Mẫu người văn hoá - Bản sắc văn hoá - Tiến sĩ Đỗ Lai Thúy
Ngọc Lý 26.04.2006 10:04:42 (permalink)
.
Đỗ Lai Thúy
Mẫu người văn hoá - Bản sắc văn hoá
Nguyễn Văn Ninh thực hiện





Tiến sĩ Ðỗ Lai Thuý là tác giả của nhiều tập chuyên luận, nghiên cứu, tiểu luận, chân dung: Mắt thơ, Hồ Xuân Hương - hoài niệm phồn thực, Từ cái nhìn văn hoá, Chân trời có người bay, đồng thời là chủ biên các cuốn sách: Nghệ thuật như là thủ pháp, Phân tâm học và văn hoá nghệ thuật, Phân tâm học và văn hoá tâm linh, Phân tâm học và tình yêu, Sự đỏng đảnh của phương pháp.

Văn hoá Việt Nam - nhìn từ mẫu người văn hoá (Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, Hà Nội 2005, 493 tr.) là công trình mới nhất của ông vừa được xuất bản. Công trình được đánh giá là đã "sử dụng một mô thức mang tính phương pháp luận khá mới mẻ”, một “bước thử mang tính đột phá quan trọng" (PGS-TS Trần Ngọc Vương - Ðại học Quốc gia Hà Nội) [1] . Tác giả cuốn sách, có thể nói, là người đã “mở đầu cho hướng tiếp cận nhân cách học trong nghiên cứu lịch sử văn hoá” [2] (GS-TS Hoàng Vinh- Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

Ông đã có buổi nói chuyện xung quanh tác phẩm này và những vấn đề liên quan đến văn hoá đang diễn ra trong cuộc sống hôm nay.



Nguyễn Văn Ninh: Lý do nào khiến ông chọn hướng tiếp cận nghiên cứu văn hoá Việt Nam thông qua mẫu người văn hoá?

Ðỗ Lai Thuý: Nghiên cứu văn hoá Việt Nam (VHVN) từ mẫu người văn hoá tránh cho tôi được hai cái khó: 1- Khỏi phải nghiên cứu theo kiểu biên niên sử - kiểu nghiên cứu gần như duy nhất ở ta hiện nay; 2- Tránh được cách hiểu văn hoá như là con số cộng của các thành tố của nó. Ví dụ, văn hoá Lý-Trần thì sẽ bao gồm kiến trúc Lý-Trần cộng với văn hoá Lý-Trần cộng với mỹ thuật Lý-Trần...

Văn hoá, theo tôi, là phần giao hội của tất cả mẫu người văn hoá chính. Nghiên cứu đối tượng này giúp ta có được chiếc chìa khoá để đi vào văn hoá.

Nguyễn Văn Ninh: Nhìn từ mẫu người văn hoá để nghiên cứu, ông chia người Việt thành năm nhóm: con người làng xã, con người vô ngã, con người quân tử, con người tài tử và con người cá nhân. Trong xu thế phát triển của xã hội Việt Nam, mẫu người nào trong năm nhóm kể trên sẽ giảm và mẫu người nào sẽ tăng lên?

Ðỗ Lai Thuý:
Các mẫu người văn hoá, như tôi đã trình bày, không phải là nối tiếp nhau trong lịch sử, mà là gối tiếp nhau. Trong xã hội Việt Nam, cho đến nay, vẫn còn tồn tại cả năm mẫu người văn hoá. Chỉ có điểm khác là, ở thời đại này, mẫu người văn hoá này nổi lên làm yếu tố chủ đạo, còn ở thời đại khác thì mẫu người văn hoá khác lại giữ địa vị chủ đạo. Cứ thế, nó thay thế nhau làm chủ đạo, chứ không phải thay thế nhau mà tồn tại. Khi xã hội Việt Nam phát triển, cũng không có mẫu người nào mất đi cả, hoặc nếu có mất đi thì cũng còn lâu, mà chỉ có những biến động nhất định. Ví dụ, mẫu người quân tử, tài tử có thể sẽ thu hẹp lại vì xã hội hiện đại cần chuyên môn sâu và cách làm việc nghiêm ngặt buộc anh phải điều chỉnh. Trong xã hội hiện nay, con người cá nhân tuy chiếm ngôi vị chủ đạo nhưng chưa thực sự vững chắc, nhưng tương lai chắc chắn thuộc về con người cá nhân.

Nguyễn Văn Ninh: Văn hoá Việt Nam có tính cộng đồng rất cao. Có thể thấy điều này qua những câu thành ngữ phổ biến như: "Thương người như thể thương thân”, “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ...". Xét trong quá khứ và hiện tại, ưu điểm và nhược điểm của tính cộng đồng là gì, thưa ông?

Ðỗ Lai Thuý: Ðúng vậy. Cho đến nay, tính cộng đồng trong văn hoá Việt Nam vẫn rất cao. Đấy là một nét đậm của văn hoá chúng ta. Trong quá khứ, tính cộng đồng là một yếu tố làm ổn định xã hội ở thời bình và động viên toàn dân khi có chiến tranh.

Tính cộng đồng làm cho con người thương yêu nhau, giúp đỡ nhau khi có hoạn nạn, yêu sự bình đẳng. Ðó là những ưu điểm. Nhưng khi Việt Nam bước vào xã hội hiện đại hoá thì tính cộng đồng cũng bộc lộ ra những nhược điểm của nó như kìm hãm sự phát triển của quá trình cá nhân hoá và xã hội hoá. Nó cũng đẻ ra tư tưởng cào bằng "cha chung không ai khóc", "của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng". Đó là nguồn gốc của tệ nạn tham nhũng hiện nay. Ngoài ra, tính cộng đồng còn dung dưỡng thói duy tình, cản trở tinh thần pháp luật cũng như việc xây dựng một nhà nước pháp quyền và một xã hội dân sự.

Nguyễn Văn Ninh: Trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hoá, cơ tầng văn hoá Việt, ngoài lớp bản địa, còn có những lớp phủ văn hoá Trung Hoa, Ấn Độ, văn hoá phương Tây... Theo đánh giá của ông, trong tương lai, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nền văn hoá nào nhiều nhất?

Ðỗ Lai Thuý:
Văn hoá Việt Nam tự thân là văn hoá mở. Và trong quá trình phát triển, nó lại tiếp thu nhiều nền văn hoá khu vực khác như Ấn Ðộ, Trung Hoa... và văn hoá phương Tây. Trong quá trình rời khỏi nền văn hoá khu vực để nhập vào nền văn hoá thế giới, kể từ đầu thế kỷ 20 đến nay, chúng ta tiếp thu văn hoá phương Tây. Bởi lúc này, văn hoá phương Tây có tính hiện đại và tính thế giới, vì nó đã đi trước văn hoá Việt Nam một, hai thế kỷ. Hiện nay, tuy văn hoá phương Tây không phải là đại diện duy nhất cho thế giới hiện đại nữa nhưng nó vẫn là một đại diện tiêu biểu. Bởi vậy, trong tương lai, theo tôi, Việt Nam chúng ta vẫn phải tiếp thu, dĩ nhiên như chúng ta thường nói là tiếp thu có chọn lọc, nền văn hoá phương Tây.

Nguyễn Văn Ninh: Phương Tây cũng không phải là tất cả. Trong mấy năm vừa qua, các đài truyền hình chiếu khá nhiều phim Hàn Quốc và điều này đã tác động khá rõ đến đời sống xã hội, đặc biệt là tầng lớp thanh niên. Người ta thấy trên đường phố, trong các thôn xã, nhiều người ăn mặc, nhuộm tóc, cử chỉ nói năng “nhái Hàn”. Vậy hiện tượng này là sự xáo trộn văn hoá hay du nhập văn hoá?

Ðỗ Lai Thuý: Ðúng. Phương Tây không phải là tất cả, nhưng là bội số chung lớn nhất với những chuẩn mà nhiều nước phải theo.

Trong quá trình giao lưu và mở cửa hiện nay, việc tiếp thu văn hoá nước ngoài là chuyện tất nhiên. Văn hoá Hàn Quốc đã đi trước chúng ta về việc hiện đại hoá và thế giới hoá, lại tương đối gần chúng ta về tâm lý và lối sống vì cùng thuộc mẫu văn minh Ðông Á. Bởi vậy, nó đã nhanh chóng xâm nhập vào Việt Nam, nhất là ở tầng lớp thanh niên, vì thanh niên là lớp người nhạy cảm và cởi mở nhất trong xã hội. Theo tôi, chúng ta cũng không nên quá ngại khi thấy trên đường phố có những hiện tượng "nhái Hàn". Ðây chỉ là hiện tượng quá khích, mà những hiện tượng quá khích bao giờ cũng chỉ mang tính nhất thời. Cơ chế tự điều chỉnh của văn hoá Việt Nam sẽ nhanh chóng xoá đi những hiện tượng quá khích như vậy để giữ lấy những cái gì tốt đẹp nhất. Nếu coi đây là xáo trộn thì sự xáo trộn này chỉ ở trên bề mặt, nên đừng làm gì để ảnh hưởng đến sự du nhập văn hoá, điều mà nền văn hoá một đất nước muốn phát triển không thể không thực hiện.

Nguyễn Văn Ninh: Hội nhập, hoà nhập là khái niệm được nhắc khá nhiều trong thời gian qua, nhiều đến mức có cảm tưởng đôi khi người ta quá lạm dụng khái niệm đó, có nguy cơ làm mòn nghĩa của nó đi. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này? Theo ông nên dùng từ nào thì đúng hơn? "Hoà nhập chứ không hoà tan" - nó có bao nhiêu nghĩa và thể hiện căn tính người Việt ở cấp độ nào? Chúng ta đã hoà nhập chưa và "hoà tan được" liệu có phải là cách tốt hơn?

Ðỗ Lai Thuý: Ở ta, bất cứ một cái gì đúng đắn, có giá trị là tức khắc trở thành mốt. Ai ai cũng dùng. Dùng nhiều quá mà nhất là không đúng chỗ thì sẽ trở nên nhàm. Mà cái gì đã nhàm thì sẽ khiến người ta hoài nghi về sự đúng đắn của nó. Những khái niệm như hội nhập, hoà nhập cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhưng không vì thế mà chúng ta không dùng. Cái mốt sẽ tan đi và sự đúng đắn sẽ trở lại với nó.

Hội nhập, hoà nhập, theo tôi, từ nào cũng được, miễn là phải dùng những từ ấy với nghĩa thực của nó, chứ không phải như một sáo ngữ. Khái niệm “hội nhập” gợi ta nghĩ đến hình ảnh “trăm sông đều đổ ra biển”. Các nền văn hoá quốc gia dân tộc sớm muộn gì cũng phải hội nhập vào đại dương của văn hoá nhân loại. Nhưng hội nhập như thế nào? Hội nhập là hoà vào nhau, nhập với nhau mà vẫn không mất đi nét riêng của mình, thậm chí, càng giữ được nét riêng thì sự hoà nhập càng chặt chẽ bởi cái riêng sẽ bổ sung cho cái chung. Còn hoà nhập mà đánh mất cái riêng của mình thì là hoà tan. Hoà nhập giống như người quân tử "hoà mà không đồng", còn hoà tan giống như kẻ tiểu nhân "đồng mà không hoà".

Nguyễn Văn Ninh: Thế giới càng nhất thể hoá bao nhiêu thì vấn đề sắc tộc càng nổi lên bấy nhiêu. Ðể bảo vệ cái riêng của mình, chúng ta phải làm gì?

Ðỗ Lai Thuý:
Tôi muốn dùng chữ toàn cầu hoá thay cho chữ “nhất thể hoá”, mặc dù hai chữ này có phần trùng nhau. Toàn cầu hoá là một xu thế tất yếu của sự phát triển. Bởi vậy, nếu chúng ta nhận thức được sự tất yếu ấy thì chúng ta phải chủ động chuẩn bị các điều kiện của mình để tham dự vào quá trình toàn cầu hoá. Còn nếu cưỡng lại nó, chúng ta sẽ bị nó cuốn đi một cách bị động. Ðúng là trong toàn cầu hoá, sẽ có một số cái riêng bị mất mát. Nhưng đó là cái riêng không bản chất, cái riêng bề ngoài. Còn cái riêng căn cốt, nhất là trong lĩnh vực văn hoá của chúng ta, thì sẽ không bị mất đi. Bởi một mặt, chúng ta chủ động và có ý thức giữ gìn nó; mặt khác, toàn cầu hoá còn gây ra xu hướng ngược lại là cá biệt hoá, tức là bảo vệ lấy cái riêng của văn hoá tộc người, văn hoá dân tộc để bảo vệ sự đa dạng văn hoá nhân loại.

Nguyễn Văn Ninh: Ðọc cuốn sách của ông, đặc biệt ở những phần nói về các mẫu nhà văn, có cảm tưởng ông nghiêng về phía phê bình văn học, mà phương pháp nghiên cứu văn hoá xưa nay ít người làm thế. Vậy, theo ông, như vậy đã khách quan chưa?

Ðỗ Lai Thuý: Trong văn hoá Việt Nam cổ truyền, văn học bao giờ cũng là yếu tố trội. Nghiên cứu mẫu người văn hoá tức là nghiên cứu thứ văn hoá đã trầm tích trong tâm thức của con người. Bởi thế, nếu tôi có lấy những nhà văn làm dẫn liệu thì cũng là chuyện bình thường. Hơn nữa, trong công trình này, văn học chỉ là điểm xuất phát chứ không phải là đích đến của tôi. Mong bạn đọc không hiểu lầm.

Nguyễn Văn Ninh:
Chỉ bằng ngần ấy mẫu người, liệu đã đủ để hình dung về bản sắc văn hoá Việt Nam?

Ðỗ Lai Thuý: Từng ấy mẫu người văn hoá là chưa đủ. Tôi còn muốn viết thêm về mẫu người huyền thoại mà ở Việt Nam, tiêu biểu là con người thần linh. Tôi hy vọng có thể bổ sung phần này nếu cuốn sách có cơ hội được tái bản.

Nguyễn Văn Ninh: Xin cảm ơn ông!

© 2006 talawas



-------------------------------------------
[1] Sđd, bìa 3.
[2] Sđd, bìa 3.


http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=7029&rb=0306
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9