các bạn tìm giúp mình bài "baogowif trở lại" của hoàng trung thông và bài"thăm lúa " của hữu thung
chuc_meo 08.03.2006 15:43:49 (permalink)
CÁC BẠN CÓ THỂ TÌM GIÚP MÌNH HAI BÀI THƠ TRÊN VÀ BÀI"NHÀ TÔI CỦA YÊN THAO.
CẢM ƠN CÁC BẠN TRƯỚC NHA
#1
    tieuboingoan 08.03.2006 17:27:53 (permalink)
    Ba bài thơ bạn cần đây nè:

    Bao Giờ Anh Trở Lại

    Hoàng Trung Thông



    Các anh đi ngày ấy đã xa rồi
    Xóm làng tôi còn nhớ mãi
    Các anh đi Bao giờ trở lại?
    Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong.
    Làng tôi nghèo nho nhỏ bên sông,
    Gió bắc lạnh lùng thổi vào mái rạ.
    Làng tôi nghèo gió mưa tơi tả,
    Trai gái trong làng vất vả ngược xuôi.

    Các anh về mái ấm nhà vui
    Tiếng hát câu cười rộn ràng xóm nhỏ
    Các anh về tưng bừng trước ngõ
    Lớp lớp đàn em hớn hở theo sau.
    Mẹ già bịn rịn áo nâu
    Vui đàn con nhỏ rừng sâu mới về.
    Từ lưng đèo dốc núi mù che,
    Các anh về Xôn xao làng tôi bé nhỏ.
    Nhà lá đơn sơ, nhưng tấm lòng rộng mở.
    Nồi cơm nấu dở bát nước chè xanh
    Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau.
    Anh giờ đánh giặc nơi đâu
    Chiềng Vang, Vụ Bản hay vào Trị Thiên?
    Làng tôi thắng lợi vụ chiêm,
    Lúc thêm xanh ngọn, khoai lên thắm vồng.
    Giảm tô hai vụ vừa xong,
    Đêm đêm ánh đuốc dân công rực đường
    Dẫu rằng gió núi, đèo sương
    Số anh máu nhuộm chiến trường thấm chi.
    Bấm tay tính buổi anh đi
    Mẹ thường vẫn nhắc: biết khi nào về?
    Lúa xanh xanh ngắt chân đê
    Anh đi là để giữ quê quán mình
    Cây đa, bến nước, sân đình
    Lời thề nhớ buổi mít tinh lên đường.
    Hoa cau thơm ngát đầu nương,
    Anh đi là giữ tình thương dạt dào.

    Các anh đi khi nào trở lại?
    Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong
    Chờ mong chiến dịch thành công
    Xác thù chất núi, bên sông đỏ cờ.
    Anh đi chín đợi , mười chờ,
    Tin thường thắng trận, bao giờ về anh
    ========================================

    THĂM LÚA

    TRẦN HỮU THUNG

    Mặt trời càng lên tỏ
    Bông lúa chín thêm vàng
    sương treo đầu ngọn gió
    Sương lại càng long lanh.
    Bay vút tận trời xanh
    Chiền chiện cao cùng hót
    Tiếng chim nghe thánh thót
    Văng vẳng khắp cánh đồng
    Đứng chống cuộc em trông
    Em thấy lòng khấp khởi
    Bởi vì em nhớ lại
    Một buổi sớm mai ri
    Anh tình nguyện ra đi
    Chiền chiện cao cùng hót
    Lúa cũng vừa sẫm hột
    Em tiễn anh lên đường
    Chiếc xắc mây anh mang
    Em nách mo cơm nếp
    Lúa níu anh trật dép
    Anh cúi sửa vội vàng
    Vượt cánh đồng tắt ngang
    Đến bờ ni anh bảo
    "Ruộng mình quên cày xáo
    Nên lúa chín không đều
    Nhớ lấy để mùa sau
    Nhà cố làm cho tốt"
    Xa xa nghe tiếng hát
    Anh thấy rộn trong lòng
    Sắp đến chỗ người dông
    Anh bảo em ngoái lại
    Cam ba lần ra trái
    Bưởi ba lần ra hoa
    Anh bước chân đi ra
    Từ ngày đầu phòng ngự
    Bước qua kì cầm cự
    Anh có gủi lời về
    Cầm thư anh mân mê
    Bụng em giừ phấp phới
    Anh đang mùa thắng lợi
    Lúa em cũng chín rồi
    Lúa tốt lắm anh ơi
    Giải thi đua em giật
    Xoè bàn tay bấm đốt
    Tính cũng bốn năm ròng
    Ai cũng bảo đừng mong
    Riêng em thì vẫn nhớ
    Chuối đầu vườn đã lổ
    Cam đầu ngõ đã vàng
    Em nhớ ruộng nhớ vườn
    Không nhớ anh răng được
    Mùa sau kề mùa trước
    Em vác cuốc thăm đồng
    Lúa sây hạt nặng bông
    Thấy vui vẻ trong lòng
    Em mong ngày chiến thắng.

    Những điều chưa biết về nhà thơ “Thăm lúa”


    Nhân 80 năm sinh (1923 -2003) và 4 năm ngày mất (1999-2003) Trần Hữu Thung - nhà thơ nổi tiếng với bài thơ Thăm lúa, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật và Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An đã tổ chức Lễ tưởng niệm và tọa đàm khoa học về cuộc đời và sự nghiệp của ông.
    Bên cạnh những bài tham luận về sự nghiệp thơ ca của Trần Hữu Thung, nhiều người còn nhắc lại những kỷ niệm, những tình cảm anh em, đồng chí với nhà thơ.
    HNMCN xin trích giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Nghĩa Nguyên, người đã có nhiều gắn bó với Trần Hữu Thung từ thuở ấu thơ và trích một phần bức thư của nhà thơ Xuân Diệu gửi cho Trần Hữu Thung năm 1954.


    Từ chú bé có tài bắt chim

    Có 3 thú chơi mà Trần Hữu Thung mê nhất từ hồi nhỏ, đó là đánh bắt cá, bẫy chim, đấu vật. Hễ xách nơm, vác vó, cắp nỏ đi là có cá, có chim mang về. Bạn bè bảo Thung nghe được cá bàn chuyện với nhau dưới nước, chim nói chuyện với nhau trên cây. Thật ra, Thung chỉ nhìn hướng gió mà đoán đoàn cá đi ăn, nhìn ráng, nhìn mây mà biết chim đàn về, đoán nơi chúng sa đậu.

    Đến nay, người già trong làng còn ngồi kể cho nhau nghe chuyện Thung bắt chim bồ nông. Chuyện rằng lụt tháng Tám, làng Trung Phường (thuộc xã Diễn Minh, Diễn Châu, Nghệ An - quê Trần Hữu Thung) như một ốc đảo giữa biển nước mênh mông. Có lần chim bồ nông về, sa xuống giữa rục sâu, đứng chờ có tôm bơi đến là mổ ăn. Lúc bấy giờ, sử dụng súng bị cấm, dùng nỏ bắn cũng chẳng đến nơi, bơi thuyền thì sợ chim bay mất. Dân bẫy chim ngồi ở cổng làng thèm tiếc, ấy thế mà Trần Hữu Thung đã lập mưu bắt được. Anh lấy dây cột rạ thành chụm trùm lên đầu rồi lội xuống rục nước tới tận cổ, lần hồi từng bước chân trông như một chụm rạ bị nước cuốn trôi. Chim bồ nông cũng đứng chờ rạ đến vì trong rạ thường có tôm cá vướng vào. Thế là Thung luồn 2 tay ra, túm lấy 2 cẳng của chim bồ nông, nhận xuống nước. Trước cổng làng, người đứng lên reo hò vì trí thông minh và sự khéo léo của Trần Hữu Thung.

    Đến chủ tịch xã 22 tuổi

    Bắt đầu làm chủ tịch xã từ năm 1945, năm 1948, Trần Hữu Thung xin nghỉ để đi học lớp văn hóa kháng chiến của Liên khu 4 ở Thanh Hóa. Chính từ đây đánh dấu con đường thơ của Trần Hữu Thung. Nhưng lý do của việc “từ chức” này thì ít người biết.

    Vào thời gian đó, người vợ đầu của Trần Hữu Thung sinh con vào đêm giao thừa và mất ngay trên bàn đẻ. Đám tang vào đúng sáng mồng một tết. Đứa con sống nhờ sữa góp cũng mất sau đó 1 tháng. Thung đau khổ tột cùng, muốn thay đổi môi trường sống để nguôi ngoai đi nỗi đau mất vợ, mất con...

    Và thi sĩ của đồng quê

    Trong bức thư đề ngày 3-2-1954 gửi Trần Hữu Thung, nhà thơ Xuân Diệu viết: “Mình nghĩ nhiều đến Thung, đến các tác phẩm của Thung. Mình thấy Thung có đủ bản lĩnh để làm một thi sĩ chắc chắn về lập trường, tư tưởng, về sự chịu khó hy sinh các sáng tác của mình vì nhiệm vụ, về tinh thần trách nhiệm của Thung, về khả năng hiểu biết của Thung về thơ, đào sâu trong ca dao, trong thơ cổ điển kiêm thêm một sự chí thú nhà nghề làm đi làm lại, có lương tâm nhà nghề, cái đó không phải là khó, nhất là từ khi có thủ đô. Các thi tài, thi kiệt, văn sĩ về thủ đô với một cái nóng ruột như muốn ôm, muốn hốt lấy danh vọng cho thật nhiều, thật chóng...Cái định đoạt cho thơ Thung không phải là thủ đô, là tờ báo, là ban giám khảo hay các giải thưởng mà đó là trang giấy trắng mực đen mà Thung cặm cụi đặt bài thơ của mình lên chữa đi, chữa lại, là quần chúng tán thưởng Thung. Con đường thơ là con đường chân thật, ở trong ruột rút ra. Theo mình, trong lớp thi sĩ mới từ sau Cách mạng tháng Tám, Thung đã có chỗ hẳn hoi, duy nhất. Nên luôn cố gắng, chân tâm làm thi sĩ, Thung sẽ cống hiến được một cái gì đó cho thơ VN...”.


    =============================
    Nhà Tôi

    Yên Thao


    Tôi đứng bên này sông
    Bên kia vùng địch đóng
    Làng tôi đấy xạm đen màu tiết đọng
    Tre cau buồn tóc rũ ước mơ sương
    Màu trắng vôi lờm lợp mấy khung tường
    Nếp đình xưa người hỡi đau gì không ?

    Tôi là anh lính chiến
    Rời quê hương từ dạo máu khơi dòng
    Buông tay gầu vui lại thuở bình mong
    Ghì nấc súng nhớ ơi ngày chiến thắng
    Chân chưa vẹt trên nẻo đường vạn dặm
    Áo nào không phai nhạt chút màu xưa

    Ðêm hôm nay tôi trở về lành lạnh
    Sông sâu buồn lấp lánh sao lưa thưa
    Tôi có người vợ trẻ đẹp như thơ
    Tuổi chớm đôi mươì cười buổi dâng cờ
    Má trắng mịn thơm thơm mùi lúa chín

    Ai đi qua mà chẳng từng bịn rịn
    Rời đau thương nào đã mấy ai vui ?
    Em lặng buồn nhìn với lúc chia phôi
    Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ

    Tôi còn người mẹ
    Tóc đã ngã màu bông
    Tuổi già non thế kỷ
    Lưng gầy uốn nặng kiếp long đong
    Nắng mưa từ buổi tang chồng
    Tơ tằm rút mãi cho lòng héo hon

    Thôi xa rồi ! Mẹ tôi
    Lệ nhòa mi mắt trông con phương trời
    Có từng chợt tỉnh đêm vơi
    Nghe ròn tiếng súng nhắc lời chia ly !
    Mẹ ơi ! Con mẹ tìm đi
    Bao giờ hết giặc con về mẹ vui

    Ðêm nay lành lạnh
    Sông sâu buồn lấp lánh sao lưa thưa
    Ống quần nâu đã vá mụn giang hồ
    Chắp tay súng tôi mơ về Nguyễn Huệ
    Làng tôi đấy bên trại thù quạnh quẽ
    Nằm im lìm như một nắm mồ ma
    Có còn không ! Em hỡi một mẹ già ?
    Những người thân yêu khóc buổi tôi xa

    Tôi là anh lính chiến
    Theo quân về giải phóng quê hương
    Mái đầu quân bụi viễn phương
    Bước chân đạp đất xiêu đồn lũy

    Này anh chiến sĩ
    Người bạn pháo binh
    Ðã đến giờ chưa nhỉ ?
    Mà tôi nghe như trại giặc tan tành

    Anh rót cho khéo nhé !
    Không lại nhầm nhà tôi
    Nhà tôi ở cuối thôn Ðoài
    Có giàn thiên lý
    Có người tôi yêu
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 08.03.2006 17:30:44 bởi tieuboingoan >
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9