Bùi Hoằng Vị - Cổ học ranh ma
Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 21 bài trong đề mục
Ngọc Lý 25.04.2006 11:03:33 (permalink)
.

03. HỌC VẼ

(Trích KHỀ KHÀ NGỮ / Chương VẤN TÚ TÀI) / SG, 30/03/1989


Ở Ngao Quốc xưa có kẻ theo nghề vẽ người, lẽo đẽo đã bao năm vẫn không được đời quý chuộng, bèn tìm đến một họa sĩ thời danh giầu có thời bấy, là Ngụy Tử, hỏi:

Thưa ngài, tôi phải vẽ sao bây giờ ?

Ấy là tùy đất, tùy người.

Nghĩa là thế nào ?

Ở đất kia, lạ lắm, chẳng mấy ai chịu nhìn cái thực; trái lại, chỉ chuộng điều giả trá: Có gã kia sứt môi, đến nhờ, ta vẽ ra lành lặn; gã thích lắm, lại đem vợ đến. Ả méo mồm, ta vẽ thành ngay ngắn; lại càng thích, liền giới thiệu người khác, khách đuổi đi không hết.

Thật mầu nhiệm.

Chẳng đáng gì. Nào đã gọi là đắc sách?

Lại có sách mầu hơn ư ?

Sao không? Nếu chỉ biết một sách, thà không đọc gì còn hơn.

Vậy xin nói thêm sách kia.

Nghe nói đất anh ở, người đời tai ưa nghe chuyện rùng rợn, mắt ưa nhìn sự quái dị; đã vậy, sao không thường vẽ quỷ thần, rồng rắn, lưỡi đỏ, nanh dài, cưỡi mây, khạc lửa? Sao không thường vẽ những điều không bao giờ có thật, những chuyện chẳng bao giờ xẩy ra? Ấy mới kể đắc sách; nếu chẳng bán được tranh, cứ đến nhổ vào mặt ta.

Tôi sợ khó theo.

Nghe vậy mà chẳng phải vậy. Sự thật thời chẳng gì dễ cho bằng vẽ những điều chẳng hề có; đã vậy, còn được tiếng đồn, khen cho con mắt tiên tri, nhìn suốt sáu cõi âm dương lục đạo. Nọ trông những bậc hoạ sư ở dất anh, như Lộng Tử, Ngoa Tử, đã chẳng từng trở nên lẫy lừng nhờ tuyệt kỹ này ru? Còn những kẻ thật thà chỉ biết vẽ mãi một thực tại trước mắt, thời tránh sao cho khỏi bị chê bai là tầm thường nhi thuật ?

Thật mầu nhiệm. Nhưng hỡi ơi, thế thì thực tại trước mắt tôi đây chẳng còn gì để vẽ nữa sao ?

Nói thế cũng chẳng phải. Còn chứ. Còn một thứ này, nơi nơi đều chuộng, đời đời đều yêu: Há chẳng biết, trên hết mọi sự, người đời vẫn thèm khát nhất những chuyện tục tĩu, những điều tà vạy, phải dấu diếm ? Thế ai cấm anh không được chuyên cần mà vẽ ra ngồn ngộn những bộ phận sinh dục, ê hề những thao tác truyền giống, miễn sao cực kỳ táo tợn, cực kỳ kinh dị ; lại tha hồ thực, chẳng gì thực hơn ? Được vậy, thời tiền tài, danh vọng, chỉ trong gang tấc. Ấy mới gọi thượng sách ; nếu chẳng phải, cứ đến lấy dép mà vả vào mồm ta. Kìa như bậc đại danh họa thời nay, là Trọc Tử, đã chẳng một mình đoạt hết giải thưởng này đến giải thưởng khác rất ư cao quý, chỉ nhờ thủ đắc bí quyết này ru ? Còn nói chi dến những kẻ ngây ngô, chỉ biết tô đi đồ lại những trò đạo đức nhàm chán của nhân sinh, thảng hoặc có bị những đấng sành điệu xếp vào hàng liệt dương, hay thiến hoạn, tưởng cũng chẳng có chi là oan uổng vậy.

Lại nói :

Sở dĩ bấy lâu anh không thành công cũng chỉ bởi anh giỏi vẽ hình người mà chưa giỏi vẽ cái tánh của người, có thế thôi.

Chao. Đơn giản vậy ru? Vậy mà bao năm qua tôi cứ luống công, đến đỗi suýt trở thành bất đắc chí, chẳng khác nào người mù, không nhìn thấy đường đi.

Nay đã chỉ cho thấy, thời cứ thế mà đi.

Đa tạ.

Kẻ nọ trở về, thực hành điều tâm đắc, sau trở thành đại danh hoạ, một thời vinh hiển; của cải, danh vọng, chẳng biết để đâu cho hết.


Bùi Hoằng Vị - Cổ Học Ranh Ma.
http://vannghe.free.fr/buihoangvi/cohoctinhhoa/ch03.html
<bài viết được chỉnh sửa lúc 25.04.2006 11:10:43 bởi Ngọc Lý >
#1
    Ngọc Lý 25.04.2006 14:00:47 (permalink)
    .
    04. PHÁT HÀNH

    (Trích NGÀN LẼ MỘT CHUYỆN KINH RỊ) / SG, 01/04/1989

    Nghe nói ở Sài Đại Thành xưa có Tú Tài họ Bợm hành nghề độc quyền in và bán sách, ai có nhu cầu đều phải tìm nhờ, dầu được hay không, ấy còn tùy.
    Ngày nọ, một thư sinh mặt trắng đem tập bản thảo chưa ráo mực đến, Bợm thờ ơ hỏi:
    Anh cần gì?
    Thưa, chỉ có tập bản thảo đây.
    Bợm liếc xéo trang bìa, hỏi :
    Ấy là cái gì? Thi? Truyện? hay Kinh? Ai viết?
    Thưa, nó là đứa con đầu lòng của tôi, nói về cái lẽ nhân sinh: về niềm vui và khổ não, sống và chết, tồn tại và vĩnh cửu, ...
    Bợm lật vài trang, bĩu môi:
    Thế thôi à? Anh nghĩ ai sẽ đọc cái loại này?
    Tôi không mong nhiều người đọc, nhưng ...
    Bợm cười khẩy, dạy:
    Này anh bạn, anh nên hiểu, những điều anh viết đó đã có hàng vạn kẻ trên đời này viết nát ra rồi; rốt cuộc có đi đến đâu? Ta khuyên anh chớ mó vào nữa: Người đời nay thực dụng lắm, chẳng ai thèm những thứ vô bổ ấy của anh; anh nên kiếm cái gì khác mà làm thì hơn, miễn bổ ích, thiết thực, và khoa học.
    Gã thư sinh cầm bản thảo về, còn Bợm thời sập cửa; kẻ buồn, người bực.
    Chiều cùng ngày có Thầy Cử Bịp, vẫn tự xưng Viện Sĩ Viện Hàn Lâm Khoa Học Đời Sống, cũng đến gặp Tú Bợm ; Bợm vồ vập, khoản đãi nước nôi, lễ phép hỏi:
    Chẳng hay ngài có chi dậy bảo ?
    Cử Bịp khà một tiếng :
    Ta suốt mấy năm nằm vắt chân lên trán, hoàn thành được một công trình vô song này, rất nên tâm đắc; rày muốn cho in ra để cứu đời, mua lấy âm đức về sau.
    Bợm xuýt xoa:
    Ôi, thực là tài hoa. Xin ngài cho xem qua.
    Đây, công trình vô song ấy đâ. Ta hãy tạm đặt tên Toàn Khoa Đại Thần Pháp. Cứ việc theo lời chỉ dậy của bảo pháp này, thời nhân loại sẽ chẳng ai phải trầm luân trong bể khổ của nan y bá chứng; trái lại, còn được phép trường sinh bất lão, phúc lộc thọ tam toàn nữa. Sách dành cho mọi người: phú, bần, nam, phụ, lão, ấu, ai ai cũng thực hành được, tiện lợi, dễ dàng, không tốn kém. Ấy cũng chính là cái tâm nguyện khiêm tốn của ta vậy.
    Bợm nâng niu báu vật, giở đọc qua lời giới thiệu, rồi chương dẫn nhập, rồi số liệu thống kê, rồi biên tập bệnh án, chưa kể trích dẫn này nọ, xong, trầm trồ :
    Từ thủa bình sinh Bợm này mới được thấy là một. Sao mà thần đến vậy? Tự chữa lành nan y bá chứng chỉ bằng nước đái của chính mình! Quả vừa bổ ích cụ thể thiết thực, vừa lý luận khoa học hùng hồn. Ngài sẽ được người đời tri ân biết mấy cho vừa, mà tôi đây cũng được thơm lây, ấy là chưa nói tới cái lợi lớn hàng chục vạn đồng vàng sẽ chui vào túi của chúng ta, khiến cho ấm áp phủ tạng nữa. Này, giấy đây, bút đây, mực đây, tôi xin làm ngay bản giao kèo để sớm phát hành cho ngài Hàn Lâm Viện Sĩ.
    Nói đoạn, thét bảo gia nhân bày tiệc rượu, chén thù chén tạc cùng quý khách; ai nấy đều vui.

    *

    Lại nói gã thư sinh mặt trắng, từ ngày nọ về, không được in bản thảo đầu tay, thời trong bụng cũng khá là u uất; may sao một hôm, nhân ra phố, thấy nhan nhản mọi nơi bầy bán một cuốn kỳ thư, tên gọi Niệu Liệu Toàn Khoa Khoa Học Đại Thần Pháp, Bịp Viện Sĩ đứng tên, Bợm Tú Tài phát hành, cực kỳ ăn khách. Gã cũng tò mò mua một cuốn về đọc, đọc đến đâu cười đến đó, nhờ vậy bỗng hết u uất, lại trở nên trí tuệ. Thế, chẳng đáng gọi là thần ru?





    © 2000 Bùi Hoằng Vị
    http://vannghe.free.fr/buihoangvi/cohoctinhhoa/ch04.html
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 25.04.2006 14:04:32 bởi Ngọc Lý >
    #2
      Ngọc Lý 26.04.2006 10:10:51 (permalink)
      .
      07. SĨ PHU XỨ NGƯỜI

      (Trích ĐÔNG DU KÝ) / SG, 10/04/1989




      Xưa, Xây Xẩm Sau Khi Xỉn gặp buổi thanh bình, treo ấn từ quan, đi chu du thiên ha, có ghé kinh đô lừng lẫy của láng giềng phương Đông; trước khi rời đó, cố thu xếp thời gian tham quan Học Viện Phổ Thông Đệ Tứ Cấp, một đỉnh cao trí tuệ đương thì của khu vực. Cũng tại đó, Xây Xẩm mục kích những chuyện trước kia chỉ được văn kỳ thanh. Có một việc khiến Xây Xẩm xây xẩm mãi, cuối cùng đành nhờ người dẫn đường:

      Thưa lão bối, tại hạ thắc mắc điều này, khí tò mò, lão bối đừng chấp.

      Ngài cứ hỏi.

      Vốn tại hạ từng đi cũng đã lắm, nhưng chẳng đâu đáng ngạc nhiên cho bằng nơi đây: Phong cảnh thời hữu tình, kiến trúc thời tao nhã, con người thời xinh lịch lắm, thật chẳng hổ danh xưng xứ sở nghìn năm văn vẻ; song, vẫn còn lại một điều tại hạ khôn đường hiểu thấu, ấy là, ở cái Học Viện đồ sộ này, nơi tập trung ngần ấy dương vật quan trọng của giới sĩ phu, nghe đâu toàn Nghè với Á Nghè cả, mà sao chẳng thấy ai là không có dị .. (vỗ trán), dị ... gì nhỉ ?

      Lậy ... Hẳn ngài muốn nói dị tướng?

      À vâng, phải rồi. Chẳng hạn ngài Á Nghè Chiết Học nọ, mũi nom chẳng khác cái sừng của con tê ngu ở Phi Châu; trong khi ấy, ngài Á Nghè Ngoa Ngữ kia lại có cặp môi hệt cái mỏ của giống kên kên ăn xác chết vùng Nam Mỹ, còn ngài Á Nghè Xử Học vừa đi qua thời nanh vuốt tựa loài Panthera tigris altaica xứ Viễn Đông? Ấy chưa kể những ngài khác ... Tóm lại, tướng mạo các ngài đây gây cho tại hạ một ấn tượng bất ... (lại vỗ trán) , biết nói thế nào nhỉ?

      Lậy ... Hẳn ngài muốn bảo bất hảo ?

      Ồ không không, tại hạ chỉ định nói là ...bất hạnh, nghĩa là nom không được xinh lịch cho bằng những kẻ thuộc các giới khác ở cái kinh thành văn vẻ này. Thế, chẳng hay lão tiền bối có thể giải thích cho tại hạ đôi ba phần?

      Lão dẫn đường thở dài, ngước mắt lên trời:

      Điều ngài vừa nói đây, cầu xin các đấng tha tội, quả là có vậy. Số là chúng tôi mỗi năm chỉ được một học bổng du học Đệ Ngũ Cấp của Bắc Quốc Hàn Lâm Khoa Học Viện. Người thời đông, miếng lại thưa, nên các ngài đây cứ phải tuyển lựa lẫn nhau rất chi là cam go, khắc nghiệt ; hầu như chỉ những ai dài mỏ, nhọn sừng, bén nanh, sắc vuốt, mới hòng trúng được tuyển. Bởi vậy, xin các đấng tha tội, kết quả như ngài thấy đó, thật chẳng đáng nói ra ... (Lại thở dài.)

      Ủa, té ra là rứa ? Thế gian quả nhiều chuyện hy hữu. Kiến văn ta lại được quảng bác thêm một phen nữa rồi. Thật chẳng uổng công ta lặn lội đến tận đây du lịch vậy!

      Xây Xẩm nói đoạn, đưa tay vỗ trán liền ba cái cho đặng tỉnh táo mà cất bước đi tiếp.





      © 2000 Bùi Hoằng Vị
      http://vannghe.free.fr/buihoangvi/cohoctinhhoa/ch07.html
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.04.2006 10:11:52 bởi Ngọc Lý >
      #3
        Ngọc Lý 26.04.2006 10:16:46 (permalink)
        .

        10. TRỌC PHÚ NUÔI CHIM

        SG, 17/04/1989



        Trọc Phú thấy nhà người có nuôi chim phụng ngũ sắc, cũng bắt chước mua một con, đặt trong phòng khách; song lạ, từ khi về nhà, chim thôi không múa hát, lông cũng mất hết mầu. Xẩy có khách đến chơi, chủ đem chuyện kể, hỏi:

        Sao tai quái thế ?

        Khách bảo:

        Nghe nói phụng ngũ sắc là loài linh điểu, ở với người hiền mới chịu múa hát, lông mới trổ mầu xinh đẹp.

        Trọc phú giận, nói :

        Ta chẳng phải người hiền?

        Tôi đâu có ý thế? Có thể trong nhà ông có chưng vật gì, hay nuôi con gì, kỵ mắt nó chăng?

        Chả lẽ? Trong nhà ta chỉ có con mèo, già lắm rồi, sắp hóa cáo đến nơi, là nom dữ dằn; hay con phụng này kỵ nó?

        Tất nhiên là đó rồi. Nay ông nuôi chim, thời phải cột mèo lại, đừng cho lảng vảng rình rập nữa.

        Nhưng thế không xong: Biết lấy ai đuổi chuột ? Hay ta che khuất cái lồng đi, cho chim khỏi trông thấy mèo?

        Tôi e vẫn hỏng.

        Nhưng còn biết thế nào?

        Khách về, trọc phú lấy giấy hoa dán quanh lồng chim, lại tìm cách vỗ béo bằng của ngon, vật lạ.

        Có điều, quái ác, con phụng vẫn không ca múa, không trổ mầu lông cũ. Được đâu chừng mươi hôm, bỗng réo om sòm. Cả nhà ùa đến xem, thẩy đều bàng hoàng: Chim đã thay lông đổi dáng hẳn - mỏ quắm, vuốt quằm, đầu đuôi đen nhánh, nom rõ ràng là quạ. Con mèo già, nhác thấy, len lét chuồn khỏi phòng khách.

        Trọc phú chẳng biết làm sao, nhưng tiếc món vàng đã bỏ mua chim, cố giữ lấy nuôi.

        Được cái, người người qua cửa, trông thấy cái lồng bạc phất giấy hoa giữa phòng khách, lại có bóng con chim nhẩy nhót ở trong, thời vẫn còn kháo nhau rằng trọc phú thế mà người hiền, nuôi được con phụng ngũ sắc!



        © 2000 Bùi Hoằng Vị
        http://vannghe.free.fr/buihoangvi/cohoctinhhoa/ch10.html
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.04.2006 10:19:37 bởi Ngọc Lý >
        #4
          Ngọc Lý 26.04.2006 10:22:03 (permalink)
          .
          11. ĐIỀU TÂM ĐẮC NHẤT
          (Trích HẬU TIẾU NGẠO) / SG, 19/04/1989



          Miêu Đại Giáo Chủ của Triêu Dương Thần Giáo thủa ấy xuất hiện trên chốn giang hồ, chỉ sau mươi năm đã dẹp tan mọi môn phái, bang, hội, chính, tà, thống nhất võ lâm thành một mối, lên ngôi Minh Chủ. Nhân ngày đăng quang đại lễ, quần hùng thẩy đều tụ về Trung Nguyên, dâng phẩm vật chúc mừng, tấp nập nói sao cho xiết. Chuyện kể hôm ấy, sau mấy tuần rượu, Miêu Đại Giáo Chủ cao hứng, vuốt cái ba chấm, bảo:

          - Từ thủa đó giờ ta đã lập nên bao kỳ công, khiến các vị tiền nhiệm như Nhậm Đại Giáo Chủ, Đông Phương Giáo Chủ, Lệnh Hồ Giáo Chủ, vân vân, giả có tái sinh, ắt cũng phải ganh tị. Trong số các kỳ công lẫy lừng kia, có điều ta vẫn tâm đắc hơn cả. Nay toàn thể giáo chúng các ngươi đây hãy thử đoán xem; kẻ nào nói được điều tâm đắc ấy của ta, ta sẽ thân thưởng cho một chung quỳnh tương mỹ tửu còn nóng hổi, vừa thổi vừa uống.

          Tiếng xì xồ liền nổi như ong. Đây chụm năm, kia chụm ba, người người ra sức thảo luận; cuối cùng, một gã mõm heo ngất ngưởng dứng lên, nói:

          - Kính trình Đại Giáo Chủ, theo ngu ý, ấy chính là lần ta dẹp tan bọn Ngũ Nhạc Kiếm Phái. Cao kiến của Đại Giáo Chủ: Lấy Độc bỏ Nhân, lấy Mạn bỏ Lễ, lấy Tham bỏ Nghĩa, lấy Ngu bỏ Trí, lấy Gian bỏ Tín, khiến bọn đệ tử của Nho Gia không biết đâu mà lường, phải một phen thất điên bát đảo, cuối cùng đã buộc thú nhận rằng họ Khổng thực chỉ đáng xách dép cho Giáo Chủ Triêu Dương Thần Giáo. Họ Khổng xưa cứ lui hui chạy lui chạy tới mà chẳng hề trị được quốc, bình được thiên hạ, thậm chí một chỗ dung cái thân để mà tu cũng chưa tìm nổi nữa; trong khi ấy, Đại Giáo Chủ ta chỉ cần ra tay một phen là bốn phương gom về một mối, nói gì tới những chuyện nhỏ mọn tu thân, tề gia? Ấy quả là điều tâm đắc nhất rồi vậy.

          Miêu Đại Giáo Chủ nghe nói, thì mắt lim dim; song chửa phán là đúng, cũng chẳng bảo rằng sai, thời một gã mặt ngựa kia khệnh khạng cướp lời:

          - Kính trình Đại Giáo Chủ, thiết tưởng ấy cũng chưa phải điều trí tuệ, nếu đem so với cuộc trấn áp phái Võ Đang. Bọn đạo sĩ ấy ngay từ đầu đã phải công nhận rằng Lão Giáo của chúng chẳng đáng rửa chân cho Giáo Phái ta: Xưa họ Lý đọc cả kho sách của nhà Chu rồi mới đúc kết được mỗi một cuốn kinh mỏng; nay Đại Giáo Chủ ta chẳng cần phải đọc tới hai cuốn sách, đã thừa sức viết nên những tuyệt tác để đời như Bạch Kinh, Miêu Tuyển, vân vân, dầy gấp mấy lần cuốn Đạo Đức Kinh nọ. Lại xưa họ Lý chủ trương ngồi một chỗ mà biết việc thiên hạ, thời nay Đại Giáo Chủ ta cũng đâu thèm xuất du khỏi cái đáy giếng này bao giờ, song chẳng những biết được việc, mà còn trị được cả thiên hạ nữa. Ấy chưa kể, xưa họ Lý văn đạo thời nín khe, chả dám hi hi tiếu ; nay Đại Giáo Chủ ta văn đạo thời văng luôn cả tục, dồng thời chẳng những hô hô đại tiếu, mà còn cả trung tiện chi nữa. Thế có thực đáng gọi là điều tâm đắc nhất không?

          Miêu Đại Giáo Chủ nghe gã kia nói, thì mồm chúm chím; song vẫn chửa phán là ừ, cũng chả bảo rằng không, thời một gã đầu trâu nọ hùng hổ dành lấy diễn đàn:

          - Kính trình Đại Giáo Chủ, ngần ấy kỳ công, kẻ tiện nhân trộm nghĩ , cũng chưa đáng gọi là sáng tạo, nếu đem sánh với trận cuối cùng, tức chiến dịch thanh trừng phái Thiếu Lâm. Chính bọn sư sãi Thiếu Lâm Tự cũng phải thán phục rằng Đại Giáo Chủ ta quả ra đời để chiếu hào quang Bắc Đẩu cho toàn thể Võ Lâm, và họ Thích thật chẳng đáng gãi mông cho Đại Giáo Chủ của Ma Giáo, à quên, của Triêu Dương Thần Giáo ta ; bằng chứng là, suốt một đời giang hồ của họ Thích thời con số các đệ tử chân truyền được độ cũng có bao giờ đạt đến số trăm, thế mà Đương Kim Đại Giáo Chủ ta chỉ cần vùng vẫy mươi năm là đã độ được ngay cho nửa tỉ sinh linh, giúp cho thẩy đều hốt nhiên đại ngộ; công lênh ấy chả ai bì được. Đấy chưa nói họ Thích xưa chỉ rủ rê được một dúm tỳ kheo, một y, một bát, lang thang, lủi thủi, xem ra âm thầm quá, nào như Đại Giáo Chủ ta hôm nay chỉ cần dụng võ một ngày cũng đủ kéo theo một góc hành tinh vào cái kiếp ăn mày cả lũ, đông vui biết mấy mà kể. Đấy mới là điều đáng lấy làm tâm đắc nhất chứ?

          Miêu Đại Giáo Chủ nghe gã này nói, thì đầu gật gù; song lại vẫn chửa chịu là hay, cũng khôn chê rằng dở, thời một gã lưng rùa, lè nhè tiến lại, ẩy cái gã vừa phát biểu ra, giằng lấy diễn đàn mà hoạc lên:

          - Nhảm, nhảm hết, chỉ khéo nói dài, nói dai. Thời nay, cái gì thì cái, nếu chẳng biết tổng hợp cho ngắn gọn thì có ăn ai? Miêu Đại Giáo Chủ ta cũng thế: Điều tâm đắc nhất của Người chính là ở chỗ biết tổng hợp đó.

          Nghe gã lưng rùa nói, toàn thể quần hùng mồm há hốc, còn Miêu Đại Giáo Chủ thời đít vắt ve, rõ là ưng ý quá. Gã kia dừng lại, dặng hắng, xong, mới tiếp tục lè nhè:

          - Sự nghiệp Đương Kim Đại Giáo Chủ ta độc đáo ở chỗ đã tổng hợp được tinh túy của cả ba Đại Môn Phái nọ: Trong ba thứ - Thái Cực, Vô Cực, và Cực Lạc, mà bọn họ Khổng, họ Lý, họ Thích, nhắm tới, Đại Giáo Chủ ta đã khéo rút lấy cái chung nhất , làm nên một thứ gọi tên Đại Khốn Cực , tức cái tinh túy tổng hợp của Triêu Dương Thần Giáo ta vậy. Ấy mới thực là điều ..

          Gã lưng rùa chửa hết lời, thời Miêu Đại Giáo Chủ đã cười hô hố, vô cùng khoái chá, phán rằng:

          - Hẩu. Tên này đáng để ta xem là đệ tử chân truyền đó. Có điều, ngươi không được phép nói toẹt ra như thế; bởi vậy, ta sẽ vừa thưởng lại vừa phạt ngươi luôn một thể, nghĩa là, ban cho ngươi quỳnh tương mỹ tửu, song không được uống vào chung, mà phải theo lối rượu cần, ngoạm ngay lấy mà nút vậy.





          © 2000 Bùi Hoằng Vị
          http://vannghe.free.fr/buihoangvi/cohoctinhhoa/ch11.html
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.04.2006 10:29:51 bởi Ngọc Lý >
          #5
            Ngọc Lý 26.04.2006 10:33:02 (permalink)
            .
            12. QUAN THIỀN
            SG, 19/04/1989


            Thủa đó dân Trung Quốc không theo đạo Thiền nữa, vì sợ bị xem là duy tâm, song tranh vẽ chân dung Bồ Đề Đạt Ma vẫn bầy bán khắp nơi, lại bán rất chạy. Tò Mò Tiên Sinh, người Nhật Bản, nhân sang chơi, thấy vậy, không khỏi lấy làm kỳ. Khôn ngăn được lòng, hỏi người bán tranh:

            - Xin bác vui lòng cho biết, bộ phận nào của nhân dân ở đây còn chuộng Thiền đến vậy?

            Người bán tranh vui vẻ đáp:

            - Thưa, chẳng giấu gì tiên sinh, ấy chính bộ phận các quan lại. Đặc biệt là chức quyền càng lớn, các ngài lại càng yêu tranh Tổ Sư.

            Tò Mò suýt xoa:

            - Thú vui tao nhã và minh triết quá. Thế chẳng hay vì đâu bác không vẽ tranh các vị khác nữa, để khách tha hồ chọn lựa?

            - Thưa, chẳng phải thế. Ban đầu tôi vẽ cũng nhiều, song chẳng bán được gì ngoài tranh Tổ Sư. Sau mới biết các quan tôi không chỉ chơi tranh, mà còn thực hành theo công phu Diện Bích Thiền của Tổ Sư một cách rất ư nghiêm nhặt nữa.

            - Không gì đáng khâm phục hơn. Khi nào về Nhật, tôi sẽ công bố sự kiện này. Chẳng phải giới quan lại ở qúy quốc đây đã tìm thấy điều tâm đắc của Thiền đến thế ru? Nước Nhật xem ra chữ Tâm còn kém cỏi, thua xa, thật đáng hổ thẹn.

            - E tiên sinh nhầm rồi: Các quan tôi đây chẳng phải vì cái chữ Tâm ấy chút nào đâu.

            - Xin lỗi bác nhé, nhầm sao được? Cứ tưởng tượng xem, một người tọa Thiền nhiệm nhặt, quay mặt vào vách hàng mấy chục năm, mảy may không động tịnh, thời còn có thể vì điều gì khác nữa chứ?

            - Chẳng giấu gì tiên sinh, chỉ e tiên sinh không thể lãnh hội điều tôi sắp nói đây: Quả thực các quan tôi chẳng phải vì cái chữ Tâm trừu tượng, phù phiếm kia đâu, song chỉ vì cái ghế cụ thể các ngài đang ngồi đó thôi. Hẳn tiên sinh đây không thể tưởng tượng nổi: Nếu các quan tôi chẳng luyện cho thành cái công phu Diện Bích Thiền nọ, thời các ngài có nguy cơ mất ghế như chơi. Số là, các ngài đã truyền tâm ấn cho nhau một kinh nghiệm vàng ngọc, là hễ cứ càng ngồi cho ngoan, càng im re rẻ rè re, đừng nói đừng làm gì, thời lại càng tuyệt diệt được cái khả năng sai phạm, chấp trước, và nhờ thế, càng được yên thân, chỉ việc chờ chuyển lên những cái ghế cao hơn; Ấy mới chính là lí do khiến các ngài đặc biệt ham chuộng công phu bí quyết của Đạt Ma Sư Tổ. Chẳng giấu gì tiên sinh, có một ngài nọ, chẳng những đã mua, mà còn mua cả đến những một trăm bức chân dung, nghe đâu để treo khắp mọi nơi, trong nhà cũng như ở cơ quan, hầu tâm trí lúc nào cũng được thường xuyên nhắc nhở, không hề xao nhãng khỏi con đường đã vạch.

            Nghe vậy, Tò Mò Tiên Sinh chỉ còn biết vội vàng rút bút ra mà ghi ghi chép chép cẩn thận vào cuốn sổ tay Nghìn Lẽ Một Điều Kinh Rị Cũa Thế Kỷ.




            © 2000 Bùi Hoằng Vị
            http://vannghe.free.fr/buihoangvi/cohoctinhhoa/ch12.html
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.04.2006 10:36:42 bởi Ngọc Lý >
            #6
              Ngọc Lý 27.04.2006 11:14:15 (permalink)
              .
              13. GIẤC MỘNG KHÔNG THÀNH
              (Trích TRƯ MÃ TRANH HÙNG) / SG, 20/04/1989



              Vua nước Mã những nuôi mộng thôn tính nước Trư, mỗi năm lại cho người dọ thám. Năm đầu, người ấy về, trình:

              Tâu Bệ Hạ, nước Trư giờ bệnh lắm.

              Nghĩa là thế nào ?

              Bẩm, thế này: Trư Vương chữ nghĩa chưa đầy lá mít, đạo hạnh chửa tày hạt gạo, lại đắm say tửu sắc, lúc nào cũng chỉ yến tiệc, vui thú với cung tần mỹ nữ, chẳng khác lợn heo.

              Vua Mã có bụng mừng, quay sang Mã Quân Sư, hỏi:

              Đã đủ để lấy nước ấy chưa ?

              Mã Quân Sư bảo:

              Còn phải đợi xem.

              Vua Mã nhíu mày, nhưng cũng chờ. Năm sau, người thứ hai trở về, lại rằng:

              Tâu, nước ấy bệnh lắm rồi.

              Nghĩa là thế nào?

              Bẩm, thế này: Các quan lớn nhỏ nước Trư trí tuệ gom lại chưa đến nửa gang, đức độ vun vào chửa đầy một nắm, lại bon chen danh lợi, suốt ngày xiểm nịnh, lách luồn, chẳng thua chồn cáo, với kéo bè, kéo cánh, kèn cựa, đấu đá lẫn nhau, chẳng kém chó mèo, lại chỉ giỏi đục khoét, nhũng lạm, hơn cả sâu bọ.

              Vua Mã có ý vui, quay sang Mã Quân Sư:

              Thế đã đủ rồi chứ ?

              Song, Quân Sư lại bảo:

              Vẫn phải đợi xem.

              Vua Mã bặm môi, nhưng vẫn đành chờ. Năm sau nữa, người thứ ba về, cũng rằng:

              Tâu, nước ấy bệnh quá lắm rồi.

              Nghĩa là thế nào?

              Bẩm, thế này: Dân nước Trư nghèo khổ, bệnh tật xác xơ, quanh năm cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, làm không đủ nuôi thân, lại sưu thuế mấy tầng, chẳng bằng trâu ngựa.

              Vua Mã lại khấp khởi quay sang:

              Bây giờ hẳn là đã đủ rồi đấy nhỉ?

              Song, Quân Sư vẫn bảo:

              Vẫn còn phải đợi xem đã.

              Vua Mã dậm chân, song cũng lại đành chờ. Lại năm sau, người cuối cùng trở về, rằng:

              Tâu, nước ấy hết thuốc rồi.

              Nghĩa là thế nào?

              Bẩm, thế này: Kẻ hiền, người tài ở đấy đều thất nghiệp, vô dụng cả; suốt đời chỉ biết làm những chuyện vặt vãnh, vẩn vơ, cho qua thì giờ, chẳng hơn gì gà vịt.

              Vua Mã lườm xéo Mã Quân Sư:

              Còn bảo chưa đủ nữa thôi ?

              Mã Quân Sư thở dài, bảo:

              Thôi, thế là chẳng bao giờ vua tôi ta còn hòng lấy được nước Trư nữa rồi !

              Vua Mã hết chịu nổi, gắt ầm lên:

              Sao lại kỳ cục như thế được ? Khanh còn đòi hỏi phải đến đâu nữa nào? Tại làm sao chứ?

              Mã Quân Sư rầu rĩ, bảo:

              Bởi cái nước Trư ấy thế là coi như đã chết mất rồi, không còn nữa. Phàm Bệ Hạ đòi lấy vật gì, thời chỉ có thể lúc vật ấy còn đó, chớ một khi nó đã mất đi rồi, làm sao mà lấy cho được nữa ? Nay cũng vậy, làm gì còn trên đời này cái gọi là nước Trư cho ta thôn tính? Xin Bệ Hạ hãy cố quên giấc mộng kia đi.

              Thế rồi vua tôi ôm lấy nhau mà khóc òa, rất đáng thương tâm.


              © 2000 Bùi Hoằng Vị
              http://vannghe.free.fr/buihoangvi/cohoctinhhoa/ch13.html
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 27.04.2006 11:18:48 bởi Ngọc Lý >
              #7
                Ngọc Lý 27.04.2006 11:30:19 (permalink)
                .
                14. THIÊN NIÊN CHI DIỆU KẾ
                (Trích HỒI KÝ DIÊM VƯƠNG) / SG, 20/04/1989





                Dạ Xoa Quỷ một đêm khuya khoắt nọ bay lên mặt đất, nách cắp một cuốn sổ liệt tên những kẻ nó phải triệu về Âm Phủ. Nhân ngang qua một thị trấn đang say ngủ, Dạ Xoa nhác thấy một nơi còn leo lét ánh đèn, lại tuồng như có tiếng tranh luận, thì lấy làm lạ, liền xà xuống xem. Hóa ra ấy là bản doanh của Đại Ác Đầu Đà; tên này đang tập hợp năm đệ tử thân tín để cùng bí mật đề xuất một kế hoạch làm mạt đất nước. Dạ Xoa cả mừng, bởi lẽ, tình cờ sao, cả sáu tên đều có trong danh sách về chầu Âm Phủ ngay đêm nay. Thế là Quỷ ghé xuống cửa sổ, ngồi nghỉ chốc lát, tiện thể nghe xem chúng bàn bạc những gì. Lúc ấy, Đại Ác Đầu Đà đang cất giọng the thé, giục:

                - Nào, khuya rồi, chúng bay sơ lược lại kế hoạch từng đứa cho ta duyệt lần chót coi, đặng còn đi ngủ.

                Một trong năm tên Tiểu Đầu Đà đứng lên, phát biểu trước:

                - Thưa Sư Phụ, kế hoạch của đệ tử là như vầy: Ngũ Niên Chi Kế Mạc Như Ăn Nhậu. Đem kế này dụ cho dân làm theo, thời dẫu có Bụt hiện xuống giúp, cả nước cũng vẫn sẽ phải đi ăn mày mất năm năm. Sư Phụ nghĩ sao? Đã độc đáo chưa?

                - Được quá chớ. Song còn chưa độc đáo. Chỉ có năm năm, thời ít quá.

                Dạ Xoa nghe qua, chưa kịp giật mình, chợt thấy một tên khác giơ tay, nói:
                - Sư Phụ à, kế hoạch của đệ tử đẹp hơn nhiều: Thập Niên Chi Kế Mạc Như Vui Chơi. Đem kế này dụ cho chúng làm theo, thời dẫu có Tiên hiện xuống giúp, cả nước cũng vẫn sẽ phải bị gậy cầm tay mất mười năm. Sư Phụ nghĩ sao? Đã ghê gớm chưa?

                - Khá thật chớ. Song còn chưa ghê gớm. Chỉ có mười năm, còn là ít.

                Dạ Xoa nghe qua, thời lè lưỡi, bỗng thấy tên thứ ba gãi đầu, nói:

                - Sư Phụ, kế hoạch của đệ tử mới là ngon: Tam Thập Niên Chi Kế Mạc Như Tham Ô. Đem kế này dụ cho các quan lớn, quan bé của chúng làm theo, thời dẫu có Thần hiện xuống giúp, cả nước cũng vẫn sẽ phải ngửa tay xin tiền lẻ mất ba mươi năm. Sư Phụ nghĩ sao? Đã khủng khiếp chưa?

                - Hay thật chớ. Song còn chưa khủng khiếp. Ba mươi năm, vẫn chưa là nhiều.

                Dạ Xoa nghe qua, suýt hắt hơi, thời lại thấy tên thứ tư vỗ bàn, nói:

                - Sư Phụ nè, kế hoạch của đệ tử mới là chắc ăn: Ngũ Thập Niên Chi Kế Mạc Như Trù Dập. Đem kế này dụ từ Vua cho tới bọn Lý, Hào, làm theo, thời dẫu có Thánh hiện xuống giúp, cả nước cũng vẫn sẽ phải ngồi xổm chìa nón ở các ngã tư, cổng chợ, bến xe, vân vân, mất năm mươi năm. Sư Phụ nghĩ sao? Đã kinh dị chưa?

                - Giỏi thật chớ. Song còn chưa kinh dị. Dẫu là năm mươi năm, vẫn chưa hết một đời người.

                Dạ Xoa nghe qua, thời tái mặt, lại thấy tên Tiểu Đầu Đà cuối cùng chu mỏ huýt gió một cái, nói:

                - Ê Sư Phụ, kế hoạch của đệ tử mới là êm ru: Bách Niên Chi Kế Mạc Như Nói Dối. Đem kế này dụ cho hết thảy, từ Thái Thượng Hoàng cho tới bọn dân đen, làm theo, thời dẫu có ông Trời đích thân xuống giúp, cả nước cũng vẫn sẽ phải lậy ông đi qua, lậy bà đi lại ở nơi nơi, hang cùng ngõ hẻm, đầu đường xó chợ, mất một trăm năm. Sư Phụ nghĩ sao? Đã lạnh lùng chưa?

                - Tuyệt diệu. Tuyệt diệu. Lạnh lùng dza dziết. Và nếu như ta cho pha trộn tổng hợp cả năm phương án của chúng bay lại, gia giảm liều lượng, thời còn mầu nhiệm đến đâu ? Ắt là cả cái nước này cho đến mấy nghìn năm sau cũng chưa hòng ngóc đầu dậy. Thế mới là Thiên Niên Chi Kế chớ. Chà, ngày mai chúng ta sẽ phải cho thi hành ngay.

                Dạ Xoa nghe qua, vã mồ hôi, ớn lạnh, lảo đảo tìm nơi cạo gió, bụng bảo dạ:

                - Thôi, phải đề nghị Diêm Vương xóa tên sáu thầy trò chúng khỏi cuốn sổ này; đem chúng về, Âm Phủ có mà tàn mạt!





                © 2000 Bùi Hoằng Vị
                http://vannghe.free.fr/buihoangvi/cohoctinhhoa/ch14.html
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 27.04.2006 11:31:33 bởi Ngọc Lý >
                #8
                  Ngọc Lý 27.04.2006 20:32:26 (permalink)
                  .
                  17. MẤY AI HỌC ĐƯỢC CHỮ LỜ
                  SG, 26/04/1989





                  Ngố Sinh đọc sử Tầu đời Đông Chu, thấy Ngô thua Việt, phải chết thảm, có ý buồn, bởi Ngô, Ngố một vần, đem dạ tương liên. Lù Đù Tiên Sinh thấy vậy, khuyên:

                  - Chẳng việc chi lại buồn: Nào phải dưng không mà kẻ thắng người thua ? Thẩy đều do quy luật cả.

                  Ngố Sinh hỏi, giọng thê lương:

                  - Tiên sinh bảo, thế nào là do quy luật?

                  - Thế này: Phù Sai phạm cả bốn cái làm, đồng thời mắc cả bốn cái lười; đại bại là cái lẽ đương nhiên.

                  - Thế nào là phạm cả bốn cái làm?

                  - Một, là nghe lời xiểm nịnh. Hai, là yêu dùng tiểu nhân. Ba, là sa đà nữ sắc. Bốn, là kiêu ngạo, mất cảnh giác. Phù Sai đã chăm làm cả bốn việc đó vậy.

                  - Còn thế nào là mắc cả bốn cái lười?

                  - Một, là nghe lời can gián. Hai, là tin dùng quân tử. Ba, là văn ôn võ luyện. Bốn, là biết người biết mình, cảnh giác cho nghiêm. Phù Sai đã chây lười cả bốn việc đó vậy.

                  Ngố Sinh bèn ngửa mặt lên trời, than:

                  - Than ơi, thế mới biết, mấy ai học được chữ lờ? Nó âm hiểm làm sao! Được bốn cái này thời mất bốn cái kia. Thời nào cũng như thời nấy, thật đau đớn cho kẻ nuôi chí lớn trong thiên hạ lắm thay!

                  - Ừa, chính vậy. Hiểu được cái lẽ đó, hà tất còn u buồn mãi làm chi? Thôi, cố mà vui lên.




                  © 2000 Bùi Hoằng Vị
                  http://vannghe.free.fr/buihoangvi/cohoctinhhoa/ch17.html
                  #9
                    Ngọc Lý 28.04.2006 01:31:41 (permalink)
                    .
                    16. QUÂN SƯ LUẬN DỊCH
                    (trích DỊCH HỌC TINH RANH) / SG, 24/04/1989





                    Thiên Vương lên ngôi báu đã lâu, song tình trạng Địa Quốc vẫn không khá, trái lại, còn thêm nát bét: Trên dưới, phải trái, trong ngoài, trông rất kinh dị. Vương tìm cách vớt vát; suy nghĩ mãi, một hôm bàn với Vô Cụ Thiền Sư, một cao tăng từ Tây Trúc sang đất này giúp hoằng đạo. Vương hỏi:

                    - Nay Trẫm muốn xây lại ngôi Quốc Tự kia cho lớn hơn, khanh thấy thế nào?

                    Vô Cụ đáp:

                    - Trị phong tất chẳng thay thế cho trị đạo, trị thuật được, song nếu ý Bệ Hạ muốn, thời cứ làm.

                    Thế là Vương khởi sự. Có điều, đập bỏ ngôi chùa cũ đi thì dễ, mà dựng nó lại không ngờ khó quá: Đất hết chuồi lại sụp, hết sụp lại mô lên; cứ phải xây đi cất lại mãi. Vẫn chưa hết: Hôm khánh thành, cái chuông Đại Hồng bỗng rơi xuống, nền nhà rạn nứt cả. Thiên Vương giận quá, thét tả hữu đem cả cai lẫn thợ ra chém; Vô Cụ phải can:

                    - Bệ Hạ không nên làm thế. Lỗi nào ở họ? Thần nghe nói, hễ lúc Địa Quốc này gặp vận bỉ, thời xây Đại Tự không bao giờ thành. Đừng nói ấy chỉ là trị phong, mà cả lục trị, sáu mặt đều suy: Trị đạo, trị thuật, thời hóa ra chẳng dung nhau. Trị thể, chỉ gặp toàn phường giá áo túi cơm, đội trên đạp dưới. Trị tài, chỉ gặp toàn loài ếch ngồi đáy giếng, múa gậy vườn hoang. Trị học, chỉ gặp toàn quân đọc một cuốn sách, thách cả thánh hiền. Nghĩ mà kinh, thần không nói nữa.

                    - Trẫm vẫn có chỗ chẳng hiểu, cần được giải đáp.

                    - Xin cứ hỏi.

                    - Trẫm nghe đã nhiều lắm rồi cái câu Nước nhà gặp vận bỉ. Thế là thế nào? Bởi lục trị đều suy, cho nên vận bỉ, hay bởi vận bỉ, cho nên lục trị đều suy?

                    - Hai thứ ấy khó phân biệt được. Còn như nguyên nhân của cái bỉ vận kia, thời có thể tìm thấy lời giải thích trong Lục Thập Tứ Quái Chi Tượng Đồ bên Dịch Học, thần chẳng dám lạm bàn.

                    - Pháp danh là Vô Cụ, sao còn điều chẳng dám?

                    - Nếu Bệ Hạ không hứa tha tội trước, thời thần chẳng vô cụ.

                    - Trẫm hứa đó.

                    - Thế thì xin nói: Bệ Hạ hiệu là Thiên Vương, xã tắc lại danh là Địa Quốc; thượng Càn mà hạ Khôn như thế, Dịch Kinh gọi là quẻ Bỉ. Cùng dã. Thiên Hạ Tím Loạn Chi Tượng.

                    - Muốn cho qua hết cái bỉ, phải đến bao giờ?

                    - Bỉ cực, thái lai. Trong Kinh Dịch, gọi quẻ Thái, ấy là khi Khôn nằm trên Càn, tức Thiên ở dưới Địa vậy.

                    - Phải hiểu đó như thế nào?

                    - Theo đó thời phải hiểu ấy là khi Bệ Hạ không còn ở trên mặt đất này nữa.

                    - Hiểu rồi. Gọi ngươi là Vô Cụ thật phải lắm. Trẫm đã lỡ hứa nên tha tội chết cho, song không muốn dòm thấy mặt ngươi nữa.

                    Nói đoạn, thét tả hữu:

                    - Quân bay, trói thằng cha già dịch này lại, đem xuống thuyền gửi trả về Tây Trúc ngay cho Trẫm.






                    © 2000 Bùi Hoằng Vị

                    http://vannghe.free.fr/buihoangvi/cohoctinhhoa/ch16.html
                    <bài viết được chỉnh sửa lúc 28.04.2006 01:35:52 bởi Ngọc Lý >
                    #10
                      Ngọc Lý 29.04.2006 08:37:04 (permalink)
                      .
                      19. CƯỜI HAY KHÓC?
                      SG, 27/04/1989



                      Tuệ Tử sang Ngưu Quốc dậy toán, khi về còn cười trí thức nước Ngưu là ngu. Người đời hỏi:

                      - Sao bảo vậy?

                      Tử kể:

                      - Vừa rồi, qua đó dậy rằng: hai lần hai là bốn; thảy đều sợ hãi, bảo là quá táo bạo. Chẳng qua ở đấy họ chỉ biết làm phép Cộng, chưa học đến phép Nhân. Thế là ta bị điệu ra vành móng ngựa, kết tội đảo điên.

                      - Quả dốt thật. Nhưng sao lại bảo là ngu?

                      - Thời gian ta bị luận tội, từ Toán Học Hàn Lâm Chủ Tịch Viện đến bọn học trò, cho chí người gác cổng, thẩy đều lảng tránh cho xa ta, ngay cả chào hỏi, bắt tay, cũng chẳng dám, sợ liên lụy. May sao, ít lâu sau, Ngưu Thái Tử du học ở đâu về, tuyên bố: Phép Nhân, ấy chính là phép Cộng. Hai lần hai, ấy chính là hai cộng hai. Khi ấy mọi người mới lại dám nhìn đến ta, chào hỏi và bắt tay.

                      - Thế thì hèn thật. Nhưng sao lại bảo rằng ngu?

                      - Chao. Vừa dốt lại vừa hèn, còn chưa gọi được là ngu ư?

                      Nói rồi, cười lớn, lại khóc lớn. Người đời càng khó hiểu, hỏi nữa:

                      - Sao phải khóc?

                      - Thực, ta cười ít, chứ lo nhiều.

                      - Sao lại còn lo nữa?

                      - Ta có người bạn cố tri, tên gọi Minh Tử, đang dậy Triết bên ấy. Theo y thời hai cộng hai là bốn, đồng thời cũng chẳng phải là bốn, bởi vậy mới gọi là bốn. Chao, cái triết lý thâm diệu nọ, chẳng chóng thì chầy, cũng ắt sẽ khiến y phải ném đá, hỏa thiêu, hay chôn sống thôi. Kinh nghiệm nước Ngưu muôn đời là thế. Ta khóc, ấy là khóc cho người bạn cố tri, sẽ phải chết vì cái ngu của người đời vậy.



                      © 2000 Bùi Hoằng Vị
                      http://vannghe.free.fr/buihoangvi/cohoctinhhoa/ch19.html
                      <bài viết được chỉnh sửa lúc 29.04.2006 08:40:12 bởi Ngọc Lý >
                      #11
                        Ngọc Lý 30.04.2006 09:06:26 (permalink)
                        .
                        20. CÁI NHỨC ĐẦU CỦA PHÀM NHÂN
                        SG, 27/04/1989





                        Thủa ấy Phàm Nhân ở sát vách Gầm Ghì Đại Phu, suốt ngày cứ nghe sang sảng từ bên nhà Đại Phu tiếng một người đọc sách thánh hiền, dạy những lời đạo đức, nhân nghĩa, thời mắc chứng nhức đầu kinh niên; song, có ý thẹn, tự biết mình ít học, kém hạnh, lại sinh lòng kính phục Đại Phu: Hễ có dịp gặp ở đâu, thời chỉ đứng xa, cung kính vái chào, tuyệt không dám viện tình lối xóm để sàm sỡ kết thân.

                        Cũng thủa ấy, trong vùng trộm cướp luôn, có khi giết cả người, cực kỳ táo tợn. Thiên hạ chẳng biết ai là thủ phạm, cứ ngờ cho Đạo Chích Tử. Phàm Nhân buồn bực quá, bởi lẽ Đạo Chích dẫu sao cũng là chỗ thân thuộc; nhiều bận, đã định sang nhà Đại Phu tâm sự cho vơi bớt nỗi niềm, song lại thôi, vì vẫn ngại, cứ nghĩ, người ta là bậc uy nghi đạo hạnh, chỉ quen những tình tự thánh hiền, nghe những lời đạo đức, nhân nghĩa.

                        Thế rồi một hôm lệnh triều đình về, cùng với cơ man nào là binh vệ, gươm giáo. Hóa ra người ta đang truy tầm bọn cướp trong vùng. Đạo Chích Tử xanh mặt, trốn sang nhà Phàm Nhân, nằm lăn dưới gậm giường, không dám thở. Phàm Nhân lại thấy quan quân rõ là đang xộc về phía nhà mình, thời hết bứt tóc đến dậm chân, một cứ nguyền rủa thằng cháu khốn nạn. Ngờ đâu người ta lại ập thẳng vào nhà Gầm Ghì Đại Phu mà lùng xét ; lát sau, bắt trói cả nhà, giải đi, cùng với bao nhiêu tang vật. Cả xóm mới vỡ lẽ, ấy chính là thủ phạm những vụ trộm cướp, giết người táo tợn bấy nay; ai nấy thở phào nhẹ nhõm.

                        Ấy thế mà Phàm Nhân lại hóa nhức đầu gấp bội, bởi lẽ, cho đến khi ở bên kia vách xem ra đã vắng tanh cả rồi, thời vẫn nghe sang sảng tiếng một người đọc sách thánh hiền, dạy những lời đạo đức, nhân nghĩa. Không thể chịu được nữa, nửa khuya hôm ấy Phàm Nhân đốt một ngọn đuốc, quyết đích thân sang tận cửa, xem tận mắt. Đến nơi, mới ngã ngửa rằng, cái Đấng tối ngày giảng dạy những chân lý cao siêu nọ chẳng là ai khác hơn một con vẹt bẩy mầu, béo đẫy, nuôi trong cái lồng treo giữa nhà.

                        Cũng từ ấy Phàm Nhân mới có cơ khỏi hẳn chứng nhức đầu kinh niên.






                        © 2000 Bùi Hoằng Vị

                        http://vannghe.free.fr/buihoangvi/cohoctinhhoa/ch20.html
                        <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.04.2006 09:08:34 bởi Ngọc Lý >
                        #12
                          Ngọc Lý 02.05.2006 13:12:18 (permalink)
                          .
                          22. CHẾT VÌ LẦM
                          (Trích HỒI KÝ CỦA DIÊM VƯƠNG) / SG, 02/02/1989



                          Trong số các kẻ thù, Cam Giáo căm ghét nhất bọn đệ tử của Nho Giáo; hễ có dịp là nặng lời chửi bới, thóa mạ. Xảy một tối nọ, hai đệ tử mới nhập môn Cam Giáo, cùng làm nhiệm vụ canh gác, nhân lúc buồn chán, tranh thủ đem bài bản ôn lại. Một kẻ bảo:

                          - Huynh đài ơi, đệ thấy trên đời này chưa từng có ai mặt dầy đến như bọn Nho Giáo đó.

                          - Mặt dầy là sao?

                          - Huynh đài xem, suốt ngày bọn chúng cứ xoen xoét những là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, ấy thế mà những việc chúng làm thời chẳng giống ai: rặt một phường lừa thầy phản bạn, đội trên đạp dưới, nom mà ghê. Tuồng như bọn chúng đã đứt hết dây thần kinh mắc cỡ rồi vậy. Riêng đệ thấy, thời chúng chẳng những mặt dầy, mà còn đểu mạt hạng.

                          - Đểu thế nào?

                          - Huynh đài xem, mồm thì dậy nào là Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh , ấy thế mà có đứa nào nghĩ lo cho dân? Trái lại, chỉ nhung nhúc một bọn về hùa với lão Vua phong kiến, ra sức cưỡi đầu đạp cổ, nạo xương vắt máu người, cốt sao no béo đẫy đà cho chính bản thân chúng thôi.

                          Cả hai đang hăng say ôn tập, những tưởng sáng mai sẽ được điểm tốt, tiếng khen đến nơi, nào ngờ có một đệ tử tân tòng nữa, để ý rình nghe cuộc đối thoại giữa hai người, lại câu được câu mất, nên sinh ngờ, đem vào tâu cùng Đại Giáo Chủ. Lập tức hai kẻ nói trên bị bắt trói, giải vào Giáo Trướng. Đại Giáo Chủ phùng mang, dịu dàng thét:

                          - Hai đứa bay to gan, dám bảo Cam Đại Thần Giáo ta là đứt dây thần kinh mắc cỡ với lại dểu mạt hạng ư? Quả tội đáng chết.

                          Cả hai rụng rời, một mực kêu ca:

                          - Đại Giáo Chủ minh xét, chúng tôi chửa hề nói một lời nào về Bản Giáo, mà thực tình chỉ thóa mạ bọn Nho Giáo thôi. Có Trời làm chứng, hai bên một trời một vực, hệt ngày với đêm, sáng với tối, như vậy, mà sao có kẻ hiểu lầm thế được? Thật oan cho chúng tôi lắm thay.

                          Mặc cả hai vật vã phân trần, đao phủ vẫn lôi đi. Trước khi chết, hai người còn than khóc; đao phủ cười, bảo:

                          - Chúng mày bảo ngày với đêm, sáng với tối, là khác nhau một trời một vực ư? Ba cái sự vụ đó, dẫu sống lâu đến như ông Bành Tổ kia cũng chưa dễ gì đã phân biệt được cho minh, nói gì tới bọn trẻ ranh chúng mày Chưa rành thị phi đã học đòi triết lý, chết là phải lắm.

                          Nói đoạn, vung đao chém.

                          *

                          Lại nói hai kẻ vừa mới rơi đầu, đã vội vã ôm đầu lên, chạy tìm ngay Diêm Phủ, đệ đơn khiếu nại. Diêm Vương phán:

                          - Đại Giáo Chủ Cam Giáo có lầm, song chỉ là cái lầm nhỏ; còn nhị vị đây đã lầm, ấy mới là cái lầm lớn đó.

                          - Sao lại lầm lớn được?

                          - Quả có vậy: Cam Giáo chọn lấy Nho Giáo làm kẻ thù bất khả dung, nào phải bởi họ khác nhau? Cái đối cực của họ Khổng ấy chính là họ Lý, họ Trang kia. Song đã gọi đối cực, tất phải cộng sinh đồng tồn, có bao giờ lại đi hủy diệt lẫn nhau ? Nay Cam Giáo tìm diệt bọn đệ tử của Nho, hiển nhiên chẳng thể vì cái thế đối cực, mà chính bởi cái thế đồng cực vậy. Kẻ thù ta ắt phải là người giống ta hơn cả, lại chẳng phải giống ở cái nết tốt, nhưng là ở cái thói xấu kia, thời mới có thể trở thành bất cộng đái thiên vậy được. Nay chẳng hay nhị vị đã nhận thấy cái lầm lớn của mình chưa?

                          Bấy giờ, cả hai mới ngơ ngác nhìn nhau, thốt rằng:

                          - Chao, hóa ra tên đao phủ nọ mới là kẻ minh triết hơn ai hết vậy ru?!




                          © 2000 Bùi Hoằng Vị
                          http://vannghe.free.fr/buihoangvi/cohoctinhhoa/cohocindex.html
                          <bài viết được chỉnh sửa lúc 02.05.2006 13:17:47 bởi Ngọc Lý >
                          #13
                            Ngọc Lý 02.05.2006 13:27:18 (permalink)
                            .
                            30. TỰ DO
                            SG, 04/05/1989


                            Hội Yêu Súc Vật vừa rồi bẫy được một con Rồng, mình tỏa hào quang cầu vồng bẩy sắc, lẫn hương trầm ngào ngạt. Ai nấy đều mừng, bởi ấy là con vật báu độc nhất vô nhị trên đời.

                            Người ta bàn nuôi nó trong gian đại sảnh của trụ sở Hội; hết tìm thay đủ loại lồng sơn son thếp vàng, lại lùng mua đủ thứ của ngon vật lạ, thôi thì chẳng thiếu món gì. Tuy vậy, thật đáng buồn: Con Rồng, từ khi bị bẫy, chẳng thiết ăn uống, cũng chẳng ngủ nghê, lại tuồng như đau ốm.

                            Thế, cả Hội xô đi tìm thuốc thang, lại cũng chẳng thiếu món gì. Dầu vậy, vẫn chỉ là vô ích: Con Rồng càng ốm nặng, cuối cùng, hóa liệt lào. Qua được bẩy tuần, thời chết rũ; hào quang lẫn hương thơm đều lịm tắt.

                            Cả Hội buồn thảm quá, lại quay sang ma chay hết sức linh đình. Chẳng ai nỡ liệm xác Rồng, chỉ đặt lên một mâm bạch kỳ nam, nghi ngút khói hương bốn chín ngọn bạch lạp bằng sáp ong tinh tuyền.

                            Ai nấy đã chuẩn bị nước mắt, cũng một bài ai điếu dài hơn trượng, dài như chưa bao giờ, thời lạ quá: Ở đâu bỗng thốc vào một trận cuồng phong, tắt ngóm cả đuốc đèn. Khi gian sảnh được thắp sáng lại, chẳng ai trông thấy con Rồng đâu nữa. Đang cơn bối rối, chợt nghe tiếng cười khanh khách (thế có đáng giận không !); ai nấy giật thót. Thì ra con Rồng: Nó đang bay lượn ngoài trời, ngay trước thềm sảnh, mình lại tỏa hào quang bẩy sắc cầu vồng chói lọi, lẫn mùi hương ngào ngạt. Nó bảo:

                            Nơi ở của Rồng phải là cõi trời đất mênh mông vĩnh hằng. Thức ăn uống chỉ là mây với gió. Rồng chẳng biết ở nơi lầu các, cũng chẳng ẩm thực như người. Thôi, chào nhé. Bận sau xin chớ cất công tìm bẫy nhau làm chi. Thế ni mới là sống chứ?

                            Nói rồi, thong thả bay đi, để lại một vệt hào quang lộng lẫy, ngạt ngào thơm ...

                            Mọi người bấy giờ đã tỉnh hồn, lập tức ào ạt quay ra tống tiễn theo một tỉ lời xỉ vả đắng nhất, chua nhất, độc địa nhất, ... Thôi thì, lại cũng chẳng chịu thiếu món gì.



                            © 2000 Bùi Hoằng Vị
                            http://vannghe.free.fr/buihoangvi/cohoctinhhoa/cohocindex.html
                            <bài viết được chỉnh sửa lúc 02.05.2006 23:04:10 bởi Ngọc Lý >
                            #14
                              Ngọc Lý 03.05.2006 08:45:11 (permalink)
                              .
                              26. SỰ THẬT GIẢN ĐƠN
                              SG, 03/05/1989




                              Goằng Goại Đạo Nhân đang phê Thiền, thời có người chạy vào, hốt hoảng:

                              - Sư đệ của người, hoàn tục từ thủa đó, xuống chốn phồn hoa sinh sống, nay chẳng hiểu sao lại đi tô hô giữa phố chợ, không một mảnh vải che thân.

                              Đạo Nhân chậm rãi mở mắt, quay hỏi đệ tử:

                              - Các người có hiểu vì sao?

                              Đông đệ tử đáp:

                              - Thưa, đệ tử cam đoan, Sư Thúc đã gặp phải hung đồ, bị trấn lột sạch sẽ rồi. Đáng thương vậy thay.

                              Tây đệ tử nói:

                              - Cũng chưa chừng. Biết đâu Sư Thúc đã chẳng độc dâm thư, ngoạn dâm cảnh quá nhiều, nay nổi lòng tà vạy? Đáng trách vậy thay.

                              Bắc đệ tử lại bảo:

                              - Không thể như thế: Sư Thúc vốn tánh thuần nhã. Nay chỉ có thể đã hốt nhiên tẩu hỏa nhập ma, đứt cả dây thần kinh ngượng đó. Đáng lo vậy thay.

                              Nam đệ tử cãi:

                              - Chẳng có lý nào. Chúng ta thẩy đã chẳng chủng ngừa dại cả ư? Nhất định, Sư Thúc đã ngộ được lối vào Thiên Nhiên, không chấp giả thân, giả y nữa. Đáng mừng vậy thay.

                              Đạo Nhân chẳng nói gì, chỉ sai người xuống núi tìm gặp, hỏi rõ ngọn nguồn; trở về, người trình:

                              - Thưa, có gì đâu?! Chẳng qua độ rày Sư Thúc nghèo quá, hết cả quần áo mặc, thế thôi.



                              © 2000 Bui Hoang Vi
                              http://vannghe.free.fr/buihoangvi/cohoctinhhoa/ch26.html
                              #15
                                Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 21 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9