Thơ Lê Vũ Hùng
yeutholvh 07.02.2006 12:40:16 (permalink)
Tập “Thơ Lê Vũ Hùng”: Hai giọng điệu - một tâm hồn
Thứ ba, 1/6/2004, 07:37 GMT+7

Lần đầu tiên tôi nhận một tập thơ mà không có chữ ký tặng của tác giả, đó là tập “Thơ Lê Vũ Hùng” vừa do Sở Giáo dục - Đào tạo Đồng Tháp ấn hành, vì tác giả đã qua đời. Vì vậy, khi cầm tập thơ trong tay, một niềm xúc động tự nhiên dâng trào. Tôi nhớ về Lê Vũ Hùng thời còn là học sinh ở Sóc Trăng, khi là Chánh văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Đồng Tháp, rồi Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo. Để kỷ niệm 1 năm ngày mất của anh, nhà thơ Trần Quốc Toàn, tạp chí Thế Giới Mới, từ nhiều tháng trước đã đi nhiều nơi vận động những người quen biết Lê Vũ Hùng viết về anh cho một quyển kỷ yếu. Quyển sách ấy chưa phát hành, thì tập “Thơ Lê Vũ Hùng” như một nén nhang thắp nhân kỷ niệm ngày giỗ thứ nhất của anh trong những ngày đầu tháng 6 tới.

“Thơ Lê Vũ Hùng” gồm có hai phần, thể hiện hai giai đoạn thơ và được sắp thứ tự theo thời gian sáng tác của anh. Vì thế nó giúp ta cảm nhận được thế giới nội tâm của anh qua các thời kỳ sống cũng như cho thấy sự “chín” dần lên của từng bài thơ về sau của anh. Nếu như bài “Người em Mỹ Xuyên” sáng tác đầu tay (?) lúc 16 tuổi - năm 1968, cho đến bài “Gửi người em hậu chiến: sáng tác năm 1973, ta thấy một Lê Vũ Hùng của thời cắp sách đến trường: học tiểu học ở Phong Điền (Cần Thơ) quê nhà, trung học ở Sóc Trăng và đại học ở Cần Thơ. Đó là thời Lê Vũ Hùng mới bắt đầu đến với thơ trong nhóm Khuôn mặt học trò (Sóc Trăng), là “Chút trần tình” với bè bạn, với tình yêu và cuộc đời. Thời kỳ này, Lê Vũ Hùng có thơ đăng báo không nhiều, nhưng vẫn tạo được một vị trí nhất định trong lòng bè bạn. Là học sinh nên ngôn ngữ, cách diễn tả trong thơ của Lê Vũ Hùng, cũng như các bạn trẻ khác khi tập tễnh làm thơ, đều chưa được “cứng tay”. Ta thấy ở đó phảng phất phong cách của Thơ mới, và qua thơ Lê Vũ Hùng, thỉnh thoảng người đọc còn thấy âm hưởng của một nhà thơ người Rạch Giá: Kiên Giang - Hà Huy Hà. Đó là giọng điệu giản dị, chân chất, đáng yêu của người đồng quê Nam bộ, tạo cảm tình với những con chữ hiền hậu, dễ thương: héo queo, buồn hiu, buồn thiu, mút đường, quèn... Cũng như khá nhiều người tuổi trẻ làm thơ lúc bấy giờ, ngoài những dòng thơ tình, Lê Vũ Hùng cũng có khá nhiều bài tỏ rõ thái độ của mình trước cuộc chiến tranh phi nghĩa do Mỹ - ngụy gây nên. Điều mà lúc ấy người ta gọi là “thân phận - tình yêu và chiến tranh”...

Bặt đi thời gian, mãi đến khoảng 1990 tôi mới được đọc bài thơ “Bộ nhớ” của Lê Vũ Hùng trên tạp chí Thế giới mới. Tôi hoàn toàn bất ngờ vì giọng điệu thơ anh đã hoàn toàn đổi khác. Đó là một Lê Vũ Hùng trưởng thành trong thơ ca. Vài năm sau, tôi còn có dịp đọc một hai bài thơ gì đó của anh trên tờ nội san của Sở Giáo dục - Đào tạo Đồng Tháp, khẳng định suy nghĩ của tôi về thơ anh. Bây giờ, qua phần “Nỗi nhớ” trong “Thơ Lê Vũ Hùng” (16 bài) tôi càng thấy điều mình suy nghĩ là đúng: Lê Vũ Hùng đã tiến một bước dài trên con đường thơ mà anh rất đỗi yêu thích. Tuy nhiên, anh hiếm khi gửi thơ đăng báo, cho nên ít người biết đến có một Lê Vũ Hùng làm thơ. Những bài thơ giai đoạn sau này của Lê Vũ Hùng gây xúc động mạnh trong người đọc vì ngoài việc thể hiện ý tứ sâu sắc còn được diễn tả xúc động một cách kỹ thuật. Ta vẫn thấy một Lê Vũ Hùng khiêm nhường nhưng đầy tình cảm với các bạn đồng nghiệp quanh mình, với những con người anh gặp, những người bạn mà anh hằng quý trọng, những nơi chốn anh đã đi qua... Đó là một Lê Vũ Hùng chân chất của một con người Nam bộ đáng yêu!

“Thơ Lê Vũ Hùng”, tập thơ mỏng nhưng sao nặng quá nghĩa tình - nghĩa tình gặt được từ những mùa tình cảm mà Lê Vũ Hùng (1952-2003) đã gieo trước đây.

PHÙ SA LỘC

(Báo điện tử Cần Thơ)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 03.03.2006 05:16:09 bởi yeutholvh >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9