Sài Gòn - TPHCM
Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 18 bài trong đề mục
Chuột lắc 24.02.2006 10:50:56 (permalink)
Thành phố Hồ Chí Minh

Diện tích: 2.095,2 km²
Dân số: 5.730.700 người (năm 2004) trên thực tế khoảng 8 triệu
Các quận, huyện:

- Quận: Quận 1, Quận 2, Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 6, Quận 7, Quận 8, Quận 9, Quận 10, Quận 11, Quận 12, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú.
- Huyện: Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh.
Dân tộc: Việt (Kinh), Hoa, Khmer, Chăm.



Điều kiện tự nhiên
Lãnh thổ thành phố Hồ Chí Minh có tọa độ địa lý 10º22'13" – 11º22'17" vĩ độ Bắc và 106º01'25" – 107º01'10" kinh độ Đông. Phía bắc giáp Tây Ninh, Bình Dương, phía đông giáp Đồng Nai, phía nam giáp biển Đông và Tiền Giang, phía tây giáp Long An.

Thổ nhưỡng: Đất của thành phố chủ yếu là phù sa cũ và phù sa mới tạo lập nên.

Sông ngòi:
Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có hàng trăm sông ngòi, kênh rạch nhưng sông lớn không nhiều, lớn nhất là sông Sài Gòn mà đoạn chảy qua thành phố dài 106km. Hệ thống đường sông từ thành phố Hồ Chí Minh lên miền Đông và xuống các tỉnh miền Tây, sang Cam-pu-chia đều thuận lợi. Thành phố có 15km bờ biển.

Khí hậu: hai mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, lượng mưa bình quân năm 1.979mm. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm 27,55ºC, không có mùa đông.


Đường Nguyễn Huệ xưa và nay


[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/8565/EFBCF4C79D704243BE6754AAD907EE3D.jpg[/image]

[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/8565/7BA1630DCE1341D7B9CA135E0050AADF.jpg[/image]

[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/8565/B7DF9358E6944D07A996A9944E54FB2B.jpg[/image]
<bài viết được chỉnh sửa lúc 24.03.2006 11:48:49 bởi Chuột lắc >
Attached Image(s)
#1
    Chuột lắc 24.02.2006 11:12:13 (permalink)
    TỔNG QUAN VỀ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

    Lịch sử hình thành và phát triển của thành phố



    1. Lịch sử hình thành của thành phố

    Vào khoảng đầu thế kỷ 17, cả vùng đất Nam Bộ ở trong tình trạng hầu hết đất đai đều hoang vu, rừng hoang bạt ngàn, dân cư thưa thớt. Ở vị trí thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đã hình thành một thị trấn nhỏ, hình thức cư trú tập trung ban đầu. Trong số dân cư ở đây, người Khmer chiếm đa số. Cạnh đó còn có những người Việt đầu tiên từ các tỉnh miền Trung vào đây sinh sống. Đây là nơi buôn bán trao đổi của nhân dân trong vùng. Chính vì thế, năm 1623, Chúa Nguyễn được sự đồng ý của vua Chân Lạp đã lập ở đây một trạm thu thuế buôn bán.

    Dân thị trấn này đông thêm với sự dân cư của người Việt vào Nam. Năm 1679, Sài Gòn đã là nơi cư trú đóng của quan Tổng tham mưu lực lượng của Chúa Nguyễn ở miền Nam. Cũng trong năm này có khoảng 3.000 quân sĩ Trung Quốc và gia đình trung thành với triều đại nhà Minh không chịu sống ở Trung Quốc do nhà Thanh cai trị, đã xin là dân Việt và đươc chúa Nguyễn đưa vào Nam Bộ sinh sống. Một bộ phận người Hoa đã đến sinh sống ở vùng Sài Gòn. Năm 1896 là một mốc thời gian đáng ghi nhớ trong lịch sử thành phố. Năm này chúa Nguyễn chia đặt các đơn vị hành chính, thành lập chính quyền ở Nam Bộ. Sài Gòn lúc bấy giờ là một thị trấn có một vạn dân và có hoạt động thương mãi phát đạt đã trở thành thủ phủ của dinh Phiên Trấn, một trong hai dinh ở Nam Bộ lúc ấy (dinh Trấn Biên đặt lỵ sở ở Biên Hòa). Năm 1698 được xem là thời điểm thành lập của thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay thành phố được hơn 300 tuổi. Trong hơn ba trăm năm đó, thành phố đã trải qua nhiều biến cố quan trọng và đã vươn mình từ một thị trấn độ 1 vạn dân trở thành phố với dân số hơn 4 triệu ngày nay.

    Nhờ có vị trí thuận lợi nên vai trò kinh tế và chính trị của Sài Gòn ngày càng phát triển. Năm 1772. Nguyễn Cữu Đàm cho đắp các lũy đất (gọi là Cô Lũy hay còn gọi là Bán Bích cô lũy) từ chùa Cây Mai vòng qua Tân Định đến cầu Cao Miên (Cầu Bông ngày nay) bọc quanh khu chợ búa, dân cư, khu quân sự, hành chánh. Sài Gòn trở thành "thành phố" với đầy đủ ý nghĩa của từ này (thành để bảo vệ, phố chợ buôn bán). Từ cuối thập niên 1770 cho đến hết thập niên 1780, tình hình ở Sài Gòn có nhiều biến động cho cuộc tranh chấp giữa Chúa Nguyễn-Tây Nguyên và Tây Sơn-Nguyễn Ánh. Bốn lần quân Tây Sơn vào đánh đuổi lực lượng Chúa Nguyễn và làm chủ Sài Gòn.

    Một sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển thương mại của Sài Gòn là năm 1778, nhóm người Hoa trước kia cư trú và buôn bán ở Cù Lao Phố và Mỹ Tho, do ảnh hưởng của chiến tranh, đã kéo về cư trú ở Sài Gòn. Họ lập nên phố chợ buôn bán tấp nập tức Chợ Lớn ngày nay.

    Từ năm 1879. Nguyễn Ánh (sau này lên ngôi lấy hiệu là Gia Long) làm chủ Sài Gòn và Nam Bộ. Sài Gòn trở thành trung tâm hành chánh của khu vực Nguyễn Ánh kiểm soát và được gọi là "Gia Định kinh". Năm 1790. Nguyễn Ánh cho xây thành kiểu Vauban của Tây phương theo họa đồ của Le Brun, Victor Olivier (những người Tây phương giúp Nguyễn Ánh lúc ấy). Thành có chu vi khoảng 3.800 mét, nằm ở khu vực giữa các đường Đinh Tiên Hoàng, Lê Thánh Tôn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu ngày nay. Thành có 3 lớp:

    Lớp trong cùng là một trường thành xây bằng đá ong Biên Hòa cao hơn 6m. Bên ngoài là hồ nước, rộng khoảng 75,5m. Ngoài cùng là lũy đất. Thành có 8 cửa ra vào đặt tên theo các thể bát quái: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Do đó thành này còn gọi là "Thành Bát Quái". Trông vào bản đồ nó giống một con qui nên còn có tên là "Thành Qui".

    Trong Thành là Hoàng cung và các cơ quan trọng yếu. Ngoài thành có xưỡng Chu Sư ở bờ sông Tân Bình (Sông Sài Gòn) nơi đóng, sửa chữa và tập trung thuyền chiến, học đường và kho lương thực, trại voi chiến, trường đúc tiền... Ngoài mặt thành là phố xá chợ búa. Chợ Bến Nghé, chợ Sài Gòn. (Chợ Lớn bây giờ) là những khu chợ quan trọng, những thương cảng tiếp nhận tàu thuyền các nước đến buôn bán. Ngoài ra còn có những khu chợ khác như chợ Thị Nghè, chợ Cây Đa Còm, chợ Bến Soi, chợ Điều Khiên...

    Sau đó Nguyễn Ánh thắng được Tây Sơn, lập nên nhà Nguyễn và đóng đô ở Huế. Dù không còn là kinh đô, Sài Gòn vẫn là thủ phủ của vùng đất phía Nam. Đầu thời Nguyễn, vùng đất Nam Bộ được lập thành một đơn vị hành chánh: Gia Định thành. Lê Văn Duyệt giữ chức Tổng trào thành Gia Định trong khoảng 16 năm. Trong dân gian và sách vở vẫn còn giữ lại nhiều giai thoại về vị quan nói tiếng này. Mộ và đền thờ của ông ở Bà Chiểu (Lăng Ông).

    Sài Gòn là một trung tâm giao dịch quan trọng của cả nước, là một trung tâm văn hóa của Nam Bộ. Mỗi ba năm, thi Hương được tổ chức ở trường thi Gia Định (đặt ở Sài Gòn) để lấy các cử nhân. Dân số Sài Gòn vào năm 1819 đã vào khoảng 60.000 người.

    Trong thời gian này, một số thương gia, sứ giả Tây phương đã ghé Sài Gòn như John White (sĩ quan Hoa Kỳ đến Sài Gòn năm 1819), Crawfurd, Finlayson (phái bộ của nước Anh đến Việt Nam năm 1882)... Họ đã để lại những hồi ký mô tả sinh hoạt của Sài Gòn vào lúc đó. (J. White viết quyển "A voyage to Cochinchina", xuất bản năm 1824, Crawfurd viết quyển "Journal of a Embassy from the Governor general of Indian to the Courts of Siam and Cochinchina", xuất bản ở Luân Đôn vài năm sau chuyến đi).

    Năm 1833, Lê Văn Khôi, con nuôi của Lê Văn Duyệt nổi lên chống triều đình Huế, sau khi bị quân triều đình đánh bại nhiều trận Lê Văn Khôi cố thủ trong thành Qui. Ba năm sau quân triều đình mới hạ được thành. Vua Minh Mạng cho phá thành Qui và cho xây lại thành mới nhỏ hơn, nằm ở một góc cũ. Thành mới thường được gọi là "Thành Phụng". Thành này chu vi chỉ có 1.960m, mỗi cạnh dài 490 mét, tường cao 4,7m và hào bao quanh rộng 52 mét. Thành cũng được xây cất theo kiểu Vauban. Vị trị Thành Phụng nằm trong khu vực các đường Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Bỉnh Khiêm, và Mạc Đỉnh Chi ngày nay.

    Năm 1832, Gia Định thành bị bãi bỏ, toàn bộ Nam Bộ được chia làm 6 tỉnh trực thuộc triều Đình Huế. Sài Gòn là thủ đô của tỉnh Gia Định. Tuy nhiên đây là trung tâm quân sự và nhất là trung tâm kinh tế của Nam Bộ.

    Giữa thế kỷ 19 thực dân Pháp đem quân đến chiếm Việt Nam. Tháng 5-1859 đô đốc Pháp Rigault de Genouilly đem 2.000 quân Pháp và Tây Ban Nha cùng 8 chiến tàu đánh Sài Gòn. Sau khi hạ được thành, thực dân Pháp đã dùng 32 khối mìn để phá tung nhiêu đoạn thành, chúng đã đốt phá dinh thự kho tàng bên trong thành và phố xá thương mãi, nhà cửa dân cư bên ngoài.

    "Bến Nghé của tiền tan bọt nước
    Đồng Nai tranh ngói nhuộm màu mây"

    Năm 1860 quân triều đình do Nguyễn Tri Phương thống lãnh vào đánh quân Pháp, đã dặp một thành rất lớn, dài khoảng 3.000 mét, rộng 1.000 mét ở khu vực làng Chí Hòa, gọi là Đại Đồn hay đồn Kỳ Hòa. Tuy nhiên Đại Đồn cũng bị thất thủ và sau đó bị phá hủy.

    Sau khi phá vỡ Đại Đồn, quân Pháp chiếm đóng ba tỉnh miền Đông (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) và sau đó chiếm nốt ba tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Sài Gòn trở thành trung tâm cai trị và kinh tế của thực dân ở Nam Kỳ. Thành Phố sài Gòn mang nét Tây phương-thuộc địa được bắt đầu xây dựng.

    Ngay khi vừa chiếm được Sài Gòn, đô đốc Charnar đã ký nghị định (ngày 11-4-1861) thành lập "thành phố Sài Gòn". Ranh giới của thành phố bao gồm cả khu vực Chợ Lớn. Thực dân Pháp đã phác họa một bản đồ qui hoạch thành phố, dự trù cho 500.000 dân. Bao quanh thành phố thực dân Pháp cho đào một kinh rộng 10 mét (kinh bao Ngạn) từ gò Cây mai qua Phú Thọ đến rạch Thị Nghè (vị trí cầu Công Lý ngày nay), bản đồ qui hoạch này sau đó bị bỏ, con kinh đào cũng chưa hoàn tất.

    Năm 1865, chính quyền thực dân quyết định thành lập hai thành phố riêng biệt: Thành phố Sài Gòn với diện tích khoảng 3km² (địa bàn quận I ngày nay), thành phố Chợ Lớn rộng độ 2km² (nằm trong quận V ngày nay). Họa đồ qui hoạch thành phố căn cứ trên những con đường đã có. Giữa hai thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn vẫn còn là vùng quê. Dân số thành phố (Sài Gòn-Chợ Lớn) tăng dần:

    1863: 20.000 dân
    1890: 100.000 dân
    1921: 300.000 dân
    1945: 450.000 dân

    Cùng với gia tăng dân số, địa bàn thành phố phát triển rộng hơn. Hai khu vực thị tứ riêng biệt Sài Gòn và Chợ Lớn dần mở rộng. Đến khoảng 1910, thành phố Sài Gòn bắt đầu giáp ranh với thành phố Chợ Lớn. Năm 1931, hai thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn được sát nhập làm một và được chia ra thành 5 quận. Trong cuốc chiến tranh chống thực dân Pháp (1945-1954) và đế quốc Mỹ (1960-1975) dân số thành phố gia tăng nhanh chóng.

    Năm 1945 thành phố có: 450.000 dân
    1960 thành phố có: 2.000.000 dân
    1973 thành phố có: 3.300.000 dân
    1975 thành phố có: 3.900.000 dân

    Năm 1955 thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn được gọi là "đô thành Sài Gòn", diện tích là 51km² và chia làm 7 quận. Năm 1970 phần đất Thủ Thiêm được sát nhập vào Sài Gòn. Lúc này thành phố được chia làm 11 quận.

    Năm 1976. Quốc Hội khóa 6 đã chính thức đặt tên cho thành phố là "thành phố Hồ Chí Minh" bao gồm cả Sài Gòn, tỉnh Gia Định cũ và một số vùng lân cận. Hiện nay thành phố Hồ Chí Minh có diện tích 2.020 km², dân số hơn 4,5 triệu người. Thành phố có 12 quận nội thành (Quận 1,2,3,4,5,6,7,8,9,10,11,12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Phú Nhuận) với diện tích 140km² và sáu huyện ngoại thành là Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè, Duyên Hải với diện tích là 1.889km².

    2. Đặc điểm dân cư, dân tộc ở thành phố

    a) Sự phát triển của dân số thành phố Hồ Chí Minh
    Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay bao gồm thành phố Sài Gòn. Chợ lớn và tỉnh Gia Định trước đây. Thành phố Hồ Chí Minh ở vào vị trí chiến lược, là đầu cầu đi vào đất Nam Bộ, có đường giao thông thủy bộ quan trọng, có bến cảng giao lưu được với Đông Nam Á và thế giới, nên từ rất sớm đã trở nên nơi tập trung dân cư đông nhất ở Lục tỉnh Nam Kỳ. Dân số thành phố Hồ Chí Minh đã tăng lên đột biến trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bởi những vùng nông thôn bị tàn phá và bởi chính sách đô thị hóa cưỡng bức của chính quyền Sài Gòn.

    Vào năm 1698, dân số toàn vùng Sài Gòn chỉ mới ước độ 1 vạn đã tăng lên khoảng 60.000 người (1819). Khi thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn, một phần quan trọng cư dân ở đây bị tản lạc vì chiến tranh, do vậy dân số sụt xuống chỉ còn độ 20.000 vào năm 1863. Những năm sau đó do chiến sự chấm dứt và do sự phát triển kinh tế Sài Gòn-Chợ Lớn, dân số đã tăng nhanh: 100.000 năm 1890 tăng lên 300.000 người vào năm 1921. Đến năm 1945 dân số vùng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định đã là 450.000 người. Năm 1954, số dân đã tăng lên đến gần 2 triệu người và Sài Gòn-Gia Định đã trở thành thành phố đông dân nhất miền Nam Việt Nam. Từ năm 1954 đến 1975 dân số Sài Gòn-Gia Định từ 2 triệu người tăng lên 3,9 triệu người.

    Từ năm 1975 đến nay, do nhiều biến động cơ học như một số lớn dân cư hồi hương, đi xây dựng vùng kinh tế mới, xuất cảnh, đi thanh niên xung phong, xây dựng các nông lâm trường... cộng với một số mới sanh sẵn, nên dân số thành phố Hồ Chí Minh chỉ giao động trong khoảng trên dưới 4 triệu người (1989).

    b) Thành phần dân cư dân tộc
    Do vị trí chiến lược đặc biệt, thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội tụ của nhiều luồng dân cư dân tộc từ Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ đến định cư sinh sống trong nhiều thời điểm lịch sử khác nhau. Ngoài ra dưới thời Mỹ-Ngụy còn một số lớn binh lính, công nhân viên chức nước ngoài như Mỹ, Pháp, Canada, Úc, Philippines, Đài Loan, Thái Lan... đến Sài Gòn. Do đó cộng đồng dân cư ở Sài Gòn-Gia Định có rất nhiều thành phần khác nhau về địa phương, dân tộc, tôn giáo... Trong các thành phần dân cư ở Sài Gòn-Gia Định, người Việt chiếm tuyệt đối đa số. Vào những năm 1960, riêng vùng nội thành Sài Gòn có 1.423.500 người Việt trên tổng số 1.800.000 người, chiếm tỉ lệ 77,8%.

    Người Việt có gốc miền Bắc di cư vào khoảng 33.000 người (năm 1945) cư trú ở các vùng Sài Gòn-Gia Định và Chợ Lớn, trong đó 75% là người công giáo di cư từ các vùng Bắc Ninh, Bùi Chu, Phát Diệm, Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Hóa, Lạng Sơn, Thái Bình, Thanh Hóa, Vinh... Số người này tập trung đông nhất ở các quận vành đai Sài Gòn như Tân Bình (chiếm 40% dân số quận và tập trung trong 13 phường), Gò Vấp (10 phường), Phú Nhuận (5 phường), Bình Thạnh (phân bố đều trong các phường)...

    Người Việt gốc miền Trung di cư vào thành phố từ những năm 1959, 1960 và nhất là từ năm 1963 khi tình hình chính trị, chiến sự trở nên gay gắt ở miền Trung lúc bấy giờ. Ngoài gốc Quảng Nam tập trung ở khu Bảy Hiền, người Bình Định, Thừa Thiên và các tỉnh khác tập trung ở các xóm lao động vùng Cô Giang, Khánh Hội, Bàn Cờ...

    Người Việt gốc lục tỉnh Nam Bộ như Tây Ninh, Long An, Đồng Nai hay An Xuyên (Bạc Liêu), Ba Xuyên (Sóc Trăng), Long Xuyên... qua những biến động thời cuộc đã lên thành phố để làm ăn sinh sống.

    Người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh
    Người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 400.000 người, chiếm gần 15% dân số toàn thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung người Hoa đông nhất nước ta. Người Hoa cư trú rải rác trong nhiều quận huyện của thành phố Hồ Chí Minh, đông nhất là tập trung sinh sống ở các quận 5 (chiếm khoảng 45% dân số của quận), quận 11 (chiếm khoảng 45% dân số toàn quận) và các quận 10, quận 6, quận Tân Bình.

    Trong quá trình lịch sử xây dựng và bảo vệ thành phố Hồ Chí Minh, bà con người Hoa đã có nhiều đóng góp tích cự, to lớn và có một vị trí kinh tế-xã hội quan trọng của thành phố. Người Hoa, ngày nay là công dân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, là một dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa.

    Người Hoa có mặt ở miền Nam Việt Nam và thành phố Hồ Chí Minh vào cuối thế kỷ 17. Đó là những lưu dân miền Duyên Hải-Hoa Nam của lục địa Trung Hoa, họ là những nông dân nghèo khổ, binh lính và một số quan lại phong kiến rời bỏ quê hương vượt biển tìm đất mưu sinh. Lý do rời bỏ quê hương của họ là tình trạng nghèo đói, loạn lạc bất yên, do những cuộc chiến tranh, những cuộc thanh trừng, bất phục tùng của các quan lại phong kiến, tri thức... Trên đường lênh đênh lưu lạc về phương Nam, một bộ phận lưu dân người Hoa có dừng chân, lập nghiệp nơi mảnh đất miền Nam Việt Nam, trong đó có khu vực Sài Gòn-Gia Định xa xưa. Người Hoa đến Sài Gòn-Gia Định với nhiều đợt di dân, định cư, mà một trong những đợt đông đảo, khá sớm là nhóm người của Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạc Định đến Việt Nam vào năm 1679 cùng với 3.000 người, 50 chiếc thuyền xuất phát từ Quảng Đông. Đoàn người của Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên đến Đà Nẵng xin chính quyền phong kiến Việt Nam cho tỵ nạn.

    Nhà vua Việt Nam đã cho phép những người Hoa này đến cư trú ở miền Nam Việt Nam. Nhóm của Trần Thượng Xuyên chọn đất Trấn Biên (nay là vùng Biên Hòa) để lập nghiệp. Một bộ phận của nhóm Dương Ngạn Địch đến vùng đất Phiên Chấn (sau là vùng Sài Gòn-Gia Định) tổ chức công cuộc định cư lâu dài, thành lập làng Thanh Hà. Năm 1778 nhóm cư dân của làng Thanh Hà chuyển từ vùng Biên Hòa về hợp nhất với bộ phận cư dân người Hoa ở Phiên Trấn lúc này đã lập nên làng Minh Hương. Thành phố Chợ Lớn đã khai sinh từ sự hợp nhất đó và nhanh chóng mở rộng để về sau trở nên thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn. Tên "Chợ Lớn" vốn có từ năm 1801 khi Lê Văn Duyệt giữ chức Tổng Trấn Gia Định thành, còn người Hoa vẫn quen gọi Chợ Lớn là "Đê Ngạn" (tiếng Quảng Đông là "Tai Ngon"). Những đợt di dân của người Hoa đến vùng Sài Gòn-Chợ Lớn còn tiếp diễn mãi đến năm 1949 là năm chính quyền cách mạng Trung Quốc ở lục địa thành công. Người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh có nhiều nhóm ngôn ngữ, chủ yếu gồm các nhóm sau đây:

    - Quảng Đông
    - Triều Châu
    - Phúc Kiến
    - Hải Nam
    - Hẹ (Hakka)

    Ngôn ngữ nhóm Hakka khá phức tạp, bao gồm nhiều nhóm nhỏ hơn và có sự dị biệt lớn. Tiếng Quảng Ðông và tiếng Triều Châu được nhiều người Hoa ở thành phố sử dụng và giao tiếp giữa các nhóm. Tiếng Bắc Kinh (phổ thông) cũng được các nhóm sử dụng và được giảng dạy trong nhà trường để cho con em người Hoa học.

    Nhà nước phong kiến Việt Nam đã sớm công nhận một bộ phận người Hoa là công dân, các làng Minh Hương và Thanh Hà của người Hoa được hưởng các qui chế như các làng xã Việt Nam, người Minh Hương (người Hoa) cũng được đối xử bình đẳng như mọi thần dân trong vương quốc của nhà Nguyễn. Sự hội nhập của người Hoa vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam là một tất yếu lịch sử, điều đó là một bảo đảm chắc chắn cho hiện đại cũng như tương lai của đồng bào Hoa ở nước ta.

    Ở thành phố Hồ Chí Minh, người Hoa sinh sống bằng nhiều hoạt động kinh tế khác nhau, nhưng chủ yếu trên hai lĩnh vực: sản suất tiểu thủ công nghiệp và thương nghiệp, dịch vụ. Trên lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp của thành phố, người Hoa góp một phần quan trọng trong tổng giá trị sản phẩm, ở một số quận đông người Hoa, từ 50% đến 70% giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp thuộc về bà con lao động người Hoa. Hoạt động tiểu thủ công nghiệp của người Hoa ở thành phố rất đa dạng, họ có mặt hầu hết trong các ngành lớn nhỏ, đáng chú ý là có đông người Hoa tham gia ngành cơ khí, hóa nhựa, cao su, thủy tinh, thuộc da và sản phẩm của da, dệt,v.v.. Một số ngành nghề thủ công của người Hoa mang tính truyền thống và sản phẩm của họ được ưa chuộng trên thị trường trong nước cũng như ở nhiều nước như chế biến thực phẩm, hương liệu, đông nam dược v.v... Người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh cũng rất tài giỏi trên lĩnh vực buôn bán, dịch vụ.

    Trước ngày giải phóng 30.4.1975, hơn 80 hàng hóa bán lẻ và 60% hàng hóa bán buôn của thành phố do người Hoa đảm trách. Nhiều công ty xuất nhập khẩu lớn thuộc người Hoa quản lý, một số ngân hàng cũng nằm trong tay tư sản người Hoa. Từ sau ngày giải phóng, một số bà con buôn bán, dịch vụ người Hoa đã chuyển sang sản xuất tiểu thủ công nghiệp, nhưng trên mặt trận lưu thông phân phối, dịch vụ, người Hoa vẫn còn nhiều ưu thế. Trong sản xuất và kinh doanh, người Hoa có một đội ngũ thợ chuyên môn tay nghề giỏi, tiếp cận kỹ thuật và thị trường thế giới nhanh chóng, linh hoạt. Giữ chữ "tín" trong quan hệ sản xuất, buôn bán là một đặc điểm và truyền thống của người Hoa.

    Sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của người Hoa ở thành phồ Hồ Chí Minh rất phong phú. Văn hóa của người Hoa là sự kết hợp giữa những nét truyền thống và được phát triển trong quá trình hội nhập của người Hoa vào Việt Nam, là sự giao lưu văn hóa với các dân tộc anh em trong cộng đồng Việt Nam. Nếp sống của bà con lao động người Hoa tương đối giản dị, chất phác, bà con còn bảo lưu nhiều tập tục, tín ngưỡng dân gian. Hàng năm vào các ngày tết cổ truyền như tết Nguyên Ðán, Nguyên Tiêu, Ðoan Ngọ, Trung Thu... bà con người Hoa thường tổ chức những cuộc vui hội lễ tưng bừng náo nhiệt. Nhà ở, chùa chiền, đình, miếu... được treo đèn kết hoa, dán đầy các mảnh giấy màu đỏ với dòng chữ chúc mừng hạnh phúc, bình yên, may mắn. Sân khấu hát Tiều, hát Quảng, múa Lân, múa Rồng, Sư tử... là những hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống đặc sắc của nghệ sĩ và quần chúng người Hoa.

    Trong công cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp-Mỹ vừa qua, bà con người Hoa đã có nhiều hy sinh cống hiến to lớn vì sự nghiệp độc lập tự do của đất nước và thành phố. Những tên tuổi của các anh hùng liệt sĩ người Hoa như Trần Bội Cơ, Hàn Hải Nguyên, Lý Phong... còn sống mãi trong lòng nhân dân thành phố và dân tộc Việt Nam.

    Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bà con người Hoa tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, tích cực lao động và hăng hái sản xuất, đạt nhiều thành tựu lớn lao, góp phần vì một Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp...

    Các dân tộc khác
    Ngoài ra, trước năm 1975, ở thành phố Sài Gòn còn có khoảng 32.000 viên chức nước ngoài, 9.713 công nhân Mỹ và 5.612 công nhân Philippines, Nam Triều Tiên, Nhật, Pháp...

    Thành phố Hồ Chí Minh còn có nhiều dân tộc anh em cư trú, ngoài người Hoa còn có người Khmer-6.260 người, người Chăm-1.810 người. Bên cạnh đó còn có sự hiện diện của các dân tộc ít người miền Bắc di cư như: Tày (579 người), Mường (108), Nùng (5.812), Thái (196), Mèo (1), Hán (198), Cao Lan (3), Sán Dìu (5), Thổ (142), Mán (1)... và các dân tộc vùng Trường Sa Tây Nguyên như Gia Lai (10 người), Ê đê (18), Bana (7), Xơ Đăng (1), Stiêng (2), Vân Kiều (4), Churu (2).

    c) Sự hình thành lối sống và con người Sài Gòn-thành phố Hồ Chí Minh

    Có thể nói vị trí địa lý và những nhân tố lịch sử đã góp phần quan trọng trong việc hình thành lối sống và con người Sài Gòn-thành phố Hồ Chí Minh. Dân thành phố vốn là những người đi khai phá vùng đất mới Nam Bộ, mà đã là dân khai phá thì phải có bản lĩnh, cá tính sức sống mãnh liệt để vượt qua các khó khăn thử thách để gầy dựng nên cơ nghiệp. Dân Sài Gòn khởi đầu là dân di cư lưu tán nghèo khổ cơ cực ở ngoại vi vùng Trấn Biên xa xôi, vốn căm thù chế độ phong kiến nên họ ít bị ràng buộc bởi những khuôn phép lễ giáo phong kiến và vì vậy rất cởi mở, phóng khoáng, hào hiệp. Lịch sử đấu tranh kiên cường trong lòng đô thị Sài Gòn những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cho thấy con người Sài Gòn có lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần đấu tranh bất khuất dù phải hy sinh đến người con cuối cùng như các bà mẹ Củ Chi.

    Bên cạnh đó, trải qua trăm năm Pháp thuộc và hai mươi năm thời Mỹ cai trị dưới tác động thường xuyên của nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và công nghiệp phương Tây hiện đại dần dần đã tạo cho người dân Sài Gòn có lối sống công nghiệp, đầu óc thực tế, nhạy bén kỹ thuật, thị trường, biết quản lý và nhạy cảm với cái mới.

    Do nằm ở ngã tư đường quốc tế từ Á sang Âu, từ Bắc xuống Nam, nên đất sài Gòn dung hợp nhiều nền văn minh, văn hóa. Hầu hết các tôn giáo lớn đều có hiện diện ở Sài Gòn, con người và kỹ thuật của đa số các nước trên thế giới đều có đến Sài Gòn, nên người Sài Gòn biết tiếp thu và gạn lọc những yếu tố văn minh, văn hóa nào phù hợp với tính cách dân tộc để giữ lại và phát triển.

    Người Sài Gòn ngày nay, ăn mặc theo thời trang châu Âu, thích ở nhà theo kiến trúc của Pháp, rất sàch các món ăn Trung Hoa, có tập quán uống cà phê buổi sáng ở ngoài phố như người Pháp, lao động ngiêm chỉnh và cật lực như người Mỹ, chuộng cái thẩm mỹ kết hợp giữa truyền thống và hiện đại của người Nhật, thích đọc triết học của Đức, yêu thơ Tagore của Ấn Độ, say mê Dostoievski, Tolstol của Nga...

    Song, mặt khác, cái giá mà người Sài Gòn phải trả cho những giá trị trên ở chế độ cũ cũng khá cao vì bọn thực dân, dù là Pháp hay Mỹ hoặc phát xít Nhật, không bao giờ có thiện chí đem đến cái tốt đẹp cho văn hóa Việt. Những nọc độc văn hóa mà chúng đưa đến đã có những tác hại sâu xa. Sau giải phóng, Sài Gòn có đến 100.000 gái mại dâm, 150.000 người nghiện ma túy, 10.000 trẻ em bụi đời, 10.000 người ăn xin. 200.000 trẻ em mồ côi, 200.000 du đãng 30.000 kẻ cờ bạc, buôn lậu, 400.000 lính Ngụy rã ngũ và gần 500.000 người thất nghiệp.

    Những năm qua, Chính quyền Cách mạng đã nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, hạn chế dần những tệ nạn xã hội và các nọc độc văn hóa lỗi thời phản động đã làm tha hóa con người, chọn lọc và phát huy những yếu tố văn hóa văn minh lành mạnh và hiện đại.(sưu tầm)

    #2
      Chuột lắc 24.02.2006 11:16:01 (permalink)
      Du lịch vòng quanh thành phố



      Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều điểm đến cho du khách, đặc biệt là những du khách mới đến thành phố lần đầu chỉ lưu lại trong thời gian ngắn tại đây, tham quan và tìm hiểu về một thành phố năng động trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, các điểm di tích lịch sử luôn luôn được giới thiệu cùng du khách, trong các tour tham quan thành phố từ 3 đến 4 giờ.

      Tour bao gồm đi tham quan Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, đi ngang qua Tòa đại sứ Mỹ cũ, mà hiện nay là Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại Tp.HCM trên đường Lê Duẩn, chụp vài tấm hình trước Hội trường Thống Nhất, nhà thờ Đức Bà và Bưu Điện Trung Tâm Thành Phố. Tất cả các điểm tham quan này đều nằm gần nhau và nằm trên cùng một đại lộ.

      Tour cũng bao gồm ghé tham quan Chợ Lớn, nơi cộng đồng người Hoa sinh sống lớn nhất tại miền Nam, chợ Bình Tây, chùa bà Thiên Hậu và công ty sơn mài. Du khách có thể tham quan bên trong Hội trường Thống Nhất hoặc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh nằm ngay trung tâm thành phố.

      Tour nhằm giúp cho du khách có cái nhìn bao quát về thành phố và nhịp sống của nó. Quý khách có thể tìm hiểu sâu hơn về lịch sử hình thành và phát triển trong 4000 năm của dân tộc tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, trong khi các điểm tham quan khác lại nhằm giúp cho du khách một cái nhìn tổng quan về giai đoạn lịch sử hiện đại, đặc biệt là cuộc chiến tranh trước năm 1975, có thể nhận thức rõ trong tour tham quan Hội trường Thống Nhất và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Trên đường từ quận 1 đến quận 5 của thành phố Sài Gòn, du khách sẽ được giới thiệu về cuộc sống của người dân đô thị ở đây.

      Tuy nhiên, tour du lịch trong vòng 4 giờ thật sự không đủ làm thỏa lòng du khách. Xin giới thiệu thêm vài nơi có thể giúp cho du khách hiểu thêm về thành phố Hồ Chí Minh, được coi là trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam.

      Phố đi bộ và giây phút thư giãn
      Khu vực đại lộ Lê Lợi từ Rạp Rex đến chợ Bến Thành rất thu hút du khách. Ở đây có nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, sản phẩm sơn mài, đồng hồ, dây nịt, văn phòng phẩm và quán kem khi ai đó cần một sự mát mẻ. Chợ Bến Thành được biết với số lượng hàng hóa to lớn đa dạng, đặc biệt là các đồ thủ công mỹ nghệ và quần áo may sẵn. Nếu ai đó thích cái nhìn toàn cảnh thành phố từ trên cao, xin mời lên quán bar ở tầng thượng của khách sạn Rex. Tại đây, du khách có thể nhấp nháp từng ngụm cà phê và quan sát một thành phố tất bật bên dưới đường. Ngoài ra, đi bộ dọc theo khu vực đường Đồng Khởi từ nhà thờ Đức Bà ra Bến Bạch Đằng cũng là một trong những chọn lựa của du khách.

      Trên dòng sông
      Tham gia một chuyến du thuyền trên sông Sài Gòn là một chọn lựa khác. Khoảng một giờ khởi hành từ Bến Bạch Đằng đến khu du lịch Bình Quới 2, ở đây quý khách có thể tham gia các đám cưới truyền thống của khu vực châu thổ sông Mê Kong được thể hiện lại tại khu du lịch này, hoặc thưởng thức các món ăn Việt Nam tại khu du lịch Bình Quới 1. Bữa ăn chiều từ 8 giờ đến 9giờ 30 tối được phục vụ trên tàu vừa tham quan khung cảnh dọc sông Sài Gòn.

      Một số đường và quận đáng quan tâm
      Nếu quận 1 được biết đến như là một trung tâm họat động kinh tế, quận 3 là nơi sống tốt nhất. Những ngôi nhà mới, các villa xinh đẹp, và những con đường rợp bóng mát, đặc biệt là khu vực các villa kiểu Pháp thời thuộc địa từ đường Trương Định, Ngô Thời Nhiệm, Tú Xương và Điện Biên Phủ. Du khách có thể đi dọc đường Bến Hàm Tử ở quận 5 để thấy được cuộc sống cơ cực của người dân lao động nghèo hoặc đi bộ dọc theo con đường rợp bóng mát gần Trường Dòng lớn trên đường Tôn Đức Thắng ở quận 1.

      Hoặc ghé qua đường Lê Công Kiều, quận 1, nơi có nhiều cửa hàng bán đồ cổ, một quán trà với đầy tiếng chim hót tại 259 An Dương Vương, quận 5, đi 45 phút xích lô từ chùa Thiên Hậu dọc theo các con đường nhỏ trong khu phố Đông Dược quận 5 đến chợ Bình Tây, một trong những chợ đầu mối quan trọng của thành phố Hồ Chí Minh, hoặc có những giây phút trầm lặng tại cửa hiệu sách Xuân Thu trên đường Đồng Khởi, quận 1. (SGN)
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 24.02.2006 11:18:44 bởi Chuộtlắc >
      #3
        Chuột lắc 24.02.2006 11:20:21 (permalink)
        Tour đường sông ở Sài Gòn



        Một trong những loại hình du lịch luôn thu hút sự quan tâm của du khách là tour đường sông. Tuy nhiên, thực tế loại hình này chưa có sự đột biến từ các công ty lữ hành. Việc một số đơn vị bắt đầu khai thác và cung ứng loại hình này cho thấy tình hình đã có sự chuyển biến...

        Từ trước đến nay, du khách biết đến làng du lịch (LDL) Bình Quới tại bán đảo Thanh Ða với khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng, đậm nét làng quê, đặc biệt chương trình Ẩm thực khẩn hoang Nam bộ nhưng ít ai biết rằng tại đây luôn tổ chức các chương trình du lịch trên sông trọn gói cho du khách, nhất là các ngày nghỉ cuối tuần.

        Hiện nay, ngoài việc cho thuê ca nô, thuyền du ngoạn trên sông Sài Gòn, LDL còn giới thiệu các chương trình tour tham quan các tuyến điểm tại TP. HCM và các tỉnh lân cận bằng phương tiện đường sông. Các tour đa phần khởi hành vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, như tham quan khu du lịch Bò Cạp Vàng (Nhơn Trạch, Ðồng Nai), khởi hành tại bến tàu Bạch Ðằng lúc 8g vào các ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, đi tàu đến khu du lịch Bò Cạp Vàng, tham quan vườn trái cây, ăn trưa, thưởng thức món ăn vườn, tắm sông, bơi thuyền... với giá tour trọn gói 119.000đ/người. Trong mùa hè năm nay, tour sẽ được chào bán với các chế độ khuyến mãi đặc biệt đối với đối tượng học sinh, sinh viên. Tham dự tour tham quan Cầu Ngang - Lái Thiêu, du khách sẽ đi tàu hoặc ca nô đến chợ Lò Gốm - Lái Thiêu, sau đó đi đò trên kênh Cầu Ngang để tham quan vườn trái cây, ăn trưa, chụp hình lưu niệm, nghỉ ngơi tại vườn trái cây... Giá tour: đi bằng tàu giá 110.000đ/người, đi bằng ca nô giá 141.000đ/người.

        Một trong những tuyến điểm khá thu hút du khách trong mấy năm trở lại đây, đó là tham quan Cần Giờ, loại hình chính các công ty lữ hành giới thiệu đi theo đường bộ, trong khi đó LDL Bình Quới "dành riêng" hai ca nô cao tốc mới, trang bị sức chứa từ 30 - 50 khách để đến tuyến điểm này. Tham dự tour, du khách sẽ được ăn sáng ngay trên ca nô khi tàu khởi hành tại bến Bạch Ðằng. Nội dung chương trình bao gồm tham quan khu sinh thái Cần Giờ, xem xiếc thú, tham quan khu căn cứ Rừng Sác tái hiện quang cảnh sinh sống và chiến đấu của trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác thời chống Mỹ, tham quan lăng Ông thủy tướng, ăn trưa tại nhà hàng Rừng Sác hoặc Cần Giờ, tắm biển.

        Nếu du khách có nhu cầu tham quan sông Sài Gòn sẽ được giới thiệu tour du lịch trên sông Bạch Ðằng - LDL Bình Quới, khởi hành tại bến tàu Bạch Ðằng lúc 9g, đi tàu đến tham quan LDL Bình Quới 1, LDL Bình Quới 2, ăn trưa, chụp ảnh, tắm hồ bơi, về lại bến tàu Bạch Ðằng bằng xe lúc 16g, giá tour: 69.000đ/người.

        Ông Chiêm Thành Long, phó giám đốc LDL Bình Quới cho biết, nhằm đẩy mạnh loại hình này, thời gian qua đơn vị đã đầu tư trang thiết bị với một tàu lớn sức chứa 100 khách, một tàu trung sức chứa 60 khách, hai ca nô cao tốc sức chứa từ 30 - 50 khách và hai ca nô sức chứa từ 15 - 25 khách. Tuy nhiên, cái khó của loại hình này là do hao tổn chi phí nhiên liệu nên giá thành có cao so với phương tiện tour đường bộ và một số tuyến điểm cung ứng dịch vụ chưa thỏa mãn nhu cầu của khách, vì vậy hoạt động của loại hình này chưa mang lại hiệu quả mong muốn. Tuy nhiên, đứng về phía du khách, được khám phá sông nước bằng các loại ca nô cao tốc với thời gian đi lại nhanh hơn, có nhiều điểm tham quan khác so với tour truyền thống đường bộ thì đã là kỳ thú và ấn tượng.

        Liên hệ:

        Làng du lịch Bình Quới
        1147 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.28, Q. Bình Thạnh, TP. HCM
        ÐT: 8994104.

        #4
          Chuột lắc 24.02.2006 11:28:30 (permalink)
          Phố Tàu chào du khách!



          Ở TP.HCM thì khi nhắc đến Chợ Lớn người ta thường nghĩ ngay đến một phố Tàu (China town) khá sầm uất. Là một vùng dân cư thuộc địa bàn của quận 5 và một phần đất giáp ranh của các quận 6, quận 8 và quận 11, phố Tàu - Chợ Lớn ngày nay cũng là một điểm tham quan lý thú bởi tính đặc trưng văn hóa dân tộc với nhiều di sản quý báu.

          Tham quan chốn phồn hoa
          Ðại lộ Trần Hưng Ðạo được nhiều người ví như con đường huyết mạch, là xương sống của Chợ Lớn, đóng vai trò tiếp tân và chào đón du khách. Nơi đây thật sự là chốn phồn hoa, dập dìu người qua lại với hàng loạt cửa hiệu sang trọng mang dáng vẻ của Hongkong. Ðặc biệt, chỉ trên đoạn đường từ Nhà văn hóa quận 5 đến nơi giao nhau với đường Châu Văn Liêm đã có hơn 30 tiệm mắt kính nằm gần cạnh nhau mà điểm đáng chú ý là phần lớn các cửa hàng này đều có chữ cuối giống nhau (như Ðại Quang, Tân Quang, Nghệ Quang, Sanh Quang, Ái Quang…). Ông Peter, du khách người Anh cho biết: Mỗi lần đến thăm Việt Nam, tôi đều rất thích đi tản bộ trên con đường này, nhất là về đêm. Ngoài việc được ngắm những đoàn xe qua lại, tôi còn có được thú vui mua sắm nơi đây vì các tiệm buôn bán của người Hoa luôn giữ chữ tín và gây cảm giác thân thiện, an toàn cho du khách.

          Theo lời các hướng dẫn viên du lịch thì du khách nước ngoài khi đến TP.HCM đều thích tham quan chợ Bình Tây. Ðược xây dựng trên đường Tháp Mười cách nay hơn 70 năm, đây là ngôi chợ gắn liền với tên tuổi của một người Hoa thành đạt tiêu biểu ở Chợ Lớn ngày trước là Quách Ðàm. Từ ngày chính thức khai trương phố đông dược, quận 5 cũng đã thu hút thêm nhiều khách du lịch. Vừa đặt chân đến đường Hải Thượng Lãn Ông, du khách đã ngửi thấy mùi thơm nồng của thuốc bắc, thuốc nam bay ra từ cả trăm nhà thuốc y học cổ truyền như Vạn Hòa, Lộc Sanh, Vinh Thành, Nam Xương, Quảng An Phát…Không những thế, trên các con đường Trần Hưng Ðạo, Triệu Quang Phục, Châu Văn Liêm, Lương Nhữ Học…du khách cũng sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những dãy nhà của người Hoa xây dựng từ 100 năm trước với nét độc đáo, pha trộn giữa hai trường phái kiến trúc Pháp và Hoa.

          Ngoài ra, các đền miếu hội quán cũng là nơi thích hợp cho những du khách muốn tìm hiểu bản sắc văn hóa của người Hoa. Thật vậy, chùa của người Hoa - Chợ Lớn trông rất cổ kính và hấp dẫn du khách qua bao thế hệ, trong đó nổi danh và phổ biến nhất vẫn là chùa Bà Thiên Hậu. Khi đến đây, nhất là đúng vào ngày vía Bà 23.3 âm lịch, hàng loạt vòng nhang cầu an treo lủng lẳng có đường kính khoảng 1m, đính kèm những mảnh giấy nhỏ ghi tên người cúng. Cũng nằm trên đường Nguyễn Trãi và nổi tiếng không kém chùa Bà đó là chùa Ông (thờ ông Quan Công, nhân vật tượng trưng cho trung cang, nghĩa khí). Nhiều du khách vốn là doanh nhân thường đến đây cầu xin Ông phù hộ để tinh thần vững vàng khi phải cạnh tranh trên chốn thương trường.

          Ẩm thực phong phú!
          Ngày nay, khu phố Tàu, quận 5 của người Hoa giữ chân du khách không chỉ bằng những nét văn hóa độc đáo mà còn hấp dẫn từ các món ăn của người Hoa chính hiệu. Các món ăn đặc sắc, sang trọng với hương vị ngon nhất được phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn nổi tiếng như Á Ðông, Thiên Hồng và Ái Huê, Bát Ðạt, Ðồng Khánh… Khu bán sủi cảo ở đường Hà Tôn Quyền, quận 5 (gần ngã tư giáp với đường Trần Quý) vốn cũng nổi tiếng là nơi kéo ghế hằng đêm của khách ẩm thực người Hoa (phục vụ đến 11 - 12 giờ đêm).Ngoài ra, luôn tấp nập khách ra vào vẫn là tiệm lẩu cá Dân Ích và tiệm cơm gà Ðông Nguyên trên đường Châu Văn Liêm hay tiệm cơm Ðại Gia Lạc (số 1, An Dương Vương, quận 5 gần chợ An Ðông). Bình dân hơn và có hơn 40 - 50 năm kinh nghiệm phục vụ các món hầm như bao tử, ruột heo, lưỡi heo, tàu hủ, dưa cải… đó là tiệm cơm cháo Triều Châu mang tên Hạnh Nguyên ở địa chỉ 45 - 47 Hùng Vương (mở cửa từ 3 giờ chiều đến khoảng 10 giờ tối).

          Tuy không thuộc quận 5, nhưng điểm bán hủ tiếu mì, hoành thánh ở đầu hẻm 66 Lê Ðại Hành lại là nơi được nhiều người Hoa ở quận 5 lui tới (đến 12 giờ khuya mà quán vẫn còn đông khách). Ðặc biệt, khi có dịp tham quan công viên nước Ðại Thế Giới, du khách có thể băng ngang qua đường và hỏi thăm vào một con hẻm nhỏ để thưởng thức món bún cà ri vịt. Nằm ngay trước số nhà 418/4D Trần Phú, điểm bán này chủ yếu phục vụ đối tượng khách người Hoa từ 12 giờ trưa đến khoảng hơn 9 giờ tối.

          Khách thích ăn ngọt thì quán chè Hà Ký (138 Châu Văn Liêm) là một địa chỉ đáng được tham khảo. Mở cửa từ 2 giờ chiều cho tới khoảng 11 giờ tối, ngoài các loại chè đậu thông thường quán còn có rất nhiều loại chè khác như chè hột sen nhãn nhục, chè hạnh nhân, hột gà trà, táo đỏ, đường phèn, đu đủ tiềm, bạch quả, bo bo, đậu hủ ky...

          Một quán chè của người Hoa đông khách về đêm nữa là điểm bán nằm gần chợ vải Soái Kình Lâm.Tuy có giá đắt hơn những nơi khác một chút (5.000đ/ly) nhưng chắc hẳn món chè sâm bổ lượng chất lượng cao nơi đây sẽ làm mát lòng du khách phương xa…
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 24.02.2006 11:29:39 bởi Chuộtlắc >
          #5
            Chuột lắc 24.02.2006 13:02:13 (permalink)
            Nhà thờ Đứ Bà




            Bến Nhà Rồng


            Chợ Bến Thành xưa và nay






            Bưu điện trung tâm
            [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/8565/5D7AE7FEEE9F48AD96F7F74093BD69F4.jpg[/image]
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 24.02.2006 13:07:30 bởi Chuộtlắc >
            Attached Image(s)
            #6
              Chuột lắc 24.02.2006 13:53:54 (permalink)
              Khám phá Sài Gòn về đêm


              Sài gòn! Một ngày vật lộn với cơm áo, với lo toan trong đời thường, với bực bội, mệt nhọc... nhưng khi hoàng hôn đến, đêm xuống... Sài gòn như lột xác... Một Sài gòn dễ thương dịu dàng... mê đắm... Những ánh điện muôn màu, những làn gió nhẹ từ bến Bạch Đằng làm dịu mát 1 ngày oi bức và người Sài gòn dường như quên tất cả để hưởng thụ...

              Sài Gòn là một thành phố mất ngủ! Dường như trong sự ồn ào tất tả của cái thành phố đầy sinh lực này, ban ngày người ta luôn chạy đuổi theo một cái gì không rõ tên. Ðể rồi khi đêm đến, thành phố như lắng lại trong cái se se lạnh, khiến người con gái phải khoác lên mình chiếc áo khoác mỏng, người con trai chạy xe chậm hơn. Có một Sài Gòn về đêm với những quán cà phê khá yên tĩnh dọc theo những trục đường lớn như Ðồng Khởi, Lê Quý Ðôn, Phạm Ngọc Thạch, Võ Văn Tần... với những đôi tình nhân thả bộ dọc theo đường Tôn Ðức Thắng, bến Bạch Ðằng; một Sài Gòn về đêm, xe máy đèo bạn chạy lòng vòng trên phố không mục đích, khuya mệt về nghỉ...

              Có nhiều người cho rằng "Sài Gòn khi về đêm mới thật là Sài Gòn". Chẳng biết nhận định ấy có mức độ chính xác như thế nào, chỉ có điều, cứ mỗi tối có dịp đi trên đường phố Sài Gòn, hẳn mỗi người sẽ cảm nhận được phần nào mạch sống của Sài Gòn và người Sài Gòn theo cách riêng của mình.

              Đêm Sài Gòn lung linh nhiều màu sắc, sống động và chân thực. Từ mỗi con đường góc phố, quán cafe đến những ngôi chợ nhỏ sinh hoạt thâu đêm suốt sáng, những mảnh đời lặng lẽ trong đêm, dù được sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn hay người tứ phương chọn Sài Gòn là mảnh đất dừng chân, tất cả đều góp phần tạo nên một Sài Gòn về đêm chẳng mấy khi chịu lặng dừng nhịp sống. Có người lại bảo Sài Gòn không có giấc ngủ khuya. Điều này có lẽ đúng! Và dường như chỉ có thể cảm nhận một cách chính xác nếu một đêm nào đó có dịp thao thức cùng Sài Gòn, hòa mình vào hơi thở của một thành phố đô thị phát triển vào bậc nhất của cả nước....

              Có thể đêm ở Sài Gòn không sôi động như đêm ở Tokyo, Nhật Bản hay Bangkok, Thái Lan. Nhưng đêm Sài Gòn có nét rất riêng, đầy thú vị, đủ sức mời gọi lữ khách bước chân đi ngắm cảnh, ngắm người...

              Kính mời quý vị đón xem chuyên đề Đêm Sài Gòn và có những ý kiến đóng góp để tiết mục này ngày càng lôi cuốn và hấp dẫn hơn.
              ----------------------

              Thú mua sắm đêm

              Mua sắm đêm cũng là xu hướng mới hiện nay. Người Sài Gòn hay du khách trong nước từ các tỉnh tới, bạn đêm thường đến các siêu thị. Người nước ngoài đi công tác chỉ ghé thành phố trong thời gian ngắn, nên tranh thủ ban đêm đi mua sắm “quà Sài Gòn”... Phần lớn du khách xem việc đi mua sắm đêm là hình thức giải trí, cũng là để khám phá nét sinh hoạt mua bán đêm của người Sài Thành.

              Du khách thường tập trung ở các con đường trung tâm. Có người trước khi đến TP.HCM đã truy cập trên internet tìm những thông tin cho tham quan, mua sắm hoặc khi đến đây, có đoàn nhờ hướng dẫn viên dẫn đi, có người thủ sẵn cuốn sách hướng dẫn du lịch trên tay... Họ rất thích thú vì ở Sài Gòn có những con đường gắn liền với những mặt hàng nhất định.

              Ví dụ như đường Đồng Khởi được xem như “phố quà lưu niệm”. Trên con đường này bán rất nhiều mặt hàng từ mây tre lá, sơn mài, tranh thêu- chép- vẽ, gốm sứ cho đến lụa tơ tằm, thổ cẩm... Phố Lê Công Kiều bán đồ giả cổ. Phố văn phòng phẩm, kim khí điện máy ở Nguyễn Huệ, Lê Lợi... Bây giờ có thêm chợ đêm Bến Thành, ngoài dịch vụ ẩm thực còn bán đồ may sẵn, hàng lưu niệm.

              Riêng khu chợ Lớn được xem như một “Chinatown” sầm uất ở Việt Nam chuyên bán các mặt hàng dành cho khách Trung Hoa như tượng Phật, vật linh(hạc, rùa, kỳ lân, rồng)... được chạm khắc bằng gỗ, đồng hoặc đúc bằng nhựa poly rất tinh xảo, ấn tượng, hoặc có dáng vẻ cổ xưa; hay các loại tráp, lư, bát dùng để đốt trầm hương...

              Phố đêm Sài Gòn cũng muôn vẻ. Có shop bán hàng hóa cao cấp như tranh thêu tay, tranh gỗ dát mỏng, được bày biện trong phòng kính, máy lạnh rất bắt mắt. Nhiều nhất vẫn là những phố có cửa hiệu san sát nhau, hàng hoá trưng bày tràn ra cả lề đường như mời gọi, du khách tha hồ lựa chọn. Điều đặc biệt theo chị Kusano – du khách Nhật – là người Việt rất dễ thương. Du khách có thể vào xem hàng hóa thoải mái, không mua cũng không sao, thậm chí được người bán giới thiệu rất kỹ về sản phẩm ấy nữa.

              Du khách mỏi chân hoặc không muốn đi bộ nhiều, ghé vào các hiệu sách: Nguyễn Huệ, Xuân Thu, Sài Gòn... cũng có thể mua được nhiều thứ. Bởi nhà sách bây giờ như một siêu thị tổng hợp, không chỉ bán nhiều loại sách trong và ngoài nước, mà còn bán đồ tiêu dùng, quà lưu niệm, bưu ảnh, bản đồ... “Window shopping” (tamh dịch đi xem hàng hoá) cũng được du khách thích. Có thể họ không mua gì, đi chỉ để ngắm nhìn đường phố Sài Gòn về đêm, xem người Sài Gòn sinh hoạt ra sao.

              --------------------


              Sài gòn với thú ăn đêm

              ở Sài Gòn, ăn đêm có thể chưa phải là một cái thú, nhưng nó lại là một phần không thể thiếu, làm nên bộ mặt đời sống của Sài Gòn khi màn đêm buông xuống.

              Khác với Hà Nội, chỉ có hai nơi được coi là chốn ăn đêm tương đối tập trung là khu gần ga Hàng Cỏ (cho giới bình dân) và khu Cấm Chỉ (không bình dân) thì Sài Gòn, bạn có thể tìm được vô vàn những chốn ăn đêm thú vị. Món ăn có sức quyến rũ khách ăn đêm nhất có lẽ là... cháo! Cháo trắng! Bởi trước khi đi ngủ, ăn cháo nhẹ bụng, nhẹ cả tiền, mà lại không cách rách, mất thời gian.

              Khu bán cháo đang được nhiều khách lui tới ở Sài Gòn hiện nay nằm trên đường Lý Chính Thắng (khu Yên Ðổ cũ). Chỉ có một tấm biển đề "Cháo trắng" gọn lỏn cho cả dãy quán. Khách về khuya tấp xe vào, gọi một tô cháo trắng. Nhưng chẳng có khách nào lại chỉ ăn cháo trắng không cả! Bởi cùng với món bình dân ấy là vô vàn những thức ăn kèm, hấp dẫn mà vẫn... bình dân.

              Món được gọi nhiều nhất là cháo trắng ăn với hột vịt muối (trứng vịt muối mặn) hay hột vịt bắc thảo, trứng chiên 3 màu... Lòng đỏ được dầm ra, ngào cùng với cháo, làm cho món cháo trắng bình thường chuyển màu, toả ra mùi ngầy ngậy beo béo đủ làm ứa nước bọt người khách đang lúc đói lòng. Nếu như khách thuộc "trường phái" ưa hải sản thì cháo trắng có thể ăn cùng cá cơm, cá bống kho tiêu, cá cơm sấy mè, cá cơm chiên hoặc con ruốc cháy tỏi, ba khía ngào, tôm rim... Cháo ăn với thịt, có thịt kho tiêu hay các loại chà bông (ruốc) cá hoặc chà bông thịt. Như để làm cho món ăn trở nên "chay tịnh hơn", khách cũng có thể ăn món cháo trắng với các loại dưa món, dưa mắm, cà mắm hoặc cải xá bấu xào tôm khô. Cả một thực đơn đa dạng mà không kém phần hấp dẫn dành cho thực khách!

              Một khu ăn đêm khác cũng khá nổi tiếng là khu Ða Kao. Bánh cuốn Ða Kao thành danh đã lâu, nhưng đó là món ăn chủ yếu dành cho khách ăn sáng. Về đêm, khu Ða Kao cũng sáng đèn với những quán cóc có đủ các loại cháo, mì, phở, hủ tíu dành cho khách lỡ độ đường hoặc mệt mỏi trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả.

              Khu Yên Ðổ cũ hay Ða Kao là những khu ăn đêm bình dân, nhưng bình dân hơn cả trong những khu ăn đêm của Sài Gòn là khu vực chợ Bà Chiểu. Do đây là chợ đầu mối chuyên bán xỉ các loại thực phẩm, để rồi từ đó hàng hoá lại toả đi khắp các chợ khác của Sài Gòn, nên chợ Bà Chiểu chủ yếu nhóm họp về đêm. Mà đã họp về đêm thì tất yếu sinh ra những quán ăn đêm phục vụ những người bốc dỡ hàng, các chủ vựa, lái xe từ các tỉnh đổ về. Quãng 8 giờ tối là giờ bắt đầu mở hàng của dãy quán bên hông khu chợ này. Ðến tầm 12 giờ đêm, 1 giờ sáng, trong khi nhiều người Sài Gòn còn đang chìm sâu vào giấc ngủ yên, thì cũng là lúc các quán ăn đêm chợ Bà Chiểu đông nghịt khách. Do thực quán chủ yếu là dân lao động, không có nhiều thời gian "khề khà" mà cần ăn nhanh để còn làm việc, nên các món ăn ở đây chủ yếu là mì, hủ tíu... giá rẻ, chỉ vài ba nghìn đã có được một tô nóng hổi đặt trước mặt, ngồi sát bên nhau xì xụp trong cái se lạnh khi đêm về...

              Nhưng nói đến ăn đêm ở Sài Gòn không có nghĩa là chỉ có những khu ăn đêm bình dân. Sài Gòn có hẳn những quán ăn sang trọng chỉ để phục vụ khách ăn đêm, cho dù ban ngày vẫn mở cửa. Một trong những quán ăn được nhiều người biết đến là quán ABC ở 172H Nguyễn Ðình Chiểu. Trên tất cả các bản thực đơn cũng như trên giấy bọc đũa của quán này ghi rõ ràng: mở cửa đến 4 giờ sáng! Toạ lạc trong khu trung tâm thành phố, lại được thiết kế, bài trí khá sang trọng, nên đối tượng khách lui tới đây phần nhiều thuộc tầng lớp trung lưu, giới văn nghệ sĩ, diễn viên sau những buổi diễn về khuya, và tất nhiên là cả khán giả của họ nữa... ở đây cũng bán các loại cháo như cháo sò điệp, cháo tôm, thập cẩm, thịt heo (lợn) bắc thảo hay cháo thịt gà xé, bò, cật heo... Giá cả cũng tương xứng với tầm vóc của quán! Nếu như đằng Yên Ðổ, một tô cháo hột vịt chỉ khoảng 8.000 VND thì ở đây đắt hơn, tô cháo heo bắc thảo hay thập cẩm lên tới 14.000 VND, nếu là cháo sò điệp hay cháo tôm còn tới 24.000 VND. Thật chẳng bình dân chút nào, nhưng có sao đâu! Khách hàng ở đây sẵn sàng trả tiền cao cho những món ăn đêm giúp họ có được những giây phút thư giãn sau một ngày lao động mệt mỏi, hay chí ít cũng có một chút dằn bụng để dỗ giấc ngủ khuya...

              Còn một khu ăn đêm ở Sài Gòn cũng khá đặc biệt. Khu này nằm ở ngay trung tâm Sài Gòn, gần đường Hàm Nghi. Khu có tên hẳn hoi là đường Hải Triều, thế nhưng dân ăn đêm lại quen gọi đây là khu... Cấm Chỉ! Lý do là vì ở đây chủ yếu bán những món ăn miền Bắc, giống như phố ăn đêm Cấm Chỉ nổi tiếng ngoài Hà Nội. Vậy là sau những quán cơm bà Cả Ðọi, sau phở Bắc Hải..., ẩm thực Hà Nội lại có một góc nhỏ giữa lòng Sài Gòn, nơi tập trung những quán ăn đêm! Tới khu "Cấm Chỉ" này, khách có thể tìm thấy những món ăn rất "Bắc" như phở, bún, mì... "Bắc" nhưng vẫn có một đĩa giá sống kèm, cho những ai ăn Bắc mà nhớ Nam! Ngày càng nhiều thực khách của Sài Gòn bị quyến rũ bởi hương vị các món ăn miền Bắc đã lui tới đây. Và tất nhiên là không thể thiếu những người miền Bắc vào Sài Gòn sinh sống làm ăn, trong một lúc chạnh lòng nhớ quê, tới khu "Cấm Chỉ" để tìm hương vị quê hương bản quán nơi đầu lưỡi! Nếu như nhà văn Vũ Bằng còn sống, hẳn ông cũng lại ngồi đâu đó, lẫn giữa đám thực khách đông đúc trong khu Cấm Chỉ này để thưởng thức hương vị món ăn miền Bắc, những món ăn ông đã từng thưởng thức và gửi gắm cảm xúc của mình qua những trang sách...

              Sài Gòn ban ngày thường nóng, nhưng đêm lại se lạnh. Những quán ăn đêm của Sài Gòn chính là nơi người ta có thể đến để tìm chút hơi ấm ban đêm.

              Cháo đêm Sài gòn: Ðối với những người phải làm việc vào ban đêm hay thường phải thức khuya thì món cháo được ưa chuộng, đơn giản vì nó dễ "nuốt", dễ tiêu hóa về đêm.



              [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/8565/A6427879B23B429F890B6ABB8F611455.jpg[/image]

              [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/8565/5C1B652A85E14DDEA503848779BED68D.jpg[/image]
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 24.02.2006 14:05:54 bởi Chuộtlắc >
              Attached Image(s)
              #7
                Chuột lắc 24.02.2006 14:47:18 (permalink)
                Khu du lịch

                ² Khu công viên nước Củ Chi: nơi vui thú điền viên hữu tình
                ² Thảo Cầm Viên
                ² KDL Đầm Sen
                ² KDL Suối Tiên

                Du lịch sinh thái

                ² Khu du lịch Bình Quới-thanh Đa: "Tiểu Hawaii" tại Việt Nam
                ² Vườn sưu tập tre trúc
                ² Khu du lịch văn hóa sinh thái Củ Chi: điểm hẹn xanh trên đất thép
                ² Vườn cò Thủ Đức
                ² KDL sinh thái Cần Giờ

                -------------------------
                dưới đây là 1 số hình ảnh của KDL Cần Giờ, Bình Quới

                [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/8565/C36D288EC97C472CBE172323959AD596.jpg[/image]

                [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/8565/AC9BB180BEA3434AB0FECC30BC99B7C8.jpg[/image]





                <bài viết được chỉnh sửa lúc 24.02.2006 14:53:16 bởi Chuộtlắc >
                Attached Image(s)
                #8
                  Chuột lắc 24.02.2006 14:55:10 (permalink)


                  [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/8565/BC6986ED302047F7BEEA6DBA7A106180.jpg[/image]
                  Attached Image(s)
                  #9
                    Chuột lắc 24.02.2006 15:11:14 (permalink)
                    và 1 số hình khác





                    [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/8565/1B85DB002F76444CAAA662AF2AE3AB43.jpg[/image]

                    [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/8565/21DA8D591C7B4CF9B016A2C1A00F3F8C.jpg[/image]

                    [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/8565/9C7D7E64F5C14511992ECD36EBC3F43B.jpg[/image]
                    Attached Image(s)
                    #10
                      toyota 24.02.2006 17:36:48 (permalink)
                      chuộc lắc viết bài này công phu dử á!!

                      hay ghê nha, post tiếp nha chuột lắc
                      #11
                        sunflower 24.02.2006 21:40:31 (permalink)


                        Hình này chụp ở Sài Gòn luôn hả CL
                        #12
                          Chuột lắc 25.02.2006 08:12:48 (permalink)
                          @ Toyota: Cám ơn bạn Toyota đã quan tâm. Mình sẽ cố gắng!!!

                          @SF: Đúng vậy đó bạn Súng Pháo, bối cảnh là từ trong Dinh Thống Nhất chụp ra đường Lê Duẩn. Toà nhà xanh xanh đó là Diamon Plaza đấy.
                          #13
                            Silk 25.02.2006 11:55:05 (permalink)










                            Con đường đẹp nhất Sài Gòn - đường Tôn Đức Thắng
                            <bài viết được chỉnh sửa lúc 27.02.2006 08:42:09 bởi Chuộtlắc >
                            #14
                              deplao 28.02.2006 09:35:26 (permalink)
                              Để biết thêm quán ăn và tên đường vào đây.

                              http://vietnamscout.com
                              #15
                                Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 18 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9