BẾN LỠ - Nguyễn Minh Ngọc
AWMY 21.02.2006 09:48:01 (permalink)
Biết tôi chuẩn bị ra Bắc đi dự trại viết, mẹ tôi nhắc:
- Con nhớ thu xếp tranh thủ tạt ù về thăm quê thắp cho các cụ nén hương, tiện thể ghé coi thử cô mày sống chết ra làm sao. Tao thấy tụi bay đứa nào cũng ưa theo đuổi ba thứ hư danh phù phiếm. Khéo rồi mồ cha không khóc rồi lại đi ôm tỏ mối con ơi!
Tôi giật mình. Mấy năm nay cứ lần lữa mãi nên tôi chưa một lần về thăm quê cha đất tổ, thăm cái mảnh làng thoi thóp nằm cạnh bến sông Lam cứ trồi trụt sau mấy mùa nước lụt. Lời nói nhẹ nhàng như gió của mẹ bỗng trở thành cơn lốc xoáy trong lòng tôi suốt dọc hành trình trên chuyến tàu Thống Nhất. Tới ga Vinh, thay vì nhảy lên ô tô bus đi tuốt xuống mạn biển Cửa Lò, tôi bắt xe ôm chạy về bến đò Phù Thạch.
Về làng, sau khi tới nhà thờ họ bái tổ và ra nghĩa trang, tôi lội bộ xuống cuối làng thăm cô Nguyện. Chiều đông muộn, những vạt nắng ngày rước sầm uất làm vậy mà giờ đây chỉ còn lưa thưa vài chục nóc nhà. Cũng phải thôi, ba phần tư đất làng giờ đã nằm gọn dưới đáy sông rồi.
Ngôi nhà giống như cái ốc đảo nằm giữa ba bề bốn bên là luỹ tre gai dằng dịt, đầu ngõ hai cây duối già lù lù như hai gã hộ pháp trung thành ứng trấn giữ rước cửa đền. Đang ngơ ngác ngắm nhìn, thì bất ngờ một con chó đen nhức từ đâu hồng hộc lao thẳng vào tôi. Nếu không kịp nhảy dựng lên thủ thế thì chắc hẳn đã bị nó đợp cho một miếng nên thân. Lối sủa nhấm nhẳn của nó rất khó chịu, coi bộ chẳng hiếu khách chút nào. Từ trong hiên nhà bỗng nhô ra một cái đầu bạc.
- Mực! Khôn nào!
Người đàn bà bước nhanh qua bậu cửa, tất tưởi quên cả xỏ dép. Đúng cô Nguyện rồi. Rất dễ nhận ra cô bởi dòng họ nhà tôi tuyền những người bạc tóc sớm, chẳng hiểu vì sao. Chưa lới sáu mươi mà trông mái đầu của cô tôi dễ lầm với một bà lão. Sững lại trong giây lát, cô Nguyện đưa tay lên dụi mắt như để nhìn cho rõ hơn.
- Dạ, chớ ông hỏi ai ạ?
Cái dáng vẻ ngỡ ngàng của chủ nhân cho thấy hình như đã lâu lắm không có một vị khách lạ nào đặt chân tới ngôi nhà cô liêu này.
- Cháu lỡ độ đường, nhà ta còn chỗ nghỉ chân không ạ.
Nghe giọng nói, cô Nguyện liền nhìn xoáy vào mặt tôi rồi thảng thốt.
- Trời đất ơi! Ai như thằng Sáng phải không? Đi dâu mất đất giờ mới vác mặt về lại còn tính trêu cô hả...
Cô cười mếu máo, nước mắt tự nhiên giàn giụa trên gương mặt héo hon. Cô cầm tay kéo tuột tôi vào nhà. Con chó mực hậm hực chạy vòng quanh gầm gừ. Để tôi ngồi một mình trên bộ ván ngựa bằng gỗ lim kê giữa nhà, cô Nguyện vội vã đi xuống bếp. Lát sau cô trở lên với bình tích nước và một bát khoai xéo còn bốc khói. Cô chép miệng phân trần "Hồi sáng nghe con chim khách loét choẹt ngoài vườn, cô nghĩ là hắn ghẹo mình nên cầm đất ném đuổi chớ. Tội nghiệp chưa?".
Mùi khoai xéo thơm ngòn ngọt, làm sống dậy ký ức tuổi thơ tôi. Quê tôi nghèo, đất bãi lúa gạo ít nhưng ngô khoai đậu lạc thì lúc nào cũng sẵn. Khoai lang thu hoạch về được chọn lựa đem rửa sạch rồi cắt lát phơi khô, cất kỹ trong chum vại. Lúc nấu thường phải dùng đũa cả xéo qua xéo lại cho tơi đều nên dân làng quen gọi là khoai xéo. "Ăn đi cháu, ăn cho nóng sốt rồi uống nước chè xanh". Cô Nguyện giục giã, tay cầm cái quạt nan rách tướp phe phẩy đuổi ruồi. Xúc miếng khoai đưa lên miệng, tôi suýt nghẹn mấy lần.
Là con út của ông Tình, cô Nguyện kêu ông bà nội tôi bằng bác. Hai nhà liền ngõ bên nhau. Trong làng, ông Tình là một thợ cày nổi tiếng về sự tằn tiện và nóng nảy. Từng chứng kiến nạn đói khủng khiếp năm ất Dậu, nên hễ con cháu đứa nào phí phạm từ hột cơm đến mẩu khoai là ông tế liền. Một bận nhân có ấm chè xanh vừa nấu, bà nội tôi trêu ông Tình sang nhà cùng uống. Mẹ tôi bưng một rá củ dong riềng lộc ra mời. Thấy lũ con nít chúng tôi tranh nhau bới lựa, đã thế khi ăn lại còn lột bỏ vỏ, ông Tình nóng mắt chửi liền:
- Tổ cha bay, ăn sang như Tây. Coi chừng đói rã họng, trắng mắt bây giờ...
Và ông thản nhiên cầm lấy một củ non có lắm nhánh đưa lên miệng cắn ngang ăn một cách ngon lành. Một đời cầm cày tay chai cứng mảng tựa như vai trâu, nhưng đến già người lực điền này vẫn hận vì làng không có đủ ruộng cho ông cày đã đời. Trong nhà, ông Tình là vị chúa tể, chẳng ai dám trái lời.
Lớn lên bên cạnh một người cha như vậy, nhưng trời lại phú cho cô Nguyện sự dịu dàng đầy nữ tính. Khi các anh chị trưởng thành ra ở riêng, cô đảm nhận việc chăm nom phụng dưỡng cha già trái tính mà không một lời than vãn. Học xong lớp 7, cô Nguyện ở nhà sản xuất. Khỏe mạnh, nết na lại thạo việc đồng áng, cô có vẻ đẹp thuần hậu của một người lao động. Làng trên, xóm dưới đã có bao kẻ rắp ranh dòm ngó, nhưng cô tôi chưa nhận lời một ai.
Dạo ấy, trong số trai làng theo đuổi cô Nguyện có một người thổi sáo rất hay và giỏi bơi lội như rái cá. Đó là anh Hà dáng đấp cao ráo, vạm vỡ, gương mặt rất đàn ông. Không biết tự bao giờ bến sông trở thành nơi tụ tập của cả làng và là chốn gặp gỡ của đôi lứa. Cứ chiều tà, lũ con nít chúng tôi lại lùa trâu về thả cạnh bờ sông chơi đánh trận giả. Chán chê thì kiếm quả bưởi ném xuống mặt sông cũng là lúc bến nước đầy ắp tiếng cười. Người gánh nước, kẻ tắm táp giặt giũ. Cánh đàn bà, con gái cứ túm tụm vào một chỗ, ấy vậy mà chốc chốc lại có cô la oai oái. Thì ra lúc xuống nước, các cô gái thường lấy quần dài đem quấn quanh bụng theo kiểu đóng khố. Đây chính là cơ hội trời cho đối với đám thanh niên chưa vợ. Lúc ở trên bờ đôi nào có tình ý với nhau bạo dạn lắm cũng mới chỉ dám đầu mày cuối mắt và đôi câu bóng gió nhưng khi đã xuống nước thì tình thế trở nên khác hẳn.
Có một thứ luật bất thành văn thế này, ở dưới nước mọi người được quyền thả sức đùa giỡn. Một khi nhận biết được dấu hiệu đồng tình nơi cô gái nào đó, thì anh con trai phải tìm cách tiếp cận để dẫn đối tượng tách ra chỗ khác. Điều khó khăn là làm cách sao để xác định cho đúng vị trí của bạn gái mình giữa đám đông dưới nước. Sau khi bơi lòng vòng người con trai phải lấy hơi để lặn một mạch tới chỗ bạn gái. Thường các cô gái cũng hết sức tinh quái, hễ thấy các chàng trai bắt đầu lặn là họ lại bí mật đổi chỗ cho nhau. Do vậy, người con trai phải cố quan sát để phát hiện cho đúng. Chết nỗi là ở dưới nước thân hình người con gái nào chẳng mĩ miều nên các chàng trai rất dễ bị quáng. Một khi đã tìm đúng đối tượng họ phái trổ hết tài ba lựa thế ôm eo cô gái và kéo ra xa. Quá trình ấy người con trai được quyền chiêm ngưỡng "tòa nhiên nhiên" dưới nước. Những kẻ nhát hít thì đành ngậm ngùi chịu trận. Chàng nào làm được cái việc chinh phục ấy có khi chỉ dăm bữa nửa tháng là gia đình đã có thể mang trầu cau tới chạm ngõ nhà gái.
Mất cả tháng trời với không biết bao lần lặn sủi bong bóng Hà mới tóm được Nguyện. Sau một hồi vùng vẫy đến mệt lử, cô đành quy phục và ngoan ngoãn chịu để người con trai dìu ra khỏi đám đông đang hò reo, chọc ghẹo. Họ sóng đôi bơi đứng chầm chậm. Hai cơ thể trẻ trung tràn trề sinh lực cứ áp sát vào nhau cơ hồ như tan vào dòng nước. Bến sông trở thành nơi lưu dấu cho mối tình của họ.
Cái tin chú Hà trúng tuyển bộ đội và làm lễ ăn hỏi cô Nguyện chẳng mấy chốc loang nhanh khắp làng. Bàn dân thiên hạ gật gù "Đẹp đôi lắm!". Đám cưới của hai người được tổ chức liền ngay sau đó. Bấy giờ, cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đã lan rộng ra khắp miền Bắc. Hai người ăn ở với nhau đâu chừng được chục ngày, nghĩa là chưa kịp quen hơi bén tiếng thì đôi lứa đã phải xa nhau. Chú Hà lên đường nhập ngũ. Từ nơi huấn luyện tân binh, đơn vị chú hành quân một mạch vào thẳng chiến trường. Cái mầm sống trong cơ thể cô Nguyện bắt đầu tượng hình và lớn dần theo ngày tháng. Đây đó có những cặp mắt nhìn cô vẻ dò xét xen lẫn tia giễu cợt. Đúng chín tháng sau cô sinh hạ một bé trai bụ bẫm, kháu khỉnh. Đó là thằng Quân bây giờ. Càng lớn nó càng giống chú Hà như hai giọt nước. Điều ấy khiến cho những kẻ lắm mồm bớt điều đơm đặt.
Là vợ bộ đội, cô Nguyện tham gia các hoạt động đoàn thể thanh niên, phụ nữ và cả dân quân trực chiến. Cô giấu tất cả nỗi khát khao mong nhớ chồng vào trong công việc. Nhưng có lẽ càng kìm nén thì ngọn lửa bên trong càng sôi réo, âm ỉ. Được kết nạp Đảng, cô Nguyện trở thành một điển hình nên thường được đi đây đi đó báo cáo, hội họp. "Gái một con trông mòn con mắt". Dẫu không tự ý thức về nhan sắc của mình nhưng đi tới đâu cô Nguyện cũng nhận thấy ánh mắt ve vuốt của đàn ông. Cô sởn gai ốc và chỉ muốn quay về ôm con nằm ngủ cho quên hết sự đời.
Thằng Quân lên năm tuổi thì cô Nguyện thành góa phụ. Hai mươi ba tuổi, cô đã đội lên đầu vành khăn trắng. Hôm xã làm lễ truy điệu chú Hà, cô ngất lên ngất xuống không biết bao lần. Theo ngày tháng ghi trong giấy báo tử thì chú Hà hy sinh đã được ba năm trong một trận đánh tàu chiến của tụi Mỹ ở cảng Cửa Việt. Chú ấy là đặc công nước xuất quỷ nhật thần, bao phen khiến cho kẻ thù phải mất ăn mất ngủ.
Tưởng chừng nỗi đau đớn vô bờ đã quật đổ cô Nguyện. Cô gầy xọp, mắt thâm quầng, lóc rối bù như búi tre gai sau cơn bão. Đã có lúc cô nghĩ quẩn tính lao đầu xuống bên sông chết quách cho rồi, bởi thiếu chú Hà thì cuộc đời cô đâu còn ý nghĩa. Nhưng cứ nhìn đứa con bé bỏng, nhìn bố mẹ chồng già nua lúm cụm là cô lại chùn bước. "Không! Bằng giá nào cũng phải cắn răng mà sống để thay anh ấy nuôi dạy con và chăm nom bố mẹ già". ý nghĩ ấy như sợi dây neo trần gian buộc người góa phụ trẻ với cuộc đời.
Nhưng, họa vô đơn chí. Nỗi đau còn chưa kịp nguôi ngoại thì ông Tình đột ngột ra đi sau một giấc ngủ dài. Một cái chết nhẹ tựa lông hồng. Cuối năm lại đến lượt ông bố chồng quy tiên. Dân làng bảo ấy là hai ông già cùng rủ nhau đi tìm con trai, con rể. Trong những ngày đau buồn ấy, có một người đàn ông luôn kín đáo tìm cách động viên an ủi cô Nguyện. Đó là anh chàng Lâm ở xóm trước đang giữ chân thủ quỹ của hợp tác xã, ông chủ của một gia đình toàn thị mẹt. Vì mắt trái bị ruột hến nên anh ta có biệt danh Lâm lơ. Thoạt đầu cô Nguyện cũng chẳng để ý, chỉ thấy Lâm có cái vẻ chân thành tội nghiệp. Khác với những gã đàn ông sàm sỡ, miệng lưỡi khoác lác, Lâm thường biểu hiện tình cảm qua con mắt lành lặn.
Khi tấm áo hoặc mảnh lụa, lúc đồng quà tấm bánh, cứ thế dần dà Lâm lơ tìm được chỗ trú ngụ trong lòng người đàn bà góa trẻ. Đã có lời qua tiếng lại xì xào nhưng thảy đều được Lâm hợp thức bằng câu nói cửa miệng: "Ôi dào, miệng thế gian như làn sóng bể... Lại ghen ăn ghét ở đây mà. Hơi đâu mà chấp mê!". Sau nhiều lần thư từ hò hẹn từ xa không xong, Lâm lơ quyết dấn tới bằng cách áp sát. Anh chàng biết rằng đàn bà họ chỉ giỏi phòng thủ từ xa, chớ với lối đánh gần thì luỹ thành nào cũng sụp đổ. Cô Nguyện càng lánh mặt thì càng xui khiến Lâm liều lĩnh. Một lần, vào buổi chiều Lâm lơ được tin cô Nguyện đi họp phụ nữ trên huyện và sẽ về muộn. Từ trụ sở hợp tác xã, Lâm đạp xe ra phía bến đò kiếm một chỗ ẩn mình trong bãi phi lao vi vút gió. Khi hoàng hôn buông trùm xuống mặt sông cũng là lúc chuyến đò cuối ngày vừa cập bến. Người đàn ông căng mắt quan sát và nhận ra người đàn bà bởi vóc dáng đã in sâu trong tâm tưởng. Cô Nguyện xách túi vốc nước sông rửa mặt, do vậy rớt lại sau cùng. Về đến làng rồi thì chẳng còn gì phải sợ, mặc dầu con đường đất phải len lỏi giữa những bóng cây phi lao chập chùng. Người đàn bà khoan khoái vươn vai hít thở. Chính vào lúc ấy thì Lâm lơ với chiếc xe đạp xuất hiện chắn ngay lối di. Nguyện hốt hoảng la lên: "Ai?". "Là tôi đây, đừng sợ!". Lâm nài nỉ mời cô lên xe để gã đèo một đoạn. Ngần ngừ một lúc, Nguyện tặc lưỡi ngồi lên sau xe của người đàn ông.
Không hiểu do trời nhá nhem hay do tay Lâm cố ý mà chiếc xe đạp loạng choạng sa vào chỗ cát mềm và đổ uỵch ra vệ đường. Nguyện bị vật gì đó đập vào mắt cá chân đau điếng. Lâm lơ vội dìu người đàn bà đặt ngồi tựa gốc phi lao. Lâm rối rít "Có đau lắm không?". Bàn tay người đàn ông nắm bóp xoa xoa quanh mắt cá chân người đàn bà. Nguyện thấy đỡ đau và trong người bỗng dậy lên cái cảm giác đê mê, bởi đôi tay êm ái của người đàn ông cứ rờ lên mãi, bắp chân, đầu gối rồi đùi. Cái cơ thể đàn bà sau nhiều ngày kìm nén giam hãm giống như con thú vờ ngủ say chợt bừng tỉnh rất nhanh. Khi đã nằm gọn trong vòng tay của Lâm, Nguyện chỉ kháng cự được một lúc rồi buông xuôi, thả lỏng. Lâm lơ sùng sục dấn tới, tiếng "đừng anh, đừng anh" lịm dần.
Từ bữa ấy trở đi, bãi phi lao cạnh bến đò trở thành nơi hò hẹn của hai người. Một lần chạng vạng tối, bà Điền đi thăm họ hàng về đò muộn. Lúc ngang qua bãi phi lao, mót quá bà lão tạt vào đi tiểu. Vừa ngồi xuống chưa kịp định thần, bà Điền chợt nhận thấy hai hình nhân trắng lốp đang oằn oại hi hóp trên mặt cát phía trước mặt Cứ ngỡ là ma hiện hình trêu chọc, bà lão thần hồn nát thần tính chạy mất dép. Tiếng đồn bãi phi lao cạnh bến đò có ma giống như vệt dầu loang khắp làng càng khiến cho nơi này đã hoang vắng lại càng thêm u tịch.
Nhưng có một điều mà Lâm lơ không lường hết là cũng vào thời điểm ấy cô Nguyện đã lọt vào tầm ngắm của không ít những đấng mày râu khác. Lắm kẻ tìm đủ mọi cách để tiếp cận, săn đón tán tỉnh người đàn bà góa trẻ xinh đẹp mà theo cách nghĩ của họ là "nóng máy" lắm rồi. Bởi thế nên mọi hành tung của Nguyện đều bị theo dõi, giám sát. Tỷ như hôm nay nàng đi đâu, làm gì, nàng mặc áo xanh hay áo đỏ, gặp ai v.v... Trong số những "vệ tinh" ấy có ông Đình, chủ nhiệm Hợp tác xã. Ông là người cao đạo nên không thể trực tiếp hành xử như cái đám phàm phu kia được. Bởi vậy ông bí mật sai tay chân của mình đi dò la và đưa thư tỏ tình với người đẹp. Chả là trong một trận bom Mỹ giội xuống làng, chẳng may vợ con ông chết hết để lại một mình ông côi cút trên cõi đời.
Là người có địa vị cao nhất trong làng, ông Đình nhận được sự quan tâm lẫn đồng tình ủng hộ từ nhiều phía. Nếu cứ để một người như ông ấy mất thăng bằng trong đời sống tình cảm thì không chừng cả làng mất nhờ. Thế nên cái việc tìm ý trung nhân cho ông chủ nhiệm trở thành một đề tài được nhiều người quan tâm, bàn soạn. Nước không thể một ngày không vua, mà vua thì không thề một ngày thiếu vắng hoàng hậu. Cứ theo luật giải ấy mà suy rộng ra thì việc lựa chọn người nâng khăn, sửa túi cho ông chủ nhiệm Đình là tối cần thiết. Về đối tượng có lẽ không ai thích hợp hơn cô Nguyện. Này nhé, cô ấy vừa là vợ liệt sĩ lại vừa là đảng viên sinh hoạt cùng chi bộ, nêu tác thành được thì đây sẽ là một trợ thủ đắc lực của chủ nhiệm.
Thoạt nghe mấy vị trong Ban chủ nhiệm đặt vấn đề, cô Nguyện cứ nhìn trân trân ngỡ họ đùa. Nhưng ngó kỹ vẻ mặt trịnh trọng của quý vị chức sắc và liên hệ tới những lá thư tỏ tình được viết nắn nót như chữ học trò của ông Đình thì người đàn bà chợt hiểu ra vấn đề. Cô phá lên cười. Thật tình cô chẳng dám ghét bỏ gì ông Đình, nhưng ngược lại cô cũng không mảy may có chút cảm tình nào với người đàn ông vâm váp có gương mặt vô cảm và cặp mắt đỏ kè như mắt cá chày. Cho rằng ả đàn bà góa này thích chết đi được nhưng giả bộ kiêu kỳ bắc bậc, sau giây lát bối rối, một vị trong bọn bèn cười xuê xoa. "Hề, hề... Nói gần nói xa chẳng qua nói thật. Đẹp đôi lắm đó. Rổ rá cạp lại mà được vậy là nhất cô đấy nhá. Còn đòi gì nữa!".
- Vậy, tôi sẽ phải làm vợ ai trong số các anh đây? - Người đàn bà góa cười mỉa mai.
- Cô nói gì mà lạ thế, tất nhiên là vợ anh Đình, à đồng chí Đình - Một người đàn ông giả lả.
- Thế tại sao ông ấy không trực tiếp đến gặp tôi mà lại cử các anh mối lái? Ông ấy có còn là con nít nữa đâu? Thôi xin chào các quán anh, tôi về.
Biết không thể lay chuyển được người đàn bà góa xinh đẹp, ông Đình nổi đóa. "Đồ ngu, một bước lên bà không sướng lại muốn kiếp khố rách áo ôm! Rõ là chó đen giữ mực". Cáu sườn, ông chủ nhiệm đánh tiếng ăn hỏi và cưới phắt một cô gái tân quá lứa lỡ thì làm vợ. Nhưng mối hận với người đẹp vẫn chẳng thể nguôi quên. Nghe đồn gã Lâm lơ đã nẫng tay trên, ông Đình sôi tiết gầm lên "Cái thằng mất dạy. Láo đến thế là cùng! Được, rồi chúng mày sẽ biết thế nào là lễ độ". Ông sai đám đệ tử mật phục hòng bắt quả tang cảnh trai trên gái dưới sẽ đem bêu riếu khắp làng cho bõ tức.
Mấy tay dân quân hăng tiết vịt lúc đầu xem chừng hăm hở ăn gió nằm sương, nhưng bị các bà vợ phát hiện được và tế cho một trận nên thân thành ra ngán ngẩm chùn chân liền. "Thây kệ người ta. Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào. Có họa là giống ngu mới đi rình rập chuyện người ta ăn nằm với nhau". Nhờ vậy mà đôi tình nhân thoát hiểm. Thế nhưng hậu quả của việc ái ân vụng trộm thi vô phương giấu giếm. Cái bụng cô Nguyện ngày càng một lớn cùng với bao lời thị phi, đàm tiếu. Dám làm dám chịu, cô chủ động làm đơn xin ra khỏi Đảng vì tự thấy mình không còn xứng đáng. Lá đơn được những người có trách nhiệm chuyền tay nhau. Ông Đình cười gằn: "Đâu có dễ thế. Đáng đời, cái thứ cơm không ăn lại muốn ăn bùn!".
Cô Nguyện bình thản đón nhận quyết định kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng vì tội hủ hóa. Dẫu biết mười mươi ai là tác giả của cái thai trong bụng người đàn bà góa nhưng các vị chức sắc vẫn cố ép cô khai ra một cái tên để có cớ mà trừng trị cả hai anh ả. Trước sau cô vẫn bướng "Con của Hợp tác". Nghe tin người tình sinh hạ được một thằng cu, gã Lâm lơ tái dại đi vì vui sướng. "Thế là có thằng chống gậy rồi!". Bấy giờ, bên phía gia đình nhà chồng cô Nguyện chia hai phe. Hầu hết cánh đàn bà (chị dâu, chị gái) thì nguyền rủa xỉa xói không tiếc lời. Cánh đàn ông giữ thái độ im lặng. Chỉ riêng bà mẹ chồng thì ôm đầu van vỉ: "Tôi xin các anh, các chị hãy tha cho con Nguyện. Nó sống với thằng Hà số ngày đếm được trên đầu ngón tay rồi bom đạn chia lìa mỗi đứa một nơi. Các anh chị vợ chồng kè kè bên nhau tối ngày, có ăn lạt mới biết thương mèo. Thằng Hà hy sinh vì dân vì nước, từng ấy năm nó câm lặng nuôi con rồi hầu hạ cái thân già này...".
- Mẹ lại bênh con dâu "quý" nữa rồi. Vì mẹ dung túng mà cô ta hư đốn - Người chị gái riết róng - Nhục ơi là nhục!
- Tao chẳng bênh che đứa nào hết. - Bà lão ném miếng bã trầu vào ống nhổ rồi đưa tay lên chùi khóe mép - Đàn bà khôn ba năm dại một giờ. Đằng nào thì con Nguyện cũng lỡ dại rồi, không thương được thì thôi, các anh chị cũng đừng hành hạ nó mà phải tội với trời. Tao còn sống ngày nào tao cấm...
Cuộc sống buồn thảm cứ trôi đi không chút bình yên bởi chiến tranh, bom đạn rình rập mạng sống con người cả ngày lẫn đêm. Cười ba tháng, chẳng ai cười ba năm. Mọi sự rồi cũng qua đi. Mấy mẹ con cô Nguyện lần hồi nuôi nhau, gã Lâm lơ thi thoảng cũng lén lút giúp rập thêm tí đỉnh. Bên phía gia đình tôi chẳng ai nỡ nói gì cô Nguyện nhưng cô vẫn tìm cách lánh mặt người thân. Đến nỗi ngày giỗ cha đẻ cô cũng chẳng dám về mà sai thằng Quân mang gà rượu đến cúng ông ngoại. Những khi bất ngờ gặp chúng tôi trên đường làng cô thường lấy nón che mặt rồi cắm cúi bước đi thật nhanh. Một lần tôi nắm tay cô ngang đường cô chỉ khóc mà không nói năng gì. Sau bữa đó hễ thấy tôi đi chăn trâu hay cắt cỏ cô Nguyện thường kêu vào nhà lúc thì dúi cho củ khoai lang tươm mật, lúc quả ổi, trái chuối. Đặc biệt mỗi khi nấu khoai xéo thể nào cô cũng để phần rồi tìm cách nhắn nhe cho tôi tới ăn kỳ được. Có lẽ chính bởi vậy mà khi lớn lên, dù đi tới đâu tôi vẫn không thể nguôi quên được hình ảnh người cô họ khốn khổ tội nghiệp vò võ một mình bên cạnh bến sông.
- Ngẫm ra trên thế gian này làm thân đàn bà trăm đường khổ nhục cháu à.
Cô Nguyện khép lại câu chuyện vừa kể với tôi bằng một tiếng thở dài. Hình như trút được khối tâm sự lâu nay vẫn giấu kín trong lòng cho nên những nét hằn sóng gió trên gương mặt cô tôi vẻ như giãn ra, nhẹ nhõm. Hẳn nếu không gặp một người biết lắng nghe chắc cô Nguyện phải mang theo câu chuyện xuống tận đáy mồ.
Nghe tôi hỏi về gia cảnh, cô Nguyện cười heo héo, khóe mắt ươn ướt. "Thì cũng lay lắt vậy thôi, ông trời chưa bắt tội chết nên cứ phải sống". Mải chuyện trò, tới lúc này tôi mới có dịp ngó quanh căn nhà trống hoác. Những tấm phên nứa lâu ngày đã ải mục, tưởng chừng chỉ khẽ đụng là sụp luôn từng mảng. Tài sản trong nhà đốt đuốc tìm cũng chẳng thấy có gì đáng giá. Đến cả cái ti vi đen trắng cũng không sắm nổi. Phương tiện duy nhất để chủ nhân có thề liên hệ với thế giới bên ngoài là chiếc đài National cũ mèm, vốn là quà lặng của một người bạn cùng đơn vị với chú Hà trước kia. Cô bảo tuần nào cô cũng nghe đài đọc chuyện đêm khuya. Vài lần nghe truyện của tôi nhưng cô cứ ngờ ngợ không dám tin đó là cháu mình.
Hóa ra cái thằng Quân thế mà tệ, thậm tệ. Càng lớn nó càng căm ghét thằng Tự, đứa em cùng mẹ khác cha với nó. Một phần cũng do thiên hạ nói ra nói vào, thêm vào đó khi đi học bị lũ bạn dèm pha châm chọc nên thằng bé trở nên rất ích kỷ. Trong suy nghĩ hằn sâu trí não thằng Quân thì cô đã làm tủi nhục vong linh cha nó. Bởi vậy, nó nhất quyết không cho cô giữ tấm bằng Tổ quốc ghi công và tấm hình chân dung của chú Hà. Đau lắm nhưng chẳng biết làm sao, bởi cô tự biết mình đâu có xứng với chú ấy.
Thằng Quân đi bộ đội rồi vào học sĩ quan. Ra trường, nó xin về Quảng Trị ngầm nuôi hy vọng là sẽ tìm được hài cốt của cha nó. Nhưng chú Hà hy sinh ở dưới sông, dưới bể thì biết đâu mà tìm. Còn thằng Tự, nó là đứa ngoan và hiếu thảo, biết thương mẹ. Giờ em nó đang học đại học ngoài Hà Nội. Nói để cháu biết, vợ chồng ông Lâm ấy, đúng hơn là cả gia tộc bên đó đã xin phép mang lễ vật sang đây nhận con, nhận cháu đích tôn. Người ta bảo thằng Tự đã làm vẻ vang cho dòng họ bên đó nên xin được chu cấp mọi phí tổn cho em nó ăn học. Cô nói việc đó tuỳ nơi thằng Tự, bởi rốt cuộc rồi máu nào thâm thịt ấy. Đời cô bỏ đi từ lâu rồi, thôi thì mẹ nhục để con vinh cũng được cháu à. Được cái thằng Tự không phải là đứa cố chấp, nó cũng muốn có nguồn gốc rõ ràng để khỏi mang tiếng con hoang. Cô chẳng thể trách ai. Hoàn cảnh bó buộc mà. à, cháu có biết ông Đình chủ nhiệm trước lúc chết bệnh có trối lại điều gì không? "Còn sống trên đời này thì chớ nên gây đau khổ cho kẻ khác!". Thế đấy!
Tôi ngó lơ ra bên ngoài và cảm thấy cái lạnh đang thấm dần vào trong từng thớ thịt. Không gian tịch mịch càng khiến cho hoàng hôn thêm quạnh quẽ. Đâu đó, từ phía bờ sông dội lại một tiếng "oàm" trầm đục, cứ ngỡ như con trâu mộng nhà ai vừa nhào xuống nước vậy. Thấy tôi dỏng tai nghe ngóng, cô Nguyện chép miệng:
- Bữa nay cường con nước, cháu à. Bao giờ cũng vậy, nước lên thì đất lở. Hễ có dịp là cái lão hà bá lại dứt một miếng đất làng mình...
- Vậy mà cô cứ trụ lại rồi xoay xở ra làm sao?
- Ôi dào, cháu khỏi lo. Hết đất thì cô mày xuống sông, kiếm chiếc thuyền neo lại dưới bến theo kiều dân vạn chài. Rồi cô sẽ ra đi trên sông để tìm và tạ tội với chú Hà. Nhưng mà thôi, yên tâm đi còn lâu cô mới chết? Năm sau cháu lại về đây ăn khoai xéo với cô chứ?

Hết

#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9