Mất ngủ; Trò mới; Nắng bên kia dốc; chum truyen ngan cua Nam Ninh
namninh1946 02.04.2006 17:22:26 (permalink)
Mất ngủ
Tôi khẽ rút tay ra khỏi chăn để nhìn đồng hồ. Chiếc kìm dạ quang đang nhích sang con số mười hai. Để chữa cái chứng khó ngủ tôi thường đếm từ một đến một trăm rồi lại lùi từ một trăm về một. Cứ như vậy vài lần, ngủ lúc nào không biết. Nhưng lần này thì chịu. Nguyên do cũng tại nó. Tại cái thằng Tuấn bạn tôi đang nằm thẳng cẳng ở bên cạnh. Mười lăm năm rồi giờ lại đắp chung một mảnh chăn, trong hơi ấm nồng nàn của bạn. Kỷ niệm thì cứ dội về, tâm tư thì chưa trút hết, tấm tức không chịu được. Tội này cũng tại vợ tôi. Cái sự chu đáo đến không cần như thế này thì quả là tai hại thật. Tôi còn đang sôi nổi hỏi về cái đất nước Ca - na - đa xa xôi kia đã biến bạn tôi trở thành "Việt kiều yêu nước" là cớ ra làm sao? Vợ tôi đã xăm xắn trải ga, mắc màn "Mình ơi, bác ấy đi hàng trăm hàng ngàn cây số, để bác ấy nghỉ đã, mai anh em tha hồ mà nói chuyện".
Tuấn bảo, nó từ sân bay Nội Bài về khách sạn ở Hà Nội làm thủ tục xong là tìm cách về Quảng Ninh ngay. Hay nó ý tứ vì sợ các cháu thức khuya? Thấy vậy vợ tôi lại nói: "Mình ơi, bác ấy đi hàng ngàn cây số...". Hàng trăm hàng ngàn thì nước mẹ gì - Tôi nghĩ - Hồi "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" còn cuốc bộ hàng ngàn cây số nữa là. Lại nhớ cái hồi mới vào bộ đội, tập đeo đá ở Yên Tử trẹo cả vai, trầy cả chân, tối về rủ nhau đắp lá,sáng hôm sau hai bàn chân vẫn sưng vù. Đến lúc xin nghỉ tập đại trưởng bảo: "Các cậu là lính công tử, không chịu tập đeo đá, vào Trường Sơn có mà khóc"
Thế rồi 30 tháng 4, rồi phục viên, rồi thất nghiệp. Tuấn vào làm tại hợp tác xã Ánh Hồng để theo đuổi con đường đại học. Ai ngờ cả ban chủ nhiệm đi tù. Tuấn bị công an gọi lên gọi xuống, lý lịch lại được moi từ đời ông nội, đến khi xác minh được Tuấn không dính líu gì đến cái vụ tham ô của ban chủ nhiệm thì lại vướng vào cái lý lịch mới được thẩm tra, hình như ông nội nó đã mất từ thời tiền khởi nghĩa có dính dáng gì đến Quốc dân đảng, nên lúc thi được đại học thì bị ách lại. Thành ra lang hang. Giá nó cứ an bài như tôi vào làm công nhân ở nhà máy điện... Bây giờ nằm cạnh nó, mọi việc cứ hiện ra như một cuốn phim chiếu chậm. Không gian tĩnh mịch lạ thường. Cái xóm Dốc Học nhà tôi nằm giữa Hạ Long mà cứ như một vùng quê yên tĩnh. Năm 1982, năm cao trào trốn đi Hồng Công. Cái xóm Dốc Học nhà tôi cũng trở nên ồn ã vì kẻ đi, người ở. Một hôm tôi gặp nó, vẻ mặt lấm lét như thằng ăn vụng, nó nói: "Có lẽ tao phải đi thôi" Tôi chưa tin nó nói thật. Một thằng có chí hướng như vậy đâu dễ thoái lui. Tôi nói: "Mày nghĩ kỹ chưa?". Nó không nói gì. Một tháng sau tôi được biết nó đi. Tôi khóc. Không ngờ hôm ấy nó đến là để chào từ biệt. Thế rồi biền biệt. Bây giờ được như thế này cũng là mừng cho nó. Nó đã có vợ, hai con, con lớn mới học xong trung học, vợ chồng thu nhập đủ ăn. Nhưng trong tâm trạng nó thấy toát lên một nỗi nhớ, nó nhớ quê hương. Nhớ bè bạn. Tôi bảo, thôi được, cứ nhớ nhau là quí rồi mày ạ. Tôi yên tâm vì thấy nó khoẻ mạnh, trông to ra, trắng, nhưng có phần già dặn. Chúng tôi gặp nhau mừng mừng tủi tủi, luýnh quýnh hỏi thăm nhau chẳng ra đầu ra đuôi. Chuyện cũ, chuyện mới lẫn lộn. Tôi thú vị làm động tác so chiều cao theo kiểu hai thằng cùng nằm, bằng cách chạm bàn chân tôi vào bàn chân nó. Hoá ra nó cao hơn tôi. Thằng này ăn cơm Tây có khác. Ban nãy tôi chưa nhìn kỹ, không hiểu tóc nó đã có sợi bạc chưa, còn cái đầu muối tiêu của tôi thì xuất hiện từ năm ngoái. Nhưng không có lẽ nó lại cao hơn tôi. Này, đừng coi thường thằng cơm rau muống nhé. Tao sẽ xác minh lại. Lần này so từ trên xuống. Tôi nằm thẳng cẳng sao cho hai cái đầu bằng nhau. Đúng rồi, bàn chân tôi không chạm vào bàn chân nó mà là mắt cá chân. Có thế chứ. Ngày xưa nó còn thấp hơn tôi, bỗng nó thì thầm:
- Vinh ơi.
Tôi như bị bắt quả tang, giả vờ giọng ngái ngủ:
- Gì ... vậy .... cậu
Nó nhỏm đầu dậy:
- Này - Nó tỏ ra lo - Cậu đã đi "đăng ký tạm trú" chưa đấy.
- Vẽ chuyện - Tôi suýt bật cười - đăng ký cái con khỉ. Ngủ đi mày.
Có lẽ nó cũng như tôi, đều khó ngủ. Tôi không thấy nó cựa quậy gì cả, tự dưng lại gọi một câu tỉnh như sáo. Nó lại rì rầm:
- Không được đâu mày ạ. Tao là Việt kiều kia mà.
Tôi bật cười:
- Kiều cái gì, mày là thằng Tuấn vổ.
Nó lại chui vào trong chăn. Tôi giả vờ nằm im như đang ngủ để nó yên tâm. Nhưng thực ra lúc ấy tôi tỉnh hẳn. Cái xóm Dốc Học của tôi sao yên tĩnh thế. Đêm thì đặc quánh lại. Giá ở ngoài phố kia thỉnh thoảng còn được nghe tiếng ô tô chạy trong đêm đỡ buồn. Đằng này giun dế cũng không, ếch nhái cũng không, đến là tĩnh lặng. Đã thế nó lại xới lên cái việc "Đăng ký tạm trú" làm tôi càng mất ngủ. Thằng này bị ám ảnh nhiều đâm lẩn thẩn. Nó sợ hồi trước cái vụ sổ sách hợp tác xã, nó bị nhốt một đêm, sau đó cứ đụng vào cái gì cũng bị tuýt còi. Buôn gạo bị tịch thu, làm mì sợi bị đình chỉ vì chưa có giấy phép, lại mắc cái lý lịch như thế thì có hiếu học như nó cũng không vào nổi cái trường đại học nào. Hồi xưa tôi ngủ tại nhà nó, cũng hai thằng nằm như thế này, đang đêm bị kiểm tra hộ khẩu, vì nó là thằng có vấn đề, lại rơi vào thời kỳ người ta đang ùn ùn trốn sang Hồng Công.
Tự nhiên tôi lại nghĩ đến chuyện kiểm tra hộ khẩu? Thì sao nào? Chẳng cao cả. Quá lắm tôi sẽ gọi điện cho thằng Hội, bạn tôi làm việc trên Công An tỉnh. Cái thằng tóc quăn ấy thế nào cũng giễu tôi, có thế mà cũng nhờ đến nó. Nhưng Hội ơi, nó là Việt kiều, Việt kiều nghĩa là người ngoại quốc? Ngoại quốc thì đã sao nào? Có khối thằng Tây ba lô đang lang thang ngoài phố kia kìa. Nó đăng ký ở đâu? Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ, ấy cũng là tại cái chứng mất ngủ. Tôi đặt giả thiết, nếu cơ quan pháp luật hỏi, tôi sẽ nói rành rẽ đầu đuôi. Chỉ nghĩ thương cho nó. Đến ngủ nhà bạn một đêm cứ phải vấn vương một cái gì đó làm chủ nhà thấy không yên lòng. Mai tôi sẽ kể với thằng Hội, tôi sẽ giễu nó: cả đêm tớ nghĩ về cái ngạch của cậu mà lo đấy Hội ạ, ví như thằng Tuấn đang nằm cạnh tớ đây, nó nằm im, thở nhè nhẹ, đều đều nhưng tớ cam đoan thằng này không ngủ. Ước gì đèn bật sáng. Một ấm chè đặc quánh để hai thằng nhâm nhi. Lại thèm thuốc, thèm thuốc đến nôn nao. Mẹ kiếp, cũng chỉ tại mày Tuấn ạ. Tự dưng lại nghĩ ra chuyện kiểm tra hộ khẩu. Thôi đúng rồi, có thể lúc vào đến đầu xóm Dốc Học nhà tôi nó đã để ý đến cái biển đề "Nơi đăng ký tạm trú, tạm vắng". Nghĩa là, nếu có người đến hỏi hai thằng cũng phải dậy, có thể phải ra đồn công an, nghĩ mà lạnh xương sống. Một tiếng chó sủa vu vơ đâu đó. Tôi lắng tai nghe, đêm như ngừng lại, khỉ thế, cái xóm này ban ngày thì ồn ào là vậy mà đêm thì yên lặng như tờ. Lại một tiếng chó sủa nữa, giờ thì gần hơn. Tôi rùng mình, cạnh tôi, nó cũng rùng mình. Bây giờ thì cả hai con chó đều sủa. Tôi nhớ ra rồi, con Béc nhà Hường với con Mích nhà cô Tươi. Nghĩa là có người đến đầu xóm. Lại thêm con Lai Ca, chó Nhật nhà Độ. Tôi nghe rõ tiếng ông ổng của con Béc, tiếng đanh đá của con Mích, tiếng lách ách của con Lai Ca. Có lẽ sắp có tiếng gõ cửa, một, hai.. ba này. Bỗng tiếng chó sủa thưa dần. Tôi thở phào một hơi, thằng Tuấn cũng thở phào một hơi, nhưng nó nén hơi lại rồi thở ra từ từ. Tôi biết chứ, vì chiếc chăn mỏng trên ngực tôi đang từ từ xẹp xuống, bây giờ tiếng chó sủa đã im bặt. Tôi nhớ ra rồi, vợ tôi nói cuối xóm có một ổ nghiện hút, cứ tầm hai ba giờ sáng là nó hoạt động. Được rồi, mai tôi sẽ phôn cho thằng Hội... Đáng tiếc cho cái đầu đãng trí, cái đầu u mê tì quốc của tôi, chỉ một tiếng chó sủa đã hoảng, lại hoảng chỉ vì bọn nghiện hút. Giá tôi nhớ ra ngay cái ổ nghiện hút chết tiệt ấy thì đã không phải hồi hộp từ nãy tới giờ. Mai tôi sẽ điện cho thằng Hội để dẹp hẳn nó đi. Mẹ khỉ, thế mà đã thần hồi nát thần tính. Không bù cho cái hồi ở Xuân Lộc, hai thằng đi trinh sát bị chó Béc nó liếm vào chân, cứ giả vờ chết, may mà có tầng thep gai không nó liếm vào mặt. Tôi khẽ quay đầu lại nhìn Tuấn trong bóng tối lờ mờ. Mày cũng là thằng hèn nhát Tuấn ạ. Đừng có giả vờ. Tớ biết tỏng rồi đấy. Cậu không ngủ. Cậu đã ngủ là ngáy. Đằng này lại thở đều đều, nhè nhẹ. Hay ở Ca - na - đa có thuốc chống ngáy? Tuấn ơi, suốt cuộc đời lận đận, vậy mà chúng ta đã từng được sống cuộc đời học sinh vô tư, đời lính vô tư. Yêu đời, yên nước nhiệt thành. Ngày xưa chúng mình thường đọc những câu thơ cho nhau, đứa đọc câu trước, đứa nối câu sau, cứ thế hết bài. Không hiểu bây giờ cậu còn nhớ hay đã quên. Giá mà được đọc lại cho nhau, được sống bên nhau từ những ký ức ấy. Lại nhớ hồi ở Plâyku, trong cánh rừng già, bỗng ào một trận bom. Bom rải thảm, cây cỏ xơ xác, khói lửa còn âm ỉ cả một khu rừng trụi lá. Tỉnh dậy tôi thấy quần áo mình xơ xác, lại đang nằm giữa một hố bom. Một bàn tay rờ vào mặt: "Còn sống đấy em - Tiếng đại trưởng thì thào - tốt rồi, còn sống" - Tôi chợt tỉnh, giật mình: "Anh có thấy thằng Tuấn đâu không?". Tôi run run hỏi. Nó còn sống, đang bò miệng hố bom, rồi tiếng nó khàn khàn gọi tên tôi. Tôi gào lên vì xúc động. Giờ lại nằm cạnh nó đấy. Ngủ đi mày. Tôi thầm mong ở đất khách quê người kia nó được hạnh phúc. Mày đi, đất nào chẳng nhấp nhô, biển nào chẳng có sóng, ngủ đi, từ giờ đến sáng tao cam đoan với mày là bình yên, vô sự. Một tiếng cho sủa vu vơ ở đâu đó. Đêm mà. À này, thằng Tư Mập chết rồi, bốn viên đạn găm vào người mà sống được đến bây giờ là dai. Nó hỏi thăm cậu đấy Tuấn ạ. À không, nó chỉ còn đủ hơi thở để gọi tên cậu thôi - Tôi định huých khuỷu tay vào sườn Tuấn nhưng vội rút lại - Nó chết thật rồi cậu ạ. Lúc hấp hối nó gọi tên cậu. Tội nó, cái thằng khỉ ấy, nó lại lên cơn thèm thuốc là giữa lúc ba đứa chúng mình phục ở chỗ giáp ranh. Lẽ ra bọn mình thịt được địch, vì chúng còn chủ quan hơn mình, chúng lại phì phèo thuốc lá. Thằng Tư Mập ngửi thấy hơi thuốc rướn người lên, tưởng đồng đội mình cả: "Ê, cho bộ đội điếu thuốc". Bỗng rẹt một băng. Nó gục xuống. Hai thằng mình thay nhau vác nó chạy. Thằng chạy, thằng bắn chặn địch. Trông nó rũ xuống như cái bao tải lép trên vai cậu. Gọi là Tư Mập cho vui, vì nó gầy quá, trông như mớ giẻ. Chúng mình vừa chạy vừa thi nhau rủa:"Đồ ngu, chết cũng đáng đời Tư Mập". Lúc quăng xuống trạm quân y , nó đã xỉu. Tưởng chết, hai thằng khóc ti tỉ, thế mà nó sống lại. Nó thành thương binh. Nó được ra Bắc rồi được về quê, được phân đất làm nhà, lấy vợ, có con. Đến lúc chết cũng không ai biết được vì sao, những viên đạn kia đã găm vào ngực nó như thế mà còn sống được đến bây giờ... Đời là thế, thế cũng đã hết một cuộc đời. Lại có tiếng chó sủa, tiếng ông ổng của con Béc. Có hề gì. Tiếng đanh đá của con Mích nhà cô Tươi. Chẳng sao cả. Lại cả tiếng lách ách của con Lai Ca. Chúng đua nhau sủa. Sủa dữ lắm. Có hề gì nào. Làm sao mà mi hèn nhát vậy? Tôi tự hỏi rồi lại tự biện hộ. Tôi cò hèn nhát đâu,nhưng tôi ngại, thương bạn quá. Nó không ngủ. Tôi dán mình xuống chiếu. Lại có cả tiếng bước chân rậm rịch, hối hả như nện vào ngực tôi. Tiếng gót giày nện trên đất sỏi, lại có tiếng rì rầm ngoài ngõ. Một tiếng đàn ông:"Tàu về lúc ba giờ kia mà". Một tiếng đàn ông nữa: "Nó kiểm hoá tám giờ sáng đấy". Thôi chết. Bọn đánh hàng tàu, cái bọn ăn đêm chết tiệt này làm tôi thót tim. Tàu Sông Chanh đã về. Thảo nào chiều hôm qua thấy nhiều người lao xao về giá đô quy đổi. Tôi thở phào, thằng Tuấn cũng thở phào làm chiếc chăn mỏng trên ngực tôi xẹp xuống. Mai tôi sẽ gọi điện cho thằng Hội về cái bọn đánh hàng tàu này.
Thế là trắng một đêm, giờ htì còn ngủ nghê gì nữa. Cũng tại vợ tôi. Đôi khi sự chu đáo cảuu bà ấy trở nên tội lỗi. Cũng tại tôi, tại cả nó nữa. Lại cứ ngáp dài. Tôi cứ tưởng nó buồn ngủ thật. Hoá ra nó ngại các cháu phải thức khuya. Thằng này cũng hay ý nhị lắm. Thế mới khổ. Giờ lại ở đất khách quê người, lại làm Việt kiều việt kiếc. Giờ mắt cứ căng ra. Lại buồn đái nữa. Vậy mà không dám dậy. Sợ nó cả đêm mất ngủ bây giờ có khi đã thiu thiu. Còn bốn mươi phút nữa mới đến năm giờ. Bốn mươi phút là hai ngàn bốn trăm giây. Hai ngàn bốn trăm giây là hai ngàn bốn trăm cái tích tắc. Thời gian ơi sao lâu vậy, mày gặm nhắm chúng tao ư? Tức buốt đến tận sống lưng. Hết cả thèm thuốc lá, thèm chè đặc. Ước gì được đứng giữa trời đất bao la mà tè!
Lại cái gì thế này? Lục cục, lục cục rồi đánh "choang" một cái. Tôi giật thót. Thằng Tuấn cũng giật thót. Tôi biết tỏng. Nó giả vờ chữa ngượng bằng cách cựa mình. Nhà bà Tư béo bán canh bánh đa ở trước cửa nhà tôi đã dậy chọc lò. Thế là sắp sáng. "Sắp tới nơi rồi trận địa của chúng ta". Sáng mau lên, mau lên, úi giời, không chịu được nữa, tôi lồm cồm bò dậy. Tôi làm oà một cái như cái vòi hoa sen mở hết tốc lực. Lúc quay ra khỏi toa lét đã thấy thằng Tuấn đứng đợi. Tôi mỉm cười hỏi Tuấn:
- Ngon giấc chứ cậu?
- Ngon lành.
- Em để cà fê cho các anh ở dưới nhà ấy.
Lại vợ tôi. Hoá ra nàng cũng dậy sớm. Dậy từ lúc nào mà đã có cafê? Tôi bật đèn. Nhìn đôi mắt quầng thâm của bạn, tôi thoáng chút băn khoăn, rồi để phá đi cái mặc cảm nặng nề, tôi nói:
- Xa nhà nhớ vợ hả?
- Đâu có - Tuấn ngượng cười
Chúng tôi ra ngoài ban công ngắm bầu trời thành phố. Những ngôi nhà lô xô đang cày xới một mảng không gian. Xa kia là biển cả, là Hạ Long xinh đẹp của tôi. Cái thiên tại đã có, cái nhân tạo thì còn phải một khoảng thời gian nghiệt ngã nữa con người mới vượt qua để cho nó hài hoà. Một quầng trời ửng đỏ. Điệp khúc của bình minh vĩnh hằng. Tôi ngẫu hứng đọc câu thơ:
Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt. *
Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng.
Thằng bạn tôi gật gù đọc tiếp:
Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết....
Ngày xưa, cái tuổi cắp sách tới trường chúng tôi vẫn thường đọc câu thơ đó. Tôi tưởng nó đã quên. Nhưng nó vẫn là thằng Tuấn ngày xưa, vẫn nhớ.



* Thơ Chế Lan Viên














Trò mới
Tôi và Huy thong dong bách bộ trên bờ biển Bãi Cháy xinh đẹp. Đẹp về thiên nhiên, về con người, và về nhà cửa tầng tầng lớp lớp. Từ khách sạn đồ sộ đến khách sạn "mini" với đủ các tên sang trọng, mỹ miều. Đi trên đường Hạ Long, từ chỗ rồng cuốn là Công ty du lịch hạ Long, rồi khách sạn Hạ Long, Sơn Long,Tiên Long, Hoàng Long... cứ nhìn cũng thích mắt. Thời mở cửa còn bung ra đa dạng quán sá, đa dạng thời trang, váy ngắn, váy dài, áo tắm một mảnh, hai mảnh. Hai chúng tôi bình phẩm về thời cuộc, về con người, về số phận người cầm bút. Khi ta cùng quẫn không viết ra được cái trò gì nữa thì có người lại khấm khá hơn về kinh tế. Huy cũng vậy, nó muốn trở làm nhà văn nhưng mài bút mãi không thành thì lại trở thành một doanh nghiệp, doanh nghiệp của các nhà doanh nghiệp. Tôi muốn giới thiệu điều đó bởi vì một số nhà doanh nghiệp cũng muốn nhờ vả Huy, muốn lợi dụng Huy. Bởi vì trong nghệ thuật làm ăn đôi khi tuyên truyền cũng là một phương tiện. Huy không thường xuyên viết bài, nhưng hễ ai có nhu cầu là nó đáp ứng được. Thậm chí in ở trang nào, thích phóng xiên nào viết. Đương nhiên tôi muốn nói ở những tờ báo tầm tầm, nhưng phóng viên tầm tầm. Nhưng Huy nói nó sẽ mở dịch vụ tới những tờ báo Trung ương. Tôi không lạ gì thằng Tư Lùn, vay vốn ngân hàng lãi mẹ đẻ lãi con, cầm đồ hết của nhà sang cầm đồ của bạn. Vậy mà đùng một cái có hàng tít chạy dài "một giám đốc năng động, một công ty trách nhiệm hữu hạn làm ăn khởi sắc". Kỳ thực “Công ty vật tư và phụ kiện” của nó đã đóng cửa, nó kiếm tiền chủ yếu là tiêu thụ than của bọn làm than "thổ phỉ". Than “thổ phỉ” là than khai thác trộm, không có đầu ra, nhưng lại nhờ có những thằng như Tư Lùn nó được bán theo con đường chính ngạch.
Khác với thời cầm bút tập tọng viết văn, bầy giờ Huy trở nên sắc sảo, động nới tới công việc là nó quy thành tiền, nó kiếm tiền ở bất cứ chỗ nào (nó nói cả khi ngủ với gái)... Tuy vậy thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp nhau ôn lại một thời nghèo nàn cầm bút, một thời cái tâm hết mình. Một cặp dò nữa lướt qua, nó giơ một ngón tay, rôi bảo:"Xin lỗi, ông chờ tôi một phút". Tôi dõi theo, một tiểu thư xinh đẹp, lả lướt trong bộ váy mini màu xanh biếc. Bờ vai trần tròn lằn, trắng ngần của nàng áp vào ngực chàng tóc hung lông lá. Chàng và nàng như tựa vào nhau, che chở nhau, bít rít trong cái thế giới tập tọng xa hoa. Rồi một đống rác bẩn, nàng nhảy qua để tránh, xuýt nữa xô vào Huy. Cặp mắt kiều diễn của nàng ánh lên, bắt gặp đôi mắt Huy nhấp nháy. Nàng làm động tác giới thiệu Huy với người đàn ông tóc hung đi bên cạnh. Huy bắt tay anh ta, kính cẩn và lịch thiệp, khiến tôi phải lướt qua trang phục của mình và thấy ngượng khi nó tề chỉnh quá, không phù hợp với nơi bãi biển đời người này. Sau câu chào bằng tiếng Anh- sản phẩm của bằng cấp tốc- làm chàng tóc hung ớ ra một lúc, rồi lúng túng nghiêng người đáp lại. Huy trở lại với tôi mỉn cười khi thấy tôi còn đang chưng hửng dõi theo đôi trai gái kia với vẻ ngưỡng mộ. Huy nói nhỏ:
- Con điếm đấy
- Bậy, Tôi buông một câu
- Ô, cậu không tin?
- Có thể- tôi cũng muốn tỏ ra sành chơi- Nhưng cũng phải là hạng cao cấp đấy ông ạ.
Huy bảo tôi nhầm. Tôi không tin, nó cười ha hả.
- Đã thế, cuộc chơi lại bắt đầu. Này nhá, cuộc chơi lần trước, cũng nhờ con bé này tớ thắng năm triệu đồng đấy.
- Nhảm nhí- tôi hơi khó chịu nói
- Có giỏi thì chơi nào, đặt cọc.
Tôi nói ý là không có tiền vả lại không muốn vung tiền vào những trò nhảm nhí. Huy xoa tay:
- Không sao, điều kiện như thế này, nếu sai tớ mất cho cậu 10 triệu, mất tất. Còn nếu đúng, nghĩa là nó là con điếm thật chỉ cần cậu viết lại thôi, viết đầy đủ. Cậu là nhà văn kia mà, phản ánh số kiếp cuộc đời kia mà, chơi đi.
Như mọi lần, Huy có dịch vụ với tôi một hai bài, viết xong là nó trả thù lao. Nhưng lần này chỉ viết lại nếu thua cuộc.
- Xong- tôi nói!
Lập tức Huy kéo tôi quay lại. Càng gần đến đôi tình nhân, tôi càng thấy ngượng, mặt tôi nóng ran khi thấy chàng và nàng đều dừng lại tròn mắt nhìn chúng tôi. Huy nói một câu gì đó (bằng tiếng Anh) với chàng tóc hung rồi kéo nàng quay lại chỗ tôi.
- Xin giới thiệu với Lý, đây là anh Tiến, bạn anh, một nhà văn.
- Ôi, vinh dự cho em quá
- Câu chuyện về em, anh đã kể toàn bộ cho Tiến, bạn anh rất xúc động- tôi sững người vì nó nói phét đến trơ tráo- Có phải không Tiến? (Tôi lúng túng gật đầu)- Một cô gái bán thân nuôi miệng như em, một số phận bi thảm, một cuộc sống trong vòng vây tội lỗi...
- Cám ơn- nàng vội chia tay cho tôi bắt vì nhìn thấy chàng tóc hung đứng một mình với vẻ sốt ruột, nàng lúng túng xin lỗi - Em sẽ chờ đọc tác phẩm của anh, nhớ nhé bai bai...
Trời ơi, tôi suýt kêu lên, cũng may mà nàng đã rảo bước, tôi lại ngẩn người khi thấy một người đẹp, một cái đẹp hài hoà, dễ chịu, suốt từ đầu đến chân kia lại là... và nếu đúng như vậy thì cũng nên viết chứ sao
- Nghĩa là cậu thua cuộc- Huy tuyên bố- Cậu đã nghe thấy tớ nói cậu"bán thân nuôi miệng” trước mặt con bé rồi chứ?
Chúng tôi ra sát bờ biển, kiếm một chiếc võng dù mắc qua hai thân cây phi lao non. Bãi cháy cũng đã có bãi phi lao. Dù ở Bãi Cháy thuê có hai ngàn đồng một giờ đủ nhâm nhi cốc bia, nhưng nếu đánh một giấc thì bằng tiền mua cả cái dù. Họ đánh trúng tâm lý khách du lịch, người ta hay hoang phí. Vả lại đời người chắt chiu, đôi khi chỉ được xả láng một lần. Nằm ở đây được ngắm cảnh sác mênh mông, cái vóng đu đưa, con người nghiên ngả. Tôi cứ ngắm nhìn cặp tình nhân ấy, một tây, một ta, lúc ẩn, lúc hiện giữa đám đông trên bãi biển đủ màu, đủ sắc này.
- Tớ mới biết con bé ấy cách đây một năm- Huy kể- Hôm ấy, bọn tớ có ba thắng. Tư Lùn, thằng Bảy tài chính và tớ, nhân cuộc thắng lớn trong mánh khoé thu gom than từ các mỏ nhỏ của thằng Tư Lùn, tớ "dịch vụ" cho nó một cái tít to: "Một công ty trách nhiệm hữu hạn đi đúng hướng". Cậu bảo, đúng cái con mẹ gì. Nó là một con bạch tuộc, thò vòi ra hút than từ các mỏ nhỏ, mà không phải chỉ hút than, nó hút máu từ những thằng cửu vạn đánh thuê, có đứa còn bỏ lại xác. Than nó chở sang Trung Quốc, lại đánh hàng từ Trung Quốc về trót lọt. Nó đấm đấm xoa xoa trên dưới, ngang dọc, tiền vào như nước. Bọn tớ kéo nhau đến quán Thuỳ "Restaurant Thuỳ", làm một cuộc xả hơi. Thằng Bảy ghếch chân lên bàn nói uống chay thế này thì nhạt thếch. Tư Lùn bấm chuông. Mụ Thuỳ đưa lên một con bé, nó bị loại ngay vì lùn quá. Bảy lại quằng chân lên bàn. Mụ Thuỳ đưa con bé thứ hai, lại bị loại vì gầy như que củi. Đến con Lý này, bọn tớ ưng ngay. Con này mỏng mày hay hạt, lại có đôi mắt buồn. Thời buổi điện loạn này, ăn có nhiều đầu, nhưng cần chất. Chơi cũng vậy, cần gì phải số nhiều... con Lý tiếp bia cũng được. Cậu bảo không có thời "mở cửa" này, làm sao được hưởng cái trò ấy. Bọn tớ gọi là nó trò chơi thời mở cửa. Mỗi cuộc bia phải có một trò, hoặc giả phải có thằng say, đấm nhau một tí, chửi nhau một tí, mới vui.
Thấy tôi vẫn lơ đãng nhìn theo cặp tình nhân đang thoắt ẩn, thoắt hiện trong đám đông. Họ đi với nhau nhẩn nha, nhấp nháp hương vị của biển, của Hạ Long xinh đẹp.
- Mẹ cha cái thằng tóc hung- Huy bực mình rủa- Thiếu gì con gái thích lấy Tây mà phải đi với con điếm. Tớ đảm bảo với cậu ở Bãi Cháy này có ít nhất dăm chục thằng biết nó làm điếm.
- Mà có thể nó cũng biết- tôi phụ hoạ
Huy đẩy võng ngoáy tít:
- Hay, cậu nói câu hay nhất trong ngày, nhưng từ từ để tớ kể cho có đầu có đuôi rồi viết, vì cậu thua cuộc, đúng không? Con Lý vừa nâng bia chạm cốc, thằng Tư Lùn bèn nảy ra cái trò chơi, tất cả chỉ uống có một cốc, uống vòng tròn. Con Lý nâng bia, vuốt ngực cho từng thằng một. Hết vòng bia thứ nhất, Tư Lùn lại nẩy ra cái trò chơi thứ hai. Nghĩa là con Lý được uống với từng thắng. Nếu nó uống hết một cốc được thưởng mười ngàn đồng. Tưởng là đắt, hoá ra lại rẻ hơn là đi cậu ạ. Cứ gọi là uống được chục cốc thì chỉ mất có trăm bạc, lại vui, lại hoà nhập, lại tha hồ phè phỡn. Ban đầu nó cũng hăng, lại uống cấp tập. Mỗi cốc bia lại có một tờ nhét vào khe ngực, con bé sung sướng cứ ngã từ vòng tay này sang vòng tay khác để được uống bia. Cậu thấy ngoạn mục chưa. Chẳng biết được bao nhiêu cốc, con bé đã kêu lên, em say lắm rồi. Người nó nhũn ra. Mình cũng choáng váng nữa là nó, nó còn phải uống gấp đôi mình. Tư Lùn bèn khoát tay tăng giá:"Một cốc nâng thưởng lên hai mười ngàn". Từ vòng tay Tư Lùn, nó ngóc đầu dậy, miệng há ra, nói đúng ra không phải nó uống, mà đang đổ vào miệng nó.
Đến lúc chuyển sang tớ, nó xỉn hẳn, nhưng vẫn đưa ngón tay run run trỏ vào miệng, ý bảo tớ cứ đổ bia vào. Cả bọn hô hoán"dô đi". Tớ rót từ từ, nhưng nó ngóc đầu dậy cầm đáy cốc dốc ngược. Bia toé vào mắt, vào mặt, trôi xuống cổ, xuống ngực. Thằng Tư Lùn gài một tờ xanh vào coóc- sê của nó và cảnh cáo:"Lần sau uống thề là phạt, đổ hết ra ngoài, con bé này thế mà ranh". Nó chỉ tay ra phòng toa lét, tớ phải dìu nó đứng dậy trong tiếng cười hô hố của thằng Tư Lùn, thằng Bảy . Tớ cũng cười nhưng là cười gượng vì trông con bé không còn ra hồn người. Khi xả xong ở toa lét nó lồm cồm vịn tường đi ra. Người nó tái bợt, không có cả áo ngoài, chỉ còn nắm tiền cầm trong tay:"Tiếp tục không?", "Tư Lùn cầm tớ hai mươi ngàn dứ dứ. Tớ tưởng nó chịu, ai ngờ nó vẫn gật đầu. Thấy tớ ái ngại, nó rỉ tai bảo tớ:"Em cứ xả xong là lại tiếp được mà". Tớ không kể tiếp cuộc chơi, nó ở mức nào chắc cậu hiểu. Đến khi thằng Tư Lùn kéo xoạc cái cạp quần của nó xuống, nó mới dằng tay ra:"Này, khoan đã, đi thì phải vào trong buồng chứ- nó quàng cổ Tư Lùn nói- Nhiều tiến thế, hôm nào kiếm cho một nhà văn, nhà báo đi". Bọn tớ đều ớ cả ra. Cái miệng của nó nhả ra câu gì vậy? Tư Lùn đẩy sang tớ: “Nhà văn của em đây”. Thằng Bảy khẳng định thêm, làm tớ cứ đực mặt ra, lại ngượng nữa chứ, bởi vì hai tiếng thiêng liêng đó làm sao lại được dùng ở cái chỗ nhớp nhuá này. Mà nhớp nháp thật, lon bia thì lỏng chỏng, ướt sũng từ mặt bàn xuống dưới chân. Thằng nằm trên ghế, thằng quăng cả hai chân lên mặt bàn. Con bé thì chỉ còn mỗi mảnh vải che ngực. Nhưng được cái an ủi vì trời xui tớ không thành một nhà văn. Ngòi bút của tớ đã cùn quằn, han rỉ. Giờ may có cái "dịch vụ viết", tớ mới gần được đội ngũ các cậu. Tớ bèn kéo nó vào lòng: Đôi tay trần của nó lại vòng qua cổ tớ." Em cần một nhà văn". Cả bọn cười hô hố. Tớ hỏi:"Để làm gì?"- "Anh viết cho em đi- có nói- viết về em, viết về một con điếm, suốt ngày say trên các bàn bia, bàn rượu rồi lại thốc ra, lại uống. Anh có biết em "vì" một cái gì không? Em như một con bạc khát nước, nhưng mà không phải em khát bia, em khát tiền đấy. Em cần tiền, cần nhiều lắm. Anh có biết vì sao không. Con bé ật cổ ra, tay buông thõng. Vì con em, vì em muốn chuộc lại đứa con em."Con em ?"- cả bọn lại cười phá lên, tớ cũng cười vì ngạc nhiên quá. Một con điếm đang đề cập đến một vến đề lớn lao nhất của con người.
Huy nhìn sang tôi chừng như để ý xem tôi có chút xúc động gì, nhưng tôi quay đi, lơ đãng nhìn theo một chiếc thuyền câu mỏng manh đang bồng bềnh trôi ở ngoài vịnh. Huy nhơn nhơn kể tiếp: Khi thấy bọn tớ vẫn dửng dưng, con bé vùng dậy nói: "Các anh không tin à ?". Nó tỉnh như không hề có một giọt bia. "Các anh không tin em sao. Em mất một đứa con. Thằng khốn nạn ấy nó cướp trên tay em một đứa con."Thằng nào?” “Chồng em ?" . Chồng em? Lại một chuyện vui nữa. Cậu bảo bọn tớ suốt ngày tính chuyện làm ăn, đau đầu, nhức óc giờ lại có cái phút bàn về chuyện xã hội, có thú vị không. Thằng Bảy tài chính lè nhè:"Em yêu ơi, sao em không nhờ pháp luật?". “Nhờ ư, em van xin pháp luật mà vẫn mất nó, mất trắng tay. Nó bao nhiêu tuổi? “Năm tuổi, nó kháu khỉnh lắm kia, đẹp hơn bất cứ một đứa trẻ nào”. Tớ xác nhận có thể nó nói đúng. Người mẹ nào chẳng bảo con mình đẹp nhất. Vì sao? Tớ lại hỏi. “Vì sao à? Pháp luật bảo em không đủ khả năng nuôi nó, thằng chồng em thì nó có tất cả, có nhà, có của, có cả con em, giờ nó lại có một con vợ mới. Nó lấy vợ để hành hạ con em đấy. Các anh có thấy em đau không, xót không?" Vậy tiền có nghĩa gì nào? tớ lại hỏi. “Nó đòi, thằng chồng em nó đòi vì thỉnh thoảng em lại về cửa nhà nó em gào. Chắc vợ nó không chịu được. Nó ra điều kiện với em, muốn chuộc được con phải mất ba trăm triệu. Các anh ơi, nó nỉ non, ba trăm triệu chứ ba ngàn triệu em cũng chuộc, nó tưởng em không kiếm nổi tiền mà. Mà sao em lại ngu thế, lại dại thế, không nhờ đến công luận. Hôm toà xử xong, em như một đứa mất hồn, không gào, không thét, cứ dửng dưng đi ra...". Nó kể dài dòng quá, nghe nhức cả đầu. Tớ hỏi xem thằng chồng nó bây giờ ở đâu? " ở Hải Phòng, ở cái phố Minh Khai mờ mịt ấy". Chúng tớ đều xác nhận cả dãy phố Minh khai tối đến chỉ có đèn mờ, chút ánh sáng lờ mờ từ các căn hộ xập xình hắt ra, và cả những cô gái bán hoa, lừa lọc ngồi công khai trên các vỉa hè ở chỗ ngã tư có khách sạn "Hàng không dân dụng"."Anh viết nhé, nó nài nỉ tớ, Em cần anh, em thuê anh bằng tiền. Anh ơi lâu lắm rồi nó không cho em được nhìn thấy mặt con em" viết để làm gì cơ? tớ lại hỏi. "Em làm nhục nó bằng công luận, em tấn công nhiều chiều, may ra... Lúc ấy tờ thoáng nghĩ đến cậu, có thể là cậu viết...
Tôi dãy nảy, định tháo lui:
- Nhưng nó ràng buộc quái gì với cậu, chẳng qua chỉ là chuyện tầm phào trong quán bia
- Ấy đấy, cậu cũng nghĩ như vậy. Vậy mà hôm đó trời xui khiến thế nào, tớ lại tin. Mà tớ tin cũng có cơ sở vì tớ nhìn thấy mặt nó nhoè nhoẹt sau lần nước bia là nước mắt.
- Mình cho rằng chưa có cơ sở để tin- tôi khẳng định.
- Thế tớ mới thắng cuộc. Huy phấn khởi chồm dạy. Lúc ra xe, tớ bảo, có khi con bé nó nói thật đấy các cậu ạ. Chúng nó sững lại rồi phá lên cười. Thằng Tư Lùn sờ đầu tớ bảo hình như cái đầu thằng này hơi ấm. Đồ ngu, nó quát tớ, con điếm nào chẳng sắm cho mình một cái lý lịch éo le. Nhưng tớ vẫn khẳng định niềm tin của tớ. "thôi được, vậy là ta lại có một trò chơi, cuộc nhá- Tư Lùn khoát tay- nếu cậu đúng, tớ mất hai triệu". Bảy tài chính còn ác chiến hơn. "Tớ chịu mất ba triệu nếu thằng Huy nói đúng". Còn tớ, chì bị một bữa bia có tươi mát, nếu sai.
Tôi ngồi dậy châm thuốc, tâm trạng bâng khuâng nhìn ra xa, chàng tóc hung và cô gái có tên là Lý đã kéo nhau ra chỗ những mô đá nhâp nhô. Chàng trai đang chỉ trỏ về rặng núi ở ngoài vịnh. Núi ở Hạ Long cùng chuyển màu theo thời gian trong ngày, giờ là hoàng hôn, núi màu xanh phớt hồng, nó kéo dài như một vòng cung. Từ Bãi Cháy nhìn ra nó giống như một con rồng. Rặng núi nhấp nhô như rồng lượn trên sóng. Mắt rồng chính là cái hang Đầu Gỗ. Trước mắt rồng là hòn ngọc Tuần Châu. Truyền thuyết nói rằng rồng bay từ Thăng Long xuống Hạ Long, nó phun ra cho Hạ Long hàng ngàn hòn ngọc châu báu, đó hòn Bút, hòn Oản, hòn Đỉnh hương, hòn Gà chọi, hòn Con cóc... Nó đẻ ra rồng con là vịnh Bái Tử Long xinh đẹp. Tôi thấy buồn buồn, lại nằm xuống võng, nghe Huy kể tiếp về phần sau của câu chuyện.
- Rồi câu chuyện cũng qua đi- Huy nói- Tớ cũng thấy nhảm nhí chẳng có gì để mà trông đợi. Cô nàng vẫn say trên các bàn bia ở quán Thuỳ. Có điều cô kín đáo hơn khi có khách sụ, không phải vì nó kiêu sa mà chỉ vì muốn mõi những khoản tiền lớn từ các ông chủ. Có lần, cô rỉ tai tớ khi tớ đang ngồi cạnh các ông chủ mỏ nhỏ. “Anh có định viết cho em hay không"? Tớ bảo, vì câu chuyện của em chưa được chặt chẽ. Vì sao pháp luật không bênh vực người mẹ? Cô ta giải thích: "Kể cũng đúng thôi anh ạ, nhưng đấy là nhìn bề ngoài, nhìn hiện tượng. Hồi chồng em làm vật tư, vì cái chuyện tham nhũng gì gì đó ở cơ quan, nhà em bị tịch thu sạch. Chồng bị đi tù, em thành kẻ lang thang. Thế là từ một đứa con gái mới lớn lên, chỉ có mỗi việc chiều chồng, chẳng phải lo công lên việc xuống, giờ trắng tay, con thì mới đẻ, việc làm không có. Anh bảo đứa ở tù chỉ khổ có một mình. Em ở nhà vừa phải nuôi miệng, lại nuôi con. Nhờ hết người này, người kia nhưng cũng chỉ là dăm bữa, nửa tháng. Rồi cũng phải tự thân vận động, ngược ngược, xuôi xuôi kiếm sống. Giữa lức ấy em được bao ...
Huy ngồi dạy nhận xét:
- Đời người có những chuyện không ngờ. Thằng bao cho nó chính là thằng đẩy chồng nó vào tù. Sau ba năm nó ra tù, thấy vợ xúng xính, lại có của, mẹ con phởn phơ, lại có vốn cho chồng làm kinh tế. Chồng con bé sinh nghi, nhưng thằng cha này lì lắm, thằng nào ở tù ra cũng lì. Ba năm ở tù, cái bức bách làm kinh tế dồn nén, lại sẵn có đường dây maphia, nó phất rất nhanh nhờ mối lái vật tư. Chẳng mấy chốc chồng nó đã trở thành doanh nghiệp. Kinh tế đã xong, giờ đến đoạn tính sổ. Nó tìm đến thằng đẩy nó vào tù. Ai ngờ thằng kia còn khốn nạn hơn. Nó bảo chồng con Lý:"Mày đã là một doanh nghiệp, kinh tế có thừa. Cái mày cần lại là danh dự, là cái tiếng. Nếu mày để tao yên, tao sẽ cho mày yên chuyện, bằng không, mày hãy về hỏi vợ mày, nó đã ăn nằm với tao, với cả bạn tao để gây vốn cho mày đấy. Mày về hỏi nó xem có đúng không. Cú sốc đó làm thằng chồng phát điên. Nó đập vỡ tan tành cái gì có thể đập phá được. Nó lôi vợ ra một sống hai chết. Nghĩa là muốn sống thì tự tay viết đơn ly dị, hai là nó sẽ đập chết cả hai mẹ con... Con vợ chỉ còn cách xin lại đứa con cũng không được. Toà xử con bé như một con điếm phản bội chồng, phản bội con, lại có cả bằng chứng sống.
- Nhưng đấy vẫn là do nó kể lại- không hiểu sao lúc ấy tôi lại dằn giọng nói.
- Câu chuyện của nó thôi thúc trí tò mò của tớ. Rồi nhân chuyến công du sang Hải Phòng. Tớ sực nhớ đến cái phố Minh Khai, từ Công ty Điện lực đi xuống chỉ còn ánh đèn mờ của những cái bóng trang trí trong các quán hắt ra. Từ các câu chuyện của các mụ chủ quán, tớ đã xác minh đó là câu chuyện có thật. Thế là tớ nổi máu kinh doanh, chỉ ít cũng lột được của thằng cha Bảy tài chính và thằng Tư Lùn. Sau đó biết đâu còn là một tương lai... Tớ tìm đến một căn hộ trong ngõ. ở đó có một doanh nghiệp tên là Phạm Chiến (không phải nó họ Phạm mà là vì nó có một thời là phạm nhân tên Chiến) Chiến đã ở tù ba năm, khi được tự do cũng chỉ có hai năm đã bỏ được con vợ làm điếm. Tớ làm quen với Chiến cũng trong một quán đèn mờ, vào muột buổi tối tình cờ thú vị cả hai đứa đều quen một cô chủ quán còn trẻ. Cũng là khách đặc biệt, nên chủ quán phải đích thân tiếp cả hai. Đôi mắt "dịch vụ" lơ láo của tớ bắt gặp cái nhìn xoáy rất sâu của Chiến. Chúng tớ nhanh chóng quen nhau. Nhờ tớ mà Chiến phát triển mối quan hệ làm ăn ở Quảng Ninh. Tài nguyên ở Quảng Ninh như than, gỗ, hải sản, thú rừng từ cái “Công ty vật tư và phụ kiện” của Tư Lùn chuyển đi nhờ những chuyến tàu có mã lực lớn của Hải Phòng. Phương tiện vận chuyển do Chiến điều hành vừa đơn giản, thuận tiện, cái chính là bảo đảm thông thoát. Sự khai thông quan hệ đó khiến bọn tớ làm ăn khá hơn.
Rồi một hôm, cái trò chơi của bọn tớ đã đến. Chúng tớ mời Phạm Chiến đến quán Restaurant Thuỳ, nhân kỷ niệm ba chuyến hàng sang Trung Quốc trót lọt. Trình tự chương trình tớ bàn trước với chủ quán. Sau khi bọn tớ uống bia với nhau để bàn công chuyện, cuộc bia lai rai kéo dài đã đến lúc buồn tẻ thì Lý xuất hiện. Con bé mặc bộ máy trắng mỏng tang trông thật hấp dẫn. Lý chào bọn tớ bằng cái hôn gió rất đa tình. Tớ nín thở để ý Phạm Chiến, chỉ thoáng một giây bối rồi, cũng có thể tớ tưởng tượng như vậy vì nó vẫn thản nhiên cười nói. Lúc đó cậu có tin không, dù có biết một trăm phần trăm là sự thật, tớ vẫn không tin mình thắng cuộc. Tư Lùn công bố vòng bia bắt đầu. Mỗi cốc bia Lý có mười ngàn đồng nhét vào khe ngực. Lý uống vui vẻ, dường như không quan tâm đến Phạm Chiến, chỉ thấy mắt cô ta ánh lên khi nhìn thấy tờ giấy đỏ. Vòng bia thứ nhất trôi qua, không một mảy may bộc lộ quan hệ giữa chúng. Tớ hoang mang. Tư Lùn chắc mẩm thắng cuộc hô lớn:"Vòng hai tăng mức thường cho em Lý mười ngàn!" Cô nàng phấn khởi bá vai từng người để chung tớ đổ bia vào miệng giúp. Tớ đã thấy vị đắng của bia. Tớ nghĩ, mẹ kiếp dày công như thế không nhẽ lại thua cuộc. Tớ kéo Lý một cách thô bạo vào lòng, lùa tay qua lần váy mỏng. Để ý thấy Phạm Chiến quay đi. Tớ nhét vào ngực nó hai mươi ngàn rồi đẩy sang Chiến. Nó vòng tay qua cổ Chiến rồi tự tay nâng bia uống. Cốc bia vơi nhanh đáng sợ. Bọn chúng mỉm cười nhìn tớ. Tớ thấy sốt ruột. "Vòng ba - Tư Lùn công bố với giọng hoan hỉ”. Cả bọn chúng tớ đã ngà say. Tớ bực mình kéo xoạc cổ áo con bé. Nó lúng túng bấm từng cái cúc ào lại, đến lượt Tư Lùn lại kéo xuống để lộ hai bầu vú thây lẩy. Nó cười ré lên man dại. Cốc bia ngầu bọt đã chuyển sang Phạm Chiến." Rót nữa vào - nó thét”. Tớ gạt bọt bia ra rót vào cho nước bia tràn cả xuống mặt bàn, nhỏ tong tong xuống đất. "Nhà văn- con Lý ré lên bảo tớ- Hãy nhìn đi, nhìn kỹ vào". Tớ chưa kịp hiểu ra thì nó đã hắt cả một cốc bia vào mặt Chiến. Có tiếng ai đó quát to: “Dừng lại". Nhưng nó đã chồm sang túm vào ngực Chiến. Bảy, Tư Lùn xô tới kéo nó ra. Tớ lúng túng quay đi, quay lại, nhìn thấy cái chuông điện vội bấm lên hồi. "Con đĩ , buông ra – Chiến quát". Chiếc ghế đổ, hai đứa cắn xé nhau dưới nền nhà. Vài chiếc cốc từ trên bàn lăn xuống vỡ tan, mảnh thuỷ tinh cào vào lưng con Lý, nước bia chảy lênh láng trộn lẫn cả máu tươi ...
Một lúc chúng nó mới kéo được con Lý ra góc nhà. Trông nó tả tơi, xoã xượi, người nó như tắm trong bia, trong máu. Hai cánh tay Lý bị Tư Lùn và Bảy ghì chặt, nhưng miệng nó vẫn thở phì phì, nó rít lên:"Nó đấy, thằng đạo đức giả đấy, thằng chồng tôi đấy. Nó cướp con tôi đấy". Phạm Chiến lầm lì, lồm cồm bò dậy, nhổ ra một bụm máu, tưởng nó định xô vào con Lý, nhưng nó chỉ lắc đầu:"Con điên! đuổi nó ra".
Tớ lúng túng thật sự. Sợ nhất là bọn Tư Lùn chỉ vì thua cuộc mà nói ra ý đồ của tớ. Cũng may, vừa lúc đó cánh cửa buồng bật mở. Mụ chủ quán lừng lừng xuất hiện. Mụ thẳng tay đẩy nó ra ngoài. Cánh cửa đóng sầm mọt cái. Em nó quá chén, các anh thông cảm cho. Mụ ta ôn tồn xin lỗi.
Huy khoái chí cười vì đã thắng cuộc. Còn tôi thì thở dài. Tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Tôi hỏi Huy:
- Cậu cần tớ viết để làm gì?
- Nói thật nhé, tớ cần. Cậu biết đấy, tớ là thằng làm kinh tế. Cái gì đối với tớ cũng thành tiền. Sau khi cậu viết xong tớ sẽ mang một bản phôtô đến Phạm Chiến, tớ bảo:"Này ông bạn, không muốn tuyên truyền thì đưa tiền đây, tôi sẽ đến nói khó với thằng nhà văn cho". Tớ biết, thằng doanh nghiệp oắt con này đang không thích ồn ào vì cái chuyện riêng tư.
Tôi lơ đãng nhìn đôi trai gái ấy đang đi lại phía chúng tôi. Tôi cảm thấy họ như hai cái bóng không hồn nhưng lại cứ nổi trôi trong cái đám đông đủ màu sắc sặc sỡ. Không hiểu vì sao người đàn ông lại bỏ về khách sạn. Còn Lý thì rảo bước về phía chúng tôi. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng lại yên tâm ngay vì thấy cô ta vui vẻ.
- Em đề nghị anh ấy lại chỗ các anh chơi, anh ấy đồng ý nhưng phải về khách sạn tìm phiên dịch.
Tôi định hỏi xem cô ta quen anh chàng tóc hung này trong trường hợp nào, nhưng cô ta đã kể:
- Bà Thuỳ giới thiệu em là em gái bà ta khi anh chàng này vào quán rồi đồng ý cho em đi chơi. Tuy vậy em vẫn phải nộp lệ phí cho bà ấy. Từ hôm ấy, anh Huy ạ, hình như thằng chồng em nó làm việc với bà Thuỳ nên bà Thuỳ không muốn chứa em nữa đâu. Cô khoát tay làm một cử chỉ bất cần. Anh chàng tây này sẽ bao cho em cho đến khi ông chủ của anh ta sang. Chủ yếu anh ta tìm em cho ông chủ. Em bảo này- cô ta nói nhỏ- Khi giới thiệu, các anh cứ bảo em là bạn hồi cùng học đại học nhé, em nhờ.
Không hiểu sao hai chúng tôi lại gật đầu.
- Em sẽ giành lại đứa con em, nhất định thế. Em sẽ bóp chết thằng doanh nghiệp non ấy, cho nó tơi bời, cho nó ra đứng đường, đứng chợ, hương có khói, tro có tàn, thế là lời cầu khấn của em đã ứng nghiệm.
Tôi hỏi:
- Sau đó? Nghĩa là sau khi em dành được con em về ?
- Em sẽ hoàn lương, em làm lại từ đầu, nghĩa là em sẽ quyết trở thành doanh nghiệp để con em còn có tương lai.
Tôi bật cười, ngả người trên võng, còn Huy thì cười rõ to. Không biết có nên tin lời cô ta không nhỉ?
Quả đúng như cô ta nói, một lúc người đàn ông tóc hung đã cùng với anh phiên dịch thấp lùn đến chỗ chúng tôi. Chúng tôi thuê chiếu trải trên bãi cỏ, uống bia với mực khô, gió biển thổi lồng lộng. Anh phiên dịch vui vẻ giới thiệu chúng tôi với anh chàng tóc hung Amêricơn.
Chàng tóc hung nhận xét:
- Hạ Long đẹp lắm, đẹp như một cô gái ở tuổi dậy thì- Anh đưa mắt nhìn Lý như để thăm dò rồi phát triển thêm nhận xét - Làm mỗi người tới đây đều thèm khát, ai cũng phát hiện thấy cái vẻ đẹp tự nhiên như thế của riêng mình. Tôi rất thích cái vẻ đẹp tự nhiên như thế, thiên nhiên như thế. Bất cứ một sự tôn tạo nào cũng trở nên khó chịu, kệch cỡm và ngu xuẩn. Các ngài có thấy không?
Tôi nói:
- Rất cảm ơn ngài đã cho một ý tưởng hay.
Còn Huy thì đăm chiêu suy nghĩ một điều gì đó, tưởng như sâu nặng lấm suy tư, trí tuệ lắm. Bỗng nó vỗ đùi đánh đét một cái, làm chúng tôi sững cả người. Nó lúng túng đỏ mặt chữa ngượng:
- Cảm ơn ngài vì đã phát hiện cái vẻ đẹp tuyệt mỹ của Hạ Long.
Sau đó nó rỉ tai tôi:
- Mẹ kiếp, tớ vừa nghĩ ra một trò chơi nữa, có thể tớ sẽ yêu nàng.... Tớ sẽ hy sinh ... để nàng trở thành cao giá, cái giá ... đô la!
Tôi bật cười, anh chàng tóc hung cũng cười, Lý cười khi đã áp bàn tay che nửa miệng. Có lẽ mọi người đều hiểu chúng tôi đang vui vẻ tán đồng về vẻ đẹp Hạ Long ./.













Nắng bên kia dốc

Sau lần ngã do trượt chân từ bậc tam cấp xuống, ông tôi bị gãy tay, vỡ xương đầu gối... từ đó nằm liệt giường. Bệnh tật kéo dài, người chỉ còn da bọc xương, nhưng cái đầu ông vẫn tỉnh táo nếu không nói là minh mẫn so với lớp người cao tuổi như ông tôi. Vấn đề phục dịch cho ông tôi đã làm đảo lộn mọi sinh hoạt trong nhà. Vốn không thích gây phiền phức cho người khác nên ông tôi khổ sở lắm.
Gia đình tôi ngoài ông tôi, còn bốn người, bố mẹ tôi và hai em tôi. Bố tôi là tổng giám đốc của một công ty lớn. Từ hồi ông tôi còn khoẻ, hai người đã mâu thuẫn, càng về sau mâu thuẫn bố con càng tăng. Ông tôi bỏ thành phố về sống ở ngoại thành, một mình ở ngôi nhà cấp bốn, nơi gia đình tôi đã sống trước đây. Ông tôi vốn hay cả nghĩ, có lần ông bảo: Ông nói với bố cháu là nói về cái đạo lý làm người, cho dù có làm đến bộ trưởng thì cái đó vẫn là hàng đầu đấy cháu ạ. Nhưng với bố tôi thì ông tôi lại nói:"Tao sợ mày lại như cái thằng Thống, thẳng Chiểu ngày trước". Ông Thống và ông Chiểu là hai đời giám đốc ở cơ quan bố tôi. Nghe ông tôi bảo họ xấu lắm. Mẹ tôi kín đáo hơn, khéo léo hơn trong cách cư xử, những muốn lấp đi cái hố ngăn cách giữ ông tôi và bố tôi. Cho dù chưa hẳn là thực tâm thì chí ít cũng để cho thiên hạ, nhất là cấp trên và cấp dưới của bố tôi không nhận ra điều đó. Vì cùng làm việc ở cơ quan bố tôi đang là Tổng giám đốc nên mẹ tôi có điều kiện chăm sóc ông, lại còn được tiếng khen:"Làm dâu như chị Thảo cũng hiếm". Sau đó theo ý kiến của đa số, tức là tôi, và em gái tôi, gia đình tôi đã rời thành phố về ngoại ô sống với ông tôi. Ngôi nhà cấp bốn đã phá bỏ để xây thành biệt thự. Tôi làm công tác nghiên cứu khoa học. Em gái tôi là sinh viên năm cuối khoa quản trị kinh doanh, chưa ra trường nhưng đã được dành một chỗ khá thơm ở Tổng Công ty nhờ bố tôi quan hệ trước. Nó thương ông tôi lắm. Từ khi bà tôi mất, chúng tôi lớn lên trong vòng tay của ông tôi. Ông tôi đã bỏ hết tâm lực chăm sớc chúng tôi để bố mẹ tôi rảnh tay hoạt động xã hội. Lúc nào ông tôi cũng tận tâm với con cháu. Giờ đây ngồi cạnh ông mới thấy ông thèm được nói chuyện, được than phiền, được kể về cái ông Thống, ông Chiểu ngày xưa, cái ngày ông tôi còn công tác ở cơ quan bố tôi bây giờ và điều quan trọng là ông tôi thích được... chết! Ông tôi mong mỏi từng ngày được ra đi trong sự Thanh thản, sớm bớt đi những ngày phiền tới con cháu. Đã có lần ông tôi bỏ cơm. Mọi người nói thế nào ông cũng không ăn, không uống, cả nhà xáo động. Người nọ trách người kia. Hồng Hạnh nói:"Tại bố đấy". Vì có lần bố tôi bảo:"Cả nhà cứ ăn cơm trước đi, rồi hãy bón cho ông cũng được". Thật ra người nào cho ông ăn trước cũng thấy chờn chợn, đến bữa ăn không sao nuốt được. Nhìn ông tôi nhai trệu trạo, cơm trong miệng thì ít, nhè ra thì nhiều, lại còn cái mùi nồng nặc của căn phòng nữa chứ. Hồng Hạnh nói:"Bố mẹ thương ông nhưng không thấy nỗi khổ của ông. Bố đi làm, mẹ đi làm, em đi học, hàng ngày ai gần ông nào? Về nhà thì mỗi người một việc. Ông nằm trơ trơ ở đó, đến bữa mới có người vào. Thử hỏi ông nằm đấy khác nào nằm chờ chết”. Nó bị bố tôi tát veo một cái. Ông tôi bảo:"Ông trời không cho ông chết được đâu" Tôi bảo:"Ông nằm hay nghĩ quẩn, trời nào hành ông, đất nào hành ông". Ông bảo ông Thống, ông Chiểu có tội mà lại được chết dễ thế à? Ông tôi lắc đầu, đăm chiêu nhưng vẫn không chịu ăn uống. Bố tôi quyết: “Ông không chịu ăn thì cho truyền đạm. Trời không chịu đất, thì chả lẽ đất lại chịu trời". Bố tôi lầm lì nói: "Ông không chịu ăn thì buộc tôi phải làm như thế".Và thế là ông tôi bị trói chặt vào thành giường để truyền đạm. Nhìn trước mắt ông tôi rỉ ra như sữa tôi rên lên:"Bố mẹ xem có hướng nào khác đi chứ, để thế này trông tội lắm". Thế là bố tôi quyết định dứt khoát: thuê người.
Lão Tự, người giúp việc phục dịch ông tôi đã ngoài sáu mươi tuổi. Người loắt choắt nhưng da thịt còn săn, tính tình lại cởi mở, chịu khó. Mặc dù trước đây ông tôi không tán thành việc thuê người, giờ lại thấy phấn khởi. Bởi lão Tự hay nói, thích nói, suốt ngày lão ngồi tâm sự với ông tôi. Hết chuyện làng, chuyện nước lại đến cả chuyện Trung ương, Chính phủ. Mặc dù lão chẳng hiểu được bao nhiêu, ấy vậy mà cũng nhận định ông này lên, ông kia xuống. Lão ao ước nuôi được một thằng cháu ăn học để nối nghiệp tổ tiên, bởi vì đời ông của lão Tự ngày xưa (như lão nói) đã từng làm tri huyện."Cậu Phúc ạ - ông nói với tôi - phúc đức thế nào lại được phục dịch cụ đây. Có cơm ăn, có việc làm. Mong cụ thọ lâu để thằng cháu tôi có được nên người".
Thỉnh thoảng tôi lại mua cho lão một món quà nhỏ, gọi là thưởng vì lão đã làm cho ông tôi vui, nhưng lần nào lão cũng lắc đầu: "Vui gì? Cụ nói chưa đi được là do có tội, trời hành". Tôi cáu "Ông tôi có tội gì, trời cho ông tôi thọ là nhờ phúc đức, tại sạo lại bảo có tội hả?'. Lão Tự run bắn người: "Cậu....cậu.....ấy là..... cụ nó".
Bố tôi nói, nếu năm nay trời còn để ông tôi sống dứt khoát sẽ làm lễ thượng thượng tám mươi cho ông. Tôi cũng cho đây là một ý định đúng. Phần giúp cho ông tôi phấn khởi, phần nữa cả nhà tôi cũng lấy đó là niềm vui, hạnh phúc. Ngày sinh nhật ông tôi không nhớ chính xác vì thế bố tôi định ra một ngày, đó là vào ngày chủ nhất- chủ nhật đầu tiên của mùa thu, mùa thu Hà Nội. Thiếp được in và được gửi đi từ bộ phận hành chính của cơ quan tổng công ty. Thiếp in đẹp và rất sang trọng.
Con đường vào khu biệt thự cũng được sửa sang lại. Bố tôi đã làmviệc với chính quyền xã và tự bỏ tiền ra sửa con đường gồ ghề, sống trâu trở thành con đường bằng phẳng cho xe vào tận ngõ. Bãi tập kết xe là hai thửa ruộng đang trồng lúa phải cắt đi, được bố tôi bồi thường rất hậu. Vì thế có người còn cảm thấy tiếc vì không có đất cho mượn để có tiền bồi thường. Mà tiền bồi thường tính ra còn gấp đôi ba lần thu được từ mùa vụ. Nhà tôi cũng được sửa sang được trang trí lộng lẫy đèn hoa. Thấy mấy hôm có người ra, người vào lục tục, ông tôi gạn hỏi, tôi nói:"Chuẩn bị mừng thượng thọ tám mươi cho ông đấy". Mắt ông tôi rướn lên: "Sao không hỏi ý kién ông?" Tôi hóm hỉnh bảo ông đấy là do bố tôi muốn để ông bất ngờ. Ông tôi nằm ngây người ra một lúc, người như dán xuống tấm đệm. Tôi nghĩ bụng, có thể ông tôi bị bất ngờ thật. Sau đó ông cho gọi lão Tự. Lão Tự được sai đi quan sát tình hình rồi về báo cáo với ông. Vì thế lão tích cực, xăng xái, lúc lúc lại chạy ra hiên ngó, rồi lại chạy tọt vào phòng. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng ông tôi quát tướng:"Cái gì". Tôi hỏi lão Tự, lão nói:"Tôi kể cho cụ con đường vào làng bây giờ đẹp lắm, hết ổ gà, ổ chó rồi, người đi làm vui như đi dân công, lại được ông nhà trả công hậu". Buổi chiều lại thấy ông tôi quát. Lão Tự nói:"Tôi kể với cụ về cái bãi tập kết xe ô tô....".
Tôi bảo: "Tóm lại, từ giờ cấm lão nói với ông tôi bất cứ điều gì về công việc chuẩn bị. Người già dễ xúc động. Ảnh hưởng tới sức khoẻ của ông tôi là tại ông đấy".
Lão Tự sợ hãi im lặng. Từ đấy không thấy ông tôi quát tháo nữa. Nhưng sớm hôm sau đã thấy lão Tự so ro đứng ở cửa phòng tôi, bảo ông cho gọi tôi tới. Lão Tự thì thầm kể cho tôi hôm qua lúc nửa đêm, ông tôi bắt lão Tự vần vào xe đẩy đưa cụ vào chỗ bàn thờ. Ông tôi bảo lão Tự thắp cho một nén nhang rồi rì rầm khấn: "Khấn gì?". Lão Tự lắc đầu bảo nghe không rõ:"Cậu ạ, trông cụ nghiêm trọng lắm, hệ trọng lắm, tâu với thánh hiền, với tổ tiên kia mà. (Nhưng mà cụ nói gì?- Tôi căn vặn) Cuối cùng hình như cụ xin được chết thay... ông nhà". Lẩn thẩn. Tôi khoát tay bảo lão cùng đi về phòng ông tôi.Từ hồi nằm liệt giường, tính tình ông tôi hơi lạ, lúc thì tỉnh táo, minh mẫn lạ thường, lúc thì cứ như người lẩn thẩn, lại ngang ngạnh nữa chứ, hay ông tôi có tình làm ra như vậy? Thấy tôi vào, ông nhìn tôi trân trân, trông dễ sợ. Rồi bất ngờ bảo tôi dựng ông dậy. Tôi lựa lời giải thích: ông ơi, lúc này cả nhà đang rất cần tới sức khoẻ của ông. "Gọi thằng bố mày vào đây!" - Ông tôi quát to. Tôi ra nói với bố tôi. Bố tôi cười:" Biết rồi, cụ lại trách bố bày vẽ". Thấy bố tôi đến, ông lấy hết sức bình sinh quăng ngay cái gối vào mặt bố tôi. Bố tôi nhẹ nhàng ngồi cạnh giường ông nói:"Bố ơi con chỉ làm việc tốt, việc thiện. Gọi là nhân ngày bố thượng thọ con mừng cho bố, nhưng cái chính là để đền đáp công ơn làng xóm, nơi bố sinh ra, nơi bố lớn lên và nơi bố thượng thọ". Bố tôi nói giọng nhẹ, ngọt ngào. Ông tôi lặng lẽ nghe, không nói gì. Nhưng lúc bố tôi đứng dạy định đi thì ông tôi gọi lại:"Này, bố hỏi thật- ông tôi nói- Có thật anh nghĩ như thế không hả Tòng? Bố tôi cười phá lên mãn nguyện: "Bố yên tâm đi". Bố tôi dặn lão Tư, phải cho ông uống thuốc điều độ, không để ông tôi phải nghĩ ngợi lung tung. Lão Tự cúi rạp người tiễn bố tôi ra khỏi cửa. Tôi thấy người nhẹ lâng lâng, một cảm giác dễ chịu.
Ngày làm lễ thượng thọ cho ông tôi đến gần, mọi việc được ông chánh văn phòng cơ quan bố tôi xếp đặt chu tất. Cả nhà tôi sống trong nền nhạc nhẹ phát ra từ đàn âm ly để ở trong nhà kho. Đèn lồng treo cao ở trước cửa. Một máy phát điện nhỏ để dự phòng khi mất điện. Ngôi nhà như mới ra. Ngoài hàng rào bọn trẻ con hàng xóm lố nhố nghiêng ngó. Buổi sáng chủ nhật hôm nay những chiếc xe con đời mới màu đen, bóng nhoáng nối nhau quặt vào con đường làng, từng chiếc, từng chiếc một. Từ sân thượng nhà tôi nhìn ra, chúng như những con bọ hung lò dò trên con đường mới sửa. Trên bãi xe, người hướng dẫn chỉ cho từng chiếc một đỗ thành hàng. Lão Tử rỉ tai tôi:"Cậu không cho người canh gác, nhỡ nó cho một mồi lửa thì sao?". Tôi phì cười. Lão Tự hôm nay cũng được vận bộ quần áo mới, trông cứng đơ đơ. Ông tôi được dựng dậy, ngồi trên chiếc xe đẩy mới toanh. Với bộ phận áo mới, lại được mẹ tôi sửa sang tóc tai tỉ mỉ. Trông ông tôi có chút sang trọng. Quả đúng là bố của vị tổng giám đốc công ty.
Tại phòng khách lớn, bố mẹ tôi trang trọng com lê, áo dài đứng tại cửa đón khách. Lão Tự đứng sau xe ông tôi, mắt không rời ông tôi một giây. Lão so ro, khoắn khoả. Chỉ cần bàn tay ông tôi khẽ động đậy là lão đã đứng trước mặt xem ông cần gì. Cạnh ông tôi còn có tôi và cô em gái. Tất cả sự sắp đặt này đều phải tuân thủ theo sự sắp đặt của ông chánh văn phòng. Thợ ảnh chạy lăng xăng tìm chỗ thích hợp. Hồng Hạnh bảo:"Em ứ chịu thế này đâu, tí nữa em biến". Ông Chánh văn phòng yêu cầu đẩy ông tôi lên một chút để như ngồi hoàn toàn độc lập, như ông tôi đang khoẻ mạnh bình thường. Và nếu nhìn hoàn toàn về mặt hình thức, trông ông tôi như đang mạnh khoẻ, lại có chút phớt hồng mẹ tôi khéo léo thoa phấn trên mặt ông tôi, vì thế trông ông như mới ra, có chút viên mãn. Đoàn khách đầu tiên là các vị giám đốc xí nghiệp nằm trong tổng công ty. Bố mẹ tôi dẫn từng người, từng người một đến trước mặt ông. Họ kính cẩn cúi chào. Sau khi bố tôi làm xong công việc giới thiệu, khách chúc mừng ông tôi. Ông tôi nhận những bó hoa và tặng phẩm từ tay khách. Lão Tự đón lấy những món quà đó đặt lên bàn. Khi đã chất đầy bàn, Hồng Hạnh lại chuyển nó vào trong buồng của mẹ. Cứ thế, như một quy trình khép kín. Tuy nhiên, ban đầu động tác của lão Tự có vẻ lúng túng, vụng về nhưng càng về sau càng trở nên thần thục. Mỗi vị khách ông tôi đều cất lời cảm ơn và hình như bất cứ một ai ông tôi đều muốn tâm sự một đôi câu gì đó. Nhưng vì khách đông, bố tôi lại khéo léo mời khách vào ngay bàn tiệc. Ban đầu thấy ông phấn khởi, nhận bó hoa từ tay khách kèm theo chiếc phong bì rất vô tư, cởi mở. Mẹ tôi bảo:"Cứ bảo thế chứ cụ tiếp khách giỏi ra trò". Bố tôi gật đầu tán thưởng. Lão Tự mỗi khi đón tặng phẩm từ tay ông tôi lại như một cái máy:"Hoa một bên này, phong bì một bên này, hiện vật một bên này...". Tôi bảo lão đừng có lầm rầm như vậy, lão nói: "Ấy là để cho nó đỡ quên cậu ạ". Nhưng sự thể bắt đầu từ lúc vắng khách. Ông tôi vẫy anh em chúng tôi lại hỏi xem phong bì gì mà nhiều thế, có phải thiếp chúc mừng ông hay không?
- Ô hay- Hồng Hạnh nhanh nhảu nói- Tiền đấy, đô đấy.
Ông "à" một tiếng.
- Bây giờ là như thế đấy ông ạ.
- Bảo họ ông không nhận tiền- ông tôi nói.
Nó la toáng lên:
- Ông mà làm như thế họ tự ái chết. Mà này ông ơi, cũng là dịp để họ tỏ lòng nghĩa vu nữa kia đấy!
Ông tôi ật cổ ra ghế, mặt lờ đờ. Lúc đó lại xuất hiện một vị khách.
- Xin chúc cụ thượng thọ
Vị khách nọ tưởng ông tôi không nghê thấy lại nói to hơn:
- Con xin chức cụ đại thượng thọ
- Cái gì?- Ông tôi quát
Bố tôi vội chạy tới đỡ lời:
- Cám ơn... Xin được cám ơn.
Từ đấy ông tôi trở nên ương ngạnh, hỏi không nói, gọi không thưa, đưa tặng hoa không thèm nhận, Bố tôi đâm lúng túng, Phần vì ngượng với khách, phần giận ông. Bỗn ông bắt lão Tự đưa ngay về phòng. Lão Tự do dự hết nhìn ông lại nhìn bố tôi thăm dò.Thấy bố tôi không nói gì, lão khẩn khoản nói điều gì đó làm ông tôi quát tướng "Cái gì?". Bố tôi đành bảo lão Tự đưa ông đi. Thay mặt ông, bố tôi nhận tặng phẩm từ tay khách và hứa sẽ chuyển tận tay cụ. Khách đến mỗi lúc một đông. Phòng khách lớn bỗng trở nên chật cứng đàn ông, đàn bà toàn những vị có chức sắc. Tầm trưa, thấy lão Tự rón rén ra ôm những bó hoa vào phòng ông tôi. Trông lão như con chuột nhắt, nghiêng ngó trước sau, chộp lấy một bó hoa rồi biến mất. Bố tôi mỉm cười bảo:
- Mẹ nó thấy chưa, cụ khoái lắm đấy chứ, chơi hoa nữa kia đấy nhé.
Bố tôi bật sâm banh, bữa tiệc bắt đầu. Tiếng chúc tụng râm ran, tiếng leng keng chạm cốc, không khí thật vui, ồn ào. Ai cũng chúc ông tôi sống lâu trăm tuổi. Cũng may, giờ này nếu ông tôi còn ngồi đây, thế nào ông cũng quát tướng. Tôi vào phòng ông, xem ông tôi làm gì với những bó hoa kia, nhưng vừa đẩy cửa đã giật thót, khi thấy xung quanh người ông tôi chất đầy hoa. Ông tôi nằm dưới hoa. Tôi run lên, cuống quýt gạt nhanh những bó hoa xuống đất. Lão Tự co rúm, lại phân trần:
- Cụ bảo cụ thích hoa, mang vào cho cụ càng nhiều càng tốt.
Tôi gầm lên:
- Ông định giết ông tôi đấy à?
Tôi bảo cho lão biết, ông tôi định tự tử bằng hoa đấy. Lão gương mắt ngơ ngơ một lúc rồi thụp xuống. Lão bảo ông tôi còn dặn lão không được nói với ai. Tôi yêu cầu lão phải im ngay không ở kia người ta tưởng có chuyện, rồi lão thu hoa vào góc nhà tìm cách tuồn ra cửa sau. Quay lại với ông, tôi nói:
- Ông không thương con, thương cháu hả ông? Tại sao ông phải làm như thế.
Như bị bắt quả tang, ông tôi không nói gì, nước mắt rỉ ra. Tôi giận tím người hầm hầm mắng lão Tự. Lúc ấy ông tôi mới vẫy tay bảo tôi lại gần.
- Đừng mắng oan ông Tự.
Tôi lầm lì đi đi, lại lại. Không hiểu có phải ông tôi đã quá lẩn thẩn không, sao người già khó chiều đến như vậy. Ông tôi lại lầm rầm:
- Cái thằng ... Thống
- Biết rồi - Tôi dằn giọng - ông Thống là giám đốc độc ác đẩy người ta đến bước đường cùng. Khổ quá, lúc nào ông cũng thằng Thống, thuộc rồi ông ơi! Nó bức bách bác Tư hiền lành tới mức ho lao mà chết... đúng không nào.
Tôi chì chiết vậy vì quá bực mình, lúc nào ông tôi cũng như bị ám ảnh bởi hai ông giám đốc ở Tổng Công ty từ cái đời nảo đời nào. Ông tôi đã về hưu trên hai mươi năm nay, không hiểu sao ông tôi lại nhớ tới từng chi tiết. Đấy ông đang giơ một ngón tay. ý bảo tôi còn ông giám đốc thứ hai nữa.
- Nhớ rồi - Tôi nói - Còn ông Chiểu thì ngủ cả với con gái bạn phải không nào? Đẩy người không hợp với mình ra trận, biến kẻ xu nịnh thành vây cánh, biến người có công thành có tội.
Ông nằm in, mắt lim dim mãn nguyện khi tôi tóm tắt xong bản cáo trạng hai vị giám đốc ở Tổng Công ty thời trước. Hồi đó ông tôi là người trung thực có tiếng ở Tổng Công ty. Đời ông Thống cũng đã không thích ông tôi. Đến đời ông Chiểu cũng vậy, lên chức được vài bữa ông ta đã cho mời ông tôi đến: "Tính ra bố già còn hai năm chín tháng nữa mới đến tuỏi, nhưng mà bố già ạ, trong lúc đang giảm biên chế, bố lại mới xin cho thằng con trai vào đây, thì về sớm một chút cũng là hợp đạo lý bố già nhỉ".
Tôi bảo lão Tự: "Để bên ngoài người ta không nhìn thấy, lão lấy một cái bao tải, cho hoa vào rồi hãy xách đi". Nhưng lão cứ ngồi ti tỉ khóc.
- Cụ ơi là cụ, sao cụ lại bảo con làm như thế? Suýt nữa cụ giết cụ, tức là cụ giết cả con nữa đấy. Cả đời con giờ mới kiếm được chỗ làm, lại gặp người có phước như ông bà nhà đây, như cậu Phúc đây. Lại trả công hậu nữa chứ, lại ăn ngon mặc đẹp nữa chứ. Vậy mà cụ định đi thì con thất nghiệp à, thà cụ cho con cùng đi...
Tôi cáu tiết:
- Thô ... ô... ôi!
Ở phòng khách lớn, tiếng ồn ào vẫn không ngớt. Bố tôi cầm chai Macten rót vào li, bắt mọi người uống theo kiểu vòng tròn. Tiếng chúc tụng ông tôi không ngớt. Họ chúc ông sống lâu trăm tuổi, thượng thọ, đại thượng thượng thọ. Tôi thấy xót xa...
Thấy Hồng Hạnh ló ra ngoài cửa buồng mẹ vẫy tôi lại. Tôi vào, Nó xỉa năm đồng loại một trăm đô la xoè ra như quân bài: "Chiến lợi phẩm đấy! Anh vào mà lĩnh!". Mẹ tôi nguýt:
- Tôi cho chị để lo sắm sửa học hành. Con gái mà tiêu pha lăng nhăng thì đừng có trách tôi đấy.
Mẹ tôi vo từng chiếc phong bì, vứt vào góc phòng thành một đống. Trên bàn một chồng đôla, một chồng tiền Việt. Mẹ tôi bảo Hồng Hạnh phải ghi tên từng người để sau này bố tôi biết đường mà đối xử với người ta. Hồng Hạnh cười hi hí.
- Người nào nhiều thì một chuyến đi Tây, người nào nhiều nữa thì đề bạt ... phải không mẹ?
- Con ranh! - Mẹ tôi quát
- Em là thế hệ thực dụng kia mà - Nó nói - Ban nãy có mấy chú giám đốc bàn nhau phen này phải moi của lão Tòng ba công trình có tài trợ. Không để thằng ngoài Tổng nó nhảy vào.Vì thế mẹ phải ghi để bố còn cân nhắc xem tài trợ cho ai?
- Tao sợ mày - Tôi nói
- Cứ như anh, không có bố thì lấy tiền đâu mà nghiên cứu mấy con ký sinh trùng? À này - Nó nói - cả sếp của anh cũng đến đấy nhé.
- Sếp tao thì liên quan gì đến doanh nghiệp?
- Quên đi, ai tài trợ cho viện anh, sao mà anh hấp thế không biết.
Đúng vậy, tôi làm công tác nghiên cứu khoa học, suốt ngày cặm cụi trong phòng thí nghiệm, có bao giờ nghĩ đến tiền của do đâu mà có? CHo đến bây giờ mới chợt hiểu, để có tiền cho chúng tôi cứ đổ từ ống nghiệm này sang ống nghiệm kia rồi lại đổ vào hố toa lét, người ta đã phải xoay xở như thế nào. Có biết bao ký sinh trùng ở ngoài xã hội, nhà khoa học biết hay không?
Bỗng bố tôi đẩy cửa vào, vội vã lắm:
- Mình ơi, anh Thưởng, anh Thưởng đến!
Mẹ tôi cũng quýnh lên:
- Ơ kìa, các con, thu gọn vào!
Bố tôi nói phải đưa ông tôi ra ngay. Tôi muốn ngăn lại, tôi nói:
- Ông mệt lắm rồi bố ạ!
- Sâm, sâm đâu? Bảo lão Tự đổ sâm vào cho cụ -bố tôi nói - Mình giúp tôi khẩn trương, tôi vừa nhận được phôn, chỉ mười phút nữa xe anh Thưởng rẽ vào làng.
Tôi tím tái người, chạy vội sang phòng ông nhưng đã thấy người ta dựng ông tôi dậy. Chánh văn phòng, trưởng phòng tổ chức mỗi người một tay bế thốc cụ đặt vào xe đẩy. Mẹ tôi chỉ còn biết đứng ngây ra nhìn và nói.
- Xin các anh nhẹ tay. Ông ơi, thầy ơi, anh Thưởng đến mừng thầy thượng thọ đấy!
Chiếc xe đã được vội vã đẩy ra ngoài. Ở phòng khách lớn, thấy ông tôi ngơ ngác, tôi lại gần hỏi xem ông cần gì. Ông nhích một ngón tay chỉ vào buồng: “Tự … Tự !”. Tôi nhìn trước nhìn sau không thấy lão Tự. Chạy vào phòng ông tôi, lão Tự vẫn ru rú ở một góc. Tôi quát tại sao lão không ra với ông tôi. Lão Tự buồn rầu nói:
- Ông nhà cấm tôi. Ông bảo phải ở trong này, không được lăng xăng trước mặt cụ. Ông bảo chính tôi đã làm cụ hư ra!
Tôi tiu nghỉu đành phải ra ngoài, đành phải nói dối lão Tự đang có việc bận. Ông tôi lắp bắt, vẻ sợ hãi.
- Đưa ... đưa ông về
Tôi khuyên ông cố chịu đựng một chút. Tôi hứa chốc nữa ông muốn đi đâu rôi sẽ chiều theo ý ông.
Ông Thưởng người to và mập, ômmột bó hoa rất đẹp bước vào phòng khách lớn. Khách đứng giãn ra hai bên. Tới trước mặt ông tôi, ông nghiêm mình:
- Chào cụ Tam, kính chúc cụ thượng thọ.
Ông tôi gật đầu, nhích môi ý cảm ơn
- Cụ nhận ra cháu chưa ạ?
Ông tôi giương cặp mắt đục như khói lờ đờ nhìn ông Thưởng. Ông nhìn lâu quá, khiến tôi hơi chột dạ, sợ ông tôi lại quát một câu gì đó, nhưng bỗng mắt ông tôi linh hoạt hẳn lên.
- Ngày xưa chính cụ đã phát biểu với đồng chí Bộ trưởng rằng người trung thực ở cơ quan đây thì chỉ có thằng Mạnh Thưởng.
- Nhớ - Ông tôi nói - Anh làm gì nhỉ?
- Sau đó cháu được điều về bộ - Ông ghé vào tai ông tôi nói - thằng cha Thóng nó còn lằng nhằng mãi rồi mới cho đi.
- Giờ ... làm gì? - Ông tôi lại hỏi.
- Anh Thưởng là người đỡ đầu con - Bố tôi đỡ lời - Là cấp trên của con. Thưa anh, bố em bây giờ cũng hay lẫn.
- Không sao, không sao, tám mươi tuổi như cụ là khoẻ. Còn minh mẫn lắm. Tôi chúc cụ một, chúc vợ chồng cô Thảo, cậu Tòng hai. Công sức của cô cậu đây lớn lắm đấy. Phúc dức của cụ đang dồn cho cô cậu (Ông tôi lại ật ra ghế lờ đờ như ngủ). Ông Thưởng quay ra nói với các giám đốc xí nghiệp - Đời không có gì mất đi đâu các đồng chí ạ, có phúc, có phần. Các đồng hãy noi gương cụ đây đấy nhá.
Tất cả đều yên lặng, như để một phút suy ngẫm về mình, về đời, về cái còn, cái mất. Tôi thì thấy đời thật trớ trêu thay. Tôi lay ông và nói nhỏ: "cảm ơn đi ông, rồi về"... Ông tôi khẽ mấp máy môi, một giọt nước rỉ ra ở khoé mắt ông, từ từ lăn xuống gò má nhăn nheo đến khắc nghiệt. Ông Thưởng nắm lấy cánh tay đã liệt của ông tôi, nắn nắn. Một phúc tần ngần, căn phòng lặng đi vì xúc động. Bỗng bố tôi bật một chai sâmbanh, bọt trắng xoá. Tiếng ồn ào lại rộ lên. Tôi quay xe đẩy ông tôi đi như trốn chạy. Đến trước cửa phòng, ông tôi bảo quay lại, bảo vào buồng trong nữa. ở đây là nơi đặt ban thờ tổ tiên. Ngày xưa, khi còn khoẻ, tuần rằm nào cũng tôi đã thắp hương. Bây giờ bàn tay đã biệt rồi, muốn thắp lại phải nhờ người khác.
Ông tôi ngồi rất lâu trước bàn thờ tổ tiên. Chiếc bát hương từ thuở xưa đã cũ lắm lại xỉn màu. Bố tôi nhiều lần định thay nhưng ông tôi không nghe. Ông tôi bảo chỉ khi nào ông chết, bố tôi mới được quyền.
Cái ban thờ này so với biệt thự nhà tôi thì khập khiễng nhưng nó là kỷ vật còn sót lại của ông tôi, của cả nhà tôi từ khi bố tôi còn là cậu học sinh nghèo, rồi sinh viên nghèo, cả nhà chia sẻ đồng lương ít ỏi của ông tôi. Ông thường kể bố tôi đã từng phải đi bơm xe đạp để lấy tiền mua sách vở. Ngày nay, mỗi lần nhìn lên bàn thờ lại nhắc nhở chúng tôi một thời đã qua, một quá khứ đã qua. Thanh bạch và nghèo đã đi suốt chặng đường công tác của ông tôi để nuôi dưỡng bố tôi trưởng thành. Ông tôi đã ở tuổi 80, đã nhìn thấy sự trưởng thành của con mình. Người ra đã mừng lễ thượng thọ ông tôi bằng cả một núi vật chất mà cả một đời người lao động bình thường mơ cũng không dám với tới. Nhưng có thể nổi đau của ông cũng từ đấy mà ra... Nhìn ông vẫn trầm tư, câm lặng trước bàn thờ tổ tiên lạnh lẽo, tôi cảm giác như có một sợi dây vô hình thiêng liêng đang gắn bó tâm linh con nười hiện hữu này với cõi hư vô. Ngoài kia là chốn trần tục, ồn ã. Thỉnh thoảng lại bùng lên một trận cười thoả thích. Có lẽ lâu lắm cái đầu bạc trắng của ông tôi mới từ từ quay lại. Ông hỏi công việc ngoài kia đã xong chưa?
- Còn lâu, còn ca ngợi ông chán- Tôi nói.
- Không... họ tâng bốc bố anh đấy...
- Thế cũng là ca ngợi ông- Tôi định nói bố tôi là do ông nuôi dưỡng, dạy dỗ nhưng sợ lại xiá vào nỗi đau của ông, tôi hỏi- Ông thấy thế nào?
- Buồn lắm- im lặng một lúc lâu ông nói- Trời đang bắt tội ông.
- Trời nào?
- Nam- mô- a- di- đà- Phật, không biết kiếp trước...
Trên đất nước này có bao nhiêu người già ở tuổi ông tôi, hơn tuổi ông tôi, con cháu họ lấy đó làm vinh hạnh. Vào những lúc như thế này khoé mắt nhăn nheo của các cụ thấy ánh lên hạnh phúc. Vậy mà ông tôi....
- Ông hay mặc cảm- Tôi nói- người già ốm đau là chuyện bình thường, tại sao ông cứ hay nghĩ lung tung.
Ông lắc đầu. Tôi muốn nhìn xoáy vào cái hố sâu thẳm trong ông để tìm ra những điều uẩn khúc.
- Này ông ơi,- Tôi cố gợi chuyện- Họ mừng ông nhiều tiền thì có gì phải nghĩ ngợi. Bổng lộc của ông đấy. Đời cháu chỉ thấy ký sinh trùng thì làm gì có được, con Hồng Hạnh nó bảo đây là nhờ ông thượng thọ.
Ông tôi cười chua chát:
- Suy cho cùng, bao giờ ông trời cũng công bằng cháu ạ.
Ông khóc rưng rức như một đứa trẻ rồi lại cười, lại rầm rầm nói chuyện gì đó về ngày xưa. Tôi bảo ngày xưa là thời bao cấp. Ông gật đầu. Tôi bảo thế thì ông đừng dằn vặt nữa có được không?
- Nhưng mà... ngày xưa....- Ông tôi lại nói.
Tôi bảo:"Biết rồi, khổ lắm.....".Nhưng miệng ông cứ lụng bụng cái gì đó về ông Thống, ông Chiểu. Làm cho mối ngờ vực của tôi cứ dâng lên, dồn nén.
- Ông ơi- Tôi mạnh dạn nói- Được nghe ông hay nói trước đây ông có tội nên trời đất tội ông, có đúng không?
- Có đấy
Tôi sững người
- Tội gì hả ông?
- Cái bàn thờ....- Ông run run cố nâng bàn tay chỉ lên cái bát nhang. Tôi giật thót tim - Ông đứng ở đây… chỗ này này, thắp một nén nhang, miệng nam mô khấn. Ông cầu cho thằng Thống... chết. Vậy mà nó chết thật, chỉ sau mấy hôm thôi, chết lúc say rượu.... cháu ạ.
Tôi nín lặng, cố chấp nối lại từng ý ông tôi nói.
- Sau khi ông Thống chết, tưởng rằng từ nay công ty trong sạch, mọi người yên ổn làm ăn. Ai ngờ lại mọc lên một thằng giám đốc … mới.
- Có phải nó ngủ cả với con gái bạn nó không?
- Nó... đấy, thẳng Chiểu
Tôi "à" lên một tiếng và nhớ lại, ông tôi thường kể về con người này, nó tạo ra một ê-kíp tàn bạo, làm cơ quan tiêu điều. Bọn chúng thì phè phỡn. Bác Tư, bạn ông tôi bị oan khuất đến phải ho lao.
- Thế rồi ông lại thắp... một nén, lại cầu... Nó lại chết ngay ngày hôm sau, ở trong... nhà tắm.
Có báo ứng thật sao? Tôi thấy ớn lạnh. Nhìn lên bàn thờ, những chân hương đỏ tím cái thấp cái cao, tàn nhang quăn queo, lạnh lẽo. Tại sao người ta lại đi nhuộm cho chân hường màu đỏ. Ở trong chốn sâu thẳm kia, con người có mối liên quan gì với chón hư vô?
- Thế thì ông có tội gì nào- Tôi nói- Giả sử việc làm của ông có linh thiêng thật, thì ông chỉ có công thôi chứ, có công dẹp bớt kẻ xấu.
- Bây giờ là bố anh...- ông tôi dằn giọng nói- Hư hỏng lắm!
- Ông ơi, về phòng đi, cháu thấy lạnh- Tôi vội gạt đi.
- Trời không cho ông được chết, thượng thọ gì đâu... Trời bắt ta sống khổ sống sở thế này để nhìn thấy thằng con trai ta... nó....
Vậy là tôi đã hiểu. Hôm nọ lão Tự đã đưa ông tôi vào đây để thắp nén nhang … thứ ba. Nén thứ nhất là của ông Thống, nén thứ hai là của ông Chiểu, còn nén thứ ba này sẽ là của bố tôi. Nhưng ông tôi không đủ can đảm cầu cho thằng con trai mình phải chết. Ông cầu cho chính mình. Nhưng trời không cho ông được chết thay con. Bắt ông phải sống. Sống mà nhìn thấy... mà đau.
Tôi nhìn lên bát nhang lạnh lẽo kia thấy rùng mình. Ông vẫn ngồi tĩnh lặng, tính lặng vô hồn. Tôi khẽ khàng đẩy chiếc xe quay ra. Bên ngoài vẫn ồn ào chúc tụng. Bố tôi tổ chức tiệc đứng, thành ra người đi, kẻ lại lao xao. Ngoài hiên, trước cửa phòng ông tôi có hai người một trai, một gái đang nói với nhau: "Sếp đồng ý cho nhập rồi, đời cũ mới hay chứ! Em tiến hành phần thủ tục, thực thi anh lo".
Lúc vần từ trên xe đẩy xuống, đũng quần ông ta đã ướt nhoe nhoét. Lão Tự luýnh quýnh chạy ra chạy vào, xách nước, đổ bô. Tôi phải thay cả đệm để trải chiếu. Mẹ tôi và Hồng Hạnh cũng phải vào để hỗ trợ. Ông tôi nằm tô hô, không quần, không áo, mặt nghệt ra. Bố tôi vào phòng nói:
- Khổ chưa kia chứ, nhanh tay một tí xem nào, tôi đang cần cụ một phút để tiếp khác- Trước khi đi bố tôi dặn- Đóng chặt vào, đừng để mùi xú uế nó xộc ra.
Ông tôi bật cười khềnh khệch. Hồng hạnh nói:
- Đã thế mà ông lại còn cười
Ông tôi lại khóc rưng rức!
Cả bốn người xúm lại vần ông hết nằm sập lại nằm ngửa để lau rửa. Trông như trước khi khâm liệm. Nhưng ông tôi chưa được chết, vẫn nằm đó, trơ trơ, vẫn sống.
Ngoài kia vẫn ồn ào, thỉnh thoảng lại rộ lên:
- Xin chúc cụ sống lâu trăm tuổi
- Xin chúc cụ thượng thọ, đạt kỷ lục ghi- nét.
- Nào, dô dô!

#1
    TTL 25.04.2006 02:59:32 (permalink)
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9