Tình người...
Huyền Băng 20.02.2006 20:01:38 (permalink)
Bài học về đức nhân ái .

Thời đó trường tôi bên ngòai thì có lao công làm vệ sinh, nhưng trong lớp thì học sinh phải chia nhau trực lớp. Mỗi bàn trực một ngày, khi reng chuông, tất cả các học sinh ra khỏi lớp và bàn trực nhật ở lại quét dọn về sau. Hôm đó vừa reng chuông xong, một bạn cùng lớp thò tay vào học bàn lùa một đống vỏ đậu phọng xuống đất. Lúc đó Linh mục dạy chúng tôi môn tóan chưa ra khỏi lớp, thế là ông kêu bạn ấy lên bắt sè tay ra khẻ cho mấy roi đau điếng. Bạn ấy bảo rằng trước sau vì lớp trực nhật cũng quét nhà nên bạn ấy lùa xuống cho các bạn quét. – Ngài ấy bảo, hành vi này là thiếu đức nhân ái. Không phải cứ thấy người khác quét rác là lại tóe thêm rác xuống cho người ta cho người ta quét cực thêm một chút, thay vì bỏ rác vào một cái túi đem bỏ vào thùng. Những chuyện tuy đơn giản, nhưng nếu không được dạy dỗ thì nó hình thành một nhân cách xấu. . .

Có một lần, tôi đi đường ngang một cái cống, một đứa bé cầm một hợp cơm ăn đứng bên cạnh là cha hay chú gì đó. . . sau khi ăn xong, đứa bé cầm hợp đựng cơm nhét xuống cống, người thân đứng cạnh nó thản nhiên coi như đó là một hành vi hợp lý nhưng tôi thì rất bức xúc, tôi liên tưởng đến hình ảnh những người công nhân móc cống mà tôi đã từng chứng kiến. Chúng ta, trong công việc nhà thỉnh thỏang phải dùng tay bóc một cái gì đó hơi dơ bẩn một chút ai cũng gơm gớm nhón tay, thậm chí có người cũng không muốn bóc. Thế nhưng cái cống với bao nhiêu chất thảy dơ bẩn chảy vào đó, và vì những hành vi thiếu ý thức như thế, làm cống bị nghẹt, một con người như tất cả mọi con người, phải chui xuống với chiếc lưng trần, với chiếc quần cụt, để múc từng xô rác. Họ đứng đó, hít thở không khí hôi thối đó, khi không còn chịu đựng được, họ đi lên và người bạn của họ lại xuống thay. Có ai nghĩ được sự hôi thối mà người ấy phải chịu đựng khi chui vào ống cống đó không? Khi múc xong cống, người công nhân ấy đi lên đầu cổ đầy những bùn xình của cống. Với những chiếc xe đạp cọc cạch, họ làm gì có đủ thời giờ để quay về những xóm hẽm heo hút nơi họ ở, để tắm rửa nghỉ ngơi; họ rửa ráy quấy quá đâu đó để ăn trưa, buổi cơm với mùi bùn xình còn lẩn quất đâu đó? Tôi nghĩ, nếu không có những cái ba vớ vất bừa xuống đó, công việc của họ chắc đở phần vất vã hơn.

Tôi mong ước nền giáo dục có những buổi giảng dạy thực tế hơn về văn minh đô thị, về lòng ái mà con người cần phải có từ những đứa trẻ mới đến trường cũng như những học sinh lớn, để khi chúng sống trong xã hội sẽ không bao giờ thực hiện những hành vi như thế.

Tôi lại nghĩ đến một đọan phim trong đài truyền hình, có tính cách cảnh báo như : cứu cứu, vì rác ảnh hưởng đến con em.Tôi thấy còn mơ màng quá, chưa đi sâu vào nhân bản. Một thóang suy nghĩ, tôi ước gì mình là một phóng viên của đài truyền hình tôi sẽ đi quay một phóng sự về những cảnh như thế này, cảnh những người vứt rác bừa bãi khắp nơi nhất là vào cống, rồi tôi sẽ quay cảnh một đội vệ sinh đi hốt cống. Tôi sẽ phỏng vấn coi tại sao họ phải hốt, một điều ai cũng biết nhưng lại chưa được nói một cách quảng bá trên đài. Tôi sẽ phỏng vấn những công nhân cảm giác của họ khi xuống cống, những bệnh nghề nghiệp mà họ phải chịu trong quá trình làm sạch đô thị. Đồng thời, phỏng vấn những người đi đường, những trẻ em quanh đó hỏi xem có ai muốn xuống dưới cống đó không dù cho một món tiền tương đương với một ngày công. Và tôi nghĩ với những đọan phóng sự như thế này thường xuyên chiếu trên màn ảnh nhỏ, sẽ đánh thức lòng nhân ái của con người đang bị ngủ quên . . .
<bài viết được chỉnh sửa lúc 14.08.2006 16:03:53 bởi Huyền Băng >
#1
    Huyền Băng 30.03.2006 16:15:05 (permalink)
    Đám tang


    Bao nhiêu năm rồi nhỉ? Chắc cũng phải hơn 30 năm, tôi không bao giờ quên được nỗi cảm xúc của mình khi nhìn bà mẹ nức nở bên quan tài con. Nỗi đau thương giành cho con như được đè nén xuống, nhưng không được rồi vụn vỡ ra. Cái nỗi đau chân thành làm ai cũng bùi ngùi rơi lệ. Và chính nỗi nhớ này làm tôi không thể quên tên anh: Tạ Ngọc Điệp, anh chỉ mới 24 tuổi thôi anh là một sĩ quan không quân ra trường hơn 1 năm thì đại bàng gảy cánh. ..Nói làm sao hết cái nỗi đau của người mẹ, của người cha và gia đình thân quyến khi tiễn một đứa con thân yêu ra đi trong cái tuổi còn xanh với một tương lai đầy hứa hẹn. Căn nhà rất rộng rãi, nhưng đám tang diễn ra rất im lặng, trầm buồn, thỉnh thoảng mới có một vài khúc nhạc được trỗi lên theo nghi thức của quân đội. Tôi đến dự đám tang và cảm thấy mình cũng bị chìm vào cái khung cảnh đau thương ấy. Ngày tiễn anh đến nghĩa trang, với không khí thật trang nghiêm với bạn hữu hai bên dàn chào, người mẹ im lặng bước theo thỉnh thoảng gọi tên con nho nhỏ : Điệp ơi, Điệp ..như muốn níu kéo cái hình hài, cái thể xác mà bà đã từng tạo dựng cũng như nâng niu vun đấp. Cái nỗi đau rất thật không cần phải gào thét, phải kể lể . .

    Không biết có phải lúc đó tôi còn quá nhỏ để ít khi phải dự những đám tang hay không? Và sau này khi tôi thật sự trưởng thành tôi phải chứng kiến những cảnh mà tôi thấy hình như phải bỏ đi trong những ngày tang lễ: Một bà cụ già trong xóm bảo người vợ chồng mới vừa chết rằng: - mày phải khóc to lên, phải gào lên khi thày tụng, khi khách khứa đến viếng,! Ôi điều đó có cần không nếu trong lòng người vợ không có chút gì tiếc nuối người chồng vắn số của mình. Sự thương tiếc là tự ở trong tâm, sự thương tiếc là do bản thân mình suy nghĩ và nuối tiếc. Sự thương tiếc được hướng dẫn như thế biến đám tang thành một màn kịch khiến người tham dự mất một phần nào cảm xúc. . .và không còn ý hướng chia xẻ.

    Trong lúc tang gia bối rồi, một người hàng xóm bảo tang chủ: Thầy tụng sắp đến rồi, phải lấy cho thầy một khăn ướt lau mặt, hãy đi pha cho thầy một ly nước chanh, có thuốc “ba số” không, bỏ ra đĩa sẳn đây mời thầy hút! Và nhớ bỏ bao thư sẳn cho thầy đấy. Có lộ liểu quá không? Có mua thần bán thánh quá không? Nếu tang chủ nghèo không tiền bỏ bì thư thì thầy không tụng giùm và linh hồn sẽ không siêu thoát sao?

    Quan hệ giữa người chết và người sống trong lúc tẩm liệm là quan trọng nhất, vì đó là giây phút cuối cùng mà mình còn nhìn thấy được người thân. Dù lúc sống có hờn giận nhau, có buồn phiền nhau thế mấy chăng nữa, đứng trước cái giây phút cuối cùng đó không ai là không nuối tiếc. Đối với những người thân yêu, mình muốn nhìn cho thật kỷ, muốn giữ mãi cái hình ảnh sau cùng đó cái nắm tay đó cái vuốt mắt đó để rồi không bao giờ có thể sờ, nắm, vịn, hay nhìn thấy lại dù chỉ một lần. Do đó dầu xa xôi cách trở con cháu vẫn cố gắng quay về, và người thân vẫn cố gắng mở nắp quan tài chờ đợi. Thế nhưng, ông thầy bảo tuổi này kỵ, tuổi kia kỵ, và tuổi nọ cũng kỵ. Và người chết được tẩm lịm mà không có người thân chung quanh vì ai cũng kỵ . Tất cả đều ra hè đứng, và chỉ còn bà con xa, lối xóm chứng kiến cái cảnh đóng nấp quan, cái đó là cái thật sự vô phúc của người đã khuất, người ta con cháu từ mọi nơi xa đều về để nhìn mặt. Con cháu mình đầy nhà nhưng đứng ở ngoài kia. Người chết thì đã chết mấy mươi năm, nhưng con cháu thì cũng chẳng khá hơn mặc dù sợ kỵ phải tránh mặt.

    Trước năm 1975 ở thành phố Sài Gòn, thoảng hoặc lắm mới có một đám tang với kèn trống. Vì đội kèn trống thời đó tương đối là chính quy, và mời rất tốn kém. Gia đình nào khá giả lắm thì mới mời được đội kèn trống đến để tiễn quan. Còn đội nhạc cổ thi đa số là những gia đình gốc Miền Bắc, tham gia những hội tương tế, lúc thân nhân mất thì có đội kèn trống cổ của hội đến tạo không khí trang nghiêm khi cúng bái. Nói chung cũng tốt. Tuy nhiên, sau 1975, những đội kèn trống chính quy thì không thấy đâu nữa, mà chỉ thấy những anh chàng tập tểnh thổi kèn, tập tểnh đánh trống. Mạnh ai nấy thối, mạnh ai nấy đánh, đánh theo kiểu thuộc lòng và thích bài gì thì hoà tấu bài đó không cần phân biệt bài nhạc có thích hợp với khung cảnh đám tang không? Tôi đang ngồi trước nhà, một đám tang sắp sửa đi ngang qua, theo thói quen mà tôi được học lúc còn nhỏ ở trường, tôi phải nghiêm trang đứng lên ngã mũ chào người đã khuất. Nhưng trớ trêu thay đi theo đám tang là một dàn nhạc tây và ban nhạc thổi bài “Wan ta na mê ra”, cậu thanh niên trông mặt rất trẻ, cầm que điều khiển ban nhạc vừa đi vừa tung hứng que điều khiển, vừa xoay người biểu diễn chụp bắt, cứ ý như là đang xiếc, ban nhạc vừa đánh trống vừa thổi kèn, vừa hô hê đệm theo những những dấu chấm của động tác biểu diễn mà thanh niên điều khiển trẻ kia đang làm, trẻ con bên đường bu nhau coi anh chàng đó biểu diễn và không còn nhớ rằng đang có một linh hồn vừa qua đời và cần một chút ngậm ngùi tiễn đưa. . .Những sự việc chướng tay gai mắt như thế tưởng ai cũng phải thấy! Nhưng không, sau đó tôi vẫn thấy có nhiều đám tang cử hành tang lễ và mời những ban nhạc như thế? Đặt mình vào địa vị người chết – nếu tin rằng có linh hồn đi theo quan tài đó tôi nghĩ họ rất ngậm ngùi chán nản.

    Với kỹ thuật hiện đại, nhà nào bây giờ cũng có ampli, micro, dàn máy . Khi nhà có đám tang lại mời ban nhạc đến, mở ampli thật to, và tối đến thì xúm nhau ca hát như ngày hội..? Từ đầu hôm đến sáng. Họ đang buồn hay vui? Tất cả những việc này hình như nghịch lý. Ngày xưa, đất rộng nhà thưa, những nhà chịu tang rất hiu quạnh, đàn trống làm cho không khí bớt lạnh lẽo. người canh đám cũng bớt sợ . . Ngày nay, thành phố chật ních, người chen chúc người, nhà chen chúc nhà. ..Để không khí bớt phần lạnh lẽo, ban nhạc chỉ cần đàn vừa đủ nghe, hay có hát hò gì đó cũng là những bài hát nhằm ca ngợi hay tiếc thương công đức người chết . .. có vậy mới không làm hỏng cái không khí trang nghiêm thương tiếc cần có của gia đình đối với người đã qua đời.

    Một đám tang nghèo cô độc, với một chiếc xe tang củ kỷ, với le hoe vài người đưa tiển đúng là buồn thật . Nhưng một đám tang rình rang, cờ xí ùm trời, kèn trống bát nháo, người đưa thật đông nhưng cười nói toe toét liệu có đáng cho gia chủ hãnh diện hay không?

    Có những phong tục tập quán cần được duy trì để nền văn hoá dân tộc luôn được bảo tồn, nhưng có những hủ tục nên bỏ đi để con người sống một cách chân thật hơn, tình cảm hơn. Đừng biến cái buồn mất mát người thân thành một màn kịch, hay một tiệc vui, hoặc một cơ hội khoe khoang kịch cởm. Hãy tiễn đưa người qua đời bằng nỗi lòng thương - mến – tiếc của người sống chớ không bằng quan hệ ngoại giao để đi theo sau quan tài vừa nói vừa cười. ….

    HB
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 14.08.2006 16:15:02 bởi Huyền Băng >
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9