Ngừa Và Chữa Bệnh Dị Ứng Mũi
HongYen 01.03.2004 13:39:05 (permalink)
Ngừa Và Chữa Bệnh Dị Ứng Mũi

Mấy bữa nay, mặc dầu bệnh cúm chưa hoàn toàn qua khỏi nhưng một số bệnh nhân đã bắt đầu than phiền ngứa mắt ngứa mũi. Bệnh dị ứng của mùa xuân đã tới.
Trong bài này chúng ta nói về dị ứng mũi.
Tại Hoa Kỳ, mỗi năm có 25 tới 30 triệu người bị dị ứng mũi. Dị ứng mũi thường lẫn lộn với cảm lạnh. Lý do là bởi bệnh cảm khá thông thường, người lớn bị cảm 3-4 lần mỗi năm.
Tuy nhiên, bệnh cảm chỉ làm cho khó chịu chút đỉnh. Nhưng, phải coi chừng bệnh dị ứng hơn vì dị ứng mũi có thể gây ra viêm xoang, viêm tai, mất khứu giác, và ho liên miên.

Nguyên nhân dị ứng:
Trước hết dị ứng do bụi, là những chất bạch đản (proteins) từ phấn hoa sinh bệnh dị ứng mũi, kích thước từ 2 tới 15 microns. Gió thổi bụi bay vào mũi, tai, mắt. Những bụi phấn hoa lớn hơn có thể chui xâu vào bộ máy hô hấp.
Khi bạch đản do bụi phấn hoa từ môi trường xung quanh vào cơ thể chúng ta, gặp chất IgE trên mặt tế bào (mast cell), sinh ra những hóa chất trung gian như histamine, prostaglandin D2, cysteinyl leukotrienes, và tryptase.
Histamine là một trong những chất trung gian gây kích thích đầu giây thần kinh ở mũi, mắt, họng, làm chúng ta ngứa ngáy, hắt xì. Chất trung gian còn làm máu dồn tới mũi nhiều hơn, khiến hạch mũi tiết ra nước mũi nhiều hơn làm chảy nước mũi. Thịt dư trong mũi (turbinates) bị sưng lớn và làm nghẹt mũi. Những chất trung gian cũng có thể làm viêm mũi và viêm xoang, kéo dài từ nhiều tuần lễ, có khi hàng tháng. Màng mũi hay màng xoang dầy thêm cũng có thể làm nghẹt mũi, đôi khi sinh ra bướu (polyp) trong xoang.

Triệu chứng:
Dị ứng mũi làm mất khứu giác, gây ngứa mũi, sưng và nghẹt mũi. Nước mũi trong vắt, chảy lòng thòng. Thường bị hắt xì hơi. Thịt dư trong lỗ mũi (turbinates) sưng lên và trắng bệch. Khi nước mũi có mủ là bị nhiễm trùng.
Những triệu chứng khác như: ho, giảm vị giác khi nếm đồ ăn, nhức đầu, viêm tai, viêm xoang, đau cổ họng, khan tiếng. Nước mũi nhỏ xuống cổ họng lúc nằm ngủ, làm ho ban đêm.
Đôi khi phổi khò khè, như có suyễn.

Thử nghiệm:
Có nhiều thử nghiệm tìm nguên nhân dị ứng như thử nghiệm ngoài da, chích thuốc dưới da, kiếm kháng thể IgE để định bệnh dị ứng.
Những phương pháp khác để định bệnh dị ứng như: thử máu, thử nghiệm RAST, nhưng không chính xác lắm.
Ngoài ra còn truy tầm bạch huyết cầu eosinophiles trong nước mũi để định bệnh dị ứng, nhưng trong thực tế, phương pháp này không thực hiện được dễ dàng.
Nếu nghi ngờ bệnh nhân bị suyễn, phải dùng phương pháp đo sức thở (spirometry), đo chức năng của phổi.

Định bệnh và kiếm nguyên nhân dị ứng:
Trước hết, chúng ta cần phân biệt dị ứng mũi theo mùa (seasonal rhinitis) hay theo năm (perennial rhinitis). Dị ứng theo mùa thường do bụi phấn hoa từ cây cỏ, sinh sản theo mùa. Dị ứng theo năm, phần lớn do súc vật như chó, mèo, do bụi mọt trong nhà (house dust mites), con gián trong nhà hay nấm mốc.

Chúng ta nên phân biệt cảm với dị ứng mũi. Cảm lạnh có triệu chứng cấp tính, nóng, nhức mình mẩy, đau khớp xương. Bệnh sẽ hết trong vài ngày. Ngược lại, dị ứng mũi làm ngứa mũi, thịt dư mũi lớn, trắng bệch, còn làm ngứa mắt, sưng mắt. Triệu chứng dị ứng kéo dài hơn bệnh cảm.

Cũng cần phân biệt dị ứng với viêm mũi kinh niên, rất thông thường (nonallergic rhinitis with eosinophilia syndrome), nguyên nhân không rõ lắm. Cần lưu ý vài loại viêm mũi khác như: atrophic rhinitis (màng mũi mỏng). Viêm mũi vì nở mạch máu (vasomotor rhinitis), do thời tiết thay đổi, nóng lạnh, khói thuốc lá, do mùi chất hóa học dùng trong bếp, nhà tắm, cầu tiêu, hay mùi dầu thơm, nước hoa. Viêm mũi vì thuốc (rhinitis medicamentosa: dùng thuốc bơm quá lố) cũng sinh ra viêm mũi kinh niên.

Điều trị dị bằng thuốc:
Thuốc uống chống Histamines, thuộc thế hệ thứ nhất như: Triprolidine, Chlorpheniramine, Diphenhyramine, Brompheniramine, Promethazine, v...v... Thuốc thuộc thế hệ thứ hai như Loratadine, Fexofenadine, Astemizole, Cetirizine. Thuốc bơm mũi: Azelastine. Thuốc nhỏ mắt: Levocabastine.
Thuốc giảm nghẹt mũi: pseudoephedrine, Phenylephrine. Catecholamines.
Thuốc Corticosteroids, bơm mũi: Beclomethasone, Budesonide, Flunisolide, Fluticasone, Mometasone, Triamcinolone.
Thuốc chống viêm: Cromolyn (mũi), thuốc nhỏ mắt, hít thở.
Thuốc chống Leukotriene. Những thuốc kể trên cần toa, cần bác sĩ theo dõi.
Miễn nhiễm trị liệu (immunotherapy)cần chích thuốc tạo miễn dịch cho cơ thể để chống dị ứng, Phương pháp này thường dùng trong trừơng hợp dị ứng kinh niên kéo dài cả năm, hay sau khi dùng thuốc trị bệnh mà dị ứng không hết, hoặc bệnh nhân bị thêm viêm tai, viêm xoang hay xuyễn (GS Rachelefsky, The Female Patient, May 2000).

Vài lời khuyên bệnh nhân:
Nguyên tắc chính trong việc chữa chạy dị ứng là phải tránh những nguyên nhân gây ra bệnh, tùy theo từng mùa hay suốt cả năm. Trong trường hợp dị ứng theo mùa, thì bệnh nhân phải đeo mặt nạ tránh bụi phấn hoa, nếu phải ra làm vườn, cắt cỏ. Chờ buổi chiều hãy ra làm vườn, vì buổi sáng còn đầy bụi phấn hoa trong không khí. Nếu thích ra ngoài thì phải chờ sau khi mưa xong, vì sẽ ít bụi phấn hoa bay trong không khí. Phải đóng kín cửa sổ. Nên dùng máy điều hòa không khí. Tối nên gội đầu để rửa bụi phấn hoa khỏi bám vào đầu. Nên đeo kính dâm để tránh bụi vào mắt.

Trường hợp bệnh nhân bị dị ứng suốt năm có thể do nhiều nguyên nhân như long chó mèo. Lau chùi nhà cửa thường xuyên. Dùng máy lọc bụi, máy hút bụi cho không khí trong sạch. Không dùng máy làm ẩm nhà, vì mọt mites sinh sản nhiều trong môi trường ẩm. Lau rửa giường nêm bằng nước nóng để giết bọ mites. Rửa áo gối thường xuyên. Nếu có thể được: dùng sàn gỗ, bỏ thảm. Và sau hết, phải loại bỏ đồ chơi trẻ em ra khỏi phòng ngủ vì rất dễ bám bụi.

Trần Mạnh Ngô, M.D., Ph.D., F.A.A.F.P.
#1
    HongYen 18.08.2004 18:13:21 (permalink)
    Thuốc từ cây hoa 'cứt lợn'


    Cây cứt lợn.

    Để chữa viêm mũi dị ứng, lấy cỏ cứt lợn tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước tẩm bông, nhét vào lỗ mũi. Có thể chế thành thuốc sắc sẵn để dùng.

    Cây "cứt lợn" còn có tên gọi hoắc hương kế, bạch hoa thảo, bạch hoa hương thảo, cỏ hôi, tiêu viêm thảo. Tên khoa học là ageratum conyzoides L. Đó là cây thảo sống hàng năm, cao 30-50 cm, thân thẳng, phân nhánh; lá mọc đối, có lông trắng; hoa màu tím hoặc trắng. Cây thường mọc hoang ở nhiều nơi, được dùng toàn cây làm thuốc.

    Theo Đông y, cây cứt lợn vị cay, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng, cầm máu, trừ sỏi; thường được dùng chữa các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, viêm họng, viêm dạ dày, đau bụng, sỏi thận, sỏi bàng quang. Nó cũng hỗ trợ điều trị ung thư cổ tử cung, ung thư dạ dày. Khi dùng ngoài, cây cứt lợn giúp chữa eczema, chốc đầu, viêm xoang mũi, dị ứng cấp, rong huyết sau đẻ... Dân gian thường dùng cây này nấu nước gội đầu cùng với bồ kết.

    Một số bài thuốc thường dùng:

    - Viêm họng: Cây cứt lợn 20 g, kim ngân hoa 20 g, lá giẻ quạt 6 g, cam thảo đất 16 g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần.

    - Viêm đường hô hấp: Cây cứt lợn 20 g, lá bồng bồng 12 g, cam thảo đất 16 g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần.

    - Sỏi tiết niệu: Cỏ cứt lợn 20 g, kim tiền thảo 16 g, râu ngô 12 g, mã đề 20 g, cam thảo đất 16 g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần.

    - Phụ nữ đẻ xong chảy máu không ngừng: Cây cứt lợn 30-50 g, vò nát, vắt lấy nước uống liên tục trong 3-4 ngày.

    - Eczema, chốc đầu: Cây cứt lợn lượng vừa phải, nấu nước rửa tổn thương, ngày 1-2 lần.

    - Viêm xoang: Cây cứt lợn 30 g, kim ngân hoa 20 g, ké đầu ngựa 12 g, cam thảo đất 16 g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần.

    - Ung thư cổ tử cung, ung thư dạ dày: Cây cứt lợn 20 g, cỏ nhọ nồi, kim nữu khấu, dạ hương ngưu mỗi thứ 30 g, giã nát, thêm nước cây ma phong 15 ml, uống sau bữa ăn 1-2 lần.

    BS Kim Ngân, Sức Khoẻ & Đời Sống
    Thứ sáu, 11/6/2004, 08:45 GMT+7
    http://vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2004/06/3B9D36EA/
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9