Lão hóa và loãng xương
HongYen 26.03.2004 05:52:57 (permalink)
Lão hóa và loãng xương


Người Việt Nam ta và người Trung Quốc có câu nói đại khái là xưa nay hiếm có con người sống đến 70 tuổi ("Nhân sinh thất thập cổ lai hy"). Nhưng câu nói đó hình như không còn mấy thích hợp cho những năm cuối thế kỷ 20 và trong thế kỷ 21 nữa, vì hiện nay [và trong tương lai], có rất nhiều người sống hơn 70 tuổi. Thực vậy, một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong vài thập niên cuối thế kỷ 20 là sự bùng nổ về con số người cao tuổi (1), và khuynh hướng này được dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng trong thế kỷ 21. Theo thống kê dân số thế giới, năm 1995 trên toàn cầu có khoảng 376 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 6% tổng dân số thế giới (lúc đó khoảng 5,77 tỷ). Đến năm 2020, con số ngừơi cao tuổi sẽ là 1,9 tỷ, chiếm khoảng 10% tổng dân số thế giới. Tức là, trong vòng 25 năm, số người cao tuổi sẽ tăng hơn 1,5 tỷ, một con số khổng lồ. Ở Việt Nam, hiện nay, con số người cao tuổi đã lên đến 5,6 triệu người, chiếm khoảng 6.5% tổng dân số của cả nước. Theo dự đoán của Nhà nước, tỷ lệ người già trong dân số Việt Nam cũng sẽ tăng lên khoảng 10% vào năm 2020.

Một trong những lý do cho sự bùng nổ về con số người cao tuổi là tuổi thọ dân số thế giới càng ngày càng cao. Nói một cách khác, chúng ta càng ngày càng sống lâu hơn. Khoảng 50 năm về trước, tuổi thọ trung bình của dân số thế giới là 50 tuổi; ngày nay, con số đó đã tăng lên đến 65. Tất nhiên, đó chỉ là con số thống kê trung bình trên thế giới kể cả các nước Phi Châu, nhưng trong thực tế ở các nước Tây phương, tuổi thọ trung bình khá cao hơn, như 78 ở Canada, Ý, Thụy Sĩ, và Úc châu; 77 ở Mỹ, Pháp, Tân Tây Lan, Anh Quốc, v.v... Riêng ở Việt Nam, tuổi thọ dân số thuộc vào hạng trung bình trên thế giới: 68 tuổi.

Sự gia tăng về số ngừơi cao tuổi là một trong những mối ưu tư hàng đầu trong giới làm công tác y tế, vì lý do đơn giản là người cao tuổi có nhiều vấn đề về sức khỏe. Trong một cuộc thăm do gần đây trong khoảng 12000 người cao tuổi ở Việt Nam cho thấy chỉ có 0.75% trong số này là có sức khỏe "tốt", số còn lại bị nhiều bệnh tật khác nhau. Tính trung bình, mỗi người cao tuổi bị khoảng 5 bệnh có ít nhiều liên quan đến tuổi già. Những bệnh thông thường là: tăng huyết áp, vữa xơ động mạch, tai biến mạch máu não (stroke), viêm gan, tiểu đường, ung thư, viêm khớp xương, loãng xương, v.v...

Trong những bệnh trên đây, loãng xương
là một căn bệnh thường được đề cập gần đây. Trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí và truyền hình, các ký giả chuyên về y khoa thường hay có những bài viết hay chương trình về căn bệnh này cho độc giả và khán giả không rành về y học. Tuy nhiên, có lẽ do thiếu thông tin hay cố làm ngắn gọn vấn đề, một số bài viết xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng thường thiếu chính xác, và nhiều khi gây ra hiểu lầm, thậm chí hoang mang, trong độc giả một cách không cần thiết. Theo một cuộc nghiên cứu về nhận thức của phụ nữ đối với những vấn đề y học, khi được hỏi những bệnh nào làm cho họ quan tâm nhiều nhất, câu trả lời nằm trong năm căn bệnh sau đây (theo thứ tự): ung thư ngực, tai biến mạch máu não, loãng xương, tiểu đường, và viêm khớp xương. Như vậy, bệnh xương là một trong những quan tâm hàng đầu của phụ nữ Âu Mỹ.

Tuy nhiên, sự quan tâm của người cao tuổi về bệnh xương cũng có lý do chính đáng, vì xương là một trong những bộ phận quan trọng nhất của cơ thể con người. Bộ xương có ba chức năng chính là: bảo vệ những cơ quan quan trọng như bộ óc, tim và phổi; tạo nên dóc dáng của con người; và giúp cho con người di chuyển hay ít ra là chuyển động (vì các cơ bắp gắn liền với xương, và khi chúng chuyển động, xương cũng di chuyển theo chúng). Thực ra, xương còn một chức năng quan trọng khác là nơi tàng trữ khoáng chất và năng lượng cho cơ thể. Thử tưởng tượng: nếu không có bộ xương, thì hình dạng của con người chỉ là một đống máu và những tế bào nhầy nhụa, ngổn ngang!

Loãng xương
Loãng xương, tiếng Anh gọi là osteoporosis (2), là một căn bệnh do thiếu [hay giảm thiểu] chất khoáng trong xương, và suy đồi về cấu trúc của xương. Hai đặc điểm này dẫn đến hậu quả là xương bị dòn, và do đó rất dễ bị bị gãy. Ngay cả một hắt hơi hay ho cũng có thể dẫn đến gãy xương. Những xương thường bị gãy là xương chậu, xương sống, sườn, chân và tay. Trong nhiều trường hợp, xương bị gãy nhưng không có biểu hiện gì bề ngoài, và người mắc phải bệnh không hề hay biết. Vì thế, loãng xương còn được gọi là một "căn bệnh âm thầm" (silent disease).

Một phần vì đặc tính "âm thầm" này, loãng xương do đó là một căn bệnh rất phổ biến trong cộng đồng, nhất là trong người già. Theo ước tính của người viết bài này và nhiều đồng nghiệp khác, khoảng 30% những phụ nữ người da trắng trên 60 tuổi bị chứng loãng xương. Nhưng tỷ lệ này tăng theo cấp số nhân. Trong những phụ nữ trên 80 tuổi, cứ hai người thì có một người bị loãng xương (tức là 50%). Tổ chức National Osteoporosis Foundation của Mỹ dự đoán rằng hiện nay ở Mỹ có hơn 25 triệu phụ nữ bị chứng loãng xương.

Hậu quả cuối cùng của loãng xương, như đề cập trên, là gãy xương. Trong các cộng đồng người Âu Mỹ, cứ mỗi hai người đàn bà ở độ tuổi 50 trở lên thì có một người sẽ bị gãy xương trong cuộc đời của họ. Khoảng một phần ba phụ nữ người da trắng trên 50 tuổi bị gãy xương sống. Tính trung bình, hàng năm, ở Mỹ có hơn 1.3 triệu người bị gãy xương, và chi phí chữa trị cho những bệnh nhân này lên đến hơn 15 tỷ đô-la, một con số khổng lồ. Hậu quả đáng sợ nhất của gãy xương là các biến chứng và nhất là tử vong. Theo nghiên cứu của người viết bài này, khoảng 45% những phụ nữ bị gãy xương chết trong vòng một năm [sau khi bị gãy xương], và nguyên nhân chết thường là viêm phổi (pneomonia). Số còn sống sót phải chịu nhiều đau đớn; thiếu vận động, thậm chí bất động; suy giảm tâm lý và chất lượng cuộc sống; v.v…

Trái lại với những gì người ta thường suy tưởng về phái "mạnh", đàn ông cũng bị loãng xương và mức độ càng ngày càng tăng, tuy chưa "đuổi kịp" phái nữ. Mặc dù vậy, số liệu nghiên cứu về loãng xương trong đàn ông còn rất ít, vì bấy lâu nay các nhà nghiên cứu chỉ chú trọng đến giới nữ. Do đó, những hiểu biết về loãng xương trong đàn ông còn ở trong giai đoạn rất phô thai. Theo nghiên cứu của người viết bài này, khoảng 11% đàn ông Âu Mỹ trên 60 tuổi bị chứng loãng xương. Cũng như trong phụ nữ, tỷ lệ này tăng khá nhanh, lên đến khoảng 30% trong những vị trên 80 tuổi. Đàn ông cũng bị gãy xương đùi và nhất là xương đốt sống. Tỷ lệ gãy xương trong đàn ông ít hơn phụ nữ khoảng 30%. Một trong những lý do cho sự khác biệt này là đàn ông có tuổi thọ ngắn hơn đàn bà, và do đó, họ ít có "cơ hội" bị gãy xương. Tuy vậy, một điều đáng ghi nhận trong đàn ông là một khi họ bị gãy xương, họ thường có tỷ lệ tử vong cao hơn đàn bà.

Vì chưa có ai làm nghiên cứu về chứng loãng xương và gãy xương trong cộng đồng người Việt Nam ta, nên cho tới nay, không ai biết được một cách chính xác về tỷ lệ người mắc bệnh loãng xương trong đồng hương ta. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm nghiên cứu cá nhân và số liệu ở các nước Á châu khác như Hồng Kông, Trung Quốc và Nhật, phụ nữ Á châu có tỷ lệ gãy xương tương đương hay cao hơn phụ nữ Âu Mỹ. Dựa vào số liệu dân số Việt Nam, và mật độ xương trong người Trung Quốc, tôi ước đoán là trung bình hàng năm ở Việt Nam có khoảng 120.000 người bị gãy xương do loãng xương gây ra. Tất nhiên, con số này có thể thấp hơn so với thực tế, vì dân số Việt Nam đang tăng khá nhanh trong vài năm gần đây.

Cấu trúc và phân loại xương
Loãng xương, như tên ám chỉ, là một căn bệnh về xương. Do đó, một vài tìm hiểu về sự cấu trúc của xương và quá trình phát triển của nó có thể giúp cho chúng ta hiểu nhiều hơn về căn bệnh này. Có lẽ phần đông chúng ta hay nghĩ xương là chất vôi (calcium); nhưng trong thực tế, sự cấu trúc và thành phần của xương phức tạp hơn thế rất nhiều. Trong cơ thể con người, 99% calcium được lưu trữ trong xương và răng (phần 1% còn lại lưu hành trong máu), nhưng điều này không có nghĩa là 99% các khoáng chất trong xương là calcium. Xương được cấu tạo từ hai loại mô (tissues) chính: chất keo (collagen) và chất vôi (calcium phosphate). Hai mô này được liên kết với nhau rất đặc và cứng tạo thành bộ xương của cơ thể con người.

Bộ xương của con người hoạt động và liên kết với nhau khá phức tạp. Chúng tự nối kết với nhau để làm thành khớp. Ở mỗi đầu xương có một vật rắn chắc, trơn tru, sáng lóng lánh được gọi là sụn (cartilage). Sụn có chức năng bảo vệ xương không bị nghiền, khi xương bị các cơ bắp làm di chuyển. Hai xương được nối liền với nhau bằng những sợi dây chằng (ligaments).

Khi mới sinh ra, con người ta có khoảng 350 xương. Nhưng đến khi trưởng thành, số lượng này giảm xuống chỉ còn 206 xương. Lý do đơn giản là lúc còn sơ sinh, có nhiều xương rời rạc, riêng lẽ; trong giai đoạn trưởng thành, một số xương này nối kết với nhau liền thành một xương. Xương nhỏ nhất trong cơ thể nằm ở lỗ tai. Xương dài nhất là xương đùi (femur), tức là phần trên của chân. Hơn phân nửa các loại xương nằm ở tay và chân. Xương duy nhất không nối liền với xương nào là xương móng (Hyoid bone), một xương nhỏ hình chữ U nằm ở trong cổ, phía dưới lưỡi và có nhiệm vụ nâng đỡ lưỡi. (Có thể nói thành ngữ "Cái lưỡi không xương …" là một sự hiểu lầm của tiền nhân!)

Dựa vào đặc tính sinh học, người ta chia xương thành hai nhóm: xương đặc (cortical bone) và xương sốp (trabecular bone). Xương đặc rất dày, có mật độ chất khoáng cao, và tạo thành lớp ngoài của xương, lớp này gồm các khối rất cứng và chắc có các mô xương xếp thành những lớp đồng tâm (hệ Havers). Xương sốp có cấu trúc giống như một tảng ong, có mật độ chất khoáng tương đối thấp. Mỗi loại xương có một lớp ở phía ngoài gọi là cốt mạc (periosteum). Trong ống xương được "dồn" bằng một chất hỗn hợp có tên là tủy (bone marrow). Trong tủy, người ta tìm thấy hồng huyết cầu và bạch huyết cầụ Hai loại huyết này được sản xuất ở trong xương và được chuyên chở ra mạch máu ngoài xương. Xương không những chế tạo thành bộ xương mà còn lại nơi tích tụ các muối khoáng và giữ vai trò quan trọng trong việc tạo thành các tế bào máu.

Dựa vào cấu trúc và hình dạng, người ta chia xương thành hai loại: xương trục (axis) và xương tứ chi (appendicular). Xương trục là những xương như xương đốt sống (vertebrae). Xương tứ chi gồm xương tay, chân. Sự phân chia này liên quan đến hai nhóm xương đặc và sốp đề cập trên đây. Xương trục thường có tỷ lệ xương sốp rất cao (khoảng 75-80%), nhưng xương tứ chi thì phần đông có tỷ lệ xương đặc rất cao. Xương sốp thường có phản ứng rất nhạy bén với môi trường thuốc men, và do đó thường được nghiên cứu khá chi tiết hơn xương đặc.

"The good, the bad, and the ugly"
Trái lại với nhiều người nghĩ rằng bộ xương con người là bất biến, không thay đổi theo thời gian; trong thực tế, hệ thống xương trong cơ thể con người làm việc rất tích cực, không bao giờ ngừng nghỉ. Cũng như trong xã hội ngoài đời, trong cái thế giới nhỏ của xương cũng có những tế bào "tốt", tế bào "xấu" và tế bào không tốt mà cũng không tốt (có thể nói là "the good, the bad, and the ugly"). Tế bào tốt có nhiệm vụ sản xuất ra xương; tế bào xấu làm cái công việc không mấy hay ho là hủy bỏ xương; và tế bào "ugly" chỉ đứng nhìn hai đội quân tế bào kia đối nghịch nhau. Trong tiếng Anh, tế bào làm ra xương được gọi là osteoblast, và tế bào hủy xương là osteoclast. Hai loại tế bào này hoạt động liên tục trong từng giây. Mỗi khi tế bào osteoclast vừa hủy bỏ xương, tế bào osteoblast liền được tín hiệu và thay vào những lỗ xương vừa mất. Như chúng ta có thể đoán được, khi tế bào osteoblast mạnh hơn tế bào osteoclast, xương được tăng trưởng; ngược lại, khi tế bào tốt osteoblast suy yếu hơn tế bào xấu osteoclast, xương sẽ bị mất.

Hoạt động của tế bào tạo xương và tế bào hủy xương chịu sự chi phối của kích thích tố (hormones), các yếu tố liên quan đến di truyền, và môi trường. Và vì thế, hầu như tất cả các loại thuốc chống lại loãng xương đều được bào chế dựa vào sự liên đới và hoạt động của hai tế bào này. Chẳng hạn như muốn làm giảm tốc độ mất xương, người ta tìm cách bào chế thuốc hay một phương pháp điều trị nhắm vào hạn chế hay làm giảm hoạt động của tế bào hủy xương osteoclast; muốn làm cho xương dày và mạnh hơn, người ta có thể tìm cách tăng hoạt động của các tế bào tạo xương osteoblast. Hiểu rõ và làm chủ được hoạt động của hai loại tế bào này là một chìa khóa trong việc tìm phương cách chữa bệnh loãng xương.

Vì hoạt động của hai loại tế bào osteoblast và osteoclast chịu ảnh hưởng của hormones, và hormones thì thay đổi thay từng độ tuổi; do đó, quá trình tạo và hủy xương cũng thay đổi theo từng độ tuổi. Trong độ tuổi thiếu niên cho đến khoảng 30 tuổi, tế bào osteoblast mạnh hơn tế bào osteoclast, và vì thế xương được tích lũy liên tục cho tới khi chúng đạt đến mức độ tối đa. Sau khi đạt được mức tối đa, hai loại tế bào này có mức độ hoạt động ngang nhau, và xương cũng ở mức thăng bằng. Sau khi người phụ nữ mãn kinh nguyệt (menopause), tức là sau độ tuổi 48, với sự hạn chế hormone trong cơ thể và không còn thúc đẩy được sự hoạt động của tế bào tạo xương osteoblast, các tế bào hủy xương osteoclast có chiều hướng tăng hoạt động, và vì thế dẫn đến tình trạng mất xương. Nói chung, mật độ xương của con người tăng nhanh chóng trong thời thiếu niên, và đạt tới mức độ tối đa vào độ tuổi khoảng 30 hay 35; sau thời kỳ mãn kinh nguyệt, xương bị mất dần dần (khoảng 1% mỗi năm) cho đến khi bị gãy xương. Tính trung bình, mật độ xương của phụ nữa 60 tuổi trở lên bị mất khoảng 40% đến 60% so với thời ở độ tuổi xuân xanh (tức là 25 tới 35). Trong đàn ông, mức độ mất xương tương đối ít hơn phụ nữ. Trong quãng thời gian từ lúc 25-35 tuổi và 60-80 tuổi, mỗi người đàn ông mất khoảng 20% xương.

Những yếu tố nguy hiểm
Mặc dù loãng xương là một căn bệnh không mới, nhưng hiểu biết về bệnh này vẫn nằm trong thời kỳ ban sơ. Cho tới nay, người ta vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân dẫn đến loãng xương và gãy xương. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trong ba thập niên qua cho thấy một số yếu tố có ảnh hưởng hay quan hệ trực tiếp đến loãng xương. Những yếu tố này có thể chia làm hai nhóm: nhóm 1 gồm những yếu tố mà con ngừơi không thể tránh khỏi, và nhóm 2 gồm những yếu tố mà con người có thể tránh khỏi hay phòng ngừa. Những yếu tố mà chúng ta có thể cho là "số phần" gồm:

· Là người Á châu và Âu châu có nguy cơ bị bệnh loãng xương, và do đó tỷ lệ gãy xương, cao hơn các sắc dân Phi châu. Tỷ lệ gãy xương trong người da trắng cao hơn tỷ lệ trong người da đen từ hai đến ba lần. Chưa ai biết lý do tại sao, nhưng một trong những thuyết đáng tin cậy là do di truyền.

· Di truyền là một yếu tố rất quan trọng trong loãng xương. Các nghiên cứu trong ba thập niên qua cho thấy khoảng 80% sự khác biệt về mật độ xương giữa cá nhân trong một chủng tộc là do các di truyền tố (genes) định đoạt. Trong một nghiên cứu do một nhóm bác sĩ và khoa học gia ở Melbourne (Úc) tiến hành vào thập niên 1980s cho thấy những phụ nữ có mẹ bị gãy đốt xương sống hay gãy xương đùi thường có mật độ xương thấp hơn các phụ nữ mà mẹ không bị gãy xương. Điều này có nghĩa là những phụ nữ có thân nhân như mẹ hay chị/em bị bệnh loãng xương có xác suất bị loãng xương cao hơn những phụ nữ không có người thân bị bệnh này.

· Là phụ nữ cũng là một "thiệt thòi" vì phụ nữ có nguy cơ bị loãng xương cao hơn giới đàn ông. Lý do chính là phụ nữ thường có thân hình nhỏ hơn, xương nhẹ hơn nam giới. Ngoài ra, trong những năm sau thời kỳ mãn kinh, phụ nữ bị mất nhiều xương hơn đàn ông.

· Mãn kinh (menopause) cũng là một yếu tố chúng ta không thể tránh khỏi. Thời kỳ mãn kinh (thường thường xảy ra khoảng 48 đến 50 tuổi) là một giai đoạn đặc biệt và tế nhị đối với người phụ nữ, bởi vì người phụ nữ sau thời mãn kinh không còn khả năng mang thai và cơ thể không còn sản xuất kích thích tố, đặc biệt là estrogen. Khi cơ thể thiếu estrogen, các tế bào tạo xương osteoblast giảm hoạt động, và thay vào đó là các tế bào hủy xương osteoclast hoạt động mạnh lên, gây ra tình trạng giảm xương sau thời kỳ mãn kinh. Trong những năm đầu sau khi mãn kinh, xương có thể mất đến 10% mỗi năm, nhưng tốc độ mất mát này giảm dần dần còn khoảng 1% mỗi năm vào những năm ở độ tuổi 70 và 80.

Ngoài những yếu tố không thể tránh khỏi như trên, còn có một số yếu tố mà con người hoàn toàn có thể tránh khỏi. Những yếu tố này là:

· Thiếu chất vôi (calcium): Calcium là một chất khoáng rất cần thiết không những cho xương nói riêng, mà còn cho cơ thể nói chung. Những người ăn uống thiếu chất calcium thường hay bị loãng xương và gãy xương.

· Thiếu vận động: Cũng như các bệnh khác, loãng xương cũng là hậu quả của thiếu vận động. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người ở trong các nhà dưỡng lão, những người bị tai nạn và do đó giới hạn đi lại hàng ngày, những người không tập thể dục, v.v... có nguy cơ bị loãng xương cao hơn những người có một cuộc sống tích cực với cơ thể.

· Hút thuốc lá: Thuốc lá là thủ phạm gây ra hàng trăm căn bệnh khác nhau, trong đó có loãng xương. Chưa ai biết tại sao thuốc lá lại liên quan đến loãng xương, nhưng rất nhiều nghiên cứu cho thấy người hút thuốc lá có mật độ xương thấp hơn người không hút thuốc khoảng 10% đến 15%. Một trong những thuyết thường được dùng để giải thích cho hiện tượng này là phụ nữ hút thuốc lá thường mãn kinh sớm hơn, và do đó có nguy cơ bị bệnh loãng xương cao hơn, những phụ nữ không hút thuốc lá.

· Uống rượu quá độ: Một liều lượng rượu nhiều (như khoảng 37 gram mỗi ngày) có hại cho sức khỏe của xương. Những người uống rượu nhiều còn có nguy cơ bị té và cộng với xương dòn, họ có nguy cơ bị gãy xương rất cao.

· Dùng cà phê quá độ: Một nghiên cứu trên 2000 người Mỹ, trong vòng 6 năm liền, cho thấy những người dùng cà phê nhiều có mật độ xương thấp và tỷ lệ bị gãy xương đùi hơn những người không dùng hay dùng cà phê ít. Nghiên cứu này còn cho thấy những phụ nữ dùng 3 ly cà phê mỗi ngày trở lên và dùng calcium dưới 800 mg mỗi ngày còn bị mất xương nhanh. Như vậy, dùng cà phê quá liều lượng có thể gây ra tình trạng mất chất vôi.


· Dùng chất đạm động vật (animal protein) nhiều: Vài nghiên cứu gần đây ở Mỹ cho thấy những phụ nữ dùng chất đạm từ động vật (như heo, gà, bò, trừu, v.v…) có tỷ lệ gãy xương cao hơn trung bình. Những người ăn chay (tức chỉ dùng chất đạm từ thực vật) có tỷ lệ gãy xương thấp nhất. Mối quan hệ giữa chất đạm và loãng xương đang là đề tài nghiên cứu, nên chưa ai giải thích được nguyên nhân chính xác. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu biết rằng dùng chất đạm nhiều dẫn đến mất chất calcium qua đường nước tiểu.

· Những người dùng các loại thuốc kích thích (steroids), thuốc chống co giật (anticonvulsants), các loại thuốc chữa trị ung thư, và người có nhiều lượng hormone tuyến giáp (thyroid hormones).

Tất nhiên, trên đây chỉ là một cách nói chung, chứ không phải là một qui luật tuyệt đối. Ví dụ như không phải người phụ nữ nào có mãn kinh sớm đều bị loãng xương, nhưng những người này có xác suất bị loãng xương cao hơn những phụ nữ có mãn kinh ở vào độ tuổi "trung bình". Tương tự, nói rằng phụ nữ Âu châu có nguy cơ loãng xương cao hơn phụ nữ gốc Phi châu không có nghĩa là phụ nữ gốc Phi châu không bị loãng xương.

Một câu hỏi mà nhiều người thường hay thắc mắc là "Đau lưng có phải là loãng xương hay không?" Câu trả lời là: Đau lưng không có nghĩa là loãng xương, nhưng có thể là một triệu chứng cần quan tâm. Những nguyên nhân đau lưng thông thường là căng thẳng bắp thịt và do các chứng bệnh khác như viêm khớp xuơng (arthritis).

Những phương án phòng ngừa

Như đề cập trong phần trên là một số yếu tố dẫn đến loãng xương hoàn toàn có thể tránh được. Và, vì có thể tránh được, loãng xương là một căn bệnh có thể ngừa được. Những biện pháp có thể ứng dụng ngay là:

Dùng calcium cho đầy đủ. Cơ chế về sự ảnh hưởng của calcium trong xương rất phức tạp. Calcium thay đổi sự vận hành của các kích thích tố liên quan đến xương như estrogen. Calcium còn thể khả năng làm thay đổi sự chuyển hóa của các khoáng chất khác trong xương. Calcium ảnh hưởng đến xương là qua một kích thích tố trung gian có tên là Parathyroid hormone (PTH, hay kích thích tố tuyến cận giáp). Khi PTH cao, calcium sẽ được vận chuyển từ xương vào máu; khi PTH thấp, calcium không chuyển vận vào máu được và gây ra tình trạng co giật. Vì chịu sự chi phối của PTH, dùng calcium nhiều không có nghĩa là làm tăng mật độ xương. Nhưng khi cơ thể thiếu chất calcium, tình trạng mất xương sẽ xảy ra.

Ở Mỹ, Viện Y tế đề nghị dân Mỹ nên dùng calcium thường xuyên nhưng ở mức độ khoảng 2000 mg đến 3000 mg mỗi ngày. Calcium có thể lấy từ hai nguồn chính: từ thức ăn và từ thuốc được bào chế sẵn. Những thức ăn có thành phần calcium khá là: sữa, phó mát (cheese), cà rem, yogurt, đậu hủ, cá mòi hộp (có xương), cam ... Một số thức ăn không có nhiều chất calcium như người ta thường nghĩ: cá tươi, măng tây (asparagus), bắp cải, cà-rốt, bắp, rau diếp (lettuce), đậu xanh, bông cải, khoai tây. Những thức ăn này hoặc không có nhiều calcium, hoặc có chứa calcium nhưng khả năng hấp thụ trong cơ thể không cao, nên cuối cùng chúng không mang lại lợi ích gì nhiều trong việc phát triển và duy trì bộ xương.

Vitamin D có vai trò quan trọng trong loãng xương. Những người thiếu chất Vitamin D thường có mật độ xương thấp, mất xương nhanh, và hay bị gãy xương. Ngược lại, những người có vitamin D quá cao thường bị mất xương nhiều vì làm tăng các tế bào hủy xương osteoclast. Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn còn tranh cãi để định nghĩa thế nào là một mức độ vitamin D cao hay thấp hay mức độ nào là tối ưu cho xương. Tuy nhiên, phần đông các chuyên viên cho rằng mức độ tối ưu là khoảng 20-60 ng/ml hay 50-150 mMol/L. Mức độ vitamin D cao hơn 90 ng/ml hay cao hơn 225 mMol/L được xem là độc hại. Ngược lại, Vitamin D thấp hơn 8 ng/ml hay <20 mMol/L được xem là quá thấp.

Vitamin D được hấp thụ từ hai nguồn chính là ánh nắng mặt trời và qua thức ăn. Vitamin D được sản xuất phía dưới da sau khi được hấp thụ ánh nắng mặt trời hay từ thức ăn. Qua lá gan, vitamin D được chuyển hóa thành 25-hydroxyvitamin D (còn viết là 25(OH)D), và sau đó qua thận chuyển hóa nữa thành 1,25-dihydroxyvitamin D (hay 1,25(OH)2D). Và chính 1,25(OH)2D mới là chất có hoạt động có ảnh hưởng đến xương.

Tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục không những làm cho cơ thể cân đối và thăng bằng, mà còn tăng khả năng hoạt động của các tế bào tạo xương osteoblast. Những động tác đơn giản như đi bộ (không cần chạy), bơi lội, tập tai-chi hay tập cử tạ thường đem lại kết quả rất tốt cho xương. Vì thế, tập thể dục thường xuyên hay tăng cường vận động là một hình thức phát triển và duy trì bộ xương hữu hiệu nhất.

Cải thiện chế độ dinh dưỡng. Nên điều chỉnh chế độ ăn uống sao cho lượng đạm đầy đủ (nhưng không quá nhiều) trong cơ thể để duy trì xương và bảo vệ phòng chống các căn bệnh khác.

Đối với người Á châu, nhất là những phụ nữ đang trong thời kỳ mãn kinh, sữa đậu nành là một nguồn thức ăn rất có ích. Đậu nành chứa nhiều thành phần có giá trị cho xương như chất đạm, isoflavones (3), saponins, và phytosterols. Vì chất đạm của đậu nành có thể so sánh tương đương với chất đạm động vật. Điều quan trọng hơn là đậu nành có rất ít mỡ, và hoàn toàn không có cholesterol. Saponins trong đậu nành có tác dụng trợ lực cho hệ thống miễn nhiễm, và viền chung quanh cholesterol để ngăn ngừa cholesterol hấp thụ trong ruột. Ngoài ra, một vài nghiên cứu gần đây cho thấy phytosterols có thể làm giảm mức cholesterol trong cơ thể. Trong một bài báo, mà trong đó tác giả phân tích kết quả của 38 thử nghiệm lâm sàng trên thế giới, cho thấy những người dùng đậu nành trong thức ăn có mức độ cholesterol thấp, và giảm nhanh hơn những người không dùng đậu nành.

Đậu nành có khả năng điều hòa mức độ estrogen trong các phụ nữ chưa mãn kinh. Trong các phụ nữ đã mãn kinh, sữa đậu nành có độ hoạt động của kích thích tố estrogen, và do đó, có thể phòng chống lại loãng xương. Trong một nghiên cứu lâm sàng gần đây, các nhà nghiên cứu ghi nhận là đậu nành có thể làm giảm mức độ mất xương trong những phụ nữ cao tuổi. Ngoài ra, những người dùng đậu nành ít khi bị các triệu chứng liên quan đến thời kỳ mãn kinh như nóng mặt, khô âm hộ, tính tình khó chịu ... Nói chung, đậu nành là một loại thức ăn vừa rẻ tiền mà lại có triễn vọng chống lại bệnh loãng xương trong người cao tuổi, nhất là người gốc Á châu chúng ta.

Giữ trọng lượng "trung bình" cũng là một biện pháp nên chú ý. Trọng lượng của cơ thể có quan hệ mật thiết với xương. Những người có trọng lượng thấp thường có mật độ xương thấp và có nguy cơ bị gãy xương. Tuy nhiên, những người quá nặng cũng hay bị gãy xương (và có nguy cơ bị nhiều bệnh khác). Vì thế, duy trì một trọng lượng lý tưởng cũng là một cách phòng chống loãng xương. Thế nào là một trọng lượng lý tưởng? Đó là một trọng lượng quân bình cho chiều cao của cơ thể, sao cho xác suất bị tử vong hay bệnh tật ở mức thấp nhất. Giới y học Tây phương dùng tỷ số trọng lượng chia cho chiều cao bình phương (gọi tắt là BMI, body mass index) để định xem một người quá béo, hay quá gầy, hay trung bình. Trong người Tây phương, chỉ số BMI khoảng 22 tới 24 kg/m2 được xem là lý tưởng, từ 25 kg/m2 trở lên được xem là béo, quá 30 kg/m2 được xem là phì. Ví dụ như tôi cân nặng 75 kg và cao 1.76, do đó BMI của tôi là 75 / (1.76)2 = 24.2 kg/cm2.

Ngưng hút thuốc. Hút thuốc lá là một thói quen nguy hiểm, vì nó gây ra nhiều bệnh tật ngặt nghèo. Nhưng nó lại là một thói quen hoàn toàn bỏ được. Trong cộng đồng người Việt Nam, hút thuốc lá có lẽ không phải là một điều quan tâm đối với phụ nữ (vì có rất ít phụ nữ Việt Nam hút thuốc lá), nhưng trong giới đàn ông, đây là một vấn đề lớn (vì có hơn 40% đàn ông người Việt vẫn còn "làm bạn" với khói thuốc).

Mặc dù ma lực cám dỗ của thuốc lá rất lớn, nhưng điều đáng vui mừng là người hút thuốc lá hoàn toàn có thể bỏ thói quen này. Có rất nhiều phương pháp cai thuốc lá. Phương pháp thành công nhất là bỏ hút thuốc một cách đột ngột (mà người Mỹ gọi là "cold turkey"); tức là đột nhiên một ngày nào đó người hút quyết định từ bỏ thói quen này một cách dứt khoát. Ngoài ra, có người chọn một ngày nào đó (như ngày hôm nay chẳng hạn) và tuyệt nhiên ngưng dùng thuốc lá, không thèm ngó đến gói thuốc nữa.

Một phương pháp khác là dùng thuốc Tây. Trong những thuốc Tây dùng để cai nghiện thuốc lá hữu hiệu có lẽ phải kể đến thuốc Zyban, một loại thuốc đôi khi đuợc mệnh danh là "thần dược" vào năm 1998. Theo vài nghiên cứu lâm sàng, Zyban không những có khả năng cai nghiện thuốc lá, mà còn làm cho người cai thuốc ăn ngon, bớt phì mập, yêu đời, và thậm chí tăng cảm hứng tình dục (giống như viagra!). Ngoài Zyban ra, còn có các loại thuốc như Doxepin, Clonidine, Nicotol cũng có công hiệu giúp cai thuốc lá. "Skin patch" hay "nicotine patch", một loại thuốc dán lên da, cũng có khả năng giúp cai thuốc lá, và có thể mua tại các nhà thuốc Tây không cần toa bác sĩ (ở Mỹ).

Đề phòng bị té
. 99% những trường hợp gãy xương đùi là do bị té. Có khoảng 1 phần 3 người cao tuổi bị té hàng năm. Do đó, phòng ngừa bị té là một phương cách hữu hiệu chống lại tình trạng gãy xương trong người cao tuổi. Những người hay dùng thuốc an thần, có thị lực kém, có vấn đề về chân tay, đi nhanh, mặc quần Tây [hai ống], v.v… là những nạn nhân của té. Những nơi "nguy hiểm" trong nhà là phòng tắm, những chỗ có trải thảm nhưng không được cài nẹp, những chỗ có nhiều dây nhợ, v.v... Do đó, để tránh bị té, khi vào phòng tắm nên mở đèn cho sáng, cực kỳ cẩn thận khi đứng trên với bồn tắm, tránh những chỗ thảm không có nẹp, tránh những chỗ giây điện hay bàn ghế trơn tru, tránh những nơi mà sàn nhà khập khểnh, cầu thang trơn tru, v.v...

Chữa trị

Không có thuốc nào chữa khỏi (cure) chứng loãng xương. Nhưng có vài loại thuốc có hiệu quả làm giảm hay ngăn chận mức độ suy giảm xương. Những thuốc này thường có chức năng ngăn chận hoạt động của những tế bào hủy xương osteoclasts. Những thuốc này hiện có trên thị trường (và cần toa bác sĩ) như Alendronate, Estrogen, Bisphosphonates, Calcitonin, Flouride. Mỗi loại thuốc có hiệu quả và phản ứng khác nhau. Trung bình, sau sáu tháng dùng, mật độ xương có thể tăng từ 2% đến 10%, và có thể ngăn ngừa gãy xương. Tuy nhiên, những thuốc này thường gây ra vài phản ứng phụ mà bệnh nhân cần phải tham khảo với bác sĩ trước khi dùng.

Estrogen là một nhóm hormones có tên là steroid (như estrone, estradiol) chi phối đến sự phát triển sinh dục trong phụ nữ. Vì estrogen là một hormone, nó đóng vai trò của các tín hiệu phân tử (signalling molecules), và các tín hiệu này di chuyển trong đường máu và "hợp tác" với các tế bào khác để tạo nên ảnh hưởng trong các cơ quan cơ quan sinh dục, như tăng trưởng đều hòa và làm phát triển các đặc tính nữ (như nhủ hoa). Trong xương, estrogen kích thích sự phát triển xương qua các tế bào làm ra xương có tên là osteoblasts. Sau khi mãn kinh nguyệt, mức độ estrogen trong người bị suy giảm dần và dẫn đến sự mất xương.

Nhiều nghiên cứu trong mấy thập niên qua cho thấy sau khi mãn kinh nguyệt, phụ nữ dùng estrogen có tỷ lệ bệnh loãng xương thấp hơn những phụ nữ không dùng estrogen. Do đó, đối với những phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh, bác sĩ Âu Mỹ thường điều trị loãng xương bằng cách thay thế estrogen đã mất trong cơ thể bằng những estrogen "nhân tạo". Cách điều trị này thường được gọi là estrogen replacement therapy hay hormone replacement therapy, còn gọi tắt là ERT hay HRT. ERT có hiệu quả cao trong thời kỳ vừa mãn kinh. Nhưng nhiều phụ nữ Âu Mỹ lớn tuổi (60 trở lên) cũng dùng ERT.

Một số nghiên cứu gần đây đã cho thấy những phụ nữ dùng ERT lâu năm (hơn 10 năm) có tỷ lệ bị ung thư ngực (breast cancer) cao hơn những phụ nữ không dùng ERT. Tuy nhiên, tránh ERT cũng không có nghĩa là tránh ung thư ngực. Do vậy, trước khi quyết định dùng ERT, phụ nữ cần phải bàn thảo kỹ càng với bác sĩ và lượng xét những lợi hại một cách cẩn thận. Thường xuyên khám ngực qua quang tuyến X (mammography) là một trong nhữngphương pháp phòng ngừa ung thư vú hữu hiệu nhất.

Ngày nay, do nhận thức về tầm quan trọng của bệnh loãng xương, nhiều công ty thương mại đã điều chế nhiều loại thực phẩm, thức uống mà họ cho là giàu chất calcium. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều sản phẩm này không có nhiều chất calcium như quảng cáo; do đó, người tiêu thụ cần phải tìm hiểu kỹ càng trước khi mua và dùng. Ngoài ra, phụ nữ đã có những chứng bệnh thận và gan cũng cần thảo luận với bác sĩ và cân nhắc kỹ trước khi dùng thuốc calcium.

Vì thuốc estrogen có thể gây ra ung thư ngực nếu dùng lâu ngày, nó chưa phải là một loại thuốc lý tưởng. Điều này dẫn đến một ý tưởng là nếu có một chất nào đó có thể ngăn cản hoạt động của estrogen trong các tế bào gây ra ung thư hay hủy xương, chất đó có thể xem là một loại thuốc "lý tưởng". Ý tưởng này dẫn đến sự ra đời của vài loại thuốc mới nằm trong gia đình có tên là SERM (selective estrogen receptor modulator). Theo lý thuyết, SERM ngăn chận các tế bào hủy xương osteoclasts và tăng hoạt động của các tế bào tạo xương osteoblasts, đồng thời tạo ra ảnh hưởng tốt đến tim, mà không có ảnh hưởng xấu như gây ra ung thư. Một trong những thuốc nằm trong gia đình này có tên là Raloxifen, vừa được cơ quan kiểm tra thuốc và thực phẩm của Mỹ (FDA) chấp nhận cho dùng trong chữa trị bệnh loãng xương. Qua vài kết quả nghiên cứu lâm sàng mà người viết bài này có tham dự, raloxifen có thể làm tăng mật độ xương khoảng 3-6% trong vòng 6 tháng điều trị, giảm tỷ lệ gãy xương khoảng 30%, không làm tăng cholesterol và rất an toàn. Nói tóm lại, đây là một loại thuốc có nhiều hứa hẹn trong việc điều trị loãng xương và mang lại một đời sống bình thường cho giới phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, vì mới được bào chế và chưa qua nhiều thử nghiệm lâm sàng, nên những tác hại lâu dài của Raloxifen vẫn chưa được rõ ràng. Nói chung, bệnh nhân phải bàn thảo kỹ với bác sĩ của mình trước khi dùng những loại thuốc mới này.

Làm sao để biết là mình bị loãng xương?
Việc đầu tiên để biết có bị loãng xương hay không là phải xác định mật độ xương trong cơ thể. Những xương quan trọng thường được đo là xương chậu, xương sống và xương tay. Hiện nay, qua ứng dụng những tiến bộ trong vật lý thực nghiệm, người ta có thể đo lường mức độ xương trong cơ thể rất chính xác. Có nhiều phương pháp đo, nhưng phương pháp an toàn nhất và chính xác nhất hiện nay là dùng máy Dual Energy X-ray Absorptiometry (còn gọi là DXA). Máy này có thể đo lường số lượng (và chất lượng) xương trong cơ thể. Số lượng xương được tính bằng gram cho mỗi phân vuông hay phân khối (g/cm2 hay g/cm3), do đó, người ta gọi là bone mineral density (BMD). Tất nhiên, mức độ BMD cao có nghĩa là "xương mạnh", và mức độ BMD thấp đồng nghĩa với "xương yếu", dễ bị gãy xương. Mức độ BMD còn được so sánh với những người cùng tuổi và giới tính, gọi là chỉ số Z (Z-score). Ngoài ra, để đoán mức độ suy giảm xương, BMD còn được so sánh với mức độ của những người ở độ tuổi 30 (tức là độ tuổi mà xương đã phát triển tới mức tối đa), gọi là chỉ số T (T-score). Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organisation), những phụ nữ có chỉ số T thấp hơn -2.5 được xem là "loãng xương"; những phụ nữ có chỉ số T giữa -1 và -2.5 được xem là "xương mỏng" (osteopaenia); và những phụ nữ với chỉ số T cao hơn -1 là bình thường.

Với phương pháp DXA, các chuyên viên sẽ cho người được thử nghiệm nằm trên một cái giường đặc biệt. Máy đo xương sẽ làm việc. Người được thử nghiệm hoàn toàn không đau đớn gì cả; họ có thể đọc báo trong khi máy làm việc. Người được thử nghiệm cũng không phải chuẩn bị gì đặc biệt, ngoài việc mặc quần áo tương đối "nhẹ"; tránh mặc quần áo có nút, zipper hay dây thắt lưng kim loại.

Thời gian thử nghiệm tùy thuộc vào máy DXA và loại xương. Máy DXA mới và hiện đại có thời gian nhanh hơn máy DXA cũ. Xương chậu có thới gian lâu hơn xương tay hay gót chân. Nếu chỉ thử nghiệm xương chậu và xương sống bằng máy DXA tiên tiến của các hãng như Hologic và Lunar, thì thời gian chỉ tốn khoảng 5 tới 10 phút là xong.

Ngoài ra, máy siêu âm (ultrasound densitometer) cũng có thể dùng để thử nghiệm xương ở gót chân (heel), và thời gian chỉ khoảng 1 phút. Tuy nhiên, vì kỹ thuật viên cần chuẩn bị máy, nên thời gian có thể lâu hơn khoảng 5 phút trong mỗi trường hợp.

Một vài nhận xét
Sự gia tăng dân số người cao tuổi đặt ra nhiều vấn đề nan giải cho giới làm công tác y tế và xã hội. Họ phải đặt ra kế hoạch để đối phó với những nhu cầu y tế của số người càng ngày càng đông đảo này. Ở các nước Tây phương, chính phủ tiêu ra hàng tỷ đô-la mỗi năm cho nghiên cứu và các dịch vụ liên quan đến người cao tuổi. Điều này cũng có nghĩa là sự tăng trưởng người cao tuổi trong cộng đồng trở thành một gánh nặng của xã hội mà thành viên đang lao động trong cộng đồng phải đảm trách.

Một trong những kế hoạch đối phó với đà tăng dân số là tìm ra những phương cách khả dĩ để phòng ngừa bệnh tật ở một qui mô lớn. Trong khoảng nửa thế kỷ vừa qua, y học đã phát triển từ sự đáp ứng nhu cầu của người bệnh sang nhận dạng những yếu tố gây ra bệnh, và qua đó có thể phát triển chiến lược phòng ngừa bệnh tật. Tức là, thay vì chú trọng vào việc chữa bệnh, người ta càng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến phòng bệnh. Thoạt đầu mới nghe qua, độc giả có thể cho đây là một cách sắp xếp chữ nghĩa do các vị khoa bảng ngồi trong tháp ngà thuộc các trường đại học đại học sáng chế ra, nhưng trong thực tế đây là cả một cuộc cách mạng về ý tưởng trong y học. Quan điểm mới này còn có một ý nghĩa quan trọng là các cơ quan kiểm soát tài chính (như chính phủ và các hãng bảo hiểm) càng ngày càng gây áp lực cho các bệnh viện phải "tống khứ" bệnh nhân ra khỏi bệnh viện càng sớm càng tốt, nhất là các bệnh nhân mãn tính. Đối với những cơ quan chức năng này, tránh cho bệnh nhân nhập viện càng tốt hơn!

Nhưng trong cộng đồng vẫn có người bị bệnh. Do đó, quan điểm mới này cũng có nghĩa là cố gắng tập trung bệnh nhân tại gia đình của họ, thay vì vào bệnh viện. Nói một cách khác là bệnh nhân phải có tự học tập, tìm hiểu và tự quản lý căn bệnh của mình. Có thể họ sẽ được sự giúp đỡ của bác sĩ gia đình, hay bác sĩ chuyên khoa, hay y tá, hay các chuyên viên y tế khác. Phương cách này đòi hỏi mọi người phải nghĩ đến phương châm cổ điển là phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Đối với bệnh loãng xương, quan điểm phòng bệnh này có ý nghĩa quan trọng. Vì số người cao tuổi càng ngày càng gia tăng trên qui mô toàn cầu, cộng với sự kỹ nghệ hóa các nước đang phát triển, bệnh loãng xương có nguy cơ trở thành một vấn nạn y tế cho thế giới trong tương lai. Sớm nhận ra điều này, chính phủ ở các nước Mỹ và Tây phương đã chi ra hàng tỷ đô la để nghiên cứu về nguyên nhân và cách phòng chống, chữa trị bệnh này. Do đó, trong vòng ba thập niên qua, nhiều khám phá khoa học quan trọng đã được công bố và ứng dụng. Qua đó, sự hiểu biết về cách chẩn đoán và điều trị càng ngày càng rõ ràng hơn.

Qua nhiều nghiên cứu, người ta có thể khẳng định rằng loãng xương là một căn bệnh phức tạp. Nhiều yếu tố di truyền và môi trường có ảnh hưởng hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp đến quá trình phát triển căn bệnh. Các nhà nghiên cứu ước đoán rằng khoảng 45% nguy cơ gãy xương là do các yếu tố liên quan đến di truyền gây ra, phần còn lại (65%) là do các yếu tố liên quan đến môi trường tạo nên. Điều này cũng có nghĩa là phần lớn những trường hợp gãy xương có thể ngăn ngừa được.

Sự liên đới giữa môi trường và di truyền còn có nghĩa là khi chữa bệnh loãng xương, bác sĩ phải cân nhắc nhiều yếu tố và bằng chứng khác nhau, thay vì chỉ dựa vào vài triệu chứng đơn độc. Chẳng hạn như trong chữa trị loãng xương, nếu chỉ chú trọng vào việc dùng thuốc Tây, mà không quan tâm đến những phương thức thực tế nhưng mang tính nền tảng như tăng cường vận động thể thao, cải thiện chế độ ăn uống … thì thuốc cũng không đem lại hiệu quả gì đáng kể.

Con người không thể chống lại và cũng không tránh khỏi được quá trình lão hóa, một thực tế sinh lý không thể nào đảo ngược được với thời gian. Ai cũng phải trải qua các giai đoạn, chu kỳ sinh học tự nhiên: sinh ra, lớn lên, trường thành, già đi, và chết. Trong thế giới ta đang sống ngày nay, không có một nhân vật trẻ mãi không già như Peter Pan, không có ông Bành Tổ sống đến 800 năm. Tuy nhiên quá trình lão hóa này không tiến triển một cách đồng đều giữa các bộ phận trong cơ thể, và có thể khác biệt giữa con người với nhau. Sở dĩ có sự khác nhau giữa con người là vì quá trình sinh sống chịu ảnh hưởng từ hai yếu tố chính, đó là: di truyền và môi trường chung quanh. Có thể thêm sự tương tác giữa di truyền và môi trường cũng là một yếu tố quan trọng. Do đó, mỗi người đều có một quá trình trưởng thành và lão hóa hoàn toàn khác nhau. Không có hai cá nhân nào trên trái đất này có những đặc tính sinh lý giống nhau 100%.

Ở một góc độ sinh học, có thể nói loãng xương là một biểu hiện của quá trình lão hóa. Song, lão hóa tự nó không gây ra, và không phải là nguyên nhân của, loãng xương. Người cao tuổi hoàn toàn có thể phòng chống lại căn bệnh này. Thực tế cho thấy nhiều người sống đến 90 tuổi mà vẫn không bị loãng xương hay gãy xương. Bí quyết là ở chỗ tự tạo cho mình một cuộc sống lành mạnh. Sức khỏe lý tưởng của người La Mã là mens sama in corpore sano - một trí tuệ (hay tinh thần) minh mẫn trong một cơ thể tráng kiện. Trong loãng xương, lý tưởng này có thể hiểu như là một cuộc sống khỏe mạnh trong một môi trường lành mạnh. Hi vọng rằng những thông tin trong bài viết này đã đem lại vài thông tin hữu ích và sẽ giúp ích được độc giả tìm được một sức khỏe lý tưởng cho riêng mình.

Nguyễn Văn Tuấn


Chú thích:

(1) Theo các nhà dân số học, những người trên 60 tuổi, không phân biệt nam hay nữ, được định nghĩa là "Người cao tuổi". Ngoài ra, ở Việt Nam ta và các nước theo văn hóa Khổng Mạnh, những người nào thọ ngoài 70 tuổi được gọi là "Thọ"; những người thọ ngoài 80 tuổi là "Thượng thọ"; ngoài 90 tuổi là "Đại thọ"; và ngoài 100 tuổi là "Đặc biệt thọ".

(2) Theo tác giả Schapira trong bài báo "Osteoporosis: the evolution of a scientific term" đăng trên Tạp chí Osteoporosis International năm 1992, số 2, trang 164-167, thì: Osteoporosis là chữ mượn từ tiếng Pháp Osteoporose vào đầu thập niên 1820 để mô tả hội chứng loãng xương. Tuy nhiên, chữ Osteoporose có lẽ có nguồn gốc sâu xa hơn là chữ ghép từ tiếng Hy Lạp Osteos (có nghĩa là xương), và Latin Porus (có nghĩa là loãng).

(3) Isoflavone có thể dịch là đồng kim tố, vì iso = đồng, bằng nhau, và flavone = màu vàng.

Độc giả muốn tìm hiểu thêm về căn bệnh loãng xương có thể tham khảo thêm với bác sĩ gia đình của mình. Những ai có truy nhập vào liên mạng (internet) và có khả năng hiểu Anh ngữ có thể tham khảo thêm thông tin trong trang nhà của Tổ chức Loãng xương Hoa Kỳ tại www.nof.org. Những độc giả nào còn hạn chế về Anh ngữ có thể đọc các thông tin bằng tiếng Việt, xin liên lạc với tác giả tại t.v.nguyen@unsw.edu.au.

Ngoài ra, độc giả muốn biết thêm các thông tin mang tính khoa học liên quan đến bài viết này có thể tìm hiểu qua vài bài báo nghiên cứu sau đây của chính người viết bài này và đồng nghiệp. Những bài báo chính và mới nhất được đăng trong các tạp chí hay sách sau đây: (i) Tạp chí Journal of Bone and Mineral Research (JBMR) số 15, năm 2000, trang 322-331; (ii) JBMR số 15, năm 2000, trang 1405-1411; (iii) Tạp chí Lancet số 353, năm 1999, trang 878-882; (iv) Tạp chí American Journal of Epidemiology số 147, năm 1998, trang 3-16; (v) Tạp chí Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism (JCEM) số 79, năm 1994, trang 2709-2714; JCEM số 84, năm 1999, trang 3626-3635; (vii) Tạp chí Journal of Clinical Densitometry số 3, năm 2000, trang 107-119; (viii) "Risk factors for low bone mass in elderly men" trong cuốn sách "Osteoporosis in Men", Nhà xuất bản Academic Press, năm 1999, trang 335-362.

TS Nguyễn Văn Tuấn
Sydney - Australia
Tác giả là một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp (Senior Fellow) về bệnh loãng xương và di truyền học, và giáo sư y khoa Đại học New South Wales (Úc), và nguyên là một giáo sư y khoa (nội tiết) thuộc Đại học Wright State, Ohio (Mỹ).Một người bạn của trang web này (Angelfire.com) - BS Hồ Đắc Duy
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9