Tản Mạn Cuối Tuần
Thay đổi trang: << < 45 | Trang 5 của 5 trang, bài viết từ 61 đến 70 trên tổng số 70 bài trong đề mục
Lý Lạc Long 16.07.2006 01:43:05 (permalink)





Phụ Nữ Của Thế Kỷ 21 Và Chính Trị


Trên hành trình tranh đấu dành bình quyền, cho đến nay, về lãnh vực chính trị phụ nữ cũng đã đạt được nhiều thành công lớn . Chúng ta thử duyệt sơ lược các khuôn mặt nữ lãnh đạo, từ đầu thế kỷ 21 cho đến nay và tương lai, của các quốc gia trên thế giới và đặc biệt là nước Mỹ. Vì cuộc tranh cử Tổng Thống Mỹ năm 2008 sẽ hứa hẹn nhiều gay cấn và hấp dẫn nếu đảng Dân Chủ đề cử Thượng nghị sĩ Hillary Clinton và đảng Cộng Hòa đề cử Ngoại trưởng Condoleezza Rice để đại diện trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc. Theo các nhà phân tích chính trị thì viễn ảnh này có thể xảy ra và Hillary Clinton hay Condi Rice thắng thì chúng ta cũng có một phụ nữ quyền uy nhất thế giới (lãnh đạo của siêu cường Mỹ).

Ở châu Á, từ đầu thế kỷ 21 cho đến nay đã có 8 phụ nữ đắc cử vào vị trí lãnh đạo tối cao của một nước (Tổng thống hoặc Thủ tướng tùy theo thể chế của quốc gia họ ) như Thủ tướng New Zealand: Helen Clark, Thủ tướng Bangladesh : Khalida Zia, Tổng thống Philippines: Gloria Arroyo, Tổng thống Sri Lanka: Chandrika Kumaratunga, cựu Tổng thống Indonesia: Megawati Sukarnoputri, cựu Thủ tướng Pakistan: Benazir Bhutto, bà Sonia Gandhi (chủ tịch đảng Quốc Đại Ấn Độ, đã đắc cử Thủ tướng nhưng từ chức) . Mới gần đây nhất (19/4/06) là bà Han Myeong Sook đã được Quốc Hội Nam Hàn đã bỏ phiếu (182/77) vào chức vụ Thủ tướng, vị nữ thủ tướng đầu tiên của Nam Hàn .

Ở châu Âu, hiện đang tại chức là bà Angela Merkel ( nữ Thủ tướng đầu tiên của Đức) và ở Pháp thì bà Ségolène Royal rất có triển vọng trở thành nữ Tổng Thống đầu tiên của Pháp vào năm 2007 (vì theo thăm dò dư luận gần đây cho thấy có tới 94% số người Pháp được hỏi ủng hộ phụ nữ lên làm tổng thống, trong đó 59% tuyên bố sẽ bỏ phiếu ủng hộ bà Ségolène Royal) .

Ở châu Mỹ La-tin, bà Tiến sĩ Michelle Bachelet vừa tuyên thệ nhậm chức (11/3/06) trở thành vị nữ Tổng Thống đầu tiên của Chili, và bà còn là người phụ nữ đầu tiên chỉ huy hệ thống quân đội của một nước của châu Mỹ La- tin (bộ trưởng quốc phòng).

Ở Mỹ, bà Thượng nghị sĩ Hillary Clinton (tiểu bang New York), thuộc đảng Dân chủ, phu nhân của cựu Tổng thống Bill Clinton, có triển vọng trở thành vị nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ sắp tới vào năm 2008. Một khuôn mặt nữ rất sáng giá khác là Ngoại trưởng Condoleezza Rice, thuộc đảng Cộng Hòa . Mặc dù hiện nay còn rất sớm để bàn về cuộc bầu cử năm 2008 của Mỹ . Tạm thời chúng ta bỏ qua một bên các yếu tố khác và giả sử tiên đoán của ông Dick Morris, một cố vấn của cựu Tổng thống Clinton, trong cuốn "Condi đối đầu Hillary: Cuộc chạy đua tranh ghế Tổng thống" ( Condi vs. Hillary: The Next Great Presidential Race, Morris and McGann) là đúng. Theo phân tích của Morris và McGann, bà Hillary Clinton chắc chắn sẽ được đảng Dân Chủ chọn làm ứng cử viên tranh cử Tổng thống và xác suất rất cao là bà Hillary Clinton sẽ đắc cử và trở thành vị nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. Chỉ có một người có khả năng "cản trở" được Hillary Clinton trong cuộc chạy đua này là bà Ngoại trưởng Condi Rice . Vì căn cứ theo xu hướng và bối cảnh chính trị của Mỹ ở vào giai đoạn này, một số nhà phân tích tin rằng bất cứ nam ứng cử viên tổng thống nào cũng sẽ "thua" bà Hillary Clinton trong cuộc tranh cử Tổng Thống Mỹ năm 2008 .

Căn cứ theo kết quả của các cuộc thăm dò dư luận gần đây của báo chí Mỹ (New York Daily New http://www.nydailynews.com/front/breaking_news/story/283364p-242829c.html ) thì 81% cử tri sẽ bỏ cho ứng cử viên nữ, 62% nói là nước Mỹ đã sẵn sàng chấp nhận một nữ Tổng thống, 53% nói sẽ bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton, 67% cho rằng nữ Tổng Thống sẽ đối phó tốt hơn là nam Tổng Thống trong những vấn đề đối nội. Về phía đảng Cộng Hòa, thì 42% nghĩ rằng bà Condi Rice nên ra tranh cử TT (bỏ phiếu cho bà Rice) và 41% không đồng ý.

Nhìn và so sánh một cách tổng quát giữa bà Hillary Clinton và bà Condi Rice, có lẽ chúng ta chỉ nhận ra một điểm giống nhau duy nhất là cả hai đều là phái nữ. Phần còn lại thì đối chọi như nước và lửa : H. Clinton da trắng, C.Rice da đen; H.Clinton gốc gác miền Bắc, C. Rice từ miền Nam ; H. Clinton thuộc đảng Dân Chủ, C.Rice theo đảng Cộng Hòa; H. Clinton chú trọng đối nội, C. Rice thiên về đối ngoại; H. Clinton có gia đình, C. Rice thì độc thân . Về con đường sự nghiệp và thành công của họ cũng khác nhau. Thành công của bà Hillary Clinton ít hay nhiều cũng gắn liền với sự thành công của chồng bà, cựu Tổng thống Bill Clinton , thành công của bà C.Rice thì do chính bản thân và theo các nhà phân tích thì đây có thể là một yếu điểm của bà Hillary Clinton (chưa gặp thử thách đúng mức ) . Còn cho bà C. Rice thì yếu tố sắc tộc có lẽ là một nhược điểm. Nước Mỹ có thể đã sẵn sàng cho một nữ Tổng Thống nhưng nước Mỹ có sẵn sàng cho một nữ Tổng Thống da màu chưa? Và trước hết, đảng Cộng Hòa có vượt qua được cái yếu tố này để đề cử bà Condi Rice làm ứng cử viên tranh cử Tổng Thống không?

Theo một số các nhà phân tích, nếu đảng Dân Chủ nghĩ vì lý do sắc tộc mà Condi Rice sẽ không được đảng Cộng Hòa đề cử ra thì coi chừng có thể "sụp hố". Hiện giờ, bà Condy Rice đang nắm giữ chức vụ Ngoại trưởng, một vị trí rất được sự chú ý của mọi người . Và gần đây, tình trạng sức khỏe yếu và "rắc rối" (scandal) về việc tiết lộ bí mật của một nhân viên CIA của Phó TT Cheney, có những nguồn tin dự đoán ông Cheney sẽ từ chức. Nếu việc này xảy ra, bà Condi Rice sẽ trở thành Phó TT đương nhiệm, nhân vật số 2 của chính phủ Mỹ hiện hành . Ngôi sao chính trị Condi Rice đang sáng sẽ rực sáng thêm nữa và con đường vào Tòa Bạch Ốc cho bà Condi Rice chắc chắn sẽ thuận lợi hơn nhiều.

Vào thời điểm này thì chưa có Ai tiên đoán chắc chắn là cuộc "chạy đua" vào Tòa Bạch Ốc giữa Thương nghị sĩ Hillary Clinton và "Phó TT" Condi Rice sẽ xảy ra. Nhưng nếu viễn ảnh này xảy ra (trong bối cảnh chính trị như đã nói ở trên) thành sự thật thì các nhà phân tích chánh trị "tin" bà Condi Rice sẽ thắng cuộc chạy đua. "Bức tường" Condi Rice sẽ chắn con đường vào Tòa Bạch Ốc của Bà Hillary Clinton . Tuy nhiên, ai cũng biết, chiếc ghế Tổng thống Mỹ là tham vọng và mục tiêu cuối cùng của bà Hillary Clinton trên con đường chính trị và nếu đối thủ tranh cử là bà Condi Rice thì cuộc tranh cử Tổng Thống Mỹ năm 2008 sẽ rất ngoạn mục và hấp dẫn .

Nếu năm 2007, bà Ségolène Royal trở thành nữ Tổng thống Pháp đầu tiên và năm 2008 bà Hillary Clinton hoặc bà Condoleezza Rice trở thành nữ Tổng Thống Mỹ đầu tiên thì chắc chắn thế kỷ 21 là thế kỷ của các Bà. Và dưới sự lãnh đạo của các Bà thế giới và nhân loại sẽ sống "tốt" hơn? Chờ xem và hy vọng là như vậy !

Lý Lạc Long (TTL/TCT/MAI/July 12, 2006)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 16.07.2006 03:19:45 bởi Lý Lạc Long >
#61
    Lý Lạc Long 25.07.2006 11:37:36 (permalink)


    Chân Dung Người Phụ Nữ Việt Nam Qua
    Tà Áo Dài Và Chiếc Nón Lá


    Hình ảnh người con gái Việt Nam dịu dàng tha thướt trong chiếc áo dài, với chiếc nón bài thơ e ấp trong tay, nghiêng nghiêng vành nón lá như cố giấu nụ cười ánh mắt là một hình ảnh duyên dáng, dễ thương và gợi cảm nhất của người con gái Việt Nam .

    "Tà áo dài trong trắng nhẹ nhàng bay
    Nón bài thơ e lệ nép trong tay" ( Bích Lan )


    Chiếc áo dài và chiếc nón là trang phục làm nổi bật và tăng thêm nét duyên dáng, e ấp, dịu dàng, trang nhã, đài các, kiêu sa ... của người phụ nữ Việt . Áo dài như dòng nước uốn lượn theo từng đường nét cơ thể mềm mại thướt tha của người phụ nữ . Hai vạt áo dài như đôi cánh và những bước chân chim của nàng làm dao động cả cảnh vật và không khí chung quanh. Thân hình thấp thoáng sau tà áo, khuôn mặt mờ tỏ sau vành nón, ẩn hiện như hư như thực . Và không gian như bao phủ mùi hương con gái ...

    "Tháng giêng em áo dài trang nhã
    Tỉnh lỵ còn nguyên nét Việt Nam
    Đài các chân ngà ai bước khẽ
    Quyện theo tà lụa cả phương đông" (Nguyễn Tất Nhiên)

    "Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón "
    Chiều mùa thu mây che có nắng đâu " (Trần Quang Long)

    "Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,
    Hôm xưa em đến, mắt như lòng
    Nở bừng ánh sáng, Em đi đến,
    Gót ngọc dồn hương, bước toả hồng.
    ......
    Nắng thơ dệt sáng trên tà áo,
    Lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài.
    ......
    Dịu dàng áo trắng trong như suối
    Toả phất đôi hồn cánh mộng bay." (Huy Cận)



    Cho đến nay thì vẫn chưa có ai biết chính xác nguồn gốc của chiếc áo dài và chiếc nón lá đã gắn bó với người phụ nữ VN từ lúc nào. Theo các nhà khảo cổ, hình ảnh chiếc áo dài với hai tà phất phơ trong gió cũng như hình ảnh của chiếc nón đã được tìm thấy trong các hình ảnh khắc trên các cổ vật như mặt trống đồng Ngọc Lũ, Hòa Bình, Hoàng Hạ , trên thạp đồng Đào Thịnh vào khoảng ba ngàn năm về trước. Theo truyền thuyết, Hai Bà Trưng đã mặc áo dài hai tà giáp vàng, che lọng vàng khi cưỡi voi ra trận . Sau này, vì tôn kính Hai Bà nên phụ nữ Việt đã tránh mặc áo hai tà và thay vào đó áo tứ thân . Theo các nhà nghiên cứu, chiếc áo dài xưa nhất là áo giao lãnh, tương tự như áo tứ thân nhưng khi mặc thì hai thân trước để giao nhau mà không buộc lại. Áo mặc phủ ngoài yếm lót, váy tơ đen, thắt lưng mầu buông thả . Nhưng chiếc áo giao lãnh không tiện cho công việc đồng áng hoặc buôn bán nên được thu gọn lại thành kiểu áo tứ thân với váy xắn quai cồng để tiện việc gồng gánh, nhưng vẫn không làm giảm nét đẹp của người phụ nữ. Với thời gian, từ bộ áo tứ thân, áo ngũ thân ra đời . Cách may cắt cũng tương tự như áo tứ thân nhưng vạt trước là một vạt lớn như vạt sau, còn vạt nửa trước bên phải của áo tứ thân nay trở thành vạt con. Áo ngũ thân che kín thân hình không để hở áo lót. Mỗi vạt có hai thân nối sống tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu (cha mẹ ruột và cha mẹ chồng), và vạt con nằm dưới vạt trước là thân thứ năm tượng trưng cho người mặc áo. Năm chiếc khuy gài áo tượng trưng cho đạo làm người theo quan niệm Nho giáo: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Áo ngũ thân đi đôi với quần hai ống và khăn đội đầu cũng là quốc phục của phái nam. Người ta còn nói áo ngũ thân là biểu hiện sự kết hợp của ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ)

    Trong thời gian Pháp đô hộ, vận mệnh chiếc áo dài cũng thăng trầm với vận mệnh của đất nước. Vào năm 1930, kiểu áo dài Lemur xuất hiện , áo dài Lemur do họa sĩ Cát Tường vẽ kiểu và cắt may hoàn toàn theo lối Tây phương, nối vai ráp tay phồng, cổ bồng hoặc hở cổ, ảnh hưởng của văn hóa Pháp. Áo dài Lemur xuất hiện trong lúc Tự Lực Văn Đoàn đang cổ súy và hô hào phong trào đổi mới, nhưng áo dài Lemur chỉ tồn tại được vài năm . Vào năm 1934 họa sĩ Lê Phổ đã cải tiến chiếc áo dài Lemur, loại bỏ những đường nét Tây phương táo bạo để dung hòa với kiểu áo ngũ thân cũ tạo ra kiểu áo cổ kín vạt dài ôm sát thân người để hai tà áo tự do bay lượn. Kiểu áo dài này dung hòa được cái mới với cái cũ để tôn vinh những nét đẹp của người phụ nữ và được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt và đứng vững từ đó đến nay với những biến đổi nhỏ về hình thức theo thị hiếu và thời trang nhưng hình dạng cơ bản của chiếc áo dài vẫn giữ nguyên

    Sau biến cố 30 tháng Tư năm 1975, chiếc áo dài cũng theo những bước chân người Việt di tản lưu vong nơi xứ người. Trên bước đường lưu vong, chiếc áo dài càng được nâng niu bảo trọng như một biểu tượng trân quý của phụ nữ Việt nam. Ở đâu có người Việt là ở đó có áo dài. Mỗi dịp lễ lạc nơi xứ người nhìn các cô gái Việt dịu dàng, duyên dáng, thướt tha uyển chuyển trong những chiếc áo dài, lòng người viễn xứ khó tránh dâng trào lên những cảm xúc mãnh liệt. Chiếc áo dài không chỉ là một trang phục, mà còn là một nét son trong văn hóa Việt, chuyên chở nhân sinh quan VN, một biểu hiện của bản sắc và tinh thần Việt Nam : " Dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng chỉ tiếp nhận tinh hoa, gạn lọc cặn bã, vun đắp thêm cái đẹp mà vẫn giữ cá tính độc lập". Chiếc áo dài đã trở thành một niềm kiêu hãnh của người Việt Nam.

    Nhiều quốc gia khác cũng có những trang phục truyền thống như kimono của Nhật, hanbok của Đại hàn, sari của Ấn độ, xường-xám của Trung Hoa. Mỗi trang phục đều có một vẻ đẹp riêng. Tuy nhiên, về mặt tiện lợi thì chiếc áo dài Việt Nam tiện lợi cho người mặc nhất vì nó đơn giản, gọn gàng nên không cần nhiều thời gian để sửa soạn nhưng không kém phần duyên dáng và thanh lịch. Chính vì vậy, mà áo dài đã đi vào đời sống hàng ngày của phụ nữ Việt Nam một cách tự nhiên và dễ dàng. Ở nhà, khách khứa đến thăm, chủ nhà khoác chiếc áo dài lên như chiếc áo lễ để tiếp khách. Ở trường, là chiếc áo học trò thơ ngây, tựa những cánh bướm trắng hồn nhiên tung tăng trong vườn địa đàng. Ở công sở, nhìn các cô dịu dàng duyên dáng trong chiếc áo dài , những tà áo dài chở gió, sẽ làm không khí làm việc tươi mát hơn. Trong các buổi dạ tiệc, chiếc áo dài Việt-nam cũng sẽ lộng-lẫy, độc đáo, không thua bất kỳ bộ trang phục của các quốc gia nào khác trên thế giới. Và cuối cùng, thêm chiếc khăn vành trên đầu như "vương miện" với chiếc áo choàng khoác bên ngoài sẽ kết hợp lại thành bộ lễ phục "hoàng hậu" cho cô dâu ngày bước lên xe hoa.

    Chiếc nón lá cũng là một phần cuộc sống của người Việt Nam, có thể nói chiếc nón lá cũng là một biểu tượng của Việt Nam, Từ xưa, chiếc nón lá đã là người bạn thuỷ chung với những người dân lao động một nắng hai sương. Ở Việt Nam, người ta có thể thấy chiếc nón lá trên mọi nẻo đường. Ngày nay đời sống có văn minh hơn, nhiều việc đổi thay, nón lá đôi khi đã trở thành một sự bất tiện của đời sống thành phố. Ở hải ngoại, chiếc nón lá không có chỗ đứng trong đời sống thường nhật mà chỉ còn xuất hiện trên sân khấu trong những buổi trình diện nghệ thuật. Người bạn nghệ thuật cần thiết cho chiếc nón lá là áo dài vì chỉ có đi chung với áo dài, chiếc nón lá mới phô bài được hết nét đẹp nghệ thuật ẩn tàng trong nó . Đi với những trang phục khác, chiếc nón lá dường như không phát huy hết được những nét đẹp nghệ thuật tiềm ẩn. Từ ngày những chiếc mũ xuất hiện, đàn ông thích mũ hơn và chiếc nón lá trở thành vật sở hữu của người phụ nữ. Phụ nữ đội nón nhìn có vẻ duyên dáng, dịu dàng hơn. Vì thế chiếc nón lá ngày càng được cải tiến nhằm làm tăng thêm vẻ kiều diễm của phái nữ. Vành nón được chuốt nhỏ hơn. Lá nón được sấy trắng hơn. Chỉ khâu bằng sợi móc đen được thay bằng sợi cước trắng mảnh mai. Và ở Huế, người ta còn ghép cả những câu thơ và hoa, bướm vào giữa hai lớp lá nón, và quai nón được làm bằng vải lụa màu mềm mại. Chiếc nón bài thơ cùng với tà áo dài của thiếu nữ Huế trở thành một vẻ đẹp đặc trưng làm say lòng du khách, đã làm bao chàng trai xứ Quảng vượt đèo Hải Vân lai kinh ứng thí ngẩn ngơ bước đi không đành. "Ai ra xứ Huế mộng mơ; Mua về chiếc nón bài thơ làm quà"... Một lời mời mọc đầy thi vị của đất kinh kỳ?

    Trong suốt hơn 4000 lịch sử, dân tộc Việt Nam gần như phải luôn chống nạn ngoại xâm để trường tồn và bảo vệ những giá trị truyền thống về văn hóa, kỷ cương gia đình. Chiếc áo dài là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời của dân tộc. Ngoài vẻ đẹp trang nhã, thanh lịch, cách cấu trúc còn ẩn tàng ý nghĩa dạy dỗ về "đạo làm người" của tiền nhân . Chiếc áo dài còn là thành quả biểu hiện của bản sắc và tinh thần VN :" tiếp thu tinh hoa, gạn lọc cặn bã, bồi dưỡng cái đẹp mà vẫn giữ cá tính độc lập". Hơn một ngàn năm Bắc thuộc, gần trăm năm bị Pháp đô hộ, chiếc áo dài và chiếc nón lá đã tiếp xúc cả hai luồng văn hóa mạnh mẽ của nhân loại, Đông phương (Tàu) và Tây phương (Pháp). Chiếc áo dài đã vượt qua mọi thử thách để trở thành một thứ "quốc phục", một biểu tượng của phụ nữ Việt Nam, niềm kiêu hãnh của dân tộc VN. Chúng ta phải trân trọng nâng niu và bảo vệ những di sản quý giá của tổ tiên để lại và tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp của tiền nhân.

    Quê hương là chiếc áo dài tha thướt
    Vẩn vơ bay theo mỗi bước con về
    Là chiếc nón bài thơ che nghiêng mái tóc
    Đôi guốc học trò rộn rã đường quê

    Quê hương là những ngày nắng ấm
    Trải lụa vàng trên đồng lúa xôn xao
    Là những đêm trăng giòng sông lấp lánh
    Vẳng vọng ai hò tiếng hát bay cao…
    (Nói với con đôi điều về quê hương- Quang Huỳnh)


    Lý Lạc Long (TTL/TCT/MAI/07/19/2006)
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.07.2006 00:50:35 bởi Lý Lạc Long >
    #62
      Lý Lạc Long 04.08.2006 10:47:38 (permalink)

      Những Đoản Khúc Cho Mùa Hạ
      http://www.viet.no/content/view/441/67/






      Đoản Khúc Cho Mẹ và Quê Hương

      Dù thời tiết chỉ hai mùa mưa nắng đổi thay như nơi chôn nhau cắt rún hay có đủ bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông như nơi chốn tạm dung. Ngắm nhìn sự việc biến đổi theo thời tiết để nuôi giữ cho mình niềm hy vọng . Dù mùa đông có đến với tuyết rơi bão rớt . Ẩn dưới những cánh rừng bạt ngàn cây khô trụi lá, tuyết phủ thì đâu đó sức sống của mùa xuân vẫn tiềm ẩn mãnh liệt, âm ỉ ngay chính trong những đổ vỡ, điêu tàn, hoang mang và cõi chết đó. Chỉ cần tia nắng ấm của mùa xuân trở về là chồi xanh sẽ nhú mầm sống và tiếng chim sẽ hót vang. Ở cuối mỗi đường hầm là ánh sáng mong đợi. Ở cuối mỗi nỗi tuyệt vọng, mầm hy vọng sẽ nẩy chồi vươn tới. Ở mỗi thất bại là những kinh nghiệm và khôn ngoan cho những thành công sắp tới. Ở mỗi đổ vỡ là nền tảng cho sự xây dựng mới. Ở cuối mỗi con đường là khởi đầu cho một ngã rẽ cơ hội. Ở mỗi mục nát chết chóc là mầm sống mới hình thành ... Phải nuôi giữ hy vọng ngay lúc đang thất vọng ê chề, phải nuôi hy vọng dù đang oằn oại trong tận cùng đau khổ... Mưa sẽ tạnh , tuyết sẽ tan, giông gió bão tố cũng sẽ ngưng. Đêm sẽ qua và bình minh sẽ tới. Dưới đáy vực tuyệt vọng sẽ thấy mầm hy vọng ... Phải chấp nhận hiện thực, phải làm tận sức và nuôi giữ niềm hy vọng .

      Lúc nhỏ mẹ tôi thường xoa đầu hỏi: "Lớn lên con sẽ làm gì để "nuôi" ba má ?" Cậu bé trong tôi đã trả lời chắc nịch : "Con sẽ làm kỹ sư !". Mặc dù trong cái trí óc non nớt của tôi lúc đó chỉ hiểu mang máng là bác sĩ , kỹ sư ... là những nghề giúp ích được xã hội và làm có tiền, nhưng chắc vì bản tính sợ thuốc và sợ máu me nên tôi đã chọn kỹ sư. Tôi vẫn còn nghe văng vẳng bên tai lời mẹ nói : "Làm nghề chi cũng tốt hết nhưng phải biết giữ đạo làm người !". Lúc đó thì tôi cũng chẳng hiểu sâu xa "lời mẹ dạy " lắm chỉ mường tượng "đạo làm người" là không được làm việc "xấu" và phải nghe lời cha mẹ dạy bảo... Sau tháng tư đen 75, theo vận nước thăng trầm, gia đình và tôi cũng cùng chung số phận lận đận lao đao như của hầu hết dân chúng miền Nam . Lưu đày ngay giữa chính quê hương mình, rồi đến lưu vong nơi xứ người. Những đoạn đường gian khổ, gập ghềnh ... xây dựng một đời sống mới nơi xứ người đã vượt qua. Lời hứa hẹn "tuổi thơ" với mẹ cũng đã được thực hiện dù mẹ đã không còn đó để xoa đầu khen và cho con cái cơ hội đền đáp lại chút công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn như trời biển. Và thưa mẹ, con đã hiểu được rõ ràng lời khuyên răn giữ "đạo làm người" của mẹ. Dù khó khăn đến đâu con cũng sẽ làm hết sức của mình như một người Việt Nam chân chính với dân tộc và quê hương. Sống cho xứng đáng và sẽ luôn giữ "đạo làm người" mẹ dạy . Dòng sữa mẹ đã đưa con vào đời, những tấm lòng VN, những hạt ngọc quê hương đã nuôi con khôn lớn và trở thành một "con người". Và con sẽ làm bổn phận một người dân Việt Nam, bằng tất cả khả năng, góp sức kề vai với mọi người đồng tâm vì tương lai, tiền đồ của dân tộc và đất nước. Ít nhất thì cũng không bẻ cong ngòi bút, dùng máu tim làm mực, để chống lại những áp bức, bất công, vạch trần và phê phán những kế sách âm mưu gian trá "hại dân hại nước" như có thể. Tiếp tay ươm rải hạt giống dân chủ, tự do để giải trừ cái chế độ phi nhân, dùng bạo lực đè đầu cưỡi cổ dân chúng cho đặc quyền, đặc lợi của phe phái, bất chấp quyền lợi, tự do, hạnh phúc và no ấm của dân chúng , hủy hoại, cản trở và kềm hãm tiềm năng phát triển của đất nước.

      "Yêu ai cứ bảo là yêu
      Ghét ai cứ bảo là ghét
      Dù ai ngon ngọt nuông chiều
      Cũng không nói yêu thành ghét
      Dù ai cầm dao dọa giết
      Cũng không nói ghét thành yêu
      Tôi muốn làm nhà văn chân thật
      chân thật trọn đời
      Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
      Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
      Bút giấy tôi ai cướp giật đi
      Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá" ( Lời Mẹ Dặn, Phùng Quán)


      Đất nước Việt Nam đang cần có thêm nhiều những nhà thơ, nhà văn, nhà trí thức bất khuất như Phùng Quán thì dân tộc và đất nước VN mới có cơ hội thăng hoa và hóa Rồng. Hơn nửa thế kỷ đảng cộng sản VN đem cả dân tộc thí nghiệm với một chủ nghĩa ngoại lai, phi nhân bản, thờ phụng "Mác giáo", tôn vinh mấy ông thần mũi lõ mắt xanh Mác- Lê, đi ngược lại với bản sắc và tinh thần Việt Nam mà các bậc tiền nhân đã tốn bao xương máu, un đúc và gầy dựng để lại cho nòi giống Việt từ hơn 4000 năm lịch sử. Các vị lãnh đạo CS, nếu có chút lương tâm, hãy vứt cái chủ nghĩa Mác vào sọt rác như hầu hết các quốc gia trên giới đã làm, trở về với dân tộc, chặt bỏ cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa vì nó đang trì níu cả dân tộc trên con đường tiến tới ấm no và hạnh phúc thật sự. Xin các nhà trí thức đang "che mắt bịt tai" im lặng trước bất công, sai trái hoặc đang viết bằng bốn chân tiếp tay với bạo quyền vì bỗng lộc hãy nghĩ đến bổn phận và nhiệm vụ của mình với thế hệ tương lai. Nếu không thì sẽ "tội lỗi" với con cháu và tổ tiên của các vị lắm. Hãy nghe theo tiếng nói của lương tâm và lý lẻ, cùng tiếp tay tạo dựng cơ hội, để nòi giống Việt có thể chung sống trong yêu thương, hòa bình, công bằng, bác ái và tự do cho mọi người dân Việt.

      Về đường dài, dân chủ Việt Nam sẽ thắng là một điều tất yếu. Nhưng từng người một, hãy góp một viên gạch cho bức tường dân chủ, và hãy ý thức rằng, không AI trên thế giới chịu bỏ công xây ngôi nhà dân chủ cho dân Việt mình đâu, và dân chủ càng sớm sẽ càng tốt cho dân tộc và đất nước. Thêm 20 năm với định hướng xã hội chủ nghĩa đất nước VN có lẽ sẽ tụt hậu so với các quốc gia láng giềng thêm 40 năm . Xin gởi một lời chúc lành từ tim đến các cuộc tranh đấu cho dân chủ nơi quê nhà và tất cả mọi nơi trên thế giới.


      *******


      Đoản Khúc Cho Em

      Cũng như nhiều người thương mến nhau, anh vẫn thường đến chữ hạnh phúc trong bối cảnh có anh và em. Có người nói: "Hạnh phúc là yêu mến cuộc sống mà ta đang sống. Người ta có thể sống trên thiên đàng mà vẫn không có hạnh phúc, bởi vì con người cứ bám lấy mọi sự việc trong cuộc sống của mình". Và có lẽ đúng như Nathaniel Hawthorne đã nói:"Hạnh phúc như một chú bướm, càng cố chộp lấy, càng tuột khỏi tay nhưng nếu bình tâm ngồi lại, nó sẽ đậu lại trên bạn." Dường như rất khó khăn nhưng cũng rất dễ dàng . Tương lai, quá khứ và hiện tại. Anh thì nghĩ đơn giản, hạnh phúc là "hiểu" nhau và cố gắng cho hiện tại.

      Hiện giờ, hai người đang ở hai nơi xa lạ, trong hai khoảng không gian khác nhau. Nói về cuộc sống hiện tại của anh là sự nối tiếp một chuỗi buồn nản như bất tận, sống với hy vọng kéo dài bằng mỗi ngày. Tâm hồn anh nhiều lúc trống rỗng giống như những lúc xem đoạn kết bi thảm của một truyện tình lãng mạn. Một hình dáng thân quen và dẫu anh có nhìn rõ sự tha thiết yêu thương, nhớ nhung, mong đợi da diếc ... đang chầm chậm lạc vào đám đông và khuất dần. Dĩ nhiên, đám đông sẽ nuốt chửng cái hình bóng đã từng làm lòng anh ray rức xuyến xao. Nhưng anh có muốn giữ hay níu kéo lại cũng bất lực. Bây giờ, dường như mình đã khác xưa ... Nhưng đời sống theo luật vô thường thì vạn vật biến đổi trong từng sát na. Khi anh nhận thức được sự thật thì dường như đã quá trễ, và sự thật đã là quá khứ. Có lẽ anh đang đuổi theo những chiếc bóng của ảo ảnh, chứ không phải là cái bóng của sự thật nữa.

      Những đêm thanh vắng, lặng im lắng nghe những bản tình ca em hát, tưởng như đó là những lời ru mơ hồ từ em cho riêng anh và dường như nó tạm thời lấp đi những khoảng trống của những cơn bão rớt. Ừ, có lẽ từ vùng trời xa, em cũng đang khe khẽ hát và có thể cũng đang hướng về nơi anh. Tiếng hát dịu dàng, ngọt ngào cũng như chính em đã xoa dịu những vết xước trầy rát bỏng của cuộc sống. Những sắc màu cuộc sống, những bài ca xưa cũ, những câu tình thơ nồng nàn, những lời thủ thỉ thì thầm yêu thương thăm hỏi , và những hình ảnh thân ái đã vượt không gian và thời gian tìm đến bên nhau.

      "À ơi... Em đem ca dao cũ, mới
      Trộn vào nhau cho đời chút bình yên
      Tóc hát ru anh nhé, giấc mộng hiền
      Dù cuộc sống dở dang từng trang viết

      À ơi...Đây một khúc tình tha thiết
      Anh ngủ đi ! Suối tóc hát ru anh !" (HĐHP)


      Vâng, có lẽ anh sẽ ngủ một giấc bình yên, hạnh phúc với lời ru của em, trong bóng đêm cô đơn ở một nơi không có em. Gác lại những bận rộn, bộn bề của cuộc sống thực tế, quên đi những khó khăn cách trở ưu phiền của cuộc tình mình, để trọn một giấc chiêm bao và tỉnh dậy vẫn trong quạnh hiu và lạnh vắng, tiếp nối một ngày của cuộc sống tẻ nhạt. Cho đến một ngày nào đó anh phải nhắm mắt buông tay ... ngủ một giấc thiên thu. Có lẽ anh cũng chẳng làm chi hơn được nữa, phải chấp nhận hiện thực và hạnh phúc là những gì đang có, dù mong manh như khói sương.

      "Trăm năm góp lại bụi hồng
      Trần gian cõi tạm có không đi về
      Ngược xuôi những nẻo đường mê
      Ngắn dài cũng kiếp bên lề chờ trông.

      Chờ trông chỉ một chuyến đò
      Hoàng hôn sắp đến, bóng đo nắng chiều
      Bờ xưa, bến cũ tịch liêu
      Bàn tay năm ngón, trăm điều thệ xưa" (TTL)


      Dù biết trần gian là cõi tạm. Chúng ta cũng phải giữ lấy niềm tin và hy vọng để mà sống, làm hết sức mình, cho đến ngày phải rời khỏi cái trại tạm trú trần gian này trở về cùng cát bụi. Chúc em, người tôi yêu mến với cả tấm lòng và trái tim, những ngày tháng yên bình và mọi việc như ý nguyện ở một nơi không có anh .

      Lý Lạc Long (TTL/TCT/MAI/ August 1, 2006)


      <bài viết được chỉnh sửa lúc 08.08.2006 10:50:32 bởi Lý Lạc Long >
      #63
        Lý Lạc Long 11.08.2006 08:20:43 (permalink)


        Quê Hương Có Phải Là Chùm Khế Ngọt?


        Cuối hạ chớm thu, những cơn gió hè nóng nực cũng đã bắt đầu dịu lại, gió thu heo may và những cơn mưa sụt sùi của mùa Ngâu đã về . Tháng Bảy âm lịch là tháng của mưa, những giọt mưa có thể là những giọt lệ tình ái của Ngưu Lang Chức Nữ, là những giọt lệ hiếu tử nhớ cha thương mẹ đã khuất núi, là những giọt lệ khóc than của các oan hồn vất vưởng phiêu diêu không nơi nương tựa. Chắc chưa có ai thấy được "quạ ô bắt cầu" cũng như hình dáng của chàng Ngưu nàng Chức ra sao, nhưng mối tình "ngăn sông cách núi" và chung thuỷ thiên thu của họ đã đi vào lòng người với sự cảm thông và mến mộ. Tấm gương hiếu thảo và tấm lòng bồ tát của ngài Mục Kiền Liên đã xuống tận địa ngục A Tỳ để cứu mẹ và các oan hồn uổng tử đã trở thành một gương sáng cho hậu thế noi theo. Hiện nay, lễ Vu Lan đã trở thành một tập tục và "nghi thức tưởng niệm" được hầu hết các Phật tử của các nước vùng Đông nam Á tổ chức một cách trọng thể tại các chùa chiền hoặc tại gia. Tương truyền ngày rằm tháng bảy còn là ngày "xá tội vong nhân", ngày cúng kiến (bố thí ) cho các oan hồn uổng tử, không có người thừa tự chăm sóc hương khói, vất vưởng không có nơi nương tựa ... Gọi nôm na là lễ "cúng cô hồn".

        Ở Việt Nam, ngoài các kinh điển lưu truyền của Phật giáo liên quan đến ý nghĩa, nghi thức ... của lễ "Vu Lan Bồn", văn hào Nguyễn Du có để lại cho hậu thế bài "Chiêu Hồn Thập Loại Chúng Sinh" liên quan đến vấn đề này. Tác phẩm này gồm 184 câu thơ song thất lục bát, và được chia ra làm 3 phần chính. Trong phần 1 tác giả diễn tả cảnh sắc thê lương của tháng bảy trên dương gian: " Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt / Toát hơi may lạnh buốt xương khô / Não người thay bấy chiều thu /Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng ... " để ta có thể tưởng tượng một cõi âm u tối mịt mù, thế giới của hồn ma bóng quế: "Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.". Trong phần 2, tác giả cung chiêu tất cả các loại cô hồn từ hàng vương đế, quan quyền, văn nhân tài tử cho đến thứ dân, từ già cho đến bé. Trong phần 3, tác giả gởi những lời nhắn nhủ với các "cô hồn" hướng về nẻo thiện, nương nhờ Phật lực để siêu thoát. Có người nói rằng Nguyễn Du mượn chuyện cõi âm để nói chuyện cõi dương. Và có người còn đi xa hơn nữa là cụ Tố Như dùng bài "Chiêu Hồn" để phác họa cái xã hội hiện tại lúc đó, để gởi gắm tâm sự, để chống đối, tố cáo, phê phán ... giai cấp "cường hào ác bá" theo kiểu gán ép của nền văn học "xã hội chủ nghĩa" như trong một số bài nghiên cứu tôi có dịp đọc qua thì thiệt là không có sức thuyết phục chút nào cả. Có lẽ đây là hệ quả của căn bịnh trầm kha "uốn nắn và bóp méo sự thật" mà chúng ta thường thấy ở các nhà nghiên cứu (tư tuởng, văn học...) trong các nước cộng sản, điển hình là VN với mục đích duy nhất là tuyên truyền để phục vụ cho chế độ. Nói khác, sử dụng kỹ thuật tuyên truyền kiểu "Tăng Sâm giết người" là chuyện bình thường. Tóm lại, "sự thật" là những gì cấp "lãnh đạo" muốn thấy và nghe. Nếu không đủ "chỉ tiêu" địa chủ và phú hào thì cứ việc nâng cấp trung nông lên cho đủ là xong. Cái mạng sinh mệnh con người đúng là không bằng con ong cái kiến trong tâm trí của những kẻ phi nhân bản. Nhân dịp lễ Vu Lan, bên cạnh việc tưởng niệm công ơn sinh thành, cầu nguyện cho thân bằng quyến thuộc, tôi xin chân thành thắp một nén tâm hương cầu nguyện cho những người đã chết oan ức, các oan hồn uổng tử trong cuộc "cải cách ruộng đất" ở miền Bắc trong thập niên 1950, những người đã hy sinh trong cuộc chiến tranh phi lý, những người đã chết oan ức trong chốn lao tù, những người đã bỏ mạng trên đường tìm tự do nơi rừng thiêng nước độc, ngoài biển khơi ... mà hồn ma bóng quế vẫn còn vất vưởng, uất ức nên vẫn quẩn quanh và lạc loài không nơi nương tựa được siêu sinh tịnh độ.

        Theo Phật giáo mùa Vu Lan là mùa báo hiếu của người con đất Việt và hiếu từ không phải chỉ riêng đối với cha mẹ, mà là với tất cả chúng sanh. Tuy nhiên, ở một góc nhìn hẹp hơn, lễ Vu Lan có lẽ tương tự như ngày Hiền Mẫu (Mother's day) ở các nước Âu Mỹ. Một phần, có lẽ do nguồn gốc xuất phát của lễ Vu lan là sự tích bồ tát Mục Kiền Liên vào ngục A Tỳ để cứu mẹ là Thanh Đề. Kế đến, mặc dù con là kết tinh của mẹ cha , và "công cha như núi Thái sơn" là một sự thật ai cũng biết. Nhưng sinh vật, đặc biệt là con người, thì đã vất vả với mẹ từ lúc còn là bào thai trong bụng nên tình cảm của đứa con dường như gắn bó với mẹ hơn cha. Điều này cũng hợp lý vì ngoài đất đá, sự sống của vạn vật đều bắt đầu từ MẸ .

        Mẹ lại là biểu tượng của quê hương. Nói đến mẹ, cho những người phải sống xa lìa nơi sinh trưởng chúng ta không khỏi liên tưởng và thương nhớ về một nơi chôn nhau cắt rún ở một nơi nào đó trên trái đất. Một nơi chúng ta thường gọi là quê hương và mỗi người chỉ có một quê hương như nhà thơ Đỗ Trung Quân có viết một bài thơ tôi đã rất thích về quê hương. Nhưng gần đây tôi lại bị "dị ứng" với bài thơ vì chính quyền cộng sản đã sử dụng nó để tuyên truyền, khơi dậy nỗi nhớ quê hương, ve vuốt "khúc ruột thừa ngàn dặm" và méo mó bài thơ để rù quến một cách rất bất chính. Việc này đã làm tôi nghi ngờ luôn cả tâm ý "thực" của tác giả muốn chuyên chở đến độc giả qua bài thơ.

        "Quê hương là gì hở mẹ
        Mà cô giáo dạy phải yêu
        Quê hương là gì hở mẹ
        Ai đi xa cũng nhớ nhiều

        Quê hương là chùm khế ngọt
        Cho con trèo hái mỗi ngày
        Quê hương là đường đi học
        Con về rợp bướm vàng bay

        Quê hương là con diều biếc
        Tuổi thơ con thả trên đồng
        Quê hương là con đò nhỏ
        Êm đềm khua nước ven sông

        Quê hương là cầu tre nhỏ
        Mẹ về nón lá nghiêng che
        Là hương hoa đồng cỏ nội
        Bay trong giấc ngủ đêm hè
        ......

        Quê hương mỗi người chỉ một
        Như là chỉ một mẹ thôi
        Quê hương nếu ai không nhớ
        Sẽ không lớn nỗi thành người" (Bài Học Đầu Cho Con, Đỗ Trung Quân)


        Tôi không biết nhiều lắm về tiểu sử của nhà thơ Đỗ Trung Quân chỉ biết anh ĐTQ sinh năm 1955, hiện còn sống và viết ở Sài Gòn (qua một bài viết của Nhã Bình đăng ở trang web Tiền Vệ). Tôi hơi tiếc là không biết anh ĐTQ nhiều hơn chút như anh sinh ở đâu (quê hương , bối cảnh không gian)? Viết bài thơ này lúc nào (bối cảnh thời gian)? Để tưởng tượng, để hình dung được cái "cảm xúc" về quê hương của tác giả đúng hơn và thưởng thức bài thơ một cách trọn vẹn hơn. Nhưng căn cứ theo năm sanh của anh (1955) thì tôi có cảm tưởng quê hương của anh phải là một nơi nào đó ở trong miền Nam vì quê hương tuổi thơ của tôi cũng rất giống như anh diễn tả trong bài thơ. Rất nhiều lần tôi đọc bài thơ này của anh và mỗi lần đọc tôi đều thả hồn về với tuổi thơ, nhớ đến những ước mơ thời niên thiếu, nhớ và suy nghĩ về quê hương đất nước. Lời thơ bình dị, nhẹ nhàng nhưng thâm thuý, khơi dậy được xúc cảm . Nhất là đoạn kết của bài thơ. Nhưng tôi không dám đoán chắc đây là lời cho con anh, thế hệ Việt mai sau? Lời cho anh, người ở lại với MẸ? Hay đây là lời nhắn nhủ cho người rời xa quê hương, "bỏ Mẹ tìm Cha" vì những đứa con bất nhân, bất hiếu, buôn bán Mẹ, tàn sát anh em? Những việc đã, đang xảy ra tôi nghĩ anh Đỗ Trung Quân với tâm hồn mẫn cảm, với con mắt tinh tế của một nhà thơ, của một người cầm bút làm sao mà không nhìn thấy và cảm nhận được? Nhưng thôi đây là chuyện riêng tư của anh. Tôi không bàn xa hơn về chuyện này. Chỉ "tiếc" cho cái bài thơ đã bị dùng như một phương tiện tuyên truyền rẻ tiền làm giảm đi không ít giá trị nghệ thuật chân chính của nó với những độc giả hải ngoại như tôi.

        Anh ĐTQ nói đúng "quê hương mỗi người chỉ một", như định mệnh an bài anh và tôi đều sinh ra ở một nơi nào đó trên cái dãy đất hình chữ S thân yêu. Anh và tôi, mỗi người có một người mẹ, có một quê hương trên cùng dãy đất chữ S để nhớ . Dân tộc Việt có chung một bà mẹ Âu Cơ, và đất nước Việt cũng chẳng phải của riêng ai, non sông có thể đổi thay, chính quyền đến chính quyền sẽ đi, chỉ có dân tộc Việt trường tồn. Và không một người nào là không nhớ Mẹ của mình, nhưng tôi bắt buộc phải chọn xa Mẹ (quê hương), tìm Cha (tự do) để "lớn nỗi thành người", để nên người, để làm "con người" đúng nghĩa như "con người". Mẹ tôi là bà tiên hiền hòa đang bị bất lực trên giường bịnh vì những đứa con bất nhân đã tìm trăm phương nghìn kế vắt kiệt sức sống của Mẹ và những người anh em hiền hòa khác. Cha chúng ta là giống Rồng. Chúng tôi, những người ra đi, thừa hưởng sự di truyền đó, cần có tự do để sống chứ không thể chịu trận nằm chết cạn ở ao bùn. Như một quy luật tất yếu của cuộc sống, một người cần phải tự giúp bản thân trước rồi mới có thể giúp người khác được và một người chết thì không có làm được việc gì hay có thể giúp đỡ được gì cho ai hết.

        Tôi không rành về cổ sử, nhưng câu ca dao dưới đây làm tôi cảm thấy man mác về nguồn gốc của dân tộc Việt tự ngàn xưa :

        "Gió Động Đình mẹ ru con ngủ
        Trăng Tiền Đường ấp ủ năm canh
        Tiết trời thu lạnh lành lanh
        Cỏ cây khóc hạ, hoa cành thương đông
        Bống bồng bông, bống bồng bông
        Võng đào mẹ bế, con Rồng cháu Tiên" (Ca Dao)


        Gió Động Đình, Trăng Tiền Đường giờ chỉ còn lại lời ca dao não nuột của Mẹ! Cũng như Ải Nam Quan, một số hải đảo của biển Đông đã biến mất trên bản đồ VN và cả biển Đông cũng đang bị thu hẹp dần lại. Một ngày nào đó có lẽ anh, tôi và con cháu sẽ nghe Mẹ VN ru con bằng những câu ca dao tiếc nhớ "Ải Nam Quan và ..." mà giá buốt tâm can.

        Trong thực tế quê hương VN của anh và tôi không phải là "chùm khế ngọt" để cho các em bé gái VN đang bị bọn vô nhân tính bán làm nô lệ tình dục trong các nhà thổ ở xứ Miên, hoặc các nàng kiều Việt bán thân trên khắp thế giới để kiếm tiền nuôi thân, giúp cha mẹ nghèo khó, hoặc các lao nô bán sức lao động vì miếng cơm manh áo, bị bóc lột chèn ép từ mọi phía, và dân ngu khu đen thấp cổ bé miệng trong nước …"trèo hái" được. Họ là "những kẻ lạ" ngay trên chính quê hương của mình. Anh, tôi và hầu hết mọi người VN biết rõ điều này và chỉ có cái khác nhau là chọn "làm" một cái gì đó để giúp những kẻ không may mắn hay nhắm mắt quay lưng "làm ngơ". Hoặc tệ hơn nữa tiếp tay với lũ người bất nhân vì những quyền lợi ích kỷ của bản thân .

        Có một điều tôi rất chắc chắn là Mẹ VN sẽ ở mãi trong tim của những người con đất Việt dù ở gần hay ở xa. Không ai có thể quên nơi chôn nhau cắt rún của mình được. Mẹ và cha, mỗi người chỉ có một để thương, để nhớ. Nhưng trong một gia đình thì cần có mẹ và cha, con cái thuận hòa, nhường nhịn, thành thật thương mến nhau thì sinh hoạt gia đình mới có cơ hội thành công và các phần tử trong gia đình mới có thể sống trong hạnh phúc được. Cho quê hương thì cũng giống như vậy. Nếu trở về mà như người xa lạ trên chính quê hương của mình, trở về để tự đặt mình trong cái bối cảnh mà chúng tôi đã liều chết để ra đi trước đây thì trở về để làm gì? Và dường như câu ca dao "Ta về ta tắm ao ta / Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn" đã được nhiều người Việt hải ngoại chứng minh là không có đúng lắm cho cái ao nhà Việt Nam. Phải loại bỏ được những kẻ đang quậy đục làm bẩn nước, ngăn dòng nước chảy, phải tìm cách làm cho nước trong, phải làm cho nước ao nhà tốt hơn hoặc tương đương nước ao người thì ao nhà mới "xài" được. Hành động là cách chứng minh tốt nhất chứ những lời sáo rỗng, lừa mị theo kiểu tuyên truyền cộng sản của nửa thế kỷ trước đây chẳng còn có tác dụng như xưa nữa. Cố Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu đã nói một câu để đời và đúng 100%: " Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm".

        Vâng, "Quê hương là chùm khế ngọt" nhưng không phải "Để con trèo hái mỗi ngày" mà là "Để đảng trèo hái mỗi ngày". Quê hương và Mẹ vẫn luôn ở trong tâm trí tôi, tôi yêu mến quê hương tôi, nhưng không có nghĩa là tôi phải yêu chủ nghĩa xã hội, phải yêu đảng cộng sản, phải yêu những chính sách hay những con người phi nhân bản ... Vâng, không có gì hạnh phúc hơn là được sống, có cơ hội làm việc để phát triển bản thân và góp sức xây dựng quê hương. Nhưng TỰ DO và QUYỀN LÀM NGƯỜI là "thiêng liêng" và "quí báu" với tôi (trong quá khứ, tôi đã sẵn sàng đổi cả mạng sống để có được những quyền này). Không có những quyền này, tôi biết là tôi sẽ mất khả năng để bay cao như chim Lạc, để vượt Vũ môn hóa Rồng, để tranh tài thi sức cùng bạn bè năm châu. Và làm "con gà bịnh" hay con "giun" thì có ích lợi chi cho bản thân nói riêng và cho xã hội nói chung?

        Quê hương vẫn luôn đầy ắp trong trái tim tôi, từ thuở vừa biết suy nghĩ cho đến nay, chưa lúc nào phai nhạt. Nhưng tại sao tôi đã không "lớn nỗi thành người" ngay trên chính quê hương mình? Tôi chợt nhận ra là dường như là có một cái gì đó thiếu sót và không hợp lý lắm trong bài thơ "Bài học đầu cho con". Nhắm mắt hồi tưởng, trở lại vùng ký ức tuổi thơ, tôi đã nhớ ra rồi anh Đỗ Trung Quân ạ ! Bài học đầu của cha tôi dạy tôi là phải nói thật, sống thật với bản thân và mọi người. Vâng tôi đã tìm ra nguyên nhân chính tại sao tôi đã không thể "thăng hoa" và "lớn nỗi thành người" và những con người yêu chuộng sự thật, dám nói sự thật không ai có thể "thăng hoa" hoặc "lớn nỗi thành NGƯỜI" trong một quốc gia mà đảng cộng sản nắm chính quyền và cai trị . Cám ơn bài thơ "Bài Học Đầu Cho Con" của anh vì ngoài giá trị của một bài thơ hay, nó đã giúp tôi xác định chắc chắn thêm hướng đi của mình. YÊU CỘNG SẢN VÀ QUÝ TỰ DO là hai thái cực đối nghịch, như nước và lửa không thể dung hòa và những người yêu chuộng và dám nói SỰ THẬT không có đất sống trong chế độ cộng sản là một sự thật tôi vừa "thấy" thêm qua bài thơ của anh. ĐỂ CHO BÀI THƠ VÀ TÁC GIẢ CÓ ĐẤT SỐNG THÌ SỰ THẬT PHẢI HY SINH . Cho tôi, bài học đầu tôi sẽ dạy cho con tôi là Sự Thật, như cha tôi đã dạy tôi, sự thật sẽ bao gồm luôn sự thật của quê hương VN. Và biết sự thật con tôi sẽ biết yêu quê hương của nó một cách chân chính hơn chứ không phải yêu một cách mù quáng, nhắm mắt yêu bừa hoặc tệ hơn nữa yêu bằng miệng .

        Và đọc thêm bài thơ "Thực Tại Hư Vô" của Phan Huyền Thư

        "Quê hương không là mẹ
        Quê hương chỉ là hương... " (PHT)


        Tôi đã hiểu tại sao giới trẻ Việt Nam vẫn tiếp tục tìm đường rời khỏi quê hương để sinh sống và làm việc (dù con đường này có rất nhiều hiểm nguy và cạm bẫy đang chờ đợi họ, một bước lỡ lầm di hận thiên thu) . Quê hương với họ không phải là chùm khế ngọt, là mẹ hiền. Quê hương đơn thuần chỉ là mảnh đất nơi họ đã được sinh ra. Giới trẻ VN đã thẳng tay bác bỏ những "hình ảnh quê hương" của thế hệ đi trước gầy dựng và để lại. Với họ, đó chỉ hình ảnh ảo huyền, huyễn hoặc ... Theo tôi, hiện tượng này là một điều đáng buồn cho quê hương VN và có lẽ nhà thơ ĐTQ cũng nghĩ như vậy (căn cứ theo bài thơ "Bài học đầu cho con" của anh). Tội lỗi này với MẸ VN do ai gây ra? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Và ai sẽ là người gánh chịu hậu quả?

        Xứ người đẹp đẽ nhưng chẳng phải quê hương.
        Việt Nam, quê hương lại biến thành xứ lạ .

        Quê hương VN vẫn còn đó, nhưng quê hương tuổi thơ của tôi trong quá khứ, đã chết, quê hương hiện tại gom lại chỉ là những hình ảnh xót xa và đau lòng, chỉ còn lại hy vọng ở quê hương VN tương lai …

        Lý Lạc Long (Mùa Vu Lan, 2006)




        DÂN CHỦ => QUÊ HƯƠNG SẼ LÀ CHÙM KHẾ NGỌT CHO MỌI NGƯỜI DÂN VIỆT
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 11.08.2006 17:17:06 bởi Lý Lạc Long >
        #64
          Lý Lạc Long 02.02.2007 05:08:10 (permalink)

          Năm Hợi Nói Chuyện Heo

          [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/8327/1E7FC33E8A4C443E9F9C4DC59038BA1F.jpg[/image]

          Mọi người lại sắp sửa đón thêm một cái Tết Nguyên Đán, theo Âm lịch thì  năm  sắp đến (2007) là năm Đinh Hợi.  Heo là con vật  được xếp cuối cùng trong Thập Nhị Chi (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, và Hợi). Tương truyền, ngày xưa Ngọc Hoàng mở đại hội và triệu tập tất cả các loài vật, nhưng chỉ có 12 con vật như  có tên trong Thập nhị chi  đến phó hội.  Con chuột (tý) là con vật đến phó hội sớm nhất  nên đứng đầu bảng Địa Chi và con heo (hợi)  có lẽ vì  ủn ỉn, chậm chạp nên đến sau cùng nên đứng cuối bảng.  Theo Tử vi thì lợn tượng trưng cho sự giàu có vì loài lợn rừng thường làm hang trong những khu rừng. Người tuổi Hợi rất hào hiệp, ga-lăng, tốt bụng và dũng cảm nhưng thường rất bướng bỉnh, nóng tính nhưng siêng năng và chịu lắng nghe.

          Mặc dù có đến 3 nước: Việt Nam, Đại Hàn  và Trung Hoa có chung ngày  Tết Nguyên Đán nhưng thường thì đa số người trên thế giới biết đến Tết  Nguyên Đán  như "Tết Tàu" (Chinese New Year).   Năm Đinh Hợi,  theo lịch cải cách của VN thì   chúng ta sẽ đón Tết Nguyên Đán vào ngày 17/2/2007 trước Tết Tàu một ngày (18/2/2007).  Chuyện này cũng chẳng phải là chuyện mới mẻ chi,  việc cải tổ âm lịch cho VN cho phù hợp với địa dư đã được làm từ năm 1967.  Nhưng rồi VN cũng vẫn nhắm mắt  để dân chúng xài lịch Tàu cho đến  năm nay  thì chuyện "lịch cải cách"  lại được chính quyền VN khuấy động lên. Lý do có thể là nhà nước và đảng  đang bị  dân chúng, từ Nam đến Bắc, tố cáo đủ thứ tội, độc tài, tham nhũng, bán nước, làm tay sai cho Trung Quốc ... nên mới dùng cơ hội này để "phân bua" với mọi người đảng ta là  sáng suốt, là "đỉnh cao trí tuệ",  là độc lập, không lệ thuộc Tàu, không bợ đít Mỹ ... v.v ...  bằng chứng là đảng cũng biết soạn lịch để cho dân VN xài.   Tóm lại,  câu chuyện trở nên "ầm ỉ"  là  do đảng muốn lợi dụng cơ hội này để tuyên truyền và kể công lao ... Đây chỉ là một trong những chuyện nhiều "d" (dài, dai, dóc, dở, dỏm...) của đảng , quá quen thuộc và  nghe hoài chán phèo . Năm sắp hết, Tết con heo  gần đến,  chúng ta nói chuyện về heo chơi và chắc chắn hấp dẫn hơn chuyện "d" của đảng nhiều .

          Hợi, con vật cuối bảng trong Thập nhị chi,  người miền Bắc gọi là lợn, với người Nam kêu là heo.  Ngoài ra,  tiếng Việt còn có nhiều từ để gọi các loại lợn (heo) khác nhau  như:  Heo nái (lợn cái nuôi để sản xuất lợn con); Lợn sề (lợn nái già); Heo nọc ( heo đực dùng để truyền giống); Lợn bột, heo sửa (lợn con đang bú mẹ); Lợn hạch (lợn đực đã thiến); Lợn ỷ (một giống lợn của Việt Nam, có mõm ngắn, lưng võng và bụng sệ với lớp da màu đen hay xám); Lợn lang (lợn lông đốm đen- trắng); Lợn mọi (một dạng lợn ỷ, rất chậm lớn, chủ yếu nuôi làm cảnh); Lợn lòi ( lợn rừng) ....

          Theo lịch sử ghi lại thì  năm 1918 , dịch cúm Tây Ban Nha (Spanish Flu)  đã  giết hại hơn 20 triệu người trên khắp  thế giới . Virus gây ra  dịch cúm này có nguồn gốc từ bệnh cúm ở heo .  Gần đây, năm 1998 , virus Nipah xuất phát từ heo đã làm trên 100 người thiệt mạng ở Mã Lai .

          Từ xa xưa,  thịt heo  đã  là  một  thực phẫm cho loài người . Ngoại trừ các dân tộc theo đạo Hồi  hoặc đạo Do Thái  không ăn thịt heo.  Cho nhân loại nói chung thì  thịt heo là nguồn thực phẫm  quý báu , bổ dưỡng và dễ  tìm . Bên cạnh những lợi ích về mặt dinh dưỡng, ngày nay, các nhà khoa học đã chứng minh một số bộ phận của heo có thể được sử dụng để thay thế những bộ phận hư hỏng của con người .  Đây là phương pháp dùng bộ phận của một chủng loại này để ghép vào chủng loại khác. Giới chuyên môn gọi phương pháp này là "ghép dị chủng" (xenotransplantation) .

          Tín đồ của Hồi giáo và Do Thái giáo không ăn thịt heo vì họ thực tập theo những lời phán dạy trong kinh sách  liên quan đến heo của tôn giáo họ.  Ngày xưa, tín đồ của Công giáo cũng không ăn  thịt heo nhưng sau giấc mơ của Pierre thấy Thiên Chúa cho phép ăn nên họ ăn .  Như trích dẫn ở dưới:
          Theo LêVi 11:7. Cựu Ước
          "7) Con heo, vì nó có chân chẻ làm hai móng, nhưng không nhai lại: các ngươi phải coi nó là loài ô uế.
          8) Thịt của chúng, các ngươi không được ăn, xác chết của chúng, các ngươi không được đụng đến; các ngươi phải coi chúng là loài ô uế."
          Theo Thiên Kinh Qu'ran
          " 2: 173 Quả thật, Ngài chỉ cấm các ngươi ăn xác con vật đã chết, máu, thịt heo, và những vật cúng hiến tà thần khác ngoài Allah. Nhưng đối với những ai vì nhu cầu cần thiết hay bị ép buộc phải ăn thì không bị kết tội, vì Allah là Ðấng Khoan Dung và Nhân Từ ".
          Theo Tân ước TÐCV 10:9 - 16
          "Hôm sau, đang khi họ đi đường và đến gần Gia-phô, thì ông Phê-rô lên sân thượng cầu nguyện; lúc đó, vào khoảng giờ thứ sáu.
          10 Ông thấy đói và muốn ăn. Đang khi người ta dọn bữa thì ông xuất thần.
          11 Ông thấy trời mở ra và một vật gì sà xuống, trông như một tấm khăn lớn buộc bốn góc, đang được thả xuống đất.
          12 Trong đó có mọi giống vật bốn chân và rắn rết sống trên đất, cùng mọi thứ chim trời.
          13 Có tiếng phán bảo ông: "Phê-rô, đứng dậy, làm thịt mà ăn! "
          14 Ông Phê-rô thưa: "Lạy Chúa, không thể được, vì không bao giờ con ăn những gì ô uế và không thanh sạch."
          15 Lại có tiếng phán bảo ông lần thứ hai: "Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì ngươi chớ gọi là ô uế."
          16 Việc ấy xảy ra đến ba lần, và lập tức vật ấy được đưa lên trời."

          Ở Việt Nam, trong tất cả các loại thịt thông dụng thì có lẽ thịt heo là được dùng nhiều nhất và có thể chế biến ra hàng trăm món khác nhau có thể dùng  trong  những yến tiệc sang trọng cho đến những bửa cơm bình thường. Và hầu hết những phần của cơ thể con heo : giò heo, da heo, lỗ tai heo, lòng heo ...  cũng được chế biến thành các món ăn  rất độc đáo. Đặc biệt trong các lễ lộc lớn  như cưới hỏi, cúng đình ... thì không thể vắng mặt heo.

          Mặc dù  heo  với những ích lợi thực tiễn  về mặt thực phẫm và y học cho loài người như vậy. Nhưng trong 12 con giáp,  hoặc rộng ra hơn cho tất cả gia cầm gia súc, thì  con heo dường như là con vật bị gán cho nhiều thói hư tật xấu nhất .  Mỗi con vật thì dường như chỉ bị gán cho một hay hai "điểm xấu". Chẳng hạn, uống như trâu, dữ như cọp, , hôi như chuột, đồ chó, đồ ngựa, dê xồm, độc như rắn,  mèo mả gà đồng, đẻ như gà, yếu như gà (không dai sức) ....  Còn cho con heo thì  nào là ngu như heo, ở dơ như heo,  ham ăn như heo, làm biếng như heo,  mập ú như heo, mũi hĩnh như heo,  đồ heo nọc ....   Con người ta khi bị chê một tiếng thôi là có thể  nổi cơn "tam bành lục tặc" lên rồi.  Nhưng con heo dù cho bị chê đủ thứ, bị chê thậm tệ, vẫn bình chân như vại, vẫn tỉnh bơ và vẫn vui vẻ đúc đầu vào máng cám, ăn như heo, để ú như heo và có nhiều thịt phục vụ cho loài người. Thiệt là quá xá bất công và đúng ra chúng ta phải "khâm phục" con heo. Về con heo, Winston Churchill , thủ tướng nước Anh, có  nói rằng: "Con chó ngước nhìn chúng ta. Con mèo nhìn xuống chúng ta, còn con lợn thì coi chúng ta như là [người] ngang hàng".

          Bất công cho đến nổi  cái anh chàng sợ vợ vì nàng là "giai nhân" hoặc nàng là  "Sư tử Hà đông"... làm bà mẹ tức tối rủa xả đến heo luôn: " Tao nuôi mày bằng sửa Ông Thọ,  bằng bột Bích Chi, bằng cơm gạo trắng, bằng thịt, bằng cá  ... chứ có cho mày ăn cám heo đâu mà mà ngu dữ vậy hả con?  Mày đóng trang thờ người dưng để nó coi thường mẹ mày..."

          Còn nữa, trên trái đất có lẽ không có một loại động vật nào bị " thiến" nhiều hơn giống heo. Vì ngoài một số ít  heo nọc để gây giống, heo nái để sinh sản, tất cả heo thịt, đực lẫn cái, đều bị thiến  để  "con lợn lòng" của heo không nổi lên, để các chú heo, cô lợn  thịt không còn mơ tưởng đến chuyện trăng hoa mà chỉ vùi đầu vào máng, miệt mài ăn uống,  cho mau lớn và mập mạp. Thiệt đúng là oan ức và  bất công cho đời con heo thịt. Suốt kiếp phải chịu nỗi đau thái giám. Hàng ngày, trên khắp thế giới hàng triệu con heo thịt vào lò, và ít nhất cũng ngang số lượng này những chú heo, cô lợn phải chịu nỗi đau hoạn quan.  Tại sao các hội bảo vệ súc vật lại im hơi lặng tiếng về  cái vụ "thiến heo" này ha?   Lại thêm một điều bất công cho con heo.

          Một bất công khác nữa là  hình ảnh heo trong thơ văn nhạc rất là hiếm hoi . Rồi kế đến khi loài người đóng phim nghèo, không có quần áo để mặc, thì giới đạo đức phản đối loại phim này  phạm thuần phong mỹ tục và gọi đó là phim "con heo".  Báo chí Tây phương đã báo động  sự việc "ghiền phim con heo"  đã trở thành một căn bệnh của thế kỷ 21.  Mặc dù con heo chẳng có chút liên quan nhưng  tên tuổi heo vẫn bị bôi lọ trong sự kiện này. Đúng là bất công thiệt !

          Nói chuyện heo mà không nhắc đến Trư Bát Giới là một sự thiếu sót.  Trư Bát Giới, theo truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, là Thiên Bồng Nguyên Soái  cai quản sông trời  (Thiên hà)  của thiên đình vì uống rượu say phạm tội "mò mẫm tiên nữ" ẩu  nên  bị Trời đày biệt xứ (hạ trần), do nghiệp lực đưa đường lại rơi ngay đúng ổ heo đang sanh và phải chịu kiếp nạn " làm người đầu heo"  dưới trần thế.   Theo sách vở diễn giải thì tên "Bát Giới"  là tánh tham (ăn, ngủ, sắc, nịnh ...) cho được lợi về mình.  Vì vậy, vũ khí của họ Trư phải là đinh ba (cào cỏ), để  tiện vơ vét vào cho nhiều, cho thỏa lòng tham dục. Với chuyện hưởng lạc thú trần tục, Trư Bát Giới  rất giàu sáng kiến và  nhanh trí không ai bằng. Như trong đoạn kể bà góa phụ họ Giả kén rể. Góa phụ họ Giả than thở: "Gả đứa lớn thì sợ đứa thứ hai tị. Gả đứa thứ hai thì sợ đứa út tị. Muốn gả em út cho con lại sợ đứa lớn tị..." Bát Giới liền đề nghị ngay : "Nếu sợ các em tranh nhau, thì mẹ gả tất ba em cho con là xong, đỡ phải cãi nhau ầm ĩ, làm rối gia đạo. (...) Giá mà thêm mấy cô nữa, con rể mẹ cũng sẵn sàng thu nhận. Thuở nhỏ, con đã học được phép nhẫn nại, có bao nhiêu vợ con cũng có cách ăn ở được vừa lòng." Và đến khi bà mẹ bảo rằng các con bà không chịu lấy Bát Giới làm chồng, chàng nguyên soái heo đã  ứng xử thật mau lẹ : "Mẹ ạ, các em không chịu lấy con, hay là mẹ lấy con vậy." [TDK III 1988: 62-68].  Trứ Bát Giới theo phò Đường Tăng thỉnh kinh. Kết thúc cuộc thỉnh kinh Trư Bát Giới được Phật Như Lai phong làm Tịnh đàn Sứ giả với chức năng đặc nhiệm là có đủ thẩm quyền để... ăn uống được đồ cúng tế của khắp cả thiên hạ.  Trong khi Đường Tăng và Tề Thiên đều thành phật. Sa Tăng thành Kim Thân La Hán. Long Mã trở thành Bát bộ Thiên Long.  Trư Bát Giới vẫn còn lận đận.   Họ Trư bị Phật tổ  phê: "Tính ương vẫn còn, sắc tình chưa hết". Rồi xét vì năng khiếu "ăn khoẻ, tính lười, dạ dày to lắm"  nên phong cho họ Trư làm Tịnh Đàn Sứ giả.  Xem ra, cái bản năng  tham dục, cái chất Trư tiềm tàng trong mỗi con người chúng ta rất khó biến đổi .

          Dạo này  cũng như nhiều bà con khác,  tôi cũng hơi ngán ngán thịt bò vì sợ bịnh "bò điên" nên  chuyển qua xúc xích làm bằng thịt heo. Sáng nay, ngồi ăn và đọc được một truyện vui về xúc xích tiện thể ghi lại đây chia sẻ cho đủ bộ "heo", để xem cho vui vẻ ba ngày xuân. "Có một ông thợ sản xuất xúc xích, sau một thời gian tìm tòi ông sáng chế ra được cái máy chỉ cần bỏ con heo vào là sẽ cho ra xúc xích. Một hôm, đứa con ngồi xem ông làm và hỏi: "Sao ba không chế ra cái máy bỏ khúc xúc xích vào sẽ ra con heo thì mình sẽ bán được nhiều tiền hơn". Suy nghĩ một chút, ông trả lời: " Ba muốn chứ, nhưng cái máy đó mẹ con giữ bản quyền rồi".  Thằng bé hỏi tiếp: "Thế sao ba không hỏi mượn của mẹ để xài?".  Ông bố : "Có chứ,  con heo con! Thôi đi chơi đi ... để ba làm việc tiếp" ."

          Tết nơi đất khách, tuyết trắng trời trắng đất,  ba ngày xuân vắng bóng chúa Xuân, chẳng có chút hương vị của Tết.  Mồng một Tết có khi vẫn phải đi cày, mồng hai cũng kéo, mồng ba thoáng cái đã qua ... để trả nợ áo cơm.  Không khí Tết  nơi xứ người càng làm chạnh lòng người viễn xứ : " Tôi có chờ đâu có đợi đâu; Mang chi xuân đến gợi thêm sầu" (Chế Lan Viên).  Những ngày xuân nghe bản nhạc "Ly rượu mừng" của Phạm Đình Chương, càng da diết nhớ hơi nóng ấm của nồi bánh tét, mùi vị thơm ngon của đòn bánh tét đầu tiên vừa chín tới,  tiếng pháo nổ đì đùng đêm giao thừa,  hoa mai vàng nở rực rở trước sân, ... những mùa xuân thanh bình tự do nơi quê mẹ. Nhưng thôi dù ở trong hoàn cảnh nào thì xuân vẫn là xuân, chúng ta cũng phải cung chúc tân xuân nhau. Ít nhất thì cũng giữ được trong tâm những nét đẹp đáng được gìn giữ của tổ tiên chúng ta. Xin  kính chúc tất cả một năm Đinh Hợi an khang, thịnh vượng và mọi việc như ý .

          "Tân niên hạnh phúc bình an tiến,
          Xuân nhật vinh hoa phú quí lai."


          Lý Lạc Long,
          (Xuân 2007)








          Ly Rượu Mừng
          Nhạc sĩ: Phạm Đình Chương
          Trình bày: Ban Hợp Ca Thăng Long

          (Bản nhạc này được viết tại Sàigòn năm 1955 để đăng trên số báo Tết, Báo Đời Mới, thể theo lời yêu cầu của cụ Trần Văn Ân và nhà văn quá cố Nguyễn Đức Quỳnh, là hai người chủ trương tờ báo này)
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 02.02.2007 05:27:45 bởi Lý Lạc Long >
          Attached Image(s)
          #65
            Lý Lạc Long 16.03.2007 01:26:07 (permalink)
            Nhẫn Nhịn Và Nhu Nhược

            Ở đời chúng ta thường thấy những việc nhỏ bằng sợi tóc,  nhưng đôi khi vì không nhẫn nhịn được mà có thể dẫn tới  những sóng gió và tai họa  lớn . Ông bà ta thuở xa xưa đã có câu:

            "Chữ Nhẫn là chữ tương vàng
            Ai mà nhẫn được mọi đàng sướng thay"

            Ngày xưa, khi thầy Tử-Trương muốn xuất chánh, đến từ tạ Ðức Khổng Phu Tử  và xin cho một lời để làm phép sửa mình.

            Khổng Tử nói: "Bá hạnh chi bổn nhẫn chi vi thượng". (Trăm nết chung gốc chỉ có chữ nhẫn là cao thượng hơn hết.)

            Tử Trương hỏi :
            "Hà vi nhẫn chi" (Tại sao mà phải nhịn?)

            Khổng Tử trả lời :
            "Thiên tử nhẫn chi quốc vô hại. Chư hầu nhẫn chi thành kỳ đại. Quan lại nhẫn chi tấn kỳ vị. Huynh đệ nhẫn chi gia phú quý. Phu phụ nhẫn chi chung kỳ thế. Bằng hữu nhẫn chi danh bất phế. Tự thân nhẫn chi vô họa hoạn."
            (Nghĩa là: Làm Vua mà biết nhịn thì trong nước không có điều tai hại. Bậc chư hầu mà biết nhịn thì nên nghiệp lớn.  Làm quan  mà biết nhịn thì  phẩm chức sẽ thăng tiến. Anh em biết nhịn với nhau thì nhà cửa đặng giàu sang. Chồng vợ biết nhịn thì mới thương yêu được trọn đời.  Bè bạn biết nhịn thì danh nghĩa chẳng hư.  Cho bản thân mà biết nhịn chẳng lo tai họa.)

            Tử-Trương hỏi tiếp:
            "Bất nhẫn hà như". (Còn chẳng nhịn thì đường nào?)

            Khổng Tử trả lời :
            "Thiên tử bất nhẫn quốc khống hư. Chư hầu bất nhẫn tán kỳ xu.  Quan lại bất nhẫn hình phạt tru.  Huynh đệ bất nhẫn cát phân cư. Phu-phụ bất nhẫn tình ý sơ. Tự thân bất nhẫn hoạn bất trừ."
            (Nghĩa là: Làm Vua mà chẳng nhịn thì nước phải trống không. Là chư hầu chẳng nhịn thì hư bại thân mình.  Làm quan  không nhịn thì phải chịu hình phạt. Anh em chẳng biết nhịn nhau, thì tài sản chia cắt, thủ túc  phân ly. Chồng vợ chẳng nhịn thì tình nghĩa sẽ phai lợt. Còn bản thân của mình mà chẳng biết nhịn thì  họa hoạn chẳng dứt.)

            Ðức Khổng Tử giải nghĩa xong, thầy Tử Trương ngậm ngùi than rằng: Phải lắm, phải lắm, thật là khó thay nếu không  "nhẫn"  thì cũng khó cho bổn phận làm người.

            "Một điều nhịn chín điều lành" và  không ai có thể phủ nhận được những mặt hữu ích của chữ nhẫn trong đời sống của con người.  Trời cho mỗi người mỗi tính, tôi là người trời sinh ra rất trực tính, khó quay mặt làm ngơ trước những việc không đúng và phi lý (dĩ nhiên là theo nhận xét chủ quan của tôi). Trải qua kinh nghiệm của đời sống thực tế, tôi phải nhìn nhận là một người biết nhẫn nhịn sẽ thành công dễ dàng hơn về mọi mặt : công danh, sự nghiệp, giao thiệp, quan hệ ...  Nhưng nói như thế không có nghĩa là một người phải nhẫn nhịn đến độ hèn. Mỗi hoàn cảnh  nhẫn nhịn đều phải có cái đạo lý hoặc lý tưởng trong đó.  Tuy nhiên,  ranh giới giữa nhẫn nhịn và nhu nhược chỉ cách nhau một sợi tóc và rất khó mà phân biệt.  Nhu nhược cũng như "nhẫn" là một từ Hán-Việt có nghĩa là "mềm yếu" (nhu là mềm và nhược là yếu).  Theo vận nước  thăng trầm,  những đổi thay dâu bể của cuộc sống đã dạy tôi phải nhẫn nhịn để sinh tồn, để sống được bình an như có thể . Vì chết là hết, là chấm dứt … "đa số" người chết sẽ không làm được việc chi giúp thân, giúp đời ... Thắm thoát đã ba thập kỷ trôi qua, với niềm tin là mình đang thực tập chữ nhẫn và sống một cách đúng đắn .  Nhưng gần đây,  đọc bài viết của một luật sư trẻ đang sinh sống tại Sài gòn băn khoăn về sự nhu nhược của dân VN.  Tôi nhìn lại tôi cũng như tất cả sự việc đã qua .  Có lẽ tôi cần phải tự xét lại  nguyên tắc sống của bản thân ( principles of living)  một cách nghiêm túc hơn vì có thể  cuộc sống của  tôi đã lọt qua phía bên ranh giới của sự nhu nhược đã từ lâu.  Dưới đây là bài viết  "Trả lại hào khí Diên Hồng" của Luật sư Lê Công Định.  (Bài viết này đã được đăng trong tờ báo Pháp Luật ở Sài gòn  ngày 5/3/2006.)

            " Lịch sử Việt Nam là lịch sử thăng trầm của một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giặc Tây.
            Những khoảng khắc hòa bình hầu như ngắn ngủi. Sau 1975 niềm vui độc lập và thống nhất, với biết bao máu và nước mắt vô tội đổ xuống, đã không kéo dài bao lâu. Đất nước triền miên rơi vào khủng hoảng, hết khủng hoảng kinh tế, đến khủng hoảng đạo lý và bây giờ khủng hoảng niềm tin. Điều đó suy cho cùng có nguyên nhân nội tại từ chính sự nhu nhược của mỗi con người chúng ta.
            Bốn ngàn năm lịch sử đã kết nối từng cá nhân thành một dân tộc, hun đúc nên khát vọng Đại Việt, đưa chúng ta đi hết chiến thắng này đến thắng lợi khác, giành lại độc lập tự chủ và thống nhất giang sơn về một mối. Thành tựu ấy có được là do sự quật khởi của hào khí Diên Hồng qua các thời đại.
            Tiếc thay khi chuẩn bị bước vào nền thái bình thịnh trị, sự nhu nhược đã thế chỗ cho tinh thần quật khởi! Kẻ thì bỏ nước ra đi, trốn tránh. Người thì ở lại nhẫn nhục, muộn phiền. Bọn cơ hội thừa dịp thi thố sự đồi bại, biến giang sơn chung thành món mồi riêng tư béo bở.
            Vì nhu nhược, chúng ta không dám phản kháng thói hạch sách, nhũng nhiễu của lớp quan lại mới, chấp nhận dùng tiền vượt qua trở ngại. Đến khi nhìn lại, quốc nạn tham nhũng và quan liêu đã lan tràn, bất trị.
            Vì nhu nhược, chúng ta che tai không dám nghe lời nói ngay thẳng, mặc nhiên dung túng sự dối trá và xu nịnh. Đến khi bừng dậy, đạo đức đã suy đồi, khó sửa.
            Vì nhu nhược, chúng ta hài lòng với những gì đang có, cố tin vào sự ổn định giả tạo, đắm mình vào những lễ hội vô nghĩa liên miên. Đến khi nghĩ lại, xung quanh đã đầy dẫy ung nhọt, không còn thuốc chữa.
            Vì nhu nhược, chúng ta bịt mắt trước những bước đi vũ bão của các dân tộc láng giềng. Đến khi tỉnh ngộ, sự tụt hậu quá rõ ràng, không còn cơ may rút ngắn khoảng cách.
            Để che giấu mặc cảm do nhu nhược, khắp nơi người ta kể nhau nghe những bài vè châm biếm hoặc lớn tiếng dè bỉu chuyện cung đình tồi tệ, nhưng lại trong … quán nhậu! Chí khí kiểu "sĩ phu Bắc Hà" ấy liệu sẽ giúp ích được gì cho công cuộc chấn hưng đất nước đang lúc cần hào khí Diên Hồng năm xưa?
            Muốn chấn hưng đất nước trong vận hội ngàn năm có một này cần phải rũ bỏ sự nhu nhược đó. Muôn người xin hãy nắm tay lại, chế ngự sự sợ hãi, cùng tiến về phía trước, may ra khát vọng Đại Việt mới có cơ may biến thành hiện thực. Xin đừng để sự nhu nhược của những cá nhân trở thành sự bạc nhược của cả một dân tộc."


            Bài viết ở trên của luật sư Lê Công Định cũng đã được BBC trích đăng lại và đa số những ý kiến phản hồi đồng thuận với nhận xét của anh.  Có một số ý kiến nói rằng dùng chữ "nhu nhược" (mềm yếu) là không đúng, là mạ lỵ cả dân tộc,  mà  phải  là "nhẫn".  Nói khác là dân VN đang "nhẫn" để chờ một ngày mai tươi sáng hơn. Mỗi người có quyền có nhận xét riêng của mình . Cho tôi thì tôi đồng ý với luật sư Lê Công Định, vì  xài chữ nhẫn để biện minh cho những thân phận con giun  bị dằn xéo  thì  nền tảng lý lẻ để bảo vệ lập luận này  nghe không có hợp lý và thuyết phục lắm.  Nhưng điều đáng nói  nhất ở đây  là bài viết này được đăng công khai trên một tờ báo trong nước cho nên dù có đồng ý với luật sư Lê Công Định hay không, thì chúng ta cũng phải dỡ nón khâm phục sự can đảm của anh Lê Công Định. Mặc dù anh không phải là người đầu tiên vượt qua sự nhu nhược của bản thân để nói lên tiếng nói lương tâm. Đất nước VN cần thêm nhiều người như luật sư Lê công Định.

            Một số ý kiến phản hồi  nêu lên sự khác biệt như hội nghị Diên Hồng đời Trần được tổ chức dưới sự chỉ đạo của những lãnh đạo tài ba, có uy tín  như Hưng Đạo Vương, và  là để chống giặc ngoại xâm nên sự đoàn kết và đồng lòng giữa dân chúng đã có sẵn đó.   Còn "hội nghị Diên Hồng" đời nay  thì  để chống  bạo quyền (hay nội xâm).  Nó sẽ được tổ chức ở đâu và ai sẽ là người chủ trì?  "Một dòng nước nhỏ có thể cuốn trôi cả một núi cát, nhưng một hòn đá nhỏ thì vẫn nằm hiên ngang giữa lòng con suối lớn".   Nếu chỉ nói là "nên làm"  thôi thì chưa có đủ mà phải "biết cách làm thế nào” để biến núi cát hay những hạt cát rời rẽ  thành một khối đá?

             
            Có lẽ  vấn đề chính hiện nay cho mọi người có tấm lòng với dân tộc và đất nước, mỗi người một viên gạch  tiếp tay nhau  làm thế nào cho dân  chúng nhìn ra "sự thật thối nát" của chính quyền cộng sản thì người dân sẽ vượt qua sự nhu nhược của chính họ.  Khi lực lượng dẫn đầu mạnh đến một mức nào đó, cường quyền không thể và không dám đàn áp nữa có lẽ dân tộc VN mới thấy được ánh sáng của dân chủ tự do chân chính.
             
            Ở vào thời điểm này, dù dùng chữ nào để diễn tả hiện trạng của dân VN (dân tộc VN nhẫn nhịn hay dân tộc VN nhu nhược) thì số người  dân còn đủ sức "nhẫn nhịn"  hay số người dân chưa vượt qua sự "nhu nhược" (còn mềm yếu) dường như vẫn còn chiếm đa số trong dân chúng.  Nhưng dù hoàn cảnh thế nào thì cũng chỉ có một con đường đi cho những người có tấm lòng với đất nước là "tận nhân lực tri thiên mệnh".  Cầu mong  mọi việc may mắn và thuận lợi cho những người đang cống hiến tâm lực của mình vì tương lai của quê hương tổ quốc "chân cứng đá mềm".  Và  vận nước mệnh trời sẽ chuyển theo chiều hướng tốt cho dân tộc và đất nước Việt Nam.
             
            Lý Lạc Long (August 16, 2006)
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 16.03.2007 02:04:03 bởi Lý Lạc Long >
            #66
              Lý Lạc Long 13.04.2007 15:16:21 (permalink)





              Bể Đông Dậy Sóng:  Chọn Ông Bổn - Zhang He Hay Ông Kha Luân Bố - Columbus Tốt Cho Việt Nam?

              Từ trước đến nay, theo sử Tây Phương, người khám phá ra châu Mỹ là Christopher Columbus.  Theo tài liệu lịch sử thì Columbus đặt chân lên đảo Bahamas ngày 12, tháng 5, năm 1492. Lẽ tất nhiên, ai cũng biết người da đỏ đã đến và cư ngụ ở lục địa Mỹ châu cả ngàn năm về trước. Hiện giờ, có những tài liệu lịch sử cho thấy người Viking xuất phát từ Bắc Âu đã từng đến vùng Bắc châu Mỹ trước cả Columbus. Và mới gần đây, người ta tìm ra một số tài liệu lịch sử có thể chứng minh là người Trung Hoa cũng đã đến Châu Mỹ trước cả Colombus luôn.  Như công trình nghiên cứu của một học giả người Anh tên Gavin Menzies trong cuốn  "1421, Năm Trung Hoa Khám Phá Châu Mỹ" (1421 The Year China Discovered America , Transworld Pulishers, 2002) thì Đô Đốc Trịnh Hòa (Zhang He) trong thời vua Minh Thành Tổ (Zhu Di,1403-1424). Theo Siu Leung Lee, một nhà sử học Trung Hoa, Trịnh Hòa là một hoạn quan, theo đạo Hồi (Muslim) là tư lịnh hạm đội Zhang- He (1371-1435) gồm 1622 chiếc tàu và đã thực hiện ít nhất là 7 chuyến hải hành trong khỏang thời gian 1405-1430 đến tận châu Phi ( Somalia) và có thể đã đi đến châu Âu (Pháp, Hoà Lan và Portugal). Mỗi chuyến hải hành gồm 27.800 người và dùng trên 300 chiếc tàu, 62 chiếc là tàu lớn, dài 475 bộ, rộng 193 bộ , mỗi chiếc chuyên chở trên 1000 người.  Như vậy chiếc tàu lớn của hạm đội Zhang He lớn hơn gấp 6 lần chiếc tàu Santa Maria của Columbus (75x25 feet).  Theo Menzies, cuộc thám hiểm lớn nhất và quan trọng nhất mà cũng là chuyến đi cuối cùng của Trịnh Hòa khởi hành vào năm 1421 và trở về nước vào mùa hè và mùa thu năm 1423. Những khảo cứu của Menzies khiến ông ta tin tưởng rằng những chiếc tàu này của hạm đội Trung Hoa đã đến tận châu Mỹ và Châu Úc.  Sau thời Trịnh Hòa, nhà Minh bắt đầu chính sách bế quan tỏa cảng, và Khổng giáo rất thịnh nên nghề thương mãi không được trọng vọng lắm trong xã hội Nho giáo (sĩ, nông, công, thương). Những chương trình hải hành (như của hạm đội Zhang He) không được triều đình nhà Minh cho phép tiếp tục nữa .

              Hiện nay, các nhà khoa học đã tìm thấy các xác tàu cổ của Trung Hoa ở bang Florida, New York và Canada. Hơn thế nữa, ở Nova Scotia, Cape Dauphin của Canada cũng đã tìm thấy bằng chứng chứng minh việc người TQ đã đến đây bằng tàu. Ở New Zealand, các chuyên gia cũng đã tìm thấy những bằng chứng tương tự như vậy. Họ đã khai quật được những xác người Hồi giáo, giày của chiến binh, xác của người theo đạo Phật ... và tin rằng người TQ đã đến New Zealand trước người châu Âu.  Ngoài ra, các chuyên gia đang kiểm tra lại tuổi của những bằng chứng tìm thấy ở New Zealand bằng phương pháp kiểm tra carbon và kiểm tra ADN của những mẫu xương tìm thấy ở Canada để xác định  "nguồn gốc" của xác chết.  Quyển sách của Gavin Menzies và các mẫu vật tại triển lãm ở Singapore (năm 2005) đã gây nên sự tranh cãi trong giới nghiên cứu.  Nếu bằng chứng tìm được từ thời Thành Cát Tư Hãn và Zheng He được chứng minh là "sự thật". Điều này sẽ  khẳng định sự vĩ đại  về khả năng hàng hải của người Trung Hoa  trong quá khứ và có thể sẽ gây những tác động về mặt chính trị.

              Dân Trung Hoa hải ngoại và người địa phương thường tin rằng,  đô đốc Zhang He (còn được vua Minh phong tước Bổn Đầu Công) người cao 2,13 mét, đem lại phồn thịnh, may mắn và hy vọng nên chọn ông làm thần bổn mạng. Truyền thống ông Bổn bắt đầu từ đó và cho đến ngày nay, nơi nào có cộng đồng Trung Hoa hải ngoại là nơi đó có chùa Ông Bổn.  Truyền thống này hiện nay đang được đảng & nhà nước Trung Cộng làm sống lại, nhân lúc tinh thần người Trung Hoa đang lên.  Nhiều người Trung Hoa rất tự hào là Ông Bổn Trịnh Hòa  (Zhang He) đã từng đi vòng quanh thế giới trước khi Kha Luân Bố (Christopher Columbus) tìm ra được châu Mỹ .  Ở Việt Nam, nhất là miền Nam thì dường như tỉnh nào cũng có một vài chùa ông Bổn . Những chùa Ông Bổn lâu đời và nổi tiếng thì có chùa ông Bổn ở quận 5, Sài gòn; chùa ông Bổn ở Hội An; chùa ông Bổn ở Sóc Trăng ...  Nhưng ở Việt Nam,  theo truyền tụng, có nhiều chùa ông Bổn không phải thờ ông Bổn Trịnh Hòa mà là những nhân vật khác mà cộng đồng người Hoa tôn sùng và thờ phượng như vị thần bổn mạng của cộng đồng. "?"

              Nhưng xem chừng chuyện ông Bổn  Trịnh Hòa bổng trở nên xôn xao  là một dấu hiệu của cuộc đối đầu tranh giành thế thượng phong trên Thái Bình Dương giữa siêu cường Mỹ và siêu cường đang lên Trung cộng đã bắt đầu ?  Biển Đông sẽ dậy sóng trong tương lai gần ?   Cũng có thể lắm !  Vài năm gần đây, Trung cộng đã vẽ lại và phát hành bản đồ biển Trung Hoa bao gồm bờ biển Việt Nam, Phi Luật Tân , Borneo, Đài Loan. Quần đảo Trường Sa nằm trong vùng biển của Trung Cộng, tức thuộc TC. Trung Cộng  là nước nhập cảng dầu nhiều nhứt từ Trung Đông, muốn hay không cũng phải tranh thủ kiểm soát Eo Biển Mã Lai.  Hiện nay, theo đánh giá của các nhà quân sự,  không có hải quân của nước Á châu nào so nổi với hải quân TC, kể luôn cả hải quân Nhật vì Nhât bị cấm võ trang do hiệp ước đầu hàng trong thế chiến 2.   Nỗ lực Trung Cộng hiện đại hoá mạnh  hải quân, Đài Loan chỉ là mục tiêu phụ,  tranh giành ảnh hưởng trên Thái Bình Dương với Mỹ  (dầu ) mới là  chánh . Trong thời gian gần đây khi giá  xăng dầu tăng, một khuynh hướng rất rõ của đa số chuyên gia Mỹ, là đổ tội cho nhu cầu tiêu thụ dầu tăng vọt ở Trung cộng. Tuần báo Mỹ U.S. News & World Report đã tiên đoán là kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Nhật vào năm 2020, sẽ trở thành thứ nhì thế giới, chỉ sau Mỹ.   Và sự thật thì dường như đúng như thế, Trung quốc cần dầu, và trữ lượng các giếng dầu thế giới có giới hạn và đang cạn dần. Viễn ảnh  chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung quốc để tranh dành năng lượng có vẻ như khó tránh .  Nhưng kinh tế không phải là lý do đơn thuần mà phức tạp hơn như vậy.

              Theo cuốn sách mới xuất bản (22/5/2006) của 2 tác giả Jed Babbin  và Edward Timperlake : "Chạm trán: Tại Sao Trung Hoa Muốn Gây Chiến Với Mỹ" ( Showdown: Why China Wants War with the United States, Regnery Publishing ) thì chiến tranh giữa Mỹ - Hoa sẽ xảy ra vì Trung cộng muốn như thế và TC nghĩ sẽ thắng Mỹ . TC sẽ tiếp tục gây căng thẳng và cuối cùng Hoa kỳ sẽ khai chiến.  Một bối cảnh chiến tranh được dựng ra như TC sẽ đánh chiếm Đài Loan (Taiwan) vào năm 2008 và  sẽ dẫn đến việc TC  kiểm soát hoàn toàn vùng biển Thái bình Dương trong vòng vài năm kế tiếp. Theo phân tích của Babbin và Timperlake, Trung Cộng là mối hiểm họa lớn nhất cho an ninh quốc gia của Hoa kỳ  và nếu Mỹ không cản trở được tham vọng của TC thì hệ quả có thể là Thế chiến thứ Ba . Theo các nhà bình luận, thì cuốn "Chạm Trán" là một  tiếng chuông cảnh tỉnh chính phủ Mỹ về hiểm họa của TC đối với an ninh quốc gia và quyền lợi của Hoa kỳ.

              Tháng 6/2006 vừa qua, hải quân Mỹ đã tổ chức cuộc thao diễn quân sự lớn nhất trên Thái Bình Dương kể từ sau chấm dứt cuộc chiến VN lấy tên là Valiant Shield (Lá chắn dũng mãnh), với sự tham dự của ba Hàng Không Mẫu Hạm, 280 phi cơ  và 22.000 quân Mỹ .  Các nước Tàu, Nga, Ấn Độ, Nhật , Nam Dương và Mã Lai ... được mời và tham dự như quan sát viên.  Riêng Nhật Bản thì có gởi 1 chiến hạm tham gia.  Theo các nhà bình luận quân sự, cuộc tập trận này có thể coi như là một đòn tâm lý của Mỹ đánh phủ đầu Trung Cộng và Bắc Hàn .

              Cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng quyền bá chủ  biển Đông  (Thái Bình Dương nói chung) giữa Mỹ và Trung cộng, theo các chuyên gia phân tích quân sự, là một việc khó tránh.  Và khi chiến tranh  bể Đông xảy ra, nó sẽ lôi kéo thêm bao nhiêu quốc gia vào cuộc?  Dù với vị trí chiến lược, kinh nghiệm chiến tranh, dân số ... v.v. Việt Nam đượccoi như là một nước lớn ở Đông Nam Á . Nhưng trong tình hình thực tế của thế giới  hiện nay, theo như các chuyên gia  quân sự phân tích, VN chẳng có "thực lực" nào đáng kể trong hệ thống thế giới mới.  Chỉ nhìn riêng về Hải quân, nếu chiến tranh biển Đông xảy ra, VN chỉ có thể ngồi ngó,  không có đủ lực lượng cần thiết để chiến đấu bảo vệ lảnh hải, bờ cõi.  Đã 31 năm, trong khi các nước láng giềng không ngừng canh tân quân đội để bảo vệ lãnh thổ thì  lãnh đạo đảng cộng sản VN chỉ lo làm tay sai cho ngoại bang và các thế lực tư bản, lo khủng bố dân chúng để giữ vững "ngai vàng",  lo tham nhũng, bòn rút tài nguyên đất nước làm của riêng, lo vơ vét cho đầy túi  chẳng kể chi  đến  quốc thể Việt Nam bị sĩ nhục.  Nếu Đức Thánh Trần Hưng Đạo còn sống , nhìn lực lượng và khả năng của hải quân VN, chắc Ngài cũng phải "lắc đầu" ngao ngán ....

              Trước cuộc thao dượt "Lá Chắn Dũng Mãnh",  Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Donald Rumsfeld, đã ghé VN 3 ngày, từ 4/6 đến 6/6/2006. Sự việc này được dư luận thế giới bàn tán là Mỹ muốn lôi kéo VN vào trong liên minh quân sự để chống lại ý đồ bá quyền của Trung cộng trong khu vực biển Đông.  Việc này đã làm cho lãnh đạo VN chới với, khó xử. Dù biết rằng có sự hiện diện của Mỹ, Trung cộng sẽ không còn độc quyền thao túng VN nữa.  Nhưng với thành phần lãnh đạo VN do "thiên triều" TC chọn và nỗi lo sợ cho Mỹ vào các phong trào đòi hỏi dân chủ, tự do và đa đảng sẽ nổi lên mạnh  ngoài tầm kiểm soát. Quyền lực của đảng sẽ bị lung lay.  Mặc dù đây chính là lối thoát để Việt Nam tránh được sự khống chế và đồng hóa của TC đang tiếp diễn âm thầm từng ngày.  Nhưng giới lãnh đạo VN hiện tại do thiên triều TC "chấm"  thì  làm sao Hà Nội dám ra mặt phản lại thiên triều .  Ai cũng biết, mặc dù VN có tiếng là quốc gia độc lập, nhưng hiện tại VN giống như là một chư hầu của TC.  Nên mặt dù Rumsfeld chỉ khuyên VN phải tự mình lo phòng thủ vùng biển nước mình, như một nhắn nhủ  phải  lựa chọn,  nghĩa là chỉ có quyền chọn một, chứ không được chơi trò "đu dây" để hưởng lợi như đã từng làm với Tàu và Nga trong cuộc chiến tranh Nam Bắc  Và sự vắng  mặt VN, như  quan sát viên,  tại cuộc thao diễn  Valiant Shield  có thể  hiểu như là một dấu hiệu về đường hướng của VN ?

              Những bài học lịch sử về sự đe dọa của chủ quyền quốc gia  với người khổng lồ phương Bắc cũng như những kinh nghiệm với chính sách của siêu cường Mỹ đối với miền Nam trước đây  cho chúng ta thấy  con đường chọn Ông Bổn Đầu Công - Zhang He (Tàu) hay ông Kha Luân Bố - Christopher Columbus (Mỹ)  đều không phải là chọn lựa tốt cho dân tộc Việt Nam .  Nhưng với một thành phần nắm quyền, đặt quyền lợi riêng của phe nhóm mình trên quyền lợi của dân tộc và đất nước, tham quyền cố vị, ai chết mặc bây tiền thầy bỏ túi.  Cái viễn ảnh, khi biển Đông dậy sóng,  VN sẽ  trở thành một bãi chiến trường đẫm máu để phục vụ cho quyền lợi của ngoại bang , cho quyền lợi và tham vọng ngông cuồng của một thiểu số nắm quyền có thể trở thành một sự thật.

              Chẳng biết cho đến khi nào người dân  Việt Nam  mới cùng đứng dậy phản kháng những sai trái, bất công, đau khổ ... do chủ nghĩa cộng sản đã gây ra  cho dân tộc và đất nước.  Đứng lên đòi  lại cái quyền tự quyết cho số phận, tương lai và hạnh phúc của bản thân,  dân tộc và đất nước . Và chỉ có bằng con đường này VN mới có hy vọng tránh thoát được cái thảm kịch chiến tranh khi biển Đông nổi sóng ba đào.

              Lý Lạc Long (July 5, 2006)
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 13.04.2007 15:58:12 bởi Lý Lạc Long >
              #67
                Lý Lạc Long 19.04.2007 19:25:33 (permalink)
                Một Chút Suy Tư Về Thân Phận Con Người
                (Con Người: Mi Là Ai?)

                Mặc dù ai cũng thấy và nhìn nhận là con người đã và đang trên đường tiến hóa nhưng hành trình tiến hóa của con người có định hướng chăng? Nếu có thì con người sẽ đi về đâu? Cái viễn đích này quá xa xôi và chắc cũng ít người có khả năng nhìn thấy được một cách chính xác nên tạm thời chúng ta cứ để đó "xem". Về cơ bản thì con người cũng là một động vật, nhưng là một động vật thượng đẳng biết tư duy, theo quan niệm Đông phương con người là "linh ư vạn vật", là "thiên địa chi tâm". Con người là một loài vật có tính xã hội nên trong cuộc sống cộng sinh, biết thích ứng với nhau, biết chế ngự bản năng cầm thú để tiến hóa được thành con người văn minh như ngày nay. Nhưng con người có thực sự đã thuần hóa được cái bản năng thú vật man rợ tiềm ẩn đâu đó trong con người và luôn chực chờ nhe răng đe dọa chúng ta.

                Cởi bỏ cái lớp áo văn minh vật chất thì con người của hôm nay so với con người của hôm qua và ngàn xưa dường như không có gì khác nhau mấy. Hình dạng và thể chất có thể thanh tú và mỹ lệ hơn, trí óc có thể phát triển và hiểu biết hơn ... so với con người thuở ban sơ, nhưng vẫn còn đó y nguyên nỗi niềm khoắc khoải băn khoăn cho thân phận:"Ta là ai ? Ta đến từ đâu? Ta đi về đâu?" Như Trần Tử Ngang, một thi nhân vào thời nhà Đường đã viết những chua xót ngậm ngùi về thân phận của con người :

                Tiền bất kiến cổ nhân
                Hậu bất kiến lai giả
                Niệm thiên địa chi du du

                Độc sảng nhiên nhi lệ hạ."

                Hỡi người xưa qua rồi
                Hỡi người sau chưa tới
                Nhìn trời đất vô cùng
                Mình ta tuôn giòng lệ.” (Tuệ Chương dịch)

                 
                “Nhìn phía trước người xưa vắng vẻ,
                Ngoảnh về sau quạnh quẽ người sau.
                Ngẫm hay trời đất dài lâu,

                Mình ta rơi giọt lệ sầu chứa chan.”  (Lê Anh Minh dịch:)
                 
                Hay đã ngao ngán như Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều (1741-1798)
                ”Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy,
                Kiếp phù sinh trông thấy mà đau;
                Trăm năm còn có gì đâu,
                Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì."


                Không phải chỉ có Trần Tử Ngang hay Ôn Như Hầu mới khoắc khoải, băn khoăn về thân phận con người, mà từ ngàn xưa đã có rất nhiều nhà hiền triết, thức giả khác từ đông sang tây đã phải suy tư về "thân phận của con người"... và thậm chí nhiều vị đã "chán sống" và tự kết liễu cuộc đời họ (như Hemingway, Leo Tolstoy, Lý Bạch ...). Và trong chúng ta thì chắc ai cũng đã từng có những giây phút chán nản với cuộc sống và tự hỏi : Ta là ai giữa những thay đổi bể dâu của cuộc đời này? Có rất nhiều "hệ thống tư tưởng", quan niệm về con người, và hình như cho đến nay vẫn chưa có "hệ thống tư tưởng" nào được sự đồng thuận tuyệt đối. Ngày xưa, có một lúc, Nho giáo đã là nền tảng cho các xã hội Đông phương như Trung Hoa, Việt Nam... Nhưng hiện nay, theo đa số, thì "cách sống" theo quan niệm của Nho giáo đã lỗi thời, không thích ứng được với cuộc sống hiện đại của xã hội con người nữa. Mặc dù là vậy, nhưng chúng ta cứ thử tìm hiểu xem cái nhìn và quan niệm cơ bản của Nho giáo về con người và xã hội loài người như thế nào?
                 
                 Cách đây khoảng 2500 năm, Khổng Tử đã nói: "Nhân chi sơ tính bổn thiện". Và con người trở thành xấu hay tốt là do ngoại cảnh chi phối. Nói cách khác là "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng", một người, ở gần những người tốt sẽ trở thành người tốt, ở gần người xấu sẽ trở thành người xấu. Trong xã hội, theo quan niệm Khổng Tử, có những người sống thuần bằng bản năng như các loài cầm thú, đây là những con người hạ cấp, phàm phu tục tử xét về phương diện đạo đức và phẩm cách. Nho giáo "gọi chung" những người này là "tiểu nhân" dù cho họ có chiếm giữ địa vị cao, có quyền thế và giàu có trong xã hội đi chăng nữa. Nếu tiểu nhân là người thô lậu , sống thuần vào bản năng thì ngược lại "quân tử" là người tiến hóa, biết khắc phục bản thân, hiểu đạo lý, hiểu mệnh trời và hiểu định mệnh con người là gì. Những đặc tính của tiểu nhân và quân tử tương phản rõ rệt, nhưng tiểu nhân và quân tử không phải ở vị trí đối lập, không phải là hai vị thế cực đoan mà quân tử là giai đoạn tiến hóa tới của tiểu nhân . Không có tiểu nhân thì không có quân tử và tương đồng giữa họ là họ đều là con người và đều có cái "thiên tính" tốt lành trong người . Theo Nho giáo, "Con người, ai cũng giống nhau vì có bản tính lành, nhưng do tập nhiễm thói xấu nên họ mới khác xa nhau" ( Nhân chi sơ, tính bản thiện, tính tương cận, tập tương viễn -Tam Tự Kinh-) và "Cái khác biệt giữa con người và cầm thú thì không xa mấy. Kẻ thứ dân thì bỏ mất sự sai biệt ấy, còn người quân tử thì biết bảo tồn nó" (Nhân chi sở dĩ dị vu cầm thú giả kỷ hi, thứ dân khử chi, quân tử tồn chi -Mạnh Tử-). Rất rõ ràng là giữa con người với cầm thú phải có sự phân định khác biệt, nhưng kẻ tiểu nhân đã bỏ mất sự sai biệt ấy cho nên vẫn còn đồng hóa mình với cầm thú, và cư xử theo bản năng thấp kém của cầm thú. Người quân tử thì biết bảo tồn sự sai biệt ấy, khắc phục bản năng thú cầm để vượt lên trên loài cầm thú . Chẳng hạn bản năng ăn uống, sự đói và khát có thể làm hại tâm (đói ăn vụng, túng làm càn), nhưng con người có thể ngăn chặn và khống chế mối nguy hại đó. Thà đói khát chứ không làm điều sai quấy. Nếu người ta có thể ngăn cản mối hại của đói khát đừng hại lây đến lòng dạ mình, như vậy dẫu mình chẳng bằng người nhưng lòng mình chẳng lo buồn" (Nhân năng vô dĩ cơ khát chi hại vi tâm hại, tắc bất cập nhân, bất vi ưu hỹ- Mạnh Tử-).
                 
                 Người quân tử, theo Nho giáo, là người biết mục đích cao cả của kiếp người, biết cái "thiên mệnh" mà trời trao cho con người, nghĩa là biết cái viễn đích (mục đích xa) tối hậu của nhân sinh. Người quân tử có thể tóm ở những chữ : Nhân, Trí, Dũng, Lễ, Nghĩa, Trung, Tín, Thành, Hiếu Đễ, Khoan Thứ, Tự Cường, Hiếu học ...
                - Vì Nhân (bác ái) nên lòng yêu người tỏa khắp, mong muốn người khác cũng được hạnh phúc. Vì yêu thương nhân loại, nên lòng khoan dung độ lượng thứ tha. Không nhớ lỗi lầm người khác, mà chỉ chú trọng giáo hóa họ nên người.
                - Vì Trí nên biết khôn ngoan suy xét điều phải điều trái, biết minh triết bảo thân trong cảnh nguy nan, biết phân biệt, kẻ xấu người tốt trong vấn đề xử lý tiếp cận. Nếu lỡ giao du với kẻ xấu, thì phải tuyệt giao với họ nhưng không nói xấu cho họ.
                - Vì Dũng nên không biết sợ sệt là gì. Thấy việc nghĩa bèn ra tay hành động. Nếu đã hành động thì phải thiết thực chứ không chỉ ở lời nói suông.

                - Vì Lễ nên giữ được hòa khí, trong nhà chẳng ai ghét, trong xã hội chẳng ai oán mình. Giữ được lễ nên trong việc giao tiếp với người tránh được sỗ sàng, dù giao du đã lâu. Trong việc lễ, quý nhất là ở lòng thành chứ không phải hình thức xa hoa lòe loẹt. Khắc kỷ, phục lễ cũng gọi là nhân vậy. Phục lễ nên tự chủ, không tranh chấp với ai, tuy hợp quần với người nhưng không kéo bè kết đảng.
                - Vì Nghĩa nên luôn giữ sự công chánh, chẳng tranh giành với ai. Mỗi khi thấy món lợi thì nghĩ đến điều nghĩa mà xét có nên thu nhận chăng? Nghĩa là gì ? Chẳng qua là công ích và lẽ phải, cho nên quân tử không từ nan làm việc gì dù lớn dù nhỏ, miễn là việc ấy hợp nghĩa. Điều phi nghĩa đã đành không phạm, nhưng chính trong ý nghĩ cũng không được tơ tưởng đến nó. Người quân tử dù nghèo, vẫn an vui cảnh nghèo, không vì cùng khốn mà làm điều phi nghĩa. Đã nghèo nhưng không oán than. Đối với người cầm quyền, nếu họ sai lạc (làm điều phi nghĩa) thì người quân tử dũng cảm can gián không sợ mích lòng, thà vậy còn hơn là xu phụ dối gạt họ. - Vì Trung nên giao du với bằng hữu thì hết lòng, làm việc cho người thì hết dạ. Vì trung nên làm việc cho ai hoặc phụng sự ai thì hết lòng, không phản bội. Nhưng cái trung đó không phải là lòng trung máy móc và thiển cận (ngu trung). Bậc quân tử ngay cả lúc phụng sự vua đâu phải vì cá nhân nhà vua, mà chính vì lẽ đạo. Nếu vua mà vô đạo thì trung làm gì.

                - Vì Tín mà hành xử. Tín là tin mình, tin người. Nhờ chữ tín đó mà thành người. Vì tự tin vào mình nên dù ai không biết tài đức của mình, mình cũng không buồn không oán. Tự tin vào tài đức của mình, càng ngày càng trau dồi, để một mai kinh bang tế thế, bấy giờ người biết mình cũng không muộn. Vì có tin nhau nên việc mới thành tựu, người mà không tín thì không biết ra thế nào.
                - Vì Thành, nhờ lòng thành ấy mà người khác mới tin tưởng mình. Những lễ lạc cũng chủ yếu là ở lòng thành chứ không phải hình thức xa hoa lòe loẹt bề ngoài.
                - Vì Hiếu Đễ, Hiếu là cái đạo đối với cha mẹ. Đễ là cái đạo đối với anh chị em. Đó là kính những người cha mẹ đã tôn trọng, yêu những người cha mẹ đã yêu mến, thờ cha mẹ lúc chết cũng như sống, lúc cha mẹ mất mà tưởng như hãy còn, ấy là chí hiếu vậy. Cái Đạo đối với anh chị em là mỗi người phải ăn ở đúng phận mình, anh ra anh, em ra em. Đễ là gì ? Chẳng qua là đạo phụng sự huynh trưởng. Theo Nho giáo, hiếu đễ là đầu mối của lòng nhân (bác ái) nếu ta chẳng yêu cha mẹ ta, chẳng tôn kính anh em ta mà bảo rằng yêu mến tôn kính người và cha mẹ người khác, đó là lừa bịp.
                - Vì Khoan Thứ, là lòng bao dung quảng đại của bậc quân tử. Bởi lẽ tiểu nhân là "quân tử chưa thành và sẽ thành", cho nên người quân tử chú trọng giáo hóa tha nhân hơn là ghét bỏ họ. Quân tử không nhớ lỗi lầm người khác. Con người phạm điều ác, bởi lẽ họ không nhận ra cái ranh giới phân định giữa con người và cầm thú. Người quân tử không những nhìn ra cái ranh giới ấy mà còn giáo hóa tha nhân để họ phân biệt được cái ranh giới ấy và vươn lên cao hơn loài cầm thú bằng cách khắc phục bản năng tự nhiên. Quân tử khoan thứ cho người, nhưng không khoan thứ cho mình. Lúc nào cũng phải quán xét để tu thân, nếu mình có lỗi phải can đảm cải hối. Việc tu thân đó luôn luôn bền bĩ gắng công, không biết mệt mỏi.
                - Vì Hiếu Học, người muốn tu thân thì phải hiếu học. Ham học hỏi nghiên cứu thì sẽ khôn ngoan hiểu biết. Học thì phải thực hành. Cái việc học tập của người quân tử cũng giống như công việc của người thợ làm ngọc, luôn luôn mài dũa trau chuốt mới có ngọc quí. Cái học của người quân tử là đem ra giúp dân giúp nước, kinh bang tế thế. Cho nên khi người quân tử cầm quyền thì tôn chỉ phải là sửa đổi con người và sửa đổi xã hội. Sửa đổi con người để xã hội hoàn thiện hơn, đồng thời sửa đổi xã hội để con nguời được hạnh phúc hơn. Đó là hai công việc song hành và phải được tôn trọng như nhau. Cho nên bậc cai trị phải luôn tu thân mới đủ tư cách dẫn đạo dân chúng. Nhờ tu thân mà tâm hồn trong sạch, tác phong hợp lễ, đạo đức tràn đầy. Nhà cai trị lẫn nhân dân đều phải xem việc tu thân làm gốc.


                Người ta rất dễ dàng nhận ra đâu là tiểu nhân, đâu là quân tử. Người quân tử thì chú trọng vào nghĩa, kẻ tiểu nhân chú trọng vào lợi. Tiểu nhân chỉ lo trau chuốt bề ngoài, trọng hư danh, lời lẽ xảo trá. Sở dĩ như vậy vì họ mong dối gạt người. Họ sợ người khác phê phán nên phải tạo cái vỏ bọc đó để che đậy lòng dạ xấu xa. Còn quân tử hiểu giá trị của mình (dù ai không biết, không hiểu mình cũng không sao) nên tự trông cậy vào chính mình. Tiểu nhân thường kiêu căng hợm hĩnh nhưng trong lòng không bao giờ thư thái, còn quân tử lòng dạ thư thái mà không kiêu mạn. Tiểu nhân thích a dua bè đảng cho nên dẫu chung đụng với mọi người nhưng luôn tạo mối bất hòa. Quân tử thì ngược lại, dẫu chung đụng với nhiều người nhiều tầng lớp nhưng luôn giữ hòa khí. Quân tử là người nhân nghĩa nên lúc nào cũng cảm thấy an tâm thư thái, tiểu nhân thì ngược lại. Quân tử làm cho người được tốt đẹp, tiểu nhân chỉ mong gieo điều ác cho người. Tiểu nhân mà nắm vận mệnh quốc gia, thì là đại họa. Quân tử có hoài bão cao đẹp, tiểu nhân thì không. Về mặt xã hội loài người, theo Nho giáo thì bậc cai trị phải có lòng nhân, tức là phải yêu thương dân, vui cái vui của dân và lo cái lo của dân. Thực ra là phải lo trước cái lo của dân và vui sau cái vui của dân. Bậc cai trị phải lấy dân làm gốc và phải tâm niệm rằng: quý nhất là dân, sau đó là quốc gia, và thấp nhất là nguời cai trị (Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh). Cho nên người cai trị phải mưu cầu hạnh phúc cho dân. Muốn vậy, phải biết trọng hiền tài, vời họ ra giúp dân giúp nước. Nếu không tin vào bậc hiền tài thì nước trống không, nếu không có lễ nghĩa thì nước sẽ loạn. Nhờ chính sách chiêu hiền đãi sĩ, kẻ sĩ trong nước không bỏ mà đi, kẻ hiền tài ở xa xôi hâm mộ mà quy phục, như vậy quốc gia mới mau phú cường, dân mới chóng hạnh phúc.  Đã dùng người hiền tài thì phải trao thực quyền cho họ, đừng khiến cho họ chỉ có hư vị. Và thận trọng đừng chọn lầm mà khiến kẻ tiểu nhân ti tiện vượt lên trên người tôn quí (quân tử). Một chính quyền tốt phải áp dụng nhân trị (dùng nhân đức để thu phục người dân), nếu dùng bạo lực cường quyền thì dân bất đắc dĩ phải tuân theo nhưng lòng dân chẳng phục. Như vậy Nho giáo quan niệm rất rõ ràng về con người xã hội. Mỗi cá nhân chính là phần tử bất khả phân của xã hội. Cho nên mỗi cá nhân phải có trách nhiệm với xã hội. Rõ ràng cuộc sống con người đâu phải là rỗng tuếch vô vị, một mặt con người phải tự sửa đổi mình (tu thân). Chính sự tự sửa đổi đó đưa con người đến một giá trị tôn quí siêu việt hơn cầm thú. Và chính sự sửa đổi đó là nguồn gốc của văn minh. Nhưng mặt khác, con người phải sửa đổi xã hội, bằng cách sửa đổi lẫn nhau, sao cho những con người chỉ biết sống bằng bản năng (tiểu nhân) tiến hóa lên con người văn minh (quân tử). Nếu được vậy, thiên hạ thái bình.
                 
                Trở lại vấn đề đã nêu ở trên: Sự tiến hóa của con người rõ ràng trước mắt là làm cho xã hội hoàn thiện hơn, hạnh phúc hơn. Nhưng sự tiến hóa ấy còn đi về đâu nữa ? Sự tiến hóa ấy rõ ràng là có định hướng vậy cái viễn đích xa xôi tối hậu ấy là gì? Theo quan niệm của Nho giáo, con người không chỉ là con người xã hội (tiểu nhân và quân tử) mà còn là con người siêu xuất xã hội. Con người siêu xuất ấy gọi là "thánh nhân". Thánh nhân cũng là con người như chúng ta, nhưng thánh nhân đã vượt ra khỏi đồng loại, siêu xuất trên xã hội người đời, và là kẻ siêu quần bạt tụy. Thánh nhân là người đạt đạo, là Trời được nhân cách hóa , tức là đã Phối Thiên (phối hợp với trời ). Như vậy trong cái nhìn của Nho giáo, con người không phải đơn thuần là con vật hai chân. Cái sinh vật ấy tiềm ẩn trong lòng thiên tánh cao đẹp, toàn thiện, toàn mỹ. Nếu cái thiên tánh ấy chưa được nhận chân, con người vẫn còn giống với cầm thú (tiểu nhân). Nhận ra cái thiên tánh ấy và tu tập để nâng cao phẩm cách con người, để thành con người tiến hóa thì gọi là quân tử. Nhưng định mệnh con người không dừng lại ở chỗ vị trí quân tử (dù rằng vô cùng gian nan khó nhọc mới đạt được vị trí này) mà còn tiến hóa tới cái viễn đích là phối thiên và đó là ngôi vị thánh nhân. Thành quân tử đã khó, thành thánh nhân lại càng khó hơn. Theo quan niệm của Mạnh Tử, khoảng 500 năm mới có một thánh nhân ra đời. Thôi thì chúng ta hãy tạm gác lại quan niệm về con người thánh nhân này, mà hãy nhìn lại con người xã hội theo Nho giáo.
                 
                 Với phương Tây thì ảnh hưởng của Nho giáo không có gì đáng nói lắm, có thể nói là "xa lạ". Chỉ một số ít học giả Tây phương nghiên cứu về Nho giáo và vài học giả điển hình như James R. Wave đã nhận xét : "Việc nghiên cứu kỹ lưỡng Luận Ngữ có thể giải quyết vấn đề đạo đức sâu thẳm của người Tây phương. Đọc sách về Nho giáo có thể giúp ta xác định lại những niềm tin tôn giáo truyền thống và có thể giúp ta nhận thức lại giá trị tình cảm và lý tưởng con người."

                Tôi không phải nho gia và kiến thức về Nho giáo rất là hạn hẹp. Nhưng là con người thì có lẽ ai cũng có đôi lúc băn khoăn khoắc khoải về "thân phận và định mệnh của con người", với cái câu hỏi cũ rích từ ngàn xưa: "Ta là Ai? Ta đến từ đâu? Ta đi về đâu?" Nói cách khác là tôi chỉ đọc "lung tung" với mục đích tìm hiểu và tìm "trả lời" cho riêng bản thân tôi và ghi chép lại những lời dạy của cổ nhân và những nhận xét thô thiển của mình để chia xẻ với đọc giả. Cảm nhận của tôi khi đọc những tiêu chuẩn để trở thành "con người quân tử" của Nho giáo thì quả thật "quân tử" đúng là cái mẫu một con người "hạnh phúc, văn minh, lịch sự, toàn thiện, toàn mỹ" dù là trong xã hội hiện đại của con người như ngày nay, " một con người đúng thật là NGƯỜI". Và con người này, cách đây hơn 2500, đã được Khổng Tử diễn tả và dạy cách tu tập để trở thành. Nhưng nhìn vào thực tế, thì mẫu người quân tử này của Nho giáo hình như còn rất hiếm và có thể nói là gần giống như một động vật quý trên đường tuyệt chủng trong xã hội hiện đại của con người ngày nay. Tại sao lại như vậy? Nếu quan niệm "nhân chi sơ, tính bổn thiện" và con người là "linh ư vạn vật", là "thiên địa chi tâm" là đúng thì đa số con người chắc ai cũng sẽ ao ước và muốn trở thành " người quân tử". Bỏ hay loại các xã hội Tây phương và các xã hội mà Nho giáo không có ảnh hưởng ra. Chúng ta cứ nhìn vào xã hội của Trung Hoa và Việt Nam nơi mà Nho giáo đã có ảnh hưởng sâu đậm từ nghìn năm qua... Đáng lẽ trong hai xã hội này, theo lý lẽ thông thường thì qua một thời gian mấy ngàn năm, số lượng con người "quân tử" phải tăng thêm lên chứ tại sao lại giảm và có thể đang trên đường biến mất. Hãy tưởng tượng là chỉ 1/10 dân số (TQ có hơn 1 tỉ người và VN có hơn 80 triệu) của hai nước này đạt đến trình độ "quân tử" thì chắc xã hội Trung Hoa và Việt Nam đã là những xã hội con người "mẫu mực" của cộng đồng thế giới. Chủ thuyết Cộng sản và xã hội Cộng sản sẽ không có cơ hội hình thành (chúng ta không cần đi sâu vào lý thuyết hay chi tiết, cứ căn cứ vào thực tế của xã hội như đang thấy ở trước mặt. Đã là người Trung Hoa và Việt Nam thì chắc không ai lạ gì về giá trị của con người trong xã hội Cộng sản ở những nước này (- đấu tố cha mẹ, phản bội bạn bè, mưu mô, gian dối, xảo trá, bè đảng, vây cánh... lừa bịp, gạt gẫm nhau .... vì quyền lợi riêng tư hay của một tập thể nhỏ). Ranh giới giữa con người và cầm thú không còn rõ rệt, và nếu so sánh thì con người có thể còn tệ hơn cầm thú trên một vài phương diện nữa. Dã thú "giết" vì nhu cầu tối cần thiết để "sinh tồn" và hiếm có loài vật nào giết đồng chủng để sinh tồn. Xét về phương diện này, căn cứ vào những sự kiện thực tế và lịch sử, thì con người Cộng sản còn thua cả các loài cầm thú. Ở Việt Nam chúng ta có thể nhìn vào những sự kiện lịch sử như: Cuộc cải cách ruộng đất, đánh tư sản, trại cải tạo, kinh tế mới , lùa dân ra biển ("đăng ký" vượt biên) và bây giờ thì "bán dân" ra xứ người làm nô lệ ... Chưa kể đến những cuộc thanh toán khốc liệt trong nội bộ đang được bưng bít .
                 
                Tôi không có thắc mắc gì về phẩm chất của người quân tử theo quan niệm Nho giáo mà cái thắc mắc chính của tôi là những người "quân tử" của Nho giáo của thời đại này đang ở đâu? Và không lẽ mẫu người "quân tử" của Nho giáo chỉ có thể có trên lý thuyết mà thôi sao? Vì bằng chứng hiển nhiên trước mặt là trong hai xã hội TH & VN này, con người và xã hội con người đang đi ngược dòng tiến hóa của con người. Thay vì tiến đến con người tốt hơn con người ngày hôm qua ... thì những người Cộng Sản đang hướng dẫn con người quay ngược trở lại với bản năng cầm thú trong con người. Và gần 1/3 nhân loại ( với ảnh hưởng sâu đậm của Nho giáo) đang cúi đầu khuất phục "nhắm mắt bịt tai" đi theo sự hướng dẫn dù bằng miếng ăn nhỏ, lợi lộc lớn, hay vũ lực... thì cũng là một bằng chứng hùng hồn là số lượng "con người quân tử" rất ít hoặc đã biến mất trong xã hội Cộng sản. Tại sao lại như vậy? Vì tiêu chuẩn quân tử quá cao và đại đa số con người không có khả năng tu tập để trở thành quân tử? Hoặc con người vốn "Nhân chi sơ tính bổn Ác"? Hoặc tại "mệnh Trời" ... và Trời muốn trừng phạt dân tộc Trung Hoa và Việt Nam ?
                 
                 Xứ lạ, ngoài trời tuyết đang rơi, vẫn còn tự hỏi: "Tôi là Ai? Tôi đến từ đâu? Tôi đi về đâu?" Và đang tự an ủi mình: "Tôi ơi, đừng tuyệt vọng !".
                 
                LÝ LẠC LONG (22/11/05)

                Ghi chú : Phần luận bàn về  “Con người, Tiểu nhân, Quân tử và Thánh nhân”  theo quan niệm Nho giáo một phần lớn được tham khảo và trích lại từ bài viết “ Con người trong cái nhìn của Nho giáo” của tác giả Lê Anh Minh làm cơ sở để diễn đạt thêm chút suy tư của tôi về con người.
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 19.04.2007 21:57:25 bởi Lý Lạc Long >
                #68
                  Tram Anh 06.06.2007 05:34:40 (permalink)
                  Kính chào LLL,

                  Có lẽ những bài tản mạn này mà Trâm Anh đã nhắc đến bên diển đàn khác là của cùng một tác giả mang cái nick khác, phải không thưa LLL? 

                  Những bài này rất có giá trị theo từng bài của nó. Cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần cho nó thấm cái ý nghĩa thì mới thấy nó hay.  Ví dụ như bài "Một Chút Suy Tư Về Thân Phận Con Người" hay "Nhẫn Nhịn Và Nhu Nhượcthật giá trị và ý nghĩa. Trâm Anh thích đọc những bài như thế này rất hay. Cám ơn LLL có thể đem về bên kia thì cũng tốt lắm đó.

                  Kính chúc LLL luôn vui mạnh.

                  Trâm Anh

                  #69
                    Lý Lạc Long 06.06.2007 08:58:08 (permalink)

                    Trích đoạn: Tram Anh

                    Kính chào LLL,

                    Có lẽ những bài tản mạn này mà Trâm Anh đã nhắc đến bên diển đàn khác là của cùng một tác giả mang cái nick khác, phải không thưa LLL? 

                    Những bài này rất có giá trị theo từng bài của nó. Cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần cho nó thấm cái ý nghĩa thì mới thấy nó hay.  Ví dụ như bài "Một Chút Suy Tư Về Thân Phận Con Người" hay "Nhẫn Nhịn Và Nhu Nhượcthật giá trị và ý nghĩa. Trâm Anh thích đọc những bài như thế này rất hay. Cám ơn LLL có thể đem về bên kia thì cũng tốt lắm đó.

                    Kính chúc LLL luôn vui mạnh.

                    Trâm Anh



                    Kính chào Trâm Anh,

                    Vâng, TA nói đúng rồi ...  của cùng 1 người.
                    HTL cũng có nhắn lại lời của TA và LLL sẽ làm như yêu cầu của TA.  Chân thành cám ơn TA đã thưởng thức và sự ưu ái của các Bạn dành cho. Đây là một khích lệ tinh thần rất lớn cho người viết .

                    LLL cũng xin kính chúc Trâm Anh mọi chuyện vui vẻ và như ý.

                    Best regards,
                    Lý Lạc Long
                    <bài viết được chỉnh sửa lúc 06.06.2007 08:59:32 bởi Lý Lạc Long >
                    #70
                      Thay đổi trang: << < 45 | Trang 5 của 5 trang, bài viết từ 61 đến 70 trên tổng số 70 bài trong đề mục
                      Chuyển nhanh đến:

                      Thống kê hiện tại

                      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                      Kiểu:
                      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9