Tản Mạn Cuối Tuần
Thay đổi trang: < 123 > >> | Trang 2 của 5 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 70 bài trong đề mục
Lý Lạc Long 15.02.2006 16:49:42 (permalink)
Tình Yêu và Hạnh Phúc.

Tình yêu là gì?
Theo tự điển thì tình yêu được định nghĩa là tình cảm, sự yêu thương, luyến ái ... của người và người như tình cảm của đôi lứa, của bạn bè, của gia đình ... hay nói một cách tổng quát là tình cảm của người dành cho "vạn vật" chung quanh cuộc sống. Trong cuộc sống, thì ai chắc cũng đã nghe qua những câu quen thuộc này như : "Tôi yêu em (anh)"; "Tôi thương bạn "; " Tôi yêu thương cha mẹ "; "Tôi yêu tổ quốc quê hương" ... v.v. Hôm nay xin "bàn phiếm" với các bạn chút về tình yêu lứa đôi và theo nhà thơ Xuân Diệu thì : "Làm sao định nghĩa được tình yêu". Tình yêu đôi lứa là một chủ đề mà văn thi sĩ đã tốn không biết bao nhiêu là bút mực đề cập đến, tự ngàn xưa và vẫn sẽ còn tiếp tục cho đến ngàn sau. Tình yêu đôi lứa sẽ luôn luôn là một chủ đề hấp dẫn và thích thú với hầu hết mọi người, ở mọi lứa tuổi .

Tình yêu có tuổi không?
Người ta thường nói tuổi trẻ là tuổi của hy vọng và tuổi của yêu đương. Còn trẻ, có nhiều thời gian và đầy đủ tâm lực nên có nhiều hy vọng để thực hiện được những hoài bão ôm ấp trong lòng như mơ ước . Còn trẻ, có nhiều hy vọng để tìm được người bạn đời lý tưởng, để yêu và được yêu. Thi sĩ Bryon ví tình yêu của tuổi trẻ như một vườn hoa có nhiều bông hoa đang bừng nở và khoe sắc thắm trong mùa xuân và theo Thomas Moore thì chẳng có gì ngọt ngào bằng nửa sự ngọt ngào của giấc mơ tình yêu trong thời trẻ tuổi.
Đúng như vậy, tuổi trẻ là tuổi của yêu đương, của hồn nhiên và mộng mơ nên tình yêu trong thời trẻ tuổi là tình yêu lý tưởng, thánh thiện và trong sạch, chưa bị phấn bụi đường đời làm vẩn đục. Yêu chỉ vì yêu, trong chúng ta, nếu ai đã đi qua đoạn đường tuổi trẻ và nhìn lại thì quả thật "chẳng có gì ngọt ngào bằng nửa sự ngọt ngào của những giấc mơ tình yêu trong thời trẻ tuổi". Dù có trải qua bao nhiêu thăng trầm, bể dâu đổi dời của cuộc sống, chúng ta cũng vẫn hoài nhớ những "giấc mơ tình yêu" của thời tuổi trẻ. Đặc biệt là "mối tình đầu tiên", dù có trọn vẹn hay dở dang , cũng sẽ vĩnh viễn tồn tại trong ngăn tủ ký ức. Vì vậy, các bạn còn trẻ hãy "yêu", yêu mình, yêu người, yêu đời như các bạn có thể yêu, thưởng thức sự ngọt ngào của tình yêu tuổi trẻ, và sẽ không phải hối hận, tiếc nuối và thắc mắc về sau . Phải tự hỏi mình những câu hỏi: Phải chi?... Nếu lúc đó ?... v.v.
Những điều ở trên chỉ nhấn mạnh tuổi trẻ là giai đoạn lý tưởng nhất cho tình yêu, nhưng tình yêu thì như N. Karamzine đã nói: " Tình yêu không có tuổi tác, lúc nào trái tim còn đập người ta còn yêu". Câu nói này của N. Karamzine được phản ảnh và chứng minh rất rõ ràng trong văn thơ của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhà thơ Huy Cận cũng có nhận xét giống như N.K về tình yêu và tuổi tác và đi xa hơn một chút thêm vào nhận xét về thơ tình và tuổi tác : " Tình yêu không có tuổi và thơ tình hay càng không tính tuổi được bao giờ". Thực tế thì đúng như N. karamzine và Huy Cận đã nhận xét . Tình yêu không có tuổi tác và có lẽ giới hạn duy nhất là đời sống trần thế của một người và một trong những kết quả của tình yêu là thi ca. Cho thi ca thì có thể nói không có tuổi và bất tử và nói về tình yêu mà bỏ qua thi ca thì là một thiếu sót.

Tình yêu và thi ca
Có thể nói tình yêu là một động lực chính và duy nhất trong thi ca và thi ca là kết quả của tình yêu ( lứa đôi, bạn bè, quê hương ... cho "vạn vật" nói chung). Những áng văn, những bài hát, những bài thơ tình hay là những hoa tình và trái yêu bất tử, vượt thời gian và không có tuổi tác. Tình yêu đã là động lực giúp cho các văn thi nhân sáng tác được những tuyệt tác và ngược lại thì như nhà thơ Từ Huy đã nhận xét : " Thơ ca tình yêu đã làm con người dịu lại giữa cuộc đời, bởi chỉ có tình yêu, con ngươì mới quay về với nhân bản, quay về với bản sắc hồn nhiên khi tạo hóa tạo ra con người". Nhà văn Ý Leopardy thì cho rắng " thơ trữ tình có thể coi như tổng hợp, như tuyệt đỉnh của thơ, và thơ là tuyệt đỉnh của tiếng nói loài người." Đành rằng chỉ một số rất ít trong chúng ta có khả năng viết văn, làm thơ, phổ nhạc, có khả năng dùng chữ để diễn đạt, chuyên chở tâm ý, cảm xúc của chính mình. Nhưng qua những nghệ nhân này chúng ta sẽ tìm được chính mình . Họ đã nói hộ ta những cảm xúc, những suy nghĩ, nhưng buồn vui, khát khao, mơ ước .. của chính bản thân ta. Tôi tạm trích một số câu thơ về tình yêu của một số thi sĩ và tin rằng bạn sẽ tìm thấy chính mình qua một hay nhiều tác giả dưới đây :

Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dăm trường (Nguyễn Du)

Trái tim là một con tàu suốt
Chẳng có sân ga trạm cuối cùng (Kiên Giang Hà Huy Hà)

Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng (Nguyễn Bính)

Hiu hắt lòng ta như thiếu nắng
Như những ngày những tháng không em (Chế Lan Viên)

Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Nghìn năm hồ dễ có ai quên (Thế Lữ)

Anh sẽ trầm luân ngàn kiếp nhớ
Cho dẫu ngày mai em lãng quên (Vũ Hoàng Chương)

Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề (Hồ Dzếnh)

Em là sóng nhưng xin đừng như sóng
Đã xô vào, xin chớ ngược ra khơi (Đỗ Trung Quân)

Đưa em về tôi chọn đường xa nhất
Đón em sang tôi lựa ngõ thật gần (Trần Lữ Vũ)

Người tôi yêu đã đi xa
Người yêu tôi lại ở nhà. Buồn không? (Phan thị Thanh Nhàn)


Tình Yêu là đau khổ hay hạnh phúc?
Người ta thường nói "yêu là đau khổ" và có đúng như vậy không? Nếu xuyên qua thi ca thì hình như là vậy vì hầu hết những tình thơ tuyệt tác đều được sáng tác trong lúc tác giả đang ở đỉnh tuyệt cùng của đau khổ vì nhớ nhung, trái ngang, dang dở ... trong tình yêu. Có lẽ đau khổ là cảm xúc cần thiết cho thơ tình tương tự như gạch ngói là vật liệu cần thiết để xây một ngôi nhà đẹp. Và có phải khi được toại nguyện, có hạnh phúc thì thi nhân không sáng tác được thơ tình hay, xuất xắc, gây nhiều xúc động cho độc giả? Nếu nhìn qua thi ca dường như cũng đúng như vậy. Nhưng trong thực tế thì tình yêu có thể đem tới hạnh phúc tuyệt vời và cũng có thể đem tới đau khổ tột cùng. Tình yêu là một tặng phẩm cần thiết mà tạo hóa đã ban cho nhân loại, vì không có tình yêu thì nhân loại sẽ không còn tồn tại nữa trên trái đất. Dù tình yêu dẫn đến đau khổ như nhà thơ Lamartine của Pháp đã nhận xét:
Tình trường là cánh đồng hoa
Đố ai qua đó không sa lệ sầu (Nguyễn Tiến Lãng dịch)

Hay hạnh phúc như Xuân Diệu đã diễn tả :
Từ lúc yêu nhau , hoa nở mãi
Trong vườn thơm ngát của lòng tôi .

Thì hầu hết mọi người cũng đã, đang và sẽ phải yêu. Tình yêu là nhu liệu cần thiết cho đời sống của con người, cho sự tồn tại của loài người trên quả địa cầu cũng như chất đốt là nhu liệu cần thiết giữ cho ngọn lửa cháy. Hơn nữa, theo thiển ý của tôi thì đau khổ hay hạnh phúc trong tình yêu cũng tùy vào quan niệm, ước muốn và cảm nhận của một người . Nếu quan niệm tình yêu là cho và nhận chứ không đòi hỏi, những mất mát hay không có được không phải là đau khổ, và hạnh phúc là những gì bạn đang có trong tay... thì một người sẽ tìm thấy hạnh phúc trong tình yêu dù rơi trong bất cứ hoàn cảnh, trạng thái nào trên con đường tình yêu.

- Yêu người và được yêu thì là quá hoàn hảo hảo không có gì để nói nữa .
- Yêu người một chiều, ừ thì hơi thất vọng chút, nhưng ít ra mình cũng đã tìm được đối tượng để trao gởi tình yêu .
- Vỡ tan, ừ thì buồn, đau, và khổ thiệt, như ít ra mình cũng đã có một thời yêu người và được yêu.
- Người không yêu ai, ... có lẽ là người cô đơn, khổ sở, đáng thương và đau khổ nhất.

Tôi thích hai câu thơ về tình yêu của Lê Thị Giáng Vân :
Ai bảo yêu nhau là đau khổ
Xin một đời đau khổ để yêu nhau

Và xa hơn nữa, nếu chúng ta có thể "hiểu" được hạnh phúc như nhà thơ Lý Bạch của Trung Hoa đã nói :" Bạn hỏi tôi đâu là hạnh phúc tuyệt vời trên thế gian này? Đấy là lúc bạn nghe cô bé gái vừa đi vừa hát sau khi hỏi thăm nhờ bạn chỉ đường", thì khi tình yêu không như ước muốn và mộng mơ của mình, chúng ta có thể sẽ thất vọng, nhưng sẽ không bao giờ đau khổ nữa.
Hạnh phúc tuyệt vời với một tâm hồn cao đẹp như Lý Bạch là như vậy, thật giản dị và chỉ có thế thôi. Và hạnh phúc tuyệt vời này chắc cũng có thể đến với bạn và tôi được, phải không? Hy vọng là như vậy !

Lý Lạc Long (TTL,TCT,MAI 20/4/05)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 15.02.2006 17:15:12 bởi Lý Lạc Long >
#16
    Lý Lạc Long 15.02.2006 16:54:45 (permalink)
    "Khúc Xương Sườn" & Tôi

    Từ cái ngày tôi bắt đầu "biết" có sự khác nhau giữa con trai và con gái, bắt đầu thích thú tìm hiểu về cái thế giới bí ẩn của những "khúc xương sườn", cũng có lẽ là ngày tôi bắt đầu thực sự nếm những cảm giác vui buồn, khổ đau, hoan lạc… của người đàn ông trong trần thế. Có những lúc, tôi tưởng như mình đã hiểu được khúc xương sườn của mình, nhưng đã nhiều lần phải quay lại điểm khởi hành, và mỗi lần như vậy thì điểm khởi hành hình như đều xa hơn điểm khởi hành trước đó về phía quá khứ. Dĩ nhiên, mỗi lần như vậy là một số tự tin lại biến mất tích. Lại phải tìm hiểu, khám phá, sục sạo học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Suốt nửa đời người, kết luận tạm thời của tôi ở vào thời điểm này là tôi không "hiểu" được gì ráo trọi về những khúc xương sườn, và dù là cái khúc gần gũi nhất với tôi . Bạn đừng có vội cười, vì còn tệ hơn như vậy nữa là tôi bắt đầu nghi ngờ, tôi có thực sự hiểu được tôi chưa? Cái câu hỏi: "Tôi là ai? Tôi từ đâu đến và tôi đi về đâu?", hình như tôi vẫn chưa trả lời được. Và nếu "nhân sinh ngũ thập tri thiên mệnh " thì tôi đã đi gần hết đoạn đường đời này rồi đó bạn ạ. Tôi vẫn chưa hiểu nổi được tôi thì nói chi đến cái thế giới bí ẩn, khó hiểu của nữ giới.

    Nhiều khi bí quá, tôi "đổ lỗi" hết mọi việc rắc rối cho ông Adam, ham ăn chi trái táo để những kẻ hậu duệ của ông phải gánh chịu cái hậu quả này. Mà nghĩ xa hơn chút, thì cũng đúng như vậy, nếu ông ấy không mềm lòng nghe theo lời bà Eve thì giờ này chắc họ vẫn nhởn nhơ rong chơi trong Vườn Địa Đàng, ngây thơ vô tội như những đứa trẻ tắm mưa, hồn nhiên đùa giỡn giữa thiên nhiên, đâu có biết gì đến cái trò tí toáy "đúc dân", và trái đất đã không có loài người, không có những người như tôi, ngồi đây suy nghĩ vu vơ, ngớ ngẩn như vầy. Hậu quả của việc ăn một trái táo ghê gớm thiệt và "tội" thì đúng là của ông Adam. Thì thôi, đây là nợ của tiền nhân, hậu duệ phải kê vai chia nhau trả, ai khôn thì trả ít chút, ai dại thì phải trả nhiều chút. Tạm bằng lòng với suy nghĩ đơn giản này của mình và cảm thấy an ủi vì ít nhất là tôi cũng đã biết được "Tôi là ai?" ( là hậu duệ của ông Adam); "Tôi từ đâu đến?" ( từ Vườn Địa Đàng); và "Tôi đi về đâu?" (chưa biết, tới đó sẽ hay, có thể sẽ về lại chỗ khởi hành). Tôi biết trả lời cho những câu hỏi này không có đơn giản như vậy. Nhiều nhà hiền triết đã suy nghĩ suốt cả đời vẫn còn "băn khoăn" với câu hỏi này. Đây chỉ là một suy nghĩ nông cạn đáng giá ba xu của tôi.

    Nhiều lúc tôi cũng để ý nghe thử xem hậu duệ của bà Eve suy nghĩ thế nào về phái của họ. Thì ra cũng như phái nam, họ cũng băn khoăn, cũng có những nỗi buồn thân phận, cũng thở than, cũng oán trách ..v.v . Từ những điều nghe và thấy, theo tôi, thì vì cái tội "dụ dỗ" của bà Eve, họ còn bị phạt nặng hơn cái tội "dám ăn" của ông Adam. Công bằng hay không? Đây là "ý", là những tác phẩm của tạo hóa và có lẽ ngoài tầm hiểu biết của hầu hết mọi người .

    Tôi tình cờ nghe một câu chuyện vui có liên quan chút đến việc này, tiện dịp xin ghi lại đây để giải trí . Trong một cuộc trà dư tửu hậu, có một ông bạn, không biết ông ta tinh thông sử sách cỡ nào, và căn cứ vào sách vở nào ... mà dám quả quyết là bà Eve bị phạt “nặng” hơn không phải vì tội dụ dỗ, quyến rủ ông Adam ăn trái táo mà là vì bà Eve đã dám ăn đến hai trái táo và dấu tích thì còn "rành rành" ở đó như mọi người có thể thấy !

    Câu chuyện ở trên lại gợi cho tôi một thắc mắc là trái táo ông Adam ăn lúc đó có "giống giống" như trái táo bây giờ không? Nếu giống thì mấy ông bà bác sĩ thời nay cũng dám bị phạt về tội khuyên (dụ dỗ) mọi người nên ăn một trái táo mỗi ngày ("one apple a day, keep the doctor away"). Rồi gần đây thì đến trái chuối, các nhà chuyên môn nói, về dinh dưỡng, trái chuối có hiệu quả tốt gấp mấy lần trái táo. Có lẽ vì vậy mà một số các bậc nam nhi đổi sở thích qua "ăn chuối" thay vì "ăn táo" để "giữ gìn sức khỏe". Đây có phải cũng là ý của tạo hóa không? Tạo hóa, con người và xã hội loài người quả thật là quá phức tạp, rối ren và khó hiểu.

    Xin trở lại chủ đề chính của bài viết là tìm hiểu một số khía cạnh và bản chất của đàn ông và "khúc xương sườn" của họ trong đời sống thực tế ngày nay. Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau về nguồn gốc của loài người , nhưng vấn đề này rất rộng lớn và bao quát . Tạm thời, ta cứ xem nhân loại và xã hội loài người bắt đầu hình thành từ việc ông bà tổ Adam và Eve bị phạt và bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng. Trải qua một thời gian rất dài, xã hội loài người phát triển không ngừng về mọi phương diện. Con người ngày nay so với vài thế kỷ trước đây đã khác rất nhiều về cách sống, cách suy nghĩ, cách làm việc, cách suy tư .... và cụm từ "khúc xương sườn" dùng để ám chỉ phái nữ chắc chắn là không còn thích hợp nữa. Mặc dù hình dạng và tư duy của con người hiện đại có thể khác rất nhiều so với con người của thời cổ đại . Nhưng có những cái, về cơ bản, con người hôm nay vẫn "giống" như con người thuở man khai. Như quan hệ nam nữ chẳng hạn, về quan niệm, hình thức và phong cách ... v.v. có thể đổi thay, khác với thời xa xưa rất nhiều và càng khác nhau tùy theo phong tục tập quán của mỗi xã hội, mỗi địa phương, mỗi quốc gia . Từ ông Adam và bà Eve cho đến nay, quan hệ nam nữ vẫn là một nguyên nhân chính để loài người có thể tồn tại trên trái đất. Gia đình, một kết quả của đa số những quan hệ nam nữ, từ nhiều ngàn năm qua, vẫn còn là một đơn vị căn bản của xã hội loài người hiện nay và có lẽ cũng sẽ như vậy trong tương lai.

    Đàn bà và đàn ông khác nhau rất nhiều về thể chất, hình dáng, cách suy nghĩ, cách hành xử ..v .v. Tóm lại là có vô vàn những điều khác biệt. Có thể ví, nam và nữ như hai cực nam châm "trái dấu", nên giữa họ có một hấp lực hay một sức hút của từ lực rất mạnh mẽ. Tình yêu là một nguyên nhân chính để gắn bó, để kết hợp các đôi nam, nữ lại với nhau. Nhưng ngay trong tình yêu thì nam và nữ cũng đã có cái nhìn và quan niệm khác biệt, như tục ngữ nói:" Con gái đôi tai, con trai đôi mắt ", phái nữ thường vì đôi tai mà trái tim bị chinh phục, còn phái nam thì thường do đôi mắt mà thần hồn bị đảo điên. Người đàn bà luôn khao khát nghe được câu : "Anh yêu em" từ người đàn ông mà họ thương yêu, còn đàn ông thì ngược lại, luôn trăn trở mãi với câu hỏi "Ta yêu ai?".

    Theo các nhà tâm lý, thì với đàn ông, tình dục là một cánh cửa mở ra những cảm xúc, tạo ra nguồn cảm hứng dồi dào. Còn đối với phụ nữ, cảm xúc là yếu tố cần thiết để có được ham muốn tình dục. Chính vì vậy mà đàn ông không ngớt than phiền: "Lúc nào cũng phải nói câu Anh yêu em thì mới khiến cô ấy có cảm hứng". Còn phái nữ thì than thở: "Anh ấy lúc nào cũng muốn làm chuyện đó". Nhưng không hẳn là đàn ông coi trọng tình dục hơn tình yêu, trong thực tế, thì đa số đàn ông luôn muốn có một người phụ nữ của riêng mình để họ yêu thương, chăm sóc, quan tâm và chia xẻ với họ mọi niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống. Đàn ông có thể có những giây phút "nỗi loạn", nhưng không phải lúc nào họ cũng hứng thú và chấp nhận các cô sống thác loạn, buông thả, thiếu nề nếp. Trong tình yêu, thường thì đàn ông không có ý định " bẻ khóa vườn đào" nếu phụ nữ không đưa chìa khóa cho họ. Khi yêu, đàn ông cũng có những khát khao cháy bỏng, nhưng họ cũng hết sức tôn trọng mong muốn của người họ yêu. Tuy nhiên, đôi khi phái nữ bằng những trang phục quá bắt mắt, những ánh mắt và cử chỉ gợi tình, và có thể nói, lúc này đàn ông mới là người rơi vào thế bị động, chứ không phải là phụ nữ.

    Thường thì đàn ông bị gán cho cái tiếng đa tình, và đàn ông đa tình , do yếu tố bẩm sinh di truyền và do môi trường sống, họ có sinh lực dồi dào và có thể đối tượng của họ không đủ sức nhận lãnh, chứa đựng... hết nên họ phải tìm đến những đối tượng khác hoặc phải yêu nhiều đối tượng một lúc thì trái tim tham lam của họ mới thỏa mãn. Điều này cũng đúng cho đàn ông nhưng không công bằng vì bản tính đa tình không hẳn chỉ có ở phái nam . Phái nữ cũng có rất nhiều người đa tình , họ đang yêu người này nhưng những lời tỏ tình, những ánh mắt nồng nàn, tình tứ từ một người đàn ông khác cũng làm cho họ cảm thấy xao xuyến, rung động, ngây ngất... Họ có thể cũng tự biện luận là yêu chỉ một người,thì thường không hội đủ những đặc điểm mà họ cần, nên họ phải yêu nhiều người. Trái tim có những lý lẻ riêng của nó, vấn đề ở đây có lẽ là sự tự kiềm chế và nhận biết giới hạn nào ta không thể vượt qua. Do bản chất bẩm sinh của đàn ông (male animal instinct), người đàn ông không phải không thích người đàn bà đa tình, nhưng có điều là họ chỉ thích người phụ nữ đa tình riêng với họ mà thôi. Đúng hay sai, công bằng hay không? Đây cũng là một sắp đặt của tạo hóa.

    Đàn ông chỉ thích những cô gái đẹp? Nói cách khác, là đàn ông yêu bằng mắt, cũng không đúng hẳn như thế. Đã là con người, dù là nam hay nữ thì đứng trước cái đẹp, có ai lại không trầm trồ ngưỡng mộ? Nhưng quan niệm về cái đẹp rất khó nắm bắt, bởi một lý do đơn giản là "nó không có khái niệm, không tồn tại ở trong sự vật" ( Kant,1724-1804). Cái đẹp thường gây nên sự tranh cãi, vì có người sẽ không tiếc lời khen tụng, tán dương một vẻ đẹp, nhưng người khác lại lắc đầu phủ nhận. Một cô gái "mình hạc xương mai" có thể là cô gái trong mơ của một người đàn ông này, nhưng người đàn ông khác thì lại ngưỡng mộ những người phụ nữ "khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang". Và đối với nữ giới , có người thích vẻ đẹp này, có người thích vẻ đẹp khác như : phong thái thư sinh nho nhả, nét phong trần, từng trải kinh nghiệm, hay khí chất mạnh mẽ , hiên ngang, bất khuất của nam nhi ... Vì vậy, các bạn cứ yên tâm, nếu người ấy luôn yêu bạn nồng nhiệt, thì nên tự tin rằng, bạn chính là "Tây Thi hay Tống Ngọc trong mắt người yêu mình".

    Khi đã có người phụ nữ của riêng mình, đàn ông thường thỏa mãn, say với men chiến thắng và thấy không cần phải hết lòng "ra sức chinh phục" người mình yêu nữa. Và khi mối quan hệ giữa hai người ngày càng trở nên gắn bó, thường phụ nữ là người đầu tiên mất tự tin là họ còn có đủ sức hấp dẫn và thu phục đối tượng nữa không. Họ cũng chợt nhận ra rằng, người đàn ông họ yêu không còn dành nhiều thời gian cho họ, không "có vẻ" si mê họ như thuở ban đầu. Bên cạnh đó, thì đàn ông chẳng ngần ngại bộc lộ rõ bản chất của họ, và phụ nữ hiếm khi nào hài lòng với những phong cách mà trước đây họ chưa khám phá được ở người đàn ông. Với đàn ông, mọi sự thay đổi không phải là do họ không còn mặn nồng, không còn yêu thương nữa mà đơn giản là họ muốn sống thật với chính mình trong tình yêu. Và đàn ông cũng vẫn phải trăn trở rất nhiều với những lo lắng mơ hồ : "Liệu mình có làm người ấy thất vọng?"; "Hôm nay người ấy không vui, phải chăng mình đã làm gì khiến cho người ấy buồn?".

    Ở trên chỉ là những tảng băng nhỏ nổi trôi trong biển đời, tôi góp nhặt lại trong cuộc hành trình tìm hiểu bản thân và "khúc xương sườn" của mình, tiện dịp ghi lại đây để chia xẻ với các bạn. Nói cách khác, là sự khác biệt nhưng thu hút nhau như nam châm đối cực giữa nam và nữ thì còn rất nhiều. Và nói thật thì hiện giờ tôi cũng chưa tự trả lời được một cách chắc chắn và tự tin câu hỏi cổ xưa : "Ta là ai? Ta từ đâu đến? Và Ta đi về đâu?" thì nói chi đến cái thế giới bí ẩn và khó hiểu của tóc dài .

    Cuối cùng, lời nhắn nhủ chân thành đến các bậc nam nhi thân mến: Nếu bạn nào còn nghĩ là mình vai hùm lưng gấu, sức khỏe mạnh mẽ , hình dạng to lớn và khả năng chịu đựng đau đớn của bạn sẽ hơn phái nữ "liễu yếu đào tơ" thì bạn đã lầm, đã không hiểu rõ bản thân mình & đối phương rồi. Có thể nói là bạn chưa ra trận đã thua. Kế đến, mỗi khi khúc xương sườn của bạn dịu dàng " Anh yêu, chúng ta cần phải nói chuyện với nhau ! " Và bạn lo lắng : " Mình lại phạm sai lầm gì đây?" Thì hành trình vào thế giới bí ẩn và khó hiểu của phe tóc dài còn dài dằng dặc trước mặt và đầy những bất ngờ .

    Chúc bạn và tôi nhiều may mắn .

    Lý Lạc Long (TTL/TCT/MAI/27/10/05)
    #17
      Lý Lạc Long 17.02.2006 07:34:40 (permalink)
      NHỮNG BƯỚC ĐƯỜNG DẪN ĐẾN HẠNH PHÚC

      Có lẽ bạn cũng như tôi, thường nghe nhắc đến hai chữ "hạnh phúc".
      Nhưng hạnh phúc là gì? Và làm thế nào để có hạnh phúc? Đây luôn là một vấn đề băn khoăn, trăn trở của con người và "hạnh phúc" trở thành một đề tài khoa học đang được nghiên cứu trong thế kỷ hiện đại. Không những chỉ trong tâm lý và kinh tế học mà ngay cả triết học, y học, chính trị học... đều nghiên cứu về hạnh phúc. Chương trình "Dữ liệu thế giới cho hạnh phúc" (World Database for Happiness) ra đời, nhiều tờ báo mở mục nghiên cứu hạnh phúc. Nhà tâm lý học Timothy Sharp, người Úc, lập Viện Nghiên cứu Hạnh phúc ở Sydney (Úc). Mời bạn cùng tôi tham khảo quá trình tiến triển một số nghiên cứu của các nhà khoa học về hạnh phúc.

      Năm 1998, nhà tâm lý Martin Seligman - Đại học Pennsylvania, đã mời một số nhà tâm lý học hàng đầu của nước Mỹ đến thành phố Akumal (tiểu bang Mexico) để chia xẻ mục tiêu mới của tâm lý học: Nghiên cứu hạnh phúc. Môn học "nghiên cứu hạnh phúc" sẽ nghiên cứu các yếu tố tạo nên hạnh phúc cho con người. Ba người có công nhất trong việc hình thành môn khoa học này là Seligman, nhà tâm lý Edward Diener thuộc Đại học Illinois, với biệt hiệu "tiến sĩ Hạnh Phúc" và nhà tâm lý Mihaly Csikszentmihalyi, một người Mỹ gốc Hung Gia Lợi. Hiện nay thì trên thế giới chưa có ngành khoa học nào giải thích rõ ràng hạnh phúc là gì? Và ngay cả định nghĩa của danh từ "hạnh phúc" cũng rất khó khăn vì con người là một sinh vật phức tạp và thế nào là hạnh phúc thì có lẽ sẽ tùy thuộc vào quan niệm hạnh phúc của từng cá nhân. Nhưng những phát hiện của các nhà tâm lý học sẽ làm chúng ta ngạc nhiên, vì có những yếu tố chúng ta tưởng là mang lại hạnh phúc nhưng thật sự là không hoặc không đáng kể. Một số thí dụ như :

      Hạnh phúc là tiền bạc? Theo nhà tâm lý học Daniel Kahneman, thì tiền không làm con người hạnh phúc vì khi chúng ta có đủ nhu cầu cần thiết rồi, thu nhập thêm chỉ nâng chút ít cho sự hài lòng với cuộc sống chúng ta mà thôi. Daniel Kahnerman thuộc trường đại học Princeton (Mỹ) đoạt giải thưởng Nobel về Kinh tế năm 2003 cho những đóng góp của ông trong việc nghiên cứu nguyên nhân tiền bạc có thể mua được hạnh phúc nhưng không làm con người hạnh phúc. Các nhà kinh tế nghiên cứu những phép tính mang lại hạnh phúc như đặt giá cho hôn nhân, công ăn việc làm, môi trường sống, lạm phát v.v... Mô hình kinh tế làm chuẩn mực để nghiên cứu cho rằng hạnh phúc là sự cân đối giữa công việc (đau khổ) và hưởng thụ (sung sướng). Người hạnh phúc là người được tiêu pha thoải mái và có nhiều thời gian rảnh rỗi.Tuy nhiên, giáo sư Richard Layard, Trường Kinh tế London, phản bác lại rằng xã hội phương Tây thật điên rồ khi cứ tiếp tục tích lũy vật chất trong khi con người cảm thấy không được an toàn và bị áp lực tâm trí (stress) nhiều hơn. Ông phát biểu: "Tâm hồn yên tĩnh và sự an toàn là những điều thông thường phải được tăng lên (chứ không phải giảm đi) khi con người trở nên giàu có hơn". Trong vòng 50 năm qua, mức sống trong các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu và Nhật tăng lên không ngừng, nhưng các nghiên cứu về hạnh phúc gần đây cho thấy người dân ở những nước này dường như không cảm thấy hạnh phúc hơn và các nhà kinh tế học giải thích ra sao về hiện tượng nghịch lý này? Điều nghịch lý ở đây là: Một cá nhân sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn nếu cá nhân đó giàu có hơn người khác, nhưng khi toàn bộ xã hội giàu có hơn, dường như không ai cảm thấy hài lòng hơn. Trước đây, người ta thường đánh giá hạnh phúc của người dân qua mực sống của nước đó và các nhà kinh tế học thường sử dụng chỉ số GDP (Gross Domestic Product - tổng thu nhập tính trên đầu người). Nhưng điều nghịch lý này đã buộc các nhà kinh tế phải nghiên cứu khái niệm "hạnh phúc" dựa trên những thước đo mới. Richard Layard, một nhà kinh tế của trường Kinh tế London, đã xem xét vấn đề hạnh phúc dựa trên nhiều yếu tố khác nhau thuộc về tâm lý học, xã hội học và những nguyên lý của riêng ông để trả lời câu hỏi: Tại sao con người không cảm thấy hạnh phúc hơn khi giàu có hơn? Theo Layard, một trong những yếu tố có thể lý giải cho điều nghịch lý này là ''tính thích nghi nhanh chóng'' của con người: Con người thường tự điều chỉnh mình rất nhanh chóng trước những thay đổi về điều kiện sống. Do vậy, những cải thiện về mức sống chỉ có thể làm cho họ vui lên một lúc, nhưng niềm vui này rồi cũng nhanh chóng qua đi. Chẳng hạn, 30 năm trước đây, một hệ thống trung tâm điều hòa không khí cho căn nhà được xem là thứ hàng xa xỉ nhưng ngày nay nó đã trở thành nhu cầu thiết yếu. Một nguyên nhân khác, quan trọng hơn, khiến con người không cảm thấy hạnh phúc hơn khi kiếm được nhiều tiền là do con người thường có "xu hướng so sánh mình với người khác". Thí dụ, khi các sinh viên Đại học Harvard được hỏi sẽ chọn công việc nào nếu: (a) Mức lương họ là 50.000 USD một năm trong khi lương những người khác chỉ bằng một nửa con số này; (b) Mức lương họ là 100.000 USD một năm trong khi mức lương những người khác sẽ gấp đôi con số này. Đa số đã chọn công việc (a). Họ cảm thấy vui hơn khi có ít tiền hơn, miễn là họ khá hơn người khác chứ không coi trọng mức lương tuyệt đối. Điều này chứng tỏ rằng cố làm việc hết sức tích cực hơn, trong thực tế, không đem đến cho con người nhiều hạnh phúc như họ mong đợi. Bởi lẽ, khi họ kiếm được nhiều tiền thì người khác cũng làm được điều đó. Kế đến, điều đáng quan tâm nhất, là con người làm việc vất vả hơn để kiếm được nhiều tiền hơn, nhằm mưu cầu đời sống vật chất khá hơn, sẽ làm cho con người trở nên buồn rầu hơn trước đây nếu như họ không có đủ thời gian rảnh rỗi để nghỉ ngơi, giải trí. Khi các sinh viên Đại học Harvard được hỏi sẽ chọn công việc nào nếu: (c) Họ sẽ có hai tuần để nghỉ phép, trong khi những người khác chỉ có một tuần; (d) họ sẽ có bốn tuần nghỉ phép trong khi những người khác có tám tuần, đa số chọn (d). Layard cho rằng kết quả này phản ảnh một thực tế là ở các xã hội phát triển con người có xu hướng làm việc vất vả hơn để tiêu thụ nhiều hàng hóa vật chất hơn, trong khi thời gian để nghỉ ngơi, giải trí thì giảm xuống và đây chính là nguyên nhân khiến con người cảm thấy không hạnh phúc hơn dù kiếm được nhiều tiền hơn người khác.

      Hạnh phúc là tuổi trẻ? Cũng không phải, vì theo nghiên cứu của các nhà khoa học, thật ra người lớn tuổi bằng lòng với cuộc sống hơn người trẻ tuổi. Một thăm dò của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ cho thấy những người trong lứa tuổi 20-24 có trung bình 3,4 ngày buồn mỗi tháng, trong khi những người kho ảng tuổi 65-74 chỉ buồn 2,3 ngày mỗi tháng. Theo Ruut Veenhoven, giáo sư nghiên cứu hạnh phúc thuộc Đại học Erasmus ở Rotterdam (Hòa Lan), đã xuất bản "Tạp chí nghiên cứu hạnh phúc" (Journal of Happiness Studies) và quản lý cơ sở dữ liệu thế giới về hạnh phúc, đây là kho tư liệu về hạnh phúc của toàn thế giới (website www2.eur.nl/fsw/research /happiness), thì người trong lứa tuổi 30-50 ít hạnh phúc hơn người thuộc các lứa tuổi khác, vì trong lứa tuổi trung niên này người ta "có ít tự do hơn và có nhiều trách nhiệm hơn" đối với con cái, việc làm. Con người hạnh phúc nhất trong công ăn việc làm nào đem lại cho họ nhiều tự do và quyền tự quyết định.

      Hạnh phúc là lập gia đình? Theo các nhà nghiên cứu, đây là một hình ảnh phức tạp: Người có gia đình thường hạnh phúc hơn người độc thân, nhưng họ chỉ sẽ hạnh phúc hơn nếu luôn khởi đầu cuộc sống chung lại.

      Hạnh phúc là có nhiều bạn bè? Theo nghiên cứu năm 2002 của Seligman cho thấy những người phát triển khả năng xã hội, giao tiếp bạn bè nhiều và làm công tác xã hội thường cảm thấy hạnh phúc hơn người ít giao tiếp.

      Các nhà khoa học còn nghiên cứu rất nhiều yếu tố khác nữa như thể chất, sức khỏe, ăn uống... mà họ nghĩ là có liên quan đến hạnh phúc. Nhưng vì khuôn khổ giới hạn của bài viết tôi xin dừng lại ở đây. Nếu thích thú, các bạn có thể tìm đọc thêm chi tiết về những nghiên cứu hạnh phúc của các nhà khoa học nêu trên.

      Làm sao để đo lường hạnh phúc? Ngay cả những người hạnh phúc nhất vẫn có những ngày buồn bã vô cùng. Và ngược lại những người sầu buồn nhất cũng có những ngày thật hạnh phúc. Điều này chứng tỏ hạnh phúc không là trạng thái tĩnh và đây là một thách đố cho những nhà tâm lý học muốn đo lường hạnh phúc. Họ đã tìm ra nhiều phương pháp đo lường và đánh giá hạnh phúc. Năm 1980, nhà tâm lý Edward Diener tạo ra một trong những công cụ cơ bản và được sử dụng rộng rãi nhất, gọi là "thang hài lòng với cuộc sống". Ông cho rằng thang này phù hợp với các cách đo lường khác về hạnh phúc, chẳng hạn ấn tượng từ bạn bè và gia đình, sự diễn tả cảm xúc tích cực và dấu hiệu sự phiền muộn. Trong khi đó, giáo sư Csikszentmihalyi đề ra phương pháp sử dụng thiết bị kỹ thuật để thăm dò và dùng máy tính để tiếp xúc với đối tượng bất cứ lúc nào, với một loạt câu hỏi như: Bạn đang làm gì, bạn vui thích không, bạn làm một mình hay với ai nữa? Phương pháp này gọi là "lấy mẫu kinh nghiệm", tuy tốn tiền và mất nhiều thì giờ, nhưng cho biết kết quả trung thực về sự hài lòng của một người trong khi làm một công việc. Gần đây, nhà tâm lý Daniel Kahneman, người được giải thưởng Nobel kinh tế năm 2003, đưa ra một công cụ mới đánh giá hạnh phúc gọi là "phương pháp đánh giá ngày hôm trước". Theo phương pháp này những người tham gia ghi lại các việc làm của mình trong ngày trước đó, sống với ai, làm gì với ai, đánh giá mỗi việc làm và mỗi cảm xúc theo mức thang bảy điểm. Theo ông Kahneman, các nhà tâm lý nên chú trọng đến cảm nghiệm của người ta hơn là chỉ thăm dò cảm nghĩ của họ. Trái lại, thì Seligman nhấn mạnh đến việc nhớ lại bản thân, vì nghiên cứu các cảm nghiệm là nhấn mạnh quá nhiều đến vui thú và bất mãn chóng qua. Trong cuốn Authentic Happiness (Hạnh phúc đích thực) xuất bản năm 2002, ông nêu ra ba thành phần của hạnh phúc: Lạc thú, dấn thân (quan hệ với bà con họ hàng, bạn bè, công việc, sự lãng mạn) và ý nghĩa (dùng sức mạnh của bản thân để phục vụ mục đích cao hơn). Seligman nói trong ba con đường dẫn đến cuộc sống hạnh phúc và thỏa mãn, thì lạc thú là ít quan trọng hơn cả và đây là điều mà xã hội và mọi người nên quan tâm bởi vì quá nhiều người xây dựng cuộc sống của họ quanh việc theo đuổi lạc thú.

      Làm thế nào để có hạnh phúc? Theo Tiến sĩ Timothy Sharp (Viện Nghiên cứu Hạnh phúc - Sysney, Úc) thì 10 bước dưới đây sẽ giúp bạn đạt được hạnh phúc:
      1. Nắm chắc mục đích việc mình làm: Người hạnh phúc phải có mục đích rõ ràng, thiết thực. Nên biết chắc bạn muốn gì và cần làm gì để đạt được mong muốn đó. Mục tiêu của bạn phải hợp lý (cụ thể, vừa phải, dễ thực hiện, thực tế và có giới hạn).
      2. Hiểu rõ lý do việc mình làm: Nắm chắc mục tiêu cuộc sống sẽ càng làm tăng cơ hội đạt được hạnh phúc thực sự của bạn. Phải xác định rõ bạn có lý do chính đáng để đi tới mục tiêu đó.
      3. Phải mạnh mẽ: Nên hiểu rõ bạn giỏi về lĩnh vực nào để tìm cách thực hiện. Hạnh phúc không chỉ ở chỗ bạn nhìn ra khuyết điểm và khắc phục điểm yếu mà còn phải tin vào tài năng và phẩm chất của chính mình nữa.
      4. Không nên đơn thương độc mã: Phải dựa vào sự cổ vũ của gia đình, bè bạn, đặc biệt những người có quan hệ thân thiết với bạn, luôn nỗ lực để cải thiện các mối quan hệ đó. Hãy rủ họ cùng làm với mình, chia xẻ kinh nghiệm và không quên ủng hộ họ.
      5. Có thái độ tích cực: Một trong những yếu tố quan trọng của hạnh phúc là phải luôn suy nghĩ lạc quan. Dù bạn không được lựa chọn làm một số công việc nhưng bạn được quyền suy nghĩ về nó. Chính nó sẽ làm tăng khả năng biến bạn thành người may mắn.
      6. Luôn năng động: Muốn hạnh phúc bạn phải là người khỏe mạnh. Luôn năng động, tập thể dục đều đặn, ăn uống điều độ, ngủ và nghỉ ngơi đủ.
      7. Kiểm soát: Kiểm soát đến mức tối đa cuộc đời của bạn. Học và thực hành cách giải quyết vấn đề,thu xếp thời gian, nghiền ngẫm và trao đổi hiểu biết.Tuy không ai hoàn toàn kiểm soát được bản thân nhưng quan trọng là phải thực tế và chấp nhận cả những lúc bạn không giữ được mình.
      8. Tuân theo kỷ luật: Hạnh phúc không gì hơn là giữ kỷ luật hằng ngày. Tránh rầu rĩ hay phê phán sai lầm của mình ngày này sang ngày khác. Dù hôm nay bạn được ưng ý, nên bắt đầu có chiế n lược ngay cho mình. Hãy tập trung vào nó, bạn sẽ thấy vui ngay trước khi sự việc xảy ra.
      9. Hãy sống cho hiện tại: Người hạnh phúc thường dành thời gian nghĩ đến hiện tại hơn là đắm chìm trong quá khứ hay lo lắng về tương lai. Rút ra bài học từ sai lầm của chính bạn, vạch kế hoạch cho tương lai nhưng hãy tận hưởng cuộc sống ngay đi.
      10. Luôn tiến lên phía trước: Ai cũng gặp rắc rối cả. Người hạnh phúc lường trước và đối phó được với rắc rối khi cần. Phải học tính kiên nhẫn, bền gan. Hạnh phúc sẽ ở bên bạn.

      Sau khi tham khảo nghiên cứu của các nhà khoa học, có lẽ bạn cũng như tôi, vẫn chưa thỏa mản, vẫn chưa rõ ràng lắm hay nắm chắc được "hạnh phúc là gì?" và "làm thế nào để có hạnh phúc?". Tạm thời, chúng ta hãy dừng lại đây với định nghĩa hạnh phúc của giáo sư Ruut Veenhoven, sau 25 năm nghiên cứu về hạnh phúc: "Hạnh phúc là yêu mến cuộc sống mà ta đang sống. Người ta có thể sống trên thiên đàng mà vẫn không có hạnh phúc, bởi vì con người cứ bám lấy mọi sự trong cuộc sống của mình". Và có lẽ đúng như Nathaniel Hawthorne đã nói:"Hạnh phúc như một chú bướm, càng cố chộp lấy, càng tuột khỏi tay nhưng nếu bình tâm ngồi lại, nó sẽ đậu lại trên bạn." Để kết thúc bài viết này, tôi xin gởi đến bạn một câu chuyện xưa về "hạnh phúc":

      Ngày xưa, có lần một nhóm quỷ Satan họp nhau lại để bàn kế hoạch làm hại con người. Tất cả quỷ Satan đều đồng ý với đề nghị là:"Chúng ta sẽ lấy một thứ gì đó quý giá của con người và giấu đi ". Nhưng lấy cái gì của con người và giấu ở đâu bây giờ? Sau khi suy nghĩ, một quỷ Satan nói:"Biết rồi, hãy lấy đi hạnh phúc của con người, họ sẽ ngày đêm phải khổ sở, ưu sầu, buồn phiền... Nhưng vấn đề là giấu hạnh phúc ở đâu? Phải giấu hạnh phúc ở nơi nào mà con người không tìm được". Một quỷ Satan cho ý kiến:"Hãy giấu hạnh phúc trên đỉnh ngọn núi cao nhất của thế giới ". Nhưng ý kiến đó bị phản đối ngay: "Không được. Con người rất khoẻ mạnh, chuyện leo núi rất dễ dàng với họ". Một Satan khác đề nghị:"Vậy hãy giấu hạnh phúc xuống đáy biển sâu nhất". Nhưng đề nghị này cũng bị phản đối: "Không, con người rất tò mò. Họ sẽ tạo ra những chiếc tàu ngầm hiện đại để đi xuống tận đáy biển. Rồi con người cũng sẽ biết". Một quỷ Satan khác gợi ý:"Hay giấu hạnh phúc ở một hành tinh khác". Nhưng ý kiến này cũng bị các quỷ khác bác bỏ: "Không được, con người rất thông minh. Họ sẽ thám hiểm vũ trụ và tìm ra hành tinh đó". Nhóm quỷ im lặng và suy nghĩ. Cuối cùng, thì một quỷ Satan đứng lên đưa ra ý kiến:"Tôi biết, ta nên giấu hạnh phúc ở đâu rồi! Hãy giấu nó ngay chính bên trong con người. Vì hầu hết con người đều luôn cố gắng lùng kiếm hạnh phúc ở khắp nơi khắp chốn và bao giờ cũng thấy người khác hạnh phúc hơn mình. Bản thân họ thì chẳng bao giờ họ quan tâm. Giấu ở đó con người chẳng bao giờ tìm thấy đâu". Tất cả quỷ Satan đều tán thành giải pháp này và kể từ đó, dường như đúng y lũ quỷ Satan đã nghĩ, đa số con người mải mê đi tìm kiếm hạnh phúc mà không biết nó đã được giấu ngay trong tâm hồn mình.

      Chúc bạn và tôi may mắn trên con đường tìm kiếm và gìn giữ hạnh phúc của mình.

      LÝ LẠC LONG
      (TTL/TCT/MAI/2005)
      #18
        Lý Lạc Long 20.02.2006 16:16:04 (permalink)
        Một Tình Bạn Cao Cả
        (Phỏng dịch theo "No Greater Love" của Col. John W. Mansur )


        Một em bé mồ côi, một kết quả bi thảm sau những đợt mọt-chê pháo kích vào trại cô nhi và một việc làm can đảm vì tình thương cho bạn của em bé đó, kết hợp lại với nhau để hình thành câu chuyện này. Tôi không biết chắc chắn có được bao nhiêu phần trăm chi tiết đúng với sự thật mà tôi đã được kể cho nghe, nhưng người kể nói đây là một câu chuyện thật đã xảy ra . Và có thể tất cả mọi chi tiết tôi đã nghe đều đúng như sự thật vì trong chiến tranh thì chuyện lạ gì cũng có thể xảy ra được. Câu chuyện này đã làm tôi rất cảm động, và dù thời gian qua đã lâu, mỗi lần nhớ lại vẫn làm mắt tôi ướt.

        Những đợt mọt-chê pháo kích vào ngôi làng nhỏ đó có rơi đúng mục tiêu như kế hoạch đã định của người bắn không? Nhưng dù mục tiêu nào đã được chọn thì cũng không còn dấu vết nào để biết trong cái bối cảnh bi thương của chiến tranh Việt Nam. Sự thực, thì những viên đạn mọt-chê đó đã rớt vào trại cô nhi của một nhóm Công giáo thiện nguyện, không biết rõ tên. Những thiện nguyện viên và vài cô nhi đã bị chết ngay trong lúc pháo kích, một số cô nhi khác thì bị thương tích, trong số này có một em bé gái, khoảng 8 tuổi . Vì những thiện nguyện viên đã chết, không có người để chăm sóc những cô nhi, dân làng đã giúp đở rất tận tâm, họ cho người chạy qua một thị trấn nhỏ bên cạnh, vì nơi này có thể liên lạc bằng truyền thanh với quân đội Hoa Kỳ, để nhờ giúp đỡ về y tế. Nhưng cũng phải vài giờ sau thì người của quân đội Hoa kỳ gởi giúp mới đến nơi .

        Đoàn cứu thương của quân đội Hoa kỳ chỉ vỏn vẹn có hai người: Một bác sĩ trẻ và một nữ y tá cũng cỡ cùng tuổi của Hải quân Hoa kỳ. Họ đến bằng xe Jeep và chỉ đem theo với họ những dụng cụ cứu thương cần thiết cho lúc khẩn cấp. Xem xét sơ qua những cô nhi bị thương, họ nhận thấy em bé gái là ở trong tình trạng nguy kịch nhất, có thể chết vì bị mất máu và khích động. Muốn cứu sống em bé là phải tiếp máu nhưng họ không có sẳn "plasma" (huyết tương). Vì vậy, cách duy nhất để cứu em bé gái, là họ phải dùng máu của những người đang ở hiện trường để tiếp máu cho em bé. Sau cuộc thử máu để tìm loại máu thích ứng thì người bác sĩ và cô y tá không có loại máu giống mà chỉ một số cô nhi, không bị thương tích, ở đó có loại máu giống như máu của em bé gái bị thương.

        Người bác sĩ thì chỉ nói được chút đỉnh tiếng Việt pha tiếng Anh, cô y tá thì cũng chỉ nói được chút tiếng Pháp mà cô đã học ở bậc trung học, còn các em bé thì không biết tiếng Anh và chỉ biết chút đỉnh tiếng Pháp. Bác sĩ và cô y tá đã cố gắng tìm cách, dùng mọi ngôn ngữ chung mà họ có thể tìm được, kể cả những "điệu bộ" mà họ vừa chợt nghĩ ra, để giải thích với các em cô nhi đang ở trong tình trạng hốt hoảng và lo sợ, hiểu, là nếu không có máu để tiếp máu cho em bé gái thì em bé gái chắc chắn sẽ chết. Và cuối cùng,họ hỏi có em cô nhi nào tình nguyện hiến chút máu để cứu em bé gái không?

        Các em cô nhi chỉ im lặng nhìn họ với những cặp mắt mở to và không chớp, trước yêu cầu "hiến chút máu" này. Mạng sống của em bé gái thì như chỉ mành treo chuông, không có máu thì em bé gái chắc chắn sẽ chết, và họ chỉ có thể lấy máu nếu có em cô nhi nào tình nguyện cho. Sau những giây phút im lặng ngột ngạt, thì có một bàn tay nhỏ run rẩy giơ lên, bỏ xuống và giơ lên trở lại.

        "Ồ, cám ơn ! " cô y tá mừng rỡ nói to lên bằng tiếng Pháp . Và hỏi : " Em tên gì?"
        "Hùng", tiếng của cậu bé lẩm nhẩm trả lời .

        Cô y tá vội vã đặt Hùng nằm lên băng-ca, sát trùng một cánh tay của em với rượu cồn và bác sĩ chích một mủi kim vào mạch máu của cánh tay Hùng để lấy máu. Trong lúc đó thì Hùng nằm yên, im lặng và cặp mắt thì mở to không chớp. Một khoảnh khắc sau, thì họ nghe những nấc đứt đoạn từ cậu bé và thấy cậu bé đang vội vã che mặt với bàn tay còn lại.

        "Có đau không Hùng ?", người bác sĩ vội hỏi. Hùng lắc đầu,nhưng một lát sau thì họ nghe tiếng nấc khác từ cậu bé nữa và thấy Hùng cũng đang cố gắng che dấu là em đang khóc. Bác sĩ lại hỏi em là mủi kim đang dùng để lấy máu trên cánh tay có làm em đau không thì Hùng cũng lắc đầu để trả lời . Nhưng lúc này thì những tiếng nấc cách quảng đã nhường chổ cho những tiếng khóc thầm liên tục, mắt em thì nhắm kín, và em cho cả nắm tay vào miệng để cố ngăn không cho tiếng nấc thoát ra.

        Người bác sĩ và cô ý tá Mỹ rất lo lắng vì họ biết mủi kim không thể nào làm cho cậu bé đau được, nhưng rõ ràng là phải có cái gì không ổn ở đây. Cũng may mắn, ngay lúc đó, một cô y tá người Việt vừa đến để tiếp cứu thương. Thấy Hùng đang khóc và chịu đựng một cách khổ sở, cô liền ngồi xuống nói chuyện ngay với em. Vừa nghe cậu bé nói, vừa vuốt trán, vừa giải thích cho cậu bé bằng một giọng êm ái, bảo đảm. Một lúc sau thì thì cậu bé ngưng khóc, mở mắt và nhìn cô ý tá người Việt một cách hoài nghi. Cô y tá người Việt lại gật đầu và vẻ mặt của cậu bé như đã trút được một gánh nặng nghìn cân.

        Ngước lên nhìn những người bạn đồng nghiệp Mỹ, cô y tá người Việt khẽ giải thích : " Cậu bé nghĩ rằng cậu bé sẽ chết. Cậu hiểu lầm hai bạn. Cậu bé tưởng hai bạn yêu cầu cậu cho hết tất cả máu của cậu thì mới cứu sống được bé gái."

        "Nhưng tại sao cậu bé lại tình nguyện hiến máu?" cô y tá Mỹ hỏi.

        Cô y tá Việt lập lại câu hỏi trên bằng tiếng Việt với cậu bé. Và nghe câu trả lời ngắn gọn, đơn giản từ Hùng: "Vì nó là bạn cháu".

        Chúa Jesus đã nói: "Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống của mình cho bạn hữu" (John 15:13).

        Lý Lạc Long (15/7/2005)

        #19
          nhoc_hefo 20.02.2006 16:39:19 (permalink)
          Em thích nhất đoạn đầu cảu anh viết. Hợp với suy nghĩ của em bi giờ. Anh ạ, em đang phân vân ko biết mình nên sống hay nên chết. Thật tình em sợ chết lắm anh, chết rất đau mà, nhưng...sống như em bi giờ mệt quá. Đầu óc em cứ suy nghĩ lung tung, nó hỗn độn quá anh à...Anh có thể dzành vài phút giảng giải cho em dzìa ý nghĩa cuộc đời được ko anh?
          Thân ái !
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 20.02.2006 16:40:22 bởi nhoc_hefo >
          #20
            Lý Lạc Long 21.02.2006 03:30:18 (permalink)


            Trích đoạn: nhoc_hefo

            Em thích nhất đoạn đầu cảu anh viết. Hợp với suy nghĩ của em bi giờ. Anh ạ, em đang phân vân ko biết mình nên sống hay nên chết. Thật tình em sợ chết lắm anh, chết rất đau mà, nhưng...sống như em bi giờ mệt quá. Đầu óc em cứ suy nghĩ lung tung, nó hỗn độn quá anh à...Anh có thể dzành vài phút giảng giải cho em dzìa ý nghĩa cuộc đời được ko anh?
            Thân ái !



            Trước hết, cám ơn Hefo đã ghé qua xem và lưu lại cảm nghĩ.

            Kế đến, câu hỏi về "cuộc đời" của Hefo là một chủ đề "lớn" mà bất cứ Ai, từ vĩ nhân cho tới người bình thường, từ người giàu sang cho đến người nghèo khó, từ quan cho đến dân, từ người lớn tuổi cho đến thanh thiếu niên ... Mọi người đều PHẢI quan tâm đến (nhiều hay ít, phương diện này hay phương diện khác ... v.v). Không ai có thể tránh né được. Mọi người đều phải đối diện với "vấn đề" này. Có thể nói đây vừa là QUYỀN LỢI, vừa là BỔN PHẬN & TRÁCH NHIỆM của một con nguời.

            Tạm thời, ngắn và gọn theo thiển ý của tôi nhé. Cuộc đời có thể nói trước hết là cuộc sống của Hefo, kế đến là Hefo và gia đình, bạn hữu, xa hơn nữa là Hefo và xã hội chung quanh, cuối cùng thì Hefo và nhân loại. Nói cách khác, Hefo là một cá thể riêng biệt và đồng thời là một phần tử của gia đình, của vòng tròn thân hữu, của xã hội, của nhân loại. Việc gì Hefo làm cũng liên quan và ảnh hưởng đến chung quanh ( có thể không thấy rõ ràng, nhưng chắc chắn là như vậy) và ngược lại .

            Được LÀM NGƯỜI và được SỐNG là một đặc ân của "TRỜI" ban cho mình. Và theo qui luật tử sinh thì không ai có thể tránh khỏi cái chết ( chuyện này chắc ai cũng "hiểu" và chắc không cần "bàn" hén. Đại khái, Trời kêu Ai thì phải "dạ" và chuyện ngoài khả năng của NGƯỜI).

            Có những cái chết "nhẹ như lông hồng", có "ý nghĩa", có "ích lợi" cho dân tộc, cho xã hội, cho nhân loại . Như những cái chết của các bậc anh hùng vì nước, vì dân, vì chính nghĩa ...Rất nhiều " cái chết như vậy" trong lịch sử VN hoặc thế giới. Như hiện giờ thì nhiều người vẫn ghi nhớ, vinh danh và ca tụng cái chết của Chúa Jesus vì nhân loại ( theo Cơ đốc giáo).

            Nhưng chết để trốn tránh trách nhiệm ( vì những khó khăn và thất bại ...v.. v ... của cuộc sống) thì là một cái TỘI LỚN với bản thân, với cha mẹ, với gia đình, với bạn hữu ... và với Trời Đất. Vâng, chết có thể là hết cho một người nhưng để lại biết bao ưu phiền, tiếc nuối ... cho những người liên hệ và quan tâm đến mình. Theo tôi, chết như vậy là một SỰ HÈN NHÁT & VÔ TRÁCH NHIỆM.

            Hãy gõ cửa sẽ mở, hãy hỏi sẽ có trả lời, hãy khởi hành sẽ có lúc đến đích ... Hãy mở lòng mình ra "trò chuyện" cùng vạn vật ( người và ..v..v) . Với lòng chân thành và quyết tâm, với tình yêu và thân ái thì mọi việc đều có thể " đạt được" . Phần tôi, thì tôi tin là như vậy.

            Hãy trò chuyện với gia đình và thân hữu chung quanh Hefo là một bước đi "căn bản" nhất. Kế đến là do chữ "duyên", Hefo là một thành viên của VNTQ, và trong VNTQ còn có rất nhiều ANH CHỊ EM khác với những kinh nghiệm về cuộc sống rất quí báu. Tôi tin là họ sẽ rất sẵn lòng "chia sẻ" với Hefo đó. Cứ chân thành và thẳng thắn "hỏi " họ.

            Chúc Nhoc_Hefo mọi việc vui vẻ và như ý.

            Tình thân,
            LLL

            #21
              TTL 23.02.2006 17:07:07 (permalink)
              Tình Bạn

              Hầu hết chúng ta đều đồng ý và xem tình bạn là một phần thiết yếu của cuộc sống . Như nhà văn người Ý, Mazoni đã nói : " Một trong những hạnh phúc lớn của đời sống là tình bạn và một trong những hạnh phúc lớn của tình bạn là có người để chia xẻ, để gửi gắm một bí mật, một tâm tư". Và theo sự nghiên cứu của các nhà tâm lý học thì tình bạn là một chỗ trú ẩn an toàn và là một chìa khóa dẫn đến hạnh phúc trong cuộc sống của con người. Ngạn ngữ Anh cũng nói : " Without friends, the wolrd is but a wilderness - Không bạn bè, thế giới chỉ là một nơi hoang vắng".

              Tình bạn có thể hiểu một cách đơn thuần như sự kết hợp giữa hai chữ "tình" và "bạn". Nói một cách khác, tình bạn là tình cảm của bạn bè dành cho nhau.

              Trong cuộc sống thực tế thì không ai có thể sống một mình được. Vì vậy, chúng ta phải "quen biết" với rất nhiều người như: hàng xóm láng giềng, chung lớp học, cùng sở làm... Và tình bạn có thể sẽ nẩy sinh từ những quen biết này, nhưng không nhất thiết là tất cả những người chúng ta quen biết đều sẽ trở thành bạn. Giữa người quen và bạn thân có sự khác nhau rất lớn.

              Người quen là người mà ta có thể biết mặt và nhớ tên, có thể đi ăn chung, có thể mời đến nhà, có thể trò chuyện về một vấn đề nào đó ... Nhưng họ không phải là người để ta chia xẻ cuộc sống, gởi gắm tâm sự. Vì ta chưa hiểu họ đủ và ngược lại thì họ cũng chưa hiểu ta lắm . Bạn thân là người hiểu ta và ta cũng hiểu bạn, thương mến, quan tâm giúp đỡ nhau khi cần thiết, chia xẻ ước vọng, buồn vui của cuộc sống . Bạn thân là chỗ dựa rất cần thiết cho chúng ta trong cuộc sống.

              Người quen thì chúng ta có thể có rất nhiều, nhưng để có được một người bạn theo đúng nghĩa của bạn thì không phải là một chuyện dễ dàng. Có những người đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, rất nhiều thử thách để nhận ra được ai là bạn, ai là tri kỷ của mình. Nhưng cũng có những trường hợp vừa quen biết nhau đã cảm thấy tâm đầu ý hợp như Bá Nha và Chung Tử Kỳ, ngày xưa, chỉ qua một khúc đàn, đã hiểu nhau và đã trở thành tri âm, tri kỷ. Chúng ta thử đi sâu hơn một chút để tìm hiểu thêm vài khía cạnh của tình bạn, sự liên hệ và những yếu tố căn bản để có một tình bạn thực sự, ảnh hưởng và tác dụng của tình bạn đối với đời sống của con người .

              Tình bạn và giới tính
              Tình bạn là sự quan hệ và trao đổi về mặt tinh thần giữa hai con người. Nó hình thành một cách tự nhiên, không tuân theo những quy tắc người ta định sẵn. Không ai bảo rằng hai người một già một trẻ không thể kết bạn, hai kẻ giàu nghèo không thể là tri âm. Vi vậy, cũng không thể nói rằng giữa hai người khác phái không thể có được tình bạn thực sự và đẹp. Nhưng trong xã hội loài người, đặc biệt là Á đông, từ xưa đến nay, chúng ta thường nghe những câu chuyện, những tấm gương sáng chói về tình bạn giữa hai người đồng phái như Lưu Bình và Dương Lễ, như Quản Trọng và Bảo Thúc Nha .. vân vân .. Và dường như trong văn học sử không có ghi lại một câu chuyện "nổi tiếng" nào để tiêu biểu cho tình bạn thực sự và tuyệt vời giữa hai người khác phái. Như vậy thì tình bạn thực sự giữa hai người khác phái có hay không có trong cuộc sống thực tế? Và có điều gì khác nhau về tình bạn giữa hai người khác giới tính so sánh với tình bạn giữa hai người cùng giới tính ?
              Thứ nhất, thì có lẽ do của tư tưởng " nam nữ thụ thụ bất thân" từ ngàn xưa trong xã hội Á đông và ảnh hưởng vẫn còn rơi rớt lại, nên nhiều người vẫn còn băn khoăn và hoài nghi về tình bạn thực sự giữa hai người khác phái. Kế đến, thì có lẽ do sự phân biệt hay ranh giới giữa tình yêu và tình bạn của hai người khác phái không được rõ rệt lắm. Những người thuộc nhóm "hoài nghi" thì cho rằng không có tình bạn thực sự giữa hai người khác phái. Theo họ, nếu một nam, một nữ chơi thân với nhau, hiểu nhau sâu sắc và chia xẻ được vui buồn thì sớm hay muộn cũng sẽ yêu nhau. Thực tế thì đúng như vậy, có rất nhiều tình bạn thân giữa nam nữ đã phát triển thành tình yêu lứa đôi . Nhưng nói như vậy, không có nghĩa là phủ nhận sự tồn tại, giá trị hay tác dụng tốt ... của tình bạn thực sự giữa những người khác giới tính trong cuộc sống thực tế. Ở đây, chúng ta chỉ thử phân tích và tìm hiểu nguyên nhân tại sao tình bạn khác giới tính hiếm khi được lấy làm tiêu biểu và đại diện cho một tình bạn thực sự và đẹp đẽ để làm tấm gương sáng cho mọi người và hậu thế.
              Một vấn đề khác của tình bạn giữa hai người khác phái là duy trì quan hệ bạn bè với người tình cũ sau khi chia tay. Nói một cách khác, là chuyển từ tình yêu thành tình bạn. Chuyện này không phải là một điều dễ làm. Và nếu mục đích chuyển thành tình bạn xuất phát từ những mối quan tâm chung trên căn bản tôn trọng lẫn nhau thì nên duy trì tình bạn . Còn nếu duy trì tình bạn vì những lý do như: Vì hy vọng người tình cũ sẽ quay trở lại, vì chưa muốn buông tha người xưa, vì tự ái ... thì đừng nên làm. Nếu duy trì quan hệ dựa trên những động lực này thì tình bạn cũng sẽ tan vỡ, và sẽ phiền lòng nhau thêm nhiều nữa.

              Tình bạn và tuổi thọ
              Căn cứ theo nhóm khoa học gia của Trường Đại học Flinders (Úc) phát hiện, thì bạn bè có thể giúp người già kéo dài tuổi thọ hơn là con cháu hay người thân. Đây là kết quả thu thập được sau 10 năm nghiên cứu, dựa trên các nhân tố như tình dục, tuổi tác, sức khỏe và tình trạng hút thuốc trên hơn 1.500 cụ già đã bước qua tuổi 70. Theo các nhà khoa học này, các mối quan hệ xã hội tốt như có nhiều bạn bè thân thiết có thể giúp người già có một lối sống lành mạnh như không hút thuốc hay uống rượu quá nhiều. Ngoài ra, những tình bạn gắn bó lâu dài có thể tạo những hiệu quả tích cực đến tâm sinh lý của những người lớn tuổi .

              Tình bạn và cuộc sống
              Xã hội càng phát triển, con người hình như càng bận rộn hơn với công việc làm. Và công việc làm càng nhiều thì sức ép và áp lực của đời sống hàng ngày càng tăng đã khiến nhiều người đẩy bạn bè sang một bên . Đây là một sai lầm lớn trong cuộc sống vì như các nhà chuyên gia đã nói :" Tình bạn là chìa khóa dẫn đến hạnh phúc".
              Một cuộc thăm dò ý kiến, do Viện nghiên cứu Bat Leisure ở Hamburg, Đức, tìm thấy là 63% người Đức mong muốn nuôi dưỡng và củng cố các mối quan hệ bạn bè của họ. Với những người độc thân và cặp vợ chồng không con, con số tăng lên 73%.
              Đặc biệt cho những người trung niên, luôn đặt tiêu chuẩn cao cho bản thân và sự nghiệp, thì việc duy trì tình bạn cũ và làm quen bạn bè mới càng trở nên khó khăn. "Vòng tròn bằng hữu bị thu hẹp lại và nhiều người còn chẳng buồn dành thời gian để gặp bạn bè để uống nước", chuyên gia Hannelore Fritz nói.
              Nhưng công việc thì có thể mất, gia đình và mối quan hệ cộng sự có thể tan vỡ, khi đó, bạn bè sẽ trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Vì vậy, tình bạn cần phải được xây dựng một cách hệ thống như xây một ngôi nhà hay sự nghiệp.

              Xây dựng và giữ gìn tình bạn
              Hoa sẽ nở đẹp, cây non sẽ lớn lên khi được chăm sóc và vun bón thường xuyên. Tình bạn, thì cũng vậy, sẽ đẹp và bền vững khi mỗi người bạn biết quan tâm chăm sóc đến nó. Theo như nghiên cứu của các nhà chuyên gia thì một số nguyên tằc dưới đây có thể giúp chúng ta trong việc xây dựng, phát triển và giữ gìn tình bạn .

              - Cùng nhau làm một vài việc: Tình bạn trước hết là một sự trao đổi. Hãy rủ bạn bè cùng làm, cùng thực hiện với nhau một dự định dù nhỏ nào đó, để chia xẻ với nhau. Như thế sẽ làm cho người bạn thấy mình được tin tưởng, bạn ấy sẽ hài lòng. Còn bạn cũng thấy vui suớng, thỏa mản vì bạn có được tình cảm thân thiết của bạn bè.
              - Đừng luôn kể những điều phiền muộn, bực mình : Kể cho bạn nghe những gì xảy ra với mình là một việc làm tốt, nó giúp giải tỏa những ức chế trong lòng bạn. Bạn bè có thể là một chỗ dựa cho bạn mà. Nhưng bạn đừng luôn luôn đem những chuyện không vui của mình làm phiền bạn bè, vì bạn sẽ ép người ta nghe, đôi khi vì để tìm một sự động viên, thương cảm mà bạn chẳng còn gì hấp dẫn người ta nữa bởi bạn đã bộc lộ khả năng thiếu kiềm chế, thiếu tự tin của mình.
              - Luôn ở bên cạnh bạn bè những khi cần thiết: Ai cũng có những lúc khó khăn và cần đến sự giúp đỡ của người khác, có khi chỉ là một lời thăm hỏi, một ánh mắt khích lệ, một lời nhận xét tế nhị. Hãy luôn thăm hỏi, giữ mối liên lạc với bạn bè, kịp thời nhận ra tình thế của bạn mình để tìm cách giúp đỡ hữu hiệu nhất. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no". Nhất là khi bạn mình cô đơn, bạn cần ta lắm đấy.
              - Rút lui đúng lúc : Ai cũng cần có những khoảng trời tự do của mình. Khi bạn mình mệt, khi ta đã giúp bạn hoàn thành công việc, hoặc đơn giản thấy bạn không cần đến mình nữa, thì hãy "rút lui có trật tự". Bạn của ta sẽ vô cùng biết ơn một người bạn ý tứ như ta. Hãy lịch sự cáo lui và nói với bạn bè rằng "nếu cần đến mình, bạn đừng ngại ngần, mình sẽ thu xếp được mà".
              - Thông cảm cho nhau cả khi vắng mặt: Có những lúc bạn phải dành thời gian cho gia đình, cho người yêu hoặc một công việc gấp rút nào đấy. Và bạn bè của ta cũng vậy. Việc này làm cho quan hệ bạn bè có những lúc sẽ bị lãng quên. Hãy báo trước cho bạn sự vắng mặt của ta, đừng để bạn có cảm giác bị phản bội, mất lòng tin. Thông cảm cho bạn bè, nếu họ quên không thông báo sự vắng mặt của họ.

              Sự khác biệt giữa tình bạn và sự quen biết chính là sự đồng cảm và chia xẻ, theo phương châm: "Điều gì ảnh hưởng đến bạn cũng ảnh hưởng đến tôi". Sự thân mật, bao dung và tin cậy lẫn nhau là những yếu tố cần thiết của một tình bạn đẹp. Như nhà tâm lý học Ann Elisabeth Auhagen đã nói : "Bạn cần phải đặt tim mình trong mối quan hệ đó. Khi đó sự cách biệt về không gian cũng không thể ảnh hưởng tới tình bạn" . Hãy nhìn thấy và tìm những điểm tốt của bạn bè cũng như hãy tìm kiếm những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Cuộc sống không ban ơn cho ta mà chính ta sẽ ban tặng cho cuộc sống những món quà từ những hành động và suy nghĩ tích cực của mình. Hãy bắt đầu ngày hôm nay và từ ngay giây phút này. Bởi vì cuộc sống đã là một niềm vui, một món quà vĩ đại nhất mà tạo hóa ban tặng cho ta và tình bạn là chìa khóa dẫn tới một trong những hạnh phúc lớn của cuộc sống.

              Xin chúc những điều tốt đẹp đến với cuộc sống của bạn!

              Lý Lạc Long (TTL/TCT/ MAI /23/06/2005)
              #22
                TTL 23.02.2006 17:24:33 (permalink)
                NIỀM TIN, TÌNH YÊU VÀ SỰ SUY TƯ


                Nhà thơ Nguyễn Công Trứ đã viết hai câu thơ:
                "Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe
                Trần có vui sao chẳng cười khì ?"

                Như vậy, theo NCT, thì cuộc sống thế gian này dẫy đầy đau khổ cho con người? Và hình như đa số chúng ta đều cảm thấy như vậy. Nhưng bản năng của con người vẫn làm cho chúng ta muốn sống và để bơi qua cái bể trầm luân của nhân gian, theo K. Zung, một triết gia thuộc trường phái S. Freud thì con người dựa vào ba cái phao là Niềm tin, Tình yêu và sự Suy tư để thoát ra khỏi những cảm giác bất an khi đối diện với hư vô, cảm giác nhỏ bé, cô đơn và bất lực khi đối diện với sự bao la vĩ đại và các hiện tượng kỳ bí của vũ trụ, cảm giác lo sợ khi đối diện với cái chết. K. Zung nói có đúng hay hợp lý không? Mặc dù tôi cũng như hầu hết các bạn, chúng ta không phải là triết gia, hay những khoa học gia có đầy đủ hiểu biết và khả năng để chứng minh những gì K. Zung hay các triết gia, hay các bậc thức giả đã nói là đúng hay sai với đầy đủ chứng cớ và thẩm quyền...một cách tuyệt đối, tôi cũng xin mời bạn cùng tôi làm những "triết gia bên lề" của triết học, thăm viếng khu rừng tư tưởng của các triết gia, các bậc thức giả, nhìn vào từ phía bên ngoài với những hiểu biết giới hạn mình, xem như là chút thời giờ giải trí cuối tuần vậy!

                Theo như hầu hết các tôn giáo, người nào có niềm tin thì sẽ đi qua cuộc đời một cách thanh thản, cuộc sống của họ như đã được mua bảo hiểm và cái chết đối với họ không còn là một điều lo sợ nữa. Vì họ tin rằng, sau khi nhắm mắt, họ sẽ có cuộc sống bất tử bên người họ yêu kính và tin tưởng vào Đấng toàn năng của họ như:Trời, Phật, Chúa,Thánh, Thần... Nhưng niềm tin là gì? Trong thực tế đây là một chủ đề rất bao quát và rộng lớn. Ở đây, tôi chỉ đề cập sơ lược đến hai quan niệm cơ bản trái ngược nhau về thực chất của niềm tin. Quan điểm thứ nhất thì cho rằng, niềm tin có trước ý thức, mở đầu cho ý thức và sau đó các ý thức hệ, tín ngưỡng, tôn giáo...được hình thành từ niềm tin. Quan điểm thứ hai thì ngược lại, cho rằng niềm tin là sản phẩm của ý thức. Những thí dụ cụ thể có thể rút ra từ các cuộc thánh chiến (chiến tranh tôn giáo), chiến tranh thế giới (chiến tranh về ý thức hệ) hay cả chiến tranh địa phương(chiến tranh về lý tưởng)...Nhưng bất kỳ quan điểm nào đúng thì hình như ai cũng "thấy" là niềm tin cũng có một giá trị độc lập của nó. Niềm tin giúp con người vượt qua những giới hạn của ý thức để hình thành những khả năng không ngờ được và siêu phàm của con người.

                Còn những người bám vào cái phao tình yêu thì sao? Có thể cuộc sống của họ có rất nhiều dằn vặt, trái ngang, khổ đau nhưng thật ra đây là hạnh phúc. Đối với những người này, thì dù ở giữa rừng sâu trong đêm tối, giữa biển khơi trong bão giông, thậm chí đối diện với cái chết cũng không làm cho họ sợ, miễn là có người họ yêu bên cạnh. Và không có người họ yêu bên cạnh thì cũng được, miễn là họ biết chắc chắn rằng trên đời này có ai yêu thương họ hết lòng. Cái khó hay nỗi khổ tâm của những người tôn thờ tình yêu là làm sao tìm ra được "phân nửa" của họ hay "người để yêu và được yêu lại như vậy". Một số trong những người này, thì bất cần là họ có được yêu lại hay không, miễn là họ đã tìm ra được "người để yêu". Tình yêu là gì? Từ xưa đến nay, hình như chưa ai có thể định nghĩa một cách thỏa đáng về tình yêu. Tình yêu vẫn là một chủ đề được đem ra phân tích, diễn giải, bàn cãi...có lẽ từ thuở tạo thiên lập địa, từ lúc loài người xuất hiện trên quả đất cho đến giờ vẫn chưa kết thúc và sẽ mãi mãi là một đề tài hấp dẫn với tất cả mọi người. Những người đã yêu, đang yêu và kể luôn cả những người chưa yêu đều có chung một cảm giác về sự huyền bí, quyến rủ và thú vị của tình yêu.Tình yêu là một thế giới mênh mông, bí ẩn và khó hiểuvà có một điều mà ai cũng thừa nhận là:Trong chúng ta, mỗi người đều có một tình yêu thật sự và chỉ một. Có thể nói, tình yêu là một tặng phẩm tuyệt vời mà tạo hóa đã dành cho con người, tình yêu có thể mang đến cho con người hạnh phúc và sức mạnh và ngược lại thì cũng có thể mang đến nỗi khổ đau.

                Hai cái phao Niềm tin và Tình yêu là hai chủ đề rất rộng lớn trong cuộc sống thực tế của con người. Đã có rất nhiều sách vở từ văn thơ cho đến những nghiên cứu khoa học nghiêm túc về niềm tin và tình yêu. Vì vậy, phần trên, tôi chỉ tóm tắt những nét đại khái và cơ bản cần thiết trong khuôn khổ của bài viết. Nếu thích thú thì các bạn có thể tìm tài liệu để đọc thêm về hai chủ đề này rất là dễ dàng.

                Còn cái phao thứ ba, sự suy tư thì sao? Khi nói đến sự suy tư, thì có một số nhận xét thực tế phải nêu ra ở đây. Dường như trong lịch sử của nhân loại, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đã không có một nữ triết gia nào.Ở vào kỷ nguyên này đã có rất nhiều nữ Khoa học gia, Bác sĩ, Kỹ sư...có thể nói là phái nữ, không nhiều thì ít, đã có mặt trong hầu hết các lĩnh vực chỉ dành riêng cho nam phái trước đây. Nhưng có lẽ, lĩnh vực suy tư, theo phái nữ, đây là một lĩnh vực "vô bổ, vớ vẩn và tầm phào..." nên phái nữ đã nhất định và cương quyết không tham gia? Như vậy,thì đây là một đặc quyền, một sự biệt đãi hay đây là một gánh nặng, một bất công cho đàn ông? Tại sao lại có sự phi lý này là chỉ có đàn ông suy tư? Tạm thời, hãy gác lại việc "trả lời" cho những câu hỏi này qua một bên. Trong thực tế, lĩnh vực suy tư, lại là nơi đàn ông thường rút về sau một thành công hoặc thất bại. Hình như sự suy tư giúp đàn ông tự tin hơn ở khắp nơi,từ ở bàn nhậu với bạn hữu cho đến ngồi một mình giữa rừng. Thật kỳ lạ,trong lịch sử mấy nghìn năm qua, con người đã tích lũy nhiều thứ:Từ của cải vật chất cho đến kiến thức. Và mọi di sản của thế hệ trước để lại,thế hệ sau cứ thế mà xài,chẳng cần kiểm tra lại. Ngoại trừ di sản tư tưởng thì hình như mỗi cá nhân phải thử nghiệm rồi mới chịu chấp nhận.Tóm lại, là con người "tìm cách trả lời" cái câu hỏi cũ rích:"Ta là ai?Ta từ đâu đến và ta đi về đâu?". Mỗi người trả lời mỗi kiểu. Mỗi kiểu trả lời là mỗi quan niệm sống, mỗi thái độ sống quyết định từng hành vi nhỏ nhất của một người. Cuộc sống của những người níu vào cái phao Suy tư, điển hình như Leo Tostoy thì sống lang thang như một nhà tu khổ hạnh lúc gần cuối đời và chết vì sưng phổi (pneumonia) ở một sân ga xe lửa nhỏ và 8 năm sau khi Tostoy chết, vợ ông có nói: "Sau 48 năm chung sống với Tostoy bà vẫn không hiểu nổi Tostoy". Hemingway thì tự sát bằng súng trường, Lý Bạch thì theo truyền thuyết chết vì "tìm trăng dưới đáy sông" và nhiều triết gia, nhà văn thơ khác thì cũng vậy. Các bậc "suy tư lớn" này có thể nói là, lẽ đời các ông đã thông tỏ, lòng người ra sao các ông dò thấu, cái chết không làm các ông sợ, nhưng sự cô đơnthì không thể lấy gì lấp cho hết. Theo triết học, đối lập với sự cô đơn là sự cảm thông. Sự cảm thông được phân ra thành hai loại là cảm thông cộng đồng và cảm thông vũ trụ. Cảm thông cộng đồng không đủ cho các ông và cảm thông vũ trụ thì loài người dường như chưa tìm ra hay chưa có cách để nghe hoặc hòa tan với (trong) vạn vật, vũ trụ. Vì vậy mà họ tìm cái chết?

                Ngoài ba cái phao nêu trên thì còn cái phao nào khác không? Như chúng ta thấy trong cuộc sống hàng ngày, hình như hầu hết mọi người làm việc để đạt được Quyền lực hoặc sự Giàu sang, hoặc cả hai. Vậy thì quyền lực và sự giàu sang có thể xem như là một cái phao để con người dựa vào không? Theo K. Zung thì không và còn ngược lại nữa. K. Zung xem quyền lực và sự giàu sang là tảng đá buộc vào cổ người, vì nó khiến cho con người ta sống thì bất an, chết thì sợ hãi.

                Còn một điều đáng nói nữa là ba cái phao nêu trên không bao giờ chịu đi chung nên không thể kết hợp lại thành một cái bè để giúp con người bơi qua bể trầm luân dễ dàng hơn. Anh chàng Niềm tin tuy tôn thờ tình yêu nhưng khi cần cũng sẵn sàng vứt bỏ tình yêu để đuổi theo lý tưởng của mình, còn đối với sự suy tư thì anh chàng chẳng cần bận tâm, mọi điều đã có Trời, Phật, Chúa, Allah... hoặc vị thần, hoặc lãnh tụ tinh thần nào đó lo hộ cho. Cô nàng Tình yêu thì không bao giờ chịu xem mình là kẻ thứ hai nên khi gặp anh chàng Niềm tin, cô nàng thường ngó lơ, gặp lão Suy tư thì cô nàng dễ bị quyến rũ bởi sự trầm tư, sâu sắc, nhưng lâu ngày thì cô nàng sẽ nhận ra là đã lầm lẫn. Lão Suy tư thì xem anh chàng Niềm tin là trẻ con, cô nàng Tình yêu là cứu cánh. Nhưng lòng tham của lão thì vô tận, tình yêu nào đối với lão cũng không đủ, dù cô nàng Tình yêu có là tiên giáng trần thì cũng vậy, lão đam mê đó rồi vứt bỏ đó, lão cứ mãi đi tìm một sự tuyệt đối nào đó mà có lẽ không ai có khả năng làm cho lão thỏa mãn. Và vì thế, trải qua mấy ngàn năm suy tư, đã có rất nhiều bậc thánh nhân, hiền triết đề xuất và thiết lập ra nhiều hệ thống tư tưởng, khám phá và tìm ra rất nhiều sự thật và chân lý. Nhưng con người vẫn giống như thuở ban đầu, thời đại hay giai đoạn nguyên thủy của loài người, vẫn dễ giận dữ và sợ hãi, vẫn băn khoăn thân phận, vẫn cảm thấy cô đơn.

                Quay trở lại câu hỏi: Tại sao chỉ có đàn ông suy tư? Và tại sao tạo hóa lại bất công, chỉ đặt gánh nặng suy tư trên vai của đàn ông? Câu hỏi khó, tưởng sẽ không có lời giải đáp. Nhưng gần đây thì Robert Winston trong cuốn "Human Instincts" (tạm dịch: Bản Năng Con Người) đã thử tìm cách trả lời câu hỏi trên. Một cách tóm tắt, theo Winston, thì trong xã hội nguyên thủy của loài người, ở giai đoạn hổn hôn, con cái không cần biết con đực nào là chồng mình, vì con đực nào chiến thắng thì sẽ là chồng của cả bầy đàn. Trong khi các con đực thì khổ sở vì sự đòi hỏi tình dục và sự cô đơn, giống đực luôn phải tìm cách vươn lên vị trí của kẻ chiến thắng để thống lĩnh bầy đàn. Và khoảng vài chục ngàn năm sau, loài người bắt đầu có ý thức về tâm linh, thì vai trò thủ lĩnh của bầy đàn thường là những con đực có được mối quan hệ với thần linh, mà bằng chứng có thể thấy qua xã hội Cổ Hy Lạp. Vì vậy, con đực nào muốn vươn lên vai trò thủ lĩnh thì phải thiết lập được mối quan hệ với thần linh bằng sự suy tư, tu hành... Những điều này dường như vẫn còn tồn tại đâu đó trong não bộ của con người hiện đại, vẫn còn điều khiển các hành vi của con người một cách vô thức khiến con người đôi lúc không hiểu tại sao chúng ta lại làm như vậy, hành xử như vậy.

                Nếu đúng như K. Zung nói, thì trong ba cái phao: Niềm tin,Tình yêu và sự Suy tư, Bạn sẽ chọn cái phao nào để bơi qua cái biển đời trầm luân của cuộc sống nhân gian này?

                LÝ LẠC LONG
                (TTL/TCT/MAI 08/07/05)
                #23
                  Ct.Ly 23.02.2006 23:59:11 (permalink)
                  #24
                    TTL 28.02.2006 23:24:31 (permalink)


                    Trích đoạn: ct.ly

                    Đọc qua những đoạn khúc về Tìm tình cảm trong hạnh phúc, thật là bao la và mầu nhiệm quá

                    Tình bạn có thân thiện , đến với nhau , đưa tình cảm con người đến một chân hạnh phúc

                    Có những cái ý nghĩ đó, nhưng mấy ai tìm được cho mình

                    Nói vậy thì nhiều người lầm to, tình cảm chứa đựng trong ta to tát lắm, tại chưa có dịp được đem ra để chia xẻ cùng mọi người mà thôi

                    Những tản mạn cuối tuần đã được đem vào thư viện

                    Cảm ơn TTL đã góp sức với thư viện VNTQ

                    Chúc TTL luôn vui

                    Thân ái


                    Hi Ct Ly,

                    Vâng, Bạn rất cần thiết cho cuộc sống. Người Anh có nói: " Without friends, the wolrd is but a wilderness - Không bạn bè, thế giới chỉ là một nơi hoang vắng".

                    Ct Ly: "Nói vậy thì nhiều người lầm to, tình cảm chứa đựng trong ta to tát lắm, tại chưa có dịp được đem ra để chia xẻ cùng mọi người mà thôi ".

                    Tình cảm của Ct Ly to lắm hả? Vậy khi nào Ct Ly "xẻ ra chia" nhớ cho ttl một phần với nha !
                    (Giỡn chút cho vui vẻ... đừng có phiền nhé Seniorita Ct Ly )

                    Chúc mọi việc như ý.
                    Thân mến,
                    ttl



                    #25
                      TTL 28.02.2006 23:42:17 (permalink)
                      Tản Mạn Về Cậu Ông Trời


                      Nói đến Cóc thì ai cũng nghĩ đến ngay câu chuyện cổ tích dân gian "Cóc kiện Trời" và bài thơ "Con Cóc". Thêm nữa, theo một số người sành điệu, thì thịt cóc còn ngon hơn cả thịt ếch nữa. Dĩ nhiên là phải có gan lớn hơn gan cóc tía mới dám ăn thịt cóc. Vì thịt cóc mà làm không đúng cách hoặc sơ xuất sẽ bị ngộ độc và có thể mất mạng như chơi.

                      Theo câu chuyện "Cóc kiện Trời" thì Ngọc Hoàng ngủ quên, không có ra lịnh làm mưa nên hạ giới bị hạn hán. Chàng Cóc tía thuyết phục và dẫn đầu các thú vật khác gồm Cua, Cọp, Gấu, Cáo và đàn Ong lên thiên đình kiện Trời. Nhờ sự gan lì và mưu lược của Cóc nên phe chàng Cóc đã thắng được binh tướng của thiên đình . Đến nổi Ngọc Hoàng "sợ hãi" quá phải giảng hòa, nhận đại Cóc là Cậu và hứa hẹn khi nào nào hạ giới cần mưa thì Cóc chỉ cần nghiến răng là Ngọc Hoàng sẽ sai Rồng bay xuống làm mưa ngay. Sự thực là Ngọc hoàng "sợ" và muốn tránh việc Cóc lại lên "kiện" nữa sẽ làm mất mặt thiên đình hết. Vì vậy mà có câu đồng dao: "Con Cóc là câu ông Trời; Ai mà đánh nó thì Trời đánh cho" truyền tụng đến nay. Và "hình như" Ngọc hoàng cũng giữ lời hứa, nên mỗi khi cóc nghiến răng là trời sắp mưa.

                      Thât ra câu chuyện "Cóc kiện Trời" không phải đơn thuần là một câu chuyện cổ tích cho trẻ con . Nếu xét cho kỹ sẽ thấy được bản chất và sự "thâm thúy" của tổ tiên ta. Như chúng ta biết, Việt Nam bị Trung Hoa đô hộ từ trước Công nguyên cho đến khi Ngô Quyền (938) mới bắt đầu có được những thời kỳ độc lập, tự chủ lâu dài. Gần một ngàn năm Bắc thuộc, lẽ dĩ nhiên nền văn hóa Việt Nam phải bị ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Để giữ và phát huy được văn hóa thuần Việt, tránh được sự đồng hóa của Trung Hoa, cha ông chúng ta đã phải nhờ vào nền văn hóa dân gian để loại bỏ tối đa (như có thể) ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Tại sao phải là văn hóa dân gian? Vì nền văn hóa dân gian dựa vào truyền khẩu chứ không lệ thuộc vào chữ viết. Cho nên dù sách vở có bị thiêu hủy, bị ngăn cấm, bị cưỡng bách theo chính sách ngoại bang khi bị đô hộ thì nền văn hóa dân gian vẫn tồn tại. Kế đến, văn hóa dân gian được dân chúng lưu truyền qua các thế hệ không bị ảnh hưởng lắm bởi các yếu tố chính trị của các thời đại. Chuyện cổ tích là một "bộ phận" rất quan trọng của văn hóa dân gian .

                      Căn cứ theo các nhà khảo cứu, thì có một điểm chung giữa những trống đồng cổ khai quật được là các mặt trống đồng đều có hình mặt trời ở tâm điểm, tỏa tia sáng ra khắp phía. Từ đó suy ra, tổ tiên người Việt có lẽ cũng giống như tổ tiên của nhiều dân tộc khác đã lấy mặt trời làm vị thần biểu tượng cho mình . Mặt trời hay Trời có lẽ là vị thần đầu tiên . Sau này bị ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa nên chỉ có vua mới được xem là con trời (thiên tử).

                      Theo câu chuyện cổ tích truyền khẩu của dân Việt "Con cóc là cậu ông Trời". Con cóc, dù chỉ là một con vật nhỏ, xấu xí, thuộc vào hạng động vật thấp (loại bò sát), không có gì nổi bật so với các loài động vật khác nhưng lại được dân Việt tôn vinh làm "Cậu" ông Trời. Trời, vị thần của muôn loài, lại là cháu của con cóc. Điều này phải làm ta suy nghĩ chứ! Kế đến là đâu phải chỉ có cóc mới báo mưa. Một số loài vật khác cũng có khả năng báo mưa như chuồn chuồn, kiến ... Tổ tiên ta nhất định phải có lý do chính đáng nào đó để tôn vinh con cóc làm cậu ông Trời mà không chọn một con vật khác. Chúng ta thử tìm hiểu xem tại sao ?

                      Mỗi dân tộc đều có hệ thống giá trị khác nhau, để dễ dàng truyền bá hệ thống giá trị đó thì người ta thường dùng những hình ảnh tượng trưng cho dễ hiểu, thường thì họ linh thiêng hóa những con vật sống xung quanh. Như lịch sử của nền văn minh thế giới cho thấy, đa số các dân tộc đều tôn vinh những con vật để thể hiện giá trị mà họ tôn sùng như sư tử, diều hâu, đại bàng … Có lẽ chúng ta phải "nghiên cứu" đặc tính của loài cóc và đi ngược dòng lịch sử để "tìm hiểu " những mối liên hệ giữa loài cóc và ông cha chúng ta thuở xưa. Một điều chắc chắn là xã hội của VN dưới thời Bắc thuộc (nhà Hán) là một xã hội nông nghiệp và căn cứ vào hoàn cảnh địa lý của nước VN thì phải là thủy nông (trồng lúa nước).

                      Loài cóc thì có những đặc tính như: Với tốc độ của cái lưỡi lẹ như tia chớp nên bắt sâu bọ rất giỏi nên là một đồng minh tốt của nông dân. Kế đến, ít ai dám đụng vào cóc vì da cóc xấu xí, sần sùi và đầy những mụn độc, tuy không đến nổi chết người nhưng cũng tạo ngứa ngáy khó chịu, và mực độ của chất độc có thể so với rắn. Điều khác nhau là rắn dùng độc để tấn công, có thể đe dọa đến sự an toàn của nông dân, cóc chỉ dùng độc để tự vệ, để đuổi kẻ thù. Mồi của rắn có thể là gia cầm nên đụng chạm đến quyền lợi của nông dân, còn mồi của cóc chỉ là sâu bọ. Đặc tính này của loài cóc giống như tổ tiên của dân Việt. Nhìn lại lịch sử chiến tranh với Trung hoa, ông cha ta tự vệ khi bị xâm lược, chống đuổi ngoại xâm, nhưng luôn chừa đường cho kẻ thù rút chứ không bức sát. Cuối cùng là khả năng làm tình của loài cóc, các cô cậu cóc có thể yêu nhau từ vài ngày đến vài tuần. Và vì cách thụ tinh của cóc ở bên ngoài chứ không ở trong bụng. Cóc cái đẻ trứng, cóc đực "phun" tinh trùng lên trứng. Cách thụ tinh này không an toàn lắm, vì lỡ có chú cóc nào khác ở gần lén "phun ẩu" thì rắc rối. Vì vậy cóc đực thường bám sát bạn tình để bảo vệ và bảo đảm các cóc con tương lai là "nòi giống" của nó. Nhưng muốn cóc cái đẻ trứng thì cần phải có nước. Nếu trời hạn hán thì nước đâu để cóc đực làm cái nhiệm vụ truyền giống được. Cho nên trong cái câu chuyện cổ tích "Cóc kiện Trời", nếu ta để ý, trong số các loài vật tham gia đi kiện (cóc, cua, cọp, gấu,cáo, ong ) thì cóc là loài cần "nước" nhất cho nhu cầu bảo tồn nòi giống của loài cóc. Vì lý do này, anh chàng cóc tía mới hăm hở "mộ quân" và gan dạ cầm đầu đoàn thú ngang như cua, dữ như cọp, mạnh như gấu, gian như cáo, lẹ như ong lên thiên đình kiện....ông Trời . Cũng giống như vậy, hàng triệu con mực biển hàng năm tụ tập với nhau quanh khu vực chúng được sinh ra, làm một vũ điệu luân vũ rồi tất cả đều chết. Hay những con cá hồi ngao du bốn biển rồi cũng phải trở lại nơi đã sinh ra để làm nhiệm vụ cuối cùng trước khi chết. Cái nhiệm vụ cao cả đó là duy trì nòi giống. Để loài tồn tại thì có thể từng cá thể phải chịu những hình phạt ghê gớm. Ngoài mực, cá hồi, còn những giống vật khác như nhện, bọ ngựa ... con đực có thể hy sinh làm mồi cho con cái để con cái có sức chăm sóc nòi giống. Hóa ra sự bảo tồn loài có lúc còn quan trọng hơn sự bảo tồn thân thể của từng cá thể. Cái chết của từng cá thể chưa phải là điều đáng sợ nhất mà điều đáng sợ nhất là sự tuyệt giống của loài.

                      Qua những sự việc trên chúng ta có thể hiểu được tại sao con cóc lại được chọn cầm đầu "đoàn thú" để kiện ông Trời và được tôn vinh làm "Cậu ông Trời" trong câu chuyện cổ tích. Nói cách khác, cóc là hình ảnh tiêu biểu của người nông dân Việt thời đó, cần mẫn, hiền lành nhưng không dễ bị ăn hiếp. Cóc lại hữu ích trong việc bắt sâu bọ, nên có lẽ đã giúp cho mùa màng tăng thu hoạch khá hơn, cóc được xem như người bạn tốt của nông dân. Và trên hết, có lẽ người dân Việt lúc ấy đã ý thức rất rõ ràng cái nhiệm vụ cao cả của việc bảo tồn và duy trì nòi giống Việt.

                      Dù là Cậu ông Trời, ai đụng đến cóc là ông Trời đánh liền, nhưng trong văn chương cóc lại bị ba anh học trò dốt nổi hứng rủ nhau làm thơ vịnh cóc và làm cóc mang tiếng luôn. Câu chuyện có thể tóm tắt đại khái như sau :

                      Có ba anh học trò dốt, một hôm, nhìn một con cóc, nổi hứng rủ nhau làm thơ vịnh.
                      Anh thứ nhất đọc: Con cóc trong hang / Con cóc nhảy ra.
                      Anh thứ hai tiếp: Con cóc nhảy ra / Con cóc ngồi đó.
                      Anh thứ ba nối lời: Con cóc ngồi đó / Con cóc nhảy đi.
                      Làm xong bài thơ, tự trầm trồ khen mình giỏi, rồi sực nhớ lời người xưa nói kẻ tài hoa thường mệnh yểu, ba anh rất lo, sai tiểu đồng ra phố mua sẵn ba cái quan tài. Ngoài phố, một khách qua đường, nghe tiểu đồng kể câu chuyện, dặn : - Mày mua luôn giùm tao một cái luôn, để lỡ cười quá, tao chết theo.

                      Nói đến "Thơ con cóc", thì ai cũng hiểu ngầm là thơ thuộc loại "ngoại hạng" và "dở hơn dở". Nhưng gần đây thì nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc viết một tiểu luận để dẫn chứng bài "Thơ con cóc" là một bài thơ có những cái hay riêng của nó. Bài tiểu luận của NHQ cũng là đề tài tranh luận khá sôi nổi trong văn giới. Nếu thích thú thì các bạn có thể tìm đọc và tự kết luận.

                      Phần tôi thì thú thiệt không thấy hoặc thưởng thức được cái hay của bài thơ ở chỗ nào. Có điều phải công nhận là bài "Thơ con cóc" hình như ai cũng biết hết. Có lẽ Thơ con cóc giống như trường hợp của Nam Quách trong câu chuyện dưới đây:
                      Tương truyền và thời Tề Tuyên Vương có Nam Quách là người không hề biết đàn sáo, cũng đút lót để xin cho được vào đội nhạc hợp tấu cung đình gồm 300 người để thổi sáo. Nam Quách chỉ giả vờ thổi sáo, chớ không biết thổi. Đến khi Tuyên Vương chết, con lên nối ngôi là Hổn Vương chỉ thích nghe độc tấu, nên gọi từng người biểu diễn, Nam Quách thấy không xong, bèn cáo bệnh và trốn luôn. Đời sau, chuyện này thành điển tích và hể ai dùng thủ đoạn gian dối thì người ta dùng tên Nam Quách để mà so sánh. Đội nhạc có 300 người mà chỉ có tên anh chàng Nam Quách, một người không biết thổi sáo là còn lưu truyền muôn thuở. Một cách tương tự, bài "Thơ con cóc" có số phận như "tên" của Nam Quách vậy.

                      Cũng như người Đại Hàn và Nhật Bản thích ăn cá nóc, một số người Việt thích thịt cóc. Cá nóc và cóc có điểm giống nhau là phải biết cách "làm", nếu sơ xuất thì người ăn có thể bị ngộ độc. Ở Nhật Bản và Đại Hàn, với cá nóc, cần phải có giấy phép hành nghề mới được phục vụ khách hàng. Còn ở Việt Nam thì những người làm thịt cóc không được huấn luyện theo một chương trình hay tiêu chuẩn nào cả, không có cơ quan trách nhiệm kiểm soát nghiêm túc để bảo đảm an toàn cho thực khách. Cho nên dù thịt cóc có ngon tới đâu thì cũng không đáng đem sinh mạng của mình ra đùa với tử thần. Hiện nay, ở Việt Nam đã có nhiều trường hợp ngộ độc vì ăn thịt cóc. Trong bối cảnh như vậy, thiển nghĩ, tránh đụng đến "thịt" của cậu ông Trời là một hành động thông minh. Kế đến, nếu hôm nào chàng cóc nghiến răng, trời nổi cơn mưa gió và bạn lỡ có tức cảnh sinh tình, muốn múa bút thì tránh làm thơ con cóc mà nên viết văn con cóc. Vì văn chương VN đã có bài thơ con cóc được giới phê bình chấm nhất rồi, nhưng văn con cóc thì chưa có bài nào được chấm là "nhất" cả. Và đây cũng là một chọn lựa không kém thông minh.

                      Một gạch là nhất
                      Hai gạch là nhị
                      Ba gạch là tam
                      Một đống gạch là … căn nhà sập vì trời mưa … và đây "chắc chắn" là "lỗi con cóc" : Nghiến răng khiến trời mưa, ướt đất, động nền, sập nhà .

                      Lý Lạc Long (TTL/TCT/MAI16/2/05)
                      <bài viết được chỉnh sửa lúc 01.03.2006 17:33:26 bởi TTL >
                      #26
                        TTL 01.03.2006 17:40:53 (permalink)
                        Tản mạn về Đôi mắt

                        "Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn" (Eyes are the window to the soul). Câu ví von bất hủ nầy bắt nguồn từ câu nói của nhà hiền triết Marcus Tullius Cicero (106-43 B.C.), cũng là một chính trị gia lỗi lạc, nhà hùng biện đại tài của La Mã: "Utimago est animi voltus sic indices oculi." (The face is a picture of the mind as the eyes are its interpreter) - Khuôn mặt là chân dung của tâm hồn mà đôi mắt làm công việc diễn giải - Tâm hồn con người như căn nhà kín cổng cao tường, ai mà biết được trong đó chứa đựng những gì ? Muốn nhìn thử tâm hồn của một người chất chứa những gì ? Chỉ có nhìn qua "đôi mắt" mới có thể làm được điều đó. Tất cả tình cảm con người: Thương yêu, giận hờn, oán ghét, khổ đau… đều dồn cả vào mắt. Đôi mắt chừng như lúc nào cũng lặng thinh, không nói gì cả, nhưng thật ra đã nói rất nhiều, những lời trần tình "không lời".

                        Trong văn học, đôi mắt đẹp đã là nguồn cảm hứng cho rất nhiều văn thi sĩ. Từ Á sang Âu, kể không hết những áng văn chương ghi lại cảm xúc của văn thi nhân về những đôi mắt đã gây ấn tượng mạnh và khó quên trong cuộc đời của họ. Khi diễn tả vẻ đẹp một giai nhân, hình như là không thể thiếu hay bỏ sót "đôi mắt" được. Đôi mắt đã được các thi nhân diễn tả bằng những hình ảnh trừu tượng hoặc cụ thể, huyễn hoặc hay chân thật. Dù là hình ảnh diễn tả như thế nào thì mỗi biểu tượng của đôi mắt cũng đều có sức hấp dẫn và âm hưởng riêng biệt. Mỗi hình ảnh tiêu biểu "cửa sổ của tâm hồn" đều mang những nét tinh tế, lúc nhẹ nhàng thanh tao, lúc tê tái não lòng, lúc lặng lẽ mơ màng… đã là nguồn cảm hứng vô tận cho thi nhân. Những đôi mắt được diễn tả trong thi ảnh rất tuyệt vời, rất thiết tha, rất da diết... tùy vào hoàn cảnh tâm sự và cảm nhận của mỗi thi nhân. Nhìn vào đôi mắt, thả hồn phiêu du vào cõi mộng, giao hưởng với sắc màu và âm thanh, dấn thân đi tìm tòi và khám phá những bí ẩn đàng sau cặp mắt đã làm mình rung động.

                        Trong ngũ quan của con người (lưỡi , mắt, miệng, mũi, tai ), có thể nói mắt hay thị giác là giác quan, quan trọng nhất. Nhờ vào cặp mắt, con người mới có thể nhìn thấy, thưởng thức và chiêm ngưỡng được vẻ đẹp vạn vật chung quanh. Hầu hết những sinh hoạt căn bản của một người ít hay nhiều cũng cần vào sự đóng góp của đôi mắt. Thiếu hay mất đi thị giác, mọi hoạt động căn bản của một người đều bị đình trệ. Giác quan nào cũng quan trọng với con người cả nhưng thí dụ chỉ có thể chọn để có một thì con người chúng ta sẽ chọn giác quan nào trong ngũ quan . M. Beinouk của Romania đã trả lời hộ chúng ta :

                        Chỉ Cần Đôi Mắt

                        Hãy cưa đôi chân của tôi đi
                        Để tôi khỏi lang thang
                        Hãy xẻo đôi môi của tôi đi
                        Để tôi không còn hôn em được nữa
                        Hãy chặt đôi tay của tôi đi
                        Để tôi không thể ôm em
                        Hãy đập vỡ trái tim của tôi
                        Để nó không làm tôi điên dại
                        Xin hãy để lại cho tôi đôi mắt
                        Để tôi khóc người tình
                        Đã mất hút của tôi ... (M. Beinouk - Phạm Viết Đào dịch)

                        Tôi tạm trích một số thơ về "mắt" dưới đây. Và xin nhường lại cho bạn đọc sự cảm nhận, sự hòa nhịp rung động của mình với cảm xúc các tác giả qua lời thơ tiếng nhạc.

                        Kiều càng sắc sảo, mặn mà,
                        So bề tài, sắc, lại là phần hơn.
                        Làn thu thủy, nét xuân sơn,
                        Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh (Đoạn Trường Tân Thanh)
                        (Làn thu thủy, nét xuân sơn.... bắt nguồn từ câu chữ Hán: Nhỡn quang như thủy, my tự xuân sơn: Mắt trong như nước mùa thu, mày như núi mùa xuân.)

                        Vẻ phù dung một đóa khoe tươi,
                        Nụ hoa chưa mỉm miệng cười,
                        Gấm nàng Ban đã lạt mùi thu dung.
                        Áng đào kiểm đâm bông não chúng,
                        Khóe thu ba rợn sóng khuynh thành (Cung Oán Ngâm Khúc)
                        ("thu ba" là sóng mùa thu, khóe thu ba chỉ mắt của con gái lấp lánh trong sáng như sóng mùa thu .. )

                        Đôi mắt em lặng buồn
                        Nhìn thôi mà chẳng nói
                        Tình đôi ta vời vợi
                        Có nói cũng không cùng… (Lưu Trọng Lư)

                        Vừng trăng lên mái tóc mây
                        Một hồn thu lạnh mơ say hương nồng
                        Mắt em là một giòng sông
                        Thuyền ta bơi lội trong giòng mắt em (Lưu Trọng Lư)

                        Buổi chiều vàng như thóc
                        Gạt xuống từng khe xanh
                        Đôi mắt nàng long lanh
                        Chất nồng nàn nắng quái
                        Nắng chiều như hoa chanh
                        Lung linh từng sợi tóc
                        Mắt em, thuyền độc mộc
                        Chèo lướt trong hồn ta
                        .........
                        Ta trở thành cái cốc
                        Đọng nắng chiều long lanh
                        Đôi mắt thuyền độc mộc
                        Em thả xanh hồn ta (Phạm Thiên Thư)

                        Thời gian qua kẽ tay
                        Làm khô những chiếc lá
                        Kỷ niệm trong tôi
                        Rơi như tiếng sỏi
                        trong lòng giếng cạn
                        Riêng những câu thơ còn xanh
                        Riêng những bài hát còn xanh
                        Và đôi mắt em
                        như hai giếng nước (Văn Cao)

                        Cuối thu vàng núi quanh bờ
                        Nước non trong sạch ai ngờ thần tiên
                        Em cười, đôi ngọc mắt đen
                        Nửa in sắc nước nửa đen sắc trời (Xuân Diệu)

                        Trời chưa mùa thu, tươi lắm thay,
                        Em nhỏ ngây thơ, đôi mắt biếc
                        Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay (Thâm Tâm)

                        Đôi mắt người Sơn Tây
                        U uẩn chiều lưu lạc
                        Buồn viễn xứ khôn khuây (Quang Dũng)

                        Ôi ! cặp mắt của người trong tợ ngọc
                        Sáng như gươm và chấp chóa kim cương !
                        Mỗi cái ngó là một vì sao mọc !
                        Mỗi liếc yêu là phảng phất mùi hương .
                        Hai mắt ấy chói hào quang sáng ngợp
                        Dẫn hồn ta vào thế giới thiêng liêng,
                        Hớp nhiều trăng cho niềm trinh rất ngớp
                        Say nhạc hường nổi bổng giữa đào nguyên (Bích Khê)

                        Chuỗi ngọc chàng cho em, mất rồi !
                        Còn đây một chuỗi Tiếc - thương dài
                        Và đây, vạn giọt lòng ngưng đọng
                        Ý ngọc Tình châu chớp mắt rơi .... (Đông Hồ)

                        Anh nhớ sông có nguyệt lạ lùng
                        Có trời lau lách chỗ hư không
                        Em tìm âu yếm trong đôi mắt
                        Thấy cả vô cùng dưới đáy sông (Nguyên Sa)

                        Bỏ trăng gió lại cho đời
                        Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
                        Bỏ người yêu, bỏ bóng ma
                        Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
                        Bây giờ riêng đối diện tôi
                        Còn hai con mắt khóc người một con (Bùi Giáng)

                        Đôi mắt người ngây thơ
                        Không hề vương vấn tội
                        Có chở tình ta theo
                        Tới cõi nào diệu vợi ?(Nguyễn Tất Nhiên)

                        Ôi mắt xa xôi, ôi mắt dị kỳ.
                        Ta thấy đó một trời ta mơ ước.
                        Ta thấy cả một vừng trăng thuở trước.
                        Cả con đường sao mọc lúc ta đi.
                        Cả hoàng hôn mây phủ lối ta về.
                        Khắp vũ trụ bỗng vô cùng thương nhớ… (Đinh Hùng)

                        Những con mắt tình nhân
                        Nuôi ta biết nồng nàn
                        Những con mắt thù hận
                        Cho ta đời lạnh câm
                        Những mắt biếc cỏ non
                        Xanh cây trái địa đàng
                        Những con mắt bạc tình
                        Cháy tan ngày thần tiên (Trịnh Công Sơn)

                        Trong văn học dân gian thì đôi mắt cũng được nhắc nhở đến rất nhiều. Một số câu ca dao diễn tả đôi mắt như :

                        Trời sinh con mắt là gương
                        Người ghét ít ngó, người thương ngó hoài (CD)

                        Những người con mắt lá răm,
                        Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền (CD)

                        Chín thương cô ở một mình
                        Muời thương con mắt có tình với ai…(CD)

                        Ai buồn ai khóc thiết tha
                        Tui vui tui cũng chan hoà giọt châu (CD)

                        Ai làm Nam Bắc phân kỳ
                        Cho hai giòng lệ đầm đìa nhớ thương (CD)

                        Khăn thương nhớ ai
                        Khăn chùi nước mắt
                        Đèn thương nhớ ai
                        Mà đèn không tắt
                        Mắt thương nhớ ai
                        Mắt ngủ không yên
                        Đêm qua anh những lo phiền
                        Lo vì một nỗi không yên một bề …

                        Trong lĩnh vực ca nhạc thì đôi mắt cũng đã là nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhạc sĩ sáng tác. Một số bài về mắt tiêu biểu như: Giọt Nước Mắt Ngà (Ngô Thụy Miên), Thu Trong Mắt em (Phạm Anh Dũng), Nước Mắt Rơi (Phạm Duy),Trong Đôi Mắt Em (Trần Quang Lộc), Đôi Mắt Người Sơn Tây (Phạm Đình Chương), Mắt Đêm (Hoài An), Mắt Đẹp (Tuấn Khanh), Đôi Mắt Người Xưa (Trúc Phương), Mắt Lệ Cho Người (Từ Công Phụng), Mắt Lệ Cho Người Tình (Phạm Mạnh Cương), Màu Mắt Nhung (Đức Huy), Mắt Biếc (Cung Tiến), Giọt Sương Trên Mí Mắt (Thanh Tùng), Đôi Mắt Nào Mở Ra , Những Con Mắt Trần Gian (Trịnh Công Sơn), Đôi Mắt Thuyền Độc Mộc (Võ Tá Hân, Nguyễn Tuấn), Tình Yêu Mắt Nai (Quốc Dũng), Mắt Em Vương Giọt Sầu (Đăng Khánh), Lệ Đá (Trần Trịnh- Hà Huyền Chi) ...

                        Trong lĩnh vực hội họa thì nhà danh họa Leonardo da Vinci đã nổi tiếng với bức danh họa Mona Lisa, còn có tên là La Gioconda, mà điểm đặc trưng bức chân dung này là nụ cười và ánh mắt. Điểm khiến chúng ta chú ý và ngạc nhiên là mức độ thật của bức chân dung với nụ cười và đôi mắt có vẻ sống động, như một người thật đang chăm chú nhìn chúng ta. (She really seems to look at us and to have a mind of her own- Nicholas Pioch). Trong lĩnh vực tôn giáo, mắt cũng được dùng làm biểu tượng (như giáo phái Cao Đài). Và trong lĩnh vực khoa học huyền bí thì chúng ta thường nghe truyền tụng về "thuật điểm nhãn hay khai nhãn" của thầy pháp là mở mắt cho một vật nào đó từ vô tri trở nên linh thiêng. Theo giới y học cổ truyền, một vị thầy giỏi chỉ cần nhìn vào đôi mắt, là biết một người khoẻ hay bệnh. Đôi mắt có thể cho biết người đó sắp bệnh, đã bệnh, bị bệnh đã lâu… và bệnh gì...v.v. Nhìn vào đôi mắt, họ có thể biết người đó vui hay buồn, hận thù, đau khổ hay hạnh phúc...

                        Tương truyền, bốn đệ nhất mỹ nhân của Trung Hoa ngày xưa là Điêu Thuyền, Chiêu Quân, Dương Quý Phi và Tây Thi đều có đôi mắt rất đẹp, quyến rũ mê hồn. Điêu Thuyền thì đẹp lộng lẫy đến trăng nhìn "trăng phải thẹn". Sóng mắt Điêu Thuyền đã làm say mê đắm đuối hai cha con Đổng Trác và Lữ Bố và Lữ Bố vì ghen đã giết chết nghĩa phụ của mình. Đôi mắt nhung huyền của Tây Thi như tỏa ra ngàn sợi tơ tình, điểm tô nhan sắc tuyệt trần của nàng thêm lộng lẫy, cộng thêm tài đàn ca múa hát đã làm cho Ngô Phù Sai mê mệt. Ngô Phù Sai vì say đắm nhan sắc Tây Thi mà bị mất nước và vong mạng. Đường Minh Hoàng cũng vì say mê sắc nước hương trời, "làn thu thủy, khóe thu ba" của Dương Quí Phi mà đất nước loạn lạc và dân chúng khổ đau. Chiêu Quân nổi tiếng với danh hiệu "trầm ngư lạc nhạn" (cá lặn chim sa), cũng có đôi mắt rất đẹp, nhưng bị Mao Diên Thọ vì tư thù cá nhân, đã thêm cái nốt ruồi vào dưới khóe mắt của bức chân dung và xàm tấu với vua Hán rằng Chiêu Quân tuy đẹp nhưng có cái nốt ruồi "thương phu trích lệ", mà sách tướng gọi là nốt ruồi sát phu. Vua Hán nghe lời nên chẳng nghĩ gì đến Chiêu Quân, đến khi nàng vào ra mắt vua trước khi đem đi cống Hồ, nhà vua mới thấy và vô cùng hối hận, luyến tiếc nhưng tất cả đều muộn màng. Trong buổi chia ly đau đớn, những giọt lệ long lanh trên khóe mắt của trang quốc sắc thiên hương, nghẹn ngào thương khóc kiếp "hồng nhan bạc mệnh"... Bốn tuyệt thế giai nhân với những đôi mắt "đẹp" đã một thời gây bão tố trong cung đình các triều đại Trung Hoa cổ xưa. Nước mắt là một vũ khí rất là lợi hại của phái nữ và nam nhi thì đã mấy ai cầm lòng được với nước mắt của nữ nhi, nhất là khi người đó lại là người mình yêu thương. Cái câu: "Chí lớn trong thiên hạ không chứa đầy đôi mắt của giai nhân" có lẽ vẫn luôn luôn đúng.

                        Nếu có những đôi mắt "đổ nước nghiêng thành" thì cũng có những đôi mắt có thể phân định được chính tà. Nguyễn Tịch trong nhóm "Trúc Lâm thất hiền" đời nhà Tấn có đôi mắt rất "lạ thường ". Gặp người hiền lương, đạo đức, tài giỏi, ngay thẳng thì mắt ông chuyển thành màu xanh. Còn gặp kẻ giả dối, lừa đảo, tham ô, ác độc mắt ông sẽ chuyển thành màu trắng. Điển tích "mắt xanh" phát xuất từ câu chuyện này. Ai lọt vào mắt xanh, người đó coi như "đạt tiêu chuẩn" và "xài" được.

                        Về mặt khoa học, những thập niên gần đây, sự tiến triển của khoa học kỹ thuật giúp con người hiểu rõ hơn về đôi mắt. Làm sao cặp mắt con người có thể cảm nhận chính xác về kích thước, hình dáng, vị trí, chiều sâu và màu sắc của sự vật bên ngoài. Càng hiểu thêm, các nhà khoa học càng hết sức thán phục những đặc tính và cấu trúc kỳ diệu của thị giác con người, một kỳ công của tạo hóa. Hiện nay khoa học đang tìm cách sử dụng những hiểu biết về thị giác để chế tạo mắt nhân tạo thay thế cặp mắt tự nhiên. Nhưng những máy móc tinh vi nhất hiện nay vẫn chưa thể thay thế khả năng thâu nhận, tổng hợp và phân tích của cặp mắt tự nhiên. Về nhiều phương diện chẳng hạn như khả năng phân biệt màu sắc và cường độ ánh sáng, cử động nhanh chậm, hình thể kích thước, khoảng cách xa gần của vật thể, mắt nhân tạo vẫn thua xa mắt tự nhiên.

                        Đôi mắt quý báu giữ một nhiệm vụ hết sức thiết yếu: Giúp ta nhìn thấy sự vật xung quanh. Nhưng mắt cũng có thể là... nguồn thông tin cho những ai quan sát được chúng, chủ yếu là cung cấp các manh mối trực giác về cảm xúc và... ý định của một người. Gần đây, hai nhà khoa học của trường Đại học Columbia, GS Shree Nayar và TS Ko Nishino, vừa phát hiện thêm một đặc tính khác của đôi mắt mà đến nay chưa một ai biết đến là đôi mắt có khả năng phản ánh lại thế giới xung quanh chúng. Họ đã phát minh một hệ thống thu và phân tích các bức ảnh được thể hiện thoảng qua trên các màng chiếu là... giác mạc (của đôi mắt con người.)

                        “Hệ thống hình ảnh giác mạc", như cách gọi của họ, khi mới nghe qua chẳng có vẻ gì là sáng tạo: Về cơ bản, họ dùng máy chụp ảnh kỹ thuật số (digital) có độ phân giải cao để chụp cận cảnh khuôn mặt của người họ muốn “đọc ý nghĩ thông qua mắt”. Giai đoạn chính thật sự chỉ bắt đầu sau khi ảnh chụp được chuyển qua máy tính, nơi một nhu liệu (phần mềm - software) tinh vi được dùng để cô lập vùng tròng đen của mắt – nơi một màng rất mỏng của nước mắt phủ trên giác mạc phản chiếu lại hình ảnh của thế giới xung quanh, tương tự cảnh vật phản chiếu xuống mặt hồ. Đến lúc này, ta có thể tha hồ quan sát được tất cả mọi thứ mà người đó nhìn thấy khi bức ảnh được chụp. Tóm lại "chụp và phân tích" các hình ảnh được thể hiện trên giác mạc mắt có thể giúp cho việc đọc được nhận thức của một người .

                        Bắt đầu việc nghiên cứu này từ tháng 3/2003, Nishino và Nayar đã nhanh chóng nhận ra rằng "bức tranh toàn cảnh hình cầu" được phản chiếu trên mắt là bao quát hơn cái thật sự rơi vào võng mạc cho ta "nhìn thấy". Điều đó có nghĩa: Nếu ta mã số hóa (coding) và lưu giữ hình ảnh mắt của mình trong một thời điểm nào đó, chúng ta có thể xem lại các hình ảnh mắt đó và quan sát được những gì mà ta đã bỏ sót trong khi đang tập trung cái nhìn của mình về một hướng khác. Để xác định được cái mà bạn đang thật sự nhìn vào, các nhà nghiên cứu trường Đại học Columbia sử dụng đặc điểm cấu tạo của mắt và một số thảo trình toán được xây dựng hết sức công phu, để có thể tính toán ra “hướng nhìn chằm chặp" của bạn và xác định được cái thật sự rơi vào trong võng mạc. Khả năng này làm cho những cái liếc trộm và những câu nói dối kiểu "tôi mà thèm để ý vào" của quý ông với vị hôn thê của mình khi đi ngang qua các cô nàng xinh đẹp không thể tái diễn được nữa (!). Sau khi làm việc dự án này, Nishino đùa rằng "Tôi phải tự xét lại mình, chứ có nhiều thứ tôi không được phép nhìn vào đâu”

                        Quy trình chụp ảnh giác mạc, từ trái sang:

                        (1) Ổ mắt: Sau khi dùng máy ghi hình kỹ thuật số có độ phân giải cao chụp ảnh của mắt, một phần mềm đặc biệt sẽ được dùng để cô lập phần giác mạc.
                        (2) Phản ánh toàn diện: Ảnh trên giác mạc phản ánh cho thấy một hình ảnh bao quát của cảnh vật xung quanh.
                        (3) Phạm vi quan sát: "Bức tranh toàn cảnh hình cầu" cho thấy nhiều sự vật hơn thực tế nhìn thấy.
                        (4) Tại tiêu điểm: Dựa vào kết quả trên, có thể tính toán cái mà đối tượng đang nhìn vào.

                        Tiềm năng là kỹ thuật có thể được sử dụng trong lĩnh vực an ninh. Nayar đã tỏ ý là không muốn phát minh này được dùng bởi các chính quyền độc đoán, chẳng hạn họ có thể sử dụng các kỹ thuật của ông lần ra các dấu vết, khi nhìn vào các tấm ảnh chụp mắt, những điều mà một người muốn che giấu. Tuy nhiên, người ta cũng có thể nghĩ tới việc áp dụng kỹ thuật này cho máy quan sát tại các trạm kiểm soát an ninh để theo dõi xem có ai đó đang nhìn quá chăm chú vào các khu vực trọng yếu hay không. Ít rắc rối và ít gây tranh luận hơn sẽ là trường hợp các nhà tâm lý học có thể dùng kỹ thuật này để biết được chắc chắn là đối tượng (thân chủ) đang nhìn vào cái gì trong một thời điểm xác định, nhằm nghiên cứu phản ứng của người này. Bên cạnh đó, các nhà thiết kế giao diện cho máy tính có thể sử dụng phát hiện này để tạo ra một loại phần mềm, có khả năng cung cấp cho người sử dụng thông tin dựa trên cái mà họ đang nhìn vào trên màn ảnh (screen).

                        Cuối mùa hè này, Nishino và Nayar sẽ chuyển công trình của họ cho Siggraph, thuộc Công ty Woodstock, để thử nghiệm xem hệ thống này có thể trợ giúp đắc lực ra sao cho việc thực hiện phim kỹ thuật số. Trên lý thuyết, theo họ, khi phân tích các hình ảnh được phản chiếu trên giác mạc mắt, chúng ta có thể thêm rất dễ dàng một đối tượng vào một cảnh quay nào đó, hoặc thậm chí có thể thay thế một diễn viên bằng một nhân vật được dựng lên bằng máy tính trong khi vẫn tái tạo lại được chính xác trạng thái ánh sáng gốc. GS Nayar dự tính lật lại các ảnh phản chiếu của mắt từ các bức ảnh cũ và xem lại quang cảnh xung quanh được thể hiện qua cái nhìn của đối tượng được chụp ảnh ra sao. “Bạn có bao giờ tưởng tượng là ngày nay chúng ta có thể khám phá được cái mà mục sư Martin Luther King đang nhìn thấy khi bức ảnh của ông được chụp không?” - GS Nayar hỏi.

                        Với văn thi sĩ, mắt là cửa sổ của tâm hồn và hiện nay thì khoa học đã chứng minh mắt không những là "cửa sổ của tâm hồn" mà còn là "cửa sổ cả một thế giới "của một người. Mặc dầu còn nhiều bí ẩn, nhưng những khám phá và hiểu biết về hiệu năng của mắt trong nhiều thập niên qua, cho thấy cặp mắt con người không thể nào là một sản phẩm tình cờ của tự nhiên. Đôi mắt, một kiệt tác phẩm của tạo hoá ban cho loài người, một "Cánh cửa vô cùng, xin chớ bao giờ khép lại.... "

                        LÝ LẠC LONG
                        (TTL/TCT/MAI/05)
                        <bài viết được chỉnh sửa lúc 01.03.2006 19:50:56 bởi TTL >
                        #27
                          TTL 01.03.2006 17:46:57 (permalink)
                          Tản mạn về Trà & Trà Đạo.


                          Hầu như mọi dân tộc, mọi xứ sở trên trái đất đều biết uống trà. Theo ước tính, đây là loại nước uống phổ biến nhất sau "nước" và mỗi ngày thế giới tiêu thụ chắc không dưới một tỉ tách trà đủ các loại. Theo sách vở ghi lại thì tục uống trà của nhân loại bắt nguồn từ Trung Quốc. Theo cuốn Trà kinh, của Lục Vũ viết năm 780 (Lục Vũ là một cuồng sĩ đất Hồng Tiệm đời Ðường, thường lang thang ngâm thơ rồi khóc. Ông để lại cho đời sách Trà Kinh gồm ba quyển bàn về trà, gốm trà, cách pha và uống trà, được người đời sau gọi là ông tiên trà, thờ làm ông tổ của trà đạo Trung Quốc) thì uống trà bắt đầu từ thời Thần Nông, truyền sang Chu Công nước Lỗ. Như vậy loài người biết uống trà vào khoảng năm 3300 - 3100 trước Công nguyên. Qua các thời đại Trung Quốc, tục uống trà và tác dụng của cây trà ngày được nâng cao và khai thác triệt để. Cách uống trà cũng theo những con đường buôn bán tơ lụa, đồ gốm và qua sự giao lưu của các thương gia tỏa ra khắp thế giới.

                          Cuối thế kỷ 11 đầu thế kỷ 12, cùng với thiền, trà ở Trung Hoa tràn sang Nhật. Người Nhật tiếp thu cả hai thứ văn hoá vật chất và tôn giáo này, đem nó hoà quyện với văn hoá bản địa và nâng lên thành triết lý riêng của dân tộc Nhật gọi là Trà đạo. Theo truyền thuyết Nhật, vào khoảng thời gian này, có một vị cao tăng người Nhật là sư Eisai (1141-1215), sang Trung Hoa để tham vấn học đạo. Khi trở về nước, sư Eisai mang theo một số hạt trà về trồng trong sân chùa. Sau này chính Eisai này đã sáng tác ra cuốn "Phẩm Trà Dưỡng Sinh Ký" (Kissa Yojoki), nội dung ghi lại mọi chuyện liên quan tới thú uống trà. Những công dụng của trà về mặt y khoa và hương vị hấp dẫn đặc biệt của trà đã thu hút nhiều người dân Nhật đến với cái thú uống trà. Họ đã kết hợp thú uống trà với tính Thiền của Phật giáo để nâng cao nghệ thuật thưởng thức trà, phát triển nghệ thuật này trở thành trà đạo. Trà đạo phát triển dựa trên triết lý xem uống trà như là một thú tiêu khiển thanh tao và nghi lễ của việc uống trà do các sư Thiền tông đặt ra để giữ cho họ thức tỉnh. Đến đời thiền sư Senno Rikyu (1521-1591) thì trà đạo ở Nhật thực sự trở thành một nghệ thuật gắn liền với đời sống thiền thông qua việc định nghĩa các yêu cầu của trà đạo như là sự hài hòa, tĩnh lặng, thanh khiết và trang trọng. Như Kakuzo Okakura đã viết trong cuốn "Quyển sách về Trà" xuất bản vào năm 1906: "Trà đạo là một giáo phái được sáng lập dựa trên lòng tôn thờ cái đẹp, cái đẹp giữa những thực tế nhớp nhúa trần ai. Trà đạo bao gồm những nghi lễ thiêng liêng thấm đượm chất tâm linh tôn giáo, biến việc uống trà trở thành một cuộc lễ. Bất cứ một thiền thất nào của môn phái Trà đạo đều có những trà thất. Tuy được xây dựng hết sức giản dị, tự nhiên nhưng được coi là nơi thiêng liêng nhất. Đó là những gian nhỏ được ghép bằng tre, gỗ, lợp tranh rất nguyên sơ. Trong nhà bài trí một vài bức thư pháp cổ, hoặc tranh thuỷ mạc. Một bếp đun nước, một lò hương thơm, một lọ hoa cắm chỉ một bông như mọc lên từ kẽ đá. Ngồi trong căn phòng lặng im nghe tiếng nước sôi nhè nhẹ như tiếng gió. Người ta cảm thấy như ngồi giữa một thảo am nơi sơn dã, chỉ có mây trắng và tiếng nhạc thiên nhiên làm bạn, lòng cảm thấy thanh thoát. Con người như vượt lên trên những giới hạn tương đối và một thoáng nhìn vào vĩnh cửu. Ấm trà được sắp lên toả hương thơm thanh cao, tinh khiết. Uống chén thứ nhất thấy lòng tĩnh lặng, tâm không còn dao động, tự soi được vào cõi tâm mình. Thiền nhân gọi đó là trạng thái vấn tuệ. Uống xong chén thứ hai thấy nơi ấn đường ấm nóng, tư duy thiền sắp được khai thông. Uống xong chén thứ ba cả hai trạng thái trên đều biến mất. Thân xác như hoà vào trời đất. Người ta nói đó là đạt tới thiền và là Trà đạo."

                          Theo hai cuốn sách “The Empire of Tea: The Remarkable History of the Plant That Took Over the World” ( Đế Quốc Trà ) của Alan Macfarlane and Iris Macfarlane và “Tea: Addiction, Exploitation, and Empire” (Trà: Nghiện, Bóc Lột, và Đế quốc) của Roy Moxham mới xuất bản gần đây thì các tác giả người Anh này thuật lại thì các nhà buôn bán Tây phương để ý đến trà vào khoảng thế kỷ 17. Cuốn “Đế quốc trà” mở đầu với một hồi ký ngắn và cảm động của Iris về nhận thức văn hóa mà bà mang theo cùng chồng đến nông trại trồng trà Assam. Bà viết: "Tôi lớn lên với tất cả những mưu mẹo, những lời nói hoa mỹ : rằng ‘Bên ấy ở Ấn Độ’ có những người da ngăm thấp kém không thể cứu chữa, những người rất may mắn được chúng ta cai trị". Sau đó thì tác giả kể lại những tình trạng đối xử tàn bạo đối với những công nhân làm việc trong các nông trại trồng trà, những hồi tưởng buồn bã. Cuốn "Đế quốc trà" phân tích một cách dí dỏm sắc nước của trà và qua đó suy luận về vai trò của trà trong việc duy trì một hệ thống trật tự xã hội theo đẳng cấp ở Anh. Tác giả còn tìm cách trả lời một câu hỏi : Có phải quả thật trà đã thuần hóa người Anh? Có phải trà làm cho những người da trắng, thích ăn thịt đỏ và uống bia trở thành những người hiền lành hơn và dễ mến hơn? Không! Đó là câu trả lời. Những người Anh, chủ đồn điền trà, khinh miệt công nhân người bản xứ, họ cho đó là những cu-li (coolies). Họ đối xử tàn bạo đối với những phu người địa phương và gây cho cái chết cho hàng trăm ngàn người. Theo thống kê của Moxham, cho đến năm 1900, hơn 200 ngàn mẫu trà được khai khẩn và trồng trong rừng Assam, và nó làm mất đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người phu Ấn Độ nhưng chỉ vài mạng người Anh. Đó chỉ là một thảm nạn trồng trà ở vùng Assam; nhiều thảm nạn còn xảy ra ở Darjeeling, Tích Lan (Ceylon), và nhiều nơi khác. Quy trình sản xuất trà ở Ấn Độ được mô phỏng theo cách tổ chức sau cuộc Cách mạng kỹ nghệ: giờ làm việc dài, điều kiện làm việc cực xấu, và thiếu an toàn. Macfarlane viết: “Công nhân trở thành một phần của bộ máy sản xuất khổng lồ. Trong bộ máy đó họ là những con người làm việc không hồn. Cái giá nhân sinh mà con người phải trả cho những công việc nhàm chán và không cần đến trí óc, đó là chưa kể đến tình trạng công nhân phải đứng hết giờ này sang giờ khác để hái trà. Thật khó tưởng tượng nổi!”

                          Trà, ngoài là thức uống và những công dụng tốt cho sức khỏe , cái ''lá cây thơm ngát" này đã là đề tài làm say mê nghệ nhân để sáng tạo ra những bình sứ thời xưa ở Việt Nam, Nhật Bản và Trung Hoa. Trà đã là chất xúc-tác khuyến khích các tay thực dân Âu châu ; là chất châm ngòi cuộc chiến tranh Nha phiến; là cảm hứng cho cho những nhà thiết kế thuyền bè vào thế kỷ 19th; và là một trong những nguồn cung cấp sinh lực cho cuộc Cách mạng kỹ nghệ .

                          Gần đây ở Việt Nam có nhiều "trà quán" mở cửa theo nhu cầu của thị trường, tôi tình cờ đọc một số bài viết so sánh và tỏ ý ngưỡng mộ nghệ thuật uống trà của Nhật và Trung Hoa. Phải công nhận là các nước khác thành công hơn Việt Nam trong việc quảng bá truyền thống tốt đẹp của dân tộc họ. Trà đạo của Nhật nổi tiếng đã lâu, và Trung Hoa thì cũng vậy. Mặc dù theo truyền thuyết thì Việt Nam đã biết đến trà từ thời Ðông Hán và trà đạo Việt thành hình khoảng vào đời nhà Ðường. Sách Trà Kinh của Lục Vũ nhập đề rằng "trà là loài cây lớn ở phương nam". Chứng tích trà đạo Việt còn lưu lại trên những bình bát trà gốm Việt Dao từ thời Bắc thuộc, lên đến tột đỉnh thời Lý, Trần, thời Phật giáo thịnh nhất trong lịch sử VN. Trà đạo Việt là đạo mà không đạo, đạo vô môn quan: không cửa vào, không lối ra. Cũng như Việt Nam, lúc bấy giờ Phật giáo ở Nhật bén rễ vào giới thế quyền. Tăng sư là khách quý của các sứ quân và các phú hào. Họ học Phật rồi tiêm nhiễm luôn đạo thưởng trà. Uống trà nhằm luyện con người khu trừ những chướng ngại phiền não, để đạt chỗ rốt ráo của an bần lạc đạo, hòa đồng với Tự Nhiên, tức là Chân Như. Và uống trà, hành trà đạo phải có các trà khí mà ngành gốm Nhật bấy giờ rất phôi thai. Nên trà gốm từ Cao Ly, Trung Hoa, Ðại Việt đưa sang giá đắt, chỉ được xử dụng giới hạn trong hàng sứ quân và đại phú. Thay vì hấp thu nếp thanh bần, họ bèn mượn trà đạo làm trò trà dư tiêu khiển, đặt ra các quy tắc kiểu cách (Cha No Yu), muốn vào phải qua cổng Hữu Môn Quan. Trà đã đưa thiền vị đạm bạc vào trú ngụ chỗ đền các xa hoa. Trong khuôn viên cung đình nguy nga, các lãnh chúa sai dựng nên trà thất bắt chước lều cỏ bần hàn của ẩn sĩ để hành trà đạo. Còn bên nước Việt, đạo đã từ cung cấm ra đi, bỏ phú quý phù vân để phiêu bồng nơi cảnh thật của "rừng trúc lắm chim" (Trúc lâm đa túc điểu) như thơ ngài Huyền Quang. Các vua Lý, Trần bỏ kinh về núi, thực hiện hạnh tầm đạo, dẫm theo bước chân của đức Phật. Đây là chỗ khác biệt trong lịch sử thiền đạo Việt - Nhật .

                          Thời đại chúng ta đang sống, kỹ thuật hiện đại cho phép mọi người tiếp xúc với môi trường bên ngoài, với các nền văn hoá khác nhau trên thế giới, tạo điều kiện cho việc học hỏi các điều mới lạ và bổ ích để mở mang kiến thức , để áp dụng cho lợi ích của bản thân và đất nước . Nhưng chúng ta phải biết gạn lọc và đừng quên gốc rễ của mình. Ngưỡng mộ , thích và trân trọng Trà đạo của Nhật Bản hay Trung Hoa thì cũng tốt, nhưng so sánh và chê bai nghệ thuật và phong cách uống trà hay trà Việt Nam là một điều không đúng và nhất là khi dựa vào chỉ mấy "trà quán" phục vụ nhu cầu nhất thời của thị trường. Cái áo Kimono của Nhật, áo sường - sám của Trung Hoa, cái áo dài của Việt Nam.... mỗi cái có những nét đẹp riêng. Ở đời không có gì là tuyệt đối hoàn hảo. Và người ta thường nói " có nằm trong chăn mới biết chăn có rận", và không có một quốc gia nào hoàn hảo hơn một quốc gia nào. Tách trà thơm ở Việt Nam đã từ lâu là quà đón khách, là tâm tình của chủ nhà với khách viếng thăm. Không thể nói là vì người VN không pha chế trà cầu kỳ như người Nhật hay người Trung hoa và vì vậy mà thịnh tình của chủ với khách suy giảm. Phần tôi thì với nghệ thuật uống trà theo Trà đạo của Nhật bản hay Trung hoa thì cũng rất ngưỡng mộ, và áo Kimono hay sường sám, cũng rất đẹp mắt... Nói cách khác là tôi chỉ "cỡi ngựa xem hoa" . Nhưng tách trà Việt nam tôi sẽ pha đãi khách và chiếc áo dài VN vẫn là đẹp nhất , gần gũi thân thương nhất. Lý do rất đơn giản : Vì tôi là người Việt Nam .

                          Riêng về phong cách uống trà hay thiền đạo thì vô môn quan (Việt Nam) hay hữu môn quan (Nhật Bản) ... "tốt" hơn ? Tôi xin phép gởi đến các bạn câu truyện "Trà Đạo" dưới đây :
                          "Khách đến viếng một trà thất, chủ nhân tiếp đón theo nghi phong trà đạo Nhật Bản, khách thì lại cứ rót uống tự nhiên không theo luật lệ nào cả. Chủ nhân liền thuyết trình về trà đạo, về cách pha trà và phong thái uống trà … v.v. Nghe xong khách nói:
                          - À, thì ra trà đạo là vậy. Tôi lại tưởng đạo trà là khát thì uống thôi chứ.
                          Rồi khách xuất khẩu ngâm:
                          Xưa nay trà là đạo.
                          Khát cứ việc uống thôi.
                          Nghĩ thêm trà với đạo.
                          Ðầu thượng trước đầu rồi!"

                          Mời các bạn tách trà thơm (pha kiểu Việt Nam) và chúc tất cả một cuối tuần như ý .

                          Lý Lạc Long
                          (TTL/TCT/MAI7/9/05)


                          Đã mang vào thư viện

                          Thân ái
                          <bài viết được chỉnh sửa lúc 19.03.2006 04:05:47 bởi ct.ly >
                          #28
                            Lý Lạc Long 18.03.2006 06:52:14 (permalink)
                            HỌA VÔ ĐƠN CHÍ
                            VÀ ĐỊNH LUẬT MURPHY


                            Người ta thường nói " phước bất trùng lai, họa vô đơn chí". Những việc may mắn thường không đến hai lần, không đến cùng một lượt. Ngược lại, những việc không như ý và xui xẻo thường xảy đến dồn dập. Có lúc chuyện rủi ro này chưa giải quyết xong thì chuyện bất trắc khác đã ập đến. Đôi khi, việc không may xảy đến dồn dập và liên tục làm cho chúng ta choáng voáng, tối tăm cả mặt mũi và trở tay không kịp.

                            Như buổi sáng nào đó bạn thức trễ, sửa soạn gấp để đi làm, lục mọi ngăn tủ ra chẳng kiếm được hai chiếc vớ cùng đôi. Xuống bếp, cái máy pha cà phê thình lình không chịu làm việc, cầm miếng bánh mì điểm tâm ăn thì vuột rớt xuống sàn nhà và cái mặt trét bơ lại rơi úp xuống đất. Ra xe thì vỏ xe bị xẹp. Bạn "nói thầm" là quá đủ cho một buổi sáng và quyết định ở nhà nghỉ. Nhưng vào đến nhà, chợt nhận ra là cái chìa khóa cửa nhà đã bỏ quên trong xe với chìa khóa xe... Tại sao mọi việc không như ý diễn ra liên tục trong một buổi sáng như vậy? Đây là sự ngẫu nhiên hay đây là một sự vận hành của vũ trụ?

                            Trả lời cho câu hỏi trên có thể làm bạn ngạc nhiên, nhưng bạn cần làm quen với một sự thật không mấy vui là: Vũ trụ luôn luôn chống lại con người. Tương tự như "nhận xét" của phương Đông: "Phước bất trùng lai họa vô đơn chí", phương Tây cũng có quan niệm này và được biết đến như định luật Murphy: "Nếu một việc có thể diễn tiến xấu, nó sẽ diễn tiến đúng như thế." (Murphy's Law : "If anything can go wrong, it will"). Định luật Murphy xuất hiện năm 1949, bắt nguồn từ một thí nghiệm trong một nghiên cứu của không quân Mỹ về ảnh hưởng của quá trình giảm tốc độ trên các phi công. Người tình nguyện được đặt trong chiếc xe trượt tuyết gắn động cơ phản lực, và phản ứng của họ khi xe dừng đột ngột sẽ được ghi lại với hệ thống ghi dữ kiện của bộ ghế mẫu do đại úy Edward A. Murphy thiết kế. Nhưng trong một thí nghiệm chuẩn bị kỹ càng tưởng chừng không có sai sót, Murphy đã không ghi được số liệu nào cả chỉ vì một điện cực bị gắn sai chiều . Sai lầm hy hữu này khiến Murphy phải kết luận: "Nếu có một cách sai - sẽ có người thực hiện cách sai đó". Giới khoa học thường xem đây (giải thích) là kết quả của "ký ức chọn lọc" của những việc " đáng buồn" luôn in sâu trong tâm trí của con người. Nhưng một số các nhà khoa học như Robert Matthews, Đại học Aston, ở Birmingham (Anh), đã dùng kiến thức của nhiều ngành khoa học "tổng hợp" lại để quan sát, phân tích và giải thích. Matthews khám phá ra nhiều thí dụ nổi tiếng của định luật Murphy là có cơ sở . Hiện nay, trong các dự án kỹ thuật đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn cao, đinh luật Murphy được các kỹ sư dự án xem như là một giả thuyết cho môi trường làm việc để đạt được sự toàn hảo.

                            Nhưng không phải chờ đến Murphy người ta mới nhận ra tính bướng bỉnh của các sự kiện xảy ra. Những dạng nhận thức khác của định luật Murphhy đã có từ những thế kỷ trước. Thí dụ như năm 1786, Robert Burns, một nhà thơ người Tô cách Lan (Scotland) đã viết:
                            "Tôi chưa từng có một mẩu bánh -
                            Đủ dài và đủ lớn.
                            Nhưng khi rơi xuống nền cát.
                            Mặt phết bơ luôn rơi xuống trước".

                            Vũ trụ luôn chống lại con người? Năm 1994, có một độc giả công bố quan sát và nhận xét của ông ta là, cuốn sách nằm ngửa trên bàn khi bị trượt và rơi xuống đất sẽ luôn bị úp sấp và thắc mắc, hiện tượng đó có gì chung với lát bánh mì trét bơ không? Phản ứng ban đầu của giới khoa học là, khả năng cuốn sách rơi sấp hay ngửa đều như nhau và độc giả đó đã không lặp lại thí nghiệm nhiều lần và đủ để sử dụng các quy luật thống kê giải thích. Tuy nhiên, người ta nhanh chóng nhận ra rằng, hiện tượng sách rơi đó khác xa với sự ngẫu nhiên. Kết luận cuối cùng được đưa ra là, tốc độ quay của cuốn sách quá nhỏ để nó có thể quay trọn một vòng - điều kiện để cuốn sách có thể nằm ngửa như khi trên mặt bàn. Do sức hút trái đất tác động lên các vật hàng ngày như sách, miếng bánh mì khá nhỏ, nên tốc độ quay của những vật này không đủ nhanh khi rớt xuống.

                            Những nghiên cứu của Matthews đã dẫn tới sự ngạc nhiên thực sự: Có một mối liên hệ sâu xa giữa "hành động" của miếng bánh mì và các hằng số cơ bản của vũ trụ. Rõ ràng là mặt trét bơ của miếng bánh mì sẽ không úp đất nếu chiếc bàn đủ cao (để lát bánh quay trọn một vòng). Nhưng tại sao cái bàn không đủ cao? Vì cái bàn phải phù hợp với chiều cao con người. Vậy tại sao chúng ta lại có chiều cao đang có? Giáo sư vật lý William H. Press của Đại học Harvard giải thích rằng, chúng ta là loài động vật có xương sống đứng bằng hai chân nên rất dễ ngã. Nếu quá cao, chúng ta sẽ bị chấn thương sọ não mỗi khi ngã. Và loài người sẽ diệt vong vì một nguyên nhân khá tầm thường là bị ngã. Để tránh thảm họa tuyệt chủng đó, con người không được cao quá một giới hạn nào đó, và giới hạn chiều cao con người được quy định bằng độ lớn tương đối giữa các liên kết hóa học và vật lý của xương sọ đối với lực hấp dẫn của trái đất. Thêm nữa, cấu trúc của xương sọ lại là kết quả của các hằng số cơ bản khác (những con số được giới khoa học tìm ra để dùng vào việc tính toán đo lường... trong các lĩnh vực khoa học, chẳng hạn điện tích của điện tử ). Và giá trị của mười mấy hằng số cơ bản trong vũ trụ thì được xem là cố định tại thời điểm "big bang" (thuyết vũ trụ bùng nổ) khoảng 15 tỷ năm trước. Từ các giá trị đó, Matthews tính được rằng, chiều cao tối đa của con người chỉ vào khoảng 3 mét, dẫn đến độ cao của cái bàn ( phải phù hợp với độ cao của con người) thấp hơn độ cao cần thiết để cuốn sách rơi ngửa hay để mặt trét bơ miếng bánh mì không úp xuống đất. Nói một cách khoa học, mặt trét bơ của miếng bánh mì úp xuống đất vì vũ trụ "mong muốn" như vậy! Kết luận trên được đăng trên "Tạp Chí Vật lý Châu Âu" và thu hút sự chú ý đặc biệt của công chúng.

                            Người ta đề nghị Matthews giải thích thêm các thí dụ khác của định luật Murphy như sau:

                            Tại sao thời tiết thường xấu vào ngày nghỉ, còn xe thường bị "hư" trên đường tới một cuộc họp quan trọng? Có thể trả lời một cách dễ dàng đó chỉ là kết quả của "ký ức chọn lọc". Nhưng trong thí dụ này Matthews cũng thấy nhiều trường hợp khẳng định hiệu lực của định luật Murphy. Thí dụ điển hình là Quy luật bản đồ: "Nếu địa điểm bạn tìm có thể nằm ở những vị trí không thuận lợi trên bản đồ, nó sẽ nằm ở đó". Căn nguyên của quy luật là sự kết hợp lý thú giữa xác suất và ảo giác quang học. Hãy giả định bản đồ hình vuông, khi đó "vùng Murphy" gồm các phần nằm ở rìa và phía dưới bản đồ, nơi hệ thống đường sá dẫn tới chúng phần lớn là bất tiện. Hình học trực quan cho thấy, nếu độ rộng vùng Murphy chỉ bằng 1/10 độ rộng tấm bản đồ thì nó đã chiếm hơn phân nửa diện tích cả bản đồ. Như vậy, một điểm bất kỳ cũng có xác suất rơi vào vùng Murphy lớn hơn 50%. Ngoài ra, còn là ảo giác quang học: Cho dù vùng Murphy khá hẹp, ranh giới của nó được kẻ trên phần lớn tấm bản đồ, khiến ta tưởng nó chiếm một diện tích lớn.

                            Một thí dụ khác là Quy luật xếp hàng: "Hàng bên cạnh thường kết thúc trước". Tất nhiên, nếu bạn xếp sau một gia đình đông người đi mua sắm đồ cuối năm, sẽ chẳng ngạc nhiên nếu các hàng khác kết thúc trước. Nhưng nếu bạn đứng ở một hàng cùng độ dài và thành phần như các hàng khác thì sao? Bạn có thoát khỏi sức ám ảnh kỳ lạ của quy luật Murphy hay không? Rất đáng tiếc là không. Lấy trung bình thì mọi hàng đều kết thúc như nhau, nhưng các sự biến ngẫu nhiên luôn có thể xảy ra: máy tính tiền hỏng, người thu ngân bấm máy sai, có khách hàng muốn kiểm tra hóa đơn. Nhưng khi xếp hàng trong siêu thị, ta không quan tâm tới các giá trị trung bình, ta chỉ muốn kết thúc sớm. Và xác suất chọn đúng hàng để xếp là 1/N, với N là tổng số hàng trong siêu thị. Trong trường hợp này, thậm chí chỉ so sánh với hai hàng kế bên, cơ may của ta cũng chỉ là một phần ba. Nói cách khác, ta thường thua vì trong hai phần ba trường hợp, ta chọn phải hàng sai! Xác suất và lý thuyết tổ hợp giữ vai trò chìa khóa trong một quy luật Murphy khác: "Nếu tất có thể không cùng đôi, nó sẽ không cùng đôi". Nếu ban đầu bạn có 10 đôi vớ, sau một thời gian bạn mất một nửa, thì khả năng bạn có một ngăn kéo toàn vớ "lẽ đôi" nhiều gấp 4 lần khả năng bạn có hai chiếc "cùng đôi". Chính vì vậy, khó tìm được một đôi vớ hoàn chỉnh trong lúc vội đi làm là lẽ đương nhiên.

                            Lý thuyết xác suất cũng giải thích được Quy luật mang dù: "Mang dù khi có dự báo mưa khiến mưa ít xảy ra". Với khả năng dự báo thời tiết đạt tới độ chính xác 80%, dường như việc mang dù theo lời khuyên của nha khí tượng sẽ đúng 4 trong số 5 trường hợp. Thế nhưng, lập luận có vẻ chính xác này lại tỏ ra không thích hợp với vùng hiếm mưa. Ở những nơi đó, 80% các dự báo mưa lại có kết quả là trời không mưa. Vì thế mà có một câu chuyện vui về bà vợ của vị giám đốc nha khí tượng với chiếc áo mưa luôn luôn mới vì chẳng khi nào có dịp dùng : Bà mang áo mưa khi chồng bà báo mưa (mà trời lại nắng) và để áo mưa ở nhà mỗi khi trời mưa. Để quyết định có mang dù hay không, cần tính đến xác suất có mưa trong khoảng thời gian bạn đi đường (chẳng hạn 1 giờ đồng hồ). Nó có giá trị đủ nhỏ trên toàn thế giới. Thí dụ như xác suất mưa là 0,1 có nghĩa là khả năng bạn "không mắc mưa" lớn gấp 10 lần khả năng "mắc mưa". Trong trường hợp này, theo lý thuyết xác suất, ngay cả tỷ lệ dự báo mưa chính xác tới 80%, thì khả năng "sai lầm" của dự báo cũng nhiều gấp hai lần khả năng "đúng", khiến việc mang dù của bạn trở nên vô ích. Bản chất của vấn đề nằm ở chỗ, khả năng dự báo với độ chính xác cao cũng chưa đủ để tiên đoán các sự việc ít xảy ra.

                            Đại úy Murphy có thể không hài lòng vì xu hướng tầm thường hóa các nguyên lý rất có giá trị của ông trong các kỹ thuật đòi hỏi sự an toàn tối cao. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng, các phiên bản "bình dân" của quy luật này không hề thiếu sức sống và tiện ích. Và bài học quan trọng nhất từ Định luật Murphy là các hiện tượng tầm thường chưa chắc đã có cách giải thích tầm thường.

                            LÝ LẠC LONG
                            (TTL/TCT/MAI/06)
                            <bài viết được chỉnh sửa lúc 18.03.2006 06:53:49 bởi Lý Lạc Long >
                            #29
                              Lý Lạc Long 19.03.2006 03:10:35 (permalink)
                              Định Mệnh, Duyên Số và Thời Vận

                              Tại sao có người đẹp, có người xấu? Tại sao có người yếu, kẻ mạnh? Tại sao có người giàu, có người nghèo? Tại sao có người luôn phải sống trong buồn khổ, có người lại luôn sung sướng và hạnh phúc? Tại sao có người hiền lành, thật thà, có người lại gian dối, xảo quyệt? Tại sao có người thông minh, có người lại tối dạ? ... Hàng muôn ngàn câu hỏi tại sao trong cuộc sống thực tế của thế nhân. Tùy theo trình độ kiến thức, vị trí, hoàn cảnh, mong ước, khát vọng .. v.v của mỗi cá nhân dẫn đến những câu hỏi "tại sao" khác nhau cho từng người. Nhưng một điều rất chắc chắn, là con người, về phương diện này hay phương diện khác, ít hay nhiều, ai cũng có những câu hỏi "tại sao" về những sự kiện xảy ra cho bản thân và xã hội chung quanh mình. Những câu hỏi không trả lời được, không giải đáp được thì dường như cách giải thích dễ nhất là "đổ thừa" cho định mệnh, cho duyên số, cho thời vận .

                              Suy nghĩ theo các nhà khoa học thì mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân hay lý do cụ thể của nó, những "sự kiện" xảy ra chưa giải thích được là vì kiến thức của con người vẫn chưa đủ để giải thích. Nói cách khác, là kiến thức của nhân loại vẫn còn giới hạn chưa đủ để giải thích tất cả những "hiện tượng" xảy ra trong đời sống của con người và thế giới chung quanh. Phật giáo cũng có quan niệm tương tự như vậy, theo luật nhân quả của đạo Phật thì : "Bất cứ điều gì xảy ra là do một hay nhiều nguyên nhân chứ không phải vì may mắn, vì cơ hội hay do định mệnh." Mọi việc phải có mối liên hệ giữa nhân và quả . Chẳng hạn, bị bệnh là có nhiều nguyên nhân cụ thể. Người bị nhiễm vi trùng và cơ thể của họ phải yếu đi vì chính vi trùng đó đã gây ra bệnh. Có một mối quan hệ xác định giữa nguyên nhân (vi trùng và cơ thể yếu) và kết quả (bệnh) vì chúng ta biết rằng vi trùng đã tấn công vào các tế bào và gây ra bệnh. Sự liên hệ giữa các hiện tượng xảy ra hoặc nguyên nhân và kết quả của tất cả hiện tượng là một phạm trù rất phức tạp và bao quát. Bài viết này chỉ đề cập một cách khái quát đến những quan niệm thông thường về định mệnh, duyên số, thời vận và những phương cách giải quyết thực tế trong khả năng của một người bình thường, như hầu hết chúng ta, có thể làm được trong đời sống hàng ngày.

                              Quan niệm, mỗi người đều có "số trời định sẵn" và không thể đổi khác được, tiêu biểu như của cụ Tố Như Nguyễn Du đã viết trong "Đoạn Trường Tân Thanh" : "Bắt phong trần phải phong trần; Cho thanh cao mới được phần thanh cao". Số mệnh của Thúy Kiều do "thiên định" là phải như vậy. Nhưng tại sao số mệnh của Thúy Kiều phải như thế? Ai tạo ra hay đặt để số mệnh cho Thuý Kiều? Do tiền thân nghiệp chướng? Hay chỉ do "tình cờ" và có thể xảy đến cho bất cứ cô gái nào khác? Câu trả lời nào có lẽ cũng ngoài tầm hiểu biết "chắc chắn" của đa số chúng ta. Trường hợp của Thúy Kiều có thể chỉ là một câu chuyện văn chương, một phương tiện để diễn tả, chuyên chở quan điểm riêng của Nguyễn Du. Nhưng trong đời sống thực tế thì cũng rất nhiều những trường hợp tương tự như của Thúy Kiều, hoặc thương tâm hơn nữa của những nàng Kiều ở mọi thời đại . Dĩ nhiên, làm thân con gái, chắc chắn là không có ai muốn lâm vào cái cảnh túng quẩn đến nổi phải "bán thân". Chắc chắn là chúng ta, ai cũng muốn thành công và có một cuộc sống sung túc. Nhưng có người thành công, đạt được mục đích mong muốn một cách rất thuận lợi và dễ dàng, có người "làm hết sức" vẫn không toại ý và luôn gặp những khó khăn trở ngại ngoài ý muốn. Dường như giàu, nghèo, sang, hèn cũng đều do số trời. Chẳng hạn như việc trúng số "độc đắc", rất khó tìm một lý do nào khác để giải thích cho hợp lý hơn là "vận may" của người trúng số. Người Á đông tin rằng : "đại phú do thiên, tiểu phú do cần". Chữ "may mắn" (luck) trong tự điển tiếng Anh được định nghĩa như: " may mắn là tin tưởng rằng bất cứ điều gì xảy ra, tốt hoặc xấu, đến với một người trong những diễn biến của các sự việc là do cơ hội, số mệnh hay vận may mà có" ( luck as believing that whatever happens, either good or bad, to a person in the course of events is due to chance, fate or fortune ).

                              Trong lãnh vực tình cảm , người Á đông tin tưởng có duyên nợ mới thành vợ chồng . Có duyên thì dù xa vạn dặm cũng có thể gặp gỡ, còn không duyên thì có ở gần cũng không gần gũi nhau về tình cảm, luyến ái . "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ; Vô duyên đối diện bất tương phùng". Hoặc như câu ca dao : " Phải duyên thì gắn như keo; Trái duyên đuểnh đoảng như kèo đục vênh ". Trong đời sống tình cảm, có thể nói chữ "duyên" có một vai trò quan trọng không những trong tình yêu mà còn trong nhiều quan hệ tình cảm khác nữa như tri kỹ, tri âm, bạn bè, quen biết ... Mặc dù duyên số là quan trọng, nhưng khi có tình cảm với ai đó, phải tận dụng cơ hội, phải tích cực bày tỏ và tranh thủ "chiếm" tình cảm của đối tượng chứ không nên phó mặc cho chữ duyên và thản nhiên ngồi đợi: "nếu có duyên thì sẽ tới". Vì duyên tới thì duyên cũng có thể đi. Đặc biệt, trong đời sống lứa đôi, cả hai phải nỗ lực để chứng tỏ, ngoài " ý trời" còn là "ý người" nữa. Nói cách khác, cả hai người phải làm cho nhau cảm thấy, đây là một sự lựa chọn nghiêm túc và đúng đắn chứ không phải chỉ do "ý trời" không thôi.

                              Xin gởi đến các bạn vài mẩu chuyện về "định mệnh" để chúng ta cùng xem và suy gẩm.

                              Có một nhà tu sĩ Ấn Độ tên là Narada trên một chuyến đi hành hương ở đền thần Vishnu. Trên đường đi hành hương, ông được đón tiếp và tạm trú qua đêm trong một chòi tranh của một cặp vợ chồng hiếm muộn. Trước khi ông tiếp tục lên đường, người chồng nói: "Nhân dịp Ngài đang đi thờ phượng thần Vishnu. Ngài hãy xin Thần cho tôi một đứa con." Narada đã cầu xin với Thần Vishnu như sau: " Xin Thần thương xót vợ chồng đó và ban cho họ một đứa con". Thần Vishnu trả lời, với một giọng chắc nịch: "Định mệnh đã an bài, đôi vợ chồng đó không có con được."
                              Năm năm sau, Narada đi hành hương nữa và cũng được đôi vợ chồng đó đón tiếp cho trú ngụ. Lần nầy, có hai đứa trẻ nhỏ đang chơi đùa ở trước chòi tranh. Narada hỏi: "Con ai vậy?" Người chồng trả lời: "Con tôi đấy." Narada rất ngạc nhiên vì trái ngược với lời Thần Vishnu nói với ông. Người chồng nói tiếp: "Cách đây năm năm, sau khi ngài rời khỏi chúng tôi, một người hành khất đã đến ngôi làng chúng tôi. Chúng tôi cũng đã cho trọ một đêm và ngày hôm sau, trước khi ra đi, ông đã chúc phúc cho chúng tôi. Đây là kết quả của sự chúc phúc của vị ấy."
                              Khi đến đền thờ thần Vishnu, Narada đã la lớn ngay từ ngoài cổng: "Phải chăng Ngài đã bảo tôi là định mệnh đã an bài cho vợ chồng đó không có con sao? Nay họ có hai mụn con!" Thần Vishnu nghe câu nói đó đã cười lớn tiếng và nói: "Điều đó chắc chắn phải là việc làm của một vị thánh. Các thánh có năng lực cải đổi số mệnh."

                              Trong một trận chiến, Nabunaga, một đại tướng Nhật Bản quyết định tấn công địch quân. Về quân số, ông chỉ có "một chọi mười" so với đối phương. Dù Nabunaga tin chắc sẽ thắng, nhưng binh sĩ của ông rất lo sợ. Trên đường đi đến chiến trường, họ đã dừng lại ở một đền thờ Thần Giáo. Sau khi đã cầu nguyện trong đền thờ, Nabunaga đi ra và nói: "Bây giờ, tôi tung một đồng tiền lên. Nếu mặt "ngửa" chúng ta sẽ thắng, nếu mặt "sấp", chúng ta sẽ thua". Ông tung đồng tiền lên và kết quả "ngửa". Các binh sĩ nức lòng chiến đấu nên họ đã thắng địch quân. Ngày hôm sau, một sĩ quan phụ tá nói với Nabunaga: "Không ai có thể cải đổi Số Mệnh được.” Nabunaga trả lời: "Đúng thế!” và đưa cho viên sĩ quan phụ tá xem đồng tiền mà cả hai mặt đều "ngửa".

                              Dựa vào hai câu chuyện trên thì Ai tạo ra định mệnh? Định mệnh có thể "sửa đổi" được không? Với kiến thức giới hạn của một người bình thường, như đa số chúng ta, cũng khó mà trả lời một cách xác quyết được. Nhưng chắc chắn một điều là "khát vọng có con" của cặp vợ chồng hiếm muộn và "niềm tin tất thắng" của quân Nhật đã đóng một vai trò rất lớn về "kết quả" như đã xảy ra ở hai câu chuyện kể trên.

                              Lẽ dĩ nhiên, trong cuộc sống chúng ta sẽ luôn có rất nhiều câu hỏi “tại sao” chưa trả lời được. Nhưng có lẽ cách đơn giản và hiệu quả nhất để đối diện với định mệnh là làm hết sức mình trước và chấp nhận định mệnh - "tận nhân lực mới tri thiên mênh"- Nói đến vận may và rủi thì trong cuộc sống hai điều họa phúc cứ xoay vần với nhau, khó mà biết được, nên khi được phước không nên quá vui mừng mà quên đề phòng cái họa sẽ đến, khi gặp điều họa cũng không nên quá buồn rầu đau khổ mà tổn hại tinh thần. Việc đời, hết may tới rủi, hết rủi tới may, chúng ta nên bắt chước Tái ông mà giữ sự thản nhiên trước những biến đổi thăng trầm trong cuộc sống như trong câu chuyện ngụ ngôn : "Tái ông thất mã, an tri họa phúc" (ông lão ở biên giới mất ngựa, biết đâu là họa hay là phúc.)

                              Chúc tất cả một cuối tuần vui vẻ và như ý .

                              Lý Lạc Long
                              (TTL/TCT/MAI/06)
                              #30
                                Thay đổi trang: < 123 > >> | Trang 2 của 5 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 70 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9