7 "sát nhân" thầm lặng đe dọa sức khỏe con người
HongYen 27.02.2004 12:45:52 (permalink)
7 "sát nhân" thầm lặng đe dọa sức khỏe con người

Luyện tập thường xuyên là cách tốt nhất bảo vệ sức khỏe.
Có câu nói "Cái mà bạn không biết sẽ không làm bạn đau", song trong lĩnh vực sức khỏe, điều này hoàn toàn ngược lại. Chính những căn bệnh tấn công âm thầm mới thực sự nguy hiểm
.

Huyết áp cao, ung thư da, tiểu đường... đó là những căn bệnh chết người, song lại thường đến với những triệu chứng ban đầu hiếm hoi. Đã có hàng triệu người tưởng mình khoẻ mạnh, song thực tế đã nhiễm bệnh mà không hay biết.

Mặc dù vậy, nếu biết chịu khó lắng nghe những tín hiệu đầu tiên, bạn có thể từng bước ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm. Hãy ghi nhớ 7 "kẻ thù" thầm lặng dưới đây để biết cách bảo vệ sức khỏe một cách khôn ngoan.

1. Tiểu đường type 2:

Có gần 8 triệu người mắc bệnh tiểu đường type 2, và khoảng 16 triệu khác đang bị đe dọa một cách thầm lặng. Bạn rất có thể cũng nằm trong số đó.

"Rất nhiều người bị tiểu đường mà không hay biết, đến khi nhận ra thì đã quá muộn", tiến sĩ Anne Borik đến từ Bệnh viện Arizona Heart ở Phoenix, Mỹ, nói.

Những dấu hiệu đầu tiên của bệnh tiểu đường:
- Khát nước
- Khô miệng
- Đi tiểu nhiều
- Thị lực suy yếu
Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do chế độ dinh dưỡng nghèo nàn và thiếu sự vận động. Kẹo, bánh mỳ trắng, khoai tây, gạo và bánh quy là những thực phẩm chuyển hóa thành đường trong cơ thể nhanh chóng. Một khi nồng độ đường máu quá cao, cơ thể sẽ mất dần khả năng sử dụng insulin (loại hoóc môn tuyến tụy giữ vai trò điều hòa lượng đường trong máu) hợp lý. Tiểu đường type 2 có thể gây ra các biến chứng như dầy động mạch dẫn đến các bệnh tim mạch, bệnh võng mạc, mù lòa...

"Nếu phát hiện sớm, bệnh tiểu đường type 2 có thể được kiểm soát nhờ một chế độ dinh dưỡng ít đường và carbohydrate. Kiểm soát lượng đường là điều kiện sống còn nhằm hạn chế các biến chứng bệnh", Borik nói.

Ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ, bạn cần kiểm tra nước tiểu hoặc xét nghiệm nhanh đường máu để xác nhận rõ bệnh trạng. Xét nghiệm tiểu đường cần được tiến hành 3 năm một lần, bắt đầu từ tuổi 45. Những người có nguy cơ cao như bị béo phì, mang thai hoặc trong gia đình có tiền sử bệnh cần phải làm xét nghiệm thường xuyên hơn.

2. Bệnh tim

Bệnh tim là kẻ thù số 1 đối với cả phụ nữ và nam giới. "Thông thường, dấu hiệu đầu tiên của bệnh tim không phải chỉ là cơn đau thắt ngực như người ta vẫn thấy trong phim ảnh, đặc biệt là đối với nữ giới. Và cảm giác đau cũng không chỉ là nhói, mà còn nhức nhối âm ỉ và nặng nề", Borik nói.

Đối với phụ nữ, biểu hiện ban đầu của bệnh tim thường bao gồm: phù nề, đau lưng và cánh tay, có vấn đề về dạ dày, buồn nôn, toát mồ hôi.
Cho dù có xuất hiện bất thường, bạn cũng khó biết chắc đâu là cơn đau tim thực sự. Để an toàn, bạn cần tham vấn bác sĩ ngay. Việc luyện tập thường xuyên, ăn uống bổ dưỡng và hợp lý, không hút thuốc là những biện pháp ngừa bệnh hiệu quả.

3. Bệnh mụn rộp ở bộ phận sinh dục

"Đó là căn bệnh rất phổ biến mà triệu chứng ban đầu thường nhẹ đến mức người bệnh không coi chúng là một vấn đề", Charles Ebel, Giám đốc chương trình phát triển thuộc Hiệp hội y tế cộng đồng Mỹ cho biết.

Ebel gợi ý không nên bỏ qua những biểu hiện như bị nấm và các bệnh da liễu ở vùng dưới thắt lưng, bệnh trĩ.... Nếu có, cần phải làm xét nghiệm bệnh mụn rộp ngay. Để ngăn ngừa nguy cơ lây lan, người nhiễm có thể uống thuốc kháng virus hằng ngày hoặc dùng bao cao su khi quan hệ tình dục.

4. Ung thư da

Bệnh ung thư da là thủ phạm gây tử vong cho khoảng 80% số bệnh nhân da liễu.

"Hãy đi khám da liễu toàn thân ít nhất mỗi năm một lần", bác sĩ Jeanine Downie đến từ New Jersey nói. Nếu phát hiện sớm, bệnh sẽ chỉ dừng lại ở việc xuất hiện nốt ruồi không điển hình, hoặc chỉ bị ung thư nhẹ trên bề mặt da, chứ chưa phát triển thành ung thư. Những triệu chứng này hoàn toàn có thể chữa khỏi.

Những dấu hiệu đầu tiên thường xuất hiện ở miệng, ngón chân, đặc biệt là dưới móng chân cái và trong vùng kín. Cách phát hiện tốt nhất là tự kiểm tra tại nhà hằng tháng và chú ý đến những nốt ruồi có biểu hiện bất thường như:

- Bị chia thành hai phần da khác nhau.

- Có giới hạn gồ ghề, lởm chởm.

- Màu sắc của phần da trên một nốt ruồi đa dạng.

- Nhiệt độ cơ thể tăng cho thấy bệnh ung thư da đang phát triển.

Để phòng ngừa, bạn cần tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời từ 10h sáng đến 4h chiều - giai đoạn tia tử ngoại hoạt động mạnh nhất. Ngoài ra, nên bôi kem chống nắng phổ rộng, đội mũ và mặc quần áo dệt mau mỗi khi ra đường.

5. Huyết áp cao

Lý do mà bệnh huyết áp cao được xếp vào danh sách "kẻ giết người" thầm lặng là nó đến mà không mang theo triệu chứng nào. Bệnh huyết áp cao không kiểm soát có thể dẫn đến chứng đột quỵ, đau tim, suy tim, suy thận...

Cách duy nhất để biết bạn có bị áp huyết cao hay không là đo huyết áp. Mức huyết áp tâm thu không nên vượt quá 120 và huyết áp tâm trương là dưới 80.

Nên nhớ chứng huyết áp cao có thể tấn công bạn ở bất kỳ lứa tuổi nào.
Có nhiều cách để kiểm soát huyết áp hiệu quả, một trong số đó là chế độ dinh dưỡng ít muối và calo. Muối có thể khiến cơ thể giữ dịch trong mạch máu, dễ gây tăng huyết áp.

Bện cạnh đó, vận động cơ thể cũng được xem là yếu tố quan trọng. Trong khi luyện tập, cơ thể sẽ sản sinh ra các endorphin - những chất đem lại cảm giác thư giãn và giúp làm giãn mạch máu.

Stress và hút thuốc lá là những tác nhân gây co hẹp mạch máu. Vì vậy, "điều đầu tiên mà bệnh nhân tim mạch cần làm là bỏ thuốc lá và tránh tuyệt đối hút thuốc thụ động", Borik nói.

Nếu việc thay đổi lối sống không hiệu quả, bạn cần uống thuốc hạ huyết áp.

6. Glaucoma - bệnh tăng nhãn áp

Đó là căn bệnh gây mù loài, tấn công con người mà không báo trước. "Nó thường thu hẹp tầm nhìn ngoại biên chậm đến mức bạn rất khó nhận biết", bác sĩ Nauman Imami thuộc Hệ thống y tế Henry Ford cho biết.

Hãy kiểm tra áp suất trong mắt mỗi năm một lần.
Trong bệnh tăng nhãn áp, thần kinh thị giác bị tổn thương nặng nề do áp lực trong mắt tăng lên, dẫn đến mù loà hoàn toàn.

Tuy nhiên, việc chẩn đoán bệnh sớm và điều trị hợp lý có thể bảo vệ được đôi mắt. Trong phần lớn các ca bệnh, bác sĩ sẽ kê thuốc nhỏ mắt có tác dụng giảm áp suất trong mắt và đôi khi biện pháp phẫu thuật cũng được tính đến.

7. Cholesterol cao

Cholesterol cao là nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh tim mạch. Nếu không xét nghiệm máu hằng năm, người ta sẽ không thể biết chính xác lượng cholesterol trong cơ thể.

Cần kiểm tra hàm lượng cholesterol 5 năm một lần. Đàn ông trên 45 tuổi và phụ nữ trên 55 cần được kiểm tra thường xuyên hơn.
Cholesterol có hai loại: tốt và có hại. Loại gây hại là LDL (low density lipoprotein), cần được giữ ở mức dưới 100 milligram/ decilit máu (mg/dL). Còn loại tốt là HDL (high density lipoprotein) không dưới 40 mg/dL.

Làm gì để có hàm lượng cholesterol lý tưởng?

"Hãy dùng những thức ăn có hàm lượng chất béo no và cholesterol thấp, giảm cân (nếu bị béo phì) và chăm vận động cơ thể", Borik nói. Nếu những thay đổi về lối sống chưa hiệu quả, hãy uống bổ sung thuốc giảm cholesterol.

Mỹ Linh (theo WebMD)
Thứ sáu, 6/2/2004, 08:52 GMT+7 * VNexpress
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9