng đề tài của ông chắc chắn không thể diễn đạt được theo bất cứ một phương thức nào khác, và chính dòng chảy mãnh liệt, bền bỉ, mang tính sử thi đã làm Sông Đông êm đềm trở thành một tiểu thuyết trường thiên thực thụ cả về nghĩa đen và nghĩa bóng.
                    Tác phẩm mới nhất của Sholokhov, Vỡ đất hoang (Podnyataya tselina, 1932 và 1959), một cuốn tiểu thuyết mô tả quá trình cưỡng bức hợp tác xã hoá và bắt đầu áp dụng hình thức hợp tác xã (kolkhoz) đã có một sức sống mãnh liệt không bao giờ phai nhạt và cho ta thấy niềm ưu thích của Sholokhov đối với những nhân vật hết mực hài hước nhưng đồng thời lại được [nhà văn] quan sát bằng con mắt cảm thông. Nhưng, dĩ nhiên, Sông Đông êm đềm tự nó đã hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng này. Một tác phẩm xuất sắc, dù được trao giải hơi muộn, nhưng không quá muộn để đưa thêm vào danh sách những người đạt giải Nobel một trong những nhà văn kiệt xuất nhất của thời đại chúng ta.
                    Để chứng minh cho lựa chọn đúng đắn của mình, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã nói đến "sức mạnh nghệ thuật và lòng chính trực nghệ sĩ, những phẩm chất mà trong trường thi Sông Đông, Sholokhov đã dùng để mô tả một giai đoạn lịch sử trong cuộc sống của dân tộc Nga.”
                    Thưa Ngài! Giải thưởng cao quý này là biểu tượng của công bằng và lòng biết ơn đối với Ngài, về đóng góp quan trọng của Ngài cho nền văn học Nga hiện đại, một đóng góp được thừa nhận rộng rãi không chỉ ở nước Nga mà cả toàn thế giới. Tôi xin gửi tới Ngài lời chúc mừng của Viện hàn lâm Thụy Điển, và kính mời Ngài nhận giải thưởng Nobel văn học năm nay từ tay Hoàng thượng.


                    Tân Đôn dịch, Trần Tiễn Cao Đăng hiệu đính

                    © Culture Globe
                     

                    Diễn từ
                    Thưa Đức Vua!
                    Thưa các vị thành viên Hoàng gia!
                    Thưa các quý bà và quý ông!
                    Tại buổi lễ trọng thể này tôi cho mình có một trách nhiệm dễ chịu là thêm lần nữa bày tỏ lòng biết ơn đối với Viện Hàn lâm Thụy Điển đã trao tặng tôi Giải Nobel.
                    Tôi cũng đã có dịp bày tỏ trước công chúng rằng điều này gợi lên trong tôi niềm thỏa mãn không chỉ bởi đó là sự công nhận quốc tế đối với những thành tựu nghề nghiệp và những đặc điểm của riêng tôi như một nhà văn. Tôi tự hào bởi giải thưởng này được trao tặng cho một nhà văn Nga, một nhà văn Xô Viết. ở đây tôi đại diện cho đội ngũ đông đảo các nhà văn của Tổ quốc tôi.
                    Tôi cũng đã bày tỏ niềm thỏa mãn bởi giải thưởng này còn gián tiếp thêm một lần khẳng định thể loại tiểu thuyết. Trong thời gian gần đây chúng ta thường phải nghe và đọc những ý kiến, thú thực mà nói khiến tôi rất ngạc nhiên, tuyên bố rằng hình thức tiểu thuyết đã trở nên già cũ, không còn đáp ứng những yêu cầu của hiện đại. Trong lúc đó, chính tiểu thuyết tạo ra khả năng nắm bắt thế giới hiện thực một cách trọn vẹn nhất và thể hiện thái độ của mình đối với những vấn đề nóng bỏng của nó.
                    Tiểu thuyết, có thể nói, hướng đến sự nhận thức sâu sắc cuộc sống rộng lớn bao quanh ta hơn là đến những toan tính phô bày cái tôi nhỏ bé của mình như một trung tâm của vũ trụ. Thể loại tiểu thuyết, với đặc tính của mình, là căn cứ địa rộng lớn nhất của nhà nghệ sĩ hiện thực.
                    Nhiều trường phái thời thượng trong nghệ thuật từ bỏ chủ nghĩa hiện thực vì cho rằng nó đã sống hết thời của mình. Không sợ bị quở trách là bảo thủ, tôi tuyên bố rằng tôi đứng về phía những quan điểm đối lập, tôi ủng hộ nhiệt thành nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa.
                    Hiện nay người ta hay nói về cái gọi là chủ nghĩa tiên phong trong văn học - hàm chỉ những thử nghiệm mới mẻ nhất chủ yếu là trong lĩnh vực hình thức. Theo quan niệm của tôi, người tiên phong chân chính là người nghệ sĩ trong các tác phẩm của mình khám phá ra nội dung mới xác định những đặc điểm của cuộc sống thời đại chúng ta.
                    Cả chủ nghĩa hiện thực nói chung, lẫn tiểu thuyết hiện thực đều dựa trên những kinh nghiệm nghệ thuật của các nghệ sĩ vĩ đại của quá khứ. Nhưng trong sự phát triển của mình, nó đã tích lũy thêm những đặc điểm mới một cách căn bản, hiện đại một cách sâu sắc.
                    Tôi đang nói về chủ nghĩa hiện thực mang trong mình ý tưởng làm mới cuộc sống, cải tạo cuộc sống vì lợi ích của con người. Hiển nhiên, tôi đang nói về chủ nghĩa hiện thực mà chúng tôi gọi là hiện thực xã hội chủ nghĩa. Điểm đặc trưng của nó ở chỗ, nó thể hiện một thế giới quan không chấp nhận cả thái độ quan sát bàng quan lẫn thái độ trốn chạy hiện thực, mà nó kêu gọi đấu tranh vì sự tiến bộ của nhân loại, tạo ra khả năng đạt đến những mục tiêu gần gũi với hàng triệu con người, soi sáng con đường đấu tranh của họ.
                    Nhân loại không phân chia ra thành vô số những cá thể, cá nhân trôi nổi trong trạng thái không trọng lượng như những nhà du hành vũ trụ nằm ngoài giới hạn sức hút trái đất. Chúng ta sống trên mặt đất, chúng ta tuân theo những quy luật của trái đất, và, như trong kinh Phúc Âm nói, ngày nào của chúng ta cũng có đủ những vấn đề thường nhật của nó, những lo toan và đòi hỏi của nó, những hi vọng của nó vào một ngày mai tốt đẹp hơn. Đại đa số dân chúng trên trái đất bị thôi thúc bởi một động cơ duy nhất, sống bằng những quyền lợi chung, những mối quan tâm hòa kết với nhau hơn là chia rẽ.
                    Đó là những con người của lao động, những người bằng bàn tay và khối óc của mình sáng tạo ra tất cả. Tôi thuộc về đội ngũ những nhà văn coi vinh dự tối cao của mình, tự do lớn nhất của mình là khả năng được phục vụ nhân dân lao động bằng ngòi bút của mình không bị hạn chế bởi bất cứ điều gì.
                    Đó là xuất phát điểm của tất cả. Từ đó dẫn đến kết luận về việc tôi, với tư cách nhà văn Xô Viết, suy nghĩ như thế nào về chỗ đứng của người nghệ sĩ trong thế giới hiện đại.
                    Chúng ta đang sống trong những năm tháng đầy lo âu, nhưng trên mặt đất này không có một dân tộc nào mong muốn chiến tranh. Có những thế lực ném cả những dân tộc vào biển lửa chiến tranh. Chẳng lẽ tro than từ những đám cháy khổng lồ của Thế chiến II không bám nhiễm vào trái tim nhà văn? Chẳng lẽ một nhà văn trung thực không lên tiếng chống lại những kẻ muốn đưa nhân loại đến chỗ tự hủy diệt?
                    Đâu là thiên chức, là nghĩa vụ của người nghệ sĩ coi mình không phải là một vị thần vô cảm trước những đau khổ của con người, ngự cao trên đỉnh Olympe nhìn xuống các thế lực tranh xé nhau, mà là một đứa con của dân tộc mình, một vi phân của nhân loại?
                    Cần phải nói với người đọc một cách trung thực, cần phải nói với mọi người sự thật - sự thật nhiều khi là khắc nghiệt nhưng luôn ngoan cường. Cần củng cố nơi trái tim con người niềm tin vào tương lai, vào sức mạnh của mình về khả năng xây dựng cái tương lai đó. Phải là người chiến sĩ vì hòa bình ở khắp thế giới và bằng lời nói của mình đào tạo nên những chiến sĩ đó ở mọi nơi nào mà lời nói đó vang đến được. Phải đoàn kết con người trong những nỗ lực hiển nhiên và cao cả vì sự tiến bộ.
                    Nghệ thuật có sức tác động mạnh mẽ đến trái tim và khối óc con người. Tôi nghĩ, có quyền được gọi tên là nghệ sĩ những ai hướng sức mạnh đó đến việc kiến tạo cái đẹp trong tâm hồn mọi người vì lợi ích của nhân loại.
                    Dân tộc thân yêu của tôi tiến lên phía trước trên những ngả đường lịch sử không phải theo các lối đi mòn phẳng. Đó là con đường của những người khám phá, những kẻ tiên phong của cuộc sống mới. Tôi nhìn thấy trách nhiệm của mình trong tư cách một nhà văn ở chỗ: bằng tất cả những gì tôi đã và sẽ viết tôn vinh dân tộc tôi - một dân tộc lao động, dân tộc xây dựng, dân tộc anh hùng, dân tộc không tấn công ai nhưng bao giờ cũng tự trọng bảo vệ thành quả của mình, bảo vệ danh dự và tự do của mình, bảo vệ quyền xây dựng tương lai theo lựa chọn của chính mình.
                    Tôi muốn những cuốn sách của tôi giúp con người sống tốt hơn, tâm hồn trong sạch hơn, đánh thức tình yêu với con người, nỗ lực đấu tranh vì những lí tưởng nhân đạo và sự tiến bộ của loài người. Nếu tôi phần nào làm được điều đó, tôi hạnh phúc.
                    Tôi cảm ơn tất cả những ai có mặt trong hội trường này, cảm ơn tất cả những ai đã gửi lời thăm hỏi, chúc mừng nhân dịp tôi được nhận Giải Nobel.
                    Đoàn Tử Huyến dịch từ nguyên bản tiếng Nga
                    (Nguồn: http://nobelprize.org)
                    © Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây
                    #10
                      Chuyển nhanh đến:

                      Thống kê hiện tại

                      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                      Kiểu:
                      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9