(url) John Steinbeck
Trương Củng 16.01.2006 10:55:05 (permalink)
John Steinbeck (1902-1968) Nobel 1962
Phạm Văn Tuấn
Nguồn: vietsciences.free.fr

[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/5617/44CF116829B047379AF83D511E8CFDB2.jpg[/image]


John Steinbeck ra đời vào ngày 27 tháng 2 năm 1902 tại Salinas thuộc tiểu bang California. Cha của nhà văn là ông John Ernst Steinbeck đã tới định cư tại nơi này sau khi Cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ chấm dứt. Bà mẹ của nhà văn tên là Olive Hamilton, là một giáo viên dạy tại nhiều trường thuộc khu vực Salinas. John Steinbeck đã trưởng thành trong miền thung lũng đẹp và trù phú này nên đây là nơi mà nhà văn đã tìm thấy nhiều chất liệu để viết ra các tiểu thuyết về sau.
Vào tuổi thiếu thời, trí tưởng tượng của John Steinbeck đã được nuôi dưỡng do bà mẹ, một bà giáo, thường đọc cho con nghe nhiều cuốn truyện trong nền văn chương thế giới. Các tác phẩm của Dostoevsky, Milton, Flaubert, George Eliot, Malory, Thomas Hardy. . . đã gây hứng thú sâu rộng tới cậu bé John ham đọc sách, rồi về sau, John Steinbeck còn xác nhận chịu ảnh hưởng của Darwin, Marx và Bộ Thánh Kinh với bản dịch của Vua James.
Sau khi tốt nghiệp trường trung học Salinas, John Steinbeck ghi danh vào Đại Học Stanford nhưng rồi do bản chất ưa thích phóng khoáng, không chịu ép mình theo kỷ luật học đường, John Steinbeck đã không tốt nghiệp đại học. Trong 5 năm của thập niên 1920, John Steinbeck đã lãnh nhiều công việc làm, kể cả làm trong đồn điền Spreckles tọa lạc 10 dậm phía nam của Salinas và kinh nghiệm từ nơi làm việc này đã khiến cho tác giả John Steinbeck sau này viết ra tác phẩm “Về Chuột và Người” (Of Mice and Men, 1937).
Vào năm 1922, John Steinbeck làm nhân viên hóa chất (bench chemist) tại cơ xưởng chế tạo đường củ cải (sugar-beet factory) gần Salinas và địa điểm làm việc này đã được nhà văn dựng thành cuốn truyện “Tortilla Flat” (1935). Sau đó John Steinbeck cùng người em Mary theo học khóa hè của cơ sở Hopkins Marine Station tại Pacific Grove, gần Monterey. Sự hiểu biết của nhà văn về sinh học biển (marine biology) đã bắt đầu từ nền giáo dục này.
Từ khi bỏ ngang không theo đại học, John Steinbeck xuống tầu từ Los Angeles vào tháng 11- 1925, đi New York qua ngả Kênh Đào Panama. Tại New York, John Steinbeck làm công nhân xây dựng tại Madison Square Garden rồi chán nản trước nghề lao động, ông quay về miền tây, sống tại hồ Fallen Leaf, gần hồ Tahoe. Chính tại nơi có phong cảnh rừng thông, hồ rộng này, bắt đầu cuộc đời của một nhà văn viết tiểu thuyết. John Steinbeck phác thảo cuốn truyện “Ly Vàng” (Cup of Gold) và vào thời gian này, tác giả đã gặp cô Carol Henning, người nhận đánh máy bản thảo. Năm 1929, cuốn truyện “Ly Vàng” được xuất bản nhưng bán không chạy, nhất là vào thời gian này nền kinh tế của Hoa Kỳ bắt đầu xuống dốc với nhiều ngân hàng đóng cửa, nhiều cơ sở thương mại phải khai phá sản.
Năm 1930, John Steinbeck kết hôn với cô Carol Henning, họ dọn về sống trong một căn nhà mùa hè của cha mẹ tại Pacific Grove và nhà văn bắt đầu sáng tác cuốn tiểu thuyết thứ hai có tên là “Nói với Thượng Đế không biết” (To a God Unknown, 1933). Tại Pacific Grove, John Steinbeck đã gặp Edward Ricketts, một nhà sinh học biển và ông này trở thành người bạn lâu năm và cũng là nhân vật “Doc” trong tác phẩm “Cannery Row” về sau. Vào thời gian này, John Steinbeck bắt đầu viết cuốn truyện “Mục Trường của Thiên Đường” (Pastures of Heaven), được xuất bản năm 1932 nhưng bán không chạy. Khi bà mẹ Olive Steinbeck bị bệnh nặng, bên giường của mẹ, nhà văn khởi tác cuốn truyện “Con Ngựa con Màu Đỏ” (the Red Pony) với phần đầu xuất hiện trên tạp chí North American Review.
John Steinbeck chịu cảnh sống eo hẹp của nhà văn chưa thành danh cho tới năm 1935 khi tác phẩm “Tortilla Flat” được xuất bản, mô tả một cách khôi hài các cuộc phiêu lưu của nhóm người Mỹ gốc Mễ, ưa thích vui thú, uống rượu, ăn trộm, theo đuổi phụ nữ, đam mê âm nhạc và nhẩy múa . . . Cuốn tiểu thuyết này đoạt Huy Chương Vàng của Câu Lạc Bộ Commonwealth tại San Francisco và được Hollywood mua bản quyền với giá tiền $3,000. Kể từ nay, John Steinbeck cảm thấy vững tâm khi kiếm sống bằng cây viết.
Vào năm 1936, gia đình Steinbeck dọn về sống tại Los Gatos, California, và nhà văn cho xuất bản cuốn truyện “Trong Trận Chiến không được thua” (In Dubious Battle) qua đó đề cập tới các loại bạo hành kinh tế, các cuộc đình công và con người trong các hoàn cảnh tranh chấp. Nội dung của cuốn tiểu thuyết này đã gây ra nghi ngờ về lý thuyết Mác Xít của tác giả đồng thời độc giả cũng phải chú ý tới nhà văn John Steinbeck. Kể từ thời kỳ này, các truyện ngắn của John Steinbeck dần dần được in trên các tạp chí có tầm quan trọng toàn quốc như Harper’s và Esquire rồi nhà văn được đề nghị viết một loạt bài cho tờ báo San Francisco News, liên quan tới các công nhân.
Năm 1937, John Steinbeck cho ra đời cuốn tiểu thuyết “Về Chuột và Người” (Of Mice and Men). Đây là câu chuyện bi thương giữa hai công nhân di cư gắn bó với nhau. Cuốn tiểu thuyết này đã được Câu Lạc Bộ Sách Trong Tháng (Book-of-the-Month Club) chọn lựa và tác giả John Steinbeck được Hội Văn Học (The Best Literary Society) ca ngợi tại thành phố New York. Sau đó nhà văn tới sống tại Hạt Bucks (Bucks county) thuộc tiểu bang Pennsylvania để cộng tác với George Kaufman trong việc đưa tác phẩm lên sân khấu, với kết quả là tác phẩm “Về Chuột và Người” đã thành công theo kịch nghệ hơn là về mặt tiểu thuyết, đã giật được Giải Thưởng Phê Bình Kịch New York (the New York Drama Critic Circle ‘s Award) ngay từ vòng bỏ phiếu đầu tiên rồi sau đó kịch bản này được chuyển thành một cuốn phim hấp dẫn.
Để viết ra các cuốn tiểu thuyết, John Steinbeck thường phải sống, làm việc và hiểu rõ về loại người mà nhà văn muốn mô tả. Vì vậy ông đã đi tới tiểu bang Oklahoma trong khi vở kịch “Về Chuột và Người” đang được trình diễn trên sân khấu Broadway. John Steinbeck tham gia cùng các di dân trên con đường hướng về California, cư ngụ với họ tại Hoovervilles, xin việc làm giống như họ, hòa đồng vào loại người trôi dạt này để hiểu rõ các đặc tính của họ. John Steinbeck đã thăm viếng nhiều trại di dân, quan sát hoàn cảnh làm việc của họ và mô tả các cảnh ngộ của những người thiếu may mắn này.
Vào năm 1938, một tập các truyện ngắn của John Steinbeck xuất hiện với tên là “Thung Lũng Dài” (The Long Valley) rồi tiếp theo là cuốn truyện “Máu của họ thì Mạnh” (Their Blood is Strong) gồm những bài viết về các công nhân di cư, đăng trên tạp chí San Francisco Chronicle. Qua năm 1939, tác phẩm “Chùm Nho Uất Hận” (The Grapes of Wrath) đã gây ra sóng gió tại Hoa Kỳ và tại các nước khác. Ngay sau khi xuất bản, cuốn tiểu thuyết này đã trở thành “loại bán chạy nhất” (a best-seller). Nhà đạo diễn Darryl Zanuck đã mua bản quyền của tác phẩm, cho các thám tử tới Thung Lũng Trung Tâm (the Central Valley) để điều tra sự chính xác của câu chuyện trước khi cốt truyện được chuyển thành phim.
Do đề cập tới sự thiếu công bằng, thiếu bao dung và cảnh bóc lột người lao động, cuốn “Chùm Nho Uất Hận” bị coi là một tiểu thuyết “cấp tiến” (a radical novel), đã bị Quốc Hội Hoa Kỳ lên án. Cuốn tiểu thuyết này cũng bị cấm đoán tại tiểu bang Oklahoma, bị phản đối dữ dội tại California cùng với các lời chỉ trích tác phẩm rải rác tại nhiều nơi. Tác phẩm kể trên đã gây nên sóng gió vì nhiều người đã quên rằng đây không phải là một bản tuyên ngôn chính trị, mà chỉ là một cuốn tiểu thuyết hư cấu, một sáng tác nghệ thuật mang cấu trúc tượng trưng và ẩn dụ (allegorical). Các kẻ chống đối đã không nhớ rằng tác giả muốn nói lên ý nghĩa của sự tự do của con người, đề cập tới tiềm năng của linh hồn và sự liên hệ giữa cá nhân với tập thể, với lương tri của tập thể này. Chủ đích của tác giả không phải là một công cuộc cải cách xã hội mà là một mục tiêu có tính tự nhiên phối hợp với nền đạo đức theo siêu nhiên và theo Thánh Kinh.
Đồng thời với các lời phản đối, hơn nửa triệu ấn bản cuốn “Chùm Nho Uất Hận” đã được bán hết và tác phẩm này được dịch sang nhiều ngôn ngữ để phổ biến trên khắp thế giới. “Chùm Nho Uất Hận” đã trở thành một biến cố lịch sử và văn chương. Các danh dự dồn về phía tác giả kể cả Giải Thưởng Pulitzer và Giải Thưởng Sách Hoa Kỳ (the American Bookseller ‘s Award). John Steinbeck được mời làm hội viên của Viện Nghệ Thuật và Văn Chương Quốc Gia (the National Institute of Arts and Letters).
Năm 1939, John Steinbeck cùng với người bạn Edward Ricketts tham dự một cuộc khảo sát sinh học biển (marine-biological) dọc theo bờ biển phía bắc của tiểu bang California, tới Vịnh California và cuộc hành trình này được mô tả trong cuốn truyện “Vùng Biển của Cortez” (The Sea of Cortez). Tháng 4 năm này, John Steinbeck qua xứ Mexico để thực hiện cuốn truyện phim tài liệu “Ngôi Làng bị bỏ quên” (The Forgotten Village). Nhà văn John Steinbeck đã mải mê tìm hiểu sự vật, bỏ quên tại Pacific Grove người vợ Carol. Năm 1942 bà Carol Henning đã nạp đơn xin ly dị với nhà văn và kết quả là John Steinbeck phải dàn xếp bằng số tiền $220,000 theo sau cảnh chia ly.
Khi Hoa Kỳ tham dự vào Cuộc Thế Chiến Thứ Hai, John Steinbeck là phóng viên chiến trường vào năm 1943, đã viết ra tác phẩm và truyện phim “Câu chuyện của một đội phi hành trên Oanh Tạc Cơ” (Bombs Away : The Story of a Bomber Team) và tiểu thuyết kịch ngắn (play-novella) có tên là “Mặt Trăng lặn” (The Moon is Down), một tác phẩm rất phổ biến tại miền Bắc châu Âu và được truyền bá một cách lén lút tại các quốc gia bị Đức Quốc Xã chiếm đóng.
Sau lần ly dị, John Steinbeck qua sống trong tiểu bang New York rồi vào năm 1943, ông kết hôn với cô Gwyndolen Conger, có hai người con trai sinh năm 1944 và 1946. Nhà văn cũng xin làm phóng viên tại nước Anh và vùng Bắc Phi cho tờ báo Diễn Đàn New York (the New York Herald Tribune). Cũng vào thời kỳ này, John Steinbeck viết cốt truyện cho cuốn phim “Suồng Cấp Cứu” (Lifeboat) của Hitchcock và cuốn phim tuyên truyền “Huy Chương cho Benny” (A Medal for Benny) của Jack Wagner.
Năm 1945, cuốn tiểu thuyết “Cannery Row” được xuất bản, trong đó vẫn mang đặc tính chỉ trích xã hội của tác giả. Nhà văn John Steinbeck sau đó đã dùng các tài liệu thu thập được trong chuyến đi khảo sát tại xứ Mễ Tây Cơ để viết ra cuốn tiểu thuyết “Ngọc Trai” (The Pearl), về sau được dàn dựng thành phim, đồng thời cuốn tiểu thuyết dài “Chuyến Xe Buýt bất thường” (The Wayward Bus) tuy được chọn làm Sách-trong-Tháng (Book-of-the-Month), thành công về mặt tài chính nhưng không nhiều về mặt nghệ thuật.
Năm 1948 là năm pha trộn thành công và tai họa đối với John Steinbeck. Ông được bầu vào Hàn Lâm Viện Nghệ Thuật và Mỹ Tự Hoa Kỳ (The American Academy of Arts and Letters) nhưng đồng thời cũng chịu đựng cuộc ly dị lần thứ hai và bị mất người bạn thân Edward Ricketts, chết trong tai nạn trên xa lộ.
Trong nhiều năm, John Steinbeck thường viết các bài báo và các truyện phim, đặc biệt là phim “Viva Zapata!”, xuất hiện năm 1950. Cũng vào năm này, cuốn tiểu thuyết “Phía Đông của Vườn Eden” (East of Eden) được xuất bản. Đây là cuốn truyện khó nhất và quan trọng nhất của John Steinbeck, là cách tái tạo câu chuyện theo Thánh Kinh kể về Cain và Abel, lồng vào trong lịch sử của thung lũng Salinas. Cốt truyện diễn tiến với ba thế hệ của một gia đình sinh sống trong tiểu bang California từ thập niên 1860 tới Thế Chiến Thứ Nhất, đã mô tả các tranh chấp giữa hai thế hệ anh em, một người tử tế là Adam Trask trái ngược với người em hoang tàn Charles, đề cập tới điều thiện và điều ác, phản ánh cấu trúc biểu tượng (symbolism).
Vào năm 1954, John Steinbeck cho xuất hiện cuốn tiểu thuyết “Ngày Thứ Năm ngọt ngào” (Sweet Thursday), một tác phẩm coi như kế tiếp cuốn truyện “Cannery Row”, với kết quả kém hơn so với những tiểu thuyết trước kia, vì thế vào năm 1961, Warren French cho rằng “ông Steinbeck có vẻ là một nhân vật được người khác viết ra nhiều hơn là chính ông viết”. Trước niềm bi quan của các nhà phê bình, John Steinbeck đã thắng lợi bằng tác phẩm “Mùa Đông Bất Mãn” (The Winter of Our Discontent). Trái với các chủ đề bất công kinh tế, phí phạm quốc gia, chịu đựng đau khổ ... của thập niên 1930, tác phẩm “Mùa Đông Bất Mãn” có khoảng thời gian là các năm thịnh vượng nhưng tác giả đã phân tích sâu xa và vững chắc các giá trị của con người trong một xã hội mà “người khôn khéo” (smart) móc túi các người khác trong khi mà hình ảnh của các chính khách và các nhà ái quốc được đóng hộp như các hộp xà bông, với tình yêu bị giảm giá thành một thứ đầu tư, với các tham vọng về bóc lột, khai thác kẻ khác.
Tác phẩm “Mùa Đông Bất Mãn” của John Steinbeck đã gặt hái ngay được các thành công rực rỡ do Giải Thưởng Nobel về Văn Chương của năm 1962 mang lại. Dù cho được sống trong hoàn cảnh rất thoải mái về tiện nghi, dư thừa về tiền bạc, dù cho tuổi cao và các lời khuyên can của bạn bè, của bác sĩ điều trị, John Steinbeck vẫn tham gia vào một công trình thám hiểm lục địa châu Mỹ bằng chiếc xe tải có chở đồ dùng cắm trại, có ngăn kéo chứa đầy bản đồ. Kết quả của cuộc hành trình này là tác phẩm “Các Cuộc Du Lịch với Charlie” (Travels with Charlie), một cuốn tiểu thuyết chứa nhiều vui, buồn, hấp dẫn, mà chỉ có tác giả John Steinbeck mới có thể sống theo cách đó và viết ra thành một tác phẩm văn chương.
Năm 1964, Văn Hào John Steinbeck được Tổng Thống Lyndon Johnson trao “Huy Chương Tự Do của Tổng Thống Hoa Kỳ” (The Presidential Medal of Freedom).
Vào tháng 5 năm 1968, Văn Hào John Steinbeck bị nghẽn mạch tim (heart attack) lần thứ nhất tại Sag Harbor rồi lần thứ nhì tại thành phố New York. Văn Hào qua đời vào ngày 20 tháng 12 tại New York, một thành phố rất cách xa nơi sinh trưởng và nơi dàn dựng của nhiều tác phẩm văn chương lừng danh.
Các tác phẩm của Văn Hào John Steinbeck là những cuốn truyện khai thác các đấu tranh của lớp dân nghèo, nói ra những lời chỉ trích các bất công trong xã hội, với nhiều nỗi thắc mắc trước cảnh sống và với cách khôi hài, tất cả đã hấp dẫn hàng triệu độc giả. Giống như Đại Văn Hào Shakespeare đã từng nói “ Tất cả thế giới đều là một sân khấu” (All the world ‘s a stage), Văn Hào John Steinbeck đã trình bày nhiều loại sân khấu bi-hài, bằng các tác phẩm mang các tên “Cannery Row”, “Mùa Đông Bất Mãn”, “Chùm Nho Uất Hận” ...

Tác phẩm:

Fiction - Books (Alphabetical)
Burning Bright
Cannery Row
Cup Of Gold
East of Eden
In Dubious Battle
Of Mice and Men
Pipe Dream
Sweet Thursday
The Acts Of King Arthur and His Noble Knights
The Grapes of Wrath
The Long Valley
The Moon Is Down
The Pastures of Heaven
The Pearl
The Red Pony
The Short Reign Of Pippin IV
The Wayward Bus
The Winter of Our Discontent
To A God Unknown
Tortilla Flat
Viva Zapata
Zapata: A Narrative in Dramatic Form on the Life of Emiliano Zapata
Books By Year Published
Cup Of Gold - 1929
The Pastures of Heaven - 1932
To A God Unknown - 1933
Tortilla Flat - 1935
In Dubious Battle - 1936
Of Mice and Men - 1937
The Red Pony - 1937
The Long Valley - 1938
The Grapes of Wrath - 1939
The Moon Is Down - 1942
Cannery Row - 1945
The Pearl - 1947
The Wayward Bus - 1947
Burning Bright - 1950
East of Eden - 1952
Sweet Thursday - 1954
Pipe Dream - 1955
The Short Reign Of Pippin IV - 1957
The Winter of Our Discontent - 1961
Viva Zapata - 1975
The Acts Of King Arthur and His Noble Knights - 1976
Zapata: A Narrative in Dramatic Form on the Life of Emiliano Zapata - 1993

Non Fiction - Books
Bombs Away
Their Blood Is Strong - 1938
Sea Of Cortez (with Edwards F. Ricketts) - 1941
A Russian Journal - 1948
The Log from The Sea of Cortez - 1951
Positano. Salerno, Italy: Ente Provinciale per il Turismo - 1954
Un American a New York et a Paris - 1956
Once There Was A War - 1959
Travels with Charley: In Search of America - 1962
America and Americans - 1966
Journal Of A Novel: The "East of Eden" Letters - 1969
Working Days: "The Journals of The Grapes of Wrath" - 1989
<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.12.2006 11:52:09 bởi TTL >
Attached Image(s)
#1
    Trương Củng 16.01.2006 10:58:41 (permalink)
    Chùm nho uất hận - John Steinbeck
    Phạm Văn Tuấn
    Nguồn: vietsciences.free.fr


    1/ Nội dung Tác Phẩm.
    “Chùm Nho Uất Hận” (The Grapes of Wrath) là câu chuyện kể về gia đình Joads, những người tá điền sinh sống trong tiểu bang Oklahoma. Tại vùng đất khô cằn thường xuyên này, một trận hạn hán dài đã làm cho đất đai không thể canh tác được và dù cho đã sống trên mảnh đất nghèo khó này trên một thế hệ, gia đình Joads vẫn phải tính cách di chuyển đi nơi khác lập cư. Theo như lời quảng cáo in trên các tờ truyền đơn, tại vùng California có nhiều công ăn việc làm như hái trái cây gồm có cam, đào, nho, vì thế hàng ngàn người đang đi trên con đường mòn dài 1800 dậm hướng về phía tây.
    Trước khi ra đi, gia đình Joads này được gặp lại đứa con trai lớn. Tom trở về với cha mẹ sau 4 năm bị giam trong nhà tù McAlestar vì tội giết người trong một cuộc đánh lộn. Cùng trở về với Tom là Jim Casy, một người giảng đạo đã bị mất niềm tin vào đạo Chính Thống (orthodox religion). Casy cho rằng không có tội lỗi, không có Thượng Đế, không có Chúa Jesus mà chỉ có con người và có thể tìm thấy Chúa Thánh Thần trong tình thương giữa người ngày với người khác.
    Để chuẩn bị lên đường, gia đình Joads đã mua một chiếc xe tải cũ và chất lên đó mọi thứ. Họ đã giết heo, bỏ lại các con chó, thu dọn đồ đạc và tới khi bà Má Joad đốt bỏ các bức thư không thể mang theo, gia đình Joads này bắt đầu gặp cảnh chia rẽ. Ông nội Grampa từ chối ra đi vì không muốn rời khỏi mảnh đất đã sinh sống lâu ngày. Để cho gia đình toàn vẹn, người nhà đã bỏ thuốc ngủ vào đồ uống của ông nội, làm cho ông bị mê man rồi đưa lên xe.
    Khi Casy hỏi ông Pa Joad xem anh ta có thể đi theo trên chiếc xe tải đã quá đông người này không, thì ông Pa đã từ chối nhưng bà má Ma lại giành quyền quyết định, cho rằng 13 người cũng giống như 12. Mọi người chuẩn bị xuất hành.
    Vào lúc này, trên Con Đường 66 hướng về phía tây có đầy người, với trẻ em và gia cầm. Những di dân này ra đi vì công việc làm ăn tại California. Dọc đường, họ bị các nhà buôn khinh rẻ, lường gạt ... bởi vì họ là những kẻ di dân nghèo. Các người trong gia đình Joads cũng giống như các di dân khác, đã ăn và ngủ trên xe cũng như bên cạnh chiếc xe tải. Vào ngày đầu tiên trong cuộc hành trình, ông nội Grampa đã bị tai biến mạch máu não (stroke) và qua đời. Gia đình Joads đã chôn ông già này bên đường. Trên đường đi, họ làm quen với gia đình Wilsons, giúp đỡ sửa xe rồi cả hai gia đình di dân cùng lên đường.
    Cũng trong cuộc hành trình, bà nội Granma mắc bệnh và ở trong tình trạng nguy kịch, nhưng gia đình Joads phải đi gấp qua sa mạc bởi vì họ không còn đủ tiền bạc. Sau đó bà nội Granma cũng qua đời và được chôn cất theo cảnh nghèo khó.
    Khi đã sang tiểu bang California, gia đình Joads mới nhận ra sự thật: các di dân không được vui vẻ đón nhận tại nơi này, có quá ít công việc làm. Nếu có người kiếm ra việc làm thì tiền lương cũng quá thấp, chưa đủ mua thực phẩm. Vì vậy gia đình này đành phải tạm trú trong khu doanh trại dơ bẩn gọi tên là Hoovervilles. Một hôm có người tuyển nhân công tới trại, một người bạn của Tom Joad hỏi han về lương bổng thì anh ta bị tố cáo là “cộng sản” và bị bắt. Tom Joad xông tới đánh lộn nên bị viên cảnh sát trưởng lùng bắt. Tới lúc này Casy tình nguyện ngồi tù thay thế cho Tom. Sau đó viên cảnh sát trưởng tuyên bố rằng toàn thể doanh trại di dân này sẽ bị đốt bỏ và gia đình Joads đành phải dọn vào một khu doanh trại do cảnh sát bảo vệ nhưng tại nơi đây, không thể kiếm ra việc làm. Gia đình Joads đành phải ra đi và trước khi tới đồn điền Hooper, họ nhìn thấy một đám đông đứng phản đối trước cổng đồn điền vì bị trả nửa lương. Đây là nhóm công nhân đang đình công và người lãnh dạo là Jim Casy. Casy thuyết phục Tom rằng giới công nhân phải đoàn kết lại.
    Sau đó, một nhóm băng đảng được thuê mướn để giết Jim Casy. Trong cuộc đánh lộn, Tom đã giết chết một kẻ sát nhân nhưng bị thương nặng tại mũi. Tom phải trốn trong các nệm giường chở trên xe tải trong khi gia đình Joads bỏ chạy khỏi đồn điền Hooper. Tiếp theo, gia đình này cư trú trong một khu vực gồm các toa xe lửa cũ, bỏ hoang, rồi do sự tiết lộ của đứa em gái Ruthie về tội trạng người anh lẩn trốn pháp luật, Tom phải chạy đi ẩn nấp trong một hang động. Cuối cùng Tom quyết định ra sống bên ngoài xã hội để tiếp tục công trình tranh đấu của Jim Casy.
    Tại nơi cư trú mới, gia đình Joads kiếm được công việc hái bông gòn nhưng một trận mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày đã gây nên cảnh lũ lụt. Khi phải từ bỏ toa xe lửa, lội qua vùng ngập nước tới một miền đất cao, họ thấy một vựa lúa có cỏ khô bên trong và cũng trong đó có một người đàn ông đang bị chết đói. Con trai của người đàn ông này cho biết trong 6 ngày qua, ông già không có gì ăn cả. Khi đó người con gái lớn của gia đình Joads là Rose of Sharon mới sinh con nhưng đứa bé bị chết non. Do lời khuyên của bà mẹ Ma Joad, Rose of Sharon đồng ý vắt sữa của mình cho người sắp chết uống.

    2/ Ý nghĩa của tác phẩm.

    “Chùm Nho Uất Hận” là một tài liệu xã hội, một cuốn tiểu thuyết phản kháng. Khi mới được xuất bản, cuốn truyện này đã là đề tài tranh luận xem tác giả có nói sai về các sự kiện hay là hoàn cảnh thực sự xấu xa đến mức độ đó. Cuộc tranh luận còn bị căng thẳng trên quan điểm tôn giáo. Đã có nhiều phản đối mãnh liệt tại hai tiểu bang Oklahoma và California. Các người dân thuộc tiểu bang Oklahoma căm tức vì họ bị gọi là “Okies”, miền đất của họ bị coi là “miền cát bụi” (dust bowl) không thể trồng trọt được và đã có vị dân biểu nói rằng cuốn tiểu thuyết kể trên được viết ra do một tâm hồn lệch lạc. Còn tại tiểu bang California, người dân cho rằng đây là một cuốn truyện xuyên tạc về hoàn cảnh của các công nhân di cư, là một tài liệu tuyên truyền cho chế độ Cộng Sản do triết lý sống bên trong. Trong vòng 6 tháng sau khi xuất bản, cuốn truyện “Chùm Nho Uất Hận” đã gây ra các phản ứng công luận chưa từng thấy, chỉ sau cuốn tiểu thuyết “Căn chòi gỗ của Chú Tom” (Uncle Tom’s Cabin) do tác giả Harriet Beecher Stowe.
    Mặt khác, nhà văn John Steinbeck cũng được nhiều người khác ủng hộ như các giáo sư đại học, các mục sư, các nhà xã hội, và các cơ quan chính quyền xác nhận rằng thực trạng của các di dân còn tệ hại hơn lời mô tả của nhà văn. Như vậy cuốn tiểu thuyết “Chùm Nho Uất Hận” đã làm cho nhiều người phải xấu hổ về cách đối xử với các người di dân, là những đồng bào của mình. Ngày nay độc giả cứu xét cuốn truyện theo tinh thần hữu lý hơn, theo quan điểm của Ralph Waldo Emerson. Emerson cho rằng mỗi người xuất phát từ một Siêu Hồn (Oversoul) và khi chết, linh hồn con người trở về với Siêu Hồn đó và như vậy trong con người có một thứ linh thiêng và đây là niềm tin của Jim Casy.
    John Steinbeck đã dùng hình ảnh của Jim Casy, với chữ viết tắt là “J.C.”, để mô tả một đời sống mang tính triết lý, mang tính tiên tri giống như Chúa Ki-Tô, với đệ tử là Tom Joad, với cách cứu Tom do tự nguyện bị cầm tù, với cách chấp nhận sự chết của “thánh tử đạo” bởi vì giống như chúa Ki-Tô đã nói “Họ không biết những gì họ đã làm”.
    John Steinbeck đã nói rằng bản chất của người di dân không được quần chúng Mỹ hiểu rõ, thông cảm và vì vậy, nhà văn đã đề cập tới một gia đình biểu tượng cho thứ hoàn cảnh khó khăn đó. Đã có các chương xen kẽ, mô tả hình ảnh tổng quát của thứ xã hội mà gia đình Joads bị liên quan, đó là các phần viết về “miền cát bụi”, về Con Đường 66 kéo dài từ tiểu bang Oklahoma tới tiểu bang California, về cách sở hữu đất đai tại California, về cách bán tài sản... Những chương xen kẽ này dùng để yểm trợ cho câu chuyện, phản ánh hậu cảnh xã hội mà gia đình Joads phải đối phó. Như vậy các chương xen kẽ vừa làm chức năng nghệ thuật, vừa làm chức năng biểu tượng (symbolic) với đôi khi bên trong là các lời bình luận, đôi khi lại báo trước những gì sẽ xẩy ra. Kỹ thuật dùng các chương xen kẽ vào các chương kể chuyện không phải là thứ gì mới lạ vì trước John Steinbeck, đã có vài nhân vật danh tiếng sử dụng kỹ thuật này như Henry Fielding trong tác phẩm “Lịch Sử của Tom Jones” và Leo Tolstoi trong tác phẩm “Chiến Tranh và Hòa Bình”. Tuy nhiên cách sử dụng khéo léo của John Steinbeck về các chương xen kẽ đã khiến cho toàn thể cuốn tiểu thuyết của ông thành công.
    Được sinh ra và lớn lên trong vùng thung lũng Salinas của tiểu bang California, tác giả John Steinbeck hiểu rõ miền đất và con người của vùng này, thông cảm với các điều kiện sống còn của các công nhân di cư. Trong các năm từ 1935 tới 1937, tác giả đã là nhà báo viết một loạt bài mà sau này xuất bản thành tập truyện mỏng có tên là “Giòng Máu của họ thì Mạnh” (Their Blood is Strong). Qua tác phẩm “Chùm Nho Uất Hận”, John Steinbeck đã đề cập tới nhiều triết lý sống như nhân bản (humanism), thực dụng, triết lý sinh học về con người (biological theory of man), trình bày các ý tưởng về điều thiện và điều ác, về các giấc mơ và hiện thực.
    John Steinbeck đã dùng tác phẩm “Chùm Nho Uất Hận” để nhấn mạnh về giá trị và phẩm cách của con người, ông đã coi cuộc đời nông nghiệp là một lối sống khi người nông dân biết yêu thương và biết kính trọng mảnh đất. Mảnh đất là nguyên do đoàn kết các con người lại với nhau, mang lại sự an lạc cho con người khi đó “Tôi là mảnh đất, mảnh đất là tôi” (I am the land, the land is me). Người nông dân sống nhờ mảnh đất trong khi cũng có nhiều kẻ trục lợi nhờ mảnh đất, họ là những kẻ bán trái cây như cam, táo, nho, hay những nhà kỹ nghệ trồng trọt.
    Vài hình ảnh đặc biệt khác trong tác phẩm “Chùm Nho Uất Hận” là “cát bụi” (dust), “con rùa” và “chùm nho”. Cát bụi tượng trưng cho sự xoi mòn của đất đai, đồng thời cũng là sự xoi mòn đời sống của con người. Cát bụi biểu hiện cho “sự chết” bởi vì đất đai đã bị khai thác, cho tới khi cơn mưa rơi xuống, thiên nhiên được tái lập và một chu kỳ mới bắt đầu. Con rùa tượng trưng cho sự sống còn, là sức sống của nhân loại. Con rùa đã kiên nhẫn vượt qua các trở ngại: bầy kiến lửa cản lối, chiếc xe tải suýt cán phải, sự giam cầm trong túi áo của Tom. Chùm nho là biểu tượng của sự cay đắng hay cơn uất hận như trong câu 32:32 của Sách Phục Truyền (Deuteronomy) và sự sung mãn như câu 13:12 trong Sách Dân Số (Numbers) của bộ Thánh Kinh. Gia đình Joads đã phải chịu đựng nhiều gian truân và gặp nhiều thất vọng. Tom Joad là người chỉ quan tâm tới chính mình vào thời kỳ ban đầu, rồi về sau đã nghĩ tới gia đình. Ma Joad lo cho gia đình của bà ta nhưng sau đó đã giúp đỡ những người cần được trợ giúp. Rose of Sharon là một hình ảnh của cảnh sống lại vì nhờ thứ sữa của người phụ nữ này mà một người được cứu khỏi cảnh chết đói. Tình trạng kinh tế kém dần của gia đình Joads là thực trạng chung, áp dụng cho toàn nhân loại.
    “Chùm Nho Uất Hận” chịu ảnh hưởng của Thánh Kinh, đặc biệt là Kinh Cựu Ước với lễ ban thánh thể qua đó bánh mì và rượu nho tượng trưng cho thân thể và máu huyết của Chúa Ki-tô. Tác phẩm này cũng mang tính ẩn dụ từ Thánh Kinh, một tác phẩm mô tả cảnh xuất hành (exodus) của dân tộc Do Thái, đi từ xứ Ai Cập, một miền đất của cảnh nô lệ tới Miền Đất Hứa đầy sữa và mật ong. Các chương từ 1 tới 10 ám chỉ cảnh nô lệ tại Ai Cập với các ngân hàng và công ty đất đai hoạt động giống như vai trò của Vua Pharaoh, cùng các hoàn cảnh hạn hán và xói mòn đất đai. Chương 11 tới chương 18 tương đương với Sách Xuất Hành (the Exodus), mô tả cuộc hành trình qua miền hoang vu, và trong cuộc đi xa này, các người già lão đã chết dần. Cuộc định cư trên Miền Đất Hứa với tiểu bang California là hình ảnh, được mô tả từ chương 19 tới chương 30, tại nơi đây là loại người dân ác cảm, là nơi Thượng Đế Giả đã thống trị các kẻ di dân giống như các con người lưu vong của xứ Do Thái, với hình ảnh của đứa con mới sinh ra và đã chết, bỏ trong chiếc thùng đựng táo, thả trôi theo giòng sông, làm người ta liên tưởng tới câu chuyện tương đương của Moses dù cho không phải là đứa bé, mà là bà mẹ Sharon đã mang lại hình ảnh của hy vọng.
    “Chùm Nho Uất Hận” là cuốn tiểu thuyết nói về những người không có tài sản trong thời kỳ Đại Khủng Hoảng Kinh Tế tại Hoa Kỳ, mô tả sự thiếu thốn và bất công trong một xã hội còn nhiều giới hạn, thành kiến. Tác giả muốn rằng các người chủ đất tại miền California nên bao dung hơn đối với các di dân.
    Trong phần kể chuyện của cuốn “Chùm Nho Uất Hận”, John Steinbeck dùng thể văn rất đơn giản, áp dụng các thổ ngữ vào lời nói của các nhân vật để mô tả bản chất hiện thực của các câu nói. Thế nhưng, trong các chương xen kẽ, tác giả cũng thay đổi thể văn để diễn tả, chẳng hạn như khi nói về Con Đường số 66, lời văn mang tính gập ghềnh, không bằng phẳng, không trơn chu, như thể bánh xe chạy trên con đường gồ ghề nhiều đá lớn.
    John Steinbeck là nhà văn chỉ viết ra truyện khi đã hiểu rõ đề tài, nắm vững các tình tiết và phần lớn các tác phẩm của ông đều viết về miền đất California là nơi ông đã sinh sống, đã nghe và đã nhìn rõ các hoàn cảnh xã hội của nhiều loại người, và tác giả muốn nói lên sự thật, sự vô tư giữa thiện và ác, sự hy sinh và lòng dung thứ cần thiết cho một thế giới trong đó phẩm giá của con người cần được tôn trọng.
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9