Bùi Giáng-những tư nghiệm về người lữ khách cuồng điên.
Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 29 trên tổng số 29 bài trong đề mục
Lê Thường Nhiên 18.04.2006 11:32:29 (permalink)

"Tôi vẫn muốn được một lần kể lể
một mối tình hư-huyễn rất chiêm bao
...
bờ cõi dựng xuân xanh em còn đó
lối đào-nguyên anh khóat áo khinh-cừu
...
tìm lại dấu chân người xưa tư-lự
đứng bên đường ngóng dõi khánh-vân bay"
Trung-niên Thi-sỹ Bùi-Giáng

...
Huyền-Nguyên ngôn bất khả
Trắng trời Hoa Lê bay
nàng ơi chàng dấu tình tưng tửng
cố-ý... vô-tình... mà lắt lay?
LTN
#16
    huyennguyen 18.04.2006 14:38:23 (permalink)
    Lê Thường Nguyên Hoa Mộc Nhiên...

    (Viết tặng riêng cho những tri âm xa xôi)






    Đục trong nào biết phân vân
    Sạch dơ nào biết lần đân vui đùa
    Em thay áo mới theo mùa
    Vạc bay hai cánh gió lùa thênh thênh
    Ta ôm mộng cũ lênh đênh
    Say say tỉnh tỉnh bồng bềnh tri âm
    Thường Nhiên một lẽ hồ cầm
    Gảy cung thương giốc bi trầm ta nghe
    Vạc bay về chốn hội hè
    Chân ta phiêu bạt le te khắp cùng
    Qua chợ vắng, qua trời chung
    Cô liêu tiếng thét u nùng tiếng than
    Đừng mong tơ tưởng đá vàng
    Tình xưa tử biệt mơ màng ra đi...
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 18.04.2006 14:58:04 bởi huyennguyen >
    #17
      huyennguyen 18.04.2006 23:07:52 (permalink)
      Định mệnh đã chọn ông là một thiên tài điên của dân tộc, đẩy ông bước theo Nguyễn Du, để ông kết bạn với Gerard de Nerval, Saint Exupéry, Khuất Nguyên, Tô Ðông Pha, Apollinaire, André Gide, Camus, René Char, để đôi khi nghiêm trang đàm đạo với Khổng Tử, Heracleitus, Parmenides, để sống cuộc đời quỉ khốc thần sầu của một cuồng sĩ ngoài chợ, và tuyệt vời nhất vẫn là để viết lại cho đất nước những dòng thơ kỳ diệu độc nhất vô nhị.
      Có thật tồn tại một định mệnh quy định Bùi Giáng là nhà thơ điên của dân tộc? Không có Bùi Giáng, chúng ta có mất đi một vốn ngôn ngữ? Câu trả lời thì ai cũng biết. Bùi Giáng đã sống như thế. Không ai lật ngược được những dòng sông lịch sử. Sống cuộc đời quỷ khốc thần sầu, có phải là vì Bùi Giáng muốn thiên hạ sau này nhìn mình với con mắt ngưỡng vọng của một nhà thơ đã đốt cháy cả mình để sống trọn vẹn cho thơ ca? Bùi Giáng ngông ngạo với những câu nói phớt đời, tài hoa với những câu thơ sáng loà ý niệm Thiền và thật cô độc với những gửi gắm quá khủng khiếp vào một chiếc áo quá nhỏ bé là ngôn ngữ. Bùi Giáng khai thác mỏ chữ nghĩa, chẳng phải để tránh lặp lại, để tự làm thành cho mình một phong cách thơ, mà có những điều thật sự chữ nghĩa thường đã không thể gánh nổi, đã không thể hiện diện ra trước trận tiền sinh tử sống mái của Bùi Giáng. Đành đi tìm cái lời cà rỡn, cái sự hàm hỗn vô lượng trong từ, trong câu, để từ đấy, nảy ra một cái gì còn vô lượng ma kha hơn, uy nghiêm kì bí và nhàn nhã trần tục hơn. Thế nên mới có cái câu:
      Ngõ ban sơ hạnh ngân dài
      Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua…
      “Tôi cho là Mai Thảo rất nhầm lẫn khi qui tội điên của Bùi Giáng cho những nguyên nhân thời đại:
      Và ở Sài Gòn vẫn còn Bùi Giáng
      Tối tối về chùa đêm làm thơ
      Ngày ca múa khóc cười giữa chợ
      Kẻ sĩ điên thế kỷ mù rồi
      (Mai Thảo - Viết văn trở lại)
      Sống và mơ giữa thế giới đó, ông vác cần đi câu cá hư vô ngoài biển đông:
      Tôi làm Nam Hải Điếu Đồ
      Ngồi câu con cá hư vô giữa trời
      Ngay khi ông lên cơn điên, nhưng chưa điên quá độ, mà mới chỉ trôi nổi giữa những cơn điên nhẹ, ông cũng mang lại cho chúng ta những câu vần vè quàng xiên rất vui vẻ.”

      Lạy Chúa! Bùi Giáng điên! Đã điên, lại còn điên nhẹ, điên quá độ, điên vừa vừa? Nghe ra thật cũng điên! Người viết bài này chê Mai Thảo nhầm lẫn khi quy tội điên của Bùi Giáng cho thời đại, có khi cho rằng Bùi Giáng điên vì những lý do nghiêm túc hơn, thâm trầm hơn, sâu sắc hơn, vĩ đại hơn… đấy chắc? Đứng trên cả hai bờ vực thẳm của ý thức phân loại, giải thích, Bùi Giáng cứ hồn nhiên tuôn trào những sấm động của một ngòi bút đã chấm mực vào se sắt thê lương mà vũ động một trận mưa thơ như thế. Lão chẳng điên vì những nguyên do thời đại, cũng chẳng điên vì những mục tiêu cao cả, lão ấy điên hay không, thật là cũng chỉ có lão mới trả lời nổi. Điên hay không khi cho rằng mình là Nam Hải Điếu Đồ câu cá hư vô? Giữa hư vô, cõi thái hư trống rỗng, có cái gì để mà nắm bắt? Hình dung một không gian phương phi tuyệt vắng, khi mọi sóng ý tưởng chìm hút dưới những mù sương thiêm thiếp Nam Kha, con cá hư vô hiện ra. Câu có được không? Nhất định là không. Bởi có định dạng thì mới câu được chứ. Không có hình thù thì câu gì mà câu? Cú nữa là câu! Bất chợt mơ màng về cái câu: “Thoa này bắt được hư không”. Vậy mà lão nói lão ngồi câu. Có nhì nhằng không, có điên dại không? Ngồi câu, ai cũng biết, phải thừa kiên nhẫn, tỉnh táo và hiểu con mồi. Con mồi của lão Giáng ở đâu trong hư vô? Phải là câu niềm tuyệt vọng? Niềm tuyệt vọng như nhiên ung dung chờ đón tất cả mọi mọi… ?
      Bằng bút chì đen
      Tôi viết bài thơ
      Trên tường vôi trắng

      Bằng bút chì trắng
      Tôi viết bài thơ
      Trên lá lục hồng

      Bằng cục than hồng
      Tôi đốt bài thơ
      Từng giờ từng phút

      Tôi cười tôi khóc bâng quơ
      Người nghe cười khóc có ngờ chi không?
      _BG_
      Và bình:
      “Quả là một bài thơ tuyệt đẹp với những hình ảnh tự động xô đẩy đuổi bắt nhau. Những hình ảnh chuyển động trên một đường biên của hữu thức và vô thức. Ảnh tượng và sắc màu rất cụ thể mà rõ ràng là vô thực và đầy mộng mị. Tất cả là để dẫn đến một dấu hỏi về cuộc đời và ý nghĩa nhân sinh, đầy khúc mắc và nhẹ nhàng, tế nhị, và vô cùng bao dung. Có thể nói đó là một bài thơ siêu thực hiện đại mà vẫn chứa chấp một cái hồn cổ kính thơ mộng”Hình ảnh xô đẩy đuổi bắt nhau? Đúng. Đường biên hữu thức và vô thức? Đúng. Vô thực và đầy mộng mị? Đúng. Dẫn đến một dấu hỏi về cuộc đời và ý nghĩa nhân sinh? (!?) Nhẹ nhàng, tế nhị, và vô cùng bao dung? … Trời hỡi đất ơi! Những lời lả lơi, những những tả tơi! Dấu hỏi về cuộc đời gì nằm ở cái câu “người nghe cười khóc có ngờ chi không?” Bao dung ở chỗ nào? Nói cho đến cùng là chỉ trỏ vào một cái chung chung nhập nhằng, kiểu nhập nhằng kì lạ. Như nhá nhem chạng vạng, mặt ả dạ xoa cũng giống khuôn hoa nàng kiều? Cố tình tạo ra những hoàng hôn để lẫn trộn vàng thau, thiệt cũng tài tình với cái lối thu nhận văn thơ như vậy lắm thay. Cái gì siêu thực hiện đại, nữa là cổ kính hồn thơ mộng? Từ bằng bút chì đen và tường vôi trắng chuyển thành bút chì trắng và lá lục hồng, rồi cục than hồng và tro tàn thơ thẩn, là cái gì? Đường đi của thơ Bùi Giáng viết? Đường đi của thơ ca? Đường bay của tư tưởng? Và rốt cuộc chỉ đành cười khóc bâng quơ! Vì sao? Thơ Ca là trò chơi ngộ nghĩnh nhất, đốt hết sạch đi rồi khóc? Vì sao khóc khi đã quyết tâm đốt? Tiếc nuối chăng? Mộng mị chăng? Khùng điên ngây dại chăng? Cười khóc cũng bâng quơ, thì còn nói chi đến tư tưởng với tưởng tư phù hư mơ màng!
      “ …Anh còn thật sự ghi đậm lên tôi một ấn tượng vô cùng mạnh mẽ, rằng anh là một sinh thể luôn bị lay động và bị cấu xé bởi ánh sáng và lửa tịch mịch, điêu linh với những ám ảnh về lẽ sinh tử không cùng, dấn mình một cách hiên ngang và khốc liệt vào cõi thơ ca. TẬN HIẾN hết cả đời mình cho duy nhất - thơ ca – Từ buổi sơ ngộ đầu đời đến những giây phút cuối cùng về nơi chốn lâm chung – Tận hiến mà không hề nhận lại một sự bù đắp đối đãi nào của nhân thế, trút gửi hết thảy xương máu và hồn phách, lưu lại ở đời như vậy tạm một hình cốt mong manh bi thiết và mộng mị. Với riêng tôi, hình ảnh đắm chìm của tận hiến hung hiểm đó chính là một tượng đài vĩ đại đến khủng khiếp của thiên tài thơ Bùi Giáng…” Gĩu áo phồn hoa mà đi rồi Giáng hỡi! Cuộc phù hoa vui như một chốc bông đùa, anh về với cõi riêng mùa, lơ thơ mộng cũ đã lùa chân mây. Phải, tận hiến, cuộc tương phùng tận hiến cũng là sự tử biệt ban đầu. Nhưng xin hãy ngừng những tụng ca dành cho một thiên tài, bởi ngày phù du Giáng đã bán rẻ Tử Sinh, thì dấn mình hiên ngang hay khốc liệt lửa máu… cũng chỉ là lối tâng bốc thói thường đãi bôi. Đừng nói tới những tượng đài, đừng bi thương cho một hình hài tạm bợ, có bao giờ Giáng nghe? Đi là mất hút những vọng ảnh cuồng si, ngây dại, bi thiết, tịch mịch rồi. Đi là vô tận thế mà thôi…
      Rồi Mai đi về xứ nào chẳng biết

      đi lìa xa xứ sở của mặt trời

      Dấu tiên nga và ngấn tích tiên sa
      Bờ dạt bèo hay bến lạnh trôi hoa

      Rồi mai đi về xứ nào chẳng biết
      Những người em hãy ở lại bên đời
      Nô hay đùa xin cứ mỉm hai môi...


      Đi mất và chẳng biết xứ nào còn ở lại. Những xứ sở mặt trời nào đã xa? Xứ rằng những ngõ hồng hoa? Cổng ban sơ vọng điệu tài tử qua hôm nào? Có chút dư vang ngấn tích này sót rụng, xin em nhặt lên và cười mỉm hai môi vào những vọng âm miên trường. Nụ niêm hoa còn hơn triệu triệu lời dài, ta đi rồi, ta vẫn cứ lai rai… giỡn hoài…
      … Phồn hoa có nhớ đèo truông?

      … Nàng đi mất hút cuối miền thời gian
      Tôi ngồi khóc lóc hoang mang
      Một mình cô độc muôn ngàn tương tư…
      (Một nàng tiên- BG)

      Bỏ lại một phồn hoa dang dở mà về tắm mát sông Nghi, đình Vũ, vùng vẫy hát ca lăn lộn hoang đàng lộng quẫy đèo truông chập chùng. Vì lụa tà huy che mất bóng nàng, ta đành khóc! Vì cô liêu thấm đẫm u tình biển sâu, ta bỗng cười! Này người xuân nữ nét son tươi, em bồng bế ta vào Vu Sơn hoan lạc đượm nồng của em, hê, ta dập mộng trần gian nát bấy những mặt trời thành muôn ngàn vụn vỡ như tương…
      #18
        huyennguyen 19.04.2006 23:59:43 (permalink)
        Nàng có gì muốn nói với ta cứ nói, có gì đâu phải đỏ mặt e dè?
        Như cánh vạc bay, thật là như cánh vạc bay...

        Và ta, thật cũng đang muốn biết Mộc Hoa Lê tinh nghịch lại duy mỹ và duy cảm như thế nào lắm đây!???
        Nào ai nỡ trách nàng đã thôi viết lại thêm vào, ta cũng thế thôi!
        (Cái này nói nhỏ thôi) :
        Oh, thế ra nàng biết là nàng không hiền dịu sao?
        #19
          huyennguyen 21.04.2006 18:41:02 (permalink)
          Người đó chẳng đã đường đường tự tại một phong cách rất là thế giới nhưng vẫn không xa rời gốc đó ư? Với mảnh đất chật hẹp cuối cùng quê ấy, Bùi Giáng có cả một vũ trụ dệt nên từ những hoài niệm về thuở ban đầu. Trong một thế giới rộng lớn để thả hồn rong chơi, Bùi Giáng có một mảnh đất đầy kỷ niệm gắn bó để chiêm bao mộng mị.
          _Nguyễn Hoàng Văn_

          Phải, Bùi Giáng có riêng một mảnh đất kỉ niệm để mà chiêm bao mộng mị. Có thể suốt cả những cuộc ngông, trò đùa, luôn luôn ẩn hiện một cố đô cội cành. Cũng có thể đó là một phế đô. Một phế đô hoang tàn khủng khiếp đang ngự lên tất cả ngóc ngách đời sống. Đời sống hiện thị như một giấc mơ phù phiếm viễn mộng với những dòng chảy như thác lũ cuốn phăng phăng trôi nguồn. Và:
          Giấc mơ hóa cội cây tùng
          Mở ra công án một vùng cỏ hoa
          Con về mượn áo thiền gia
          Kính thưa Sư Tổ Đạt Ma Bồ Đề
          _Ngô Cang_

          Một giấc mơ đã hoá cội cây tùng? Đây chính là một công án nữa, một công án muôn thu như tiếng vỗ của một bàn tay. Vì sao một bàn tay có thể vỗ nên tiếng? Phải chăng tiếng vỗ đã như là bản tính của bàn tay? Phải chăng Bùi Giáng cũng chỉ là một bàn tay với tiếng vỗ đắm đuối mê mộng nhất từ trong linh tâm chính ông? Có đọc nhiều và có si mê Bùi Giáng như một người đáng sùng trọng, thì ai đó mới có thể mở ra một tiếng nói nào như giấc chiêm bao, nhoà nhạt, mơ hồ, nhưng cũng sấm động rung chuyển khủng khiếp những định thức đã căn bản đặt lên ý thức những vết hằn sắc bén, những vết hằn có thể làm quên đi những con đường mòn lơ thơ cồn cỏ vọng tiếng chiều làng xa, và những chiêm bao in dấu cỏ hoa lạ lùng. Có đọc nhiều và có si mê Bùi Giáng như một “ngài”, (dù lão rất ghét tiếng trịnh trọng hão huyền này) thì mới thấy hết, trọn vẹn một tầm trí tuệ mênh mông với những liên kết xâu chuỗi chặt chẽ chằng chịt từ Đông Tây kim cổ, từ Phật, Lão, Đạo, Kitô, từ những thứ hà rầm nhăng nhít lem luốc phố hè đến những kiêu sa ngọc ngà rực rỡ đình cung. Có thể liên hệ ngay một nhà thơ với một tư tưởng gia, có thể đang ở Việt Nam mà nhảy sang Đức, có thể từ trong lăng nhăng mà nảy hột tiêu tương tha thiết đoạn trường, có thể một câu không chấm phết suốt cả trang viết, cũng có thể ngắt tuỳ tiện một câu thành bảy tám dòng nhảy cỡn hí lộng Thi Ca, mà vẫn tài hoa rất mực, mà vẫn bi thống hận sầu, mà vẫn chua chát hắt hiu, lại thêm loé sáng của những sát na thực nghiệm đời sống và tư tưởng, của Thi Ca và Cội Nguồn, của Vực Thẳm với Trời Cao… Nói rằng Bùi Giáng thật sự là một thiền gia, thiền giả … âu cũng không ngoa, vì đọc đến đâu, lạnh mình đến đó, và những hiểu biết của mình về một con đường tìm chân lý bỗng trở nên xa mù, nhăng nhít, nhỏ nhoi, vì lão hầu như đã dẫm nát hết những tích sử, những công án, những kinh sách, và múa may vũ động cho những thứ kia trở thành những luồng nước cam lồ tươi mát mới mẻ cà rỡn như một cây củi khô biến thành gậy như ý của Ngộ Không. Nhưng dồn ép Giáng cho đến chân tường của những câu hỏi dồn dập và mang tính truy sát, những bức bách bưng bít bịt bùng tai quái nhất, thì hẳn sẽ chẳng còn gì nữa là thơ Bùi Giáng. Mộng của Bùi Giáng là mộng an nhiên, thung dung nhưng thắm thiết đắm đuối như Lý Bạch say trăng mà chết; lối sống của Bùi Giáng là thoả mái như Tuệ Trung Thượng Sỹ: “Phật ngã tự Phật, huynh ngã tự huynh…”, và thơ Bùi Giáng là thơ… Bùi Giáng vậy. Tưởng những tính cách cổ quái nhất, lãng đãng nhất, nghịch ngợm nhất, hồ đồ nhất, thơ ngây nhất, tài hoa nhất … đều dồn cả vào con người này. Nhưng, một tiếng nhưng bỗng lạnh lùng bật ra, rằng đâu là một Bùi Giáng uyên nguyên triệu mộng, một Bùi - Giáng – đích - thực để cho chúng ta có thể nhìn ngó ra chân dung một con người? Nghe lão nói:
          "Nghĩ cũng dị kỳ thật. Người Việt Nam vốn là người thơ mộng thi sĩ nhất thế giới (chỉ riêng cái màu da vàng Việt nam thôi cũng đã thơ mộng hơn mọi màu da đen hay trắng) thì người Việt nam lại chẳng bao giờ đọc thơ Việt nam, lại luôn luôn chút hết cõi lòng thơ mộng của mình cho những thứ sách vở hổ lốn tạp pí lù ở đâu đâu. Lại chạy đi si mê những da trắng Marilyn, những da đen Phi châu chiêm bao bờ cỏ. Làm bao nhiêu câu thơ thơ mộng lại đem gán hết cho châu chấu chuồn chuồn. Ẩn ngữ gì mà đoạn trường ra như thế".
          "Nhe răng cười trong bóng tối... Không bao giờ bắt chuồn chuồn và cứ bảo rằng mình luôn luôn bắt chuồn chuồn... Không thiết chi đọc sách mà vẫn cặm cụi đọc sách hoài... Suốt năm khắc khoải loay hoay mà tự cho mình thanh thoát phiêu bồng... Chán chường thi ca mà cứ làm thơ hoài, đêm tối trần gian đau đớn vô cùng mà vẫn bảo rằng trần gian lộng lẫy... chuốc sầu vạn đại thì bảo rằng mua vui cũng được một vài trống canh..."
          Lão nghĩ mình cũng kì dị, thế là lão biết lão kì dị đấy, có phải lão điên đâu? Nói như lão thì rằng: “Không điên chút nào mà tự nhận mình điên ấy là Đạo vậy!”. Làm những điều nghịch lại với suy tư, thích thú, lời nói của mình, lão muốn nhắm đến điều gì thế? Phải chăng cũng chính như lão nói: “Đi vào cõi tư tưởng ta phải lưu ý tới cái lõi ăn nói nghịch lý của người tư tưởng, họ nói một đường, để ta suy ra một ngã”? Vậy là thâm ý của lão nằm ở đây chăng, làm một đường để người ta suy ra lão theo một ngã? Một ngã có thể dẫn đến những cái - chết, hoặc những cái – sống? Ở đó, chết thực sự là tử tận, và sống cũng thực sự là an lạc hân hoan? Nhưng, lại nhưng, rằng ta đang nói đến Bùi Giáng, một lão điên ăn nói hồ đồ thái thậm, mà chẻ chia lời của lão ra để giải thích phân bua thì rằng ta cũng điên theo lão nốt sao? Vậy thì còn lại gì cho ta, còn gì cho lão, còn gì cho những cô em mọi mà lão thương yêu, những chuồn chuồn châu chấu bay thấp bay cao, báo hiệu những cơn mưa rào? Còn lại … còn lại… một cuộc đi vào cõi thơ?
          "Đi vào cõi thơ". Thế nghĩa là? Có một cõi và một cuộc đi, cuộc đi có nhiều thể thái. Có thể đi theo lối chu du của ông Khổng Tử. Có thể đi theo lối ngồi yên không rục rịch suốt bao nhiêu diên trường tuế nguyệt dưới một gốc cây bồ đề theo lối Như Lai. Cũng có thể đi theo lối anh lùa bò vào đồi sim trái chín..."
          Nghĩa là có rất nhiều cách để đi vào Cõi Thơ hay cả những Cõi như là… ? Nhưng phương ý, mục đích?
          "Đi như vậy dù sao thì dù, cũng là trong ý hướng mở cõi ra chơi. Không ai buộc ai phải theo ý riêng độc đoán của ai." …
          Anh thong dong ngồi xuống một gốc cây sim. Anh có thể chọn một gốc cây sim già, hoặc sim trẻ, hoặc một cây sim sử lịch nào vốn đã từng chứng giám một u tình của một Hoàng hậu Phèdre xưa kia." …

          Nghĩa là dĩ tâm truyền tâm? Hoặc giả: “Hãy đạp trên xác ta mà đi” ? Từ những gu tạng mà chọn lấy cho mình một hành ngã tư riêng, một đối chứng tâm tương thích?
          "Rồi anh dần dần mở cõi. Đã gọi là mở cõi thì chẳng nên khép miền. Nghĩa là... tránh cái lối bưng bít...
          "Ta ngồi dưới gốc cây sim, lắng tai nghe bò đương gặm cỏ, thong dong đưa tay với một cành, hái một trái chín ăn chơi."…
          "Bỗng dưng? Bỗng dưng nảy ra một sự tình kỳ bí: bàn tay ta vừa chạm với một trái sim riêng rẽ, thì suốt dãy rừng, toàn thể ngàn sim lục bỗng chấn động vang lừng. Đó là bí quyết lạ lùng. Một bí quyết bất khả truyền"…

          Cũng có thể dịch di lời lão ra thành: “ giáo ngoại biệt truyền, minh tâm kiến tánh” ? Tánh là chung, là Hoằng Viễn, là Vĩnh Thể, là Ban Sơ, là Bất Sinh, là Bản Lai Diện Mục, Cổ Lục Như Nhiên…? Và cuộc đi của Bùi Giáng là cái cách lão thong dong lùa bò vào rừng sim, bứt một trái sim chín ngọt bỏ vào miệng, để rồi ầm vang chấn động cả một dãy rừng? Sáng sủa hơn, cưỡng bức hơn, huỵch toẹt hơn, thì lão Giáng nhà ta đã làm chấn động sim lục bằng Hằng Tánh ngộ ra trong một ngẫu nhĩ tình cờ? Một Giác được thức, ngàn Giác, triệu Giác cũng một lòng như nhau? Một Tâm, hai Tâm, ngàn vạn triệu Tâm cũng là Tâm ấy sáng láng thường hằng? Một Phật, hai Lão, ba Đạo… cũng là gốc cội tươi xanh của buổi đầu trái cấm?
          Nói đến đây, như bỗng nghe giọng hom hem quê mùa của lão Giáng vọng về: “Này, ngươi nói những lời chua hơn giấm, nhạt hơn ruợu đế pha cồn, thiệt uổng công ta dạy ngươi, thiệt uổng công ngươi đọc sách bấy nhiêu lâu. È cổ ra mà đọc để rồi viết ra những điều tưởng còn tệ hơn cả phẫn heo! Thiệt là cái thằng sách vở học đòi, triết lý xỏ lá mị đời! Ta phải đánh mi cho đến chết bỏ bu chắc mi còn chưa thấy được hàm râu mi đã dài ra sao! …” Hoảng quá, thụt lùi, thì ngỡ ngàng nhận ra, mình tỉnh giấc điệp mơ màng, cả những lời lăng nhăng vừa qua, cũng là mộng ảo chơi vơi. Hú vía, hồn về với xác bô lô ba loa… Từ biệt những ngõ phù hoa, ta đi mê mải sơn hà viễn du…
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 21.04.2006 18:57:24 bởi huyennguyen >
          #20
            Lê Thường Nhiên 24.04.2006 12:38:52 (permalink)
            Huyền Nguyên hiền hữu nhã giám

            Chắc HN đã đọc mấy lời của Ngô Văn Tao tiên-sinh nói về Trung Niên Thi Sỹ. LTN chỉ nhắc lại:
            " NHẤT NHẬT GIÁNG TRẦN GIAN
            THÂN KHÔNG SẦU KẾT THIÊN SƯƠNG TỤ
            TỪ BI TUYỆT Ý THI"
            Ngô Văn Tao

            Về phần mình thì LTN cho rằng:
            "Thơ ca Bùi Giáng là thông điệp tâm truyền những cảm xúc trần ai bằng những huyền từ đốn ngộ."


            TẶNG HUYỀN NGUYÊN
            Thập lý khán sơn nhi vị ngộ
            nhập sơn liễu kiến vị do đồng
            thướng đỉnh nhân sơn hòa nhất thể
            phù vân đồng độ khứ lai không
            LTN
            #21
              huyennguyen 27.04.2006 21:02:37 (permalink)
              Lâu quá vì không thể rãnh rỗi hơn, mà không ghé qua ở lại nhà của chính mình. Ấy cũng là cái tội. Nay thấy có khách đến trách quở mà chẳng hay, đành đúng mực chủ nhà mà giả thích đôi câu. Thứ cho, thứ cho...

              Trả lời MHL:



              Người đó chẳng đã đường đường tự tại một phong cách rất là thế giới nhưng vẫn không xa rời gốc đó ư?


              Hoa Lê nhớ 1 lần ai đã nói, ngôn ngữ đôi khi chỉ là sự sáo rỗng dư thừa.

              Thế nào là "rất thế giới nhưng vẫn ko xa rời gốc" ? Sao người ta hễ cứ sùng bái điều gì là kèm theo sự mê muội?

              Thưa nàng, lời trên là của Nguyễn Hoàng Văn.
              Đôi khi? nghĩa là không phải lúc nào cũng thế??
              Cái gì sùng bái? Sùng bái ai?...


              Một bàn tay ko thể vỗ lên tiếng. Tuy rất vui vì bắt gặp trong "mênh mông" 1 chút gì của kinh tế học, nhưng muội vẫn nhận thấy đâu là bàn tay thứ hai để tạo nên tiếng vỗ.

              Chỉ cho ta, đâu là bàn tay thứ 2 của tiếng vỗ?


              Hầu hết ở đây là những mệnh đề tiền đề ko được chứng minh, đó ko phải là bình luận.

              Muội hiểu theo nghĩa nào?

              Theo cách đối với người viết và người đọc những mệnh đề đó như những định đề !?


              Có nhiều cách để hiểu những lời nói. Thưa rằng, đó không phải là mệnh đề, cũng không phải là định đề. Ai nói như thế? Nàng? Ta? Hay độc giả? Mà cho dù, nó có là những mệnh đề hoặc là định đề thì có những định đề và mệnh đề chẳng cần chứng minh. Nàng chứng minh cho ta vì sao những vì sao kia cứ mọc ở trên trời đi nhé!?



              Nghe lão nói:
              "Nghĩ cũng dị kỳ thật. Người Việt Nam vốn là người thơ mộng thi sĩ nhất thế giới (chỉ riêng cái màu da vàng Việt nam thôi cũng đã thơ mộng hơn mọi màu da đen hay trắng) thì người Việt nam lại chẳng bao giờ đọc thơ Việt nam, lại luôn luôn chút hết cõi lòng thơ mộng của mình cho những thứ sách vở hổ lốn tạp pí lù ở đâu đâu. Lại chạy đi si mê những da trắng Marilyn, những da đen Phi châu chiêm bao bờ cỏ. Làm bao nhiêu câu thơ thơ mộng lại đem gán hết cho châu chấu chuồn chuồn. Ẩn ngữ gì mà đoạn trường ra như thế".
              "Nhe răng cười trong bóng tối... Không bao giờ bắt chuồn chuồn và cứ bảo rằng mình luôn luôn bắt chuồn chuồn... Không thiết chi đọc sách mà vẫn cặm cụi đọc sách hoài... Suốt năm khắc khoải loay hoay mà tự cho mình thanh thoát phiêu bồng... Chán chường thi ca mà cứ làm thơ hoài, đêm tối trần gian đau đớn vô cùng mà vẫn bảo rằng trần gian lộng lẫy... chuốc sầu vạn đại thì bảo rằng mua vui cũng được một vài trống canh..."

              Chúng ta nên phê bình nhận định này hơn là dẫn chứng trong bài của một người iu say mê Bùi Giáng.

              Về đoạn trích trên thì chẳng còn gì để nói.

              Còn đoạn dưới: "Không thiết chi đọc sách mà vẫn cặm cụi đọc sách hoài", "chán chường thi ca mà cứ làm thơ hoài" là nói về ai?

              Cá nhân ko thể đại diện cho số đông. Đây là sự chụp mũ, vơ đũa. Có thể người ta đọc mà ko ngộ, ko viết nổi hay làm thơ ko hay nhưng ko thể nói người ta giả dối làm những điều người ta ko muốn...


              Nàng cho rằng, ý của BG về sự phân chia vàng trắng đen và nhất nhị... là có thật đấy huh? Nên đáng chê? Nàng tin như thế, liệu ai cũng tin như thế? Và như thế, nàng chụp mũ hay ta chụp mũ? Nàng vơ đũa cả nắm hay ta...?
              Biết đâu là Ngộ nhỉ? Nói ta nghe về Ngộ với, thiệt ta không hiểu mấy tiếng kinh khủng này. Phải, có người đọc sách thiên kinh vạn quyển vẫn không ngộ được, hahaha... Ta đây chẳng hạn... hahaha...


              Từ bao giờ có chuỗi tam đoạn luận này. "Lão biết mình kỳ dị" nghĩa là lão ko điên?
              Mệnh đề tiền đề thứ 2 của chuỗi tam đoạn luận là ẩn, nhưng ai cũng bít HN nghĩ gì.
              Chẳng phải HN, LTN, TTL đã từng cố chứng minh sự khác nhau giữa các miền chính trị và sự ko ảnh hưởng, "bất khả tư nghị," vậy sao tư tưởng cần phải hiểu một cách nghịch lý?
              Vì sao?
              Do hoàn cảnh?
              Nếu vậy thì ai cấm?
              Vì sao phải tự tước bỏ sự rành mạch mà đi vào thế giới có thể hoặc ko thể hiểu đúng?
              Đó là kinh điển của thuật ngụy biện.
              Còn gì ư? HN muốn gì thì cái đó vẫn còn. Cũng như tri thức cho đi sẽ ko bao giờ mất nên sự trùng lặp khiên cưỡng ko tước bỏ của nguyên thể - bản thể một điều gì cả.


              Chú ý! Chú ý! Nàng đang tranh luận với ta bằng chính những sự ngụy biện đấy.

              Mệnh đề tiền đề thứ 2 của chuỗi tam đoạn luận là ẩn, nhưng ai cũng bít HN nghĩ gì.

              Sao? Có phải đây là mệnh đề của nàng trở thành định đề chung của độc giả cho sự tranh luận của nàng với ta về BG?
              Thứ 1. Ta không nói thật.
              Thứ 2. Chưa chắc BG đã điên.
              Thứ 3. Chưa chắc BG đã ko điên.
              Thứ 4, suy ra, ta có thể nói ko thật lắm, mà cũng có thể ta thật si ngốc thật lắm...
              Hihihihi...
              Cứ nói theo kiểu thế này chắc mặt trời còn lâu mới mọc...
              Ai nói rằng bất khả tư nghị phải hiểu một cách nghịch lý? Nàng quên và lẫn lộn lời của ta, LTN, TTL, và BG hết rồi, LẪN LỘN HẾT CẢ RỒI!
              ......
              Thế giới này, con người ta hiểu hết được, thì đã chẳng còn đau thương, đã chẳng còn những em bé gục mặt vào những vụn bánh mì nham nhở ôi thiu lăn lóc bên vệ đường như hãng R. đã đưa tin ảnh, đã chẳng còn những chết chóc, chia lìa, chiến tranh, những khát vọng chinh phục mải mê... Cho nên có thể hoặc không thể hiểu đúng vẫn có thể là có thể hiểu đúng hoặc không thể hiểu đúng thôi. Nên đừng mong sáng sủa làm gì. Những sự sáng sủa có thể giết chết hết mọi thứ xanh tươi nhất. Nhưng đối nghịch lại với sáng sủa là tối tăm thì càng tệ hại hơn nữa. Vậy điều gì đây mới là "chân xác"? Dành cho những im lặng trả lời...
              Sự trùng lặp khiên cưỡng? Ấy chính là điều ĐÁNG SỢ BIẾT BAO NHIÊU! Nhưng có điều kì lạ, loài người vẫn cứ giẫm chân lên nhau hoài để trượt ngã hoài trong những vô vọng ánh sáng. Vô vọng có khi mang tên tuyệt vọng, có khi mang tên hi vọng, có khi mang tên khát vọng chân chính... Có khi trong những hữu hạn đời người, chỉ có thể chọn lấy cho mình một vô vọng thế này, hoặc vô vọng thế kia mà thôi? Ta và nàng đã chọn lấy hai con đường vô vọng khác nhau???...
              HAHAAHA...
              E là, ta nói cái điệu này, nàng và ta còn phải nói chuyện dùng dằng dài dài dai dai dại dại. Nên thôi, ta thiệt tình cáo lỗi nàng, cũng như nhân đây, ta xin lỗi bạn đọc về sự vụ này:

              " từ Đông Tây kim cổ, từ Phật, Lão, Đạo, Kitô, "

              Xin sửa lại: " từ Đông Tây kim cổ, từ Phật, Nho, Lão, Kitô, ".
              Chỉ mong, độc giả thứ lỗi vì vội vàng mà vô trách nhiệm với bài viết của mình. Cũng cảm ơn nàng đã thuận miệng nhắc nhở cho ta. Thiệt khôn cùng xấu hổ vậy.
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 27.04.2006 21:07:58 bởi huyennguyen >
              #22
                huyennguyen 30.04.2006 03:01:15 (permalink)

                Muội đã nói sẽ trở về "Vô cực", để huynh tự do mà riêng tư... giữa chợ nhưng huynh cứ khoác áo da dê lộn trái ngồi câu trên thuyền nan giữa dòng Dương Tử thì muội đành quay lại mà dắt huynh vào cuộc "Trường chinh vạn lý".

                Nàng muốn lôi ta vào cuộc trường chinh vạn lý?
                Ta đang ở trong cuộc trường chinh bụi mù ấy đấy, nàng không thấy sao?



                Huynh chỉ cho muội đâu là tiếng vỗ đi rồi muội sẽ giơ bàn tay thứ 2 ra cho huynh coi.


                Câu trả lời hơi nhạt, vì hình như có sách đã nói nhiều về câu trả lời theo kiểu này. Có câu nào khác không nàng MHL kiều diễm kia?


                Hic... Huynh à... Muội cũng hỉu định đề khác tiên đề 1 chút xíu thôi ("các ngôi sao cứ mọc" có mãi mãi là tiên đề ko nhỉ khi đã có học thuyết về vụ nổ BB. Nhưng thôi thì hãy tạm hỉu nguyên nhân phát sinh vụ nổ là thuộc về tiên đề).

                Thế nên muội mới nói, muội hỉu những mệnh đề trên như những định đề. Hic... Và có lẽ trên thế gian này, trong nhưng bài bình luận, khi vấp phải nhưng mệnh đề làm mình bất an, áy náy... hãy như trong trường hợp này mà rộng rãi, sân siu... hỉu nó là những định đề. Hic... Nhưng chỉ là định đề đối với người viết ra nó.

                Ôi chao! MHL liễu yếu đào tơ này làm sao phân biệt được giữa cái chẳng cần chứng minh và cái tồn tại mặc nhiên, ai cũng công nhận nhưng ko thể chứng minh được. Hic... 2 thứ đó khác nhau nhìu lắm.


                Có vẻ nàng đã hiểu ra ý ta.



                Ý HL là, người ta có thể đọc mà ko hỉu nhưng ko có "Chán chường thi ca mà cứ làm thơ hoài" đâu.


                Ai bảo nàng như thế? Nàng hiểu như thế à? Câu này muốn ám chỉ điều gì về cuộc sống? Chán chường? Mà cứ làm hoài? Như vậy, khả dĩ liên quan đến 2 vấn đề:
                1. Không còn việc nào khác để làm.
                2. Có khi nói chán chường thi ca là nói xạo.
                Haha, nghịch lý nằm ỡ chỗ như thế, nhưng nghĩ tới... thì hết nghịch lý và chợt như, ai cũng chợt mỉm cười, mà không thể chia sẻ tiếng cười ấy ý nghĩa ra sao... Từ đó thì mọi sự được xem là vơ đũa về nằm ngủ yên trong một bình yên thênh thang như mộ địa...



                Huynh đã cố thêm 1 mệnh đề tiền đề mà rốt cuộc vẫn ko chỉ đúng và đó cũng ko phải cấu trúc của 1 "Tứ đoạn luận".


                Câu này nàng nói nghe ra còn mơ hồ hơn Văn của ta gấp bội. Thiệt ta ko hiểu, là "Huynh đã cố thêm 1 mệnh đề tiền đề mà rốt cuộc vẫn chỉ ko đúng và đó cũng ko phải cấu trúc của 1 "Tứ đoạn luận"(?) hay là...?
                Phải cẩn thận nhé, coi chừng lại vội vã giống ta thì xấu hổ lắm nhé!...


                Huynh ơi. Với huynh Mặt Trời có thể lâu mọc hoặc ko mọc nhưng với THIÊN HẠ, Mặt Trời vẫn mọc đấy.


                Nàng nói đúng, Mặt Trời đối với ta xa lạ như một thằng ngợm nào đó ở Châu Úc hoặc Mỹ, hoặc Âu... mà ta không hề biết mặt. Chuyện Mặt Trời có thể mọc hay không chưa bao giờ ta quan tâm. Cái ta biết, là bây giờ, ngay bây giờ, tại lúc ta viết ra hai chữ "hai chữ" là có thật. Và MT đã mọc trong câu vừa nói ấy?... Ta không biết. Không biết thật. Hỏi tới nữa thì ta ngọng nghịu ú ớ ngay.


                HL hỏi vì sao 1 con người mà các huynh dành cho 4 chữ "Bất khả tư nghị" và ko bị ảnh hưởng bởi chính trị... (Về điều này muội đã viết 1 bài dài ở trên rồi) mà phải nhắn nhủ về "cái lõi"?


                Nàng đi mà thắc mắc với lão Giáng đang nằm thẳng cẳng ở Gò Dưa nghĩa địa nhé, ta chịu không trả lời nổi câu hỏi hóc búa này...
                Ép buộc nữa, ta đành giả lả bâng quơ: "Lão nói xằng rồi chắc?..." Hahah...



                Huynh đã ko hỉu câu này:

                “Đi vào cõi tư tưởng ta phải lưu ý tới cái lõi ăn nói nghịch lý của người tư tưởng, họ nói một đường, để ta suy ra một ngã”?

                Huynh biết "của người tư tưởng" mà BG nói ở đây là nói về ai ko?


                Ta đâu biết là lão đang nhắm đến ai? Có khi là Phật, có khi là Lão Đam, là Chúa, là Y. Kawabata, là Basho, là Andre Gide, là Niestchez,... là ông nội của ta, hoặc có thể là ta, mà cũng lắm phần có thể là nàng... Mà cũng có thể lão đang muốn chỉ vào cây bách xanh đang mọc trước sân...




                Huynh chê trách vết chân đẫm máu của "ngựa Hồ" nhưng huynh có biết đằng sau đường máu đó đã hình thành nên "Con đường tơ lụa"?


                Ngựa Hồ man rợ? Không hẳn. Không hẳn cũng là không hẳn điều gì...
                Con đường tơ lụa đã hình thành có phải là để nối dài Đông Tây không nhỉ? Nếu câu trả lời là có, thiệt tình ta chẳng dám trách ngựa Hồ đẫm máu nữa đâu, mà có lẽ, sẽ quỳ xuống, dập đầu bái lạy chẳng cùng những vết chân để lại trên cát bỏng sa mạc... kia!
                Mà cũng có thể, (í, chú ý thì nãy giờ ta chỉ toàn "có thể". Thôi xin nàng, nói một lần nữa hai chữ "có thể" thôi nhé?!) LÀ MỌI CON ĐƯỜNG TƠ LỤA ĐỀU ẨN NÁU ĐẰNG SAU NHỮNG MAN RỢ CƯỠNG BỨC ĐẪM MÁU? Sa mạc có một ngày sẽ biến thành ốc đảo cho bàn chân những gã lữ hành trong cuộ hành trình dài về phía tà dương? hoặc cuộc thiên lý di dời về phương tươi xanh?...



                1,2,3... Ta dám bảo đảm với nàng, rằng từ đây về sau, nếu nàng chỉ chăm chú vào cách dụng chữ của ta, hoặc của ai nữa, thì phù du cứ trôi hoài lãng đãng quẩn quanh nàng. Hahaha... Có khi nó quẩn quanh ta nữa không chừng...


                huynh cứ khoác áo da dê lộn trái ngồi câu trên thuyền nan giữa dòng Dương Tử thì muội đành quay lại mà dắt huynh vào cuộc "Trường chinh vạn lý".


                Mà cũng lạ, nàng là con gái, đi phải thẳng mặt, chậm rãi từ tốn, không quay nghiêng ngửa chứ, sao cứ còn một con mắt nào để ý thấy ta đang mặc áo da dê lộn trái ngồi câu trên thuyền nan giữa dòng Dương Tử là sao?? Nàng có tới mấy con mắt thế? Haha hả hả...

                #23
                  huyennguyen 02.05.2006 13:06:49 (permalink)

                  Huynh ơi! Nếu như huynh ko nói là huynh muốn muội xem và có nhận xét thì muội đã ngừng từ cách đây 1 bài rồi cơ, chứ ko ép huynh đến nước phải có 1 bài trả lời... đắm... đuối thế này đâu


                  Nếu ta trả lời thế này là đắm đuối, thì những bài khác của ta còn đắm đuối hơn gấp trăm vạn.
                  Xem lại đi nàng MHL yêu kiều kia, vì chính những lời nàng tranh luận với ta, ta thật ra đã trả lời rõ ràng lắm bằng chính những bài viết. Ta hứa với nàng, ta sẽ trích chính những lời ta viết trong những bài về BG để trả lời những vặn vẹo ngang xương của nàng một cách khiên cưỡng nhất ta có thể làm.


                  Ôi! Người ta cứ kiu ko cần Mặt Trời nhưng hằng ngày vẫn hít thở, vẫn ăn, vẫn uống những thứ ko thể có nếu như thiếu Mặt Trời. Ôi! Người ta cứ chê trách, phủ nhận, muốn xa rời nền văn minh nhưng hằng ngày người ta vẫn thản nhiên thụ hưởng thành tựu của nền văn minh. Nếu như ko có những cơ sở dữ liệu, ko có chiếc computer thì làm sao có DD, trên DD làm sao có HN, làm sao muội biết những dòng chữ của huynh, làm sao ngày hôm nay "Thiện ác đáo đầu".


                  Mặt Trời hằng ngày vẫn mọc. Dù ta có muốn hay không.
                  Ta vẫn ăn vẫn uống dưới ánh chan hòa của MT.
                  Ta vẫn thụ hưởng thành quả của nền văn minh.
                  Vì tất cả những điều đó có thay đổi được??
                  Không.
                  Con người ta rất điên dại ở chỗ vẫn hằng ngày phỉ báng những gì chính mình đang làm...
                  Và có người còn muốn xoay lại cuộc sử lịch đã bụi bặm giăng mờ...
                  Tất cả là điên rồ...
                  Hà huống, có thể làm cho con người kém thông minh hơn, lôi con người về với hỗn mang của bầy người nguyên thủy? Với Đất chưa rời khỏi Trời? Với mênh mông hoang sơ?...
                  Mọi điều ta đã nói, có thể là lời nói đùa và cuồng ngông lắm. Ta không biết. Làm sao nàng biết ta đang nói những gì?
                  Cho nên chuyện nhờ có cơ sở dữ liệu mà ta biết nàng, thì âu đó cũng là chuyện sắp đặt của Thiên Cơ. Nó ý vị ở chỗ, nếu ta không gặp nàng, ta rất có thể mất đi một tri âm, nghe ra được tiếng thống trầm bi loạn. Nhưng giá mà ta không gặp nàng, ta có cần đến điều ấy như một thiết tha quay quắt, đến nỗi không gặp, thì chết được? cũng như nàng, không gặp ta thì vẫn múa bút quay, phiêu, bay, rõ ràng, gì gì đó của nàng, ta có cản ngăn được?
                  Cái điều giá mà ấy, có thể diễn ra?


                  Muội thôi để Mặt Trời của huynh được mọc vì dù sao huynh cũng đã thay đổi rất nhìu.


                  Cho nên, đường đi của một cành cây uốn cong thành cung săn thú, cho đến những Bezoka không giật, cho đến tên lửa đạn đạo tầm trung vô hình là một đường bay không hề ngăn chặn được?...
                  Cho nên, trí thông minh của con người hà tất đã cần phải thay đổi cho trở về với kém văn minh?
                  Cho nên, ta hà tất đã cần phải thay đổi để trở thành con người mở lòng giữa màu xuân như nàng đã mong đợi?
                  Ta vẫn cứ là lữ khách đi qua mùa đông u buồn mà thôi, vẫn cứ muốn đứng hoài trong cô lạnh mà nghe ra tiếng vang nào bằng cách của riêng ta. Ta chưa bao giờ ép nàng hiểu ta, hà tất nàng phải bắt ta phải viết rõ ràng giản dị cho nàng hiểu?
                  Những ước vọng ngông cuồng, ta đã nói hơn một lần, cuối đường là những vô vọng không màu thế thôi...
                  Cả ta và nàng, và nhiều kẻ dại khùng khác, cứ vẫn đi trong viễn tượng mà hát bài thánh ca tiễn đưa Chúa đi xa, nếu tranh luận mãi về lời và những căn cơ toán tử?
                  Ta rất tiếc, lòng mình không còn đủ hăng say để có thể tranh cãi mãi với nàng về những xác chữ vô hồn ta đã viết ra. Ta phỉ nhổ vào những lời ta đã viết ra đấy, sao nàng không biết?...


                  Mà muội cũng chẳng phải quay nghiêng, quay ngửa gì đâu, chỉ nghe người ta nói... ngoài kia... trên dòng Dương Tử... Hic... Vì người ta mặc áo trái là cố tình cho người khác biết mà...


                  Cẩn trọng, cẩn trọng với lời nói của mình! Nghe nói...? Cố tình...?
                  haha... như vậy nàng muốn đi cùng với người mặc áo trái ảo vọng ấy hay sao?...
                  ta thì ta không dám đi với gã đó đâu...


                  Về "Con đường tơ lụa" thì nếu huynh giữ lời hứa... hic... trên trán huynh giờ đã dính đầy cát bỏng Tân Cương. Vì vua Kharezm giết 499 trong tổng số 500 nhà buôn của Temusin (Thành Cát Tư Hãn) mà vị Khan này đã dẫn 20 vạn quân truy đuổi từ Kharezm xuyên qua Tây Á đến tận Iran, mở đầu đế chế lớn nhất lịch sử loài người, đồng thời giúp phục hưng "Con đường tơ lụa" có từ thời Tây Hán nối Tràng An với đế chế Ba Tư.


                  Con đường tơ lụa, phải nàng nói hay lắm, đã hình thành sau những đẫm máu trường chinh. Cuộc trường chinh xương và huyết. và nối dài Đông Tây, ta đã lấm lem cát bỏng rồi... Nhưng không biết con đường tơ lụa, đã chính là con đường tơ lụa như nó mang tên? Liệu cát bỏng kia có vùi ta xuống, đỡ ta lên, ta có không bâng khuâng hỏi mình: " Mình chết ở đây có đúng không?"...

                  Một Tràng An, một Ba Tư, một Athens, một Thăng Long... nối dài với nhau chưa trong một vòng tay thân hữu chan hòa?
                  Một MHL, một Lê Thường Nhiên, một Huyền Nguyên, một lão điên,... đã gặp gỡ nhau chưa, nắm tay nhau xướng ca vô loài chưa trong một trùng lai thế giới hoan hỉ phiêu bồng...?
                  #24
                    huyennguyen 03.05.2006 18:45:41 (permalink)
                    Có thời gian, nàng cứ nhận xét.
                    Có thời gian, ta sẽ viết bài dành riêng cho ta đọc và những ai đó có lòng lướt qua.
                    Hẹn nàng chỗ khác.
                    Nguyên.
                    #25
                      huyennguyen 09.05.2006 12:30:20 (permalink)
                      Những việc làm của chúng ta không bao giờ được ai hiểu nổi, nhưng chỉ bị ngợi khen hoặc thống trách. (Die frõhliche Wissenschaft)
                      Có lẽ đó là lời mà Niestzsche dành cho Bùi Giáng.
                      Rồi có thể : “Bui Giang gehõrt zu den wesentlichen Denkern…” (Tạm hiểu như là: BG thuộc về loại tư tưởng gia chân chính”). Đấy có thể là lời của Heidegger dành cho Niestzsche, mà cũng rất có thể dành cho Bùi lão điên.
                      Và rồi, bất chợt nhớ tới đoạn văn nào của Anbert Camus, khi Martha, nhân vật nữ của “Le Malentendu” (Ngộ Nhận) đối thoại những câu điên dại sau khi giết chết chính anh trai của mình là Jan, cùng chị dâu Maria:


                      “ Maria: “ … Ồ, thật thế, tôi không có thì giờ để đau khổ, không có thì giờ để giận hờn đứng lên phản đối. Tôi quá nhỏ nhoi trước tai hoạ quá lớn.”
                      Martha: “ Nhưng chưa thật là lớn đâu, bởi vì nó còn để cho chị đủ nước mắt để trào ra. Nên trước khi cùng chị vĩnh biệt , tôi thấy rằng mình còn chút việc phải làm. Tôi phải làm cho chị tuyệt vô hy vọng mới cam.”
                      Maria: “Ô, tôi van cô, cô đi đi, để tôi yên một chút! Cô đi đi!”
                      Martha: “ Tôi sắp đi đó mà! Vui thú gì mà kéo dài cái cuộc đối thoại với chị. Trút cái gánh nặng quỷ quái này, thật là khoẻ cho tôi. Tôi không chịu đựng nổi nước mắt và tình yêu của chị. Tuy nhiên, tôi không thể chết đi được, nếu còn để chị tưởng lầm rằng chị có lý, rằng tình yêu có nghĩa, rằng ân ái không hão huyền, rằng đây là một sự rủi ro đáng tiếc. Không, chính bây giờ mới là lúc chúng ta nằm trong một thuận hoà trật tự. Chị hãy gắng tin êm đềm cho như vậy.”
                      Maria: “Trật tự gì?”
                      Martha: “Trật tự dàn xếp cuộc đời trong đó không một kẻ nào được kẻ khác nhìn ra.”


                      Thế đấy, có thể đấy lại là lời của Anbert Camus đã dành cho Bùi Giáng, một cách tình cờ trong một lúc hứng chí vô tình. Hoặc là lão Giáng nhà ta đã chua thêm câu ấy theo cái ý của lão muốn cà rỡn với chính mình trong lúc dịch.
                      Nhưng từ đây, chúng ta còn có thể nhận ra điều gì?
                      Niestzsche đã nói thế, rồi Heidegger, rồi Camus, … phải chăng chỉ là những câu trời ơi đất hỡi học lóm của nhau như cái cách chúng ta hiện nay vẫn bảo là kinh nghiệm thực tế dạn dày? Hãy tự dành cho mình chút lặng câm trong một phút thảnh thơi, đủ để thấy mọi thứ đang lao theo một chuỗi nguyên truyền kì bí vô hình mà không ai có thể nhận thấy mặt nhau trong lập loè ánh sáng ma trơi hư huyễn? Sao cứ gọi mãi là hư huyễn ma trơi?
                      Vì sao mà, khi làm việc gì, chúng ta chỉ có thể bị thống trách hay khen ngợi? Nghĩa là, phải phân ra làm hai nẻo phân định chính xác cho một ban đầu?
                      Vì sao mà, Heidegger, một lão khác, điên chắc cũng ngang tầm Bùi Giáng, đã từng cho rằng, một hôm nào đó, tư tưởng, sẽ rời khỏi triết lý, để đứng một mình lẻ loi trên đầu đỉnh chênh vênh của viên thành, lại có thể khăng khăng cho rằng, ai đó là một nhà tư tưởng chân chính? Phải chăng lão này cũng đã thật sự điên, khi rạch ròi cho thấy, một ai đó, là một nhà tư tưởng chân chính hoặc không chính chân, dựa vào những ý niệm tư riêng?
                      Rồi lão Camus kia, lão muốn nói gì khi cho rằng, có một trật tự vô hình siêu nhiên đang dàn xếp cuộc đời, cuộc đời mà nhiều người cùng tin rằng, nếu khai quật được mỏ ý nghĩ khổng lồ của óc não, thì sẽ chiến thắng được Mệnh Định? Đủ thẩm quyền khởi tố Định Mệnh với sự thông minh ngày càng bén nhọn sắc sảo thêm hơn? Một con người có thể không bao giờ có thể nhìn ra dáng đứng xiêu đổ của một người khác trong bão cát sa mạc âm u giông gió che mù?
                      Thế hẳn là, những con người thảm thương kia, đang đồng loạt cười hi hi ha ha và điên cùng nhau hết cả? Thế hẳn là, thật sự con người vẫn còn có một cơ hội cuối cùng để ghi bàn thắng quyết định ở phút bù giờ của hiệp phụ trong một trận chung kết cân tài của kẻ tám lạng người nửa cân?
                      Thế hẳn là, vẫn có thể có cơ hội nhìn ra một Bùi Giáng uyên nguyên triệu mộng? Vẫn có cơ hội nhìn thấy một luồng sáng diệu kì qua khe hở của một khung cửa hẹp đi vào thế giới của giác tánh?
                      Xin thưa rằng, với một lời, hai chữ, dăm ba câu, năm bảy dòng, chín mười đoạn, mươi mốt mươi hai năm, bảy tám chục xuân trôi… chưa hẳn ló ra được một câu trả lời, khi những câu hỏi nảy ra từ một bờ thê lương ảo não khánh tận. Và cũng xin thưa nốt, vì đã thưa nhiều, rằng, ngay cả những câu hỏi kia, dù thiết tha đến bao nhiêu, thì cũng chỉ tự ta trả lời được đấy thôi. Cho rằng có, thì là có, mà nhất quyết năm năm rõ mười thì mười nhất quyết đó chẳng sai…
                      Bùi lão nói rồi : “Cộng trừ nhị bội mà ra”. Thế thì vì sao mà nhị bội? Mà cộng trừ? Aån thân vào trong những toán tử là đường bay của hư vô chủ nghĩa và siêu hình chủ trương? Là em thắm thiết đoạn trường, mười lăm năm lưu lạc há cường điệu ru? Mười lăm năm em ở giữa bụi mù, cỗ xe hồng cuốn mây mù che ngang? Em đi tới cuối con đàng, chùn chân mỏi gối ngàn ngàn thiệt thân, anh ơi đừng có lần đân, khật khùng say mãi si sân cõi này… Cõi này em đã tỏ bày, cùng anh đến thế cũng tày bằng non, lệ em khóc đã mỏi mòn, anh còn nói nữa sinh tồn lý chi? Thân em lỡ tuổi xuân thì, má hồng nay có nhu mì như xưa? Hỡi ơi, em khóc mấy cho vừa, hồng nhan một kiếp dư thừa truân chuyên. Mải mê em vuốt tóc tiên, bờ xanh lối mở cồn tiên ra chào… em chào bằng những âm hao biệt vô ngấn tích xôn xao thì thầm… Bàn chân em bước lặng câm, đi không dấu vết lầm rầm vọng vang, em đi cuối bể dâu ngàn, cành tơ liễu chết riêng mang một mình… Giáng ơi, mười hướng vô minh, đi đi kẻo trễ chùng chình thiệt thân.
                      Phải, Bùi Giáng đi rồi, và còn lại chăng là những dấu hài tưởng đoái về một thân phận như là… phận và thân? Còn lại chăng là những tư nghiệm mang đầy rẫy những nghi nan trùng trùng vô vạn mông lung? Thê thiết u nùng? Dựng mãi chẳng thành khung? Khóc đi nào kẻ tình chung, trăm năm biết có vô cùng hay chăng?
                      Tưởng như còn vẳng thanh âm của những trời mây trắng, bay giăng giăng một bữa chiều nao thinh lặng trong ngần.
                      Một bữa kia nắng vàng in trên tóc
                      Lùa chân mây về phía cuối chân trời.

                      (_Bùi Giáng_)
                      Lùa hết cả những ngữ vựng quẫy đạp giẫy dụa thống thiết cựa mình muốn phá tung vỏ bọc, đòi quyền được thấy ra mình như là một-cái-ở-trong. Lùa hết cả đàn bò của một đời du mục lang thang trên đồi sim trái chín, lùa hết cả vạn ngàn lời ý đã buông gom thành tập đốt chơi cho vui giữa đêm đông trường viễn dường như đang ngự trị lê thê. Mùa xuân kia chừng còn xa lắm, mùa của hương thanh bình, màu lặng yên, vị hố thẳm, thị quán thấu, ý thong dong… Mùa xuân kia, một bờ tường hoa đã điêu đứng ẩn mình dưới bom đạn tả tơi của khát vọng và lý tưởng dậu đổ bìm leo.
                      Này là “lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu”, này là thuỷ phù ngôn ngữ, này là đài tượng chon von, bỏ mặc hết, tỉnh bơ đi.
                      Đi thiệt rồi, há còn ngơ ngẩn buổi xuân qua?
                      Ngàn thông ơi ở đó đón bóng tà
                      Và giữ lại chuyện đời ta đi mất
                      Bước khúc khuỷu trong ngàn khe khóc lóc
                      Dặm mơ màng tăm tắp mấy mù khơi

                      (Giã từ Đà Lạt)
                      #26
                        nguyenthoai 26.05.2006 08:15:38 (permalink)
                        Xin kính chào các Đại sư phụ...

                        Với VNTQ Nguyên Thoại là một thành viên mới...
                        Với Thơ... Nt đang tập bập bẹ...
                        Với Bùi Giáng... Nt không biết tí gì hết...
                        Vì điếc...không sợ súng...xin cho Nt được nói một điều..

                        Trước khi nói về Bùi Giáng... chúng ta nên chịu khó lắng nghe lại... những gì Bùi Giáng nói về mình...
                        Không ít thì nhiều... Bùi Giáng cũng có biết mình là ai...và đang nghĩ gì...

                        Xin đa tạ Chư Vị
                        Thành kính
                        Nguyên Thoại
                        #27
                          huyennguyen 26.05.2006 10:59:58 (permalink)
                          Xưa nay vẫn có nhiều người tự phong thánh cho mình.
                          Xưa nay vẫn có nhiều kẻ cứ phải nhìn lại mình.
                          Ta thì cho rằng, không những phải im lặng xem lại BG nói gì về ông, mà ngay cả mình cũng phải chịu khó nghe lại chính mình.


                          Không ít thì nhiều... Bùi Giáng cũng có biết mình là ai...và đang nghĩ gì...


                          Ta nghĩ, đem câu này vào đây thật không nhằm chỗ. Chưa khi nào, ta nói BG không biết mình nghĩ gì. Ta e rằng, đó là sự nhầm lẫn chăng?

                          Nhưng dù sao, ta thấy hình như NT có ý bênh vực cho sư cụ Bùi. Cũng là một phen hạnh ngộ...

                          Đa tạ đã có lòng đọc hết nhì nhằng chi tự của ta.
                          Thân.

                          Nguyên.


                          #28
                            huyennguyen 02.06.2006 10:15:18 (permalink)
                            Cũng có thể hiểu dưới đây là những chú giải cho những gì tôi viết về Bùi Giáng, bởi vì nó là phi lộ cho tất thảy những gì tôi viết về ông. Nay đặt nó ra đây, chưa biết sẽ là ở cuối, hay ở giữa (nhưng chắc chắn không phải ở đầu), cũng là ngẫu nhiên một sáng nhớ ra rằng mình còn đôi dòng phi lộ...


                            - Phi Lộ -

                            Tôi không nghĩ rằng mình còn cần đến vài lời phi lộ. Ở đầu tập tôi đã nói hết những điều mình cần nói. Có điều gì cần nói thêm ở trang này thì :
                            Thưa rằng nói nữa là sai
                            Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào.

                            _Bùi Giáng_
                            Sẽ có người đọc tập này và cười bảo : “Cha Trời! Cái thằng dở hơi!”. Cũng đúng thôi. Bởi tôi vốn là cái thằng dở hơi như thế.
                            Hay sẽ có người bảo : “Thơ cái quái gì (xin lỗi!) cái thằng này! Hệt như Bùi Giáng!”. Dạ vâng, xin thưa rằng tôi chỉ nói lại những điều mà tôi hiểu về sư cụ ấy theo ý của riêng thằng tôi. Cớ gì tôi lại gọi ông thần quê quán "biển xanh dâu" bằng hai tiếng “sư cụ” nghe có vẻ nghiêm trọng vậy? Mà xưa nay có nghe nói ông Sáu Giáng nhà mình đi tu ở chùa nào đâu? Đối với tôi, thì Bùi Giáng là một nhà chân tu. Tu theo kiểu cà rỡn nhì nhằng (chữ của ông ấy)! Cuộc đời của Bùi Giáng để lại cho nhân gian quá nhiều câu hỏi không có câu trả lời. Mà có câu trả lời thì lại không thể nói cho ai biết. Vì sao lại rắc rối như thế? Tôi không biết. “Thực rằng không biết? Không biết, không biết…”
                            Nói như Phạm Công Thiện : “Chính trong cái nơi mịt mùng sâu hun hút của hố thẳm vọng lên Việt và Tính”. Thì cũng chính trong tư tâm của mỗi người vọng lên giai điệu Sắc Không nào của tư tưởng thơ cụ Bùi. Bởi sinh thời Bùi Giáng rất không ưa người khác thọc mũi vào thơ mình, hít ngửi rồi đem ra phân tích, và đánh giá rối rắm. Bởi thơ của cụ ấy có gì khó hiểu đâu và có gì mới lạ đâu mà đi làm cái việc “chở củi về rừng” ấy? Chỉ là nói lại đôi lời của Nguyễn Du, Albert Camus, Andre Gide…cho nôm na và gần gũi với Việt Nam hơn, và theo cách của riêng mình...
                            Bùi Giáng đôi lần nói về cái công việc của mình:
                            Ta đi gửi lại đôi dòng
                            Lá rơi có dội ở trong sương mù?

                            Đôi dòng? Với hàng ngàn bài thơ, và những tập viết về Holderlin, Niestche, Nguyễn Du, Anbert Camus, Khổng Tử,…rồi hàng chục tác phẩm dịch thuật mà tác phẩm nào cũng chỉn chu, nghiêm túc (tuy có vẻ muốn dịch sao thì dịch) mà lại nói rằng “đôi dòng”? Giáng rỡn chăng? Ừ thì ông ấy RỠN quá còn gi!
                            Thôi tạm được đi, thế thì thế nào gọi là :” lá rơi có dội ở trong sương mù”? Lá rơi dễ dầu gì nghe được tiếng? Mà nghe là nghe thế nào? Bằng tai? Bằng mắt? Bằng tim?... Mà lại còn rơi trong sương mù? Sương Mù?? Sa Mù?? Uyên Nguyên? Uyên Mặc? Hố Thẳm? Cội Nguồn? Rừng Sâu? Hoang Mạc? Nguyên Thuỷ? Sơ Hoang? Mép Rìa? Bình Minh? Truông Ngàn? Bát Nhã Niết Bàn?... Làm thế nào mà hiểu được ông già xứ Quảng ấy bây giờ? Đừng hiểu nữa chăng? Nghe cũng có lý! Vâng, xin im lặng mà bước vào vườn thơ cụ Bùi với tất cả nguồn cội sáng láng thì tự dưng vỡ oà…Nhân gian nhiều phiền luỵ và lo toan, đổ ùa ra vươn đến những điều ngoài mình mà không biết gốc rễ của phương Đông là cõi uyên nguyên sâu thẳm của trái tim con người, những gì bất sinh bất diệt nằm ngoài quy luật sống chết hoại tồn…
                            Cụ Giáng, xin cụ đừng trách tôi đêm nay nói quá nhiều! Xót cụ quá, người như cụ mà nhân gian này lại bảo cụ điên (có kẻ “tế nhị” hơn: bảo cụ mất trí!?) thì đúng là điên quá còn gì!
                            Buồn điên trỗi lộng quanh miền
                            Khóc khan một tiếng diện tiền tan hoang.
                            Mà còn gì nữa? Khi tất cả mọi thứ đã, và sẽ trôi lạc vào những ngã đời hư huyễn? Thời gian cuốn đi tất cả vinh nhục, tồn vong, mộng ước, phù phiếm... một kiếp người. Khóc cụ một lần này rồi thôi, đêm nay. Cũng khóc cho chính tôi ngót ba mươi năm lưu lạc giữa đường trần với những bước phiêu linh không ngơi nghỉ mà ngẫm về thân phận con người trước dòng đời thác lũ…
                            Ngõ ban sơ hạnh ngân dài
                            Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua

                            Còn vọng được tiếng ca nào tài tử bên khung ngõ ban sơ, giữa lung linh hư ảo cuộc thời gian đã là vinh hạnh lắm thay cho những người như cụ, như tôi…cụ hỉ?
                            Thì thôi, nói như cụ:
                            Anh xin em rỡn một ngày
                            Rồi xin ngừng rỡn một ngày hôm sau…

                            Nói thế đấy, biết đâu hôm sau tôi lại rỡn! …


                            Lái Thiêu, Bình Dương rạng sáng ngày 26 tháng 5 Ất Dậu.
                            #29
                              Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 29 trên tổng số 29 bài trong đề mục
                              Chuyển nhanh đến:

                              Thống kê hiện tại

                              Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                              Kiểu:
                              2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9