Nói về Phụ nữ Việt Nam
Huyền Băng 08.03.2006 21:39:40 (permalink)
NHÂN NGÀY 8/3 NÓI VỀ PHỤ NỮ VIỆT NAM


Mỗi lần sắp đến ngày 8/3 tôi lại được nghe những chương trình chuyên đề về ngày lễ này cùng những buổi hội họp nhằm tôn vinh phụ nữ. Đây là ngày lễ Quốc tế phụ nữ, ở nước ngoài thì không biết như thế nào, nhưng ở Việt Nam người ta thường hô hào thanh niên, nam giới phải đặc biệt chú trọng đến mẹ, đến vợ mình trong ngày lễ kỷ niệm này. Hãy giành cho họ những món quà thật dễ thương, hãy chia xẻ với họ công việc nhà hôm đó để họ rảnh rang tung tăng đây đó. Một ngày lễ thật ý nghĩa dùng để bày tỏ sự biết ơn của chồng, của con, với những người vợ, người mẹ luôn nhọc nhằn trong công việc vì họ. . . những cô gái chưa chồng cũng được ăn theo vì là phụ nữ, và được người yêu chăm sóc cẩn thận hơn, ưu ái hơn mặc dù trước đó họ vẫn được chăm sóc vì là “người yêu”.

Nói về vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong gia đình: Thật là vất vả! Nếu như ngày trước, người chồng đi làm kiếm tiền chi tiêu trong gia đình, người vợ ở nhà chăm sóc con cái, bếp núc giặt giũ. Và công việc ấy được đặt tên là nội trợ. Hai từ nội trợ nghe nó đơn giãn làm sao nhưng công việc thì không đơn giản chút nào. Cứ mỗi sáng ra người vợ phải quét dọn nhà cửa, cẩn thận thì cũng phải hơn một tiếng, nếu có con thì lại phải vừa làm vừa chăm con, chợ búa nấu nướng là hết một buổi sáng để có buổi cơm trưa cho gia đình. Khi tất cả đã ăn uống xong xuôi, mọi người nghỉ ngơi, người phụ nữ phải dọn dẹp. Khi cả nhà đi khỏi, người phụ nữ lại lao vào công việc giặt giũ, ủi đồ. Và lại bước vào buổi cơm chiều. Và rồi lại dọn dẹp . . . Người chồng đi làm về cảm thấy căn nhà tươm tất, mát mẻ sạch sẽ, nhưng có lẽ không nghĩ cho tới mức là vợ mình phải mất bao nhiêu công sức mới có sự sạch sẽ này. Với cảm giác là một chủ gia đình, người chồng có cảm tưởng mình phải được phục dịch tận gốc, tận rể. Đọc tờ báo phải có ly cà phê kế bên,Lên mâm cơm phải có sẳn ly nước uống, và tất cả đều phải đầy đủ, nếu thiếu là sẽ cau mày gắt gỏng. Để có một bửa ăn nóng sốt cho gia đình người vợ luôn chực chờ hâm nóng thức ăn trước khi chồng con sắp sửa về nhà. Ở đây chỉ đề cập đến những người đàn ông mẫu mực; nếu đi xa hơn nữa, với những người đàn ông xem vợ mình như là một nô lệ, một thuộc quyền mà nhất cử nhất động đều phải nhìn theo ý chồng thì vấn đề còn nặng nề hơn nữa. Người phụ nữ trong gia đình này có một cuộc sống cam chịu, và không bao giờ tìm thấy thoải mái hoặc hạnh phúc trong cuộc sống chung. Ban đầu vợ chồng yêu nhau rồi cưới nhau, nhưng sau đó vì sự bình yên trong gia đình, người phụ nữ phải bỏ hết những sở thích riêng tư, những ước vọng riêng. Khi có con, người phụ nữ là người phải gánh hết những nhọc nhằm khi nuôi trẻ, và khi con trẻ lớn lên, người phụ nữ cũng là người phải dõi theo hoạt động của con để cho nó nên người. Nói như thế người phụ nữ trong gia đình là một lao công quét dọn, một bà bếp chợ búa nấu nướng, một người bồi giặt giũ ủi là, một vú em nuôi trẻ, một cô giáo dạy học, một nhà tâm lý quản trò . . .

Và trong xã hội hiện tại, nhu cầu cuộc sống cao, một mình người chồng đi làm không đủ giải quyết mọi chi phí, hoặc có đủ cũng không dư để phòng khi đau ốm, bất trắc. Người vợ cũng phải đi làm. Công việc làm của người phụ nữ ở sở cũng không kém phần khó nhọc, thế nhưng khi tan sở về nhà, người phụ nữ lại phải hoàn tất hết bao nhiêu công việc của một ngày mà người phụ nữ ngày xưa phải làm. Ngẫm nghĩ sự chịu đựng của người phụ nữ ngày nay rất cao. Với áp lực của công việc ở sở, với yêu cầu của gia đình, với bổn phận của một người vợ, người mẹ, họ thật là quá tải.

Họ cần gì, một món quà cho ngày 8 tháng 3? Một ngày thong dong bát phố để chồng gánh vác công việc? Một lời cảm ơn của đứa con? Để họ cảm thấy đời vui hơn? Và đấy là hệ quả của ngày kỷ niệm này mang đến?

Tôi không nghĩ là như vậy! Đối với tôi, ngày 8 tháng 3 là ngày nhắc nhở cho các đấng mày râu biết rằng: Phụ nữ không phải là một sinh vật nhỏ bé được thượng đế sinh ra để phục vụ cánh đàn ông. Mà phụ nữ là một người như mình có những suy nghĩ, những tâm tư tình cảm riêng, có công việc độc lập cần được tôn trọng, cũng như cần được chia xẻ …

Tốt biết bao nhiêu khi hàng ngày, sau khi rời sở người đàn ông biết chia xẻ với vợ công việc nhà. Thay gì tắm rửa ngồi lên bàn cơm chờ dọn, thì hãy xuống bếp bưng phụ vợ thức ăn. Thay gì nói sao nhà tắm bẩn quá? Thì hãy giùm dọn dẹp. Thay gì la cà ngoài phố với bạn thì về nhà sớm để thức ăn không phải hâm lại, ôi người vợ hạnh phúc dường bao.

Cả những đứa con cũng vậy. Nếu đứa con ý thức được rằng người mẹ tốt của mình vô cùng vất vả, thì hàng ngày hãy giơ tay ra phụ giúp mẹ mình, những công việc tuy nhỏ nhặt như dẹp một món đồ vứt bừa bãi, rửa một chậu bát, bưng một ly nước cho mẹ lúc mẹ mình nhọc mệt, tôi nghĩ đó là đã hiểu được ý nghĩa của ngày 8 tháng ba.

HB



*************

Đã đưa bài vào thư viện.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.03.2006 18:47:03 bởi Huyền Băng >
#1
    Ngọc Lý 08.03.2006 22:24:15 (permalink)

    .



    Yêu quý tặng chị Huyền Băng
    và tất cả các bạn gái trong Việt Nam Thư Quán
    đóa hồng bằng ngọc tím,
    dịu dàng, lóng lánh tình cảm
    mà rất vững vàng trong cuộc đời...
    nhân ngày tám tháng ba.


    ngọc lý



    #2
      M_Hằng 09.03.2006 03:18:29 (permalink)
      Bài viết của sis cảm động và mang nhiều ý nghĩa--Mong rằng các ông lúc nào cũng tốt với các bà không ngoài trừ 8-3
      #3
        TTL 09.03.2006 07:37:37 (permalink)
        ttl chưa có dịp sống ở Âu châu, Úc châu .... Nhưng ở Bắc Mỹ (Mỹ & Gia Nã Đại) thì người ta sắp hạng : "số một là phụ nữ, số hai là trẻ con, thứ ba là chó... cuối cùng là đàn ông" ( first is lady, second is kid, third is dog... and last is man). Và theo ttl thấy, thì cuộc sống thực tế ở BM đúng như vậy.

        Dù chưa có đến nổi "thê tử tùng tử, tử tử tùng tôn .... và tôn tử tùng lung tung" ... cho mấy ông VN như phụ nữ Á đông thời xưa. Nhưng "thân phận đàn ông" ở Bắc Mỹ hiện giờ có thể nói "12 bến nước trong nhờ, đục chịu" . Mặc dù cũng có đường chọn lựa cho đàn ông như "đục chạy" (ly dị)... hihihi.... Tuy nhiên, luật ly dị ở Bắc Mỹ (tổng quát) thì đàn ông bị thiệt thòi nhiều hơn phụ nữ => Nên cũng "ô hô ai tai" cho đàn ông lắm nếu lỡ cập thuyền nhằm bến đục.


        Tốt biết bao nhiêu khi hàng ngày, sau khi rời sở người đàn ông biết chia xẻ với vợ công việc nhà. Thay vì tắm rửa ngồi lên bàn cơm chờ dọn, thì hãy xuống bếp bưng phụ vợ thức ăn. Thay vì nói sao nhà tắm bẩn quá? Thì hãy giùm dọn dẹp. Thay vì la cà ngoài phố với bạn thì về nhà sớm để thức ăn không phải hâm lại, ôi người vợ hạnh phúc dường bao.


        Nấu ăn, lau nhà, rửa chén, chùi xe ... chuyện nhỏ cho đàn ông ở North America . Hầu hết đàn ông sống ở bên này đều phải "sinh vật thích ứng với môi trường" để tồn tại. Đúng là "thiện tai" ( = tại thiên) ... và "quả báo" ...hihihi....

        Bởi vậy ở VN mà ông nào "lười biếng" quá và còn giữ quan niệm "chồng chúa vợ tôi", thì "hăm dọa" gởi họ qua BM huấn luyện một thời gian là họ sẽ "sợ" và trở thành "siêng năng" liền hà...
        ttl "guarantee without insurance" ( bảo đảm nhưng không có bảo hiểm) !!!! Bàn phiếm và "tùm lum" chơi cho vui vẻ cuộc đời.

        Cám ơn bài viết hay ... và chúc Huyền Băng, quí Bà và quí Cô ... một ngày 8 tháng 3 vui vẻ & như ý.


        **************
        Đùa chút cho vui

        Hôm nay mồng Tám tháng Ba
        Tôi giặt hộ bà chiếc áo... của tôi
        Phần bà có nửa đĩa xôi.
        Sợ bà đau bụng tôi....xơi hộ bà

        Hoan hô mồng Tám, tháng Ba !

        Tú Sót
        #4
          Huyền Băng 12.03.2006 16:24:19 (permalink)
          Tục gia trưởng,


          Trong xã hội Việt Nam thời xưa có tục gia trưởng, tức là người chủ trong nhà. Tục này ảnh hưởng bởi quan niệm trọng nam khinh nữ mà ngày xưa người ta thường hay bảo nhau:
          “Nhất nam viết hữu,
          Thập nữ viết vô”
          Trong một gia đình, người chồng là người làm chủ gia đình, mọi quyết định về vận mạng của gia đình đều nằm trong tay người chồng. Người vợ chỉ là người phục tòng theo đạo tứ đức tam tòng. “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tùng tử” . Và cũng theo tục gia trưởng này, khi người cha qua đời, người con trai cả lên nắm quyền quyết định trong gia đình. Tài sản thừa kế cũng nằm trong tay người anh cả này. Em út có được hưởng hay không là do người anh này có chia cho hay không!
          Tại sao hình thành cái tư tưởng trọng nam khinh nữ này? Có lẽ cuộc sống của người dân trước đây chuyên về nông nghiệp, công việc phát hoang khai khẩn, hay cày cấy là những việc nặng nhọc mà chỉ đàn ông mới có đủ sức khỏe để đảm đương. Công việc sản xuất nông nghiệp này quyết định kinh tế gia đình. Cũng chính vì lẽ này mà người ta mong mỏi có con trai để có người giúp đỡ gánh vác trong việc đồng án. Người đàn ông cũng là người có sức khỏe để đối chọi với xã hội chung quanh trong những tình huống khó khăn, bức bách. Trong xã hội sơ khai, vấn đề an ninh xã hội không được bảo đảm triệt để, do đó những đám người lực lưỡng có thể cậy vào sức thanh niên để hiếp đáp những người yếu đuối những gia đình không có thanh niên. Con trai trong gia đình coi như là một thần hộ mệnh để bảo vệ gia đình. Từ những ưu thế dựa trên sức mạnh trời sinh, con trai trở thành một báu vật trong gia đình, và nếu không có coi như là bất hạnh? Vả kèm theo ý tưởng này là một phụ hệ : “có con trai để nối dõi tông đường”?

          Thế mạnh của tục gia trưởng

          Do tư tưởng được hình thành từ bao đời trong dân gian, người ta chấp hành nó một cách không suy nghĩ. Bắt đầu là một gia đình, sau là một họ; người gia trưởng, sau là người tộc trưởng, nắm hết quyền hành tài sản trong tay. Họ có thể chấp thuận hoặc không việc cưới gả con cháu trong tộc họ, họ có quyền chia cho ai cái gì, ở đâu, và đương nhiên ngôi nhà chính gọi là Từ Đường thì họ giữ. Cũng nhờ vậy mà nhiều ngôi nhà Từ Đường được bảo quản từ bao đời cho đến nay vẫn còn có cái tồn tại. Đám giỗ, người anh cả đứng ra tổ chức ngày giỗ cha, mẹ, ông bà, em út, con cháu qui về tu họp, chào hỏi nhau, liên hệ với nhau và làm cho tình thân gia tộc không bị nhạt nhòa. Sự thường xuyên hâm nóng này giúp cho họ sẳn sàng giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn. Cũng nhờ vào tinh thần gia trưởng này, nhiều giòng họ đã dẫn dắt nhau đến sự giàu có thịnh vượng cả họ.

          Cũng chính vì cái lợi mà người con trai mang đến cho gia đình thời đó, người con gái bị xem thường, và nhất là khi người con gái lớn lên lại phải theo chồng và phải chấp hành cái đạo “xuất giá tòng phu”. Cha mẹ thời đó thường nói: “con gái là con của người ta”.

          Sự thật thì như thế nào?

          Quay lại công việc của một gia đình thời nông nghiệp, nếu người đàn ông có sức khoẻ để phát hoang, cày bừa. Thì người phụ nữ vẫn phải cấy trồng, tưới tiêu.Cứ sáng sớm, người đàn ông dẫn trâu ra đồng cày ruộng, khi nắng lên trâu mệt là đã nghỉ, và người đàn ông được quyền thả trâu ăn đồng hoặc dẩn về nhà nghỉ ngơi. Và người phụ nữ phụ trách việc cấy, trồng. Đến khi gặt hái, người phụ nữ vẫn phải phụ gặt hái , gánh thóc về, phơi, sàng sẩy. Hầu như công việc sàng sẩy, phơi dê bỏ vô bồ coi như là việc nhà và phụ nữ là người làm chính.
          Ngoài sự cộng tác trong công việc, nếu là cô gái chưa chồng, người phụ nữ lại phải quét dọn từ bàn thờ đến nhà bếp, từ đầu sân đến cuối ngỏ một công việc đòi hỏi phải có sức khỏe vô cùng dẽo dai thì mới làm được. Nếu gia đình có trồng trọt chung quanh nhà thì phải gánh nước tưới cây. Nếu trong nhà có mọi nước uống thì đỡ khổ, không thì phải đi xa có khi hàng mấy cây số mới có một đôi nước trong lành về cho cả nhà làm thức uống. Đôi lúc đường quá xa họ phải gánh cặp đôi để tiết giãm thời gian. Họ phải sắp xếp thời giờ để mang lúa ngô ra phơi, vừa phơi lúa – ngô, vừa nấu cơm phục vụ gia đình. Khi giông gió trở trời, phải mang hết thóc lúa vào và rồi lại đem phơi . . .buổi trưa hè, hoặc buổi tối, họ phải ngồi may và từng mũi kim bằng tay dưới ngọn đèn dầu, từng ấy công việc không phải là đơn giản.

          Khi trong nhà có giỗ quảy nhóm phụ nữ phải chuẩn bị từ mấy ngày trước, gánh nước dự trữ, xay bột làm bánh gói bánh. Đến ngày chánh giỗ, nấu nướng dọn mâm cỗ và nhóm đàn ông chỉ việc dọn bàn mời khách, và ngồi tiếp rượu . . . đờn ca xướng hát. Nếu tính về khối lượng công việc thì người phụ nữ ngày xưa phải giải quyết một khối lượng công việc thật lớn so với cánh đàn ông. Thế nhưng người phụ nữ không có một chút quyền hạn gì dù là nhỏ nhoi.. .Đến khi lấy chồng, nếu gặp cha mẹ thương nghĩ đến công lao với gia đình cho chút đỉnh làm của hồi môn thì cũng là an ủi, bằng không về gia đình chồng thì lại tiếp tục cái đời lam lũ ở bên chồng cũng giống như những ngày ở nhà mình . Đấy là chưa kể đến việc gia đình bên chồng hà khắc, đối xử tệ bạc (làm dâu!), có làm nhưng không có ăn! Nếu người phụ nữ lấy con cả của gia đình bên chồng, thì còn có thể có những ngày tháng ung dung của tuổi già để hưởng của phụ ấm, còn nếu là con thứ hay con út, thì còn tuỳ thuộc vào sự thương yêu chia xẻ của ông anh cả. Nếu cơm lành canh ngọt, thì người đàn bà đó cũng coi như yên phận, nhưng chẳng may gặp người chồng trăng hoa bỏ vợ bỏ con, vợ sau, vợ nữa, ở cũng không xong mà đi về nhà cha mẹ ruột thì cũng không có phần để mà ở. Số phận của người phụ nữ trong giai đoạn này thất là thảm thương.

          Việc chăm sóc cha mẹ ruột, hay cha mẹ chồng dĩ nhiên là do người phụ nữ. Từ miếng ăn, giấc ngủ, hay những ngày bệnh tật cuối đời. Cánh đàn ông thường hời hợt trong vấn đề chăm sóc cha mẹ, rất ít người quan tâm cha mẹ mình ăn gì chưa, có khỏe không, và mình phải làm gì để cha mẹ mình cảm thấy dễ chịu hơn. . . Chỉ có phụ nữ, với bản tính đảm đang dịu dàng trời sinh mới có thể cận kề săn sóc, và người cha, người mẹ nếu có phước có được nàng dâu ngoan thì cũng an ủi tuổi già, bằng không thì chỉ mong chờ con gái, săn sóc, ẳm bồng, tắm rửa trong những cơn đau nặng.

          Kiều của Nguyễn Du là một tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam, lúc nào cũng sẳn sàng hy sinh mình cho cha mẹ, cho gia đình. Chị tôi của Trần Tiến, và rất nhiều tác phẩm mà chúng ta được kể lại sự nhọc nhằn, sự gian lao của người phụ nữ, người mẹ tảo tần lo cho con dù chồng có ra sao, những người chị phải hy sinh hạnh phúc riêng mình để đùm bọc em út trong lúc gia đình sa cơ thất thế cho đến ngày dựng vợ gã chồng ...

          Vậy thì tư tưởng trọng nam khinh nữ có đúng hay không?

          Đi xa một chút, ta nói đến hệ quả của tục này là “có con trai để nối dõi tông đường” . Người phụ nữ có chồng, khi không sanh được cho gia đình một đứa con trai để nối dõi tông đường, người đàn bà này coi như thất bại. Họ sẽ bị gia đình chồng ruồng bỏ, và thậm chí chồng cũng lạnh nhạt và nghĩ đến việc tìm người đàn bà khác để kiếm cho họ một đứa con trai! Ở Trung Quốc việc trọng nam khinh nữ này còn rõ hơn, với sự tiếp tay của khoa học tiến bộ ngày nay, họ có thể siêu âm biết được là trai hay gái, người đàn ông có thể quyết định hủy bỏ đứa con trong bụng vợ một cách không thương tiếc khi biết đó là con gái. Hành động này đúng hay là sai?

          Xét lại vai trò của người đàn ông và người phụ nữ trong cuộc sống hiện đại.

          Trong cuộc sống hiện đại, xã hội đã được thiết lập trật tự một cách tương đối. Mọi công việc từ nông thôn đến thành thị đều có sự trợ giúp của máy móc, đều được cơ khí hóa. Vai trò của người đàn ông trong công việc đồng án không còn là duy nhất nữa. Người phụ nữ có thể tham gia những công việc nặng nhọc dựa vào sự hổ trợ của máy móc. Không sanh được con trai không có nghĩa là gia đình đó không thể phấn đấu để vượt lên số phận. Ở thành thị, vấn đề càng rõ ràng hơn, trai hay gái, nếu được ăn học, giáo dục tử tế gia đình đều có thể vươn lên bằng sự hổ trợ, bằng sự cố gắng đóng góp của con cái mình. Vậy thì có quan trọng không khi không sanh được một đứa con trai. Và có chắc gì đứa cháu nội mà mình tưởng là nối dõi tông đường là cháu của mình không, hay chính đứa cháu ngoại do con gái mình sinh ra mới chính là máu huyết của mình? Đây là một vấn đề đặt ra để suy nghĩ thôi! Thực chất, con gái, con trai, con ruột, con nuôi, đều có thể là đứa con tốt và hiếu thảo nếu như mình có phúc!

          Có những gia đình do mang nặng thành kiến con trai là nối dõi tông đường, nên anh em trai đã chia nhau hưởng hết gia tài của cha mẹ để lại hoặc chỉ chia cho chị em gái một phần nhỏ nhoi như có thể để lương tâm an ổn?Họ không màn suy nghĩ khi còn sinh thời họ đã góp được chút công sức nào cho gia đình không, cha mẹ lúc ốm đau bệnh hoạn họ có tận tình chia xẻ với chị em trong việc chăm sóc không, họ không màn nghĩ mình đã làm được gì cho cha mẹ mà chỉ nghĩ đến cái ưu quyền của “người không phải con gái”, Thậm chí có người cậy mình là anh cả, đã chiếm đoạt hết cho mình cho con cái mình, còn em út coi như không được gì. . .những người bị thiệt thòi họ vẫn biết là họ bị thiệt thòi, họ vẫn biết là họ có thể kiện tụng tranh chấp để giành lẽ công bằng, vì pháp luật bây giờ là bình đẳng. Nhưng do nặng thành kiến gia đình, họ không muốn gia đình xào xáo bất hòa, và họ âm thầm chịu đựng cái nỗi bất công đối với họ. ..và đấy cũng là cái cơ hội cho người tham lam có dịp phát huy cái tính tham của mình.
          Bằng cách nào để xoá tan cái thành kiến về gia trưởng này, làm sao để mọi người cùng hiểu sự việc một cách thấu đáo, làm sao để những người phụ nữ hiểu vai trò bình đẳng của họ trong xã hội, và họ phải tranh đấu để xã hội được công bằng, để hủy đi những suy nghĩ hẹp hòi, xấu xa trong xã hội vì cuộc sống tốt đẹp vì mọi người chớ không phải vì cá nhân họ.

          Muốn có một gia đình, một gia tộc luôn tốt đẹp, bắt đầu từ người cha người mẹ, phải có một suy nghĩ đúng mức về con cái. Nam hay nữ vì cũng là con. Thuở nhỏ được cha mẹ săn sóc như nhau, nếu cha mẹ giàu con cái được hưởng thụ suốt khoảng thời gian niên thiếu. Nếu cha mẹ nghèo, con cái phải chia xẻ cái nghèo với cha mẹ, thậm chí phải buôn bán tảo tần giúp đỡ cha mẹ. Sự nghiệp của cha mẹ lúc đó không thuần túy là do cha mẹ gầy dựng nên mà có bàn tay của con cái. Sự nghiệp đó có bền vững hay không, có sanh xôi nãy nở hay không là do những đứa con có ngoan hiếu hay không hay chỉ là những cậu ấm phá gia chi tử. Khi cha mẹ không còn nữa thì tài sản đó chia đều cho các con là một điều hợp lý, vì không ai biết lúc nào mình sẽ qua đời để chọn đứa con hiếu thảo giao sản nghiệp cho nó, đứa nào bất hiếu, đứa nào hiếu thảo đến chung cuộc thì mới biết... Sự chia đều tài sản là việc làm trung dung tránh mọi sự xâu xé trong anh em về sau, và nó là mấu chốt của hòa khí nếu cha mẹ biết hướng con cái đến sự suy nghĩ công bằng này.

          Sự hổ trợ của những người chung quanh, những bậc trưởng thượng, những người có tiếng nói “nặng ký” trong gia tộc, trong anh em. Phải góp ý đúng mức để duy trì công bằng trong gia đình, và công bằng thì mới có tình thương và hòa khí. Chánh quyền, xã hội cũng là một trợ thủ đắc lực giúp cho những người phụ nữ bị húng hiếp, bị áp bức, vượt lên số phận và sống như mọi người. . .

          Huyền Băng,



          **************


          Đã đưa bài vào thư viện.
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 12.03.2006 18:02:15 bởi NuHiepDeThuong >
          #5
            Huyền Băng 08.03.2007 13:15:41 (permalink)
            Tặng những người phụ nữ cao quý trong ngày 8 tháng 03
             


            [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/9684/CC2D95FA34B645938C0812DF6694E10D.jpg[/image]
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 02.08.2007 09:37:57 bởi Huyền Băng >
            Attached Image(s)
            #6
              Huyền Băng 05.03.2009 05:49:59 (permalink)
              Nhân ngày 8 tháng 3 sắp tới tôi lại muốn viết gì đó cho những người mẹ, những người phụ nữ...
               
              Như những bài viết ở trên, mọi người thường hô hào tôn vinh vai trò của người phụ nữ trong xã hội, và giành ngày 8 tháng 3 hàng năm để làm lễ truy tặng cho một vài người đặc biệt nào đó hoặc gia đình chồng con vợ, tặng mẹ những món quà... Đấy là những cử chỉ đẹp
               
              Thế nhưng cuộc sống tất bật đôi khi làm người ta thực hiện cử chỉ đẹp này như một cái máy, đó là nhắn tin đến dịch vụ, gởi tiền, và hoa được mang tới bởi một người xa lạ nào đó. Điều này có thể được chấp nhận, khi người thân ở xa không thể trực tiếp về để tận tay trao cho người mình yêu mến một món quà. Còn ở gần thì sao? Tôi nghĩ người nhận chắc còn buồn hơn là không nhận được gì.
               
              Đi xa hơn một chút nữa, tức là thóat khỏi cái ngày lễ tôn vinh này, con người thường chạy theo nhịp sống xã hội, quên mất đi cái bổn phận tình cảm của mình với người thân, bổn phận đó là sống bên nhau, ngồi lại bên nhau một giây phút nào đó trong ngày, hoặc trong tuần...
               
              Có những người mẹ, những người vợ, thui thủi suốt ngày trong công việc nội trợ, từ sáng đến chiều hiếm khi gặp mặt chồng con, họ chỉ biết làm bổn phận không nhận được sự quan tâm từ phía ngược lại. Không phải họ không thương yêu, nhưng họ bị lôi cuốn vào nhịp sống quanh họ và biến người vợ người mẹ của mình thành một cái bóng, một cái bóng mà họ nghĩ rằng lúc nào cũng còn đó mà!
               
              Thật sự, cái bóng đó mỏng manh lắm, nó sẽ tan biến bất cứ lúc nào, vì con người thì mới có sự sống mãnh liệt và có thể trường tồn còn bóng thì thiếu sinh khí và sẽ tan biến như làn hơi, bọt nước.
               
              Có những đứa con khi mẹ bệnh, nó không dừng lại được một chút thời gian để tận tay chăm sóc, chỉ là nhờ cậy người khác bằng đồng tiền nó kiếm được, được chăm sóc thì cũng tốt rồi, nhưng nếu người không gia đình con cái thì quá quý, còn có có con mà lúc đau ốm khó khăn không có một bàn tay nắm một bàn tay thăm hỏi thì quả là niềm đau trong lòng không nhỏ.
               
              Thời gian bên nhau vô chừng... có thể hai ba năm, mười năm hoặc hai ba bốn chục năm, ai biết ngày nào là sau hết. Vậy thì hãy trân quý những thời gian mà vợ, mẹ mình sống bên mình, hãy giành cho họ những thời gian mà họ cần để họ tìm thấy niềm vui trong từng ngày của cuộc sống chứ không chỉ là ngày 8 tháng ba.
               
              Với những phụ nữ cô đơn quanh mình thì sao, hãy đến với họ trong lúc ốm đau bệnh họan cần người chăm sóc, chỉ một lời an ủi thôi, tôi thiết nghĩ là một món quà quý giá giành cho họ trong cuộc sống.
               
              Cũng là ngày 8 tháng 3 chúng ta hãy nhìn quanh ta ngòai mẹ, vợ, người yêu, chúng ta xem có thể giúp được những người phụ nữ cơ khó nào quanh mình không để cuộc sống thêm ý nghĩa.
               
              Huyền Băng
               
              #7
                Huyền Băng 08.02.2011 15:28:43 (permalink)
                 
                 
                Bao giờ người Việt mới trút bỏ được tư tưởng hủ lậu: Trọng Nam Khinh Nữ ?

                 [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/9684/971D086D24CF45A6A9AE7DF55DB65A3A.bmp[/image]
                 

                Trong một buổi cơm gia đình, tôi lại được nghe đề cập đến vai trò trưởng nam. Ông kia bảo rằng: bao nhiêu cháu ông không kể, ông chỉ kể đến trưởng nam...! Và dù thế nào đi chăng nữa ông cũng muốn có cháu nội trai để nối dõi tông đường.
                 
                Theo tập tục của ông bà chúng ta từ ngàn xưa, trong gia tộc, phải có lớn có nhỏ. Người trưởng tộc thì đứng ra tụ họp bà con trong những dịp cúng bái, lễ nghĩa. Khi có đám cưới thì người trưởng tộc đứng ra tuyên hôn, hoặc nhận lễ. Điều này nói lên tinh thần đoàn kết của một gia tộc, và cũng tạo ra một nề nếp văn hóa tốt, đó là mọi người biết kính trên nhường dưới hình thành một xã hội thuận hòa. Con trai trưởng được chọn làm trưởng tộc và cứ thế tiếp nối qua đời con đời cháu... thay nhau mà thờ phụng tổ tiên.
                 
                Nhưng cũng chính vì tư tưởng này, phát sinh ra một hủ tục, đó là trọng nam khinh nữ, và cứ phải sinh con trai thì mới có người cúng bái nối dõi tông đường. Việc này kéo theo nhiều tệ đoan xã hội cũng như dẫn đến nhiều phức tạp trong đời sống. Nhất là trong cuộc sống khó khăn hiện tại...
                 
                Khi không có con trai thì đi cúng vái tứ phương cầu trời cho sinh được một quý tử, và nếu may mắn sinh được một quý tử rồi thì đôi khi không dám giáo dục, và cưng chìu hết mức để cậu quý tử đó biến thành một thành phần bất hảo trong xã hội. Gây phiền phức cho gia đình, cho mọi người chung quanh.
                 
                Có những cặp vợ chồng, đã ba bốn đứa con gái, ráng kiếm thêm con trai nối dõi sinh cảnh nheo nhóc, rồi không dưỡng nuôi nỗi.
                 
                Có những cặp vợ chồng, ý thức được trách nhiệm làm cha mẹ không dám sinh đông con, vì sợ không lo cho con đến nơi đến chốn - việc ăn ngủ cũng như học hành, nhưng trước áp lực của ông bà, họ phải lấn cấn trong suy nghĩ và thậm chí cắn đắng nhau về việc nên sinh nữa hay không!
                 
                Chúng ta thử đi sâu sát vào việc cúng bái để có một câu trả lời chính đáng.
                 
                Hàng năm, cứ vào ngày giỗ, tết thì giòng họ, hoặc gia đình tụ lại nấu mấm cơm cúng, giàu thì làm nhiều mâm, nhiều món... nghèo thì làm một mâm cơm canh ba món. Và dù giàu nghèo thì khi tề tụ, kẻ ít người nhiều trai gái gì có mặt cũng đều góp công góp của... Người trưởng tộc hay trưởng nam chỉ là người đại diện thắp nén nhang cầu khấn cùng ông bà. Nói một cách rạch ròi, lễ vật dâng cúng là của chung, mọi người cùng đóng góp tiền của công sức, và để cho người trưởng tộc hay trưởng nam đứng ra khấn lể trong tinh thần kính nể trọng vọng. Nếu trong gia tộc đó không có con trai, thì con gái sau khi nấu nướng, bày mâm, lại lên thấp nhang cho ông bà, ngẫm ra có khác gì đâu... hay nói tiếu lâm một chút, không chừng ông bà còn khứng nhận mau lẹ hơn vì chính tay họ làm ra, chính tiền họ giành giụm.
                 
                Thử nhìn xã hội quanh ta, ai là người gần gủi cha mẹ nhất khi còn nhỏ?
                - Con gái.
                Ai là người sát cánh với cha mẹ khi tuổi xế chiều - đau ốm, bệnh hoạn?
                - Con gái.
                 
                Nói như thế, không có nghĩa là phủ nhận lòng hiếu thảo của những đứa con trai. Vì bản năng của con trai là ít khi tỉ mỉ, chi tiết để biết cha mẹ cần gì. Chúng chỉ làm một điều gì đó khi được yêu cầu (nếu ngoan ngoản). Trong khi đó, bậc làm cha mẹ, chẳng mấy ai muốn làm phiền con cái, dù là trong lúc bệnh hoạn đi đứng khó khăn. Ông bà ta thường nói, nước mắt chảy xuống là vậy. Cha mẹ luôn hiểu con mình có nhiều khó khăn trong cuộc sống. Cha mẹ không muốn tạo thêm gánh nặng cho con khi mình có thể một mình vượt qua, mặc dù sự có thể đó chỉ là trong suy nghĩ... Và việc chăm sóc cha mẹ hay ông bà cho chu đáo chỉ là việc tự nguyện mà thôi. Và cũng chính vì vậy, trong những lúc bệnh hoạn, khó khăn chỉ có con gái là chú ý quan tâm, con gái đó là con gái ruột của mình, hoặc con dâu. Vậy thì sự có mặt của con gái nói chung trong việc phụng dưỡng cha mẹ là điều tất yếu.
                 
                Con gái dù có đi xa, nghèo khổ thì thôi, nhưng trong trường hợp khá giả, hiếm người bỏ quên cha mẹ, cũng vì tính tỉ mỉ. Con trai mà đi xa thì đôi khi không nghĩ đến cha mẹ, vì cho rằng ở đó vẫn có người này kẻ nọ lo, mà không nghĩ rằng cha mẹ có thể không cần tiền bạc của mình nhưng vẫn cần lời thăm hỏi để họ còn có cảm giác mình có mấy người con.
                 
                Cha mẹ sinh con ra là vì tình cảm thiêng liêng, không phải vì điều lợi hay không lợi cho mình nên con trai hay con gái gì thì cũng là con. Nếu giàu có đủ sức giáo dưỡng thì muốn sinh bao nhiêu là tùy. Trường hợp không dư dả thì hãy sinh trong điều kiện mà mình có thể bảo bọc lo lắng. Kẻ làm ông làm bà, không nên dựa vào những tư tưởng hủ lậu, can thiệp vào chuyện sinh con của con cái mình tạo áp lực cho gia đình chúng nó, thậm chí chia rẽ chúng nó, đấy là điều sai trái cần phải ý thức và bỏ đi.
                 
                Tóm lại, ai có phúc thì hưởng phúc, ai vô phúc thì con đàn cháu đống, phần số cô quạnh cũng phải cô quạnh mà thôi.
                 
                Huyền Băng
                 
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 08.02.2011 15:45:02 bởi Huyền Băng >
                Attached Image(s)
                #8
                  Chuyển nhanh đến:

                  Thống kê hiện tại

                  Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                  Kiểu:
                  2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9