(url) Arthur Rimbaud (1854-1891)
nguyễn quốc việt 07.01.2006 03:08:55 (permalink)
Arthur Rimbaud
 
Jean Nicolas Arthur Rimbaud sinh ngày 20/10/1854 ở Charleville, một tỉnh lỵ trên vùng cao nguyên Ardennes thuộc miền Đông-Bắc nước Pháp, gần biên giới Pháp-Bỉ. Cha ông, Frédéric Rimbaud, là một viên đại úy bộ binh, cao lớn đẹp người, tính tình phóng khoáng, thích văn chương, hay mơ mộng, nhưng ít khi có mặt trong gia đình. Năm 1864, khi Rimbaud lên mười, cha ông nghỉ hưu. Một hôm, bất ngờ, cha ông bỏ nhà đi biệt tăm. Bà mẹ Rimbaud là con gái một cựu phú nông đã nhập giới trung lưu thành thị. Dáng người cao gầy, sau ngày chồng ra đi, bà chỉ mặc toàn đồ đen. Bà kiêu hãnh, ít nói, độc đoán, nhưng cũng đầy tình mẫu tử. Bà tôn trọng lễ giáo, trật tự gia đình và trật tự xã hội. Nói vắn tắt, bà là một phụ nữ bình thường. Và phi thường. Như một bà mẹ khác, bà mẹ của Marguerite Duras. Vitalie Cuif, bà mẹ của Rimbaud, có thể là “bà hoàng hậu” và “mụ phù thủy” trong thơ Rimbaud.

Rimbaud có một người anh cả, Fréderic, và hai cô em gái, Vitalie và Isabelle. Rimbaud vốn rất thông minh, nhưng cuộc đời tỉnh lỵ buồn tẻ, cộng thêm không khí gia đình ngột ngạt, khiến ông càng ngày càng khao khát tự do, nuôi mầm phản kháng và phiêu bạt giang hồ từ thời bé. Tuy thế, trong những năm tháng đầu đời, Rimbaud vẫn chăm học, dù những lúc tức bực cũng có lấy phấn viết “merde à Dieu” (Thượng đế là cục cứt) trên vỉa hè đối diện cổng nhà thờ cho hả dạ. Năm lên 15, Rimbaud đoạt giải nhất trong cuộc thi thơ tiếng Latinh. Năm lên 16 cậu Rimbaud đã hai lần bỏ nhà đi trốn.

Thoạt tiên, Rimbaud bắt chước các thi sĩ đương thời làm thơ cổ điển, mong được nhóm Thi sơn (Montparnasse contemporain) của Lecomte de Lisle, Théodore de Banville in thơ mình trong tuyển tập của họ. Le bateau ivre (Con tàu say) và Voyelles (Phụ âm) là hai bài thơ danh tiếng nhất của Rimbaud làm theo thể thơ cổ điển có vần. Trong bài thơ đầu, Rimbaud tự ví mình với một con tàu không còn trói buộc, không người điều khiển, đã thoát khỏi dòng sông nhỏ hẹp, bồng bênh trên đại dương giông bão, say mê ngắm nhìn tinh tú, sinh vật, những chân trời mới lạ. Bài thơ này đặt Rimbaud vào hàng ngũ các nhà thơ thuộc thi phái Tượng trưng. Rimbaud đưa bài thơ này cho Verlaine đọc khi được Verlaine mời xuống Paris ở chơi với gia đình ông vài hôm. Voyelles là một bài sonnet gồm mười bốn câu chia làm bốn khổ, hai khổ đầu bốn câu, hai khổ sau ba câu, mỗi câu mười hai âm tiết, một thể thơ rất thịnh hành ở thế kỷ 16, đã được Joachim du Bellay (1522-1560) và Pierre de Ronsard (1524-1585) sử dụng rất tài tình. Song bài Phụ âm của Rimbaud, tuy sử dụng thể thơ cổ điển nhưng lại rất độc đáo, vì có những ẩn dụ mới mẻ, và bắt đầu bằng một câu thơ không giống ai rất ngộ nghĩnh, khiến người đọc phải giật mình: A đen, E trắng, I đỏ, U xanh, O lam: phụ âm.

Une Saison en Enfer (Một mùa ở địa ngục) và Illuminations, hai tập thơ chính của Rimbaud làm theo thể thơ-văn xuôi không vần, khởi xướng bởi hai nhà thơ đàn anh Aloysius Bertrand (Gaspard de la nuit / Gaspard của đêm tối) và Charles Baudelaire (Petits poèmes en prose / Những bài thơ-văn xuôi nho nhỏ), đã mở đường cho thi ca hiện đại, nhất là cho trường thơ Siêu thực.

Illuminations gồm tất thảy 42 bài thơ. Bốn mươi bài làm theo thể thơ-văn xuôi, và hai bài (Marine và Mouvement), với các câu thơ vắt dòng không đồng đều nhau, và không vần, có thể là tổ phụ của thơ tự do. Cho đến nay người ta vẫn chưa rõ các bài thơ trong thi tập này được sáng tạo trong thời kỳ nào, trước hay sau, hay đồng thời với Một mùa ở địa ngục. Có khi thật dài (Enfance, Vies, Jeunesse), có khi chỉ là vài câu ngắn (Antique, Départ, Fêtes d"Hiver), các bài thơ trong thi tập này vừa trong sáng vừa bí hiểm (nếu nói vậy mà không phạm nghịch lý), khi thảng thốt lúc trữ tình, đầy những hình ảnh mê cuồng, những cảnh trí mộng mị với những lời tiên tri.

Tập Một mùa ở địa ngục, viết năm 19 tuổi, gồm nhiều bài thơ-văn xuôi xen lẫn sáu khổ thơ có vần. Giọng thơ nóng sốt, hổn hển, của thi tập này đánh dấu sự bùng nổ của cơn khủng hoảng đã âm ỉ trong tâm hồn người thiếu niên thi sĩ đã từ hơn mấy tháng rồi. Khác với các bài thơ có thể coi là rời rạc trong Illuminations, các bài thơ trong Một mùa ở địa ngục đều có liên hệ mật thiết với nhau, hợp thành một tuyên ngôn, hay một di chúc - nếu ta muốn diễn dịch như vậy - quy tụ những suy gẫm của nhà thơ về bản thân, thi ca, tôn giáo, triết học, v.v... Chúng cũng phản ánh quãng đời nghệ sĩ lang thang và cuộc tình Rimbaud-Verlaine ngắn ngủi và sóng gió; một cuộc tình say đắm, cấm kỵ, giữa một gã con trai 17, tóc dài chấm vai, quỷ quái, tài hoa (người chồng ở địa ngục / époux infernal) và một nhà thơ lớn tuổi hơn, đã thành danh, có gia đình và địa vị xã hội (đồng nữ điên dại / vierge folle). Trong cuộc tình đồng giới này, Rimbaud đóng vai “người chồng”, Verlaine lãnh vai “thụ động”.

Rimbaud có sang London với Verlaine. Và, hoặc một mình, hoặc cùng bạn bè, đã tới Vienna, Hamburg, Stuttgart, đến các nước Xcốtlen, Ý, Bỉ, Đức, nhiều khi phải đi bộ vì không có tiền. Năm Rimbaud 19 tuổi, ngày 10/7/1873, ở Bruxelles, Verlaine trong một cơn say và gây gổ, đã bắn Rimbaud một, hay hai phát súng lục. Rimbaud chỉ bị thương nhẹ nơi cườm tay. Tuy vậy Verlaine phải lãnh hai năm tù vì tội cố ý đả thương. Nhưng thật ra, Verlaine bị tù rất có thể là vì xã hội nề nếp lúc bấy giờ muốn trừng phạt một nhà thơ phóng túng.



Rimbaud buồn rầu trở lại gia đình lúc đó đã dọn về Roche, cũng trong vùng rừng núi Ardennes. Trong tình thế cô đơn tuyệt vọng, Rimbaud hoàn tất bản thảo tập Một mùa ở địa ngục mà lúc đầu ông định gọi là Livre paien (Sách ngoại đạo) hay Livre nègre (Sách mọi), và gửi cho một nhà in ở Bruxelles. Vì không đủ tiền trả phí tổn nên nhà chủ chỉ trao cho Rimbaud vài ấn bản và cất giữ phần còn lại. Và có thể đây đã là đầu giây mối nhợ của cái giả thuyết (qua lời đồn đại của một số bạn hữu và thân nhân) cho rằng Rimbaud đã từ bỏ tham vọng “làm mới thơ ca” và ước nguyện “biến đổi cuộc đời”; đã hoàn toàn phủ nhận hành động làm thơ, và đã tự sỉ vả (“ôi đứa quê mùa!”); và trong một ngày của mùa thu năm 1873, đã tự tay đốt hết các tác phẩm của mình. Mãi cho đến năm 1901, nghĩa là 10 năm sau khi Rimbaud đã ra người thiên cổ, người ta mới tình cờ phát hiện các tập thơ đã in xong và bỏ quên dưới căn hầm nhà in. Tất nhiên sự phát hiện này đã đánh đổ nhiều định kiến sai bậy trong việc đọc thơ Rimbaud trước đấy.



Cũng theo truyền thuyết - phần lớn dựa vào bài Giã biệt trong Một mùa ở địa ngục - Rimbaud chỉ làm thơ trong một thời gian rất ngắn (tối đa là 5 năm kể từ năm lên 15) rồi ông từ bỏ hẳn. Năm 1876 Rimbaud xin đăng lính thuộc địa cho Hà Lan, nhưng lúc đến Batavia (tên cũ của Djakarta) ông trốn về châu Âu sau ba tuần lễ. Từ đầu thu 1877 đến cuối hè 1880 là những chuyến đi tới lui liên tục (vì nhuốm bệnh thình lình) giữa các nơi như Aden, Chypre, Ai Cập và Charleville hay Roche. Tháng 12/1880, đã ngoài 26, Rimbaud lần đầu tiên đến Harrar (Abyssinie) để thám hiểm, rồi ở lại đây lập nghiệp, mở tiệm buôn súng đạn, cà phê, da thú, nô lệ, mong chóng làm giàu. Năm 1891, một vết thương nhẹ nơi đầu gối bị nhiễm độc. Vết thương gây nhức nhối và không xê dịch được, Rimbaud phải nằm băng ca đáp tàu hồi hương. Tháng năm, 1891, tàu đỗ bến Marseilles. Rimbaud lập tức được đưa vào nhà thương để cưa chân. Tháng bảy Rimbaud bình phục, trở về Roche thăm cô em gái Isabelle. Nhưng chỉ vài hôm sau sức khỏe lại giảm sút. Rimbaud và Isabelle vội vã trở xuống Marseilles. Rimbaud lại phải vào bệnh viện.



Ngày 10/11/1891, chỉ vài tuần sau buổi lễ sinh nhật 37 tuổi, Rimbaud qua đời, trong lúc thơ ông bắt đầu được công chúng biết đến, và cái tên Rimbaud đang dần dần trở thành một huyền thoại. Để rồi, vào đầu thế kỷ 20, một nhà thơ lãng mạn Việt Nam, trong cái không khí tưng bừng nhộn nhịp, sáng tạo và khai sinh Thơ Mới ở Hà Nội, đã cảm hứng đặt bút viết:



Tôi nhớ Rimbaud và Verlaine

Hai chàng thi sĩ choáng hơi men...

***

Nguồn evan.com.vn
<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.12.2006 11:57:32 bởi TTL >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9