Mẹ Ghẻ, Con Ghẻ
Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 24 bài trong đề mục
NuHiepDeThuong 22.01.2006 22:05:04 (permalink)
Nguồn : hobieuchanh.com

Hiệu đính : NH


**********************************

Mẹ Ghẻ, Con Ghẻ


Hồ Biểu Chánh


Quyển I - CHÍ LẬP THÂN


Chương 1


Năm nào cũng vậy, hễ qua tháng 6 thì trời mưa dầm dề, mưa cho ruộng nổi nước đặng nhà nông đón đạt mà cấy lúa mùa, bởi vì mạ gieo hôm mồng 5 tháng 5, đã gần đúng lứa.
Cứ theo lệ ấy, nên bữa nay là 19 tháng 6, hồi trưa mưa xối xả một đám thật lớn, rồi cứ rỉ rả tiếp hoài, mưa cho đến nửa chiều mà cũng con lâm râm, chưa chịu dứt hột.
Dọc theo lộ Càng Long đi Trà Vinh, lối ngã ba đường Mỹ Huê, tẻ vô Suối Cạn, chiều nay quang cảnh trông ra có vẻ đặc biệt, không giống mấy chỗ khác.
Trên dồng thi đâu đó thẩy đều im lìm, mà nhờ giọt mưa mát mẻ, cây cối xanh tươi lại, nhà nào cũng đang nấu cơm chiều, khói bốc lên mà bị mưa không bay tan ra được, bởi vậy mấy nóc nhà bếp khói vần vũ mịt mù như mây bao phủ ở trên.
Còn ở ngoài ruộng thì chỗ nầy người ta bừa, chỗ kia người ta nhổ mạ, chỗ nọ người ta đương cấy, nông phu xúm xít từng khóm trong đồng, kẻ hát người hò, cho vui, đặng quên nhọc nhằn, quên lạnh lẽo.
Kẻ du hí bị trời mưa ướt, ắt họ không nghểu nghển ngoài đường được, thì họ lúng túng, nên buồn bực. Mà người làm ăn gặp mưa gió thuận hòa như vậy thì họ vui mừng, vui vì bắp đậu khỏi khô, mừng vì ruộng đủ nước cấy.

Một chiếc xe hơi đò, sơn màu đỏ lòm, ở phía Trà Vinh chạy lên, qua cầu ầm ầm, bóp kèn te te, rồi bớt máy ngưng ngay ngã ba đường Suối Cạn, trước đầu máy khói lên nghi ngút.
Một cậu trai trạc chừng 15, 16 tuổi, mặt mày sáng sủa, bộ tướng mạnh mẽ, đầu đội nón nĩ đen, mình mặc áo trắng, quần trắng ở trên xe leo xuống, tay ôm một gói đồ, ngoài bao bằng chăn tắm sọc xanh sọc đỏ.
Vì trời mưa lâm râm, cậu sợ ướt mình, nên chạy riết vô quán của dì Ba Thới bên đường mà đụt, còn chiếc xe đò thì rồ xăng và sang số rút chạy thẳng ra chợ Càng Long.
Cậu trai này tên Quí, năm nay 16 tuổi, con của ông Bồi-bái Tồn trong làng Mỹ Huê đây, nhà ở dựa bên lộ, cách ngã ba Suối Cạn không đầy hai trăm thước. Mấy bữa rày, cậu xuống Trà Vinh dự thi bằng Sơ học, ở đậu nhà thầy Sang hồi trước có dạy trường Càng Long.
Hồi trưa nầy hội khảo khi chấm bài xong mới kêu tên các trò thi đậu. Quí nghe kêu tên họ mình. Quí mừng lung lắm, mừng vì trường Càng Long mới bắt đầu năm nay, cho 5 trò đi thi sơ học, 4 trò đều rớt, duy mình được đậu, mình làm rỡ ràng cho thầy, làm vui lòng cha và chị, mà có lẽ chừng khai trương sẽ được lên Sài Gòn, hoặc qua Cần Thơ, mà học thêm đặng lấy bằng Thành Chung rồi làm thầy giáo hay làm thầy ký, thầy thông.
Với trí ý thỏa mãn, hân hoan của trò mới thi đậu. Quí chạy vô cửa quán, mặt mày tươi rói, miệng chúm chím cười.
Cô Hường, con gái của dì Ba Thới là chủ quán, đã tuổi 15, nhan sắc xinh đẹp, mà tánh nết vui vẻ, thật thà như trẻ 11, 12 tuổi. Vừa thấy Quí bước vô cửa thì Hường hỏi:
- Anh thi đậu phải hôn anh Quí?
- Ừ, đậu.
- Đó! Em nói trúng hay không hử.
- Giỏi à!
- Chị Mỹ hay rồi chưa?
- Chưa. Qua mới về tới đây.
- Chị Mỹ với cậu Bồi hay chắc mừng lắm.
Quí liếc mắt ngó về rặng tre xanh đất của mình, thì trong lòng khoan khoái, nên nhắm nhía muốn dầm mưa mà về nhà.
Hường bước ra hỏi:
- Sao hồi nãy anh không biểu xe ghé ngay cửa ngõ, đặng vô nhà cho khỏi mắc mưa, anh lại biểu ghé đây?
- Qua biểu hễ qua khỏi ngã ba một chút thì ngừng, sốp-phơ không hiểu, nên ghé ngay ngã ba.
- Vậy tưởng anh ghé đặng cho má em hay trước chớ.
Dì Ba Thới lo nấu cơm ở phía sau, dì nghe nói chuyện thì lật đật đi ra.
Dì với má Quí hồi trước là chị em bạn, thiết thương yêu nhau lắm. Má Quí mất hồi Quí mới 3 tuổi.
Dì ba Thời, vị tình chị em, nên thuở nay thương yêu Quí như con, thương vì Quí mô côi mẹ sớm quá, nhứt là thương vì Quí có mẹ ghẻ, mà lại mẹ ghẻ không hiền. Dì bước ra thấy Quí thì hỏi:
- À! Con mới về hả? Thi đậu rồi con há?
- Dạ, thưa đậu.
- May quá. Dì mừng lắm. Cha chả, nếu má con còn thì má con vui biết chừng nào.
Quí ngắm nghía muốn đi về, nên cứ ôm gói đứng ngoài cửa, không vô nhà.
Dì Ba Thới nói tiếp:
- Vô ngồi chơi con. Trời mưa đi ướt mình hết.
- Để con về cho cha con hay đang cha con mùng.
- Có ở nhà đâu mà cho hay. Ảnh đi đánh tứ sắc trong dồng, đi hồi ăn cơm sớm mai. Nếu ảnh về, thì ảnh đi ngang đấy chớ đi đâu. Chưa thấy về. Mà trời mưa nầy về gì được.
Quí nghe nói như vậy thì chau mày, dụ dự, rồi nói:
- Để con về cho chị Hai con hay.
Hường tiếp nói:
- Nếu anh muôn về thì lấy cây dù của em đây, che đỡ mà về, rồi sáng mai gởi vô cho em.
- Thôi trời mưa nhỏ để qua đi đại.
- Ướt mình hết chớ.
- Không sao đâu.
Quí từ giã mẹ con dì Ba Thới, rồi ôm gói bước ra, lo chạy lúp-xúp mà về nhà.
Nhà của Quí ở cách quán dì Ba Thới chỉ có bốn khoảng dây thép.

Một tòa nhà ngói nền đúc, trong miếng đất giống rộng hơn một mẫu, nằm dựa quan lộ, có vườn tre bao quanh kín mít.
Đó là cuộc ở của ông Bồi-bái Tồn. Ông Bồi-bái còn làm chủ 50 mẫu ruộng hạng nhứt trong kinh Suối Cạn. Vì trong làng Mỹ-huê không ai giàu lớn, nên với gia tư như vậy mà nhơn dân ở vùng này đều cho ông Bồi là nhà giàu.
Năm nay ông Bồi mới 50 tuổi. Khi mới lớn lên, ông cưới Thị Tánh, con nhà có ăn, ở dưới Làng Thế. Nhờ Thị Tánh siêng năng cần kiệm, biết lo biết tính, nên mặc dầu ông lo mê tứ sắc, mê đá gà, Thị Tánh cứ chuyên chú làm ăn, nên không đầy mười năm thì đã gây được cơ nghiệp.
Thị Tánh chết đã 13 năm rồi, để lại cho ông hai đứa con, đứa lớn là con gái, tên Mỹ, bây giờ được 18 tuổi, và đứa con nhỏ là Quí đi thi về đó. Thị Tánh mất được 3 năm, thì ông Bồi chấp nối với một gái nhỏ, tên Thị Mùi, năm nay mới 35 tuổi. Thị Mùi sanh thêm cho ông một đứa con trai nữa tên Sen, bây giờ đã 8 tuổi.
Quí phải dầm mưa chạy về nhà, là cố ý muốn báo tin mình thi đậu cho chị hay đặng chị mừng. Chẳng dè vô tới sân, nghe tiếng mẹ ghẻ ở trong nhà la hét om sòm, làm cho Quí khựng lại, rồi thủng thẳng bước lên thềm, chớ không bươn bả nữa, mặc dầu mưa vẫn rỉ rả rơi hột hoài.
Khi vô cửa thì Quí nghe mẹ ghẻ nói:
- Thứ con gái hư, chừng nầy mà chưa nấu cơm, còn đợi chừng nào nữa hử? Ở nhà cứ ngủ hoài, không làm gì hết. Tao nói trước cho mà biết, gái làm biếng như mầy đó, chừng có chồng, đố khỏi mẹ chồng tròng nồi trên đầu cho mà coi. Ðồ hư! Ðồ thúi!
Quí rón rén ôm gói áo quần đi thẳng lại buồng phía chái trên mà thay đồ. Thị Mùi ngó thấy, song không thêm nói tới, lại xâm xâm bước lại cửa, xuống nhà dưới đứng mà hỏi:
- Tại sao mầy không chịu nấu cơm vậy Mỹ? Mầy đợi tao về tao nấu cho mầy ăn phải không?
- Cha với dì đi khỏi hết. Tôi sợ nấu cơm để nguội lạnh, nên tôi đợi về rồi sẽ nấu chớ.
- Đừng đặt điều kiếm chuyện chữa mình. Cha chả! Mầy con trả treo với tao nữa hả? Tao biết mà, bây giờ mầy khôn lớn rồi, mầy có coi tao ra gì nữa đâu. Mầy bán dê bán díu, mầy nói tao là mẹ ghẻ độc ác. Để cha mầy về đây rồi mầy coi.
- Tôi có nói chi đâu…
- Ðừng chối. Mầy nói với người ta ngoài chợ, họ mới học với tao đây.
- Tôi có nói với ai đâu?
- Nín! Mầy không được phép cãi với tao. Mầy muốn cãi thì đợi cha mầy về, rồi mầy sẽ cãi với ông. Đồ khốn nạn, trở lên nhà trên ngồi.
Thằng Sen ở trong buôn đi ra, hai tay cầm hai trái chuối. Thị Mùi nói một mình:
- Ác lắm! Thằng nhỏ đói bụng mà không có cơm cho nó ăn. Nó ăn chuối đây rồi nó đau bụng cho mà coi.
Quí thay quần áo khô, rồi ra đứng trước hàng ba, chống tay lên lang can, mặt buồn hiu.
Bây giờ mưa đã dứt hẳn, nhưng bầu trời vẫn còn tô màu xám tro, rất hiệp với tâm trí bất mãn của Quí lúc này, mà có lẽ cũng thích hợp với nỗi niềm thê lương của Mỹ đương chụm lửa nấu cơm dưới nhà bếp.
Quang cảnh đã buồn, lại thêm trong nầy đường mương dài theo bờ tre, ảnh ương tiếp nhau kêu uênh oang, rồi ếch dưới mé rạch cũng bắt chước kêu uệch oạc. Quí chán nản chịu không nổi, bèn bỏ đi ra lộ, ngóng về phía trong dồng coi có thấy dáng cha về hay không, thì chỉ thấy công cấy công mạ kéo nhau từ tốp ở trong đồng đi lên dồng, với những tiếng nhái bầu kêu lạch cạch ở xa, dường như ca hát mà đưa nông phu về nghỉ.
Quí đứng ngó một hồi rồi chau mày, định trí, xăng xóm trở về nhà, quyết nói liền cho chị hay mình đã thi đậu.
Lần này Thị Mùi thấy Quí thì hỏi:
- Thi đậu hay không mà về?
Quí chậm bước mà đáp:
- Thưa đậu.
Rồi đi luôn xuống nhà bếp.
Mỹ lum khum chắt nước cơm ở cửa sau. Nghe động đất, Mỹ day lại thấy Quí, thì chưng hửng! Mỹ vụt hỏi:
- Em về hồi nào vậy? Đậu hôn em?
Quí cuối mà đáp:
- Đậu rồi chị Hai à. Em mừng lắm. Em về nãy giờ mà biết chị không vui, nên em không muốn cho chị thấy.
Mấy lời của Quí chẳng khác nào nước cam lồ rưới vào thương tâm của Mỹ, bởi vậy nghe em nói thì Mỹ hân hoan, mặt mày tươi như hoa cười, cặp mắt sáng như sao chói. Mỹ bưng nồi cơm bỏ lại trên bếp, và dụt lửa gạt than. Lo nồi cơm xong rồi, Mỹ day lại, mặt nhìn Quí trân trân mà nói:
- Chị mừng lắm. Phải má còn thì vui biết chừng nào.
Chị em đứng nhìn nhau, không nói chi nữa hết, mà cái nhìn ấy chưa chan tình cảm, đầy rẫy niềm riêng, bởi vậy ngó nhau rồi, chị cũng như em, có hai giọt lụy lăn xuống hai gò má nóng hổi.
Quí thủng thẳng nói:
- Để cha về, em xin cha cho em lên Sài Gòn học nữa, học chừng nào đậu được bằng thành chung rồi sẽ thôi.
Mỹ gật đầu mà cười, tỏ ý đồng tình với em về sự ấy.
Tuy đã quên những lời đắng cay của mẹ ghẻ hồi nãy, nhưng không thể quên phận sự được, Mỹ mới lo dụm lửa khác đặng hâm cá hâm thịt.
Quí bước lại cửa sau ngồi chồm hổm ngó ra vườn.
Chú Tiền là người làm vườn, đang lủi thủi đấp vòng đặng trồng khoai lang, đầu đội nón lá, ở trần lưng đen nhại. Đám dưa gang gần tàn, còn sót lại mấy trái đã chín, nên phơi vỏ vàng khè, mà chưa ai chịu hái.
Con chó mực ở đâu trên nhà trên chạy xuống, đứng ngó Quí mà ngoắc đuôi, rồi nằm một bên, lim dim cặp mắt như buồn ngủ. Con gà mái xám dắt bầy con đi vô chuồng, mẹ túc túc kêu con, con chét chét như trả lời với mẹ.
Mỹ hâm cá hâm thịt xong rồi, thăm nồi cơm cũng đã chín, nên bước lên nhà trên hỏi mẹ ghẻ coi phải dọn cơm hay là phải đợi cha. Thị Mùi ong óng:
- Hễ cơm chín thì dọn ăn. Tháng Sen nó đói bụng từ hồi chiều tới giờ. Biết chừng nào ổng về mà đợi ổng.
Trời đã sẫm tối. Quí lo đốt đèn, Mỹ lo dọn cơm trên ván ở nhà dưới. Thị Mùi dắt thằng Sen xuống ăn cơm. Quí cũng lên ngồi ăn, duy có Mỹ cứ lui cui trong bếp không chịu ăn với mẹ và hai em.
Bữa cơm nầy theo lẽ là bữa cơm vui vẻ mừng cho Quí thi đậu. Vì gia đạo của ông Bồi bái Tồn lôi thôi, mà bữa cơm nầy trở nên lạnh lùng, buồn bã vô cùng. Thị Mùi chỉ lo gắp cá, lấy thịt cho thằng Sen, không thèm nói tới Quí.
Thằng Sen quen thói kiêu hãnh, coi anh nó như tôi tớ của nó, nên hồi chiều thấy anh về, nó không mừng, mà bây giờ ngồi ăn với anh, nó cũng không để ý.
Quí thuở nay không được mẹ yêu thương, không được em cung kỉnh, thì nó đã tập tánh sụt sè đối với mẹ, lãnh đạm đối với em, bởi vậy ngồi ăn thì nó chăm lo ăn cho no đặng có đi, sợ nói chuyện không vui cho nó, nên nó không dám nói chi hết.
Thị Mùi nói thằng Sen đói bụng, nên rầy rà, té ra ăn có một chén cơm rồi buông đũa mà đi.
Kế đó, Thị Mùi cũng rồi bữa, nên đi nữa, bỏ Quí ngồi ăn một mình.
Mỹ bưng một chén cơm chạy lại ngồi ăn với Quí, hai chị em sắc mặt vui tươi, dường như hễ được hiệp nhau thì không cần ai thương yêu, mà cũng không màng lời gay gắt.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 22.01.2006 22:48:38 bởi NuHiepDeThuong >
#1
    NuHiepDeThuong 22.01.2006 22:47:54 (permalink)
    CHƯƠNG II


    Trong chốn thôn quê, hễ tối một lát thì người ta ngủ hết, ngủ sớm đặng khuya có dậy sớm mà đi làm.
    Thị Mùi chỉ đi đánh bài chớ không có làm việc chi, nhưng ngày nay ngồi sòng mệt mỏi, nên ăn cơm rồi chị ta vô mùng nằm im lìm. Quí xẩn bẩn trước hàng ba trông cha, còn Mỹ thì coi dọn dẹp dưới bếp.
    Thằng Sen buồn, nó đem đèn lại mà cho cá lia thia đá bóng, đặng coi chơi một hồi rồi nó đi ngủ.
    Bây giờ bầu trời đã trong, sao giăng tứ phía, lại bên hướng đông mặt trăng gần mọc, nên rựng sáng chân trời.
    Mỹ coi cho chú Tiền dọn dẹp dưới nhà bếp, xong hết nên cũng đi ngủ.
    Trong nhà duy còn Quí chừa một cánh cửa, rồi cứ thơ thẩn trước hàng ba, mà trông cha.
    Thiệt quả trăng vừa hé mọc, rọi ánh sáng trên ngọn tre, thì ông Bồi Tồn đạp xe máy về. Ông đương dắt xe lên thềm thì Quí đón mà mừng:
    - Cha, con thi đậu rồi cha à!
    Ông Bồi vui vẻ đứng lại hỏi:
    - Đậu hả! Trường Càng Long đậu mấy trò, con?
    - Có một mình con.
    - Chà chà! Vậy thì quý lắm. Con về hồi nào?
    - Hồi chiều.
    - Con có cho thầy con hay rồi chưa?
    - Thầy con còn ở dưới Trà Vinh.
    Hai cha con nối gót nhau mà vô nhà. Ông Bồi thấy trong nhà im lìm thì hỏi:
    - Nhà ngủ hết rồi sao?
    - Thưa ngủ hết.
    Thị Mùi dỡ mùng chun ra hỏi chồng:
    - Ăn cơm rồi chưa mà tới chừng nầy mới về?
    - Ăn rồi.
    - Tôi tưởng ở đánh luôn đêm chớ.
    - Sáng mai tôi mắc đi Dừa Đỏ, đánh nữa tôi mệt, sáng mai đi sao nổi. Tôi muốn xên hồi chiều kia chớ, bị chú Cả Tư, chú thua, chú cứ nài đánh ráng cho chú gỡ, nên cù nhầy tới 8 giờ đói bụng quá mới xên được.
    - Đánh bao nhiêu vậy?
    - Năm cắc.
    - Ông ăn hay thua?
    - Ăn một trăm ngoài. Hồi xế tôi ăn gần năm trăm. Cuối qua bị thường một bàn quan, rồi bài xuống nước làm tôi thua lại.
    - Đánh với ai vậy?
    - Thì cũng mấy tay cũ, ông Hương quản, chú Cả Tư, cô Năm với tôi, chớ có ai lạ đâu.
    - Chắc cô Năm ăn. Tháng này cổ hên lắm, nghe nói cổ ăn luôn luôn.
    - Bữa nay cổ đủ vốn, Ông Hương quản ăn ít chục. Có một mình chú Cả Tư thua. Còn mình khá không?
    - Thua. Bữa nay bài xấu quá đánh không được. Tôi ghét tôi xên sớm. Ông nói sáng mai ông đi Dừa Đỏ, đi có việc chi vậy?
    - Nghe nói Hương bộ Hên có con gà cú hay lắm. Tôi tính xuống coi như thiệt tốt thì bắt về nuôi.
    - Mới tháng nầy mà lo gà!
    - Phải kiếm lần đi chớ. Trên thầy Phó, dưới thầy Ba, họ sai người đi kiếm gà cùng hết. Mình không lo trước rồi tới mùa đâu có mà chơi với họ.
    Ông Bồi mấy năm nay, không lo trồng tỉa chi hết, ông bỏ phế mẫu đất trồng chung quanh nhà cho chú Tiền làm sao thì làm. Còn sở ruộng trong Suối Cạn thì ông cho người ta mướn, ông khỏi lo cấy gặt.
    Mùa ướt ông cứ thả đi đánh tứ sắc, rồi đến mùa khô thì ông đá gà, vẩn vơ trong trí những tướng sĩ tượng, xe pháo ngựa, hoặc những gà xám, gà diều, gà ô, ông chẳng hề có nghĩ đến việc gì khác.
    Trong những dịp đi ăn đám giỗ, hay là ngồi luận đàm với anh em, nếu có ai nói đến tương lai của chủng tộc, thì ông trề môi, cho việc ấy không phải phận sự của ông. Nếu có ai khuyên ông làm việc ích chung, thì ông ngoảnh mặt làm ngơ, nghĩ đó là lý tưởng của phong trào xảo trá.
    Cũng như nhiều bạn đồng thời chung quanh ông, tuy không nói ra, song ông vẫn rất tự hào với thái độ cư xử của ông. Ông tin chắc ông được hưởng thú phong lưu hoàn toàn, tội nghiệp ông không dè thú phong lưu ấy mỗi ngày tràn ra một chút, tràn cách êm đềm, lần lần làm cho sự nghiệp ông suy bại. Làm cho gia đình ông toan hoang, mà còn làm cho danh dự ông thấp hèn, làm cho tinh thần ông giảm bớt.
    Nghe ông nói chuyện với vợ nãy giờ thì đủ thấy trí ý của ông. Sự lo hiện thời là lo đánh bài, còn chỗ nghĩ tương lai là chỗ nghĩ mua gà, hay nuôi gà, đặng đến mùa khô có gà đá với họ, chớ không phải lo làm cho lớn sự nghiệp, hay là giáo hóa con cái trong nhà.
    Tình cờ ông đi lại đèn đốt thuốc, ông thấy Quí đứng xớ rớ gần đó, tự nhiên ông hỏi con, hỏi mà không chú ý lắm:
    - Té ra trường Càng Long có một mình con đậu?
    - Dạ có một mình con.
    - Thôi con khoẻ rồi, hết lo nữa…
    Quí rụt rè do dự, rồi nhỏ nhẹ nói:
    - Con muốn xin cha cho con lên Sài Gòn học.
    Ông Bồi còn suy nghĩ, chưa kịp trả lời với con, thì Thị Mùi hớt mà nói:
    - Trời ơi! Đi học trên Sài Gòn tốn hao lung quá, khéo bày chuyện đặng đi xài tiền. Làm biện, làm phứt cho xong, có lương ăn. Lại khỏi thất công đi học.
    Ông Bồi nói:
    - Con nít mà làm biện nỗi gì.
    Quí rón rén thưa:
    - Con muốn học đặng lấy bằng Thành Chung.
    Thị Mùi chặn mà đáp:
    - Sợ Thành yêu, thành quỷ chớ, Thành chung nỗi gì. Nè tôi nói ông biết, tôi cực nhọc mà nuôi hai đứa con ông 10 năm nay, tôi nghĩ thiệt uổng công tôi lắm. Nuôi chúng nên vai nên vóc, rồi con Mỹ nó bắt đầu nói hành nói tỏi với tôi đó. . Rồi đây thằng Quí cũng vậy, chớ không khá gì. Thiệt mang cái chức mẹ ghẻ đã không được ơn, lại còn mắc oán.
    Ông Bồi nghiêm nét mặt an ủi vợ:
    - Con cái trong nhà nó có dại, lầm lỗi điều gì, thì mình rầy la nó chớ giận hờn làm chi.
    - Thôi thôi, tôi không dám la rầy ai hết. Rất đỗi tôi không dám nói động đến nó, mà còn mang tiếng oán, nếu tôi la rầy rồi sẽ ra làm sao nữa.
    - Con Mỹ làm sao mà mình giận nó?
    - Nó nói với thiên hạ ngoài chợ rằng, tôi là người không ra gì. Mẹ nó hồi trước làm đổ mồ hôi xót con mắt, mới có của mà để lại. Tôi xắn xả vô hưởng của mẹ nó, mà lại còn hắt hủi chị em nó.
    - Mỹ thiệt thà lắm! Có lẽ nào nó nói nói nhiều chuyện như vậy.
    - Hứ! Nó mà thiệt thà! Nó còn nói nhiều chuyện khác nữa, song họ sợ tôi giận, nên họ không dám thuật lại cho nghe. Ông kêu nó dậy mà hỏi, coi nó nói giống gì thì biết.
    - Con mà đi nói xấu cho mẹ thì có lỗi nhiều. Nếu thật quả có như vậy thì tôi trừng trị nó. Mà nó nói với ai như vậy đó?
    - Nó nói với mọi người ngoài chợ.
    - Mọi người là ai? Đâu mình kể tên vài người cho tôi biết, đặng tôi hỏi lại cho có chứng cớ rõ ràng, mà làm tội nó chớ.
    - Tôi có biết nó nói với ai mà chỉ.
    - Vậy thì chuyện mơ hồ, có căn cứ gì đâu mà giận nó. Không chừng người ta muốn cho xào xáo trong nhà mình, nên người ta bày chuyện mà nói.
    - Ông một phe với con, nên ông binh nó hoài.
    - Không phải binh. Dầu việc gì cũng vậy, phải lấy công tâm mà đoán chớ. Tôi làm cha, tôi biết trị con, nhưng nếu con thiệt có lỗi thì mình mới trị, chớ nó vô tội. Mình đánh nó thì oan cho nó chớ.
    - Thôi, tôi biết rồi. Tôi sẽ để nhà cho con ông ở. Có tôi ở đây, cha con ông không vui. Hồi ông muốn cưới tôi, thì đã ái ngại về chỗ mẹ ghẻ, con ghẻ. Tôi mà sợ rồi, không phải mang tiếng ác.
    - Mình đừng nói vậy. Hễ giận thì đòi đi. Đi đâu?
    - Tôi vô trong dồng kiếm đất cất chòi mẹ con tôi ở.
    - Có lẽ nào làm như vậy.
    - Chớ ở đây, con ông cứ nói xấu cho tôi, thì tôi làm sao ở được.
    - Mà ai nói với mình rằng con Mỹ nói xấu mình kìa?
    - Thím thợ Hai.
    - Chắc con Mỹ nó nói với thím hả? Để mai tôi dắt con Mỹ ra giáp mặt [1] thím mà hỏi cho ắt chất [2].
    - Không phải con Mỹ nói ngay với thím thợ Hai. Nó nói với người ta. Người ta nói chuyện với thím, rồi thím học lại với tôi.
    - Người ta là ai? Tôi muốn biết rõ chỗ đó.
    - Tôi có biết đâu.
    - Ôi! Chuyện đàn bà ngồi lê đôi mách [3], hơi đâu mà nghe họ. Mà thế nào ngày mai tôi cũng hỏi thím Hai cho biết ai muốn khuấy rối gia đạo của tôi đây. Mình an tâm. Việc nầy tôi không bỏ qua đâu.
    Mỹ ở trong buồng bước ra và khóc và nói:
    - Con xin cha hỏi lại chuyện nầy cho minh bạch, kẻo oan ức con lắm. Mỗi sớm mai con đi chợ mua thức ăn, lo mua riết đặng về nấu cơm, con có ngày giờ đâu mà nói chuyện với người nầy người nọ. Con biết thím thợ Hai, nhưng thuở nay không có dịp nào nói chuyện với thím, tại sao thím dám đặt điều cho con. Con muốn xin với dì con, sáng mai đi với con ra nhà thím đặng con hỏi thím.
    Thị Mùi nói:
    - Được, sáng mai đi.
    Ông Bồi cản:
    - Thôi, đôi chối mà tốt gì, để tôi tra hỏi cho. Mẹ con ra ngoài chợ, rồi cãi lẫy với người ta coi sao được.
    Rồi ông Bồi cười đáp:
    - Không phải tôi binh con, mà tôi muốn cho gia đình đầm ấm, mẹ thương con, con kính mẹ chớ. Thôi, Mỹ vô ngủ đi con. Chuyện đó để cha hỏi cho.
    Mỹ lau nước mắt trở vô buồng, Thị Mùi không làm cho Mỹ bị đòn được thì nàng giận nên bỏ đi ngủ.
    Quí nãy giờ ngồi núp bóng cây cột phía chái trên, lóng nghe công việc của chị, chừng thấy cha đã xử êm, thì thở một hơi dài, rồi lại đóng cửa.
    Vì sự xin đi học chưa được lời cha phán đoán, nên Quí có ý trông cha nói lại chuyện ấy, té ra ông Bồi rót nước trà mà ngồi uống rồi ông cũng đi ngủ, dường như không chú ý đến việc tương lai của con.
    Quí vặn đèn lu lờ, rồi trở về phòng riêng của mình ở chái trên, nhè nhẹ mở cánh cửa sổ hứng gió ra vườn sáng lòa.
    Mặc dầu ểnh ương ngoài mương vẫn uênh oang, nhái bầu trong ruộng vẫn kêu lét chét, Quí không còn buồn như hồi chiều nữa, có lẽ nhờ được nghe những lời công chánh của cha phân xử tội chị, nên Quí rất hài lòng.
    Quí vui rồi nhớ bài học luân lý về hạnh của Mẫn Tử Khiên hồi xưa cũng có mẹ ghẻ như mình, mà lại có hai đứa em khác mẹ, chớ không phải như mình có một em Sen. Ngày nọ, cha Mẫn Tử Khiên tình cờ được biết bà vợ chỉ chăm nom hai đứa con ruột của bà no ấm, còn bỏ con ghẻ là Mẫn Tử Khiên rách rưới, lạnh lẽo thì ông giận; ông hài tội bà rồi làm tờ xuất. Không chịu làm bạn với người ác phụ ấy nữa. Tử Khiên quỳ lạy cha mà can gián, xin cha tha lỗi cho mẹ ghẻ, nói rằng mẹ ghẻ ở trong nhà, thì chỉ có một mình mình rách rưới, lạnh lẽo mà thôi, chớ nếu mẹ ghẻ ra khỏi nhà, thì sẽ thêm hai em rách rưới, lạnh lẽo nữa! Nghe mấy lời hiền đức ấy, cha động lòng mà tha tội cho mẹ ghẻ, mà mẹ ghẻ cảm xúc nên từ ấy thương yêu Tử Khiên như con ruột.
    Quí nhớ bài học ấy rồi cảm động hỏi thầm trong trí: '' Đối với em mình là Sen, mình có thương như Tử Khiên hồi xưa thương và lo cho 2 em của ngài hay không? – Không. Đối với mẹ ghẻ, mình có ái kính, nhẫn nại như Tử Khiên hồi xưa hay không?- Không."
    Quí vẫn đáp trong trí như vậy, rồi hổ thẹn, và hối hận, nhứt định sẽ đổi trí ý, từ rày sẽ thương yêu em Sen, không lạt lẽo như xưa nữa, sẽ kính mẹ ghẻ, chứ không ghen ghét như trước nữa.
    Xét hạnh kiểm đối với cha mẹ và em trong nhà rồi, Quí suy nghĩ qua việc học.
    Thế nào cũng xin cha lên Sài Gòn mà học nữa. Như cha sợ học ở Sài Gòn tốn hao tiền, thì mình vào trường trung đẳng Cần Thơ hoặc Mỹ Tho. Phải có học thức rộng mới lập thân được, chớ mới có bằng sơ học rồi ở nhà, thì cuộc sống của mình sẽ lùn-đùn [4], không thể vượt lên cao nổi.
    Quí quyết định như vậy rồi đóng cửa sổ đi ngủ, lòng mát mẽ như cây gặp mưa hồi chiều, trí sáng loà như trăng rọi sáng ngời trước ngõ.



    Chú thích :


    1. Gặp mặt

    2. đúng hẳn, không sai

    3. ngồi đây mai đó nói chuyện tầm phào

    4. thấp hèn
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 22.01.2006 23:11:26 bởi NuHiepDeThuong >
    #2
      NuHiepDeThuong 23.01.2006 02:39:29 (permalink)

      CHƯƠNG III


      Sáng bữa sau, ăn cơm rồi ông Bồi đạp xe máy đi Dừa Đỏ. Thị Mùi cũng sửa soạn ra chợ đánh bài.
      Theo lệ thường, nàng kêu thằng Sen, tính dắt đi. Mà Quí lại khác hẳn lệ thường, bữa nay Quí nắm tay em ở lại, và nhỏ nhẹ thưa với dì ghẻ:
      - Thưa dì, có tôi ở nhà, xin dì để em Sen ở nhà chơi với tôi.
      Thị Mùi chau mày suy nghĩ.
      Quí cúi xuống nói với em: “
      - Em ở nhà, qua làm ná rồi hai anh em mình kiếm chim bắn chơi.
      Sen tươi cười và gất đầu đáp:
      - Ừ được. Má đi đi. Tôi ở nhà bắn chim với anh ba.
      Thị Mùi nói:
      - Thằng Sen ở nhà, thì Quí phải coi chừng nghe không. Tao giao nó cho mày giữ đa.
      Quí liền lấy dao phay, kiếm cây chặt hai cái nạng, và cột dây thun làm hai cái ná, rồi anh em dắt nhau ra lộ kiếm chim bắn chơi.
      Bữa nay trời ui ui, chớ không nắng gắt. Ít có dịp đi chơi với Quí, mà lại đi chơi vui vẻ như vầy. Sen đắc chí nhảy nhót, nói cười, kêu biểu:
      - Anh ba, có chim anh phải để cho tôi bắn trước đa.
      Mới lần thứ nhứt, Quí nhìn em, rồi cảm động, tình thương yêu thuở nay trút hết vào chị, bây giờ đã bắt đầu sang sớt nhiều ít cho em.
      Tới góc vườn, Quí thấy một con cu đất đậu trên ngọn tre. Quí kêu mà chỉ. Sen chờn vờn nhìn bắn. Quí lựa một cục đá nhỏ đưa cho em, Sen giương ná nhắm bắn, nhưng vì sức yếu nên bắn không tới đâu hết. Quí cười rồi tiếp, vì cu đậu cao, phải ráng hết sức mà bắn cho mạnh, kéo ná đến đứt cả dây thun mà bắn cũng không tới. Con cu vẫn đậu đó hoài không thèm bay, dường như khinh thị anh em Quí không làm sao rớ bộ lông nó được.
      Quí giận nên kêu biểu đưa ná nhỏ cho mình mượn mà bắn nữa. Sen không cho, dấu cái ná sau lưng, kiếm lượm một cục đá rồi nhắm bắn. Mới kéo chớ chưa bắn, thì một sợi dây chằng đã sứt nên bắn không được. Sen thất chí, xụ mặt, trao cái ná cho anh mà mượn buộc lại. Quí biểu trở vô nhà sửa ná lại cho chắc lại mới được, rồi anh em dắt nhau đi về, cả hai đều bực tức nên hết vui.
      Anh em Quí ngồi trước hàng ba mà sửa ná. Quí chăm chú làm việc, còn Sen nha nhỏm một bên mà đợi chờ, hỏi chuyện nầy chưa rồi, thì bắt qua chuyện khác, tiếng lăng líu tiếp hoài không dứt.
      Mỹ ở sau vườn đi vô, một tay ôm trái dưa gan nứt nở, một tay cầm ba trái ổi da vàng tươi. Nghe nói chuyện ngoài hàng ba, cô đi thẳng ra đó, thấy hai ông em thì nhếch mép cười và hỏi:
      - Đi bắn được con chim nào không?
      Sen day lại và vui vẻ đáp:
      - Có con cu đậu ngoài hàng tre, chị hai à. Để anh ba sửa ná lại, rồi tôi bắn đặng làm thịt ăn chơi.
      Mỹ cười:
      - Tưởng dễ à? Thôi, bắn dưa, bắn ổi đây cho xong!
      Sen dơ tay lấy một trái cắn ăn liền.
      Mỹ hỏi:
      - Quí muốn ăn ổi hay là ăn dưa, em? Như ăn dưa thì chị lấy đường cho mà ăn.
      Quí lơ lãng đáp:
      - Ðể em cột ná rồi sẽ ăn. Chị có dây gai chắc không chị Hai?
      - Đâu mà có.
      - Tức quá, phải có dây chắc, cột ná cho cứng, mới bắn tới con cu đó.
      Mỹ trở vô nhà lấy dĩa để trái dưa với hai trái ổi. Quí cột ná rồi, nhưng bắn thử thì dây đứt nữa, lấy làm phiền lòng, nên bỏ đi vô nhà. Sen lăng xăng chạy theo. Quí lấy một trái ổi và nói:
      - Còn một trái đó, chị ăn đi chị Hai.
      Sen nói:
      - Cho tôi.
      Quí đáp:
      - Em ăn một trái rồi, để trái đó cho chi Hai chớ.
      Mỹ lấy trái ổi đưa cho Sen mà nói:
      - Thôi, để cho em nó ăn.
      Quí đứng ăn ổi mắt ngó Sen mà hỏi:
      - Chị coi Sen giống em không chị Hai?
      - Giống lắm, chớ sao lại không giống.
      Quí suy nghĩ một chút rồi nói tiếp:
      - Vậy thì chị em mình phải thương nó.
      Mỹ chúm chím cười mà nói:
      - Bề nào nó cũng là con của cha. Một máu một thịt, chớ phải ở đâu mà ra hay sao?
      Sen bợ ngợ không hiểu ý anh chị muốn nói gì, nó cười ngỏn ngoẻn, rồi thúc Quí cột ná đặng có bắn chim cu.
      Quí đi kiếm dây cột ná nữa, rồi dắt em trở ra lộ.
      Con cu đất đã bay mất từ hồi nào, làm cho anh em Quí thất vọng, thả nghểu nghến theo hàng tre mà kiếm chim khác.
      Một chiếc xe đò ở Trà Vinh chạy lên. Quí nắm cánh tay Sen đứng trên lề đường mà coi xe chạy. Chừng xe chạy tới, Quí thấy có thầy nó ngồi trên xe thì lật đật cúi chào. Đứng ngó theo xe, nó nghiêm nét măt suy nghĩ rồi nói với Sen:
      - Thôi, em vô nhà chơi với chị Hai, để qua ra chợ đặng thăm thầy một chút.
      Sen lắc đầu nói:
      - Không chịu đâu. Tôi cũng đi chợ nữa, đi kiếm má.
      Không muốn làm em buồn Quí mới dắt em ra chợ. Đi ngang qua nhà Hương Thị, Quí thấy mẹ ghẻ đang ngồi đánh tứ sắc, mới biểu Sen ở đó chơi, rồi Quí thẳng lên thăm thầy nhứt ở ngang trường học.
      Cách một hồi Quí trở lại nhà Hương Thị kêu Sen mà rủ về. Thị Mùi nói:
      - Thôi, để nó ở đây nó chơi với sấp nhỏ của Thị Hương rồi chiều nó về với tao.
      Quí đi về một mình, sắc mặt hân hoan, vừa đi vừa hút gió. Quí hân hoan không phải vì rời được em. Không, không phải vậy, Quí hân hoan là vì mới gặp thầy, và được nghe thầy nói sẽ giúp chỉ đường cho mình đi học nữa. Lòng thỏa thích, mặt tươi cười, Quí đi riết về nhà. Vừa thấy chị, Quí liền nói:
      - Em đi thăm thầy nhứt của em rồi, chị Hai à.
      - Thầy em về hồi nào mà đi thăm? Sao hồi hôm em nói còn ở Trà Vinh?
      - Mới về xe đò hồi nãy.
      - Còn Sen đâu?
      - Nó ở lại chơi với dì ngoài chợ.
      - Vậy hả? Em ăn dưa không?
      - Không, em không muốn ăn, chị ăn đi.
      - Thôi để dành Sen về nó ăn.
      - Chị Hai, có lẽ em còn phải đi thi nữa.
      - Hứ, thi gì mà thi hoài vậy?
      - Thầy em nói, như cha chịu đóng tiền cho em học mấy trường tư trên Sài Gòn thì tốt. Còn như cha không muốn chịu tốn hao, thì thầy em làm đơn dùm cho em gởi xin thi “buộc” [5] vào trường trung học Cần Thơ mà học cũng được. Học Cần Thơ 4 năm rồi cũng thi bằng thành chung.
      - Được hả?. . . Ráng nghe không em, đừng để thành yêu thành quỷ như lời dì nói hồi hôm.
      - Chị đừng nghi ngại. Để em học cho chị coi. Em quyết làm ông nầy, ông kia, chớ không phải làm biện làng như biện thi, biện hợi vậy đâu.
      Không biết em sẽ làm ông gì, nhưng thấy trí em tấn thủ, nghe lời kiên quyết, thì Mỹ rất vui lòng, cô ngồi ngó em với cặp mắt chứa chan yêu thương, tràn trề hy vọng.
      Người ta nói hạng trai trẻ, hễ trong lòng hân hoan thì không thể ngồi yên được. Có lẽ như vậy, cho nên hồi nãy Quí mới đi riết về nhà, mà tỏ sự mừng cho chị biết, cũng chưa thỏa mãn, cần phải nói với nhiều người khác nữa, bất luận là ai. Không kể phận chị ở nhà buồn, không e người ta cho mình là khoe khoang, Quí cầm cái ná đi ra lộ.
      Lúc ban trưa nông phu đều nghỉ hết, lại trời vần vũ chuyển mưa, nên đường vắng hoe, không có người qua lại, duy chỉ có con heo nái của cai tuần Tám dắt bầy con đi trên lề đường, ủi cỏ lên kiếm bầy trùng để ăn, với con chó cò của ai chạy lăng xăng trên bờ mẫu.
      Quí đứng ngó mông một hồi rồi thủng thẳng đi vô ngã ba suối cạn, mặc dầu trời ầm ĩ muốn mưa. Tới quán dì Ba Thới, Quí đứng ngoài lộ ngó vô. Trong quán vắng teo. Dì Ba Thới nằm trên bộ ván, day đầu ra cửa tóc xoã xuống đất. Hường ngồi trên cái thùng đang vạch tóc của mẹ kiếm chí mà bắt. Con két đứng trong cung bán nguyệt, treo tòn ten trước hàng ba, cứ cắn cây mà lộn mèo.
      Thình lình Hường ngó ra lộ, thấy Quí thì cười mà nói với mẹ:
      - Anh Quí vô kìa má.
      Dì Ba Thới xoay đầu mà dòm rồi nói:
      - Vô đây con. Mình trông nó từ sớm tới giờ, nó vô rồi đứng ngoài lộ. Ngộ giữ hôn!
      Dì ba lồm cồm ngồi dậy bới đầu, không cho con bắt chí nữa.
      Dì đã 45 tuổi, nhưng nước da trắng, miệng có duyên, goá chồng đã sáu bảy năm nay, bán quán đủ nuôi sống cả hai mẹ con, nên mặc dù ai ngấm nghé, dì vẫn để hết cả những lời ve vãn ngoài tai, quyết thủ tiết với chồng cho trọn niềm, nghĩ hủ hỉ với con đủ an ủi nỗi lòng mà vui vẻ cùng thiên hạ.
      Quí bước vô đứng ngoài hàng ba chọc con két, đưa ngón tay nhử con két táp mà giựt.
      Hường nói:
      - Nè, nó cắn trúng đau lắm đa anh Quí. Hễ nó táp được thì nó ngậm cứng, không chịu nhả.
      Quí vô nhà. Dì Ba Thới hỏi:
      - Làm gì mà mơi giờ không vô chơi vậy con?
      - Con ở nhà… Con mắc đi ra chợ thăm thầy con.
      - Anh Bồi đi đâu mà hồi nửa buổi, thấy ảnh cưỡi xe máy qua cầu đây?
      - Cha con đi coi gà dưới Dừa Đỏ.
      - Anh đó cứ lo gà, vịt, ảnh mê lắm.
      - Ở đây ai cũng vậy, chớ nào phải một mình cha con.
      - Gà đá nhau đổ máu đổ mủ, thấy tội nghiệp hết sức. Tại sao họ lại đành lòng chơi như vậy không biết. Mấy người đó chừng chết dưới âm phủ sợ mắc tội lớn.
      - Kể gì tội phước. Mà đá gà đặng ăn tiền chớ có phải chơi đâu. Có nhiều độ ăn thua đến năm ba ngàn.
      - Còn thêm cái tội đổ bác nữa. Má con trước ghét lắm, thường than phiến với dì về tánh ba Bồi mê gà và mê bài. Con thi đậu chắc anh Bồi mừng lắm, phải không con?
      - Thưa mừng.
      - Còn má thằng Sen?
      Quí chau mày, đi lại cái tủ đựng bánh mà dòm không trả lời nữa, bộ như không nghe câu hỏi sau đó.
      Hường đi theo mở cửa tủ và nói:
      - Anh muốn anh bánh nào đó thì lấy ăn đi anh Quí. Bánh còn sốp, mới mua về hồi sớm mai.
      Quí lắc đầu.
      Hường lấy đưa cho Quí một cái bánh bàng nhưng đậu xanh mà nói:
      - Anh ăn thử bánh bàng đây coi. Ăn đi. Anh không ăn em giận đa.
      Dì Ba nói tiếp:
      - Ăn đi con, muốn ăn thứ gì thì cứ việc lấy mà ăn. Dì đủ sức chịu bánh cho con ăn mà. Dì không bao giờ quên lời má con gởi gắm. Chớ chi anh Bồi bỏ con, thì dì đem con về dì nuôi liền.
      Quí cầm cái bánh bàng lại ghế ngồi ăn, nghe những lời thương yêu của dì Ba thì cảm động vô cùng, nên không nói chi hết.
      Hường thấy Quí ăn hết cái bánh thì mời ăn thêm cái nữa. Quí khoát tay lắc đầu, đứng dậy đi kiếm nước uống, mặt lộ vẻ tươi cười, lòng nhẹ nhàng phơi phới.
      Sau một trận gió đùa mây tan mất, bây giờ mặt trời ló ra dọi nắng sáng loà. Hường khoe đám bắp trồng sau nhà có trái đã lớn rồi và rũ Quí ra coi chơi.
      Dì Ba nói:
      - Ừ hai đứa ra coi có bắp dầy thì bẻ ít trái vô nướng mà ăn con.
      Hường với Quí nối gót nhau đi xuống nhà sau, rồi ra vườn. Một vuông đất chỉ được vài công chớ không lớn, nhưng mà đâu đó đều bằng thẳng, sạch sẽ, đồ trồng giáp hết, không có một chỗ nào cỏ mọc.
      Khít bên nhà, thì một đám ớt hơn 10 cây, cây nào cũng có trái chín đỏ lòm, một hàng ớt sừng trâu, một hàng ớt nút áo. Ngang đó là một đám đủ thứ rau thơm , thứ nào cũng lên mạnh mẽ tươi tốt.
      Lại có bốn cây cà thấp lùn mà trái sai oằn, thứ màu tím, thứ màu trắng. Cũng có mấy cây cà tây lên cao, phải cặp cây làm giàn mà đỡ cho khỏi ngã, nhưng trái còn xanh chớ chưa chín, một đám đậu phộng đã đơm bông vàng tươi.
      Hường chỉ mà nói trong ít ngày nữa đậu già sẽ nhổ được. Dài theo con đường, đâm ngay vô ranh đất phía trong, thì một bên trồng toàn mía tây, mía đã cao khỏi gối, chắc hết mùa mưa sẽ có mía bán. Còn một bên là đám mía trổ cờ, lố xố giao lá bịt bùng, nhờ trồng trên dồng đất có pha cát. Lại có mương, rãnh, nước mưa không đọng được, nên bắp mới trúng.
      Hường chỉ đám bắp:
      - Bắp tốt lắm, thấy không?
      - Tốt thiệt.
      - Ngoài anh đất nhiều quá mà trồng lôi thôi bỏ đất trống uổng hết sức.
      - Qua mắc học, chị Hai qua mắc đi chợ nấu ăn. Có một mình chú Tiền, chú làm cầm chừng cho lấy có, làm sao không bỏ đất trống.
      Hai anh em nhìn vô đám bắp lựa bắp dầy, bẻ vô nướng ăn.
      - Anh nhớ coi chừng, đừng bẻ bắp non uổng lắm, nghe không.
      Hường vẹt lá đi ra đám bắp, Quí đi theo sau. Bắp cao, lại lá nhiều nên khuất mắt hai trẻ, ai đi phía ngoài khó thấy được, chỉ nghe tiếng Hường nói nói, cười cười, mà thôi.
      Cách một hồi lâu, hai trẻ trở vô nhà, Quí hai tay xách lôi một chục bắp, trái nào trái nấy nương nưởng. Dì ba đắc chí, hối Hường nhúm lửa đặng có than nướng cho Quí ăn. Dì Ba nói với Quí:
      - Anh Bồi mới về ngang đây.
      - À, nếu có cha con về thì con phải về.
      - Về làm gì? Hồi nãy dì có kêu mà nói có con ở đây, anh Bồi biết rồi, nên không kiếm con đâu mà sợ.
      - Con có chuyện muốn nói với cha con.
      - Chuyện gì?
      - Con phải hỏi lại cho chắc, coi cha con chịu cho con lên Sài Gòn mà học hay không. Như không chịu, thì con cậy thầy con làm đơn dùm cho con xin thi “buộc”, đặng con qua Cần Thơ con học.
      - Ôi! Chuyện đó có gấp gì đâu. Tối rồi con sẽ nói cũng được.
      - Con muốn nói riêng với cha con.
      - Sợ ai mà phải nói riêng? Làm cha mẹ phải lo lập thân cho con. Ai dám ngăn cản hay sao mà con sợ. Sự nghiệp của anh Bồi bây giờ đó là nhờ một tay má con gây dựng. Phải dùng sự nghiệp mà nuôi con ăn học chớ. Nếu anh Bồi không chịu tốn mà cho con học, để dành tiền cho họ đánh bài, thì chừng ảnh chết xuống âm phủ, ảnh còn mặt mũi nào mà thấy má con. Dì nói thiệt, nếu anh Bồi yếu trí ảnh làm lôi thôi, thì dì khinh ảnh lắm.
      - Hồi hôm con có khơi ra nói, thì cha con làm thinh… Mà dì con tỏ ý không muốn cho con học thêm nữa, nói bày đi học xa đặng phá tiền, biểu con ở nhà rồi xin làm biện làng.
      - Má thằng Sen không có quyền ngăn cản sự học của con. Để bữa nào anh Bồi đi ngang qua đây, dì sẽ nói chuyện với ảnh. Con hãy yên tâm. Để dì lo cho. Dì là chị em của má con. Anh Bồi biết lắm. Dì nói dì không vị đâu.
      Quí ngồi êm và suy nghĩ.
      Dì Ba kêu Hường mà nói:
      - Hường à con đốt lửa cho có than rồi cho má hay đặng má nướng cho con nghe không, con không biết, con nướng ba sồn ba sựt [6] ăn không ngon.
      Hường ở đằng sau nói vói:
      - Gần có than rồi má à.
      Quí nghe tiếng Hường kêu má, là tiếng thuở nay mình không có nói lần nào, bởi vậy nó cảm động nên đứng tần ngần buồn hiu.
      Dì Ba kêu biểu nó đi xuống nhà bếp coi nướng bắp chơi, rồi dắt nó đi vô trong. Dì dành mà gặt bếp lửa. Hường đứng dậy ngó Quí vừa cười vừa nói:
      - Bắp tháng nầy ngọt lắm. Để nướng rồi anh ăn thử coi.
      Dì Ba sửa soạn bếp vừa hỏi Quí:
      - Ngoài con năm nay có trồng bắp hay không?
      - Thưa không
      - Má thằng Sen ngày nào cũng đi đánh bài, có trồng trặc gì đâu.
      - Chú Tiên có trồng dưa gan
      - Dì thấy. Trồng có ít vòng, mà không săn sóc nên dưa èo uột hết. Hồi má con còn, chung quanh trồng đủ thứ mà ham. Trồng đậu xanh, đậu phộng, mỗi năm bán tới mấy giạ. Còn qua tháng 11, tháng chạp thì trồng dưa hấu ngoài ruộng chở đi bán cả ghe. Chỉ trồng giống củ cải lớn bằng bắp tay, dài gần 2 gang, bán tới bảy tám xu một củ. Cách làm rẫy thì chỉ giỏi đệ nhứt ở làng nầy, chớ có phải như má thằng Sen vậy đâu.
      - Chị Hai con cũng ưa trồng, nhưng chỉ mắc chợ nấu ăn, nên không có thời giờ mà trồng được.
      - Con Mỹ nó còn con nít, lại có ai chỉ biểu cho nó đâu mà nó trồng. Con Hường trông nầy cũng vậy. Nhưng dì tập lần nó, có lẽ ít năm nữa nó làm công chuyện được.
      Lửa than có rồi, Dì Ba Thới mới lột bắp mà nướng, Hường đi làm mỡ hành đặng thoa bắp.
      Bắp nguội rồi, hai đứa trẻ ngồi dựa bếp lửa mà cạp, Hường kiếm chuyện ghẹo Quí vui vẻ vô cùng.
      Ăn rồi còn dư hai trái, dì Ba Thới mới biểu Quí cầm về cho Mỹ. Hường lấy giấy gói lại tử tế mà trao cho Quí.
      Quí ra về thì đã nửa chiều, thầm vái mẹ ghẻ chưa về đặng nói chuyện với cha.
      Té ra bước lên thềm thì thấy cha nằm trên ván, có mẹ ghẻ một bên, nói chuyện bài bạc.
      Thằng Sen ra đón. Lấy cái gói của Quí cầm, mở ra thấy hai trái bắp nướng thì vui mừng, nên mỗi tay cầm một trái chạy vô khoe với mẹ. Quí đi thẳng xuống nhà bếp mà kiếm chị.


      Chú thích :


      5. học bổng (bourse)

      6. nửa sống, nửa chín
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 23.01.2006 03:06:57 bởi NuHiepDeThuong >
      #3
        NuHiepDeThuong 24.01.2006 04:26:27 (permalink)
        CHƯƠNG 4


        Không biết ông Bồi Bái Tồn vì yếu chí nên xuôi theo ý vợ nhỏ, hay là tại ông có ý kiến riêng, song ông không muốn nói ra ngay, mà hôm trước có dịp ngồi một mình với Quí, ông nói với con một cách rất cương quyết rằng, ông không thể cho con lên Sài Gòn mà học được.
        Quí thấy phía đó bịt đường, mới day qua phía khác. Nó năn nỉ với thầy nó, làm ơn chỉ dùm cách gửi đơn xin dự thi “ buộc “ vào trường trung học Cần Thơ, trò mà ham học tự nhiên thầy vui lòng, bởi vậy thầy Nhứt Vĩnh ra công lo giấy tờ dùm cho Quí đi thi học bổng.

        Hôm tuần trước, Qui đã đi qua Cần Thơ mà thi. Số cử tử [7] trên 200, tranh nhau mà hưởng 30 học bổng. Quí đậu số 3, vinh hạnh viên mãn, nên về mấy bữa rày trong lòng vui vẻ như dẫy đầy ánh sáng ban mai.
        Mà người tự đắc ý, tự hào nhứt, là thầy Vĩnh. Thầy đi cùng xóm, cùng làng, mà khoe trí, khoe hạnh của trò Quí, một trò kiểu mẫu của thầy nắn đút mấy năm nay, mà chắc chắn cũng nên có một nhân vật đứng đắng, cao quý của làng Mỹ Huê, không biết chừng của quận Càng long, của tỉnh Trà Vinh, hay của miền Nam nước Việt nữa.

        Quí sửa soạn áo quần sách vở, đặng đến ngày nhập trường để qua Cần Thơ mà học, học 4 năm để lấy bằng Thành chung thiệt chớ không phải “thành quỷ” hay “ thành yêu”; mà không biết chừng hễ có bằng Thành chung rồi, học luôn đặng thi tú tài, có bằng tú tài rồi ra Hà Nội học thêm nữa, học trường cao đẳng sư phạm hoặc trường y khoa, để đến đó rồi liệu định.
        Một buổi sớm mai, thanh bạch tốt tươi, khoẻ khoắn yên tĩnh, Quí dắt Sen ra trước sân kiếm ổi chín hái ăn. Con kỳ nhông đầu đỏ, mình xanh ở trên cây ổi nhảy xuống đất làm cho Sen giật mình, sợ sệt, ôm chặt Quí mà la. Ông bà Bồi nghe Sen la bài hãi, không biết có việc gì, nên lật đật chạy ra cửa kêu Quí mà hỏi. Chừng nghe Sen sợ kỳ nhông thì ông bà tức cười rồi đứng đó chơi.
        Tên trạm làng ở ngoài lộ xâm xâm đi vô, chấp tay xá vợ chồng ông, và đưa một phong thơ. Ông Bồi cầm thơ và trở vô nhà mang cặp kiếng đàng hoàng đặng mở thơ ra coi. Thị Mùi muốn biết coi thơ của ai, nên liền theo vô nhà mà hỏi.
        Thơ bằng chữ Pháp, tuy đánh máy tỏ rõ, song ông Bồi đọc không được, nên kêu Quí vô mà đưa cho Quí coi. Quí đọc thơ rồi tay run, mặt tái mà nói với cha:
        - Thưa cha, thơ của sở học chánh cho hay rằng tuy con thi đậu số 3, nhưng mà học bổng lập ra cốt giúp cho con nhà nghèo. Con là con một vị chủ điền đứng bộ trên 50 mẫu ruộng hạng nhứt, nên con không được hưởng phép học bổng. Vậy con chỉ được vào học theo đóng tiền kêu là “payant” và ngày vào học phải đóng 3 tháng tiền ăn và tiền sách vở!
        Ông Bồi bỏ đi lại ván ngồi vấn thuốc hút, sắc mặt nghiêm nghị. Thị Mùi hỏi Quí:
        - Đóng tiền một lần nầy mà thôi, hay là phải đóng hoài?
        - Thưa, mỗi tháng đóng một kỳ.
        - Ðóng hết bao nhiêu?
        - Thưa, theo thơ đây thì mỗi tháng đóng 66 đồng chia ra tiền ăn ở 54 đồng, còn tiền học 12 đồng.
        - Giống gì mà dữ vậy! Nghe nói phải học tới 4 năm, chớ phải học một ngày một bữa sao. Vậy thì học phải tốn hao bạc ngàn, chịu sao nổi. Bữa nào khai trường?
        - Thưa, Thầy con dặn sớm mai 15 hãy đi, vì chiều 15 phải có mặt tại Cần Thơ đặng vô trường.
        Ông bồi thở ra một cái rất dài, rồi chậm rãi nói:
        - Thôi con, học tốn nhiều quá, mà phải tốn tới 4 năm, cha sợ cha không chịu nổi.
        Ông còn muốn nói nữa, nhưng ông ngó con rồi cảm xúc quá, nói không được, ông đứng dậy đi ra ngoài hàng ba, đôi dòng luỵ lăn dần xuống hai gò má.
        Quí thất vọng cực điểm, nên đứng trân trân. Nó ngó qua khung cửa xuống nhà dưới, thấy Mỹ đương đứng nhìn nó với sắc mặt buồn hiu, thì nó rơi luỵ, rồi xây lưng đi lại phía trên, đi lơ lửng như xác không hồn, mắt lờ mờ, ngực đập thịch thịch. Quí đi tuốt vô trong phòng, đặt lưng trên giường rồi kéo mền đậy mặt mà khóc. Cha đã nhứt định vậy rồi. Đời học sinh của mình chỉ tới bực sơ học là cùng! Thành chung cũng không được, đừng mong tu tài và Cao Đẳng!
        Cách một hồi Quí nghe mẹ ghẻ ở ngoài hỏi:
        - Đi đâu mà đẩy xe máy ra đó? Cơm đã gần chín rồi, sao không ăn cơm rồi sẽ đi?
        Rồi nó lại nghe cha trả lời:
        - Đi bậy vô dồng chơi. Ở nhà ăn cơm đi.
        Cha đã đi rồi, thế là sự học của mình đã bỏ dẹp; cha không muốn nói tới nữa, thì mình còn chỗ nào mà trong mong. Quí nghĩ như vậy thì tức tủi, nên nằm khóc nữa.
        Tại sao cha mình không chịu tốn cho mình học nữa? Có phải tía mới khởi đầu thì mẹ ghẻ mình sợ hao tốn rồi tỏ ý không muốn, bởi vậy cha mình không dám trái ý ấy, nên bịt đường tấn thủ của mình?
        Hay là tại cha mình tuy có ruộng, song bị ăn xài lớn, nên không có tiền mà lo cho mình học đến cùng? Quí hỏi trong trí như vậy, mà không dám trả lời, bởi vì trả lời tự nhiên mình trách cha, mà con trách cha là trái đạo nghĩa.
        Thằng Sen vô phòng kêu Quí mà biểu ra ăn cơm. Quí lắc đầu nói:
        - Em ra ăn với dì đi.
        - Cơm dọn rồi, chị Hai biểu kêu anh.
        - Qua không đói, em nói với chị Hai như vậy.
        Sen chạy ra, rồi đi xuống nhà dưới ăn với mẹ, ở nhà trên bây giờ vắng vẻ im lìm. Quí mở bức thơ ra đọc lại, đọc mỗi câu nước mắt chảy mấy lần, càng đọc càng thêm đau lòng buồn tủi.
        Thị Mùi ăn cơm rồi dắt Sen đi như mọi buổi. Mỹ ngồi ghé phía chân giường, thấy em sầu não, cô cũng rưng rưng nước mắt mà nghẹn ngào nói:
        - Chớ chi có ai chịu mướn chị, thi chị ở đợ lấy tiền cho em đi học.
        Lời nói ấy càng làm cho Quí thêm buồn tủi, nên Quí tốc mền, ngồi dậy và ngó ngây chị mà hỏi:
        - Chị cũng muốn cho em học nữa phải không?
        Mỹ lấy vạt áo lao nước mắt mà đáp:
        - Phải học cho nhiều, mới cao, mới quý. Bây giờ em thôi học, rồi ở nhà làm giống gì? Mỗi ngày xả đi chơi. Qua mùa gà thì gom gà đi theo cha. Chừng lớn lên làm ruộng, nuôi gà vịt, đánh tứ sắc. Chị đâu có muốn sống cảnh vô vị như vậy đâu.
        Quí vụt nhảy xuống đất gọn gàng, và đứng nói một cách rất cương quyết:
        - Em sẽ tuân theo ý chị. Em quyết thoát khỏi cái đời thấp hèn, yếu ớt, vô vị, lu mờ, như chị mới nói đó.
        Mỹ ngó em trân trân mà hỏi.
        - Em làm cách nào? Không đi học được thì khó mà lập thân lắm.
        - Em chưa biết em phải làm thế nào. Để thủng thẳng rồi em sẽ tính.
        - Chị vái vong hồn má phù hộ thân em.
        - Và phù hộ chị luôn nữa chớ. . . Em quyết em sẽ làm nên, làm nên cho thiên hạ biết mặt. Làm nên đặng chị em mình hưởng thú cao sang.
        - Lo cho em, chớ thân chị mà kể gì, phận chị thế nào cũng được hết, chị không cần lo.
        Quí suy nghĩ một chút, rồi vói lấy bức thơ trên giường xếp bỏ vào túi vừa đi vừa nói: “
        - Để em đem ra cho thầy em coi.
        Mỹ đi theo nói:
        - Để chị dọn cơm em ăn rồi sẽ đi. Bề gì cũng phải ăn cơm, không nên để bụng đói.
        Quí dụ dự, rồi gật đầu, và đi xuống nhà dưới. Mỹ dọn cơm rồi, ngồi chơi với em cho nó vui. Té ra, Quí ăn có một chén cơm rồi bỏ đũa, đi uống nước, nét mặt không buồn thảm nữa, song nghiêm nghị hầm hừ.
        Quí nói chị hay rồi ra lộ mà đi chợ.
        Thầy Vĩnh ăn cơm sớm, mới rồi đương nằm trên ghế bố mà coi sách. Thấy Quí bước vô, thầy buông sách ngồi dậy và vui vẻ hỏi:
        - Có giấy kêu đi học hay chưa?
        Quí rút bức thư trong túi ra, và cầm hai tay đưa cho thầy mà đáp:
        - Bẩm thầy, có giấy đây, song em không được học "buộc".
        - Sao vậy?
        - Bẩm thầy coi đó sẽ rõ.
        Thầy Nhứt cầm thơ mà đọc, rồi gật đầu mà nói:
        - Phải rồi. Ông Bồi đứng bộ ruộng nhiều quá, tự nhiên em không được hưởng học bổng. Thầy cũng nghi chỗ đó, nhưng thầy xúi em thi liều, là vì thầy nghĩ phải thi đậu người ta mới cho đóng tiền mà học, tự dưng ông Bồi sẽ vui lòng mà đóng tiền. Em đã có ông Bồi hay rồi chưa?
        - Bẩm, rồi.
        - Chắc ông Bồi vui lắm hả?
        - Bẩm thầy, cha em nói không đủ sức đóng tiền cho con học, nên biểu em ở nhà.
        - Hứ! Giống gì mà không đủ sức. Tốn hao mỗi năm chừng ít trăm đồng bạc chớ bao nhiêu.
        - Bẩm, cha em nói học tốn hao nhiều lắm, tại phải học tới 4 năm, thì không thể chịu nổi.
        Thầy Nhứt ngồi chau mày suy nghĩ một chút, rồi chậm rãi nói:
        - Có con ham học như em, mà bắt ở nhà không cho học nữa, thì chắc trong nhà khuẩn lắm, chớ không phải hà tiện. Vậy em chẳng nên phiền cha mẹ. Em thôi học thầy tiếc em lắm. Nếu em có tiền cứ học tới hoài, thì em sẽ đi tới đâu lận, chớ không phải chỉ tới bằng Thành chung đâu. Ở đời mỗi người đều có mạng. Có lẽ mạng em không được cao sang, nên đường học vấn mới bị lấp bít như vậy. Thầy tiếc quá, nếu nhà thầy dư dả, thầy sẽ ra tiền cho em mượn mà ăn học. Thầy chắc tiền ấy không mất. Ngặt thầy nghèo, lương mỗi tháng vừa đủ ăn và nuôi con chớ không dư, làm sao mà giúp em.
        Thầy Nhứt nói giọng thành thật. Làm cho Qúi cảm động nên chảy nước mắt.
        Thầy Nhứt vụt đứng dậy, quăng quyển sách trên bàn viết mà nói lớn:
        - Nhà có tiền, họ không biết làm việc nghĩa như vầy thiệt tức quá. Số tiền họ thua gà, thua bài mỗi năm, nếu mà họ để nuôi học trò nghèo ăn học, thì công ơn lớn biết chừng nào.
        Quí rón rén nói:
        - Bẩm thầy, mấy năm em nhờ thầy dạy dỗ, em mang ơn thầy nhiều lắm. Hồi nãy thầy nói mỗi người đều có mạng riêng. Em tin có như vậy. Chắc là tại mạng em không ra gì, nên em không thể học nhiều được. Mà thân em sau nầy, sướng hay cực, cao hay thấp, dầu thế nào đi nữa, em cũng không quên ơn thầy.
        Thầy Nhứt đi qua đi lại trong nhà một hồi rồi đứng lại hỏi Quí.
        - Em không được đi học nữa, rồi bây giờ em ở nhà làm việc gì?
        - Bẩm em không biết… Có lẽ em sẽ lên Sài Gòn.
        - Lên Sài Gòn làm chi?
        - Bẩm em cũng chưa biết.
        - Sài-Gòn là chỗ để người ta lập thân danh hơn hết. Hễ có tài thì tự dưng nên danh. Mà dầu không có tài đi nữa, miễn lanh lợi, khôn ngoan và xảo trá nhứt là xảo trá - thì làm giàu mau lẹ, mà lại rồi còn có danh lớn nữa. Tuy vậy mà thầy không muốn em lên Sài-Gòn. Em ở dưới tỉnh tốt hơn.
        - Bẩm thầy, em định lên Sài Gòn đăng kiếm thế học thêm.
        - Học cái gì? Phải vào trường mới tìm được cái thiệt học, chớ học lóm đăng cho có cái vỏ học thức, còn trong óc trống trơn, học như vậy dầu có ích riêng cho mình, song có hại chung cho xã hội nhiều lắm.
        - Em cảm ơn thầy.
        - Em phải suy nghĩ lại. Thà làm một nông phu biết đạo nghĩa, có liêm sĩ, hơn là một danh nhơn mà lòng ô trược, óc hư mục, em hiểu không?
        - Bẩm, hiểu.
        - Ừ, ở đời cần phải giữ tâm trí cho thanh cao, giữ tánh tình cho ngay thẳng, dầu làm tên dân Quí, chẳng luận là làm ông gì. Theo đạo quân tử thì hay dở ở chỗ đó, ở tâm chí, ở tánh tình, chớ không phải ở địa vị. Em phải nhớ lời thầy dạy.
        - Dạ em sẽ nhớ luôn luôn.
        - Ừ, thôi em về nghỉ. Dầu em thôi học, mà hễ có việc chi bối rối, thì em cứ ra đây hỏi thầy, thầy sẵn lòng chỉ bảo cho.
        - Cảm ơn thầy.
        Quí xá thầy Nhứt và lấy bức thơ đi về, tính giữ kỹ bức thơ ấy để làm kỷ niệm cái mức chót của đời học sinh mình.



        Chú thích :

        7. người dự thi
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 24.01.2006 04:54:10 bởi NuHiepDeThuong >
        #4
          NuHiepDeThuong 24.01.2006 05:03:57 (permalink)
          CHƯƠNG 5



          Những lời thấy Nhứt Vĩnh giảng dạy Quí, thiệt không phải thánh ngôn hay hiền ngữ gì đó, nhưng tỏ ra với cái giọng bực tức, đau đớn nhứt là thành thật, nên mỗi câu đều có sức dội rất sâu xa. Đã vậy mà Quí có sẵn tâm hồn tôn kính và tin cậy thầy, lại gặp lúc đang thống khổ về tinh thần bễ nghễ, về tâm chí, bởi vậy được nghe những lời ấy, Quí cảm động tận đáy lòng, rồi dường như khối buồn đã tan dần, nỗi khổ đã nhẹ bớt.
          Hồi trong nhà đi ra, Quí xính vính, lờ mờ, nhờ những lời dìu dắt, nâng đỡ, soi sáng, của thầy mà bây giờ trở về, Quí vững vàng, an tịnh chút ít, chẳng khác nào chiếc thuyền nhỏ gặp đám giông to mà đã vào được ụ rồi, hay là người lạc hướng trong rừng lúc ban đêm, mà đã được thấy ngọn đèn đỏ lấp ló chỉ chừng đường vào xóm.
          Mỹ vừa thấy Quí bước lên thềm thì đón hỏi:
          - Em có gặp thầy Nhứt hay không?
          - Có.
          - Thầy coi thơ rồi thầy nói sao?
          - Thầy buồn cho thân phận em.
          - Thầy không có phương thế nào mà giúp cho em qua Cần Thơ học sao?
          - Phải có tiền mới giúp được, chớ có phương thế nào khác đâu. Thầy em có than thầy em nghèo, chớ chi thầy em dư dả, sẽ ra tiền mà nuôi em học.
          - Người đáng kính đáng phục quá! Dẫu không giúp được, mà có lời nói như vậy thì mình cũng phải nhớ ơn hoài.
          - Không thế nào em quên được đâu.
          - Thầy Nhứt có trách cha không?
          - Không. Thầy em nói có lẽ tại cha túng tiền quá, nên mới bắt em ở nhà, chớ không phải hà tiện. Thầy em khuyên em đừng có phiền.
          - Thiệt, em chẳng nên phiền cha…
          - Em đâu dám phiền cha. Em buồn về mạng của em mà thôi.
          - Nếu má còn sống chắc em còn đi học được.
          - Người ta nói hồi còn sinh tiền má làm ăn giỏi lắm. Nhà cửa ruộng đất của mình đây đều là công má làm ra. Phải vậy hay không chị Hai?
          - Hồi má mất chị còn nhỏ quá, mới bốn năm tuổi có biết gì đâu.
          Quí bỏ ra vườn vừa đi vừa lầm bầm:
          - Nếu thiệt ruộng đất nhờ tay má làm ra, mà bây giờ em không có tiền ăn học, thì em tức lắm.
          Mỹ nghe mấy lời ấy thì động lòng nên đứng ngó theo em, ứa nước mắt.
          Người trí, ý yếu mềm, hễ găp nghịch cảnh thì khổ tâm, nản chí, rồi xuội lơ, không biết phản động, cứ than thở buồn rầu. Có lẽ Quí nhờ máu của mẹ hồi trước là một người hoạt động mạo hiểm, cương quyết, nên tuy còn nhỏ tuổi mà Quí trí cứng mạnh, đã biết chắc không được đi học nữa, thì Quí không thối chí ngã lòng. Quí lại tính tìm đường khác mà đi, đi cho khỏi cái khu vực thấp hèn, đi cho đến địa vị cao quý.
          Đã thành ý mà lại còn được thấy trường chí, nên mấy ngày nay tuy nỗi buồn tủi chưa tiêu tan hết được, nhưng Quí được an tậm tỉnh trí, đứng đi ăn ngủ như thường.
          Ông Bồi lúc nào có ở nhà thì ông hay liếc mắt ngó Quí, dường như ông muốn khảo sát tâm hồn con, để dò thử coi sự ông quyết định đã làm buồn lòng con đến bực nào.

          Đến đêm 14 tây, Quí nằm nhớ nếu mình được đi học Cần Thơ, thì sáng mai mình phải đi đón xe đò, mà đặng chiều mai nhập trường với chúng bạn, nhớ sự ấy thì trong lòng thắt thẻo bồi hồi, nên nằm trăn trở hoài, ngủ không được.
          Sáng 15 tây, Quí thức dậy sớm, trong lòng cứ nôn nao buồn bực, không thể ở trong nhà được, nên lần bước đi ra lộ. Giọt sương ban mai đang oằn oại trên ngọn cỏ; rặng cây Suối Cạn xanh xám ở trong xa. Mấy chị gánh rau, hành, ra chợ mà bán, họ đi từ tốn, nói chuyện rù rì; những mẫu ruộng cấy tháng trước, lúa đã nở bụi, đâm lá một màu xanh mướt.
          Quí đứng ngó mông, thấy mã mẹ nằm trên gò, cách lộ chừng ít chục thước. Nó thường xuống bờ mẫu nhỏ đi vô đó, gặp khúc bờ đứt phải vén quần mà nhảy ngang qua.
          Mã chỉ có một ngưu manh với tấm mộ chí dựng trên đầu, nhưng nhờ xây trên gò cát ở giữa ruộng, nên không có cỏ rác.
          Quí đứng dưới mộ chí mà ngó vô dồng. Mặt trời đã mọc, song bị mấy rặng tre che khuất, nên chưa dọi ánh sáng trên đường. Lòng đương bát ngát, trí đương tư lự. Quí xây mặt ngó vô phía ngả ba Suối Cạn, bỗng thấy 1 chiếc xe đò ló đầu. Quí biết hết xe của các hãng chạy qua lại Càng Long, bởi vậy vừa thấy xe là Quí đã hiểu là xe ở Trà Vinh đi Vĩnh Long, trong trí thầm nghĩ nếu bữa nay mình được đi học, tự nhiên phải đi chuyến xe nầy, đặng 9 giờ lên tới Vĩnh Long mà sang qua xe 10 giờ đi Cần Thơ. Quí đứng ngó xe trên kia; xe chạy ngang qua rồi, Quí ngó xuống mồ của mẹ, hai dòng luỵ lăn xuống gò má nóng hầm. Đứng buồn tủi một hồi, rồi dưòng như được nghe tiếng thiêng liêng an ủi trường chí. Quí lau nước mắt, nhìn mồ mẹ một lần nữa, và bước lại bờ mẫu trở ra lộ.
          Bây giờ mặt trời đã lên khỏi ngọn tre, nhưng bị đám mây án nên chưa dọi nắng. Quí không vô nhà, lại xăng sớm đi vô ngả ba. Tới quán dì Ba Thới, Quí ngó vô, thấy Hương nhì Út ngồi vén quần, gãi bắp vế sột sột, đương cãi về chuyện gì không biết với tám Thẩm ở trần khoe ngực ốm lộ xương.
          Hương thấy Quí thì mừng và mời vô trong.
          Quí ngó quanh quất rồi hỏi:
          - Dì Ba đi đâu vắng?
          - Má em đi chợ, đi hồi nãy, anh không gặp hay sao?
          - Không.
          - Anh lên võng nằm chơi, má em đi chợ một chút sẽ về.
          Có lẽ Hương nhì Út với tám Thấm cãi xong chuyện hay sao, mà hai người dắt nhau đi cười vui hoà nhã.
          Quí lên võng giăng dựa vách, nằm đưa nhè nhẹ, vắt tay qua trán, mắt nhắm lim dim.
          Hường chưng hửng, đứng suy nghĩ rồi chậm rãi nói:
          - Hèn chi cách mấy bữa rày cậu nói chuyện anh đi học, song em mắc nấu cơm nên em nghe không rõ. Cậu nói rồi cậu khóc, em tưởng anh gần đi học xa cậu Bồi buồn nên cậu khóc chớ.
          Quí châu mày hỏi:
          - Cách mấy bữa rồi?
          - Chừng năm sáu bữa.
          - Tại sao mà cha qua khóc?
          - Thương anh nên khóc chớ gì?
          - Không phải đâu. Cha qua đã không chịu cho qua đi học nữa, thì qua có đi đâu được, nên sợ xa qua mà klhóc.
          - Em có biết đâu.
          - Mà hôm đó nói chuyện với cha qua, em có nghe dì Ba trách móc cha qua điều gì không?
          - Không. Má em nói chuyện êm ái lắm.
          - Khó hiểu…khó hiểu lắm.
          - Để má em về rồi anh hỏi lại coi có quả như vậy không?
          - Đợi dì Ba về qua sẽ hỏi.
          Có người đàn bà vô đàng trước kêu hỏi mua thuốc. Hường ra bán thuốc. Quí thủng thẳng bước ra vườn đứng coi đám ớt chín. Cách một lát, Hường theo chỉ rau mà khoe với Quí, rồi dắt nhau trở vô nhà.
          Quí thích chơi với két lắm, mà bữa nay không muốn ngó tới két, cứ nằm trên võng dàu dàu. Hường kiếm đủ chuyện vui mà nói, song Quí chẳng bao giờ nhích miệng, cứ ừ hử mà thôi.
          Xe đò đi Vĩnh Long xuống tới, ngừng ngay trước quán. Dì Ba Thới ở ngoài chợ ngồi xe ấy mà về, dì leo xuống. Tay xách giỏ đồ ăn, còn lơ xe thì bưng dùm một thúng bánh ngọt để xuống lộ cho dì.
          Hường ở trong quán chạy ra bưng thúng bánh, vui vẻ nói với mẹ:
          - Có anh Quí vô chơi từ nãy má à.
          Xe đò rút chạy. Tên lơ xe muốn ghẹo Hường nên đứng tại bàn đạp xe nói lớn:
          - Thôi con đi nghe má. Má ở lại mạnh giỏi.
          Hường biết người ta muốn ghẹo mình, nên xụ mặt mà rủa:
          - Đồ mắc dịch đâu!
          Dì Ba xách giỏ, còn Hường bưng thùng bánh ngọt, mẹ con nối gót mà vô quán.
          Dì Ba hỏi Hường:
          - Có Quí vô chơi hả con?
          - Có.
          - Con có lấy bánh trái gì cho nó ăn không?
          - Con có lấy đậu nấu cho anh ấy ăn, ảnh không chịu ăn.
          - Để biểu nó ở ăn cơm. Má có mua đồ ăn bộn.
          - Con có rủ ảnh ở chơi tới chiều sẽ về.
          Quí ra đứng tại cửa quán mà chào dì Ba. Dì mừng rỡ hỏi:
          - Hổm nay con đi đâu mất? Dì trông dữ quá.
          - Con ở nhà, song có việc buồn, nên con không muốn đi chơi.
          - Dì muốn sai con Hường ra kêu con vô cho dì nói chuyện, song sợ mẹ thằng Sen hay, rồi đặt điều nói bậy, nên dì không cho kêu. Thôi, để dì lo chỉ cho con. Hường nấu ăn rồi dì sẽ nói công chuyện cho con nghe. Con nằm đó chơi.
          Dì Ba lột khăn bỏ trên ván, rồi xách giỏ đi thẳng xuống nhà dưới. Hường để thùng bánh trên kệ, day mặt ngó Quí chúm chím cười, rồi đi theo mẹ vô trong.
          Quí đứng dựa cửa ván ngó ra đường, trông nghe coi dì Ba nói chuyện gì, tuy trong trí đã chắc dì sẽ nói chuyện dì với cha gặp nhau, mà Hường đã thuật sơ cho mình nghe hồi nãy.
          Dì Ba soạn đồ trong giỏ ra chỉ cho Hường nấu nướng, rồi đi trở ra ngoài thay áo, dì hỏi Quí:
          - Quí đói bụng hay không, con?
          - Thưa, không.
          - Như có đói thì lấy bánh đó ăn đỡ.
          - Thưa con không đói.
          - Thôi, đề con Hường nấu cơm xong rồi ăn. Con ở trong nầy chơi chiều hãy về. Con không đi học nữa, thì lo bài vở gì đâu mà ở nhà.
          Nghe nhắc đến chuyện học. Quí buồn thiu, bước lại ghế dựa tủ tiền, đưa chân khều lên mặt đất mà vẽ chữ.
          Dì Ba ngồi trên bộ ván gần đó mà ăn trầu. Dì nói:
          - Hồi nãy dì đi xe hơi về đây, dì thấy anh Bồi cưỡi xe máy đi ra chợ. Thế bữa nay đánh bài đâu trên dồng trên.
          Quí muốn biết coi cách mấy mấy ngày trước cha vô đây nói chuyện gì, và nhứt là muốn biết coi tại sao nói chuyện mà cha lại khóc, bởi vậy Quí khởi đầu hỏi:
          - Con không được đi học Cần Thơ. Dì hay chuyện đó phài không?
          - Hay, dì hay hổm nay.
          - Ai nói mà dì hay?
          - Anh Bồi.
          - Hồi nãy em Hường có nói cách mấy bữa rày, cha con vô đây, có thiệt như vậy hay không dì Ba.
          - Thì ảnh vô đây, ảnh nói chuyện về con, nên dì hay con không đi học nữa chớ.
          - Cha con tự nhiên vô thăm dì, hay là tình cờ ngang qua đây, rồi dì mời ghé vô mà nói chuyện.
          - Không. Ở ngoài nhà ảnh đi vô đây, ở nói chuyện với dì đến trưa mới đi vô dồng. Theo chuyện nói với dì, thì ảnh không cho con đi được nữa, ý ảnh buồn lung lắm.
          - Dầu cha con có nhiều buồn cách mấy đi nữa, con chắc chẳn thế nào cũng không buồn bằng con.
          Quí nói câu đó mà rưng rưng nước mắt.
          Dì Ba đương xỉa thuốc ngoài rạch, dì nghe, dì ân hận, lại liếc thấy vẽ mặt buồn tủi của Quí, thì dì nghiêm nét mặt mà nói:
          - Con chẳng nên phiền anh Bồi. Thiệt ảnh buồn lắm. À để dì thuật công chuyện ảnh nói với dì lại cho con nghe. Vô đây, ảnh vừa ngồi, thì dì hỏi ảnh, có biểu má thằng Sen may áo quần sửa soạn đặng con đi học hay không, vì cả làng ai cũng nghe con đã thi đậu, và sẽ được qua Cần Thơ mà học, ảnh lặng thinh một hồi, thở ra mà nói con thi đậu ảnh mừng hết sức, té ra mới tiếp được giấy nói phải đóng tiền mà học, chớ nhà nước không nuôi cơm, bởi học bổng để cấp cho con nhà nghèo, con điền chủ không được phép hưởng. Dì nói nhà nước định như vậy là phải lắm, vậy ảnh cứ đóng tiền cho con học. Anh nói mỗi năm đóng nội tiền đã trên 200 rồi, còn phải tốn tiền bánh hàng, quần áo nữa. Mà phải tốn như vậy đến 4 năm, ảnh không thể chịu nổi. Dì giận dì nói má con hồi làm cực khổ mà sắm nhà cửa ruộng đất để lại cho con. Số lúa cho mướn ruộng mỗi năm góp trên 2000 giạ. Vậy phải trứt ra ít trăm giạ mà cho con học, chớ sợ tốn, rồi bắt con ở nhà chịu dốt, còn huê lợi của má nó, để cho má thằng Sen thua tứ sắc, làm như vậy không sợ thiên hạ kêu rêu hay sao. Con thấy không? Dì dám nói lắm, dì có sợ đâu. Tiền bạc của vợ trước để lại mà không cho con hưởng, lại đem cho vợ sau bài bạc, đàn ông ăn ở như vậy sao cho được.
          - Dì nói như vậy rồi cha con trả lời sao?
          - Tội nghiệp quá… Anh Bồi khóc.
          - Sao vậy dì?
          - Ảnh khóc rồi tỏ hết việc nhà cho dì nghe, vì ảnh biết là dì là chị em thiết của má con hồi trước, nên ảnh không dấu diếm chi hết. Ảnh nói, hồi má con mất thì nhà cửa tử tế, lại có ruộng đất nữa. Chôn cất má con rồi, trong nhà con dư bạc mặt gần một ngàn. Vì ảnh buồn mới thả đi đánh bạc, đá gà mỗi năm thua một chút, vì thua nên huê lợi ruộng không đủ xây dựng trong nhà, ảnh phải vay mượn thêm, nhiều năm thành mắc nợ. Hôm tháng hai rồi, ảnh đã cho mướn hết ruộng trong Suối Cạn, cho mướn luôn trong 3 năm, cho mướn lấy bạc mặt trả nợ. Từ đây cho tới 3 mùa lúa nữa ảnh không có thâu góp một hột nào hết. Ảnh phải bài bạc, chạy chọt, kiếm tiền nuôi sống vợ con mỗi bữa, mà sợ kiếm không đủ, thế thì làm sao có tiền mà nuôi con ăn học. Ảnh than như vậy, rồi chắc ảnh ăn năn, nên ảnh khóc dữ quá. Thấy vậy dì không nỡ trách ảnh nữa, mà dì còn phải an ủi cho ảnh bớt buồn. Bài bạc như vậy đó, không biết tại sao người ta lại mê quá.
          Dì Ba vừa nhai trầu vừa nói tiếp:
          - Mấy năm nay dì có nghe anh Bồi mắc nợ, họ nói nợ đến bạc ngàn chớ không phải ít. Mà dì không dè mắc nợ đến nỗi phải đợ ruộng. Mấy bữa rày dì hỏi dọ, thì quả ruộng ở đất ảng đã cho Sáu Thị mướn, bạc mặt ba năm, tờ cho mướn ruộng có làng thị nhận chắc chắn. Ấy vậy ảnh không cho con đi học nữa được, là tại gia tư bẩn chật chớ không phải tại ảnh nghe lời ai hay là ghét bỏ con. Không nuôi con ăn học được, ảnh buồn lắm, buồn thiệt đa con, chẳng nên buồn ảnh mà lỗi đạo cha con.'
          Quí gật đầu đáp:
          - Có lẽ thầy con cũng biết cha con nghèo rồi, nên bữa hổm cũng khuyên con đừng phiền.
          - Coi lựng khựng như vậy đó, mà nguy rồi đa con. Dì nghĩ lại dì giận lắm. Hồi cưới má con về thì làm giàu xâu xẩu, năm nào cũng mua thêm ruộng đất, trong nhà phát đạt quá. Má con mất cũng chưa sao, chớ cưới má thằng Sen đó, mới bắt đầu sụy sụp, có con trai con gái đủ rồi, còn ức hiếp gì nữa mà chấp nối. Mà nếu muốn kiếm người nội trợ, thì ta lựa cho xứng đôi vừa lứa, kén người đức hạnh nhơn từ, cưới chi thể con nít. Ăn no rồi chỉ biết đánh bài, chớ không biết làm việc chi khác. Cưới vợ như vậy không tàn không mạc sao được!
          Quí chợt đứng dậy và nói xẳn xớm:
          - Cha con nghèo rồi, không thể lo cho con được nữa, mà con cũng không muốn cho cha con phải nhọc lòng vì con. Con phải lập thân danh cho con. Dầu nên hư con cũng phú cho trời đất định.
          Dì Ba ngó sững Quí, có lẽ nghe mấy lời ấy, dì động lòng nên dì than:
          - Tội nghiệp còn nhỏ quá! Bộ cứng cỏi giống má nó dữ.
          Quí bước ra ngoài sân đi lên xuống, dường như máu chạy rần rần khắp mình, cần phải vận động, không ngồi hay là đứng yên một chỗ được.
          Dì ba muốn cho trí Quí yên tĩnh, nên đi vô bếp phụ Hường nấu ăn.
          Cơm đã chín rồi, cá canh kho nấu cũng đã xong, Hường bước ra trước quét ván, sửa soạn dọn cơm. Thấy Quí đi thơ thẩn trước sân, Hường kêu mà nói:
          - Anh Quí, vô phụ với em bưng mâm đèn lên ăn, anh.
          Quí đương suy nghĩ, thình lình nghe tiếng kêu thì giật mình, day vô thấy Hường đương vui vẻ ngó mình mà cười, thì cười theo, cái cười biểu lộ tâm hồn bình tĩnh, chớ không phải cái cười dấu diếm trí não buồn tủi. Quí trở vô nhà phụ với Hường mà dọn cơm, rồi ngồi ăn với mẹ con dì Ba, tuy không vui vẻ như trước được. song cũng không u sầu như hồi nãy.
          Ăn cơm xong rồi, dì Ba theo thói quen nên nằm tại bộ ăn trước nhà mà nghỉ trưa, Hường nói với mẹ để đi ra sau vườn đánh lá mía, rồi rủ Quí đi theo coi mình làm vườn. Hường lấy hai cái nón lá buông, mình đội một cái, đưa cho Quí một cái, rồi biểu Quí đi theo. Có lẽ Quí đã nghĩ nếu không học chữ được nữa, thì phải học nghề, bởi vậy Quí hăng hái ra vườn mía, không do dự, không ái ngại chút nào hết.
          Trời mưa mà ui ui chớ không nắng. Lại ngọn gió nam phưởng phất thổi nhè nhẹ làm cho không khí mát mẻ, chớ không nóng nực.
          Một đám má tây tươi tốt, ngọn lên cao khỏi đầu, có nhiều cây đã bày, dưới đất hai ba vòng vàng khè, bị gió thổi ngang làm những lá cong phải oằn oại ngã nghiêng.
          Hường chỉ mấy lá mía già, hoặc khô cho Quí coi, và cắt nghĩa tại sao phải lột mà phủ gốc, rồi bắt đầu làm việc, dạy Quí cách thiệt thành. Hai bàn tay Hường da trắng trong, ngón no tròn, lột lá mía coi thiệt khéo, Quí coi rồi bắt chước làm theo. Hai trẻ ở trong đám mía, tiếng cười, giọng nói vui vẻ của Hường lần lần cảm nhiễm, lôi cuốn, bao trùm cả tâm hồn Quí, làm Quí quên hết nỗi thất vọng mới qua, mà mạnh dạn nhìn đường tiến thủ sẽ đến, rồi cũng hăng hái tươi cười như bạn.
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 24.01.2006 05:26:06 bởi NuHiepDeThuong >
          #5
            NuHiepDeThuong 24.01.2006 05:29:21 (permalink)
            CHƯƠNG VI


            Con người gặp cơn thất lộ, ngó tương lai bít bùng, mù mịt, thường hay tránh hội hiệp, biếng luận đàm, ưa tìm chỗ vắng vẻ để tĩnh trí hỏi lòng, rồi liệu thế tức và bổn năng, mà sắp bước tấn thủ.
            Quí tuy nhờ có dì Ba Thới an ủi, và nhờ có Hường nhí nhảnh yêu thương, nên tạm quên được vết thương tâm, nhưng trong trí vẫn ngầm ngầm, ái ngại về tương lai chưa quyết định. Vì lẽ ấy, mà đương vui với Hường trong đám mía, theo trai thường thì họ cầu cho cảnh vui ấy kéo dài trăm năm, còn Quí mới vui có một hồi, rồi lại đòi đi về, Hường phải làm giận hờn mãi mới cầm Quí ở lại được.
            Mà ở tới nửa chiều, rồi Quí mượn cớ ở nhà trông, nên nhứt định đi về, không kể lời của dì Ba cầm, mà cũng không để ý đến sắc thất vọng Hường quyến luyến.
            Tuy nói phải về vì sợ nhà trông, mà về tới cửa ngõ, Quí không chịu vô nhà, lại ngồi bẹp trên đám cỏ cú ở lề đường, rồi duỗi chân, chống tay mà ngó vô đồng ruộng, lúc ấy quang cảnh chẳng khác nào một cái hồ lớn phơi màu xanh lặc lịa, nhờ lúa cấy đều, và xanh cho tới rặng cau kinh Suối Cạn là giới hạn.
            Rõ ràng Quí tránh hội hiệp, biếng luận đàm, muốn ngồi vắng vẻ một mình, đặng nhứt định đường đời để gởi bước. Ngó mộ mẹ mà vái thầm, rồi nhìn đám người lớn mênh mông mà giàu trí, Quí ôn lại những chuyện của dì Ba Thới thuật với mình hồi sớm mai. Cha mình suy sụp, nên không nuôi mình ăn học được, chớ không phải ghét mình, sự suy sụp ấy gây ra bởi thói bài bạc của hai vợ chồng, không chú ý đến sinh kế nào khác. Nhà đã suy sụp, mình ở trong nhà mà không làm việc chi sinh lợi được, thì mình là một trong những mối tốn hao của gia đình. Cha đã nghèo rồi, mình không nỡ làm nghèo thêm. Vậy mình phải xuất thân làm việc, dầu không giúp cha được, thì nuôi lấy thân mình đặng bớt tốn cho cha.
            Mà làm việc gì bây giờ? Tài học chưa đủ làm thầy. Sức mạnh chưa đủ làm công nhơn. Mình thuộc dạng lỡ ông, lỡ thằng, nếu không dè dặt, sẽ trôi qua hạng vô căn cứ hay vô nghề nghiệp.
            Quí đương lo liệu về kế sinh nhai, bỗng thấy hai người đầu đội nón trắng, mặc quần sọc, áo sơ mi, ở trong ngả ba đi ra, phía sau lại có hai người vác đồ đi theo, Quí biết đó là quan Kinh Lý La-Co, với thầy thông Hiền, mấy tháng nay lại ở tại nhà việc làng An Trường mà đo ruộng đất vùng Càn Long. Đã làm việc từ sớm mai, nên quan kinh Lý dắt người phụ sự trở về nhà việc mà nghỉ.
            Nhớ lễ phép của thầy dạy trong trường. Quí thấy quan kinh lý đi gần tới thì đứng dậy bên đường tỏ dấu cung kính.
            Không hiều vì cử chỉ hiệp với lễ giáo ấy, hay là vì mặt mày sáng sủa, thông minh của Quí đã làm cho quan Kinh Lý chú ý, mà ngài đứng lại ngó Quí rồi cười, và hỏi bằng tiếng Việt, lời nói chậm mà rõ ràng.
            - Em là con của ai?
            - Dạ bẩm quan lớn, tôi là con của ông Bồi bái Tồn.
            - Bồi bái Tồn? Ở về làng nào?
            - Bẩm, ở Mỹ Huê đây.
            - À, tôi nhớ rồi. Phải Phan Văn Tồn có sở đất trong kinh Suối Cạn hay không?
            - Bẩm phải.
            - Nhà em ở đâu?
            - Dạ ở đây.
            Quí đưa tay chỉ nhà, quan Kinh Lý ngó rồi gật đầu hỏi tiếp:
            - Em có đi học hay không?
            - Bẩm tôi học trường Càng Long mới thi đậu bằng sơ học kỳ này.
            - Giỏi lắm. Em tính lên Sài Gòn học tiếp hay không?
            - Bẩm không.
            - Sao vậy?
            - Bẩm không có tiền.
            - Cha làm điền chủ sao không có tiền?
            - Bẩm điền chủ mà nghèo.
            - Em không đi học nữa, rồi ở nhà làm gì? Em bằng lòng ở với tôi hay không?
            - Bẩm ở với quan lớn làm việc chi?
            - Làm bồi, coi áo quần, dọn chỗ ăn ngủ cho tôi. Tôi cần dùng một người bồi nhỏ.
            Quí thẹn thùa, nên đứng dụ dự, không trả lời.
            Quan kinh lý nói tiếp:
            - Tôi cần dùng một người nhỏ để làm công việc nhẹ nhàng. Em nói với cha mẹ em hay đi, rồi ra với tôi. Tôi sẽ trả lương mỗi tháng 12 đồng.
            - Bẩm để tôi tính lại coi.
            - Được. Nói với cha mẹ rồi mai ra nhà việc An Trường ở với tôi.
            - Dạ.
            Quan Kinh Lý đi. Thầy thông và hai người phụ việc đi theo.
            Quí đứng ngó theo. Quan Kinh Lý đã già, mà gương mặt hiền hậu.
            Làm bồi hèn quá! Công học của mình kết quả như vầy sao? Mà 12 đồng bạc mỗi tháng tình ra một năm là 144 đồng, số tiền rất lớn, dầu có sức làm ruộng làm vườn, sợ e cũng không lợi đến số đó. Quí đứng suy nghĩ như vậy, kế thấy dạng cha đạp xe máy ở phía ngoài chợ đi về. Quí lật đật vô nhà trước.
            Mỹ thấy em thì mừng, và hỏi em đi chơi đâu mà trưa không về ăn cơm. Quí nói vô chơi và ở ăn cơm trong nhà dì Ba Thới. Mỹ hài lòng, nên không hỏi nữa.

            Buổi chiều ấy, đã mấy lần Quí dợm nói chuyện quan Kinh Lý muốn mướn mình làm bồi cho cha và chị nghe, mà rồi Quí thẹn thùa không mở lời được, mới tính suy nghĩ một đêm rồi sẽ tỏ bày.
            Gần tối Thị Mùi với Sen về. Mỹ dọn cơm. Vợ chồng ông Bồi với con ngồi ăn, vợ chồng cứ nói chuyện bài bạc, làm cho Quí nhớ lời bình phẩm của dì Ba hồi trưa thì bực trí hết sức.
            Quí ăn cơm riết rồi đi chợ, tính ra thăm thầy Nhứt Vĩnh đặng hỏi ý kiến thầy. Thầy Nhứt đang nằm trên ghế bố trước sân mà hóng mát. Quí bước vô xá thầy rồi khoanh tay đứng bên, thầy Nhứt hỏi:
            - Em ra thăm thầy hay có việc chi?
            - Bẩm thầy, thầy thương em nên hôm trước thầy dặn em có việc chi bối rối, thì đến hỏi thầy, đăng thầy chỉ bảo cho.
            - Phải. Thầy có dặn như vậy. Em có việc chi cứ nói cho thầy nghe.
            - Dạ, em mới có một việc làm em bối rối hết sức, vì việc ấy can hệ đến đời em, em không biết nên làm hay không nên làm.
            Thầy Nhứt ngồi dậy dòm mặt Quí, nhưng vì trời đã tối, tuy có ánh sáng trong nhà chiếu ra sân, song thấy không rõ. Thầy biểu:
            - Em bước vô nhà nhắc một cái ghế đem để một bên thầy đây, rồi nói cho thầy nghe thử coi.
            Quí ngại ngùng đáp:
            - Bẩm thầy, em làm nhọc lòng thầy, em ái ngại quá.
            - Không. Không. Em tin bụng thầy, nên em ra đây, thầy vui lắm chớ. Vô nhắc ghế đi.
            - Bẩm thầy em đứng hầu chuyện với thầy cũng được.
            - Không, vô nhắc ghế. Đừng trái ý thầy.
            Quí phải vâng lời đi nhắc ghế đem ra, thầy Nhứt chỉ mà biểu để một bên ghế bố của thầy, ép Quí ngồi rồi hỏi:
            - Có chuyện gì? Em nói cho thầy nghe coi.
            - Bẩm thầy, hồi chiều em đứng chơi ngoài lộ. Quan Kinh Lý ở An Trường đây đi đo đất về. Ngài thấy em, ngài đứng lại hỏi em con ai, có đi học hay không. Em lấy sự thật mà thưa. Ngài nói ngài cần dùng một người bồi nhỏ để coi sóc quần áo và dọn dẹp chỗ ăn ngủ, làm các việc nhẹ trong nhà. Ngài biểu em ở với ngài mà làm tên bồi đó, hứa mỗi tháng trả lương cho em 12 đồng. Em dụ dự, xin để em suy nghĩ, rồi chiều mai cháu sẽ trả lời. Từ hồi chiều đến giờ em bối rối quá, không biết có nên ở với quan Kinh Lý hay không. Em xin thầy liệu dùm coi em có nên ở bồi hay là phải từ.
            - Em hỏi ý kiến của ông Bồi bái Tồn chưa?
            - Bẩm chưa. Cháu muốn biết ý kiến của thầy trước rồi sẽ thưa với cha cháu.
            - Theo luân lý cổ truyền, người ta sắp: “Quân, sư phụ”. Nhưng phải cha sanh rồi thầy mới dạy. Đối với việc như vầy, em phải dọ cha trước, rồi mới tới thầy. Em bàn với ông Bồi bái trước là phải hơn.
            - Thế nào em cũng phải dọ ý cha em, nhưng em nghĩ thầy có kiến thức rộng, trí ý mới, em muốn biết ý thầy trước, để thấy đường chơn chánh và hợp thời mà bước tới.
            Thầy Nhứt gãi đầu, suy nghĩ một chút rồi chậm rãi nói:
            - Em sẵn có trí thông minh, lại có chí ham học, mà bây giờ phải ở bồi thì hèn quá. Nếu thầy thấy em làm như vậy, thi thầy đau đớn lung lắm, không thể chịu được. Thế thì thầy nỡ lòng nào khuyên em đi ở bồi.
            - Bẩm thầy, cha em đã nghèo rồi, bây giờ gia đạo em nguy lắm.
            - Thầy biết ông Bồi bái suy sụp, song cũng còn danh giá trong xóm ngoài làng. Mà suy sụp đến nổi cho con đi ở bồi, thì còn gì là thể diện!
            - Bẩm thầy, hôm nọ thầy dạy em cao thấp hoặc hay dở, đều tại tâm trí và tại tánh tình, chớ đâu tại địa vị. Cứ giữ tâm trí thanh cao, tánh tình ngay thẳng, dẫu làm chi cũng được. Sao bữa nay thầy lại sợ em ở bồi xấu hổ?
            - Lời thầy nói nói hôm nọ là nói theo đạo quân tử. Đời nầy không phải đời quân tử, bởi vậy làm theo đạo quân tử, e sợ không hợp thời.
            - Em muốn sống theo ý em, chớ không cần theo ý thiên hạ.
            - Em có nghị lực đủ thoát tục haysao?
            - Em phải ráng cho có đủ.
            - Thầy ước mong em làm như ý em muốn đó.
            Thầy Nhứt lặng thinh suy nghĩ một chút nữa rồi nói tiếp:
            - Quan Kinh lý La-Co lại ở đây mấy tháng nay, thầy có việc hội đàm với ông nhiều lần. Ông mang cái tên Pháp, ông theo quốc tịch Pháp, song ông là người Việt Nam rặc ròng cũng như em. Ông đã trên 50 tuổi rồi, mà không có con. Tuy ông không khoe sự nghiệp của ông với thầy, song nhờ nói chuyện nhiều lần mà thầy được hiểu ông có vườn cao su trên Thủ Dầu Một, và có cả ruộng miệt Cà Mau, Rạch Giá. Lại cũng nhờ nói chuyện nhiều lần với ông, nên thầy biết ông có tánh ôn hoà, có lòng nhơn đức. Ông biết thương người nghèo khổ, ông biết trọng người trung thành, ông thuờng thương kẻ có công, ông chỉ ghét kẻ gian xảo, ông là người đáng làm kiểu mẫu để cho nhiều người khác bắt chước. Người làm quan, mang tên pháp mà ăn ở như ông La-Co thì Quí lắm, không có chỗ nào cho người ta phiền trách hết.
            Quí chận hỏi:
            - Bẩm thầy, thế thì em làm đầy tớ cho người như vậy có nhục gì đâu. Làm đầy tớ đặng học ít nhiều.
            Thầy Nhứt cười mà đáp:
            - Em cứ nhớ sự học hoài! Làm đầy tớ mà học nỗi gì?
            - Bẩm học khôn ngoan, học đức hạnh, học tiết tháo.
            - Nếu em có chí đó thì hay lắm.
            - Bẩm thầy, nếu vậy thì thầy chịu cho em ở bồi với quan Kinh Lý?
            - Thầy không có quyền mà chịu hay không chịu. Quyền đó thuộc về ông Bồi bái, cấm em hay không, phải do nơi ông.
            - Bẩm, thầy cản không?
            - Thầy cũng không có quyền cản, quyền đó cũng của ông Bồi bái…
            Thầy Nhứt nói tới đây rồi, dường như có ý viễn vong phảng phất trong trí, nên thầy dụ dự; mà ngừng lại một chút, rồi thầy thủng thẳng nói tiếp: “
            - Nhứt là quyền ấy là quyền riêng của em. Nếu em hiểu ý nghĩa về quyền tự chủ… Em biết quyền tự chủ hay không?
            Quí thành thật đáp:
            - Bẩm, không? Xin thầy làm ơn cắt nghĩa cho em hiểu.
            - Em còn nhỏ tuổi một chút… nhưng không hại gì, để thầy cắt nghĩa cho em nghe, em hiểu được chút nào hay chút ấy. Đấng nam nhi muốn lập thân, trước nhứt phải suy nghĩ cho kỹ rồi quyết định cái nghề mình sẽ làm, con đường mình sẽ đi. Hễ mình liệu cái nghề ấy hợp với năng lực và tâm trí của mình, hễ mình coi con đường đấy là con đường đứng đắn ngay thẳng, thì mình cứ làm, cứ đi xông lướt các khó khăn, gạt bỏ các trở lực, không kể tiếng thị phi, không màng lời khuyến dụ, chỉ lo chánh lý, chỉ lo lương tâm. Mình làm như vậy là mình biết tự chủ, em hiểu không?
            - Dạ hiểu.
            - Ừ, mình làm như vậy là mình dùng quyền tự chủ, nghĩa là dùng cái nhân quyền của trời phú cho mình. Mà em phải biết quyền tự chủ chẳng phải mỗi người nên dùng. Người tâm tánh gian tà, trí não hèn yếu, nếu họ thong thả dùng quyền ấy, thì họ sẽ suy nghĩ vào đường quấy. Ấy vậy, phải người ngay thẳng, cứng cỏi, mới nên dùng quyền tự chủ, dùng đặng làm việc phải, làm việc lớn, làm việc hay, mà người gian tà hay là yếu trí không thể làm được. Thầy tưởng nên nói thêm cho em biết rằng, cái quyền tự chủ của con người như con dao hai lưỡi, bề nào cũng bén hết, chớ không có bề sống, bởi vậy dùng nó phải dè dặt, phải suy nghĩ, mới khỏi lầm lạc mà bị hại.
            - Em rất cảm tạ thầy.
            - Khoan, thầy nói chưa hết câu chuyện. Thầy mới cắt nghĩa quyền tự chủ của con người, và chỉ chỗ lợi hại của quyền ấy. Thầy còn muốn nói thêm về đức hạnh của người dùng quyền tự chủ mà lập thân. Em còn nhỏ tuổi quá, mà vì hoàn cảnh chẳng may, em phải rời xa nhà trường, và phải sấn bước vào đường đời để chiến đấu, mà lập thân sáng nghiệp, nếu em nghĩ em trí non tánh yếu, thì em phải nhờ ông cha, chú bác dìu dắt, làm việc gì cũng nên tự chuyên, còn nếu như em xét mình, mà thấy em đủ tinh thần đảm đương với thế cuộc, đủ nghị lực mà chiến đấu với nhân quần, đảm đương chiến đấu lập thân danh, dựng sự nghiệp, thầy muốn nói thanh danh rực rỡ, không lộn chút bợn nhơ, và sự nghiệp nguy nga mà không có chi hổ thẹn, thì em cứ do lương tâm mà chánh đạo, mà sấn tới, không cần ai chỉ bảo dìu dắt, nhứt là người dìu dắt không có tư cách quân tử. Lời chỉ bảo không có chủ đích thanh cao.
            - Bẩm em hiểu ý thầy rồi.
            - Khoan. Cũng chưa hết đâu. Em còn phải biết dùng quyền tự chủ mà lập thân, thì có trách nghiệm nặng nề lắm, trách nhiệm luân lý và tinh thần. Không cậy mựon ai, tự mình gây dựng cuộc đời cho mình, thì mình nên hay hư, cao hay thấp, tốt hay xấu mình phải chịu lấy, không được đổ thừa cho ai hết. Em thấy chỗ nguy hiểm đó hay không?
            - Dạ bẩm thầy thấy.
            - Ừ. Bởi vậy người muốn dùng quyền tự chủ mà lập thân phải thận trọng cho lắm mới được. Trước hết, phải định chủ đích cho cao quí, rồi vẽ bước đường ngay thẳng để đi đến chủ đích ấy. Hễ chủ đích và bước đường sắp đặt xong rồi, thì phải tập luyện tinh thần, trau dồi tâm tánh cho có đủ kiên nhẫn. Gặp khó khăn đừng buồn, gặp cản trở chớ sợ, phải tin cuộc đời có thấp rồi mới cao, có dở rồi mới giỏi, cái thất bại ngày nay là thành công của ngày mai, sự cực khổ hiện tại là cái ngòi hạnh phúc tương lai. Thầy không có tài tiên tri, nên không thể đoán số mạng của em được, mà cũng không có quyền thiên liêng mà phò hộ cuộc đời tương lai cho em. Đã vậy, mà có lẽ từ rày mà thầy trò ta phải xa cách, bởi nghĩ như vậy nên thầy phải dạy bảo cho em chút đỉnh về cách lập thân cho hiểu. Nếu em nghĩ những lời thầy nói với em nãy giờ đó không phải là lời nói bậy, thì em làm theo. Phận sự của thầy đối với em, chỉ có bao nhiêu đó mà thôi, chớ không có quyền xúi em ở bồi với quan kinh lý hay là ngăn cản không cho em làm.
            Thầy Nhứt Vĩnh nói tới đây thì cảm động quá, nên ngã ngữa nằm trên ghế bố, day mặt qua chỗ khác, không dám ngó Quí.
            Quí cũng cảm xúc nên ngồi trân trân hồi lâu rồi đứng dậy nói:
            - Bẩm thầy, em sẽ ghi chép những lời thầy dạy từ nãy giờ vào cuốn sổ để làm kinh nhựt tụng mà đọc hàng ngày. Em sẽ làm theo lời thầy dạy bảo, vì lời ấy là lời chân chánh, có thể đưa em đến vinh quang hiển đạt, vinh quang mà không thẹn và hiển đạt mà không nhơ.
            Thầy Nhứt đáp:
            - Thầy ứơc mong cho em được vậy lắm. Nếu được thế thầy toại chí hài lòng, chẳng có chi bằng toại chí, vì phận sự giáo hoá được tròn, mà lại có kết quả theo ý muốn.
            - Bẩm thầy, còn việc ở quan Kinh Lý thì để em suy nghĩ lại rồi em sẽ nhứt định. Mà dầu thế nào em cũng cho cha em hay trước.
            - Ừ, phải vậy mới được.
            Quí từ giã thầy nhứt mà về, thầy ngồi dậy ngó theo trong lòng hồi hộp, tình yêu thương pha lẫn với nỗi lo ngại.

            Bây giờ trăng đã mọc, gắn trên ngọn cây ở mé rạch một vừng sáng lòa. Bầu trời rực rỡ, ngọn gió lao xao, quang cảnh êm đềm, không khí mát mẻ. Quí được nghe những lời giảng của thầy, thì trí sáng suốt như bóng trăng, trong lòng khoẻ khoắn như ngọn gió mát. Với trí ý mê tín dị đoan cổ hữu. Quí không khỏi cho quang cảnh sáng lòa đêm nay là cáo điềm tốt về tương lai của đời mình, bởi vậy Quí vui vẻ, vững vàng, khi trở về nhà.
            Vợ chồng ông Bồi bài đã ngủ sớm. Mỹ mở cửa cho Quí vô.
            Quí coi đóng cửa rồi bưng cây đèn dầu lại bàn ở chái trên, chỗ ngồi học ban đêm thuở nay, lấy giấy viết ra đặng ôn lại mà ghi những lới của thầy Nhứt Vĩnh nói hồi nãy vào sổ nhỏ, viết sạch sẽ kỹ lưỡng, theo thói quen của trẻ ham học.

            <bài viết được chỉnh sửa lúc 24.01.2006 05:56:05 bởi NuHiepDeThuong >
            #6
              NuHiepDeThuong 24.01.2006 06:10:49 (permalink)
              CHƯƠNG VII


              Ông Bồi bái Tồn đã trọng tuổi, nên ông ngủ ít. Cũng như mọi bữa, hôm nay mới tảng sáng ông đã thức dậy, mà cũng như mọi bữa, hôm nay Thị Mùi vẫn nằm yên giấc, phú cho Mỹ lo nấu nước chế trà cho ông Bồi uống nước. rồi đi chợ mua thịt cá mà nấu ăn.
              Ông Bồi đương ngồi uống trà một mình. Quí rửa mặt rồi ra đứng một bên cha mà thưa:
              - Hôm qua, quan Kinh Lý La-Co gặp con, ngài biểu con ở với ngài, mỗi tháng ngài cho con 12 đồng. Vậy con thưa cho cha hay, đặng chiều nay con ra nhà việc An Trường mà ở với quan Kinh Lý.
              Không dè xảy ra chuyện như vậy, ông Bồi chưng hửng day qua hỏi con:
              - Quan Kinh Lý biểu con ở làm gì?
              - Thưa, ở làm việc nhẹ trong nhà, như coi quần áo cho ông, dọn dẹp chỗ ăn ngủ.
              - Tưởng làm thầy thông thầy ký gì. Nếu làm công việc như vậy, té ra con làm bồi hay sao?
              - Thưa, sức học của con còn kém cỏi quá, con làm thầy thông, thầy ký sao được.
              Nghe con nói hai tiếng “sức học”, có lẽ ông Bồi thẹn thùa với phận sự làm cha, nên ông cuối mặt nói nhỏ:
              - Con đi làm bồi coi hèn quá.
              - Thưa cha, không sao đâu mà ngại. Nếu con không lầm, thì phương ngôn có câu: “Trăm nghề chẳng có nghề hèn. Hèn chăng là tại nơi mình”. Con người ai cũng phải làm việc, sống mà không làm việc thì mới hèn. Con nhỏ tuổi, sức yếu, làm ruộng không nổi. Mà con cũng không biết nghề thợ bạc, thợ mộc hay nghề chi khác cả. Vậy, nghề bồi có lẽ tạm hợp với sức con, nếu chắc con làm được. Mà quan Kinh Lý định cho con mỗi tháng tới 12 đồng, số tiền chắc chắn nhiều hơn làm nghề khác.
              - Nhiều hay ít có nghĩa gì đâu con.
              Ông Bồi ăn năn hối hận quá, ông không nói được nữa. Ông ứa nước mắt, và thở một hơi dài thượt, bỏ đi ra sân, không tỏ lời thuận xuôi hay ngăn cản. Ông đi vòng vào cửa nhà dưới, lấy xe máy rồi cưỡi luôn không trở lên nhà trên, có lẽ sợ thấy mặt Quí.
              Đến chiều, Quí đợi hoài mà không thấy cha về. Quí đã hứa chiều nay trả lới với quan Kinh Lý, nên gần tối Quí nói với Mỹ:
              - Cha về có hỏi em thì chị nói em ra ở với quan Kinh Lý.
              Mỹ chưng hững hỏi:
              - Ở chi vậy?
              - Ở làm công việc nhà cho ổng.
              - Em có thưa với cha hay không?
              - Có. Em thưa hồi sớm mai rồi.
              Quí xoay lưng mà đi. Mỹ đứng dựa cửa, ngó theo tuy không thấu đáo tâm hồn em, và tuy biết em ra nhà việc Trường An chớ không phải đi đâu xa, nhưng trong lòng nao nao khó chịu.
              Quan Kinh Lý đi đo đất đã về từ hồi nửa chiều. Ngài tắm rửa rồi ngồi trước cửa nhà việc, mà uống rượu khai vị. Thấy Quí bước vô, thì ngài vui vẻ hỏi:
              - Em bằng lòng ở với tôi hả?
              - Dạ, tôi bằng lòng.
              - Tốt lắm. Hồi sớm mai me xừ Vĩnh có nói chuyện em với tôi. Thầy nói nhiều. Tôi hiểu hết. Nếu em biết làm cho tôi hài lòng, thì tôi sẽ tăng thêm lương.
              - Cảm tạ quan lớn.
              Thế là từ đây Quí trở nên người bồi của quan Kinh Lý La-Co, ngày đêm ở lại luôn tại nhà việc An Trường với quan Kinh Lý, bưng dọn đồ cho Ngài ăn, giũ mùng trải nệm cho ngài ngủ, đón xe đò, lấy bánh mì, nước đá cho ngài dùng, soạn áo quần cho ngài thay đổi. Nhiều bữa đi đo đất, ngài dắt Quí theo đặng ôm cặp da cho ngài, mà cũng có bữa, ngài sai Quí xuống Trà Vinh mua đồ cho Ngài nữa.
              Hạng bình dân ở vùng Càng Long thấy vậy thì hay vậy, không ai bình luận. Duy hạng hương chức, nhiều người không chịu cách xử sự của ông Bồi bái Tồn, họ dị nghị một cách rất nghiêm khắc, họ chê ông không biết trọng danh giá, nên cho con đi ở bồi, hoặc họ trách ông không biết thương con, nên mới hành hạ thân con đến thế.
              Nhưng lời chê trách ấy tự dưng thấu tới tai ông Bồi, làm ông hổ thẹn, và đau đớn ngay từ hôm Quí thưa cho ông hay mà đi ở đợ, bây giờ càng thêm hổ thẹn với lương tâm, bây giờ càng thêm hổ thẹn với bằng bối. Ông buồn rầu lo nghĩ lắm rồi sanh bịnh. Trước kia phải đi chơi mới giải khuây, bây giờ phải nằm nhà để tự hối thì đã muộn rồi, không sao quên buồn và gỡ nhục cho được.

              Quí ở với quan Kinh lý mãn tháng rồi, ngài tăng tiền công lên 15 đồng. Đó là bằng cớ Quí tận tâm với chủ, chủ vừa ý với cách làm việc của Quí.
              Cách 4 tháng sau quan Kinh lý đo đất xong rồi hết, nên sửa soạn đồ về Sài Gòn. Ngài biểu Quí theo ngài hứa mỗi tháng cho 20 đồng.
              Đã quyết tự chủ và lập thân, lại thấy bước đầu trong đường đời tuy không vinh quang, song rất êm ái, bởi vậy Quí liền chịu theo quan Kinh Lý, không dụ dự chút nào hết. Quan Kinh Lý lấy làm vui lòng, nên cho Quí 50 đồng bạc để sắm quần áo mà đi với ngài.
              Đồ đạc đã dọn xong rồi hết, mướn thuyền và giao cho cu-li coi chở đi sau. Quan Kinh Lý định sáng hôm sau sẽ đi xe hơi đò mà về Sài Gòn với Quí và thầy thông Hiền. Quí xin phép nghỉ buổi chiều nầy đặng từ giã cha dì, chị, và bà con.
              Quí về đến nhà thấy đủ cha, dì, chị em ở nhà. Quí thưa cho hay đặng sớm mai theo quan Kinh Lý lên Sài Gòn. Ông Bồi cảm xúc quá độ, nên không nói được một lời gì để an ủi hay ngăn cản con. Mỹ với Sen hay Quí sẽ đi xa thì buồn hiu.
              Quí liếc thấy cha tuy đi đứng như thuờng, mặt dùn da tóc bạc trắng.
              Quí để 50 đồng bạc trước mặt cha và nói:
              - Thưa cha, con nghe chị Hai nói lúc nầy trong mình cha không được mạnh. Lại vì phận sự, con không được túc trực bên cha nữa. Vậy con xin để lại ít chục đồng bạc cho cha uống thuốc.
              Ông Bồi chảy nước mắt mà đáp:
              - Cha làm cha, mà cha không nuôi con ăn học được. Đối với con, cha lấy làm hổ thẹn hết sức. Cha còn lòng dạ nào mà lấy tiền của con. Con hãy cất lấy để dành mà dùng.
              - Thưa cha, con còn tiền nữa. Đây là số bạc của quan Kinh Lý mới cho thêm con, cho riêng, không kể tiền lương.
              - Không. Cha không thể lấy tiền của con chịu cực nhọc, hèn hạ mà kiếm ra. Con phải lấy lại, đừng cãi mà làm cha thêm buồn.
              Ông Bồi vói lấy xếp bạc mà trao lại cho Quí.
              Quí xuống nhà dưới kiếm Mỹ. Quí đưa cho Mỹ 50 đồng bạc ấy mà nói:
              - Em sắp đi xa. Em muốn để tiền lại chút đỉnh cho cha uống thuốc. Cha ái ngại nên không nỡ lấy. Vậy chị cất số tiền nầy để mà dùng.
              - Không. Chị có cần cùng tiền để làm gì đâu.
              - Ấy, chị cứ cất dùm cho em.
              - Em để mà xài chớ.
              - Em còn tiền khác. Chị đừng lo.
              Mỹ không thể từ chối được nên phải lấy số bạc bỏ vào túi.
              Quí vui vẻ nói tiếp:
              - Em ra đi đây có lẽ lâu trở về thăm nhà lắm. Vậy nhà chị thay thế cho em mà phụng sự cha.
              - Lên Sài Gòn rồi lâu lâu em xin phép về chơi chớ.
              - Việc đó không thể định trước được.
              - Em đi, đây chị nhớ lắm.
              - Em cũng không quên chị được. Mà ở nhà có thằng Sen. Chị thấy nó cũng như thấy em.
              - Như làm sao được
              - Nó cũng là em của chị.
              Mỹ ngó Quí mà nước mắt tuôn dầm dề.
              Quí không muốn để cho chị thấy thương tâm mình, nên gượng làm vui mà nói:
              - Em xuất thân đi làm, chị phải vui mừng lắm, cầu chúc em tấn tài, tấn lộc chớ sao chị lại buồn. Phải vui đặng em phấn chí. Thôi em chúc chị ở nhà mạnh giỏi, mà nuôi cha, dì với em.
              Trở lên nhà trên, Quí vào cái phòng chỗ mình ngồi học và nằm ngủ thuở nay, xem một lần chót mà từ biệt, rồi thưa với cha dì mà đi. Ra hàng ba, Quí gặp Sen đương ngồi chơi, Quí cho nó một đồng bạc, dặn nó nhà phải đi học, rồi thủng thẳng đi xuống thềm, nước mắt rưng rưng chảy.
              Tới cửa ngõ, Quí đứng lại ngó vào nhà một lần nữa, thấy cha và Sen đứng tại hàng ba, còn chị đứng tại cửa bếp, cả ba đều ngó theo mình trong lòng ngậm ngùi thắt thẻo.
              Quí vô ngả ba Suối Cạn mà từ giả Dì Ba Thới và Hường, bị cầm ở lại ăn cơm, nên tối mới thăm thầy nhứt Vĩnh được.
              Thầy Nhứt vui vẻ mà cầu chúc cho Quí, chỉ khuyên phải giữ tâm chí cho thanh cao, tánh tình ngay thẳng, chớ không dạy điều chi khác.

              Sáng bữa sau, Quí theo quan Kinh Lý lên xe hơi đò đi lên Sài Gòn, có Mỹ và Hường chực tại bến xe mà tiễn hành; hai cô cứ lau nước mắt, chớ không nói với Quí được tiếng chi hết.
              Xe rút chạy, đưa Quí đến một cảnh đời mới, Quí ngồi trên xe, lòng bồi hồi không biết cảnh đời mới nầy may rủi thế nào; mà Mỹ với Hường đứng trên lề đường ngó theo, hai cô nàng ảo não, vì tình thương yêu tan vỡ.


              Thiệt là:

              Ngàn dặm gởi thân trai viễn chí.
              Đôi tròng rơi lụy gái đa tình.



              #7
                NuHiepDeThuong 24.01.2006 06:35:16 (permalink)
                Phần II

                NGHỀ PHÁ SẢN

                Chương 8


                Ở đất Càng Long, có nhiều nhà giàu lớn, đứng bộ đến năm bảy trăm mẫu ruộng, mỗi năm thâu góp số huê lợi đến 30. 000 thùng lúa.
                Ông Bồi bái Phan Văn Tồn chưa được cái danh nhà giàu, song hồi trước ở trong làng Mỹ Huê, ông cũng là một “người có cơm tiền, một vị điền chủ bực trung", bởi vậy ông mới được cử làm Hương chức, ăn trên ngồi trước dân chúng.
                Sỡ dĩ ông được cái địa vị ấy, trước hết ông nhờ ơn tổ phụ để lại cho ông một tòa nhà ngói cất trên gần một mẫu thổ trạch, với 12 mẫu ruộng lúa nằm ngay trước nhà. Gia sản ấy có cước trong hộ, nhà là nhà thờ, đặng phụng tự ông bà cha mẹ. Vì ông là con một, khi còn nhỏ cha mẹ cưng, không cho ông đi học xa, rồi lúc gần cưới vợ, cha mẹ lại mua để cho ông đứng hộ riêng 13 mẫu ruộng trong kênh Suối Cạn nữa. Thành thử khi ông 21 tuổi, cha mẹ cưới Thị Tánh là con gái của Hương chánh Quảng ở Láng Thê, cho ông có đôi bạn với người ta thì ông đã ra mặt một tiểu điền chủ trong làng.
                Vì vợ chồng ông chậm con, nên năm ông được 26 tuổi, cha mẹ ông tiếp nhau về âm cảnh, mà chưa thấy mặt chút cháu nội nào để nựng nịu cho phỉ tình.
                Đến năm ông được 32 tuổi, làm làng đã lên chức Hương Giáo, Thị Tánh mới sinh cho ông đứa con gái đầu lòng đặt tên là Phan Thị Mỹ, rồi 2 năm sau, sanh thêm đứa con trai nữa, đặt tên là Phan Văn Quí.
                Phan Văn Quí nầy là cậu học trò giỏi của thầy Nhứt Vĩnh, vì gia thế bắt buộc phải thôi học mà ở làm bồi cho quan Kinh Lý La-Co như đã nói trong đoạn trước.

                Thị Tánh, vợ của Phan Văn Tồn, vốn con nhà có ăn, mà lại biết cung kính cha mẹ, chìu chuộng bên chồng, quen thói cần kiệm, giỏi bề nội trợ. Mặc dù trong vùng Càng Long, đàn bà ham tứ sắc, đàn ông mê đá gà, đi đến nhà nào cũng thấy những sòng bạc, cũng nghe những chuyện ăn thua, thế mà thị Tánh lại bịt mắt bịt tai,không thèm ngó, không muốn nghe, cứ chăm chú lo làm ăn, mùa nước lo cấy cày, mùa khô lo trồng đậu, trồng cải, trồng thuốc, trồng dưa để bán.
                Nhờ công lao và cần kiệm của Thị Tánh mà khi cha mẹ của Tồn mất rồi, thì trong nhà có dư được năm bảy ngàn. Kế thị Tánh được lãnh phần ăn bên cha mẹ nàng nữa, thành ra có trên bạc muôn.
                Vì Tồn làm hương chức, hay đi đám tiệc, phải đánh bài, đá gà chút đỉnh với người ta, Thị Tánh sợ chồng mê sa đỏ đen mà sạt nghiệp, nên thừa dịp có người thua khiến phải bán 25 mẫu ruộng mà trả nợ, Thị Tánh mới xúi chồng đứng mua, nhờ vậy mà Phan Văn Tồn ra mặt “người có cơm tiền” chánh thức.
                Bực kỳ lão trong làng, ai thấy bề thế của vợ chồng Phan Văn Tồn phát đạt như vậy, thì cũng đoán chắc sẽ còn làm giàu thêm nữa. Mà có người hoặc muốn khoe tài tiên tri, hoặc thấy người ta làm ăn khá thì đố kỵ, lại nói rằng vợ chồng còn nhỏ mà phát đạt sớm quá, sợ không bền vững.
                Không hiểu tại lời nguyền rủa ấy, hay là tại mạng số dĩ nhiên, mà khi Phan Văn Tồn mới được 37 tuổi, thì vợ phát bịnh có mấy ngày rồi mất, làm cho lời tiên tri không sai, mà lời nguyền rủa cũng có hiệu quả.
                Thị Tánh chết để lại cho chồng hai đứa con thơ là Mỹ mới 5 tuổi và bé Quí mới 3 tuổi.
                Trót 16 năm đường, Tồn nhờ người vợ hiền lương cần kiệm, quản suốt gia đình, trong lo nuôi con, ngoài lo ruộng rẫy, thình lình giữa đường gẫy gánh, bởi vậy anh ta hết sức thương tiếc, thấy con rất đau lòng, nhớ vợ càng thêm tủi.
                Tuy có nhà cửa đàng hoàng, có tới 50 mẫu ruộng, lại không thiếu nợ nần chi hết, song anh ta cũng chán nản, cho rằng cảnh đời đã hư hỏng, hạnh phúc đã tiêu tan. Anh hết muốn vui chơi nữa, cứ lục đục ở nhà thay thế cho vợ hiền mà săn sóc hai đứa con nhỏ, coi cho bạn bè trồng đậu, trồng dưa, đến mùa gặt thì đi thâu góp lúa ruộng. Anh em hương chức có gà hay đánh bài, thì viện lẽ con thơ mất mẹ, việc nhà bê bối phải coi trong coi ngoài, nên không nói đi đâu được.
                Trong làng ai cũng biết gia đạo của Tồn xẩn bẩn ở nhà, không ai dám phiền trách hay chê cười. Nếu Tồn cứ nhớ công lao cực nhọc của vợ, cứ thương thân phận côi cút của con, cứ thay cho vợ làm ruộng rẫy, nuôi con thơ thì cái vui hủ hỉ với con thì có lẽ cũng khỏa lấp được cái buồn vĩnh biệt vợ.
                Ngặt Tồn thất ngẫu, mới 37 tuổi, dục vọng còn đầy đủ, khí lực còn dồi dào, ham tấn thủ hơn an nhàn, thích hoạt động hơn trầm tịnh. Anh thuận thời để tu thân tề gia được chừng một năm, rồi sự ham vui chơi lần lần phát lại, mà làm nguôi lòng về nghĩa nặng của vợ mình và tình nồng của con.
                Ban đầu Tồn dắt hai con đi chơi đặng giải buồn, có khi đi ra chợ mua đồ, có bữa đến mấy nhà ở gần mà nói chuyện. Chỗ Tồn đem con tới chơi thường hơn hết là quán của vợ chồng Ba Thới, ở tại ngã ba đường vô dồng.

                Vợ Ba Thới gốc ở Láng Thê, cũng như Thị Tánh là vợ của Tồn. Hai người sanh trưởng chung một xóm, lại có chồng về ở chung trong làng Mỹ Huê, bởi vậy thuở nay thân thiết với nhau như chị em cật ruột. Vợ Ba Thới chỉ có một đứa con gái, đặt tên Hường, nhỏ hơn Quí một tuổi.
                Vì tình đồng hương thân thiện ấy, nên bữa nào Tồn có dắt con Mỹ, với bé Quí vô chơi thì vợ Ba Thới niềm nỡ vui mừng, lấy bánh cho hai đứa nhỏ ăn, để Quí chơi với Hường, bắt chí gỡ đầu cho Mỹ. Vợ Ba Thới muốn thử lòng Tồn, nên có khi hỏi Tồn đã có tính kiếm nơi mà chấp tơ nối tóc hay chưa. Tồn lắc đầu nói mình đã có con trai con gái đủ rồi, không cần có thêm mà phải cưới vợ nữa. Anh ta thường quyết ở góa mà nuôi con, đặng tránh cảnh mẹ ghẻ, con riêng, thường làm rối rắm trong gia đạo.
                Nhưng có bữa Tồn than phận đàn ông nuôi con nhỏ thật là khó, về sự may vá áo quần cho sắp nhỏ khỏi rách rưới.
                Vợ Ba Thới nói trong nhà có chú Tiền, mà chú mắc lo cơm nước, giờ rảnh chú còn phải làm cỏ chung quanh nhà. Nếu bắt chú săn sóc hai đứa nhỏ nữa, thì chú làm sao cho xiết.
                Phần đơn chiếc, mà sẵn có tiền thì phải mướn người giúp đỡ trong nhà; nên mướn một người đàn bà trọng tuổi, biết đi chợ nấu ăn, đặng lo cơm nước hằng ngày, và vá quần áo cho sắp nhỏ, để chú Tiền quét tước trong nhà và làm cỏ, trồng rau, cuốc dồng, xách nước.
                Còn hai đứa nhỏ thì phải mướn một người theo chơi bời và gìn giữ chúng nó luôn luôn, ban ngày dắt chúng nó đi chơi, chiều tắm rửa cho nó sạch sẽ, tối giũ mùng trải chiếu cho chúng nó ngủ. Giữ em chẳng cần phải mướn người lớn chỉ kiếm một đứa 14 hoặc 15 tuổi cho rẻ tiền công. Mà con Mỹ là con gái, thì không nên mướn con trai giữ phải mướn một đứa con gái sạch sẽ hiền lành, đặng tập cho hai đứa quen tánh nết ôn hòa biết ăn nói độ lượng.

                Thuở nay Tồn không lưu tâm đến việc trong nhà, khi cha mẹ còn thì cha mẹ cầm quyền, chừng cha mẹ khuất, thì có vợ lo lắng, sắp đặt mọi việc. Thình lình vợ mất, một mình phải gánh vác mọi việc trong, việc ngoài, phải lo từ nhà cửa đến con thơ, từ cơm nước đến ruộng rẫy, bởi vậy trót cả năm phải nhọc lòng, mệt mỏi không biết phải làm cách nào cho nhẹ bớt gánh nặng gia đình.
                Nay được vợ Ba Thới vì tình thân ái với bạn xưa nên chỉ nẻo dẫn đường. Tồn nghĩ nhà có tiền dẫu mướn thêm người lo cơm nước, và giữ hai con cũng không tốn hao bao nhiêu, nên tiến cậy vợ Ba Thới ra công kiếm người mà mướn giúp, tiền công mắc rẻ không cần, miễn là được người chắc chắn thật thà, biết trung tính với chủ nhà, biết thương yêu hai đứa nhỏ.
                Nội tháng sau, vơ Ba Thới kiếm mướn dùm cho Tồn đủ hai người, mướn con Tốt 15 tuổi, là con trùm Sóc, ở giữ em, và mướn thím Bài, một quá phụ ở kinh Đùng Đình, lãnh phần vá may và bếp núc.
                ConTốt tuy con nhà nghèo, song gọn gàng, sạch sẽ, dễ thương, cách ăn nói dịu dàng, biết chìu chuộng hai đứa nhỏ. Còn thím Bài tuy quá 50, song sức vẫn còn đầy đủ, biết may vá giỏi nấu ăn, lại có tính siêng năng bặt thiệp.
                Hai người ở được vài bữa, Tồn dòm xem cử chỉ và ý tứ thì rất vừa lòng, nhứt là nhận thấy Mỹ với Quí chịu đi chơi với con Tốt, để cho chàng được rãnh rang, thì chàng lấy làm vui, nên vô cám ơn vợ chồng Ba Thới lựa dùm người đúng đắn.
                Con người hễ bận việc thì phải buồn lo nên than thở, mà rảnh rang thì sanh chứng ham vui chơi. Tồn có người lo cơm nước, lại có người lãnh giữ con, thì thân được an, trí được khoẻ, sớm mơi chỉ coi chú Tiền làm vườn một lát rồi vô nhà ăn cơm. Nằm hoài cũng buồn, nên ăn cơm rồi xách dù đi dạo xóm.
                Thật ban đầu thì vô quán nằm nói chuyện chơi với Ba Thới đặng giải khuây. Mà nói khào hoài rồi cũng nhàm, lại phải gặp Ba Thới có việc phải đi qua Cù lao Dài ít bữa, Tồn mới men men đi ra phía ngoài chợ.
                Chợ Càng Long là cái ổ bài tứ sắc, Tồn là tay bài có danh cao, lại có gan kỳ, bởi vậy vừa gặp mặt thì người ta chụp, mà rủ ren mời thỉnh. Thật Tồn sợ, vậy ban đầu chàng từ chối nói mắc lo việc nhà, mắc bận sắp con, nên ngồi coi chúng bạn đánh với nhau trong giây lát, đặng giải buồn vậy thôi. Ngặt coi đánh bài nhiều lần, tự nhiên gặp phải hoàn cảnh ép buộc đẩy xô, khó mà kháng cự được.
                Có bữa một tay bài đương ăn thua, thình lình mắc bận việc, nên cậy Tồn cầm đỡ dùm hắn ít bàn. Bữa khác muốn gầy sòng mà thiếu một tay, người ta năn nỉ quá, xin đánh nhỏ, chừng năm xu hoặc một cắc một lện cũng được, chơi vài giờ mà giải buồn vậy thôi, Tồn không lẽ từ hoài, mà thật cũng bị con sâu bài cứ rọ rạy nơi hai bàn tay, nên phải ngồi sòng với chúng bạn.
                Bài bạc có cái áp lực lôi cuốn người ta hay say mê, hễ vướng vào thì khó dứt mà đi cho được, bởi vậy khi ráp sòng thì tính chơi giây lát đặng cầu vui, mà cuộc chơi nó có cù nhây cho đến chiều tối, chừng nào có chuyện trắc trở, như đàn bà bị con khóc nhèo nhẹo, như đàn ông vợ kêu om sòm, hay là có người phải bịnh, cần chạy thuốc rước thầy, hoặc có người bài xấu thua nhiều, rồi đỗ quạu gây gỗ chừng đó mới sên mà về được.
                Bài bạc lại có thói yêu mị, nó lôi cuốn, nó cám dỗ rất hay -- mới bắt đầu chơi, thường nó cho mình ăn đặng mình vui lòng; mấy sòng sau có khi nó cũng để cho mình thua, nhưng bữa nào có thua thì thua chút đỉnh, thua không quá số ăn trong mấy sòng trước, nên mình không chán nản đến nổi phải cáo từ, không lo sợ đến nổi phải giải nghệ.
                Tồn chẳng khỏi bị cái áp lực ấy đẩy đưa, chẳng khỏi bị thói yêu mị đó ám ảnh, bởi vậy ban đầu tính đánh bài đặng cầu vui, năm bảy bữa ngồi một sòng, lại đánh 5 xu hoặc một cắc hoặc một lện mà thôi.
                Tại chú Tiền siêng năng, tại thím Bài trung tính, nhứt là tại hai đứa nhỏ trìu mến con Tốt, nên việc nhà an ổn. Tồn mới rảnh tay khoẻ trí mà ngồi sòng thường thường, có khi đánh luôn cả ngày tối sáng đêm, bỏ phú con Mỹ với thằng Quí cho thiếm Bài với con Tốt lo cho ăn và dỗ ngủ.
                Bịnh bài bạc đã nhiễm sâu rồi, bây giờ dầu không ai mời thỉnh rủ ren, thì cũng đi tìm kiếm mà chơi.
                Bữa nào thiếu tay thì nằm nhà buồn hiu, trong người bần thần dã dượi.
                Đến chừng mãn tang vợ rồi, hai đứa con đã trộng tuổi, chẳng cần phải trông nom săn sóc nữa, thì Tồn luông tuồng, không ngồi sòng tứ sắc nữa, thì đeo theo mấy trường gà.
                Tứ sắc thì đánh 5 cắc một lện trở lên, chớ không đánh nhỏ, còn đá gà thì mỗi độ đứng sổ tới hai ba trăm, lại thêm phóng bắt ở ngoài là khác. Khi trước có vợ khuyên dứt nên Tồn chơi có chừng.
                Bây giờ một mình tự chủ, trong nhà có sẵn tiền bạc, lại không ai ngăn cản, bởi vậy Tồn chơi tự do, chơi thả cửa. Đến mùa gà thì Tồn chơi mê mết, ban ngày đá gà, ban đêm đánh me. Bữa nào không có cái hốt me thì đánh phé, đánh ổ, hoặc đánh già dách tuy chơi chấm chút, song không chừa thứ nào hết.

                Trong lúc ấy, ở ấp Trường Định, có một cô tên là Ba Mùi, mới 25 tuổi mà chồng chết không để lại cho cô đứa con nào, lại để cho cô một cái nhà lá vách ván, với ít ngàn đồng bạc vốn. Cô Ba Mùi tuy nhỏ tuổi, về nhan sắc thì cô cũng như các thiếu phụ khác ở trong vùng, chớ không có vẻ gì đẹp đặc biệt, song cô có khiếu thông minh, có trí lanh lẹ, nên cô có nghề đánh tứ sắc thật cao, ngồi sòng 10 lần, cô thua chừng vài lần, mà có thua thì cũng thua nhẹ.
                Hồi chồng cô còn sanh tiền, thấy cô có tài đặc biệt như vậy thì để cho cô thong thả mà chơi bài, thành ra cô là tay tứ sắc nhà nghề, ai rủ cũng không chạy, ai không rủ thì cũng kiếm tay mà đánh.
                Nay chồng cô Ba Mùi mất rồi, ở một mình trong nhà quạnh hiu, ra vào thấy bàn thờ chồng áo não, bởi vậy cúng tuần ba nhật cho chồng rồi, cô thả ra ngồi ở Trường An kiếm bài mà chơi cho giải khuây.
                Chánh lúc ấy, Phan Văn Tồn ở làng Mỹ Huê đã mướn được con Tốt giữ em, và thím Bài trông nom mọi việc trong nhà, anh thả đi chơi, khi ra chợ Càng Long, khi đạp xe máy vô mấy ấp.
                Nhiều bữa gặp người ta rủ, Tồn ngồi sòng với cô Ba Mùi. Hai đàng gặp nhau ít lần rồi chòm xóm bày chuyện cắp đôi, nói rằng một người goá vợ, một người goá chồng, hai đàng nên chấp nối đặng lập lại gia đình mới mà hưởng hạnh phúc.
                Cô Ba Mùi giận người bày việc quấy, cô nói chồng mất chưa khô núm mồ, mà cải giá nỗi gì. Huống hồ ông Hương giáo Tồn lớn hơn cô tới mười mấy tuổi, muốn cho cô lấy chồng già đặng chịu goá bụa một lần nữa hay sao.
                Bị cắp đôi Hương Tồng cũng không vui lòng, việc lẽ rằng vợ mất có để lại hai đứa con, có gái, có trai đủ rồi còn muốn gì nữa mà ham chấp nối. Ở goá, nuôi con cho trọn niềm chung thủy, bày cưới vợ khác rồi gây cái họa, mẹ ghẻ, con ghẻ, phải cực trí nhọc lòng.
                Hai người nói nghe đúng đắn hết cả hai, nhưng mà qua mùa mưa gà thay lông, các trường gà đều đóng cửa, mọi người ham đỏ đen thì chỉ còn chui vào mấy sòng bài tứ sắc để giải khuây chút đỉnh.
                Ba Mùi với Hương Tồn bây giờ có dịp gặp nhau hằng ngày, gặp riết thành thói quen, nên bữa nào Tồn bắt đi ngã khác mà chơi, thì trong lòng không được vui như ngồi sòng với Ba Mùi.
                Lửa ái tình đã ngún rồi, hễ hai người gặp nhau, thì Tồn tỏ ý thân thiết mà nói chuyện với Ba Mùi, còn cô nọ cũng vui vẻ mà đàm đạo, nhiều khi dùng lời diễu cợt để cười chơi, nhứt là hay liếc mắt hữu tình mà khêu gợi.
                Có bữa Tồn tới nhà Ba Mùi mà rủ đánh bài, rồi hai người dắt nhau ra ấp 8 đặng kiếm thêm tay ngồi sòng cho đủ.
                Có bữa Ba Mùi đi chợ sớm, đến Mỹ Huê ghé thăm Hương Tồn.
                Thấy Mỹ với Quí xẩn bẩn ở bên cha, thì cô kêu lại nựng nịu hỏi thăm, hỏi mỗi đứa được bao nhiêu tuổi, khen Mỹ nhu mì dễ thương, khen Quí chẫm hẫm, dạn dĩ.
                Tồn mời Mùi ở đánh bài chơi một bữa. Mùi dụ dự không muốn chấp lời. Tồn nài ép rồi sai chú Tiền làm vườn đi ra chợ mời cô năm với cô Sáu Trừ, vô lập tứ, đặng đủ tay gây sòng một bữa cho vui.
                Vì không mấy khi Hương Tồn mời, hai người kia vị tình đi liền. Sòng bài kéo dài tới nửa chiều, Ba Mùi đủ vốn, cô viện lẽ bỏ nhà ban đêm không được, nên cô xin sên sòng đặng cô về cho khỏi tối.
                Có sòng bài đó nên ngoài chợ Càng Long đồn rùm cô sắp ụp [8] với ông Hương Tồn, vì hai đàng đã bắt đầu tới lui, mà tình ý coi có mòi thân thiện với nhau lắm.


                Chú thích :

                8. lấy chồng
                #8
                  NuHiepDeThuong 25.01.2006 06:00:18 (permalink)
                  Chương 9


                  Một buổi sớm mai, ăn cơm rồi, Hương Tồn đạo xe máy đi vô dồng chơi. Vợ Ba Thới đương đứng trước cửa, thấy Tồn tới ngã ba, muốn quẹo vô Suối Cạn, thì kêu mà hỏi:
                  - Anh đi đâu mà bữa nào cũng vô dồng hoài vậy? Mời anh ghé chơi một chút. Có cha con Hường ở đây nè.
                  Tồn xuống xe dắt đi vô quán. Vợ chồng Ba Thới niềm nỡ mời ngồi, chế bình trà mới mà đãi khách.
                  Vợ Ba Thới hỏi thăm Mỹ với Quí, nói sao lâu rồi không thấy con Tốt dắt hai đứa nhỏ vô chơi với con Hường.
                  Tồn nói đường xe qua lại thường quá, không dám cho con Tốt dắt sắp nhỏ đi chơi xa, dặn nó để chơi lẩn quẩn trong sân cho khỏi lo rủi ro.
                  Nói chuyện nắng mưa, ấm lạnh, một hồi rồi vợ Ba Thới vừa cười vừa hỏi Tồn:
                  - Người ta nói anh sắp cưới cô Ba Mùi trong Trường Định, phải thiệt vậy không anh hai?
                  Tồn chưng hửng hỏi lại:
                  - Ai bày chuyện nói kỳ cục như vậy?
                  - Ngoài chợ người ta đồn rùm, ai cũng nói như vậy hết thảy.
                  - Chắc hôm nọ thấy cô Ba Mùi ra ghé thăm tôi, rồi ở đánh bài chơi một ngày, nên họ đặt chuyện chớ gì.
                  - Mà có lẽ anh đã có tính, nên họ mới đặt chuyện được chớ.
                  - Tôi có nói với ai tôi sẽ cưới cô Ba Mùi đâu?
                  - Anh không nói, mà hai người có ý muốn phối hiệp, người ta ghé mắt tự nhiên người ta hiểu.
                  - Oái! Họ muốn nói giống gì tự ý họ. Mà dẫu tôi có cưới cô Ba Mùi lại hại gì hay sao mà nói.
                  - Hai đàng góa hết, ráp với nhau là phải, chớ có hại gì. Lại cô ở với chồng trước không có con, cái đó lại càng tiện cho anh nữa. Ngặt một điều, người ta nói cô là tay bài tứ sắc nhà nghề, cô giỏi có cái nghề đó, chớ ruộng rẫy, vá may, nấu nướng, cô không biết tới.
                  - Ở đất này giỏi nghề đó cũng đủ nuôi sống.
                  - Tôi sợ phá sản chớ.
                  - Hứ! Mấy tháng nay tôi có đánh bài với cô nhiều sòng; bài của cô cao thiệt, nên ít khi thua. Mà đánh bài cao như vậy, dầu có thua cũng mát ruột.
                  Ba Thới nói:
                  - Mấy tháng nay tôi thấy anh đi chơi thường quá, nhứt là đi vô trong dồng. Ăn hay thua mà anh đi hàng ngày vậy?
                  Tồn cười, vừa đứng dậy vừa nói:
                  - Ở nhà buồn quá nên thả đi chơi. Đánh tứ sắc một hai cắc, khi ăn, khi thua có sao đâu mà sợ.
                  Tồn từ biệt vợ chồng Ba Thới rồi cưỡi xe đi vô dồng.
                  Tuy nói lơ là vậy, song lời thiên hạ đồn đó không phải là vô cớ, bởi vì cách vài tháng sau, thiệt quả Hương Tồn cưới cô Ba Mùi, rước cô về ở chung một nhà.
                  Đám cưới thân mật, chớ không làm rình rang, không nhóm họ, không mâm trầu, không lễ vật chi hết. Tồn đưa cho Ba Mùi ít trăm đồng bạc đặng may quần áo mới, nấu vài mâm cơm cúng chồng trước.
                  Đến bữa cúng, ngoài Mỹ Huê, Hương Tồn mời vài ông bạn cỡi xe máy đi với ông ta vô Trường Định ăn uống một bữa, rồi kêu xe ngựa rước Ba Mùi về Mỹ Huê. Buổi chiều, Tồn làm vịt gà cúng vợ trước cho Ba Mùi lạy ra mắt, rồi mời ít người trong xóm lại ăn nhậu đặng chứng kiến.
                  Hương Tồn cưới vợ âm thầm, nhưng cũng đủ cho thiên hạ từ làng trong ra làng ngoài hay biết Tồn với Mùi phối hợp đủ lễ, đủ phép, có đám cưới hẳn hoi, bởi vậy không ai khen chê hay dị nghị chi hết.
                  Duy có vợ chồng Ba Thới nghe tin ấy thì than với nhau rằng Tồn nhờ Thị Tánh siêng năng kiệm ước, nên gây ra được một sự nghiệp tuy không to tác, song cũng đủ cho gia đình sống theo hạng trưởng giả mãn đời. Nay cưới Thị Mùi mới thanh sanh là một tay bài cao, rồi sợ đây vợ chồng sẽ say mê bài bạc mà sạt nghiệp, hư nhà, uổng công phu của Thị Tánh tiện tặn trót 16 năm, tính làm ra của mà để lại cho con, sợ e con không được hưởng nhờ, vì sẽ bị tay người khác phá tiêu hết.
                  Vợ chồng Ba Thới đóng không lầm. Tồn rước Thị Mùi về nhà, trong mấy ngày đầu thì vợ chồng đầm ấm, xẩn bẩn ở nhà. Mùi vui chơi làm quen với hai đứa con của chồng, còn Tồn thì coi cho chú Tiền làm cỏ trong vườn, chỉ chỗ cuốc vồng trồng khoai, gieo đậu.
                  Nhưng thú vui gia đình êm ấm thơi thới, không phải là sở thích của cặp vợ chồng, cả hai đều ưa cái vui khác, muốn cái vui phải pha lộn mừng với lo, may với rủi, ăn với thua, đặng gây cảm xúc từng hồi, muốn đỏ đen cho có đủ thú vị. Tồn hiểu ý vợ nên ra chợ rủ tay bài về nhà cho vợ đánh, mình ngồi coi chơi. Mà ngồi coi ít bữa rồi cũng nhàm, Tồn mới để vợ đánh trong nhà, anh ta vô dồng kiếm gây sòng khác.
                  Ba Mùi chơi được năm sáu sòng rồi có người mắc bận việc nhà nên không vô chơi được, làm cho thiếu tay, chị ta mới mò ra chợ kiếm mà chơi, thành thử bữa nào cũng vậy chồng đi một nơi, vợ đi một ngã, tối mò mới mò về, có khi ở chơi luôn ban đêm cho tới sáng.
                  Qua mùa khô, mấy chuồng gà mở lại, thì ông Hương Tồn mê miết luông tuồng, bỏ nhà cửa, quên con thơ, nhà thì bỏ phú cho chú Tiền với thím Bài làm sao thì làm, còn con thì giao cho con Tốt cho ăn, dỗ ngủ, không thèm ngó ngàng tới.
                  Chồng cứ ta bà, Ba Mùi có vui gì mà ở nhà, bởi vậy mạnh ai nấy đi, không ai trách ai hết.
                  Tuy vậy mà ăn ở nhau được vài ba năm thì Ba Mùi cũng sanh cho Tồn một đứa con trai đặt tên Sen, nhưng than ít sữa, nên kiếm mướn vú nuôi, mà kỳ thiệt là sợ cho con bú rồi mặc con đeo theo, ngồi sòng không được.
                  Chừng thằng Quí là con của vợ trước được chín mười tuổi, mà tối ngày nó cứ lo đi bắt dế, hoặc thả rểu ở ngoài bờ. Có người hỏi ông Hương Tồn sao con quá tuổi rồi sao chưa chịu đem nó ra trường cho nó học. Tồn nhớ lại rồi mới dắt Quí ra trường Càng Long, nói với ông đốc học Vĩnh ghi tên vào sổ cho nó học.
                  Con đi học, Tồn cũng không thèm để ý tới, phú cho thầy giáo làm sao được thầy làm, miễn là mỗi buổi thấy con ôm sách ra đi, hoặc trưa chiều tan học trở về, thì Tồn an bụng hài lòng, tưởng là đạo làm cha đã vuông tròn, mà con có thỏ thẻ xin tiền ăn bánh, ăn hàng, hay mua vở mua viết, thì cho ít cắc bạc, lại than đời nay có con đi học, tốn hao lung quá.
                  Ba Mùi về ở nhà chồng trong mấy năm đầu, tuy không có tình dan díu với hai đứa con riêng của chồng, song hai đứa chỏ khờ khạo, thiệt thà, nên chị ta không có cớ chi mà oán ghét, chừng chị ta sanh được thằng Sen, thì sự ganh gỗ bắt đầu nhen nhúm trong trí. Thấy Tồn bồng Sen mà nựng nịu thì chị ta hớn hở vui cười, còn bữa nào Tồn rảnh nên vuốt ve Mỹ hay Quí, hoặc kêu hai đứa đó nói chuyện đặng giải buồn, thì chị ta chù ụ, trợn mắt chau mày, dường như muốn chồng dành tất cả tình thương yêu cho Sen, không được chia sớt cho Quí và Mỹ.
                  Ba Mùi thiếu học, không thông tâm lý, cũng không biết đạo làm mẹ ghẻ đối với con chồng. Khi bước vào nhà chồng đã có sẵn hai đứa con thơ ngây, chúng nó mồ côi mẹ nên khao khát tình thương yêu ôm ấp. Nếu mình thay thế làm mẹ chúng nó, dan díu mến yêu, chăm nom săn sóc, gây chút cảm tình rồi ép buộc chúng nó gọi là má cũng được, chẳng cần gọi là dì. Nếu sau có sanh thêm thằng Sen nữa, thì mình có được ba đứa con chớ có hại gì đâu. Đã không biết có con đường êm ấm như vậy mà đi, lại còn để ganh gỗ phát sanh trong đầu óc nó hấp dẫn lần lần, mà biến tình mẹ con ra phe cừu địch, gây buồn cho người lớn, gieo khổ cho trẻ con.

                  Mỹ với Quí mỗi ngày một thêm lớn khôn, tự nhiên chúng nhận thấy bà mẹ ghẻ đã không yêu, mà còn ghét chúng nó nữa, bởi vậy chúng nó tự dang xa ra, cho khỏi nghe những tiếng cay đắng hay nặng nề, hoặc khỏi thấy hầm hừ hay chù ụ.
                  Ba Mùi không thèm nói tới thằng Quí, mà hễ nói tới thì la rầy, còn con Mỹ đã lớn rồi, thì ép buộc nó phải vô bếp phụ với thím Bài rửa chén quét nhà, nói rằng tập cho nó biết nữ công mà kỳ thiệt là đày đọa cho thân nó cực khổ.
                  Trót hơn 10 năm trường, hai chị em Mỹ và Quí sống trong một cảnh đời lạnh lẽo, sợ sệt, buồn cực, tiêu hiu, có cha mà cha cứ mê sa bài bạc, ít có dịp gần con, có mẹ ghẻ chính là người thù nghịch. Các tình thương yêu dồn dập trong lòng chỉ hướng về hai chị em mà thôi, chớ không phát triển ra chỗ nào khác được. Mà chị em thương nhau thì lấy ý tứ mà tỏ với nhau, hay là dùng cặp mắt mà truyền tin vậy thôi, chớ không dám hở môi, hở miệng.
                  Không được biểu lộ những yêu, không được thưởng thức thú vui vầy, hai trẻ phải dấu kỹ nỗi lòng ưu phiền, rồi để trí chăm chú về phận sự cho khuây lãng.
                  Mỹ thì tập nấu ăn, vá áo cho rành rẽ, rồi được 15 hay 16 tuổi thì trong nhà khỏi mướn thím Bài ở nữa, Ba Mùi giao hết mọi việc cho Mỹ lãnh lo.
                  Còn Quí nhờ học tập chuyên cần, nên trở thành học trò nhứt trong làng Càng Long, được ông đốc học thương yêu, đi thi bằng sơ học được đậu cao, mà đi thi vào trường lớn cũng đậu luôn nữa.
                  Rất tiếc thay trong lúc hai trẻ sống với đau lòng buồn trí như vậy, ông Tồn làm làng đã lên tới Bồi bái Tồn, mà ông không tìm hiểu nỗi lòng của hai con. Còn Ba Mùi hễ thấy thằng Sen càng thêm lớn, thị chị ta càng thấy ghét Quí với Mỹ, không đổi ý chút nào hết.
                  Mà muốn nói cho đúng, thì chị phải nói Bồi bái Tồn không có thì giờ mà tìm hiểu nỗi khổ của hai con, còn Ba Mùi không dè đối đãi với trẻ như vậy sẽ bị người ta chê cười, nói mẹ ghẻ khắc bạc.
                  Tồn mắc đá gà, đánh bạc, có rảnh đâu mà dòm ngó việc trong nhà.
                  Còn Mùi mắc tứ sắc, câu tôm, nào có ai chê cười mà sợ.
                  Bài bạc có hai vợ chồng, không làm việc gì sanh lợi, mỗi năm thua, thiếu một mớ, qua mùa gặt, góp lại ruộng phải đong cho người ta một phần lớn mà trừ nợ. Thâm thủng mỗi năm một ít, nhưng nhiều năm hóa ra nhiều, rồi số nhiều ấy còn đẻ thêm tiền lời, thành thử đến khi Quí thi đậu vào trừơng trung học, người ta nói cha có nhiều đất ruộng, con phải đóng tiền cơm tiền học chớ không cho hưởng học bổng, thi Bồi bái Tồn đang lặn hụp trong nợ nần, liệu không thể đóng tiền nổi cho Quí học thêm 4 năm nữa, bởi vậy Quí phải dằn lòng ở bồi cho quan Kinh Lý La-Co mà nuôi thân.


                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 25.01.2006 06:16:40 bởi NuHiepDeThuong >
                  #9
                    NuHiepDeThuong 25.01.2006 06:19:25 (permalink)
                    Chương 10


                    Từ bữa Quí về nhà từ biệt cha mẹ, chị em, đặng sáng ngày sau đi theo quan Kinh Lý La-Co lên Sài Gòn, tiếp ở bồi với ông, thì Bồi bái Tồn xúc động cực điểm. Con ra đi, ông đứng ngoài ngó theo, nước mắt chảy ròng ròng, chớ không dặn dò con được một tiếng.
                    Quí ra lộ bị vướng rào che khuất dạng, ông Bồi lau nước mắt rồi đi thẳng vào trong buồng, nằm thiêm thiếp mà tưởng nhớ tới con. Đến ngày nay, ông mới nhận thấy tội lỗi của ông, lỗi đạo làm chồng, lỗi đạo làm cha, lỗi với người chết, lỗi với kẻ sống. Nhưng biết lỗi thì đã trễ, mọi việc đều hư hỏng, thì có khóc mà chịu, chớ làm sao mà sửa chữa bây giờ.
                    Đến chiều, cơm dọn ra rồi, thằng Sen vô dở mùng kêu cha ra ăn cơm. Ông Tồn nói không đói, ông biểu nó ra ăn với má nó đi. Bà Mùi phải vào mời một lần nữa, cực chẳng đã ông phải ráng ra ăn nửa chén, rồi buông đũa đi uống nước.
                    Ông bước ra lộ đứng ngó mông, ngó cái gò mã trong sở đất hương hỏa nằm ngang nhà, trong gò ấy có mồ của cha mẹ, và mồ của vợ trước, là má của con Mỹ với thằng Quí nữa.
                    Từ hồi chiều, ông buồn rầu, đau đớn, bây giờ thấy mồ mã vợ, ông thêm hổ thẹn vô cùng.
                    Ông ngồi trên lề đường gục mặt nghiêng tai, ông tư tưởng người xưa, rồi dường như ông nghe hỏi:
                    - Tôi chịu cực nhọc, tôi ráng cần kiệm mua thêm ruộng đất để cho mình có đủ huê lợi mà nuôi con ăn học, sao lại đến nỗi nó phải đi ở đợ mà nuôi sống?
                    Ông Tồn khóc thầm. Ông muốn chết phứt cho xong, chết đặng dứt phiền não, chết đặng xuống cửu tuyền tìm cha mẹ và tìm vợ hiền mà chịu lỗi.
                    Ông khóc một hồi, rồi tính kiếm người quen với vợ trước mà đàm đạo, trút bầu cay đắng cho nhẹ bớt nỗi lòng. Ông nhớ Ba Thới là chị em thân thiết với vợ ông hồi trước. Từ năm trước chồng chị ta chết có lẽ cũng buồn như ông bây giờ vậy, đi vô thăm chị ta, đặng than thở việc nhà cho đỡ đôi chút.
                    Trời tối đã lâu rồi. Nhưng nhờ mặt trăng đã lên cao nên dọi xuống đường sáng lòa. Ông Tồn chậm rãi đi vô ngã ba Suối Cạn. Thấy trong quán dì Ba Thới cửa chưa đóng, đèn còn sáng trưng, ông mới ghé vào.
                    Con Hường đương nằm trên quán nói chuyện chơi với mẹ, nó nghe động đất, thì ngóc đầu ngó ra, nó thấy ông Bồi bái Tồn thì lật đật kêu mà nói:
                    - Má, có ông Bồi bái vô kìa má.
                    Dì Ba Thới lồm cồm ngồi dậy hỏi:
                    - Có việc gì hay không mà anh vô tối dữ vậy?
                    Ông Bồi bái nói:
                    - Tôi thấy trăng sáng nên thả đi chơi một chút, chớ có việc chi đâu.
                    Dì Ba Thới mời ông ngồi, biểu con đi nấu nước, đặng chế trà uống. Ông Bồi bước lại cái võng mà nằm. Dì ba nói:
                    - Hồi chiều, cháu Quí có vô từ giã mẹ con tôi, đặng sớm mai nó lên Sài Gòn với quan Kinh Lý. Tôi cầm ở lại ăn cơm, chơi đến gần tối nó mới về. Con Hường tính khuya nó ra cho sớm, đặng đón mà đưa cháu Quí lên xe.
                    Ông Bồi nằm êm không nói chi hết.
                    Dì Ba nói tiếp:
                    - Tội nghiệp quá. Nó đi, nó gượng làm vui, chớ tôi dòm sắc mặt nó, biết nó buồn. Mới 16, 17 tuổi mà phải bỏ nhà, bỏ cha bỏ chị, đi lập thân. Mà lập thân lại ở bồi cho Tây, chớ không phải làm nghề gì sang trọng, thì vui làm sao được.
                    Ông Bồi cũng vẫn lặng thinh.
                    Dì Ba nói nữa:
                    - Tôi có hỏi nó, vậy chớ đi theo quan Kinh Lý như vậy, nó tính chừng nào về hay không. Nó nói, nó đã kiên quyết bước chưn vào đường đời, đặng lội lặn mà lập thân; trời khiến nó đi bao lâu, đi tới đâu tùy ý trời định, nó không biết trước được. Nó nói như vậy, sợ nó không trở về đây. Nó có nói với anh chừng nào nó về hay không?
                    Ông Bồi đáp cụt ngủn:
                    - Không.
                    Dì Ba biết ông đương buồn về gia đạo nên dì không dám nói chuyện Quí nữa.
                    Hường bưng ra một cái tách với bình trà để trên bàn. Dì Ba bước lại tráng tách, rót trà rồi, mời ông Bồi dậy uống một chút trà nóng ấm bụng.
                    Bây giờ, ông Bồi mới chịu ngồi dậy, rồi mạnh mẽ đi lại cái bàn, bưng tách trà nóng rót uống một hơi. Hường ngồi trên ghế để dựa tủ kiếng đựng bánh mà bán, có ý lóng nghe hai người nói chuyện về Quí đi Sài Gòn. Té ra dì Ba trở mái hỏi:
                    - Mùa nầy lúa miệt Càng Long mình đây nghe nói trúng dữ lắm phải hôn anh?
                    - Trúng.
                    - Lúa trúng còn vái cho cao giá, đặng đỡ khổ cho con nhà làm ruộng, nhứt là mấy ông điền chủ nhỏ.
                    - Đỡ cho ai, chớ mấy người thiếu hụt đã lấy tiền trước của chành hồi tháng 7, tháng 8, bây giờ phải đong lúa chành theo giá rẻ mạt, bởi vậy có hưởng được giá cao đâu.
                    - Tại mình lấy tiền trước thì phải chịu, chớ biết làm sao. Năm nay anh có lấy tiền trước của chành hay không?
                    - Làm sao mà khỏi được. Tôi lấy của Duy Xương 200 tạ, của Kỳ Tường 200 tạ nữa, tới mùa phải cân cho 2 chành hết một ngàn 200 thùng rồi.
                    - Ruộng của anh cho mướn bao nhiêu lúa?
                    - Một ngàn 600 thùng.
                    - Vậy thì còn 400 thùng, làm sao mà đủ trong năm tới.
                    - Xài mới khỉ họ! Còn mấy mối nợ khác nữa, 400 thùng lúa đó bán không đủ tiền lời, có dư đâu mà tính xài.
                    - Trời ơi! Vậy rồi làm sao?
                    - Tới đâu hay tới đó chớ biết làm sao.
                    - Nguy quá, vậy mà anh không lo, cứ thả đi chơi hoài.
                    - Nằm nhà nhớ nợ nần không chịu nổi, nên tôi phải đi cho khuây lãng, chớ có phải tôi mê sa bài bạc đâu dì.
                    - Anh đi thét càng đổ nợ thêm nữa chớ.
                    - Tôi nghĩ lại, nguy đây là lỗi tại mẹ thằng Quí hết thảy.
                    - Chỉ mất đã 13, 14 năm rồi, chỉ có làm hư hại đâu mà anh đổ thừa cho chỉ!
                    - Thì tại nó chết nó bỏ tôi, nó làm tôi buồn rầu, đi chơi ta bà bậy bạ, nên gia đạo mới rối, nghiệp mới hư đây.
                    - Thiệt đang làm ăn xẩn xẩn, mua ruộng đất, ra làm làng, ai cũng đoán vợ chồng anh sẽ làm giàu lớn. Thình lình chỉ bỏ anh mà đi theo ông bà, nên mới hư hại. Chớ nếu chỉ sống cho tới bây giờ tôi chắc ruộng đất của anh đã lên tới cả trăm mẫu, con Mỹ đã gã lấy chồng, thằng Quí được học thêm nữa, có đâu phải ra thân ở đợ cho Tây đặng nhờ mảnh áo chén cơm.
                    - Thôi đừng có nhắc tới thằng Quí nữa, dì ơi! Ừ hồi chiều tới giờ tôi muốn chết phứt cho rồi.
                    - Anh chết gia đạo của anh càng nguy thêm nữa. Anh phải sống mà lo sắp đặt lại cho yên ổn, cho thảnh thơi chớ.
                    - Sắp đặt cách nào đâu dì nói cho tôi nghe thử coi?
                    - Tém dẹp cho gọn ghẽ, trả dứt nợ nần còn lại bao nhiêu thì liệu cơm gắp mắm, mỗi năm cứ ngó số thâu mà định xuất, gói ghém cho chặt chịa, làm như vậy thì được chớ gì. Anh mới 50 tuổi, chưa già gì lắm, anh còn đủ ngày giờ mà sắp đặt việc nhà lại, đặng hưởng thảnh thơi, sung sướng với người ta.
                    Kìa ông cả Đồng, ổng có một mẫu ruộng với một mẫu trên dồng, mà ổng khéo lo, nên ruộng đủ lúa ăn, dồng có huê lợi, đủ đi chợ, quanh năm ổng thong thả vô cùng. Anh có tới hai ba mẫu dồng, lại thêm gần 50 mẫu ruộng lẻ, thì anh phải dư dả, phải ra mặt, "người có cơm tiền”, tại sao mà anh phải thiếu hụt đến mang nợ mang nần? Anh phải suy xét lại tại duyên cớ nào, mà làm cho việc nhà anh phải suy sụp. Hễ tìm ra mối hại anh phải dẹp phứt nó đi, thì tự nhiên anh hưng vượng lại, có gì đâu.
                    Ông Bồi Tồn bỏ đi lại võng nằm nữa, nằm nín khe. Dì Ba Thới nói chuyện thì ông ừ hử vần chừng, ông không muốn nói ông cũng không muốn nghe. Cả một hồi, ông đứng dậy từ giã mẹ con dì Ba Thới mà về.
                    Mẹ con Ba Mùi đã ngủ rồi, duy con Mỹ còn ngồi vá áo để cửa mở coi, cha có về thì vô.
                    Ông Bồi về nhà, không dám ngó con; ông đóng cửa lại, rồi xâm xâm đi lại cái giường của thằng Quí ngủ hồi trưa mà nằm.
                    Con Mỹ vá áo rồi, thấy cha nằm im lìm, trông cha đã an giấc, nên nó dẹp đèn đi ngủ.
                    Ông Bồi Tồn có ngủ được đâu. Ông nằm lim dim, trong trí cứ nhớ hình dáng Quí hồi chiều, bên tai cứ nghe những lời của dì Ba Thới nói hồi nãy.
                    Thình lình giữa đêm khuya vắng vẻ, có một chiếc thuyền đi dưới rạch phía sau vườn, chèo bỏ mái nghe rột rạt, rồi lại có người lại cất tiếng lên mà hát:

                    Mẹ còn gót đỏ như son.
                    Từ khi mẹ mất, gót con đẫm bùn.


                    Câu hát ác liệt quá! Ông Bồi đương buồn tủi, nó còn gợi mạch sầu, làm cho nước mắt ông tuôn ra dầm dề.
                    Đến khuya, ông thấy con Mỹ thức dậy sớm, rửa mặt thay đồ, rồi trời hừng sáng, nó mở cửa nhè nhẹ mà đi.
                    Ông thường nhớ bữa mặt trời mọc một lát, rồi Mỹ mới đi chợ. Bữa nay nó đi sớm, chắc là nó ra chợ, đặng đưa em nó lên xe. Ông Bồi muốn đi, ông đã ngồi dậy, mà rồi ông nghĩ, gặp con nữa ông phải nói chuyện gì; thấy mặt con ông càng thêm tủi nhục, càng thêm thẹn thùa, chớ không có ích chi hết. Nghĩ như vậy rồi ông nằm lại, gác tay qua trán, nước mắt vẫn chảy hoài.
                    Chừng Mỹ đi chợ về, mẹ con Ba Mùi mới thức dậy. Bây giờ ông Bồi mới đi rửa mặt, rồi đi luôn ra sau vườn, coi chú Tiền làm cỏ. Ngồi lại ăn cơm, Ba Mùi thấy ông sắc mặt dàu dàu, không muốn nói chuyện, không ngó vợ con, chị ta biết chồng buồn vì sự Quí đi, nên chị ta không dám nhắc tới. Ăn cơm xong rồi, ông Bồi kiếm chỗ mà nằm nữa, không tính đạp xe đi chơi như thường bữa. Ba Mùi thấy vậy chị ta cũng không dám đi.
                    Mấy bữa sau, ông Bồi cũng lục đục ở nhà hoài, không muốn đi đâu hết. Nhịn bài tới năm sáu bữa, Ba Mùi chịu không nổi nữa, nên ăn cơm rồi, chị ta làm gan lấy dù mà đi. Ông Bồi ngó thấy, nhưng ông không nói gì hết.

                    Bữa sau, lối nửa buổi sớm mai, có ông Hương sư Bền, ở Mỹ Trường ghé nhà thăm ông Bồi bái Tồn. Hai ông nói chuyện mùa màng, hỏi thăm ấm lạnh, rồi Hương sư Bền mới hỏi qua việc nhà của Bồi bái Tồn. Ông hỏi ông Bồi được mấy người con, người nào được bao nhiêu tuổi. Ông Bồi tỏ thiệt người vợ trước đã mất có để lại cho ông con Mỹ là gái đầu lòng năm nay được 19 tuổi, với đứa con trai mới 17 tuổi. Ông chấp nối với người sau đó sanh thêm một trai đã được 9 tuổi.
                    Ông Hương sư Nhiều mới nói ngay ra rằng thầy giáo Lễ, dạy tại trừong Dồng Ké, cậy ông đến muốn tỏ ý cầu thân hỏi thăm tuổi của Mỹ và xin định ngày cho xuống coi mắt.
                    Ông Bồi suy nghĩ rồi khiêm nhượng nói Mỹ còn khờ khạo, phần thì mồ côi mẹ sớm quá, nên thiếu bề dạy dỗ, bởi vậy sợ lấy chồng sợ làm dâu không kham.
                    Ông Hương sư nói Giáo Đỗ mới 22 tuổi, vốn là con út của thầy Bang biện Sung, ở trên Vũng Liêm. Cha đã mất mấy năm nay rồi, bây giờ còn mẹ già ở giữ nhà thờ, bà là một người hiền đức nên làm dâu không khó gì. Huống chi giáo Lễ đi dạy học, hễ cưới vợ thì dắt vợ theo đặng lo cơm nước, có để vợ ở nhà đâu, mà sợ vợ làm dâu.
                    Hai ông bàn cãi một hồi, rồi thỏa thuận bữa sớm mơi chúa nhật sắp tới đây, ông Hương sư sẽ đem mẹ con thầy giáo Lễ xuống coi con Mỹ, xuống coi một chút rồi về, khỏi đãi cơm nước chi hết.
                    Ông Hường sư Bền về rồi, chừng vợ chồng ông Bồi ngồi ăn cơm với hai con. Ba Mùi mới hỏi khách Mỹ Trường đến tính việc chi, mà nói lâu dữ vậy. Ông Bồi cho hay Giáo Lễ dạy trường dồng Ké, cậy ông Hường sư Bền làm mai xin cưới con Mỹ, hẹn chúa nhựt này dắt mẹ con giáo Lễ xuống coi mắt con Mỹ. Ông dặn vợ phải sắp đặt, đặng bữa đó tiếp khách cho đàng hoàng, và dặn con phải bận áo quần sạch sẽ, đặng ra chào khách.
                    Ba Mùi nghe nói chồng coi con Mỹ thì than:
                    - Cha chả ông gã con Mỹ thì cụt tay, còn ai lo cơm nước, ai coi sóc trong nhà nữa?
                    Ông Bồi Bái nổi giận nên trợn mắt nói lớn:
                    - Tính bắt nó làm mọi mãn đời hay sao? Con gái hễ tới tuổi người ta muốn cưới, nếu mình coi phải chỗ thì gả cho nó có đôi bạn mà làm ăn. Nếu mình tham công tiếc việc không chịu gả, để nó lỡ thời rồi vác bán chi ai được?
                    Vợ chồng ở với nhau hơn 10 năm, ông Bồi mới nồ nạt lần thứ nhứt. Nhưng mà Ba Mùi không nao núng, chị ta xụ mặt mà đáp liền:
                    - Tôi nói chuyện mà nghe chớ con ông, muốn gả chừng nào, gả cho ai ông gả. Tôi đâu dám cản trở.
                    Ông Bồi nghe ba tiếng “con của ông”, thì ông chau mày, trong lòng phiền lắm, nhưng nếu nói ra thì có chuyện sẽ rắc rối, mà không có chỗ hay, bởi vậy ông liếc mắc ngó con Mỹ, rồi ăn riết cho mau hết chén cơm, đặng đứng dậy mà đi cho khuây lãng.
                    Tuy Ba Mùi cự nự, song gần tới chúa nhựt chị ta cũng biểu chú Tiền dọn dẹp, lau chùi trong nhà, quét hốt ngoài sân, đâu đó đều sạch sẽ. Chị ta cũng lo sắp đặt trầu nước, coi sửa soạn cho Mỹ, nên bữa Hương sư Bền dắt mẹ con thầy giáo Lễ đến nhà, thì Mỹ bưng trầu, bưng nước ra mời khách đàng hoàng, không lầm lỗi chỗ nào cho người ta có thể chê được.
                    Chừng khách về, ông Bồi đưa ra tới cửa ngõ thì ông Hương sư đứng lại nói nhõ với ông Bồi:
                    - Để thầy giáo về tính lại với bà Bang coi sao rồi tôi sẽ trả lời.
                    Ông Bồi gật đầu. Ba người khách lên xe ngựa mà về.
                    Ông Bồi đi chậm rãi về nhà, ông thầm nghĩ thầy giáo Lễ tướng mạo nhu mì, con bà Bang biện, nói chuyện hòa nhã; nếu người ta xin cho bước tới, thì mình gã cũng được. Ngặt hễ chịu gả, thì phải sắm đồ đạc cho con, phải lo làm đám cưới, tốn hao đến một hai ngàn coi mới được. Tiền ở đâu?. . .


                    <bài viết được chỉnh sửa lúc 25.01.2006 06:46:04 bởi NuHiepDeThuong >
                    #10
                      NuHiepDeThuong 25.01.2006 08:28:57 (permalink)
                      Chương 11


                      Chồng đến coi con Mỹ làm cho ông Bồi Tồn phải bối rối mấy bữa rày.
                      Ông bỏ dẹp hết cuộc bài bạc và đá gà; ông cũng tạm quên đi việc Quí theo ở bồi cho quan Kinh Lý; ông chú ý về sự gả con Mỹ cho thầy giáo Lễ, đặng cho nó khoẻ tấm thân.
                      Gả con lấy chồng thế nào cũng phải tốn một hai ngàn. Chớ làm xập xệ coi sao được.
                      Mình mắc nợ thì mình biết, chớ thiên hạ ai cũng biết mình là một vị điền chủ, một người có cơm tiền. Vậy mình phải may thêm quần áo, sắm mùng mền cho con. Dầu có đòi áo đòi nữ trang, đòi tiền đồng đi nữa, mình cũng phải sắm thêm cho con chút đỉnh vàng, đặng nó đeo về nhà chồng cho đỡ thẹn, với chị em bên chồng.
                      Nội việc sửa soạn cho con đã thấy tốn cả ngàn rồi. Mà mấy năm nay con Mỹ cực khổ hết sức, ngày lấy chồng mình tốn với nó một ngàn không đáng hay sao? Đáng lắm. Dầu nó không có công lao gì trong nhà nầy, khi nó lấy chồng, mình là cha mình cũng phải lo, phải cho nó tiền không được phép tiếc với con.
                      Còn làm đám cưới, mình là điền chủ, lại làm tới chức Bồi bái trong làng, thế nào gả con mình cũng phải nhóm họ, phải mời hương chức Mỹ Huê, Mỹ trường, An Trường là những người mình thù tạc thuở nay -- nếu không mời đủ chắc người ta phiền trách. Mời đủ thì phải mua một con bò với vài con heo. Mặc dầu được thiệp mời đám cưới thì khách thường đi là rượu, bạc tiền, lại hễ đánh bài hốt me thì chủ nhà lấy tiền xâu nữa, nhưng mà cũng phải dự phòng một ngàn mới đủ mua bò, heo, đồ nấu bánh trái, rượu trà.
                      Ây vậy dẫu tiện ăn, làm gọn ghẽ thế nào, cũng phải có hai ngàn đồng mới đủ.
                      Làm sao mà có?
                      Lúc cho mướn ruộng mùa nầy, mình phải mượn bạc trước của hai chành, mình phải cân lúa cho họ mà trừ, còn dư có ba bốn trăm thùng, đủ ăn tết là may, dầu lúa có giá mình bán cũng không được một số tiền lớn.
                      Ngày đó, ông Bồi cứ đi ra đi vô mà tính hoài, tính coi phải làm cách nào cho có tiền.
                      Mắc nợ đã sáu bảy ngàn rồi, bây giờ vay nữa ai dám cho thêm. Mà dầu họ cho vay thêm, rồi mình lấy chi mà trả. Số vay thêm lớn, thì số tiền lời cũng thêm nhiều. Số lúa cho mướn ruộng không tới hai ngàn thùng, theo giá lúa hiện thời bán hết cũng chưa đủ tiền trả lời, có đâu trả vốn cho được.
                      Đến trưa, ông nằm vác tay qua trán mà tính nữa. Ông sực nhớ mấy lời của dì Ba Thới nói đêm nọ, ông mỉm cười chau mày. Dì Ba Thới khuyên nên tém dẹp cho gọn ghẽ, nên trả dứt nợ nần, rối còn lại bao nhiêu thì liệu cơm gắp mắm cho khỏi cực lòng nhọc trí. Tém dẹp bằng cách nào? Chỉ có cách bán ruộng mà trả dứt nợ. Mười hai mẫu ruộng không thể bán được. Có bán thì hoặc bán 13 mẫu của cha mẹ cho đứng hộ hồi trước, hoặc bán 25 mẫu của má con Mỹ dàng dụm có tiền mà mua sau.
                      Cha chả, mà bán 13 mẫu của cha mẹ mua cho thì uổng vì ruộng tốt, còn bán 25 mẫu của vợ xúi mua thì tủi hổ với người khuất mặt quá, làm sao mà bán cho đành.
                      Tuy ông Bồi tiếc sự nghiệp nên viện nhiều lẽ mà bác lời khuyên của dì Ba Thới, song mấy ngày sau ông suy nghĩ tới xét lui thì chỉ có cách bán ruộng mới giải nguy.

                      Một buổi sáng sớm, ông cỡi xe máy vô dồng thăm vợ chồng Sáu Thị đã có mướn ruộng mặt của ông làm 3 năm mới mãn hạn, mùa rồi đã quen biết nhau nên dễ nói chuyện, ông ướm thử coi Sáu Thị muốn mua ruộng của ông hay không.
                      Sáu Thị hỏi phần ruộng nào, bán giá bao nhiêu. Ông nói trong hai phần, một phần 13 mẫu ở Mỹ Huê và một phần 25 mẫu ở Mỹ Trường, muốn mua phần nào cũng được, nhưng phần nào cũng tính mỗi mẫu 600 đồng ông mới bán. Sáu thị chê mắc, tỏ ý muốn mua sở 25 mẫu cho gần đất của anh ta, nhưng nói nếu tính giá 400 đồng mỗi mẫu thì mới dám mua, chớ giá cao hơn nữa thì không mua nổi. Ông Bồi nói lúa cao giá, tự nhiên đất phải bắt giá lên cao. Ông khuyên hãy suy nghĩ lại, nếu không chịu mua theo giá ông định thì ông sẽ bán cho bà Chánh Bái vì bà cũng đương kiếm ruộng mà mua.
                      Ông Bồi biết thế nào sáu Thị cũng phải trả thêm, nên ông về nhà tính nằm chờ, vì bán ruộng đất chớ không phải bán cá tôm mà vội lắm.
                      Cách mấy bữa Sáu Thị ra trả 450 đồng một mẫu, ông bồi không chịu cứ đòi 600.
                      Ông Hương sư Bền nhơn dịp ra chơi ghé thăm ông Bồi. Ông nói mẹ con thầy giáo Lễ đi coi con Mỹ, thì mẹ con đều ưng bụng lắm, nhưng đợi ít bữa kiếm thầy coi tuổi rồi sẽ nhứt định.
                      Cái tin ấy thúc dục ông Bồi phải quyết bán ruộng, không nên tiếc. Ông tính nếu bán với giá 450 đồng thì sở nhỏ được có
                      năm ngàn tám trăm năm chục đồng, không đủ trả nợ, còn sở lớn được mười một ngàn, hai trăm mười đồng, trả nợ rồi còn dư được ít ngàn. Ông mới quyết bán sở lớn, đặng có dư tiền mà lo gả con lấy chồng. Nhưng ông cũng phải ráng nài thêm đặng bán cho được cao giá, cao nhiều mới khỏi tiếc.
                      Chờ hết mấy ngày mà không thấy Sáu Thị ra trả thêm, ông phải mò vô mà nói dối, sở ruộng 25 mẫu có bà chủ Tư trả mười ba ngàn rồi, nếu không ông sẽ bán cho bà chủ Tư, Sáu Thị mới làm giàu nên phải mua ruộng, nghe như vậy sợ người ta dành, nên ráng trả lên tới mười hai ngàn, ba trăm đồng thành mỗi mẫu hơn năm trăm năm chục đồng, bởi vậy ông Bồi chịu bán. Hai đàng hẹn ngày rồi đi với nhau ra làng làm giấy tờ và chồng tiền bạc.
                      Ông Bồi nghĩ sở ruộng này hồi trước ông mua có tám ngàn, hưởng huê lợi 10 năm, bây giờ ông bán mười ba ngàn, hai trăm đồng, thì lời năm ngàn hai trăm đồng, quá sướng, không có hại mà tiếc. Ông trả nợ nần dứt hết rồi, còn dư đến 5 ngàn, hết lo không tiền mà làm đám cưới cho tử tế.
                      Ông Bồi bán ruộng mà trả nợ, ông dấu kín không cho ai biết, nhứt là ông không nói cho vợ con trong nhà hay. Nhưng vì phải ra làng làm giấy tờ, tự nhiên xóm làng đều hay biết, làm sao mà dấu cho nhẹm.
                      Ba Mùi thấy chồng tuy không thèm đi đánh bài và đá gà nữa, song chị ta đi mấy lần, chồng chẳng chẳng hề ngăn cản hay rầy rà. Chị ta được trớn nên trở lại thói quen. Bây giờ bữa nào ăn cơm sớm mơi rồi cũng che dù mà đi, khi đi ra chợ, khi đi vô dồng.
                      Ông Bồi mắc buồn về việc nợ, bởi vậy Ba Mùi đi hay về ông không thèm hỏi tới, dường như ông ngán con người đã gieo cái buồn với cái lo cho ông ngày nay. Tuy không nói ra, song thấy mặt vợ thì ông lạnh ngắt trong lòng, vì vợ mà con ông phải đi ở bồi, ruộng ông phải về tay người khác.
                      Nay ông đã tém dẹp nợ nần xong rồi, ông quyết chủ tâm lo cho con, lo tổ chức đời sống mới cho thân ông được yên, trí ông được khỏe, vợ ông muốn bà ta tự ý, ông không ngăn cản làm chi.
                      Ba Mùi đánh bài ít bữa rồi tự nhiên hay việc ông Bồi bàn 25 mẫu đất trong Mỹ Trường cho Sáu Thị, bán khá giá quá, bán được tới mười ba ngàn, hai trăm đồng. Ông trả dứt nợ nần rồi, bây giờ ông thảnh thơi lắm.
                      Tối lại Ba Mùi thỏ thẻ với chồng:
                      - Người ta nói ông bán sở ruộng Mỹ Trường rồi phải hôn?
                      - Bán rồi.
                      - Sao lại bán?
                      - Mắc nợ lấp đầu, phải bán mà trả nợ chớ sao.
                      - Bán rồi còn đủ huê lợi đâu mà xoay xài?
                      - Không đủ thì nhịn đói, chớ để ruộng mà con trai tôi phải đi ở đợ, con gái tôi phải cực khổ lang thang thì để ruộng làm gì.
                      Ba Mùi khôn ngoan, nghe hơi hám thì biết ông chồng bắt đầu hối hận về cuộc vợ chồng; nếu mình kiếm lời mà chữa lỗi, sợ e sanh sự cãi vã rồi rầy rà; chi bằng ẩn núp cho qua luồng giông gió rồi sẽ yên tịnh lại. Chị ta lặng thinh bỏ đi ngủ đặng chấm dứt câu chuyện cho êm.

                      Cách chừng nửa tháng, ông hương sư Bến ghé nhà thăm ông Bồi bái Tồn lần nữa. Ông Bồi bây giờ có sẵn bạc tiền, ông muốn gả con phứt cho rồi. Ông cho Hương sư gạ chuyện làm mai ra nói đặng ông ừ mà chịu gả. Té ra ông hương sư cứ kiếm chuyện khác mà nói dông dài, hỏi ông Bồi lúc này có chọi gà hay không, tiếc ông Bồi bán sở ruộng Mỹ Trường uổng quá.
                      Ông Bồi bực trí nên phải hỏi thầy giáo Lễ xuống coi con Mỹ, bộ thầy chê hay sao mà đã gần hai tháng rồi mà không thấy nói gì hết.
                      Hương sư Bền dụ dự một chút rồi mới đáp:
                      - Không. Thầy giáo chịu lắm, chớ có chê đâu. Ngặt coi tuổi không được; thầy coi mạng số họ, nói hai tuổi sung khắc, không thể ở đời đời với nhau được, bởi vậy hai mẹ con thầy giáo mới dội, không dám bước tới.
                      - Sao không cho tôi hay trước, để bữa hổm có Ông Cả dưới Dừa Đỏ xin phép cho vợ chồng ổng lên coi mắt, tôi sợ mích lòng anh em tôi từ.
                      - Thầy giáo Lễ mới trả lời với tôi hai bữa rày đây. Sẵn dịp đi chợ tôi cho ông hay liền. Tôi biết ngoài này cõ lẽ ông trông tôi. Thôi, không được tuổi thì chẳng nên gã bướng. Tôi sợ sau vợ chồng cắn đắng làm buồn cho đôi bên, nên tôi không dám đốc vô.
                      Ông Bồi thất vọng, ông lửng lơ, không muốn nói chuyện nữa.
                      Chừng ông Hương sư về rồi, ông Bồi suy nghĩ, ông phát nghi mẹ con Giáo Lễ muốn cưới con Mỹ, là tại nghe mình có ruộng đất nhiều. Bây giờ hay mình mắc nợ nên họ thối lui. Đó là do thường tình của thiên hạ nên sanh nghi mà thôi, chớ không có bằng cớ chắc chắn.
                      Trong ít ngày lại nghe thầy giáo Lễ đã nói con gái Sáu thị trong dồng rồi, cũng ông Hương sư Bền làm mai. Bây giờ có đủ bằng cớ chắc chắn, mẹ con giáo Lễ ham giàu, bởi vì vợ chồng Sáu Thị chỉ có một đứa con đó mà thôi, con đó cũng đồng một tuổi với con Mỹ, mà vợ chồng Sáu Thị đã đứng bộ tới 80 mẫu ruộng, lại còn đương kiếm thêm nữa.
                      Ông Bồi bái Tồn đương buồn rầu về việc nhà, bây giờ ông còn ghét thế thái nhơn tình hơn nữa, bởi vậy ông chán nản cực điểm, không còn biết vui vẻ với ai hết nữa.
                      Ông ngó cảnh đời, ông chỉ thấy dơ dáy, tối tăm thấp hèn gian xảo. Người vợ là quả báo, sắp con là nợ trần, con người phải sống mà chuộc quả báo và trả nợ trần, chớ đừng tưởng sống để hưởng hạnh phúc gia đình, hạnh phúc ấy là hạnh phúc ảo mộng mà thôi, không bao giờ có thiệt.

                      Đến nước nầy còn ngại gì nữa mà không dám nhìn ngay vào khoảng đời ông vừa mới đi qua.
                      Ông ăn ở với người vợ trước là Thị Tánh trót 16 năm, ông không biết hạnh phúc là cái gì, nhưng mà ông phải công nhận ông rất thong thả, khoẻ khoắn. Ông cũng chấm dứt bài bạc, đá gà như người ta, mà dầu ăn dầu thua ông cũng khỏi lo, vì mọi việc trong nhà đều có người vợ thế lo cho ông, năm nào rủi ông có thua năm ba trăm, thì nhờ sự cần kiệm khéo khôn của vợ, nên có tiền châm vô khỏi thiếu hụt, khỏi mắc nợ.
                      Vợ thâu góp lúa ruộng dành dụm thế nào ông không biết tới, mà ông làm làng, vúa vắc vui chơi cũng mua thêm được 25 mẫu ruộng. Tuy ông cũng ham chơi như ai, nhưng về nhà ông thấy người vợ cần kiệm chắt mót từ đồng, ông không nỡ buông tay, ông thấy hai con thỏ thẻ, dễ thương ông không đành luông tuồng bỏ nhà bỏ cửa.
                      Ngày vợ ông chết, ông không mắc nợ, mà trong nhà lại có vốn được vài ngàn. Chớ chi ông ở một mình mà nuôi con, đừng thèm cưới Thị Mùi thì dầu ông không biết cần kiệm như vợ trước, mỗi năm ông có mướn 50 mẫu ruộng nhà để lấy huê lợi mà nuôi con, thì con Mỹ đâu đến nỗi cực khổ tấm thân, thằng Quí đâu đến nỗi không có tiền ăn học đến phải ra thân ở đợ.
                      Tại cưới Thị Mùi nên mới sinh họa, mới chơi bời luông tuồng, mà đổ nợ nên phải bán sở ruộng của người vợ trước phí mồ hôi, nước mắt, mới tạo ra được mà để lại cho chồng con.


                      Bây giờ mới nhận thấy:

                      Làm người chớ tưởng nên người dễ
                      Hưởng nghiệp đừng quên lập nghiệp gay.
                      #11
                        NuHiepDeThuong 25.01.2006 08:35:38 (permalink)
                        Chương 12


                        Ông Bồi bái Tồn ở trong nhà thấy con ông buồn tủi, thấy vợ ông ưu phiền, ra ngoài đường gặp bạn làm làng, ông nghi người ta chê ông hèn hạ, có con không cho học, để cho ở đợ, đặng ủi áo, đánh giầy cho người ta, thấy mấy điền chủ ông sợ người ta cười ông sa mê vợ nhỏ, nên suy sụp đến bán ruộng bán đất.
                        Ông buồn rầu mà cứ ôm ấp trong lòng, không than thở với ai được, thành thử ông chán nản, hết ham muốn hết biết vui. Ông vướng một chứng bịnh trầm trệ mà ngầm ngầm, là bịnh tâm thần bịnh trí não.
                        Chớ chi ông có một người vợ hiền lành sáng suốt, hoặc có một người bạn thành thật thương yêu, biết tâm bịnh của ông, giúp ông bình tĩnh, làm cho tinh thần của ông phục hưng, thì có lẽ lần lần nguôi ngoai ông hết bịnh, mà vui sống với đời như thiên hạ.
                        Ông mới quá 50 tuổi, sức khỏe chưa giảm suy, ruộng còn 25 mẫu, huê lợi mỗi năm có thể giúp cho nhà ông không dư dả, song cũng ấm no. Nếu ông biết sửa cảng đời của ông lại, bỏ dẹp cái quá vãng vì lầm lạc nên sanh buồn, rồi ông xây dụng cái tương lại khác hẳn, cái tương lai thiếu rực rỡ mà đầy ấm êm, thì khoảng đời sau chót của ông sẽ được vui vẻ thảnh thơi hơn muôn ngàn người khác.
                        Ngặt cô Ba Mùi dốt nát ngu muội, giỏi nghề đánh bài tứ sắc, chớ không biết tâm lý, không hiểu đạo làm người vợ hiền. Cô chỉ biết xô đẩy cho chồng hư nhà, sạt nghiệp, chớ không biết chồng mang tâm bịnh, mà dầu có biết đi chăng nữa cô cũng chẳng biết làm sao mà cứu chữa.
                        Còn anh em quen biết ở trong làng, trong xóm, thì ai cũng mắc tứ sắc hoặc mắc đá gà, họ lo cho phận họ còn không kham, họ có cần gì phải lo Bồi Tồn, hay lo cho người nào khác. Ai giỏi mặc ai, miễn gà của họ ăn độ thì họ vui mừng. Ai suy sụp thì mặc ai, miễn họ có tiền mà ngồi sòng thì họ thỏa mãn.
                        Chỉ có Dì Ba Thới là người hay lưu tâm dòm ngó đạo nhà ông Bồi, mà mỗi lần ông ghé thăm, thì dì cứ phiền trách ông, phiền ông không ngó ngàng đến hai con, trách ông để cho Ba Mùi rù quến mà mê sa bài bạc. Người đó có thể chữa tâm bịnh cho ông được, ngặt cứ theo phiền trách ông hoài, mà phiền trách nhằm lý, bởi vậy ông vừa hổ thẹn, vừa kiêng nể nên ông không dám đến mà phân trần nỗi lòng đau khổ của ông.
                        Chớ chi ông Bồi Tồn ở một mình trong cù lao giữa biển cả, không gặp người, không nói chuyện, thì có lẽ ông vùi lấp được nỗi lòng vào cảng trời nước mênh mông. Ngặt ông ở giữa xóm giữa làng, chung quanh ông ai cũng vui chơi, nhiều người nghèo khổ hơn ông mà họ vẫn tươi cười, có người thua khiếm nặng hơn ông nữa mà họ cũng không nao núng.
                        Chung chạ với đám người giàu cũng ăn chơi, nghèo cũng ăn chơi, tốt cũng vui cười, xấu cũng vui cười, lâu ngày chày tháng rồi không khí cũng cảm nhiễm, thời gian kéo lôi, lần lần ông không thèm kể quấy phải làm chi, ông chập chủm làm theo người ta, trở vào lối cũ mà tìm thú xưa, ban đầu ông còn bợ ngợ ngại ngùng, riết rồi ông bước mạnh tiến sâu, ngày nào ông cũng đi chơi như hồi trước.
                        Ba Mùi không dè chồng mượn vui chơi mà chôn lấp nỗi buồn, thấy chồng trở lại lối cũ đường xưa thì chị ta mừng thầm, mừng vợ chồng đồng bịnh đồng thuyền cho khỏi ai trách ai mà làm xào xáo gia đạo.
                        Sẵn có năm ngàn đồng bạc trả nợ còn dư, ông mua hàng sắm cho con Mỹ vài áo quần, sắm cho nó được một đôi bông tai với một chiếc vàng chạm, còn bao nhiêu ông cất riêng để dành xuất phát trong nhà và bỏ túi đi chơi, không cho Ba Mùi biết tới.
                        Mãn mùa gà rồi, ông kiểm điểm tiền bạc lại, thì vừa ăn xài vừa đi chơi, ông chỉ hao có 300, mà số lúa ruộng mùa rồi ông còn nguyên tám trăm thùng ông gởi ngoài chành ông chưa bán. Cứ theo cái đà đó, ông tiếp tục chơi đặng giải buồn, thì không hại gì mà phải lo ngại. Chỉ có nhiều đêm ông nằm êm, ông nhớ tới con Mỹ chưa có chồng, với thằng Quí đi đã hơn một năm rồi mà nó bặt tin, không gởi thơ từ cho biết nó ở đâu.
                        Nhờ có đánh bài với đá gà mà ông Bồi Tồn quên hối hận về sự phối hiệp với Ba Mùi, và cũng nguôi được sự bán ruộng mà trả nợ. Còn số phận của Mỹ với Quí, là di tích của người vợ hiền hồi xưa, hễ ông nhớ tới thì ông bát ngát trong lòng, ông khó chịu hết sức.

                        Trót mấy năm sau đó, ông muốn gỡ luôn hai mối sầu đó cho nhẹ bớt nỗi lòng, ông vùi thân vào chốn đỏ đen, tính cậy bài bạc với gà, chữa cái tâm bịnh, nó cứ theo cắn rứt ruột gan ông mãi.
                        Ông chơi quá độ tự nhiên phải thâm thủng, thua hết số bạc để dành trong nhà, rồi ông tức giận nên vai mượn thêm để theo gỡ số thua. Chẳng dè sòng nầy sang sòng khác, bạc trước hụ bạc sau, bán ruộng được năm năm rồi bây giờ ông mắc nợ khác, số vốn đã lên tới bốn ngàn nữa, huê lợi ruộng không đủ mà trả tiền lời.
                        Ông Bồi Tồn ngó lại sau lưng ông thấy buồn hiu, còn ngó tới trước mặt ông thấy tối tăm mù mịt. Ông không chán nản như năm trước,bây giờ sức ông đã yếu nên ông bắt lo sợ, như người đi lạc trong chốn núi non,tình cờ gặp một hố sâu thăm thẳm cản ngang trước mặt, bước tới nữa thì phải chết, thối lui thì không có đường. Vì lo sợ quá nên ông bịnh.
                        Bịnh của ông Bồi Tồn lần nầy không phải là bịnh tinh thần như lần trước, ông bịnh từ đầu óc cho tới ruột gan, rồi buồn nỗi con, sợ nghèo cực, phụ thêm vô mà vật ông ngã quỵ, làm cho ông khi nóng khi lạnh, lúc mê lúc tỉnh.
                        Ba Mùi lo sợ lăng xăng, rước thầy hốt thuốc, ép ông ráng ăn cơm cháo sao cho mau mạnh, xin ông ráng sống với vợ yếu con thơ. Thiệt Ba Mùi tận tuỵ nuôi chồng, nhưng vì hoặc mạng số của bịnh nhân đã gần cùng, hoặc lương y không giỏi, định chứng không nhằm, nên thuốc càng uống bịnh càng thêm trầm trọng.
                        Dì Ba Thới nghe ông Bồi bái Tồn đau nặng, dì lật đật ra mà thăm. Ông Bồi Tồn nhướng mắt thấy dì Ba là bạn thân của vợ ông ngày trước, thì ông đưa tay ngoắc lại gần, rồi dường như ông muốn dặn dò việc chi, nhưng ông mệt mỏi quá nói không được, ông cứ lắc đầu chảy nước mắt.
                        Đêm đó ông Bồi Tồn làm xung, rồi tắt hơi trên tay con Mỹ, nó ngồi trên giường ôm cha mà khóc kể, nghe rất thảm thiết đau thương.
                        Ông Bồi Tồn chết trong nhà không có tới một trăm đồng bạc. Ba Mùi phải chạy đi quơ mượn, lại nhờ làng xóm tiếp giúp và điếu bái, nên đám ma của ông cũng được ấm cúng, ông cũng được nằm một bên với người vợ trước, phía dưới chưn mồ cha mẹ mà yên giấc ngàn thu.
                        Chôn cất ông Bồi xong rồi, Ba Mùi biết chồng có vay bạc của bà Chủ Tư trong ấp 8, mỗi năm cứ nhập lời thay giấy, nên không biết chắc số là bao nhiêu. Chị ta làm lơ giả như không biết.
                        Đến ngày đến tháng bà Chủ Tư ra mà đòi. Bà nói rõ theo giấy nợ thì số vốn là 4 ngàn, với tiền lời 8 trăm nữa, cộng hết là bốn ngàn tám.
                        Ba Mùi than ông Bồi mất ông để lại không tới một trăm đồng bạc, bây giờ biết lấy chi mà trả nợ cho ông.
                        Bà Chủ Tư phải vào đơn tại Toà Hộ mà kiện, rồi thi hành phát mãi sở ruộng 13 mẫu của ông Bồi đứng bộ tại Mỹ Huê, vì sở 12 là ruộng hương hoả, còn nhà là nhà thờ, bà thi hành không được.
                        Nhờ vậy mà nẹ con Ba Mùi với con Mỹ còn nhà mà ở, còn 12 mẫu ruộng cho mướn lấy huê lợi mà đánh bài.
                        Từ đây Ba Mùi ăn chơi tuy không dám liều lĩnh như trước kia, song chị ta cũng được sống với cảnh đời thảnh thơi, việc cơm nước có con Mỹ gồm lo, việc nặng nhẹ trong nhà có chú Tiền bao hết.

                        <bài viết được chỉnh sửa lúc 25.01.2006 09:02:04 bởi NuHiepDeThuong >
                        #12
                          NuHiepDeThuong 26.01.2006 03:07:03 (permalink)
                          PHẦN THỨ BA

                          I- THỬ NHƠN TÌNH

                          Chương 13

                          Mười hai năm qua. . . . Cậu Quí con của Bồi bái Tồn, lìa cố hương lật bật đã mười hai năm rồi.
                          Thời gian ấy rất mau cho người dư ăn vui sống, mà rất chậm cho người chờ đợi ngóng trông.

                          Làng Mỹ Huê là chỗ chúng ta đã nhận thấy một lớp gia đình thảm sử, nay đổi tên là làng Mỹ Cẩm, dầu “Huê” dẹp bỏ, mà “Cẩm” cũng chưa thấy dệt ở ấp nào. Nhiều người già cả hồi xưa đã quá cố lần lần, nhượng chỗ lại cho hạng trai trẻ, tấn công lên nối nghiệp mà làm làng, làm ruộng. Tuy vậy mà cái dồng, dài theo lộ liên tỉnh vẫn còn chình ình đó, mấy cây dầu lớn ở trong đất ông Bang vẫn phơi nhánh mà hứng nắng mưa, cái quán dì Ba Thới ở ngã ba Suối Cạn mặc dầu đã được kêu là “tiệm”, song cũng bán bánh bán rượu như cũ.
                          Tiết tháng giêng là tiết vui vẻ hơn hết ở vùng Càng Long, vì ngoài đồng lúa đạp rồi đương kình kịch kéo về, nên trong xóm chỗ tụ hội đá gà, chỗ gây sòng tứ sắc.

                          Buổi sớm mai, lúc ngoài 9 giờ, quang cảnh tiệm dì Ba Thới từ trong ra ngoài có vẻ náo nhiệt.
                          Trong tiệm thì Hương Nhì, Út Tám Thâm, hai người ở lối xóm, đương ngồi đối diện nhau tại bàn tròn để giữa tiệm mà nhậu rượu, và nhậu và nói chuyện đá gà. Hai người năm nay đã già rồi, mà Út vẫn còn là Hương Nhì chớ chưa được lên Hương Nhứt, còn Thâm lại càng ốm thêm, râu lê thê không che kín cái miệng móm xọm được.
                          Ở trước tiệm, thì dì Ba Thới đương kêu chị bán cá đồng ngừng lại, biểu để gánh cá bên đường cho dì lựa, và trả giá mà mua, có phó Hương hào Liếm, một người trai ở bên đầu cầu, với vợ trùm Sốc, nhà ở gần đó, xúm lại coi cá.

                          Dì Ba Thới năm nay đã gần sáu mươi, nên tóc bạc quá nửa phần, răng đã rụng cả chục cái, nhưng sức vẫn chưa suy, bộ vẫn còn gọn gàng. Dì mua ba con cá lóc với năm con cá rô, rồi kêu con gái là Hường, đem rổ ra trút. Hường đã được 27 tuổi, hình vóc điềm đạm, bộ tướng dình dàng, mặt nghiêm nghị, chớ không vúc vắc, liến xáo như hồi nhỏ nữa; mà bây giờ nhan sắc như hoa nở hoàn toàn, nên có vẻ tươi đẹp hơn, cái đẹp thiên nhiên, không cần trang sức, nên trai thấy thèm thùa mà cung kính.
                          Hương vừa xách rổ bước ra, thì có một chiếc xe cam nhông lạ, chở bàn ghế vung chủm, ở phía ngoài chợ chạy vô, đương chạy rồi lại ngập ngừng, dục dặc. Chừng tới ngang ngả ba Suối Cạn thì đậu sát lề, sóp phơ rồ máy một hồi nhảy xuống với tên lơ phụ dỡ đầu máy ra coi. Chẳng hiểu máy trục trặc chỗ nào, mà sớp phơ thò tay đút vô máy một chút rồi kêu tên lơ xe tắt máy.
                          Kế đó có ba chiếc xe cam nhông khác, cũng chở đồ kình càng, ở phía chợ Càng Long chạy vô một dọc. Người sớp phơ xe ngừng trước bèn ra đứng giữa, đưa tay mà cản. Cả ba xe đểu nối đuôi nhau mà ngừng, rồi ba sớp phơ lại phụ với bạn mà sửa máy cho xe thứ nhứt.
                          Thấy chuyện lạ, mấy người đàn bà bỏ cá đừng ngó. Hương nhì Út với Tám Thấm nghe rần rộ ngoài lộ cũng bước ra coi.
                          Ba chiếc xe đậu sau thì chở giường đồng, tủ kiếng, với những vật gì không biết mà bao kín mít, kỹ lưỡng lắm. Một người sớp phơ đương đứng ngoài hút thuốc. Dì Ba Thới kêu hỏi:
                          - Xe chở đồ của ai mà nhiều vậy cậu?
                          - Chở đồ quan Bác vật trên Sài Gòn cụ à.
                          - Chở đi đâu vậy?
                          - Ông cất nhà mới dưới Trà Vinh, nên mua đồ gởi đặng dọn nhà.
                          - Đồ tốt quá.
                          - Trời ơi! Đồ mua hơn một trăm ngàn đồng bạc, không tốt sao được cụ bà.
                          - Dữ hôn!
                          - Đồ quý lắm mà?
                          - Quan Bác Vật đó giàu lắm hả?
                          - Tự nhiên. Nghe nói ổng có vườn cao su, có ruộng, mà còn có ca phê nữa. Giàu to lắm mà!
                          - Ở Sài Gòn mà cất nhà dưới Trà Vinh làm gì?
                          - Ổng có tiền bạc nhiều, ổng muốn làm gì tự ý ổng, mình biết sao được?
                          - Cậu ở với ổng phải hôn?
                          - Không cụ. Mấy xe nầy là xe của hãng vận tải. Ổng mướn chở đồ cho ổng hai ba lần rồi.
                          Phó Hương hào Liếm xen vô hỏi người sớp phơ:
                          - Chắc nhà mới của ông Bác vật, là cái nhà lầu đương cất ngang cây dầu một, gần tới châu thành đó chớ gì. Phải vậy hay không anh?
                          - Phải. Mà cái đền chớ không phải cái nhà lầu. Cất theo kiểu đền bên Pháp đẹp lắm, ở xứ mình ít ai biết kiểu đó. Chung quanh lại có miếng đất thiệt lớn, có xây hồ tắm, có xẻ đường trồng cây, trồng bông. Trong ít năm nữa cây lớn coi tốt lắm.
                          - Hôm tháng trước tôi đi Trà Vinh tôi có thấy. Hôm đó nhà cất chưa rồi.
                          - Chắc bữa nay rồi hết, nên ổng mới mướn chở đồ dọn xuống chớ.
                          Vợ trùm Sốc nghe con khóc ở nhà nên lật đật chạy về dỗ con.
                          Hương nhì Út đứng coi sửa máy xe, nghe phó Hương hào Liếm với người sốp phơ, trầm trồ nhà mới của quan Bác Vật, thì day lại nói:
                          - Hôm kia tôi đi đá gà dưới Bàn đa, đi ngang qua đó tôi thấy nhà cất rồi mà. Đi ngoài lộ ngó vô coi tốt hết sức. Tôi chắc miệt Lục Tỉnh này không có nhà nào bằng. Phải vậy hay không anh sốp phơ?
                          Sốp phơ cương quyết đáp:
                          - Chắc như vậy. Thuở nay tôi chưa thấy nhà nào dưới Lục Tỉnh nầy tốt hơn.
                          Phó Hương hào Liếm nói:
                          - Vì nhà tốt nên họ đi coi dữ quá. Hổm nay mấy ông nhà giàu miệt mình rủ nhau đi coi kiểu. Nghe nói miệt Mỏ Cày. Cầu Kè cũng qua coi nữa.
                          Dì Ba Thới hỏi Liếm:
                          - Họ cho coi sao?
                          - Có lẽ cho chớ. Nghe nói có một người Pháp ở đó coi làm. Mình vô xin phép đi coi, mình có phá quấy gì mà không cho.
                          - Phải mình rảnh đi coi cho biết.
                          Dì Ba day lại hỏi sớp phơ:
                          - Mà quan Bác Vật tên gì vậy cậu?
                          - Tên Tây, tôi không nhớ cụ à.
                          - Á, té ra là người Pháp mà.
                          - Có lẽ. Tôi không biết mặt ổng. Ổng mua đồ hồi nào không biết; hãng biểu anh em tôi đem xe lại chở thì cứ chở, có thấy ổng đâu.
                          Xe sửa xong, 4 chiếc nối đuôi nhau mà qua cầu đặng thẳng xuống Trà Vinh.
                          Chỉ có Hường đã bưng cá đi vô tiệm, còn mấy người kia cứ đứng ngoài lộ nói chuyện về cái đền của quan Bác Vật mới cất.
                          Xe hơi đò đường Sài Gòn – Trà Vinh về tới nữa. Theo lệ thường xe này chạy mau lắm, cuốn bụi lên mù mịt. Mấy người muốn tranh bụi, nên lật đật đi vô hết, duy chỉ có chị bán cá, gánh cá tẻ vô Suối Cạn.
                          Chạy gần tới ngã ba, xe lại tốp máy, rồi rề rề ngừng ngang trước tiệm dì Ba Thới nữa. Dì Ba vui vẻ nói:
                          - Bữa nay tiệm tôi hên quá, xe hơi ghé hoài.
                          Mấy người đều tưởng có ai trong dồng đi Sài Gòn về nên xúm nhau lại cửa tiệm mà dòm.
                          Một người đàn ông ở trên xe leo xuống, mình mặc một bộ đồ ka ki vàng cũ xì, đầu đội nón trắng lấm lem, tay có xách một giỏ mây nho nhỏ.
                          Dì Ba Thới nói lớn:
                          - Ý! Quí mà !
                          Hương nhì Út hỏi:
                          - Quí nào?
                          Dì Ba không trả lời. Dì Ba bước ra ngoài kêu mà hỏi:
                          - Mấy năm nay, bây giờ mới về vậy hử?
                          Xe hơi rút chạy. Quí xách giỏ vô tiệm, miệng cười ngỏn ngoẻn, dỡ nón chào:
                          - Dì Ba mạnh giỏi hả Dì Ba?. . . Chào mấy bà con.
                          Dì Ba vui vẻ đáp:
                          - Ừ, mạnh giỏi. Cha chả con đi đâu lâu quá vậy con?
                          - Thưa, nghèo nên con đi kiếm cộng chuyện làm ăn.
                          - Dầu làm việc gì, lâu lâu cũng phải về thăm nhà chớ.
                          - Thưa, con ở xa, về không được.
                          - Ở đâu mà xa?
                          - Thưa ở cùng hết, ở Bắc, ở Trung và ở Lèo.
                          - Dữ hôn!
                          Hường ở trong chạy ra mừng:
                          - Anh Q. . u. . í!
                          - Ờ, em Hường! Em mạnh giỏi hả?
                          - Mạnh, còn anh?
                          - Anh cũng mạnh luôn luôn. Năm nay em có được mấy đứa con?
                          - Em chưa lấy chồng mà có con nỗi gì! Năm cậu Bồi mất, anh có nghe tin hay không, mà sao anh không về?
                          - Hồi cha anh mất anh không hay, sau lâu rồi anh mới hay.
                          Hương nhì Út hỏi Dì Ba:
                          - Phải con Bồi bái hay không?
                          - Thì nó chớ ai.
                          - Bất nhơn dữ! Đi hồi nhỏ, bây giờ về nó lớn đại, có biết đâu. Qua nhớ hồi trước em theo ở bồi với quan Kinh lý La-Co phải hôn em?
                          Quí kéo ghế ngồi và đáp:
                          - Thưa, phải.
                          - Ở bồi không khá hay sao?
                          - Làm tháng nào ăn tháng nấy, khá nỗi gì thứ ở bồi.
                          - Vậy thì về nhà làm ruộng, rồi làm làng chơi, chẳng là hay hơn.
                          - Ai có chí nấy.
                          - Em về thăm bà con chơi rồi đi nữa hay là ở nhà luôn?
                          - Tôi chưa nhứt định. Để rồi coi, như ở đây có công việc làm ăn thì tôi ở, còn như không có việc gì làm thì phải đi, chớ ở không thì lấy gì mà ăn.
                          - Ở đây thì làm ruộng, chớ có nghề gì khác được.
                          - Có lẽ buôn bán được chớ.
                          - Ừ, mà phải có vốn.
                          - Cha chả, khó tại chỗ đó.
                          Quí ngồi không an, lộ sắc lo ra, dường như muốn nói chuyện với dì Ba, mà vì có khách lạ nên nói không tiện.
                          Quí nha nhổm muốn đi.
                          Dì Ba biết ý bèn thôi thúc Hường nấu cơm riết đặng dọn cho Quí ăn. Dì nói:
                          - Con phải ở nhà đặng ăn cơm với dì, rồi sẽ về thăm nhà. Không gấp gì. Ở ăn cơm đặng dì hỏi thăm một chút.
                          Hương nhì Út trả tiền rượu, rồi rủ Tám Thấm với Phó Hương hào Liếm vô ấp tư đá gà.

                          Khách đi rồi, dì Ba Thới biểu Quí xách giỏ mây để trên ván, và cởi áo bành tô cho mát. Quí vâng lời cởi áo móc trên cây đinh đóng treo lịch, bây giờ chỉ còn bận áo cụt tay, lại sau lưng có vá một miếng bằng bàn tay.
                          Quí đi thẳng xuống nhà bếp kiếm nước rửa mặt, gội đầu vì đi xe hơi, bụm bặm đóng đầy tai, đầy cổ. Hường vui vẻ múc một thau nước để trên ghế, rồi vô buồng lấy khăn lông của mình thường đội đi ra vườn mà vắt trên thành ghế.
                          Quí lum khum gội đầu rửa mặt. Dì Ba và Hường đứng nhìn, mẹ con thấy quần tây vàng phai màu, xười lai, đôi giầy đen mòn gót hết phân nửa, áo sơ mi đã khâu vá, lại đứt mất một nút, thì có lẽ tội nghiệp cho Quí nên buồn hiu.
                          Quí gội rửa rồi lấy khăn lông đi lại cửa sau đứng ngó ra vườn rau.
                          Quí vui vẻ nói :
                          - Vườn bây giờ không trồng gì hết. Em Hường lớn rồi chắc sanh tội làm biếng hay là vướng đi tứ sắc như họ chớ gì.
                          Hường cười mà đáp:
                          - Trồng dưa hấu bán rồi hôm Tết. Tháng nầy nắng qua, trồng cực tưới lắm, nên em đợi mưa rồi sẽ trồng chớ.
                          - Vậy thì qua trách lầm. Nãy giờ về đến đây, qua thấy dì Ba với em có mòi thong thả hơn hồi trước, quán đã thành cái tiệm, có hàng hoá nhiều, thì qua mừng lắm. Không biết dì của qua ở ngoài nhà với chị Hai qua và thằng Sen ra thế nào?
                          - Thân chị Mỹ khổ lắm anh ơi?
                          Quí chau mày, nghiêm mặt. Dì Ba nói tiếp:
                          - Con bước ra đằng trước cho mát con, ra đây dì nói chuyện nhà cho con nghe.
                          Quí trả khăn lông lại cho Hường, rồi đi theo dì Ba mà ra phía ngoài.
                          Tuy y phục lam lũ, nhưng tướng mạo thanh nhã, tuy nước da đen đúa, nhưng có ấn tượng cao sang.
                          Mà người ở chốn thôn quê như mẹ con dì Ba Thới đây, không có cặp mắt tinh đời, thì không tài nào thấy vẻ thanh nhã, hay nét cao sang ấy nổi.
                          Dì Ba mời Quí ngồi, rồi rót một tách nước trà nóng mời Quí uống. Dì kéo ghế ngồi nganh Quí mà hỏi:
                          - Con bỏ xứ mà đi từ ấy đến nay là mấy năm, con nhớ hay không?
                          - Mười hai năm.
                          - Tại sao con đi biền biệt, con không về?
                          - Con đã quyết chí đi lập thân thì về sao được?
                          - Hồi nãy con có nói với con Hường rằng, con hay anh Bồi bái mất, mà mất lâu rồi con mới hay, phải vậy hay không?
                          - Thưa phải.
                          - Ai cho con hay?
                          Quí dụ dự một chút rồi mới đáp:
                          - Con có gặp một người ở Láng Thê nói với con.
                          - Ai vậy?
                          - Con quên.
                          - Gặp ở đâu?
                          -……. . Trên……. Lèo.
                          - Anh Bồi bái mất năm Tý, năm nay đã 5 năm rồi.
                          - Mới 5 năm? Đau sao mà mất vậy dì?
                          - Con đi rồi ảnh đau rề rề, ngày tối cứ ở nhà, ít đi đâu lắm. Mấy năm sau, thấy ảnh ốm và già, chớ không có bịnh chi nặng. Thiệt đau thì ảnh đau có mấy bữa rồi mất.
                          - Không biết dì con táng cha con chỗ nào?
                          - Thì chôn dựa mả má con đó chớ chôn đâu. Dì nói sợ con buồn, chớ thiệt anh Bồi bái chết là tại ảnh rầu. Con đi rồi ảnh ăn năn, nên buồn rầu lung lắm. Ảnh không chơi bài như trước nữa. Ngặt ảnh yếu trí quá, không trị má thằng Sen nổi, nên con mẻ cứ bài bạc hoài. Gia đạo một ngày một thêm suy sụp.
                          Ruộng cho mướn đã ba năm rồi, ảnh lấy lại làm, tưởng làm đặng gỡ nợ, té ra làm mà còn mắc nợ thêm nữa. Có lẽ ảnh liệu thế không kham, nên ảnh bán sở ruộng 25 mẫu trong Mỹ trường mà trả nợ. Sau ảnh bị má thằng Sen làm cho ảnh bị mắc nợ một lần nữa. Ảnh buồn rầu ảnh bịnh. Ảnh mời làng lập tờ di chúc, chia ruộng hương hỏa với nhà thờ đều để cho trưởng nam là Phan Văn Quí đứng bộ. Chừng ảnh mất rồi, chủ nợ đứng lên kiện; họ thi hành sở ruộng 13 mẫu, may nhà thờ với hương hỏa con đứng bộ, họ phát mãi không được, nên mới còn cho mẹ con thằng Sen hưởng mấy năm nay đó.
                          Quí nghe nói động lòng thương cha, nên ngồi khóc rấm rứt. Quí khóc một hồi rồi nói:
                          - Còn bây giờ chị Hai con ở đâu?
                          - Nó cũng ở đó…Tội nghiệp nó lắm con ơi. Nó thiệt thà hiền hậu quá.
                          Năm nó được 20 tuổi, anh Bồ bái tính gả nó cho thầy giáo ở trên Dồng Ké. Coi mà chưa cưới, kế người ta hay ảnh mắc nợ bán ruộng người ta hồi đi, không thèm cưới.
                          Từ ngày ảnh mất đến nay nó cũng ở đó, chớ biết đi đâu. Má thằng Sen là người không biết điều. Nhà là nhà thờ của con, ruộng là hương hỏa của con. Má thằng Sen ở nhà đó, thâu huê lợ ruộng đó, rồi mẹ con dành hết mà ăn xài, không cho chị Hai con đồng tiền, hột lúa nào, bỏ chị Hai con rách rưới, tội nghiệp hết sức. Nó ở đó thì như đày tớ, mà làm công chuyện đặng ăn cơm chớ không có tiền công; lại còn bị hắt hủi mắng nhiếc tối ngày nữa.
                          Quí nghe tới thân phận chị cực khổ thì đau lòng xót dạ chịu không nổi, nên khóc và than:
                          - Chị Hai con có làm tội gì mà trời hành phạt đến thế! Chị Hai con cực khổ từ thơ bé đến giờ! Cực khổ lâu quá rồi! Tội nghiệp biết chừng nào! Con thưa thiệt với dì, ngày trước con không được qua Cần Thơ mà học nữa, thì con có ý phiền cha con không thương con. Nhờ có dì nói lại, con được biết cha con không cho con học nữa, là vì nhà suy sụp, chớ không phải tại cha con không muốn lo cho con, thì con hết phiền nữa, rồi con tự quyết phải xuất thân đi làm ăn, làm ăn đặng nuôi sự sống của con, và đặng khỏi tốn hao cho cha con nữa.
                          Con đi biệt mười mấy năm, con thương nhớ cha mẹ, chị em, bà con, nhiều khi ăn ngủ không được. Nhưng mà con không lai vãng, lại cũng không thơ từ, ấy là vì đi lập thân, con quyết đạt cho được nguyện vọng. Chưa lập thân được, nếu trở về xứ e làm nhục thêm cho cha con; nếu gởi thơ từ sợ làm buồn cho những người thương con, chớ ích gì đâu.
                          Bởi nghĩ như vậy, nên con để biệt tich. Ngày nay về đây, con mới hay cha con bị lượn sóng xa hoa dằn vật lôi cuốn ra khỏi đường chơn chánh, mà rồi lại biết hồi tâm tự hối mà trở lại với gia đình. Nhờ dì nói, con mới biết ở nhà cha con ăn năn đến nỗi ngày già hết an nhàn, hết vui vẻ, rồi gần chết lại còn lo lắng cho con, nên lập hương hỏa với nhà thờ cho con hưởng. Con có một người cha như vậy, mà con không được thấy mặt nữa, thiệt con đau đớn vô cùng.
                          Dì Ba Thới muốn an ủi Quí nên chận nói:
                          - Hồi trước cứ lo cho mẹ cho con thằng Sen, không ngó ngàng đến chị em con, thiệt dì hờn ảnh lung lắm. Chừng con đi rồi, dì thấy ảnh ăn năn, có ý lo cho con, thì dì hết phiền. Thôi, con cũng chẳng nên buồn lắm. Con người hễ già thì phải chết, chớ lột da mà sống hoài hay sao. Con đi mười mấy năm nay, vậy mà con đã có vợ con hay chưa? Đã có lập gia cư ở đâu hay không?
                          Quí đương ngồi lo ra nên không nghe hai câu hỏi của dì Ba. Một lát chàng nhớ lại, mới vội vã trả lời:
                          - Thưa không. Con mắc lo lập thân, nên không có tính tới việc vợ con. Thưa dì, không biết thằng Sen bây giờ nó làm nghề gì?
                          - Có làm nghề gì đâu. Thấy nó đá banh và thả theo mấy trường gà vậy thôi.
                          - Không biết nó học đến bực nào?
                          - Thấy nó học trường Càng Long được ít năm, rồi từ ngày anh Bồi mất, thì nó ở nhà, chớ không có đi học đâu nữa.
                          - Học ít quá, lại không làm nghề gì hết, rồi làm sao nuôi sống?
                          - Thì cho mướn ruộng hương hỏa của con đó mà ăn với nhau. Hương hỏa đến 12 mẫu chớ phải ít sao?
                          - Còn dì con thì cũng chắc đánh bài hoài, bỏ tật đó không được?
                          - Dễ bỏ hôn? Trở về già, con mẻ chuyên ròng nghề bài bạc, nhiều khi đánh cả đêm nữa chớ.
                          Hường dọn cơm rồi bước ra thưa cho mẹ hay. Dì Ba liền đứng dậy biểu Quí:
                          - Thôi đi ăn cơm com, ăn cơm rồi về thăm nhà một chút.
                          Ba người ngồi lại ăn cơm, Quí thấy Hường bây giờ nghiêm trang, tề chỉnh, đã có hình dạng phụ nữ hoàn toàn, chớ không phải liến xáo, vúc vắc như hồi xưa nữa; lại nhớ hồi nãy Hường nói chưa có chồng con, thì lấy làm lạ bèn hỏi Hường:
                          - Em Hường, mười hai năm nay em ở nhà em làm việc chi vậy?
                          - Anh hỏi kỳ quá. Em giúp má em mua bán và trồng tỉa vậy thôi, chớ đàn bà con gái mà làm việc chi được.
                          - Té ra trót mười mấy năm nay em cứ an lòng, mà sống im lìm, lặng lẽ, không sóng gió, mà cũng không vinh quang, không lo buồn, mà cũng không vui vẻ; thế mà em cũng thấy thỏa thích, không ước mong điều chi nữa hay sao?
                          - Người ta hằng nói: “Vô sự tiểu thần tiên” Em được vô sự, vậy em còn mong điều chi nữa.
                          - Chà chà! Lớn rồi em biết nói chữ, mà lại nói giọng triết lý, thiệt qua không dè.
                          Dì Ba Thới cười mà nói:
                          - Con đi rồi, dì muốn cho con Hường biết rành tiếng mẹ đẻ đặng biên chép chút đỉnh. Dì cậy chú biện Hiếu dạy dùm nó. Nó học đâu một năm rưỡi; đọc thông viết thạo, rồi nó nghe trong suối có thầy thuốc Hòa, ông dạy trẻ em trong xóm học chữ nho, nó đòi vô đó nó học. Dì nghĩ nó ở nhà cũng không làm việc chi bận cho lắm, nên dì để nó học chữ nho vài năm nữa. Nhờ vậy nên bây giờ nó biết chữ chút đỉnh.
                          Quí ngó ngay Hường mà hỏi:
                          - Đời này chữ Việt được thông dụng, nên em học là phải. Mà em học chữ nho làm chi?
                          - Học chữ quốc ngữ làm việc về phần xác cho hợp thời, còn học chữ nho để tập luyện tánh tình cho đúng đắn. Em muốn tập luyên tánh tình cho trong sạch, nên em học chữ nho.
                          - Chà chà! Ai bày cho em, nên em biết như vậy?
                          - Em nghĩ như vậy không trúng hay sao?
                          - Không, trúng lắm chớ. Mà qua muốn biết coi ý ấy em tự nghĩ ra, hay là nghe ai giảng dạy.
                          - Thiệt, em nghe người ta nói, chớ em làm sao mà biết việc cao xa như vậy nổi. Một bữa ông Hội đồng Bảy trong ấp tư, ổng ra tiệm em ngồi đón xe đi Sài Gòn. Thấy thầy Nhứt Vĩnh đi chơi, ổng mời vô đây uống nước. Hai ông nói chuyện đời với nhau. Em lóng nghe rồi em nghĩ hai ông nói phải nên em mới học chữ nho đó.
                          - Đúng lắm! Em nghe lời hai ông đó thì hay biết chừng nào! Còn tại sao em không lấy chồng?
                          - Lấy chồng rồi bỏ má em cho ai nuôi?
                          - Hiếu nghĩa…!. . Mà sống với cái cô đơn lạt lẽo không có mục đích cao sâu, không hy vọng rực rỡ, có lẽ nhiều khi em cũng chán nản chút đỉnh chớ?
                          - Anh nói như vậy em không phục. Em sống với má em, sao anh gọi đời em cô đơn lạt lẽo? Nuôi má già mà chán nản nỗi gì?. . . Sao anh biết em không có mục đích cao sâu, không có hy vọng rực rỡ?
                          Nghe mấy câu trả lời ấy Quí thấy hơi thẹn thùng, kính trọng mà ngay trong lòng lại chẳng khỏi tư lự, Quí muốn kéo dài chuyện thêm nữa, ngặt bỏ nhà đi trót 12 năm, hôm nay trở về nghe nỗi buồn của cha, và thân khổ của chị. Quí buồn tủi nao nao, muốn về riết mà thăm nhà, nên đành phải dứt câu chuyên ấy để qua ngày khác sẽ bàn tiếp.

                          Ăn cơm rồi, Quí liền bận áo và từ giã mẹ con dì Ba Thới mà về nhà.
                          Dì Ba Thới không cầm lại nữa, song đưa Quí ra cửa đi dặn nói:
                          - Về ở ngoài nhà có buồn thì vô trong nầy chơi, nghe hôn con.
                          Quí dạ rồi xách giỏ mây ra đi, xung xăng trên lộ đá, giữa lúc trời nắng chang chang.
                          Đến buổi gáy trưa, gà cồ tiếp nhau mà gáy,tiếng ò ó o nghe vang trong xóm.
                          Con chó vàng của ai đương nghểu nghến bên đường, thấy Quí lạ mặt thì lõ mắt ngó lườm lườm và ngừ ngử, đợi Quí đi khỏi mới cất tiếng sủa quấu quấu.

                          Quí cứ lầm lũi đi…




                          *************

                          Đã đưa vào trang thư viện tới Chương 13.
                          <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.01.2006 21:39:49 bởi NuHiepDeThuong >
                          #13
                            NuHiepDeThuong 31.01.2006 01:37:34 (permalink)
                            Chương 14


                            Quí đi về nhà, tới ranh đất tổ phụ thì trong lòng bồi hồi, qua gò mả chỗ mẹ an giấc ngàn thu, rồi ngó lại vuông tre chỗ mình thiếu thời đùm bọc. Thấy gần bên mả mẹ có mồ lùm tùm, nghi đó là mồ cha, thấy vuông tre xưa còi cọc tả tơi, biết ngày lụn tháng qua không ái kéo chà bồi gốc.
                            Tới cửa ngõ bằng tre, Quí đưa tay xô cánh cửa rồi thủng thẳng buớc vô sân. Một đám bắp ở giữa sân, đã ăn trái từ bao giờ cây đã khô queo, ngã ngữa ngã nghiêng, nhưng chưa ai chịu nhổ bỏ. Cỏ mọc tàng lan từ sân vô đến nền nhà, chừa có một đường mòn để dẫn bước vô tới thềm nhà mà thôi. Thềm cũng có vẻ ủ ê, rũ liệt, hai trụ gạch ở ngoài đã lở lói ngã xiêu, mấy nấc thang đã sụp hư từng chỗ. Cửa nhà trên đều đóng chặt, im lìm quạnh hiu. Trước quang cảnh rõ ràng điêu tàn và hình như vô chủ ấy Quí chẳng khỏi bâng khuâng buồn tủi, nên đứng dưới thềm giọt lụy tuôn rơi.
                            Thình lình con chó mực ở trong nhà bếp chạy ra sủa om sòm, mới xé được cái màn im lìm vắng vẻ mà pha một tia sanh hoạt.
                            Quí bước mạnh lên thềm, tiếng giầy nện trên gạch nghe lộp cộp.
                            Chú Tiền, một người tớ thâm niên, vẫn ở trần trùi trụi, nhưng bây giờ đã có râu mọc lơ thơ, chú ló ra cửa bếp mà hỏi:
                            - Ai đó? -- tiếng pha với tiếng chó sủa.
                            Quí nhìn biết người tớ xưa, nên không đáp, cứ đi thẳng lại cửa nhà bếp.
                            Chú Tiền đứng ngó trân rồi hỏi lớn:
                            - Úy ! Cậu ba phải không?
                            - Phải.
                            - Cậu ba về !. . . Cô hai ơi, cậu ba về.
                            Quí đã bước vô cửa.
                            Mỹ mặc quần vải trước kia là màu đen mà bây giờ là màu mốc, với áo túi trắng có vá trên vai hai miếng vải ngà ngà, cô đương ngồi ở nhà trên, dựa cửa sổ trở ra sau vườn, mà kết nút áo, cô nghe xao xuyến thì bỏ kim lật đật chạy ra dòm. Ngó thấy em, cô mừng quýnh, nên chỉ la một tiếng:
                            - E…m! - rồi đứng trân trân, không nói được nữa.
                            Quí cũng la:
                            - Chị h. . a. . i, rồi xách giỏ đi thẳng lên nhà trên.
                            Chú Tiền theo mở cửa nhà trên, Quí để giỏ trên ván. Mỹ ngồi bên giỏ mà hỏi:
                            - Em đi đâu mà biệt tích vậy em?
                            - Đi làm ăn.
                            - Hết rồi, em về đây có thấy mặt cha nữa đâu !
                            - Em ghé trong ngã ba, dì Ba nói cho em hay rồi.
                            Mỹ ngồi khóc thút thít.
                            Quí bước lại bàn thờ, kiếm hết hai bàn mà không cô một cây nhang, Quí lắc đâu thất vọng, song cứ cúi lạy trước hai bàn thờ, không cần đốt đèn nhang chi hết. Lạy rồi, Quí đứng im mà lâm râm nói thầm hồi lâu rồi lui ra, cởi áo bành tô bỏ trên ván và ngồi ngang chị mà hỏi:
                            - Dì đi đâu?
                            - Thì cũng đi đánh bài hoài, đánh đâu phía ngoài chợ.
                            - Còn thằng Sen.
                            - Nó vô đâu trong trường gà.
                            Chú Tiền tiếp nói:
                            - Mùa gà thì cậu Sen đeo theo mấy trường gà, bao giờ chịu ở nhà.
                            Quí chau mày, nghiêm nét mặt. Mỹ thủng thẳng nói:
                            - Mấy bữa cha đau nặng,có lẽ cha biết sẽ qua đời hay sao nên cứ nhắc em hoài.
                            - Lúc cha nhắm mắt có chị tại đó hay không?
                            - Có. Cha tắt hơi trên tay chị.
                            - Cha có trối lời gì hay không?
                            - Cha ngó chị cha khóc, rồi kêu tên em chớ không nói chi được. Mà cha có ngoắc dì với Sen lại gần, rồi chỉ chị mà biểu phải thương chị.
                            Chú Tiền tiếp nói:
                            - Lúc ông đau, tôi ràng một bên đặng lo cơm cháo thuốc men cho ông. Ông có than với tôi không biết cậu ba ở đậu đặng đánh dây thép kêu về cho ông thấy mặt. Tội nghiệp quá, ông nhớ cậu lung lắm.
                            Vì đã biết trước việc nhà rồi, nên nãy giờ về nhà Quí tỉnh táo. Bây giờ nghe được lời cha và hiểu được ý cha, trong lúc cuối cùng, thì Quí cảm xúc, không dằn nữa được, nên khóc rống lên. Mỹ cũng khóc với em. Có lẽ chú Tiền thấy cảnh buồn thảm như vậy thì đau lòng, không vui mà tham dự nữa, nên chú bỏ đi xuống bếp.
                            Chị em Quí khóc với nhau một hồi, rồi Quí biểu chị dắt đi viếng mả cha. Chị em bận áo, Quí đội nón, Mỹ đội khăn, rồi đi ra cửa. Mỹ kêu chú Tiền mà dặn coi nhà.
                            Quí ngó chú Tiền vừa cười vừa nói:
                            - Tôi không dè chú còn ở đây. Tôi tưởng chú đã thôi rồi chớ.
                            - Trước khi mất, ông có biểu tôi cứ ở đây….
                            - Cám ơn chú.
                            - Ở quen rồi mà bỏ đi ở chỗ khác nghĩ cũng tủi.
                            - Chú là người trung thành, thuần hậu. Trời sẽ ban phước cho chú. Chắc chắn như vậy.
                            Chú Tiền cười bít hai tai, rờ mấy sợi râu và cười và hỏi:
                            - Phước gì bây giờ?
                            Nghe lời thiệt thà ấy. Quí cũng tức cười mà đáp:
                            - Chú muốn phước nào trời ban phước nấy. Mà dầu chú không ước mong điều gì hết, thì trời cũng cho chú sung sướng ngày già. Thôi chú coi nhà, để chị em tôi đi thăm mồ mả một chút .
                            Mỹ dắt Quí ra gò mả mà chỉ mộ cha, một vùng đất nằm dài bên mộ cha mẹ, đứng suy niệm tiên nhơn, rồi ngồi bẹp trước mộ mà nói:
                            - Cha nghèo em không giúp được, cha buồn em không làm vui được cha, đau em không nuôi bịnh được, cha chết em không có mặt được, thế thì em đã lỗi đạo làm con, lỗi hết ráo. Nhưng mà nếu cha ở dưới Cửu tuyền cha thấu hiểu được tâm sự của em, thì có lẽ cha cũng dung thứ cho em, chớ không nỡ chấp.
                            Mỹ ngồi lại một bên em mà nói:
                            - Em về, chị mừng quá. Em đi chẳn 12 năm, không có tin tức, nên chị lo sợ hết sức, nghi em đã mất rồi. Té ra chị em còn gặp nhau. Em làm ăn khá hay không? Có vợ con hay chưa?
                            - Để rồi em sẽ thuật chuyện của em cho chị nghe, không gấp gì. Chị thấy em thế nào cứ tưởng em như vậy, là đủ rồi. Em muốn biết đời sống của chị ở nhà, biết cho tường tận. Dì Ba đã thuật sơ cho em nghe rồi, song em muốn hỏi lại cho rành rẽ. Em đi rồi, cha muốn gả chị cho thầy giáo trên Dồng Ké phải không?
                            - Phải.
                            - Tại sao họ cây mai nói rồi họ không cưới?
                            - Tại cha bán ruộng chớ sao. Người ta muốn cưới chị, là vì thấy cha đứng bộ ruộng, chắc sau chị sẽ có phần ăn, nên người ta mới cậy mai nói. Chừng nghe cha mắc nợ nhiều quá, ruộng đất bán hết phân nửa, nên người ta hồi hôn, chớ có chi đâu?
                            - Khốn nạn qua! Thầy giáo đó tên gì?
                            - Tên Lễ.
                            - Không cưới chị rồi có cưới người khác hay chưa?
                            - Chị không hiểu.
                            - Ví như chưa cưới người khác, bây giờ xin cưới chị thì ưng hay không?
                            - Ai thèm.
                            - Sao vậy?
                            - Con người chỉ biết bạc tiền, không kể nhơn nghĩa, không trọng liêm sỉ, có ra gì mà cần họ. Chị nhứt định không thèm lấy chồng nào hết.
                            - Phải lấy chồng đặng thân chị được sung sướng một chút, lẽ nào chị đành chịu cực khổ mãn đời như vậy sao?
                            - Có cực gì đâu em.
                            - Thân chị như đày tớ, sao chị lại nói không cực.
                            - Ở trong nhà làm công việc nhà chớ cực giống gì.
                            - Nếu em chết mất, em không về đây, chắc chị cũng ở đây tới già sao?
                            - Vậy chớ đi đâu? Chị em thì ở với nhau; không lẽ bỏ em mà đi ở với người dưng.
                            - Thằng Sen nó có thương chị hay không?
                            - Có lẽ nó cũng thương chớ?
                            - Sao chị lại nói “có lẽ”?
                            - Chị là chị nó. Chị thương nó, lẽ nào nó không thương chị.
                            - Chị thương nó lắm hả?
                            - Nó là em út. Em đi rồi thì có còn có một mình nó.
                            - Hồi ra đi, em có xin chị thương nó. Chị không trái ý em, thiệt em vui lắm. Còn đối với chị, dì Ba ăn ở thế nào?
                            - Cũng vậy, như hồi em có ở nhà.
                            - Cha mất rồi, mà dì vẫn khắc khổ với chị hoài như vậy hay sao?
                            - Tại tánh dì như vậy mà, đổi sao được em. Dì hay la rầy, chớ không khắc khổ chi lắm. Chị quen rồi cũng không hại gì.
                            - Chị là Phật bà, nên không biết giận hờn gì hết, giỏi quá!
                            - Chị tập tánh ý quen rồi, chị không thèm buồn việc gì hết mà cũng không muốn giận ai hết em ạ.
                            - Chồng chê không phiền, mẹ ghẻ khổ khắc không tức, em đày đọa cũng không giận, rõ ràng chị là Phật sống.
                            - Chị có phải tiên Phật gì đâu em. Chị nghĩ phiền giận khóc than vô ích, mà chỉ làm cho mình ốm đau, thắt thẻo ruột gan mà thôi, nên chị không thèm để ý những ai làm cho chị phiền giận hết.
                            - À, chị Hai, thầy Nhứt Vĩnh còn dạy ở đây hay không chi?
                            - Không. Thấy hưu trí hồi năm ngoái, nghe nói thầy về ở đâu dưới Trà Vinh.
                            - Không biết thầy khá hay không?
                            - Chị không hiểu được. Nghe như thầy có người con học ngoài Hà Nội, cách mấy năm trước thi đậu về dạy học bên Mỹ tho.
                            Chị em nói chuyện tới xế mát mới dắt nhau trở về nhà.
                            Sen ở trường gà về hồi nào không biết, mà Quí bước vô nhà thì thấy Sen mặc quần với áo thun vàng, đương ngồi mang giầy đá banh.
                            Sen thấy Quí thì cứ ngồi mang giầy như thường, chỉ ngó anh mà cười và hỏi:
                            - Anh mới về anh ba.
                            Quí đứng nhìn em, trề môi lắc đầu, rồi nghiêm nét mặt mà hỏi lại :
                            - Tao bỏ nhà đi làm ăn cực khổ trót 12 năm. Nay tao về. Mầy mừng tao như vậy đó, hợp tình huynh đệ, nghĩa đồng bào lắm hả!?
                            Sen mang giầy xong rồi, vừa nghe anh bắt lỗi thì đứng dậy muốn đi và cùn quằn đáp:
                            - Vậy chớ mừng sao nữa?
                            - Mầy đi đá gà về, có lẽ chú Tiền đã cho hay tao về chớ? Có không?
                            - Có.
                            - À! Lẽ thì mầy phải đi kiếm mừng tao liền. Chú Tiền chắc có nói với mầy rằng tao với chị đi thăm mộ cha chớ. Chú có nói không?
                            - Có.
                            - Ừ. Mầy không đi kiếm mừng tao, mà cũng không ở nhà chờ tao về. Mầy lại thay đồ tính đi đá banh. Cử chỉ của mầy như vậy, chứng tỏ mầy không có tình nghĩa với anh mầy một chút nào hết. Mầy biết lỗi mầy chưa?
                            Sen xụ mặt, không trả lởi.
                            Quí nói tiếp:
                            - Bây giờ cha đã mất rồi. Tao là anh lớn, tao thế quyền cho cha. Từ rày sắp tới mầy phải tuân lịnh tao. Hiện giờ mầy phải ở nhà cho tao hỏi việc nhà, không được đi đá banh. Kể từ ngày mai, mầy không được đi đá gà nữa. Tao cấm tuyệt sự ấy, ăn no rồi đi đá gà, hết gà rồi đi chơi, làm trai như mầy không hổ hay sao? A lê, đi thay đồ cho mau, thay đồ đặng tao có công chuyện hỏi mầy.
                            Sen ríu ríu đi vô buồng thay đồ, không dám chống cự, nhưng sắc bất bình lộ khắp mặt mày bộ tịch.
                            Mỹ lo sửa soạn nấu cơm chiều, ôn lại mấy phẩm thực, thì chẳng có chi xứng đáng dọn bữa cơm mừng em, nên đương tính trong trí coi có phải làm thịt một con gà hay không, mà như phải làm thì làm con gà nào, con gà mái tơ gần nhảy ổ hay là làm một con trong bầy gà nhỏ mới đúng.
                            Quí cởi áo bành tô móc trên gạc nai, rồi lấy nón máng luôn trên đó nữa. Thấy chú Tiền đương quét nhà, Quí mới biểu:
                            - Chú Tiền, chú làm ơn quét dọn cái phòng ở chái trên cho sạch sẽ dùm đặng tôi nghỉ, dọn y như hồi trước, chú nhớ không?
                            - Tôi quét dọn rồi, cậu ba à. Hồi trưa cậu ra ngoài mộ, tôi ở nhà tôi lo việc ấy xong rồi hết. Tôi đem hoa ly của cậu tôi để trong phòng, cậu vô đó mà thay đồ.
                            - Tôi có cái giỏ mây, chớ có hoa ly đâu.
                            - Tôi nghe họ gọi cái đó là hoa ly nên tôi bắt chước … Hoa ly mây.
                            - Không. Giỏ mây, chớ không phải hoa ly. Tôi chưa có thể sắm hoa ly được. Chú hiểu không?
                            Không biết chú Tiền, hiểu thế nào mà chú chằng miệng cười hịt hạt và đáp:
                            - Giỏ hay hoa ly cũng vậy, thứ nào cũng để đựng quần áo, miễn kín đáo thì thôi, nhứt là cần có đồ ở trong, chớ phía ngoài tốt hay xấu cần gì đâu.
                            - Chà chà, năm nay chú nói giọng triết lý nghe thông quá!
                            - Triết lý gì?. . . Tôi không hiểu.
                            - Chú không hiểu nổi đâu.
                            - Cậu đi thay đồ đi, thay đồ cho mát mà chơi, bận đồ đó coi nực quá.
                            - Không. Đồ nầy mát lắm chớ.
                            - Tôi quét giường, trải chiếu, có để gối cho cậu nằm nghỉ. Ngặt nhà không có mùng, không biết làm sao.
                            - Không có thì thôi. Chú đừng lo.
                            - Để bà về, tôi thưa với bà kiếm mùng cho cậu ngủ chớ.
                            - Không cần. Tôi ngủ trần quen rồi. Tháng nầy có muỗi mòng gì đâu mà phải có mùng.
                            - Cậu dễ quá. Lớn rồi mà tánh ý cũng còn vậy hoài. Ngộ quá.
                            - Chú lầm. Tôi đổi tánh nhiều lắm. Để tôi ở ít bữa tôi chú sẽ thấy.
                            Hai người ngó nhau mà cười, cái cười chơn chất thương yêu, dan díu.
                            Quí đi thẳng lại chái trên và vô phòng của mình ngày xưa mà coi. Chú Tiền đi theo nói:
                            - Tôi có để cái bàn nhỏ của cậu ngồi học hồi trước vô phòng nữa, để cho cậu sắp đồ vật.
                            Quí gật đầu, bước lại đứng dựa cửa sổ ngó ra vườn, rồi trở ra đi khắp hết nhà trên mà coi từ ngoài tới trong.
                            Sen đã cởi bộ đồ đá banh ra rồi, bây giờ mặc bồ đồ vải trắng, chưng mang guốc sơn, đầu chải láng mướt, ra đứng dựa lan can ngoài hàng ba mà hút gió, dường như không có anh về trong nhà.
                            Coi hết nhà trên rồi, Quí xuống nhà dưới. Mỹ vui vẻ ngó em, kêu chú Tiền mượn rượt bắt dùm con gà mái tơ. Quí không cản ngăn, để chị thong thả sắp đặt cách ăn mừng tái hiệp, nên bỏ đi thẳng ra ngoài vườn, nhìn lại cảnh cũ dấu xưa.
                            Cặp cu đất đậu trên ngọn tre đương hiệp nhau mà gáy, thuyền chở lúa đi ngang qua dưới sông, trạo phu cất tiếng hát du dương. Quang cảnh mà Quí đã từng nghe thấy hồi nhỏ, bây giờ lại diễn trước mắt như xưa, diễn một cách rõ ràng, lại có pha trộn ít nhiều thú vị, làm Quí đã lịch duyệt nhơn tình cao thấp, mùi đời đắng cay, nên không khỏi lộ ngoài miệng một nụ cười, cười chán nản, hay cười khinh ngạo, duy Quí biết mà thôi, chớ ngoại nhơn không thấu hiểu được.
                            Trở vô nhà, Quí thấy Sen xớ rớ thì hỏi:
                            - Ở nhà em có đi học hay không?
                            - Có.
                            - Học đến bực nào?
                            - Học trường Càng Long đây.
                            - Có bằng Sơ học hay không?
                            - Có đi thi mà không đậu.
                            - Sao không đi học nữa?
                            - Cha mất rồi má bắt ở nhà.
                            - Nếu vậy em thôi học đã 5 năm rồi? Ở nhà em làm việc gì?
                            - Có việc gì đâu mà làm?
                            - Tại không muốn đi làm, chớ sao không có việc. Dọn dẹp vườn tược cho sạch sẽ, trồng khoai tỉa đậu, làm việc nhà. Tại sao không làm những việc ấy, để vườn như đất hoang, bỏ nhà gần sụp đổ, mà đi theo gà như vậy hử?
                            Sen đứng buồn xo, không trả lời được.
                            Quí nói tiếp:
                            - Từ rày sắp lên em phải làm việc, không được phép đi du hí, hay là đi đá gà nữa. Luật trời đã định cho con người phải làm việc mới được ăn, ai không làm việc thì không được phép ăn cơm, qua sẽ chỉ công việc cho em làm.
                            Lúc ấy, Thị Mùi đi đánh bài vừa về tới. Bước vô ngó thấy Quí thì nàng chưng hửng, nên nàng đứng khựng lại và hỏi:
                            - Quí hả? . . . Về bao giờ vậy?
                            - Dạ, tôi mới về hồi trưa. Dì ở nhà mạnh giỏi?
                            - Mạnh. Mầy đi đâu mất biệt mười mấy năm vậy hử?
                            - Thưa, đi làm ăn.
                            - Làm ăn ở đâu mà không chịu về, đến nỗi cha mầy mất, mầy cũng không thấy mặt.
                            - Tôi ở xa quá không hay cha mất, mà dầu có hay cũng không về kịp.
                            Thị Mùi ngó cái quần vàng cũ, áo sơ mi rách và đôi giầy mòn của Quí rồi đi vô trong cất dù, vừa đi vừa nói:
                            - Làm ăn ở đâu cũng làm được, cần gì phải đi xa.
                            Quí đứng ngó theo mẹ ghẻ mà cười, thấy thân thể vẫn còn tráng kiện, y phục vẫn lành lặn như xưa, nhưng da mặt đã dùn, mái tóc đã điểm bạc nhiều ít.
                            Thị Mùi đã thay áo dài mà mặc áo bà ba lụa trắng, rồi ra ngồi trên ván ăn trầu.
                            Quí ngồi bên bộ ghế giữa day qua hỏi:
                            - Năm nay dì có làm ruộng hay không?
                            - Ruộng xa nhà quá, làm gì được.
                            - Dì đánh bài đủ ăn hay không?
                            Nghe hỏi tới ruộng thì Thị Mùi đã kém vui rồi. Lại nghe hỏi tới nghề bài bạc nữa, Thị Mùi thẹn thẹn, nên phiền ngay, song phải gượng mà đáp:
                            - Buồn quá nên đánh bài chơi chớ ăn thua gì.
                            - Tôi tưởng ăn thua nhiều chớ. Có người thua đến bán ruộng bán nhà, chớ có phải chơi đâu.
                            Thị Mùi chau mày lặng thinh một chút, rồi dường như muốn dọ ý Quí nên chậm rãi hỏi:
                            - Mầy về đây ở là về ở luôn hay là về thăm nhà rồi đi nữa ?
                            - Việc ấy tôi chưa nhứt định. Để thủng thẳng tôi liệu coi, như ở đây có thể làm ăn được thì tôi ở nhà luôn. Còn như không có bề thế làm ăn, thì tôi sẽ đi nữa, đi kiếm việc làm.
                            - Ở đây có nghề gì làm ăn được đâu?
                            - Có lẽ lập tiệm buôn bán được. Để tôi nói với bà con trong làng coi như có ai chịu giúp vốn cho tôi vài trăm, tôi sẽ mướn phố ngoài chợ ở hoặc hớt tóc hoặc bán hàng vặt.
                            - Vốn ít trăm mà buôn bán gì được.
                            - Ban đầu làm nhỏ, rồi sau sẽ mở lớn. Chớ muốn làm lớn, phải vay hỏi đến đôi ba ngàn, sợ người ta không cho.
                            - Ở đây vay hỏi cũng khó lắm.
                            - Mình vay bạc, thì mình chịu lời cho họ. Mình có vốn làm ăn, mà họ có lợi, thế thì có chi đâu mà khó. Chớ chi mình vay tiền để bài bạc, thì họ sợ là phải.
                            Những tiếng “bài bạc” của Quí nói đi nói lại hoài làm cho Thị Mùi khó chịu, nên bỏ đi xuống nhà dưới, không muốn nói chuyện nữa. Quí thấy mình chọc mà mẹ ghẻ biết nhột, thì đắc ý nên chúm chím cười, rồi đứng dậy đi ra ngoài sân, ngắm tứ phía, ngó cái sân, ngó tòa nhà, ngó cửa ngõ, đi thơ thẩn, sắc bàng hoàng, dường như suy nghĩ một việc chi quan hệ khó khăn lắm vậy.
                            Bây giờ đã chiều rồi. Mặt trời đã xuống khuất vuông tre phía ngoài lộ, trước sân đã mát rượi, ngọn gió chướng lại cất thổi lao xao. Dưới mẫu, trâu bò thả ăn từng bầy, mấy đứa chăn hoặc ngồi trên lưng trâu, hoặc đứng dưới bờ mẫu, lý hát inh ỏi.
                            Mỹ làm thịt gà xào nấu rồi dọn cơm chiều. Chú Tiền ra mời Quí vào ăn cơm. Thị Mùi với Sen đương đứng nói chuyện, nói lầm thầm rồi đưa tay ra dấu, thấy Quí bước vào mẹ con liền dang ra.
                            Quí tươi cười nói :
                            - Mời dì với em Sen đi ăn cơm.
                            Tiếng mời của Quí nghe dịu ngọt lại hiệp lẽ lắm, nhưng nó có hàm súc một ý nghĩa kín, là chủ mời khách, có lẽ vì nghĩ đến chỗ đó nên Thị Mùi khó chịu muốn nói mà không có lời, muốn giận mà không có óc, nên dằn lòng làm vui đi với Sen xuống nhà dưới mà ăn cơm.
                            Cũng còn theo thói hồi trước, Mỹ coi dọn rồi ăn sau, chớ không chịu ngồi ăn một luợt. Quí bất bình nên nói cứng cỏi:
                            - Không được. Chị không phải đày tớ mà ăn sau, từ rày sắp lên chị ăn trên, ngồi trước hai em, vì chị là lớn. Đây, chị lại ngồi đối diện với dì đây. Em ngồi sau, đối diện với Sen; ngồi cho có thứ tự coi mới được.
                            Mỹ dục dặc nhưng liệu không thể kháng cự với lời cương quyết của Quí, nên phải làm theo ý em muốn.
                            Thị Mùi càng thêm khó chịu với lời cương quyết, với cách mạnh mẽ của Quí, nhưng quyết dằn lòng để dọ coi, nên cứ ngồi lại mâm cơm và hỏi Mỹ:
                            - Làm gà hay sao?
                            - Dạ, không có đồ ăn nên tôi làm gà cho thằng ba ăn.
                            - Làm con gà nào vậy?
                            - Thưa, con gà mái tơ.
                            - Con gà máy in là nó muốn nhảy ổ.
                            - Bầy gà giò còn nhỏ quá.
                            Quí ngồi ăn vui vẻ, nói nói cười cười, khen thịt ngon, nhớ cá nướng trui, nhắc bò tái mướp, không để ý tới sắc mặt đầm đầm của mẹ ghẻ và bộ tướng bất mãn của em Sen.
                            Sen gắp miếng thịt gà mà thấy dĩa muối ớt đã hết, bèn kêu Mỹ biểu đi lấy thêm. Quí chận mà trách:
                            - Mầy phải tập lại tánh cho trúng lễ nghĩa. Chị Hai là chị cả, chớ không phải là đày tớ của mầy mà mầy được phép sai khiến. Chị Hai chịu cực nấu cơm đã quá rồi. Ngồi ăn nếu có cần dùng thứ chi, thì mầy phải chịu khó đi lấy thêm mà dùng, đừng có nhọc lòng chị Hai nữa. Làm người phải ăn ở cho hợp lễ nghĩa, phải biết trọng tôn ti, mới khỏi mang tiếng thất giáo.
                            Mỹ buông đũa đi làm thêm muối ớt, vừa đi vừa nói:
                            - Để chị đi làm, nó là con trai biết đâm muối ớt bao giờ đâu.
                            Thị Mùi chúm chím cười, cái cười khinh khi, ngạo báng, và nói cái giọng gay gắt cao kỳ:
                            - Ở trong nhà hơi nào mà giữ lễ nghĩa. Chị em chịu khó với nhau mà hại gì.
                            Quí cương quyết đáp:
                            - Thưa dì, đã đành thương nhau, phải chịu cực với nhau. Nhưng bánh sáp đi thì bánh quy phải lại, có vậy mới công bình, chớ bánh sáp đi hoài, mà bánh quy không lại, thì bất công. Còn lễ nghĩa là điều cần ích của con người, nhờ giữ lễ nghĩa con người mới khác cầm thú.
                            - Không chắc.
                            - Thưa chắc lắm.
                            - Thấy có người, hễ mở miệng là nói lễ nghĩa, mà họ có ra gì đâu.
                            - Nếu bữa nay họ chưa “ ra gì”, thì ngày mai họ sẽ “ra gì”, trời không phụ họ đâu, xin dì đừng lo.
                            Thị Mùi cười ngạo, không cãi nữa.
                            #14
                              NuHiepDeThuong 31.01.2006 01:42:44 (permalink)
                              Chương 15

                              Sáng bữa sau, mặt trời đã mọc rồi mà Thị Mùi cũng như Sen, hai mẹ con vẫn còn an giấc.
                              Mỹ gỡ đầu thay áo đặng đi chợ mua thức ăn.
                              Quí trong phòng bước ra, đi chơn không, mình mặc cái quần vắn bằng bố xanh cũ mèm, với một cái áo thun giả có rách sau lưng vài lỗ, cổ quấn khăn lông cũng cũ. Thấy chị sửa soạn bận áo dài thì hỏi:
                              - Chị sửa soạn đi chợ phải không?
                              - Ừ, đi mua đồ ăn.
                              - Có tiền hay không?
                              - Có. Dì đưa hồi hôm.
                              - Trước khi đi, chị kêu dùm thằng Sen thức dậy, đặng em chỉ công việc cho nó làm.
                              Quí đi xuống nhà dưới kiếm nước rửa mặt. Mỹ lật đật đi theo lấy thau múc nước cho em.
                              Mỹ đứng cài nút áo mà coi Quí rửa mặt. Mỹ thấy em, tuy y phục lam lũ, mặt và mình .. tuy bị nắng táp nên nám đen, song hai bàn chân trắng hồng, móng tay cắt sạch, còn trên đầu thì tóc hớt thiệt khéo. Mỹ nhìn cùng hết rồi vui thầm, biết em mình đi làm ăn dầu không được vui sướng, chớ cũng không đến nỗi cực khổ vất vả.
                              Qui lau mặt rồi lấy một cái luợt nhỏ trong túi quần ra mà chải tóc.
                              Liếc thấy chị đương đứng nhìn mình thí Quí cười và thôi thúc:
                              - Chị kêu dùm thằng Sen dậy rồi đi chợ đi, kẻo trưa.
                              Mỹ đi lên nhà trên.
                              Quí thấy chú Tiền đi ngàng nhà thì nói:
                              - Chú Tiền, bữa nay anh em tôi sẽ phụ với chú mà dọn dẹp sân và vườn cho sạch sẽ. Đợi Sen dậy rồi tôi chia công việc cho mỗi người. Chú kiếm cuốc, xuổng, dao, mác đem ra để ngoài sân cho sẵn đi, đặng chúng ta ráp làm việc.
                              Chú Tiền đi lấy dụng cụ, Quí đi thẳng ra sân, thấy dáng Sen thức dậy, đương đi sật sừ trong nhà thì kêu:
                              - Sen a, rửa mặt riết đi, rồi ra đây cho qua biểu.
                              Chú Tiền ôm ra hai cái cuốc với hai cái mác, Sen rửa mặt rồi cũng ló ra, Quí thấy Sen mặc bộ đồ vải trắng thì nói:
                              - Không được. Em phải vô thay đồ cũ mà bận. Như không có đồ bận thì bận đồ đá banh cũng được. Làm cỏ chớ không phải đá gà hay là đánh bài đâu mà bận đồ mới.
                              Sen cùn quằn trở vô, tuy bất bình song không dám trái lịnh. Một lát Sen ra lại, bây giờ mặc đồ đá banh, song chân mang guốc. Quí biểu bỏ guốc rồi kêu lại gần mà nói, có chú Tiền đứng một bên:
                              - Qua về đây, qua thấy nhà bỏ xập xệ, còn từ trước ra tới sau vườn, thì cỏ mọc lan đến nền nhà, chẳng khác nào nhà vô chủ ở trong miếng đất hoang. Qua thấy vậy, qua đau lòng quá, chịu không được. Người ta thường nói nghèo cho sạch, rách cho thơm. Dầu bây giờ anh em mình nghèo đi nữa, mình cũng phải dọn dẹp cho sạch sẽ, tử tế. Nếu mà mình có tiền dư thì mình mướn năm ba người giúp chú Tiền mà dọn dẹp trong năm bảy bữa chắc xong. Ngặt anh em mình không có tiền mà mướn người ta, vậy anh em mình phải ra công mà làm, mình làm dở, thì mười bữa hoặc quá mười lăm bữa, hoặc một tháng rồi cũng được. Em phải ráng làm với qua và chú Tiền, làm việc nhà không ai chê cười đâu mà sợ. Bây giờ lo dọn dẹp cái sân cho sạch sẽ. Nhổ cây bắp khô cho trống, dẫy cỏ cho sạch hết rồi giăng dây làm bồn tròn, bồn vuông cho vui mắt. Dọn sân rồi mình dọn mé nhà bếp để trồng rau, trồng ớt, trồng cải trồng hành mà ăn cho khỏi mua.
                              Còn sau vườn, lúc nầy trời nắng, cỏ đã chết rồi, nhưng còn rải rác những cây tạp nhạp mọc tràn lan. Mình đốt hết những cây bậy đó đi, đào gốc cỏ khô cho tuyệt giống, dọn dẹp cho trống trải bằng thẳng đặng trời sa mưa mình tỉa đậu trồng bắp cho giáp vườn.
                              Vuông tre mình cũng phải sửa lại. Trước hết phải rút chà gai, đốn gốc mục, đem bùn bồi dài theo mấy hàng tre, đào mương phía trong cho sâu, làm như vậy tre mới phát. Nầy chú Tiền, chương trình của tôi sắp như vậy đó, cứ theo đó mà làm tới. Để trồng tỉa cho có huê lợi, hoặc đợi mùa lúa tới thâu lúa ruộng hương hỏa rồi tôi sẽ tính tới việc tu bổ nhà. Thôi bây giờ ráp làm việc. Sen, em nhổ hết những cây bắp khô mà để đống lại đi. Việc ấy nhẹ nhàng em làm được, để qua với chú Tiền nhổ cỏ.
                              Quí nói dứt lời liền lấy một cái cuốc đi thẳng vô thềm nhà rồi bắt đầu từ đó mà cuốc ra.
                              Chú Tiền thấy Quí hăng hái, hễ nói là làm, chú chúm chím cười, rồi cũng lấy cuốc mà cuốc cỏ với Quí.
                              Sen từ nhỏ chỉ biết ăn, ngủ và đi chơi, chưa hề hạ mình và ra sức làm việc lao động, nên nghe lời anh chỉ dạy thì không vui chút nào; nhưng thấy Quí đã mạnh dạn cầm cuốc mà cuốc cỏ cũng như chú Tiền, liệu không thể đứng ngó hay bỏ đi chơi được, cực chẳng đã Sen phải lại đám bắp mà nhổ cây bắp khô, mặc dầu lòng không thỏa thích nên làm không sốt sắng, nhổ bắp mà nhổ một tay cây nào trốc là may, cây nào chắc gốc thì trì kéo cù lơ cù dựt.
                              Quí dòm thấy thì kêu mà nói:
                              - Ê, Sen! Làm cho mạnh mẽ chớ, nhổ hai tay thử coi nào! Làm việc sao mà yếu ớt như con gái vậy? Con trai phải cứng cỏi, lanh lẹ mới được, mình là thể thao gia, mình không được phép làm thẹn cho sắc phục thể thao chớ.
                              Sen vừa giận, vừa thẹn, ráp cả hai tay mà nhổ bắp, nhổ lẹ làng mạnh mẽ, nhổ đâu bỏ đó, tính nhổ sạch sẽ hết rồi sẽ gom đống.
                              Quí thấy lời khiêu khích của mình đã hiệu quả, thì gật đầu và ngó chú Tiền mà cười.
                              Những tiếng om sòm rần rật ngoài sân làm cho Thị Mùi không thể ngủ nán được, bởi vậy bà thức dậy bước ra cửa mà dòm. Bà thấy Sen hè hụi nhổ bắp, làm như hạng nông phu thì bà bực tức, nhưng thấy Quí cũng cuốc cỏ, xốc bụi cát bay lên tưng bừng như lục lộ ngoài đường, thì lòng bực tức ấy yên tĩnh lần lần, rồi bà ngoe ngoẩy bỏ đi rửa mặt.
                              Mỹ đi chợ về thấy hai em làm việc thì đứng lại mà coi. Sen nhổ bắp hết rồi, đương sắp đống dựa bờ tre. Chú Tiền với Quí cuốc cũng đã sạch cỏ được gần phân nửa sân vì cỏ mọc trên cát nên dễ cuốc, lại nhờ tháng nắng cỏ chỉ còn từ khóm từ chòm, nên làm không nặng công lắm.
                              Mỹ bưng rổ đi vô nhà bếp vừa đi vừa nói:
                              - Hai em dọn sân mệt nhọc chắc đói bụng sớm. Vậy để chị nấu cơm riết cho mà ăn.
                              Quí thấy Sen dọn đám bắp xong rồi, thì kêu mà biểu lấy mác đốn bỏ bụi keo tây vô duyên đứng xớ rớ gần cửa ngõ. Vì không quen lao động, nên Sen làm việc mà mồ hôi tuôn ra mặt ướt dầm.
                              Trước thái độ cứng cỏi mà vui vẻ của Quí, sự tức giận của Sen lần lần tiêu tan mà nhường chỗ lại cho sự hăng hái nhậm lẹ, là tánh tự nhiên trời phú cho hạng thanh niên.
                              Sen chặt cây keo vài cái, nhưng không quen đốn cây, lưỡi mác cứ lãi hoài, liệu thế làm không kham, mới đổi với chú Tiền đặng cuốc cỏ, để cho chú đốn keo.
                              Quí với Sen bây giờ đứng gần nhau mà cuốc cỏ, Quí muốn an ủi em, nên vui vẻ hỏi:
                              - Làm việc phải vui hay không em?
                              - Vui.
                              - Ừ, cần lao nó có cái thú vui đặc biệt, nhờ thú vui ấy nên hạng lao động mới sống được. Thú vui ấy nó cũng nồng nàn, khoẻ khoắn như thú vui theo thói cờ bạc hay chơi bời, nhưng nó cao thượng hơn, vì nó làm phấn khởi tinh thần của mình, mà nó cũng hữu ích, vì nó không làm mất tiền, trái lại nó có thể dựng sự nghiệp nếu mình siêng năng kiên nhẫn. Em ráng tập cần lao cho quen, rồi em sẽ thấy thú vui của nó. Mà hễ em biết vui thú cần lao rồi, tự nhiên em ghét chơi bời, bài bạc, dâm dật, xa hoa.
                              Muốn chọc em nói chuyện, mà thấy Sen cứ lặng thinh. Quí bèn hỏi:
                              - Làm việc từ hồi sớm mai đến giờ em mệt hay chớ?
                              - Chưa.
                              - Hứ !Phải thành thiệt, đừng dối trá. Làm việc chưa quen, hễ làm một lát thì đã mệt rồi. Ai cũng vậy, không có ai hèn mà phải thẹn, nên dấu diếm. Em có mệt thì ngồi nghỉ một chút cho khoẻ rồi sẽ làm tiếp.
                              - Thiệt em chưa mệt.
                              - Tốt lắm. Vậy thì cứ làm, chừng nào mệt thì nghỉ. Để rồi em coi, mình làm việc mệt, lát nữa ăn cơm ngon lắm.
                              - Em đói bụng rồi.
                              - Qua cũng đói nữa. Chị Hai đã biết mình sẽ đói, nên hồi nãy đã hứa lo nấu cơm sớm cho anh em mình ăn. Vậy mình chẳng nên thúc cơm mà làm rộn cho chị.
                              - Mấy năm nay anh đi làm ăn, anh làm việc như vầy hay sao?
                              Thấy em đã bắt đầu nói chuyện, Quí mừng thầm nên vui vẻ đáp liền:
                              - Việc gì qua cũng có làm qua hết thảy.
                              - Vậy mà người ta nói anh ở bồi.
                              - Phải. Lúc nhỏ sức yếu, nên qua ở bồi. Chừng lớn lên, qua làm tới việc nặng. Ở đời phải cực rồi mới biết khoẻ. Em còn nhỏ, qua muốn em cực như qua, đặng tập cho quen tánh siêng năng kiên nhẫn, mà đảm đương với đời.
                              - Thiệt từ nhỏ đến giờ em không có làm việc chi hết.
                              - Uổng lắm! Mà không trễ đâu. Em còn thì giờ mà tập làm việc. Biết làm việc rồi chơi mới vui em à.
                              - Phải, nhớ hồi nhỏ anh làm ná cho em bắn cu, vui quá.
                              - Phải, Qua cũng còn nhớ chuyện đó. Nếu em nghe lời qua mà làm việc thì qua sẽ bày cho em nhiều cách chơi khác vui hơn.
                              Với giọng vừa thân yêu vừa khuyên dỗ của Quí, Sen không thể không cảm xúc. Đã vậy mà nghĩa đệ huynh đứt đoạn mười mấy năm nay, bây giờ mới nối lại, Sen không thể không vui mừng.
                              Sự phiền giận gây trong lòng Sen từ hôm qua, nhờ giọng thân với nghĩa huynh đệ ấy phá tan lần lần, bây giờ Sen hết sụt sè, hết cùn quằn, mà lại dạn dĩ vui cười, mặc dầu mệt đổ mồ hôi, bụng đói thắt thẻo.
                              Thấy Mỹ bước ra kêu ăn cơm, Quí với Sen mừng rỡ, buông cuốc đi vô liền, thầm cám ơn chị nấu cơm mau.
                              Vui thấy chị em, người lo trong, kẻ lo ngoài, hiệp nhau làm việc chung cho gia đình, cho cả ba chị em do một cha sanh ra.
                              Quí với Sen rửa mặt rửa tay rồi ngồi ăn cơm, vui cười hòa nhã.
                              Mỹ bữa nay cũng lại ngồi ăn chung, không đợi Quí biểu, và thấy hai em vui cười, Mỹ rất đẹp ý.
                              Duy có Thị Mùi sắc mặt đầm đầm không vui, vì trong lòng phiền Quí nhiều khoản, phiền công kích bài bạc, phiền bắt Sen cuốc cỏ, nhứt là phiền cử chỉ tự tôn của Quí, hễ mở miệng thì lên giọng chủ nhơn ông, không kiêng nể uất hạ mình nữa.
                              Ăn cơm rồi, thấy trời nắng gắt. Quí biểu Sen nghỉ đến chiều mát sẽ làm việc nữa, để chú Tiền coi hốt cỏ đã cuốc rồi, và dọn dẹp chỗ bụi kéo cho sạch sẽ.
                              Thị Mùi sửa soạn lấy dù mà đi. Quí liếc thấy liền hỏi:
                              - Thưa dì, vậy chớ dì tính đi đâu mà lấy dù đó?
                              - Đi ra chợ chơi.
                              - Thưa dì, nếu thiệt dì đi chơi thì tôi không dám cản. Còn nếu dì đi đánh bài thì tôi xin dì đừng đi.
                              - Tại sao mầy không muốn tao đánh bài.
                              - Tại nghề đánh bài đã làm hại cha tôi nhiều lắm rồi.
                              - Tiền của tao thì tao chơi, tao có biểu ai chịu tiền đâu mà nói tao làm hại!
                              - Xin lỗi dì, tôi lăn lộn trong trường đời mười mấy năm nay, tôi luôn luôn thấy thiên hạ giả dối, tôi giận lắm, nên tôi tập tánh thành thiệt. Bất luận việc gì, hễ tôi nói thì tôi cứ nói ngay bon, không chịu trớ trêu quanh quẹo. Dì nói, dì đi đánh bài, dì không có làm hại ai. Thưa dì, dì làm hại cha tôi nhiều lắm, trước kia vì dì đánh bài nên cha tôi mới nghèo, nghèo đến nỗi không cho tôi đi học được, rồi còn mắc nợ mà tiêu tan sự nghiệp.
                              - Mầy đừng có nói như vậy. Cha mầy nghèo, mắc nợ là tại ổng đá gà, đánh bài, ổng thua chớ phải tại tao sao.
                              - Thưa, cha tôi cũng có thua, chớ không phải một mình dì. Tôi công nhận sự đó là sự thiệt. Nhưng mà nếu dì lo làm ăn, dì siêng năng tiện tặn, và khuyên giải cha tôi đừng chơi, thì gia đạo đâu đến nỗi suy sụp. Dì đã không khuyên giải, mà dì lại trưởng chí đổ bác cho cha tôi, rồi dì cũng chèo xuôi một mái, tại như vậy nên mới nguy đó. Sự ấy cũng là sự thiệt, dì chối sao được. Cha tôi chết rồi, lẽ thì dì phải tự hối, mà bỏ tật cũ, để lo làm ăn. Té ra dì cũng cứ đánh bài hoài, huê lợi ruộng hương hỏa của tôi năm nào dì cũng thua hết, bỏ chị tôi rách rưới, lại làm gương xấu cho em tôi nữa. Đánh bài nó kết quả như vậy đó, sao mà dì nói không hại?
                              - Cha chả! Bây giờ mầy về đây mấy bắt lỗi tao hà?
                              - Thưa dì, tại dì nói đánh bài không hại, nên tôi phải chỉ rõ chỗ hại cho dì thấy. Vì tôi quen tánh thành thiệt, nên lời tôi nói không làm cho dì vui, chớ không phải tôi bắt tội, bắt lỗi. Tôi xin nói thêm rằng, tôi về đây tôi thấy em tôi nó 20 tuổi rồi, mà nó không biết nghề nghiệp chi hết, chỉ biết đi chơi với đá gà, ấy là tại nó noi theo gương của dì. Xin dì suy nghĩ lại, sanh con thì phải giáo hoá cho nó thành người đúng đắn, chớ ai đành un đúc thành “ bợm bài bạc” bao giờ.
                              - Quá rồi ! Hồi nãy mầy bắt lỗi tao, rồi mầy dạy khôn tao nữa. Tao ở với cha mấy hơn 15 năm, ổng chưa có nói nặng lời với tao lần nào. Mầy là con, sao mầy vô lễ, mầy dám mắng nhiếc tao?. . . Ông Bồi ơi ! Ông đội mồ về mà coi nó hỗn ẩu với tôi đây nè!.
                              - Dì kêu cha tôi làm chi! Cha tôi uất ức, nên hiện hồn biểu tôi về đặng lo việc nhà, kẻo chị tôi khổ, em tôi hư, tại vậy nên tôi mới về, tôi nói thiệt cho dì biết. Tôi về từ trưa hôm qua, tôi thấy nhà cửa như nhà hoang, dì đi đánh bài, thằng Sen đi đá gà, chị Mỹ rách rưới lao khổ như con mọi. Thấy tình cảnh khốn nạn, thiệt tôi muốn chết cho rồi. Mẹ tôi cần kiệm dư tiền mua được 25 mẫu ruộng để cho con, thì bị bán đi mà nuôi mấy ông tướng. Ông nội bà nội tôi để lại một sở 13 mẫu, cha tôi chết rồi, chủ nợ thi hành cũng lấy tuốt. May còn được 12 mẫu ruộng hương hỏa, mà chị tôi với em tôi còn có cơm mà ăn. Lại cũng nhờ nhà nầy là nhà thờ, họ thi hành phát mãi không được, nên chị tôi với em tôi mới có chỗ mà ngủ. Mà ruộng hương hoả với nhà thờ đều thuộc tôi làm chủ. Cha tôi mất rồi, mấy năm nay dì thâu góp huê lợi của sở ruộng hương hoả, lẽ thì mỗi năm dì phải xuất ít chục bạc may quần áo cho chị tôi mặc lành lẽ với người ta, sao dì bỏ túi hết đặng đi đánh bài, bỏ chị tôi lang thang lưới thưới như vậy? Ông nội bà nội tôi lập ruộng hương hỏa để lại cho chị em tôi cúng quảy, chớ đâu có phải để cho dì thâu huê lợi đặng đánh bài đâu.
                              - Sở ruộng hương hỏa mỗi năm cho mướn có mấy trăm thùng lúa, bán mà đi chợ mua ăn hàng ngày không đủ, chớ phải nhiều nhõi gì hay sao mà nói tao giựt tao xài riêng.
                              - Có mấy trăm thùng lúa đó, nếu đừng chơi bời, biết cần kiệm, thì cũng đủ sống thong thả. Người ta không có gì hết mà người ta khéo lo, thì người ta cũng được sung sướng thay. Tôi nói thiệt với dì, tôi về đây là vì tôi vưng theo ý cha tôi ứng mộng dạy tôi phải về mà sắp đặt việc nhà lại cho chị tôi hết cực khổ, em tôi hết ta bà. Vậy từ bữa nay, tôi nắm quyền làm chủ nhà thờ với ruộng hương hoả. Ai ở trong nhà nầy đều phải tùng quyền tôi. Ai cũng phải làm ăn, không được chơi bời nữa. Tôi cấm nhặt không được bài bạc và đá gà. Nếu ai không chịu nghe lời tôi thì cất nhà riêng mà ở, rồi muốn chơi bời bài bạc tuỳ ý.
                              - Mầy muốn đuổi tao ra khỏi nhà nấy hả?
                              - Không. Tôi không đuổi ai hết. Tôi buộc phải ăn ở tử tế, đừng chơi bời đánh bài mà thôi. Nếu dì bỏ được tật đánh bài, thì dì cứ ở đây với tôi. Tôi hứa tôi sẽ nuôi dì đến trăm tuổi già.
                              Thị Mùi tức giận cành hông. Nãy giờ muốn xách dù mà đi, nhưng nghe Qúi nói gắt quá, nên không dám đi đánh bài, còn muốn cãi lẽ thì nói không lại miệng Quí. Chị ta bực mình bỏ đi vô buồng mà nằm.
                              Quí biết tâm lý, thấy vậy thì hiểu mình đã thắng được bàn đầu rồi, nên bước ra ngoài sân chỉ công việc cho chú Tiền làm rồi trở vô nằm nghỉ.
                              Đến xế mát, Quí kêu Sen ra phụ với chú Tiền mà cuốc cỏ, hốt rác nữa. Ba người làm tới chiều thì cái sân trước nhà sạch trơn. Chừng Mỹ ra kêu ăn cơm, Quí đứng ngó cái sân và nói với Sen:
                              - Em thấy chưa? Mình chịu cực mới một bữa mà nhà của mình bây giờ coi vui vui, hết cái cảnh hoang vu ưu tệ nữa. Vậy từ rày về sau, em đừng thèm đi chơi bậy bạ nữa, cứ đồng tâm hiệp lực với qua mà lo làm việc, để đem sanh khí trở lại cho nhà mình, đặng anh em chung hưởng cái vui với nhau, cái vui ấy khỏi tốn hao mà nó lại thanh nhã hơn cái vui của trường gà hay sòng bạc.
                              Sen cười. Hai anh em dắt nhau đi tắm, Sen nói chuyện vui vẻ, chớ không phải quạu quọ như bữa trước.
                              Thị Mùi dậy ra ăn cơm chiều, chị ta ngồi mà sắc mặt đầm đầm, không nói với ai, mà cũng không ngó qua con ruột, con ghẻ nào hết, dường như thù oán tất cả những người trong nhà.
                              Quí lại kiếm chuyện mà nói không ngớt, hỏi thăm Mỹ coi những người hồi trước thân thiết với cha bây giờ ai còn mất, rồi dặn Sen ngày mai sẽ làm tiếp những việc gì, tính dọn dẹp chung quanh nhà cho sạch sẽ, sửa chữa cửa ngõ lại cho coi được, rồi sẽ lo tới phía sau vườn đặng qua mùa mưa mà trồng khoai trồng bắp. Quí nói chuyện tự nhiên với chị, với em, không nói động tới Thị Mùi nữa, làm như không kể có chị ta ngồi đó.
                              Ăn cơm rồi, Quí rủ Sen đi ra lộ chơi. Anh em đi lên, đi xuống nói chuyện. Quí chăm chú giảng giải em về tư cách con người ở đời phải tu tâm dưỡng tánh, phải tập ăn ở cho ngay thẳng, trong sạch, hiền lành, biết phân biệt phải quấy, hay dở, cao thấp, đặng tránh cái quấy, cái dở, cai thấp. Phải lo làm cho tròn phận sự đối với thân danh, đối với gia đình, đối với xã hội, đối với đất nước. Được giàu hay là chịu nghèo cũng vậy, phải biết thương người, phải ham làm việc, đừng thèm tham lam, đừng ham xa hoa, đừng sợ cực nhọc, đừng chịu dua nịnh.
                              Người quen trong xóm ai thấy Quí cũng mừng, rồi hỏi về bao giờ, mấy năm nay đi đâu, làm việc gì, làm ăn có khá hay không. Quí vui vẻ trả lời với mọi người, cứ nói đi khắp xứ, làm ra đồng nào ăn hết đồng ấy, nên không khá mới trở về đây.
                              Trong mấy ngày sau, Quí cũng hiệp với Sen và chú Tiền mà cuốc cỏ hoang bang đất trong vườn, không nới ra khỏi nhà.
                              Thị Mùi cũng không đi đánh bài. Nhưng lục đục ở nhà được ba bữa chị ta bực tức quá, mà không nói ra được đặng xả hơi cho bớt giận.
                              Một bữa, lối nửa chiều, chị ta bận áo đội khăn mà đi. Quí ngó thấy, nhưng làm bộ như không hay, biết mẹ ghẻ đi giờ đó là đi than phiền với người quen về sự con ghẻ hỗn hào ngang ngược, chớ không đi đánh bài.
                              Thiệt quả Quí định trúng ngay. Thị Mùi ra chợ Càng Long ghé nhà cựu Hương quản Đề, là nhà chị ta thường tới đánh bài. Hôm nay thiếu tay nên gầy sòng không được, nhưng có Sáu Trừ với Tư Tàu đương ngồi nói chuyện với chủ nhà. Mấy người thấy Thị Mùi bứơc vô thì hỏi lăng xăng, người hỏi tại sao để chiều mới ra, người hỏi mấy bữa rày đi đâu mà vắng mặt. Thị Mùi ngồi bí xị rồi thở dài mà nói:
                              - Thằng Quí đó nó về nó kiếm chuyện nói xóc óc, làm cho tôi giận tôi nằm trong nhà chớ có đi đâu.
                              Vợ Hương quản Đề hỏi thằng Quí nào. Thị Mùi mới kể chuyện Quí về mấy bữa rày làm giông làm gió, trợn trạc rầy thằng Sen sao lo không làm ăn gì hết, cứ đá gà đá banh. Nó lại bắt lỗi bắt phải, dạy dại dạy khôn tới chị ta, nó nói, tại chị ta làm cho cha nó mang nghèo, mắc nợ, phải bán hết ruộng đất. Nó làm phách, đòi làm chủ nhà thờ và hương hoả, cả nhà đều phải tùng quyền nó, phải lo làm ăn, không ai được phép đi chơi, nhứt là đánh bài, đá gà. Nó nói ai không chịu phục tùng nó, thì cất nhà riêng mà ở rồi thong thả muốn làm gì thì làm, chớ ở trong nhà nó thì không được chơi bời nữa.
                              Hương quản Đề nói:
                              - Cha chả! Thằng Quí nó về nó muốn đuổi bà đa. Nó đi ở bồi mười mấy năm nay coi bộ nó khá hay không?
                              - Khá giống gì. Thấy có cái giỏ mây nhỏ. Còn ăn bận thì như cu ly.
                              - Vậy mà đi đâu làm chi?
                              - Tôi ghét tôi không thèm hỏi.
                              Sáu trừ nói:
                              - Nếu Quí buộc gắt, bà Bồi hết đi đánh bài được, chợ mình bị thiệt hại, vì mất hết một tay bài.
                              Tư Tào nói:
                              - Quí là con ghẻ, nó có quyền gì mà cấm không cho bà Bồi đánh bài?
                              Thị Mùi nói:
                              - Ý nó nói, như tôi muốn đi đánh bài thì đi chỗ khác mà ở, nó không cho ở trong nhà nó. Mấy bà con nghĩ coi nó ngang ngược đến bực nào. Cha nó cưới tôi về đó. Cha nó chết thì tôi ở đó mà phụng tự. Vợ chồng ăn ở có con, chớ phải cặp xách gì hay sao mà nó đuổi tôi được, tôi không thèm đi đâu hết. Tôi ở đó với con tôi, đặng đi đánh bài chơi. Nó giỏi, nó đi kiện tôi tới đâu nó kiện .
                              Hương quản Đề nói:
                              - Không được đâu bà. Tôi thấy bà thất thế rồi. Bà cự không lại đâu. Bà làm bạn với ông Bồi, tôi nghe nói hồi đó làm sơ sịa, không có lập hôn thú. Ông Bồi mất, chớ chi bà có hôn thú thì bà là kế mẫu của các dòng con, bà được ở nhà thờ, được góp huê lợi hương hỏa mà cúng ông bà. Bà không có hôn thú, thì thằng Quí là trưởng nam nó phải ở nhà thờ ăn hương hoả. Huống chi lúc ông Bồi gần chết tôi nghe nói ổng có mời làng đến lập di chúc để nhà thờ và hương hỏa cho con trai trưởng nam nữa. Thế thì bà với thằng Sen không thể nào tranh nỗi với thằng Quí đâu.
                              Thị Mùi nghe như vậy thì bủn rủn, nên thở dài mà than:
                              - Thiệt hồi ổng cưới tôi, không có lập hôn thú. Tôi có dè ngày sau có chuyện rắc rối như vầy đâu mà bắt ổng làm. Còn lúc ổng bịnh nặng, ổng có mời làng đến lập tờ gì đó tôi không biết. Chớ chi tôi biết, tôi xin ổng biên trong di chúc để nhà thờ với hương hỏa cho tôi thì xong quá.
                              Sáu Trừ nói:
                              - Đâu mà được bà! Có phép nào mà để hương hỏa nhà thờ cho đàn bà, nhứt là có con trưởng nam sờ sờ đó. Để cho thằng Sen cũng không được. Vậy bà phải nhịn. Nếu bà cự thì bà thua. Thầy Hương quản biết luật bà hỏi thầy thử coi.
                              Hương quản Đề tiếp nói:
                              - Tôi đã nói không có hôn thú thì thất thế rồi. Chúng đuổi phải đi, không cãi lẽ gì được mà cãi.
                              Thị Mùi ngồi buồn hiu, thấy Sáu trừ nói với Tư tào về, chị ta cũng từ giã vợ chồng Hương quản mà về.
                              Ăn cơm chiều, Thị Mùi bắt đầu đổi thái độ, khởi nói êm ái với Quí, biểu Quí làm ơn tập dùm cho thằng Sen biết công việc trong nhà, rồi dạy nó trồng dưa, đậu, cải, cà, nhờ miếng đất lớn, nếu trồng cho giáp, thì bán lấy lợi xài không hết.
                              Quí biết mẹ ghẻ ra chợ hồi chiều nghe người ta bày biểu sao đó, nên xuống nước mới dã lã làm quen.
                              Anh ta biết mẹ ghẻ đã biết lỗi, mình không nên làm oai nữa, nên cũng lấy lời dịu ngọt má đối đáp.
                              Thấy hổm nay thằng em đã sợ nên biểu đâu làm đó; bây giờ mẹ ghẻ cũng nể không dám đánh bài, vậy mình nên lấy chữ hòa mà dìu dắt cả hai trở về đường phải, cần gì mà làm hùm làm hổ nữa.
                              #15
                                Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 24 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9