Cẩn thận khi dùng thuốc Tây chung với thảo dược
minhthai1978 14.04.2006 17:43:34 (permalink)
Cẩn thận khi dùng thuốc Tây chung với thảo dược


Thảo dược không phải lúc nào cũng dễ dung nạp như nhiều người lầm tưởng. Việc tùy tiện dùng chung thảo dược của Đông y với các loại hóa dược (đa phần là thuốc Tây) có thể gây ra những tương tác thuốc khôn lường.

Các tương tác thường gặp

Cây hoa ban (Millepertuis-Hypericum japonicum-Hypericaceae)

Loại cây nhỏ mọc hoang, có hoa vàng rất đẹp, thường trồng làm cảnh.

- Đông y đánh giá không độc, dùng chữa tiêu hóa kém, chữa cam tích, đắp ngoài vết thương rắn rết cắn để trị độc. Phơi sấy khô toàn cây, kể cả rễ, để dùng.

- Tây y dùng trong các trường hợp trầm cảm nhẹ (Arkogélules millepertuis, Mildac, Procalmil…).

Hoạt chất của cây hoa ban tương tác với các thuốc viên ngừa thai dẫn đến khó dung nạp, cản trở tác dụng của thuốc khiến khả năng ngừa thai giảm. Ngoài ra, còn tác động lên digoxin hoặc warfarin trong việc điều trị các bệnh rối loạn tim mạch.

Sơn tra (Aubépine-Crataegus oxyacantha)

- Đông y dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc phối hợp với các vị thuốc khác, tác dụng chủ yếu lên bộ máy tiêu hóa.

- Tây y xem đây là vị thuốc có tính an thần nhẹ giúp cải thiện sự co bóp của cơ tim, chống loạn nhịp tim, chống hạ huyết áp…

Tuy nhiên, loại dược liệu này có thể gây nguy hiểm khi dùng chung với thuốc Tây y điều trị bệnh tim vì có thể gây rối loạn tuần hoàn tim.

Cam thảo (Glycyrrhiza glabra)

Đông y xem cam thảo là vị thuốc chữa được nhiều bệnh nên cam thảo thường có mặt trong nhiều đơn thuốc. Hoạt chất chính là glycyrrhizine có các tính năng long đàm nhưng lại làm tăng huyết áp. Vì thế người bị cao huyết áp không nên dùng vì nó giữ nước, có tác dụng gần như cortisone làm tăng sự tích nước và muối trong cơ thể.

Bạch quả (Ginkgo biloba)

Bạch quả được biết đến nhờ các tác dụng cung cấp oxy cho não bộ, được dùng điều trị rối loạn tuần hoàn não và phòng ngừa một số bệnh khác. Hoạt chất của bạch quả hiện nay rất được ưa chuộng trong nhiều loại thuốc Tây y nổi tiếng như Ginkor Fort, Tanakan; tuy vậy, có thể tương tác với nhiều loại dược phẩm như Ibuprofen (trị đau nhức) hoặc Oméprazole (trị đau dạ dày).

Lời khuyên chung

Hiện nay chưa thống kê được các tương tác thuốc giữa dược thảo và hóa dược. Vì vậy, nên thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết các loại thảo dược hoặc sinh tố dùng kèm (nếu có) để có thể phòng tránh các tương tác thuốc có thể xảy ra gây nguy hiểm hoặc làm giảm tác dụng của thuốc theo liệu trình trị bệnh.



(Ngày 13/4/2006 - Báo SK&ĐS)

http://hanoi.vnn.vn/gocyte/details.asp?topic=36&id=BT1340629873
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9