Hãy quan tâm đến nhau trong cuộc sống.
Huyền Băng 03.02.2006 19:18:04 (permalink)
Những người bạn,

Quận Bình Thạnh, một quận nằm giáp ranh với các quận trung tâm thành phố cách một cái cầu Sắt, một cái cầu Bông, xưa gọi là tỉnh Gia Định. Bây giờ có dịp đi lại đọan đường từ quận Bình Thạnh ra Trường Đua Phú Thọ quận 10, tôi thấy sao mà xa dìu vợi. ấy vậy mà ngày xưa bạn tôi vẫn thường đạp xe từ đó vào thăm tôi, chiếc xe mini bánh nhỏ lọai model đạp hòai không thấy tới! Bạn tôi dáng người mỏng mảnh nói theo hồi đó gọi là “mi nhon”, cái trán dồ bướng bỉnh được che sau những sợi tóc cắt ngắn phía trước. Một cái đầu cực kỳ thông minh với ngọai ngữ, nhưng cực kỳ chậm tiêu với những con số. Chúng tôi có một thời gian ngắn sống bên nhau vì làm chung một cơ quan, và không biết điều gì khiến chúng tôi thân thiết với nhau mà dù xa nhau bao nhiêu năm, cách nhau mấy vạn dặm tình bạn vẫn luôn thắm thiết .

Cơn bệnh trái gió trở trời luôn gây khó khăn cho tôi, nhưng không hiểu sao khi nhận được tin bạn về thăm tôi, cơn bệnh hình như tan biến. Tôi cảm thấy như người khỏe hẳn ra, và hăng hái, vui vẻ hơn. Tôi đếm từng ngày bạn về nước, . .




Ngày đó, chúng tôi phải làm xa nhà, nên được cơ quan cấp cho chỗ ở. Mỗi phòng 5 đứa con gái, hai phòng là mười đứa, xử dụng chung một toilet ở cuối hành lang. Tôi và bạn kê hai giường sát bên nhau. Ban đầu chúng tôi 5 đứa hùn tiền nhau lại để đi chợ nấu cơm cho đỡ mất thời gian. Vì nấu bằng bếp điện nên rất lâu, đứa nào rảnh việc thì về sớm lo nấu cơm trước . . . lúc đó chúng tôi tình thân như chị em ruột thịt. Tuy nhiên, mỗi người một ý, cuối cùng chỉ còn tôi với bạn ăn chung với nhau, tôi thì tiết kiệm, đi chợ ăn tàm tạm thôi, tôi mua gì bạn ăn nấy, ngược lại bạn đi chợ thì hay mua thức ăn ngon, nhưng đặc biệt là tôi hỏi bao nhiều tiền để đưa lại, bạn không bao giờ nhớ rằng bạn đã mua bao nhiêu dù mới vừa đi chợ về. Tôi bán tín bán nghi, không biết bạn có quên thiệt không hay là không muốn mình quan tâm! Nơi chúng tôi sống là vùng duyên hải nên vào những ngày hè gió đứng, không khí khô rất nóng nực – rin rít làm sao ấy thật là khó ngủ. Hai đứa khiêng hai cái giường ra ngòai sân thượng để ngủ. Buổi sáng hai đứa dậy sớm bới cơm dỡ vào lon guizgoz đến sở ăn trưa. Những hôm bận rộn vì công việc, chúng tôi không ăn và chiều lại trên đường về hai đưa thả ra biển vừa ngắm biển vừa bù đấp cái bao tử. Mỗi đứa một hộp cơm ngồi ở mỏm đá này nhìn trời hiu quạnh xong lại lê sang mỏm đá khác, đứa nào cũng im lặng, thỉnh thỏang chỉ nói với nhau một vài câu gì đó thôi. Chúng tôi rất tôn trọng sự riêng tư của nhau, chỉ khi nào người kia nói thì người nọ nghe thôi. Lâu lâu chúng tôi lại mĩm cười nhìn nhau và nói: nếu có ai đó theo dõi tụi mình chắc là mệt chết vì không hiểu chúng mình đang làm gì, hẹn hò với ai. Cả hai đều mang tâm sự, những tâm sự khó giải bày và chỉ cần ngồi im thả tâm sự mình theo sóng biển, theo gió, theo mây để thấy lòng thanh thản.

Tôi thuộc lọai người năng động, nên nóng tính. Bạn thì hơi thụ động, nên cũng mềm mõng dễ thương. Có lẽ tôi thương cái mềm mõng của bạn. Hôm đó, vào khỏang 7 giờ tối, khi mọi người đã về phòng. Người thì lo tắm giặt, kẻ thì lo nấu cơm. Bổng một tiếng thét lớn làm chúng tôi rụng rời kinh hải. Tiếng thét phát ra từ phòng bên cạnh. Chúng tôi kéo nhau chạy ùa vào phòng này. Một bạn nữ trong đám chúng tôi với gương mặt tái mét mặc dù còn son phấn trang điểm sau ngày làm việc, bạn ấy đã hốt hoảng thét lên trong lúc nằm nghỉ lưng trên giường. Cả bọn ùa vào hỏi:

- Gì vậy Kim Thu?

Thu lắc đầu không đáp, một lúc sau hòang hồn bạn ấy mới kể rằng; Hồi nảy đi làm về mệt định nằm nghỉ một chút rồi mới thay quần áo nấu cơm. Nhưng vừa nhắm mắt thiu thiu thì thấy một gương mặt to bằng cái nia, dí sát, dí sát, trông ghê rợn lắm, thế là bạn thét to lên. Cả đám con gái hoang mang, náo lọan cả lên, Ngọc Thúy một chị tám trong nhóm liền đi xuống nhà thu thập tin tức. Sau đó Ngọc Thúy cho biết là vì trước đây chỗ này là khách sạn, và phòng chúng tôi ở có một cô gái tự vẫn nên thỉnh thỏang cô ấy vẫn về. Chị Liên lớn hơn tôi nhiều, ởcùng phòng với tôi. Chị nói:
- Băng ơi, chị sợ ma lắm. Như vầy nữa đêm làm sao mà dám đi một mình vào toilet!

Tôi cười:
- Ma cỏ gì đâu mà chị sợ, thôi chừng nào muốn đi thì cứ kêu em dậy, em sẽ đi với chị.

Thế là chị yên tâm.

Cuối tuần đó, mọi người cùng về Sài gòn, bạn tôi ở lại vì phải làm overtime cho hết việc. Tôi là người đạo công giáo, nhưng bạn tôi thì không. Và đây là một tỉnh nhỏ, nên thánh lể buổi sáng chỉ có một vào lúc 5 giờ - tôi thường đi thánh lể sớm đó. Bạn tôi bảo tôi:

- Sáng mai Băng đi nhà thờ kêu Thanh dậy đi chung nha!

Tôi cười đáp:
- Ủa theo đạo hồi nào vậy?

Bạn tôi lỏn lẻn cười:
- Thanh không dám ở nhà một mình đâu?

Tôi cười cười gật đâu đáp:
- Ừ thì ngủ đi, chừng nào Băng dậy Băng kêu.

Trời vào lúc 5 giờ thì còn hơi tối, nhưng thêm mười, hai mươi phút nữa thì đã rựng sáng rồi. Tôi dậy sớm rón rén thay quần áo để yên cho bạn ngủ, tôi nghĩ: khi tôi đi chừng 10 phút là trời sáng, bạn có giật mình thì đã sáng choang rồi, chắc không có gì để sợ, và tôi yên tâm đi lể. Thế nhưng tôi vừa hé cửa phòng bước ra ngòai thì bạn đã chổi dậy với quần áo sẳn sàng từ đêm hôm . . . và đi theo tôi. Tôi không thể nhịn cười được vì cái cô ma nào đó làm bạn tôi hỏang vía. Đi ngang toilet bạn tôi làm vệ sinh sơ xịa rồi hối hả theo tôi cho kịp lể.

Bạn là người rất chậm lụt trong việc sửa sọan, chúng tôi thường phải chờ đợi bạn rất lâu (cả tiếng đồng hồ), nhưng hôm nay cô ma đã giúp bạn tôi làm việc rất nhanh chóng đến tôi không thể ngờ, và trong thánh lể đứng cạnh bạn nghĩ đến cái nhanh nhẹn của bạn khi theo tôi ra cửa mà tôi không thể ngăn mình cười.

Tan lể, tôi nói với bạn:
- Sao mà Thanh nhát quá vậy. Ma cỏ đâu mà sợ, chắc tại Kim Thu mệt quá mơ màng thấy bậy bạ thôi.

Bạn tôi lắc lắc cái đầu bướng bỉnh và ngỏn ngỏen cười:
- Đi với Băng cho chắc ăn!

Ngày Chúa Nhật trôi qua, bạn bè lại đông đủ đi làm. Chị Liên lại bảo tôi:
- Băng ơi, nữa đêm nếu cần đi toilet chị kêu Băng nghen?

Tôi lại vui vẻ đồng ý. Tôi hiểu mỗi người có một yếu điểm, và yếu điểm đó khó mà khắc phục được, chỉ có giúp đở nhau thôi. Cũng như tôi rất sợ chuột., tôi còn nhớ, có một lần tôi đang ngồi lẳng tẳng với chiếc đàn ghitar, một con chuột cống từ sau lên đứng dưới chân tôi ngóc mỏ nhìn lên, con chuột đen thui, chắc phải là chuột bố mẹ gì đó, lòai đông vật nhìn thấy mềm mềm, đuôi dài thậm thượt, miệng nó chu lên nhót nhét như nói gì hay đang hát không biết, cặp mắt thì lúc nào cũng long lanh nhìn mình như tò mò, như thắc mắc, con chuột ở dưới đất đuổi mãi không đi thế thì tôi phải đi, tôi đi từ ván qua bàn, rồi chuyền lên ghế, và cuối cùng thóat ra ngòai cầu viện. Cũng chính vì vậy tôi rất thông cảm sự sợ hải của người khác.

Tối hôm đó, tôi đang ngủ. Tôi cảm nhận có một người với mái tóc dài đứng bên đầu giường tôi, khom xuống như kêu tôi, tôi đóan là chị Liên. Mắt tôi vẫn nhắm nghiền và tôi hỏi:
- Liên đó hả Liên? Chờ em một chút. Tôi không thể ngồi phắt dậy khi đang ngủ, vì như vậy rất mệt. Sau khi định thần tôi ngồi dậy và kêu Liên đi. Nhưng, Liên vẫn nằm ngủ ngon lành ở bên kia giường cách tôi 6 bước! Vậy là ai?

Tôi cứ mãi nghĩ về cái bóng ấy, chẳng lẽ có họ thật sao? Họ muốn cho tôi biết rằng có họ chớ không phải không? Tôi cũng bắt đầu hơi sờ sợ, nhưng tôi nghe người ta thường nói: “đức trọng thì quỉ thần kinh”, và tôi hy vọng mình không làm gì quấy quá để mấy người ấy hỏi tội.

Tôi lại tiếp tục giữ chùa vào ngày chúa nhật. Tôi phải tiết kiệm tiền xe về để mua thức ăn gởi về cho gia đình, trong nhà có ai làm gì ra tiền đâu trong thời buổi đó. Anh tôi thì làm trong một xí nghiệp cuối tháng trừ tiền ăn chỉ còn có 5 đồng, không đủ nuôi vợ nuôi con, thì làm sao tới ba mẹ của tôi. Và niềm vui của tôi lúc rỗii rãnh ở đó là chà sàn nhà, rửa toilet cho cả nhóm. Có lẻ bạn tôi thương tôi vì tôi vui vẻ làm những chuyện cực nhọc mà không ai bắt làm. . . Chúng tôi có những chúa nhật rất vui, đèo nhau qua những đường gập ghềnh quanh co của bãi biển, hái những cánh hoa rừng dọc theo ven đường và ngồi xuống bãi cát hay ghềnh đá hát những bài ca mà mình yêu thích.
“Một chiều cuối tuần mưa bay lất phất và mây trắng giăng,
Anh đến thăm em và vì mưa mãi nên không kịp về . . “ đấy là bài “Huyền thọai chiều mưa”
Và mơ mộng về một hòang tử đến thăm, hay “Những đồi hoa sim” một bài ca tình tuy áo não nhưng không ai là không thích!. chúng tôi cả cẩm và thả hồn trong gió.

Tại sao tôi lại không kể đên ba người bạn nữa, đó là Nga, Ngọc và Mỹ Hòan. Đây là ba người bạn cũng rất dễ thương. Mỹ Hòan cao ráo như người phương Tây, bạn có đôi mắt hóm hỉnh, một nụ cười thật hiền hòa, và giọng nói như chim hót. Tôi với bạn không làm chung phòng, không ở chung, nhưng sao cũng cũng rất mến nhau. Bạn thường đến rủ chúng tôi đi chung một đọan đường, bạn thường mua những mẫu bánh croisant nóng hổi đưa cho tôi, những mẫu bánh rất thân tình vì sợ tôi làm việc quá sức lại quên ăn. Chúng tôi ở lầu tư, tôi nghe :
- Băng ứa ừa, là tôi biết Mỹ Hòan đến đón chúng tôi. Tôi đi cạnh Mỹ Hòan như số 0 đi cạnh số 1, tôi muốn nói chuyện với bạn tôi phải ngước nhìn lên, hơi mỏi, nhưng rất vui.
Tối tối khi rảnh rổi, tôi và Thanh thả bộ qua khu tập thể của Mỹ Hòan để chơi, và chúng tôi có những trận cười giòn giả với bộ ba Nga – Ngọc – Mỹ Hòan (ba bạn cùng phòng).

Câu chuyện tôi không thể quên đó là chuyện: “Biến thành sứa” .
Nga kể:
- Mi biết hôn, bửa đó ba đứa tao đi ra biển tắm, tụi tao thấy sứa nhiều quá, sứa nổi lềnh bềnh khắp mặt biển. Có lẻ con sóng đã đưa từ đâu đến. Tao nhớ lóang thóang là con sứa người ta vẫn ăn được. Thế là ba đứa lặn hụp vớt một đống sứa đem về.
Tôi hỏi:
- Các bạn có biết làm sứa không mà dám vớt sứa đem về.

Nga nói:
- Thì thấy nó trắng trẻo, sạch trơn, đâu có gì bẩn đâu. Nên đem về rửa sạch cát, sắt thành từng cục, từng cục rồi luộc lên.
Tôi nhớ có một lần mẹ tôi nói:
- Con sứa rất độc, nếu đụng phải nó thì mình sẽ bị ngứa ghê lắm! Nhưng nó có thể ăn được với điều kiện phải biết cách làm . . . (đến bây giờ tôi vẫn chưa biết cách).

Tôi nghe Nga nói đem về cắt cục cục, rồi nấu lên ăn, tôi không tưởng tượng được cái cảm giác ngứa ngáy đó nó như thế nào. Tôi hỏi:

- Thế rồi ăn có ngon không?

Cả bọn cười ngặt nghẻo.

Ngọc nói:
- Mỗi đứa mới ăn có một cục, bỏ vô miệng thấy nó lành lạnh, dai dai, nhai mà nghe ghê ghê nhưng cố nuốt vào thấy nó làm sao ấy, muốn trợn tròng trợn trắng. Đứa này nhìn đứa kia, cuối cùng biểu quyết đem đi đổ hết. Cả ba lại cười rúc ríc.

- Tụi này đổ vào thùng rác, và thấy một con chó đến bươi thùng rác để ăn. Tôi hôm đó cả ba nín thở chờ nghe tiếng chó tru. Nếu chó mà tru lên thì sáng ba đứa chắc cũng biến thành sứa thôi.

Mỹ Hòan mang cái đàn tranh ra dạo vài khúc, tôi ngâm vài ba câu thơ , vui làm sao?

Những hôm đi biển có Mỹ Hòan, Mỹ Hòan là một tay bơi cừ khôi, tôi thì lại chẳng biết gì chỉ biết hụp hụp và đập bụp bụp, Ngọc cũng vậy. Thế là Mỹ Hòan bợ phía sau ót tôi nhấc bổng tôi lên trong nước để tôi tập đạp nước. (Mỹ Hòan cao hơn tôi 3 tấc) chúng tôi đi cạnh nhau giống như một bức tranh tiếu lâm làm vui phố phường những ngày tháng ấy. Những ngày tháng bên nhau rất là vui vẻ.

Tôi về Sài Gòn trước họ, tôi để lại cho Thanh, bạn tôi một bức tượng thạch cao của Đức Mẹ bế Chúa Giê Su hài đồng để bạn yên tâm và bạn luôn giữ bức tượng đó.

Chúng tôi chỉ là những nhân viên hợp đồng tạm, nên lần lượt rồi cũng về Sài Gòn hết, và chính những ngày tháng ấy tôi mới hiểu tình cảm của bạn bè giành cho mình quý giá làm sao. Mặc dù không còn sống chung, làm chung nữa, mỗi người một nơi, nhưng những người bạn ấy vẫn cọc cạch trên chiếc xe đạp tìm đến tôi trong những giờ rảnh rổi. Mặc dù hòan cảnh sống của họ, công việc của họ còn nhiều việc cần thiết để làm nhưng họ vẫn không quên tôi.

Giòng đời trôi, kéo mỗi người một ngả. Thanh đã cách tôi một phần tư trái đất, và Mỹ Hòan thì không xa nhưng không hề gặp nhau. Tôi nhớ Thanh, nhưng biết ngàn dặm quan san dễ gì tao ngộ; nhưng Mỹ Hòan thì chẳng mấy cây số mà sao . . ?. Thỉnh thỏang ngồi ôn lại những kỷ niệm cũ, tôi cảm thấy vui vui rồi buồn buồn. Có lẽ Mỹ Hòan đã quá thành công trong cuộc sống và quá bận rộn với công việc với gia đình nên không còn thì giờ nhớ đến người bạn cũ này nữa. Hay mình đã làm gì bạn giận mà mình không biết?

Tình cờ một ngày đó, Nga liên lạc với tôi, rủ tôi đến nhà chơi. Nga bảo rằng có cả con sứa Mỹ Hòan nữa. Tôi háo hức đến đó, tôi mong gặp bạn để xem coi sự thể ra sao? Tôi đến nhà Nga trước, Nga vẫn năng nổ như thuở nào, vẫn ăn nói đốp chát nhưng thành thật, nhà Nga, một ngôi nhà tương đối thơ mộng nằm ở ngọai ô. Chồng Nga là một chuyên gia nghệ thuật, ngôi nhà được thiết kế rất xinh xắn, với một gian nhà trước trưng bày tranh ảnh. Một gian nhà sau làm bếp và đi một đọan mới đến một căn chòi làm nơi vui thú bạn bè. Ngồi trên chiếc xích đu bên hong nhà chuyện gẩu tôi hít những không khí trong lành trong khu vườn nhà Nga với đủ thứ giống cây. Nào là dâu tầm ăn Đà Lạt, nào là seri Vĩnh Long, Xòai cát Hòa Lộc, nhãn, . . nói chung cây nào cũng có vài cây, thật là thú vị. . .một bầy gà đang bươi gốc tre . . chờ cần thiết thì được ví vào nồi. Dựa vào bờ rào bạn trồng những đồi cỏ nho nhỏ trông rất xinh xăn. Tôi tận hưởng cái không khí êm ả trong lành này và mơ màng ước gì mình cũng có một chốn như thế. Nga có chiếc xe hơi cà tàng, và bạn thường lái đi khắp nơi tha từng chậu kiểng ở vùng xa về. Bạn kể có một lần bạn đi về Vĩnh Long, giữa đường, chiếc xe khô nước bốc khói, phải cho nó uống đở soda và sau đó phải kiếm o garage gần đó đẩy vào thì mới về được. . .(tuy là con gái, nhưng là con gái của một ông chủ sửa chữa ô tô ngày trước, nên sửa những vặt vãnh trên xe là chuyện nhỏ của Nga) Một chiếc xe hơi đổ xịch trước cổng nhà Nga, Nga bảo sứa Mỹ Hòan đến đó; tôi nhìn ra, bạn xuống xe vẫn cái dáng người mẫu 1 mét 8, một đứa trẻ khỏang 7 tuổi nhảy xuống, và sau đó một đưa bé khỏang năm tuổi được bế xuống và lần đi trên đôi chân được nẹp bởi những vòng sắt. Bé bị bại não, Nga nói với tôi. Tôi bàng hòang, tôi ân hận quá, tôi đã nghĩ sai về bạn mình. Tôi cố giữ gương mặt bình thường như đã biết, nhưng trong lòng vô cùng xót xa. Tôi nghĩ đến tâm trạng bạn tôi khi vừa sanh con ra và biết rằng nó bị bại não, tôi nghĩ chắc có lẽ lúc đó trời đất như đổ ấp xuống bạn, vậy mà mấy năm rồi tôi nào hay biết gì. Bạn tôi phải làm một người mẹ vô cùng vất vả, vất vả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Tôi không giúp gì được cho bạn, cũng không thể an ủi bạn, vì trong tình huống này sự an ủi chỉ làm cho người ta buồn thêm thôi. Thế là tôi thinh lặng để chia sẻ. Chúng tôi ngồi bên nhau kể lại những kỷ niệm thời xa xưa, nhưng mọi người không còn cái nhí nhảnh, cái vô tư của thời tuổi trẻ nữa mà tất cả đều có cái trầm tư riêng. Thế rồi chúng tôi chia tay ai về nhà nấy, nhưng lòng tôi thì cứ canh cánh nghĩ đến bạn. Tôi muốn gọi điện đến thăm bạn, nhưng tôi nghĩ có cần thiết không hay chỉ làm bạn thêm phiền phức. Và nhiều lần suy nghĩ tôi đành thôi. Hãy để những vết thương nằm yên thì nó ít đau hơn là khới lên.

Thanh, bạn tôi đã về. Gặp bạn tôi mừng quá, tôi ôm bạn hôn. Điều mà đối với người Việt hình như không xảy ra. Và với người phương Tây thì chỉ hôn gió thôi. Tôi hiểu, bạn rất quan tâm đến tôi và gia đình tôi, ngược lại tôi biết rằng mình rất thương bạn. Chúng tôi rủ nhau đi chơi biển, để ôn lại những ngày xa cũ. Bây giờ không còn là đôi bạn nữa, mà là đôi gia đình. Tất cả chúng tôi bên nhau thật kỳ thú, thật vui nhôn, cái miệng nào cũng banh ra hết cở cho niềm vui thóat ra từ đó một cách thỏai mái. Chúng tôi đi dạo trên bãi biển, chúng tôi không nói với nhau nhiều, chỉ hỏi thăm nhau những gì cần hỏi thôi rồi đi bên nhau trong im lặng như ngày xưa. HÌnh như sự gặp gỡ đã là niềm vui, là sự đầy đủ không cần phải bày tỏ. Những ngày chúng tôi đi lại là ngày mưa, chúng tôi không thể ra ngòai dạo được lâu, tưởng là mất vui nhưng không: tám mạng người dồn vào một phòng chất lên một cái giường nói chuyện tiếu lâm, chồng của bạn tôi nói:
- Tôi không biết Việt Nam, nhưng tôi yêu vợ tôi, thế là tôi yêu gia đình vợ tôi và tôi yêu Việt Nam. ..
Một câu nói đáng được suy nghĩ:
- Nếu yêu chồng hay vợ mình, hãy yêu gia đình chồng hoặc vợ và yêu nơi mà người ấy chôn nhau cắt rún.
Chúng tôi chuyện cười nghiêng ngả đến khuya rồi mới chịu ai về phòng nấy, Ngày trôi qua quá nhanh. Hai chúng tôi ngồi bên nhau, nghĩ lại những khốn khó ngày xưa mà ơn lạnh. Nhớ đến cái cảnh mà tôi phải bê chiếc xe đạp từ dưới đất lên lầu tư cất mỗi lần hai đưa đi làm về . . nhớ đủ thứ. . .và vui vì những ngày khốn khó đã qua.

Buổi sáng ở biển rất êm ả, sóng như nhẹ nhàng hơn, gió như dịu dàng hơn và bầu trời mang một chất gì đó làm cho lòng mình cảm thấy vô cùng thanh tịnh. Chúng tôi thức dậy sớm, bước ra bãi để xem những người dân chài lưới cá. Một tốp người hơn chục, trải ra giăng lưới, họ dầm mình dưới giòng nước lạnh từ lúc 3 – 4 giờ khuya và từ từ rút lưới. Khỏang cách ban đầu họ mở lưới đường kính chắc cũng phải 50 – 70 chục mét, chúng tôi đứng đó, ngắm nhìn họ làm việc. Trời bắt đầu sáng tỏ, lưới đã được gom dần cho đến lúc cạn. Đám người kéo hì hụt kéo mẻ lưới vào bờ. Hiếu kỳ, chúng tôi cũng đến gần họ. Hàng trăm mét lưới vô cùng nặng nề khi ở dưới nước và đến lúc lôi lên phải khéo léo để xổng cá. Cuối cùng thì mẻ lưới cũng được lên bờ, đến bên họ chúng tôi hởi ôi! Trong mẻ lưới đa phần là rác, vạch mãi trong rác mới có hơn chục con cá. Nhìn đám người, nhìn rổ cá, chúng tôi thấy đời vẫn còn muôn vàn khốn khó. . .

[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/9684/C3888EB21C8848EDBE1D89251939D61C.JPG[/image]

Cuộc họp rồi cũng phải tan, bạn cùng gia đình trở về vùng băng tuyết. Tôi ở lại với những kỷ niệm vừa được hâm nóng. Thỉnh thỏang nhớ lại những ngày đi chơi vui vẻ đó tôi cười một mình. Bạn lại gọi điện cho tôi, hai đứa tâm sự, cuộc sống của bạn ở nơi xứ lạ quê người đầy dẩy khó khăn, công việc thì bấp bênh, chi phí ăn ở thì rất cao tôi lo lắng hỏi bạn:

- Thế tiền nhà mỗi tháng bạn phải tốn bao nhiêu?

Bạn tôi nói:
- Thanh không nhớ nữa; và bạn quay qua hỏi chồng:
- Anh ơi, mỗi tháng mình phải trả bao nhiêu tiền nhà!
Như vậy đúng là bạn tôi không bao giờ nhớ đến con số dù con số đó bao lớn. Một người chỉ đảng trí với con số mà thôi, còn tình yêu sự quan tâm thì không bao giờ quên - thật là đáng yêu!

HB
<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.08.2006 14:52:20 bởi Huyền Băng >
Attached Image(s)
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9