Bùi Giáng-những tư nghiệm về người lữ khách cuồng điên.
huyennguyen 08.04.2006 00:51:34 (permalink)
Gần đây, trong một số mục có nhắc đến Bùi Giáng, người thi sĩ tài hoa đất Quảng. Sự đến và đi của Trung Niên Thi Sĩ trong gần một thế kỉ thênh thang như mây trời. Người viết bài này là một kẻ vô danh ngưỡng vọng Bùi Giáng đã lâu. Góp đôi lời bàn về một đỉnh Thái Sơn, chỉ là lấy tâm trạng của một kính ngưỡng dành cho thiên tài. Và bằng những tư nghiệm riêng tây. Được hay không, đúng hay sai còn để cho lâu dài đáp lời, mù sương thưa thốt. Được nói về những lòng riêng dành cho một anh hoa kiêu bạc đã mất, một ngông ngạo bỡn cợt đã xa, thoả nguyện lắm rồi thay! Còn được tiếng ngân nào giữa lung linh hư ảo như thơ Bùi Giáng:
Ngõ ban sơ hạnh ngân dài
Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua…
là may mắn vô chừng.
Dưới đây, có trích dẫn vài lời của một vài người viết để luận bàn, tất cả trao đổi được trích dẫn bồng bột ngang xương. Và thật biết, đây chỉ là những trao đổi ngẫu nhiên khi đọc những bình luận của người khác. Nếu có gì không thoả mái, hoặc chẳng đặng lòng, xin cho cáo lỗi thật sâu.

(*): Những dòng được in đậm là bài viết của người khác về Bùi Giáng.
Nguyên.


“Ông là người kết hợp được những lý lẽ uyên áo, trầm mặc của tinh thần phương Đông với triết lý thực nghiệm, thực dụng của phương Tây nên càng về cuối đời, thơ Bùi Giáng càng có những cuộc đảo lộn dữ dội về ngôn ngữ, lật nhào cả những hệ thống quan điểm thơ mà gần như cả một đời ông xây dựng.” (Nguyễn Hữu Hồng Minh)
Nói như thế này là duy lý theo cái kiểu hiểu mà chẳng cảm. Bị Bùi Giáng tiếp không nhiệt tình cũng phải. Quan điểm nào mà Bùi Giáng đã dựng xây suốt cuộc đời mình? Lật nhào là cái gì khi mà vốn nó đã không định dạng được như không khí? Nắm được cái gì, cầm đựơc lẽ chi chi mà có trên có dưới? Để mà lật nhào?
Gần như cả một đời xây dựng? Bùi Giáng suốt cả đời từng nói nhiều lần, đại ý: Làm thơ muôn câu vạn chữ, tóm gọn được trong vài câu mà thôi. Trích dẫn ở một bài khác:
- Từ đây đến chết tao còn một vạn câu thơ. nhưng mày chỉ cần nhớ hai câu này là đủ. và ông đọc:
"Ngày mai cá sống phiêu bồng
Ngàn trăng ngậm bóng sương đồng ra đi"
Cá sống phiêu bồng? Con cá nào trong đại dương tung tăng? Như ngàn con cá đã khuất mặt trong lung linh đáy nước tự do? Ngàn trăng ngậm bóng sương đồng ra đi? Ưng tác như thị quán? Lời Thích Ca? Bóng sương đồng làm sao có thể ngậm? Vậy ngậm được là ngậm cái gì? Phiêu bồng? Miên man bất tuyệt? Thế mới thấy chẳng có gì để nói ngoài một bể cả mênh mông như mênh mông bể cả cho địa hạt thơ Bùi điên…
Nhưng theo ý tôi, "vui thôi mà" chính là khát vọng và bi kịch của một thi sĩ đã "tuẫn nạn trên lộ trình của chữ".
Tuẫn nạn? Lộ trình? Chữ? Tuẫn nạn nghĩa là chết cao đẹp? Lộ trình là đoạn đường đi? Chữ là ngôn ngữ như một khối hàm hỗn bi thống chon von đứng trên đầu đỉnh núi chót vót cô độc? Không có khát vọng của Bùi Giáng đặt trên con chữ, cũng không có bi kịch nào cho đạo hạnh thiên tiên.
“Ta cứ ngỡ xuống trần chơi một chốc
Nào ngờ đâu ở lại đến hôm nay? “
Đến là vì đã đến. Đi là vì đã xa ngái những tuế nguyệt tiêu tao, trường hận tuôn trào. Mê nguyệt lặn, Thực nhật qua, vời vợi bóng tà? Bùi Giáng không chú tâm tạo chữ mà chữ đến tâm ông, thân ông, ý ông như một ngẫu nhĩ tuỳ thời, nhảy múa đùa ca với kẻ rỡn từ trong ý, thân, tâm tuyệt ngạo.
Vui thôi mà, là ngón tay chỉ cái rỡn không cùng, cái rỡn bi loạn, cái rỡn tịch hạp, cái rỡn não nùng… thẳng tới. Vui thôi mà, là Thôi Mà Vui? Mà Thôi Vui? Vui Mà Thôi? Là … Là như thế trỏ vào, chỉ đến? Xin đừng nói đến bi kịch vì cuộc đời Bùi đười ươi không có bi kịch nào, cũng chẳng có hài kịch, chính kịch gì ráo. Nó là một cuộc đời, và ông đã trọn vẹn hiến dâng cho đất trời uyên mặc cái tình chết lịm từ lúc bước chân ra. Chết lịm vì lỡ lầm từ muôn một tái sinh.
“Lỡ từ hạnh ngộ ban đầu
Lầm từ muôn một qua cầu Tử Sinh…”
Ước mơ của ông là tung hê hết chữ nghĩa để nhảy múa và hát ca… Ông chính là "người thơ" cuối cùng của một thế kỷ và đã ra đi giữa một thời đại đang ngày càng…
Phải, chí phải, nhưng cũng từ đây mà thấy, người viết này đã tự mâu thuẫn với những gì ông ấy vừa viết trên kia. Xin bỏ lửng hai chữ ngày càng cho nó trôi về vô vọng, tuyệt đối vô vọng. Người thơ trọn vẹn đã mang tuyệt bích xa mù đi mãi mãi, còn gì cho những giọt lệ trần gian tiếc nuối chút hương thừa?
Bùi Giáng sinh ra và lớn lên giữa “những dãy nhà rộng thênh thang tường xây bằng đá” . Thời niên thiếu giữa một thiên nhiên phong phú, nhiều sắc thái : sông hồ, đồi núi, ruộng nương là một thiên đường mà Bùi Giáng suốt đời hồi vọng, và gọi là cố quận.
Thênh thang dãy dọc, rộng rãi nhà ngang? Lão Giáng nhà ta có bao giờ tự phát ngôn về gốc tích? Sinh từ sơ ngộ màu hoa, chết từ tử tận ta bà hỗn mang là cái tư nguyện suốt đời lơ lửng của gã giang hồ chịu chơi. Nhưng quả thật, hắn ta có mang giữa mình một yêu dấu cố quận. Cố Quận, hắn chuyên môn viết hoa hai chữ cố quận. Là vì sao? Sao vì lại hỏi vì sao? Có ai biết được tại sao thế nào? Cố quận phải chăng chỉ là ảnh hình của một nông thôn quê mùa chất phác mênh mông cỏ hoa châu chấu chuồn chuồn? Là mảnh đất từ bước chân ra, hay là yêu dấu đất hoa ngút ngàn? Ngút ngàn cũng phải, bởi đâu còn ai thấy mặt cố quận nó ra làm sao? Dài ngắn Nam Tào? Chạm tới là ngỡ như, đi vào là thực thụ. Đặt bước chân lên, đi bằng phiêu linh rì rầm âm vọng may chăng nắm bắt được mớ ảo ảnh hư phù. Nhưng rốt cục, cố quận cũng vuột mất, vụt bay, la đà siêu thực… Suốt đời hoài vọng, như cái lửng lơ sầu âm vọng giữa đêm suông… Thiên đường ấy lão Giáng nhà quê đã mơ thấy mình nắm tay cùng các má hồng thôn nữ, đài các tiểu thư nhảy múa cà rỡn tiệc tùng với Mâu Ni, Khổng Lão Camù (Camus)?...
Mịt mùng một nẻo quê chung
Người về Cố Quận, muôn trùng ta đi.
Ấy ấy, chính nó đấy, kẻ về cố quận, còn muôn trùng phiêu dạt ta đi. Nẻo quê chung là quê chung của đứa nào? Hay cả thảy mọi đứa? Ta đi, là đi đâu? Về cuồng điên phố, rậm rịch phường, lệch lạc tang thương? …
Có lần, Thanh Tâm Tuyền gọi Bùi Giáng là “một thiên tài tự huỷ ghê gớm nhất của thi ca Việt Nam hiện đại” và là “một hồn thơ bị vây khốn”. Bị vây khốn bởi cái gì? Theo tôi, Bùi Giáng bị vây khốn, trước hết, bởi những hoài nghi, những dằn vặt… có điều, khơng ai sống đến tận cùng sự hoài nghi, sự dằn vặt như Bùi Giáng. Thơ Bùi Giáng là những phún thạch phun lên từ hoả diệm sơn của hồn ông. Nhưng khác các nhà thơ khác, Bùi Giáng lại nguỵ trang thảm kịch của mình bằng một giọng cợt nhã, bông đùa. Trong một bài viết về Hàn Mặc Tử, sau khi ghi nhận thơ Hàn Mặc Tử là 'một tiếng thét và một lời than. Tiếng thét đầy máu, tiếng than tràn ngập hư vơ. Lúc hãi hùng khiếp đảm, lúc quạnh quẽ lạc phách xiêu hồn', Bùi Giáng nhắc đến thơ của chính ơng, như một sự so sánh:
”Thơ tôi làm... là một cách dìu ba đào về chân trời khác. Đi vào giữa trung tâm bão giông một lúc thì lập thời xơ ngôn ngữ thốt ra, phá vòng vây áp bức. Tôi gạ gẫm với châu chấu chuồn chuồn, đem phĩ thác thảm hoạ trần gian cho chuồn chuồn mang trên hai cánh mỏng bay đi. Bay về Tử Trúc Lâm, bay về Sương Hy Lạp, ghé Calvaire viếng thăm một vong hồn bát ngát, rồi quay trở về đồng ruộng làm mục tử chăn trâu. Làm mục tử chăn trâu khơng xong bỏ trâu bị chạy lạc, phá phách mùa màng khoai sắn, thì tơi chạy về bẩm báo với ni cơ cho phép con chuồn chuồn của tôi cư lưu một phút giây trong linh hồn bao dung phương trượng. Ni cô xua đuổi tôi thì tôi ra bờ sơng nằm ngủ khò một mình thơ dại giữa chiêm bao. Trong chiêm bao, thơ về lãng đãng thì từ đó vần bất tuyệt cũng lãng đãng chiêm bao.”

Thiên tài tự huỷ? Tâm hồn nguy khốn? Vớ vẩn. Có ràng buộc nào đã được mang lên vai để mà gánh nặng? Có hoài nghi nào đã dày vò để mà vây hãm linh hồn gã du tử hoang đàng? Sống trong tận cùng hoài nghi? Không, lão đạo sĩ điên đã khật khùng đem sự điêu linh ra mà bỡn cợt như múa trên tay cây phất trần màu nhiệm, làm loé mắt thảy thảy mọi nguy cơ thập thành. Những con ngươi đã chẳng còn ánh sáng, cái chết đã từ vô tận nảy mầm. Có lần Giáng đã nói về Hàn Mặc Tử với đại ý, Hàn cũng là kẻ điên, nhưng muốn hiểu người điên ấy, hãy thử lân la làm người điên như Hàn. Vậy thực là nguy, chí nguy, khi kẻ tỉnh nhìn người điên đàm bàn phán luận? Đã hẳn. Tiếng “hò tắc”, “hò rì” của thằng mục đồng trên ruộng, phải chăng chỉ những gã quê mùa từng cuốc bẫm cày sâu với con trâu chăm bẵm, mới hiểu ra được lẽ đi chậm đi nhanh qua cái lời vô nghĩa như là…?
Đâu là Tử Trúc Lâm? Chốn nào là Sương Hy Lạp? Hay là Trăng Tỳ Hải? Sương Bình Nguyên? Vì đâu Vân Mồng thi sĩ dịch Othelo của W.Shake thành Hoa Ngõ Hạnh? Dịch chơi? Ni cô thượng thừa phép Phật đã hoá biến cho chuồn chuồn châu chấu mang trên cánh mỏng những âm hao vô tích về vân mấn miên miên? Chiêm bao thơ dại, vì thơ dại là trẻ con không toan tính, là ngây thơ bình minh trên đồng lãng đãng bất tuyệt say mê? Chiêm bao, vì Nam Kha phiêu du hoè huệ lấn chen vào những ranh giới thực tại chơ vơ? Chiêm bao vì một cuộc đời phải chăng cũng chỉ là mộng huyễn xa vời, như tia chớp vụt băng qua bầu không trong đêm giông âm u? Hành trình vô tận đã hơn 5 tỷ năm, sá gì ba vạn sáu ngàn ngày? Dù ba vạn sáu ngàn lại là một vô tận trong từng sát-na tích tắc?
Song tôi có cảm tưởng ít ai bị ám ảnh bởi vấn đề ngôn ngữ một cách nặng nề, triền miên như Bùi Giáng… dường như công việc làm thơ chủ yếu là một cuộc hành trình vượt qua ngọn đèo cheo leo của ngôn ngữ trước khi là bất cứ một cái gì khác. Ngọn đèo ấy không những cheo leo mà còn mù mịt, thăm thẳm…
BG lại có vẻ rất coi thường cái việc làm thơ ấy và chắc chắn là không mấy tin tưởng vào khả năng thể hiện của ngôn ngữ.
Bùi Giáng xáo trộn chữ nghĩa để nói lên một sự thật: ngôn ngữ đang bị xáo trộn, đang bị tha hố… ngôn ngữ còn có tác dụng ngược lại: nó che giấu sự thật…

Bùi Giáng đã chấm ngòi bút nào vào mực se sắt, để viết ra câu thúc giục sương mù? Phố phường nào đã mọc cỏ quanh năm? Ngôn ngữ trong tay người điên khác nào những thứ đồ chơi trẻ con mà có suy nghĩ để vượt qua? Không vượt qua thì còn đâu chỗ để cho những khái niệm cheo leo thăm thẳm? Sự thật nào để che giấu? Tự thân ngôn ngữ trong thơ Bùi Giáng đã là phù phiếm lung tung lẫn lộn, thế thì bằng cách nào Trung niên thi sĩ lại bị ám ảnh triền miên? Nói Bùi Giáng không tin vào khả năng thể hiện của ngôn ngữ lại càng tệ hơn nữa. Không phải là không tin, mà trái lại, Bùi Giáng tỉnh táo một cách say mê biết rằng, ngôn ngữ như một cây cầu bắc qua bờ kênh siêu thoát, phổ độ kiếp nạn nhân sinh loạn trầm mê muội. Phương tiện rốt cuộc không là cứu cánh, nên lắm kẻ bảo rằng, Giáng chỉ là người mất lòng tin vào chữ nghĩa, và phá phách chữ nghĩa, khạc nhổ vào chữ nghĩa đấy thôi…
Giáng xáo trộn chữ nghĩa cũng chẳng nhắm vào việc sẽ nói lên chữ nghĩa đang bị xáo trộn, tha hoá… Khi đã là một trò chơi, thì mọi xáo trộn lăm le càng làm cho mọi thứ trở nên tối tăm hơn bao giờ. Khi nghĩ đang bị xáo trộn, đang bị tha hoá nghĩa là mặc định một luận thuyết, ngôn ngữ phải đẹp, phải trong, phải mong manh, phải lộng lẫy… Không, mọi khái niệm đều mất tích dưới tiếng sấm của mù sương vô bờ đang tràn lan, khi hiện lên một tiếng Thơ vang dội…


(còn nữa)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 08.04.2006 00:56:40 bởi huyennguyen >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9