Món ăn từ măng của đồng bào miền núi Nghệ An
deplao 07.02.2006 03:36:57 (permalink)
0
Ngoài gạo ra, trước kia là gạo nếp, bây giờ là gạo tẻ, thức ăn cơ bản của bà con các dân tộc miền núi Nghệ An là măng. Lúc nào cũng măng, trong bữa ăn, không măng tươi thì măng khô. Măng là món ăn thông thường, dân dã, nhưng biết cách chế biến và có nhiều gia vị, cho đúng gia vị đối với từng món thì càng ngon.


Ở xứ Nghệ có câu: “Cá sông Giăng, măng chợ Cồn” hay “Cá sông Giăng, măng chợ Chùa”. Chợ Cồn và chợ Chùa đều ở huyện Thanh Chương là những nơi bán nhiều măng, nhất là măng trúc, khá ngon. Đâu phải Thanh Chương có măng mà các huyện miền núi đều lắm măng.

Người Thái thường ăn các món từ măng:

Măng ăn sống: Măng ăn sống có hai loại: măng đắng và măng ngọt. Thứ măng củ được đào lên, gọt vỏ, rửa sạch, thái miếng, chấm với mắm thối, mắm chua hoặc với ruốc. Lúc đầu thật khó ăn, nhưng ăn đôi ba lần, quen miệng, thấy ngon nữa là khác. Gia vị chỉ có ớt, lá phắc cụt.

Măng nấu với nhái: Nhái bắt về, mổ bụng, lấy ruột, rửa sạch. Nếu là măng củ thì thái thành từng miếng to bằng ngón tay, nếu là măng ống thì xé nhỏ bỏ vào nồi nấu với nhái. Bà con thường nấu với măng củ chua. Gia vị cũng chỉ là mắm thối, mắm chua, hoặc ruốc, ngoài ra có ớt cay, lá lốt, lá xương xông… Đến khi ăn, múc lên bát, ta vẫn thấy nhái ôm măng. Thực ra là trong khi nấu, măng và nhái quấy lộn với nhau, măng quấn nhái, trông như nhái ôm măng. Măng đã hút hết chất tanh của nhái, nhái giòn lắm, vả lại nhái bắt ở sông suối nên nhái thường ăn rêu đá. Du khách lên miền núi, quý trọng lắm mới được bà con đãi bữa ăn có món măng như vậy. Bạn cứ thử một lần thưởng thức món măng nấu với nhái của người miền núi, món ăn ngon bên ngọn lửa ấm áp thủy chung sẽ không phụ lòng bạn.

Măng nấu với các loại tôm, cá: Ca dao có câu: “Cá đồng nấu khế, cá bể nấu măng”. Tiếng Nghệ gọi biển là bể. Cá bể kho mặn thường kho với măng khô. Cá nấu giấm thường dùng măng hơi chua. Nấu với cá bể nhất là cá nục, cá bạc má thì măng hút chất bổ, chất béo của cá; ăn măng cũng ngon.

Bà con miền núi bắt cá ngạnh nguồn ở sông suối. Cá ngạnh nguồn chẳng lấy gì làm ngon, nhưng nấu với măng giang, thứ nọ chi phối thứ kia, điều hòa với nhau. Khi nấu, măng sẽ hút chất tanh của cá, cá hút vị chua, vị đắng của măng, nên ăn ngon. Tất nhiên là biết cách nấu và có nhiều gia vị: mì chính, bột canh, ớt… ca dao có câu ca ngợi món măng nấu cá ngạnh nguồn:

“Măng giang nấu cá ngạnh nguồn
Đến đây ta phải bán buồn mua vui”.

Măng nấu canh thịt vịt, thịt gà: Canh măng là món ăn không thể thiếu của người Thái. “Kim khầu bo mi canh cắp”, ăn cơm mà không có canh kèm thì buồn lắm. Bắt con gà hay con vịt làm thịt, bà con lấy bộ lòng và hai đùi luộc cho trẻ con. Người già bảo rằng: lúc còn con nít (lúc trẻ) ta đã được ăn rồi. Cái đầu và cái cổ luộc cùng với lòng và đùi để dành cho người già trong nhà; còn bao nhiêu nữa chặt nhỏ, bỏ nấu canh măng. Khi nấu, cho vào một nắm gạo. Nấu chín, bắc ra, bỏ gia vị như trên, rồi lấy bát múc đều. Bữa ăn có bao nhiêu người, kể cả khách, múc bấy nhiêu bát. Khi ăn, bát của ai người ấy ăn, rất hợp vệ sinh. Chỉ có đĩa muối trong đó có một số quả ớt là mang tính cộng đồng. Không có măng tươi có thể nấu với măng khô và cũng chế biến như vậy. Ngoài trời đang mưa, cả nhà ngồi ăn với bát canh măng nấu thịt vịt bốc khói nghi ngút, một cảm giác thật hạnh phúc và đầm ấm biết chừng nào.

Đàm Thị Chúc
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9